THIÊN CHÚA, MỘT CHÚT LỊCH SỬ CỦA ĐẤNG VĨ ĐẠI NHẤT (16): (PHẦN CHÍN-1): THIÊN CHÚA CỦA CÁC TRIẾT GIA – TRẬN CHIẾN LỚN CỦA LÝ TRÍ THUẦN TÚY

clip_image002

clip_image003

GOTT. EINE KLEINE GESCHICHTE DES GRÖSSTEN

Tác giả : Mansfred Lütz

Người dịch : Phạm-Hồng-Lam

(CHÍN – 1)

THIÊN CHÚA CỦA CÁC TRIẾT GIA –

TRẬN CHIẾN LỚN CỦA LÝ TRÍ THUẦN TÚY

Có một môn học mang cái tên thật không dễ gì cả: Triết học (Philosophie = Yêu sự khôn ngoan). Nghề của các triết gia là suy nghĩ vế í nghĩa của cái toàn thể. Như vậy, tại sao ta lại không nên hỏi triết gia về đề tài quan trọng này: Thiên Chúa?

Thứ nhất là vì có rất ít triết gia. Không phải hễ ai học triết đều là triết gia cả, và đôi khi những kẻ gọi là triết gia chẳng khác gì những đại chuyên gia ngớ ngẩn. Ngoài ra, triết gia lại hay có thói quen làm cho sự việc ra thành khó hiểu, điều này lẽ ra nghề nghiệp của họ không cho phép họ làm. Về phương diện này, vị triết gia lớn nhất thời Trung cổ, Tô-ma ở Aquino, đã đưa ra một nguyên tắc: Mỗi khi gặp các câu hỏi nền tảng về í nghĩa cuộc đời hay về các nguyên tắc đạo đức căn bản, ngài phải hỏi í kiến của Vetula, bà mẹ quê già mù chữ; nếu bà đồng í với quan điểm ngài đưa ra, thì ngài coi quan điểm đó là thật sự cần thiết, trường hợp ngược lại, ngài vứt bỏ suy nghĩ của mình. Tất cả những gì liên quan thật sự tới í nghĩa cuộc đời, tới Thiên Chúa và tới các nguyên tắc đạo đức, thì chúng cũng có liên hệ mật thiết với tất cả mọi người, không trừ một ai, và vì vậy câu trả lời phải dễ hiểu để mọi người cùng hiểu.

Nếu câu trả lời chỉ dành cho một tầng lớp ưu tú mà thôi, thì ta có đủ lí do nghi ngờ về sự hiện hữu của một Thiên Chúa tốt lành. Mà cái kiểu kết bè ưu tuyển như thế chẳng qua chỉ là hình thái tiếp nối của những hội kín thờ huyền bí và theo ngộ giáo của thời Cổ hay của những lạc giáo huyền bí khác. Dĩ nhiên cũng có những triết gia thích phô trương. Triết gia Karl Jaspers (1883-1969) chẳng hạn đặt triết gia lên một vị trí vượt trội và đặc biệt đưa họ thoát ra ngoài cái nhu cầu tôn giáo thông thường của đám bình dân trong hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc sống họ. Vì thế ông đặt cho Thiên Chúa một tên mới: Das Umgreifende (Đấng nắm chặt). Thời còn ngồi ghế nhà trường tôi đã bực mình về tên gọi đó. Nó nghe ra trịnh trọng đấy, nhưng theo tôi chẳng mang lại một nhận thức mới mẻ nào cả.

Karl Jaspers là một bác sĩ tâm thần nổi tiếng. Tác phẩm Allgemeine Psychopathologie (Tâm bệnh học tổng quát) ông viết lúc 29 tuổi dùng làm luận án lên ngạch giáo sư đã giúp tôi nhiều khi tôi bắt đầu bước vào nghề chữa trị tâm lí. Nhưng về mặt triết học, ngày nay chẳng còn ai nhớ đến tên ông. Trong khi chữ „Geworfenheit“ (bị quẳng ra ngoài) của Heidegger máy vi tính vẫn cho qua bình thường, thì chữ „Umgreifende“ của ông bị gạch đít mầu đỏ. Điều này làm tôi nhớ tới cuốn truyện của Heinrich Böll: Doktor Murkes gesammeltes Schweigen (Im lặng tích luỹ của tiến sĩ Murke), trong đó có một anh chàng ra vẻ ta đây nhưng có nhiều ảnh hưởng đã yêu cầu đài phát thanh cắt chữ „Thiên Chúa“ mà anh ta hay dùng trong các bài thuyết trình của mình ra và thế vào đó chữ „một thực tại nào đó trên cao, mà ta tôn thờ.“

1. CÁC THÁNH CÃI LỘN – CÁC CHỨNG MINH VỀ THIÊN CHÚA

Khởi đầu triết học Âu châu là Sokrates, nếu không kể tới những mảnh vụn tư tưởng còn lại của các triết gia cổ hơn trước đó. Sokrates là một nhà tư tưởng không giống như những vị khác. Ông không coi mình là quan trọng, chẳng viết cuốn sách nào, ông chỉ đi ra chợ và hỏi han những người bình dân. Nếu là một câu hỏi hiện sinh liên quan tới mọi người, thì có lẽ tốt nhất nên hỏi những người bình thường nhất, chứ đừng hỏi những tay chỉ biết lập lại những kiến thức nay nhớ mai quên, mà họ mới học được đâu đó. „Triết học không có bổn phận tìm hiểu việc người khác trước đây nghĩ gì, mà trách nhiệm của nó là tìm hiểu xem sự thật của vấn đề như thế nào“, bậc thầy lớn nhất của thời Trung cổ, Tô-ma ở Aquino, đã nói như thế. Những câu hỏi của Sokrates được đặt ra trong chiều hướng đó. Qua câu hỏi và cách hỏi, ông bắt người ta suy nghĩ về cái cơ bản nhất của cuộc sống con người. Nhờ đó, ông có được những câu trả lời không những đúng cho những người được hỏi, mà còn mang í nghĩa quyết định cho họ. Nhưng nghệ thuật của Sokrates không phải hệ tại nơi câu trả lời, mà là nơi câu hỏi, câu hỏi mở ra một con đường để ngỏ. Lối đối thoại này phù hợp với mô thức đối thoại lí tưởng mà tôi hằng nghĩ tới lúc còn trẻ. Người hỏi không phải là kẻ coi mình biết hết mọi sự, nhưng đặt ra những câu hỏi, trong trường hợp hay nhất, có thể đưa đến cho ông những câu trả lời đầy ngạc nhiên. Nhưng ông cũng không đặt đại ra bất cứ câu hỏi nào, mà phải là những câu gắn liền với kinh nghiệm đã có của người được hỏi. Và với kinh nghiệm đó, người được hỏi phải đấu tranh thực sự với chính mình.

Riêng câu hỏi về Thiên Chúa, Sokrates thời đó cũng rơi vào một hoàn cảnh không phải không hoàn toàn giống với ngày nay. Đám trí thức tếu lâm có tài hùng biện thời đó, còn gọi là các tay ngụy biện, đã tạo nên một không khí ngờ vực trước mọi chuyện. Họ nghi ngờ sự hiện diện của cái gọi là sự thật, họ ca ngợi tính ích kỉ và chối bỏ mọi thứ luân lí đạo đức. Họ coi đạo đức chỉ là thú tiêu khiển của những kẻ đần độn. Xem ra mọi tư tưởng của Nietzsche đã phảng phất nơi họ, và họ cũng đã đi đến chủ nghĩa Hư vô tuyệt đối. Đối với giới nguỵ biện, Thiên Chúa là một sáng tác của con người, đặc biệt là của giới cầm quyền, và đạo đức cũng như luật pháp chỉ là bức tường bảo vệ kẻ yếu trước sức mạnh trấn áp của những người quyền thế.

Và rồi một con người bình thường xuất hiện, chân chẳng mang giày dép gì cả. Ông đối chất công khai với những tay ngụy biện giỏi nhất, dần dà dồn họ vào thế chân tường, khiến họ cuối cùng phải nhận ra rằng, chính họ cũng không chấp nhận được cái hoài nghi của họ. Yêu cầu đầu tiên của Sokrates đối với con người: Trước hết hãy tự biết chính mình đã, và đó là căn bản để tạo ra một nhận thức xác thực mới. Nhận thức xác thực này có thể sẽ soi sáng cho những ai suy tư, để họ hiểu rằng, thà chịu đau khổ vì bất công, còn hơn là làm điều bất công. Ánh mắt thân tình và câu hỏi xoáy sâu của Sokrates buộc người đối diện phải hiểu ra rằng, mỗi người, ngay cả chính mình, cần phải làm điều thiện. Mà Thiện là điều kiện của Mĩ và Chân; Platon, học trò của Sokrates và là người chân truyền học thuyết của thầy mình, về sau đã phát biểu như thế. Sokrates đã mường tượng ra một Thiên Chúa qua lực thôi thúc làm điều thiện ẩn tàng trong mỗi người đó. Thiên Chúa này dĩ nhiên chưa sáng tỏ lắm, nhưng xem ra không có không được đối với Sokrates. Cái Đẹp của đền Pantheon mà ngày ngày Sokrates có dịp chiêm ngưỡng cũng giúp ông hình dung về một Thiên Chúa. Và cuối cùng, cái Chân đã kéo Thiên Chúa mà ông mường tượng đó từ bầu trời tư tưởng đời đời chiếu toả vào trần thế cuộc sống. Chân là điều Sokrates ngày đêm hằng suy tư và cũng là mục tiêu ông muốn hướng tới trong mọi cuộc trao đổi với con người. Trên đây là những điều mà học trò lớn nhất của ông, Platon, đã trình bày về thầy mình. Platon cho rằng tư tưởng mới là nền tảng, và thế giới chỉ là một phản ảnh của tư tưởng mà thôi. Trong bức họa của Raffael ở Athen, Platon đứng ở vị trí trung tâm, một tay chỉ lên trời ám chỉ thế giới tư tưởng.

Nhưng cũng ngang tầm với Platon là một triết gia cổ thời khác đang bước lại gần ông, đó là Aristoteles, mà Tô-ma ở Aquino một thời vẫn gọi là „triết gia“. Bức hoạ của Raffael cho thấy, ông gia sư của đại đế Alexander này không hướng lên trời, nhưng đăm đăm dán mắt xuống đất, xuống thực tế cuộc sống. Suy tư về thực tế cuộc sống trần thế là bổn phận cao đẹp nhất của triết gia. Cả hai chiều kích đó sẽ hiện diện suốt chiều dài lịch sử con người. Không những Platon cho ta nhiều lí chứng tốt biện minh cho Thiên Chúa. Mà cả Aristoteles nữa. Tô-ma ở Aquino đã sử dụng lối lí luận của Aristoteles để đưa ra những minh chứng hùng hồn về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Ai lại không ngạc nhiên về chuyện các thần học gia ki-tô giáo dám thảnh thơi dùng tư tưởng của các triết gia sống nhiều trăm năm trước công nguyên và hoàn toàn chẳng liên hệ gì với Ki-tô giáo cả, để đưa ra những lí chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa? Hơn nữa, Sokrates, người hùng của Platon, sinh thời đã bị kết án là vô thần và phải uống thuốc độc chết. Aristoteles, người đã cung cấp cho Tô-ma ở Aquino những bằng chứng về Thiên Chúa, bị Georges Minois ngày nay xếp vào hạng vô thần. Thêm vào đó, môn đồ của Platon trong các thế kỉ đầu sau công nguyên, thành phần được gọi là Tân Platon, đã nhìn vào Ki-tô giáo với con mắt khinh thị, vì họ không thể nào chấp nhận được niềm tin „nhập thể“ nơi ki-tô hữu. Đối với họ, thân xác là „nhà tù của tinh thần“, và mọi thứ vật chất, mà các thần linh trên núi Olympia rất ham, đều không thể nào cưu mang được hình ảnh về Thiên Chúa.

Những nhà tư tưởng ki-tô giáo đầu tiên, những người được gọi là các giáo phụ, đã gạt phăng mọi liên hệ với tập thể thần linh cổ thời; và họ nỗ lực dùng niềm tin vào đức Giê-su Ki-tô như là câu trả lời cho những câu hỏi còn mở ngỏ của triết học cổ thời. Đó là một công tác trí óc khó khăn, bởi vì câu hỏi về Thiên Chúa không thể hiểu một cách ngây thơ mập mờ như nàng Gretchen „Ông cha xứ cũng nói điều đó gần giống như vậy, nhưng với những ngôn từ hơi khác một chút“ trong kịch Faust của Goethe được. Các giáo phụ đã phải giải quyết giữa một Thiên Chúa bất biến của triết học Hi-lạp với một Thiên Chúa của Kinh Thánh hành động đầy uy quyền trong lịch sử, giữa một thần linh tạo hoá của Platon, kẻ đã nặn ra thế giới từ bùn đất nguyên thuỷ, với một Thiên Chúa của Kinh Thánh, đấng đã vì yêu thương tạo nên thế giới từ hư không, giữa một „nguyên lí cuối cùng“ của triết học hi-lạp, và nguyên lí này vẫn là thành phần của thế giới, với một Thiên Chúa bên ngoài thế giới của Kinh Thánh, đấng vẫn tiếp tục đỡ nâng thế giới và con người trên tay mình. Và lối giải thích Thiên Chúa kinh thánh bằng ngôn ngữ triết học hi-lạp và nhất là việc dùng các í niệm triết học hi-lạp để diễn tả niềm tin ki-tô giáo và sự nhập thể của Thiên Chúa đã quá thành công, đến nỗi những trí thức ngoại giáo ngoại hạng như Aurelius An-tịnh, những nhà bác học như Hyeronimus ở Rô-ma, và những chính trị gia có đầu óc như Ambrosius ở Milano đã chấp nhận lí tưởng ki-tô giáo cho mình. Như thế, Ki-tô giáo đã thừa kế gia sản triết học hi-lạp và rô-ma, và đã nhận vào cho mình toàn bộ kho dụng cụ triết học của các tư tưởng gia lớn nhất thời Cổ.

Công tác tri thức to lớn của những thế kỉ đầu có đem lại cho chúng ta ngày nay một số í niệm thần học ki-tô giáo khó hiểu. Nhưng, chỉ nhờ như vậy, Ki-tô giáo mới có thể có được những câu trả lời thật sự hữu lí cho các vấn nạn nóng bỏng của con người thời đó. Bằng không, thì Ki-tô giáo cũng vẫn chỉ là một trong những tôn giáo, một thứ giáo phái với những giáo lí khiên cưỡng không đâu vào đâu cả…

Chúng ta đã biết sự mê say lí trí của thời Trung cổ ki-tô giáo. Người ta đi vào chiều sâu suy tư, suy nghĩ cho tới tận cùng, tranh cãi nhau chí choé: Các thánh chia phe cãi lộn. Dù vậy, các đầu óc suy tư lớn vẫn bình thản vươn lên tới trời xanh, vươn lên không thua đại thánh đường bằng đá ở Ile de France. Thời đó, niềm tin vào Thiên Chúa vẫn là một trong những chọn lựa của con người, người ta vẫn có thể đi theo niềm tin khác. Nhưng công việc minh chứng Thiên Chúa của các triết gia trung cổ không nhất thiết là vì phải đối diện với Vô thần. Song họ cố gắng dùng phương tiện lí trí để làm cho đức tin đã có thành ra dễ hiểu, đặc biệt như Tô-ma ở Aquino đã làm. Đó không phải là những việc làm dư thừa, bởi vì những phong trào vô lí vẫn không ngừng rộ nở và tiếp tục đe doạ đức tin ki-tô giáo.

Đây là 5 con đường nhận biết Thiên Chúa của Tô-ma ở Aquino:

1. Mọi chuyển động đều bắt nguồn từ một chuyển động khơi nguồn. Vì vậy ta có thể lần mãi về quá khứ, đi tới cái chuyển động hích khơi nguồn đầu tiên. Điểm khơi nguồn này tạo ra chuyển động, nhưng tự thân nó thì không chuyển động. Ta gọi cái khơi nguồn đó là Thiên Chúa. Không có một cú hích, không thể nào có được những chuyển động tiếp nối.

2. Trên thực tế có những nguyên nhân tác động tạo ra những hậu quả (hậu quả không nhất thiết là những chuyển động). Cũng thế, ta có thể lần mãi về quá khứ, để tìm tới cái nguyên nhân tác động đầu tiên. Nguyên nhân này tạo ra tác động, nhưng chính nó thì lại không bị tác động. Ta gọi nguyên nhân này là Thiên Chúa. Trên thực tế không thể có những chuỗi hậu quả bất tận, nếu không có nguyên nhân.

3. Có những cái có khả năng hoặc hiện hữu hoặc là không hiện hữu, nghĩa là những cái xuất hiện và biến mất. Nếu như tất cả mọi cái đều mang trong mình tính cách một lúc nào đó sẽ không hiện hữu nữa, thì tới một lúc nào đó tất cả chúng cũng sẽ biến mất. Và như vậy vũ trụ này sẽ là không. Và từ không sẽ là không, chứ cái Không không thể nào sinh ra cái Có được. Vì vậy, phải có một cái gì nhất thiết phải có đã, và cái nhất thiết Có này sẽ là nguyên nhân của cái nhất thiết Có khác. Và cái Có nguyên nhân ta gọi là Thiên Chúa.

4. Có những cấp bậc trong các sự vật khác nhau. Có cái tốt hơn hay ít tốt hơn, có cái thật nhiều hơn hay ít thật hơn. Để có thể nói được „ít hơn hay nhiều hơn“, ta phải đồng thời mường tượng tới một tiêu chuẩn cao nhất nào đó. Nghĩa là phải có cái gì tốt nhất, cái gì thật nhất đã. Không có cái cao nhất đó, không thể có cấp bậc để so sánh. Cái tốt nhất, thật nhất… đó ta gọi là Thiên Chúa.

5. Ta thấy có những sự vật tự nó không thể nhận biết được gì, chẳng hạn bất cứ một vật thể tự nhiên nào đó, vậy mà chúng có một mục tiêu để hướng tới. Tự chúng, chúng không thể chọn cho mình một mục tiêu nào cả, bởi vì chúng không có khả năng nhận biết, nhưng vẫn hướng tới một mục tiêu. Một sự vật tự thân không biết gì cả, mà lại hướng tới một mục tiêu, tất nó phải được một thực thể nhận biết và nhìn xa nào đó hướng dẫn. Thực thể này ta gọi là Thiên Chúa.

Triết gia hiện đại người Pháp Jacques Maritain cho rằng, các chứng minh Thiên Chúa trên đã trụ được cho tới ngày nay, vượt qua mọi thứ chỉ trích phê bình. Như là một học trò trung thành của Aristoteles, Tô-ma luôn khởi sự suy tư từ những hiện tượng có thể quan sát được. Cái lối chứng minh „bản thể học“ – dùng suy tư để chứng minh Thiên Chúa – của thánh Anselm ở Canterbury (1033-1109) về sau này bị Tô-ma đánh giá là ít thuyết phục. Các thánh cãi nhau! Những vị khác, hàng thánh có Bonaventura, hàng không thánh có Descartes và Hegel, thì lại thấy lí luận của Anselm thuyết phục. Thánh Anselm nói, tên ngu đần nào cũng tối thiểu nghĩ được rằng, Thiên Chúa là đấng „lớn không thể tưởng tượng được“. Một khi Thiên Chúa, đấng lớn không thể tưởng tượng được, chỉ là một hình ảnh trong trí mà thôi, thì tất phải có một cái gì còn lớn hơn, đó là Thiên Chúa trong trí óc trong thực tế. Như vậy, theo ngài, chắc chắn phải có một cái gì đó „lớn không thể tưởng tượng được“ không những trong trí óc mà đồng thời cả trong thực tế. Thánh nhân tin rằng, với cách thức đó, Thiên Chúa tỏ lộ hình ảnh Người ra cả trong suy tư của con người.

Cả An-tịnh cũng có một lối minh chứng Thiên Chúa không xuất phát từ sự quan sát bên ngoài. Ngài cho rằng, các quy luật có giá trị vô thời hạn của lí trí, mà người ta bắt buộc phải tuân giữ khi tìm hiểu sự thật, là dấu chỉ hiện hữu của một thẩm cấp muôn đời vượt lên trên con người là thứ có thể thay đổi và lầm lẫn. Và thẩm cấp này không gì khác hơn Thiên Chúa. Ngay Nietzsche cũng coi trọng suy tư này, khi ông viết: „cả chúng ta ngày nay là những kẻ nhận biết, những kẻ vô đạo và chống lại siêu hình, chúng ta rút lửa của chúng ta khỏi đám cháy đã khơi lên từ niềm tin đã có từ hàng ngàn năm nay, đó là niềm tin của các ki-tô hữu, cũng là niềm tin của Platon, niềm tin đó dạy rằng, Thiên Chúa là sự thật và sự thật mang thiên tính.“ Trong thời hiện đại chúng ta, triết gia Robert Spaemann đã rút ra kết luận: „Chỉ khi có Thiên Chúa, mới có cái gì khác như là những hình ảnh chủ quan về thế giới, mới có cái gì như ‘sự vật tự thân’… Đó là những sự vật như Thiên Chúa nhìn thấy chúng. Nếu không có cái nhìn của Thiên Chúa, sẽ chẳng có sự thật bên kia những viễn tượng chủ quan của chúng ta… Dấu vết Thiên Chúa trong thế giới là chính chúng ta. Í niệm con người là hình ảnh của Chúa, thường được dùng như chỉ là một ám dụ, ngày nay có một í nghĩa chính xác không thể tả. Hình ảnh của Thiên Chúa có nghĩa: có khả năng nhận biết sự thật.“ Và trước câu hỏi: „Người tin Chúa tin gì?“, triết gia trả lời: „Họ tin vào một sự hữu lí nền tảng của thực tại. Họ tin rằng, sự thiện cơ bản hơn sự dữ. Họ tin rằng, cái thấp hơn phải được cái cao hơn thông hiểu, chứ không phải ngược lại. Họ tin rằng, phải có điều hữu lí rồi mới có cái vô lí, và điều có nghĩa không phải là một biến thể của vô nghĩa.“

Dĩ nhiên, mọi thứ triết lí về Thiên Chúa toàn hảo cũng chỉ là một nỗ lực bất toàn của con người, điều này các nhà tư tưởng thiên chúa giáo đều đồng í. Và họ biết rằng, mọi từ ngữ và í niệm, mà con người thường dùng để mô tả thế giới như là một tấm gương, sẽ rạn vỡ, khi họ áp dụng cho Thiên Chúa. Nhưng dù sao, những mảnh vụn của tấm gương bể đó cũng còn cho ta mường tượng được một hình ảnh về Thiên Chúa. Những ai không hiểu lối chứng minh Thiên Chúa của thánh Tô-ma, hay hiểu mà không chia sẻ quan điểm, cũng đừng thất vọng, vì cũng ngay trang đó, nhà đại tư tưởng của thời Trung cổ đã trích lời thánh An-tịnh: „Mọi đầu óc thụ tạo không thể hiểu được Thiên Chúa, nhưng chạm được Người bằng trí tuệ, dù cách nào mặc lòng, thì đó là hạnh phúc lớn nhất.“ Điều này có í nghĩa gì, ta sẽ thấy trong phần bàn về thần bí ki-tô giáo.

Nhưng không chỉ có các „minh chứng về Thiên Chúa“ của Ki-tô giáo mà thôi. Triết học cổ thời đã nhận có một đấng tạo hoá, khi nhìn vào trật tự diệu kì của thế giới: Như một con tàu, phải có một thuyền trưởng lèo lái, mới về được tới bến, thì sự vận hành đều đặn của biến cố thiên nhiên cũng phải do một tinh thần siêu nhân nào đó hướng dẫn. Cho mãi tới trong thời Khai sáng, và cả tới ngày nay, lối minh chứng này luôn bị tấn công. Thánh An-tịnh đã phát triển tiếp suy tư này một cách vô cùng cảm động, khi người cầu xin tạo dựng kể cho nghe chút gì về Thiên Chúa: „Câu hỏi của tôi là í nghĩ của tôi, câu trả lời của tạo dựng là nét đẹp của nó.“

(còn tiếp nhiều kỳ)