HUẾ CỔ – VẾT TÍCH ĐẠO VÀ ĐỜI (6): I. CÁC PHÁP ĐÌNH CỦA HUẾ CỔ: 5. CÁC CÔNG TRƯỜNG, CHỢ VÀ ĐƯỜNG PHỐ. 6. PHU VĂN LÂU

5- Các Công Trường,

Chợ và Đường Phố

Chân phước Micae Hồ Đình Hy, vị thượng quan quản đốc hoàng cung mà chúng ta từng nói đến, đã gánh chịu một loại hình đặc biệt trước khi hoàn tất cuộc tử đạo của mình bằng án trảm quyết.

Đây là nguyên văn bản án kết tội ngài:

« Hồ Đình Hy, ban đầu là Lục Sự, đã dần dần được thăng lên bậc thượng quan.hueco11 Nó đã dám coi khinh phép nước và chạy theo tà đạo mà không tỏ chút hối lỗi… Nó đáng chết ngàn lần; phải lập tức chém đầu để làm gương cho kẻ khác ».

« Hơn nữa, ta lệnh cho 5 quan chức và 15 binh lính bắt lấy Hồ Đình Hy và dẫn nó đi ba lần, cách nhau ba ngày, trong nội thành (18), qua các phố chợ, trên các quảng trường; ở mỗi nơi này, một mõ Toà phải lớn tiếng công bố như sau: Hồ Đình Hy phạm tội xưng tà đạo… vì lẽ ấy, nó bị kết án tử hình ».

« Phải phổ biến tuyên ngôn này khắp nơi để mọi người biết, làm Kitô hữu chẳng có ích gì. Ngoài ra, ở mỗi ngã tư, sẽ đánh kẻ can án 30 trượng. Khi đã dẫn nó đi như thế trong 3 ngày, sẽ chém đầu nó; hầu trước cảnh tượng này, đạo hữu sẽ bẽ mặt mà sửa mình. Khâm thử ».

Bản án dữ tợn này được thi hành ngày 15, 18 và 21 tháng 5 năm 1857. Mỗi một ngày này, Micae Hồ Đình Hy đã bị dẫn đi trong nội thành Huế và chịu đánh đòn ở hai quảng trường trong những quảng trường chính. Ngày 22, ngài bị chém đầu.

Như vậy, đối với vị Chân phước của chúng ta, ngoài những đau đớn khủng khiếp còn thêm nỗi sỉ nhục sâu xa nhất; bởi lẽ ngài đã bị đối xử như một tên gian ác tồi tệ ngay chính nơi mà mới đây, phẩm tước cao trọng của ngài đã đem cho ngài những danh dự lớn lao nhất. Người ta cũng không miễn cho ngài ngay cả nỗi nhục phải đi qua chính nhà mình: quả thế, nhà ngài ở cạnh Cầu Kho. Do thận trọng, vợ ngài đã ẩn trốn.

Liệu chúng ta có thể rảo qua con đường thống khổ này theo chân vị tử đạo và tìm lại các ngã tư, các phố chợ đã đánh dấu những chặng đường đẫm máu của ngài chăng?

Những con đường lớn nhỏ trong Thành Nội ngày nay vẫn như thời Tự Đức. Chúng chẳng thay đổi nhiều, ngoại trừ một đường rẽ nhỏ ở góc đông nam khu Nhượng Địa Pháp gần Cầu Kho, từ con đường nối cửa Đông Bắc (cửa Kẻ Trài, Vọng lâu X) đến cửa Chánh Tây (Vọng lâu III). Cho nên, dẫu không biết lộ trình người ta đã bắt vị tuyên tín đi, chúng ta cứ theo những con đường dẫn đến các khu chợ khác nhau là đi trên chính các dấu chân ngài.

Ngày nay, chẳng còn chợ trong Thành Nội, nhưng ngày xưa thì rất nhiều:

1. Chợ Đông Phước, gần cửa Đông Ba (Vọng lâu IX), nơi bây giờ là Bệnh xá của Thành Nội.

2. Chợ Mới, gần mặt tây của khu Nhượng Địa Pháp, ở mút giáo họ Cầu Kho hiện thời. Nó gần bên Phủ Đường Thừa Thiên.

3. Chợ Phiên, họp vào những ngày nhất định, nằm bên trái con đường chạy từ cửa Chánh Nam gọi là cửa Nhà Đồ hay Gia Đồ (Vọng lâu V) đến cửa Tây Bắc, cửa An Hoà (Vọng lâu II), bên bờ nam của kênh đào Thành Nội.

4. Chợ Cửa Hữu, gần cửa Tây Nam (Vọng lâu IV).

5. Chợ Cầu Đất, nằm trước mặt cửa Chương Đức, cửa phía tây hoàng cung.

Có thể có thêm nhiều chợ khác nữa. Chúng tôi không biết tất cả những chợ ấy có còn tồn tại vào thời chúng ta đang nói hay không.

Theo nguyên văn bản án kết tội ngài, Micae Hồ Đình Hy chỉ bị dẫn đến các chợ trong Thành Nội. Kể ra, các chợ ở Phố Buôn hơi xa: chúng nằm bên kia con kênh ngoại thành. Chợ Đông Ba, gần cửa mang tên nó, nơi ngài đã có thể bị dẫn đến vì gần, chợ này không còn dưới thời Tự Đức (19).

6- Phu Văn Lâu

Nhà Niêm Sắc Chỉ *

Phu Văn Lâu nằm ngoài Thành Nội, trên tả ngạn sông Hương, cạnh con đường dẫn về hướng tây đến làng Kim Long và chùa Thiên Mẫu (Thiên Mụ, ND.). hueco12Phu Văn Lâu nổi trên bờ dốc, đối diện Kỳ Đài, trong trục chính của công trình phòng ngự này.

Đó là một ngôi nhà nhỏ vuông vức duyên dáng, mỗi cạnh dài 11m10, có mái đôi, bốn bề trống trải. Nó được chống đỡ bởi nhiều cột gỗ tựa trên một nền xây cao. Chính hoàng đế Gia Long dựng nó vào năm thứ 18 triều đại của ông (1819). Phu Văn Lâu bị trận bão lớn năm 1904 phá huỷ hoàn toàn, và được xây lại ngay theo các đồ án cũ. Một gác chuông nhỏ trổ cửa nổi lên phía trên. Khi nào cần, người ta treo bên trong một tấm Kim Bảng trên đó gắn Sắc chỉ của hoàng đế.

Các Sắc chỉ này, sau khi đã đọc ở Hoàng cung trong lễ triều yết long trọng, thì được mang ra Phu Văn Lâu với đại nghi trượng dưới sự chủ trì của một vị thượng quan. Chúng được niêm yết ở đó trong vài ngày, có lính canh gác, để dân chúng có thể tìm hiểu.

Về các Sắc chỉ cấm đạo, chúng tôi chẳng hề thấy tài liệu nào nói rõ việc công bố chúng ở Phu Văn Lâu, nhưng điều này xem ra có thể tin được; vì trong một chỉ dụ, qua đó vua Minh Mạng vào năm thứ 20 triều của ông, xác lập những quy định liên quan đến công trình này có nói rằng, « mọi Sắc chiếu của Hoàng đế sẽ được mang đến Phu Văn Lâu ». Vì thế, ngoại trừ những mật dụ kín gửi cho các quan, thì các Sắc chỉ cấm đạo, ít nhất từ năm 1839, đều được niêm yết ở Phu Văn Lâu.

Thành ra đối với các Kitô hữu, toà nhà này xứng đáng được ghi nhớ kính tôn. Nó từng chính thức làm chứng rằng, nguyên nhân khiến các bậc tiền bối đầy lòng tin của họ đã chịu đau khổ và chịu chết, chính là vì danh Đức Giêsu Kitô.

 

——————-

(18) Thành Nội hay thành có tường bao.

(19) Vào thời Gia Long, gần cửa Đông Ba, có một chợ lớn được gọi là Quy Giả Thị (chợ của những người quay trở lại), ám chỉ cuộc trở lại Huế của nhà Nguyễn chiến thắng. Nhưng về sau, sinh hoạt buôn bán chuyển qua hữu ngạn kênh đào và Quy Giả Thị biến mất. Chỉ đến năm 1887, chợ cũ mới được xây dựng lại. Nó mang tên chợ Đông Ba. Năm 1899 nó được chuyển đến bên bờ sông lớn (sông Hương), và vẫn còn đến ngày nay.

* Xem ảnh 2, trang 122.

hueco9

hueco10

Một bình luận

  1. […] 5- Các Công Trường, Chợ và Đường Phố […]

Đã đóng bình luận.