DẪN VÀO THẦN HỌC: CHƯƠNG IV : GIÁO HỘI TRONG LỊCH SỬ

Chương IV

GIÁO HỘI TRONG LỊCH SỬ

Herbert J. Ryan S.J.

Ai trong chúng ta chưa từng đứng trước câu hỏi: “Bạn là ai?” Chúng ta thường trả lời bằng cách nói tên của mình ra. Song trả lời như vậy thường chỉ khơi thêm nhiều câu hỏi khác. Tới khi chúng ta đã kết thúc việc trả lời tất cả những câu hỏi mà người ta đặt ra cho mình về bản thân mình, thì chúng ta đã có được một đại lược về lịch sử cá nhân của chúng ta. Lịch sử, đó là một cách thức hữu hiệu để người ta giải thích căn tính của họ.

Thần học là cố gắng nhận hiểu và diễn dịch kinh nghiệm đức tin của một cộng đoàn – cộng đoàn Giáo Hội, bao gồm những con người qui hướng kinh nghiệm đức tin của mình vào Đức Giêsu Nadarét, Đấng Kitô. Cộng đoàn này đã tồn tại gần hai ngàn năm nay. Lịch sử Giáo Hội kể câu chuyện của cộng đoàn đức tin này khi nó cố gắng nhận hiểu và diễn dịch kinh nghiệm đức tin của nó. Hiểu biết lịch sử Giáo Hội, đó là một cách hữu hiệu để các Kitôhữu đào sâu hiểu biết của mình về căn tính của chính mình.

Ngay cả các Kitôhữu sơ khai cũng tham khảo lịch sử Giáo Hội để hiểu rõ hơn về chính họ. Quyển lịch sử đầu tiên của Giáo Hội là Sách Công Vụ Tông Đồ. Sách này được viết vào gần cuối thế kỷ thứ nhất bởi một Kitôhữu có trình độ học vấn và xuất thân từ  một cộng đoàn có liên hệ mật thiết với Tông Đồ Phao-lô. Các Kitôhữu sơ khai gán nhiều tầm quan trọng cho sử liệu về nguồn gốc và sự phát triển của Giáo Hội đến nỗi Sách Công Vụ Tông Đồ được bao gồm vào trong bộ Tân Ước. Sách Công Vụ Tông Đồ mô tả Giáo Hội đã bắt đầu như thế nào, các Kitôhữu là ai và họ được kỳ vọng làm gì.

Kitô Giáo Sơ Khai

Theo Công Vụ Tông Đồ, sau khi chịu khổ nạn thập giá, Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ thân tín của Người và trước khi về trời, Người đã bảo các ông rằng các ông phải ở lại Giê-ru-sa-lem, tại đấy – trong ít hôm nữa – các ông sẽ lãnh Phép Rửa bởi Chúa Thánh Thần (Cv 1,5). Điều này đã xảy ra với các môn đệ vào sáng ngày Lễ Ngũ Tuần. Kết quả là các môn đệ Đức Giêsu dũng cảm rao giảng đức tin của họ nơi Người rằng Người là Đấng Mêsia. Phê-rô rao giảng công khai rằng “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại, về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32). Sách Công Vụ cho biết có ba ngàn người đón nhận sứ điệp của Phê-rô, lãnh nhận Phép Rửa ngày hôm ấy, và trở thành những thành viên của cộng đoàn môn đệ Đức Giêsu (Cv 2,41). Sách Công Vụ cũng cho biết rằng các Kitôhữu phải làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh và phải rao giảng sứ điệp ơn cứu độ của Người cho cả những người Do Thái lẫn dân ngoại.

Tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ rất nhạy cảm với vấn đề mà việc nghiên cứu về lịch sử Giáo Hội gặp phải. Giáo Hội ở trong lịch sử, và ở trong lịch sử có nghĩa là ở trong quá trình thay đổi. Giáo Hội là một cộng đoàn đức tin, và các thành viên của Giáo Hội là những người sống tại một thời gian và nơi chốn cụ thể, họ thuộc về thời đại và nền văn hóa của họ. Khi thời gian trôi qua, văn hóa cũng đổi thay. Khi Giáo Hội phát triển rộng ra về địa lý, các thành viên mới đi vào cộng đoàn đức tin sẽ mang vào Giáo Hội các nền văn hóa đặc thù của họ, những cách nghĩ và cách diễn tả khác nhau của họ trong ngôn ngữ và nghệ thuật. Sách Công Vụ Tông Đồ, qua việc ghi lại lịch sử Giáo Hội sơ khai, cho thấy tính liên tục của Giáo Hội khi Giáo Hội thích nghi với những thời đại và những nền văn hóa không ngừng thay đổi.

Giáo Hội bắt đầu ở Giuđêa và nhận Giê-ru-sa-lem làm trung tâm của mình. Các thành viên của Giáo Hội tự coi mình như những người Do Thái nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Họ đã đón nhận Thánh Thần để đưa các anh chị em khác về với con đường cứu độ của Đức Giêsu. Nhiều người trong giới thẩm quyền tôn giáo Do Thái không chấp nhận Giáo Hội. Họ bách hại những người nói tiếng Hi Lạp mới trở lại và được Giáo Hội đưa vào trong Do Thái giáo. Do cuộc bách hại này, những người mới trở lại đã rời bỏ Giê-ru-sa-lem và đến định cư ở các thành phố khác trên khắp đế quốc Rôma, tại những nơi đó, đến lượt họ làm cho nhiều người khác nữa cũng trở lại như họ (Cv 9,2; 11,19).

Để làm tê liệt Giáo Hội, một số giới lãnh đạo Do Thái phát động một cuộc bách hại khốc liệt tại Giê-ru-sa-lem vào khoảng năm 50. Giacôbê, vị lãnh đạo của Giáo Hội Giê-ru-sa-lem, bị hành quyết. Giáo Hội tan tác khỏi Giê-ru-sa-lem, các thành viên Giáo Hội đến định cư tại những thị trấn mà ngày nay là Jordan và Syria; và quyền lãnh đạo Giáo Hội chuyển sang những người nói tiếng Hi Lạp mới trở lại và sống ở Antiôkhia, tại đây lần đầu tiên họ được gọi là Kitôhữu. Từ năm 66 đến 70, những người Do Thái của Đất Thánh nổi loạn chống lại Hoàng Đế Rôma. Không có mấy Kitôhữu hỗ trợ cho những người Do Thái trong cuộc nổi loạn bất thành này, rốt cục Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ bị tàn phá. Sau cuộc nổi loạn ấy, người Do Thái cắt đứt mọi quan hệ với các Kitôhữu và các Kitôhữu bắt đầu coi mình là thành viên của một tôn giáo mới: Kitô giáo!

Bị cắt đứt hẳn khỏi Do Thái giáo, Giáo Hội phải xác định căn tính của riêng mình. Trong quá trình làm điều này, Giáo Hội giữ lại rất nhiều yếu tố mà Do Thái giáo trân trọng; tư tưởng độc thần, chuẩn mực đạo đức được trình bày trong Thập Giới, Thánh Kinh (nhưng có điều là Thánh Kinh ở đây bằng tiếng Hi Lạp, Bản Bảy Mươi), tính tách biệt khỏi đời sống dân sự của Đế Quốc Rôma, và cảm thức cộng đoàn mạnh mẽ được tổ chức xung quanh những vị lãnh đạo có trách nhiệm để giúp đỡ những thành viên có đời sống khó khăn hơn trong cộng đoàn và để tổ chức những cuộc hội nghị thường xuyên để chỉ bảo cộng đoàn và hướng dẫn cộng đoàn trong phụng tự. Giáo Hội cũng nêu rõ những khác biệt giữa mình với Do Thái giáo. Đấng Mêsia đã đến và đó chính là Đức Giêsu. Ơn cứu độ đến qua Đức Giêsu và qua việc đi theo con đường của Người. Kitô giáo thay thế các chuẩn mực tôn giáo của Do Thái giáo. Nhiều bản văn làm nên bộ Tân Ước, chẳng hạn Sách Công Vụ Tông Đồ, đã có được hình thức cuối cùng của nó trong thời kỳ này của lịch sử Giáo Hội.

Cuối thế kỷ thứ nhất, nhiều thành phố của Đế Quốc Rôma (bao gồm các vùng đất xung quanh Địa Trung Hải) đã có tồn tại các cộng đoàn Kitôhữu. Các Kitôhữu này thường là những người buôn bán nhỏ, những thợ đóng giày và những thợ thủ công. Mỗi thành phố có cộng đoàn Kitôhữu riêng của mình nhưng xét chung thì các cộng đoàn đều giống nhau về cơ cấu. Cho tới năm 150, hầu như mỗi cộng đoàn đều được lãnh đạo bởi một giám mục và được phụ giúp bởi các trưởng lão và các phó tế trong việc coi sóc đời sống cộng đoàn. Các Kitôhữu nói tiếng Hi Lạp – là thứ ngôn ngữ chung của Đế Quốc Rôma. Mỗi cộng đoàn Kitôhữu tự gọi mình là một “Hội Thánh”, và các Hội Thánh khác nhau vẫn giữ mối liên kết chặt chẽ (hay hiệp thông) với nhau bằng cách trao đổi thư từ. Con số các Kitôhữu ở các vùng đô thị hóa phía đông Đế Quốc Rôma được ghi nhận là đông hơn, nhưng cộng đoàn Kitôhữu lớn nhất lại ở phía tây, tại thủ đô Rôma của Đế Quốc, nơi mà cả Phê-rô và Phao-lô đã chết tuẫn đạo.

QUI ĐIỂN, KINH TIN KÍNH,

CÁC CÔNG ĐỒNG, VÀ CÁC GIÁO HOÀNG

Trong thế kỷ thứ hai, Giáo Hội đương đầu với ba cuộc khủng hoảng thách đố căn tính của Giáo Hội; đó là ngộ đạo thuyết, lạc thuyết Marcion và lạc thuyết Montanô. Giáo Hội đã thành công trong việc đương đầu với những thách đố này, nhưng trong quá trình đương đầu ấy, Giáo Hội đã thay đổi rất nhiều. Cho đến cuối thế kỷ 2 thì Giáo Hội đã có một phụng vụ bí tích chính thức, một bộ văn liệu có thẩm quyền mà sau này sẽ được gọi là Tân Ước, và một cơ chế hay Công Đồng các giám mục để đưa ra các quyết định mục vụ nhanh chóng nhằm giúp cho đời sống Kitô giáo được đồng nhất trong những vùng rộng lớn của Giáo Hội.

Ngộ đạo thuyết là một hình thức phổ thông của thần nghiệm tôn giáo, xem thường thế giới vật chất và chủ trương rằng tất cả những gì vật chất đều là sản phẩm của một vị thần dữ. Những người thuộc phái ngộ đạo tự nhận rằng họ nắm giữ bí quyết giúp con người có thể thoát ra khỏi thế giới vật chất trở về với vị thần lành vốn thiêng liêng. Giáo Hội trả lời cho ngộ đạo thuyết bằng cách khẳng định dứt khoát rằng các Kitôhữu tin vào một Thiên Chúa duy nhất, Đấng tạo thành trời đất, rằng thế giới vật chất mà Thiên Chúa sáng tạo vốn tốt đẹp, và rằng Đức Giêsu Đấng trung gian ơn cứu độ có một thân xác nhân loại hiện nay đã được tôn dương nhờ cuộc Phục Sinh của Người, và đó là tình trạng của thân xác mà các Kitôhữu ngưỡng vọng.

Marcion, con trai của một giám mục Kitô giáo, là một nhà buôn giàu có chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi ngộ đạo thuyết. Ông tin rằng Thiên Chúa của Cựu Ước là vị thần dữ đã tạo ra vật chất và rằng Thiên Chúa của Đức Giêsu là vị thần ưu việt hơn, vị thần tâm linh của phái ngộ đạo. Marcion dạy rằng Đức Giêsu là tinh thần thuần túy, một sự hiện hình vốn đã không được sinh ra và đã không hề chết. Marcion bác bỏ Bản Bảy Muơi, nghĩa là bác bỏ Cựu Ước, và chỉ chấp nhận những bản văn được tuyển chọn từ Phao-lô và Luca để làm chuẩn mực cho niềm tin Kitô giáo. Giáo Hội tại Rôma đã tuyệt thông Marcion vào năm 144. Giáo Hội trả lời Marcion bằng cách xác định lại thẩm quyền của Bản Bảy Mươi và tuyển lựa từ các văn liệu Kitô giáo trong truyền thống Giáo Hội để có được một bộ sưu tập mà sau này sẽ trở thành Tân Ước. Chống lại Marcion, Giáo Hội bắt đầu thiết lập  qui điển  của Sách Thánh.

Năm 170, từ Phrygia ở Tiểu Á và dưới sự lãnh đạo của Montanus, một phong trào khải huyền lan ra nhanh chóng đến mọi giáo đoàn. Phong trào này cổ võ sự nhiệm nhặt triệt để và công bố rằng thế giới sắp đến hồi tận thời như được mạc khải bởi Chúa Thánh Thần. “Lời Sấm Mới” này bị lên án bởi các giám mục, và để đối phó với phong trào này, các giám mục bắt đầu có những cuộc họp theo vùng hàng năm nhằm thiết lập đường hướng mục vụ cho các Giáo Hội địa phương. Zephyrinus, giám mục Rôma, chính thức lên án lạc thuyết Montanô vào cuối thế kỷ thứ 2.

Trong thế kỷ thứ 2, Giáo Hội trải qua nhiều sự thay đổi ngoạn mục. Thánh Kinh của Giáo Hội bấy giờ đã bao hàm cả Tân Ước và và những gì Thánh Kinh dạy được đúc kết trong Kinh Tin Kính để giúp những người dự tòng hiểu và nhớ trước khi được trao ban Phép Rửa. Các giám mục của các giáo đoàn riêng biệt qui tụ với nhau thường kỳ tại những Công Đồng và các quyết định của các ngài có tính ràng buộc đối với tất cả các giáo đoàn. Giáo Hội khẳng định rằng mình dạy những gì Thánh Kinh dạy về những vấn đề chân lý tôn giáo, và rằng các giám mục qui tụ tại những Công Đồng có thể công bố chân lý ấy một cách có thẩm quyền. Nhưng các giám mục đã không phải tùy thuộc vào duy chỉ sự nhận hiểu của mình đối với Thánh Kinh. Thế kỷ thứ 2 chứng kiến sự trổi lên của thần học trong những tác phẩm của Justin và Hippolytus ở Rôma, Irenaeus ở Lyons, và Clement ở Alexandria.

Bị Bách Hại

Và Phát Triển

Thế kỷ 3 là giai đoạn khủng hoảng của Đế Quốc Rôma. Đế Quốc bị chia năm xẻ bảy bởi các phong trào ly khai và bởi các cuộc nội chiến, rồi còn bị tấn công dữ dội bởi các bộ tộc Ba tư và Gôthíc. Các hoàng đế kế tiếp nhau cố gắng củng cố mối thống nhất trong đế quốc nhằm vận dụng hết sức mạnh để cố sao cho được tồn tại. Giáo Hội sống trong lòng đế quốc nhưng đã tách biệt khỏi các vấn đề trần thế ngót hai trăm năm rồi. Lúc bấy giờ Giáo Hội có mặt ở mọi thành phố trên khắp đế quốc và đặc biệt nổi bật tại Tiểu Á, Ai Cập, Ý và Pháp, đồng thời đang lan rộng nhanh chóng ở Bắc Phi từ thủ phủ Carthage của mình (nay là Tunis). Giáo Hội tỏ ra là một thực tại quá rõ ràng không thể bị phớt lờ được, và các hoàng đế xem Giáo Hội như một phong trào ly khai nào đó và đã trút hết cơn thịnh nộ của đế quốc lên Giáo Hội. Septimius Severus bắt đầu những cuộc bách hại vào đầu thế kỷ 3. Và Decius tiếp tục bách hại vào năm 250; nhưng cuộc bách hại toàn diện và tàn khốc nhất chính là cuộc bách hại của Diocletian vào tháng hai, năm 303. Bất chấp những cuộc hành quyết tập thể các Kitôhữu diễn ra rất thường xuyên và khủng khiếp, Giáo Hội vẫn phát triển con số các thành viên của mình lên gấp đôi và gấp ba tại một số vùng. Thần học cũng phát triển với các tác phẩm của Tertullian và Cyprian – là những nhà thần học đầu tiên viết bằng tiếng La Tinh – và Origen, một trong những nhà thần học tên tuổi nhất mà Giáo Hội đã từng có được.

Đứng trước sự bách hại rùng rợn như thế, nhiều Kitôhữu nao núng, và họ chịu tuân theo những thực hành tôn giáo mà các hoàng đế yêu cầu nhằm tạo lập mối thống nhất trên toàn đế quốc. Với niềm thông cảm, các giám mục đã phát triển một qui định sám hối cho những Kitôhữu sa ngã này để họ có thể được giao hòa với Giáo Hội. Đây chính là tiền thân của việc cử hành bí tích sám hối (hòa giải).

Từ Được Nhân Nhượng Nhìn Nhận

Đến Trở Thành Quốc Giáo

Với sự kiện Constantine lên nắm quyền lực đế quốc vào năm 312, tình trạng bách hại Giáo Hội ngừng lại trong Đế Quốc Rôma. Constantine tin rằng ông đã chiến thắng và lên ngôi là nhờ ở ơn huệ nhận được từ Thiên Chúa của các Kitôhữu. Mặc dù ông chỉ nhận Phép Rửa vào lúc sắp qua đời, Constantine đã dành rất nhiều thiện cảm đối với Giáo Hội. Ông trao cho Giáo Hội qui chế hợp pháp, chấp nhận sự có mặt của Giáo Hội trong đế quốc, dành cho Giáo Hội nhiều sự ưu đãi, hào phóng cung cấp tiền bạc, nhà cửa, đất đai. Năm 380, Hoàng Đế Theodosius ra sắc lệnh rằng “tất cả các dân tộc của Đế Quốc phải thực hành … tôn giáo của giáo hoàng Damasus ở Rôma và của Peter, giám mục Alexandria.” Kết quả là Kitô giáo trở thành tôn giáo chính thức duy nhất của Đế Quốc Rôma. Tất cả các tôn giáo khác đều bị cấm, kể cả những hình thức Kitô giáo sai lạc nào đó. Với sắc lệnh của Theodosius, Giáo Hội đã trở thành quốc giáo của đế quốc.

Với sự thay đổi triệt để này của tình trạng Giáo Hội, đã có những hệ quả đột biến. Trong ba trăm năm đầu của lịch sử mình, Giáo Hội vốn ở trong tình trạng tách biệt với chính quyền, Giáo Hội vốn không nắm giữ quyền lực và không có những mối ưu tiên thực tiễn đối với xã hội. Giáo Hội vốn là một cộng đoàn tách biệt, hoàn toàn tự do để phê phán nhà nước và bất cứ chính sách nào của nhà nước. Nhưng trong thế kỷ 4, đế quốc liên kết với Giáo Hội. Và xã hội trở thành cứng ngắt. Giáo Hội và đế quốc, mặc dù phân biệt nhau, đã liên kết chặt chẽ với nhau. Giáo Hội đã phải giúp thiết định những mối ưu tiên và chấp nhận những chính sách để phục vụ cho lợi ích của xã hội. Hơn nữa, giáo thuyết và kỷ luật của Giáo Hội đã đi vào trong luật của đế quốc và đế quốc buộc những người liên hệ phải tôn trọng. Sắc thái pháp quyền và giọng điệu giáo điều sẽ còn thể hiện trong giáo huấn của Giáo Hội suốt 16 thế kỷ sau đó, cho tới Công Đồng Vatican II (1962-1965) – và điều này phản ảnh tình trạng Giáo Hội là cơ quan chính thức của đời sống tôn giáo trong đế quốc. Chính trong bối cảnh thay đổi này mà Giáo Hội sẽ trải qua những tranh cãi thần học của vài thế kỷ sau đó.

Các Công Đồng Chung Đầu Tiên:

Những Tranh Cãi Về Kitô Học

Năm 318, Arius – một linh mục trí thức và có tài hùng biện đang phục vụ tại một giáo đoàn giàu có và có trí thức cao ở Alexandria – đã nêu ý kiến tại một hội nghị giáo sĩ của thành phố này rằng trong Tân Ước, Chúa Con hay Ngôi Lời của Thiên Chúa tỏ ra quá lệ thuộc vào Chúa Cha, vì vậy chắc hẳn Chúa Con không phải là Thiên Chúa, mà chỉ là một thụ tạo. Arius khẳng định rằng thần học gia tên tuổi Origen cũng chủ trương như thế. Dù Arius bị phạt vạ bởi giám mục của ông, ông vẫn tiếp tục truyền bá tư tưởng của mình. Dần dần tư tưởng của Arius nhận được sự ủng hộ rộng rãi không chỉ ở Ai Cập mà tại khắp cả các miền đất phía đông Địa Trung Hải. Giáo Hội lâm vào cơn rối loạn. Sự xung khắc đã trở thành nguy kịch đến nỗi Hoàng Đế Constantine triệu tập tất cả các giám mục của Giáo Hội về họp Công Đồng ở Nicêa vào tháng năm, 325. Các giám mục quyết nghị rằng Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha là giáo huấn của Tân Ước dù Tân Ước không sử dụng chính từ ngữ “đồng bản thể” (nhiều giám mục chấp nhận từ ngữ này chỉ một cách miễn cưỡng). Suốt thời gian Constantine còn trị vì, các giám mục không công khai thách thức Công Đồng Nicêa, nhưng khi vị hoàng đế này băng hà vào năm 337, cuộc tranh luận lại tiếp tục trở nên sôi nổi.

Athanasiô trở thành giám mục Alexandria vào năm 328, và trong 35 năm ngài đã đấu tranh để bảo vệ quyết nghị của Công Đồng Nicêa mà theo sự giải thích của ngài thì đó là: Chúa Cha là gì thì Chúa Con là vậy, ngoại trừ rằng Chúa Con là Chúa Con và Chúa Cha là Chúa Cha. Athnasiô nhận được sự ủng hộ từ ba vị giám mục: Basil; Gregory Nyssa (em của ngài); và Gregory Nazianzus. Cho tới ngày nay, những nhân vật này vẫn được xem là các nhà thần học tên tuổi nhất của Giáo Hội nói tiếng Hi Lạp. Trong các tác phẩm của mình, các vị đã trình bày tỉ mỉ nền tảng Tân Ước của niềm tin rằng Thiên Chúa gồm ba Ngôi Vị. Năm 381, Theodosius triệu tập các giám mục phía đông của đế quốc đến Constantinople để mở một Công Đồng, Công Đồng này lên án việc Macedonius phủ nhận Thánh Thần là Thiên Chúa. Cuộc tranh cãi với phái Arian được chấm dứt với việc Công Đồng này tuyên bố tín điều về Chúa Ba Ngôi và ban hành Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinople, kinh này đã được Giáo Hội sử dụng rộng rãi trong phụng vụ kể từ thời Consantinople I tới nay.

Năm 428, Nestôriô, một tu sĩ ở Antiôkhia, trở thành giám mục của Constantinople, thủ đô mới của đế quốc vốn đã bắt đầu được xây dựng từ thời Constantine. Thủ đô này nằm giữa một cuộc tranh luận tôn giáo mà vị giám mục mới này được yêu cầu dàn xếp. Gọi Đức Trinh Nữ Maria là theotokos, Mẹ Thiên Chúa, như vậy có đúng không? Nestôriô nói rằng tước hiệu ấy không đúng đắn “bởi vì cái gì được hình thành trong cung lòng người phụ nữ thì không phải là … Thiên Chúa.” (13)  Khẳng định của Nestôriô đã gây bức xúc cho Cyril, giám mục Alexandria, và giáo hoàng Celestine (lúc này giám mục Rôma đã được gọi là giáo hoàng) đến nỗi các vị ấy đã thuyết phục Hoàng Đế Valentinian II ở Tây phương và Theodosius II ở Đông phương triệu tập một Công Đồng chung các giám mục trên toàn đế quốc để giải quyết vấn đề này. Công Đồng đã được triệu tập ở Eâphêsô vào năm 431, và các giám mục quyết nghị rằng việc gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa là điều đúng đắn vì Đức Maria là Mẹ của Chúa Con nhập thể. Nestôriô bị cách chức và bị đi đày. Công Đồng Eâphêsô cũng lên án Pelagius là người bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội về tội nguyên tổ và về nhu cầu phải có ân sủng của Thiên Chúa thì con người mới được cứu độ.

Công Đồng Eâphêsô đã khẳng định rõ ràng sự nhập thể của Chúa Con Đấng đồng bản thể với Chúa Cha. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể. Nhưng một vấn nạn liên quan đã nhanh chóng làm dấy lên sự tranh luận khắp nơi trong Giáo Hội. Chúa Con nhập thể có đồng bản thể với chúng ta là những con người không? Đức Giêsu có đích thực là một con người như chúng ta, mặc dù Người không bao giờ phạm tội không (Dt 4,15)? Có phải một cách nào đó nhân tính của Đức Giêsu bị thay thế hay bị thu hút lấy bởi thần tính của Người? Eutyches, vị kỳ lão đứng đầu một tu viện ở Constantinople và là bạn của Hoàng Đế Theodosius II, đã dạy rằng Đức Kitô “có hai bản tính trước khi nhập thể, nhưng sau khi nhập thể, Người chỉ có một bản tính mà thôi.”(14) Flavian, giám mục Constantinople, đã cách chức Eutyches vì ông này giảng dạy rằng nhân tính của Đức Giêsu bị thay thế hay bị thu hút lấy bởi thần tính của Người, một quan điểm nhanh chóng được đặt cho cái tên là nhất tính thuyết (monophysitism). Hoàng đế và cả giám mục Dioscorus của Alexandria đã bênh vực Eutyches. Flavian kháng cáo lên Giáo Hoàng Leo ở Rôma để xin giải quyết cuộc tranh cãi này và giáo hoàng hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Flavian. Dioscorus đã thúc giục hoàng đế triệu tập một Công Đồng ở Eâphêsô năm 449, Công Đồng này lên án Flavian và biện hộ cho Eutyches. Giáo Hoàng Leo bác bỏ Công Đồng này và yêu cầu hoàng đế triệu tập một Công Đồng khác. Theodosius II qua đời vào tháng bảy, năm 450, và người kế vị là hoàng đế Pulcheria đã tán thành đề nghị của Giáo Hoàng Leo và đã triệu tập một Công Đồng tất cả các giám mục gặp  nhau ở thành Chalcedon, ngay đối diện với Constantinople, vào mùa thu năm 451. Công Đồng này đã quyết nghị rằng Đức Giêsu là “Chúa Con duy nhất … với trọn vẹn thần tính và trọn vẹn … nhân tính … nhưng Người hiện hữu trong hai bản tính, hai bản tính này, một đàng, vừa không lẫn lộn vừa không bị thay thế (chống lại Eutyches) và đàng khác, không bị phân chia và không thể tách rời (chống lại Nestôriô).” Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa ở “với chúng ta” như một con người trọn vẹn và bình thường.

Đối với nhiều người trong Giáo Hội, giáo huấn của Công Đồng Chalcedon thật khó hiểu. Các Kitôhữu ở Ba tư , sống bên ngoài đế quốc Rôma, tiếp tục giữ quan điểm của Nestôriô và họ trở thành một Giáo Hội ly khai, truyền bá cách nhận hiểu Tin Mừng của mình sang Ả rập, Ấn Độ, và Turkestan. Các Kitôhữu ở Ai Cập và những vùng rộng lớn của Trung Đông tỏ ra đồng cảm với Eutyches và Dioscorus. Các hoàng đế ở Constantinople, do lo sợ bị vuột mất nhiều vùng đất thuộc quyền của mình, đã cố gắng suốt hơn 200 năm xoa dịu họ bằng cách tác động để Giáo Hội không nhấn mạnh nhiều đến quyết định của Công Đồng Chalcedon.

Vào năm 553, hoàng đế Justinian, trong một cố gắng nhằm lôi kéo sự ủng hộ của những vùng đất theo quan điểm nhất tính, đã tổ chức một Công Đồng ở Constantinople để lên án một số tác phẩm của Theodore ở Mopsuestia, Ibas ở Edessa, và Theodoret ở Cyrrhus, đó là những nhà thần học mà Công Đồng Chalcedon đã từng đánh giá cao. Giáo Hoàng Vigilius miễn cưỡng chấp nhận Công Đồng này, nhưng những người theo quan điểm nhất tính tại các vùng đất thuộc quyền của Justinian vẫn không thỏa mãn. Hoàng đế Heraclius (610-641), được thúc bách bởi giám mục Sergius của Constantinople, đã một lần nữa tìm cách thu phục sự ủng hộ nơi những người theo quan điểm nhất tính. Heraclius cho rằng nơi Đức Kitô có một hành động (energeia), và hoàng đế đã thỉnh ý xem Giáo Hoàng Honorius (625-638) nghĩ sao về vấn đề này. Giáo hoàng trả lời rằng Chalcedon đã dạy rằng có hai “bản tính” nơi Đức Kitô, thần tính và nhân tính, và do đó có hai hành động, nhưng rồi trong một cách diễn đạt không thích hợp, giáo hoàng đã viết rằng ngài có thể chấp nhận cách nói ám chỉ rằng chỉ có một “ý chí” nơi Đức Kitô.

Trong một cố gắng vô vọng để chinh phục sự ủng hộ của những người theo quan điểm nhất tính vốn đang biểu hiện sự phản kháng rất qua loa đối với các binh đoàn Hồi giáo đánh chiếm Damascus vào năm 635, rồi Antiôkhia và Giê-ru-sa-lem vào năm 638, Heraclius đã ban hành Ekthesis của mình với nội dung cấm tất cả các cuộc bàn luận về energeiai (những hành động) nơi Đức Kitô. Điều đã xảy ra sau đó là sự xáo trộn tôn giáo chứ không phải là sự êm thắm, nhất là tình hình ở Ai Cập, rệu rã do những bất hòa về tôn giáo, đã rơi vào tay những người Ả rập vào năm 641. Năm 680-681, hòang đế Constantine IV, với sự chấp thuận của Giáo Hoàng Agatho, đã triệu tập các giám mục tới Constantine để họp một Công Đồng. Công Đồng Constantinople III quyết nghị rằng Đức Kitô “có hai ý chí theo bản tính … không đối nghịch nhau … nhưng ý chí nhân loại của Người sẽ theo, không phải một cách miễn cưỡng, nhưng là đương nhiên tùy thuộc vào ý chí toàn năng của thần tính Người.” Công Đồng này lên án cả Sergius lẫn Giáo Hoàng Honorius. Với Công Đồng này, những cuộc tranh cãi Kitô học đã đi đến chỗ kết thúc.

Công Đồng cuối cùng trong số các Công Đồng lớn của Giáo Hội thuở ban đầu đã nhóm họp ở Nicaea vào năm 787. Nữ hoàng Irene với sự hậu thuẫn của Giáo Hoàng Hadrian I đã kêu gọi tất cả các giám mục của đế quốc về tham dự Công Đồng nhằm giải quyết vấn đề lạc giáo chủ trương bài trừ ảnh thánh. Có phải là điều đúng đắn việc các Kitôhữu làm ra những ảnh tượng Thiên Chúa, Chúa Giêsu, và các thánh bằng năng khiếu nghệ thuật của mình để rồi sùng kính những tác phẩm nghệ thuật này? Một số Kitôhữu trong đế quốc nghĩ rằng việc đó là dị đoan hoặc thậm chí là tôn thờ ngẫu tượng. Công Đồng Nicaea II quyết nghị rằng việc tôn kính các ảnh tượng là đúng đắn và bác bỏ quan điểm cho rằng các tượng thánh là ngẫu tượng hoặc cho rằng các tín hữu tôn thờ các tác phẩm nghệ thuật này như tôn thờ Thiên Chúa.

Bảy Công Đồng lớn của Giáo Hội thuở ban đầu được gọi là các Công Đồng chung (ecumenical, đại kết). Từ oikumene (người trong nhà), gốc của từ Anh ngữ ecumenical, là từ vốn thường được các cư dân của đế quốc Rôma sử dụng để qui chiếu đến xã hội và nền văn hóa của họ. Giáo Hội là cơ quan chính thức của nhà nước lo việc điều hành đời sống tôn giáo của đế quốc. Các Công Đồng chung này thiết chế các luật tôn giáo của đế quốc và các sắc lệnh của các Công Đồng được đưa vào bộ luật dân sự của đế quốc Rôma. Nhưng đến cuối thế kỷ 8 thì đế quốc đã thay đổi rất nhiều. Trung Đông và toàn bộ Bắc Phi đã thuộc về Hồi giáo. Nam Tư, Ý, và toàn bộ Tây Âu không còn là oikumene nữa. Mặc dù đế quốc không còn kiểm soát các vùng đất phía tây, Giáo Hội vẫn phát triển ở đó và nuôi dưỡng một nền văn hóa mới giữa các dân tộc mới đến chiếm cứ nơi mà đã từng có thời là trái tim của Đế quốc Rôma.

Quá Trình Phát Triển

 Của Chức Giáo Hoàng

Trong thế kỷ 4, khi Giáo Hội vật lộn với vấn đề lạc thuyết Ariô, Giáo Hội tại Rôma và giám mục của mình có nhiều thanh thế đến nỗi khi Theodosius I biến Giáo Hội thành thẩm quyền tôn giáo chính thức trong đế quốc thì vị hoàng đế này qui định rằng Giáo Hội khắp nơi phải nhìn ngắm Giáo Hội tại Rôma và Alexandria như là chuẩn mực chính thống cho đức tin và cho thực hành của mình. Dioscorus, giám mục Alexandria, vào giữa thế kỷ 5 đã phá hỏng uy tín ấy của Giáo Hội qua việc ủng hộ Eutyches. Lạc thuyết nhất tính bị lên án tại Công Đồng Chalcedon vào năm 451, và chỉ đức tin của Giáo Hội tại Rôma mới được coi như là tiêu chuẩn chính thống. Năm 519, Hoàng Đế Justin yêu cầu tất cả các giám mục oikumene ký vào Định Thức Của Giáo Hoàng Hormisdas, định thức này xem đức tin của Giáo Hội ở Rôma và giám mục của Rôma như là chuẩn mực của niềm tin chính thống, đây là một tài liệu mà Giáo Hội Công Giáo Rôma sử dụng rất nhiều ở Công Đồng Vatican I (1870).

Tuy nhiên, sự phát triển của chức giáo hoàng đã kéo theo nhiều thứ nữa chứ không chỉ là sự nhìn nhận pháp lý về tình trạng độc đáo của nó trong Giáo Hội oikumene. Cho tới cuối thế kỷ 6, Giáo Hội ở Rôma đã độc lập đối với đế quốc, và trong các thế kỷ tiếp theo sau Giáo Hội ở Rôma thường đóng một vai trò cốt cán trong việc cải hóa các dân tộc phương tây theo Kitô giáo chính thống, củng cố đời sống tôn giáo của các dân tộc này và đồng thời giúp các dân tộc này xây dựng một nền văn hóa mới, xây dựng văn minh của Tây Âu.

Vào đầu thế kỷ 3, ngôn ngữ La Tinh đã dần dần thay thế ngôn ngữ Hi Lạp tại các trung tâm đô thị của các vùng đất phía tây đế quốc. Tertullian và Cyprian đã viết bằng tiếng La Tinh, và thế kỷ 4 đã chứng kiến một cuộc nở rộ của thần học được viết bằng tiếng La Tinh. Giêrôm (331-420) đã dịch Thánh Kinh sang tiếng La Tinh, và bản Vulgata (bản dịch của ngài) là quyển Thánh Kinh cho các vùng đất Tây Âu cho đến cuộc Cải Cách vào thế kỷ 16. Ambrose (340-397), giám mục Milan, đã viết rất hùng hồn về chỗ đứng của Giáo Hội trong đế quốc, nhưng Augustinô, người được Ambrose giúp hoán cải trở lại với Giáo Hội, đã vượt xa hẳn thầy mình. Tập Tự Thú và Thành Đô Thiên Chúa của Augustinô, các chú giải Thánh Kinh, các bài giảng, thư từ, bài viết của ngài về Chúa Ba Ngôi, và những bài bút chiến của ngài chống lại giáo huấân của Pelagius đã nêu ra những vấn đề mà ngay cả ngày nay vẫn còn đặc trưng cho thần học Tây phương. Giáo Hoàng Leo I (440-461), người có ảnh hưởng rất lớn đến Công Đồng Chalcedon, đã theo thần học của Augustinô. Giáo Hoàng Gregory I (590-604) cũng theo thần học của Augustinô – đây là vị giáo hoàng đã nhận thức rằng chức giáo hoàng nhằm để phục vụ cho Giáo Hội và xã hội, nhận thức này đã định hình cho sự phát triển của chức giáo hoàng đến tận ngày nay.

Những người Goths vốn đã quấy phá đế quốc vào thế kỷ 3 đã trở thành đồng minh của đế quốc vào thế kỷ 4 và dần dần bắt đầu đưa vùng phía nam sông Danube vào trong số các vùng đất của họ. Những người Goths được cải hóa trở lại Kitô giáo vào thế kỷ 4 bởi các môn đệ của Arius. Những người Goths phái Arian và các bộ tộc Germanic ngoại đạo đã tràn qua các biên giới bỏ ngỏ của khu vực phía tây đế quốc vào các thế kỷ 5 và 6. Nhưng Giáo Hội phải gánh vác thêm những công việc mà cho tới lúc bấy giờ vốn do đế quốc đảm nhiệm, đó là lo liệu về trật tự và công bằng xã hội, giáo dục thanh thiếu niên và đáp ứng các nhu cầu của người nghèo. Giáo Hội ở phía tây đã nhận những công việc này dựa vào giáo huấn và sự nêu gương của Giáo Hoàng Gregory I.

Gregory, xuất thân từ một gia đình nghị viên giàu có, sinh ở Rôma năm 540 và trở thành tổng trấn Rôma khi mới ngoài ba mươi tuổi. Khoảng năm 573, ngài trở thành một tu sĩ Bênêđictô, và đã sắp xếp để những thu nhập từ các đất đai rộng lớn do ngài sở hữu được phân phối cho những người nghèo và ngài đã chuyển dinh thự của gia đình ngài trên đồi Caelian thành một tu viện. Đời sống đan tu vốn đã bắt đầu ở Đông phương, nhưng qua sự phổ biến của tác phẩm Hạnh Thánh Antôn của Anathasiô, đời sống này đã lan tràn sang Tây phương vào nửa sau thế kỷ 4. Vào lúc Gregory trở thành một tu sĩ thì các tu viện đã có mặt rất nhiều ở Tây phương.

Khi Gregory trở thành giáo hoàng năm 590, ngài gửi các tu sĩ bạn hữu của mình đi làm thừa sai để loan báo Tin Mừng nơi các cư dân ở phía Tây và ngài kêu gọi tất cả các tu sĩ dấn thân giáo dục giới trẻ. Các Giáo Hội mới được thành lập (bởi các tu sĩ, nơi những cư dân mới của phía Tây) rất ngưỡng mộ giáo hoàng, những người nghèo được ngài giúp đỡ cũng rất kính mến ngài. Những vị kế nhiệm liền sau Giáo Hoàng Gregory đã theo đường lối của ngài và uy tín của chức giáo hoàng được tăng lên. Giáo Hội ở Tây Âu ngày càng mô phỏng theo Giáo Hội ở Rôma. Giáo Hội sử dụng phụng vụ Rôma bằng ngôn ngữ La Tinh, thiết chế kỷ luật của mình theo mẫu thức Rôma, ngay cả các thánh đường của Giáo Hội cũng bắt đầu trông giống các thánh đường ở Rôma.

Vào khoảng giữa thế kỷ 8, các dân tộc Germanic vốn đã tràn ngập phía tây đế quốc đã thành công trong việc cản bước tiến của Hồi giáo tại dãy Pyrenees và đã tự tổ chức thành những vương quốc mới. Nước Ý bị thống trị bởi những người Lombards là những người đã chiếm vùng đất gắn liền với chức vụ giáo hoàng. Giáo Hoàng Stephen (752-757), sau khi đi Pháp để phong cho Pepin làm vua của những người Franks, đã yêu cầu Pepin giành lại cho mình phần đất đã bị những người Lombards chiếm cứ. Năm 755 Pepin thuyết phục được những người Lombards trao trả phần đất ấy lại cho giáo hoàng – và từ đó cho đến năm 1870 giáo hoàng là nhà cầm quyền thế tục của lãnh thổ giáo hoàng (Papal States), một khu vực rộng lớn ở giữa nước Ý. Những người Franks trở thành đồng minh gần gũi của giáo triều, và khi vương quốc Frankish bành trướng và trở thành Đế  Quốc Carolingian, địa vị và quyền lực của giáo hoàng đã lên cao rất nhanh.

Đến cuối thế kỷ 9, Tây Âu trải qua dồn dập các cuộc chiếm đóng từ phía biển. Những người Viking cướp phá Bắc Âu, và các vùng duyên hải Nam Tư, Ý, và Pháp bị tàn phá bởi các tàu chiến của những người Hồi giáo vốn đã kiểm soát vùng Địa Trung Hải. Đế Quốc Carolingian đã bị phân chia thành các vương quốc nhỏ được cai trị bởi những người kế tục Charlemagne, và các vương quốc này không có khả năng bảo vệ Châu Âu. Giáo Hoàng Gioan VIII vô vọng cầu cứu các đồng minh của mình là những người Franks, và khi vị giáo hoàng này qua đời vào năm 882, những người kế vị của ngài đã hành sử giống như những nhà cai trị của một lãnh địa nhỏ của nước Ý hơn là như các vị lãnh đạo của Giáo Hội. Aûnh hưởng của chức giáo hoàng suy thoái đến mức thấp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn sống còn qua sự bảo trợ của các nhà cầm quyền địa phương – để đòi giá phải trả cho sự giúp đỡ của mình đối với Giáo Hội, các nhà cầm quyền này yêu cầu Giáo Hội phải dành cho mình toàn quyền kiểm soát đời sống của Giáo Hội.

Chỉ trong thế kỷ 12 Giáo Hội mới lấy lại được sự độc lập của mình khỏi các nhà cầm quyền thế tục. Điều này xảy ra do bởi hai phong trào tách biệt nhau. Triều đại Saxon của các vua German, nhất là Otto I (936-973), đã đảm bảo rằng chỉ những người có năng lực mới trở thành giáo hoàng. Các nhà cầm quyền Burgundy đã thiết lập tu viện Clunny vào năm 910 và đặt cộng đoàn Bênêđictine mới này trực tiếp dưới quyền kiểm soát của giáo hoàng. Các tu sĩ của Clunny đã thành lập hàng trăm tu viện trên khắp Châu Âu và những tu viện này đã không ngừng tranh thủ sự độc lập cho Giáo Hội, tách Giáo Hội khỏi sự kiểm soát thế tục và cố gắng khôi phục lại chức giáo hoàng, một phong trào được gọi là Cuộc Cải Cách Gregorian. Trong khi giành lại được sự độc lập đối với các nhà cầm quyền thế tục, chức giáo hoàng ở Tây phương không thể hiểu được vị trí của Giáo Hội tại những nơi vẫn còn là oikumene cũ, tức Đế Quốc Byzantine tập trung ở Constantinople. Đàng khác, Giáo Hội nói tiếng Hi Lạp cho rằng thần học, phụng vụ, và kỷ luật của Giáo Hội ở Tây phương là những sự đổi mới không thích đáng. Năm 1054 Rôma và Constantinople cắt đứt mọi liên lạc với nhau giữa Giáo Hội nói tiếng La Tinh ở Tây phương và Giáo Hội nói tiếng Hi Lạp ở của oikumene, một sự rạn nứt vẫn tiếp tục cho đến tận ngày nay.

GIÁO HỘI TÂY PHƯƠNG THỜI TRUNG CỔ

Từ năm 1100 tới năm 1350, các vùng đất phía tây của Đế Quốc Rôma trước kia đã trải qua một giai đoạn phồn vinh và đầy sáng tạo xã hội đến nỗi các nhà sử học thường gọi thời này là thời Trung cổ (Middle Ages) với nền văn minh Tây Âu đầy sáng tạo. Giáo Hội Trung cổ của Tây phương La Tinh đứng ở vị thế trung tâm của nền văn hóa Trung cổ. Giáo Hội thúc đẩy một cảm thức hiệp nhất và đồng nhất giữa các dân tộc Tây Âu bằng cách tập trung các năng lực của các dân tộc này vào việc xây dựng Kitô giáo. Lý tưởng tôn giáo này đã thúc đẩy các hoạt động truyền giáo để cải hóa những người Phổ và Scandinavians trở về với Kitô giáo, đã thúc đẩy những cuộc thánh chiến để giành lại Thánh Địa từ tay những người Hồi giáo, và thúc đẩy sự thành lập các dòng tu mới như dòng Đa Minh và Phanxicô để bảo vệ sự hiệp nhất của đức tin Kitô giáo. Trong các hoạt động này giáo hoàng đều đóng một vai trò rất quan trọng đến nỗi ngài là vị lãnh đạo đương nhiên của cộng đồng Kitô giáo.

Việc cải tiến các kỹ thuật trong nông nghiệp đã đem lại những vụ mùa dồi dào và sinh hoạt thương mại dần dần phát triển mà kết quả là các thị trấn được thành lập như những trung tâm buôn bán và công nghiệp nhỏ để đáp ứng các nhu cầu của các phú nông. Mỗi thị trấn xây dựng một nhà thờ, nhưng với kiểu dáng mới mà về sau này sẽ được gọi là kiểu gôthic. Một số các thị trấn đã phát triển thành các thành phố và trở thành các trung tâm của các giáo phận mới và cả giáo phận sẽ giúp xây dựng tại thành phố một thánh đường có kiến trúc công phu tỉ mỉ gọi là nhà thờ chính tòa. Mỗi nhà thờ chính tòa có một trường học nơi mà giới trẻ của thị trấn được học tiếng La Tinh, âm nhạc, và các khoa học xã hội nhân văn. Các nghệ nhân trong thị trấn hợp lại thành những phường nghề và thiết định các tiêu chuẩn cho các tay nghề cũng như điều hành các hoạt động kinh doanh.

Các Đại Học Và

Học Phái Kinh Viện

Theo cách tổ chức của các nghệ nhân, các vị thầy dạy lưu động như Abelard (1079-1142), đã thu thập được kinh nghiệm giảng dạy tại các trường của nhà thờ chính tòa, cũng hình thành những phường nghề. Các universitas magistorum (phường các thầy dạy) đã phát triển thành một đại học, đây là một trong những đóng góp của thời Trung cổ cho nền văn minh Tây Âu vẫn còn bền vững tới ngày nay. Các đại học Paris và Oxford đã trở thành những trung tâm nghiên cứu thần học nổi tiếng, Đại học Bologna nổi tiếng về giáo luật và dân luật, đại học Salerno và Montpellier nổi tiếng về y khoa.

Các đại học đã phát triển một phương pháp mới để nghiên cứu thần học, gọi là phương pháp kinh viện, được gọi tên như thế do bởi nguồn gốc và việc sử dụng phương pháp này tại các đại học. Phương pháp kinh viện tìm cách đạt được sự sáng tỏ của suy tư thần học bằng cách đặt ra những câu hỏi chuẩn xác về truyền thống Kitô giáo với những từ ngữ được định nghĩa rõ ràng và tìm kiếm những câu trả lời với tính luận lý chặt chẽ. Các câu trả lời được nối kết lại với nhau bằng lôgic mạch lạc để trở thành một bộ khung khái niệm. Tôma Aquinô (1224-1274), một tu sĩ dòng Đa Minh và là tác giả của Summa Theologiae, đã khảo sát tất cả các chủ đề thần học để tạo được sự tương thích với những đòi hỏi của luận lý Aristote. Bonaventura (1217-1274), một tu sĩ dòng Phan-xi-cô, đã đi theo tư tưởng của Augustinô với tính luận lý triệt để trong tác phẩm Nhận Định về Các Luận Đề của mình. John Duns Scotus (1265?-1308), cũng là một tu sĩ Phan-xi-cô, đã giảng dạy cả ở Oxford lẫn Paris, và mặc dù ông không để lại một tác phẩm nào trình bày “hệ thống thần học” của mình, những phê bình của ông đối với cả Tôma lẫn Bônaventura đã trở thành những kiểu mẫu của phương pháp kinh viện đến nỗi ông cũng được xếp cùng với Tôma và Bônaventura là ba nhà thần học kinh viện vĩ đại. Phương pháp kinh viện cố gắng diễn tả một cách hợp lý tính thống nhất của tất cả thực tại được nắm bắt bởi trí năng con người. Có thể cho rằng sự thể hiện hay nhất của nhãn quan kinh viện lại không phải là tác phẩm của một giáo sư thần học mà là của một nhà thơ, đó là Dante (1265-1321), tác phẩm Divine Comedy của nhà thơ này là một trong những kiệt tác của văn chương thế giới.

GIAI ĐOẠN SUY VONG CỦA THỜI TRUNG CỔ

Từ năm 1350 đến 1517, có năm yếu tố đồng thời chi phối mạnh mẽ đến kinh nghiệm của Giáo Hội. Một loại thần học mới đã thay thế phương pháp kinh viện. Nạn Dịch Hạch càn quét Châu Âu bằng những trào sóng đầy sức hủy diệt. Giáo triều di chuyển từ Rôma đến Avignon, nhưng chẳng bao lâu sau khi trở về Rôma thì nạn ly giáo đã phân hóa Giáo Hội Tây phương. Chủ nghĩa dân tộc lấn lướt lý tưởng Kitô giáo. Cuộc Phục Hưng,  quay trở về với Đế quốc Rôma ngoại giáo, đã quảng bá niềm tin rằng nghệ thuật và văn hóa của giai đoạn trước khi Giáo Hội xuất hiện mới là tiêu chuẩn thượng hạng để đánh giá mọi sự.

Thần Học Mới

Scotus vốn đã lập luận rằng siêu hình học có thể chứng minh sự hiện hữu chỉ của một hữu thể vô hạn, không phải của Thiên Chúa của Kitô giáo là Đấng toàn năng, công minh, và từ bi. Scotus nhấn mạnh rằng Thiên Chúa có một potentia absoluta (quyền lực tuyệt đối) có một không hai. Ý chí của Ngài là tối thượng: Thiên Chúa có thể làm bất cứ điều gì. Scotus khẳng định rằng ý chí của Thiên Chúa vượt trên trí năng của Ngài. Ngay cả nơi loài người ý chí cũng cao quí hơn trí năng – bởi vì tình yêu cư trú nơi ý chí và tình yêu của Thiên Chúa thì lớn hơn tri thức của Ngài. Scotus khẳng định rằng ơn cứu độ chỉ tùy thuộc vào sự chấp nhận (acceptatio) tự do của Thiên Chúa đối với con người và đối với những công việc đáng khen của con người, chứ không thuộc về bất cứ phẩm chất nào của linh hồn con người, ngay cả một phẩm chất được Thiên Chúa tạo ra, chẳng hạn ơn thánh hóa. Về tất cả những điều này, chủ trương của Scotus khác hẳn với Tôma Aquinô.

Các môn đệ của Scotus, William ở Ockham (1285?-1349?) và Gabriel Biel (1420?-1495) đã quá nhấn mạnh đến quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa đến nỗi cho rằng Thiên Chúa rất có thể đã đặt ơn cứu độ phụ thuộc vào lòng thù ghét hơn là vào tình yêu. Cả Ockham và Biel đều dạy rằng bằng các năng lực tự nhiên của mình, một cá nhân có thể thể hiện một hành vi tốt về mặt luân lý để Thiên Chúa “chấp nhận” hành vi ấy và ban ơn cho đương sự. Nhưng với  mỗi hành vi tốt cụ thể, người ta không thể quyết chắc sự “chấp nhận” ấy của Thiên Chúa.

Thần học mới này khiến các Kitôhữu lo sợ về ơn cứu độ của mình vào đúng thời gian mà Nạn Dịch Hạch bắt đầu giết chết nhiều người ở Tây Âu. Việc săn sóc những người bị nhiễm chứng bệnh có tính lây lan cao như thế đã cướp đi chính sinh mạng của rất nhiều linh mục và nam nữ tu sĩ. Giáo Hội thiếu những nhân sự được đào tạo để đảm nhận thậm chí những sứ vụ căn bản nhất của mình tại các giáo xứ. Trong tình hình thiếu thốn trầm trọng các cơ hội để lãnh nhận các bí tích, các Kitôhữu âu lo đã tìm thấy sự an ủi nơi những việc mộ đạo có tính cá nhân và nơi những lẽ khôn ngoan của các tác giả thần bí Kitô giáo như Eckhart (1260?-1328?), Tauler (1300?-1361?), và Suso (1295?-1360).

Cuộc Đại Ly Khai

Ở Tây phương

Từ cuối thế kỷ 13, một cảm thức mới về căn tính bắt đầu phổ biến nơi các dân tộc Tây Âu. Họ ngày càng tự xem mình như thần dân của các nhà cầm quyền của mình và là thành viên của các dân tộc phân biệt nhau. Philip IV (1285-1314), vua của nước Pháp, đã khai thác cảm thức chủ nghĩa dân tộc đang lên cao nơi các thần dân của ông thật tài tình. Khi một người Pháp, Clement V (1305-1314), trở thành giáo hoàng, vị giáo hoàng này đã không chỉ tạo mối liên minh giữa giáo triều với nước Pháp mà còn chuyển giáo triều từ Rôma về Avignon vào năm 1309. Các giáo hoàng cư trú ở đó cho đến năm 1377. Các Kitôhữu Tây phương nghĩ rằng giáo triều đã thật sự bị khống chế bởi nước Pháp, và các quốc gia khác cảm thấy như vậy là mình bị xem thường. Các quốc gia khác phản đối việc giáo triều dời sang Avignon quyết liệt đến nỗi nhà thơ người Ý Petrarch (1304-1374) đã mệnh danh việc giáo triều tạm thời rời bỏ Rôma trong gần 70 năm ấy như là “tình trạng bị giam cầm ở Babylon”, làm cho các quốc gia khác ở Châu Âu phải ngậm cười cay đắng.

Do sự thuyết phục của Thánh nữ Catarina Siêna (1347-1380) và Thánh Bridget của Thụy Điển (1300?-1378), Giáo Hoàng Gregory IX (XI?) (1370-1378) đã chuyển giáo triều trở về Rôma vào năm 1377. Khi vị giáo hoàng này qua đời vào năm 1378, đứng trước sự khăng khăng cố nài của công chúng Rôma, các hồng y đã chọn một người Ý, Bartôlômêô Prignanô, tổng giám mục của Bari, làm giáo hoàng. Giáo Hoàng Urban VI (1378-1389) đã gây ra nhiều sự chống đối nơi các hồng y đến nỗi 12 trong 16 vị hồng y đã họp tại Anagni, tuyên bố sự chọn lựa trước đây của họ là vô hiệu lực, và đã chọn hồng y Robert ở Geneva làm Giáo Hoàng Clement VII (1378-1394). Clement và các hồng y của ngài đã đi Avignon. Cuộc “Đại Ly Khai” của Tây phương đã bắt đầu. Và cuộc ly khai này đã kéo dài khoảng 40 năm. Các quốc gia Âu Châu bị chia rẽ tùy theo họ ủng hộ vị này hay vị kia trong các vị giáo hoàng. Tình trạng này càng trở nên tệ hại hơn khi Công Đồng Pisa năm 1409 còn dựng ra một ‘dòng’ giáo hoàng thứ ba nữa. Chức giáo hoàng rơi vào chỗ mạt hạng nhất của nó và lý tưởng của thế giới Kitô giáo suy vi tận cùng.

Dietrich ở Niem (1340?-1418), một nhà thần học và là một nhà giáo luật, đã thuyết phục Sigismund, vị Hoàng Đế La Mã Thánh Thiện – như lúc bấy giờ người ta vẫn gọi vị hoàng đế người German này như thế – rằng nếu hoàng đế triệu tập một Công Đồng với sự nhất trí của ít nhất một trong số các giáo hoàng, thì Giáo Hội sẽ chấp nhận quyết định của Công Đồng ấy về giải pháp để chấm dứt tình trạng ly khai. Vị hoàng đế này và vị giáo hoàng của Pisa đã tổ chức một Công Đồng nhóm họp ở Constance vào ngày 1 tháng 11, năm 1414. Công Đồng này, được biểu quyết bởi các quốc gia, đã quyết giữ thẩm quyền tối cao của mình đối với Giáo Hội, đòi hỏi các giáo hoàng của Pisa và của Rôma phải rút lui, và đã truất phế vị giáo hoàng ở Avignon. Tháng 11 năm 1417, các hồng y – nhóm họp cùng với sáu đại diện của mỗi quốc gia – đã bầu một hồng y Rôma, Oddo Colonna, làm Giáo Hoàng Martin V (1417-1431). Cuộc ly khai chấm dứt nhưng chức giáo hoàng bị suy yếu nghiêm trọng vì nhiều Kitôhữu tán thành công đồng thuyết, nghĩa là tin rằng một Công Đồng, chứ không phải vị giáo hoàng, là thẩm quyền quyết định cao nhất trong Giáo Hội.

Cuộc Phục Hưng

Cuộc Phục Hưng là một phong trào phức tạp đã làm thay đổi cảm thụ văn chương, nghệ thuật và triết học của giới thức giả vị vọng ở Tây Âu. Phong trào này bắt đầu ở các đô thị giàu có miền Bắc nước Ý vào cuối thế kỷ 14 và đặc biệt nở rộ ở Florence với sự hậu thuẫn của gia đình Merici và ở Rôma nơi mà các giáo hoàng đỡ đầu cho phong trào này. Phong trào Phục Hưng dần dần lan ra khắp lục địa. Nó lan đến nước Anh vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 16 và sau đó lan tới những miền đất Scandinavian. Phong trào Phục Hưng đề cao nền văn hóa Hy La cổ và triết học của Platon. Tác giả Kitô giáo được phong trào này ưa thích là Augustine. Những người Phục Hưng chấp nhận các tác phẩm của các giáo phụ Giáo Hội nhưng xem thần học kinh viện là khô khan về tư tưởng và man rợ về phong cách văn chương. Tại các vùng đất Germanic, những người như Nicholas ở Cusa (1401-1464), Rudolf Agricola (1444-1485), Conrad Celtis (1459-1508), Reuchlin (1455-1522), và Erasmus (1466?-1536) đã kết hợp tri thức cổ điển của phong trào Phục Hưng với lòng sùng ngưỡng Thánh Kinh thành một chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo rõ rệt, làm cho các tác giả Phục Hưng thuở ban đầu như Petrarch, Ficino (1433-1499) và Pico della Mirandola (1463-1494) dường như  nghiêng về tính thế tục.

CUỘC CẢI CÁCH VÀ CÔNG ĐỒNG TRENTÔ

Cuộc Cải Cách là một phong trào tôn giáo trong nội bộ Giáo Hội vào thế kỷ 16. Xuyên qua việc rao giảng Tin Mừng, phong trào này tìm cách làm linh hoạt đức tin Kitô giáo, hồi sinh sự sống Kitô giáo và đơn giản hóa việc thực hành tôn giáo. Nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo, phong trào này đặc biệt đề cao Thánh Kinh và ái mộ tư tưởng của Augustinô, do đó phong trào này thiên về quan điểm Công Đồng thuyết trong nhận thức về Giáo Hội và phê phán các giáo hoàng của phong trào Phục Hưng. Phong trào Cải Cách chủ trương rằng việc Giáo Hội dung dưỡng thần học của Biel và Ockham có nghĩa rằng Giáo Hội mặc nhiên chấp nhận giáo huấn của Pelagius mà Công Đồng Ephêsô đã lên án vào năm 431. Phong trào này xuất phát từ việc rao giảng và viết lách của Martin Luther (1483-1546), mặc dù nhà tổ chức chính của nó và nhân vật tiêu biểu nhất của nó chính là John Calvin (1509-1564).

Để giảm trừ nỗi lo sợ và hoang mang về phần rỗi đời đời mà thần học của Biel và Ockham đã truyền bá, Luther dựa vào các bản văn Tân Ước để giảng về sự chắc chắn của việc Thiên Chúa Cha chấp nhận Đức Giêsu là nền tảng ơn cứu độ của chúng ta. Chúng ta được cứu không phải do các việc lành mình làm, nhưng chỉ do đức tin vào Chúa Giêsu Đấng là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Các bí tích không đem lại ân sủng. Đó chỉ là dịp để Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta. Calvin tỏ ra khác với Luther trong cố gắng làm vơi bớt nỗi lo sợ của các Kitôhữu về phần rỗi đời đời. Calvin dạy rằng Chúa Thánh Thần tạo ra lòng thống hối và đức tin nơi những tín hữu. Đức tin đã thiết lập một mối kết hợp sống động giữa người tín hữu và Đức Kitô, tạo ra một sự sống mới trong Đức Kitô mà Calvin gọi là “ơn công chính hóa”. Sự kiện người tín hữu thực hành những điều làm vui lòng Thiên Chúa là bằng chứng rằng họ đã đi vào trong mối kết hiệp sống động với Đức Kitô.

Năm 1517, Luther là giáo sư Thánh Kinh tại Đại Học Wittenberg, một học viện tích cực hậu thuẫn cho chương trình truyền bá chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo. Đại học này đã loại bỏ phương pháp kinh viện và dạy thần học bằng cách nghiên cứu Thánh Kinh và các Giáo phụ của Giáo Hội. Ngày 31 tháng 10, năm 1517, Luther xuất bản bằng tiếng La Tinh một danh mục gồm 95 luận điểm trong đó ông tấn công giáo huấn của Giáo Hội về các ân xá. Những luận điểm này được dịch sang tiếng Đức và được truyền bá rộng rãi. Nội trong ít tuần lễ, tất cả các vùng nói tiếng Đức đều xôn xao. Bị lên án bởi thẩm quyền Giáo Hội, Luther trở thành một người hùng của đại chúng và từ Wittenberg, vào tháng 11 năm 1518, ông đã yêu cầu rằng các quan điểm của ông phải được phán quyết dứt khoát bởi một Công Đồng tương lai. Vào năm 1519 Luther dạy rằng uy quyền tối cao của Giáo Hội Rôma không được hậu thuẫn cả bởi Thánh Kinh lẫn bởi lịch sử, và trong một cuộc tranh luận ồn ào với Eck, nhà thần học của giáo hoàng, Luther đã phủ nhận tính bất khả ngộ của các Công Đồng chung.

Giáo Hoàng Leo X (1515-1521) lên án giáo huấn của Luther vào năm 1520. Nhưng Luther đã đáp lại sự lên án ấy bằng ba quyển sách: Lời Ngỏ với Các Kitôhữu Quí Tộc của Nước Đức, Cuộc Lưu Đày Babilon của Giáo Hội, và Tự Do của Kitôhữu. Giáo hoàng đã trả lời bằng việc tuyệt thông Luther và yêu cầu Hoàng đế Charles V (1500-1558) của Đức thi hành án tuyệt thông này. Tháng tư, 1521, Luther xuất hiện trước nghị viện và hoàng đế và từ chối rút lại những sách vở của ông. Hoàng đế lên án Luther, nhưng Luther được Frederick ở Saxony (1486-1525) bảo vệ. Các quan điểm của Luther được đón nhận rộng rãi ở Bắc Âu.

Hoàng đế yêu cầu Giáo Hoàng Clement VII (1523-1534) triệu tập một Công Đồng chung, nhưng giáo hoàng nhất quyết từ chối. Tất cả các vùng của nước Đức đã thay thế các nghi thức phụng tự truyền thống của Giáo Hội và bắt đầu theo Sách Nghi Thức của Luther – quyển này đã được xuất bản vào năm 1526. Tháng 2 năm 1529, nghị viện yêu cầu rằng các vùng đất đã thay đổi phụng vụ của Giáo Hội cần phải thừa nhận phụng vụ ấy và các vùng này phải hoàn trả tất cả các tài sản của Giáo Hội mà mình đã chiếm giữ. Các vùng theo Luther được đại diện trong nghị viện đã khởi xướng một cuộc phản kháng chính thức, gọi là Protestatio, chống lại yêu cầu trên kia của nghị viện. Từ đó, những người cải cách được gọi là Thệ Phản (Protestants). Các vùng Thệ Phản đã hình thành một liên minh quân sự và hoàng đế không thể bắt họ thần phục, nhưng hoàng đế đã thành công trong việc thuyết phục họ đến tham dự một Công Đồng chung nếu Công Đồng ấy được triệu tập. Cuối cùng, Giáo Hoàng Phaolô III (1534-1549) đã đồng ý triệu tập một Công Đồng mà ngài yêu cầu nhóm họp tại Mantua, nước Ý, vào tháng 5 năm 1537. Song Công Đồng này đã không nhóm họp được. Pháp và Đức đã tuyên chiến với nhau và những người Thệ Phản từ chối tham dự một Công Đồng được tổ chức ở Ý. Trong khi đó, phong trào Thệ Phản đã lan tràn sang Thụy Sĩ và Pháp.

John Calvin bắt đầu đọc các tác phẩm của Luther khi còn là sinh viên tại College de France vào năm 1531. Tới năm 1534, Calvin đã trải qua một cuộc cải hóa tôn giáo thâm sâu. Khi Francis I (1515-1547) tố cáo các thần dân Pháp theo Thệ Phản của ông rằng họ ủng hộ tình trạng vô chính phủ, thì Calvin – bấy giờ đã trốn khỏi nước Pháp và đang ở Thụy Sĩ – đã trả lời cho những tố cáo ấy của nhà vua vào năm 1536 với tác phẩm nổi tiếng của ông là Các Thể Chế của Kitô giáo. Tác phẩm của Calvin là sự trình bày có tính hệ thống và mạch lạc nhất về tín lý và đời sống Kitô giáo mà phong trào Cải Cách đã cung cấp. Nó đã mở rộng phong trào Thệ Phản xuống các nước phía dưới và các đảo Anh quốc.

Năm 1542, được sự yêu cầu của hoàng đế, giáo hoàng đã triệu tập một Công Đồng nhóm họp ở Trent vào năm 1542. Chiến tranh đã gây ra sự trì hoãn, nhưng rồi Công Đồng cũng đã bắt đầu vào năm 1545. Với nhiều ngắt quãng trong quá trình, Công Đồng này đã tiếp tục cho tới năm 1563. Mặc dù có sự xuất hiện của các nhà thần học Thệ Phản trước Công Đồng vào năm 1552, Công Đồng đã dứt khoát lên án chủ trương của Thệ Phản và bác bỏ lý lẽ của cả Luther lẫn Calvin. Charles V vốn hy vọng rằng Công Đồng sẽ tiến tới một sự ổn thỏa với Thệ Phản, nhưng niềm hy vọng ấy đã không thành, dù sao Công Đồng Trentô cũng đã đề ra một chương trình canh tân Giáo Hội và chương trình này đã tỏ ra có nhiều hiệu quả đáng kể.

Công Đồng Trentô đã làm sáng tỏ giáo huấn của Giáo Hội về cách mà những người đã lãnh nhận Phép Rửa đón nhận được ơn sự sống đời đời do Chúa Cha trao ban cho mình trong Đức Giêsu và qua Thánh Thần. Công Đồng Trentô cũng giải thích cách mà các bí tích của Giáo Hội mang lại sự chuyển hóa của các Kitôhữu nên giống Đức Kitô, và vai trò của các bí tích trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đối với toàn thể loài người. Công Đồng Trentô đã canh tân đời sống bí tích và phụng vụ của Giáo Hội đến nỗi nhiều dòng tu mới – như Dòng Tên, do Inhaxiô Loyola (1491-1556) thành lập – và các dòng cựu trào hơn – như  dòng Carmel, đã cải cách nhờ những cố gắng của Têrêsa Avila (1515-1582) và Gioan Thánh Giá (1542-1591) – đã cổ vũ mạnh mẽ đời sống linh đạo và đã khởi xướng phong trào gửi các thừa sai đến những vùng đất mới mà Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp đã bắt đầu phát triển. Trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã đưa Tin Mừng tới Bắc và Nam Mỹ, các vùng duyên hải Phi Châu, Ấn Độ, Philippines, Nhật Bản, và Trung Hoa, trong phong trào truyền giáo lớn nhất của lịch sử Giáo Hội.

CÁC CÔNG ĐỒNG VATICAN I VÀ  II

Công Đồng Trentô đã để lại hai vấn đề chưa giải quyết. Nếu những người Thệ Phản – theo lương tâm mình – không thể chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội, thì thẩm quyền dân sự sẽ xử lý thế nào với họ? Đâu là mối liên hệ giữa các giám mục – nhất là các giám mục của một quốc gia – với vị giám mục của Rôma? Công Đồng giả định rằng các nhà cầm quyền trung thành với Giáo Hội sẽ tích cực ủng hộ các quyết nghị của Công Đồng Trentô. Công Đồng đã thảo luận câu hỏi thứ hai nhưng các giám mục Pháp mạnh mẽ phản kháng bất cứ cố gắng nào nhằm loại bỏ sự tự quản của mình đến nỗi Công Đồng đã phải ngừng lại thay vì tiếp tục bàn luận để phải đối mặt với nguy cơ của một cuộc ly khai.

Trong hơn một thế kỷ sau Công Đồng Trentô, Bắc Âu đã trải qua nỗi kinh hoàng của chiến tranh tôn giáo. Giống như các hoàng đế ngày xưa của oikumene, các nhà cầm quyền ở Âu Châu đã yêu cầu rằng các thần dân phải theo tôn giáo của nhà cầm quyền. Việc các quốc gia chấp nhận đa nguyên tôn giáo  xảy ra dần dần và một cách miễn cưỡng khi lần lượt các nhà cầm quyền nhận ra rằng sự đồng nhất tôn giáo là điều không thể đạt được bằng vũ lực. Để có được tự do tôn giáo nhiều người Âu Châu đã xuất cảnh sang Mỹ nơi mà cả Giáo Hội Công Giáo lẫn những người Tin Lành thuộc nhiều phái khác nhau đã cắm rễ và phát triển.

Tuy nhiên, ở Âu Châu, mối quan tâm về tôn giáo bắt đầu suy tàn. Cuộc cách mạng công nghiệp đã bắt đầu, và của cải được tạo ra bởi sản xuất công nghiệp đã giúp cho các quốc gia Âu Châu vừa giàu có vừa tiến bộ kỹ thuật xây dựng những đế quốc thuộc địa rộng mênh mông, chiếm lĩnh khắp cả địa cầu. Mối quan tâm trí thức đã chuyển từ thần học sang khoa học, sang các công trình của Galileo (1564-1642), Newton (1642-1727), triết học của Descartes (1596-1650) và Locke (1632-1704). Nền văn hóa Âu Châu đang trở nên có tính thế tục và người Châu Âu tự coi mình như những công dân của những quốc gia biệt lập đấu tranh để giành ưu thế và quyền lực. Cùng đứng trong hàng ngũ con dân của một quốc gia, điều đó đã trở thành quan trọng hơn so với việc cùng tuyên xưng và thực hành một truyền thống tôn giáo. Tuy nhiên, Louis XIV của nước Pháp (1643-1715) đã triển khai một đường lối chuyên chế hoàng gia hoàn toàn đối nghịch với xu thế nói trên.

Chủ Nghĩa Pháp Giáo (Gallicanism)

Năm 1685, Louis XIV đuổi những người Pháp theo Thệ Phản ra khỏi vương quốc của mình. 300 ngàn người Huguenots (tên gọi được gán cho những người Pháp theo Calvin) đã đi đày ở Anh, Hà Lan, Phổ và Mỹ. Đối với Giáo Hội Công Giáo, nhà vua cũng chuyên chế không kém. Năm 1682, nhà vua yêu cầu giáo sĩ Pháp đưa ra một bản tuyên bố về các đặc quyền của Giáo Hội Gallican (Pháp) trong đó có khẳng định rằng các Công Đồng chung có thẩm quyền cao hơn giáo hoàng, rằng giáo hoàng không được xen vào các tập tục của Giáo Hội Gallican, và rằng giáo hoàng không phải không thể sai lầm khi giảng dạy chân lý đức tin của Giáo Hội. Chính sách này của nhà vua về tôn giáo không được phổ biến lắm, nhưng những người kế vị Louis đã tiếp tục đẩy mạnh chính sách này. Các tác giả, như Voltaire (1694-1778), và các trí thức tên tuổi khác vào thời đại Ánh Sáng đã phê bình gắt gao chính sách này và Giáo Hội. Với biến cố Cách Mạng Pháp (1789) mà thời đại Ánh Sáng đã tác động, Giáo Hội chịu đựng sự bách hại nghiêm trọng và nhà nước đã tạm thời thiết lập một Giáo Hội của nhà nước.

Vatican I

Cuộc Cách Mạng Pháp mở đường cho thời đại của Napoleon, người đã mở những cuộc chiến tranh nhằm đặt toàn thể Châu Âu dưới sự thống trị của nước Pháp. Sự sụp đổ của Napoleon vào năm 1815 đã tạo điều kiện cho một cuộc hồi sinh các giá trị của thời Trung cổ. Cuộc hồi sinh này đã giúp Giáo Hội trong việc đào sâu lòng mộ đạo và nhen nhóm lại lòng trung thành đối với giáo hoàng. Năm 1870, Giáo Hoàng Piô IX (1846-1878) đã cảm thấy đủ chắc chắn về lòng trung thành ấy và đã triệu tập một Công Đồng để giải quyết vấn đề mà Công Đồng Trentô bị buộc phải bỏ dở do chủ nghĩa Pháp giáo mới nổi lên của các giám mục Pháp. Hữu ý chống lại bản tuyên bố về các đặc quyền của Giáo Hội Gallican hồi năm 1682, Công Đồng Vatican I xác nhận vị thế đặc biệt của Giáo Hội tại Rôma giữa các Giáo Hội khác và vị thế đặc biệt của giám mục Rôma, tức giáo hoàng , giữa các giám mục khác. Công Đồng này đã tuyên bố rằng Giáo Hội không thể sai lầm và rằng giáo hoàng thực thi quyền không thể sai lầm ấy khi ngài chính thức dạy chân lý đức tin.

Công Đồng này đã giải tán sớm do sự bùng nổ cuộc chiến tranh giữa Pháp và Đức. Nước Pháp bị buộc phải rút quân đội của mình ở Rôma về – quân đội này vốn làm nhiệm vụ bảo vệ Rôma và vùng phụ cận do áp lực của Victor Emmanuel II (1849-1878), người đã sáp nhập phần lớn các lãnh địa giáo hoàng vào năm 1861 nhằm mục đích hình thành một nước Ý thống nhất. Ngày 20 tháng 9 năm 1870, quân đội Ý chiếm Rôma và trong một cuộc trưng cầu dân ý, dân chúng ở đây đã tán thành việc sáp nhập với nước Ý. Quyền lực trần thế của giáo hoàng, vốn bắt đầu từ thời Pepin mười một thế kỷ trước đó, đi tới chỗ chấm dứt. Mặc dù bị tước mất quyền lực trần thế, uy tín của giáo hoàng trong Giáo Hội đã tăng cao rất nhiều. Giáo hoàng là giềng mối của Giáo Hội và cai quản Giáo Hội từ Rôma. Khi vào đầu năm 1959 Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1963) loan báo rằng ngài sẽ triệu tập Công Đồng Vatican II (1962-1965), nhiều người suy đoán rằng mục đích của Công Đồng này sẽ là đẩy mạnh tiến trình tập quyền.

Thế Kỷ 20

Trong hơn 90 năm kể từ Công Đồng trước, Châu Âu đã trải qua những thay đổi sâu sắc. Hai cuộc chiến tranh thế giới đã làm cho chủ nghĩa dân tộc bị nghi ngờ, và các quốc gia Châu Âu đã đánh mất các đế quốc thuộc địa của mình. Cuộc Cách Mạng Nga năm 1917 đã bị làm lệch hướng và trở thành một chế độ cộng sản mà kết quả là chủ nghĩa Mác xít được truyền bá ở khắp Đông Âu và Á Châu. Các chế độ cộng sản bách hại Giáo Hội một cách dã man và thù nghịch với mọi tôn giáo. Nhưng những thay đổi trong Giáo Hội còn lớn lao hơn nhiều so với những thay đổi mà Châu Âu đã trải qua.

Năm 1959, số tín hữu ở Âu Châu chiếm không tới 20% con số tín hữu của toàn Giáo Hội. Giáo Hội đã phát triển mạnh mẽ ở Bắc và Nam Mỹ, Úc Châu và Á Châu. Ở Phi Châu và Ấn Độ, Giáo Hội đang lan rộng rất nhanh. Hơn một nửa con số thành viên của Giáo Hội sống ở “Thế giới Thứ Ba”- và đối với đại đa số trong Giáo Hội, văn hóa Châu Âu là một cái gì xa lạ, thậm chí kỳ quặc khó hiểu. Đa số các thành viên của Giáo Hội sống ở những nước có tính đa nguyên về tôn giáo.

Vatican II

Giáo Hoàng Gioan XXIII nhận ra rằng Giáo Hội cần một cuộc aggiornamento (cập nhật). Công Đồng Vatican II là phương tiện mà vị giáo hoàng này dùng để làm cho Giáo Hội đối diện với các thực tại của chính mình và của thế giới hiện đại. Gioan XXIII qua đời trong khi Công Đồng còn nhóm họp, nhưng người kế vị của ngài, Phaolô VI (1963-1978), đã đưa Công Đồng đi đến kết thúc một cách thành công.

Không giống như truyền thống, Vatican II đã không tự  diễn tả mình bằng thứ ngôn ngữ có tính pháp lý và rối rắm khó hiểu, thứ ngôn ngữ mà các Công Đồng oikumene đã dùng trước hết. Các văn kiện của Công Đồng này là những bản văn được viết bằng thứ ngôn ngữ thẳng thắn, bám chặt vào Thánh Kinh. Các văn kiện ấy nhắm đến bất cứ ai có thể đọc, chứ không chỉ dành cho các thành viên của Giáo Hội. Muời bảy bản văn hùng hồn và sắc sảo này nhằm giải thích Giáo Hội là gì và Giáo Hội đang cố gắng làm gì trong bối cảnh vô cùng phức tạp của thế giới hiện đại. Công Đồng đã khích lệ Giáo Hội đi vào trong đối thoại với các Giáo Hội đã ly khai khỏi Rôma trong suốt giòng lịch sử, Công Đồng ủng hộ nguyên tắc tự do tôn giáo, nhìn Do Thái giáo và các tôn giáo ngoài Kitô giáo khác với cái nhìn đồng cảm, và nhận định sự phấn đấu của gia đình nhân lọai trong việc tranh thủ phẩm giá và công bằng trên khắp thế giới này.

Có 3 văn kiện của Công Đồng này có tầm quan trọng đặc biệt. “Hiến Chế Phụng vụ Thánh” (Sacrosanctum Concilium) đã làm sống hoạt các nghi thức của Thánh Lễ và thúc đẩy việc thực hành phụng tự trong những hình thức có ý nghĩa đối với nền văn hóa đặc thù của địa phương. “Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thánh” (Dei Verbum) đã giải thích vai trò quan trọng mà kinh nghiệm tôn giáo của con người nắm giữ trong việc Thiên Chúa tự biểu lộ chính Ngài, biểu lộ ý muốn của Ngài và các kế hoạch của Ngài. Thánh Kinh chứa đựng mạc khải và phải được nghiên cứu bởi các phương pháp chú giải hiện đại. Thánh Kinh đích thực là Lời của Thiên Chúa nhưng theo nghĩa rằng con người diễn tả sứ điệp của Thiên Chúa trong ngôn ngữ của loài người. “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội” (Lumen Gentium) hoàn thành bức tranh về Giáo Hội mà Vatican I đã phác thảo chỉ mới một phần. Giáo Hội được mô tả trong Thánh Kinh và trong lịch sử. Tất cả các giám mục cùng với giáo hoàng tạo thành một “tập đoàn” các giám mục chịu trách nhiệm dẫn dắt Giáo Hội, đoàn dân lữ hành của Thiên Chúa, trong việc phụng sự Thiên Chúa và gia đình nhân loại.

Giáo Hội sẽ thực thi Công Đồng Vatican II như thế nào, Giáo Hội sẽ đổi mới và trở nên sống động như thế nào để thi hành sứ mạng của mình là làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh, đó sẽ là câu hỏi mà các sử gia tương lai sẽ đặt ra cho Giáo Hội hôm nay. (16)

CÂU HỎI GIÚP TÌM HIỂU

1.Lịch sử Giáo Hội nghiên cứu về vấn đề gì? Tại sao việc nghiên cứu vấn đề này quan trọng đối với chúng ta hôm nay?

2.Hãy kể ra những hệ quả của việc Theodosius biến Kitô giáo thành tôn giáo chính thức duy nhất của đế quốc Rôma?

3.Điều gì đã gây ra sự rạn nứt trong Giáo Hội giữa Rôma và Constantinople vào năm 1504?

4.Phong trào Cải Cách là gì và đâu là hệ quả của phong trào này trên Giáo Hội Kitô giáo và trên nền văn hóa Âu Châu?

5.Công Đồng Vatican I (1870) và Công Đồng Vatican II (1962-1965) đã giúp như thế nào để các Kitôhữu đào sâu nhận thức của mình về vấn đề mà lịch sử Giáo Hội tập chú vào?

————————–

(13) Được trích dẫn bởi Richard A. Norris, dịch và hiệu đính trong “Bài giảng đầu tiên của Nestorious chống lại tước vị Mẹ Thiên Chúa,” The Christological Controversy (Philadelphia: Fortress Press, 1980) 130. 

(14) Edward Schwartz, ed., Acta Conciliorum Oecumenicorum 2, 1, 1 (Berlin and Leipzig: De Gruyter, 1914) 114.

(15) Năm 1965, Giáo Hoàng Phaolô VI Thượng Phụ Athenagoras I (Tổng Giám mục Constantinople) hủy bỏ vạ tuyệt thông lẫn nhau đã được đưa ra bởi  các vị tiền nhiệm hồi năm 1054. Đến năm 1980, Ủy Ban Thần học Công Giáo-Chính Thống Quốc Tế, được thành lập bởi Rôma và 14 Giáo Hội oikumene cổ xưa, đã bắt đầu gặp gỡ nhau với hy vọng tái lập sự hiệp nhất cho Giáo Hội.

(16) Nguồn quan trọng nhất được sử dụng để biên soạn bài “Giáo Hội Trong Lịch Sử” này là A History of the Christian Church của Williston Walker và nhiều tác giả khác (New York: Charles Scribner’s Sons, 1985). Đây là tác phẩm hay nhất về chủ đề này, có chứa 20 trang phụ trương về các họa đồ Thánh Kinh được sắp xếp mạch lạc để giúp cho việc đọc hiểu các khía cạnh riêng của lịch sử Giáo Hội.

 

Advertisement
%d người thích bài này: