DẪN VÀO THẦN HỌC: CHƯƠNG IX: LINH ĐẠO KITÔ GIÁO

Chương IX

LINH ĐẠO KITÔ GIÁO

Mary Milligan, R.S.H.M.

Thuật ngữ “linh đạo” không chấp nhận bất cứ sự định nghĩa dễ dãi nào. Theo một nghĩa nào đó, xét như một sự cởi mở cách triệt để đón nhận siêu việt, linh đạo là một chiều kích nội tại của mọi con người. Theo một nghĩa chặt hơn, linh đạo qui chiếu đến sự khôn ngoan về tinh thần được tích lũy bởi loài người xuyên qua các thời đại trong nỗ lực tìm kiếm sự hiệp nhất với siêu việt, thường được gọi là Thiên Chúa. Hoặc linh đạo cũng có thể nói đến kinh nghiệm của một người hay một nhóm người trong cuộc tìm kiếm thăng tiến tâm linh.

Hai tiếng “linh đạo” được gán cho một môn học trong lãnh vực thần học lại là một hiện tượng tương đối mới đây. Trong tư cách là một “kẻ mới đến” trong lãnh vực học thuật, linh đạo vẫn còn đang trong quá trình xác định các phạm trù, các ý niệm và phương pháp luận của nó. Các lãnh giới của linh đạo xét như một môn thần học chắc chắn rất rộng. Một bộ sách nhiều tập mới xuất bản gần đây về Linh Đạo Thế Giới đã bao gồm những tập về các linh đạo cổ sơ, linh đạo Phi Châu, Nho giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, da đỏ Bắc Mỹ, vân vân…! Chỉ ba trong số 25 tập của bộ sách được dành cho linh đạo Kitô giáo. Mỗi trong số các linh đạo này qui chiếu đến một thực tại siêu việt và diễn dịch kinh nghiệm con người dựa trên thực tại ấy.

Trong lãnh vực thần học Kitô giáo, linh đạo qui chiếu đến kinh nghiệm sống về một Thiên Chúa Ba Ngôi và suy tư thần học về kinh nghiệm ấy. Nó “tập chú không phải trên bản thân đức tin, nhưng trên thái độ mà đức tin ấy khơi lên trong ý thức và thực hành Kitô giáo.” (43) Trong mô tả của ngài về sự sống trong Thánh Thần, Thánh Phaolô dường như đã đụng đến cốt lõi của bất cứ định nghĩa nào về linh đạo Kitô giáo: Một sự nhận hiểu về Thiên Chúa và về mối quan hệ của mình với Thiên Chúa vốn ảnh hưởng đến cung cách sống của mình. Thánh Phaolô viết trong thư Rôma 12,2: “Anh em hãy biến đổi nhờ sự đổi mới tâm thần” (RSV); “Hãy thay đổi cách sống của anh em, theo tâm thần đổi mới của anh em” (JB).

Vậy thì cái gì làm nên “linh đạo Kitô giáo”, tiêu điểm tìm hiểu của chúng ta ở đây? Đối với bất cứ linh đạo Kitô giáo nào, Đấng Siêu Việt, Đấng Khác, Đấng Tối Thượng, … là Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải nơi Đức Giêsu Nadarét. Kinh nghiệm tôn giáo của người Kitôhữu được cắm rễ trong – và được diễn dịch theo – một sự nhận hiểu căn bản về Thiên Chúa và về mối quan hệ giữa Thiên Chúa với con người nơi Đức Giê-su Kitô. Đời sống của con người được tác động bởi Thánh Thần của Đức Giêsu Phục Sinh là tiêu điểm khảo cứu của linh đạo Kitô giáo.

Mối quan hệ của người Kitôhữu với Thiên Chúa không được sống trong tình trạng cô lập. Ơn cứu độ của người Kitôhữu không bao giờ chỉ là chuyện riêng giữa “tôi và Thiên Chúa”. Người Kitôhữu được định vị trong một cộng đoàn đức tin nhận hiểu Thiên Chúa là Cha của mình, và Đức Giêsu là trưởng tử cùng với nhiều anh chị em có liên đới với đời sống mình, và tất cả được mời gọi phụng thờ Thiên Chúa trong tư cách một gia đình của Ngài. Được soi sáng bởi Thánh Kinh và truyền thống, cộng đoàn các tín hữu nhận cả Thánh Kinh Do Thái lẫn Tân Ước như  Lời mạc khải của Thiên Chúa và, do đó, như là nền tảng của linh đạo Kitô giáo. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng linh đạo Kitô giáo thiết yếu có tính Ba Ngôi, có tính Kitôhọc, Giáo Hội học, có tính phụng vụ và Thánh Kinh.

Nghiên cứu linh đạo Kitô giáo là nghiên cứu những biểu hiện của kinh nghiệm vọt ra từ đức tin Kitô giáo. Đó là nghiên cứu kinh nghiệm đã được sống cắm rễ trong một sự nhận hiểu về Thiên Chúa, về chính bản thân mình, về người khác và về thế giới.

Vì kinh nghiệm là nền tảng của linh đạo, nên nghiên cứu linh đạo chủ yếu là nghiên cứu qua các biểu hiện của kinh nghiệm. Những gì mà các cá nhân nói với chúng ta về kinh nghiệm của họ sẽ luôn luôn là một nguồn chủ yếu để nghiên cứu linh đạo. Mặc dù các Kitôhữu qua các thế kỷ đã diễn tả kinh nghiệm tâm linh của họ nơi nghệ thuật tranh tượng, nơi các điệu vũ, kiệu rước, họ cũng đã viết ra nhận thức của họ về Thiên Chúa, về thế giới, và về chính họ. Những văn liệu này là một nguồn chất liệu chủ yếu để nghiên cứu linh đạo.

Trong số các văn liệu nói trên, phần cốt thiết nhất thuộc về những tác phẩm của các nhà thần bí – là những người đã cố gắng mô tả đời sống cầu nguyện của họ, ngay cả khi các kinh nghiệm thần bí của họ không thể hiểu được hoàn toàn đối với chính bản thân họ. Tất cả ngôn ngữ con người đều bất cập trong việc chuyển tải kinh nghiệm tôn giáo, và vì thế khi chuyển tải nhận thức hiện sinh của mình về Thiên Chúa, các văn sĩ thần bí đã phải vận dụng rất nhiều loại suy, biểu tượng và các hình ảnh của con người, Chẳng hạn, Têrêsa Avila đã ví các chặng đường cầu nguyện với những cách lấy nước từ giếng. Vị thánh nữ này mô tả các chặng đường của đời sống tâm linh như một loạt những lâu đài nội tâm giống hệt như những lâu đài vững vàng chắc chắn mà chị rất quen thuộc tại vùng Avila của mình. Inhaxiô Loyola, vốn là một hiệp sĩ xứ Basque, đã ví sự cam kết dấn thân sâu xa của Kitô hữu vốn trở thành động lực cho toàn thể đời sống người ta như sự nhiệt thành “hưởng ứng tiếng gọi của một vị vua chúa trần gian”.

Các nhà thần bí Kitô giáo mô tả kinh nghiệm nội tâm của mình qua nhiều thể văn khác nhau. Họ viết những câu chuyện ở ngôi thứ ba, những vần thơ, những bản văn có ngôn ngữ khải huyền, hoặc bằng thứ ngôn ngữ có tính mô tả chi tiết. Chẳng hạn, Julian Norwich đã viết một cách tự nhiên và chân thành về những gì đã được “mở ra” cho chị thấy trong vài tiếng đồng hồ vào một ngày tháng ba năm 1373. Chị mô tả các màu sắc của thân thể Đức Giêsu khi Ngài chết: “Nó chuyển sang một màu xanh dương, rồi dần dần đổi thành một màu xanh sậm...”; những giọt máu từ vòng gai “giống như những giọt nước rớt xuống từ mái hiên sau một cơn mưa lớn, rơi xuống liên hồi và dồn dập đến nỗi không ai có thể đếm được; những giọt máu ấy lăn xuống trán Người, tròn như [sic] những vảy cá trích.” (44) Những mô tả sống động và rất phàm tục đó chính là cố gắng của Julian muốn mô tả điều không thể mô tả được.

Cũng vậy, những công việc làm trong cuộc sống người ta cũng biểu hiện động lực căn bản của họ, chủ hướng hành động của họ, linh đạo của họ. Chẳng hạn, các cộng đoàn được thành lập bởi Jean Vanier cho những người lớn bị các chứng tâm thần (l’Arche) cho thấy nhận thức của ông về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi con người không kém chi so với các sách vở của ông. Các cộng đoàn thợ thuyền Công Giáo vốn vẫn tiếp tục đời sống và linh đạo của Dorothy Day là những minh họa hùng hồn cho vô số các văn liệu mà người phụ nữ này đã ghi chép. Và chúng ta vẫn thường xuyên nhận thấy rằng đời sống của các cộng đoàn tu trì biểu hiện nhãn giới đức tin căn bản và cảm hứng của vị sáng lập ra các cộng đoàn ấy! Đời sống luôn luôn là chỗ biểu hiện của linh đạo.

Người ta cũng có thể cảm nhận linh đạo của một người, một nhóm hay một thời đại qua hội họa và âm nhạc tôn giáo, qua các cử hành phụng vụ. Kiến trúc rô-man của nhà thờ chính tòa Santiago ở Compostela là dấu chứng của linh đạo hành hương vốn đã gợi hứng cho nó. Vô số những cuộc rước kiệu và hành hương của dân chúng Mỹ Châu Latinh ngày nay cũng phản ảnh một linh đạo hành hương tương tự. Về một nhận thức mối quan hệ giữa Thiên Chúa với con người, nhà thờ chính tòa Chartres nói với chúng ta bằng ngôn ngữ của đá cũng không kém chi so với bộ Tổng Luận Thần Học của Tôma Aquinô.

Như vậy, trong tư cách là một môn thần học, linh đạo có lãnh giới rất rộng; nó chủ yếu có tính liên ngành. Nó vận dụng triết học và xã hội học để phân tích các biểu hiện của cá nhân và tập thể của kinh nghiệm tôn giáo; nó vận dụng sử học để khảo sát những phát triển của các biểu hiện đó và để khám phá những phát triển trong việc nhận thức một số các thực tại tâm linh; nó dựa vào nghệ thuật để diễn tả tâm linh con người trong các chiều sâu thẳm.

Căn cứ trên kinh nghiệm con người, cả cá nhân và tập thể, linh đạo có tính toàn diện. Nó được sống và thể hiện trong mọi chiều kích của đời sống con người – cá nhân và xã hội, chính trị và tâm linh. Nó kính trọng sự hiệp nhất của thân xác và linh hồn; nó phối kết nỗ lực không ngừng của một con người để vươn tới sự lành mạnh trọn vẹn. Nó bao gồm mối quan hệ giữa mình với người khác, với Thiên Chúa và với thế giới, tìm cách thống nhất những mối quan hệ ấy trong một đời sống được thúc đẩy bởi đức tin. Nó tìm cách diễn dịch kinh nghiệm con người theo thực tại siêu việt ấy.

Chúng ta có thể nói rằng linh đạo là một cách sống được tác động bởi đức tin của người ta. Nó là một cách nhận hiểu mầu nhiệm Kitô giáo và là một cách phối kết các yếu tố của mạc khải Kitô giáo trong một nhãn quan nào đó. Thánh Thần trong mỗi người trao ban cho mỗi người một sự nhạy cảm đặc biệt đối với một số khía cạnh của mầu nhiệm Kitô giáo và sự nhạy cảm ấy ảnh hưởng đến các chọn lựa trong đời sống của đương sự.

Thánh Phanxicô Atxidi, một trong các vị thánh danh tiếng và được yêu mến nhất của Kitô giáo, có thể cung ứng một minh họa cho sự phối kết này. Chúng ta biết hai biến cố quan trọng trong đời ngài nói lên một kinh nghiệm tôn giáo thâm sâu: một là, sự kiện ngài gặp gỡ những người phung hủi – những người mà tự nhiên ngài tởm gớm, và hai là, sự kiện ngài chiêm niệm trước tượng chịu nạn và nghe tượng này nói với mình trong thánh đường San Damiano. Trong ánh sáng của những kinh nghiệm này, về sau khi nghe tiếng Tin Mừng thúc đẩy mình ra đi rao giảng, không mang theo vàng bạc trong thắt lưng, không bao bị, không mặc hai áo, không giày dép, không gậy…” (Mt10, 9-10), ngài hiểu mình phải sống đời mình như thế nào. “Trong tình tiết căn bản nói trên, chúng ta có thể nhận ra hai yếu tố căn bản trong toàn bộ nhãn quan của Phan-xi-cô về cuộc đời Kitôhữu: triệt để đi theo Tin Mừng và sống đời khó nghèo cách đặc biệt, đến nỗi hoàn toàn tùy thuộc vào lòng quảng đại ngẫu nhiên của người khác.” (45)  Kinh nghiệm của Phan-xi-cô về Đức Kitô chịu nạn trong khó nghèo đã dẫn ngài tới sống một cuộc sống khó nghèo vốn là đặc trưng cho tất cả các hành động của ngài. Ngài xem mọi tạo vật là quà tặng của Thiên Chúa và vì thế ngài cảm thấy hòa điệu với thiên nhiên, với các loài vật, với mọi con người. Mặt trời và mặt trăng là anh và chị của ngài; chính sự chết cũng được ngã vị hóa và được ngài gọi là chị.

Nơi Thánh Phan-xi-cô Atxidi, chúng ta nhận thấy các yếu tố của đời sống Kitôhữu được nhận hiểu và được xếp đặt bằng một cách đặc biệt. Mối tương quan của ngài với người khác, nhận thức của ngài về chính bản thân mình, về cộng đoàn, và về thế giới … tất cả đều được nhìn xuyên qua lăng kính của kinh nghiệm tôn giáo nền tảng của ngài là đồng hóa với Đức Kitô khó nghèo. Vì thế, Phan-xi-cô giúp chúng ta nhận hiểu thế nào là một “trường phái linh đạo”.

Xuyên qua lịch sử, một số sự nhấn mạnh chung đã được đặt nơi sứ điệp Tin Mừng. Nhãn quan nền tảng và lối sống của một cá nhân tìm thấy một vang âm nơi những người khác, hay một số người hiểu con đường linh đạo trong cùng một cách thế và vì thế lập ra một lối sống phản ảnh và thúc đẩy sự nhận hiểu ấy. Vào các thế kỷ 5 và 6, Benedict ở Nursia đã viết Qui Luật cho các tu sĩ  ở Monte Cassino, nước Ý. Qui Luật này, cắm rễ trong giáo huấn Thánh Kinh, đã trở thành nền móng và chỉ nam cho một lối sống trở thành phổ biến ở khắp Tây Âu. Cho đến thế kỷ 10, nó đã trở thành chuẩn mực cho đời sống đan tu Tây phương. Nó vẫn tiếp tục đặc trưng cho linh đạo Benedictine. Nhận thức của Inhaxiô rằng Thiên Chúa phải được gặp thấy “trong mọi sự” là trọng tâm của linh đạo I-nhã. Nhận thức này của Inhaxiô phát xuất từ kinh nghiệm thần bí sâu xa của ngài sau khi ngài hoán cải trở về với Thiên Chúa. Mỗi trong những “trường phái linh đạo” nói trên đều độc đáo theo nghĩa rằng “vị sáng lập” của nó đã nhấn mạnh đến những chiều kích đặc biệt của mầu nhiệm Kitô giáo và thể hiện sự nhấn mạnh ấy trong đời sống hằng ngày. Các trường phái ấy giống nhau ở chỗ chúng chia sẻ cái chung của mọi linh đạo Kitô giáo: khát vọng “được chuyển hóa để nên giống Đức Giê-su Kitô ngày càng hơn”.

Thật vậy, đời sống Đức Giêsu là gương mẫu của mọi linh đạo Kitô giáo, và hành trình tâm linh của Kitôhữu luôn luôn là chính hành trình mà Đức Giêsu đã bước đi. “Để biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người” (Pl 3,10) – đó là mục tiêu của đời sống Kitôhữu. Mối quan tâm noi gương sống của Đức Giêsu vốn được ghi nhận rõ ràng trong các trang Tân Ước. Nhắc lại cái chết của Têphanô, Kitôhữu tuẫn đạo tiên khởi, tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ đã hữu ý trình bày cái chết ấy giống cái chết của Đức Giêsu (cf.Cv 6,8-7,60). Các kỳ lão, các kinh sư và các thành viên của Công Nghị đã tố cáo Têphanô “sử dụng ngôn ngữ phạm thượng chống lại Môsê và chống lại Thiên Chúa” (6,11) – giống như trường hợp của Đức Giêsu. Têphanô thấy trời mở ra và “Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa”, như Đức Giêsu đã nói trước trong cuộc khổ nạn của Người, theo Tin Mừng Luca (22,68). Cũng giống như Đức Giêsu, Têphanô cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ làm hại mình (7,60) và phó thác linh hồn cho Đức Giêsu khi tắt thở (7,59). Mối quan tâm của các văn sĩ Kitô giáo sơ khai là cho thấy mối nối kết rõ ràng giữa cái chết của Têphanô và cái cết của Đức Giêsu. 

Trong 250 năm đầu tiên của Kitô giáo, việc nên giống với Đức Giêsu trong cái chết của Người được xem như chứng tá tuyệt đỉnh, như sự biểu hiện cao nhất của Thánh Thần. Thánh Inhaxiô thành Antiôkhia, bị sát hại ở Rôma, đã xem sự ngược đãi mà người ta dành cho ngài như một cơ hội để “phát huy hơn nữa tinh thần môn đệ”. Ngài yêu cầu các Kitôhữu ở Rôma đừng xin phóng thích ngài, để ngài có thể “đạt được ánh sáng, ánh sáng tinh tuyền sạch tinh; vì chỉ khi tôi tiến về phía ánh sáng ấy tôi mới đích thực là con người. Hãy để tôi bước vào cuộc khổ nạn của Chúa”. (46)

« Linh đạo tuẫn đạo” này đã tái xuất hiện vào thời đại chúng ta, nhất là ở Châu Mỹ La Tinh nơi mà các Kitôhữu – các giáo dân nam cũng như nữ , các linh mục và tu sĩ – đã bị hành hạ và giết hại bởi vì dấn thân phục vụ cho người nghèo. (47)  Đời sống dấn thân cho công bằng của các Kitôhữu ấy rõ ràng phản ảnh đời sống của Đức Giêsu, Đấng đã đặc biệt yêu thương những người bị áp bức và những kẻ bị gạt ra ngoài lề, và đã gây rúng động cho các giới hữu trách chính trị và tôn giáo. Sự diễn tả hiện đại này của một linh đạo tuẫn đạo nêu bật tính bất biến trong linh đạo Kitô giáo trong khi đồng thời mở ra cho thấy những đặc điểm riêng của thời đại chúng ta: ý thức về các cơ cấu xã hội, chính trị và kinh tế có tính áp bức và làm mất tình người; sự chọn lựa của Kitôhữu đứng về phía người nghèo  trong cuộc đấu tranh giải phóng của họ.

Con đường của Đức Giêsu, vì thế, là thước đo của mọi Kitôhữu, dù mỗi người bước đi trên con đường ấy theo những cách rất riêng của mình. Chính nơi việc đi qua cái chết để đến Phục Sinh mà sự chết bị chế ngự.

LỚN LÊN TRONG THÁNH THẦN

Tính nghịch lý dường như vẫn còn mãi trong kiểu thức đời sống Kitô giáo. Đời sống trong Thánh Thần vừa là một nỗ lực vừa là ân sủng, vừa do con người vừa do Thiên Chúa. Đó là một hành trình cá nhân và tập thể được thực hiện trong cõi sâu thẳm riêng tư trong khi cũng ở trong “hàng ngũ đông đúc các chứng nhân” (Dt 12,1). Tính tác động và tính nhận tác động đều đóng những vai trò thiết yếu. Các lãnh vực của thần học tu đức và thần bí cổ điển đã cố gắng nêu ra tiêu điểm hai mặt này của đời sống tâm linh.

Đã có vô số những cố gắng mô tả các chặng đường lớn lên trong Thánh Thần. Từ thế kỷ 15 cho đến nửa đầu thế kỷ 20, mô tả cổ điển của đời sống thiêng liêng dựa theo các giai đoạn thanh tẩy, đức chiếu và hiệp nhất. Trong khi phần đông các tác giả nhấn mạnh rằng ba giai đoạn này không hoàn toàn tách biệt nhau, thì các tác giả cũng thường trình bày chúng một cách nối tiếp nhau. Đôi khi chúng đi song song với quá trình phát triển thể lý và tâm lý và vì thế giống như giai đoạn ấu thời, thiếu niên và trưởng thành thiêng liêng (48), mỗi giai đoạn được đánh dấu bởi các đặc điểm riêng. Một cuộc khủng hoảng hay hoán cải đánh dấu sự chuyển tiếp từ một giai đoạn sang một giai đoạn khác. Đành rằng những nét phân biệt ấy có thể rất hữu ích, chúng cũng đồng thời dễ gây hiểu sai lạc. Sự phát triển thể lý và tâm lý thường không tiến theo một tiến trình đều đặn được xác lập trước; điều này cũng đúng đối với sự trưởng thành tâm linh.

Một số phương tiện luôn luôn có giá trị trong cuộc hành trình thăng tiến tâm linh; một số phương tiện khác chỉ hữu ích cách riêng trong một số nền văn hóa và trong những thời đại lịch sử nhất định. Trong số những hình thức truyền thống đáng kể nhất là cầu nguyện, khổ hạnh và việc linh hướng.

Cầu Nguyện

Cầu nguyện là việc tất yếu (sine qua non) của sự trưởng thành tâm linh. Tuy nhiên, các hình thức và các diễn tả của nó thì vô cùng đa dạng. Trong tư cách là sự diễn tả một mối quan hệ riêng tư , chúng ta có thể nói rằng có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách cầu nguyện. Một điều chắc chắn, việc cầu nguyện theo Thánh Kinh luôn luôn chiếm địa vị ưu tiên trong truyền thống Kitô giáo, dù đó là lời cầu nguyện  được trích từ các Thánh Vịnh, lectio divina, suy niệm Thánh Kinh, chiêm ngắm các khung cảnh Tin Mừng, hay lời cầu nguyện lớn tiếng được gợi hứng từ các Sách Thánh. Truyền thống kataphatic – tức là cầu nguyện dựa trên các hình ảnh của Thiên Chúa, dựa trên  nhân tính của Đức Giêsu, hay dựa trên đời sống của các thánh – đã đóng góp rất nhiều cho sự trưởng thành tâm linh của bao thế hệ thánh nhân.

Đàng khác, Kitô giáo vẫn luôn luôn trân trọng truyền thống apophatic (vô ngôn vô tượng), nghĩa là cầu nguyện “phi hình ảnh”. Một mô tả cổ điển của truyền thống này chắc hẳn là Đám Mây Vô Tri trong đó tác giả nói với độc giả của mình:

Nếu bạn từng đến với đám mây này [đám mây vô tri giữa bạn và Thiên Chúa], sống và làm việc trong đó, như tôi đề nghị, thì cũng như đám mây vô tri này ở giữa bạn và Thiên Chúa, bạn cũng phải đặt một đám mây quên lãng giữa bạn và toàn thể tạo vật. (49) 

Việc “suy niệm qui thần” (centering prayer) đã trở thành rất quen thuộc trong thời đại chúng ta vốn là một diễn tả có tính nhất thời của truyền thống apophatic (vô ngôn vô tượng).

Đức tin, đức cậy và đức mến của các Kitôhữu vẫn được di dưỡng bởi cầu nguyện, dù là cầu nguyện bằng những công thức lặp đi lặp lại hay bằng những đỉnh cao thần hiệp khôn tả. Cách riêng, kinh nguyện phụng vụ là một nơi ưu tiên ở đó cộng đoàn phụng tự hiện diện với Đấng-Thiên-Chúa-siêu-việt-ở-cùng-chúng-ta.

Khổ Hạnh

Người ta có thể mô tả hành trình tâm linh như một hành trình đi từ qui ngã đến hướng tha. Nỗ lực chuyển từ bản thân mình đến Thiên Chúa và người khác là trọng tâm của khổ hạnh Kitô giáo. Một lần nữa ở đây ta thấy tính nghịch lý đánh dấu sự lớn lên trong Thánh Thần. Trong khi một đàng, sự thánh thiện liên quan đến việc trở thành chính con người đích thực của mình, thì theo một nghĩa khác, sự thánh thiện đòi hỏi một “từ bỏ” triệt để bản ngã (cf. Lc 9,23). Có thể nói rằng người ta không thể “bỏ mình” cho đến khi người ta chiếm hữu được mình; chỉ sau khi gặp được cái lõi đích thực của mình người ta mới có thể “ly tâm” – là một phần của toàn bộ quá trình trưởng thành Kitô giáo.

Các hình thức khổ hạnh thay đổi từ thời này qua thời khác, từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, từ người này sang người khác. Chẳng hạn trước đây người ta không thể hình dung rằng “sự ô nhiễm tiếng ồn” có thể là một nguồn để thực hành khổ hạnh. Thế nhưng thực tế là các Kitôhữu tại các đô thị xô bồ ngày nay thường bị thách đố tạo lập cho mình những khoảng không gian tĩnh lặng bên trong – và bên ngoài – giữa những xe cộ phóng ào ào, những máy móc gầm rú, và những tiếng máy bay đinh tai nhức óc. Ngay cả Thomas Merton trong tu viện của mình cũng có thể phàn nàn rằng “máy móc thật ồn ào, nó làm ta muốn điên lên, thật là bực bội,” (50)  và ông nhìn nhận:

Tôi rất vui lòng đón nhận thánh giá ấy – tức tiếng gầm rú liên hồi đinh tai nhức óc tại nơi làm việc, vv… nhưng nói cho cùng những tiếng ồn ấy dễ làm người ta hóa điên, ngay cả khi người ta đã chấp nhận chúng. (51)

Và chắc chắn những chiếc áo nhặm sần sùi và những dây xích sắt vốn rất có ý nghĩa khổ hạnh một thời trước đây là điều mà ngày nay các Kitôhữu sẽ cho là kỳ cục, không thể tưởng tượng nổi.

Việc giữ chay đã là một hình thức khổ hạnh lâu đời. thực hành này rất phổ biến trong Do Thái giáo như một dấu hiệu sám hối, và nó thường được kèm theo việc cầu nguyện của dân chúng. Chẳng hạn, vua Đavít diễn tả lời cầu nguyện xin Thiên Chúa cứu con mình khỏi chết bằng cách giữ  chay (cf. Sm 12,12tt). Trong cộng đoàn Kitô giáo, chay tịnh được trao cho một ý nghĩa mới. Các môn đệ Đức Giêsu bị dòm ngó vì không giữ chay như các môn đệ của Gioan. Đức Giêsu dạy các môn đệ giữ chay một cách kín đáo (cf. Mt 6,16-18). Trong Giáo Hội sơ khai, việc chay tịnh đi kèm theo việc cầu nguyện của cộng đoàn trước khi họ chọn lựa nhân sự cho những sứ vụ nào đó (Cv 13,2-3; 14,23) cũng như khi gặp khủng hoảng (cf. Cv 27).

Trong giòng lịch sử Kitô giáo, chay tịnh đã đạt được một chiều kích khổ hạnh rõ nét xét như một cách biểu lộ “trong xác thịt” quyết tâm “từ bỏ chính mình”. Trong một thế giới mất quân bình về việc phân phối thực phẩm, chay tịnh cũng trở thành một cách cho những người không thiếu lương thực diễn tả mối liên đới với những người nghèo đói trên thế giới. Việc chay tịnh công khai và kéo dài (tuyệt thực) đã được sử dụng như một khí cụ để phản kháng một số bất công nào đó. Sâu xa hơn cả, chay tịnh cho phép người ta kinh nghiệm và diễn tả trong xác thịt khát vọng thâm sâu của con người đối với Thiên Chúa: “Như nai rừng khát nguồn nước trong, linh hồn con cũng khát mong Ngài, Lạy Chúa” (Tv 42,1).

Các khả năng của những hình thức khổ hạnh phù hợp với thế giới ngày nay thì vô số kể. Trung thành và bền vững trong các mối quan hệ; sống một cuộc sống lành mạnh và kỷ luật; chọn lựa một cách đầy ý thức trong các vấn đề liên quan với lãnh vực truyền thông; kiên tâm hoạt động cho công bình xã hội; sử dụng các phương tiện một cách có ý thức đến những vấn đề toàn cầu – những chọn lựa này và nhiều chọn lựa khác có thể là một nguồn thực hành khổ hạnh cho con người hiện đại.

Linh Hướng

Từ buổi ban đầu Kitô giáo, nguồn hướng dẫn chính yếu của các linh hồn rõ ràng là Thánh Thần của Đức Kitô được trao ban cho toàn thể cộng đoàn Giáo Hội. Việc linh hướng riêng tư dường như không đảm nhận vai trò trong Kitô giáo (những vai trò đôi khi được ghi nhận trong các truyền thống tôn giáo khác). Chính trong truyền thống đan tu mà vai trò của vị linh hướng đã trở thành cốt yếu. Thật vậy, vị tu viện trưởng (nam hay nữ) rất thường được xem như là “cha hay mẹ thiêng liêng, đưa ra sự hướng dẫn bằng lời nói và bằng gương sáng sống một đời sống nhất quán và hoàn toàn cởi mở đón nhận Thiên Chúa.” (52) 

Trong thời đại chúng ta, các Kitôhữu tiếp tục tìm kiếm sự linh hướng để làm sáng tỏ hơn ơn gọi của họ trong cuộc đời và cách thế sống ơn gọi đó; để tìm kiếm sự hiểu biết nhiều hơn; để đạt được mối quan hệ đích thực với Thiên Chúa trong cầu nguyện. Chia sẻ với một người khác, với một “người bạn thiêng liêng” khôn ngoan trong các đường lối của Chúa, đó là một phương thế rất hiệu lực để đạt được những mục đích này. Bên cạnh đó còn có những phương tiện linh hướng khác nữa trong thời đại chúng ta như đọc sách, thảo luận, nhóm hồi tâm chia sẻ, vv…

MỘT SỐ VẤN ĐỀ HIỆN NAY TRONG KHOA LINH ĐẠO

Người sinh viên học khoa linh đạo ngày nay, cũng như bất cứ người Kitôhữu nghiêm túc nào, đều phải đối diện với một số vấn đề được đặt ra một cách mới mẻ trong thời đại chúng ta. Đáng kể nhất là bốn vấn đề sau đây: linh đạo giáo dân, công bằng và ưu tiên chọn lựa người nghèo; nữ quyền; mối quan hệ giữa văn hóa và linh đạo. Trong khi không thể khảo sát những vấn đề này một cách toàn triệt trong giới hạn của tập sách này, chúng ta vẫn có thể đưa ra một số điểm ghi nhận để khuyến khích sự nghiên cứu thêm.

Linh Đạo Giáo Dân

Trong khi Kitô giáo Tin Lành vẫn luôn luôn tập chú vào sự thánh thiện và vai trò của những người giáo dân, thì mãi cho đến Công Đồng Vatican II mẫu thức và phương tiện trưởng thành thiêng liêng trong Công Giáo Rôma đã được chủ yếu rút ra từ lối sống tu trì và đời sống của các giáo sĩ. Thật vậy, Giáo Hội được hiểu như được hình thành bởi hai nhóm: nhóm được cai quản và nhóm cai quản, tức là nhóm giáo sĩ và nhóm phi giáo sĩ. Các Kitôhữu giáo dân là những người được cai quản, những người được dạy bảo, những người “cần được thánh hóa”.

Việc thoát khỏi đời, gắn liền với cuộc sống độc thân, được xem là lý tưởng của đời sống tâm linh, vì thế tính thánh thiện của đời sống hằng ngày và cách riêng của hôn nhân bị coi nhẹ. Mặc dù các mẫu gương thánh thiện của người giáo dân không hề vắng mặt trong lịch sử Kitô giáo, nhưng con số ấy thật ít ỏi và không phản ảnh tương xứng con số đông đảo những con người nam nữ đã nên thánh trong cuộc sống giáo dân qua các thế kỷ.

Ngay từ thế kỷ 16, Thánh Phan-xi-cô Salê đã xây dựng nền tảng cho linh đạo giáo dân trong quyển Dẫn Vào Đời Đạo Hạnh của ngài, một quyển sách được viết cách riêng cho những người giáo dân. Nhưng các căn bản giáo thuyết cho sự phát triển đầy đủ của linh đạo giáo dân chỉ được đặt ra vào năm 1964 với sự ban hành Hiến Chế Lumen Gentium của Công Đồng Vatican II. Công Đồng cảm thấy cần lặp lại lời mời gọi nên thánh đối với toàn thể Giáo Hội: “… tất cả các tín hữu Kitô thuộc bất cứ bậc sống nào đều được mời gọi tiến tới sự sung mãn của đời sống Kitôhữu và tiến tới đức ái trọn hảo” (LG 40).

Hai mươi lăm năm trôi qua kể từ Công Đồng, ngày càng có  sự phát triển hơn trong nhận thức rằng người giáo dân, “dù trong hoàn cảnh sống nào, trong nhiệm vụ nào, cũng phải lớn lên trong sự thánh thiện hằng ngày xuyên qua chính các hoàn cảnh của mình” (LG 41). Và mới đây, Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giáo Dân, được tổ chức tại Rôma năm 1987, những người giáo dân hiện diện đã có thể một lần nữa nói lên nhu cầu phải có một linh đạo được xác định rõ ràng trong đó có nhận ra tầm quan trọng của đời sống gia đình , xã hội, chính trị và kinh tế, … vốn đặc trưng của người giáo dân.

Công Bằng Xã Hội Và Sự Ưu Tiên

Chọn Lựa Người Nghèo

« Người nghèo luôn có mặt với anh em” (Mt 26,11; Mc 14,7; Ga 12,8). Dù người nghèo vẫn có mặt nơi mỗi thế hệ và nơi mọi xã hội, vẫn có những đặc trưng trong thời đại chúng ta dẫn chúng ta tới chỗ nhận ra “khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo như một xì căng đan và một nghịch chướng đối với sự hiện hữu của Kitô giáo.” (53) Không chỉ nhìn thấy tình cảnh của người nghèo xuất hiện trên màn ảnh truyền hình của thế giới, mà các Kitôhữu ngày nay cũng khám phá rằng các tình hình và các cơ cấu kinh tế, xã hội, và chính trị đóng một vai trò trong việc tạo ra sự nghèo khổ dai dẳng này.

Bối cảnh trong đó người Kitôhữu nhìn thấy chính mình hôm nay là một bối cảnh phải bao gồm thực tại nghèo và người nghèo. Kitô giáo vẫn luôn luôn là một thách đố người ta trong việc sử dụng các phương tiện vật chất và trong bổn phận chia sẻ với những anh chị em thiếu thốn (cf. Mt 19,21; Cv 5,1-11). Ngày nay nhiều Kitôhữu tiếp tục chia sẻ tiền bạc, của cải, thời giờ của họ với những người cần đến. Nhiều người khác cống hiến năng lực và cuộc đời mình để thay đổi những cơ cấu gây ra sự nghèo khổ. Nhiều người khác nữa vẫn đảm nhận lối sống khổ chế và đưa những người nghèo trên thế giới vào trong lời cầu nguyện của mình.

Năm 1980 đã chứng kiến cái chết của Dorothy Day, một phụ nữ Mỹ nghèo đã cống hiến cả đời mình cho người nghèo. Khi chị suy niệm về cuộc đời Chúa Giêsu, cái nghèo của Chúa Giêsu và tấm lòng trắc ẩn của Người đã khiến chị cảm kích và đã trở thành mẫu gương cho cuộc sống của chị. Chị viết:

Chúng tôi cảm thấy một niềm kính trọng đối với những người nghèo và những người túng thiếu, vì họ là những người gần gũi nhất với Thiên Chúa, những người được Chúa Kitô ưu ái đặc biệt… Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng tôi, và chúng tôi ước  ao đi đến với những người nghèo túng, bần cùng. Người nghèo túng là những người sống cuộc sống vất vả, thiếu thốn nhiều thứ; người bần cùng là những người không có một thứ gì cả, cần chúng tôi cho cơm ăn áo mặc. Tội lỗi, bệnh tật, chết chóc là phần lớn nỗi thống khổ của con người. Nhưng ngoài ra, chúng tôi cũng cảm thấy rằng Đức Kitô muốn chúng tôi lên tiếng nói trước những bất công… (54)

Cùng với Peter Maurin, Dorothy Day đã sáng lập tờ báo The Catholic Worker (Lao Động Công Giáo), trong đó chị phụ trách một chuyên mục hằng tuần. Chị cũng mở những mái ấm cho người nghèo và những người vô gia cư. Qua những công việc này, Dorothy Day đã sống một linh đạo tập trung vào sự khó nghèo của Chúa Giêsu, một linh đạo tự diễn tả chính nó nơi những công việc phục vụ người nghèo.

Nữ Quyền

Trong tư cách là những hình ảnh của Thiên Chúa, người nam và người nữ bình đẳng với nhau – nhận thức ấy ngày nay, cùng với ý thức rằng người phụ nữ và ký ức của họ đã bị gạt ra rìa lịch sử, đã dẫn tới rất nhiều biểu hiện khác nhau của một “linh đạo nữ quyền” hay “linh đạo phụ nữ”. Linh đạo đặt nền trên kinh nghiệm, và nhiều người ngày nay nhận ra rằng kinh nghiệm của phụ nữ đã bị coi thường trong quá khứ và thường vần tiếp tục bị coi thường trong hiện tại. Người ta khám phá ra điều này ngay cả nơi một nhà thần bí như Têrêsa Avila, người đôi khi đã cho rằng mình gặp khó khăn trong việc diễn tả chính mình chỉ vì sự kiện rằng mình là một phụ nữ.

Trong khi có nhiều khía cạnh trong linh đạo phụ nữ – từ “việc tái thiết thần học về các nguồn gốc Kitô giáo” cho đến việc phê bình các mẫu thức của khoa tâm lý hiện nay về phát triển – vấn đề về các hình ảnh của Thiên Chúa vẫn còn là vấn đề cốt lõi. Ngôn ngữ không chỉ có sức diễn tả tư tưởng mà còn có sức hình thành tư tưởng nữa. Việc sử dụng các đại danh từ và các hình ảnh giống đực cách độc chiếm về Thiên Chúa đã dẫn các Giáo Hội Kitô tới chỗ đánh mất dấu vết của truyền thống phong phú về các hình ảnh giống cái về Thiên Chúa. Truyền thống này đang dần dần được khám phá lại trong thời đại chúng ta hôm nay.

Thần học Kitô giáo vẫn luôn luôn chủ trương rằng tất cả những gì có thể được nói về Thiên Chúa đều được nói qua loại suy. Các hình ảnh nói với chúng ta điều gì đó về Thiên Chúa, song không có hình ảnh nào tương ứng hay trọn vẹn. “Chúa là Đá Tảng của con” – câu nói ấy có thể nói lên một điều gì đó về lòng trung thành và tính chất đáng tin cậy trước sau như một của Thiên Chúa, nhưng chắc chắn Thiên Chúa không thể bị cào bằng với một tảng đá! Cả Thánh Kinh của Do Thái lẫn của Kitô giáo đều chứa đầy những hình ảnh về Thiên Chúa: một chiến binh, một nhà lãnh đạo dân, một vị vua, một người mẹ, một cánh chim phượng hoàng, một sư tử, một phụ nữ đang sinh con. Không có hình ảnh nào tương thích hơn hình ảnh nào.

Vào thế kỷ 14, Julian Norwich đã không ngần ngại sử dụng các hình ảnh giống cái. Bà nói đến tình mẫu tử của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu. Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, là “Mẹ chúng ta trong tự nhiên và trong ân sủng”, mọi công việc Ngài làm đều “phản ảnh lòng từ mẫu… Sự sống của chúng ta đặt điểm tựa nơi Đức Giêsu, Người Mẹ đích thực của chúng ta…” Đối với Julian, “tình mẫu tử có nghĩa là tình yêu thương và nhân hậu, khôn ngoan, hiểu biết, tốt lành.” (55) 

Linh đạo ngày nay bị thách đố tháp nhập kinh nghiệm của phụ nữ về Thiên Chúa, về chính họ và về thế giới. Việc sử dụng những hình ảnh giống cái về Thiên Chúa – vốn chưa chiếm chỗ trọng yếu trong truyền thống Kitô giáo – là một bước tiến tới mục tiêu này.

Văn Hóa 

Một trong những câu hỏi mà các sinh viên khoa linh đạo phải nêu ra trong tương lai là mối quan hệ giữa linh đạo và văn hóa. “Văn hóa” ở đây qui chiếu đến di sản của mỗi cộng đồng con người được hình thành bởi các tập tục, các mô hình tổ chức của mình và các hoàn cảnh sống của mình. Hiến Chế Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et spes) của Công Đồng Vatican II đặt sự phát triển văn hóa trong số những vấn đề đặc biệt khẩn cấp mà Giáo Hội đang đối diện.

Văn kiện nói trên của Công Đồng đã mô tả như một nét văn hóa sự kiện rằng “qua giòng thời gian, nhân loại diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân lọai tiến bộ hơn” (GS 53). Tuy nhiên, có một mối quan hệ hỗ tương giữa linh đạo và văn hóa. Không chỉ kinh nghiệm tâm linh được diễn tả và được bảo tồn mà kinh nghiệm ấy còn nhận ảnh hưởng sâu sắc từ một nền văn hóa riêng. Các hình ảnh về Thiên Chúa của các nhà thần bí vĩ đại thế kỷ 16 đã được định hình trong một thế giới của các vua chúa Công Giáo, của sự chính phạt thế giới, của sự xuất hiện của đạo Tin Lành. Thế giới tâm linh của các Kitôhữu Phi Châu ngày nay có tồn tại “vô số chứng nhân”, các bậc tổ tiên đã chết và tiếp tục hiện diện một cách thực sự và sống động. Và chắc chắn thế giới quan của các Kitôhữu thổ dân Mỹ là một thế giới quan trong đó các chân trời của nó rộng mênh mông như chính vũ trụ.

Biến cố Xuất Hành trong Thánh Kinh có một chỗ đứng trọng yếu trong rất nhiều thần học giải phóng ngày nay và là yếu tố nổi bật trong việc hình thành cái có thể gọi là “các linh đạo giải phóng”. Nơi những Kitôhữu người Mỹ gốc Phi Châu ở Hoa Kỳ, và gần đây hơn, tại Giáo Hội Mỹ La Tinh, cuộc giải phóng dân Chúa khỏi Ai Cập đã trở thành một chìa khóa cho việc diễn dịch cái kinh nghiệm về tình trạng bị áp bức dai dẳng. Các hình ảnh Thánh Kinh đã cung cấp một phương tiện để diễn tả và để hy vọng; hoàn cảnh lịch sử của những dân tộc này đã đem lại cho họ một sự nhạy cảm đặc biệt đối với các bản văn Thánh Kinh ấy và qua đó đã hình thành nơi họ những hình ảnh sâu sắc nhất thuộc tâm linh.

Ở Mỹ, chúng ta có thể tự hỏi sự kiện rất nhiều những nền văn hóa khác nhau qui tụ nơi chúng ta ảnh hưởng đến thế giới quan của chúng ta như thế nào, ảnh hưởng đến hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa và về chính mình như thế nào? Và những hình ảnh ấy biểu hiện trong cuộc sống cụ thể của chúng ta như thế nào?

KẾT LUẬN

Trong tư cách là một môn học đang phát triển, linh đạo Kitô giáo đang thu hút mối quan tâm chủ yếu của công cuộc thần học. Dựa vào các môn học khác nhau, nó tìm cách trình bày kinh nghiệm đức tin của các môn đệ Đức Giêsu và diễn tả kinh nghiệm ấy trong đời sống.

Đời sống và sự thánh thiện Kitô giáo luôn luôn tựa vào khuôn mẫu là Đức Giêsu. Xuyên qua lịch sử hai ngàn năm nay, cuộc đời và giáo huấn của Đức Giêsu đã được nhận hiểu và sống bằng nhiều cách thế khác nhau. Con số đông đảo các thánh, các nhà thần bí, và các “tín hữu thường dân” cung cấp một bức tranh phong phú cho thế hệ chúng ta chiêm ngưỡng và khám phá. Sự chiêm ngưỡng và khám phá này là một công tác của việc nghiên cứu linh đạo ngày nay.

Đối với các sinh viên học khoa linh đạo ở Mỹ vào thời điểm sắp bước vào thiên niên kỷ thứ ba, có những công việc đặc thù có thể được đúc kết qua hình thức những câu hỏi sau đây: “Linh đạo” có nghĩa gì cho tôi, cho chúng ta? Nền văn hóa Mỹ của chúng ta cung cấp những tia sáng hay điểm mạnh đặc thù nào cho chúng ta trong công cuộc tìm kiếm và thể hiện tinh thần môn đệ cách trung thành? Đâu là những thách đố cho nền văn hóa và cho thế giới quan của chúng ta? Thế hệ của những người chứng kiến những cuộc giết người hàng loạt và sống dưới sự đe dọa hủy diệt của vũ khí hạt nhân sẽ cầu nguyện như thế nào với Thiên Chúa, Đấng đã hứa sẽ luôn luôn hiện diện? Sự nhận hiểu của chúng ta về Thiên Chúa được thách đố và được làm phong phú như thế nào bởi các tia sáng của phong trào nữ quyền và bởi các truyền thống văn hóa khác nhau? Có chăng một “linh đạo Mỹ”? Truyền thống linh đạo phong phú của Kitô giáo có thể được nhận hiểu như thế nào để cho quá khứ có thể thật sự trở thành một nguồn năng lực sáng tạo cho đời sống linh đạo của các Kitôhữu hôm nay? Và vô số câu hỏi khác nữa – mỗi câu hỏi đề là một âm vọng lại câu hỏi của Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?… Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,27.29)

CÂU HỎI GIÚP TÌM HIỂU

1.Các kinh nghiệm và các động lực sống của một người liên hệ thế nào với linh đạo của đương sự?

2.Đâu là một số phương tiện giúp cho sự trưởng thành thiêng liêng của một người?

3.Trong xã hội và thời đại chúng ta, chay tịnh có thể được hiểu theo những ý nghĩa nào?

4.”Ý thức nữ quyền” hiện đại tác động đến linh đạo ngày nay theo những chiều hướng nào? Việc “ưu tiên chọn lựa người nghèo” ảnh hưởng thế nào đến linh đạo của người ta?

————————

(43) Bernard McGinn, “Introduction,” Linh Đạo Kitô giáo: Các Nguồn Gốc Ở Thế Kỷ 12 (NY: Crossroad, 1987) xvi.

(44) Julian of Norwich, Những Mạc Khải Của Tình Yêu Thiên Chúa (Great Britain: Penguin, 1966) 72.

(45) Simon Tugwell, O.P., Ways of Imperfection: An Exploration of Christian Spirituality (Springfield, IL: Templegate Publishers, 1985) 127.

(46) Thư của Inhaxiô gửi các tín hữu Rôma, trong Early Christian Writings: The Apostolic Fathers (Great Britain: Penguin Books, 1968) 105.

(47) Jon Sobrino, Linh Đạo Giải Phóng (Maryknoll, NY: Orbis Books, 1988) chương 5. Xin xem trọn cả quyển sách để thấy một cơ sở thần học về linh đạo này.

(48) Reginald Garrigou-Lagrange, Ba Con Đường Đời Sống Linh Đạo (Newman Press, 1955).

(49) Đám Mây Vô Tri, dịch giả của bản Anh ngữ: Clifton Wolters (Great Britain: Penguin Books, 1967) 58.

(50) Thư gửi Dom Gregorio Lemercier, O.S.B., trong The School of Charity: The Letters of Thomas Merton on Religious Renewal and Spiritual Direction (NY: Farrar, Strauss and Giroux, 1990) 69.

(51) Thư gửi Dom Gabriel Sortais trong The School of Charity: The Letters of Thomas Merton on Religious Renewal and Spiritual Direction (NY: Farrar, Strauss and Giroux, 1990) 63.

(52) Gabriel O’Donnell, O.P., “Monastic Life and the Search for God” trong Robin Maas và Gabriel O’Donnell, O.P., Spiritual Traditions for the Contemporary Church (Nashville: Abingdon Press, 1990) 58.

(53) “Loan Báo Tin Mừng tại Châu Mỹ La Tinh Hôm Nay và Tuơng Lai: Tài Liệu Đúc Kết của Hội Nghị Lần Thứ 3 Các Giám Mục Châu Mỹ La Tinh”. (Puebla de Los Angeles, Mexico, 27 tháng 1 – 13 tháng 2, 1979). John Eagleson and Philip Scharper, ed., Puebla and Beyond, (Maryknoll, NY: Orbis Books, 1979) 128.

(54) The Long Loneliness: The Autobiography of Dorothy Day (San Francisco: Harper & Row, 1981) 204-05

(55) Norwich, Revelation, 170.

  

 

Advertisement
%d người thích bài này: