Chương X
CÁC VẤN ĐỀ TRONG GIÁO HỘI NGÀY NAY
Marie Anne Mayeski
Khi Đức Gioan XXIII công bố vào ngày 25 tháng 1, 1959 ý định của ngài muốn triệu tập một Công Đồng chung, phản ứng của người ta vừa tức thì vừa đa dạng. Các thành viên của giáo triều Rôma, tức bộ máy quan liêu của Giáo Hội, bày tỏ nỗi hoang mang lo lắng. Sau đó, vị giáo hoàng này mô tả cho thế giới về chuyện các quan chức của giáo triều – mà ngài gọi là “các tiên tri của tai ương” – đã cố gắng can ngăn ý định của ngài như thế nào. Các quan chức ấy cũng cố ý phớt lơ lời tuyên bố trên kia của giáo hoàng, hy vọng rằng dưới áp lực của các công việc đầy ứ hằng ngày, giáo hoàng sẽ quên mất cái ý tưởng về một Công Đồng ấy. Nhưng giáo hoàng đã không hề quên. Tiến trình chuẩn bị cho Công Đồng đã diễn tiến một cách bất khả kháng, và dần dần các nhà thần học Công Giáo bên ngoài Rôma đã bắt đầu nhận ra nhiệt tâm của giáo hoàng. Cuối cùng, cả các nhà thần học Tin Lành cũng vượt qua những nghi nan ban đầu và bày tỏ niềm lạc quan đối với các khả năng mà một Công Đồng như thế có thể mở ra. Tuy nhiên, không ai có thể nhìn thấy trước các kết quả sâu rộng mà Công Đồng sẽ đạt được, cả cho Giáo Hội Công Giáo lẫn cho thế giới Kitô giáo nói chung.
Nhiều ủy ban soạn thảo được thiết lập vào tháng 6, 1960 và Công Đồng họp kỳ đầu tiên tại Đền Thờ Thánh Phê-rô vào ngày 11 tháng 10, 1962. Đức giáo hoàng khai mạc kỳ họp đầu tiên với một tuyên bố rõ ràng về các ý định của ngài: Công Đồng sẽ thiết yếu có tính mục vụ và nhắm đến mục tiêu cao nhất là thăng tiến mối hiệp nhất của toàn thể nhân lọai. Nhưng để đạt được hoài bão này, mọi Kitôhữu trước hết phải bắt đầu với việc dàn xếp lại “chuyện trong nhà” mình. Vì thế Công Đồng phải quan tâm đến việc canh tân nội bộ Giáo Hội Công Giáo và thúc đẩy Giáo Hội dấn thân tìm kiếm sự hiệp nhất các Kitôhữu. Rõ ràng, mặc dù Giáo Hoàng Gioan XXIII lên chương trình nghị sự và phác họa các chân trời cho Công Đồng, thì chính Công Đồng, với những chủ đề và phương pháp nó vận dụng, đã khai mào cho những phát triển thần học tiếp theo sau.
GIA SẢN CỦA CÔNG ĐỒNG:
CÁC NGUYÊN TẮC THẦN HỌC
Công việc của Công Đồng thật phức tạp và đa dạng. Dù vậy, có thể tổng hợp một số nguyên tắc thần học nằm đằng sau tất cả các thành tựu của Công Đồng. Không có tham vọng khảo sát toàn triệt vấn đề, ở đây chỉ xin nêu ra 3 trong số các nguyên tắc vốn đã trở thành có tầm quan trọng nổi bật nhất trong thần học Công Giáo hậu Công Đồng.
Thánh Kinh Là Nền Tảng Của Mọi Thần Học
Tính cốt lõi của Thánh Kinh, được diễn dịch trong khung cảnh Giáo Hội, là nền tảng cho mọi bản văn được đưa ra bởi Công Đồng. Nhưng các thành viên của Công Đồng cũng đưa ra sự chỉ dẫn rõ ràng cho sự nhận hiểu của Giáo Hội về mạc khải Thánh Kinh trong Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải (Dei Verbum), được công bố ngày 18 tháng 11, năm 1965. Trong văn kiện này, các nghị phụ Công Đồng chấp nhận một cách nhận hiểu mạc khải như sự tự thông truyền của mầu nhiệm Thiên Chúa trong lịch sử. Các ngài nhìn nhận đặc tính chuẩn mực của Thánh Kinh đối với cả đời sống lẫn thần học của Giáo Hội và nhận thức vai trò của các tín hữu trong việc giải thích và áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống của cộng đoàn đức tin. Văn kiện này nhìn nhận tầm quan trọng của việc sử dụng các phương pháp phê bình hiện đại của khoa chú giải trong việc giải thích các bản văn.
Qua việc nhấn mạnh đến bản chất và tầm quan trọng của mạc khải Thánh Kinh, các nghị phụ Công Đồng nhắc cho Giáo Hội rằng chính mầu nhiệm Thiên Chúa, một mầu nhiệm có tính liên ngã vị và cộng thông, là trọng tâm của thần học. Nói về mầu nhiệm này là nói thứ ngôn ngữ của biểu tượng và kinh nghiệm. Chúng ta nhận ra nhận thức này trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium). Hai chương đầu của văn kiện, mang tựa đề “Mầu Nhiệm Giáo Hội” và “Dân Thiên Chúa” thoát ra khỏi những bàn luận pháp lý (vốn là đặc nét của khoa Giáo Hội học trước đây) và chứa đầy những hình ảnh Thánh Kinh cũng như những ngôn ngữ nói về mối tương quan ngã vị. Việc Công Đồng bám chặt vào trọng tâm Thánh Kinh có nghĩa rằng tất cả các mối quan tâm thần học hiện đại phải bắt đầu với việc nghiên cứu các bản văn Thánh Kinh. Công việc nghiên cứu này là trách nhiệm và là quyền lợi của toàn Giáo Hội.
Lịch Sử Xét Như Một Phạm Trù Thần Học
Mạc khải là một biến cố có tính ngã vị, được tường thuật trong các bản văn phản ảnh một lịch sử và một nền văn hóa đặc thù sự nhìn nhận ấy của Công Đồng đã hậu thuẫn cho tầm quan trọng ngày càng tăng của lịch sử xét như điều kiện của mọi nhận hiểu thần học. Một đàng, điều này có nghĩa rằng mọi khía cạnh của đức tin Kitô giáo (các bản văn, nhất là các định thức tín lý, vv…) chỉ có thể được hiểu đúng đắn trong bối cảnh lịch sử trong đó chúng được hình thành. Đàng khác, nó cũng có nghĩa rằng các biến cố của lịch sử tự trong bản chất của chúng có ý nghĩa thần học, có khả năng mạc khải Thiên Chúa là Đấng không ngừng hành động trong lịch sử và trong cộng đồng nhân loại luôn luôn đối thoại với Ngài. Mặc dù không có bản văn nào của Công Đồng nói về tầm quan trọng của lịch sử, việc suy tư về lịch sử được gặp thấy nơi mọi bản văn. Văn kiện về mạc khải thần linh khẳng quyết rằng việc Thiên Chúa tự biểu lộ cho dân Ngài diễn ra trong thời gian và trong những điều kiện nhất định của lịch sử. Hiến Chế về Giáo Hội mô tả Dân Thiên Chúa như là một “dân hành hương” nhận hiểu – một cách từ từ và chỉ trong những mức không hoàn hảo – về Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ của mình.
Không một khoảnh khắc thời gian nào, không một cơ cấu đặc thù nào, thậm chí không một tuyên bố tín lý nào nắm bắt được hoàn toàn mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh Thần của Thiên Chúa không bao giờ ngừng tác động nơi tất cả mọi khuôn khổ và mọi cơ chế của con người. sự nhìn nhận này đã đem lại một thái độ khiêm tốn lành mạnh cho tất cả các hoạt động thần học tiếp theo sau Công Đồng và đã tạo ra được sự cởi mở chưa từng có đối với sự thật và ân sủng được bảo tồn trong các truyền thống Kitô giáo khác. Nó đòi hỏi các nhà thần học không chỉ suy tư về các bản văn Thánh Kinh (vốn là điều có tính nền tảng) nhưng còn phải xem xét các biến cố lịch sử soi chiếu cho Giáo Hội trong cố gắng thiết chế một cách nhận hiểu đúng đắn hơn đối với mầu nhiệm ấy.
Cởi Mở Với Tri Thức Và Văn Hóa
Của Thế Giới
Ngay từ đầu, Đức Gioan XXIII đã mong muốn rằng Công Đồng phải nhằm phục vụ cho thế giới. Trong bài diễn văn khai mạc, giáo hoàng đã công bố rằng “trong trật tự hiện tại của mọi sự, sự quan phòng của Thiên Chúa đang đưa dẫn chúng ta đến với một trật tự mới của các mối quan hệ con người – trật tự này, nhờ chính những nỗ lực của con người và thậm chí vượt quá những kỳ vọng của họ, được định hướng tiến tới sự hoàn thành các kế hoạch tối thượng và khôn dò của Thiên Chúa.” Nếu mầu nhiệm của Thiên Chúa là cốt lõi của thần học, thì toàn thể cộng đồng con người sẽ là chân trời tựa vào đó công cuộc thần học phải được thực hiện. Trong tiến trình này, các nghị phụ Công Đồng lần đầu tiên đã nhận thấy rõ rằng Giáo Hội không chỉ có cái gì đó để trao ban cho thế giới mà còn có nhiều thứ phải học hỏi nơi thế giới nữa.
Nhận thức nói trên được diễn tả tốt nhất trong hai văn kiện được ban hành vào thời điểm kết thúc Công Đồng, ngày 7 tháng 12, 1965; đó là Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et spes) và Sắc Lệnh về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae). Trong Gaudium et spes, nguyên cả một chương đã được dành để nói về việc nhận hiểu đúng đắn văn hóa nhân lọai. Các nghị phụ Công Đồng đã không ngần ngại nói rằng các căng thẳng không tránh được giữa văn hóa và đức tin tôn giáo có thể “thúc đẩy tâm trí người ta đạt tới một sự nắm hiểu chính xác và sâu sắc hơn về đức tin.” (GS 62). Sự trân trọng này đối với giá trị và những thách đố của văn hóa con người có lẽ đã – hơn bất cứ gì khác – giúp khơi lên những vấn nạn mới về thần học và và giúp điều hợp lại những vấn nạn cũ. Người Công Giáo đã kinh nghiệm điều này một cách thực tiễn trong các thánh đường của mình, nơi mà phụng vụ được cử hành bằng tiếng địa phương với sự tháp nhập âm nhạc, vũ điệu và các biểu tượng dân tộc vào trong phụng tự.
Các nhà thần học cũng bị thách đố. Công Đồng quyết định rằng một phần thiết yếu của sứ mạng Kitô giáo là thăng tiến công bằng trên thế giới. Những câu đầu tiên của Hiến Chế về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay rõ ràng là một bài sai thúc đẩy mọi Kitôhữu, cách riêng các nhà thần học, quan tâm đến mọi nhu cầu và mọi ơn lộc của con người: “Vui mừng và hy vọng, ưu phiền và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu phiền và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” Chung qui điều đó có nghĩa là thần học phải được canh tân và được đo lường bởi sự dấn thân cho công bằng xã hội. Công Đồng xác định rằng mọi ngành tri thức của con người phải được trân trọng và được khám phá lại về khả năng của chúng trong việc soi chiếu chân lý thần linh. Ở đây bật lên những câu hỏi quan trọng về phương pháp luận: Nhận thức thần học của chúng ta về mầu nhiệm được mạc khải nhận được ích lợi như thế nào từ kho tri thức sâu rộng của cộng đồng nhân lọai? Cách hiểu biết của chúng ta về chân lý tôn giáo giống hay khác như thế nào so với các tri thức nhân loại khác?
Tự bản thân Công Đồng Vatican II vốn có tính đa dạng về văn hóa hơn bất cứ cuộc qui tụ nào trước đây của các giám mục. Các giám mục và các hồng y từ mọi lục địa và mọi chủng tộc qui tụ lại với nhau để cùng tìm kiếm sự đổi mới nơi bản thân Giáo Hội, sự hiệp nhất Kitô giáo, và sự phục vụ cho thế giới. Sự hiện diện của các ngài và những niềm xác tín của các ngài đã tạo ra một dự án mới cho thần học, một dự án chỉ mới manh nha tìm thấy sự diễn tả nơi các vấn nạn mới và các khó khăn mới.
Dù các kết quả của Công Đồng Vatican II chưa thể được đánh giá toàn triệt, chúng ta vẫn không thể hiểu bất cứ vấn đề thần học Công Giáo hiện đại nào nếu không qui chiếu tới các nguyên tắc thần học mà Công Đồng đã cung ứng. Vai trò cốt lõi và đặc tính liên ngã vị của mạc khải Thánh Kinh, tầm quan trọng tuyệt đối của lịch sử xét như một phạm trù thần học, và nhận thức về văn hóa con người xét như cấu tố của nhân vị trong tương quan với Thiên Chúa đó là những xác tín định hình thần học Công Giáo ngày nay và đó là những vấn đề thường xuyên được xem xét đến.
Đã có nhiều vấn nạn mới về việc thực thi thẩm quyền trong Giáo Hội trong bối cảnh của một nhận thức mới có tính tập đoàn của chức vụ giám mục. Có một sự trân trọng mới mẻ đối với việc tham dự hoàn toàn của người giáo dân trong sứ mạng và sứ vụ của Giáo Hội và, do đó, có những vấn nạn về các cơ cấu của sứ vụ và vai trò của người giáo dân. Những vấn nạn đạo đức học đang tiếp tục được khơi lên bởi các kỹ thuật y khoa mới, và một sự đánh giá hoàn toàn về phương thức đưa ra quyết định luân lý đang tiếp tục được khảo sát. Chúng ta không thể bàn đến tất cả những vấn đề này ở đây. Nhưng chúng ta có thể xem xét thử ba nguyên tắc đề cập ở trên đây đã khơi lên sự tranh luận thần học như thế nào liên quan đến hai lãnh vực quan trọng: (1) phong trào đại kết, và (2) thách đố của phụ nữ trong Giáo Hội.
PHONG TRÀO ĐẠI KẾT
Khi Công Đồng khai mạc vào năm 1962, các đại biểu từ 17 Giáo Hội ngoài Công Giáo Rôma đã có mặt trong tư cách danh dự và khách mời. Các vị ấy được bố trí chỗ ngồi trang trọng nhất tại buổi lễ khai mạc hôm 11 tháng 10, được cung cấp sự phiên dịch tức thì, được trao cho những bản sao của tất cả các văn kiện mà các giám mục sẽ thảo luận (chứ không phải chỉ các giám mục mới giữ các văn kiện ấy), và được mời tham dự tất cả các kỳ họp chung của Công Đồng cũng như có thể tham dự bao nhiêu cuộc họp của các ủy ban tùy ý. Các vị khách mời này là những người được ưu tiên trực tiếp chứng kiến các biến cố mà nhiều người Công Giáo – linh mục và giáo dân – chỉ có thể nghe kể lại mà thôi.
Ngày 15 tháng 10, Hồng Y Bea, vị đứng đầu văn phòng về hiệp nhất các Kitôhữu, một cơ quan mới được thiết lập, đã gặp gỡ các quan sát viên tại một cuộc tiếp tân và đã nói những lời cho thấy sự thay đổi không thể đảo ngược trong thái độ của Rôma đối với các Kitôhữu ngoài Giáo Hội Công Giáo. “Anh em thân mến trong Đức Kitô,” ngài chào như thế, và tiếp tục ghi nhận rằng lời chào ấy nhắc cho tất cả về “ân sủng tuyệt hảo của Phép Rửa, ân sủng đã tạo nên những mối dây ràng buộc không thể phá hủy được, những mối dây ràng buộc mạnh hơn những sự chia rẽ giữa chúng ta.” Đã hết rồi cái thời mà sự hiệp nhất các Kitôhữu được hiểu là người Công Giáo mong những người Tin Lành “trở về”, như những đứa con hoang đàng trở về mái nhà của người cha hoàn toàn không có tội. Một năm sau, trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp thứ hai của Công Đồng, vị tân giáo hoàng, Đức Phaolô VI, đã công khai xin lỗi về tất cả những gì người Công Giáo đã làm góp phần gây ra những sự chia rẽ trong lịch sử Kitô giáo.
Với đường hướng lãnh đạo như thế của hai vị giáo hoàng nối tiếp nhau, các nghị phụ Công Đồng không thể không xác định lại mục tiêu của việc hiệp nhất các Kitôhữu theo hướng nhìn nhận rằng đức tin đích thực đã được gìn giữ và được củng cố trong các Giáo Hội ngoài Công Giáo bấy lâu nay. Vì thế, Sắc Lệnh về đại kết (Unitatis Redintegratio) – được công bố ngày 21 tháng 11, 1964 – đã tạo ra một bầu khí mới trong đó sự đối thoại giữa các Giáo Hội có thể được xúc tiến, với niềm hy vọng mới mẻ rằng cuối cùng có thể đi đến sự hiệp nhất đích thực. Sắc Lệnh này đã không còn thứ ngôn ngữ về giáo phái và đã gọi các cộng đoàn Kitôhữu khác là “các Giáo Hội và các cộng đoàn Giáo Hội”, chấp nhận (như Hồng Y Bea đã làm) tất cả những gì vẫn còn được cùng nhau trân trọng. Trong khi văn kiện này của Công Đồng khẳng định rằng “Giáo Hội Công Giáo đã được ban cho tất cả các chân lý mạc khải thần linh và mọi phương tiện của ân sủng” (UR 4), nó cũng nhìn nhận rằng trong các Giáo Hội và các cộng đoàn khác, các Kitôhữu cũng đích thực sống “một đời sống ân sủng” và cũng có “con đường bước vào cộng đoàn của ơn cứu độ” (UR 3). Văn kiện mô tả sự hiệp nhất các Kitôhữu không phải như một thực tại của quá khứ mà những người đang bất đồng nhau phải quay về, nhưng đó là một triển vọng tương lai phải được thực hiện xuyên qua ân sủng của Đức Kitô. Điều này có nghĩa rằng cuộc đối thoại đại kết phải được thực hiện một cách đầy lòng trân trọng giữa các bên, và việc cầu nguyện chung với nhau trở thành điều kiện cho sự lớn lên trong ân sủng. Sắc Lệnh về đại kết thiết yếu là một tiếng gọi mời hành động, đề ra những nguyên tắc cho cuộc gặp gỡ đại kết.
Cuộc tiếp xúc đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và các cộng đoàn Kitôhữu khác đã bắt đầu ở cấp cao nhất và hầu như trước khi các văn kiện của Công Đồng kịp ráo mực. Tháng 12 năm 1965, Giáo Hoàng Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras gặp nhau ở Giê-ru-sa-lem và đưa ra một tuyên bố chung nói lên “khát vọng chân thành hướng đến hòa giải với nhau”. Ngày 22 tháng 3 năm 1966, Giáo Hoàng Phaolô VI và Michael Ramsey, Tổng Giám Mục Canterbury, đã công bố một “Tuyên Ngôn Về Hợp Tác” trong đó nhìn nhận kho tàng phụng vụ và linh đạo được hai Giáo Hội chia sẻ cũng như niềm hy vọng mà cả hai vị lãnh đạo cùng nhau ôm ấp về mối hiệp thông hoàn toàn trong đức tin và trong đời sống bí tích. Các ủy ban thần học đã được thành lập ở cấp quốc tế giữa Anh giáo và Công Giáo Rôma (ARCIC), giữa Giáo Hội Luther và Công Giáo Rôma, cũng như giữa Công Giáo Rôma và Hội Đồng Mêthôdit Thế Giới. Đồng thời, một mối quan hệ hợp tác mới đã bắt đầu phát triển giữa Công Giáo Rôma và Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới.
Cách riêng người Công Giáo Mỹ đã được cổ võ mạnh mẽ bởi các hoạt động đại kết của Vatican II. Lịch sử đặc thù của những người Công Giáo tại Mỹ, những khó khăn của họ trong tư cách là dân mới nhập cư vào một xứ sở của người Tin Lành (bối cảnh thế kỷ 19), và sự tăng triển sau đó của họ nhờ nền tảng tự do tôn giáo được thiết định bởi hiến pháp Mỹ – tất cả đã góp phần làm cho họ nhiệt tâm khám phá các khả năng mới của hòa giải và hiệp nhất. Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Toàn Quốc đã thành lập Ủy Ban Giám Mục Đặc Trách Các Vấn đề Đại Kết Và Liên Tôn (BCEIA), ủy ban này lo về các cuộc đối thoại chính thức với các Giáo Hội giám chế, Luther, Báptit Mỹ, Mêthôdit, Trưởng Lão/Cải Cách. Ủy ban toàn quốc này đã khích lệ nhiều hoạt động ở cấp địa phương; trong hơn hai mươi năm kể từ khi Sắc Lệnh về đại kết được công bố, các thành viên của các giáo xứ địa phương đã tham gia với các Kitôhữu thuộc các cộng đoàn khác trong những buổi cầu nguyện và phụng tự chung cũng như trong các hoạt động liên kết nhằm phục vụ cho thiện ích chung và cho sự thăng tiến phẩm giá con người và công bằng xã hội.
Những tiến bộ thần học đích thực đã được thực hiện trong cuộc đối thoại đại kết. Các Giáo Hội chia rẽ trong nhiều thế kỷ đã đi vào cuộc đối thoại đầy kính trọng và chân thành trong hơn hai mươi năm nay. Các Giáo Hội đã nhận ra sự sống động trong đức tin của nhau và đã đánh giá cao các nhận thức thần học đã phát triển trong các truyền thống Giáo Hội khác nhau. Các Giáo Hội đối thoại với nhau nhưng không lẩn tránh các vấn đề thần học gai góc. Những người Luther, Công Giáo Rôma, Anh giáo – chẳng hạn – đã cùng nhau thảo luận về vấn đề gay go là vai trò của giáo hoàng. ARCIC, Ủy Ban Quốc Tế của Công Giáo Rôma và Anh giáo, đã nhận ra khả năng rằng chức vụ của Giám mục Rôma có thể trở thành – trong bất cứ sự hiệp nhất nào của tương lai – một sứ vụ hiệp nhất cho toàn thể Giáo Hội. Cũng vậy, cuộc đối thoại giữa Công Giáo Rôma và Tin Lành Luther ở Hoa Kỳ đã đem lại những hy vọng rằng những người Tin Lành Luther có thể chấp nhận một sứ vụ giáo hoàng nếu sứ vụ đó được thực thi phù hợp với Tin Mừng và với một sự tôn trọng thích đáng đối với sự tự do của các Kitôhữu.
Năm 1982, Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới (WCC), một tổ chức đại kết của các Giáo Hội với đông đảo thành viên, đã xuất bản một văn liệu mang tựa đề Phép Rửa, Phép Thánh Thể và Tác Vụ. Bản văn này được sửa soạn bởi một ủy ban của WCC, bao gồm các nhà thần học của Tin Lành, Chính Thống và Công Giáo Rôma. Các nhà thần học từ các Giáo Hội khác nhau như thế đã có thể đạt đến sự nhất trí về những vấn đề có tầm quan trọng vốn bất đồng tự lâu đời – sự kiện đó là một dấu hiệu đầy triển vọng. Bản văn ấy thách đố tất cả các truyền thống, nhưng nó cũng có thể phục vụ như một cơ sở để đi đến sự nhất trí về ba bí tích ấy nếu các Giáo Hội sẵn sàng tiếp tục các công cuộc đổi mới bên trong chính mình. Nhưng cũng cần phải khuyến khích toàn thể các thành viên của các Giáo Hội đã đạt được những sự đồng ý sơ bộ này đón nhận các sự đồng ý ấy. “Đón nhận” là một thuật ngữ thần học có “liên quan đến cách thế mà các quyết định có thẩm quyền trở thành có hiệu lực trong đời sống Giáo Hội”. (56) Nếu công việc của các nhà thần học và các ủy ban chính thức của Giáo Hội không được đón nhận và thực thi bởi các cộng đoàn địa phương, thì công việc ấy không thể giúp diễn tả đức tin và kinh nghiệm của dân Thiên Chúa. Nền thần học đại kết vững vàng phải được cắm rễ trong đời sống đức tin và trong các hoạt động của các Giáo Hội địa phương.
Thần học đại kết và những thực hành đại kết cho tới nay đã đào sâu ý nghĩa của sự hiệp nhất giữa các Kitôhữu và đã đóng góp rất nhiều vào sự hiểu biết lẫn nhau hơn; đồâng thời đã diễn tả được sự xót xa đối với những chia rẽ còn tiếp tục tồn tại. Ở đâu các Kitôhữu địa phương tích cực hoạt động cho đại kết, thì ở đó thường có một sự tha thiết hòa giải các bất đồng về thần học, tha thiết băng bó những vết thương lịch sử và tái lập mối hiệp thông Thánh Thể. Tất cả các diễn biến ấy đã nêu bật vai trò mà kinh nghiệm của các Kitôhữu về Giáo Hội đảm nhận trong công cuộc thần học. Kinh nghiệm, đến lượt nó, đã giúp củng cố tầm quan trọng cốt yếu của gia sản chung là Thánh Kinh, Phép Rửa, và các tín điều cổ xưa.
Trong khi đối thoại với nhau và cùng tham gia vào những dự án chung nhằm phục vụ cho thiện ích chung, các cộng đoàn Kitôhữu sẽ trở nên trân trọng hơn đối với phẩm trật các chân lý đức tin (cf. UR 11). Điều này có nghĩa rằng họ nhận ra một cách thực tiễn tầm quan trọng của đức tin mà họ cùng chia sẻ vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào sự quan phòng đầy sáng tạo của Chúa Cha, vào thần tính và vai trò chủ tể của Chúa Kitô, và vào hoạt động thánh hóa không ngừng của Chúa Thánh Thần. Mặc dù tiếp tục trung thành bám chặt vào những nhận thức thần học đặc thù của truyền thống riêng mình, các Kitôhữu dấn thân vào hoạt động đại kết cũng trở nên khiêm tốn hơn về chỗ đứng của những diễn tả đức tin đa dạng này và sẵn sàng hơn để đặt mình ở vị trí phụ thuộc vào những khẳng định có tính cốt lõi truyền thống được chấp nhận bởi toàn Giáo Hội. Như vậy, phong trào đại kết đã vừa thách đố thần học hiện đại vừa làm giúp làm phong phú nó.
PHỤ NỮ TRONG GIÁO HỘI
Vấn đề phụ nữ trong Giáo Hội vừa khơi lên những hưởng ứng mạnh mẽ vừa tạo ra các tranh cãi kịch liệt. Đây là một ví dụ hùng hồn cho thấy cách thế trong đó các vấn đề thần học bật lên hiện nay và cho thấy phương pháp thần học qua đó các vấn đề ấy được đặt ra. Đây cũng là vấn đề thần học nhận ảnh hưởng sâu sắc bởi các biến chuyển lớn lao về văn hóa diễn ra trong lịch sử hiện đại.
Điều không ai có thể chối cãi, đó là kinh nghiệm về phụ nữ trên thế giới đã thay đổi một cách sâu sắc trong vài thập niên trở lại đây, và sự thay đổi ấy trong kinh nghiệm đã đem lại một biến chuyển sâu xa trong cách mà phụ nữ ý thức về chính mình. Phụ nữ đã vừa khám phá vừa sáng tạo ra những cơ hội mới cho chính họ trong lãnh vực tự phát triển. Đông đảo phụ nữ đã được chấp nhận vào các cơ chế giáo dục cao cấp và theo đuổi những sự đào tạo chuyên môn và qua đó họ đã đảm nhận những vị thế đầy ảnh hưởng. Phụ nữ cũng đã bắt đầu ghi dấu ấn của họ trong trường chính trị, nhiều trường hợp họ đã vươn lên những địa vị nổi bật ở tầm mức quốc tế. Khi Golda Meir trở thành thủ tướng của quốc gia non trẻ Israel, bà cho cả thế giới thấy khả năng một phụ nữ có thể lèo lái con thuyền một quốc gia qua những sóng gió của buổi ban đầu lập quốc. Indira Gandhi của Ấn Độ và Magaret Thatcher của Anh là những bằng chứng hùng hồn cho thấy phụ nữ hoàn toàn có năng lực lãnh đạo quốc gia tại cả những nước đã phát triển ở phương tây lẫn những nước thuộc Châu Aù. Ngày càng có nhiều khuôn mặt phụ nữ tại các ủy ban nghiên cứu và các nghị trường của Liên Hiệp Quốc. Sự hiện diện ngày càng tăng của phụ nữ như thế trong các vai trò lãnh đạo dần dần khơi lên ý thức về phụ nữ trên khắp thế giới.
Sự thay đổi này trong kinh nghiệm của phụ nữ tất yếu tạo ra một ý thức mới về địa vị của họ trong xã hội và một sự phản tỉnh mới nơi chính bản thân các phụ nữ. Khi các vấn đề mới mẻ về kinh tế và xã hội hiện lộ rõ ràng, tổ chức Liên Hiệp Quốc đã nhìn nhận tầm quan trọng của những vấn đề này bằng cách tuyên bố thập niên từ 1975 đến 1985 là Thập Niên Của Phụ Nữ Thế Giới. Duới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, các hội nghị quốc tế về phụ nữ đã nhóm họp ở Mêhicô vào năm 1975, ở Copenhagen 1980, và ở Nairobi 1985. Những hội nghị này đã tích cực đem lại cho phụ nữ một sự phản tỉnh mang tầm quốc tế, một ý thức ngày càng tăng về kinh nghiệm chung của họ trước những thiệt thòi, nhất là trong một nền kinh tế ngày càng có tính hỗ tương phụ thuộc hơn, và một ý thức sâu sắc về sự hợp tác để đổi thay xã hội. Tất cả những hoạt động này đem lại một nhận thức rất rõ về các dữ kiện kinh tế và xã hội của người phụ nữ xét như một tầng lớp phụ thuộc và bị đàn áp. Chẳng hạn, bản Phúc Trình của Liên Hiệp Quốc năm 1980 đã nêu rõ những dữ liệu thực tế như sau: “Phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới, đảm nhận gần hai phần ba số giờ làm việc của thế giới, lãnh được một phần mười tiền lương của thế giới, và sở hữu chưa tới một phần trăm tài sản của thế giới.” Trong bối cảnh của một ý thức ngày càng hơn về kinh tế và xã hội, các vấn nạn thần học về bản tính của phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội trở nên càng khẩn cấp.
Các vấn nạn thần học về phụ nữ và về vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội nói chung thường xoay quanh hai dấu hỏi có liên hệ với nhau: Có nền tảng thần học nào cho chế độ phụ quyền và cho sự phụ thuộc của phụ nữ không? Và vai trò phụ thuộc của phụ nữ trong Giáo Hội có thể được lý giải thỏa đáng về mặt thần học hay không? Có một sự nhìn nhận rộng rãi rằng các cơ cấu xã hội đẩy phụ nữ xuống một vị trí thấp kém, phụ thuộc đã được hậu thuẫn – ít nhất – bởi một truyền thống thần học về bản tính thấp kém (của phụ nữ). Vì thế, “thần học nữ quyền”, một ngành thần học mới, đã bắt đầu điều tra lại truyền thống nói trên. Cách thế mà qua đó thần học nữ quyền đã phát triển cho thấy rõ những động lực bên trong của thần học hiện đại nói chung. Thật quan trọng cần phải ghi nhận rằng thần học nữ quyền đã được đánh dấu bởi những phát triển quan trọng trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử và phê bình Thánh Kinh, và bởi việc thiết định lại những vấn đề có tính hệ thống. Sau đây là một số ví dụ.
Các Nghiên Cứu Lịch Sử
Các nghiên cứu lịch sử đã là yếu tố then chốt trong sự phát triển của thần học nữ quyền. Những nghiên cứu này đã có hai mục tiêu chính: phục hồi lại lịch sử đã “bị đánh mất” của phụ nữ và phân tích các điều kiện lịch sử theo đó các lý thuyết thần học phụ quyền đã phát triển. Các chuyên viên sử học đã săn tìm những bản văn bị lãng quên của các tác giả nữ. Họ đã nghiên cứu các hoạt động và các hoàn cảnh của phụ nữ trong các công trình, các hồ sơ lưu trữ, các sử liệu địa phương, các giấy tờ hôn thú và các hợp đồng kinh tế, vv… Những tài liệu này thường vẫn bị bỏ xótrong các văn liệu lịch sử chỉ nhấn mạnh đến phía mạnh về chính trị (tức nam giới).
Cũng vậy, các nhà sử học về nữ quyền đã tìm kiếm sử liệu về phụ nữ bằng cách sử dụng những phương pháp mới trong việc đọc các chứng cứ thời trước. Vận dụng một “khoa chú giải cổ bản có tính hồ nghi”, các học giả về nữ quyền đã đọc lại các bản văn cổ điển , kể cả Thánh Kinh, với giả định rằng những bản văn ấy phục vụ cho các chức năng có tính phụ quyền và cố tình lập lờ hay bóp méo các vai trò hay các thành tựu của phụ nữ. Tất cả những chiến lược này đã đem lại một nhận thức mới về tầm quan trọng và về sức mạnh của phụ nữ trong lịch sử của Giáo Hội và của sự phát triển thần học Kitô giáo.
Các Nghiên Cứu Thánh Kinh
Việc nghiên cứu lịch sử đã có liên quan với công việc nghiên cứu Thánh Kinh được thực hiện bởi các nhà thần học nữ quyền. Ở đây một mục đích là xác định phải chăng việc hiểu phụ nữ như cấp thấp hơn trong bản tính và phụ thuộc trong đẳng cấp xã hội là một nhận hiểu hoàn toàn nằm trong mạc khải Thánh Kinh. Nói nôm na hơn, phải chăng Thiên Chúa đã mạc khải thánh ý Ngài nơi các bản văn yêu cầu phụ nữ phải biết thinh lặng và chấp nhận tính phụ thuộc (ví dụ 1Tm 2, 11-15; 1Cr 11,2-12)? Hay những bản văn ấy chỉ là kết quả của những sự diễn dịch thánh ý Thiên Chúa một cách xuyên tạc theo não trạng phụ quyền và bị điều kiện hóa bởi lịch sử? Các bản văn Thánh Kinh có thể là những bản văn của ơn cứu độ cho phụ nữ hay không? Hay phụ nữ phải phi bác Thánh Kinh để có thể đạt được sự phát triển trọn vẹn cho mình, cả trong tư cách là những nhân vị lẫn trong mối tương quan với Thiên Chúa? Quả thật vấn nạn này đang là thời sự phong trào nữ quyền ngày nay.
Vào thế kỷ 19, đã có những phụ nữ dấn thân vào phong trào hủy bỏ – đó là những người bắt đầu xem các hàm ý của bản văn Thánh Kinh như vừa nô dịch hóa vừa giải phóng phụ nữ. Vì thế một vài phụ nữ, chẳng hạn Elizabeth Cady Staton, đã nhận thấy bản văn Thánh Kinh quá có tính đàn áp và đã xuất bản Thánh Kinh của Phụ Nữ, một đòn tấn công vào giáo huấn và thẩm quyền truyền thống của Giáo Hội. Những phụ nữ khác, như Sarah Grimke, đã tin rằng các khó khăn mà phụ nữ kinh nghiệm khi tìm kiếm sự tự do chính đáng trong Giáo Hội chính là hệ lụy của một sự diễn dịch chứ không phải là chính mạc khải. Grimke tin chắc rằng khi phụ nữ được đào tạo về các ngôn ngữ và các phương pháp Thánh Kinh, họ sẽ có thể đưa ra những diễn dịch trung thành hơn với bản văn và có sức giải phóng phụ nữ hơn so với những diễn dịch xưa nay. Cuộc tranh luận vẫn còn tiếp tục trong thời đại chúng ta, nhưng các nhà thần học nữ quyền cố gắng phục hồi lại các bản văn Thánh Kinh cho phụ nữ đã phát triển một phương pháp luận nữ quyền có tính phê bình (critical feminist methodology), không tách rời khỏi khoa phê bình lịch sử xuất hiện trước đó, nhưng có tham chiếu đến “khoa chú giải cổ bản có tính hồ nghi” (hermeneutics of suspicion) theo đó họ đặt bản văn Thánh Kinh trong tình trạng phải được diễn dịch lại một cách cẩn thận.
Về nhiều phương diện, phong trào phụ nữ trong Giáo Hội có liên hệ sâu sắc với thần học giải phóng. Các học giả Thánh Kinh trong khuynh hướng nữ quyền đã vận dụng phương pháp đọc Thánh Kinh được phát triển tại các cộng đoàn Kitôhữu cơ bản ở Châu Mỹ Latinh. Phương pháp này yêu cầu Thánh Kinh phải được đọc trong bối cảnh của đời sống cụ thể hằng ngày của những người đọc nó. Để đọc Thánh Kinh cho đúng đắn, cần phải đồng hóa với những người nghèo và những người bị áp bức vốn được gặp thấy rất nhiều trong các câu chuyện Phúc Âm, và phải lưu ý tìm kiếm lời giải phóng được nói lên trong đó. Sử dụng một khoa chú giải cổ bản có tính hồ nghi, nhà thần học nữ quyền sẽ đọc bản văn một cách thận trọng và đầy tính phê bình, tìm kiếm chứng cứ về sự áp chế. Nhưng nhà thần học này cũng đọc bản văn một cách tích cực và đầy sự hình dung, với điều mà một học giả gọi là “khoa chú giải cổ bản có tính hiện thực hóa đầy sáng tạo”. Điều này “cho phép phụ nữ đi vào câu chuyện Thánh Kinh với sự giúp đỡ của khả năng hình dung lịch sử, của sự phục chế khéo léo, và của sự nghi thức hóa có tính phụng vụ. Một sự chú giải Thánh Kinh theo hướng nữ quyền, vì thế, phải không chỉ có tính phê bình mà còn phải có tính xây dựng, không chỉ hướng về quá khứ mà còn phải hướng tới tương lai…” (57) Việc đọc Thánh Kinh một cách hai mặt như vậy – đọc về quá khứ một cách hồ nghi và phê bình, và đọc một cách hình dung sống động bản văn trong hiện tại – đã đem lại cho thần học nữ quyền một cơ sở Thánh Kinh đầy triển vọng phục vụ cho sự phát triển thần học.
Những Phát Triển Có Tính Hệ Thống
Việc suy tư thần học về vấn đề phụ nữ trong Giáo Hội, dựa trên các nghiên cứu Thánh Kinh và lịch sử, đã làm thay đổi các vấn nạn cốt lõi của thần học. Điều này cho thấy một nhận thức mới về “sự phong phú của ân sủng Thiên Chúa trao ban cách dồi dào và nhưng không cho chúng ta”, kế hoạch kỳ diệu mà Thiên Chúa “thực hiện khi đến thời đến buổi: đó là toàn thể vũ trụ, mọi sự trên trời dưới đất, được thâu họp về một mối trong Đức Kitô” (Ep 1,8-10). Ở đây chúng ta chỉ có thể nêu ra một số vấn đề chủ chốt có tính hệ thống đã được soi sáng cách mới mẻ bởi thần học nữ quyền.
Vấn đề ngôn ngữ bao hàm (inclusive language) là một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm, cả nơi đại chúng lẫn nơi giới học giả. Một số người gạt bỏ vấn đề này, viện cớ rằng nó “chỉ” là một vấn đề ngôn ngữ. Nhưng sự suy tư thấu đáo sẽ cho thấy tầm mức rộng lớn trong đó ngôn ngữ chúng ta sử dụng có sức hình thành cảm thức của chúng ta về chính mình, cả trong tư cách cá nhân lẫn cộng đồng. Vì thế nhiều tiếng nói trong Giáo Hội đã đề nghị việc hiệu chỉnh lại các bản văn Thánh Kinh và phụng vụ sao cho thể hiện một nhãn quan có tính bao hàm, loại bỏ việc sử dụng một ngôn ngữ có tính độc chiếm vốn vẫn thường sử dụng các từ ngữ giống đực để qui chiếu đến con người nói chung.
Đồng thời, những vấn nạn về ngôn ngữ bao hàm cũng đã lại làm bật lên vấn đề ngôn ngữ thần học nói chung. Các nhà thần học nữ quyền nhắc chúng ta rằng mọi ngôn ngữ về Thiên Chúa đều có tính ẩn dụ và có tính loại suy. Trong ẩn dụ, chúng ta cố gắng nói một điều gì đó về Thiên Chúa siêu việt bằng cách gợi lên những thực tại nhân loại có một mức độ phản ảnh nào đó kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa. Những ẩn dụ của cá nhân, vô cùng quan trọng cho việc nói lên sự nhận hiểu tương đối về Thiên Chúa, lại là những con dao hai luỡi: chúng đẩy chúng ta vào những giới hạn của giống (gender) ngay cả trong khi chúng có đầy năng lực kích cảm. Những suy tư của khuynh hướng nữ quyền đang cố vượt qua khỏi những giới hạn của giống trong ngôn ngữ ẩn dụ nhắc cho chúng ta về tính bất tương ứng của tất cả ngôn ngữ con người về Thiên Chúa. Những suy tư ấy nhắc cho chúng ta ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm mà ngôn ngữ thần học phải cố khơi ra, và nhắc cho chúng ta biết phải hết sức khiêm tốn ngay cả khi chúng ta sử dụng những thứ ngôn ngữ có cân nhắc nhất.
Cũng vậy, sự thảo luận về khoa nhân chủng thần học của các nhà thần học nữ quyền đã làm bật ra những câu hỏi quan trọng về bản tính con người. Khoa nhân chủng học nữ quyền bắt đầu với những câu hỏi về địa vị thấp kém được giả định cho phụ nữ, nó chất vấn về gốc tích xuất phát một lý thuyết sai lầm như thế và tại sao lý thuyết ấy đã sống được dai dẳng. Nhưng nó cũng bắt chúng ta phải suy nghĩ lại về các vấn nạn nhân chủng học có tính truyền thống: chúng ta hiểu về nào về mối quan hệ giữa hồn và xác, giữa lý trí và dục vọng, giữa sự tưởng tượng và sự hiểu biết? Nó khảo sát cách thế mà những lưỡng phân truyền thống này đã gây ra sự tàn phá về tâm lý và văn hóa ở Tây phương và nó tìm kiếm những phương pháp mới mẻ để hiểu tính thống nhất của ngã vị và sự hòa hợp của các đối cực của con người.
Khoa nhân chủng học nữ quyền cũng muốn mở ra việc thảo luận về bản tính con người chiếu theo phạm trù lịch sử, cố gắng nhận hiểu cách thế mà văn hóa và lịch sử đã qui định sự nhận hiểu của chúng ta về bản tính con người. Nó tìm kiếm những mẫu thức chuyển hóa (transformative) vốn vừa mô tả ngã vị con người vừa mở ra những khả năng chuyển biến, để cho cộng đồng nhân loại có thể vượt qua những thế lưỡng phân cố hữu giữa cuộc sống riêng tư và cuộc sống với người khác, giữa cá nhân và xã hội, giữa thân xác và linh hồn, giữa tự nhiên và ân sủng. Trong nỗ lực thần học này, địa hạt của tư duy thần học là con người cụ thể trong lịch sử, là con người đứng trước những vấn đề tự do, sống còn, cứu độ – không phải một cách riêng rẽ nhưng như một thực tại, thực tại trọn vẹn của đời sống con người chúng ta. Đó là lý do tại sao phần lớn thần học nữ quyền bắt đầu với những mô tả có tính trần thuật cá nhân về kinh nghiệm. Tạo ra một cuộc đối thoại giữa ngôn ngữ cá nhân này và những thảo luận trừu tượng của phần lớn truyền thống đi trước, đó là một trong những thách đố lớn lao của phong trào phụ nữ.
Vấn đề truyền chức cho phụ nữ là vấn đề thường được liên tưởng đến nhất khi người ta đặt ra vấn đề phụ nữ trong Giáo Hội. Rõ ràng đối với nhiều người nó đã trở thành một biểu tượng nói lên mức độ mà phụ nữ được hay không được chấp nhận như những thành phần bình đẳng trong Giáo Hội và trong đại cuộc cứu độ. Nhưng chúng ta không thể hiểu việc truyền chức cho phụ nữ như một vấn đề độc lập. Suy tư thần học về việc truyền chức cho phụ nữ, chẳng hạn, đòi hỏi rằng chúng ta phải khảo sát những vấn nạn then chốt của Kitô học. Một sự nhấn mạnh gần đây bởi Giáo Hội Công Giáo về nam tính – xét như thiết yếu để biểu tượng cho người thay mặt Đức Kitô tại bàn thờ – đã tập chú trên sự diễn dịch có tính truyền thống về mầu nhiệm Nhập Thể. Từ những thời ban sơ nhất, giáo thuyết này đã được hiểu là Ngôi Lời trở thành xác thịt (i.e., thành phàm nhân), và qua đó tác động đến ơn cứu độ của tất cả những ai là phàm nhân. Các nhà nữ quyền tự hỏi phải chăng sự nhấn mạnh mới mẻ về nam tính của Đức Giêsu có thể bỏ qua tình trạng của phụ nữ trong tư cách là những con người được cứu chuộc.
Cũng vậy, vấn đề truyền chức phụ nữ nhắc tất cả chúng ta nhớ đến những mẫu thức khác nhau theo đó Giáo Hội được hiểu, và một lần nữa đặt ra câu hỏi phải chăng Giáo Hội có thể là một dấu chỉ hay bí tích của sự cứu chuộc cho mọi con người nếu như mọi con người không được đón nhận cách bình đẳng trong sứ vụ của Giáo Hội. Nó khơi lên câu hỏi về vai trò của sứ vụ có chức thánh trong Giáo Hội, về vai trò trung tâm của Bí Tích Thánh Thể trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, và về cách thức mà quyền bính phải được hành sử trong Giáo Hội. Như vậy, vấn đề truyền chức không chỉ liên quan tới biểu tượng; nó là vấn đề có tính lịch sử và có tính thực hành, cho thấy rõ ràng nhất những vấn nạn thần học mà Giáo Hội ngày nay phải trả lời nếu không muốn quay lưng lại với Tin Mừng.
KẾT LUẬN
Các vấn đề thần học mà Giáo Hội phải đối diện ngày nay là những vấn đề được đặt ra bởi các nhu cầu cấp thiết của lịch sử và xuất phát từ sứ mạng được trao cho Giáo Hội bởi Đức Kitô là Chủ Tể – đó là sứ mạng trở thành ánh sáng cho các dân tộc. Thần học ngày nay phải sẵn sàng đón nhận những nhận thức và những kinh nghiệm, không chỉ của tất cả các truyền thống Kitô giáo khác nhau, mà còn của mọi con người nam nữ thiện chí làm thành cái toàn thể phong phú là “các dân tộc” trong thế giới chúng ta.
Mạc khải Thánh Kinh, như được hiểu bởi khoa nghiên cứu hiện đại nhất, và lịch sử của truyền thống Giáo Hội, được diễn dịch vừa một cách phê bình vừa một cách thấu cảm, là hai nền tảng sẽ làm điểm tựa vững chắc cho thần học hiện đại. Phong trào đại kết và phong trào phụ nữ cho thấy rằng mặc dù khởi điểm của hoạt động thần học có thể là kinh nghiệm và các vấn nạn của một nhóm, một tầng lớp, một nền văn hóa đặc thù, thì các nội dung của công cuộc này vẫn có tính phổ cập và có thể có tiềm năng thay đổi chính truyền thống Kitô giáo. Làm thần học không phải là chỉ “quẩn quanh” với một chủ đề riêng rẽ nào đó. Đức tin Kitô giáo không phải là một danh mục các món rời rã, nhưng là một cố gắng có tính liên hội để nhận hiểu sự sung mãn của mầu nhiệm Thiên Chúa như được mạc khải nơi Đức Kitô, vì ơn cứu độ cho mọi con người.
Phong trào đại kết và phong trào phụ nữ cũng cho thấy rằng thần học trỗi lên từ đức tin sống động của người ta. Các vấn nạn sâu xa nhất hiện nay về Thiên Chúa và về ơn cứu độ của con người là những vấn nạn xuất phát từ một cộng đoàn những người tin, hiệp nhất trong cầu nguyện và trong hành động, quan tâm tới nhau và cố gắng trung thành với Tin Mừng. Thần học hiện đại không thể là một công cuộc được làm tốt nhất trong tháp ngà nhưng là trong các cộng đoàn lao động và phụng tự, ở đó mối quan tâm đến công bằng đưa dẫn người ta tới những suy tư thần học – và đến lượt nó những suy tư này được diễn tả trong thái độ dấn thân mới cho hòa bình và công lý. Nhận thức này về thần học được gặp thấy trong nhiều văn kiện của Công Đồng Vatican II và là nhận thức mà các nhà thần học vận dụng khi họ cố gắng trình bày đức tin bằng những cách thức mới.
CÂU HỎI GIÚP TÌM HIỂU
1.Những phát triển trong phong trào đại kết và trong thần học nữ quyền phản ảnh thế nào về bổn phận của thần học là suy tư về kinh nghiệm của Kitôhữu?
2.Trong những phương diện nào thần học nữ quyền phản ảnh công việc phê bình của thần học?
3.Thần học đại kết vận dụng thế nào công việc của thần học Thánh Kinh, thần học lịch sử và thần học hệ thống?
4.Những phát triển trong thần học đại kết và thần học nữ quyền gợi ra những vấn nạn nào nữa cho bạn?
——————–
(56) Thomas P. Rausch, Authority and Leadership in the Church (Wilmington: Michael Glazier, Inc., 1990) 103.
(57) Elisabeth Schussler Fiorenza, Bánh Chứ Không Phải Đá (Boston: Beacon Press, 1984) 20-21.
Filed under: DẪN VÀO THẦN HỌC | Tagged: Thần học |