ĐHY COTTIER : « CẦN PHẢI NHÌN TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA CÔNG ĐỒNG »

ĐHY COTTIER : « CẦN PHẢI NHÌN TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA CÔNG ĐỒNG »

ĐHY Georges Cottier, người Thụy Sĩ, mừng sinh nhật lần thứ 90 ngày 25/4/2012. Ngài là thần học gia của Vatican trong vòng 16 năm. Nghỉ hưu từ năm 2005, ĐHY Cottier, thuộc dòng Đa Minh  và nguyên là cộng tác viên của Đức Gioan-Phaolô II, đã sống ở Vatican, nơi ngài đón tiếp hãng thông tấn I.Media.

ĐHY nhìn lại bảy năm của triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, về gia sản của Vatican II (1962-1965), về nhóm Lefebvre, về việc tân Phúc Âm hóa và về đời sau.

Đức Bênêđíctô XVI vừa mừng bày năm lên ngôi giáo hoàng. ĐHY có cái nhìn nào về giai đoạn này?

ĐHY Cottier: Cần phải nhìn triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI dưới ánh sáng của Công đồng. Một trong những giây phút quyết định mà chỉ cho chúng ta đường hướng nền tảng là diễn văn cầu chúc Giáo triểu của ngài, vào tháng 12/2005. Trong đó, ngài đã đưa ra những chìa khóa để hiểu Công đồng. Việc công bố Năm Đức Tin đi theo hướng này: tiếp nối Công đồng. Ngài lấy lại sáng kiến của Đức Phaolô VI, vào năm 1967, đã từng tổ chức Năm Đức Tin. Rồi cũng sẽ có Thượng Hội Đồng về việc tân Phúc Âm hóa. Chúng ta hoàn toàn đang ở trong ý định đầu tiên của Công đồng. Những gì Đức Gioan XXIII đã muốn, đó là sứ điệp Kitô giáo cần đạt tới những người đương thời của chúng ta. Khía cạnh truyền giáo là nền tảng.

Nhưng đôi khi người ta trách cứ Rôma là chỉ đưa ra Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo như là dụng cụ tân Phúc Âm hóa…

ĐHY Cottier : Sách Giáo Lý là để đào tạo các nhà loan báo tin mừng. Họ phải sở hữu sứ điệp mà họ sẽ chuyển tải. Đó là một công cụ tuyệt vời cho việc hiểu biết đức tin. Rôma đã trao động lực đầu tiên, nhưng việc Phúc Âm hóa sẽ không được thực hiện ở Rôma nhưng là ở căn bản, trong các giáo phận.

Vậy làm thế nào các kitô hữu ở căn bản này có thể loan báo Tin Mừng ?

ĐHY Cottier : Tông huấn Evangelii nuntiandi của Đức Phaolô VI là một bản văn mà người ta vẫn còn trích dẫn nhiều, một bản văn đáng ghi nhớ. Trong đó, chúng ta khơi lên não trạng chung chung hiện nay theo đó người ta không tin vào các thầy dạy nhưng là lắng nghe các chứng nhân. Thực ra, thầy dạy mà người ta lắng nghe cũng là những chứng nhân. Điều chủ yếu là sứ điệp Kitô giáo, sứ điệp của những người sống đức tin của mình cách hài hòa, bằng đức ái và ý thức về tha nhân, với một đời sống cầu nguyện. Điều đó cho thấy những bước đầu tiên của việc Phúc Âm hóa.

Thư thứ nhất của thánh Phêrô đã nói : « Anh em hãy sẵn sàng trả lời cho niềm hy vọng nơi anh em », đó là mầm giống của việc Phúc Âm hóa đối với hết mọi người chịu phép Rửa. Người ta không đến với chúng ta hàng loạt, nhưng chính chúng ta đến với họ. Điều quan trọng, đó là Giáo Hội không khép kín nơi chính mình, nhưng nó đi đến với thế giới, để loan báo Tin Mừng, chứ không để bị tan biến ở đó.

Chúng ta trở lại với Công đồng Vatican II. Việc Đức Giáo Hoàng chìa tay cho nhóm Lefebvre phải chăng là một đe dọa cho những thủ đắc của Công đồng ?

ĐHY Cottier : Tôi không nghĩ thế, vì Đức Giáo Hoàng đã rất rõ ràng, hoàn toàn như Bộ Giáo Lý Đức Tin, để nói rằng ta không thể từ chối Công đồng Vatican II. Trong số những trách vụ của người kế vị thánh Phêrô, có việc bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội. Ngài không thể xem nhẹ mối đe dọa đoạn tuyệt. Bổn phận của ngài là làm tất cả để sự hiệp nhất này là có thể, hòa hợp với Công đồng, mà ta không thể từ chối. Mọi giáo hoàng khác, có lẽ trong một văn phong khác, hẳn sẽ làm tương tự. Điều đó không hoàn toàn mâu thuẫn với việc tân Phúc Âm hóa.

Đến lượt chúng, những phong trào cấp tiến hơn yêu cầu một nỗ lực của Rôma, cho rằng sự cởi mở cho nhóm Lefenvre này cũng sẽ phải thấy nảy sinh những cử chỉ đối với họ. Phải chăng ta có thể hình dung một cử chỉ đối với sự hiệp thông của những người ly dị tái hôn ?

Những trào lưu này không đe dọa ly giáo. Đó là những kitô hữu đặt ra những vấn đề nghiêm chỉnh. Vấn đề mà anh khơi lên là rất đau đớn. Đó là một vấn đề mục vụ mà tất cả các giám mục mang trong tâm hồn mình, nhưng không đe dọa sự cắt đứt hiệp nhất.

Vả lại, người ta không nói, hay ít nói nơi các phương tiện truyền thông, về những nhóm Anh giáo gia nhập Giáo Hội, mà chúng ta cho bảo tồn một số yếu tố phụng vụ của Anh giáo. Điều đó có nghĩa rằng không có sự bực bội về phụng vụ. Đó cũng là một công việc hiệp nhất và chính Đức Giáo Hoàng thực hiện hai điều đó.

Vào tuổi 90, ĐHY muốn nói gì với thế hệ linh mục mới của Châu Âu hay thế hệ giáo dân mới, cách riêng về căn tính ?

Trong một xã hội rất bất ổn, giới trẻ cần những điểm mốc. Tôi cũng sẽ nói với họ : đừng sợ ! Việc tìm kiếm căn tính này có thể dẫn đến một sự khép kín nơi chính mình mà không còn là căn tính đích thực của Giáo Hội nữa, vì tự yếu tính Giáo Hội là thừa sai.

Đâu là những tâm tình mà ĐHY nhìn lại hành trình của mình ?

Tôi tại ơn Thiên Chúa, nhưng tôi cũng có tâm tình sám hối đối với tất cả những gì tôi sẽ phải làm và tôi đã không làm, những gì tôi đã làm sai. Ở tuổi của tôi, người ta đang ở vào giai đoạn cuối, do đó ngươi ta nghĩ đến đời sau.

ĐHY và con, chúng ta được hứa cho sự sống đời đời này. Chúng ta sẽ là gì ở đó ?

Chúng ta sẽ ở với Thiên Chúa, trong niềm vui của Thiên Chúa. Niềm vui, đó cũng là một đề tài mà Đức Giáo Hoàng nhắc lại liên lỉ, điều đó rất quan trọng. Vì ở đâu có đức tin, đức cậy và đức mến, thì ở đó cũng có niềm vui.

Trên Trời, ĐHY sẽ gặp Đức Gioan-Phaolô II ! ĐHY sẽ nói gì với ngài ?

Tôi sẽ cám ơn ngài ! Đó là một vị đại giáo hoàng được ban tặng cho chúng ta.

 

Antoine-Marie Izoard (I.Media/Apic) thực hiện

Tý Linh chuyển ngữ

Theo La Croix