HUẾ CỔ – VẾT TÍCH ĐẠO VÀ ĐỜI (2): NHẬP ĐỀ: TỔNG QUAN VÀ BỐ CỤC

NHẬP ĐỀ:

TỔNG QUAN VÀ BỐ CỤC

Thành phố Huế hiện nay* chia làm 3 phần khá rõ rệt: 1. Phố Tây (la Ville Française) ở hữu ngạn sông Hương, bia-hue-co_bia-truocmới chỉ thành lập khoảng 50 năm, nhưng sắp được mở rộng và làm đẹp dần từng ngày; 2. Phố Buôn của người An Nam (la Ville commerçante Annamite) ở tả ngạn sông Hương, được hình thành từ các chợ lớn và các tiệm buôn thiết lập cạnh hoàng thành. Người ta thường gọi chúng là các Phố; 3. Thành Nội (La Citadelle hay Ville murée, thành phố có tường bao quanh) cũng ở tả ngạn sông Hương, nhưng phía trên các khu buôn bán.

Thành phố nguyên thuỷ là Thành Nội, sau đó các Phố Buôn và Phố Tây đã phát triển dần dần gần bên nó. Tên gọi Phú Xuân (do tên ngôi làng, trên đó, thành phố được xây dựng) ngày xưa thông dụng hơn tên gọi Huế.

*       *

*

« Sau khi chiếm phần đất của vương quốc Chăm lúc ấy gọi là Ô Châu (xứ đen) hay Ác Địa (đất dữ), các vua nhà Lê đã chính thức đặt tên cho nó là Thuận Hóa hay Thuận Huế (được khai hóa). Nhưng vì điều đó gợi lên rằng, miền này trước đây là một xứ man rợ, không văn minh; tên gọi ấy không thích hợp với vùng đất đã trở thành kinh đô của triều Nguyễn, nên vua Gia Long đặt cho nó một tên gọi mới, Quảng Đức (đức độ rộng mở).

Thành phố, nơi nhà vua đặt chỗ ở và xây cung điện, đầu tiên mang tên Vạn Xuân (mười ngàn mùa xuân), sau đó là Phú Xuân (mùa xuân giàu có) do tên của ngôi làng mà trên đó thành phố được xây dựng dần. Trong các tên gọi nên thơ này, người ta thích nhìn thấy đó là điềm báo về những phồn vinh tương lai của thành phố. Các nhà nho còn gọi nó vắn tắt là Xuân Kinh, Xuân Thành (kinh đô mùa xuân, thành phố mùa xuân). Dân chúng gọi đơn giản là Kinh.

Tên Huế, viết tắt Thuận Huế không mấy xuôi tai các nhà nho; dẫu thế, cư dân Nam kỳ vẫn thường dùng nó khi nói đến một doanh (hay dinh = tỉnh) được chính thức gọi là Quảng Đức. Người Âu châu thì nhận nó như là tên của kinh thành; đó là danh hiệu thông dụng cho đến ngày nay » (1).

Từ năm thứ 13 triều Minh Mạng (1832), doanh Quảng Đức được gọi là Thừa Thiên (thừa ủy của trời).

*        *

*

Đầu thế kỷ 19, chính vua Gia Long đã cho xây một vòng thành bao quanh địa thế rộng lớn ấy để làm kinh đô của vương quốc mình. Kế vị ông, vua Minh Mạng đã hoàn tất công trình của thân phụ và biến nó nên Thành Nội như người ta còn thấy ngày nay.

Vòng thành này hình chữ nhật, chu vi đo được hơn 10km, có 10 cửa đi vào. Giữa các tường thành phía nam, tức là trước cổng chính của hoàng cung (cửa Ngọ Môn), một công trình phòng ngự nổi lên được gọi là « Chòi của vua » (cavalier du roi), tiếng An Nam gọi là Kỳ Đài. Ở đây, một cột cờ được dựng thẳng, trên đó phấp phới lá cờ hoàng gia.

Trong khu đất vuông vức rộng lớn này, người ta đã xây hoàng cung với tường cao, hào rộng, cổng lớn, như một thành phố trong thành phố **. Gần hoàng cung, những cơ quan dân sự và quân sự của kinh đô được thiết lập, đặc biệt là Lục Bộ và doanh trại các đội quân khác nhau. Trong Thành Nội, còn có các phòng xử án do các quan trông coi, các nhà tù, nhiều dinh thự cũng như nhiều kho vũ khí và lương thực thuộc hoàng gia v.v. Phần đất bỏ trống còn lại khá rộng được chiếm làm nhà tư, vườn tược, chùa chiền…

Cho đến năm 1885, hầu như tất cả vẫn giữ nguyên dạng như thời Gia Long và Minh Mạng đã kiến thiết. Nhưng cũng từ thời kỳ này, thời kỳ chứng kiến sự lưu trú của người Pháp và việc sửa đổi thể chế An Nam, dẫu chính quyền bảo hộ đã lập trụ sở bên hữu ngạn song Hương, thì kinh thành cổ vẫn chịu nhiều biến đổi quan trọng. Thật ra, diện mạo chung của nó không thay đổi bao nhiêu, ngoại trừ phần phía bắc đã trở thành Nhượng Địa Pháp (Concession Française)*** bao gồm những doanh trại của một phần các đội quân Pháp và quân Đông Dương đóng tại Huế; nhưng vẻ bên ngoài ấy chỉ che giấu một phần nào cuộc sống và sinh hoạt chính thức của nó. Thật vậy, ngoài hoàng cung và lục bộ, hầu như mọi cơ quan dân sự và quân sự đều biến mất hoặc đã được chuyển đi nơi khác. Người ta cũng còn thấy ở đó nhiều ruộng lúa, đầm lầy và lắm phế tích ít nhiều quan trọng. Đôi khi, ngay chính các phế tích cũng đã biến mất để chỉ lưu lại một kỷ niệm ít nhiều rõ ràng.

Hồi sinh các phế tích ấy, làm sống lại các kỷ niệm ấy luôn là điều lý thú đối với sử gia; đôi khi, đó cũng là việc nghiên cứu rất ý vị đối với tâm hồn của người công giáo và nhất là của nhà truyền giáo. Bởi vì ở đó, người ta thường gặp các vết tích ghi dấu các Chân phước tử đạo và của nhiều vị tuyên tín đáng kính khác đã đi qua hay đã lưu lại: người Pháp lẫn người An Nam, linh mục lẫn giáo hữu. Ở đây, trong vòng thành này, họ đã phải ra trước các Toà án, chịu đau khổ trong các nhà tù suốt nhiều tháng; nhiều vị trải qua ở đó nhiều năm, thậm chí có người còn chết ở đó nữa; ở kia, trong vùng quê lân cận hoặc các khu chợ kề bên, một số lớn đã hoàn tất hy lễ của mình. Các con đường này là những con đường họ đã giẫm lên để đến trước các Toà án khác nhau, và để trở về lại – sau một cuộc tra tấn tàn bạo – trong các ngục tối khủng khiếp, hoặc với vai mang gông, tay mang xiềng tiến ra pháp trường, nơi họ sẽ nhận triều thiên tử đạo.

Tang thương tràn cả đất thiêng

Nơi tình chỉ để cho riêng đạo lành…

Dõi nhìn với cả lòng thành

Mới hay tro bụi long lanh phúc trời;

Mới hay dưới những rụng rơi

Hồn thiêng tử đạo: Làn hơi sinh thành

« Lieux sacrés où l’amour pour les seuls biens de l’âme

Sut tant souffrir…

J’ai sondé du regard leur poussière bénie

Et j’ai compris

Que leur âme a laissé comme un souffle de vie

Sous ces débris » (2).

Đã có nhiều vị tuyên xưng đức tin và nhiều vị tử đạo dưới thời anh em Tây Sơn tiếm vị cuối thế kỷ 18. Nhưng đặc biệt dưới thời các vua Minh Mạng (1820-1841) Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1847-1883), kinh đô nước An Nam đã chứng kiến, nói được là không ngừng, đức anh hùng của các mục tử và các tín hữu. Bằng lời nói và hành động của mình, họ khẳng định ngay trước mặt César hay các đại diện của ông rằng, khi cần tuyên xưng đức tin Kitô giáo thì phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Hành vi thù hận đầu tiên của Minh Mạng đối với người công giáo xảy ra vào tháng 02 năm 1825 (Chỉ dụ cấm các thừa sai vào vương quốc), nhưng mãi đến năm 1831, các biện pháp bạo hành mới bắt đầu. Các cuộc bách hại kết thúc chính thức vào năm 1862, nhờ sự can thiệp của nước Pháp.

Hiển nhiên, các phế tích ấy rốt cuộc sẽ biến mất như số phận của những sự đời này; một số thậm chí đã nhường chỗ cho nhiều công trình mới. Nhưng phải sợ rằng chính ký ức, vì chẳng gắn liền với vật chất cũng sẽ mờ nhạt dần và sau cùng bị xoá nhoà hẳn. Chính để ngăn cản trong mức độ có thể một sự mất mát đáng tiếc như thế, mà công trình khiêm tốn này được soạn thảo.

Được trước tác theo những dữ kiện lịch sử, những chỉ dẫn của các bô lão vốn biết được thời đại hào hung của các cuộc bách hại và theo những chi tiết mô tả hiện thời được thu thập suốt nhiều cuộc hành hương đạo đức, tập sách sẽ nói đến tình trạng quá khứ và hiện tại của các nơi chốn đã được thánh hiến bởi các vị trưởng thượng của chúng ta trong sự nghiệp tông đồ. Chúng sẽ được mô tả như các Chân phước tử đạo từng thấy, và như đôi mắt của khách hành hương xúc động chiêm ngưỡng hôm nay.

Trước tiên, chúng tôi sẽ nói về các Toà án và nhiều địa danh khác, nơi các linh mục và giáo dân đã tuyên tín trước các quan toà của họ: chúng tôi sẽ gọi chúng dưới tên chung là Pháp đình; tiếp đến là nhiều toà nhà khác nhau, nơi họ đã bị giam giữ như những tội nhân rao truyền Kitô giáo: chúng tôi sẽ gộp tất cả dưới hạn từ chung là Nhà Giam; và sau cùng là các Pháp Trường, nơi mà một số các vị tử đạo của chúng ta đã đổ máu đào vì Danh Đức Giêsu Kitô.

——————-

* Tức năm 1943, thời của tác giả (ND.)

(1) Thông tri của cụ Ngô Đình Khả, Thượng Thư Nam triều.

** Thường gọi là Đại Nội (ND.)

*** Concession Française : Nay là khu Mang Cá, nhiều tài liệu cũ cũng gọi như vậy (ND.)

(2) Đức Cha Gerbet

hueco8

Một bình luận

  1. […] NHẬP ĐỀ: TỔNG QUAN VÀ BỐ CỤC […]

Đã đóng bình luận.