TÂM HỒN VÔ NHIỄM

Để trình bày về Mẹ Vô Nhiễm, có nhiều cách, nhiều lối tiếp cận, nhiều nguồn tư liệu. Ở đây chỉ xin được đơn sơ đi từ ba bài đọc Thánh Kinh của phụng vụ ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm: Bài đọc I: St 3, 9-15.20; Bài đọc II: Ep 1, 3-6.11-12 và Bài Tin Mừng: Lc 1,26-38.

A. VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI LÀ GÌ?

1. Vô nhiễm nguyên tội = lắng nghe và đón nhận Lời Chúa

a) Trong một lớp học giáo lý có câu hỏi được đặt ra: Trong loài ngưòi chúng ta ai là người đầu tiên được ơn “vô nhiễm nguyên tội”? Dĩ nhiên một em nói ngay: Đức Mẹ. Em khác bảo: Thánh Giuse. Em khác nói: Gioan Tẩy Giả. Em khác nữa nói: tiên tri Elia vì chết được ruớc lên trời ngay. Cuối cùng một em nói: Ông Ađam và bà Evà. Cả lớp cười ồ. Tại sao lại cười? Cả lớp chen nhau giải thích: vì Ađam và Evà gây ra nguyên tội mà ! Nhưng em giáo lý sinh trả lời cuối cùng đã kịp thời giải thích: Thì trước khi ăn trái cấm Ađam Evà đâu có bị nhiễm nguyên tội !

Nếu hiểu “vô nhiễm nguyên tội” theo nghĩa đơn sơ là “không mang tội nguyên tổ ngay từ giây phút đầu tiên của đời mình” thì câu trả lời trên đây thật xác đáng, vì lúc đó đã có nguyên tội đâu mà nhiễm! Thật vậy, khi dựng nên con nguời, Thiên Chúa muốn cho họ được sống trong tình trạng đầy tràn ơn thánh sủng mà thần học sau này gọi là ơn “công chính nguyên thủy”[justice originelle]. Hơn nữa, nếu ơn đó được ban trước tiên cho ông Adam và bà Evà là cố ý ban cho hết mọi người, không trừ ai. Bài đọc II (Ep 1, 3-6.11-12) nhắc nhở chúng ta: “Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ để trước thánh nhan Người ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4)

Nhưng khi tuyên xưng Đức Maria là người duy nhất trong con cái loài người được đặc ân “vô nhiễm nguyên tội” thì điều đó có nghĩa là ” Mẹ đã được Thiên Chúa ban ơn thánh sủng ngay từ giây phút đầu tiên của đời Mẹ, nhờ vào công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Con Mẹ”. Do đó, Mẹ không hề phải ở trong cái tình trạng mà chúng ta gọi là “tội nguyên tổ”, tức là tình trạng thiếu ơn thánh. Nói cách khác, nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, Mẹ được lại ơn “công chính nguyên thủy”, ơn mà Ađam Evà đã được Chúa ban trứơc khi phạm tội, và Mẹ được ơn ấy ngay từ giây phút đầu tiên của đời mình và với mức đôï sung mãn nhất.

b) Đó là lý do tại sao Bài đọc I (St 3, 9-15.20) của thánh lễ Mẹ Vô Nhiễm đã đưa chúng ta về lại với Vườn Địa Đàng, chắc chắn không ngoài mục đích giúp chúng ta hiểu cách đơn sơ hơn, chính xác hơn ơn “công chính nguyên thủy”, ơn “vô nhiễm nguyên tội” là gì, rồi Ađam Evà đã đánh mất ơn ấy làm sao và lời hứa cứu độ đã diễn ra như thế nào. Thật vậy, cụm từ khô khan “công chính nguyên thủy” của thần học kinh viện và ngay cả cụm từ “vô nhiễm nguyên tội” [= “được lại ơn công chính nguyên thủy cách sung mãn ngay giây phút đầu đời nhờ công nghiệp của Đức Kitô”] cũng bao hàm cái gì đó tiêu cực. Trong ngôn ngữ thường ngày, “vô nhiễm nguyên tội” được hiểu nôm na là vắng bóng tội nguyên tổ, có tâm hồn trong trắng, vẹn tuyền, không nhuốm bợn nhơ tội lỗi; còn chúng ta sống ơn vô nhiễm nguyên tội nghĩa là nỗ lực sống sạch tội, từ bỏ thói hư tật xấu….

Nhưng như đã nói, Bài đọc I đưa chúng ta về lại cảnh Vườn Địa đàng với lối trình bày đơn sơ dễ hiểu hơn: “Chiều chiều, Thiên Chúa tới chuyện vãn cùng hai người tiên khởi của thế giới” (St 3,8). Như thế, Ađam và Evà được ơn “công chính nguyên thủy”, ơn sống trong tình trạng “vô nhiễm nguyên tội” có nghĩa là hai ông bà luôn lắng nghe Lời Chúa, luôn chuyện trò với Chúa. Lời Chúa tràn ngập tâm hồn hai ngài. Hai ngài lắng nghe và đón nhận trọn vẹn Lời, không bị bất cứ một vật gì cản trởù, nhất là hai ngài đã để cho Lời tự do hoạt động trong sự tự do đón nhận của chính bản thân hai ngài. Từ đó chúng ta có thể rút ra suy tư thần học: vô nhiễm nguyên tội là đầy ơn thánh sủng, mà đầy ơn thánh sủng là đầy chính Chúa, mà đầy chính Chúa là đầy Lời của Chúa, vì Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa không ngừng nói Lời của Người, không ngừng mạc khải chính mình bằng Lời.

Để hiểu điều này cần ôn lại giáo lý: không một tôn giáo nào trong nhân loại có vị Thiên Chúa mang tên Ngôi Lời như kitô giáo. Tại sao trong Ba Ngôi Thiên Chúa có vị lại mang tên Lời? Để dễ hiểu chúng ta hãy mượn câu chuyện của Từ Hi Thái Hậu bên Trung Quốc. Bà hoàng này muốn thết đãi các khách quý một đại tiệc bèn chuẩn bị nhiều món và chuẩn bị lâu ngày, trong đó có món chuột bạch nuôi bằng sâm: cho chuột bạch ăn sâm nhung hảo hạng, ăn cho đến khi nào cả con chuột “trở thành sâm” rồi cho nó sinh con để cái; sau ba bốn đời mới cho những chú chuột bạch thế hệ F3, F4 đó vào nồi nấu lên để thưởng thức. Chuột bạch ăn sâm hóa thành sâm! Dùng hình ảnh nầy để nói về Ngôi Lời quả thật là vô phép, rất vô phép, nhưng nó giúp ta hiểu phần nào tại sao có vị Thiên Chúa mang tên Ngôi Lời: vì Ngôi Con luôn lắng nghe Lời của Chúa Cha, nghe đến độ bản thân Người trở thành Lời của Cha. Vì thế khi dựng nên loài người, đặc ân đầu tiên Chúa ban cho loài người là nghe được Lời của Chúa và mau mắn chu toàn. Có người đã nhận định rằng cha Karl Rahner sở dĩ đã trở thành nhà thần học lừng danh của Giáo Hội trong thế kỷ 20 vì ngài đã chọn đúng đề tài chúng ta vừa nói làm khởi điểm cho toàn bộ công trình của ngài: L’homme à l’écoute du Verbe [con người là hữu thể biết lắng nghe Lời].

Bài đọc I còn cho thấy một khía cạnh khác: phạm tội là gì? “Ô nhiễm nguyên tội” là gì? Là không còn nghe Lời Chúa nữa. Hơn thế, khi con người đã nhiễm tội rồi thì dù có nghe được tiếng Thiên Chúa cũng tìm cách ” lẫn trốn” Người mà thôi (St 3,10).

c) Cho đến một ngày xảy ra câu chuyện như ta nghe trong bài Tin Mừng của ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm. Có thể nói cảnh Vườn Địa Đàng và cảnh Truyền Tin là hai cảnh song đối. Nếu vườn địa đàng là khung cảnh của ơn vô nhiễm nguyên tội đầu tiên thì căn nhà Nadaret là vườn địa đàng thứ hai của người vô nhiễm nguyên tội độc nhất vô nhị của thời thiên sai. Trong vườn Địa Đàng thứ hai này, khác với Ađam Evà sau khi phạm tội đã “lẩn trốn” Thiên Chúa, ở đây có một con người chăm chú đợi trông Lời, sốt sắng lắng nghe Lời và đáp lại Lời. Nhưng Lời này là Lời gì? Chúng ta không biết ngày xưa Chúa nói gì với Ađam Evà, bây giờ nhờ Lời Chúa nói với Đức Mẹ được Lc ghi lại ta biết được Lời đó luôn luôn là lời tình tự yêu thương của một vì Thiên Chúa yêu thương con người: “Vui lên ! Hỡi Đầy ơn phúc [khaire kekharitomene]”. Và dĩ nhiên Mẹ đã thanh thản sung sướng đón nhận Lời đó, để Lời biến đó đổi đời mình, biến đổi cách nhìn, cách sống, cách suy nghĩ của mình. Mẹ đã để Lời đối thoại với Mẹ. “Đừng sợ…..Việc ấy xảy đến làm sao….Thánh Thần sẽ ngự xuống….Này tôi là tôi tớ Chúa, Xin hãy thành sự cho tôi theo Lời” (Lc 1,34.35.38). Ở đây ta gặp được một cuộc đối thoại giữa người nghe và Lời Chúa, như xưa Chúa trò chuyện cùng hai ông bà trong vườn địa đàng, chưa bị cản trở bởi kiêu căng, dục vọng; ở đây ta gặp được Maria, Đấng vừa cho thấy nội dung của ơn vô nhiễm nguyên tội vừa đại diện cho thế hệ sống ơn “công chính nguyên thủy mới”, thế hệ hoàn toàn thuận theo Lời. Và nếu trước đây Ađam Evà sống hiệp thông với Thiên Chúa bằng cách đi bên cạnh Người thì giờ đây Lời hóa thành nhục thể và đi thẳng vào chính trong cung lòng của Người nghe và đón nhận Lời.

2. Vô nhiễm nguyên tội = đầy tràn Thiên Chúa

Thật vậy Lời không phải vang lên từ thinh không nhưng từ một Đấng yêu thương con người. Nghe Lời và hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa đối với Maria giờ đây chỉ là một. Nói cách khác, Lời ở đây không chỉ chỉ là âm thanh, là tiếng nói vọng vào tai mà là một ngôi vị, là chính Chúa. “Kính mừng Maria Đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà. Dominus tecum“. Như đã nói, nếu xưa trong vườn địa đàng con người mới chỉ mới đạt đến chỗ được Thiên Chúa kề vai sát cánh tâm sự nhỏ to thì nay Thiên Chúa ấy đã cắm lều ngay giữa tâm hồn người đón nhận Lời. Nếu xưa ơn “công chính nguyên thủy” có ý chỉ mối giây thâm tình giữa Thiên Chúa và con người thì nay ơn vô nhiễm nguyên tội làm cho con người được đón nhận chính Chúa. Bởi thế trong kinh Tiền Tụng chúng ta tuyên xưng: Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng và còn cứu chuộc cách lạ lùng hơn nữa.

Tuy nhiên, Bài Tin Mừng còn cho chúng ta một lưu ý quan trọng: lời chào Chúa ở cùng Bà mới chỉ là lời ngỏ của Thiên Chúa, còn phải chờ sự đáp trả của con người. Bởi thế trong kinh Truyền tin, chỉ sau khi nguyện lời đáp trả của Đức Mẹ: Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, chúng ta mới tuyên xưng: Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.

B. SỐNG LINH ĐẠO VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Theo những gì vừa phân tích thì có lẽ trong toàn bộ Tin Mừng, không nơi nào diễn tả mầu nhiệm Mẹ Vô Nhiễm cách sung mãn nhất, cô đọng nhất, dễ hiểu nhất cho bằng cảnh Truyền tin, vì đó là lúc mà lần đầu tiên trong đời theo Tin Mừng thuật lại Mẹ đã đón nhận Lời và đón nhận chính Thiên Chúa nhập thể, lúc Mẹ được mang danh hiệu khiêm tốn nhất nhưng cũng cao cả nhất: Khaire! Kekharitomene ! Ave Maria ! Gratia plena. Xin đựơc trình bày tóm tắt gợi ý sống linh đạo Vô Nhiễm trong hai điểm cụ thể: sống Thánh Lễ và kinh Mân Côi.

1. Sống Thánh Lễ

Trước hết dĩ nhiên Giáo Hội muốn tất cả mọi kitô hữu đều sống đặc ân vô nhiễm nguyên tội. Như đã nói trên, Bài dọc II nhắc nhở chúng ta chân lý đó: “Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ để trước thánh nhan Người ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người”. Và Giáo Hội muốn con cái mình sống đặc ân này ở mức cao nhất, muốn cử hành đặc ân này ở ngay tột đỉnh của đời sống phụng vụ và bí tích của Giáo Hội: Thánh Lễ. Nếu Đức Maria là tín hữu hoàn hảo nhất thì điều đó có nghĩa là Mẹ là người sống Thánh Lễ hoàn hảo nhất, một Thánh Lễ nối dài từ ngày Truyền Tin cho đến đồi Canvê. Đâu đâu Mẹ cũng thở hai nhịp: lắng nghe Lời và đón nhận Chúa trong cung lòng và trong đời sống mình. Thật vậy, Giáo Hội muốn con cái mình sống ơn vô nhiễm nguyên tội mỗi ngày không những cách tiêu cực là mời gọi lánh xa tội lỗi, từ bỏ quyến luyến của thế gian ma quỷ xác thịt mà thôi nhưng còn nuôi sống con cái trong bầu khí vô nhiễm đặc biệt của Thánh Lễ.

a) Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, Giáo Hội cho các tín hữu khi cung lắng nghe Lời Chúa như Mẹ ngày xưa trong ngày Truyền Tin.

b) Trong phần Phụng vụ Thánh Thể, chính Ngôi Lời nhập thể làm người đi vào trong tâm hồn mỗi người.

Hiểu như thế thánh lễ là lúc là nơi chúng ta sống đặc ân vô nhiễm nguyên tội ở mức cao nhất. Nói cách khác, sống đặc ân vô nhiễm nguyên tội là sống trọn vẹn thánh lễ và kéo dài thánh lễ suốt cả ngày, suốt cả đời, kể cả mai sau trên thiên đàng.Vấn đề là chúng ta có thực sự nghe Lời Chúa như Đức Mẹ không, chúng ta có đi vào hiệp thông như Đức Mẹ không.

2. Cầu nguyện với kinh Mân Côi

Sau Kinh Lạy Cha, có lẽ không kinh nào chúng ta thưa lên mỗi ngày nhiều cho bằng kinh Kính Mừng. Theo những gợi ý trên đây, chúng ta biết đó không những là lời kinh của tâm hồn “vô nhiễm” vì đặt chúng ta vào trong khuôn khổ của Truyền Tin, mà còn là KHUÔN MẪU của mọi kinh nguyện kitô giáo nữa. Tại sao? Vì Kinh Mân côi cho ta biết: cầu nguyện trước hết không phải là “nói” mà là “nghe”, là nghe Lời Chúa1. Thật vậy, khi nguyện kinh Mân Côi ta thường dễ có khuynh hướng “đọc”, “lần”, nói, xầm xì, rầm rì….Nhưng kinh Mân Côi trước hết dạy ta lắng nghe Lời Chúa với Mẹ, như Mẹ. Vào thời thánh Đôminicô kinh Kính Mừng chỉ gồm phần đầu: Kính mừng Maria… Sau công đồng Trentô (1545-1563) Giáo Hội mới thêm vào phần sau Thánh Maria…. Như thế kinh Mân Côi dạy ta thầm tín hai điều.

a/ Như Đức Mẹ trong ngày truyền tin đã lắng nghe Lời Chúa trước khi thưa thốt điều này điều nọ, thì kinh nguyện kitô giáo trước tiên không phải là lời của con người dâng lên Thiên Chúa, mà là Lời Thiên Chúa ngỏ với con người. Nói cách khác, cầu nguyện trước tiên không phải là nói với Thiên Chúa mà là là lắng nghe Lời của Người. Những câu đầu tiên trong kinh nguyện phải là Lời của Chúa. Thánh Gioan viết: “Nơi điều này mà đó là lòng mến: không phải là vì ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là Người đã yêu mến ta, và sai con của Người đến làm hy sinh đền tạ tội ta” (1Ga 4,10). “Không phải chúng con đã chọn Thầy nhưng chính Thày đã chọn chúng con”. Không phải con chiên lạc biết đường mà về ràn, nhưng chính người chăn chiên rảo khắp núi khắp đồi để bồng ẳm nó về. Đó là tất cả nét đặc thù của kitô giáo.

Trong cuộc sống dường như con người đã đau khổ nhiều vì sự thinh lặng của người khác. Thinh lặng giữa người với người, nhất là thinh lặng giữa những người không hiểu nhau. Nhưng đối diện với sự thinh lặng của Thiên Chúa mới thật là khủng khiếp. Thánh Kinh cho thấy giữa con người với Thiên Chúa dường như luôn có hố sâu thẳm của lặng thinh. “Lạy Chúa sao Ngài đành im lặng….Ngài im lặng tới bao giờ…..Xin Ngài xé trời mà ngự xuống…” Nhưng kinh Kính Mừng dạy chúng ta rằng: không phải chúng ta bẻ gãy sự thinh lặng mà chính Chúa đi bước trước. Nói cách khác, như Đức Mẹ trong ngày truyền tin, khi cầu nguyện là chúng ta đi vào trong một cuộc đối thoại đã bắt đầu rồi. Chúng con đừng cầu như dân ngoại, Cha chúng con đã biết chúng con cần gì… Vì vậy cầu nguyện trước hết là đặt mình: Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang nghe… Vì thế trong tông huấn Marialis cultus, Đức Phaolô VI xưng tụng Maria là Virgo audiens: người nữ lắng nghe và đón nhận Lời Chúa.

b/ Kinh Kính Mừng còn dạy ta điều thứ hai: khi con người đáp lại điều gì thì cũng là đáp lại theo Lời Chúa, cầu xin điều gì thì cũng cầu theo ý Chúa, là để Thiên Chúa cầu nguyện trong chúng ta. Chúng ta chẳng biết cầu thế nào… Chính Thánh Thần đến trong chúng ta và kêu lên Abba. Và cầu nguyện như thế thì chắc chắn sẽ được nhậm lời.

– Kính mừng Maria………………..(lập lại lời chào: )Thánh Maria

– Và Giêsu con lòng Bà……………(vì Giêsu là TC nên tuyên xưng:) Đức Mẹ Chúa Trời…

(vì tên Giêsu = TC cứu) cầu cho chúng con là kẻ có tội.

– Đức Chúa Trời ở cùng Bà………(như Chúa ở cùng Mẹ xin Mẹ ở cùng con) Khi này và trong giờ lâm tử.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Đấng vô nhiễm nguyên tội vì luôn lắng nghe Lời Chúa và kết hiệp sâu xa với Chúa, còn chúng con, chúng con là những người ô nhiễm muôn tội vì chúng con thường từ chối Lời Chúa và thờ ơ với Thánh Thể. Xin giúp chúng con sống vô nhiễm mỗi ngày như Mẹ. Amen.

———-

1. Cf. Timothy Radcliffe, « Je vous appelle amis », Cerf, 2000, tr. 267-282.

 

Tĩnh tâm tại cộng đoàn CĐMVN Phú Xuân, để chuẩn bị mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm (03.12.07)

Lm. Giuse Hồ Thứ