HUẾ CỔ – VẾT TÍCH ĐẠO VÀ ĐỜI (7): II. CÁC NHÀ TÙ CỦA HUẾ CỔ: 1. DOANH TRẠI CÁC VÕ LÂM

II

CÁC NHÀ TÙ CỦA HUẾ CỔ

___

Ngày xưa, Huế có hai nhà tù chính nổi tiếng trong lịch sử các cuộc bắt đạo tại An Nam: Trấn Phủ, nhà tù của các bị can; và Khám Đường, nhà tù của những kẻ có án. Người ta cũng tống giam ở Phủ Đường Thừa Thiên những kẻ phải trình diện tại Toà án này. Thêm vào đó, Dinh các Sứ thần (Cung Quán) cũng đã trở nên một nhà tù thật sự cho các thừa sai vào thời vua Minh Mạng đòi họ về Huế và buộc họ ở trong dinh ấy để ngăn cản việc rao giảng Tin Mừng; nhiều tín hữu cũng đã bị giam ở đây dưới thời Tự Đức. Sau cùng, một trại lính: doanh trại các Võ Lâm, cũng dùng làm nhà tù cho Chân phước Giuse Marchand Du. Thành thử, chúng ta sẽ lần lượt nói đến 5 nơi giam giữ ấy, vốn đã được thánh hóa nhờ sự hiện diện, sự khổ đau và cả cái chết của bao vị tuyên tín dũng cảm: 1. Doanh trại các Võ Lâm; 2. Cung Quán; 3. Nhà lao Thừa Phủ; 4. Trấn Phủ; và 5. Khám Đường.

1- Doanh Trại Các Võ Lâm

Doanh trại các Võ Lâm hay Khinh Binh không phải là một nhà tù, nhưng do ngoại lệ, nó đã được dùng làm nơi giam giữ Chân phước Marchand Du suốt thời gian ngài bị cầm tù ở Huế từ 15-10 đến 30-11-1835. Về nơi giam giữ cũng như về mọi thứ còn lại, vị thừa sai đáng kính này bị đối xử không giống những vị tuyên tín khác.

Đội quân được gọi là Võ Lâm có doanh trại ở hai bên tả hữu hoàng cung (đông và tây). Các doanh trại này được dựng trên các bờ dốc của Đại nội vốn làm thành hoàng cung, ở giữa hào nước và con đường bao quanh bên ngoài (20).

Đây là mô tả của Đức Chaigneau: « Tất cả các toà nhà này chẳng hề có vẻ đồ sộ; đó chỉ là những nhà kho chật hẹp, thẳng hàng, làm thành một hành lang dài với 4 hàng cột gỗ … Bên trong những căn nhà này, chẳng chói lên sự xa hoa và sạch sẽ của đồ đạc. Nhiều giá súng hay giáo mác, một vài bệ ván trải chiếu với một chiếc bàn phía trước dành cho cấp chỉ huy và nhiều chiếu lớn trải ra đây đó dưới đất cho binh lính làm thành tất cả đồ đạc. Những người lính khốn khổ này, với đồng phục nhơ bẩn, chen chúc hỗn độn nơi đây mà chẳng hề có dáng vẻ hùng dũng như người ta vẫn trông đợi nơi các quân nhân » (21).

Chân phước Marchand Du có lẽ đã bị giam trong các doanh trại này, tại phần trại gần Tam Pháp nhất, tức là trong những gian nhà phía đông trước hoàng cung, sát mặt chính của vòng đai thành. Vị Chân phước của chúng ta đã phải mang xiềng xích và bị nhốt trong một chiếc cũi dài 1 thước, rộng 69 phân và cao 80 phân; thành thử ngài chỉ có thể ngồi co quắp. Khi đến Huế, ngài đã ở trong chiếc cũi này 5 tuần; qua các tỉnh từ Sài Gòn đến Huế, người ta đã đưa ngài đi trong tình trạng này. Trong 6 hay 7 tuần giam giữ ở kinh đô, ngài chẳng bao giờ rời chiếc cũi, trừ khi bị đem vào các Toà án khác nhau để chịu hỏi cung lâu giờ và các cuộc tra tấn đau đớn khủng khiếp ở đó*.

Ngày nay, tuyệt nhiên chẳng còn dấu vết nào của doanh trại Võ Lâm; tất cả đều đã bị phá huỷ năm 1885 hoặc 1886. Dù sao, dải đất chật hẹp phủ đầy cỏ chạy dọc theo các hào của hoàng cung này cũng đánh dấu cho chúng ta vị trí của các doanh trại.

 

—————-

(20) Chính vào năm 1744, Võ Vương đã gọi đội cận vệ của mình là Võ Lâm. Các tác giả Âu châu gọi là Khinh Binh (Voltigeurs), Đội quân này giải tán năm 1885 hay 1886.

Theo mặt chữ, Võ Lâm có nghĩa là Rừng lông vũ. Người ta có thể đưa ra giả thuyết rằng họ đã được gọi như thế vì phù hiệu phân biệt của đội quân là một chùm lông vũ gắn trên chóp mũ. Quả vậy, có nhiều tranh cổ trình bày những người lính An Nam đội chiếc mũ có gắn một chùm lông bên trên. Một hàng lính đội mũ như thế cho ta ấn tượng về một rừng lông vũ (nói theo lối ẩn dụ).

Thời cha Marchand Du (1835), doanh trại các Võ Lâm chiếm trọn tả hữu hoàng cung. Về sau, họ ở chung với lính pháo thủ. Đơn vị này đóng phía trước, và các Võ Lâm chỉ giữ phần sau. Nhận xét này cho phép chúng ta phỏng đoán rằng nơi giam giữ Chân phước Marchand ở phía đông, trong phần trước doanh trại.

(21) MICHEL ĐỨC CHAIGNEAU: Souvenirs de Huế. tr. 153.

* Theo các tài liệu của Cha Phan Phát Huồn, thì Cha Marchand Du bị đóng cũi đem về Huế cùng với 5 người khác: « Trong số 6 người ấy, chắc chắn có Cha Marchand Du, Cha Mạch Tấn Giai (Cha sở Chợ Quán, người Tàu; ngài còn có tên là Bốn Bang, tên Việt nam là Phước) và Lê Văn Viên (7 tuổi, con Lê Văn Khôi); ba người khác là những sĩ quan thuộc hạ của Lê Văn Khôi, trong đó có Tổng Trắm, chỉ huy trưởng lực lượng cách mạng sau khi Lê Văn Khôi mất, Đồ Hoành và Phó Nhã ». (PHAN PHÁT HUỒN, DCCT: Việt Nam Giáo Sử, Sài Gòn, 1958. tr. 221) (ND.).

Một bình luận

  1. […] II. CÁC NHÀ TÙ CỦA HUẾ CỔ […]

Đã đóng bình luận.