HUẾ CỔ – VẾT TÍCH ĐẠO VÀ ĐỜI (8): II. CÁC NHÀ TÙ CỦA HUẾ CỔ: 2. CUNG QUÁN HAY CÔNG QUÁN-DINH CÁC SỨ THẦN

2- Cung Quán hay Công Quán

Dinh Các Sứ thần

Khi miêu tả Phủ Thừa Thiên, Pháp đình cấp tỉnh của Huế, nằm ở phía đông bắc Thành Nội, cách cửa Đông Bắc (Vọng lâu X) khoảng 200 mét, chúng tôi đã nói rằng: trước mặt, bên kia con đường dọc theo phủ, có một toà nhà lớn khác mà cổng vào đối diện với cổng dinh Thống đốc quân chính tỉnh. Nó được biết dưới cái tên bình dân là Cung Quán. Danh hiệu chính thức của nó là Công Quán (Nhà khách của các quan chức vãng lai). Các thừa sai thời Minh Mạng gọi nó là Dinh các Sứ thần. Đúng thế, chính trong toà nhà này, các sứ giả chính thức của các nước láng giềng đến ở lại (22).

Cung Quán là một ngôi nhà lớn xinh đẹp gồm 3 hoặc 5 gian với nhiều cột gỗ xinh xắn chống đỡ một bộ sườn thanh cảnh, không trần che, nhưng mái lợp ngói và không có mặt tiền. Dựng trên một nền xây, toà nhà dài khoảng 30-40 mét, rộng khoảng 15 mét. Ngoài ra còn nhiều nhà phụ dành cho những cần vụ tùy viên của các khách quý nước ngoài (23). Một cái sân ngăn cách cổng vào với toà nhà chính. Toàn bộ được bao quanh bởi một vòng thành cao vừa phải. Vòng thành này mở rộng ra phía sau cho tới kênh đào (24), và đụng kênh này tại khuỷu đầu tiên của nó ở hạ lưu Cầu Kho. Điều này khiến bức tường hiện nay của khu Nhượng Địa chia vị trí của Cung Quán xưa ra làm hai.

Dinh này được xây dưới thời Gia Long hoặc Minh Mạng. Tài liệu đầu tiên nói đến nó mà chúng tôi tìm được là một bức thư viết năm 182825 của Chân phước thừa sai Gagelin.

*

*       *

Cung Quán là nơi trú ngụ của các sứ thần từ những nước khác có quan hệ với An Nam: trước tiên hẳn là sứ thần Trung Hoa, thiên triều; tiếp đến là sứ thần các nước và các bộ tộc triều cống vương quốc; cùng các sứ thần khác tùy dịp. Và chính vì Hoàng đế đã giao cho các đại quan đầu tỉnh nhiệm vụ đón tiếp và lo chỗ ở cho các nhân vật này, nên lữ quán dành cho họ được xây dựng gần Thừa Phủ. Nhưng các sứ bộ này bao giờ cũng chỉ là nhất thời, họ luôn luôn đến vì một công chuyện đặc biệt.

Vậy thì vào những thời kỳ khác, ai là những quan chức vãng lai trú ngụ ở Cung Quán? Chúng tôi hầu như hoàn toàn không biết điều này. Chỉ vài đoạn trong các thư của Chân phước Gagelin mới cung cấp cho chúng ta một ít thông tin. Năm 1827 và 1828, vị thừa sai này đã lưu trú trong ngôi nhà ấy với một trong các bạn đồng liêu như chúng ta sẽ thấy về sau.

Trong thời gian lưu trú tại đây, các ngài trước tiên thấy trưởng tử của vua Lào tới cầu viện chống lại quân Xiêm: « Ông ấy đến vào tháng 11 (1827), ở cạnh chúng tôi », cha Gagelin viết. Ít lâu sau là các đại diện của dân Chămpa, Cam bốt, các bộ tộc bán khai: Mọi Nam Kỳ và Mường Bắc Kỳ được mời đến tham dự các đại lễ hội mừng lục tuần của Hoàng thái hậu. Chính vị thừa sai ấy đã viết năm 1828: « Gần đến ngày khai mạc đã định trước, các sứ thần được chờ đợi đến từ khắp nơi. Người ta xếp một số trong họ cùng với đoàn tùy tùng ở các ngôi nhà mà chúng tôi trú ngụ bấy lâu, và khi thiếu chỗ, người ta phân bố những người còn lại trong các ngôi nhà lân cận » (26).

*

*      *

Dẫu cách riêng dùng để đón tiếp các sứ thần, một đôi khi có dịp thì Cung Quán cũng được sử dụng vào nhiều việc khác.

Chúng ta vừa nói có hai vị thừa sai ở đó những năm 1827-1828, nhưng các ngài nằm trong tình trạng giam cầm. Chắc hẳn đó là một nơi giam giữa tiện nghi nhưng không vì thế mà kém vẻ nhà tù và chẳng bị canh chừng nghiêm ngặt. Các sự việc đã xảy ra như sau:

Do quên rằng, chính nhờ sự can thiệp của Giám Mục thành Adran, Đức Cha Pigneau de Béhaine, mà cha mình đã lên ngôi, cũng do quên luôn bao sự giúp đỡ mà các thừa sai lẫn quan viên Pháp đã làm cho vị tiền nhiệm lẫn cho chính mình, người kế vị Gia Long đã quyết tâm thi hành dự tính ấp ủ từ lâu là tiêu diệt Kitô giáo trong vương quốc của ông. Dẫu ban đầu, ông không dám hành động công khai với vũ lực.

Một sắc chỉ cấm các thừa sai vào nước và lệnh phải canh gác nghiêm ngặt mọi cảng biển và mọi ngọn đèo (tháng 2-1825). Phần các thừa sai trong nước, triều đình truyền hết về kinh, lấy cớ là cần dùng họ để thông dịch. Các vị là những người Pháp duy nhất còn lại ở An Nam, sau cuộc ra đi vào tháng 12-1824 của các ông Vannier và Chaigneau là những kẻ sống sót cuối cùng từ nhóm nhỏ các quan viên phục vụ Gia Long. Người ta hy vọng khi tách chủ chăn khỏi chiên thì làm đoàn chiên tan tác, và nhanh chóng tiêu diệt danh Kitô hữu trên đất An Nam.

Đoán được hậu ý đó, phần lớn các thừa sai đã thu xếp để khéo léo tránh lệnh về kinh. Tuy nhiên, vài vị đã không thể thoát khỏi sự bó buộc này.

Minh Mạng chỉ định nơi cư trú cho họ là ngôi nhà trọng vọng nhất thành phố, dinh các Sứ thần. Ông cấp cho họ nhiều người giúp việc và đối đãi rất hậu. Ông còn ban thêm cả quan tước với ân sắc. Nhưng các thừa sai luôn tìm cách từ chối các vinh dự và đặc lợi này. Các ngài chỉ ao ước một điều vốn không bao giờ được chấp thuận, đó là tự do tiếp đón và viếng thăm giáo hữu của mình. Nhiều quan lại và binh lính có nhiệm vụ canh chừng họ. Thành ra họ chỉ chu toàn được chút ít thừa tác vụ đối với giáo hữu thoát mắt nhà cầm quyền và với một sự thông đồng nào đó của lính canh. Các ngài bị giam giữ trong một nhà tù sơn son thếp vàng, nhưng xét cho cùng cũng chỉ là một ngục thất.

Chân phước Gagelin và cha Odorico, tu sĩ Phanxicô người Ý, là những vị đầu tiên đến Huế; đó là ngày 16-6-1827. “Ba hôm sau, cha Gagelin viết, một chỉ dụ phân định nơi cư trú cho chúng tôi là một khu của Cung Quán. Người ta đối xử với chúng tôi rất sang trọng: chúng tôi có đồ đạc mới và mỗi người được 6 kẻ giúp việc. Mỗi tháng nhận 20 quan tiền và 5 đấu gạo, tương đương với lương của quan nhị phẩm » (27).

Cha Taberd được lệnh tập hợp với hai vị đồng liêu. Quả thế, ngài cũng đã đến Cung Quán vài ngày; nhưng vì sức khỏe yếu kém, ngài sớm được phép ở tại một giáo họ gần kinh đô.

Công việc của hai tù nhân là dịch đủ thứ tài liệu, các ngài cũng phải trả lời nhiều câu hỏi thường gặp về các vụ việc Âu châu.

Trong những căn phòng dành riêng cho mình, các thừa sai đã dựng một nhà nguyện nhỏ để cử hành các mầu nhiệm thánh, « hạnh phúc mà chúng tôi có được, Chân phước Gagelin nói, là càng phải sống cảnh giác bao nhiêu, chúng tôi càng cảm nghiệm mãnh liệt bay nhiêu hạnh phúc chưa từng hưởng cho tới lúc lúc này » (28). Hai ngài cũng chăm sóc các giáo hữu tản mác trong thành phố và các giáo họ rải rác quanh kinh đô. Nhưng dẫu các ngài rất thận trọng vì sợ triều đình sinh nghi, vì biết đâu Minh Mạng đã rõ việc thi hành tác vụ linh mục này, nên luôn luôn cứ khoảng cuối 2 tháng, việc canh chừng các thừa sai lại trở nên nghiêm ngặt hơn. Người ta gửi đến ba viên quan cùng vài tên lính làm giám thị; các ngài chẳng còn có thể ra ngoài mà không có phép của các viên quan ấy; và mỗi khi ra ngoài, luôn có một người lính đi kèm khắp nơi. Thành thử các ngài thật sự là những tù nhân. Như thế, mục đích chính của việc đòi các ngài về Huế đã dần dần lộ rõ: cản trở việc rao giảng đạo Công giáo; sử dụng các ngài làm thông dịch chỉ là cái cớ.

Sau cùng, nhờ sự can thiệp của Thượng Công Lê Văn Duyệt, Tổng Đốc Nam Nam Kỳ, ngày 1 tháng 6 năm 1828, Chân phước Gagelin và cha Odorico được phép vào lại tỉnh này và ngày 29 tháng 6, các ngài rời Huế. Như thế, các ngài đã trú tại Cung Quán một năm trọn.

*

*      *

Bốn năm sau, hạ tuần tháng 6-1832, Chân phước Jaccard được lệnh đến ở Cung Quán. Một năm sau, cha Odorico lại bị dẫn về đây (tháng 6-1833). Hai vị thừa sai lần này vẫn được dùng cho việc dịch thuật. Các ngài ở như thế trong nhà tù tiện nghi nhưng bó buộc của mình cho đến 8-11-1833. Hôm đó, ba tuần sau cuộc xử trảm Chân phước Gagelin, các ngài bị chuyển đến Khám Đường, nhà tù của những tên gian phi đã bị xét xử và có án.

Mười ba năm trôi qua và Cung Quán lại tiếp đón một khách trọ nổi tiếng. Đó là đầu tháng 09-1846, Đức Cha Lefebvre, Đại diện Tông Toà Địa phận Tây Đàng Trong, bị án tử lần hai nhưng ngài được Thiệu Trị ân xá vì vua sợ nước Pháp gây khó khăn cho mình. Ngài đã được chuyển từ Khám Đường về Cung Quán. Sau vài tháng giam giữ, một thương thuyền của vua lại đưa vị giám chức về Singapore. « Sau khi phê chuẩn bản án, vị Giám mục viết ngày 5-1-1847, vua có ý định gửi tôi sang ngay ngôi nhà gọi là Cung Quán, nơi trú ngụ của sứ thần các nước lân bang mà người ta muốn tiếp đãi hào phóng. Nhưng người ta đã trình với vua là do tái phạm (29), tội tôi quá nặng không thể hưởng ân huệ ấy, nên sau vài ngày, vua đã sai đưa tôi sang nhà biệt giam hay ngục tối dành cho các phạm nhân đại hình. Tôi đã ở đó 10 ngày, được đối xử khá hơn các tù nhân khác một chút. Sau đó, người ta lại dẫn tôi về ngôi nhà của các người ngoại quốc mà vua đã chỉ định như chỗ cư trú. Tôi vẫn còn ở đấy hôm nay, ngày 6 tháng 1, và chỉ Thiên Chúa biết khi nào tôi rời khỏi nơi này (30).

Theo một tường thuật của Dòng Carmel Sài Gòn, trong khi bị giam lần thứ hai, Đức Cha Lefebvre đã được ơn thấy thánh Têrêxa hiện ra. Chúng tôi không biết đích xác sự lạ này đã xảy đến trong nhà giam nào, nhưng chúng ta có lý để nghĩ rằng, đó là Cung Quán hoặc Khám Đường. « Chính Mẹ Thánh Têrêxa của chúng ta, đấng mà vị giám chức đặc biệt tôn kính, bài tường thuật nói, đã tỏ mình cho ngài trong tù, và xin ngài lập Dòng của Mẹ ở An Nam, vì Thiên Chúa sẽ được phụng sự và tôn vinh rất nhiều tại đấy ». Vì thế, một trong những quan tâm hàng đầu của vị Giám mục đạo đức sau khi được trả tự do, là thiết lập một nhà Kín ở Sài Gòn. Ngài đã ngỏ ý với chính Lisieux. Lời yêu cầu được chấp thuận, nhưng dự án chỉ thực hiện được khi cuộc bách hại chấm dứt và người ta có thể trông chờ vào đôi chút an ninh. Cuối cùng, ngày 8-10-1861, bốn nữ tu Dòng Carmel đã cập bến Sài Gòn.

Dưới thời Tự Đức, con số bị can xử ở Thừa Phủ vì tội theo đạo Công giáo rất lớn, đến nỗi nhà giam của Toà án này không đủ sức chứa tất cả. Người ta cho một số ở Cung Quán (31) nằm kề bên mà lúc này vốn không có khách nước ngoài. Có lẽ người ta cũng làm việc này vào các thời kỳ khác trong những hoàn cảnh tương tự. Nhiều tù nhân luật thường chắc hẳn cũng lẫn lộn với các Kitô hữu này như trong các nhà giam khác. Khi nói về Trấn Phủ, chúng tôi sẽ trình bày tình trạng khốn khổ của tù nhân, dù họ bị giam ở đâu.

*

*     *

Năm 1875, Cung Quán được chuyển ra ngoại thành, đặt trên các bờ dốc, ở góc con đường men theo tả ngạn sông Hương và con đường chạy ra từ cửa Đông Nam hay Thượng Tứ (Vọng lâu VIII), khoảng 50 mét phía dưới con đường này. Bấy giờ ngôi nhà mang tên Thương Bạc (Sở các thương nhân từ biển). Thượng Thư Bộ Lễ thường đón tiếp ở đây những người ngoại quốc cần thương lượng với triều đình An Nam cũng như với vị Đại lý đặc sứ mà nước Pháp vừa bổ nhiệm tại Huế, vì lúc bấy giờ mọi người Âu châu đều bị cấm ngặt vào Thành Nội.

Tình trạng này kéo dài mãi đến năm 1885. Tháng 7 năm ấy, Thương Bạc trở thành nhiệm sở của quan Phụ Chính Nguyễn Văn Tường. Khi ông rời Thương Bạc ngày 6 tháng 9, nó được biến thành tổng hành dinh của quân đội đồn trú Pháp. Tiếp đó, sau nhiều năm bỏ không, dinh thự này được dùng vào nhiều việc khác. Cuối cùng, Thương Bạc bị phá huỷ năm 1917 và được thay thế bằng một ngôi nhà kiểu mới.

*

*     *

Như bao cơ sở khác đã một thời bề thế (Tam Pháp, Trấn Phủ…), Cung Quán rồi cũng biến mất. Ở vị trí, nơi nó đã được xây lên trong Thành Nội cũng chẳng còn vết tích gì. Người bạn của dĩ vãng xa xưa ra đi, âu sầu lặp lại câu nói thời danh của một thi sĩ Latinh: « Etiam periere ruinae » ( 32) (Tất cả đến các mảnh vụn đều tan tác, các tàn tích cũng tiêu vong). Nhưng đối với người Kitô hữu, nhất là đối với nhà thừa sai, tất cả chẳng bao giờ tan biến: với họ, kỷ niệm luôn sống động về các vị tuyên tín đáng kính vốn đã bị giam giữ nhiều năm nhiều tháng trong căn nhà ấy vì Chúa Kitô, kỷ niệm đó sẽ còn gắn chặt với mảnh đất này, nơi ngôi nhà đã mọc lên mà nay chẳng còn gì gợi lại sự chú ý cho người qua lại. Đối với họ, đó là đất thánh.

 

———–

(22) Đừng lẫn lộn Dinh các Sứ thần này (Palais des Ambassadeurs) mà người An Nam gọi là Cung Quán với một tòa nhà khác mang tên tương tự là Hôtel des Ambassadeurs, người An Nam gọi là Sứ Quán hay Nhà Sứ, nơi trú ngụ của các đại lý đặc sứ nước Pháp (năm 1875 và sau đó). Sứ Quán này nằm ở hữu ngạn sông Hương, đằng sau Toà Khâm sứ (Résidence Supérieure), bên cạnh doanh trại de Courcy. Người ta tìm thấy trong Tập san Những Người Bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué) năm 1915, hai bài nói về Cung Quán, một của J.B. Roux và một của Nguyễn Đình Hoè.

(23) Theo người đã nhìn thấy Cung Quán vào thời Tự Đức, thì thời ấy, có ít nhất là 2 nhà phụ, mỗi cái ở một bên sân. Chúng tôi không biết có nhiều nhà hơn nữa không.

(24) Điều cho phép chúng tôi nghĩ rằng, vòng thành này mở rộng tới đó, chính là tên Cung Quán vẫn gắn liền với khu đất giáp chỗ khuỷu kênh đào, dù khu đất này hiện biệt lập và bị bức tường của Nhượng Địa Pháp phân cách khỏi con đường ra cửa Đông Bắc.

(25) Annales de la Propagation de la Foi. IV, tr. 363 và tt.

(26) JACQUENET: Vie de M. l’abbé Gagelin, Lecoffre, Paris. 1850, tr. 248-254. Annales de la Propagation de la Foi, IV, tr. 363 và tt.

(27) JACQUENET: Vie de M. l’abbé Gagelin, tr. 240.

(28) JACQUENET: Sđd, tr. 241.

(29) Bị án tử hình lần thứ nhất vì giảng đạo, Đức Cha Lefebvre đã được Phó Đô Đốc Cécile, Tư lệnh các lực lượng Hải Quân Pháp ở Viễn Đông giải thoát. Đó là đầu năm 1845.

(30) Annales de la Propagation de la Foi. IV, tr. 375-376.

(31) Chúng tôi nắm được sự kiện này từ một chứng nhân tận mắt.

(32) LUCAIN, la Pharsale, IX, V, câu 969.