XIN ĐỪNG XA NHAU NỮA

XIN ĐỪNG

XA NHAU NỮA

những câu chuyện

không để giải trí

 

Lê Công Đức tuyển dịch từ Throw Fire và Proclaiming His Kingdom của John Fuellenbach, S.V.D., và từ Priesthood Imperiled của Bernard Hãring, C.SS.R.

-bạn muốn đọc chuyện

để thư giãn?

vậy bạn đừng nên đọc

những câu chuyện này.

-bạn muốn đọc chuyện

để suy tư và

cầu nguyện?

Nào, xin mời bạn!

nghĩa cử ?

Tạp chí Enquirer đã làm một cuộc thử nghiệm “Kiểm Tra Lòng Bác Ái” trên Đường Số I, tiểu bang Florida.

Cô Sally Mulling, một nữ diễn viên 22 tuổi, hóa trang thành người bị hư xe giữa đường, cần giúp đỡ – trong năm vai khác nhau:

Đầu tiên, vận bộ y phục đen trang nhã, mang dáng dấp quí tộc, cô đứng cạnh chiếc xe hư bên lề, tay cầm biển STOP. Cô đợi 1 phút 30 giây, 61 xe vù qua luôn, chiếc xe thứ 62 mới ngừng lại giúp. Người lái xe là một chàng thanh niên.

Hóa trang thành một thiếu phụ mang thai, cô đợi 2 phút 30 giây. Đúng 100 chiếc xe chạy qua, chiếc thứ 101 dừng lại. Xe ấy đến từ hướng ngược chiều. Một đôi vợ chồng bước xuống, đề nghị đưa cô đi bệnh viện.

Đóng vai một bà già nhỏ bé, cô phải đợi mất 5 phút. Trên 200 xe đi qua mới có một chiếc dừng lại. Đôi thanh niên nam nữ sinh viên xuống giúp.

Trong bộ cánh ‘à la mode’ rằn ri, cô đợi 15 phút với 350 xe đi qua. Không một xe nào có dấu hiệu giảm tốc độ.

Cuối cùng, mặc váy mini và khoác áo lá hai dây bó sát, phô làn da trắng ngần và những đường cong tuyệt đẹp, cô chỉ chờ có 30 giây. Một anh chàng hào hoa dừng lại, lịch sự đề nghị giúp đỡ.

bà già và củ hành

Bà già ấy rất ác đức và đanh đá. Cả đời bà chẳng có một hành động nào tốt lành. Bà chết, quỉ đến lôi bà đi và quăng bà xuống biển lửa cháy phừng phừng. Thiên thần bản mệnh của bà đứng lặng nhìn, xót xa, buồn thiu. Cuối cùng, nảy ra một ý, thiên thần tức tốc bay về yết kiến Chúa và thưa:

“Lạy Chúa, con sẽ không bao giờ hạnh phúc được nữa vì con đã đánh mất người phụ nữ mà Chúa đã ủy thác cho con. Chẳng lẽ không còn cách nào cứu bà ấy được hay sao, hả Chúa?”

Chúa trả lời:

“Nếu ngươi tìm ra được dù chỉ một việc lành nhỏ nhoi mà bà ấy đã làm lúc sinh thời, thì Ta sẽ cứu bà ấy.”

Thiên thần liền lật lại tất cả các sổ sách ghi lại cuộc sống của bà già, và đây là điều tốt lành duy nhất của bà mà Thiên Thần kiếm được: Cách đây lâu lắm rồi, có lần bà đã nhổ một củ hành trong vườn mình, ném cho một phụ nữ ăn mày rách rưới để tống khứ chị ấy như tống một của nợ rầy rà. Thiên thần trở lại gặp Chúa và báo cáo về điều mình tìm thấy được.

Chúa nói:

“Đúng là một hành động không tốt bao nhiêu. Nhưng dù sao đi nữa, ngươi cứ dùng chính củ hành đó thòng xuống cho bà ta bám vào và kéo bà ta lên khỏi biển lửa.”

Thiên thần làm theo lời Chúa bảo, thòng củ hành xuống cho bà già và kêu lên:

“Này bà già ơi, hãy bám vào đây để tôi kéo bà lên!”

Bà già nhanh nhẩu chụp lấy củ hành và thiên thần bắt đầu kéo bà lên khỏi biển lửa. Nhưng ngay lập tức, những người khác trông thấy, ào tới nắm lấy chân bà để được kéo lên theo. Bà đạp mạnh, vừa hất văng những người kia ra, vừa hét lớn:

“Tôi được kéo lên chứ không phải các người. Đó là củ hành của tôi chứ không phải của các người!”

Vừa khi bà nói hết câu, củ hành đứt làm đôi, bà lại rơi tõm xuống biển lửa. Thiên thần đành lắc đầu, bỏ đi. Chẳng còn cách nào khác! (Dostojewski)

lòng thông cảm

Anh lính Pháp nọ đào ngũ khỏi đoàn quân của Napoléon. Anh không gặp may, vì chỉ sau vài giờ, anh bị chính các đồng đội của mình tóm được. Để bảo vệ kỷ cương quân đội và để trấn áp tinh thần những chiến sĩ bị cám dỗ đào tẩu, hình phạt dành cho anh lính kia là hình phạt nặng nhất: Tử hình!

Người mẹ của anh lính này nghe biết về trường hợp của con mình. Bà lặn lội tìm đến gặp Napoléon để khẩn cầu ông tha mạng cho con. Napoléon nghe những lời van xin của bà, rồi giải thích cho bà rằng vì tính chất nghiêm trọng trong hành phạm tội của con trai bà, anh ta không xứng đáng nhận được bất cứ sự thông cảm và khoan hồng nào cả.

“Thưa ngài,” người mẹ trả lời, “Tôi cũng hiểu rằng con trai tôi không xứng đáng được thông cảm và khoan hồng. Nhưng nếu như nó xứng đáng được thông cảm và khoan hồng, thì thiết tưởng đó đâu còn đúng thực là thông cảm và khoan hồng nữa!”

(McBride)

khuôn mặt phía trên bờ tường

Trại cùi ấy cũng giống như bao trại cùi khác trên trần đời này vào thời đó. Tanh hôi, tởm lợm, lạnh lẽo, và nói chung là … tận cùng khốn nạn! Các bệnh nhân lủi thủi, vật vờ như những bóng ma trơi. Họ không làm gì được cả và cũng chẳng ai làm được gì cho họ cả. Ngày này qua ngày khác, những bóng ma cô đơn ấy như chỉ biết thoi thóp bò trườn quanh sân trại.

Tuy nhiên, có một nam bệnh nhân vẫn còn giữ được ánh nhìn sáng ngời trong đôi mắt. Và ông có thể mỉm cười, có thể mấp máy đôi môi nói hai tiếng ‘Cám ơn’ khi bạn trao tặng ông một món gì đó. Xem ra chỉ có mình ông còn là ‘người’, còn giữ được nét ‘người’.

Chị nữ tu phụ trách trại rất ngạc nhiên về điều đó. Chị tự hỏi giữa một thế giới của những ‘bóng ma’ này tại sao nam bệnh nhân kia vẫn còn giữ được thần sắc của một con người sống? Chị chú ý quan sát ông. Và sau vài ngày, chị khám phá được bí mật của ‘phép lạ’: Ngày nào cũng vậy, cứ đến đúng giờ, phía trên góc tường rào của trại hiện ra một khuôn mặt, một khuôn mặt phụ nữ nhỏ bé, luôn luôn với một nụ cười tươi, rất tươi.

Và ngày nào cũng vậy, người bệnh nhân đón chờ để nhận nụ cười từ phía góc trên bờ tường. Nụ cười ấy đem lại nghị lực cho ông và nâng đỡ nơi ông niềm hy vọng. Ông mỉm cười đáp lại, và khuôn mặt kia thoắt biến đi. Rồi ông lại bắt đầu rạo rực đợi chờ khuôn mặt ấy và nụ cười tươi ấy – sẽ xuất hiện vào ngày mai, đúng hẹn.

Một lần, không giấu được tò mò, chị nữ tu quyết định ‘bắt quả tang’ cú hẹn của ông bệnh nhân, và hỏi về khuôn mặt phụ nữ ngoài kia, phía trên bờ tường ấy.

“À, cô ấy là vợ tôi.” Người đàn ông trả lời, “Trước khi tôi đến đây, cô ấy giấu tôi ở nhà và săn sóc tôi với bất cứ phương tiện nào mà cô ấy có được. Một bác sĩ địa phương đã cho cô ấy một ít thuốc mỡ để bôi lên các vết thương của tôi. Ngày nào cô ấy cũng bôi thuốc lên khắp mặt tôi, chỉ chừa một chỗ … đủ cho cô ấy đặt môi hôn. Nhưng sau ít lâu, người ta phát hiện ra tôi – và họ gom tôi về đây. Vợ tôi đã theo tôi đến trại. Kể từ đó, ngày nào cô ấy cũng ghé thăm tôi, từ phía trên bờ tường, như ma soeur thấy đó. Nhờ đâu tôi có thể tiếp tục sống và hy vọng? Ma soeur hiểu rồi đó.” (Arcodia)

cúi xuống không đủ sâu

Môn đệ hỏi thầy:

“Ngày xưa có những người gặp được Thiên Chúa mặt đối mặt. Thưa thầy, tại sao ngày nay không còn những con người như thế nữa?”

Thầy đáp:

“Vì ngày nay chẳng còn ai chịu cúi mình sâu đến vậy.”

(Hoffsummer)

tin không ‘mừng’ mấy!

Nhà truyền đạo nọ nói với thầy:

“Xin ngài cho phép tôi giải thích Tin Mừng mà đạo của tôi rao giảng.”

Thầy chú ý lắng nghe.

“Thiên Chúa là tình yêu.” Nhà truyền đạo nói tiếp, “Thiên Chúa luôn luôn yêu thương và ân thưởng cho chúng ta nếu chúng ta tuân giữ các Giới Răn của Ngài.”

“‘NẾU’ à?” Thầy lẩm bẩm, “Vậy thì tin ấy chẳng phải là tin ‘mừng’ bao nhiêu đâu nhỉ ?”

(Anthony de Mello)

vị thừa sai ‘vớ vẩn’

Thập niên 1940, cha Goldry, một linh mục thừa sai, bị trục xuất khỏi Trung Quốc. Trên đường về Mỹ, cha đi ngang qua Ấn Độ.

Tại một vùng duyên hải Ấn Độ, cha Goldry gặp thấy rất nhiều dân tị nạn thuộc một cộng đồng Do Thái đang chen chúc vất vưởng. Họ trốn tránh sự đàn áp của Đức Quốc Xã. Nhưng chẳng thấy ai đón nhận hay giúp đỡ họ. Họ chui nhủi trong những vựa rơm phong phanh hay những túp chòi hoang phế. Lúc bấy giờ là gần đến Lễ Giáng Sinh. Cha Goldry quyết định bán chiếc vé tàu của mình để mua bột mì cho những người Do Thái này nướng bánh mừng Lễ Đèn của họ (tức Lễ Hanukkah, xấp xỉ đồng thời với lễ Giáng Sinh). Sau đó, cha gửi điện tín về Mỹ, xin tiền mua vé tàu khác để về quê.

Vừa về đến đất Mỹ, cha bị bề trên quở trách:

“Ôi, ông đã làm chuyện thật là vớ vẩn. Ông thừa biết là bọn Do Thái ấy không tin vào Chúa Giêsu!”

Cha Goldry trả lời:

“Họ không tin, nhưng còn con, con tin.” (W.J. Bausch)

xây nhà thờ chính tòa

Ngôi nhà thờ chính tòa nguy nga vừa được hoàn tất. Tôn ông nọ đứng ngắm nghía, đầy thán phục. Một bé gái khoảng sáu hay bảy tuổi đứng gần đó, hỏi ông khách lạ:

“Bác thích ngôi nhà thờ lắm, hở bác?”

“Ừ, ngôi nhà thờ xinh thật, cháu ạ.”

“Bác biết không, cháu đã giúp xây dựng nên nó đấy!”

“Gì hử? Cháu giúp xây nó?” Người đàn ông trợn mắt, “Cháu còn bé xíu thế kia, làm sao cháu có thể giúp xây nhà thờ được?”

“Dạ, bố cháu là thợ nề.” Bé gái trả lời, “Bố cháu làm việc cho nhà thờ từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Và ngày nào cháu cũng đem cơm trưa cho bố.”

(Frank Barron)

Chúa mua nhà

-Con cho thuê nhà rẻ hơn nhiều chủ nhà khác.

-Ta không muốn thuê. Ta muốn mua đứt.

-Ồ, con chưa nghĩ tới chuyện bán nhà. Nhưng dù sao, xin mời Chúa vào xem qua đã.

-Ừ, Ta sẽ vào xem.

-Con có thể dành cho Chúa một hay hai phòng.

-Ừa, Ta thích những phòng này. Ta sẽ lấy hết cả hai. Sau này, rất có thể con sẽ đồng ý dành thêm những phòng khác nữa cho Ta. Ta có thể chờ.

-Con cũng muốn cho Chúa thêm. Nhưng thật hơi lấn cấn. Vì con cũng cần chỗ cho riêng con nữa chứ.

-Ta hiểu. Và Ta có thể đợi chờ. Ta bắt đầu thích ngôi nhà này rồi đó.

-Hm… mà thôi, con cho Chúa thêm một phòng nữa đấy. Xét cho cùng, con cũng không cần nhiều không gian lắm cho con đâu.

-Cám ơn con. Ta nhận. Con biết đó, ta thích ngôi nhà này.

-Con muốn tặng cho Chúa luôn cả ngôi nhà. Chỉ có điều … lúc này con chưa thể quyết định dứt khoát.

-Con hãy suy nghĩ kỹ đi. Ta sẽ không tống con ra đường đâu. Nhà của con sẽ là nhà của Ta, Con Trai Ta sẽ cư ngụ trong đó. Và con sẽ có nhiều chỗ hơn cả so với trước đây con vốn có.

-Con không hiểu Chúa muốn nói gì.

-Ta biết là con không hiểu. Nhưng Ta không thể giải thích cho con. Con sẽ phải tự khám phá ra để hiểu. Và con chỉ có thể hiểu khi con tặng Ta cả ngôi nhà.

-Nghĩ đi nghĩ lại, con thấy … phiêu quá, Chúa ơi!

-Đúng thế. Nhưng con hãy thử rồi sẽ thấy.

-Hm… con chưa dám, chưa thật dám. Con sẽ nghĩ lại và trả lời Chúa sau nghe!

-Ờ, Ta chờ. Vì Ta thích ngôi nhà này. (John Fuellenbach)

bác là Giêsu ?

Cách đây ít năm, nhóm thương gia nọ ở Milwaukee đi dự một cuộc hội nghị bán hàng tại Chicago. Trước khi đi, họ hứa chắc với các bà vợ rằng họ sẽ về nhà kịp giờ cơm tối. Nhưng rồi, cuộc hội nghị kéo dài và kết thúc trễ hơn dự kiến. Họ vội vã phóng tới nhà ga, vé tàu cầm sẵn trên tay. Khi đi nhanh qua lối vào, một người trong họ vô tình tông vào một quầy trái cây, làm những trái táo đổ nhào, tung tóe. Tất cả họ bỏ đi thẳng, phóng lên tàu, dù trong lòng hơi áy náy, xấu hổ.

Tất cả, chỉ trừ một người! Người ấy đứng lại, xót xa nhìn cậu bé khổ chủ của quầy trái cây đã đổ xòa trên khắp lối đi. Ông quay ra vẫy tay chào tạm biệt các đồng nghiệp của mình, rồi lui lại chỗ cậu bé. Đó là một cậu bé 10 tuổi, với đôi mắt mù!

Người đàn ông ngồi xuống, lom khom thu lượm lại những quả táo lăn lóc. Một số quả bị trầy sướt, tím bầm. Ông móc ví, nói với cậu bé:

“Cháu cầm lấy 10 đô la này, để bù lại phần thiệt hại mà chúng tôi đã gây ra cho cháu. Thành thật xin lỗi cháu!”

Cậu bé có vẻ bị bất ngờ, lúng ta lúng túng. Khi người đàn ông quay lưng bước đi, ông nghe tiếng cậu bé vọng theo mình:

“Thưa bác, bác là Giêsu phải không ạ?” (W.J. Bausch)

sợ lây nhiễm!

Câu chuyện kể về Thừa Sai Gordan Maxwell ở Ấn Độ. Lần nọ, vị thừa sai này đến gặp một học giả An giáo để xin học tiếng địa phương. Học giả trả lời:

“Không được đâu, thưa ông. Tôi không dạy ông ngôn ngữ của tôi được. Vì tôi không muốn trở thành một tín đồ Kitô giáo.”

Gordan Maxwell phân trần:

“Ngài hiểu lầm tôi rồi. Tôi chỉ muốn xin ngài dạy cho tôi ngôn ngữ của ngài mà thôi.”

Một lần nữa, vị học giả trả lời:

“Không được, thưa ông. Tôi không dạy ngôn ngữ cho ông. Không ai có thể sống với ông mà lại không trở thành một tín đồ Kitô giáo.”

kẻ tội phạm

-Này anh phạm nhân kia. Anh bị tố cáo về tội xách động người ta vi phạm Lề Luật, chà đạp các truyền thống và tập tục của đạo thánh. Anh tự bào chữa thế nào đây? – Vị thẩm phán Tòa Điều Tra hỏi.

-Thưa ngài, tôi có tội.

-Anh thường xuyên la cà với bọn ngoại giáo, đĩ điếm, bọn tội lỗi công khai, bọn thu thuế và bọn ngoại xâm – nói tóm lại, anh giao du với những người bị tuyệt thông. Anh tự bào chữa thế nào đây?

-Thưa ngài, tôi có tội.

-Còn nữa, anh bị tố cáo về tội chất vấn và sửa đổi những nguyên lý cơ bản và thánh thiêng của giáo lý đức tin. Anh tự bào chữa thế nào đây?

-Thưa ngài, tôi có tội.

-À, mà này, tên anh là gì?

-Dạ, Giêsu Kitô. Thưa ngài.

(Anthony de Mello)

cú sốc của Gandhi

Trong quyển Tự Thuật của mình, Mahatma Gandhi có kể về thời sinh viên của ông ở Nam Phi. Đó là thời gian mà ông rất say mê thích thú Thánh Kinh, nhất là với Bài Giảng Trên Núi. Ông xác tín rằng Kitô giáo là câu trả lời cho hệ thống đẳng cấp vốn đã thao túng và làm nhiễm độc xã hội Ấn Độ hàng bao thế kỷ. Và ông nghiêm túc nghĩ đến chuyện cải giáo để trở thành Kitôhữu.

Ngày kia, ông bước vào một nhà thờ để dự Thánh Lễ và đồng thời để tìm hiểu thêm. Ông bị chặn lại chỗ lối vào. Người ta dịu dàng nói với ông rằng nếu ông muốn tham dự Thánh Lễ thì ông nên đến một nhà thờ dành riêng cho người da đen, ở đó ông sẽ được nồng nhiệt đón tiếp. Gandhi đã quay lưng bỏ đi, và ông không bao giờ trở lại. (Anthony de Mello)

gã đàn ông thô bỉ ?

Mệnh phụ người Anh ấy bước vào một quán giải khát. Bà kéo ghế ngồi vào một bàn dành cho hai người, gọi một tách trà và sửa soạn ăn những miếng bánh bích quy mà bà mang theo trong túi xách. Quán đang đông khách, một người đàn ông bước vào và nhón ngồi vào chiếc ghế còn lại, chung bàn với bà mệnh phụ. Ông khách này cũng gọi một tách trà. Ông là một người Jamaica – (dẫu chi tiết này không quan trọng lắm cho câu chuyện).

Có vẻ khá thư thả, bà mệnh phụ lấy ra một tờ báo, ung dung ngồi đọc. Bà vừa đọc báo vừa lấy bánh bích qui trong gói ra nhấm nháp. Bất chợt, bà nhận thấy người đàn ông phía bên kia bàn cũng đưa tay lấy một miếng bích qui từ gói bánh. Bà rất khó chịu, nhưng giả bộ làm ngơ và tiếp tục đọc báo. Sau một chốc, bà với tay lấy miếng bích qui thứ hai. Người đàn ông kia cũng làm y như thế. Bà vô cùng bực mình, nhìn chằm chặp vào người đàn ông. Ông ta vẫn thản nhiên lấy miếng bánh bích qui thứ năm, cũng là miếng cuối cùng, mỉm cười với bà, rồi bẻ miếng bánh làm đôi, mời bà một nửa. Bà phẫn nộ, đứng lên, kêu tính tiền và bước vội ra khỏi quán, không giấu vẻ hằn học đối với người đàn ông thô bỉ kia.

Bà đi thật nhanh tới trạm xe búyt gần đó, mở túi xách ra để lấy tiền mua vé. Và kìa, bà sượng sùng nhận ra trong túi xách của bà … gói bánh bích qui vẫn còn nằm nguyên đó, chưa khui!

(Brueggemann)

xin đừng xa nhau nữa

Vào thuở ban sơ, SứcMạnhTìnhYêu là anh em sinh đôi. Họ là con của mẹ KhônNgoan và cha DũngCảm. Cặp song sinh này luôn luôn quấn quít lấy nhau, nửa bước không rời. Họ đi tới đâu, gieo rắc sự sống tràn lan đến đó. Ở đâu có chia rẽ và chiến tranh, họ làm trung gian hòa giải và đem lại hòa bình giữa các phe đối đầu. Họ phân phối một cách công bằng những của cải của trái đất này. SứcMạnhTìnhYêu hoàn toàn hiệp nhất với nhau, một trí một lòng. Họ có mặt ở đâu, thì ở đó mọi sự bắt đầu trở nên tốt hơn. Và cứ thế, họ rảo bước đi khắp cùng thế giới.

Nhưng rồi một ngày, GhenTị xỏ lá vào công việc của cặp anh em song sinh này. Hắn trông rất hấp dẫn, oai phong. Y phục và đồ trang sức của hắn sáng chói rực rỡ dưới ánh mặt trời. GhenTị nói vào tai SứcMạnh: “Mình thấy cậu luôn luôn đi với TìnhYêu như một chiếc bóng. Cậu không thể cứ mãi như vậy được. Hãy về cánh với mình. Có mình, cậu sẽ càng to lớn và mạnh mẽ hơn gấp bội phần. Rồi cậu sẽ thấy: thiên hạ sẽ sụp lạy cậu và hôn lên bàn chân của cậu. Người ta sẽ nhiệt liệt hoan hô cậu, và họ sẽ sẵn sàng bán đứt linh hồn họ để có được cậu.”

SứcMạnh bị mù quáng bởi sự dụ dỗ đó. Anh ta ra chiều suy nghĩ mông lung rồi nói với TìnhYêu: “Thằng GhenTị nói nghe có lý đấy. Chúng ta hãy chia tay nhau trong một thời gian. Nếu chúng ta rời nhau ra, mỗi chúng ta có thể phát triển và lớn lên một cách độc lập đối với nhau. Không ai trong chúng ta phải lệ thuộc vào người kia hay phải lo lắng cho người kia. Tôi sẽ đi kết bạn với GhenTị. Nào, chia tay nhé. Hẹn gặp lại sau. Bye bye!

Trước khi TìnhYêu kịp trả lời, SứcMạnhGhenTị đã biến mất phía góc phố. TìnhYêu còn kịp trông thấy rõ GhenTị nhường cho SứcMạnh bước đi trước. TìnhYêu chỉ còn biết đứng đó bên đường, hoàn toàn bất lực, sụt sùi rơi lệ. Không còn có SứcMạnh bên mình nữa, TìnhYêu cảm thấy mình thật yếu ớt, mong manh – nó chợt nhận ra rằng mình khó sống còn được trong tình trạng cô độc này. Và, như một bóng tối âm u, SợHãi rón rén xâm nhập vào hồn TìnhYêu. TìnhYêu bắt đầu sợ lạc mất, sợ bị tổn thương, sợ bị hiểu lầm …

Trong khi đó, SứcMạnh khoan khoái cảm nhận sự tự do, thoải mái mà mình chưa từng có trước đây. GhenTị không bao giờ quấy rầy SứcMạnh, bởi vì GhenTị luôn luôn giữ quãng cách một bước đàng sau SứcMạnh, cho phép SứcMạnh đi trước nó. SứcMạnh bắt đầu nhận ra rằng đúng là mình càng ngày càng to lớn lên hơn. Nhưng song song với sự lớn phình ra ấy, SứcMạnh càng ngày càng lạnh lùng. SứcMạnh thích thú vì được người ta sùng bái mình, nhiều người thậm chí bỏ hết mọi sự để đi theo mình. SứcMạnh nhảy phắt lên ngai vàng, và ra lệnh cho thiên hạ công kênh mình trên đầu họ. Người ta không ngớt vỗ tay hoan hô SứcMạnh. Chẳng bao lâu, SứcMạnh hoàn toàn quên lãng TìnhYêu, bắt đầu qui tụ chung quanh mình toàn là súng đạn và binh lính. Nó cướp mất sự an bình của người ta, bắt người ta phải bỏ nhà bỏ cửa đi tìm nơi tị nạn. Chỉ những ai sẵn sàng bán linh hồn mình mới có thể được SứcMạnh dung nạp và mới được cho phép cảm thấy yên ổn. GhenTị luôn luôn đi theo bén gót SứcMạnh.

Thế giới bắt đầu từ từ thay đổi. Những cuộc chiến tranh giữa các dân tộc trở nên ngày càng tàn bạo hơn. Và TìnhYêu đành bất lực, không ngăn nổi những xung đột này. Người ta không còn nhận ra TìnhYêu nữa, họ tưởng rằng TìnhYêu là nhu nhược. TìnhYêu không còn đủ sức để khống chế sự dữ trong những lằn ranh giới hạn nào đó. Sự tham lam và lãnh đạm sinh sôi nảy nở. Thiên nhiên bị tàn phá thô bạo. Tối tăm và giá lạnh phủ trùm trái đất. Người và vật bắt đầu đau ốm, chết dần chết mòn.

Cuối cùng, TìnhYêu quyết định đi tìm SứcMạnh, dẫu đường xa thiên lý. Rồi một ngày, họ gặp nhau tại một ngã tư. SứcMạnh đi tới với tất cả quyền lực và sự hào nhoáng của nó. Đàng trước, đàng sau, nó được bảo vệ bởi lớp lớp cận vệ vũ trang tận răng. Trông nó đằng đằng sát khí trong bộ áo giáp đen thui, mặt mày bặm trợn, ngực phủ đầy những mề đay lấp loáng. Bên trái và bên phải nó, đoàn tùy tùng vác những biểu ngữ tán tụng uy lực của nó, khiến mọi người phải quì xuống, khiếp sợ.

TìnhYêu vận dụng hết sự dũng cảm và khôn ngoan mà mình thừa hưởng được từ cha mẹ mình, đứng đón trên lối bước của SứcMạnh.

Này người anh em, sao trông buồn thế?TìnhYêu bắt đầu nhìn thẳng vào đáy mắt của SứcMạnh, “Trước đây đôi mắt anh rất sáng và rất đẹp, bây giờ sao tôi thấy mắt anh thâm quầng đi nhiều?”

Hãy tránh ra cho ta đi. Ta không biết nhà nguơi!SứcMạnh nhăn mặt gầm lên.

Anh không nhớ thật sao?” TìnhYêu vẫn lì lợm nhìn thẳng vào mặt SứcMạnh, “Ngày xưa chúng ta đi đâu cũng có nhau. Anh ăn mặc nhẹ nhàng, thanh lịch; anh có thể nhún nhảy, khiêu vũ rất linh hoạt và bay bướm. Chúng ta cùng nhau đến với mọi người, và mọi người vui vẻ mở rộng cửa tiếp đón chúng ta. Chúng ta có thể kiến tạo nên hòa bình, và mọi người chia sẻ cho nhau những gì họ có. Cả hai chúng ta đều rất mạnh mẽ, dù không cần có một thứ vũ khí nào. Hồi đó, anh đâu cần có sự bảo vệ, và GhenTị không hề lẽo đẽo theo sát chân anh. Nào, xin đừng xa nhau nữa. Chúng ta hãy cùng nhau sóng bước đi vào thế giới này. Anh hãy gửi trả tất cả bọn lâu la của anh về nguyên quán của chúng – bởi vì chúng ngăn cách anh với tôi và với mọi người. Tôi cũng rất cần anh. Không có anh, tôi thiếu rất nhiều uy lực để người ta tin tôi. Không có anh, người ta chế nhạo tôi, sỉ nhục tôi và ức hiếp tôi.

Trong khi TìnhYêu đang giãi bày những lời ấy, SứcMạnh bắt đầu cảm động. Và vì SứcMạnh cũng là con đẻ của mẹ KhônNgoan và cha DũngCảm, nên nó bắt đầu ấm lòng lên, thu mình lại nhỏ dần nhỏ dần cho đến khi vừa bằng kích thước của TìnhYêu. Ngay lúc ấy, tấm áo giáp rơi tuột khỏi vai nó, mọi thứ lỉnh kỉnh trên người nó đều vỡ vụn, tan biến đi. Đám cận vệ và đoàn tùy tùng ngã rạp xuống đất, nằm bất động như những thây ma. Các biểu ngữ bị gió cuốn bay, mất dạng.

SứcMạnh TìnhYêu nhìn nhau hồi lâu. Cả hai cùng sáng lên nụ cười và lao vào ôm chầm lấy nhau, ôm siết. Từ phía sau, GhenTị nhìn thấy tất cả, quay đầu bỏ chạy một mạch, không ngoái lại. SợHãi cũng rời bỏ TìnhYêu, cuốn gói ra đi, hụt hẫng.

Kể từ đó, SứcMạnh TìnhYêu nắm chặt tay nhau tiến vào thế giới này. Cả hai cùng lớn lên, mạnh mẽ.

Tái Bút: Nếu bạn gặp thấy anh em nhà họ ở đâu, xin nhắn tôi với, để tôi cũng đến và cùng đồng hành với họ. Cám ơn ! (Bruners)

Chúa rất xấu hổ

Tôi cùng một anh bạn đi xem hội chợ. Hội Chợ Thế Giới Của Các Tôn Giáo. Vâng, không phải một hội chợ thương mại, mà đây là một hội chợ tôn giáo. Nhưng, sự cạnh tranh không kém kịch liệt, và sự tuyên truyền không kém ầm ĩ.

Tại gian hàng Do Thái giáo, chúng tôi được trao cho một tập bướm quảng cáo. Nội dung tập bướm cho biết rằng Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót và dân Do Thái là dân được Thiên Chúa ưu tuyển. Tập bướm nhấn mạnh rằng không có một dân tộc nào khác được tuyển chọn một cách ưu tiên như dân Do Thái.

Đến gian hàng Hồi giáo, chúng tôi khám phá rằng Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu và Ma-hô-mét là Tiên Tri duy nhất của Ngài. Và người ta đạt được ơn cứu độ nhờ lắng nghe vị tiên tri duy nhất này.

Qua gian hàng Kitô giáo, chúng tôi được biết Thiên Chúa là tình yêu, và không thể có ơn cứu độ bên ngoài Giáo Hội. Bạn hãy theo Giáo Hội, nếu không, bạn sẽ lãnh án phạt đời đời.

Trên đường rời khỏi Hội Chợ, tôi hỏi anh bạn mình:

“Cậu nghĩ gì về Thiên Chúa?” Anh ta trả lời:

“Ngài thật kỳ cục, thật điên khùng và độc ác!”

Về đến nhà, tôi thưa với Chúa:

“Lạy Chúa, làm sao Ngài chịu đựng được những điều như thế? Ngài không thấy rằng người ta đã xuyên tạc về Ngài hàng bao thế kỷ nay sao?”

Chúa trả lời:

“Đâu phải Ta tổ chức cái Hội Chợ đó! Ta thậm chí xấu hổ không dám đi thăm cái hội Chợ đó nữa là…” (Anthony de Mello)

công trình thầy dang dở…

Nhà soạn nhạc Giacomo Puccini viết rất nhiều vở nhạc kịch nổi tiếng. Năm 1922, ông bất thần bị căn bệnh ung thư khi đang soạn dở dang vở Turandot, tác phẩm cuối cùng của ông, vở nhạc kịch mà ngày nay nhiều người đánh giá là kiệt tác đệ nhất của nhà soạn nhạc thiên tài này. Lúc ấy, Puccini trăn trối với các học trò mình:

“Nếu ta không hoàn thành Turandot, ta mong rằng các anh sẽ hoàn thành nó giùm ta.”

Ít lâu sau, ông qua đời.

Thực hiện nguyện vọng của thầy, các học trò của Puccini đã nghiên cứu kỹ lưỡng vở Turandot dang dở và đã hoàn thành vở nhạc kịch ấy.

Năm 1926, buổi công diễn đầu tiên được tổ chức tại Milan, do Arturo Toscanini, học trò ruột của Puccini, điều khiển. Mọi sự diễn tiến trôi chảy bình thường … cho đến chỗ mà Puccini bị buộc phải bỏ dở vì cơn bệnh. Người ta nhìn thấy nước mắt ràn rụa trên mặt Toscanini. Ông cho ban nhạc dừng lại. Cây ba-toong trên tay ông rơi xuống sàn tự khúc nào… Quay về phía khán giả, ông nghẹn ngào:

“Thầy đã viết đến đó. Nhưng giờ đây, Thầy không còn nữa.”

Một sự yên lặng mênh mông bao trùm cả nhà hát. Rồi Toscanini nhặt ba-toong lên, nhìn khán giả, gượng một nụ cười qua ngấn lệ. Ông nói:

“Nhưng, thưa quí vị, các môn đệ của Thầy đã tiếp nối và đã hoàn thành công trình của Thầy.”

Khi vở Turandot kết thúc, toàn thể khán giả đứng bật dậy, vỗ tay vang dội … (Link)

tìm đúng người xứng đáng

Người đàn ông nọ sống trong cùng một thị trấn với Rabbi Zusya. Nhận thấy vị rabbi này quá nghèo, mỗi ngày ông đặt 20 đồng cắc trong chiếc túi nhỏ đựng sách của Zusya, để vị rabbi và gia đình có thể trang trải chi phí ăn uống. Kể từ đó, ông trở nên làm ăn khấm khá, giàu lên rất nhanh. Càng có nhiều tiền, ông càng kín đáo tặng cho vị rabbi nhiều hơn; và càng tặng nhiều hơn, ông càng làm ăn khá giả hơn.

Nhưng một hôm, ông phát hiện ra rằng Zusya là môn đệ của một vị đại sư phụ . Ông tự nhủ nếu mình cống hiến cho môn đệ mà được tưởng thưởng hậu hĩ như vậy, thì khi cống hiến cho vị sư phụ ắt hẳn mình sẽ càng nhận được nhiều hơn. Vì thế, ông đi đến Mezritch và đề nghị biếu Rabbi Baer, sư phụ của Zusya, một món công quả khá lớn. Từ hôm đó, ông làm ăn lụn bại dần. Chẳng bao lâu, tất cả những của cải mà ông kiếm được trước đây đều tiêu tán hết. Vô cùng băn khoăn, ấm ức, ông quyết định đem toàn bộ câu chuyện kể cho Rabbi Zusya nghe. Ông muốn biết tại sao cớ sự trớ trêu này đã xảy ra cho mình. Bởi rõ ràng là chính Zusya đã từng nói với ông rằng Rabbi Baer là vị sư phụ vĩ đại hơn bản thân Zusya một trời một vực kia mà!

Nghe xong câu chuyện của người đàn ông ấy, Zusya giải thích:

“Ồ, bao lâu bạn trao tặng mà không hề bận tâm đến chuyện mình đang trao tặng cho ai – cho Zusya hay cho bất cứ ai khác cũng thế thôi – thì Thiên Chúa cũng đáp lại bạn một cách vô điều kiện như vậy. Còn khi bạn cố ý tìm người đặc biệt xứng đáng để trao tặng, thì Thiên Chúa cũng làm y như bạn, thế thôi!”

tiềm năng

Tay búa tay đục, nhà điêu khắc miệt mài làm việc trên khối đá cẩm thạch đồ sộ. Một cậu bé đứng bên cạnh nhìn những bụi đá bắn ra, rơi tung tóe. Cậu bé chẳng hiểu ất giáp gì, chán nản bỏ đi.

Vài tuần sau, cậu bé trở lại, hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy tảng đá biến đâu mất, thay vào đó là một con sư tử to lớn, đang ngồi oai phong đúng chỗ của tảng đá cẩm thạch trước đây. Rồi như đoán ra được điều gì đó, cậu bé ù chạy tìm gặp nhà điêu khắc và hỏi:

“Thưa bác, làm sao mà bác biết được có con sư tử nằm trong tảng đá cẩm thạch vậy?” (H. Nouwen)

Nước Chúa ở đâu ?

Thầy trợ sĩ nọ đã sống nhiều năm êm đềm hạnh phúc trong một tu viện cổ xưa. Hằng ngày, thầy làm các công việc lặt vặt trong nhà, phuc vụ cộng đoàn với lòng nhiệt thành và phấn khởi. Hôm ấy, khi thầy đang rửa mớ chén bát, một thiên thần hiện đến và nói:

“Chúa sai tôi đích thân đến nói với thầy rằng thời gian của thầy đã mãn. Thầy được gọi vào Vương Quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa.”

Thầy trợ sĩ tươi cười trả lời:

“Ồ, thật thú vị. Tôi thật sự sung sướng vì Chúa nhớ đến tôi. Nhưng, thiên thần ơi, ngài thấy đó, còn rất nhiều chén đĩa chưa rửa, tôi không thể bỏ đi ngay bây giờ được. Chắc ngài cũng thấy rằng tôi thật có lỗi với các anh em mình nếu bỏ ngang công việc còn dang dở này mà biến mất. Có lẽ Chúa cũng vui lòng cho phép tôi bước vào sự sống đời đời trễ hơn một chút, khi tôi đã rửa xong mớ chén đĩa này.”

Thiên thần nhìn vào đôi mắt thầy trợ sĩ, đầy thông cảm:

“Thầy có lý. Tôi sẽ cố gắng chuyển đạt nguyện vọng của thầy đến Chúa.”

Rồi thiên thần biến mất. Thầy trợ sĩ tiếp tục rửa chén và làm các công việc thường ngày khác của mình.

Bữa khác, thầy trợ sĩ đang nhổ cỏ và cuốc đất trong vườn thì thiên thần lại hiện đến. Thầy huơ huơ lưỡi cuốc về phía đám cỏ trước mặt mình, nói với thiên thần:

“Cỏ mọc um tùm thế kia, chắc Vương Quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa có thể chờ tôi thêm chút nữa.”

Thiên thần mỉm cười, biến đi. Thầy trợ sĩ tiếp tục nhổ sạch đám cỏ, chăm bón các cây trồng, và làm những công việc thông thường khác mà bấy lâu nay thầy vẫn làm trong vườn.

Buổi chiều nọ, thầy đang chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện, thiên thần lại xuất hiện. Thầy vừa đưa thuốc và nước uống cho một bệnh nhân bị sốt cao, vừa nói với thiên thần:

“Ngài thấy rõ đó, còn rất nhiều bệnh nhân chờ tôi chăm sóc chiều nay…”

Thiên thần lại mỉm cười và biến đi.

Tối hôm ấy, thầy trợ sĩ về nhà, ngả lưng trên chiếc giường đơn sơ của mình, mỏi mệt sau một ngày làm việc cần cù. Thầy nhớ lại những lần thiên thần hiện đến với mình và việc mình xin khất hẹn hết lần này đến lần khác. Bất chợt, thầy cảm thấy mình già yếu và vô cùng mệt mỏi. Thầy quì xuống bên giường và bắt đầu cầu nguyện:

“Lạy Chúa, giờ đây xin Chúa sai thiên thần của Chúa đến với con. Lần này con sẽ không khất nữa đâu.”

Ngay tức thì, thầy thấy thiên thần hiện ra đứng bên cạnh mình. Thầy nói với thiên thần:

“Lần này, nếu ngài đưa tôi đi, tôi hoàn toàn sẵn sàng để đi với ngài vào Vương Quốc của Thiên Chúa.”

Thiên thần nhìn sâu vào đáy mắt thầy trợ sĩ, mỉm cười:

“Thế bấy lâu nay thầy nghĩ là thầy đang sống ở đâu?”

(Albert Schweitzer)

sống và chết

Cô Felicitas, một phụ nữ Ru-an-đa thuộc sắc tộc Hu-tu, là một trợ tá tông đồ rất đắc lực tại Gisenyi. Cô và nhóm chị em mình tiếp đón những người Tút-si tị nạn, mời họ tạm trú tại nhà mình và tận tình giúp đỡ họ. Chiến cuộc đang ập đến rất rát. Biết cô đang ở trong tình trạng nguy hiểm, anh trai cô, một đại tá quân đội, đã gọi điện đến yêu cầu cô gấp rút di tản để tránh cái chết đang đến thật gần. Felicitas viết thư hồi âm cho anh:

Anh thân yêu,

Cám ơn anh đã có ý muốn giúp em. Nhưng để bảo toàn mạng sống mình, em phải bỏ lại 43 con người mà em đang có trách nhiệm săn sóc. Đó là điều không thể được! Em chọn ở lại và chết với họ. Xin anh cầu nguyện cho em và cho họ. Cho em gửi lời chào tạm biệt mẹ và các anh chị khác trong gia đình. Em sẽ cầu nguyện cho mọi người khi em về với Chúa. Mong anh mạnh khỏe. Một lần nữa, em cám ơn anh rất nhiều vì đã nghĩ đến em.

Em gái của anh,

Felicitas Niyiteggeka

Ngày 21 tháng tư, quân du kích tràn đến, dồn mọi người lên xe tải để đưa họ tới một nghĩa trang. Felicitas nói với các chị em mình:

“Đã đến lúc chúng ta làm chứng. Xin các chị em hãy sẵn sàng.”

Họ vừa leo lên xe tải vừa hát và cầu nguyện. Chỗ mà xe tải chở họ đến có một cái hố lớn được đào sẵn để chôn tập thể. Song, do sợ viên đại tá anh trai của Felicitas, những kẻ sát nhân muốn chừa cô ra trong cuộc hành quyết này. Một tên du kích nói với cô:

“Này, cô không sợ chết sao?”

Vì có phần kính trọng nhóm phụ nữ này nên bọn du kích dùng súng để giết các cô (thay vì dùng mũi tầm vông thọc xuyên qua cuống họng các nạn nhân!) Sau khi đã giết 30 người, bọn du kích còn tỏ ý muốn chừa Felicitas ra. Nhưng cô nói:

“Tôi không có lý do gì để sống sót, vì các ông đã giết tất cả các chị em tôi.”

Felicitas là người thứ 31 bị giết trong cuộc hành quyết này. Khi viên đại tá anh trai của cô đến nơi, thì xác cô đã bị ném trần truồng xuống hố chôn tập thể. Ông cho bốc mộ lên, lấy quần áo và khăn vải tẩm liệm thi hài cho cô. Ong nói trong lễ mai táng cô: “Felicitas! Em đã chọn chết. Xin em hãy cầu nguyện cho anh và cho mọi người.” (John Fuellenbach)

xin cha ở lại với chúng con

Nhà văn nữ Ba Lan Mary Winowska kể câu chuyện sau đây về một cha sở.

Trước mắt tất cả giáo dân trong xứ, vị linh mục này là một mục tử tốt lành thánh thiện tuyệt vời. Dường như không ai có thể chê ngài về bất cứ điều gì cả. Ngày nọ, một công an chìm của Gestapo đến gặp ngài, tự giới thiệu, và đưa ra với ngài một đề nghị bất ngờ:

“Chúng tôi tin rằng ông sẵn lòng hợp tác với chúng tôi bằng cách đều đặn cung cấp cho chúng tôi những thông tin trong nội bộ Giáo Hội. Công việc này không ai có thể làm tốt hơn ông, vì ông rất được tín nhiệm bởi các giám mục và các linh mục khác.”

Cha sở trả lời không do dự:

“Không được. Chúa không cho phép tôi làm điều đó!”

Viên công an chìm rút trong túi ra một tấm ảnh, chìa cho cha sở xem. Đó là ảnh một phụ nữ đang ẵm đứa con nhỏ trên tay. Anh ta nhìn thẳng vào mắt vị linh mục, hỏi gằn từng tiếng:

“Ông không phải là cha của đứa trẻ này đấy chứ?”

Hoàn toàn bất ngờ trước tang chứng ấy, vị linh mục trầm ngâm giây lát, rồi xin viên công an cho mình có thêm thời gian để suy nghĩ về đề nghị trên kia của anh ta:
“Anh cho phép tôi khất đến Chúa Nhật tới.”

Chúa Nhật tuần ấy, mọi người tề tựu đến nhà thờ để tham dự Thánh Lễ như thường lệ. Và một sự kiện hết sức bất ngờ đã xảy ra. Vào đầu Thánh Lễ, thay vì đọc Kinh Cáo Mình theo nghi thức thông thường, vị linh mục xưng thú tất cả những tội lỗi của mình trước mặt toàn thể cộng đoàn giáo dân, kể cả những tội mà Gestapo không hề biết. Trà trộn giữa các tín hữu trong nhà thờ hôm ấy, có hai viên công an chìm của Gestapo. Trong nước mắt, vị linh mục xin cộng đoàn giáo dân tha thứ cho mình và cho phép mình xin chuyển đi nơi khác để đền tội. Sau một thoáng im bặt, cả nhà thờ bắt đầu xôn xao lên. Mọi người đều sa lệ vì cảm kích. Họ nhất tề la lên:

“Xin cha đừng đi đâu cả, xin cha tiếp tục ở lại săn sóc chúng con. Chúng con vốn kính mến cha, hôm nay chúng con càng kính mến cha và cảm thấy cha gần gũi hơn bao giờ!” (Mary Winowska)

tour du lịch trọn gói

Một phụ nữ nọ ước mơ làm một chuyến du lịch trên biển. Chị cần cù làm việc nhiều năm để kiếm đủ tiền cho chuyến du lịch ấy của mình. Cuối cùng, chị đã có được đủ tiền mua vé. ‘Tour’ du lịch bắt đầu, chị lên tàu cùng với các du khách khác. Vì không còn nhiều tiền dự phòng trong túi, chị đem theo nhiều phô mai và bánh bích qui, dự tính sẽ dùng các bữa ăn ngay trong ca- bin của mình, chứ không xuống nhà ăn như các du khách khác.

Và cứ thế, cứ đến giờ ăn, mọi người kéo xuống nhà ăn, còn chị thì đi vào ca-bin, dùng bữa ăn đạm bạc mà chị mang theo sẵn. Chị tự nhủ: “Mình cứ ráng nhịn cho đến bữa tối cuối cùng. Với số tiền mình có trong túi, mình sẽ thưởng thức một bữa thật ‘đã’ tại nhà ăn trước khi ‘tour’ du lịch chấm dứt.”

Rồi, bữa tối cuối cùng ấy đã đến. Chị diện bộ cánh đẹp nhất, bước vào nhà ăn cùng với mọi người. Chị gọi những món ăn và thức uống hảo hạng nhất, và nhẩn nha thưởng thức. “Ngon lành làm sao! Thật chẳng bõ công mình ráng nhịn bấy lâu nay.”

Cuối bữa ăn, chị gọi người hầu bàn mang hóa đơn ra cho mình. Anh bồi nhìn chị, sửng sốt:

“Gì hở? Hóa đơn? Thưa bà, chẳng lẽ bà không biết rằng chi phí của tất cả các bữa ăn đều đã được bao gồm trong giá vé của ‘tour’ mà bà đã trả hay sao?”

con tôi không phải là quái vật

Mới đây trên màn ảnh truyền hình có chiếu hai cuộc phỏng vấn riêng biệt nhau nhưng cùng xoay quanh câu chuyện về một thanh niên đã dã man cưỡng hiếp và giết chết một cô gái. Hai cuộc phỏng vấn này xảy ra vào trước ngày thi hành bản án tử hình dành cho anh.

Cuộc phỏng vấn thứ nhất, cha của cô gái bị sát hại được hỏi ông nghĩ gì về bản án tử hình dành cho kẻ đã tàn nhẫn cưỡng hiếp và giết chết con gái ông, đứa con duy nhất. Ông trả lời đầy bức xúc rằng kẻ tử tội ấy là một con quái vật, rằng ông muốn nhìn thấy hắn bị quăng vào lửa hỏa ngục muôn đời, vì Chúa không thể tha thứ cho một quỉ sứ như hắn…

Cuộc phỏng vấn thứ hai, ống kính chuyển sang bà mẹ của kẻ sát nhân. Đó là một bà mẹ bình dân, chất phác. Bà rất xấu hổ vì những gì con trai mình đã làm. Bà nói trong tiếng khóc nức nở:

“Con trai tôi đã gây ra điều khủng khiếp. Nó đáng bị trừng phạt. Tôi không bao giờ dám mong bất cứ ai tha thứ cho nó. Tôi vô cùng xót xa cho gia đình của cô gái tội nghiệp ấy. Ước chi tôi có thể làm được cái gì đó để an ủi họ. Nhưng, con trai tôi – dù nó đã làm gì đi nữa – nó cũng không phải là một con quái vật. Con trai tôi luôn luôn là một cậu bé dễ thương. Tôi biết Chúa sẽ tha thứ cho con trai tôi. Nó là con tôi, làm sao tôi có thể dứt tình với nó?”

Bà òa lên khóc, và ngất xỉu…

vì ơn cứu mạng

Năm 1982, Đức Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh Cha Maximilian Kolbe, một linh mục dòng Phanxicô người Ba Lan. Cha Kolbe đã tình nguyện bị đẩy vào lò hơi ngạt và chết thay cho một nam tù nhân khác – là người cha của một gia đình.

Một phóng viên truyền hình đã phỏng vấn cựu tù nhân này:

“Ông cảm thấy thế nào khi được một người khác nhận chết thay cho ông?”

Người đàn ông được cứu sống ấy trả lời:

“Kể từ hôm ấy, tôi cảm thấy mình trở thành một người khác. Tôi được thúc đẩy sống theo tâm tình của người đã cứu tôi, theo những giá trị mà người ấy đã làm chứng bằng cuộc sống và bằng chính cái chết!”

cách nào để gặp Chúa?

Chàng trai trẻ nọ đến gặp một nhà ẩn tu để nêu nguyện vọng:

“Xin ngài chỉ cho con biết cách tìm gặp Chúa.”

“Ồ, một ước muốn tốt lành biết bao! Tốt lành hơn bất cứ gì khác trên trần đời này.” Nhà ẩn tu mỉm cười, gật đầu, rồi dắt chàng thanh niên tới chỗ một hồ nước. Cả hai lội xuống nước cho đến khi ngập đến tận cổ. Nhà ẩn tu bất thần chụp lấy đầu chàng trai và nhận anh ta xuống nước. Chàng trai vùng vẫy chống cự, nhưng nhà ẩn tu không buông tay cho đến khi anh ta suýt chết đuối!

Cả hai bước lên bờ, nhà ẩn tu hỏi: “Này, hồi nãy, chìm ở dưới nước, cậu cần cái gì tha thiết nhất trên đời?”

“Không khí.” Chàng trai trả lời không chút do dự.

“Vậy, nếu cậu muốn gặp Thiên Chúa cũng tha thiết như lúc nãy cậu cảm thấy cần không khí, thì mắt cậu sẽ được mở ra để nhận thấy những kỳ công của Ngài.”

hối nhân bất đắc dĩ

Chuyện kể của Cha John Fuellenbach.

Đó là một buổi sáng Thứ Sáu Tuần Thánh. Tôi ngồi tòa giải tội. Một người đàn ông bước vào, quì xuống, bắt đầu ‘xưng’:

“Thưa cha, nói thật, con không muốn đi xưng tội chút nào.”

Tôi hỏi:

“Vậy, tại sao ông đến đây ?”

Người đàn ông trả lời:

“Cha có nhìn thấy người đàn bà ngoài kia không? Vợ con đó. Con bước vào đây chỉ là để tránh bị bà ấy cằn nhằn trong suốt mùa Phục Sinh này.”

“Vậy ư?” Tôi trả lời, “Song vì ông đã đến đây rồi, chi bằng ông thành thật xưng tội luôn đi. Có mất mát gì thêm đâu nhỉ.”

Sau một chốc lát ngần ngừ, người đàn ông đáp:

“Ờ, ờ, phải. Đằng nào cũng đã bước vào đây. Con sẽ xưng tội một cách đàng hoàng.”

………..

Nhiều năm sau, người đàn ông ấy gặp tôi, tâm sự:

“Cha John, cha còn nhớ lần con bị vợ ép vào xưng tội hôm Thứ Sáu Tuần Thánh ấy không? Cuộc sống của con đã thay đổi hoàn toàn từ đó.”

đá vào mông giám mục

Chuyện kể của Cha John Fuellenbach.

Vài năm trước đây, tôi gặp một giám mục và vị giám mục này kể tôi nghe câu chuyện đã làm cho ngài thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của ngài.

Được biết trước kia ngài rất lạc quan, chẳng bận tâm mấy về tình trạng của những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội tại đất nước ngài. Ngài không thấy có gì bất công trong cách mà những người ở ngoài lề xã hội được đối xử .

Một hôm, có anh cảnh sát nọ không nhận ra ngài là một giám mục, đã đá vào mông ngài và xô đẩy ngài y như anh ta vẫn làm với những kẻ hành khất. Cú đá ấy đã mở mắt vị giám mục. Và đó là lần đầu tiên ngài hiểu ra sự thực mặt trái xã hội mà ngài đang sống, lần đầu tiên ngài hiểu thế nào là tình trạng của những kẻ nghèo và những người bị áp bức. Để kết thúc câu chuyện ấy, ngài nói, giọng trầm ngâm, sâu lắng:

“Từ đó, tôi mới bắt đầu hiểu Thánh Kinh. Tôi đọc Thánh Kinh như thể mình đọc lần đầu tiên trong đời.”

đi đêm có ngày gặp … nhau

Ngày xửa ngày xưa, hai anh em nọ cùng sống và làm việc chung trên một cánh đồng và một cối xay. Mỗi tối về, hai anh em chia đều hoa lợi mà họ thu hoạch được trong ngày. Người em sống độc thân; còn người anh có vợ và nhiều con cái. Bất chợt một hôm, người em sực nghĩ: “Thật không công bằng chút nào việc chia đều hoa lợi. Mình chỉ có một mình. Còn anh ấy phải nuôi cả vợ con nữa.” Thế rồi, mỗi đêm khuya, người em âm thầm lấy bớt số thóc lúa của mình đem đổ vào kho của người anh.

Gần như cũng đồng thời, người anh sực nghĩ: “Thật không công bằng chút nào việc chia đều hoa lợi. Vì mình có con cái cấp dưỡng cho mình trong tuổi già. Còn chú ấy sống một mình, sẽ chẳng có ai cấp dưỡng. Chú ấy cần dự phòng cho tuổi già sau này.” Thế rồi, mỗi đêm khuya, người anh âm thầm lấy bớt số thóc lúa của mình đem đổ vào kho của người em.

Kết quả là, mỗi buổi sáng thức dậy, cả hai người đều ngạc nhiên nhận thấy phần thóc lúa của mình đã được bổ sung trở lại, không hề bị hao hụt đi. Song họ không hiểu tại sao.

Đến một tối, hai người bắt gặp nhau giữa đường, khi đang mang thóc đổ vào kho của nhau. Cả hai lập tức hiểu ra sự việc. Và họ cảm động ôm chầm lấy nhau. Thiên Chúa nhìn thấy và nghe thấy tất cả, Ngài tuyên bố: “Đây là nơi thánh. Đây là địa đàng của tình yêu. Chính nơi đây, Đền Thờ của Ta sẽ được xây dựng.”

Nơi thánh, nơi mà Chúa hiện diện để tỏ mình ra cho con người, chính là bất cứ nơi nào mà con người khám phá ra nhau trong tình yêu.

thảo nào Chúa ít bạn

Lần nọ, trong một chuyến đi, Thánh nữ Tê-rê-sa A-vi-la phải dừng xe lại vì mưa lũ làm tắt đường. Vừa bước xuống xe, thánh nữ bị sập vào vũng bùn, ngập đến đầu gối. Dở khóc dở cười, thánh nữ thốt lên:

“Lạy Chúa, Chúa cứ xử ác với bạn hữu thế này, thảo nào chẳng mấy ai thèm làm bạn với Chúa!”

chấp và vô chấp

Hai nhà sư đang đi bộ trên đường, chợt gặp một vũng nước lớn chặn ngang lối đi. Một cô gái trẻ cũng đứng đó, loay hoay không biết cách nào để vượt qua vũng nước. Một trong hai nhà sư bế xốc cô gái trên tay mình, đưa cô qua bên kia vũng nước. Rồi hai nhà sư lặng lẽ tiếp tục hành trình. Khoảng nửa giờ sau, nhà sư thứ hai mới lên tiếng hỏi người bạn mình – là kẻ khi nãy đã bế cô gái qua vũng nước:

“Tại sao ông làm thế? Ông thừa biết rằng người tu hành như chúng ta không được phép ngay cả nhìn một phụ nữ, càng không được phép chạm đến phụ nữ, huống hồ là bế xốc một cô gái trên tay ngon lành như ông đã làm?”

Nhà sư kia trả lời:

“À, bạn ơi, tôi bế cô ấy trên tay, nhưng tôi đã bỏ cô ấy xuống ngay mé bên kia vũng nước. Còn bạn, bạn mang cô ấy theo tận tới đây kia ư?” (truyện dân gian Ấn Độ)

a dua và chán nản

Vào thời đại ẩn tu sa mạc, khoảng năm 450, một tu sĩ trẻ tìm đến gặp một tu sĩ cao niên và thánh thiện, hỏi ngài:

“Thưa cha, tại sao hiện nay có quá nhiều người bỏ đời tu để hồi tục?”

Vị tu sĩ già trả lời:

“Khi một con chó săn thiện nghệ trông thấy một con thỏ, nó lập tức đuổi theo con mồi, và sủa vang inh ỏi. Dĩ nhiên, điều đó lôi cuốn những con chó khác, và những con chó này cũng bắt đầu chạy theo và sủa vang y như con chó đầu tiên trông thấy mồi, mặc dù thực sự chính bản thân chúng chẳng trông thấy gì cả. Sau một hồi, những con chó chạy và sủa ‘a dua’ ấy sẽ thấm mệt, chán nản và bỏ cuộc lùng sục, vì chúng không còn thích thú nữa. Chúng bỏ cuộc và quay lui. Chỉ con chó thực sự nhìn thấy thỏ mới kiên trì săn tìm, và cuối cùng bắt được con mồi.”

Vị tu sĩ già kết luận:

“Đối với nhiều người bước vào đời tu cũng thế. Chỉ những ai hướng mắt về Đức Kitô và nhìn thấy Ngài thì mới có thể bền đỗ. Còn những kẻ a dua kiểu ‘phong trào’, bắt chước sự hăng hái của người khác, thì sớm muộn cũng sẽ mất hứng và bỏ cuộc.”

đồ nghề, tay nghề

Chàng trai trẻ nọ theo học nghề với một nghệ nhân trứ danh trong ngành sản xuất kính màu. Những ô cửa kính màu đẹp nhất hầu như đều là tác phẩm do bàn tay của nghệ nhân này làm ra. Xem chừng không thể đạt nổi trình độ điêu luyện của thầy, chàng trai hỏi mượn bộ đồ nghề của thầy, nghĩ rằng với bộ đồ nghề đó, mình có thể hy vọng làm ra được những tác phẩm cao cấp như thầy.

Vài tuần lễ trôi qua, chàng trai thưa với thầy:

“Với đồ nghề của thầy cũng thế thôi! Những tấm kính con làm ra không đẹp hơn chút nào so với khi con làm bằng đồ nghề của con.”

Nghệ nhân trả lời:

“Thế thì, cái mà anh cần có chính là tinh thần của thầy, chứ không phải là đồ nghề của thầy.”

Chúa quên mất!

Câu chuyện sau đây được truyền tụng từ thời Trung Cổ.

Một nữ tu nọ nói rằng chị đã trải qua một thị kiến – trong đó chị gặp chính Chúa Kitô. Đức giám mục hỏi chị:

-Vậy chị đã nói chuyện với Chúa?

-Vâng ạ. Chị đáp.

-Nếu chị gặp Chúa lần nữa, chị hãy hỏi Chúa xem tội nặng nhất mà đức giám mục đã phạm, trước khi làm giám mục, là tội gì. Nhớ nhé!

Vị giám mục gật gật đắc ý, nghĩ rằng mình vừa đặt ra một trắc nghiệm tuyệt vời để kiểm tra thực hư về ‘thị kiến’ kia. Tội nặng nhất của ngài thì chỉ có Chúa và cha giải tội của ngài biết thôi! Nếu đúng thực là chị nữ tu ấy gặp Chúa, thì Chúa sẽ cho chị ấy biết. Còn nếu khác đi, thì đích thị đấy là một thị kiến ‘dỏm’.

Khoảng ba tháng sau, chị nữ tu lại xin yết kiến đức giám mục. Chị vừa bước vào, đức giám mục hỏi ngay:

-Chị lại gặp Chúa nữa rồi à?

-Thưa Đức Cha, đúng vậy. Chị đáp.

-Thế chị có nhớ hỏi Ngài câu hỏi về tội của tôi không?

-Dạ có ạ.

-Chúa trả lời làm sao?

-Dạ, Chúa nói rằng Chúa không còn nhớ gì cả về chuyện đó ạ!

(P.J.Wharton)

tôi cũng vậy!

Câu chuyện xảy ra cách đây hơn một thế kỷ rồi. Hồi ấy, một du khách từ Mỹ ghé qua thăm Hofetz Chaim, vị rabbi nổi tiếng người Ba Lan.

Người du khách ngạc nhiên nhận thấy nhà của vị rabbi quá đơn giản: chỉ là một căn phòng nhỏ lổn ngổn sách vở. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì ngoại trừ một chiếc bàn và một chiếc ghế băng.

“Thưa thầy, đồ đạc thầy ở đâu cả rồi?” Du khách hỏi.

“Vậy đồ đạc của ông đâu cả rồi?” Hofetz trả lời.

“Đồ đạc của tôi ư? Tôi chỉ là một du khách ghé thăm đây, một người qua đường thôi mà.”

Vị rabbi cười:

“Tôi cũng vậy!”

(P.J.Wharton)

dù chỉ một đồng xu …

Hôm ấy, thầy nói với các môn đệ:

“Ta đặt trọn tin tưởng vào Chúa và ta đã đi qua sa mạc với chỉ một đồng xu nhỏ trong túi mà thôi. Sau chuyến hành hương, ta trở về, và đồng xu ấy vẫn còn nguyên trong túi!”

Nhưng một trong các đệ tử đứng lên, thưa:

“Thưa thầy, nếu thầy có một đồng xu trong túi, thì làm sao thầy có thể nói rằng thầy cậy dựa vào bất cứ một cái gì khác cao hơn được?”

phát hiện

-“Chúng tôi tin rằng chúng tôi là dân ưu tuyển của Thiên Chúa.” Vị khách nọ nói với thầy, muốn giải thích cho thầy về tôn giáo của mình.

-“Thế nghĩa là gì?” Thầy hỏi.

-“Nghĩa là Thiên Chúa đã chọn chúng tôi một cách đặc biệt giữa tất cả các dân tộc trên mặt đất này.

-“Ờ, ờ.” Thầy cười, “Tôi có thể đoán biết trong tất cả các dân tộc trên thế giới, dân nào đã phát hiện ra điều đó.” (Anthony de Mello)

lọn cỏ chuyền tay

Đảo cư dân hiu quạnh ấy ở Nam Thái Bình Dương được một vị thừa sai ghé thăm mỗi tháng một lần – để dâng Thánh Lễ, rửa tội trẻ em và cầu nguyện cho những người mới qua đời trong tháng. Đặc biệt, thổ dân ở đây có một tập tục độc đáo được họ thực hành mỗi lần vị linh mục thừa sai đặt chân tới đảo.

Bao giờ cũng vậy, tù trưởng là người đầu tiên bước tới chào nhà thừa sai. Hai người ôm nhau, rồi tù trưởng trao cho nhà thừa sai một lọn cỏ bản địa. Linh mục thừa sai nhận lọn cỏ, rồi trao lại cho tù trưởng. Vị tù trưởng trao lọn cỏ ấy cho người đứng kế bên mình. Và cứ thế tiếp tục, lọn cỏ được chuyền lần lượt từ người này đến người kia. Theo truyền thống của cư dân đảo này, những con người sống trên một ốc đảo trơ trọi giữa đại dương bao la, lọn cỏ đó là dấu tích thánh thiêng về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa họ. Họ coi lọn cỏ đó là biểu tượng của hòa bình và hòa điệu.

Sau khi lọn cỏ đã qua tay tất cả mọi người trong làng (ám chỉ rằng mọi người trong làng đang sống trong hòa bình và hòa điệu với nhau), nó được trao lại cho tù trưởng, và tù trưởng trao cho nhà thừa sai. Bấy giờ nghi thức kết thúc, và Thánh Lễ được bắt đầu.

Có lần, trong một chuyến viếng thăm hằng tháng của nhà thừa sai, nghi thức chuyền tay lọn cỏ diễn ra nửa chừng thì bị bế tắc. Số là có hai cha con nhà nọ đang có chuyện bất hòa nhau, nên họ không chuyền lọn cỏ cho nhau. Vì thế nghi thức không thể kết thúc được, và linh mục thừa sai không thể bắt đầu Thánh Lễ như thông lệ.

Lần ghé lại đảo vào tháng sau đó, thừa sai cũng không thể dâng Thánh Lễ, vì nghi thức vẫn bị khựng lại khi lọn cỏ đến chỗ hai cha con kia: họ vẫn còn giận nhau!

Phải đến tháng thứ ba, hòa bình và hòa điệu mới được vãn hồi giữa hai cha con, và lọn cỏ được chuyền thông suốt qua mọi người. Dân làng mới lại sẵn sàng để dâng Thánh Lễ.

điểm tựa của bạo lực

Vị mục sư Tin Lành ấy bị giam trong trại tập trung của Đức Quốc Xã hồi Chiến Tranh Thế Giới Thứ II. Một sĩ quan SS tra tấn ông, đánh đập ông hết sức dã man để ép buộc ông phải khai nhận có tham gia vào những hoạt động chính trị. Bị đánh nhừ tử, nhưng vị mục sư vẫn nhất mực thinh lặng. Cuối cùng, gã sĩ quan ấy điên tiết, gào lên:

“Mầy không biết rằng tao có thể giết mầy như giết một con chó sao?”

Mục sư nhìn thẳng vào đáy mắt kẻ tra tấn mình, đáp:

“Vâng, tôi biết. Ông hãy làm bất cứ gì ông muốn. Có điều, lúc này đây, tôi kể như mình đã chết rồi.”

Ngay lập tức, gã sĩ quan mềm nhũn ra, tái mét, như thể bị bại xụi. Gã không thể đủ sức nâng nổi cánh tay mình lên nữa. Quyền lực của gã trên vị mục sư đã bị tước mất hoàn toàn. Tất cả sự hung bạo của gã được đặt trên một điểm tựa duy nhất: gã cho rằng mạng sống thể lý của vị mục sư là tài sản quí nhất mà ông ta phải bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Nhưng giờ đây, gã nhận ra rằng điểm tựa ấy không hề có, và mọi sự tra tấn độc ác nhất đều trở thành vô nghĩa!

bà Ba, bà Tư

Bà Tư:Này, bà Ba! Con Bảy nói với tui rằng bà đã xì cho nó chuyện bí mật mà tui đã dặn đi dặn lại bà không được nói cho nó biết?

Bà Ba:Quỉ thần ơi, tui đã dặn kỹ nó không được cho bà hay rằng tui đã bật mí chuyện đó cho nó mà!

Bà Tư:Mà này, bà đừng có hé răng với nó về chuyện tui nói với bà rằng nó đã kể lại với tui nghe hông!

(Anthony Castle)

lời tự sự của một thân cây

“Hồi còn bé, tôi nào hiểu gì đâu. Khi lớn lên hơn và nhìn lại chính mình, tôi mới bắt đầu hiểu ra một điều gì đó. Tôi vốn nhỏ thó, sần sùi, đầy những cục u thô tháp. Bộ rễ bám chặt vào vách đá, tôi đứng nghiêng nghiêng, xô lệch. Rõ ràng tôi không to cũng chẳng đẹp bằng chị bằng em ở chung quanh mà mình nhìn thấy được. Anh sồi đằng kia uy phong, chắc nịch, với tán lá rậm rì, phủ rộng. Chị linh sam mảnh dẻ, ngạo nghễ vút cao. Chàng sơn thích mỗi độ thu về khoe tán lá vàng rực quí phái. Bạn hiểu cho, chỗ tôi đứng là một bờ dốc đá. Từ thuở bé đến giờ, bộ rễ tôi phải lần dò men vào từng khe đá nứt, tìm chút đất ít ỏi lẩn khuất bên trong để làm điểm tựa sinh tồn.

Tôi vẫn thường mơ mộng, ước gì mình cao lên, xõa cành duyên dáng – cho gió vờn, cho mưa vỗ, và cho ánh nắng mặt trời vuốt ve. Nhưng mơ mộng chỉ là mộng mơ suông! Tôi vẫn cứ thấp bé, vẫn dáng đứng nghiêng lệch khom khom qua bao vòng tuế nguyệt. Gió đi qua, và cứ đi qua, xô thẳng vào vách núi đá dựng sau lưng và reo lên ở đó. Gió chẳng bao giờ buồn dừng lại đùa giỡn với tôi, vì cành tôi khẳng khiu và tàng lá tôi thưa thớt đến tội nghiệp. Mặt trời chỉ ghé lại chút xíu lúc giữa trưa, rồi cũng biến mất thật nhanh đằng sau vách núi. Tôi nhìn sang thung lũng bên kia, thấy những tầng cây ngập đầy ánh nắng, mà nhiều khi không khỏi tủi xót phận mình.

Tại sao số kiếp mình phải đứng ở nơi này? Một bờ dốc đá cỗi cằn, khuất lấp! Tôi buồn cho số phận mình hẩm hiu.

Thế rồi, vào một sáng mùa xuân ấm áp, khi hương đất nồng nàn từ thung lũng dưới kia thoang thoảng dâng dâng, tiếng chim hót líu lo chào ánh bình minh tỏa ngợp chân trời, tôi nghe những tia nắng mới lãng đãng hôn lên cành, lên tán lá thưa của mình. Một cảm giác rạo rực tràn ngập toàn thân tôi, thấm sâu vào tận từng thớ thịt. Kìa, chung quanh tôi, đất trời sao xinh đẹp quá! Có lẽ không một cây nào khác có thể có được tầm mắt nhìn xa xuống bao quát cả một vùng thung lũng như tôi. Và tôi chợt nhận ra vách đá dựng sau lưng mình – vẫn đứng đó tự bao đời – để che chắn cho tôi khỏi cái lạnh buốt xương của khối núi băng sừng sững cao nghệu phía bên kia.

Từ buổi sáng hôm ấy, tôi bắt đầu tỉnh ngộ. Tôi hiểu ra rằng mình không xoàng xĩnh hay hẩm hiu như mình vốn tưởng. Thân tôi thấp cũn, sần sùi, tích chứa và phô diễn cái phong trần một cách điệu nghệ có một không hai đó chứ! Cành tôi ngắn, vặn vẹo díc dắc, nhưng rắn chắc cực kỳ! Bộ rễ tôi dẻo dai, xuyên ngang xẻ dọc, bám chặt vào các khe đá, hun đúc một ý chí sinh tồn lì lợm! Tôi nhận ra mình đã lớn lên và thích nghi tuyệt vời với chỗ đứng của mình. Tôi sung sướng tự hào về tôi và chỗ đứng của tôi giữa vũ trụ này. Thế đấy, bấy lâu nay mình không hề biết mở mắt và nhìn ra đúng giá trị của mình! Vâng, những anh sồi, những chị linh sam … dưới triền kia vẫn có nét đẹp riêng của họ; và tôi, tôi cũng có nét đẹp của riêng mình. Chỗ đứng đẹp nhất của tôi là đây: là bờ dốc đá hẹp mà xưa nay mình vẫn đứng.

Ồ! Vì sao mãi đến hôm nay mình mới hiểu ra điều này nhỉ?

(Hoffsummer)

tìm trang

Nghĩa Cử ?………………………………. 3

Lòng Thông Cảm…………………….. 7

Khuôn Mặt Phía Trên Bờ Tường 8

Cúi Xuống Không Đủ Sâu…….. 11

Tin Không ‘Mừng’ Mấy!………. 12

Vị Thừa Sai ‘Vớ Vẩn’……………. 12

Xây Nhà Thờ Chính Tòa……….. 14

Chúa Mua Nhà……………………… 15

Bác Là Giêsu ?……………………… 17

Sợ Lây Nhiễm!……………………… 19

Kẻ Tội Phạm…………………………. 19

Cú Sốc Của Gandhi………………. 21

Gã Đàn Ong Thô Bỉ ?……………. 22

Xin Đừng Xa Nhau Nữa………… 23

Chúa Rất Xấu Hổ………………….. 32

Công Trình Thầy Dang Dở……. 34

Tìm Đúng Người Xứng Đáng…. 36

Tiềm Năng…………………………….. 38

Nước Chúa Ơ Đâu ?………………. 39

Sống Và Chết………………………… 43

Xin Cha Ơ Lại Với Chúng Con 46

Con Tôi Không Phải Là Quái Vật 50

Vì Ơn Cứu Mạng…………………… 52

Cách Nào Để Gặp Chúa?………. 53

Hối Nhân Bất Đắc Dĩ…………….. 54

Đi Đêm Có Ngày Gặp … Nhau. 57

Thảo Nào Chúa Ít Bạn…………… 59

Chấp Và Vô Chấp…………………. 60

A Dua Và Chán Nản……………… 61

Đồ Nghề, Tay Nghề………………. 62

Chúa Quên Mất!……………………. 63

Tôi Cũng Vậy!………………………. 65

Dù Chỉ Một Đồng Xu …………… 66

Phát Hiện………………………………. 67

Lọn Cỏ Chuyền Tay……………… 67

Điểm Tựa Của Bạo Lực…………. 70

Bà Ba, Bà Tư…………………………. 71

Lời Tự Sự Của Một Thân Cây.. 72

Tìm Trang……………………………… 77

AMDG