CÁC MẪU THỨC MẠC KHẢI (13): PHẦN HAI: CHƯƠNG XII: THÁNH KINH: TƯ LIỆU CỦA MẠC KHẢI

CHƯƠNG XII

THÁNH KINH: TƯ LIỆU CỦA MẠC KHẢI

Nhìn nhận rằng đối với các Kitô hữu thì Đức Giêsu Kitô là biểu hiệu mạc khải trọng tâm và là qui phạm cho mọi biểu hiệu mạc khải khác, chúng ta phải tìm hiểu thêm bằng cách nào biểu hiệu nầy được tiếp cận đối với các tín hữu không được biết Đức Giêsu bằng xương bằng thịt. Biểu hiệu Đức Giêsu Kitô phải được thông truyền cho họ xuyên qua Thánh Kinh và qua Giáo Hội – vốn trở thành những máng chuyển mạc khải. Trong một tác phẩm đại cương về thần học mạc khải như quyển sách này, chúng ta sẽ không thể đưa ra một nghiên cứu đầy đủ về công dụng của Thánh Kinh và Giáo Hội trong thần học, nhưng chúng ta phải nói một cái gì đó về cách thức mà Thánh Kinh và Giáo Hội phục vụ để chuyển trao mạc khải.

Mỗi trong năm mẫu thức đều cho thấy Thánh Kinh là một bể chứa hay kênh truyền chủ yếu của mạc khải Kitô giáo. Tuy vậy năm mẫu thức khác nhau rất đáng kể trong việc chúng minh họa mối quan hệ giữa Thánh Kinh và mạc khải. Xuất phát từ những chỉ dẫn đã được đưa ra ở các chương trước, ở đây chúng ta sẽ khảo sát xem những mẫu thức này giữ lập trường như thế nào đối với một số vấn đề tiêu chuẩn như sự linh hứng trong Thánh Kinh, sự vô ngộ, qui điển, và tính cách đầy đủ của Thánh Kinh xét như một chuẩn mực hay một nguồn của giáo huấn và của niềm tin Giáo Hội.

Mẫu Thức Giáo Lý Và Thánh Kinh

Trong mẫu thức thứ nhất, vốn xem mạc khải là những tuyên bố xác định, Thánh Kinh được xem chủ yếu là một nguồn giáo lý. Sự chú ý được đổ dồn vào giáo huấn rõ ràng của Thánh Kinh – vốn được hiểu có tính thần linh và vô ngộ. Để biện chứng cho sự vô ngộ của Thánh Kinh, người ta phải liên can đến giáo lý về linh hứng, vốn được hiểu như một kích động đặc biệt được ban cho các tác giả Thánh Kinh để viết những gì – và chỉ những gì – mà Thiên Chúa muốn được viết trong các sách. Trên cơ sở rằng Thiên Chúa đã linh hứng toàn bộ bản văn, người ta cho rằng chắc chắn mọi điều Thánh Kinh nói đều đúng, vì Thiên Chúa – là chính chân lý – không bao giờ có thể là tác giả của sự sai lầm.

Trong mẫu thức xác định, có những dị biệt giữa quan điểm của Tin Lành và Công Giáo. Các đại biểu Tin Lành của mẫu thức này cho rằng Thánh Kinh có tính tự chứng nghiệm, tự đầy đủ và tự diễn dịch. Vì nó có tính tự chứng nghiệm nên bộ qui điển tự xác nhận mình, không cần phải được chứng minh bởi thẩm quyền Giáo Hội. Vì nó có tính tự đầy đủ, nên người ta không cần phải tìm kiếm chân lý mạc khải ở đâu khác ngoài những sách Thánh Kinh. Giáo lý của Giáo Hội chỉ có thể nhắc lại và làm sáng tỏ những gì vốn đã được dạy trong Thánh Kinh. Và cuối cùng, vì Thánh Kinh có tính tự diễn dịch nên người tín hữu không cần bất cứ một cơ quan nào khác trình bày cho mình ý nghĩa của Thánh Kinh.

Còn theo phía Công Giáo trong mẫu thức xác định thì qui điển Thánh Kinh không chỉ dựa vào Thánh Kinh thôi, mà – ít nhất một phần – còn dựa vào giáo huấn của Giáo Hội, sẽ cùng với sự giúp đỡ của truyền thống mà xác nhận các sách thuộc qui điển. Thánh Kinh không phải là một nguồn giáo lý đầy đủ, vì có một số chân lý mạc khải (bao gồm cả danh sách các sách qui điển) chỉ được biết nhờ truyền thống. Hơn nữa, Thánh Kinh không thể được hiểu đúng đắn bên ngoài Giáo Hội – vì Giáo Hội được ủy trao và được trang bị để trình bày một sự giải thích đúng thực. Vì thế Thánh Kinh không được bỏ mặc cho sự giải thích riêng của các cá nhân.

Trong nội bộ của cả phía Tin Lành lẫn phía Công Giáo đều có những tranh cãi kịch liệt về bản chất đích thực của sự linh hứng. Một số chủ trương rằng sự linh hứng chỉ trong phạm vi những ý niệm và những nội dung của Thánh Kinh, trong khi một số khác chủ trương rằng chính các từ ngữ cũng được ơn linh hứng thần linh. Trong cả hai trường hợp thì Thiên Chúa – xét như là nguồn gốc của các tư tưởng trong các sách Thánh Kinh – được xem là tác giả. Các tác giả nhân loại được coi như những thư ký hay, theo một số nhà thần học, được coi như những tác giả dụng cụ. Sự phân biệt giữa tác giả nguyên lý và tác giả dụng cụ làm bật ra thêm những vấn đề đã được tranh luận gay gắt trong các thủ bản kinh viện. Những cuộc tranh luận này còn tiếp tục ngay cả ngày nay trong một số trường phái bảo thủ, cả bên Tin Lành lẫn phía Công Giáo.

Trong thần học Thánh Kinh giữa thế kỷ XX có xuất hiện một sự đổi khác trong mẫu thức xác định, theo đó thì bản doanh của sự linh hứng và thẩm quyền được chuyển từ giáo huấn chính thức của Thánh Kinh sang những luận điểm và những khái niệm được tìm thấy trong các sách qui điển. Các nhà thần học Thánh Kinh, cả Tin Lành lẫn Công Giáo, đã đưa ra những nghiên cứu uyên thâm về từ vựng Thánh Kinh, những từ đầy hàm súc như dabar (lời), emeth (chân lý), shalom (hòa bình), và ruah (thần khí). Những công trình nghiên cứu nầy thường xuyên đối kháng những phạm trù Thánh Kinh – vốn được xem là có tính cụ thể và năng động – với những hình thức tư duy của Hilạp là những hình thức có tính siêu hình và tĩnh tại. Phong trào thần học Thánh Kinh đã làm sinh động lại rất nhiều cho thần học vào các thập niên sau thế chiến thứ hai, nhưng nó bị công kích vào giữa thập niên 60, khi một số đông học giả đặt vấn đề về tính rõ ràng, tính chặt chẽ và thẩm quyền của các ý niệm thuộc Thánh Kinh.

Mẫu Thức Lịch Sử Và Thánh Kinh

Mẫu thức lịch sử của thần học mạc khải, như chúng ta đã ghi nhận, đã xuất hiện trong hai hình thức hơi khác nhau. Trong hình thức “lịch sử cứu độ” của nó, nó bám lấy ý niệm của Thánh Kinh về lịch sử – vốn được hiểu như có tính qui phạm. Theo lý thuyết này, lịch sử Thánh Kinh kể lại những hành động của Thiên Chúa đối với dân mà Ngài tuyển chọn. Thánh Kinh đưa ra những giải thích có thẩm quyền thần linh về những biến cố đặc biệt mà Thánh Kinh diễn dịch là mạc khải. Mặc dù sự linh hứng không được thảo luận nhiều bởi những tác giả hàng đầu của trường phái này, sự linh hứng của Thánh Kinh – theo lý thuyết này – có thể được hiểu như khả năng của các tác giả để nhận ra, diễn dịch và giới thiệu các biến cố trong đó Thiên Chúa đã rộng ân vén mở chính Ngài. Thánh Kinh được xem là đáng tin cậy, thậm chí được xem là vô ngộ, không phải trong mỗi chi tiết nhưng là trong trình thuật của nó về lịch sử thánh. Những người Tin Lành và những người Công Giáo theo phương thức này tiếp tục bất đồng về tính đầy đủ của Thánh Kinh, về những tiêu chuẩn của tính qui điển, và về những nguyên tắc diễn giải. Cũng như trong mẫu thức xác định, trong mẫu thức Heilsgeschichte này những người Tin Lành khẳng định tính đầy đủ của Thánh Kinh trong khi những người Công Giáo dựa vào truyền thống Giáo Hội như một bổ sung cần thiết cho Thánh Kinh, thậm chí dù có lẽ truyền thống vốn được rút ra từ Thánh Kinh.

Hình thức thứ hai của mẫu thức lịch sử ít nại đến sự linh hứng và sự vô ngộ – dù thực tế nó không phi bác những ý niệm này. Nó chủ trương rằng mạc khải được ban cho trong chính những biến cố như được kể lại trong một bài đọc có cân nhắc của Thánh Kinh. Thánh Kinh được hiểu không phải là một quyển sách được linh hứng hay vô ngộ, nhưng như nguồn gốc nguyên thủy nhất mà chúng ta nắm được để xây dựng lại các biến cố mạc khải. Đặc biệt, biến cố Đức Giêsu Kitô được xem như chuẩn mực cho đức tin Kitô giáo.

Wolfhart Pannenberg, một đại biểu Tin Lành của phương thức “phê bình lịch sử” này, lập luận rằng điều tra cặn kẽ phía sau những bản văn Thánh Kinh là để tìm ra mối thống nhất của Thánh Kinh, vì các bản văn tự chúng không nhất quán. “Nội dung lịch sử đã được thống nhất hóa của Thánh Kinh, theo Luther, vốn là nền tảng của thẩm quyền Thánh Kinh, thì đối với ý thức lịch sử của chúng ta nội dung ấy không còn được tìm thấy trong các bản văn nữa nhưng chỉ được tìm thấy đàng sau chúng, nơi dung mạo của Đức Giêsu là Đấng được chứng nghiệm trong những bản văn rất khác nhau của Tân ước bằng những cách thế rất khác nhau và rất bất hòa hợp nhau. Từ một quan điểm Công Giáo, Hans Kung khẳng định rằng Thánh Kinh có giá trị chuẩn mực cho đức tin chỉ khi nó được dùng như một nguồn mạch để tiếp cận Đức Giêsu thực tế của lịch sử và tiếp cận sứ điệp nguyên thủy của Người.

Mẫu Thức Kinh Nghiệm Và Thánh Kinh

Có lẽ những nhà thần học theo mẫu thức kinh nghiệm là những người ít gắn kết với Thánh Kinh nhất xét như mạc khải. Nhiều người trong số họ cực lực phủ nhận rằng Thánh Kinh không phải là một kho chứa giáo lý mạc khải. Chẳng hạn, Auguste Sabatier đã viết: “Thoạt khi chúng ta phân biệt trong ý thức chúng ta giữa Lời của Thiên Chúa và những chữ trong Thánh Kinh, thì Lời của Thiên Chúa trở thành độc lập với mọi hình thức và mọi đảm bảo bên ngoài.” Tuy vậy Sabatier vẫn dựa vào Thánh Kinh để thiết định tính chóp đỉnh của mạc khải xảy ra nơi ý thức của Đức Giêsu. C.H. Dodd, người đến gần với mẫu thức kinh nghiệm trong một số những tác phẩm đầu tiên của mình, đã đề cao các tiên tri như là những thiên năng tôn giáo. Ông khẳng định: “Nơi vị sáng lập Kitô giáo, thiên năng tôn giáo đã đạt đến đỉnh cao nhất và trở thành một cái gì đó còn cao cả hơn.” Theo Dodd, Thánh Kinh có thẩm quyền vì các tác giả Thánh Kinh đã ghi ra kinh nghiệm của họ về Thiên Chúa trong linh hồn, hay về những liên hệ của Thiên Chúa với những gì đã xảy ra cho họ và cho dân tộc họ.

Dường như trong số những đại biểu của mẫu thức này chỉ một mình George Tyrrell khẳng quyết về sự khác biệt giữa kinh nghiệm mạc khải và linh hứng. Ông chủ trương rằng phạm trù mạc khải theo nghĩa chặt chỉ bao hàm kinh nghiệm mạc khải thôi, nhưng theo một nghĩa rộng thì gồm cả linh hứng nữa. Linh hứng là ân huệ bổ sung mà với nó một số người tiếp nhận mạc khải – trong thời kỳ trước cái chết của vị Tông Đồ cuối cùng – được thúc đẩy để diễn dịch những kinh nghiệm mạc khải của họ thành những biểu hiệu văn chương có khả năng gợi lên cũng những kinh nghiệm tương tự nơi độc giả của mình. Vì thời kỳ của linh hứng chính thức đã chấm dứt với cái chết của vị Tông Đồ cuối cùng, Tyrrell khẳng định, kho tàng mạc khải Kitô giáo đã đầy đủ và không thể phát triển thêm lên nữa.

Paul Tillich đã phê bình cả mẫu thức xác định lẫn mẫu thức lịch sử từ một quan điểm tương tự như quan điểm của các thần học gia mẫu thức kinh nghiệm. Ông dứt khoát chống lại mọi cách dùng Thánh Kinh như một nguồn có thẩm quyền của tri thức lịch sử hoặc tri thức lý thuyết. Ông chủ trương rằng lập trường duy Thánh Kinh của Tin Lành đã sai lầm trong việc dùng Thánh Kinh như một chuẩn mực như thế, thậm chí là chuẩn mực duy nhứt, của đức tin và thần học. Đúng hơn, chuẩn mực là quyền lực của Hữu Thể Mới, thể hiện nơi Đức Giêsu là Đấng Kitô. Kinh Thánh chuyển đạt hình ảnh mạc khải đầy quyền năng nầy, đó là một hình tượng của sự thánh thiện. Sự linh hứng của các văn sĩ Tân ước là sự chấp nhận của các vị ấy đối với Đức Giêsu là Đấng Kitô, và với Ngài, đó là sự chấp nhận đối với Hữu Thể Mới (Tạo vật mới). Theo đánh giá của Tillich, Cựu Ứơc không có tính chuẩn mực trực tiếp đối với người Kitô hữu.

Chắc chắn Tillich không phải là một đại biểu trung thực nhất của mẫu thức thứ ba. Ông đã nghiêm khắc phê bình phái Schleiermacher là đã xem kinh nghiệm tôn giáo như nguồn và như chuẩn mực. Theo Tillich, kinh nghiệm chỉ là trung gian qua đó mạc khải xảy đến. Nhưng vì ông làm cho trung gian ấy không thể tách biệt khỏi chuẩn mực, nên kinh nghiệm tôn giáo – đối với ông – trở thành rõ ràng chính thức. Thánh Kinh là tư liệu của mạc khải trong mức độ mà nó triển khai từ – và có sức khơi gợi ra – những kinh nghiệm mạc khải. Những kinh nghiệm nầy – mà ông diễn tả bằng những từ ngữ thuộc chủ nghĩa cá nhân và hiện sinh tùy thuộc nặng nề vào hiện tượngï luận tôn giáo của Rudolf Otto. “Vấn đề chủ yếu phải được đặt ra cho toàn bộ công trình thần học của Tillich là: qua việc ông chuyển dời trọng tâm của tầm quan trọng trong thần học của ông từ sự khơi gợi niềm tin tới sự khơi gợi thái độ – phải chăng ông làm cho lời rao giảng Kitô giáo được thần học của ông khuôn tạo nên thành khác hẳn với lời rao giảng Tân ước.”

Mẫu Thức Biện Chứng Và Thánh Kinh

Trong mẫu thức biện chứng tầm quan trọng hàng đầu được gán cho bài Kerygma, tức lời trình bày về Đức Giêsu được rao giảng trong Giáo Hội. Trong những tập đầu của tác phẩm “Tín lý Giáo Hội” của ông, Barth đã phát triển một giáo lý về Thánh Kinh hòa hợp với mẫu thức biện chứng theo như chúng ta đã trình bày. Theo ông thì Thánh Kinh – xét như hình thức chữ viết của lời nói – là “lời rao giảng được viết ra”; đó là “kho chứa đựng những gì đã từng được rao giảng bằng môi miệng con người.” Ông viết: “Thánh Kinh xét như là sự khởi đầu và lời rao giảng hiện nay xét như là sự tiếp tục của cùng một biến cố” thì thuộc về chỉ một công cuộc duy nhất. Barth chấp nhận sự linh hứng của Thánh Kinh – và thực sự đó là sự linh hứng thuộc khẩu truyền – nhưng ông thêm: “Thánh Kinh được linh hứng theo nghĩa chặt thì hoàn toàn không phải là một quyển sách có tính chỉ dẫn về mạc khải, nhưng là một chứng nhân của mạc khải.” Khi thông truyền lời Thiên Chúa bằng hình thức xa lạ của ngôn ngữ dễ sai lầm của con người, Thánh Kinh một trật vừa mạc khải vừa ẩn giấu. Theo Barth, sự linh hứng khẩu truyền “có nghĩa là ngôn ngữ dễ sai lầm của con người được Thiên Chúa sử dụng như thế và phải được đón nhận và được nghe bất chấp tính chất dễ sai lầm của con người.” Theo Barth, đúng ra Thánh Kinh không phải là “lời được mạc khải” – một từ ngữ ông dành riêng cho Đức Kitô Đấng mà Thánh Kinh và lời rao giảng của Giáo Hội đều làm chứng về Người – nhưng là sự chứng nghiệm căn bản nhờ đó Giáo Hội có được lời mạc khải. Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa khitrong mức độ mà Thiên Chúa tự do chọn lựa để ngỏ lời qua nó.

Vì thế, các sách qui điển Thánh Kinh là những sách mà trong đó Giáo Hội nghe Lời của Thiên Chúa, và trong đó Giáo Hội mong muốn được nghe lại Lời của Thiên Chúa lần nữa. Theo Barth, tính đồng nhất của các sách thánh không dựa vào một tiêu chuẩn bên ngoài nào nhưng chỉ dựa vào sự kiện rằng Lời Thiên Chúa tự thể hiện qua những sách này chứ không qua những sách khác. Theo nghĩa này thì Thánh Kinh có tính “autopistos” (tự chứng nghiệm). “Thánh Kinh tự thiết định mình thành qui điển.””

Giáo Hội khẳng quyết rằng mình nghe Thiên Chúa ngỏ lời trong một số quyển sách thì đó không phải là Giáo Hội đưa ra sự đảm bảo tuyệt đối rằng trong một tương lai nào đó Thiên Chúa có thể được nghe không phải trong những sách nầy mà sẽ là trong những sách khác. Vì thế Barth khẳng định rằng bộ qui điển Thánh Kinh chỉ được thiết định một cách tương đối. Vào thế kỷ XVI một số sách Thánh Kinh vốn trước đó được xem là Thánh Kinh đã bị loại trừ ra khỏi qui điển bởi những nhà cải cách, và trong tương lai người ta tin rằng bộ qui điển có thể sẽ được mở rộng hoặc được qui ước lại.

Trong khi Barth và các môn đệ ông có khuynh hướng nhấn mạnh đến nhu cầu của Giáo Hội phải đặt mình dưới những hình thức tư duy của Thánh Kinh để nghe được Lời của Thiên Chúa trong đó, thì Bultmann và những người đi theo ông – trong một triển khai khác của thần học biện chứng – đã nhấn mạnh đến công việc của Giáo Hội là phải dịch thông điệp Thánh Kinh thành thứ ngôn ngữ có thể được nhận hiểu bởi người thời nay. Chương trình giải trừ huyền thoại của Bultmann có thể được giải thích một cách tích cực trong tư cách là một đề nghị về lối giải thích có tính hiện sinh. Theo Bultmann, những gì là chuẩn mực và là mạc khải trong Thánh Kinh chính là sự tự thức của con người mà Thánh Kinh chất chứa. Đối với trường phái Bultmann, cũng như đối với trường phái Barth, mạc khải xảy ra trong một cuộc gặp gỡ Lời Thiên Chúa như được chứng nghiệm bằng Thánh Kinh.

Mẫu Thức Ý Thức Và Thánh Kinh

Không giống như những người theo mẫu thức một và bốn, những người thuộc mẫu thức thứ năm không tìm kiếm mạc khải trong Thánh Kinh hiểu như một kho chứa khách quan. Đối với họ, mạc khải xảy ra trong kinh nghiệm hiện tại như được soi sáng bởi các kiểu thức Thánh Kinh và các kiểu thức khác. Mạc khải trong tư cách là một tiến trình luôn tiếp tục thì không ngừng sản sinh những ý nghĩa mới cho Thánh Kinh. Trong khi Tillich mô tả kinh nghiệm không phải như một nguồn nhưng như một trung gian của mạc khải, thì thần học ý-thức-mới xem kinh nghiệm như một nguồn – tuy nhiên, kinh nghiệm được hiểu không phải một cách thường nghiệm duy chỉ là những dữ kiện cảm quan mà là có bao hàm một yếu tố giải thích trong đó.

Gregory Baum, một đại biểu quan trọng của quan điểm này, đã đề cập đến hai thể cách của việc tự truyền đạt có tính thần linh, tương ứng với hai luồng hoạt động thần linh là Lời và Thánh Thần. Ông khẳng định rằng Giáo Hội và các tín hữu tiếp xúc với chân lý của Thiên Chúa không chỉ qua Thánh Kinh mà còn qua kinh nghiệm riêng tư của mình về sự hiện diện của Thiên Chúa. Thánh Kinh, vì thế, không thể được mô tả là norma normans non normata, cơ hồ như nó là một dữ kiện khách quan mà mọi dữ kiện khác có thể được đo lường dựa vào nó. Ông viết: “Kinh nghiệm của Giáo Hội hoàn toàn có thể mở ra những viễn tượng mới, đặt ra những vấn đề mới, và dẫn dắt các Kitô hữu sau khi đọc lại Thánh Kinh tới những nhận thức mới vốn không được tìm thấy trong Thánh Kinh.” Tuy nhiên những nhận thức mới này phải được trắc nghiệm, được phê phán, và được hậu thuẫn bởi Thánh Kinh, vốn sản sinh “ý nghĩa cứu độ” khi được đọc lại và được giải thích trong ánh sáng của kinh nghiệm của cộng đoàn tin. Những từ ngữ bên ngoài được ghi chép trong Thánh Kinh có thể giúp cho người tin “khám phá những gì mà Lời bên trong của Thiên Chúa đang nói trong thẳm sâu của sự sống của Ngài và trong kinh nghiệm của cộng đoàn.””

Ray L.Hart, người theo Tin Lành Mỹ hiện nay, đã phát biểu theo cùng hướng tương tự. Ông chủ trương rằng kinh nghiệm thông thường của chúng ta được soi sáng và được hình thành bởi một số biến cố quá khứ vốn có khả năng giải thích tình hình hiện tại của chúng ta. Tuy nhiên, những biến cố có tính kiểu thức, không thể được đạt thấu tận tự thân của chúng, mà chỉ được đạt thấu trong tư cách là đã được “mã hóa bằng lời.” Theo quan điểm của ông thì những biến cố của lịch sử Thánh Kinh, được gửi gắm trong ngôn ngữ đầy hình tượng của Thánh Kinh, thì có tính quyết định. Thánh Kinh ấy được ông diễn tả là “sự lược đồ hóa chủ yếu của mạc khải xét như nền tảng, và do đó, là sự chú giải tất yếu cần thiết để đem lại mạc khải nhờ việc tái xét lại.” Điều xảy ra là, ông thêm, “chính với Thánh Kinh mà thần học không bao giờ ngừng lên đường.””

Trong tác phẩm mới đây của ông, Edward Schillebeeckx đã cố tìm cách sát nhập những nét tốt nhất của mẫu thức “ý thức mới” vào trong một tổng hợp đề vốn đã được làm phong phú bởi những cố gắng trước đó của ông trong việc liên kết phương thức của tân phái Thôma và phương thức “lịch sử cứu độ.” Một cách nào đó có thể toát lược lập trường hiện nay của ông như sau: Sự linh hứng của Thánh Kinh nguyên thủy vốn có nghĩa chỉ khả năng của một số bản ghi chép có thể thúc đẩy cộng đoàn tôn giáo khám phá ra chân tướng của mình. Thẩm quyền của Thánh Kinh nguyên thủy có vai trò linh hứng cho những kinh nghiệm mới về ơn cứu độ được truyền đạt qua các bản văn này. Về sau, luận lý ấy được lật ngược lại. Thánh Kinh được hiểu là giữ thẩm quyền chính thức vì đã được linh hứng bởi Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự nghịch đảo luận lý nầy thì không hợp lẽ. Bởi vì toàn bộ hoạt động Kitô giáo đã được Đức Giêsu thúc đẩy trong tư cách là sứ giả của Thiên Chúa, Tân ước (và cũng vậy, những sách khác của Thánh Kinh) có thể được hiểu là đã được thần linh linh hứng.

Về qui điển thì Schillebeeckx hiểu là những bản văn căn bản mà cộng đoàn Kitô hữu đã nhìn nhận là chuẩn mực cho chân tướng của mình. Theo sự quyết định của mình về qui điển thì Giáo Hội đã rèn đúc cho mình một khí cụ mà nhờ đó có thể liên kết các tân tòng – về mặt sư phạm, đạo đức và xã hội – vào trong tập thể mà chân tướng của nó đã được xác định theo những bản văn này. Mặc dù những phân ranh của bộ qui điển xem chừng vẫn còn chưa rõ rệt, sự ấn định của Giáo Hội về qui điển qua các thế kỷ rồi đã chứng tỏ rằng đó không chỉ là điều cần thiết mà còn là điều rất có hiệu quả. Schillebeeckx kết luận rằng Thánh Kinh có thể được xem là một “thành phần của ân sủng.” Mọi sự phát triển trong Giáo Hội phải nằm trong phạm vi của memoria Iesu như được trình bày trong Tân ước.

Theo Schillebeeckx điều này không có nghĩa rằng những tuyên bố riêng rẽ trong Thánh Kinh phải được chấp nhận mà không cần phê bình. Chính các tác giả Thánh Kinh đã phê bình các tác phẩm của nhau. Cái mà thông thường được hiểu là lối giải thích bảo thủ về Thánh Kinh thì thật sự là một sự cách tân; nó là một phản ứng chống lại sự thách đố mới của ý thức phê bình lịch sử, và theo nghĩa đó thì nó là một “chủ trương duy tân.” Chính Schillebeeckx đã ưa chuộng một phương thức “hậu phê bình” hướng đến việc tái lập giá-trị-dấu-chỉ của những câu chuyện mà ngày nay chúng ta không thể tin đó là những câu chuyện thật trong lịch sử.

Việc bắt đầu với Thánh Kinh không thôi, xét như là một khởi điểm tuyệt đối – theo quan điểm của Schillebeeckx – là điều không thể được. Chúng ta không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc đọc Thánh Kinh trong một bối cảnh đương thời và dựa vào bối cảnh của ký ức quá khứ. Vì chính Thánh Kinh soi chiếu những kinh nghiệm đức tin của các nhóm Kitô hữu sơ khai nên định thức “duy Thánh Kinh” của Tin Lành và chủ trương “Giáo Hội là chuẩn mực” của Công Giáo đều đúng. Những người Tin Lành và những người Công Giáo hôm nay có thể nhất trí rằng Tân ước có thẩm quyền độc nhất trong tư cách là “thiết kế viên của Giáo Hội hay là tư liệu nền tảng.””

Sự Thông Truyền Bằng Biểu Hiệu Và Khoa Tu Từ Thánh Kinh

Vậy thì, đâu là mối liên hệ giữa Thánh Kinh và mạc khải? Phải chăng Thánh Kinh là một quyển sách có thẩm quyền thần linh, chất chứa rõ ràng chính Lời của Thiên Chúa (mẫu thức một)? Phải chăng Thánh Kinh giúp người ta đạt thấu những biến cố trong đó mạc khải được ban cho (mẫu thức hai)? Phải chăng Thánh Kinh trình bày và đem lại những kinh nghiệm trực tiếp về thần linh trong sâu thẳm tâm lý con người (mẫu thức ba)? Phải chăng Thánh Kinh một trật vừa mạc khải vừa giấu ẩn Thiên Chúa là Đấng mà nó làm chứng cho bằng ngôn ngữ dễ sai lầm của con người (mẫu thức bốn)? Hay là Thánh Kinh cung cấp những kiểu thức giúp chúng ta có thể diễn dịch lịch sử và hoàn cảnh của chính chúng ta trong ánh sáng của kế hoạch và những mục đích của Thiên Chúa (mẫu thức năm)?

Với hoài bão giải quyết một số điểm khác biệt giữa những lý thuyết đang tồn tại, chúng ta có thể chuyển sang luận đề căn bản về mạc khải xét như sự thông truyền bằng biểu hiệu. Như chúng ta đã ghi nhận, Thiên Chúa truyền đạt cả bằng những thực tại có tính biểu hiệu lẫn bằng những hình ảnh được linh hứng nhờ đó những người tin diễn tả ý nghĩa mà họ nhận ra trong những thực tại ấy. Sự linh hứng và chân lý của Thánh Kinh có thể được hiểu tốt hơn trong liên hệ với hai loại biểu hiệu nầy không?

Austin Farrer nhấn mạnh đến tính hình tượng của Thánh Kinh. Ông viết: “Chất liệu của sự linh hứng là những hình ảnh sống động.” Những hình ảnh này – trong mức độ mà chúng sống động và hoạt động trong tâm trí của các văn sĩ Thánh Kinh – đã tạo ra văn chương được linh hứng. Tuy nhiên, không phải tất cả Thánh Kinh được linh hứng. Những phần trong Thánh Kinh chứa đựng những trình thuật lịch sử đơn thuần thì đúng hơn phải gọi là những thông tin về những sự kiện cứu độ hơn là những linh hứng – song thật khó mà rút ra những phần đó, Farrer nói thêm, bởi vì những hiệu quả của sự linh hứng vẫn được thấy rộng rãi trong những đoạn văn về lịch sử.

Để lấy lại những đúng đắn của sự hình tượng, Farrer đã đề ra một chức năng có tính dấu chỉ. Mạc khải của Thánh Kinh không có tính xác định trong mọi trường hợp; mạc khải ấy có thể được chuyên chở bằng những hình ảnh được linh hứng. Nhưng Farrer nhận ra rằng những hình ảnh này tự chúng không đủ; chúng có tính mạc khải vì chúng có liên quan đến những biến cố thực. “Chắc chắn là những biến cố mà không có những hình ảnh thì không phải là mạc khải chi cả, còn những hình ảnh mà không có những biến cố thì vẫn chỉ là những bóng tối mây che.””

Ở đây chúng ta có thể trình bày một uẩn khúc trong lý thuyết của Farrer về sự linh hứng. Phải chăng là cần thiết việc tháo gỡ những đoạn văn về lịch sử – trong mức độ mà những đoạn văn này mô tả chi tiết về những gì đã xảy ra? Nếu những biến cố ấy là thành phần của lịch sử hoạt động của Thiên Chúa đối với dân Ngài, thì sự thúc đẩy làm cho chúng thành sự trình bày bằng văn chương hoàn toàn có thể là sự linh hứng. Vì sự linh hứng, như được hiểu trong thần học hiện nay, không thiết yếu phải là những hình ảnh hay ý niệm được Thiên Chúa rót vào tâm trí của các văn sĩ thánh. Chỉ cần tiến trình biên soạn được định hình bởi các biến cố mạc khải là đã đủ, sao cho sự tự vén mở của Thiên Chúa – xét như một kết quả – được ghi lại xác thực và có thể tin cậy.

Như vậy, mạc khải và sự linh hứng có thể được hiểu là có liên quan nội tại với nhau. Mạc khải – khi đã bắt rễ trong tâm trí và đời sống con người – sẽ tìm ra con đường của nó để kết đọng thành văn chương. Các quyển sách được linh hứng trong mức độ mà mạc khải điều động tiến trình khách thể hóa thành văn chương. Trong một số trường hợp, các tác giả được thúc đẩy để dạy, thậm chí bằng hình thức rõ ràng, về những biến cố đã qua và ý nghĩa của chúng. Trong những trường hợp khác, các vị ấy có thể được thúc đẩy để tự trình bày chính mình bằng thi ca, kịch nghệ, lời hứa, hoặc lời khẩn cầu. Sự linh hứng của phạm trù này không kém hơn so với sự linh hứng trong phạm trù kia. Sự linh hứng ấy vận dụng mọi phương thế nhờ đó dân Thiên Chúa, tại một tình trạng phát triển nhất định nào đó của mình, được thúc đẩy để khách thể hóa chính mình và đức tin của mình bằng hình thức chữ viết ngõ hầu có thể trở nên chuẩn mực cho đức tin của các thế hệ  sau này.

Gắn kết với truyền thống lâu đời của giáo lý về sự linh hứng – có những khẳng định rằng Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh và Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa trong hình thức chữ viết. Những trình bày ấy có thể được hiểu đúng – mặc dù chúng có thể dễ dàng dẫn đến những giải thích sai lầm thuộc chủ trương “fundamentalism” (hiểu Thánh Kinh cách duy mặt chữ). Rõ ràng là hạn từ “tác giả” có nghĩa là người làm ra và chịu trách nhiệm. Thiên Chúa là tác giả trước hết của dân Ngài. Nhưng vào một thời mà chữ viết đã trở thành một phương tiện quan trọng để thiết lập và bảo vệ cộng đoàn thì vai trò tác giả của một cộng đoàn đức tin – trong tư cách là một động năng nội tại – có liên quan đến việc sản xuất những bản văn diễn đạt đức tin ấy. Khi quyết định  làm tác giả của một dân tộc đức tin trong một thời kỳ văn chương, Thiên Chúa đồng thời cũng quyết định làm “tác giả”  của những văn phẩm tôn giáo. Điều này càng rõ ràng đúng hơn nữa nếu Thiên Chúa muốn cho cộng đoàn ấy vào một thời điểm nào đó trong lịch sử của nó trở thành kho chứa đựng mạc khải chuẩn mực thường hằng của Thiên Chúa về chính Ngài nơi Con của Ngài.

Thật không dễ xác định đặc biệt chính xác loại tác động mà Thiên Chúa thực hiện khi tiến hành biên soạn những quyển sách. Truyền thống vẫn xem hoạt động của Ngài là một nguyên nhân tác thành, sử dụng các tác giả nhân loại như những dụng cụ. Thần học hiện đại, trong khi khẳng quyết rằng các văn sĩ Thánh Kinh không phải là những thư ký của Thiên Chúa nhưng là những “tác giả thực,” đã tránh né phạm trù nguyên nhân dụng cụ. Như tôi đã gợi ý trước đây, phạm trù về sự điều khiển bên lề của Polanyi có thể hữu ích trong sự nối kết này.

Tư cách tác giả Thánh Kinh là một vấn đề đặc biệt nằm trong một vấn đề rộng lớn hơn về cách thế mà sự tác động của Thiên Chúa trong trật tự ân sủng – đúng hơn là sự giảm thiểu trách nhiệm của con người – làm tăng triển nó. Nếu chúng ta không quên rằng Thiên Chúa nội tại trong toàn thể thụ tạo và Thiên Chúa tác động bất cứ khi nào một tác nhân thụ tạo hoạt động, thì sẽ không khó nhận ra cách thế mà ân sủng của Thiên Chúa có thể hiện diện và hoạt động thực sự mà không câu thúc hoạt động nhân loại của những kẻ “hợp tác.” Ân sủng là sự tự thông truyền sống động của Thiên Chúa, và vì thế những gì triển khai từ một ý thức thuộc ân sủng đều là triển khai từ chính Thiên Chúa. Sự tự diễn đạt bằng biểu hiệu của dân tộc mà Thiên Chúa truyền đạt chính Ngài cho, trong mức độ mà nó cho biết những gì Thiên Chúa tự truyền đạt, thì cũng là sự tự diễn đạt của chính Ngài. Những ghi chép mà qua đó dân của Thiên Chúa và những vị lãnh đạo tinh thần của dân ấy trình bày rõ ràng những gì mà ân sủng giúp họ nắm hiểu hay hình dung được thì – theo  một ý nghĩa có tính vượt trên ẩn dụ – có thể được gọi là Lời Thiên Chúa. Tôi tin rằng lý thuyết biểu hiệu này về sự linh hứng sẽ rất có ích để hiểu được sự hình thành qui điển. Qui điển Thánh Kinh không được định đoạt bằng một quyết định độc đoán của Giáo Hội hay bằng một tuyên bố kỳ bí về danh sách những quyển sách được linh hứng. Sự tuyển lựa được thực hiện bởi Giáo Hội khi Giáo Hội xem xét chất lượng của chính những quyển sách ấy. Trong việc phê chuẩn những gì sẽ là Tân ước, Giáo Hội đã dựa vào sự gần gũi trước hết của nó với Thiên Chúa, được rút lấy qua những sách Thánh Kinh Do Thái và qua truyền thống Tông Đồ. Khi qui điển trở nên đầy đủ hơn, Giáo Hội có những tiêu chuẩn đầy đủ hơn để phê chuẩn tính qui điển của những sách còn lại. Trong khi ấn định bộ qui điển, Giáo Hội cũng đồng thời thẩm đoán những quyển sách và trình bày sự tự thức về mình. Đối với Giáo Hội việc chấp nhận những quyển sách khác nhau hẳn là việc tự xác nhận mình bằng những cách khác nhau.

Trong khi chấp nhận bộ qui điển Thánh Kinh, Giáo Hội không đặt mình dưới một chuẩn mực ngoài mình (heteronomous), tuy vậy Giáo Hội vẫn khước từ sự hoàn toàn tự động. Bằng cách dùng chính chân tướng mà Thánh Kinh đem lại cho mình, Giáo Hội qui phục một cách ý thức trước tiếng gọi của Thiên Chúa để trở nên một dân đặc biệt. Như David Kelsey phát biểu: “Bảo rằng đấy là Thánh Kinh của chúng tôi là bảo rằng “đây là những bản văn đem lại cho chúng tôi lời hứa và tiếng gọi xác định chân tướng cộng đoàn chúng tôi”. Đó là một diễn tả tự “liên hệ về chính mình”.” Rahner cũng phát biểu rất tương tự: “Giáo Hội, đầy tràn Thánh Thần, nhận ra bởi “tính đồng bản tính” rằng một văn phẩm nào đó là thuộc về trong số những văn phẩm phù hợp với bản tính của mình.” “Yếu tính hiện thực hoàn toàn và cụ thể của Giáo Hội có bao gồm Thánh Kinh; Thánh Kinh là một thành tố của Giáo Hội.””

Đối với Giáo Hội, Thánh Kinh có tính chuẩn mực, và trong khi đặt mình trong chuẩn mực ấy, Giáo Hội mặc nhiên khẳng định rằng theo một ý nghĩa nào đó thì Thánh Kinh không sai lầm. Vì Giáo Hội không thể an nhiên ràng buộc mình vào một chuẩn mực mà Giáo Hội đánh giá là không thể tin cậy. Nói rằng Thánh Kinh có tính qui điển thì không phải nhất thiết là bảo rằng mọi câu chữ trong Thánh Kinh đều không bị sai lầm, nhưng đó là tuyên nhận rằng Thánh Kinh, khi được dùng đúng đắn, sẽ đem lại chân lý cứu độ. Bởi vì – và trong mức độ – đó là lời Thiên Chúa, nó có thể được tin cậy để đem Giáo Hội vào mối hiệp thông sâu hơn với Ngài.

Thánh Kinh là một tác phẩm đa chiều kích. Nó chứa những tuyên bố giáo lý, những trình bày lịch sử, những biểu hiệu hiện sinh, những thơ ca, dụ ngôn, kịch nghệ, những huấn đức, những đe loi có tính khải huyền, và những lời hứa cánh chung. Những cuộc tranh luận gay gắt đã nổi lên về vấn đề rằng mối thống nhất phải được tìm thấy ở đâu – nếu quả là có mối thống nhất. Phải chăng nó ở trong giáo lý, trong liên tục tính của lịch sử, trong sự vén mở thần nhiệm, trong đòi hỏi hiện sinh, trong một chân trời hi vọng, hoặc tại đâu đó khác? Cũng như Luther trước họ, các nhà thần học biện chứng tìm thấy mối thống nhất của Thánh Kinh nơi con người của Đức Kitô, Đấng mà Cựu Ứơc cho thấy là Đấng sẽ đến và Tân ước cho thấy là Đấng đã (và đang) đến. Tuy nhiên, luận điểm này kéo theo với nó một số khó khăn về mặt chú giải – liên quan đến những bản văn Tân cũng như Cựu Ứơc xem chừng không qui chiếu về Đức Giêsu. Dường như rõ ràng là hoặc nó dẫn tới một khoa chú giải bất tương đáng hoặc nó dẫn tới việc thiết lập một “qui điển trong qui điển.””

Một phạm trù có sức thống nhất bao quát hơn do phương thức biểu hiệu của chúng ta đề ra, đó là sự tự diễn tả của Thiên Chúa. Thánh Kinh xét như một toàn thể có thể được thấy là “trình bày Thiên Chúa” theo ý nghĩa rằng nó phác vẽ cho thấy Ngài là ai và Ngài muốn gì đối với các thụ tạo của Ngài. George Lindbeck viết: “Sự diễn tả căn cơ về Thiên Chúa chính là qua những câu chuyện của Israel, biến cố Xuất Hành, và Cuộc Sáng Tạo. Vì thế sự diễn tả căn cơ nầy được hoàn bị hay được kiện toàn bởi những câu chuyện về cuộc sống, sự chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu, nhưng những câu chuyện vừa kể sau ở trên phải được đọc trong bối cảnh của những câu chuyện đi trước.” Nói thế không có nghĩa là phủ nhận Đức Giêsu – như Barth diễn tả – là hình ảnh và phản ảnh của tiếng ưng thuận thần linh đối với con người và vũ trụ của con người.” Đối với người Kitô hữu, những sự giải thích về cuộc sáng tạo, về biến cố Xuất hành và về lịch sử của dân Israel – có được ý nghĩa đầy đủ của chúng trong bối cảnh biến cố Đức Kitô.

Trong tư cách là một tư liệu lịch sử của con người, Kinh Thánh có thể được đọc bởi bất cứ ai có đủ năng khiếu về lịch sử và văn chương cần thiết, nhưng trong tư cách là “sự trình bày Thiên Chúa” thì Thánh Kinh đòi người ta phải có những năng khiếu thuộc tôn giáo. Để có thể liên kết được những chìa khóa (clues) của Thánh Kinh sao cho có thể tìm thấy Thiên Chúa trong chúng, chúng ta phải có những năng khiếu cùng một loại – dù không nhất thiết phải cùng đẳng cấp – với các tác giả đã được linh hứng. Trên tất cả, ta phải hướng sự chú ý của mình về Thiên Chúa đúng hơn là chú ý vào bản thân những chìa khóa ấy. Như Thomas Torrance nhận thấy, “những dấu chỉ hay những lời hoàn thành chức năng ngữ nghĩa của chúng một cách đúng đắn khi chúng ta đi ra khỏi chúng để bước vào bên trong những thực tại mà chúng diễn tả hay hướng đến.” Áp dụng điều này vào Thánh Kinh, ông tiếp tục trình bày rằng Thánh Kinh “tự xóa nó đi trước tính cách trực tiếp và tính cưỡng bách của việc tự mạc khải của Thiên Chúa.””

Trở Lại Với Các Mẫu Thức

Trong khi khẳng quyết về vai trò có tính giáo lý, mẫu thức xác định đã tạo ra một điểm vững chãi và quan trọng. Thánh Kinh không thể bị giảm trừ đến chỉ còn là những biểu hiệu chứa đựng một ấn tượng thuần túy có tính hiện sinh. Ngay cả dù mạc khải – như chúng ta đã nhìn nhận – bật lên từ sự thông tin có tính khơi gợi, nó vẫn không khư mhư gắn chặt vào giai đoạn tiền niệm. Trong những thời kỳ Thánh Kinh, con cái Israel và các Kitô hữu vốn đã diễn tả niềm tin của mình bằng những định thức tuyên tín, bằng những tuyên bố có tính lịch sử, và cuối cùng, bằng những khẳng định có tính giáo lý với một sự diễn tả có tính suy tư nhiều hơn. Nếu chúng ta không tin vào giáo huấn xác định của Thánh Kinh, thật khó lòng mà chúng ta đặt sự tín thác của mình vào những nhân vật và những biến cố của lịch sử Thánh Kinh, hay thậm chí khó lòng tín thác vào Thiên Chúa là Đấng mà Thánh Kinh làm chứng.

Phương thức giáo lý, mặc dù hoàn chỉnh trong một số giới hạn, vẫn cần phải được bổ sung bởi phương thức biểu hiệu bởi vì chân lý của Thánh Kinh thì phong phú hơn nhiều so với giáo huấn xác định của phương thức này. Thiên Chúa đích thân hiện diện bằng ân sủng cứu chuộc của Ngài khi các biến cố có tính biểu hiệu của lịch sử cứu độ được diễn dịch đúng đắn và khi người ta đọc được ngôn ngữ biểu hiệu của Thánh Kinh. Ngay cả những câu tuyên bố xác định đều là những sự tự diễn tả của các cá nhân và các cộng đoàn chuyển đạt đức tin riêng và chung của họ. Những trường phái và những văn sĩ đa dạng đóng góp vào truyền thống Thánh Kinh có thể được xem như là việc phản ảnh – luôn một cách bất tương hợp – về một đức tin vượt quá năng tri của bất cứ chứng nhân nhân loại nào. Những câu tuyên bố cá nhân của họ phải được giải thích dựa theo mối tương quan của chúng với đức tin đang phát triển của dân Thiên Chúa. Thuyết vô ngộ trước đây – vốn có khuynh hướng tập chú vào những tuyên bố cá lẻ lấy ra từ văn cảnh có tính lịch sử và qui điển – thì quá nặng tính cách nguyên tử thuyết (atomistic).

Thần học Thánh Kinh giữa thế kỷ 20, bằng cách tập chú đến những luận đề Thánh Kinh đang phát triển, đã thoát ra khỏi sự cứng nhắc của phương thức xác định trước đây và – về nhiều điểm – đã tiến rất gần tới cách hiểu có tính biểu hiệu về Thánh Kinh mà những trang này đang bênh vực cho. Nhiều công trình nghiên cứu từ ngữ Thánh Kinh của thời kỳ đó quả thực là những nghiên cứu về các biểu hiệu đang phát triển. Qua việc suy tư về những buổi đầu của Cựu Ứơc trong ánh sáng của dòng lịch sử dài về sự sửa đổi và sự hoàn tất, thần học Thánh Kinh của thế kỷ chúng ta đã tái vãn hồi những luận đề cổ điển như “khoa chú giải thiêng liêng” của các giáo phụ và các lectio divina của các đan sĩ thời trung cổ, những người đã cố gắng tìm cách đọc Thánh Kinh trong ánh sáng của kinh nghiệm hiện tại về Chúa Thánh Thần. Mặc dù không thoát khỏi một số cường điệu, khoa thần học Thánh Kinh này đã đạt được những kết quả vững chắc có lẽ sẽ được đánh giá tốt hơn khi người ta đặt trong viễn tượng của làn sóng phê bình mới đây.

Mẫu thức lịch sử, giống như mẫu thức giáo lý xác định, có thể được kết hợp một cách có triển vọng với phương thức biểu hiệu. Nếu Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài xuyên qua lịch sử, thì Ngài làm điều đó qua những biến cố có tính biểu hiệu; và nếu những biến cố này phải có tính mạc khải đối với những thế hệ sau, thì chúng phải được giải thích lại bằng ngôn ngữ chuyên chở ý nghĩa cứu độ của chúng. Giòng chuyển động của “lịch sử cứu độ” đã cố gắng bằng cách thế của mình để bảo toàn mối duy nhứt giữa các biến cố mạc khải và ngôn ngữ mạc khải của Thánh Kinh. Những cuộc điều tra có tính phê bình lịch sử mới đây, bằng cách tái lập những bước kế tiếp nhau của các biến cố mạc khải nguyên thủy, xuyên qua những chặng đường khác nhau của việc công bố và việc chuyển đạt bằng lời, đến những giải thích có tính qui điển chung cuộc, đã làm phong phú rất nhiều cho sự hiểu biết của chúng ta về các bản văn. Trong ánh sáng của sự nghiên cứu phê bình như thế, thật dễ hơn cho người ta trong việc nhận ra nhiều bình diện ý nghĩa trong một diễn từ hay một biến cố đơn độc như được trình thuật lúc đầu tiên, như được thông chuyển trong truyền thống, và như được đón nhận bởi các tác giả Thánh Kinh.

Cần phải tránh hai thái cực. Một là khuynh hướng – như có thể ghi nhận thấy trong một số công trình phê bình lịch sử – giảm trừ mọi sự đến chỉ còn những sự kiện cứng nhắc, cơ hồ như sự giải thích đức tin và tính biểu hiệu văn chương là một cái gì không thiết yếu và thậm chí có tính sai lạc. Trong nhãn giới của những gì đã nói về giáo lý và tính hình tượng, rõ ràng là mạc khải sẽ không có được hay không trọn vẹn được nếu không có những cấu tố này.

Một thái cực khác đó là cho rằng vì thần thoại và biểu hiệu có tính mạc khải nên các sự kiện không hề quan trọng tí nào. Trong chương nói về biểu hiệu chúng ta đã chỉ ra rằng các sự kiện cũng có thể là những biểu hiệu, và rằng trong trường hợp sự quan phòng có tính cứu độ của Thiên Chúa, các sự kiện về những gì Ngài đã làm có năng lực mạc khải hơn nhiều so với những tưởng tượng về những gì có lẽ Ngài đã làm.

Các tác giả Thánh Kinh, chắc hẳn, không quan tâm nhiều đến việc vạch một đường rạch ròi giữa lịch sử và dụ ngôn, giữa sự tuyên bố rõ ràng và sự ẩn dụ, mặc dù những bản văn như 2Pr 1, 16 (về đặc tính phi thần thoại của Sự Hiển Dung) đôi khi được người ta nhận thấy. Ngay cả khoa chú giải chuyên nghiệp, với tất cả những phương tiện kỹ thuật của công trình nghiên cứu hiện đại, vẫn thường không có khả năng tạo lập một sự phân biệt rõ ràng. Trong Thánh Kinh, tiên vàn, Thiên Chúa trao cho chúng ta một chứng từ tôn giáo, còn nguồn sử liệu chỉ có tính phụ tùy. Chúng ta có thể biết những nét khái quát của công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, và một  những sự kiện đặc biệt, nhưng trong nhiều điểm thì lòng khát khao nắm thông tin chính xác của chúng ta vẫn không được thỏa mãn.

Mẫu thức kinh nghiệm như được phát triển trong những thập niên đầu của thế kỷ nầy thì chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi khoa tâm lý cá nhân, thường nghiệm. Nó dửng dưng với những nối kết cần thiết giữa kinh nghiệm và sự diễn tả, giữa những thành tựu của thiên tài với môi trường xã hội. Một tri thức luận phù hợp hơn, chú ý đến đặc tính thiết yếu lịch sử và xã hội của mạc khải, có thể hoàn thiện và điều chỉnh nhiều luận đề của mẫu thức này. Sabatier và các nhà Duy tân, và gần đây hơn là Tillich, đã có cơ sở để chủ trương rằng ngôn ngữ biểu hiệu của Thánh Kinh bật ra từ kinh nghiệm mạc khải và rằng ngôn ngữ ấy có thể đem lại các kinh nghiệm mạc khải nơi những ai đọc chúng trong đức tin. Những điểm này có thể được tạo ra một cách còn hữu hiệu hơn nữa trong cách diễn tả của một khoa thần học vốn đem lại cho các biểu hiệu tôn giáo một sức nặng tri thức nhiều hơn. Những người theo mẫu thức kinh nghiệm có khuynh hướng vượt qua giá trị mạc khải của những tuyên bố xác định là những tuyên bố vốn phản ảnh và sống nhờ vào các biến cố mạc khải nguyên thủy.

Mẫu thức biện chứng, trong cách tiếp cận Thánh Kinh của nó, nêu ra một chiều kích quá dễ mập mờ trong biểu hiệu – đó là, năng lực mạc khải của Thánh Kinh tùy thuộc vào sự hiện diện và hoạt động không ngừng của Thiên Chúa trong bối cảnh mà Thánh Kinh được đọc hay được công bố. Nhìn trong ánh sáng này, Thánh Kinh có thể được gọi không những chỉ là một lá thư của Thiên Chúa (như cách gọi của một số văn sĩ Giáo Hội ngày xưa) nhưng còn là một cách thức để Thiên Chúa tự truyền đạt trong hiện tại. Sự linh hứng của Thánh Kinh, vì thế, có ý nghĩa gì đó còn hơn là sự linh hứng của các tác giả Thánh Kinh. Barth đã rất có lý để nhấn mạnh rằng Thiên Chúa, làm việc xuyên suốt Thánh Kinh, đã linh hứng cho những người nói và những người nghe lời Ngài. Gần như là bằng ngôn ngữ của Barth, Vatican II đã hậu thuẫn ý tưởng này: “Vì trong các sách thánh, Chúa Cha trên trời gặp gỡ các con cái Ngài với tình yêu bao la và Ngài ngỏ lời với họ; và sức mạnh và tiềm năng trong Lời Thiên Chúa thì lớn lao đến nỗi nó vẫn còn duy trì sự nâng đỡ và nghị lực cho các con cái, đó là lương thực của linh hồn, là nguồn nguyên tuyền và bất tận của sự sống tâm linh…””

Những nhận hiểu quan trọng này, mà thần học hiện đại mắc nợ chủ yếu đối với các thần học gia biện chứng, thì không đối nghịch lại với lý thuyết thông truyền bằng biểu hiệu được đề ra trong tác phẩm này. Nếu quả thật thân thể con người, với ngôn từ và thái độ của nó, là một biểu hiệu sống động của bản ngã, thì cũng là điều thực không kém rằng Thánh Kinh – trong đó Thiên Chúa tự đi vào trong “lời nói” và “chữ viết” – là một biểu hiệu hữu hiệu về Thiên Chúa Đấng linh hứng Thánh Kinh. Xét như là một trung gian gặp gỡ, Thánh Kinh thông truyền một ý nghĩa sâu hơn và phong phú hơn so với ý nghĩa mà ngôn từ có tính tri thức thông thường có thể chuyên chở được. Xét như là một biểu hiệu được linh hứng, Thánh Kinh qui hướng về Thiên Chúa là nguyên ủy. Barth và các đồ đệ của ông, với khoa chú giải qui thần, duy trì sự gắn bó với những dự phóng rõ ràng của Thánh Kinh hơn so với các người thuộc phái Bultmann với sự giảm trừ có tính hoàn toàn hiện sinh của họ.

Mẫu thức “ý thức mới” cố gắng tìm cách tránh chủ nghĩa duy khách quan và mọi thứ “duy” khác mà các mẫu thức khác lụy thuộc vào. Mẫu thức này phải được đánh giá cao vì sự khẳng quyết của nó rằng Thiên Chúa không bao giờ chỉ là Thiên Chúa của kinh nghiệm tôn giáo hay của lịch sử thánh, của Thánh Kinh hay của Giáo Hội. Trong tư cách là Chủ Tể của thế giới, Thiên Chúa phải được tìm kiếm trong toàn bộ cuộc sống và kinh nghiệm. Khi tuyên bố như vậy, các nhà thần học thuộc mẫu thức thứ năm thường tiến tới chấp nhận rằng chúng ta không thể nhận ra vị Thiên Chúa nầy trong lịch sử của chính chúng ta nếu như lịch sử ấy không chịu nhận những biến cố có tính kiểu thức và những giải thích có tính tiên tri được thấy trong Thánh Kinh. Những hồi ức có sức khích lệ của lịch sử Thánh Kinh soi sáng cho những sự phấn đấu và những khát vọng của chính chúng ta. Mẫu thức ý thức, khi được hiểu trong ánh sáng của sự truyền đạt bằng biểu hiệu – có những sự gắn bó gần gũi với mẫu thức lịch sử – bởi vì những “trường hợp vén mở” của lịch sử Thánh Kinh cung cấp một cái khung trong đó chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa mới trong cuộc đời của chính chúng ta.

Mẫu thức thứ năm có chiều hướng nhấn mạnh đến tính linh động của việc giải thích. Độc giả, với những chân trời của mình được ấn định bởi kinh nghiệm hiện tại, tìm đến Thánh Kinh để tìm thấy những chất liệu có thể ngỏ lời với  – hay được thúc đẩy để ngỏ lời với – hoàn cảnh hiện tại. Trong khi đây có thể là một thủ tục có giá trị, thì đồng thời – trên nguyên tắc – cũng là một thụ tục có thể được áp dụng cho bất cứ một văn chương đúng nghĩa nào. Như Hans – Georg Gadamer đã cho thấy, đặc điểm nổi bật của một bản văn cổ điển hay qui điển đó là khả năng mà nó tự giải thích chính nó và nói được điều gì đó cho mọi thế hệ. Thánh Kinh, xét như một bản văn qui điển, thì không chỉ là một vựa chất liệu để cho người ta nặn đúc theo những góc nhìn của độc giả. Như các nhà thần học biện chứng khẳng quyết, đó là một khí cụ trong tay Thiên Chúa, Ngài nói với Giáo Hội của Ngài qua Thánh Kinh. Thánh Kinh hình thành ý thức của các độc giả của nó, đem lại chân trời riêng của nó, và qua đó hình thành một truyền thống diễn dịch. Độc giả Kitô giáo, sống trong truyền thống ấy, sẽ cho phép Thánh Kinh xây dựng khung ý nghĩa của riêng nó, hình thành, cải cách và thay đổi các độc giả của riêng nó. Khả năng đã được chứng minh của Thánh Kinh trong việc mở rộng và ổn định cái nhìn của những ai nhận chịu năng lực của nó là một trong những lý do cắt nghĩa tại sao nó trở nên được chấp nhận là được linh hứng.

Một khi người ta nhận hiểu điều ấy thì người ta cũng phải nói – như Gadamer – rằng ý nghĩa của bản văn cổ điển và của các biểu hiệu của nó thì không bao giờ tĩnh tại. Chúng ta tiếp cận bản văn ấy không phải với sự tồn cổ theo cảm tính lãng mạn, cơ hồ như chúng ta phải tóm bắt lại ý nghĩa trong đầu óc của các văn sĩ thuở đầu tiên; nhưng chúng ta tiếp cận bản văn từ một khoảng cách, như chúng ta đọc trong bối cảnh của một thế giới đã đổi thay. Bởi vì chúng ta khác nhau, nên chúng ta nhận hiểu bản văn theo cách thế khác nhau, hoặc giả chúng ta không hiểu bản văn ấy chi cả. Sự cách bức về thời gian không phải là một vực thẳm phải được vượt qua, mà chính là cơ hội đem lại sự nhận hiểu khả dĩ hữu ích. Thời gian lọc ra nhiều yếu tố có thể đã làm mờ khuất ý nghĩa thực của bản văn, cung cấp viễn tượng và nêu ra những hàm ý mà trước đó vốn có thể người ta không nắm bắt được.

Sự chuyển biến triệt để trong cái nhìn về thế giới giữa thời xưa và thời nay tạo ra nhu cầu và khả năng của khoa chú giải, hiểu theo nghĩa hôm nay của danh từ ấy.

Ý nghĩa hiện nay của một bản văn qui điển phải được tương chiếu cả với bản văn lẫn với độc giả hiện đại. Một ý nghĩa như thế phải đứng trong – và lớn lên từ – truyền thống ý nghĩa bật lên từ ấn tượng mà bản văn tạo ra cho những thế hệ đi trước. Các biểu hiệu Thánh Kinh về hôn nhân và gia đình, về những sa mạc và những thú vật, về những quân vương và các chiến sĩ, ngay cả khi chúng không tương ứng chính xác với các điều kiện của đời sống chúng ta, chúng vẫn có đầy năng lực làm phấn khích chúng ta.

Loại tái giải thích được mô tả ở đây sẽ không khả thi trừ phi có một chân trời chung giữa các cộng đoàn đã hình thành và chuyển đạt bản văn và cộng đoàn đọc bản văn ấy ngày hôm nay. Đối với nhiều tác giả cổ điển thì chân trời chung ấy chủ yếu được xây dựng bởi bản tính nhân loại được chúng ta cùng chia sẻ. Trong trường hợp của Thánh Kinh, đức tin Kitô giáo khẳng định – và kinh nghiệm Kitô giáo củng cố – về một mối hiệp thông còn lớn lao hơn nữa. Các Kitô hữu của mọi thế hệ đều ý thức về mối tương quan – nhờ ân sủng – với Thiên Chúa vốn đã được vén mở với một sức mạnh khôn sánh nơi cuộc xuất hiện của Đức Giêsu là Đấng Kitô. “Giao ước mới và vĩnh cửu” được thiết lập nơi Đức Giêsu Kitô là cơ sở của một chân trời chung trường cửu. Và nếu như những giao ước khác nhau của Cựu Ứơc vẫn còn đó hoặc được hoàn tất, thì những giao ước ấy cũng còn mãi tính thời sự. Giáo Hội, trong hành trình thời gian của mình, có thể đưa ra những ý nghĩa mới và cũ từ những câu chuyện, những biểu hiệu và những giáo huấn của Thánh Kinh.

Các biểu hiệu Thánh Kinh, vì thế, có thể tiếp tục được khai thác, nhưng sẽ không cưỡng bức người độc giả hiện đại, theo kiểu như việc chấp nhận các biểu hiệu ấy gắn liền với một sự từ bỏ tính cách hiện đại. Những chân trời ý nghĩa của chúng ta phải được mang đến với bản văn, được trắc nghiệm và được điều hợp qua việc tương chiếu với bản văn. Như Gadamer nói, ý thức có tính lịch sử phân biệt chân trời của bản văn với chân trời của người giải thích, và không tự giới hạn nó trong chân trời nào. Bằng một thực tập của trí tưởng tượng, người ta cố gắng đạt được điều mà Gadamer gọi là “một phức hợp của các chân trời.””

Rõ ràng cuộc thảo luận của chúng ta về Thánh Kinh đã đưa chúng ta tới vấn đề về Giáo Hội. Thánh Kinh, như chúng ta hiểu, là một quyển sách của Giáo Hội, trong mức độ mà nó thiết lập sự đồng nhất của Giáo Hội, nuôi dưỡng sự đồng nhất ấy, và thúc đẩy Giáo Hội vào với sứ mạng đích thực của mình. Vì thế, chương này chuẩn bị cho chúng ta chuyển sự chú ý tới vấn đề “mạc khải và Giáo Hội.””