THIÊN CHÚA GIÁO VÀ TAM GIÁO

THIÊN CHÚA GIÁO VÀ TAM GIÁO

Đường Thi Trương Kỷ

theinchuagiao_tamgiao

Tủ Sách Đàm Đạo Tôn Giáo

Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo

by Đường Thi Trương Kỷ

Copyright © 2000 by Joseph Trương Kỷ

All rights reserved. No part of the contents of this book may be reproduced or transmitted in any form or by any means without the written permission of the author.

Mục Lục

Lời Giới Thiệu ……………………………………………………………….. vii

Lời Mở Đầu ………………………………………………………………….. xiii

Chương Một – Linh Mục Đắc Lộ ……………………………………….. 1

A. Cha Đắc Lộ và Phương Pháp “Hội Nhập Văn Hóa” …… 3

B. Những Vấn Đề Cha Đắc Lộ Chưa Thực Hiện …………….. 8

C. Những Thách Đố Đối Với Chúng Ta Ngày Nay ……….. 10

Chương Hai – Phương Pháp Suy Luận Đông Tây ………………. 27

Đoạn I. Lý Luận Biện Biệt Của Tây Phương ………………… 28

A. Luật Mâu Thuẫn …………………………………………… 29

B. Tam Đoạn Luận: Suy Diễn …………………………….. 30

C. Phương Pháp Qui Nạp ……………………………………. 31

D. Biện Chứng Pháp ………………………………………….. 32

E. Phân Loại, Phân Tích Để Hợp Nhất …………………. 33

F. Thần Học Phủ Định (Theologia Negativa) …………. 34

G. Loại Tỷ (Analogia, Analogia Entis) ………………….. 35

H. Ý Niệm Về Ngôi Vị, Bản Vị, Hữu Ngã …………….. 42

Đoạn II. Trực Giác “Nhất Quán”Của Đông Phương …….. 67

A. Luật Phản Hồi ………………………………………………. 46

B. Đạo: Nguyên Lý Siêu Việt, Vô Hình ………………… 47

C. Đường Lối Phủ Định (Via Negativa) ………………… 50

D. Thinh Lặng, Chiêm Ngưỡng ……………………………. 52

E. Tinh Thần Bao Dung ……………………………………… 53

F. Phương Pháp: Tùy Cơ Ứng Biến (Upaya) ………….. 54

G. Những Dị Biệt ……………………………………………… 56

Chương Ba – Nhân Tính …………………………………………………. 67

Đoạn I. Nhân Tính Trong Nho Giáo …………………………… 67

A. Nhân Tính Theo Mạnh Tử ……………………………… 68

B. Nhân Tính Theo Tuân Tử ………………………………. 69

C. Nhân Tính Theo Đổng Trọng Thư ……………………. 71

D. Nhân Tính Theo Chu Hi ………………………………… 72

E. Nhân Tính Theo Vương Dương Minh ……………….. 79

Đoạn II. Quan Niệm “Vô Ngã” Trong Phật Giáo …………. 88

A. Những Hiểu Lầm, Thắc Mắc …………………………… 89

B. Ý Nghĩa Chính Thực Về (Anatta) “Vô Ngã” ……… 91

C. Cần Giải Thoát “Giả Ngã” ……………………………… 94

D. Tìm Về Chân Ngã …………………………………………. 95

Đoạn III. Nhân Tính Trong Thiên Chúa Giáo ………………. 98

A. Nhân Sinh, Nhân Vị, Địa Vị Con Người …………. 100

B. Bản Tính Tự Nhiên Của Con Người ……………….. 102

C. Thiên Ân …………………………………………………… 107

D. Tương Quan Giữa Thiên Ân và Tự Nhiên ……….. 109

E. Tội Ac, Tình Tư Dục Và Bản Tính Tự Nhiên …… 114

Chương Bốn – Cứu Độ…………………………………………………… 131

Đoạn I. Tại Sao Cần Cứu Độ? …………………………………. 131

A. Đời Là Bể Khổ …………………………………………… 132

B. Ý Thức Về Tội Lỗi ………………………………………. 133

C. Tỉnh Ngộ, Hối Cải, Canh Tân ……………………….. 135

D. Niềm Tin Siêu Thoát ……………………………………. 136

Đoạn II. Cứu Độ Trong Phật Giáo …………………………… 137

A. Khổ Đế ……………………………………………………… 138

B. Tập Đế ……………………………………………………… 140

C. Diệt Đế: Niết Bàn ………………………………………… 149

D. Đạo Đế: Bát Chính Đạo ……………………………….. 151

Đoạn III. Cứu Độ Trong Thiên Chúa Giáo ………………… 155

A. Ý Niệm Về Cứu Độ …………………………………….. 156

B. Sự Quan Trọng Của “Lịch Sử Cứu Độ” …………… 161

C. Thiên Chúa Nhập Thể ………………………………….. 169

D. Lãnh Nhận Thiên An Cứu Độ ……………………….. 177

Chương Năm – Tình Ái …………………………………………………. 197

Đoạn I. Nhân Ai Trong Nho Giáo …………………………….. 198

A. Đạo Nhân Là Gì? ………………………………………… 200

B. Đạo Nhân Theo Phái Tâm Học ……………………… 202

C. Mạnh Tử Và Mặc Tử Đối Với Đạo Nhân ………… 205

D. Đạo Học (Lão Giáo) Đối Với Đạo Nhân …………. 207

Đoạn II. Từ Bi Trong Phật Giáo ………………………………. 211

A. Luân Lý Và Tu Đức Của Phật Giáo ……………….. 212

B. Đức Từ Bi là Gì? …………………………………………. 214

C. Các Vị Thần Hiện Thân Của Đức Từ Bi ………….. 215

D. Bố Thí Ba-La-Mật là Gì? ……………………………… 216

Đoạn III. Bác Ai Của Thiên Chúa Giáo …………………….. 222

A. Thiên Chúa là Căn Nguyên …………………………… 223

B. Tương Quan Giữa Tình Ai Thiên Chúa …………… 226

C. Đức Bác Ai và Quan Niệm Nhân Vị ………………. 229

D. Tình Tương Giao Giữa Các Nhân Vị ………………. 231

Chương Sáu – Quan Niệm Về Một Nguyên Lý Siêu Việt …… 257

Đoạn I. Quan Niệm “Đạo” Trong Nho Giáo ……………… 258

A. Định Nghĩa Chung: Đạo là Gì? ……………………… 259

B. Phân Biệt “Đạo” và “đạo” ……………………………. 262

C. Đạo: Nguồn Gốc Của Vũ Trụ ……………………….. 265

D. Ngũ Hành: Cấu Trúc Của Vũ Trụ ………………….. 267

E. Nguồn Gốc Sự Biến Hóa Của Vũ Trụ …………….. 275

Đoạn II. Quan Niệm “Đạo” Của Lão-Trang ……………… 280

A. Đạo là Vô Danh ………………………………………….. 281

B. Đạo là “Vô” ……………………………………………….. 283

C. Đạo là Một …………………………………………………. 287

D. Đạo là Thường ……………………………………………. 288

E. Đạo và Đức ………………………………………………… 290

Đoạn III. Ý Thức Siêu Việt Theo Phái Lý Học …………….. 294

A. Lý Học Của Chu Hi …………………………………….. 296

B. Tâm Học Của Vương Dương Minh ………………… 301

Đoạn IV. Ý Thức Siêu Thoát Trong Phật Giáo ……………. 311

A. Kinh Nghiệm Tôn Giáo ……………………………….. 313

B. Những Danh Từ và Ý Niệm về Siêu Thoát ………. 314

Chương Bảy – Niềm Tin Vào Một Ngôi Vị Thiên Chúa …….. 321

Đoạn I. Thiên Chúa Ngôi Vị (Personal God) ……………… 322

Đoạn II. Thiên Chúa Siêu Việt Và Nội Tại …………………. 331

A. Thiên Chúa Siêu Việt (Transcendent) …………….. 332

B. Thiên Chúa Nội Tại (Immanent) ……………………. 339

Đoạn III. Thiên Chúa Tạo Hóa ………………………………… 348

Đoạn IV. Niềm Tin Vào Một Vị Thượng Đế ……………….. 355

Đoạn V. “ÔNG TRỜI” Việt Nam ……………………………… 387

Chú Thích và Tham Khảo …………………………………………….. 435

Phụ Trương …………………………………………………………………. 473

Lời Giới Thiệu

Nhìn lại suốt dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong thời cận đại, chúng ta thấy vấn đề liên hệ giữa các tôn giáo một cách đứng đắn, hiểu biết, và cảm thông là rất cần thiết cho sự ổn định và an cư của mọi tầng lớp đồng bào. Nhhững ngộ nhận, hiểu lầm, nghi kị giữa các tín ngưỡng tại Việt Nam, dù phần nào đã được giải tỏa, nhưng vì tính cánh lịch sử của nó trong các biến cố và giai đoạn có tầm mức ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc khác nhau đã làm cho vấn đề thêm phức tạp, và như vậy chúng vẫn còn âm ỉ và nếu có cơ hội rất có thể sẽ bùng nổ. Do đó, những cố gắng của các đoàn thể, hay sáng kiến của các cá nhân nhằm bắc một nhịp cầu đối thoại và thông cảm giữa các Đạo Giáo, đều được các giới đồng bào hoan nghênh.

Soạn giả cuốn sách mới này, Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, hy vọng có thể đóng góp một viên gạch để xây dựng sự hiểu biết đứng đắn và cái nhìn khách quan. Từ đó sẽ dẫn tới sự tương kính giữa các truyền thống tín ngưỡng của người Việt Nam và tạo sự cộng tác chân thành.

Đọc suốt cuốn khảo luận này, từ mục đích, phương pháp, chú thích, sách tham khảo, phụ trương và nhất là nội dung đề tài thảo luận, chúng tôi nhận thấy những điểm nổi bật như sau:

Lý do chính yếu thúc đầy và khích lệ soạn giả bước vào lãnh vực tìm hiểu, so sánh và trình bày cách khúc chiết các tôn giáo lớn tại Việt Nam hầu dẫn tới việc đối thoại cần thiết giữa các tôn giáo tại Đông Nam Á và tại Việt Nam, là căn cứ vào lập trường của Công Đồng Vatican II đối với việc tìm hiểu các giá trị của các tôn giáo ngoài-Thiên Chúa Giáo như Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, Khổng Giáo…, trong “Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo” và “Văn kiện về Tự Do Tôn Giáo…” và gần đây nhất, bức Tông Huấn “Giáo Hội tại Á Châu…

Ngay từ thời Đạo Thiên Chúa mới được truyền bá tại Việt Nam, linh mục Đắc Lộ đã tìm cách “Hội Nhập” Đạo Thiên Chúa vào văn hóa Việt Nam; ngày nay, một số nhà thần học và triết gia Việt Nam đang cổ động việc nghiên cứu và thành lập khoa “Thần Học Việt Nam”, nghĩa là muốn tìm tòi và rút tỉa những Tinh Hoa, những giá trị Tín ngưỡng, Đạo đức, Luân lý trong Văn Hóa Việt Nam, để có thể so sánh hay hỗ trợ cho Giáo thuyết của Phúc Âm Đức Giêsu Kitô. Do đó, có thể nói cuốn sách này sẽ góp phần quan trọng hầu mở đường cho tiến trình xây dựng việc đối thoại hữu hiệu và hiểu biết. Dưới một khía cạnh khác cũng có thể nói đây là loại sách đầu tiên để thử dò dẫm, khai phá trong một lãnh vực tôn giáo-xã hội còn nhiều khó khăn trắc trở.

Mục đích – chính soạn giả đã đề ra – rất đơn giản và khiêm tốn. Soạn giả ước mong làm sao các vị lãnh đạo, các tín đồ các tôn giáo lớn tại Việt Nam như Đạo Thờ Trời, Đạo Hiếu, Đạo Công Giáo, Đạo Tin Lành, Đạo Phật, Đạo Cao Đài, Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, Đạo Lão… đều chân thành tìm hiểu các giá trị của các Đạo khác, để tạo sự hiểu biết, tương thân và tương kính, cùng nhau đem lại sự hài hòa rất cần thiết cho công tác sống đạo và xây dựng quê hương.

Để đạt được mục đích trên, soạn giả cũng có giấc mơ, đặc biệt đối với đồng bào sinh sống tại hải ngoại, nên thành lập và xây dựng những trung tâm giống như kiểu “đình làng” của Việt Nam xưa, hầu có nơi tổ chức hội họp, bàn luận, thông tin, trao đổi quan điểm, tìm cách bảo tồn và truyền lại Đức Tin và Tinh Hoa Văn Hóa của dân tộc cho thế hệ tương lai.

Phương pháp soạn giả dùng là đào sâu vào những yếu tính, những chân lý siêu hình, làm nền tảng cho mỗi tôn giáo; vì trên bình diện thực hành, lễ nghi, hay tổ chức, mổi Đạo có những sắc thái riêng biệt, rất phức tạp, nên không thể so sánh được. Nhưng trên phương diện triết lý, siêu việt và niềm tin, ta có thể tìm ra “mẫu số chung” để các tôn giáo có thể so sánh và trao đổi các quan điểm khác biệt với nhau. Do đó, soạn giả đã không đi vào các chi tiết, các lý thuyết riêng của mỗi hệ phái.

Như đối với Thiên Chúa Giáo, soạn giả chỉ nêu ra những Chân lý chung làm nền tảng mà bất cứ giáo phái nào cũng công nhận, dầu là Công Giáo, Tin Lành, Chính thống giáo… Đối với Phật Giáo, chỉ đề cập đến những Giáo thuyết nền tảng mà bất cứ tông phái nào cũng đều theo, chẳng hạn Phật giáo Tiểu thừa, Đại thừa, Nam tông, Bắc tông, Thiền tông, Phật giáo Hòa Hảo, Phật Giáo ở Ấn Độ, Tích Lan, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản… đều công nhận cả.

Nhờ phương pháp suy luận, dựa trên cách tìm hiểu ý nghĩa “siêu việt” về các biểu tượng, về “đường lối suy luận phủ định” (via negativa), soạn giả đã trình bày những “mẫu số chung” cho các nền tín ngưỡng của người Việt Nam, dầu là tín đồ Cao Đào, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Công giáo, Tin Lành, Đạo Hiếu… đều gặp nhau, đó là niềm tin ở “Ông Trời”, tức “Đấng Siêu Việt”, và niềm tin căn cốt phổ quát vào “hồn thiêng bất tử”. Tuy đó là những điểm rất hiển nhiên, nhưng khi được trình bày một cách khúc chiết và phương pháp có hệ thống mạnh lạc, chúng sẽ giúp mở đường cho một số những nguyên lý chung làm nền tảng cho các tôn giáo khi muốn so sánh những điểm tương đồng và những dị biệt.

Từ trước tới nay khi nói về các tôn giáo tại Việt Nam, chúng ta thường vẫn đóng khung trong mô thức “Tam Giáo” và từ đó so sánh hay khảo cứu về các tôn giáo khác như Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo tại Việt Nam. Đây là một mô thức có thể nói là “cổ điển” (classique). Tuy nó cần thiết nhưng thiếu tính cách sinh động về hiện tình tôn giáo tại Việt Nam. Chúng ta có thể nhận thấy ngay là Lão giáo và Khổng giáo ngày nay con số “tín đồ hành đạo” không đáng kể, và nếu xét về những yếu tố làm thành “tôn giáo” thì không thể coi Lão giáo và Khổng giáo là tôn giáo mà đúng hơn là một triết thuyết cho cuộc sống. Đang khi đó hai tôn giáo “mới” là Cao Đào GiáoPhật giáo Hòa Hảo từ hơn 50 năm qua đang có sức lôi kéo một số đông tín đồ nhất là tại sáu miền Lục Tỉnh tại Nam Việt Nam. Đàng khác hai tôn giáo mới này không những chỉ trình bày một giáo thuyết căn bản dựa trên giáo lý của những tôn giáo đã sẵn có, nhưng còn muốn đưa giáo lý đó áp dụng thực tế vào điều kiện tâm lý, xã hội và nhân sinh quan của người Việt Nam. Ngay tiến trình “hội nhập” và “hóa thân” (transformation) chẳng những về mặt “tín điều” mà ngay cả “cách thực hành đạo” của hai tôn giáo này, tự tiến trình sát nhập và phát triển đó cũng là kết quả của một cuộc đối thoại liên tôn tự bản chất đến thực hành rồi.

Tuy soạn giả tự giới hạn trong đề tài là “Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo”, nhưng chúng tôi ước mong sau này soạn giả sẽ tìm hiểu và so sánh các sắc thái riêng biệt của mỗi tôn giáo đang thịnh hành trong giới đồng bào Việt Nam như: giữa Công Giáo và Cao Đào Giáo, Công Giáo và Phật Giáo Hòa Hảo, Công giáo và Thiền Tông…

Đối với chúng tôi, soạn giả linh mục Cao Phương Kỷ không phải là người xa lạ. Từ trước năm 1975, khi còn du học tại Âu-Mỹ, chúng tôi đã có dịp gặp nhau tại Paris, New York… Soạn giả là một Linh Mục chuyên dạy học về môn Triết Học trong các Chủng Viện, bên Việt Nam, cũng như gần đây tại Saint Joseph’s College Seminary, San Jose, California. Vì là một nhà giáo, nên soạn giả đã trình bày những vấn đề triết lý, thần học, siêu hình một cách phân minh, khúc chiết: lời văn ngắn gọn, sáng sủa, lại có thêm “bản tóm lược” dùng làm đề tài thảo luận.

Cuốn sách này có thể nói là tuyển tập những bài nghiên cứu và thuyết giảng, một số đã được đăng trong tạp chí, dưới nhiều bút hiệu khác nhau.

Tôi trân trọng giới thiệu tập sách khảo cứu rất quan trọng này tới mọi người Việt Nam, không phân biệt tôn giáo. Ước mong các Hội Đoàn, các Vị Lãnh Đạo các tôn giáo khuyến khích các tín đồ cùng nhau tìm hiểu các tôn giáo bạn để so sánh các giá trị, đồng thời cũng có dịp đào sâu vào chính niềm tin của mình nữa.

Linh Mục Trần Công Nghị

Hội Đồng Chỉ Đạo Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ

Lời Mở Đầu

Mục Đích
và Phương Pháp “Đàm Đạo Tôn Giáo”
hay “Hội Nhập Văn Hóa”

Từ sau Đại Công Đồng Vatican II, khoa Thần Học về các Tôn Giáo đã phát triển và nhìn nhận những giá trị tiềm tàng trong những tôn giáo ngoài Thiên Chúa Giáo, chẳng hạn như: Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo, Ấn Độ Giáo… Bản văn chính thức của Công Đồng có những đoạn như sau:

“Từ xưa đến nay, người ta nhận thấy nơi nhiều dân tộc khác nhau một cảm nghiệm về một quyền lực ẩn khuất bay lượn trên dòng chuyển biến của sự vật và trên các biến cố của đời sống con người. Thật thế, nhiều khi, các dân tộc đã nhìn nhận thấy có Một Vị Chúa Tể, và một Vị Thượng Phụ nữa. Cảm nghiệm đó và sự nhìn nhận như thế đã in sâu vào tâm khảm các dân tộc một ý thức sâu xa về tôn giáo. Những tôn giáo cấu kết với một nền văn hóa cao đã phấn đấu để trả lời cho những vấn đề trên bằng những ý niệm khá tinh tế và bằng thứ ngôn ngữ khá điêu luyện, tiến bộ. Bởi vậy, trong Ấn-Độ Giáo, người ta chiêm niệm mầu nhiệm về thần linh, và biểu lộ ra bằng những thần thoại và nhờ sự sưu tầm về triết lý. Họ tìm giải thoát số phận chúng ta khỏi khổ não lo âu, nhờ thực hành nếp sống khắc khổ hay ‘Thiền’, hoặc chạy đến nương náu nơi Thượng Đế với niềm yêu mến, cậy trông. Phật Giáo theo nhiều tông phái khác nhau, đều ý thức rằng thế giới vô thường, hay thay đổi này là một thiếu sót căn bản. Phật Giáo dạy con người, với một tinh thần tự tín và sùng mộ, có thể tiến tới một trạng thái hoàn toàn tự do, hoặc là tiến tới đỉnh cao giác ngộ, nhờ tự lực tự cường hoặc nhờ ơn trên giúp đỡ…”

Giáo Hội Công Giáo không bác bỏ những gì là chân thực, thánh thiện nơi những tôn giáo đó! Với lòng tôn trọng chân thành, Giáo Hội nhìn thấy những cách thức hành động và nếp sống, những luật lệ và giáo thuyết, tuy có nhiều điểm khác biệt với những chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường phản ánh lại Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Thật vậy, Giáo Hội tuyên bố và phải công bố luôn mãi Đấng Cứu Thế là “Đường, sự Thật và sự Sống” (Gioan 14:6), trong Ngài nhân loại tìm được sự sung mãn của đời sống tôn giáo và trong Ngài Thiên Chúa đã hòa giải mọi sự nơi Ngài (2 Cor 5:18-19)

Vì thế, Giáo Hội khích lệ các con cái mình: nhìn nhận, bảo trì, và cổ võ cho những thiện ích tinh thần và luân lý, và những giá trị trong những xã hội và các nền văn hóa của các tin đồ thuộc các tôn giáo khác, Bằng Đối Thoại và Cộng Tác một cách khôn ngoan và thân tình với tín đồ của các tôn giáo ấy mà vẫn làm chứng tá của đức tin và đời sống của KiTô Giáo (Thiên Chúa Giáo), (trích Nostra Aetate, Tuyên ngôn về Liên Lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo, của Công Đồng Vatican II).

Văn kiện Dignitatis Humanae về Tự Do Tôn Giáo, được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên bố ngày 7 tháng 12 năm 1965 là văn kiện thuộc Quyền Giáo Huấn.(1)

Trước khi bước vào năm 2000, ngày 28 tháng 10, năm 1999, có sự hiên diện của Đức Giáo Hoàng Gioan PhaoLô II, một Sứ Điệp chung kết của Hội Nghị Thế Giới Các Giáo Hội Và Các Tôn Giáo, được công bố. Tề tựu tại Nội Thành Vatican, hơn 230 nhân vật quan trọng đại diện của các tôn giáo lớn và Giáo Hội khác nhau trên thế giới, trong số này có 72 đại biểu Công Giáo, 27 đại biểu của các Giáo Hội KiTô khác (Tin Lành, Chính Thống, …), 42 đại biểu của Hồi Giáo, 23 đại biểu của Phật Giáo, 9 đại biểu của Ấn Giáo, và 14 đại biểu của Do Thái Giáo.

Mục đích của Đại Hội là cầu nguyện, suy tư về đề tài: “Trước Thềm của Ngàn Năm Thứ Ba, sự cộng tác giữa các tôn giáo”, Sau đây là một đoạn trích trong hai “Lời kêu gọi”:

1. Yêu cầu tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo lên án việc dùng tôn giáo như phương tiện kích động việc thù ghét và bạo hành để biện minh cho những kỳ thị các tôn giáo. Hãy cùng nhau hoạt động để loại trừ tận gốc cảnh nghèo khổ, bằng việc chiến đấu cùng một lúc cho công bằng kinh tế.

2. Yêu cầu các vị lãnh đạo tôn giáo cổ võ “tinh thần đối thoại trong chính nội bộ các cộng đồng của các ngài, và luôn sẵn sàng dấn thân trong việc đối thoại với xã hội trên mọi cấp bậc”,

Đầu tháng 11, 1999, trong chuyến công du mục vụ tại Ấn Độ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã công bố Tông Huấn: Giáo Hội tại Á Châu, trong đó có những điểm quan trọng được tóm lược như sau:

Giáo hội tỏ lòng cung kính và ngưỡng mộ tất cả các truyền thống tinh thần này (các tôn giáo Á Châu) và muốn dấn thân trong cuộc đối thoại chân thành với các tín hữu các đạo giáo. Những giá trị tôn giáo mà các đạo giáo giảng dạy chờ đón sự viên mãn trong Đức Giêsu Kitô…

Dân chúng A Châu hãnh diện về truyền thống tôn giáo và văn hóa của mình, như là: yêu thinh lặng, chiêm niệm, đơn sơ, hòa hợp, có thể thoát thế, không bạo lực, tinh thần chăm làm việc, kỉ luật, sống phó thác, khao khát học biết và tìm kiếm triết lý cho cuộc sống. Người A Châu cũng rất mực tôn trọng sự sống, từ tâm với mọi sinh vật, sống gần thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng người già và thờ kính Tổ Tiên, đặc biệt có ý thức phát triển cao độ về tình liên đới cộng đoàn. Đặc biệt, người A Châu coi gia đình là cội nguồn của sức mạnh, gắn bó khăng khít tình nghĩa đồng bào cộng đồng liên đới. Họ thật có tinh thần độ lượng dung hòa tín ngưỡng và sống chung hòa bình…(2)

Được khích lệ bởi các văn kiện kể trên, từ đời Linh Mục Alexandre de Rhodes (1593-1660) và Linh Mục Matteo Ricci (1552-1610) qua các văn kiện của Công Đồng Vatican II đến Tông Huấn mới nhất, cuối năm 1999, của Đức Gioan Phaolô II, vì thế, soạn giả của cuốn sách này dám mạo muội tiếp tục công việc của các vị tiền bối, đề nghị một đường hướng “Đối Thoại”, gọi là “Đàm Đạo”, để chia sẻ niềm tin giữa các tôn giáo lớn tại Việt Nam.

Mục Đích là gây tình yêu thương, sự kính trọng và bổ túc cho nhau trên con đường đi tìm Chân Lý, và góp phần vào việc tạo sự an vui, đoàn kết để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường về Tinh Thần và vật chất.

Phương Châm hay Nguyên tắc chỉ đạo trong việc trình bày các quan niệm, các giáo thuyết, bao gồm hai phương diện: Một mặt, cố gắng phân tách trình bày một cách chân thực, khách quan về những sự kiện lịch sử, những điều giáo huấn của vị sáng lập, của các môn đệ, hoặc các kinh sách lưu truyền, trong mỗi tôn giáo. Mặt khác, một cách chân thành nêu lên những điểm “Tương Đồng” hay “Dị Biệt” giữa các tôn giáo, để cùng nhau thảo luận, đàm đạo, thông cảm tìm hiểu lập trường của nhau, và học hỏi lẫn nhau. Tránh chỉ trích, chê trách, chế diễu, xuyên tạc, hay tìm cách áp đặt tư tưởng để dành phần thắng. Hoàn toàn tôn trọng sự Tự Do lựa chọn của Lương Tâm và Lương Tri của mỗi người.

Phương Pháp bố cục, trình bày sách này được chia thành bảy chương, cũng là bảy đề mục để đối thoại. Mỗi chương sẽ lần lượt trình bày lý thuyết hay quan điểm, lập trường của từng tôn giáo một, không lẫn lộn, pha trộn với tôn giáo khác. Công việc nghiên cứu cũng được hạn chế trong phạm vi thần học, siêu hình, luân lý, tu đức, triết thuyết của Khổng Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo.

Nội dung của bảy chương là:

Chương Một: Linh Mục Đắc Lộ, vị sáng tác ra chữ Quốc Ngữ và là một trong những vị đã xây dựng Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam.

Chương Hai: Phương Pháp Suy Luận của Đông Phương và Tây Phương.

Chương Ba: Vấn đề Nhân Tính, hay Con Người là ai?

Chương Bốn: Quan niệm về Cứu Nhân Độ Thế.

Chương Năm: Quan niệm về Tình Ái.

Chương Sáu: Nguyên Lý Siêu Việt trong Nho Giáo, Lão Giáo, và Ý Thức Giải Thoát trong Phật Giáo.

Chương Bảy: Ngôi Vị Thiên Chúa, Thượng Đế và “Ông Trời” trong Tín Ngưỡng dân gian Việt Nam.

Bản Toát Yếu sẽ tóm lược lại các ý kiến vừa trình bày để độc giả không chuyên môn về thần học, triết học, dễ theo dõi và nắm được các ý tưởng nòng cốt của mỗi tôn giáo hay môn phái. Sách này nhằm các độc giả là các Hội đoàn, đoàn thể hay các lớp giáo lý tân tòng… muốn tìm hiểu, so sánh giá trị của các tôn giáo. Đây cũng là tài liệu (bằng Anh ngữ) dùng để giảng dậy và thảo luận về môn Triết học Á Đông cho các sinh viên tại St. Joseph College’s Seminary, Mountain View, California. Do đó, cách diễn giảng các tư tưởng cần rõ ràng, khúc chiết, dễ hiểu, nếu cần, nên nhắc đi nhắc lại nhiều lần, lời văn phải gọn gàng, đơn giản, gặp danh từ mới lạ, nên giải nghĩa, hay ghi thêm ngoại ngữ.

Dung Hòa các quan điểm dị biệt, không có nghĩa là “ba phải”, “vo tròn”, “thế nào cũng được”, “đạo nào cũng tốt”, “đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành”, v.v. Nói như vậy thì chẳng cần bàn luận, hay học hỏi được điều gì mới. Tệ hơn nữa, những thắc mắc, hiểu lầm, dị nghị vẫn nằm yên trong tiềm thức tị hiềm, chờ cơ hội bùng nổ. Vì thế, dung hòa có nghĩa “Hòa Nhi Bất Đồng”, không bắt buộc phải từ bỏ những điều mình tin tưởng, nhưng tôn trọng những ý kiến, lập trường, tín ngưỡng của người khác. Hơn nữa, thành thật tìm hiểu, so sánh những lý do, hoàn cảnh, văn hóa, chủng tộc.. của những quan niệm khác biệt, để chia sẻ, học hỏi, để làm phong phú thêm niềm tin riêng của mình, đồng thời, tìm cách xích lại gần nhau hơn.

Vì thế, thiết nghĩ nên dùng chữ “Đàm Đạo” (đạo=nói) có vẻ nhẹ nhàng, thanh thản, thông cảm hơn chữ “Đối Thoại”, có vẻ “chống đối, đối nghịch, tranh cãi”.

Những trang Chú Thích và những sách quan trọng độc giả dễ tìm kiếm để đọc và Tham Khảo được đặt ở cuối sách.

Trên đây là một cố gắng đi tìm Chân Lý Vĩnh Cửu với một lòng yêu mến nền văn hóa đạo đức của dân tộc Việt Nam. Trong khi bước theo con đường của các vị tiền bối, đặc biệt là cha Đắc Lộ, tìm hiểu những giá trị trường tồn về tôn giáo, luân lý đạo đức của dân tộc, kẻ hèn này cảm thấy sự hiểu biết còn rất nông cạn, và thiếu sót, nhất là đối với các giáo thuyết cao siêu của các tôn giáo. Vậy, nếu có điều sai lỗi trong khi trình bày các đạo lý, thì xin quí vị cao minh lượng tình thứ lỗi và chỉ giáo cho, để có thể sửa đổi và bổ túc về sau. Muôn vàn cảm tạ!

Chương Một

Linh Mục Đắc Lộ,
vị sáng lập chữ quốc ngữ và xây dựng
Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam

Vào khoảng năm 1941, tôi vẫn còn nhớ đã theo các học sinh nhà trường đi dự lễ dựng “Bia Kỷ Niệm” Cố Alexandre de Rhode, quen gọi là “Cố Đắc Lộ”, tại vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, bên cổng chùa Ngọc Sơn và cạnh đền Bà Kiệu, có rất nhiều quan khách và viên chức đạo đời tham dự (ngày nay bia được di chuyển vào trước Thư Viện Quốc Gia, tại Hà Nội). Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng kẻ hèn này vẫn lấy làm lạ lùng, và thắc mắc: tại sao một “Ông Cố Tây” lại có thể dạy người mình cách đọc và viết chữ “Quốc Ngữ” như câu ca dao thời bấy giờ thường tuyên truyền: “Quốc Ngữ chữ nước ta”. Quả thật là một thứ chữ dễ học, dễ đọc, dễ đánh vần, chỉ cần học vài ba năm là có thể đọc truyện “Tam Quốc Chí” cho ông ngoại nghe. Trái lại, sau năm sáu năm, ê a “Tam Thiên Tự”, “Tam Tự Kinh”, “Minh Tâm Bửu Giám”, thuộc lòng 214 chữ Bộ cũng không đọc thông thạo được sách báo Tàu! Thế mới hay chữ Quốc Ngữ tiện lợi và đáng yêu mến biết bao! Sau này lên bậc Trung Học, cũng thấy những bài giảng văn về Cố Đắc Lộ và cách thành lập chữ Quốc Ngữ trong sách Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Thỉnh thoảng trong các báo chí tập san bằng Pháp văn cũng có những bài viết về công trình của Cố Đắc Lộ do các học giả danh tiếng như Cố Cả (Léopold Cadière) khảo cứu. Vào những năm 1950 trở đi, một số tu sĩ du học tại các Đại Học Pháp, Rôma,… vì lòng ái quốc nhớ nguồn, vì có phương tiện nghiên cứu trong các thư viện, đã viết được nhiều luận án về công trình và sự nghiệp của Cố Đắc Lộ. Đây cũng là điều đáng mừng, đáng khen ngợi. Nhưng các công trình nghiên cứu, các luận án đó đều viết bằng ngoại ngữ và phần lớn chưa được xuất bản, nên rất ít người biết đến công nghiệp của một vị Đại Ân Nhân của dân tộc và của Giáo hội Việt Nam. Gần đây, vào năm 1985, kẻ hèn này được đọc cuốn Thiên Chủ Thực Nghĩa (dịch ra Anh văn: The True Meaning of the Lord of Heaven) của cha Matteo Ricci, một học giả, và một nhà truyền giáo ở bên Trung Quốc, gần đồng thời với cha Đắc Lộ ở bên Việt Nam. Độc giả đã nhận thấy phương pháp hội nhập văn hóa của hai vị này có nhiều điểm tương đồng(3).

Gần đây có thấy xuất bản hoặc phiên dịch những tác phẩm của cha Đắc Lộ. Một số sách đã dầy công sưu tầm các tài liệu một cách khách quan, để thẩm định những giá trị về tôn giáo, về văn học mà cha Đắc Lộ đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam(4). Nhưng cũng có một số ít những tác giả, vì ác cảm, hoặc vì thành kiến chính trị đã bẻ cong sự thật lịch sử, hay phê bình xuyên tạc, vu khống vô bằng cứ về Cha Đắc lộ, chẳng hạn như: “ngài hô hào “mộ lính” Pháp sang xâm chiếm Việt nam”. Sự thật lịch sử cho biết: Cha Đắc Lộ sang truyền giáo tại Việt Nam vào thời kỳ Nam-Bắc phân tranh, vả lại, ngài sinh ra thuộc tỉnh Avignon, vào thời đó thuộc công dân của Giáo Hoàng Roma. Do đó, ngài không phải là “dân Tây” (Pháp). Thực ra, cha Đắc Lộ chỉ tìm một lợi ích thiêng liêng là rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Việt nam. Do đó, các vị thừa sai được gọi là “chiến sĩ của Chúa Kitô” (miles Christi, coi Thư Thánh Phaolô gửi Timôtê II, 2:3) xông pha trên mặt trận truyền giáo, chứ không phải đi chinh phục đất đai, hay tìm lợi lộc về kinh tế, buôn bán.

Sau đây, trong chương này sẽ xin trình bày ba điểm:

A. Cha Đắc Lộ đã Hội Nhập và Đồng Hóa với Văn Hóa Việt Nam như thế nào?

B. Những điều cha Đắc lộ chưa thực hiện.

C. Những thách đố đối với chúng ta ngày nay.

A. Cha Đắc Lộ và Phương Pháp Hội Nhập và Đồng Hóa Với Dân Tộc và Văn Hóa Việt Nam

Đọc các trang Bút Ký về các cuộc Hành Trình Truyền Giáo của cha Đắc Lộ, chúng ta thấy rõ ý hướng duy nhất của ngài là hy sinh đời sống cá nhân, gia đình để hiến toàn thân lo việc truyền giáo. Dự định ban đầu là đi giảng đạo bên Nhật, nhưng Chúa đã an bài cách kỳ diệu để ngài đến nhập tịch vào Việt nam. Vì cảm nghiệm được Thánh Ý Chúa nhiệm mầu đã xếp đặt một cách khác ngoài dự tính, nên ngài đã yêu mến phần đất mới Trời ban cho và nhận làm quê hương thứ hai. Trong thời kỳ đất nước loạn lạc, Nam-Bắc Phân Tranh, bao nhiêu lần cha Đắc Lộ đã “vào sinh ra tử”, len lỏi, lặn lội, gian lao, khi trong nam, lúc ngoài bắc, miễn sao có cơ hội chia sẻ Tin Mừng Cứu Độ với đồng bào Việt nam. Dầu bị nhà cầm quyền truy nã, bắt giam, kết án tử hình, và cuối cùng trục xuất ra khỏi nước, ngài vẫn một dạ trung tín phục vụ cho lý tưởng truyền giáo cho dân tộc Việt nam. Tại Giáo Đô Lamã, ngài yêu cầu Tòa Thánh chấp nhận việc thiết lập Hàng Giáo Phẩm tại địa phương, đặt một vị Giám mục cai quản các giáo phận, đào tạo các linh mục, giáo sĩ bản xứ đặc biệt là người thứ nhất tạo ra cách in, làm ấn bản (typography) và xuất bản sách viết bằng mẫu tự mới để giới thiệu quốc ngữ Việt nam cho thế giới.

Khi mới tiếp xúc với miền Á đông, đối với cha Đắc Lộ, mọi sự đều khác lạ. Một số người tây phương đã tỏ thái độ miệt thị khinh bỉ dân bản xứ. Trái lại, với tâm hồn quảng đại, cha Đắc Lộ đã quan sát kỹ lưỡng, tìm hiểu ý nghĩa cao thượng của các tập quán, ngài đã cảm phục và nhìn nhận những tinh hoa, những cái tốt đẹp trong thuần phong mỹ tục của Việt nam. Cha rất am tường tinh thần đạo đức và tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc Việt nam. Cha chỉ đề cao niềm Tin cổ truyền ở một Vị Thần Siêu Việt hơn hết mọi người, mọi vật mà dân chúng thường kêu xin là: Ông Trời. Cha cũng đã khen ngợi lòng Hiếu Thảo của người Việt Nam hơn mọi dân nước trên thế giới. Có thể cha chưa có thời giờ đủ để tìm hiểu triết thuyết của Tam Giáo, hoặc là vì ngài cho đó là những giáo phái ngoại quốc du nhập từ Ấn độ, Trung quốc vào Việt nam chứ không phải tôn giáo thuần tuý của dân gian. Dầu khen ngợi lòng sùng đạo của dân Việt, Cha Đắc Lộ đã chỉ trích những tập tục mang mầu sắc dị đoan mê tín như đốt vàng mã, hoặc làm tổn thương đến nhân phẩm, vi phạm quyền bình đẳng của người đàn bà, và di hại cho sự hợp nhất của gia đình như tục đa thê.

Ngày nay, nếu người ta thấy các cộng đồng tín hữu Việt nam trong nước và ở ngoại quốc còn sốt sáng “giữ đạo”, xưng tội, rước lễ, dự lễ ngày Chúa nhật với tỷ số rất cao sánh với các cộng đồng khác, sinh hoạt các đoàn thể công giáo tiến hành rất sầm uất… Đấy cũng là truyền thống đã có từ thời cha Đắc Lộ, lấy việc “Hành Đạo”, thực hành làm điều quan hệ hơn là lý thuyết xuông. Hơn nữa, tín lý, tín điều đi đôi, liên kết với các lễ nghi, cầu nguyện và nghệ thuật trang trí, ca nhạc, rước kiệu… khiến việc thực hành đạo được vui tươi, phấn chấn, nhẹ nhàng, không quá “duy lý”, khô khan.

Như ta đã biết, cuốn sách giáo lý của cha Đắc Lộ không phải là một cuốn sách Thần Học hệ thống, bàn về mọi vấn đề về đức tin, luân lý, hay bí tích, nhưng có thể nói cha đã đặt ra phương pháp, nguyên tắc, kế hoạch, đường hướng khá tiến bộ sánh với thời đại cách đây 300 năm, để tìm cách “Hội Nhập” Thiên Chúa Giáo vào Văn hóa Việt Nam. Chính ngài đã mở đường cho chúng ta xây dựng một nền Thần Hoc Việt Nam trong tương lai. Ta thử toát yếu xem trong quan niệm “Thần Học của Cha Đắc Lộ” có những đặc điểm gì.

Thứ nhất. cha đã quan sát rất tường tận, tìm hiểu địa lý, lịch sử, xã hội Việt nam thời Trịnh- Nguyễn phân tranh. Vì là nhà truyền giáo, cha đặc biệt chú trọng đến nhu cầu tinh thần của đồng bào. Ngài nhận thấy những điều tốt, nhưng ngài cũng cảm thấy cần sửa đổi những điều không thích hợp với Tin Mừng. Ngài trung thành với giáo huấn của Hội Thánh sau Công Đồng Triđentinô về cách giải thích Kinh Thánh, các quan niệm thần học về Cứu độ. Cha Đắc Lộ đã cương quyết đả phá những hủ tục và dị đoan mê tín. Do đó, ngài đã cố công nghiên cứu tiếng Việt, dùng các tài liệu của các bạn đồng nghiệp về việc sáng chế ra loại chữ mới, dùng mẫu tự a, b, c, thay cho chữ nho, chữ nôm khó học, ít phổ thông. Cha Đắc Lộ không phải là người đầu tiên sáng tác ra loại chữ này, nhưng ngài có công hệ thống hóa, bổ túc và làm ấn bản để có thể in thành cuốn Tự Điển và Văn phạm tiếng Việt. Nhờ thông thạo Việt ngữ, ngài đã “chuyển ngữ” (translation) từ các danh từ, thành ngữ bằng tiếng La-Tinh sang tiếng Việt để chuyên chở một cách trung thực các tư tưởng thần học công giáo trong sách Giáo lý. Nhiều chỗ cha chỉ cần “phiên âm” các từ ngữ bằng chữ hán trong cuốn “Thiên Chúa Thực Nghĩa” của cha Matteo Ricci, ví dụ chữ thiên thần, linh hồn, Thiên Chúa… Đặc biệt cha Đắc Lộ đẫ sáng tác ra danh xưng đầy âm hưởng tiếng Nam: ĐỨC CHÚA TRỜI. Khi dùng tiếng “Trời” ở đây mà không dùng chữ phiên âm của tiếng LaTinh “Dêu” (Deus), cha đã cho từ ngữ đó một nội dung ý nghĩa hoàn toàn mới.

Thứ hai. cha Đắc lộ đã nhìn nhận những giá trị của văn hóa, vì cho rằng những điều thiện hảo trong các nền văn hóa cổ-kim, đông-tây cũng là do Trời ban cho nhân loại. Ngài đã phá những tập tục làm hạ giá nhân phẩm như tục đa thê, và mê tín dị đoan, nhưng đề cao những thuần phong mỹ tục như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, lòng tín ngưỡng độc nhất đối với Trời trong lễ tế Nam Giao. Ngài dùng kho tàng khôn ngoan phổ biến của nhân gian, tức ca dao, ngạn ngữ để chứng minh, hỗ trợ cho các chân lý của Đạo Mặc Khải. Văn hóa và Đức Tin vay mượn lẫn nhau và làm giầu cho nhau. Mỗi bên học hỏi những điều thiện hảo của nhau. Cùng một Chân lý có giá trị phổ biến, nhưng cách thức diễn tả khác nhau tùy thời, tuỳ nơi, tùy trình độ hiểu biết của người lĩnh hội. Mỗi bên không tiêu diệt lẫn nhau, nhưng bổ túc cho nhau mà vẫn giữ được căn tính (identity) của mình. Cấp bậc cao siêu nhất của văn hóa là triết lý và tư tưởng thần học tín ngưỡng của một dân tộc. Chính ở “địa điểm” (locus) này, Đấng Tạo Hóa đã thông ban Hồng Ân cho nhân loại, “nơi” nhân loại gặp được Đấng Thượng Đế và gặp nhau: “Tứ hải giai huynh đệ” (Tôn Dật Tiên), “Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ” (Khổng Tử). Cần so sánh “đối thoại” giữa các tôn giáo, trao đổi các quan điểm, lập trường tương đồng, tương dị, và tôn trọng sự lựa chọn niềm tin của người khác.

Thứ ba, theo các lời tự thuật trong các sách Du kí, cha Đắc Lộ đã quan sát khá tinh vi về nếp sống của dân chúng Việt nam. Biết trước sẽ gặp sức đề kháng chống đối mạnh mẽ về phía nhà cầm quyền, nhưng cha Đắc Lộ vẫn can đảm rao giảng những Chân lý của Phúc Âm với ước nguyện cải đổi được nếp sống tinh thần, xã hội Việt Nam thêm hoàn hảo. Do đó, để nâng cao nhân phẩm người phụ nữ, cha đã cương quyết rao giảng chế độ “nhất phu nhất phụ”, dầu bị vua chúa cấm cách, bỏ tù, trục xuất. Mặt khác, vì thấy dân chúng Việt nam trọng lễ nhạc, vui thích đời sống cộng đồng hội hè đình đám, rước sách, nên cha Đắc Lộ đã cổ võ thành lập hội đoàn để việc sinh hoạt tôn giáo, và thực hành sống Đạo được sầm uất, phấn khởi. Đây cũng là nét đặc thù của các cộng đồng công giáo Việt Nam hải ngoại, như ta thấy ngày nay trên khắp thế giới, khác biệt với cách sống đạo của các cộng đồng khác.

Thứ bốn. đối với cha Đắc Lộ, công cuộc Hội Nhập tiến đến giai đoạn cao nhất là đào tạo hàng giáo phẩm, giáo sĩ để thành lập các giáo đoàn địa phương. Việc truyền bá Tin Mừng chỉ thực sự thành công, hiệu lực khi hai yếu tố Văn Hóa và Đức Tin hỗ trợ lẫn nhau. Trên bình diện văn hóa, ai có thể hiểu biết tâm tình, tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục của nước ấy bằng chính người bản xứ? Việc đối thoại giữa các tôn giáo và văn hóa phải được diễn ra trên bình diện triết lý và thần học thì mới có sự thông cảm. Do đó, việc đào tạo và huấn luyện các “chiến sĩ” truyền giáo bản xứ vừa thấm nhuần văn hóa dân tộc vừa hiểu biết sâu xa về giáo huấn của Hội Thánh là điều rất quan trọng. Ta được biết: cha Đắc Lộ đã thành lập Hội “Nhà Đức Chúa Trời” để đào tạo các “Thầy Giảng”. Trong số các ứng viên, ngài đã tuyển chọn các cựu tu sĩ Phật giáo, các nho sĩ là những người thông thạo văn hóa của dân tộc. Ngài cũng bắt buộc các thanh niên còn ít tuổi phải học Tứ Thư Ngũ Kinh thì mới được nhận làm Thày Giảng. Có thể nói, chính những “tông đồ” thông thái cả đạo lẫn đời này đã giúp cha hoàn thành bộ tự điển và sách giáo lý. Khi từ giã nước Việt thân yêu để trở lại Rôma, cha Đắc Lộ đã tường trình cho Tòa Thánh công việc cấp bách là thành lập hàng Giáo Phẩm địa phương. Nhờ Đức Tin vững chắc và một kiến thức sâu rộng về dân tộc học, giáo sĩ hay giáo dân mới có đủ khả năng xây dựng nền Thần Học Việt Nam được.

Trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, nếu dân tộc đã gặt hái được những tinh hoa kết quả rực rỡ, như cái chết anh hùng tuẫn tiết vì Đạo của Thày Giảng “Anrê Phú Yên” mà cha Đắc Lộ đã chứng giám, và hàng trăm ngàn các vị Anh Linh khác, đặc biệt 117 vị Thánh Tử Đạo được toàn thể thế giới tôn kính, nếu đã có vị giáo dân Nguyễn Trường Tộ can đảm hiên ngang viết nên Bản Điều Trần để yêu cầu nhà vua canh tân xứ sở, nếu vị Linh mục Trần Lục (quen gọi là Cụ Sáu) đã kiến thiết nên ngôi Thánh Đường Phát Diệm, một kiến trúc hòa hợp được Đông-Tây, Đạo-Đời… Thiết tưởng đấy cũng là nhờ Công Ơn của cha Đắc Lộ đã dẫn đàng mở lối vậy.

B. Những Vấn Đề Cha Đắc Lộ Chưa Thực Hiện Được

Sau hơn 300 năm, nếu muốn tìm hiểu và phê phán về công trình sự nghiệp của cha Đắc Lộ đã thực hiện hoặc còn thiếu sót, chúng ta cần phải đặt mình vào hoàn cảnh thời bấy giờ. Nếu chỉ dùng những tiêu chuẩn ta có ngày nay để nhận định, phê phán, sợ rằng chúng ta sẽ phạm lỗi bất công và “lỗi thời” đối với người xưa

1. Sách Giáo Lý, Catechismus, đặt tên là: “Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời”, ta cần tìm hiểu chủ đích của tác giả, độc giả là ai, và vào thời điểm nào. Chủ đích của cha Đắc Lộ là nhằm giúp các Thày giảng một tập tài liệu tham khảo để giảng dạy cấp tốc trong 8 ngày những người tân tòng muốn lĩnh phép Rửa tội. Do đó, ta biết được mục tiêu, thính giả, thời gian và đề tài giảng dạy rất hạn chế, không có chiều sâu rộng, đầy đủ như một cuốn sách giáo lý thông thường. Cũng vì thế, chỉ dạy những điều cần thiết để chịu phép Rửa Tội mà thôi, chưa dạy về Bí Tích Thêm Sức, sẽ được dạy sau này. Cũng không dạy về phép Mình Thánh Chúa, có thể để dành cho vị linh mục dâng Thánh Lễ MiSa.

Sách Giáo Lý kể lại nhiều phép lạ Chúa Cứu Thế đã làm để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa sai xuống cứu nhân độ thế, nhưng không đủ thì giờ diễn giảng về ý nghĩa của các dụ ngôn. Chú trọng về “thần tính” hơn là “nhân tính” của Đấng Cứu Thế đã chia sẻ số phận nghèo hèn, khổ sở với nhân loại khi sinh ra nơi hang bò lừa, hoặc khi Ngài tố cáo những bất công xã hội để bênh vực người nghèo. Về cách chú giải Kinh Thánh, cha Đắc Lộ theo cách Chú Giải Kinh Thánh cách đây 300 năm, cắt nghĩa dựa vào “mặt chữ”, khác với phương pháp Bình Phẩm Kinh Thánh (Biblical Criticism) hiện đại, dựa vào khám phá của khoa sử học, khảo cổ, ngôn ngữ, thể văn (Literary Genres) hình thức sử học (Form-Criticism).

2. Về khoa thần học các tôn giáo (Theology of Religions), cũng như cha Matteo Ricci và các nhà truyền giáo thời bấy giờ có vẻ khắt khe đối với các tôn giáo ngoài-Thiên Chúa Giáo. Câu phương châm: “Ngoài Hội Thánh không có sự Cứu Độ” (Extra Ecclesiam nulla salus, Outside the Church there is no salvation) được giải nghĩa một cách hạn hẹp. Ngày nay, theo sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, công bố năm 1992, số 846-848, câu phương châm ở trên không nhằm, không áp dụng cho những ai không được biết Đấng Cứu Thế, mà không phải do lỗi của họ. Đấy chính là những người chưa được nghe giảng về Tin Mừng của Chúa Cứu Thế, nhưng họ theo tiếng của Lương Tâm, ăn ngay ở lành, tin ở “Ông Trời” thưởng người tốt, phạt kẻ dữ. Những người “lương dân” ấy, nhờ Ân Sủng Chúa giúp bằng cách nào đó mà ta không biết được, cũng có thể được lĩnh Ơn Cứu Độ. Xét về quan điểm thần học này, có thể nói: cha Đắc Lộ đã tiến khá xa hơn các bạn đồng nghiệp khi ngài đề cao giá trị của Đạo thờ “Ông Trời”, và Đạo Hiếu của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như các nhà truyền giáo bên Trung Hoa, cha Đắc Lộ đã không đủ thời giờ, không có phương tiện học hỏi về triết lý cao siêu của các Đạo giáo như Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo. Đó cũng là những thách đố, những công việc còn dang dở, chờ đợi chúng ta bổ khuyết.

C. Những Thách Đố Đối Với Chúng Ta Ngày Nay

Từ ngày thành lập Hội Thánh Việt Nam cho đến ngày nay, đã được 466 năm, nếu tính từ năm 1533, theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thuật lại, đã có người tên là “I Ne Khu” (có thể là Ignatius) tới các làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc quận Nam Chân và đến làng Trà Lũ thuộc quận Giao Thủy, tỉnh Sơn Nam, để giảng Đạo của “Giatô” (phiên âm chữ nho của chữ Jesus, ngày nay đọc là Giêsu). Đặc biệt, cũng đã 372 năm, nếu tính từ ngày 19 tháng 3, năm 1627 khi cha Đắc Lộ cập bến Cửa Bạng (tức Ba Làng) và Ngài đã dâng Thánh Lễ kính Thánh Giu Se, để xin Thánh Cả bảo trợ Hội Thánh Việt Nam và các hoạt động tông đồ truyền giáo. Trước đó 3 năm, năm 1624, lần đầu tiên từ Macao, cha Đắc Lộ đã cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) cùng với 6 cha dòng Tên khác. Cha Đắc Lộ đã vĩnh biệt Việt Nam để trở lại Rôma năm 1645, sau 27 năm phục vụ tại miền Đông Nam Á. Ngày nay, chúng ta thử nhận định một cách tổng quát xem, sau gần nửa thiên niên nghe giảng Tin Mừng của Chúa Cứu Thế, Hội Thánh Việt Nam đã thực hiện được những công trình, những hoạt động truyền giáo nào để nối tiếp sự nghiệp của cha Đắc Lộ? Và ngày nay, những Thách đố nào chúng ta cần đối phó để đem Tin Mừng Hội Nhập vào Văn Hóa dân tộc?

Theo lịch sử, Đạo Thiên Chúa đã được rao giảng gần năm thế kỷ trên giang sơn Việt Nam, nhưng vào thời kỳ loạn lạc, đất nước phân chia, nhà cầm quyền không có chính sách ngoại giao khôn khéo để đối phó với những biến chuyển của chính trường quốc tế. Vả lại, vì các vị truyền giáo là người tây phương và giáo thuyết của đạo mới có nhiều điều khác lạ đối với phong tục tập quán và tín ngưỡng địa phương, nên đã gây nên nhiều nghi kị, chống đối, cấm cách. Cho đến ngày nay, mối nghi kị, coi Thiên Chúa Giáo như đạo ngoại quốc, vẫn chưa đánh tan được. Có những lý do tiêu cực phát sinh do sự hiểu lầm về công cuộc truyền giáo, chẳng hạn đồng hóa các thừa sai tây phương với những người buôn bán hay đi chinh phục đất đai, hoặc vì thành kiến, bảo thủ, nên coi những giáo thuyết mới là “tà đạo”. Bởi vậy, có thể nói, gần 400 năm, việc rao giảng Tin Mừng không được tự do truyền bá. Các thừa sai ngoại quốc, hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và giáo dân luôn bị truy nã, cầm tù, và bị giết như những tội nhân. Do đó, việc xây dựng những công trình lớn lao về thần học, triết học, văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, hội họa… để thể hiện chính sách Hội Nhập Thiên Chúa Giáo vào văn hóa Việt Nam, khó thành công được. Hội Thánh chỉ được hưởng tự do an bình để giảng đạo chừng gần trăm năm nay mà thôi. Phần lớn các sinh hoạt tôn giáo đều nhằm vào việc củng cố “nội bộ” như đào luyện các thầy giảng, các linh mục, tu sĩ, lập ban hành giáo, các hội đoàn đạo đức, dạy kinh bổn cho bổn đạo. Do đó, chưa sáng tạo được những kiệt tác về thần học triết học, văn chương, nghệ thuật, hội họa, điêu khắc, kiến trúc do chính người Việt nam, vừa thấm nhuần văn hóa dân tộc vừa cảm nghiệm được Thiên Ân để sáng tác nên những tác phẩm giá trị, hay những áng thơ tuyệt diệu .

1. Về phương diện Văn chương và Nghệ thuật. Cha Đắc Lộ và các vị thừa sai đã hợp tác để sáng chế ra loại chữ mới hoàn toàn khác với chữ nho và chữ nôm để dùng trong việc truyền bá Tin Mừng. Vì loại chữ này rất tiện lợi, dễ học, nên đã trở thành lợi khí sắc bén để phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí, được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng và tán tụng là: “Quốc ngữ, chữ nước ta”. Theo Văn Học Sử Việt Nam, sức bành trướng của chữ Quốc ngữ mạnh mẽ phi thường. Chỉ trong vòng mấy chục năm vào đầu thế kỷ 20, đã xuất bản được những tạp chí giá trị như “Đông Dương Tạp Chí”, “ Nam Phong Tạp Chí”, chuyên khảo cứu về văn chương, triết lý, khoa học, nghệ thuật Đông -Tây. Vào khoảng năm 1932, thành lập “Tự Lực Văn Đoàn”. Cũng trong thời gian đó, văn chương Việt nam đã phát tirển rực rỡ với đủ các loại văn như: tiểu thuyết, học thuật, phong tục, tả thực… Vào năm 1940, người ta đã có thể thu thập, xếp loại các trường phái và khuynh hướng của các “Nhà Văn Hiện Đại”.

Nhắc lại một giai đoạn trong Lịch Sử Văn Học Việt Nam ở trên, giúp ta dễ so sánh với tình trạng văn chương tôn giáo, và các công trình nghệ thuật trong Giáo Hội Công Giáo. Theo những tài liệu hoặc sách báo xuất bản gần đây, làm công việc “tổng kết” những hoạt động văn hóa của người Công giáo Việt Nam đã tham gia vào “Dòng Sinh Mệnh của Dân Tộc”, hoặc “Trong Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc”, ta có thể tạm chia làm hai thời kỳ:

Thời kỳ thứ nhất, sau khi Giáo Hội được tự do giảng Đạo, các sách báo “nhà đạo” hạn định vào việc củng cố đức tin của tín hữu, việc ấn loát chú trọng vào in sách kinh, sách bổn giáo lý thuộc các địa phận, cổ động lòng sùng kính, noi gương các thánh, phổ biến các thủ bản của các hội đoàn… Trong thời kì này, việc sáng chế ra các danh từ mới để chuyển đạt những tư tưởng về Thần học, Triết học, Kinh Thánh, phụng vụ, giáo lý… chưa được phát triển mạnh mẽ, dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, các vị thừa sai, vì nhu cầu giảng dạy trong các chủng viện để đào tạo các linh mục bản xứ, cũng đã xuất bản được một số sách danh tiếng như: Tự Điển Việt-Latinh của Giám Mục Taberd, Tự Điển Việt-Hán-Pháp của cha Hue. Công trình nghiên cứu về đạo giáo và phong hóa Việt Nam của cha L. Cadière, rất công phu, nổi tiếng. Ngoài ra, rất ít người biết đến những tài liệu giáo khoa bằng tiếng Việt, đã được soạn thảo để giảng dạy trong các chủng viện, về thần học, triết học, giáo luật… Trong thời kỳ này, ta cũng thấy một vài “ngôi sao” xuất hiện, thực sự góp phần làm vinh hiển cho nền văn hóa Việt Nam, đó là nhà bác học và văn hào Trương Vĩnh Ký. “Bản Điều Trần” của Nguyễn Trường Tộ, và “Nhà Thờ Phát Diệm của Cụ Sáu, tức cha Trần Lục, là những viên ngọc quí giá, đã tô điểm cho lâu đài văn hóa Việt Nam.

Từ sau năm 1945, nghĩa là bắt đầu thời kì độc lập, một con số rất hùng hậu những tu sĩ, chủng sinh Việt Nam được gửi ra ngoại quốc du học tại các đại học danh tiếng trên thế giới, nhờ các học bổng của Giáo Hội hoàn vũ giúp đỡ. Trong suốt thời gian 1945-1975, hàng mấy trăm tu sĩ và giáo dân “xuất dương du học”, khắp các đại học danh tiếng ở Âu-Mỹ, về đủ mọi ngành học vấn, thần học, triết học, khoa học… Một số lớn đã trình các luận án tốt nghiệp, để khi trở về nước, được bổ sung vào các trường đại học Công Giáo hay chính phủ vừa thiết lập.

Một số du học sinh đã khởi công nghiên cứu đặc biệt về khoa ngữ học Việt Nam, nổi tiếng như linh mục Lê Văn Lý. Một nhóm người trở về nguồn, tiếp nối con đường của cha Đắc Lộ, đã sưu tầm về nguồn gốc chữ Quốc Ngữ như Nguyễn Khắc Xuyên. Cũng có một số đông dụng công viết lại những trang sử về Giáo Hội sơ khai tại Việt Nam như Đỗ Quang Chính. Có vài vị khai thác những giá trị cổ truyền trong Khổng Giáo để áp dụng vào khoa thần học Thiên Chúa Giáo như Trần Văn Hiến Minh. Có thể nói, đây là một giai đoạn rất hứng khởi, đầy hứa hẹn cho tương lại dân tộc và Giáo Hội Công Giáo, về văn học và nghệ thuật, đặc biệt những bài Thánh ca đầy dân tộc tính của Hùng Lân, Hải Linh, Tiến Dũng, và các Sách Lễ Phụng Vụ bằng tiếng Việt do nhóm Hiện Tại khởi xướng từ 1950.

Tuy nhiên, vì thiếu một cơ quan chỉ đạo chung của Giáo Hội để hướng dẫn các du học sinh biết chọn các môn học tuỳ theo nhu cầu, vì thiếu các tổ chức khuyến khích việc in và xuất bản, nên nhiều luận án giá trị, hầu hết viết bằng ngoại ngữ, vần còn nằm im lìm trong các thư viện, không ai biết tới!

Về mặt truyền thông, giới công giáo chưa xuất bản được một nhật báo, tuần báo hay nguyệt san có tầm mức gây uy tín nơi toàn thể đồng bào để “đem Đạo vào Đời”, để phát biểu lập trường của Hội Thánh về các vấn đề chính trị, kinh tế, công bằng xã hội, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm giá trị do các giáo sĩ hay tín hữu thực hiện, nhưng không được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc, vì thiếu một cơ quan của Giáo Hội nâng đỡ, bảo trợ để có thể xuất bản và tiêu thụ trên thị trường. Cũng thiếu những tổ chức chính thức của Giáo hội, hoặc các “mạnh thường quân”, để khuyến khích, tặng giải thưởng cho các văn nghệ sĩ và các tác phẩm xuất sắc về văn chương, hội họa, điêu khắc… kết tinh được Đức Tin và Văn Hóa.

Nếu so sánh với “văn chương ngoài đời”, như đã đề cập ở trên, ta nhận thấy những công trình sáng tạo về văn hóa, nghệ thuật, vẫn còn khiêm tốn, vì thiếu quảng bá hoặc vì chưa thực sự thấm nhuần văn hóa đạo đức tinh hoa của dân tộc, nên không được đồng bào ngoài Công Giáo mến chuộng. Đây là một thách đố lớn lao nhất của người Công Giáo Việt Nam, bởi vì bao lâu “Đạo” chưa ăn rễ sâu vào dòng sinh mệnh của dân tộc để sinh hoa kết quả là các công trình văn chương, nghệ thuật, thì mối nghi ngờ Thiên Chúa Giáo là “đạo ngoại lai”, vẫn chưa có thể đánh tan được!

2. Hợp tác trên bình diện Xã Hội, Giáo Dục. Như ta thấy ở trên, về phương diện văn chương nghệ thuật, Giáo Hội cần cố gắng rất nhiều theo gương các vị Tiền Bối để hoàn thành những công trình lớn lao hầu đánh tan những mối nghi kị giữa Lương-Giáo. Hơn nữa, vẫn có thể Hợp Tác với các tôn giáo bạn trong công việc từ thiện, xã hội, giáo dục để chứng tỏ lòng vị tha Bác ái của Đạo Chúa đối với đồng bào. Có thể nói, về phương diện này, Giáo Hội đã thực hiện đuợc nhiều công tác quan trọng như săn sóc các bệnh nhân phong cùi, lập nhà thương, phòng phát thuốc, nhà dưỡng lão, viện mồ côi, trại tế bần, tổ chức cứu trợ nạn nhân các thiên tai bão lụt, các công cưộc di cư đinh cư dinh điền… để thông cảm và xoa dịu nỗi thống khổ của đồng bào. Đây cũng là một lĩnh vực sở trường của Giáo Hội, nhờ uy tín quốc tế, đặc biệt, nhờ sự hy sinh, dấn thân của các nữ tu, các “Dì Phước”. Đại đa số đồng bào rất cảm phục về những hoạt động bác ái này, để chứng minh Đạo Chúa là Đạo Tình Thương và để đánh tan một phần nào những mối nghi kị đối với công giáo.

Tuy nhiên, mối giao hảo giữa công giáo và đồng bào cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Phần lớn các công tác bác ái được thực hiện riêng rẽ, thiếu sự HỢP TÁC giữa các tôn giáo, nên đã gây ra sự cạnh tranh, ghen tị. Người ta chỉ kêu gọi “Đoàn Kết”, khi xẩy ra những khủng hoảng trầm trọng gây nên xáo trộn, phá phách. Bình thường những tổ chức như “Liên Tôn”. Hợp Tác” của các tôn giáo, có tính cách tượng trưng hơn là hoạt động tích cực trong lĩnh vực cứu tế để tạo cơ hội thông cảm, đoàn kết.

Ngày xưa, cha Đắc Lộ và các thừa sai chưa có thể công khai tố cáo những bất công, những tệ đoan xã hội, bênh đỡ người nghèo, người bị bóc lột trong xã hội Việt Nam thời phong kiến. Nhưng ngày nay, nếu muốn đem Tin Mừng hội nhập một cách sâu rộng vào đất nước này, thì Giáo Hội cần phải đồng hóa với đại đa số đồng bào nghèo khổ, vì Việt Nam được xếp vào hạng các nước nghèo trên thế giới. Về khía cạnh này, rất nhiều câu hỏi đặt ra, nhiều thắc mắc chưa được giải đáp. Chẳng hạn như: Giáo Hội của người nghèo hay người giầu? Giáo hội có thích khoa trương, đắc thắng (triumphalism) không?

Về phương diện giáo dục, Giáo Hội vẫn tự hào đã mở được nhiều trường tư thục, từ cấp mẫu giáo đến đại học. Những năm gần đây, số học sinh của các trường trung học công giáo lên khá cao, sánh với tỉ lệ học sinh toàn quốc. Đó cũng là điều đáng khen vì đã góp phần đắc lực vào việc nâng cao dân trí. Lại nữa, con số các học sinh trung học bên lương (ngoài-công giáo) thường cao hơn số các học sinh bên giáo! Điều đáng cảm phục nhất là tại những miền xa xôi hẻo lánh, đồng chua nước mặn, duới những căn phòng lụp xụp hay túp lều tranh thô sơ, thiếu bàn ghế… trong đó ta thấy bóng dáng “Dì Phước” dòng Mến Thánh Giá, một mình kiêm hai ba lớp, lủi thủi, cặm cụi dạy các em lương-giáo tập đọc, tập viết. Âu cũng là tấm gương sáng lạng về việc Hội Nhập Đạo Chúa vào văn hóa Việt Nam. Cho đến ngày nay, ban giáo dục của Giáo Hội chưa soạn thảo được một bộ Sách Giáo Lý dùng làm sách giáo khoa cho các lớp từ mẫu giáo tới lớp 12, cập nhật hóa theo phương pháp sư phạm giáo lý mới, nhất là để dạy Kinh Thánh, đồng thời dùng đạo đức của văn hóa dân tộc như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, v.v., để chứng minh, hỗ trợ những bài giáo lý.

3. Đối Thoại với các Tôn Giáo bạn trên bình diện triết lý, siêu hình. Như chúng ta đều biết, mỗi tôn giáo trên thế giới đều có niềm tin đặc biệt, và nhiều cách thế để biểu lộ ra bên ngoài bằng các lễ nghi, phụng vụ, kinh sách, tổ chức giáo hội, huấn luyện tu sĩ… Vả lại, cách thực hành Đạo cũng thay đổi tùy thời tùy nơi. Do đó, không thể so sánh, đối chiếu cách thực hành của Đạo này với Đạo khác được. Nhưng qua những hình thức biểu lộ phức tạp và khác biệt, các tôn giáo lớn, trên bình diện suy tư về Siêu Hình, Triết Lý, đều vươn lên Cõi Siêu Việt, Vô Hình, Chân-Thiện-Mỹ. Đây cũng là “Tâm Điểm” (locus) phát hiện ra CHÂN LÝ VĨNH CỬU, nơi nhân loại có thể gặp gỡ và nối kết lại với nhau. Trên bình diện Siêu Việt này, các tôn giáo nên tìm hiểu ý nghĩa của các giáo thuyết, của niềm tin. Điều quan trọng và cần thiết là phải cố gắng hiểu cho đúng, tránh xuyên tạc ý nghĩa, tránh mạt sát, nhưng hãy so sánh những điểm tương đồng và khác biệt và luôn luôn tôn trọng ý kiến, lập trường, sự tự do phán đoán, và quyết định về niềm tin của người khác, mặc dầu khác với tín ngưỡng của riêng mình.

Vào thời kỳ Hậu-Công Đồng Tridentinô, cách đây hơn 400 năm, khoa Thần Học của Giáo Hội đối với các Tôn Giáo ngoài-Thiên Chúa Giáo chưa được tiến triển như lập trường của Công Đồng Vaticanô II (1962-1965). Như đoạn trên đã trình bày, phương châm: “Ngoài Hội Thánh, không có sự Cứu Độ”, được giải thích theo nghĩa hẹp. Do đó, các vị thừa sai đánh giá rất thấp tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục của các tôn giáo khác. Về điểm này, có thể nói, cha Matteo Ricci ở Trung Hoa, và cha Đắc Lộ ở Việt Nam là trường hợp ngoại lệ, vì cả hai đều muốn bảo trì những giá trị tinh tuý của các nền văn hóa. Tuy nhiên, vì thiếu thời giờ và phương tiện học hỏi, nghiên cứu tường tận, nên cả hai chưa hiểu rõ những ý nghĩa chính thực của các quan niệm siêu việt như: “Đạo” “Vô” (Lão Giáo), “Không” (Phật Giáo) và Thái Cực, Lý, Khí (Chu Hi, Vương Dương Minh). Cả hai chỉ chú trọng vào đạo Tu Thân và niềm tin vào Thượng Đế, “Thiên” của Khổng giáo. Riêng cha Đắc Lộ còn khai thác niềm tin vào “Ông Trời”, lễ tế Nam Giao và đạo Hiếu.

Đây cũng là một thách đố lớn lao nhất đối với Giáo Hội Việt nam hiện nay. Thât ra, cho đến bây giờ, chưa có cuộc Đối Thoại giữa Công Giáo và các tôn giáo được diễn ra trên bình diện thần học, triết lý để tìm hiểu niềm tin của nhau một cách thông cảm, hầu đánh tan mọi nghi kị, hiểu lầm. Nếu có đề cập đến các Đạo giáo là để biện hộ và phi bác các điều “lầm lạc”, chứ chưa tìm hiểu những giá trị tích cực của các Đạo ấy. Sau hơn 300 năm, ngày nay Giáo hội có nhiều nhân tài, phương tiện, và thời giờ để nghiên cứu các tôn giáo bạn hầu bổ khuyết cho công trình của cha Đắc Lộ còn chưa hoàn bị. Chẳng hạn chữ, “ĐẠO”, chữ “VÔ” của Lão giáo trong Đạo Đức Kinh, hay chữ “KHÔNG” trong Phật giáo Đại Thừa, không có nghĩa là “không có gì hết”, nhưng để chỉ Thực Tại Tuyệt Đối, uyên thâm vô cùng, vô thủy vô chung, vô hình vô tượng và là Nguồn Gốc của vạn vật, vạn hữu. Người bình dân Trung Hoa hay Việt Nam đều hiểu theo ý nghĩa tích cực ở trên. Đây là kiểu nói quen thuộc, thường dùng trong các Đạo Giáo Đông phương theo “phương thức phủ định” (via negativa). Bên Tây phương, Thánh Tôma, nhà thần học trứ danh, đặc biệt các nhà thần bí (Mystics), thỉnh thoảng cũng dùng cách thức nầy, gọi là “Thần học Phủ định” (Theologia negativa. Xin đọc Chương hai “Phương Pháp Suy Luận Đông-Tây).

Việc nghiên cứu để hiểu một cách chính xác các quan niệm triết lý siêu hình của các Đạo giáo để có thể đàm đạo, đối thoại là điều cần thiết. Nhưng việc học hỏi nên đề phòng những nguy cơ như sau: một là, không tìm hiểu thấu đáo ý nghĩa biểu tượng, phương pháp suy luận của người Á Đông, nên dễ hiểu lầm và giải thích sai lạc văn hóa Việt Nam; hai là, đã có sẵn thành kiến về các Đạo giáo được coi là “lầm lạc, mê tín, dị đoan”, nên khinh thường không cố công học hỏi, trái lại, đề cao văn hóa ngoại lai; ba là, đã nỗ lực sưu tầm những tinh túy trong nền triết lý dân tộc, nhưng vì thiếu hiểu biết về thần học Thiên Chúa Giáo, nên đâm ra hoài nghi, và mất đức Tin; bốn là, vì ái quốc cực đoan, vì lập trường chính trị, nên chủ trương “Tự Trị”, về luật lệ điều hành, tài chính và cả tín điều nữa, không hiệp thông với Giáo Hội Rôma; năm là, vì không hiểu rõ các quan niệm về đạo giáo và triết lý của dân tộc, nên họ đã lẫn lộn, không phân biệt được những điểm tương đương và những điểm khác biệt giữa đức Tin của Thiên Chúa Giáo và Văn hóa của dân tộc. Chẳng hạn như ý nghĩa chữ “ĐẠO” là gì? Có phải “đạo” là “đường”, là “đàng” hay còn những ý nghĩa siêu hình nào nữa không, trong thành ngữ “Thiên Đạo”, “nhân đạo”? Câu “Tri Hành Hợp Nhất” là một Nguyên lý của người Việt Nam hay là thuộc phái Tâm Học của Vương Dương Minh? (coi Nho Giáo, Trần Trọng Kim, quyển hạ, trang 255). Trong sách của thánh hiền, câu “Thiên nhân hợp nhất”, và câu “Thiên nhân tương dư (dữ)”, nghĩa là Trời và người quan hệ nhau rất mật thiết (Nho Giáo, trang 39), hai câu đó có nghĩa gì? Mặt khác, cũng cần nhận định một quan niệm khác biệt giữa Thần học Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo. Thường các Đạo giáo Đông phương chủ trương “Vạn Vật Nhất Thể”, hay thuyết Tam-Tài (Thiên-Địa-Nhân), nghĩa là Trời Đất, Người, cỏ cây, sông núi, v.v cùng có chung một bản thể, không có “bản vị” riêng biệt (impersonal). Trái lại, Thần học Thiên Chúa giáo nhấn mạnh đến tính cách “ngôi vị”, nghĩa là “Bản Thể” Siêu Việt vô cùng của Thiên Chúa hoàn toàn “khác” với bản thể của các loài thọ tạo như loài người, cỏ cây, động vật. Đây là quan niệm về Thần học “Ngôi Vị” (Personalist). Nói tóm lại, trong vấn đề Hội Nhập Đạo vào Văn hóa Việt Nam, điều khó khăn là làm thế nào tạo được thế quân bình: vẫn giữ được tinh thần Hiệp Thông, Hiệp Nhất với Giáo Hội hoàn vũ trong vấn đề tín lý, kỷ luật, đồng thời biểu hiện được những nét đặc thù, tinh tuý của người tín hữu Việt Nam.

4. Vấn đề đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc. Đây không chủ ý phê phán về lòng đạo đức, nhiệt thành truyền giáo, tài năng, học vấn của hàng giáo sĩ, tu sĩ Việt nam, nhưng chỉ đặt vấn đề học hỏi, hiểu biết Văn hóa Việt Nam, như cha Đắc Lộ đã chủ trương khi tuyển mộ và đào tạo các Thầy Giảng và Linh Mục. Như các đoạn trên đã bàn luận, để xây dựng Giáo đoàn địa phương, công tác quan trọng nhất mà cha Đắc Lộ đã làm là huấn luyện hàng giáo sĩ và thành lập Hội Thầy Giảng. Cha đã đặt ra những tiêu chuẩn để tuyển mộ như: tương đối còn trẻ, độc thân, có trình độ trí thức khá cao về Văn hóa Việt Nam. Do đó, cha đã đặc biệt chiêu mộ các vị nho gia, các cựu tu sĩ Phật giáo để huấn luyện thành Linh mục hay Thầy giảng. Ngoài ra, nếu có thanh thiếu niên nào muốn đi tu mà chưa đủ học vấn, thì bắt buộc phải học Tứ Thư, Ngũ Kinh… rồi mới được chấp nhận vào tu.(6)

Điều đáng nêu ra ở đây để thẩm định là: sau cha Đắc Lộ hơn 300 năm, đường lối đào tạo, huấn luyện các tu sĩ, linh mục về vấn đề văn hóa dân tộc, vẫn chưa thực hiện đúng với ước vọng của nhà truyền giáo tiên phong! Khoảng thời gian gần trăm năm nay, Giáo hội được hưởng tự do tôn giáo để tổ chức chương trình đào tạo các giáo sĩ. Trong các Chủng viện cấp trung học, gọi là “trường La tinh”, các chủng sinh bắt buộc học môn cổ ngữ la tinh, vì là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội Rôma, dùng trong sách Phụng vụ, sách Kinh, và sách giáo khoa. Mãi cho đến những năm sau Công Đồng Vaticanô II, khi được phép dùng tiếng Việt trong Thánh Lễ, mới bỏ môn Latinh. Học môn cổ ngữ này là điều chính đáng vì là phương tiện truyền thông của Giáo hội, và để hiểu biết nguồn gốc các ngoại ngữ như tiếng Pháp, Anh, Ý, Tây ban nha… bởi gốc tiếng Latinh mà ra, tương tự như chữ Nho hay Hán tự là gốc của tiếng Việt, tiếng Hán-Việt. Điều đáng tiếc là: trong các chủng viện, môn chữ Nho, đã bị bãi bỏ, chỉ còn chú trọng đến môn Việt Ngữ. Trên Đại chủng viện, môn triết học Việt Nam, triết lý Á Đông không được giảng dạy thành bài giáo khoa có hệ thống, nhưng đôi khi được nêu ra một vài đề tài hay vấn nạn, trong những bài về Minh giáo (Apologetics), hoặc để phi bác những cái gọi là “sai lầm, trái đạo”, hoặc để hỗ trợ cho bài học tín lý. Và hậu quả như mọi người thấy, suốt thời gian gần một thế kỷ, Giáo hội chưa xuất bản được cuốn tự điển đầy đủ các danh từ về khoa thần học, triết học để làm phương tiện chuyển ngữ, phiên dịch, hoặc những bộ sách triết lý, thần học để có thể đối thoại, đàm đạo với các tôn giáo bạn. Vì thiếu căn bản về dân tộc học, nên đa số tu sĩ du học ngoại quốc cũng không sáng tác được những công trình lớn lao, giá trị để giới thiệu Đạo với đồng bào.

5. Hướng về Tương lai, về Thiên niên Thứ Ba. Nhìn lại quá khứ để rút ưu-khuyết điểm, hầu chuẩn bị tiếp tục công cuộc thực hiện trong ngàn năm mới. Trong tình trạng hiện thời của Giáo hội tại quê nhà cũng như tại quốc ngoại, nhiều thách đố, nhiều khó khăn đang chờ đón chúng ta. Điều thiết yếu là cấp lãnh đạo Giáo hội, theo gương cha Đắc Lộ, tùy hoàn cảnh, tùy khả năng, cần nghiên cứu các kế hoạch, phương pháp hiệu nghiệm để “Nhập Thể”. Hội nhập Tin Mừng vào môi trường sinh hoạt của đồng bào Việt nam, tại quốc nội cũng như tại quốc ngoại. Kinh nghiệm mấy ngàn năm lịch sử lập quốc cho thấy: trải qua bao cuộc thăng trầm, ngoại xâm, nội chiến, dân tộc Việt vẫn duy trì được căn tính, bảo vệ được những giá trị truyền thống. Đó là mối tự hào, vinh dự của nòi giống Lạc Hồng, và cũng là một đóng góp tinh thần vào nền văn minh chung của nhân loại.

Ngày nay, vì vận mệnh quốc gia xoay chuyển, tập thể người Việt sinh sống tại quốc ngoại rất đông đảo. Đối với tín hữu Công Giáo Việt nam rải rắc khắp năm châu, nếu muốn giữ vững đức Tin và tinh hoa của dân tộc, thì cần đối phó với nhiều vấn đề cấp bách, nhiều thách đố thôi thúc ra tay hành động, làm thế nào có thể tiếp nối đường hướng rao giảng Tin Mừng của tiền nhân để lại. Trong các cuộc hội thảo, hội nghị, hầu hết cấp lãnh đạo và giáo dân đều đồng ý về nguyên tắc và lý tưởng như sau: Bảo vệ Đức Tin và lưu truyền tinh hoa, giá trị của dân tộc cho thế hệ tương lai. Đây chính là vấn đề: bảo vệ căn tính (identity) riêng biệt của người Việt, đồng thời “Hội nhập” vào văn hóa, vào giáo hội địa phương. Trừ một thiểu số có lập trường “quá khích” tẩy chay văn hóa ngoại quốc, viện cớ là văn minh vật chất, luân lý đồi bại, gia đình tan rã…; ngược lại, cũng có người, nhất là giới trẻ, không phân biệt điều tốt, thói xấu trong phong tục tập quán Việt nam, chối bỏ quá khứ dĩ vãng, không nói và học tiếng Việt nữa và hoàn toàn “đồng hóa” với dân nước địa phương. Nhưng kinh nghiệm cho thấy: khước từ nguồn gốc, căn tính, văn hóa của mình, “lột xác, bán linh hồn”, để “ đồng hóa” hoàn toàn với một văn hóa khác, là điều khó thực hiện. Đây không phải là óc kỳ thị chủng tộc, hay óc bài ngoại, nhưng là vấn đề: hiệp nhất trong sự khác biệt (e pluribus unum). Tại Hiệp Chúng Quốc, đã có thời người ta chủ trương “trộn lẫn”các chủng tộc (melting pot), nhưng ngày nay đã thay đổi thành ra “Rainbow” (Cầu Vồng, năm sắc). Ngày nay, đặc biệt tại Hawaii, quan niệm chân chính về Hội Nhập Văn Hóa được đề cao, nghĩa là mỗi sắc dân sinh sống tại quần đảo như dân địa phương và các chủng tộc di dân như Samoa, Fiji, Tahiti, Nhật, Hoa, Đại Hàn, Việt nam, Bồ đào nha, Phi, Hispanics… được khuyến khích bảo tồn và biểu diễn văn hóa của mình trong những cuộc diễn hành, hay các cuộc lễ kỷ niệm. Ngoài ra, kinh nghiệm cũng cho thấy: những người cùng nói tiếng “Hispanics” (Tây Ban Nha) như Mễ, Guatamala, … vì cùng chung văn minh Thiên Chúa Giáo với đa số dân Hoa kỳ từ Âu châu đến như Ái Nhĩ Lan, Anh, Pháp, Ý… nên việc hội nhập rất dễ dàng, chỉ sau một thế hệ, đến đời con cháu đã thực sự đồng hóa với dân địa phương. Trái lại, đối với các dân tộc đã có một nền văn hóa kỳ cựu và khác biệt với văn minh Thiên Chúa Giáo như Việt Nam, Trung Hoa, Nhật bản… thì hiện tượng đồng hóa gặp nhiều trở ngại, khó khăn, và cần một thời gian lâu dài. Bởi vậy, không lạ gì, dầu người Tàu, người Nhật đã lập nghiệp tại Hoa kỳ gần 200 năm, nhưng người ta vẫn phân biệt, vẫn gọi: “Chinese-American”, “Japanese-American”,… và “Chợ Tàu” (China Town) lan tràn khắp nơi. Thống kê cho thấy, các cặp hôn nhân tạp chủng, hỗn hợp (mixed marriage) khó thành đạt và bền vững vì tập quán và văn hóa khác biệt giữa họ hàng, bà con nội-ngoại. Một hiện tượng xã hội khác cũng thường xẩy ra: tại trường tiểu học, các học sinh đủ mọi sắc tộc đều chơi thân, kết bạn với nhau, nhưng khi lên bậc trung học, đại học, nếu cần kết bạn “tâm tình”, thì thường thấy chúng “cặp kè” với bạn đồng hương.

6. Riêng về vấn đề hội nhập vào các Giáo đoàn địa phương, người tín hữu Việt Nam theo đường hướng nào? Tại quốc ngoại, chúng ta được hưởng hoàn toàn tự do tôn giáo, lại có đầy đủ phương tiện tổ chức, hội họp, học hỏi, vậy chúng ta đã làm gì để hội nhập Tin Mừng vào môi trường đang sinh sống, nhất là có thể thông cảm, và đánh tan mọi ngờ vực, nghi ky, tạo cơ hội để đàm đạo, đối thoại với các tôn giáo bạn chưa? Trong những năm qua, cộng đồng công giáo Việt Nam, đã thành lập được những tổ chức như “Liên Đoàn”, “Liên Tu sĩ”, “Liên Tôn Liên Lạc”, v.v., nhưng chỉ thật sự hoạt động để đối phó với nhu cầu khẩn thiết, cấp bách như tổ chức Lễ Phong Thánh, Yểm Trợ, hay các kỷ niệm. Ngoài ra, cấp lãnh đạo và giáo dân chưa nghiên cứu được một kế hoạch qui mô, một đường hướng mục vụ thích hợp cho tập thể người công giáo Việt Nam tại quốc ngoại, tương tự như những nguyên tắc chỉ đạo của cha Đắc Lộ về vấn đề truyền giáo. Xét cho cùng, những tổ chức trên đều có tính cách thân hữu, chứ không được Hội Đồng Giám Mục tại địa phương chính thức công nhận, vì cấp lãnh đạo Giáo Hội địa phương không có một chính sách chung cho toàn quốc, cho các Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại các địa phận, hay giáo xứ. Do đó, mỗi địa phận, mỗi giáo xứ địa phương đối đãi với cộng đồng Việt Nam một cách khác nhau, tùy thuộc cảm tình của vị giám mục hay linh mục chánh xứ. Hiện nay, một thiểu số cộng đồng công giáo Việt Nam được thành lập với qui chế của một giáo xứ riêng: “Nhà Thờ Việt Nam”, linh mục Việt Nam làm chính xứ, có nhà xứ và văn phòng riêng, tự túc về tài chính. Còn phần lớn các Cộng Đồng mượn nhà thờ địa phương để dâng Thánh Lễ, tiền thu được nộp cho giáo xứ và cha quản nhiệm được “bài sai” chính thức làm phụ tá cho giáo xứ, kiêm phụ trách giáo dân nói tiếng Việt. Những cộng đồng nhỏ, ít người Việt rải rắc trong các tiểu bang, thỉnh thoảng mời một linh mục Việt Nam đến dâng Thánh Lễ. Điều đáng nêu ra ở đây là: ước mong được soạn thảo một chương trình qui mô, một đường hướng hợp thời, hợp hoàn cảnh mới về việc dạy Giáo lý và Việt ngữ để giúp thế hệ trẻ giữ vững Đức Tin và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một vài sách giáo lý song ngữ dịch từ ngoại ngữ, nhưng không đủ cho các lớp, không đáp ứng nhu cầu của trẻ em Việt Nam mới đến định cư. Vấn đề dạy Việt ngữ rất quan trọng vì giúp cho các cộng đồng được tồn tại lâu bền, nhất là để các trẻ em có thể nghe được hiểu được những lời khuyên bảo dạy dỗ của ông bà cha mẹ, hoặc thưởng thức những câu ca tiếng hát, và thông hiểu lịch sử, văn hóa quê cha đất tổ.

7. Vấn đề các tu sĩ nam nữ, chủng sinh, linh mục Việt Nam tại quốc ngoại. Theo đường hướng mục vụ của Vị Tông Đồ khai sáng nên Giáo Hội Việt Nam, việc huấn luyện và đào tạo các thầy giảng, các tu sĩ nam, nữ, các linh mục để lãnh đạo các cộng đồng, và rao giảng Tin Mừng cho đồng bào, là điều tối hệ trọng. Hiện nay trên thế giới, giới nhà tu Việt Nam đông đảo, hùng hậu’ hơn nữa, được tự do hoạt động, lại nhiều cơ hội học hành, trau giồi kiến thức. Theo luật chung của Giáo Hội, và luật của các Dòng Tu, mỗi chủng sinh, linh mục, mỗi tu sĩ đều “nhập tịch” vào một địa phận, hay thuộc về Hội Dòng. Theo nguyên tắc, giới tu sĩ do các địa phận, hay hội Dòng tuyển mộ, phải được huấn luyện chu đáo về ngôn ngữ, văn hóa, để có khả năng làm việc truyền giáo tại địa phương. Sau hơn 20 năm di cư, ở nhiều nước trên thế giới, giới tu sĩ Việt Nam đã chứng tỏ lòng nhiệt thành, đức độ và tài năng có thể đảm trách những chức vụ trong Giáo hội. Đấy là một vinh dự cho cá nhân và gia đình, nhưng cũng là một hãnh diện của con cháu Lạc Hồng đã đóng góp vào việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Điều muốn chia sẻ ở đây, thực ra chỉ là một “ước vọng” mà thôi, hoàn toàn tùy thuộc vào thiện chí của mỗi người! Nếu còn nhớ đến nguồn gốc quê hương, đến tổ tiên đã sinh thành ra mình, đến các vị tiên phong truyền giáo như cha Đắc Lộ, đến các Thánh Tử Đạo, đến Giáo Hội quê nhà thiếu thốn mọi mặt..thì chắc quí vị sẽ dùng thì giờ nhàn rỗi, dùng tài năng, tiền bạc, v.v. để giúp vào việc xây đắp nền Văn Hóa Việt Nam, bằng những tác phẩm dịch thuật, hoặc bằng những sáng tác phẩm giá trị, để làm giầu cho kho tàng văn hóa nước nhà, đồng thời giới thiệu những tinh hoa của dân tộc cho mọi nước, mọi dân trên hoàn vũ. Mong lắm thay!

Chương Hai

Phương Pháp Suy Luận Đông Tây

Trước khi trình bày triết học và đạo học của Đông Phương và Tây Phương, ta nên tìm hiểu phương pháp suy luận của mỗi bên như thế nào. Không hiểu biết cách thức lập luận của các thần học gia, nho gia, thiền sư, ta có thể hiểu lầm, và gán cho họ những quan niệm mà họ không có. Trong khi đàm đạo, đối thoại, nhiều khi chỉ khác nhau về cách dùng từ ngữ, nhưng kỳ thực cùng chung một nội dung, một ý nghĩa. Những thành ngữ mang sắc thái mâu thuẫn, nghịch lý, huyền bí như: “Vạn Vật Nhất Thể”, “Tam Tài”,” Thái Cực”, “Vô”, “Chân Không Diệu Hữu”, v.v. hoặc những ý niệm về “Bản Vị”, “Ngôi Vị (person), hay ý niệm về “Loại Tỷ, Tương Tự” (analogy), đôi lúc đã gây trở ngại, hiểu lầm trong việc đối thoại. Chẳng hạn, Đông phương thích dùng danh từ “Vô”, “Không”, để diễn tả tính chất tuyệt đối của Thực Tại Tuyệt Đối, theo phương pháp “via negativa” (đường lối phủ định), thì có người cắt nghĩa “Vô”, là “không có gì hết”, là vô thần, Mặt khác, khi thần học Thiên Chúa Giáo dùng các phẩm tính (attributes) để gán cho Thiên Chúa như Chúa là”Đấng phép tắc vô cùng”, theo phương pháp Loại Tỷ, thì bị hiểu lầm là hạ giá Chúa xuống hàng nhân loại, phàm tục, thần-nhân-đồng-hình (anthropomorphism). Ngày nay, một số nhà Phật học vẫn phủ nhận quan niệm về nhân vị, bản vị, hay ngôi vị.

Chân lý là Một. Trong vũ trụ này, chỉ có Một Chân Lý Tuyệt Đối. Nhưng, vì trí khôn hạn hẹp của nhân loại, nên cần dùng nhiều cách thức, nhiều phương pháp lý luận để đạt tới Chân Lý. Khoa Tri Thức Luận (Epistemology) cho thấy: ta biết được Chân Lý nhờ Trực giác, nghĩa là hiểu biết không cần phải lý luận, như các Chân lý về toán học: 1+1= 2 hoặc Trực giác về sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa, dựng nên vũ trụ. Ta cũng có thể đạt tới Chân Lý nhờ Lý Luận, như các chân lý thuộc Khoa Học Thực Nghiệm, nhờ phương pháp Suy Diễn, và Qui Nạp. Ngoài hai cách thức trên, ta cũng biết được Chân lý, nhất là những Chân lý cao siêu, nhờ Thiên Chúa Mặc Khải (Revelation) trong các sách Kinh Thánh.

Nói tổng quát, có hai cách lập luận chính: 1) Tây Phương thiên về lý luận theo Phương Pháp Biện Biệt (distinction), Phân tích, Suy Diễn (deduction), Qui Nạp (induction); 2) Đông Phương thiên về Trực Giác, về cảm quan Nhất Quán, Nhất Nguyên, Tổng hợp (những mâu thuẫn). Ngoài ra, cả hai đều dùng “Thần học Phủ định” (negative theology), nhưng đó là môn sở trường của Đông Phương. Tây Phương còn dùng thêm phương thức “Tương Tự”, hay “Loại Tỷ” (analogy), cũng gọi là phương thức Siêu Tuyệt (via eminentiae, way of eminence), để tìm cách đi từ hữu hạn vươn lên vô hạn. Đặc biệt, Tây Phương xây dựng nền tảng Triết lý và Thần học Siêu hình trên ý niệm” Bản Vị”, “Ngôi Vị” hay” Nhân Vị” (Person), sẽ bàn luận sau đây.(7)

ĐOẠN I . Lý Luận Biện Biệt Của Tây Phương

Tây Phương, theo truyền thống triết học từ thời Socrates (c. 470-399 BC), Plato (c. 428-c.348 BC), đến thời Kant (1724-1804), Hegel (1770-1831), đều dùng lối lý luận Biện chứng (dialectic), Biện biệt (distinction), nghĩa là phân tách, phân loại, phân chia các tư tưởng và sự vật để tìm hiểu được rõ ràng hơn. Dĩ nhiên, phân chia ra các thành phần rồi lại tổng hợp lại, đó là hai hoạt động đi liền nhau của trí khôn. Óc Biện Biệt, Phân Tách đó áp dụng đặc biệt vào Luật Mâu Thuẫn.

A. Luật Mâu Thuẫn

Phương Pháp lý luận chia sự vật ra hai phần biệt lập, chống đối, triệt tiêu lẫn nhau như: thiện-ác, trắng-đen, tốt-xấu, lành-dữ, hồn-xác, tinh thần-vật chất, tĩnh-động, âm-dương, chủ quan-khách quan, v.v. Theo nguyên lý về luật mâu thuẫn (principle of contradiction), thì A là A, B là B. A không thể vừa là A, đồng thời vừa không phải là A được. Một vật hoặc là trắng hoặc là đen, chứ không thể vừa trắng lại vừa đen, vì trắng-đen được coi là cặp mâu thuẫn đối nghịch triệt tiêu nhau. Đó là lập luận: hoặc là có hoặc là không (either-or). Chỉ nên chấp nhận một bên và từ bỏ bên kia .

Theo óc biện biệt (distinction) Tây Phương hay dùng cách Phân Loại để chia các môn học như: siêu hình học, tâm lý học, toán học, vạn vật học, vật lý học, v.v. Mỗi triết thuyết là một hệ thống tư tưởng riêng biệt, chặt chẽ, có tôn chỉ, phương pháp, mục đích riêng, chống đối với các hệ thống triết lý khác. “Duy Vật”, chống “Duy Tâm”, chống “Duy Lý”, Duy Vật là “chỉ” (duy=ism) chấp nhận vật chất như nguồn gốc của sự vật’. Do đó, tất cả các triết thuyết khác đều là “Duy Tâm”, cần phải đả phá. Theo kiểu nói: Duy ngã độc tôn, (chỉ mình là hơn hết) thì ta phải quyết định chọn một trong hai. Nếu chọn A, thì bỏ B; nếu A đúng thì B sai; không thể có lập trường thứ ba chấp nhận vừa A vừa không A được. Theo luật mâu thuẫn phải loại bỏ lập trường thứ ba đi, gọi là Triệt Tam (Tiers exclu). Luật mâu thuẫn đó, nhà hiền triết Aristotle định nghĩa như sau: “Cùng một đặc điểm, không thể cùng một lúc, vừa thuộc về vừa không thuộc về cùng một chủ thể và trong cùng một hoàn cảnh”, (Metaphysics 1005 b 19-20). Rõ ràng hơn: “Không thể chấp nhận một sự vật vừa có lại vừa không (có). (Metaphysics 1006 a 1).(8)

B. Tam Đoạn Luận: Suy Diễn

Tây Phương, theo truyền thống triết học Hy lạp, đã dùng phương pháp suy luận gọi là Tam Đoạn Luận (syllogism). Đây là luận lý học hình thức, tuy có vẻ khô khan cứng cỏi, nhưng giúp trí khôn phán đoán và phô bày chân lý một cách rõ ràng chắc chắn. Tam Đoạn Luận gồm hai tiền đề và một câu kết luận. Câu Kết luận được rút ra từ hai Tiền đề. Đây là ví dụ cổ điển của triết gia Aristotle về Tam Đoạn Luận:

Đại Tiền đề: Mọi Người phải Chết.

Tiểu Tiền đề: Anh Bính là Người,

Kết đề: Nên, Anh Bính phải Chết.

Đặt theo công thức toán sau đây: A=C; mà B=A; nên, B=C. Luận lý hình thức Tam Đoạn Luận, dựa vào nguyên tắc về Suy Diễn (deduction), nghĩa là nếu hai Tiền đề đúng và công thức hay cơ cấu của Tam Đọan Luận là “xác thực” (valid), thì Kết luận rút ra cũng phải đúng. Công thức xác thực căn cứ vào vị trí của ba hạng từ (terms): Đại từ (major term), Trung từ (middle term), và Tiểu từ (minor term). Trong 256 công thức khác nhau của Tam Đọan Luận như Bamalip, Baralipton, Barbara, Barbari, v.v., chỉ có 19 công thức mang tính chất Xác thực (validity), còn các công thức khác đều là ngụy biện.(9)

C. Phương Pháp Qui Nạp: Khoa Học Thực Nghiệm

Luận lý gọi là Qui Nạp (induction), vì đi từ những dự kiện, những trường hợp cá biệt, cụ thể do quan sát hoặc thí nghiệm, để gồm lại thành một định luật chung cho cả loại. Chẳng hạn, sau khi đã quan sát tại nhiều nơi, nhiều thời gian, nhiều lần khác nhau, mà mỗi lần đều thấy con quạ có mầu đen, thì ta kết luận một cách tổng quát là: con quạ= mầu đen.

Theo lối luận lý Qui nạp, giữa dự kiện quan sát và câu kết luận tổng quát, bao giờ cũng bấp bênh, không có gì bảo đảm hoàn toàn đúng chân lý 100%. Số dự kiện quan sát càng nhiều lần, nhiều nơi, nhiều lúc khác nhau thì câu kết luận tổng quát càng gần chân lý bấy nhiêu. Trái lại, nếu các dự kiện riêng rẽ ít được quan sát, kiểm chứng, thì định luật đó kém giá trị. Do đó, câu kết luận của Qui nạp chỉ là một giả thiết (hypothesis), cần phải đem ra thí nghiệm. Nếu đem áp dụng giả thiết đó cho nhiều trường hợp khác nhau mà vẫn đúng, thì giả thiết đó trở nên chắc chắn hơn. Một giả thiết cần được sửa đổi, thí nghiệm luôn mãi, để mỗi ngày thêm tiến bộ. Lý luận theo Qui nạp cũng là óc khoa học, kỹ thuật của Tây Phương: chú trọng về lượng, tiến bộ, và về kiểm chứng (test).

Nhờ óc tìm kiếm, quan sát, phân tách các dự kiện, các nhà khoa học đặt ra các giả thiết để cắt nghĩa các dự kiện rời rạc, riêng rẽ, rồi gom góp chúng, “qui nạp” chúng vào cùng một định luật chung. Nhiều dự kiện khác nhau mà cùng chung một đặc tính, sẽ củng cố thêm giá trị của giả thiết. Ngược lại, giả thiết có giá trị phổ quát, cũng giúp soi sáng ý nghĩa cho các dự kiện. Tóm lại, các kết luận trong Qui nạp chỉ là những giả thiết cần được trắc nghiệm, kiểm chứng thì mới có giá trị khoa học. Vả lại, trước một hoàn cảnh, một dự kiện, ta có thể đặt ra nhiều giả thiết để tìm cách giải thích. Cuối cùng, ta chấp nhận giả thiết nào có khả năng nhất để cắt nghĩa truờng hợp đó, và loại bỏ các giả thiết khác. (Coi hình vẽ).(10)

D. Biện Chứng Pháp

Phương pháp suy luận của Tây Phương đặt nền tảng trên luận lý hình thức như Suy diễn trong Tam Đoạn Luận, và Qui nạp được dùng trong khoa học thực nghiệm. Ngoài ra, Biện Chứng Pháp (dialectic, dialegein, đối thoại, tranh biện), đặc biệt của Hegel, cũng đã giúp cho tư tưởng và văn minh Tây Phương luôn tiến bộ. Một cách đơn giản, theo Biện Chứng Pháp, thì có ba mệnh đề được đặt ra: một là Hiện Đề (thesis), hai là Phản Đề (anti-thesis), ba là Hợp Đề (synthesis). (Coi họa đồ).(11)

Hiện Đề là một hiện trạng của một thực tại, chẳng hạn như Thực thể về tinh thần, hiện tượng của xã hội, kinh tế, chính trị, v.v. Trong mỗi “Hiện Đề” đã chứa chất mầm mống mâu thuẫn, đối chọi với chính nó. Nhờ sự đối kháng này mới phát sinh tiến bộ. Sức đối kháng này được gọi là “Phản Đề”. Có thể nói bất cứ một Hiện Đề nào, tự nó đều là thiếu sót, bất toàn. Do đó, cần có một Phản Đề để bổ túc cho nó. Chính Phản Đề, tự nó cũng không hoàn toàn đúng. Bởi vậy, cần liên kết Hiện Đề và Phản Đề lại với nhau, làm thành một Hợp Đề (Aufhebung, nâng cao lên, thăng hóa). Hợp Đề chính là kết quả của sự thanh lọc những cái dở, và chỉ giữ lại những điều tốt ở trong Hiện Đề và Phản Đề.

Trong quá trình tiến triển của tư tuởng để tìm ra chân lý, trí khôn con người vẫn còn phải áp dụng phương pháp Biện chứng luôn mãi. Do đó, Hợp Đề tự nó lại trở thành một Hiện Đề mới, rồi mâu thuẫn với chính mình để phát hiện ra Phản Đề mới. Hai bên dung hòa với nhau để tạo thành Hợp Đề mới. Như thế, Biện Chứng Pháp tam đề (triad) cứ lập đi lập lại mãi mãi.

Áp dụng trong đời sống tinh thần, văn học, kinh tế, chính trị, Biện Chứng Pháp chính là óc tiến bộ, dân chủ của Âu-Mỹ, luôn cầu tiến, đổi mới, phê bình, đối lập, tranh luận, để tìm cách dung hòa các lập trường khác biệt, và tiến dần đến sự hoàn thiện, hoàn hảo.

E. Phân Loại, Phân Tích Để Hợp Nhất

Óc Phân Loại (classification), Phân Tích (analysis) tỉ mỉ, óc Biện Biệt (distinction), giúp trí khôn đi từ tổng quát đến những chi tiết. Việc Phân Loại khiến các ngành kiến thức phát triển trong một cương vị, phạm vi nhất định, với mục tiêu và phương pháp riêng biệt như: siêu hình học, tâm lý học, luận lý học, sinh vật học, thực vật học, hóa học, vật lý học, v.v. Mỗi ngành, mỗi bộ môn, lại chia ra nhiều môn khác như trong siêu hình học bao gồm các đề mục: Hiện Hữu của Thiên Chúa, Kiến thức luận (epistemology), Hữu thể học (ontology), v.v. Mỗi đề mục lại có thể chia ra nhiều bộ môn, trường phái khác nhau như Kiến thức luận bao gồm Chủ Quan thuyết (subjectivism), Khách Quan Thuyết (objectivism), Thực tiễn thuyết (realism), v.v.

Sự nhận thức của trí khôn con người luôn khiếm diện, tương tự như việc chụp ảnh. Muốn có một chân dung đầy đủ về một người, cần phải chụp nhiều kiểu: phía trước, sau, nghiêng. Do đó, muốn có một chân lý toàn vẹn, ta phải nhìn vấn đề dưới nhiều phương diện, khía cạnh, để nhận định các chi tiết rõ hơn. Nhưng phân tích không có nghĩa là chia cắt ra thành những mảnh vụn rời rạc. Phân tích ra để tổng hợp lại, vì chỉ có một chân lý, nhưng cần xem xét về nhiều khía cạnh thì mới hy vọng hiểu biết một cách thấu triệt và đầy đủ về chân lý đó.(12)

F. Thần Học Phủ Định (Theologia Negativa)

Phương thức Phủ định, hay Thần Học Phủ định chủ chương rằng: vì Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, nên ta không thể dùng bất cứ ngôn từ nào để đặt tên hay diễn tả. Phương pháp phủ định “Via negativa” cho rằng những hình ảnh, danh xưng, thuộc tính (attributes), mà ta gán cho Thiên Chúa, đều rút ra từ kinh nghiệm về loài người mà thôi: đó là kiểu nói “thần-nhân-đồng-hình (anthropomorphism)! Loài thụ tạo thuộc thế giới tương đối không thể hiểu biết, và diễn tả về thế giới siêu việt được. Do đó, ta không thể đặt tên, mà chỉ nên tạm gọi Nguyên Lý Tuyệt Đối đó là “VÔ”, hay “Vô Danh”, Gọi như thế không phải là không tin có Nguyên Lý đó, nhưng để bày tỏ tính chất Tuyệt Đối, Siêu Việt mà thôi.

Để bảo vệ tính cách Siêu Việt Tuyệt Đối của Thiên Chúa, các nhà thần học, thần bí (mystic), triết học đã dùng kiểu diễn tả phủ định khi phát biểu ý kiến về các phẩm tính của Thiên Chúa. Ngàì là Đấng Tuyệt Đối, nghĩa là ở một cấp bậc siêu đẳng khác hẳn loài thụ tạo, tương đối, hữu hạn, thì làm sao ta có thể dùng những danh xưng, danh hiệu thuộc về sự vật của thế giới tương đối mà áp dụng cho Thiên Chúa, một cách cân xứng được?

Thánh Tôma Aquinas cũng cho rằng: trí khôn nhân loại không thể nào hiểu biết được chính bản thể của Thiên Chúa Tuyệt Đối là gì cả. Do đó, ta không thể biết Thiên Chúa là gì (một cách tích cực), nhưng ta chỉ biết được Thiên Chúa “không phải là” (nghĩa là một cách tiêu cực, hay phủ định). Cách thức biết Thiên Chúa một cách tiêu cực đó gọi là “via negativa” hay “via remotionis”, tức là “theologia negativa”. Ví dụ: Thiên Chúa là bất-khả-ngôn (ineffability of God), bất-khả ngôn, vô hình, vô tượng, vô danh… Các nhà thần bí (mystic) như Dionysius the pseudo-Areopagite (c.500 AD), Meister Eckhart (1328) cũng dùng kiểu nói phủ định trong Thần học Thần bí (theologia mystica). Dĩ nhiên, khi dùng kiểu diễn tả phủ định, thì không có nghĩa là từ chối Thiên Chúa, nhưng chỉ để nhấn mạnh tính chất Siêu Việt Tuyệt Đối của Chúa mà thôi. Qua cách nói phủ định, ta nhận thấy có một sự quả quyết mạnh mẽ về sự hiện hữu của Chúa. Cũng nên chú ý: Khoa thần học, triết học Tây Phương ít khi dùng Via negativa; trái lại, các đạo học gia Đông Phương luôn dùng “Đường lối Phủ định”, như sẽ chứng minh trong đoạn sau.(13)

G. Loại Tỷ (Analogia, Analogia Entis)

Theo lịch sử, trong khoa Thần học Thiên Chúa Giáo, đặc biệt các nhà thần bí, cũng dùng”via negativa” (phủ định), nhưng còn chuyển sang một phương thức tích cực, mà họ gọi là “via eminentiae” (way of eminence, phương thức siêu tuyệt). Giữa Đấng Tạo hóa và loài thụ sinh có một sự khác biệt vô cùng tận, nhưng không phải không liên quan (relation, connection) với nhau. Thiên Chúa không phải là loài người, nhưng những gì là tốt đẹp, thiện hảo nhất trần gian này như: hiện hữu (being), sự vật (thing), hợp nhất (unity), đặc điểm (distinction), chân thật (true), thiện hảo (good), thì ta có thể áp dụng, một”cách siêu tuyệt” cho Thiên Chúa. William Paley (1743-1805), đưa ra một thí dụ thời danh về “ Loại Tỷ, Tương Tự” (analogy) như sau:

Giữa bác thợ tài ba chế ra chiếc đồng hồ, và sự Thượng Trí của Hóa Công sáng tạo ra vũ trụ càn khôn, ta nhận thấy có một sự tương quan nào đó: chính là công trình kiến tạo (design) của một trí khôn thông minh, mặc dầu ta phải ngưỡng mộ Tài Trí Vô Biên của Hóa Công đã xếp đặt một cách tinh vi các bộ phận trong con mắt để ta có thể nhìn thấy được! Vì lý do đó, ta không phải im lặng hoàn toàn, “không được phép nói gì hết” về Thiên Chúa, nhưng ta có thể dùng những danh từ của loài người để áp dụng cho Thiên Chúa, dầu chỉ là một cách “tuơng tự”, và bất tương xứng. Theo Dionysius, và Thánh Tôma (de Nominibus Dei De Potentia q.7, a.5 và 2), có thể dùng chữ “khôn ngoan” để áp dụng cho Thiên Chúa, bằng ba cách: a) Cách tích cực: Chúa là “khôn ngoan”; b) Cách phủ định: Chúa là không “khôn ngoan” (như ta nghĩ tưởng);
c) Cách siêu tuyệt: Chúa còn “khôn ngoan” hơn thế nữa! (trổi vượt hơn mọi khả năng diễn tả của loài người). Theo các nhà ngữ học cận đại, thì mỗi từ ngữ được phân biệt ra hai phần: nội dung ý nghĩa (res significata), và cách thức diễn tả (modus significandi). Áp dụng ở đây, từ ngữ “khôn ngoan”, xét về nội dung thì vô cùng khác biệt, vì một bên là Tạo Hóa, một phía là loài thụ sinh, tuy cùng dùng một danh từ “khôn ngoan” để diễn tả.

Tương Tự là gì?

Do cách trình bày trên, ta có thể định nghĩa về phương thức Tương Tự, (Loại Tỷ) như sau: cùng một danh xưng, nhưng ý nghĩa thay đổi tùy theo việc áp dụng vào các sự vật khác nhau, nghĩa là cùng một danh từ “khôn ngoan”, nhưng khi áp dụng cho Tạo Hóa, thì phải hiểu theo nghĩa khác, cao xa hơn, đối với loài thụ sinh. Do đó, ý niệm Tương Tự (analogical concept) là một ý niệm vừa giống lại vừa khác, vừa chung lại vừa riêng biệt. Danh từ Tương Tự không “đồng nghĩa” (univocal), cũng không “dị nghĩa” (equivocal). Ví dụ: Ông A=người, Bà B= người: chữ “người”=đồng nghĩa. Bò=con , Bò=bò lê, bò la: chữ “”=dị nghĩa. Mặt=tươi cười, Hoa=tươi cười: chữ, “tươi cười”=tương tự, vì giữa nét mặt và bông hoa có cái gì “tương tự"giống nhau, nhưng cũng khác nhau. Trong văn chương, có câu: Đời là “Bể Khổ”. Chữ “bể”, theo nghĩa tương tự (analogical), vì giữa “bể” và “khổ” có một tỷ lệ tượng tự giống nhau: Khổ,= “rất nhiều, vô vàn”; Bể,= “mênh mông, bao la”. Cả hai đều có chung một điểm “tương tự” là “nhiều vô kể”. Chữ “Khổ” là trừu tượng, khó hình dung, còn chữ “Bể” là cụ thể, gợi hình gợi ảnh. Dùng phương pháp Tương Tự, ta so sánh trong trí khôn và ghép “hình ảnh mênh mông bát ngát”của chữ “Bể” cụ thể, vào chữ “Khổ” trừu tượng, thành ra”Bể Khổ”, tạo nên hình ảnh linh động về nỗi đau khổ tràn ngập, lai láng của cuộc đời.

Do đó, chữ “bể”, ở đây dùng theo nghĩa Tương Tự, ám chỉ sự rộng lớn bao la. Nếu ta chỉ than: “Khổ” quá đi thôi! “khổ” vô vàn! thì câu thở than vừa tầm thường, vừa quá “trừu tượng”, không cảm thấy sự Đau Khổ (trừu tượng) nhiều như thế nào. Nhưng vì cả hai chữ cùng có một điểm “tương tự” chung”nhiều vô kể”, nên mới ghép sự Đau Khổ (trừu tượng) vào hình ảnh của chữ “Bể” (cụ thể ), để có được kiểu nói gợi hình, gợi ảnh và “siêu hình”. Theo phuơng pháp Tương Tự này, ta có thể cắt nghĩa được rất nhiều kiểu nói “ám tỷ”, trong văn chương như: mình đồng, da sắt, tóc mây, da cóc, má đào, tuổi xuân, đời phù vân ,v.v.Ta cũng có thể sáng tác, hoặc cắt nghĩa các dụ ngôn, ngụ ngôn, truyện cổ tích…có ý nghĩa biểu tượng (symbolism).

Vấn đề căn bản và trọng đại nhất trong triết học, thần học, siêu hình là “Sự TỒN HỮU, HIỆN HỮU” của Thiên Chúa. Câu hỏi được đặt ra: ta biết được gì về sự “CÓ” Thiên Chúa? Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, mà nhân loại là loài tương đối. Khi nói: “” Thiên Chúa, và tôi “có”, thì nội dung ý nghĩa chữ “có”, giống nhau và khác nhau ở chỗ nào? Ta có được phép dùng chữ “có” để áp dụng cho Thiên Chúa không? Để trả lời câu hỏi trên, các nhà thần học Thiên Chúa Giáo, như Thánh Tôma đã dùng phương pháp Loại Tỷ, gọi là” Loại Tỷ Tồn Hữu” (analogia entis) để so sánh hai loại Tồn Hữu, vừa giống lại vừa khác nhau. Để giúp hiểu thêm về Loại Tỷ, các nhà thần học còn chia ra hai thứ Loại Tỷ, (hay Tương Tự) như sau:

1. Tương tự Ý Qui gồm có Tương tự Ý Qui nội tại, và Tương Tự Ý Qui ngoại lai.

2. Tương tự Tỷ lệ.

1. Tương Tự Ý Qui (analogy of attribution)

Tương Tự Ý Qui gồm hai yếu tố: nội dung tương tự chung của danh từ, và chủ thể mang nội dung tương tự chung đó. Chủ thể là mọi loài mọi vật, kể cả Đấng Tạo Hóa, đều mang một nội dung tương tự chung, đó là “Tồn Hữu” (Có). Nhưng chỉ Hóa Công là chủ thể Nguyên Thủy, nên “Tồn Hữu” (Có) là “Tự Hữu”, còn các loài khác đều tùy thuộc vào chủ thể Nguyên Thủy mà “Có”, mà tồn tại. Do đó, giữa Hóa Công và loài thụ sinh có một “Tương Tự Ý Qui nội tại (intrinsic attribution), vì cùng có chung nội dung tương tự là “tồn hữu”, nhưng lại vô cùng khác, vì Hóa Công hoàn toàn tự hữu, còn loài thụ sinh thì tuyệt đối lệ thuộc vào Hóa Công mà tồn tại. Sau đây là ví dụ về “Tương Tự Ý Qui ngoại lai (extrinsic attribution). Câu nói: Thân thể “lành mạnh”’ đồ ăn “lành mạnh”, nét mặt, hay làn da “lành mạnh”. Ý niệm của chữ “lành mạnh” áp dụng cho chữ đầu tiên là thân thể: giữa ý niệm “lành mạnh” và thân thể có “Tương Tự Ý Qui nội tại”, vì “lành mạnh” và thân thể đi liền với nhau. Sau đó, ý niệm “lành mạnh” mới chuyển sang dùng cho các thứ danh từ khác, như đồ ăn, nước da. Do đó, ý niệm “lành mạnh” đối với da, đồ ăn, chỉ có “Tương Tự Ý Qui ngoại lai” (extrinsic attribution), vì làn da hay đồ ăn là dấu hiệu, hoặc căn cớ của sự lành mạnh và da và đồ ăn lệ thuộc vào mối liên hệ với thân thể lành mạnh. Sau đây, ta sẽ tìm hiểu một “Tương Tự” khác.

2. Tương Tự Tỷ Lệ (Analogy of proportiality)

Theo nguyên tự Hy lạp, chữ analogia aná-logon có nghĩa là “tỷ lệ”. Ta có những hình thức tỷ lệ như: 1/2, 3/6 (tỷ lệ toán học), Thiên Chúa/Có, Nhân loại/Có, Mặt/Cười, Hoa/Cười. Nếu ta so sánh hai tỷ lệ, Thiên Chúa/ Có và Nhân loại/Có, ta sẽ thấy mối tương quan giữa hai tỷ lệ đó chỉ là “Tương Tự”, vì vừa giống lại vừa khác nhau. Thiên Chúa là Tạo Hóa, nên Ngài thật “Có” (Tồn Hữu); nhân loại và loài thụ tạo cũng “có” (tồn hữu), nhưng một đàng, Hóa Công là “Tự Hữu”, “Tự Tại”, còn sự tồn hữu, tồn tại của loài thụ sinh chỉ là “bất tất hữu” (contingent), hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự “Tồn Hữu” tất nhiên (Necessary) của Thiên Chúa. Trong tỷ lệ Mặt/Cười và Hoa/Cười, ta thấy mối tương quan giữa nét Mặt và Cười là thật, xứng hợp, nhưng giữa bông Hoa và Cười là “cách nói siêu hình” (a metaphysical way of speaking), vì chữ “cười” ở đây có nghĩa là giúp ta vui lên. Do đó, hai tỷ lệ chỉ là “Tương Tự”, vì nó vừa giống, lại vừa khác nhau. Tương quan Mặt/Cười là tất nhiên, nhưng tương quan Hoa/Cười, chỉ là nghĩa bóng (metaphorical). Trong sách Giáo lý có câu: “Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành vô cùng”. Nếu ta gặp được sự tốt lành ở loài người, và nơi vạn vật, thì tất nhiên trên bình diện siêu nhiên, nơi Thiên Chúa phải có sự Tuyệt Hảo Vô Biên. Nếu biết dùng phương pháp Tương Tự Tỷ Lệ một cách xứng hợp, thì sẽ giúp ta trong việc suy luận về thế giới siêu nhiên.

3. Tương Tự Tồn Hữu

Những ý niệm về Tương Tự vừa diễn giảng ở trên, cốt yếu để giải thích tư tưởng căn bản về “Tương Tự Tồn Hữu”, (hay Loại Tỷ Tồn Hữu, Loại Tỷ Thật Thể, analogia entis, analogy of Being). Vấn đề đặt ra là: qua vật hữu hạn, hữu hình ta có thể vươn lên thế giới vô hạn vô hình được không? Giữa Hóa Công Tuyệt Đối, và loài thụ sinh, có một mối tương quan nào không?

Phương thức “Tương tự Tồn Hữu”, là một giải pháp giúp ta trả lời câu hỏi trên. Thật vậy, giữa Hóa Công và loài thụ sinh có liên hệ về hữu thể (ontological relation). Hóa Công “Có” (Tồn Hữu), thì vạn vật cũng “có” (tồn hữu). Nhưng thứ bậc về “có” thì khác nhau, vì Tạo Hóa là hoàn toàn, còn tạo vật thì bất toàn! Nếu Tạo Hóa và tạo vật “có” như nhau (univocal), thì rơi vào thuyết “nhất nguyên phiếm thần” (monism pantheistic).

Nếu hoàn toàn khác, ta không thể nói gì về Thiên Chúa, thì lại sa vào thuyết “bất khả tri” (agnosticism). Sự Tồn Hữu của Thiên Chúa là Tự Hữu, còn vạn vật phải nhờ Thiên Chúa mà “có”. Tồn Hữu của Thiên Chúa là tự Bản thể: Thiên Chúa không thể không “Có”, nhưng vạn vật “có” là nhờ Thiên Chúa. Tồn Hữu của Thiên Chúa là Tự Hữu (aseity), Hiển Thể Thuần Nhiên (actus purus, pure act), nghĩa là đơn thuần, hoàn toàn, bất biến, vô biên, vĩnh cửu, hằng hữu (totum simul). Câu nói: con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, nghĩa là gì? Hình ảnh nghĩa là cũng “giống”, nhưng không phải người “thật”. Loài người không hoàn toàn như Thiên Chúa, nhưng một phần nào “tương tự”, “giống” Chúa vì được chia sẻ, tham gia vào sự tồn hữu, sự sống, và trí thông hiểu. Cần lưu ý: những danh từ, hình dung từ chỉ phẩm tính (attributes) của Thiên Chúa như: Chúa là Đấng phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, công bằng vô cùng, ở khắp mọi nơi, v.v., đều theo nghĩa “Tương Tự “. Khi dùng Phương pháp Tương Tự để phát biểu ý kiến về Thiên Chúa Tuyệt Đối, Thánh Tôma khuyên ta luôn thêm vào câu “et magis”, có nghĩa là “còn hơn thế nữa”. Quả quyết rằng: “Đức Chúa Trời là Đấng phép tắc vô cùng”, thì chưa đủ mà phải hiểu thêm là “còn hơn thế nữa”. Bởi vì lời phát biểu trên kia, vốn là tư tưởng, ngôn ngữ của loài người suy luận “về” Bản Thể Tuyệt Đối của Thiên Chúa; kỳ thực, Bản Thể đó vượt trên sự hiểu biết, diễn tả của trí khôn nhân loại rất xa!

Nói tóm lại, nhờ quan niệm Tương Tự, ta không hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới Siêu việt, và tránh được hai thái độ cực đoan: Thiên Chúa và vạn vật là một (pantheistic identification) hoặc ta không thể biết gì về Thiên Chúa (bất khả tri thuyết). Quan niệm Tương tự khuyến khích ta cố gắng luôn ngưỡng mộ đi tìm Chúa, và những kỳ công của Chúa, tuy sự hiểu biết của con người vô cùng giới hạn! Cần lưu ý: Phương Pháp Loại Tỷ không phải là “mưu mẹo”, hay một “thuật”, để con người có thể hiểu biết được bản thể của Thiên Chúa. Trái lại, ta luôn phải quả quyết rằng: giữa Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối và nhân loại là loài thụ tạo, tương đối, bao giờ cũng có sự khác biệt lớn lao (coi Công Đồng Lateran thứ bốn, D.806).

Theo Phương Pháp Loại Tỷ, ta có thể dùng kinh nghiệm của nhân loại để nói về Thiên Chúa, nhưng chỉ được hiểu là một cách “Tương Tự” mà thôi. Thiên Chúa là Siêu Việt Tuyệt Đối “KHÁC” với hết mọi loài thụ tạo thuộc thế giới tương đối. Do đó, tất cả những ý tưởng, hình ảnh, ngôn ngữ được dùng để diễn tả những sự vật thuộc thế giới tương đối, thì không thể hoàn toàn xứng hợp để biểu lộ hay bàn luận về cõi Siêu Nhiên.

Tuy nhìn nhận là bất xứng, nhưng các nhà thần học, triết học vẫn cho Phương Pháp Tương Tự là chính đáng hợp với trình độ kiến thức của trí khôn nhân loại và giúp ta hiểu biết một phần nào (một cách bất toàn) về bản tính Siêu Việt của Đấng Tuyệt Đối. Ngay trong triết học và văn chương, nhất là thi ca, các thi nhân thường dùng lối diễn tả bóng bảy như tượng trưng, dụ ngôn, ám tỷ, những câu truyện thần tiên, huyền thoại… để ngụ ý biểu lộ một tư tưởng siêu hình, hay một niềm tin thiêng liêng.(14)

H. Ý Niệm Về Ngôi Vị, Bản Vị, Hữu Ngã

Quan niệm” Ngôi Vị Thiên Chúa” (Personal God) là một đặc thù của Thiên Chúa Giáo bắt nguồn từ Do Thái Giáo, như sẽ diễn giảng một cách rộng rãi, đầy đủ, trong Chương VII, Đoạn I. THIÊN CHÚA NGÔI VỊ. Nhờ vậy, ta biết được ý niệm Ngôi Vị, Nhân Vị là nền tảng cho tư tưởng triết lý của Tây phương, đã bắt nguồn từ Kinh Thánh do sự Mặc khải của Thiên Chúa. Ta cũng giải quyết được vấn nạn: ý niệm Ngôi Vị không xung khắc với Bản Thể Siêu Việt, không giảm giá trị của Đấng Tạo Hóa. Nhưng Ngôi Vị của Thiên Chúa “KHÁC” với Nhân vị của mỗi người. Sau đây, chỉ xin chứng minh: sự Tồn Hữu (Being) và Ngôi Vị, hay Nhân vị (Personal) liên quan mật thiết với nhau. (15)

Hiện Hữu Như Một Nhân Vị

Theo triết học về Nhân Vị (personalism), quan niệm về hữu thể, hiện hữu hay tồn hữu (being), trong căn bản phải đi đôi với quan niệm về ngôi vị, bản vị, hay nhân vị (personal). Bởi vì “có” thì phải “có” “cái gì”, hoặc “cái gì” “có”. Không thể “có” vu vơ, trống không được! Do đó, hữu thể, tồn hữu phải là ngôi vị. Nền tảng sâu xa của hữu thể chính là ngôi vị. Theo nghĩa này, thì nhân loại mới có hữu thể đầy đủ, vì có nhân vị thật, còn các sự vật khác như động vật, thảo mộc, khoáng vật, … chỉ tham gia nhiều ít vào sư hiện hữu, ở một cấp bậc kém hơn. Bởi vậy, “nhân vị” là nguyên tố và là mục đích của thực tại! Do cảm nghiệm bản thân, con người nhận thấy mình có một bản lãnh, một bản vị “Nhân linh ư vạn vật”. Nhưng con người vẫn cảm thấy mình là vật bé nhỏ, hữu hạn đối với vũ trụ bao la. Do đó, tâm trí con người mới vươn lên cõi Siêu Nhiên, đến Một Tôn Hữu Tuyệt Đối, cũng là Một Ngôi Vị Siêu Tuyệt. Tuy thân phận là một nhân vị hữu hạn, nhưng con người cũng đã được tham dự, chia phần vào Tồn Hữu Tuyệt Đối.

Nói tóm lại, ý niệm về ngôi vị, bản vị, nhân vị, chủ trương Thiên Chúa vừa Siêu Việt trên vạn sự vạn vật, vừa Nội Tại trong vạn sự vạn vật. Lý thuyết về ngôi vị liên quan đến hữu thể học (ontology), vì chỉ có ngôi vị, mới thực sự “có” đầy đủ mà thôi. Mặt khác, tuy cùng trong một ý niệm về ngôi vị, nhưng Ngôi Vị Thiên Chúa hoàn toàn “KHÁC” với nhân vị của loài người. Tuy rằng Siêu Việt (transcendence) và Nội Tại (immanence) luôn đi liền với nhau, nhưng Thiên Chúa Giáo nhấn mạnh đến tính chất Siêu Việt của Bản Tính Thiên Chúa hơn là tính chất Nội Tại của Thiên Chúa hiện hữu nơi vạn sự vạn vật (coi Chương VII, Đoạn II.Thiên Chúa Siêu Việt và Nội Tại)

Toát Lược Các Đặc Điểm

Ta có thể toát lược các đặc điểm của cách thức Suy Luận của Tây phương, thiên về dùng LÝ TRÍ (Reason) để tìm Chân lý. Sau đây là mấy điều chính yếu:

1. Phân tích, phân loại, phận biệt các sự kiện để giúp trí khôn nhận định rõ ràng, trước khi tổng hợp các yếu tố lại thành kết luận, kết đề.

2. Phân chia các lập trường dứt khoát: hoặc là “chấp nhận” hoặc là “chống đối” (either…or…), như Luật Mâu Thuẫn.

3. Óc Khoa Học Thực Nghiệm, đi từ quan sát, thí nghiệm, giả thiết, đến định luật, định lý. Các Giả thiết cần được chứng nghiệm (test) nhiều lần mới đi đến kết luận hay định lý.

4. Biện Chứng Pháp tìm cách thanh lọc, “đấu tranh” giữa hai lập trường đối lập để tạm “thỏa hiệp” tiến tới kết luận trung hòa, nhưng luôn tạo ra “mâu thuẫn” để đổi mới, tiến bộ không ngừng. Biện Chứng là động lực thúc đấy sự tiến bộ của đời sống dân chủ, chính trị, xã hội, văn hóa của Âu-Mỹ.

5. Ít khi Tây Phương dùng “Thần Học Phủ Định”, trừ ra trong khoa Thần Học Thần Bí (Theologia Mystica).

6. Nhưng Tây Phương sở trường về Phương Pháp Khẳng Định, Loại Tỷ. Do đó, những tư tưởng về triết lý, siêu hình rất phong phú, nhờ đi từ vật hữu hình vươn lên cõi vô hình.

7. Đặc biệt nhấn mạnh về quan niệm Ngôi Vị trong Thần Học, Triết Học và Lịch Sử. Quan niệm Ngôi Vị luôn đi đôi với ý niệm về Hiện Hữu hay Tồn Hữu (being), bởi vì “có” thì phải “ai” “ có”, hoặc “cái gì” “ có”, Ý niệm Ngôi Vị cũng liên hệ với Lịch Sử, đặc biệt là Lịch Sử Cứu Độ, được hiển hiện nơi Ngôi Vị của Đấng Cứu Thế lịch sử.

ĐOẠN II . Trực Giác “Nhất Quán” Của Đông Phương

Chân Lý Tuyệt Đối là Một, nhưng có nhiều cách nhận thức và diễn tả khác nhau. Vì Chân Lý là Siêu Việt còn trí khôn nhân loại là hữu hạn, tương đối, nên ngôn ngữ loài người không thể biểu lộ Chân Lý một cách thấu triệt, toàn diện ngay được. Bởi vậy, con người chỉ có thể lãnh hội được Chân Lý từng phương diện, từng phần một, rồi gom góp lại, và bổ túc cho nhau để có một cái nhìn toàn diện hơn, nhờ quan sát sự vật, nhờ trực giác, nhờ lý trí, hoặc nhờ Mặc Khải (revelation). Nhưng cũng nên khiêm nhượng mà nhìn nhận rằng: không ai có thể nắm trọn được Chân Lý Toàn Diện, mà phải cố gắng cùng nhau đi tìm Chân Lý suốt đời. Do đó, không lạ gì cùng một chân lý mà cách thức suy luận và diễn tả của Tây Phương và Đông Phương khác nhau. Tuy nhiều con đường đi khác nhau, nhiều nhãn quang khác biệt nhưng cùng đều dẫn về cùng một chủ đích mà thôi. Nhà hiền triết Khổng Phu Tử viết: “Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự” (Nhiều đường, nhưng cùng dẫn về một chốn; lo nghĩ trăm điều, nhưng đều cùng về một mối). Ngạn ngữ Tây Phương có câu: “Tout chemin conduit à Rome” (mọi con đường đều dẫn về La Mã).

Như vừa trình bày ở trên: Phương Thức lý luận của Tây Phương căn cứ vào Lý Trí biện biệt như: thiện-ác, tối-sáng, trắng-đen, tốt-xấu, … và hai bên đối nghịch để tiêu diệt lẫn nhau. Hoặc là chấp nhận bên này, thì phải bỏ bên kia. Con đường tiến tới Chân Lý Tuyệt Đối của Đông Phương thì không thích biện biệt, nhưng luôn nhìn vào lẽ Nhất Quán, tức cái toàn thể duy nhất của vũ trụ. Hơn nữa, theo tư tưởng Đông Phương, hai sự vật mâu thuẫn, đối nghịch, không tiêu diệt nhau, nhưng có thể đồng hành, và bổ khuyết cho nhau, để luôn giữ một sự Hòa Hợp, Trung Hòa, và Quân bình. Nhờ Trực giác, Đông Phương đi thẳng vào lẽ Nhất Quán của vạn sự vạn vật, coi vũ trụ là một khối hợp nhất, do Một Nguyên Lý phát sinh ra. Vì thế, có người cho rằng Đông Phương chủ trương triết thuyết “Nhất Nguyên”. Quan niệm “Vạn Vật Nhất Thể”, hay “Tam Tài”, cũng do ý niệm Nhất Nguyên mà ra. Sau đây, ta sẽ bàn luận về ý niệm “Dịch”, tức là sự vận chuyển, thay đổi của vũ trụ, nhưng lúc nào cũng giữ mức “Trung Hòa”, Trung Độ, cốt sao duy trì được tinh thần hòa hợp, tránh cạnh tranh, nhưng chuộng khoan dung, du di, uyển chuyển,” tùy cơ ứng biến”. Vì chú trọng vào lẽ Nhất Quán, vào Nguyên Lý Tối Thượng của vũ trụ, nên các triết gia, đạo sĩ Đông Phương ưa thích dùng “đường lối phủ định” (via negativa), để suy niệm và chiêm ngưỡng Nguyên Lý đó.(16)

A. Luật Phản Hồi

Theo Kinh Dịch, và Lão Tử (đoạn 40), vũ trụ vật chất hữu hình hay tinh thần siêu hình đều vận chuyển, di dịch theo nguyên lý gọi là “Đạo Trung Hòa” . Tuy Đạo là vô hình, nhưng ta tạm biểu thị bằng một vòng tròn (chỉ sự trọn vẹn, “hoàn toàn”). Đạo là Tuyệt đối, Siêu việt, nơi vừa phát sinh, vừa qui tụ vạn vật. Khi ở vị thế “Động”, Đạo được biểu lộ bằng hai hành động khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Một cách gọi là Âm(Đen), và một cách gọi là Dương(Trắng). Âm-Dương tuy phân biệt, nhưng không tiêu diệt nhau, vì trong Âm đã sẵn chứa mầm mống Dương (chấm trắng), và trong Dương đã sẵn chứa mầm mống Âm (chấm đen) (coi Hình A, cũng gọi là Thái Cực )

Lực lượng tích cực biểu thị bằng +A, đối nghịch với lực lượng tiêu cực B-, nhưng hai lực lượng này không tiêu diệt nhau được vì có một lực lượng thứ ba (C), tức Nguyên Lý Siêu Việt, vô hình tạm gọi là Đạo, giữ quân bình không cho bên này lấn át bên kia. (coi Hình B). Hễ một phía tiến đến cùng cực như Dương-cực, thì nó phải bắt đầu chuyển sang Âm. Khi Âm-cực, thì bắt đầu “Phản Hồi”, quay trở lại Dương. Ví dụ, khi ta thấy ngày (Dương) lên đến cực độ (giữa trưa), thì bắt đầu chuyển xuống đêm (Âm); khi đêm (Âm) đến cực độ (nửa đêm), thì lại bắt đầu chuyển sang ngày (Dương) mới. Luật Phản Hồi của trời đất cứ xoay vần luôn thế mãi, không một lực lượng đối lập nào bị tiêu diệt. Cái này bổ túc, nâng đỡ cho cái kia, vật này nhờ vật kia mà tồn tại: chúng kích động lẫn nhau để cùng chuyển động, và cùng biến hóa. Đó là ý nghĩa của câu: “Bĩ cực, Thái lai”, “Hết mưa, trời lại nắng”, “Không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời”. Những cặp mâu thuẫn này giằng co nhau mà tồn tại, không cái nào hơn, không cái nào kém.Tối là điều kiện của Sáng; Tĩnh là điều kiện của Động; Xấu là điều kiện của Đẹp. Vả lại, cái này, cái kia chỉ có giá trị tương đối, nghĩa là trên đời này không có một vật nào hoàn toàn tốt, hay hoàn toàn xấu cả.(17)

B. Đạo: Nguyên Lý Siêu Việt, Vô Hình

Lực lựợng thứ ba tức là ĐẠO, là Một Nguyên Lý Siêu Việt, vô hình, thuần nhất, tuyệt đối, vượt trên hai lực lượng kia, để điều hòa, hợp nhất, và duy trì các biến chuyển luôn ở mức độ Trung Hòa, Quân Bình. Nguyên Lý vô hình này là ĐẠO của vũ trụ, nghĩa là ĐƯỜNG mà các sự vật hữu hình hay vô hình đều chuyển động theo quỹ đạo đó. Các vì tinh tú, mặt trời, mặt trăng, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, …, đều theo luật tuần hoàn thay đổi một cách nhịp nhàng. Nguyên Lý Siêu Việt hay ĐẠO của vũ trụ cũng được áp dụng trong đời sống luân lý, đạo đức để giúp ta sống điều hòa an vui, “không thái quá, chớ bất cập”.

Bởi vậy, Phương Pháp Lý Luận của Đông Phương không chấp nhận cho cặp mâu thuẫn đối chọi, tiêu diệt nhau. Lý luận Tây Phương thiên về biện biệt, phân chia hai lực lượng cho chúng đối nghịch nhau, rồi bắt phải công nhận một bên, và phi bác bên kia. Lý luận Đông Phương thiên về Trung Hòa, nghĩa là lực lượng thứ ba có thể dung hòa, điều hợp hai lực lượng kia.

Cũng có người gọi “ĐẠO” là Tam Nguyên, tức lực lượng thứ ba phối hợp hai lực lượng thành Một. Có thể nói: một là hai, hai là ba, ba là tất cả. Tam Nguyên cũng được gọi là quan niệm “Lưỡng-Nhất”. Hai mà Một; Một mà Hai, như câu: “Mình với ta tuy Hai mà Một; Ta với mình tuy Một mà Hai” (Tản Đà). Thuyết Tam Nguyên do Nhất Nguyên mà ra, vì số Ba đây là sự “trở về số Một”, trở về cái Nguyên Lý đầu tiên của vũ trụ. Ta chia tâm thức con người làm ba giai đoạn: 1) Nhất Nguyên: tâm thức cá nhân hòa đồng cùng vũ trụ vạn vật. 2) Nhị Nguyên: giai đoạn của triết học Nhị Nguyên (dualism), của Lý Trí, của Khoa học. Cá nhân chống lại thiên nhiên, vạn vật. 3) Tam Nguyên: tâm thức cá nhân vượt trên quan niệm Nhị Nguyên của Lý Trí, để trở về Nhất Nguyên, tức cái “tâm thức vô sai biệt” lúc ban đầu.(18)

Luận lý Đông Phương theo nguyên tắc Trung Đạo, Trung Dung, Trung Hòa, nên chấp nhận “vừa” thế này, lại “vừa” thế kia nữa (both… and…), vì nó siêu thoát và vượt trên cách lý luận biện biệt: “hoặc” thế này,”hoặc” thế kia của Tây Phương.

Số 2 tiêu diệt lẫn nhau; còn số 1, và số 3 thì giống nhau, vì số 3 tượng trưng cho sự hợp nhất, bao dung tất cả thành số 1. Do đó, đối với Đông Phương sự phân biệt ra hai bên (nhị nguyên) là một khuyết điểm. Đạo sĩ chống lại tinh thần biện biệt (distinction, discrimination), vì cho đó là do cái Tâm-sai- biệt phân chia sự sự vật vật làm hai phần khác biệt như: Tâm-Vật, Hữu-Vô, Nội-Ngoại, Bỉ-Ngã, Tâm-Trí, Thiện-Ác, Sinh-Tử, v.v. Đông Phương cũng không chấp nhận lập truờng quá khích của chữ “duy” (chỉ=ism), hoặc “duy vật”, hoặc “duy tâm”, nhưng chủ trương Dung Hòa.

Những cặp mâu thuẫn đã được luận lý Đông Phương hợp lại như:” Tri hành hợp nhất”, “Vạn vật nhất thể”, “Tam Tài” (Thiên-Địa-Nhân). Đại-Càn-Khôn (vũ trụ), và Tiểu-Càn-Khôn (loài người) là một; Vũ trụ quan và Nhân sinh quan là một; Siêu hình và Tâm lý là một; Triết lý và Đời Sống là một; Linh hồn và Thể xác là một con người; Lý (khoa học) và Tình (tôn giáo) là một.(19)

Vì nhận “ĐẠO” là Nguyên Lý bao dung, kết hợp thành Một, nên về mặt tình cảm, tính tình, lối xử của Đông Phưông thích hòa đồng, “chín bỏ làm mười”, không ưa tranh đấu. Ngay trong lãnh vực tôn giáo, Đông Phương ít khi xẩy ra “thánh chiến” tàn khốc như các nơi khác. Từ bao nhiêu đời, Tam Giáo, tức Khổng-Lão-Phật, vẫn có thể vui vẻ, đề huề sống chung trong một nước, một nhà, và ngay cả trong tâm trí của một người.

C. Đường Lối Phủ Định (Via Negativa)

Xưa nay, các triết gia, thần học gia thường phân biệt Tuyệt đối (Absolute), với tương đối (relative). Nhân loại và cả vũ trụ này đều thuộc thế giới tương đối, nghĩa là có thể dùng trí khôn mà hiểu biết, và dùng ngôn ngữ mà diễn tả được. Nhưng đối với Thần Linh, Siêu Hình, Tuyệt Đối (Hình nhi Thượng Học), nghĩa là vượt trên sự hiểu biết, sự suy tuởng của tâm trí nông cạn, giới hạn của loài thụ sinh, thì không thể dùng từ ngữ, hình ảnh, hay sự vật nào thuộc thế giới tương đối mà biểu lộ một cách tương xứng được. Vì nếu ta có thể hiểu thấu, và diễn tả một cách tương xứng, thì Chân lý Tuyệt Đối đó không còn đáng gọi là Tuyệt Đối nữa!

Cho nên, khi tạm mượn các danh xưng trong ngôn ngữ nhân loại để gọi Nguyên Lý Tuyệt Đối như: Ông Trời, Thiên Chúa, Thượng Đế, Đạo, hay là Vô, Vô Danh, Chân Như, v.v., thì nên biết rằng: đó là điều “bất đắc dĩ” mà thôi! Cũng vì sự bất tương xứng trong khi dùng ngôn từ thuộc giới tương đối để diễn tả Chân lý thuộc giới Tuyệt Đối, nên các nhà triết học, đặc biệt các nhà thần bí (mystics) hay dùng kiểu nói phủ định để biểu thị những cảm nghiệm về Thực Tại Tuyệt Đối. Đó là Thần Học Phủ Định (Apophatic, negative Theology). Do dó, khi các đạo gia Đông Phương dùng những từ ngữ phủ định để ám chỉ Thực Thể Tuyệt Đối như “Vô”, “Vô Danh”, “Chân Không Diệu Hữu”, thì chữ “Vô” ở đây không có nghĩa là hoàn toàn rỗng không, không có gì hết (nothing). Nhưng chữ “VÔ” chỉ để biểu lộ siêu việt tính của “Vô Tuyệt Đối” (Absolute Nothingness), nghĩa là “Không” một ngôn ngữ nào, thuộc giới “tương đối”, có thể dùng để biểu lộ tính chất Tuyệt Đối được! Nếu có thể dùng một danh từ nào trong trần thế để đặt tên cho Nguyên Lý Tuyệt Đối (như cách thế người ta đặt tên cho con cái, cỏ cây…), thì Nguyên Lý đó “không” còn là “Khác” mọi loài mọi vật được nữa! Do đó, mới gọi là “Vô Danh Thiên Địa chi thủy”. Tiếng “Đạo” hay Thượng Đế,… chẳng qua là bất đắc dĩ phải “tạm” dùng mà thôi. Kỳ thưc, không phải vậy!

Kiểu diễn tả phủ định, tiêu cực “Vô”, cũng được các nhà thần bí Tây Phương dùng. Chẳng hạn như Meister Eckhart, Dionysius, và Thánh Thomas Aquinas gọi là “đường lối Phủ định” (via negativa, via remotionis). Những thành ngữ tiêu cực thường dùng trong khoa thần học thần bí (theologia mystica) như Chúa là Đấng Vô hình, Vô tượng, Vô danh, Bất khả ngôn, Bất khả tri, v.v., không có nghĩa chối Chúa, nhưng chỉ để biểu lộ sự Siêu Việt Tuyệt Đối của Chúa mà thôi. Kiểu nói phủ định có thể còn giúp ta cảm thấy một sự quả quyết mạnh mẽ hơn về sự hiện hữu của Chúa nữa!

Các đạo gia Đông Phương ưa thích dùng “đường lối phủ định” để ám chỉ tính chất siêu phàm của Thực Tại Tuyệt Đối, nhất là trong Thiền học, Lão học, và Đạo học (Chu Hi, Vương Dương Minh). Ví dụ: Lão Tử tạm đặt tên cho “Thực Tại Tuyệt Đối” là “ĐẠO”, kỳ thực, không phải tên thật của ĐẠO, là ĐẠO. Nhưng ĐẠO là Vô Danh, như câu trong Đạo- Đức-Kinh: “Vô Danh Thiên Địa chi Thủy”,.., (nghĩa là: “Vô Danh” là nguồn gốc của Trời đất).

Thiền sư diễn tả “Tuyệt Đối” bằng câu: “Chân Không Diệu Hữu”, (nghĩa là: Không thật mà thật Có.). “Không” ở đây không phải là không có gì hết, nhưng là “Không Chân Thật, Không Tuyệt Đối” (Absolute Nothingness), nghĩa là “không” có vật gì sự gì trong thế giới tương đối này có thể so sánh được, vì thế, “Không Chân Thật” đó lại là cái “CÓ Tuyệt Diệu nhất”.

D. Thinh Lặng, Chiêm Ngưỡng

Để bảo toàn tính chất Siêu Việt, vượt không-thời gian, và trên thế giới tương đối này, các đạo gia Đông Phương thường giữ thái độ Thinh lặng để Chiêm ngưỡng Thực Thể Tuyệt Đối’ hoặc dùng đường lối phủ định để xưng hô như: Vô, Vô Cực, Vô Tâm, v.v. Đối với các nhà thần bí, chỉ có cảm nghiệm cá nhân mới giúp cảm thông được với Thực Thể Tuyệt Đối. Ngoài ra không thể dùng danh từ, hình ảnh nào tương xứng để biểu lộ, ngay cả việc suy tư trong trí khôn về một Nguyên Lý Tuyệt Đối cũng không thể thực hiện được.

Các đạo gia ít khi suy luận về các Ưu Phẩm, hay Thuộc Tính (attributes) của Nguyên Lý Tuyệt Đối như trong thần học Tây Phương. Các vị thiền sư gặp nhau để hàn huyên, đàm đạo gọi là “thanh đàm” (nói truyện xuông). Khi câu truyện tới chỗ “không không-có”, “không không-không”, thì họ chỉ còn thinh lặng và hiểu ý nhau bằng một nụ cười. Các đạo gia còn thực hành “tọa vong”, nghĩa là ngồi thinh lặng cho tâm trí “quên hết mọi sự”, và quên luôn cả việc “quên hết mọi sự” nữa, để chỉ còn chiêm ngưỡng “Đạo” mà thôi! Các thiền sư dùng phương pháp “tọa thiền”, tức là ngồi thiền tại thiền đường hay “tĩnh tọa”, ngồi im lặng để tâm niệm. Ngoài ra, còn nhiều phương pháp chiêm niệm khác như Yoga. Do đó, các đạo gia, các nhà thần bí Đông Phương chủ trì việc chiêm niệm trong thinh lặng để tìm gặp, và cảm nghiệm Chân Lý Tuyệt Đối. Nhờ chiêm niệm mà tìm ra ý nghĩa đời sống, và luyện tập các nhân đức.

Chân Lý Tuyệt Đối vượt tầm mức trí khôn nhân loại (thuộc thế giới tương đối), nên các đạo gia thường giữ thái độ thinh lặng chiêm ngưỡng hơn là phát biểu bằng ngôn từ. Vì khi phát ngôn thì phải dùng danh từ, hay hình ảnh (thuộc thế giới tương đối), nên vừa không thể diễn đạt đầy đủ Chân Lý Tuyệt Đối, vừa khó thông đạt những cảm nghiệm riêng. Do đó, mới có câu: “Tri giả bất ngôn” (biết thì không nói), vì sợ nếu nói ra không hết lời, không diễn tả được hết ý. Câu khác: “Thư, bất tận ngôn; ngôn, bất tận ý” (sách, không hết lời; nói, không hết ý). Hoặc là khi đọc thi, văn, hay ngắm bức tranh, bức họa, thì phải hiểu là: “ý tại ngôn ngoại” (ý nghĩa của bài thơ, của bức tranh “nằm” ở bên ngoài. Chỉ cần “mấy nét chấm phá”, còn để cho người thưởng ngoạn được tự do tưởng tượng mà thưởng thức. Cổ văn Trung Hoa thường viết theo cú pháp vắn gọn, nhưng cô đọng, và súc tích ý nghĩa.

Quan niệm “vô ngôn” đã tạo cho tinh thần người Đông Phương biết yêu quí những sự linh thiêng vô hình hơn thế giới vật chất hữu hình, thích “trầm tư mặc tưởng” hơn là lý luận dài dòng, khô khan.(20)

E. Tinh Thần Bao Dung

Tư tưởng Đông Phương chú trọng tính chất Siêu Việt của Thực Thể Tuyệt Đối, nên thích dùng đường lối phủ định (via negativa), vì cho rằng mọi ngôn từ thuộc giới tuơng đối đều bất xứng, không thể diễn tả đầy đủ được Chân Lý Toàn Diện. Do đó, tất cả các hệ thống thần học, triết lý, văn chương, nghệ thuật nhằm diễn đạt những ý tưởng hay tâm tình đối với Nguyên Lý Tuyệt Đối, thì chỉ có giá trị tương đối, tạm thời mà thôi! Mỗi hệ thống triết lý cũng chỉ mô tả một khía cạnh, một phương diện nào đó của Chân Lý Toàn Diện, Nhất Quán bao trùm tất cả vạn vật. Câu truyện ngụ ngôn “Người mù sờ voi”, chứng tỏ “cái nhìn” của người đời, dầu sâu sắc tới đâu cũng vẫn là khiếm khuyết, vì không ai có “cái nhìn bao quát”, bao trùm hết mọi khía cạnh được. Nhờ ý thức sâu xa về quan niệm Nhất Quán của vạn vật, các hệ thống triết lý Đông Phương không chống đối nhau, nhưng bao dung độ lượng, chấp nhận lẫn nhau, vì cho rằng mỗi một môn phái chỉ là một “quan điểm”, cần phải kết hợp lại mới tạo ra được một hình ảnh đầy đủ hơn về Thực Tại Tuyệt Đối. Chân Lý là Một, nhưng có nhiều cách thế, nhiều con đường dẫn tới khác nhau (“thiên hạ đồng qui nhi thù đồ”!). Chẳng hạn, Lịch sử Triết Học Ấn Độ cho biết: các hệ thống gọi là “darsana” (quan điểm), tuy có những khía cạnh khác biệt về triết lý, về nhân sinh quan, nhưng luôn có sự bàn luận, trao đổi quan điểm,và nhìn nhận giá trị, để bổ túc cho nhau.(21)

Đó là tinh thần phổ biến, hòa đồng, biết bao dung tất cả những gì tốt đẹp trong các hệ thống triết học khác, để tạo nên một bức thảm rực rỡ của Chân lý. Tinh thần hòa đồng của Tam Giáo là một ví dụ: Khổng, Lão, Phật giáo đều dùng chung danh xưng “ĐẠO”, để chỉ Thực Thể Tuyệt Đối. Khi mới truyền sang Trung hoa, các nhà sư Ấn Độ đã dùng những ý niệm, và danh từ của Lão giáo để phiên dịch triết lý Phật giáo của Ấn Độ. Cách thức “hội nhập” văn hóa Ấn Độ vào triết lý Trung Hoa, gọi là “cách nghĩa”. Chẳng hạn, để chuyển ý quan niệm Sunyata, (nghĩa là hư không của Ấn giáo), các vị thiền sư Ấn Độ đã dùng ngay chữ “Vô” của Lão giáo để thay thế.(22)

F. Phương Pháp: Tùy Cơ Ứng Biến (Upaya)

Một trong những khó khăn có thể đưa tới chỗ bế tắc trong việc đàm đạo, thông cảm giữa Đông và Tây Phương là quan niệm về cách nhận thức, và trình bày về Chân Lý. Hình như có nhiều ý kiến mâu thuẫn, trái ngược nhau, khác nhau, trong những bài thuyết pháp của Phật Tổ, và những dị biệt giữa các môn phái như Tiểu Thừa và Đại Thừa, v.v. Chẳng hạn, sự khác biệt giữa Lý thuyết và Thực hành về Vô Ngã, và Đại Ngã, Đại Từ Bi. Phật đã giảng dạy: con người, và vũ trụ đều là Hư Vô (sunya), nhưng trong thực hành, Phật là một Đại Ngã hoạt động, và khuyến khích chúng sinh thực hành Đại Từ Bi để cứu nhân độ thế. Những dị biệt giữa hai phái Tiểu Thừa và Đại Thừa thật lớn lao, khiến ta không còn biết được đâu là Phật giáo chính thống. Một bên thì chủ trương “Tự Độ”’ trái lại, Đại Thừa cho rằng: “Tự Giác nhi Giác Tha” mới đúng. Như vậy, ta giải thích làm sao về những khác biệt, mâu thuẫn đó?(23)

Như đã trình bày ở đoạn trên, các đạo gia Đông Phương, luôn ý thức về siêu việt tính của “Vô”, “Vô Danh”. Do đó, không một ý tưởng hay ngôn từ nào, thuộc giới tương đối, có thể diễn đạt một cách tương xứng, và đầy đủ. Các hệ thống triết lý chỉ là những cái nhìn lẻ tẻ về một vài khía cạnh của Chân Lý. Hơn nữa, có nhiều phương tiện, phương thế, nhiều “đường” đi khác nhau để cùng tiến về Chân Lý (thiên hạ đồng qui nhi thù đồ).

Vì lý do đó, Phật học mới sáng chế ra quan niệm “Upaya”(Upaya-kausalya, skill in means) nghĩa là “Phương tiện”. Đây là những “phương thế thực tiễn” giúp ta tiến đến một mục tiêu thiêng liêng cao cả. Chân lý Tuyệt Đối, sự Giảc Ngộ là mục đích cần đạt tới, còn mọi cách thế khác đều là phương tiện cả. Khi đã tới chủ đích rồi, thì không cần phương tiện nữa, như câu: “Có nơm là vì cá; được cá, hãy quên nơm. Có dò là vì thỏ; được thỏ, hãy quên dò. Có lời là vì ý; được ý, hãy quên lời. Ta làm sao gặp được người biết quên lời, hầu cùng nhau đàm luận”. Vả lại, Chân lý Tuyệt Đối rất cao siêu, rất khó hiểu, rất khó giải thích. Do đó, theo phương pháp giáo dục, thì phải tùy hoàn cảnh, tùy trình độ học thức mà giảng giải, miễn là giúp người ta hiểu biết và đạt tới mục tiêu. Bởi vậy, khi thuyết pháp, Phật đã “tùy cơ ứng biến”, tùy hoàn cảnh, tùy hạng người mà giảng dạy. Cũng vì nguyên tắc “Upaya”, mới có giả thiết “Ngũ Thời Pháp”, nghĩa là Phật đã thuyết pháp làm năm thời kỳ, tùy căn cơ mà giảng dạy. Tùy hoàn cảnh, trình độ, tu theo bậc Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Tiểu Thừa, hay Đại Thừa, v.v., sao cũng được hết, miễn là đi tới Giác Ngộ.(24)

G. Những Dị Biệt

Như vừa trình bày ở trên, vì óc Nhất Quán, Nhất Nguyên trong toàn bộ hệ thống triết học Đông Phương, trọng sự Hợp Nhất, Hòa Đồng, Quân Bình… không thích Phân tách, Phân chia, Phân biệt; vả lại, Đông Phương có cái nhìn theo Trực Giác để cảm nghiệm đào sâu vào lẽ Huyền Bí của vũ trụ không dùng Lý Luận hình thức để thực nghiệm. Do đó, ta thấy các triết gia không chú trọng hoặc ít khi bàn luận về những vấn đề triết lý, siêu hình như: Quan niệm về Nhân Vị, Bản Vị, hay Nhân Vị Hữu Ngã của một cá nhân này, “Khác” với các cá nhân kia, và vũ trụ này đều qui hướng về Một Ngôi Vị Tuyệt Đối Siêu Việt trên hết mọi nhân vị, mọi cá thể thuộc loài thụ tạo. Có thể nói, lý do chính không phải các nhà hiền triết chối bỏ hay không tin có Một Nguyên Lý Siêu Việt điều khiển vũ trụ càn khôn, vượt trên loài thụ tạo, nhưng vì chủ trương trực giác “Nhất Quán, Nhất Nguyên”, coi toàn thể vũ trụ là một khối, nên không thích phân chia, phân biệt như: cá nhân này khác cá nhân kia, hoặc Đấng Thượng Đế có một Ngôi Vị biệt lập, tuy vẫn bao trùm vạn sự vận vật. Hơn nữa, các đạo gia còn cho việc phân chia, phân tách là một điều “xấu”, cần phải tránh.

Cũng trong chủ trương “Nhất Nguyên” đó, ý niệm về “Lịch Sử tạo dựng vũ trụ,” hay “Lịch Sử Cứu Độ” không được đề cập, bàn luận. Vì quan niệm “Nhất Quán”, nên Triết Học Đông Phương nhấn mạnh vào tính chất “Nội Tại Tiềm Ẩn” của Nguyên Lý Siêu Việt trong vũ trụ và nhân loại, hơn là “Tính Chất Siêu Việt, Khác Biệt” của Nguyên Lý đó.

Toát Lược Các Đặc Điểm

Sau đây, ta có thể toát lược mấy đặc điểm trong cách Suy Luận Đông Phương, thiên về Trực Giác (Intuition) như :

1. Nhận định sự vật bằng cái nhìn Tổng Hợp (synthetic), hơn là Óc Phân tích (analytic). Do đó, ý thức sâu xa về lẽ Nhất Quán, “Nhất Nguyên” (monism), và Hợp Nhất (unity) của vũ trụ.

2. Không ưa chống đối, mâu thuẫn, quá khích, nhưng chú trọng đến lập trường Dung Hòa, Quân bình, và Trung Hòa.Cũng vì thế, theo văn học sử, thì khoa Luận Lý Học như Qui Nạp, Suy Diễn, Biện Chứng, Khoa học Thực Nghiệm…, không được phát triển mạnh tại Đông Phương.

3. Chú trọng vào sự biến chuyển, lẽ Tuần Hoàn, và quan niệm “Dịch” của vũ trụ. Do đó, kiên nhẫn chịu đựng mọi bất trắc của cuộc đời. Nhưng sự Biến Chuyển, Tuần Hoàn có tính cách “Phản Hồi”, nghĩa là lập đi lập lại theo vòng tròn, chứ không theo đường thẳng tiến bộ, luôn đổi mới.

4. Không đóng khung, hay “hệ thống hóa một triết lý nào, vì coi mọi trào lưu tư tưởng chỉ có giá trị tương đối. Do đó, có tinh thần khai phóng, bao dung, hòa đồng, chấp nhận các ý thức hệ khác. Vả lại, cùng một Chân Lý, nhưng tùy lúc, tùy nơi, tùy trình độ hiểu biết của người lãnh hội mà diễn giảng cho thích hợp. Đó là “Upaya”.

5. Ý thức mạnh mẽ về Siêu Việt Tính của ĐẠO, của Chân Lý Tuyệt Đối, nên ưa thích dùng kiểu diễn tả Đường Lối Phủ Định (via negativa). Do đó, có đạo gia cho kiểu nói “tích cực”, theo Loại Tự, Tương Tự là bất tương xứng, là “thần-nhân-đồng-hình”.

6. Vì triết lý Nhất Nguyên chủ trương “Vạn vật nhất thể”, nên một số đạo gia không chấp nhận ý niệm về “Nhân vị, Ngôi vị, hay Bản vị (Person), vì ảnh hưởng của nền văn hóa đề cao sự hợp nhất, nên coi trọng tập thể, tập đoàn, xã hội hơn là cá nhân, cá thể. Cá nhân không đáng kể, vì là dấu hiệu của chia rẽ, phân tán.

7. Chú tâm vào chiêm niệm, thinh lặng, để hòa mình vào Thiên Nhiên, sống theo luật Tự Nhiên. Do đó, đề cao việc tập luyện các nhân đức, tôn trọng Đạo Lý của Thánh hiền,và chăm lo việc Tôn Giáo, nhất là ưa dùng phương pháp tụng niệm như tọa thiền, tọa vong, tĩnh tọa, v.v., để đạt tới Chân Lý.

Đàm Đạo

Thử Tổng Hợp Dung Hòa Cách Suy Luận Đông-Tây

Như đã trình bày trong Lời mở đầu về cách thức Đàm Đạo giữa các Tôn giáo: nếu muốn đi tới sự thông cảm, giao hảo, thì nên thành thật và khách quan tìm hiểu giáo thuyết của đôi bên. Không nên cắt nghĩa theo quan điểm riêng của mình, hoặc”gán” cho bên kia những điều họ không nghĩ tới. Trong các buổi hội họp, ta nên trình bày một cách trung thực những quan điểm tuơng đồng và dị biệt của đôi bên. Nếu đã gần nhau, giống nhau một phàn nào, thì cùng nhau chấp nhận, trao đổi, học hỏi. Nếu còn xa nhau, khác biệt, cũng nên tôn trọng quan điểm của nhau, và tìm hiểu lý do tại sao có sự dị biệt đó, để tìm cách thông cảm những khó khăn, và xích lại gần nhau hơn. Trong tinh thần hòa hợp, kính cẩn đó, ta thử Đàm Đạo, chia sẻ về một số điểm tương đồng dị biệt giữa Giáo Lý của Đạo Thiên Chúa và Tam Giáo như sau:

1. Nên dung hoà hai Phương Pháp Lý Luận Đông Phương và Tây Phương như thế nào? Tây Phương nhấn mạnh về Lý Trí, nên ưa chuộng sự Phân tích, hệ thống hóa tư tưởng cho rõ ràng, dứt khoát, và thứ tự. Do đó, đường lối lý luận là: hoặc thế này..hoặc thế kia.. (either…or). Đông Phương theo Trực giác, lẽ Nhất Quán, nên thích hợp nhất, hòa hợp, hòa đồng. Do đó, theo lý luận: vừa thế này… vừa thế kia.. (both… and…; non solum… sed etiam…) Dĩ nhiên, không phương pháp lý luận nào là hoàn hảo cả. Do đó, cần bổ túc cho nhau.

Trong nền lịch sử triết học thế giới, người ta nhận thấy, từ bao nhiêu đời, Đông Phương đã không tiến triển về khoa Luận Lý (logic). Do đó, Đông Phương cần học hỏi Tây Phương về phương pháp Khoa Học Thực Nghiệm. Khi bắt đầu đi học, các học sinh cần dùng phương pháp Qui Nạp, hay Suy Diễn, để phân tích và trình bày các môn học cho rõ ràng, khúc triết, và hệ thống. Nhưng cách luận lý theo Lý Trí cũng có giới hạn. Khi đề cập đến những vấn đề Siêu Hình, nhất là Thần Bí (Mysticism), thì Trực Giác (intuition), và phương pháp phủ định (via negativa), mới giúp tâm trí đào sâu vào tiềm thức bí nhiệm, để cảm nghiệm, cảm thông với Thực Thể Tuyệt Đối. Chính Thực Thể Tuyệt Đối này, là động lực thống nhất muôn người, muôn vật về một Căn Nguyên. Do đó, khó có thể dùng Lý Trí, lý luận hình thức để phân tích mà đạt tới Chân Lý Tuyệt Đối, Siêu Việt được, nhưng cần Cảm nghiệm, và Niềm Tin.(25)

2. Điểm tương đồng nào quan trọng nhất ta gặp được giữa Đạo Thiên Chúa và Tam Giáo? Một điểm hệ trọng bậc nhất và căn bản: đó là niềm Tin vào Một Chân Lý Tuyệt Đối, vượt lên trên thế giới vật chất này. Chân Lý Tuyệt Đối Thuần Thần đó là Căn Nguyên phát sinh vạn sự vạn vật, kể cả các thần thánh, và nhân loại. Đó là điểm tương đồng căn bản giữa Đạo Thiên Chúa và Tam Giáo. Ta thử hỏi: có một Phật tử Viêt Nam nào mà lại không Tin có “Ông Trời”, như câu ca dao: Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”? Dĩ nhiên, có những cách hiểu biết, biểu lộ, diễn tả, danh xưng khác nhau, nhưng cốt yếu, mọi tín đồ đều cùng tin tưởng vào Đấng Bề Trên cầm quyền sinh tử, và là Nguồn Gốc của vũ trụ càn khôn. Chỉ cần một điểm tương đồng căn bản đó, cũng đủ cho ta hợp tác với nhau để chống lại thế giới duy vật, tục hóa ngày nay.

Ngoài ra, nhiều nhà thần học, và tu đức của Tây Phương đã nghiên cứu phương pháp chiêm niệm Đông Phương như Yoga, Thiền (Zen), để áp dụng vào đướng lối suy niệm của Thiên Chúa Giáo.(26)

Trong những cuộc gặp gỡ, đàm đạo, và trao đổi những quan điểm giữa các triết lý, tôn giáo, ta nên làm sáng tỏ một vài lập trường dị biệt để thông cảm những khó khăn, hoặc để chia sẻ những kinh nghiệm riêng của nhau:

3. Đông Phương hiểu lẽ Tuần Hoàn như thế nào? Khác với Biện Chứng Pháp ở điểm nào? “Dịch”, nghĩa là động, di chuyển, tuần hoàn, nhưng đi theo đường nào? Vì quá chú trọng vào việc giữ thế quân bình, nên chuyển động theo đường vòng tròn, đi rồi trở lại! Do đó, đời sống được an nhàn, lạc quan, nhẫn nại, nhưng không tiến bộ, canh tân một cách mạnh mẽ. Trái lại, Tây Phương, theo biện chứng, nên chấp nhận đối lập, và tìm cách để dung hòa, đổi mới luôn. Do đó, tuy đời là cuộc tranh đấu không ngừng, nhưng tiến bộ, nhất là về khoa học, kỹ thuật. Đó là chuyển động theo đường thẳng!

4. Ý niệm “Nhất Nguyên” (Monism) và “Nhị Nguyên (Dualism) nên giải nghĩa thế nào? Ta cũng nên bàn luận, giải thích cho rõ hơn về cách dùng danh từ, và về ý nghĩa chữ Monism, Dualism, Nhất Nguyên, Nhị Nguyên, Tam Nguyên, như thế nào. Tuy danh xưng khác nhau, nhưng các tôn giáo đều tin có một Nguyên Lý Tuyệt Đối, mà ta gọi là Thiên, Trời, Thượng Đế, “Đạo”, “Thái Cực”, “Vô”, Chân Như, v.v., Vũ trụ càn khôn đều bởi Nguyên Lý Tuyệt Đối đó mà có, mà hiện hữu. Vấn nạn ở đây là: Nguyên Lý Tuyệt Đối, Siêu Việt đó, có cùng chung một bản thể, bản tính với loài thụ tạo, thuộc giới tương đối không? Thần học Thiên Chúa Giáo phân biệt hẳn hai bản thể: Đấng Tạo Hóa là Tuyệt Đối, Siêu Việt, và loài thụ tạo, gồm nhân loại, và vũ trụ. Không thể cho hai bản thể đó cùng chung một bản tính được. Những biểu ngữ trong Kinh Thánh diễn tả sự “hợp nhất” giữa linh hồn người công chính với Thiên Chúa như câu: “Chúa Sống trong Tôi” (Gal. 2:20), hay “Nếu ai yêu mến, và giữ lời Ta, thì Thiên Chúa sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến, và trú ngụ nơi người ấy” (Gioan 14:23) Trong sự “kết hợp” đó, vẫn phải phân biệt hai bản tính: thần tínhnhân tính, không thể lẫn lộn. Do đó, Thần học Thiên Chúa Giáo không công nhận thuyết Monism (Nhất Nguyên) cho rằng: tất cả vạn vật chỉ có một Thực Thể, nghĩa là loài người, vũ trụ, vạn sự vạn vật và Đấng Tạo Hóa cũng ngang hàng, đồng đẳng với nhau, không có sự khác biệt về Bản Thể, về Tuyệt Đối và tương đối, một bên là Chủ Tể vô biên, một bên là loài thụ tạo, hữu hạn. Thần học Thiên Chúa Giáo cũng phi bác thuyết “Dualism”, cho rằng: vũ trụ này chia làm hai nguyên lý đối nghịch nhau như: Thiện và Ác, luôn chống đối nhau.

5. Có bắt buộc “im lặng” hoàn toàn, không được phép nói gì về Thiên Chúa chăng? Một điểm khác cũng nên làm sáng tỏ: Các đạo gia, thiền sư ưa thích dùng đường lối phủ định (via negativa), khi phải “nói” đến Chân Lý Tuyệt Đối, vì cho rằng ý tưởng, và ngôn từ thuộc giới tương đối không thể diễn đạt được. Nhưng không phải vì thế mà ta im lặng hoàn toàn không dám “nói” gì về Thực Thể Siêu Việt như Thiên Chúa, Chân Như, v.v. Ta đã thấy Phật Thích Ca dùng quan niệm “Upaya” (Phương Tiện), tùy bệnh mà phát thuốc, tùy căn cơ mà thuyết pháp, nghĩa là có thể dùng ngôn ngữ, hình ảnh, dụ ngôn, thuộc đời sống để thông đạt những chân lý cao siêu cho từng hạng người, tùy trình độ học thức. Tây Phương cũng đã dùng phương thế này, Thánh Thomas Aquinas gọi là “Analogia”, Tương Tự, Loại Tỷ. Theo các nhà thần học kinh viện, tuy vẫn biết là bất tương xứng, nhưng ta có thể dùng những kinh nghiệm của loài người để biểu lộ một phần nào, một cách “tương tự” những ý niệm về Thiên Chúa. Khi dùng ngôn ngữ loài người để “suy loại”, để so sánh về Thiên Chúa, ta phải hiểu rằng những danh từ, những phẩm tính ta gán cho Thiên Chúa đều bất tương xứng, vì ta là loài thụ tạo, có giới hạn. Cho nên, khi ta tuyên xưng: Thiên Chúa là Đấng “phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi”, thì Thánh Thomas khuyên ta hãy thêm liền ngay vào câu sau đây: “và còn hơn thế nữa” (et magis).

6. Quan niệm “Nhân vị (Person), hay Ngôi vị, Bản vị có phân chia, hoặc làm giảm giá trị của Thực Tại Tuyệt Đối Không? Về điểm này, ta nên thông cảm với một số đạo gia, không công nhận quan niệm về Ngôi vị, bản vị hay Nhân vị, vì muốn bảo toàn tính chất Siêu Việt của Thực Thể Tuyệt Đối, hoặc vì chịu ảnh hưởng của văn hóa chủ trương “vạn vật nhất thể”, hoặc coi trọng tập thể, xã hội hơn các phần tử cá nhân. Nhưng, các triết gia Đông Phương cũng nên nghiên cứu sâu rộng hơn để có thể chia sẻ với tư tương Tây Phương, vì nhờ những khám phá mới nhất về Triết lý Nhân vị giúp ta nhận thấy: Ý niệm Nhân vị, hay Ngôi Vị, Bản vị, không phân chia, cũng không làm giảm tính chất duy nhất (unity) của Hữu Thể Tuyệt Đối. Trái lại, Ý niệm Nhân vị đi đôi với ý niêm về Hữu Thể, vì “có” thì phải có “ai” có, có “cái gì” có. Không lẽ “có” vu vơ, bâng khuâng, trơ trọi, và rỗng tênh!

7. Để cho tư tưởng Đông-Tây thông cảm và Hòa-Hợp với nhau, ít nhất là xích lại gần nhau, cả hai cần phải bổ túc cho nhau những tìm kiếm, và khám phá mới về Chân Lý Tuyệt Đối. Trí khôn nhân loại hữu hạn, còn Chân Lý thì vô cùng, nên không bao giờ ta có thể đạt được Chân lý toàn vẹn, hay diễn tả một cách đầy đủ, viên mãn được. Do đó, việc trao đổi kinh nghiệm, hoặc học hỏi lẫn nhau là điều hữu ích. Từ trong văn hóa, Tây Phương trong sự Phân Biệt (distinguo), nên thần học hay triết lý chủ trương về Hữu Ngã, Nhân Vị, và đề cao Siêu Việt Tính của Vị Thượng Đế. Còn văn hóa Đông Phương trọng sự Đồng Nhất, Hòa Hợp với Thiên Nhiên, nên không thích phân chia, phân tích ra nhiều phần. Tuy nhiên, khi thấy các triết gia Đông Phương ưa thích dùng những thành ngữ hay cách thức diễn tả như: “Tam Tài (Thiên-Địa-Nhân), “Vạn vật nhất thể”, v.v. thì Tây Phương cũng chớ vội phê phán là có “khuynh hướng phiếm thần” (pantheist), nghĩa là coi Đấng Tạo Hóa và mọi loài mọi vật đều hoàn toàn như nhau. Trừ những trường hợp thờ ngẫu tượng, hay dị đoan mê tín như: thờ Thiên Lôi, Hà Bá, Cây Đa, Bình Vôi, Cá Voi, v.v., (mà bất cứ phương trời nào, dân tộc nào trên trái đất này vẫn thấy xẩy ra, ngay tại thời đại này). Đối với các nhà Hiền Triết Đông Phương, các Vị Thánh Triết, khi dùng những kiểu nói như: Tam Tài, Lý Thái Cực, Vạn Vật Nhất Thể… không phải các nhà hiền nhân quân tử không tin có Một Nguyên Lý Tuyệt Đối vượt trên vạn sự vạn vật, còn nhân loại chỉ là loài tương đối; do đó, con người không thể đồng đẳng, ngang hàng hoàn toàn với “Trời” được. Nhưng có thể các triết gia chỉ muốn đề cao địa vị và phẩm giá của nhân loại “nhân linh ư vạn vật”, vì Tạo Hóa đã phú bẩm cho con người những tài năng lạ lùng như thế!

Câu truyện ngụ ngôn, hài hước: “Thầy Bói sờ Voi”

Năm ông thày bói, đeo kính dâm được người ta dắt đến, vì các ông đều mù, lần lượt từng ông một, để “sờ” voi, rồi diễn tả cảm nghĩ: voi là con vật như thế nào. Sau khi mỗi ông được sờ kỹ càng một lúc lâu thì người ta dắt các ông lại “hội nghị” để cùng nhau chia sẻ, bàn luận và phát biểu cảm tưởng. Ông thứ nhất sờ vòi, thì quả quyết con voi “nó thun như con đỉa vĩ đại”; ông sờ ngà thì bảo, “nó nhẵn như đầu đòn xóc”; ông sờ tai voi, lại nói “nó phe phẩy như cái quạt”; ông sờ chân voi thì bảo “nó sừng sững như cột nha”; ông sờ đuôi voi thì bảo “nó tua tủa như chổi phủi bụi”. Ông nào cũng nói mình căn cứ vào “thực nghiệm” và nhận xét riêng của bản thân mình, cho nên mỗi ông đều quả quyết chỉ nhận định của mình, chỉ cảm nghĩ của mình mới đúng, mới là sự thật còn các nhận xét khác đều là sai lầm. Mỗi ông tự nhận mình là” đỉnh cao trí tuệ loài người”! Các ông cãi lộn một lúc lâu, không ai chịu ai cả, lại còn xỉ vả mắng nhiếc nhau thậm tệ là cố chấp, độc tài “đui mù”, “có mắt cũng như không” “ngu như bò” “dại như chó”, “dốt đặc cán mai”. Và khi tức khí đã lên cao cực độ, mặt mũi đỏ gay, thì các ông cầm gậy choảng nhau bể đầu máu chảy lai láng, khiến cho người đứng chung quanh, từ đứa trẻ con, cũng phải vừa buồn cười vừa tội nghiệp cho các ông, đã không có thể nhìn thấy cả con voi, mà chỉ mới “sờ” được có một bộ phận của con voi thật mà thôi, nên vì chủ quan quá khích, vì tự ái, nên đã gây nên nông nỗi này! Bởi vì, chỉ có Chân Lý thật mới Giải Thoát (Veritas liberat) con người khỏi chia rẽ, hận thù, ghen ghét.

Câu truyện ngụ ngôn hài hước này dạy ta một bài học quý giá! Chân lý là sự thật khách quan, không phải là cảm giác, cảm nghĩ chủ quan của mỗi người. Chân lý, nhất là Chân Lý Tuyệt Đối là cái gì cao cả, trí khôn hạn hẹp của nhân loại khó có thể đạt tới được. Muốn tới gần Chân Lý đó, ta cần nhận xét, suy tư của rất nhiều bậc tài ba lỗi lạc trong thiên hạ hợp lại, ta cũng phải có cái nhìn toàn diện, về mọi khía cạnh, cần sự góp ý, bàn luận, chia sẻ của người khác nữa. Sự dung hòa không có nghĩa là “ba phải”, “thế nào cũng được”, hoặc phải hoàn toàn từ bỏ quan điểm, niềm tin của mình, nhưng là “hòa nhi bất đồng”: chấp nhận các quan điểm dị biệt, tôn trọng và cởi mở lắng nghe lập trường của kẻ khác, khiêm nhường học hỏi những cái hay cái tốt của người khác, để giúp ta tiến lại gần Chân Lý hơn. Điều tối kị là: đừng bao giờ dùng võ lực để uy hiếp, hay áp chế bắt người khác phải theo ý kiến riêng của mình hay của bè phái mình. Ngụ ngôn “thầy bói mù sờ voi” cho ta một trận cười thật thích thú ý nhị, nhưng cũng là bài học thâm thúy về việc đi tìm sự thật toàn vẹn, vì chỉ có “Chân Lý mới GIẢI THOÁT” con người khỏi tối tăm và hận thù.

Chương Ba

Nhân Tính

Tìm hiểu Nhân Tính, hay Bản Tính của Nhân Loại, xưa nay vẫn là một mối quan tâm lớn lao! Bởi vì, trước tiên, phải hiểu biết bản tính và ước vọng tự nhiên của con người, rồi mới có thể vươn lên cõi Siêu Nhiên được. Cổ nhân nói: “ Biết được “tính “ Người, thì cũng hiểu được Ý Trời”. Những câu thắc mắc căn bản được đặt ra như: Bản tính con người là gì? “Tính” con người tốt hay xấu? Con người tự bản tính có hướng về Siêu Việt không? Nhưng hiểu biết và định nghĩa được bản tính con người, là một vấn đề khó khăn, phức tạp, đã gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trong lịch sử triết lý và tôn giáo Đông-Tây.

Trong Chương Ba này, ta lần lượt tìm hiểu quan niệm về Nhân Tính của các Đạo giáo như Nho giáo, và Phật giáo. Sau đó, ta sẽ bàn về quan niệm Nhân Tính của Thiên Chúa Giáo. Sau cùng, thử so sánh, đối chiếu các quan điểm trên giúp ta nhận thức được những tương đồng và dị biệt về con người, để tìm cách dung hòa, hầu đi đến một tổng hợp đầy đủ hơn về Nhân Tính.

ĐOẠN I . Nhân Tính Trong Nho Giáo

Truyền thống Nho học vẫn đặt con người vào trọng tâm của Triết lý. Ta thử nêu tên mấy nho gia thời danh như Mạnh tử, Tuân tử, Đổng Trọng Thư, rồi trào lưu Đạo học thời Trình Di, và Vương Dương Minh. Những nho gia đó đã đề cao chủ nghĩa Nhân Bản và đã ảnh hưởng rất lớn đối với nền giáo dục về “ Đạo làm Người” của nhiều thế hệ tại miền Á Đông.

A. Nhân Tính theo Mạnh Tử (371-289)

Đối với Nho Học, chữ “Tính” nghĩa là gì? Theo nguyên tự chữ hán “Tính” ( ) gồm hai bộ ghép lại: bộ Tâm ( ) chỉ tâm tình, tâm trí, và bộ sinh ( ) chỉ sự sống, và nòi giống. Do đó, có thể định nghĩa chữ Tính là: bản thể, yếu tính của con Người lĩnh nhận sự sống và các tài năng bởi Trời ban cho .Người cao quý hơn loài cầm thú, thảo mộc, “nhân linh ư vạn vật”, vì biết điều nhân nghĩa, và có ý chí, tự do. Mọi người đều bình đẳng với nhau, vì cùng chung một “Tính” người.: Tứ hải giai huynh đệ”.(27)

Một câu hỏi: Khi người sinh ra, thì “Tính” tốt hay xấu? “Tính” người khuynh hướng về điều Thiện hay về điều Ác? Theo Mạnh Tử:” Nhân chi sơ, Tính bản thiện”, nghĩa là bản tính sơ khai, nguyên thuỷ nơi con người hướng về điều Thiện. Ngay khi mới sinh đã bẩm thụ được bốn nhân đức sơ thuỷ: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Nhân là lòng thương người, nhân ái, chính là đạo Nhân trong Nho Giáo. Nghĩa là đầu mối phát sinh sự biết hổ thẹn, biết chê ghét điều xấu. Lễ là tâm tình đầu tiên về sự nhún nhường, nhu mì, đơn giản. Trí là sự khôn ngoan biết phân biệt Phải, Trái.(28) “Cái lòng thương xót người ta đều có, cái lòng thẹn ghét người ta đều có, cái lòng cung kính người ta đều có, cái lòng phải trái người ta đều có. Lòng thương xót là Nhân, lòng thẹn ghét là Nghĩa, lòng cung kính là Lễ, lòng phải trái là Trí. Các điều Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí đều không phải từ bề ngoài nung đúc vào ta, nhưng hẳn đã có rồi mà mình chẳng nghĩ tới đấy thôi. Cho nên nói rằng: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, hễ cầu thì được, bỏ thì mất, được hay mất sẽ có kết quả về công việc làm ra là Thiện hay bất Thiện, cách xa nhau đến gấp hai gấp năm lần, không biết đâu mà kể, như thế là vì không biết khuếch sung cho hết cái tài chất của bản tính vậy”.(29) Mạnh Tử và các đạo gia thích lấy thí dụ về câu chuyện: “Một đứa bé sắp sửa rớt xuống giếng nước”, để minh chứng lòng trắc ẩn, thương người bộc phát tự bản tính hướng thiện của con người, vì không ai nhẫn tâm, dửng dưng đến nỗi khi chợt thấy một em bé đang sắp sửa lăn xuống giếng nước, mà lại không vội vã chạy ngay lại cứu nó! Sự hoảng hốt lo sợ để cứu vớt đứa bé, đó là do “Tính” tự nhiên của con người có lòng Nhân Ái vậy. Vì cho Nhân Tính là tốt tự trong bản thể, nên Mạnh Tử quả quyết rằng: mọi người không phân biệt chủng tộc, giầu nghèo, học thức hay vô học, ai cũng có thể trở thành Hiền Nhân Quân Tử được.

B. Nhân Tính theo Tuân Tử (298-238)

Tuân Tử cũng đồng ý với Mạnh Tử là: mọi người có thể trở nên Hiền Nhân Quân Tử được, nếu người đó muốn. Nhưng cách giải thích về bản tính của con người thì khác với Mạnh Tử.

Theo Tuân Tử, “Tính” của con người là xấu. Bốn nhân đức trên kia, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí không phải do bẩm sinh mà có. Trái lại, “Tính” tự nhiên của con người là ham lợi, tham lam, nhục dục. Do đó, Tuân Tử nhận định rằng: người ta có thể trở nên tốt, nhờ trí khôn thông minh hơn loài cầm thú, lại có ý chí theo đuổi việc tu luyện. Bởi vì, nếu để tự do thả lỏng, lêu lổng, thì một đứa trẻ sẽ không khi nào trở thành người tốt được! Do đó, con người hóa nên tốt, hữu dụng là nhờ sự giáo hóa, giáo dục, nhờ hấp thụ một nền văn minh, văn hóa tốt.

Chính nền giáo dục của Nho Giáo đã đào luyện con người xấu có thể hóa nên tốt được. Những mối tương quan trong xã hội như: Quân-Thần (Vua-Tôi), Phụ-Tử (Cha-Con), Phu-Phụ (Vợ-Chồng), Huynh-Đệ (Anh-Em), Bằng-Hữu (Bạn bè), và năm đức hạnh đi kèm theo là: Thân, Nghĩa, Biệt, Tự, Tín, cần phải được thực hành để giữ cho các tuơng quan đó thêm bền vững và hòa hợp: “ Phụ-Tử hữu Thân, Quân-Thần hữu Nghĩa, Phu-Phụ hữu Biệt, Huynh-Đệ hữu Tự, Bằng -Hữu hữu Tín”, nghĩa là: giữa cha mẹ và con cái phải liên kết với nhau bằng tình thương, thân ái. Giữa vua và dân hay giữa chính quyền và dân chúng cần phải theo đúng sự công bằng, chiếu theo nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân như hiến pháp, và luật lệ quốc gia qui định. Nếu muốn chung sống lâu dài, hòa hợp, vợ chồng cần phải tôn trọng, tín nhiệm nhau, mỗi người đảm nhận và chu toàn các phận vụ riêng biệt dành cho vợ, cho chồng, trong gia đình, đừng dẫm chân lên nhau. Giữa anh chị em, cần có trên kính dưới nhường, tôn ti trật tự, chị bảo em nghe. Trong khi giao du, trong nghề nghiệp làm ăn buôn bán, bằng hữu bạn bè cần tín nhiệm, tin cẩn lẫn nhau.

Nói tóm lại, theo Tuân Tử, mọi qui tắc luân lý, các luật lệ do xã hội lập ra, cốt để giáo hóa con người sống hòa hợp với người khác. Ngoài ra, nghệ thuật như âm nhạc cũng được dùng để cảm hóa con người. Bởi vì, âm nhạc thanh cao sẽ gợi nên tâm tình cao thượng, an vui, còn âm nhạc ẻo lả, hay náo loạn, sẽ khuấy động nhục dục trong tâm hồn.(30) Cũng nên biết: Tuân Tử không tin có Thần Thánh, không tin có hồn thiêng bất tử của ông bà đã chết, nhưng ông vẫn cho việc lễ bái là hữu ích. Ông không tin người đã chết có thể tiếp nhận lễ vật hay lời cầu kinh dâng lên, nhưng ông giải thích rằng: việc gia đình, xã hội tổ chức giỗ ky, ma chay sẽ giúp huấn luyện các đức tính tốt như lòng nhớ ơn tổ tiên, tình nghĩa gia tộc cho con cháu còn đang sống!

C. Nhân Tính theo Đổng Trọng Thư (179-104)

Hai phái “Tính Thiện” do Mạnh Tử chủ trương và”Tính Ác” do Tuân Tử khởi xướng, đã kéo dài cuộc tranh luận giữa các nho gia gần hai thế kỷ. Đến đời Đổng Trọng Thư, một

nho gia lỗi lạc đời Hán, đã đặt lại vấn đề “Nhân Tính”, và tìm giải pháp dung hòa, chiết trung cho hai lập trường đối nghịch trên.

Theo họ Đổng, ông không thể đồng ý với Mạnh Tử mà công nhận lập tức rằng: “Tính Người là Thiện!” Nhưng cần phải biện biệt cho rõ ràng hơn. Ông viết: “Cho nên Tính ví như cây lúa, Thiện ví như hột gạo. Hột gạo ở trong cây lúa, mà cây lúa vẫn chưa toàn là hột gạo. (Cũng vậy) Thiện ở trong cái Tính, mà Tính chưa toàn là Thiện. Thiện và gạo là của người nối Trời mà thành ra ở ngoài, chứ không phải ở trong cái của Trời làm ra. Cái của Trời làm ra có chỗ đến mà thôi. Cái thôi ở trong, gọi là thiên tính, cái thôi ở ngoài, gọi là nhân sự… Nay cái Tính của vạn dân có cái chất mà chưa có cái biết rõ, ví như mắt nhắm tối mờ, chờ tỉnh ra rồi có dạy thì sau mới Thiện. Còn lúc chưa tỉnh, thì không thể gọi là Thiện được. So với mắt lúc nhắm mờ mịt và lúc tỉnh biết, cùng là một lệ. Ta tĩnh tâm và thong thả mà xét, thì hiểu rõ điều đó…”(31) Như vậy, theo ý kiền của Đổng Trọng Thư thì con người mới chỉ có “mầm mống” hướng về sự Thiện do Trời phú bẩm cho, nhưng chưa được bộc lộ ra bên ngoài thành sự thiện hảo thật, vì con người còn cần cố gắng tu luyện nữa! Do đó, mới có Tính Thiện chưa đủ mà còn phải có giáo dục thì con người mới phát triển đến bậc thiện toàn. Họ Đổng nhấn mạnh đến chữ”giáo”,(32) nghĩa là giáo huấn, giáo dục, tôn giáo, đạo giáo . Con người có nhiệm vụ cao quí là hợp tác với Trời để phát huy mầm mống Chân-Thiện-Mỹ tiềm ẩn trong tâm khảm mỗi người. Hơn nữa, Đổng Trọng Thư đã dung hòa được hai lập luận trái ngược về Tính Thiện và Tính Ác. Lập trường của ông vừa giống, nhưng cũng khác với quan điểm của Mạnh Tử. Khi nói:”Nhân chi sơ, tính bản thiện”, thì Mạnh Tử quyết đoán là: Người ta “đã” tốt rồi! Còn Đổng Trọng Thư dè dặt hơn: Người ta “chưa” tốt hẳn đâu! Nhưng còn cần sự giáo hóa nữa thì mới khiến con người thật sự trở nên tốt! Do đó, khi nhấn mạnh đến việc giáo hóa, giáo dục thì ông cũng đã chấp nhận lập trường văn hóa của Tuân Tử. Nhưng đồng thời, ông cũng bất đồng ý kiến với Tuân Tử về vấn đề “Tính Ác” của con người. Bởi vì, nếu từ trong căn bản, con người đã hoàn toàn hư hỏng, hoàn toàn “Ác”: “ Nhân chi sơ tính bản ác”, thì làm sao có thể vun trồng cái ác để thành cái tốt được?(33)

Nói tóm lại, lập luận dung hòa của Đổng Trọng Thư đã giải quyết được sự mâu thuẫn của hai lập trường cực đoan. Ngoài ra, vì chú trọng đến việc giáo hóa, nên Đổng Trọng Thư đã có công thiết lập hệ thống khoa cử để tuyển chọn các bậc nhân tài ra làm việc nước. Nền giáo dục và hệ thống khoa cử này, tại Trung Hoa, đã kéo dài hàng ngàn năm mãi cho tới thời Cách mạng Trung Hoa Dân Quốc. Ngày xưa, Việt Nam và các nước như Nhật, Đại Hàn cũng rập theo khuôn mẫu của hệ thống giáo dục và khoa cử của Trung Hoa.

D. Nhân Tính theo Chu Hi (1130-1200)

Tại Trung Quốc vào thời Trung cổ, các Đạo học gia trong trào lưu triết lý gọi là Đạo Học (Đạo=Chân lý), đã phục hưng triết lý của Mạnh Tử, chủ trương thuyết “ Tính Thiện” của con người. Nhưng các đạo gia cũng khám phá ra nhiều khía cạnh mới, và lý thuyết mới. Hai Môn phái triết học được thành lập: Môn phái “Lý Học”, gồm có hai anh em là Trình Hạo (1032-1085), và Trình Di (1033-1108). Môn phái “Tâm Học” do Lục Cửu Uyên (1139-1193) và Vương Thủ Nhân, tức Vương Dương Minh (1472-1528).

1. Quan Niệm về LÝ và KHÍ

Theo Chu Hi, “Tính” người gồm hai yếu tố: LÝ và KHÍ. Lý là gì? Bất cứ vật gì trong vũ trụ đều có cái “Lý” của nó. Chính cái “Lý” của một vật làm cho vật đó khác với các vật khác. Do đó, cái “Lý” chính là cái làm nên bản tính của vật ấy, thiên nhiên hay nhân tạo. Bởi vậy, ta có thể nói: cái “của loài người là cái làm cho con người khác con vật. Cũng vậy, cái “Lý” của loài cá là cái làm cho con cá khác với con chim. Cái “Lý” của cái bàn là cái làm cho cái bàn khác cái ghế, v.v. Phái Lý Học còn đi xa hơn nữa và cho rằng: cái”Lý” của mỗi sự vật đã có trước khi sự vật ấy thành hình thể, thành đồ vật cụ thể. “Hỏi rằng: Trước khi chưa có trời đất, hết thảy chỉ có Lý, có phải không? _ Rằng: Trước khi chưa có trời đất hết thảy chỉ có Lý. Có Lý ấy, mới có trời đất ấy”.(34) Mỗi vật hiện hữu, thiên tạo hay nhân tạo đều có cái “Lý” của nó. Và tất cả vũ trụ này được coi như một khối toàn thể cũng có cái “LÝ” của nó, tức cái “LÝ” Tột Đỉnh bao gồm hết thảy các cái “Lý” khác trong vạn vật. Cái “Cùng LÝ” tối thượng đó, các Đạo Học gia đặt tên là “LÝ THÁI CỰC”.

KHÍ là gì? Chẳng những mỗi người, mỗi vật đều có cái “Lý”của nó, nhưng cũng còn có “Khí” nữa! Nhà Lý học Chu Hi viết:” Vậy Lý là phần thuộc Hình-nhi-thượng (siêu hình), còn Khí là phần thuộc Hình-nhi-hạ (hữu hình), nghĩa là Lý thì vô hình, mà Khí thì có hình, nhưng cái nọ lẫn cái kia, chứ không bao giờ có cái nọ mà không có cái kia được.(35) Lý là vô hình, vô tượng, tinh ròng, nhưng không sinh hóa được. Còn Khí là phần vật chất, có thể hội tụ, co giãn, sinh nở, nên đã kết thành sự vật cụ thể. Do đó, trong bất cứ sự vật nào, lúc phần Khí bắt đầu hội tụ, thành hình để cấu tạo nên vật đó, thì đồng thời cũng cần phần Lý hiện diện ở bên trong nó.

Xét về cái “Lý”của mỗi người thuộc nhân loại với nhau, thì ai cũng giống như ai, vì cùng chung một “Tính” người cả. Nhưng xét về cái “Khí”, thì mỗi người lại khác nhau, vì khí chất phân ra: khí thanh và khí trọc, hậu và bạc, tốt và xấu. Do đó, người thông minh hay người ngu dại đều mang trong mình cái “Lý” nhân loại như nhau. Nhưng người thông minh thì bẩm thụ cái “Khí” thanh, tức khí chất sáng suốt, minh mẫn, còn người ngu dại bị cái “Khí” ô trọc làm mờ ám trí khôn nên hóa ra đần độn, dốt nát.

Nói tóm lại, theo Chu Hi, Lý và Khí lúc nào cũng đi đôi với nhau, nhưng ông vẫn cho Lý là phần ưu tiên, có trước, và là gốc. Ông cũng nhấn mạnh thêm: chẳng những mỗi sự vật có cái Lý riêng biệt thuộc về loại của nó như ông Giáp, bà Ất đều cùng có cái Lý thuộc nhân loại, mà lại trong mỗi người, mỗi sự vật cũng còn tiềm ẩn chứa đựng Lý Thái Cực nữa. Mỗi người, mỗi sự vật tiếp nhận trọn vẹn Thái Cực trong nó, mà Thái Cực không bị phân chia, chẳng khác nào một mặt trăng lừng lững trên trời phản chiếu xuống muôn ngàn sông, hồ…đâu đâu người ta cũng thấy hình mặt trăng trọn vẹn, mà mặt trăng vẫn không bị chia cắt.(36) Lại nữa, theo Chu Hi và phái Lý Học, thì cái Lý của mỗi người, hay của mỗi sự vật, và cái LÝ của THÁI CỰC thì bao giờ cũng là Thiện. Còn Khí thì có thể là thanh, tốt hoặc là trọc, xấu. Khí chất của con người, hoặc là do Thiên Mệnh phú bẩm cho, hoặc do hoàn cảnh ảnh hưởng đến. Một vấn nạn: Tại sao khi sinh ra, có người thụ lãnh Khí chất tốt, mà có người lại hứng chịu Khí chất xấu? Điều thắc mắc này không được các đạo học gia trả lời rõ ràng. Nhưng mỗi người, nhờ ý chí tự do, vẫn có thể dùng nhân lực và dùng giáo dục mà tu thân tích đức để trở nên người tốt lành, hoàn toàn hơn, như sẽ bàn ở đoạn kế tiếp.

2. Quan niệm Giáo dục của Chu Hi

Như trên đã nhận thấy, theo Chu Hi, Thái Cực chẳng những là tổng hợp tột đỉnh của tất cả các Lý của vũ trụ được coi như một toàn thể, mà đồng thời Thái Cực cũng tự tại ở các cá thể của mọi phạm trù sự vật. Nói cách khác, mỗi vật riêng có cái Lý thuộc về loài của nó, đồng thời Thái Cực, trong toàn thể, là tổng hợp của mọi LÝ, cũng tồn tại trong nó nữa. Do đó, theo các đạo học gia và Chu Hi, Thái Cực ở trong mỗi người, nhưng không được phát hiện sáng láng, vì phần Khí chất của con người che dấu mất, chẳng khác nào viên ngọc quí bị đất bùn bám vào làm dơ bẩn.(37) Bởi vậy, nhiệm vụ và công phu của việc tu thân, giáo dục là cố gắng mài dũa cho “viên ngọc” được sáng chói! Vì lý lẽ đó, Chu Hi đã mượn câu văn của sách Đại Học để thuyết giảng về phương pháp giáo dục và tu dưỡng tính tình. Phương pháp giáo dục này là “khuôn vàng thước ngọc” cho nền học vấn của Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, trong nhiều thế hệ. Phương châm giáo dục đó gồm tóm vào bản văn rút ra từ sách Đại Học, như hai nguyên tắc giáo dục căn bản: a/ “Trí Tri tại Cách Vật’ b/ “Thành, và Kính”.

a. Trí tri tại Cách Vật là gì ?

Câu này trích trong sách Đại Học, nguyên văn như sau: “,..Dục tu kì thân giả, tiên chính kì Tâm, dục chính kì Tâm giả, tiên Thành kì Ý, dục Thành kì Ý giả, tiên Trí kì Tri, Trí Tri, tại Cách Vật.. (Đại Học, tiết 4). Chu Hi và các đạo gia phái Lý học giải thích câu: “Trí Tri, tại Cách Vật” như sau: Trước hết, câu này là phương châm để dạy các học sinh cách thức học hành, mở mang trí thức. Mục đích của việc học là gì? Thưa: là muốn đạt đến (Trí=đến) sự hiểu biết (Tri=biết) sâu xa Cùng Cực, Cùng Lý, tức là cái biết về Thái Cực và do đó, về bản tình của con người. Vì Thái Cực (và cái “Lý” của bản tính con người)ví như viên ngọc đã bị phần Khí chất làm vẩn đục, mờ ám, nên trong việc học hành, tu luyện, phải cố gắng hết sức mài dũa cho viên ngọc quí kia được sáng chói. Ca dao có câu khuyến học:

Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài

Cũng thành vô dụng cũng hoài Ngọc đi!”

Có người thắc mắc về phương pháp này: Làm sao không suy xét thấu đáo (Cách=suy xét cho cùng) về “LÝ” để đạt tới Cùng LÝ, tức Thái Cực, mà lại khởi đầu bằng cách tìm tòi nghiên cứu về các sự Vật,”tại Cách Vật”? Chu Hi trả lời: Sách Đại Học dạy ta, trước tiên, điều tra về các sự vật cụ thể, là vì “Lý” là trừu tượng, rất khó nắm vững được. Do đó, học sinh khi mới bắt đầu đi học, cần quan sát các sự vật hữu hinh, rồi sau mới có thể rút ra những nguyên lý trừu tượng. Nói theo kiểu nhà nho: phải đi từ Hình-nhi-hạ tiến tới Hình-nhi-thượng. Bởi vậy, nhờ tại nghiên cứu về cái cụ thể, mà ta hiểu biết thấu đáo được cái trừu tượng.

Nói tóm lại, càng học hành, nghiên cứu, đọc sách, thí nghiệm, điều tra các sự vật (gọi là Cách Trí= Cách Vật Trí Tri), thì hy vọng ta sẽ khám phá ra cái Cùng Lý, cái Chân Lý, là cái “LÝ” vẫn tiềm ẩn trong ta. Hiểu được cái “Lý” của vạn vật, là ta hiểu được bản tính của ta nữa!(38)

b. Chữ “KÍNH”

Tại sao trong việc tu dưỡng, cần vun trồng đức “Kính”? Kính là gì? Kính là Kính cẩn, nghiêm trang, thận trọng, lo lắng để hết tâm trí, chuyên chú vào việc truy tầm Nguyên Lý của sự vật, tức là cố gắng phát hiện cái Lý Thái Cực như hạt châu báu vẫn ẩn dấu trong thâm tâm ta. Việc dùi mài kinh sử, không phải chỉ để mở mang một mớ kiến thức về khoa học mà thôi, nhưng ta phải nghiêm chỉnh, kính cẩn, chuyên cần đem hết nghị lực ra tìm tòi nguồn gốc của vạn vật. Không phải chỉ học cho được nhiều thứ, nhưng học để đạt tới Chân Lý của vũ trụ, và để tu dưỡng phần đạo đức siêu việt của con người.

Ngoài ra, trong việc tồn tâm dưỡng tính, Chu Hi và các đạo gia cũng đề nghị một phương thức tu luyện gọi là “Tĩnh Tọa”. Tĩnh tọa là ngồi yên, lấy sự kính cẩn mà giữ cái tâm cho sáng suốt để đối phó với các sự vật cho hợp lý”. Chu Hi cũng phân biệt phương pháp Tĩnh Tọa của nho gia khác với “Thiền Tọa” của Phật giáo. “Bên Phật, tọa thiền nhập định là cốt để thu thập cái tâm không cho tản mác ra mọi sự vật, cứ ngồi im lặng không nghĩ ngợi gì cả…”. Hai bên (Thiền sư và Nho gia) cùng đồng ý hoán tỉnh cái tâm, nhưng cái “đạo” (đường lối) thì khác. Phật thì hoán tỉnh cái tâm để thành không-không, mà Nho thì hoán tỉnh cái tâm để khiến nó soi sáng đến các sự lý.(39)

Nói tóm lại, nếu ta kính cẩn, nghiêm chỉnh, chuyên chú suy niệm để truy tầm Đạo Lý, thì thể nào cũng có lúc, ta sẽ đạt tới Chân Lý, ta sẽ đắc ngộ, nghĩa là được “Bất thần Giác Ngộ” (Sudden Enlightenment), tâm trí khỏi còn u mê tối tăm, để viên Ngọc trong ta sẽ sáng chói.

3. Chu Hi đối với Học Thuyết của Mạnh Tử, Tuân Tử

Như đã trình bày ở trên, Đổng Trọng Thư đã có công tìm cách dung hòa hai lập trường đối chọi nhau: “Tính Thiện” của Mạnh Tử, và “Tính Ác” của Tuân Tử. Học thuyết của Chu Hi cũng góp phần vào cách giải quyết mâu thuẫn đó, nhưng dưới những khía cạnh và lập luận khác. Trước hết, Chu Hi phân biệt có Lý và Khí ở trong mỗi sự vật, mỗi người. Lý chính là Tính theo Mạnh Tử, vì Lý luôn luôn là Thiện. Nếu có cái gì Ác, đó là thuộc phần Khí, chứ không thuộc Lý được! Bởi vậy, căn nguyên của Ác là do phần Khí mà ra. Vì Mạnh tử chỉ nói đến “Tính bản Thiện” của con người, tức phần Lý, mà không nói tới phần Khí, nên quan niệm của ông về nhân loại còn thiếu sót.

Chu Hi và môn phái Lý Học đã tiến một bước xa, khi phân biệt nơi con người có hai trạng thái: trạng thái “yếu tính” (essential nature) và trạng thái “hiện hữu” (existential nature). Trạng thái yếu tính, tức là Tính nguyên tuyền, là Lý tưởng, là “Lý”, là “Tính”, thì bao giờ cũng tốt đẹp. Nhưng “Lý” và “Tính” là trừu tượng, thiêng liêng, nên cần phải “đầu thai” (endowment) vào vật chất, vật thể thì mới hiện hữu như ta nhìn thấy được. Do đó, con người chỉ có “Lý” là con người “lý tưởng”, không có thật. Con người hiện hữu, như ta thấy đang sống bây giờ, là con người thật gồm có “Lý” hay “Tính” đã nhập thể với “Khí” (Khí chất), để tạo nên con người cụ thể. Bởi vậy, con người xét theo bản tính (Lý hay Tính) thì Tốt, nhưng xét theo hiện hữu thì vì có ý chí tự do, nên có thể trở thành tốt hay xấu được! Khi Chu Hi và các nhà Lý Học phân biệt được hai trạng thái của con người: con người lý tưởng và con người hiện hữu, thì Triết Lý Trung Hoa đã tiến một bước lớn vậy!(40)

E. Nhân Tính theo Vương Dương Minh
(1472-1528)

Theo Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, như trên đã trình bày, Chu Hi và phái Lý Học chủ trương: Thực tại gồm hai thế giới (giống như triết học của Plato), một thế giới trừu tượng, lý tưởng, và một thế giới cụ thể. Nhưng Lục Cửu Uyên (1139-1192), cho rằng chỉ có một thế giới mà thôi: đó là “TÂM”. Do đó, ông lập ra Môn phái gọi là Tâm Học. Sau này, lý thuyết Tâm Học đã được phát huy thành hệ thống, nhờ có nhà đại nho, văn võ kiêm toàn, đời nhà Minh, là Vương Thủ Nhân, tức Vương Dương Minh (1472-1528). Sau đây, lần lượt, ta sẽ tìm hiểu: ý nghĩa của chữ Tâm là gì? Quan niệm của Ông về Nhân Tính thế nào? Và Ông đã cắt nghĩa Sách Đại Học để áp dụng vào việc tu dưỡng làm sao?

1. Quan Niệm về TÂM

Đối với phái Tâm Học và Vương Dương Minh, thì chỉ có Một Thế Giới là “TÂM” mà thôi! Vậy Tâm là gì? Trong con người, cái gì gọi là Tâm? Vương Dương Minh định nghĩa chữ Tâm:” Tâm không phải là một khối huyết nhục. Phàm chỗ tri giác là Tâm. Như tai mắt biết nghe biết trông, tay chân biết đau biết mỏi. Cái tri giác đó là Tâm vậy (Ngữ lục, III). Cái Tâm của người ta thiêng liêng sáng suốt, vạn lý vạn sự đều căn bản ở đó cả”.(41) Do đó, ý nghĩa chữ Tâm ở đây không có nghĩa vật chất, và thường được dịch sang Anh ngữ là”Mind”, tức là Tâm Thần, Tâm Linh (Spirituality), hay Tâm Thức (Consciousness).”Từ cái” Tâm” của con người, ta biết được rằng trong Trời và Đất chỉ có Một Tâm Linh hay Tâm Thức. Vì phần thân xác, mà con người đã tự gián cách khỏi cái toàn thể. Tâm Linh hay Tâm Thức của tôi làm chủ Trời và Đất, quỉ thần, vạn vật..Nều Trời, Đất, quỉ thần và vạn vật tách khỏi Tâm Linh hay Tâm Thức của tôi, thì không còn Trời Đất, quỉ thần, vạn vật nữa. Và nếu Tâm Linh hay Tâm Thức của tôi mà gián cách khỏi Trời Đất, quỉ thần, vạn vật, thì nó cũng không còn nữa! Bởi vậy, hiện thực, tất cả là một thân thể, không thể tách rời khỏi nhau được”.(42)

Tất cả vũ trụ này là một Toàn thể Tâm linh, trong đó chỉ có một thế giới, đó là thế giới cụ thể hiện hữu mà chúng ta đang cảm nghiệm thấy. Ngoài ra, không còn có chỗ nào dành cho thế giới trừu tượng, lý tưởng, “Lý” kia mà Chu Hi vẫn thường nói tới. Do đó, theo Vương Dương Minh, “Tâm” là “Lý” mà “Lý” là “Tính”, tất cả chỉ là Một. “ Tâm tức là Đạo, Đạo tức là Trời, biết Tâm thì biết Đạo và biết Trời”. Nói tóm lại,” Vương Dương Minh thuỷ chung theo cái thuyết “Thiên Địa Nhất Thể” và lấy cái nghĩa “Nhất dĩ Quán chi” của Khổng tử làm căn bản cho sự học của mình”.(43)

2. Phương Pháp Tu Dưỡng

Vương Dương Minh chủ trương sự nhất thể của Trời Đất, và muôn vật luôn có sự thông cảm với nhau, vì đã là người thì tự nhiên động lòng thương xót khi thấy người khác, hay một con vật, hoa cỏ, ngay cả biển khơi, sông núi… bị ô nhiễm, phóng xạ tàn phá (phong trào bảo vệ môi sinh). Do đó, mục đích của việc tu dưỡng là để bảo toàn sự nhất thể nguyên thuỷ của Trời Đất và vạn vật. Để đạt được cứu cánh trên, Vương Dương Minh đa đề xướng thuyết: “Trí Lương Tri (Intuitive Knowledge).

Cũng như Chu Hi, Ông đã mượn những câu đầu của Sách Đại Học để giải thích và áp dụng vào chủ thuyết của Ông. Dĩ nhiên, cách diễn giải của ông có điều giống nhưng cũng có điều khác với phái Lý Học. Sách Đại Học, tiết 1 viết: “Đại Học chi Đạo, tại minh Minh Đức, tại Thân Dân, tại Chỉ ư Chí Thiện”, nghĩa là: đường lối tu dưỡng của Sách Đại Học dạy ta (ba cương lãnh), thứ nhất là làm sáng lên cái Đức Sáng, thứ hai là Thân thiện, yêu thương mọi người, thứ ba là dừng lại ở nơi điều Thiện Tuyệt Hảo. Ta sẽ lần lượt giải thích từng cương lãnh.

a. “Tại Minh Minh Đức” là gì?

Minh Đức là cái Đức Sáng Láng, chính là viên Ngọc Trân Châu, tiềm ẩn trong ta, cần được mài dũa cho lóng lánh, rực rỡ. Theo Vương Dương Minh, Minh Đức đây cũng là Trí Lương Tri, hay Lương Tâm, Luơng Năng của con người trong tình trạng nguyên thuỷ, hoàn toàn tốt đẹp, không bị vẩn đục bởi tình tư dục. Vì Bản Tâm vẫn còn tinh tuyền, lương thiện, nên tự nhiên ta dễ phân biệt được đâu là điều Thiện, đâu là điều Ác! Nhưng Lương Tâm chính trực, nguyên tuyền đó có thể ra tối tăm mờ ám bởi tính ích kỉ và lòng tham lam. Do đó, trong việc tu dưỡng, ta phải tẩy trừ lòng vụ lợi, tính toán, keo kiệt, để cho Lương Tâm, Lương Tri bộc phát một cách hồn nhiên. Bởi vậy, phương pháp tu luyện của họ Vương cốt yếu giúp ta trở lại tình trạng nguyên tuyền của Lương Tâm, Lương Tri, của Bản Tâm trong sáng, tức là cái “Minh Đức”, viên “Trân Châu” nơi con người vậy.

b. “Thân Dân” là gì?

Khi Lương Tâm không bị mờ ám bởi tư lợi, khi Lương Tri trong sáng như mặt gương phản chiếu, phân biệt rõ ràng điều Thiện, điều Ác, lúc đó con người mới hòa hợp, hợp nhất và cảm thông với Trời Đất, vạn vật. Nếu đã trở về cái Bản Tâm nguyên tuyền hiệp nhất đó, thì tất nhiên, ta phải thân thiện, yêu thương tha nhân để chứng tỏ rằng: nhân loại và vạn vật chỉ là một. Tình yêu bắt đầu từ yêu mến cha mẹ, anh chị em ruột thịt trong gia đình, nhưng cũng phải lan rộng ra người ngoài, rồi bao bọc, ôm ấp tất cả vũ trụ, động vật, cỏ cây, sông núi…

c. “Chỉ ư Chí Thiện” là gì?

Câu trên có nghĩa: dừng lại nơi điều Thiện tuyệt hảo. Tại sao? Vì ta lấy sự Thiện cao siêu nhất làm mục tiêu, và làm tiêu chuẩn, mẫu mực cho Minh Đức và Thân Dân. Do đó, Lương Tâm, Lương Tri, Lương Năng phải đạt tới chỗ Thiện Hảo nhất, không để cho một chút tư lợi nhỏ nhen nào làm mờ ám. Thân Dân, tức yêu tha nhân cũng phải vươn tới chỗ tuyệt vời nhất, không để cho dục vọng, ích kỉ, thiên vị chen lấn vào. Vì Bản Tâm, Bản Tính của con người là toàn thiện, nên ta phải lấy tiêu chuẩn “chí Thiện” mà đối xử với tha nhân, vạn vật, và chỉ dùng mẫu mực “chí Thiện” để đo lường, suy đoán mà thôi! Nếu ta thêm hoặc bớt điều gì vào tiêu chuẩn “chí Thiện”, thì đó là những tình ngang, ý trái, tư lợi. “ Chí Thiện đã phát ra, thì phải là phải, trái là trái, khinh, trọng, hậu, bạc…đều tuỳ cảm, tuỳ ứng biến động tuỳ hoàn cảnh, nhưng lúc nào cũng giữ được cái trung thiên nhiên. Đó là cái mực cùng tột của các hành động của người và của muôn vật (dân di vật tắc). Nếu có thêm bớt chút gì, đó là cái ý riêng, cái trí nhỏ, mà không phải là “chí Thiện” (toàn thiện).(44)

3. Phương Châm Giáo Dục

Ngoài ba “cương lãnh” trên, Vương Dương Minh cũng đề cập đến”tám điều mục”, tức là tám bực thang cần phải bước lên trên con đường giáo dục. Ông cũng dùng những câu đầu của Sách Đại Học, cắt nghĩa và áp dụng vào thuyết Trí Lương Tri.

Sách Đại Học, tiết 4 viết: “Cổ chi dục minh Minh Đức ư thiên hạ giả, tiên Trị kỳ Quốc, dục Trị kỳ Quốc giả, tiên Trị kỳ Gia, dục Trị kỳ Gia giả, tiên Tu kỳ Thân, dục Tu kỳ Thân giả, tiên Chính kỳ Tâm, dục Chính kỳ Tâm giả, tiên Thành kỳ Ý, dục Thành kỳ Ý giả, tiên Trí kỳ Tri, Trí Tri, tại Cách Vật”. Dịch ý như sau: Cổ nhân muốn làm sáng tỏ cái Đức Sáng cho cả thế giới, thì tiên vàn phải biết cai trị nước mình, người muốn cai trị nước mình, thì tiên vàn phải sửa sang việc nhà cho ổn thoả đã, ai muốn sửa sang việc nhà, thì tiên vàn phải tu sửa chính bản thân mình đã, người muốn tu thân, thì tiên vàn phải có Tâm Hồn Chính Trực, ngay thẳng, người muốn có Tâm Trí ngay lành, tiên vàn phải có Ý Chí Thành Thật, người muốn có Ý Thành Thật, tiên vàn phải đạt tới (Trí) cái Hiểu Biết (Tri) Tột Độ, có đạt tới cái cái Hiểu Biết Tột Độ đó, là nhờ tại việc điều chỉnh các sự vật cho ngay chính tốt lành. Trên đây là kiểu lý luận gọi là “liên châu luận” (sorite), các sư kiện liên hệ, ràng buộc lấy nhau, muốn có cái này thì phải có cái kia trước đã, hay cái này là điều kiện của cái kia. Và đi từ điều kiện căn bản đi lên, hay đi từ gốc lên ngọn. Trong việc giáo dục, tu đức, ta cần phải tuần tự tiến lên từng bước một, không thể “đốt giai đoạn được”. Sau đây, ta sẽ lần lượt trình bày chương trình tu dưỡng giáo dục của phái Tâm Học.

a. “Trí Tri” là gì?

Đối với Vương Dương Minh, “Trí Tri” nghĩa là “Trí Lương Tri”. “Trí” là đạt tới, đi tới tận cùng. Do đó, Trí Tri là đi tới tận cùng cái Lương Tri, Luơng Tâm, Luơng Năng, cũng là cái Nguồn Gốc của sự tri giác và hành động. Cho nên, sự giáo hóa, tu dưỡng chỉ gồm có việc theo Lương Tâm, Lương Tri mà hành động, ngoài ra, không còn việc gì khác nữa.

b. “Cách Vật” là gì?

Như trên ta thấy Chu Hi giải thích: “Cách Vật” là tìm hiểu sự vật. Nhưng theo họ Vương, chữ “Cách” có nghĩa là “Chính”, là làm cho ngay thẳng, tốt lành. “Vật” là “Việc”. Do đó, “Cách Vật” là chỉnh đốn “công việc” cho chính đáng, tốt. Vương Dương Minh cũng diễn giảng thêm: Lương Tri, Lương Tâm thì bao giờ cũng tốt, lại biết phân biệt điều Thiện, điều Ác, vì nó là Bản Tâm, Bản Thể của con người và của vũ trụ. Tất cả những hoạt động do Lương Tâm phát hiện ra gọi là “Ý” hay “Ý niệm”. Đối tượng của “Ý” là “Vật”, tức là “công việc” mà ta có “Ý” hướng về, hay thực hành. Tuy Lương Tri, Lương Tâm lúc nào cũng tốt, cũng ngay chính, nhưng “Ý niệm” và “ công việc” thì có thể hoặc tốt, hoặc xấu. Bởi vậy, khi Ý niệm phát sinh ra điều gì mà Lương Tri, Lương Tâm đã cho biết là điều Ác rồi, nếu ta không cấp tốc và thành thật loại bỏ ngay điều Ác đó, lại còn noi theo mà thực hiện việc đó, thì kết quả là ta đã làm cho Lương Tri, Lương Tâm ta ra mờ ám vậy. Trái lại, khi Ý niệm phát sinh ra điều gì mà Lương Tâm đã biết là điều Thiện, nếu không thực hành ngay, mà lại bỏ đi, thế là đã lầm lẫn lộn xộn, coi điều Thiện là điều Ác, và kết quả là Lương Tâm ta bị sai lạc.

c. “Thành Ý”, “Chính Tâm” là gì?

Thành Ý là ý niệm, ý chí phải hết sức thành thực. Chính Tâm là lòng phải ngay thẳng. Vương Dương Minh chủ trương: ta phải lấy lòng Thành và Lương Tâm sáng suốt mà “Trí Tri”và “Cách Vật”. Không được để cho tư lợi nhỏ nhen làm mờ ám Lương Tâm, hoặc thoái thác không thành thật thi hành ngay điều mà Lương Tri đã phán quyết.

d. “Tu Thân” là gì?

Tu Thân là sửa mình. Sửa mình là làm cho “ Minh Đức”, tức Lương Tri, Lương Tâm ở trong Bản Tâm ta được sáng ra, để nhìn rõ điều Phải, điều Trái. Nếu Bản Tâm, Bản Tính bị tư dục quấy phá, Tâm Tình rối loạn, không kiểm soát nổi, thì ta không thể thực hiện được các nhân đức khác. Bởi vậy, Tu Thân là căn bản, ai ai cũng phải làm trước khi tham gia vào các hoạt động cứu giúp người khác. Cổ nhân có câu:” Tự Thiên Tử, dĩ chí ư thứ dân, giai dĩ Tu Thân vi bản” (Từ vua đến người dân, mọi người đều phải lấy việc sửa mình [Tu Thân] làm gốc).

e. “Tề Gia”, “Trị Quốc”, “Bình Thiên Hạ” là gì?

Câu trên có nghĩa là: Chỉnh đốn việc gia đình cho ổn thỏa, tham gia việc chính trị, kinh tế trong nước, và góp phần vào việc duy trì hòa bình thế giới. Tất cả chương trình huấn luyện đó đều phát xuất từ lòng yêu tha nhân, Thân Dân, Bác Ái, muốn cứu giúp đời. Do đó, càng hăm hở cứu nhân độ thế, càng làm sáng lạng Lương Tri, Lương Tâm, tức Minh Đức ở trong Bản Tính của con người. Nhưng trong việc tu đức, cần phải theo thứ tự hợp lí, nghĩa là (chỉ có thể cho đi cái gì mình đã có ) tiên vàn, phải tu sửa chính bản thân, tâm hồn mình cho ngay chính, thành thật, để” Minh Đức”, tức viên Trân Châu được sáng láng; sau đó, mới có thể thu xếp việc nhà cho yên ổn; nếu còn thì giờ, tài năng thì tham gia việc xã hội, cộng đồng; sau cùng, nếu là bậc anh hùng vĩ nhân, thì xây dựng hòa bình cho thế giới. Trái lại, tự bản thân, không có Lương Tri, Lương Tâm ngay lành, lại cờ bạc, nghiện hút, đàng điếm, thì làm sao có thể dạy dỗ con cái trong gia đình được!

Toát Lược Các Đặc Điểm

Trên đây là những quan niệm triết lý về “Bản Tính và Địa Vị của Con Người” đứng trong vũ trụ, đã được các Nho gia tìm hiểu, tranh luận, trong nhiều thế hệ. Triết Lý Nhân Bản này, và phương pháp tu tâm dưỡng tính, đã đào tạo nên nhiều tâm hồn cao thượng, và nhiều vị anh hùng vĩ nhân, nhiều bậc quân tử thánh hiền cho Việt Nam, Trung Hoa. Sau đây là tóm lược mấy đặc điểm:

1. Tất cả các Nho gia, từ Khổng Tử đến các sĩ phu đều chủ trương: nhân loại chiếm một địa vị và một Bản Tính đặc biệt hơn loài cầm thú, thảo mộc. “Nhân Linh ư Vạn Vật”. Sỡ dĩ con người là cao quí, vì có phần Tâm Linh, có Lương Tâm, Trí Khôn biết phân biệt Phải/Trái, lại có Tình thương, Tình cảm.

2. Mạnh Tử cho rằng: Bản Tính Nhân Loại là Thiện, là Tốt. Ông lạc quan, tin tưởng vào Tình thuơng tự nhiên, hồn nhiên, bộc phát của Nhân Tính.

3. Trái lại, ông Tuân Tử, có vẻ bi quan về Bản Tính Nhân Loại, và chủ trương “Tính Ác”. Nhưng ông cũng lạc quan, vì tin rằng, có thể dùng Văn hóa, tức Tam Cương, Ngũ Luân, Ngũ Thường, Luật Pháp để đào luyện con người trở nên tốt được.

4. Đổng Trọng Thư đã dung hòa được hai lập trường đối nghịch trên. Theo ông, mỗi chủ trương có cái đúng, nhưng cũng có điều thiếu sót. Ông không đồng ý với Tuân Tử, vì nếu con người hoàn toàn là xấu tự trong bản Tính, thì làm sao có thể trở thành tốt được? Ông cũng không hoàn toàn đồng ý với Mạnh Tử, vì con người mới chỉ có “mầm mống” của Thiện, chứ chưa có thật. Bởi vậy, cũng cần văn hóa, lễ nghĩa, giáo dục, thì mới giúp cho con người nên hoàn hảo được.

5. Chu Hi và phái Lý Học phân biệt: con người lý tưởng, và con người hiện thật; và trong con người, có phần “Lý” và phần”Khí”. Lý thuộc thế giới riêng biệt, và mỗi loài mỗi vật đều có cái”Lý” của nó, tức cái yếu tính. Trên hết có “LÝ THÁI CỰC”, bao trùm vũ trụ, vạn sự vạn vật. Con người mới có “Lý” thôi, là con người lý tuởng, chưa có thật. Muốn hiện thật như ta thấy bây giờ, cái “Lý” của con người cần đầu thai vào phần “Khí”. Phần “Lý” thì bao giờ cũng Tốt, nhưng phần “Khí”, là vật chất, là hoàn cảnh, môi sinh, xã hội, nên có thể tốt mà cũng có thể là xấu. Do đó, cần văn hóa, lễ nghĩa để tu luyện con người trở nên tốt, làm sáng tỏ phần “Lý”, cũng là “Lý Thái Cực”, hay viên Ngọc trong Nhân Tính.

6. Vương Dương Minh và phái Tâm Học chủ trương thuyết”Vạn vật nhất thể”, nghĩa là tất cả vũ trụ vạn vật chỉ có một thế giới mà thôi, tức là thế giới cụ thể mà ta nhận thấy. Nhưng thế giới đó là một vũ trụ Tâm linh, Tâm Thần, Tâm Thức, bao gồm hết thảy Trời Đất, quỉ thần, con nguời, cầm thú, thảo mộc, sông núi..Nhờ giáo dục, nhờ phương pháp tu luyện như Trí Tri, Cách Vật, Tu, Tề, Trị, Bình, con người đạt tới sự Thiện Hảo Tuyệt Đối, tức là Minh Đức, là Lương Tri, Lương Tâm, biết phân biệt Phải/Trái: Phải thì làm, Trái thì bỏ. Do đó, có thể “Thân Dân”, yêu thương mọi người, mọi sự, mọi vật được!

ĐOẠN II . Quan Niệm Vô Ngã Trong Phật Giáo

Vấn đề con người là ai: bản tính, địa vị, và cứu cánh cuộc đời con người, là những thắc mắc căn bản mà các tôn giáo và triết học từ xưa tới nay luôn tìm cách giải thích. Phật Thích Ca đã dùng bộ ba chữ đi liền với nhau để nhận định về ý nghĩa đời sống con người. Đó là chính đạo thứ nhất trong Bát Chính Đạo, gọi là “Chính Kiến”. Đời là anicca (vô thường), dukkha (đau khổ), anatta (vô ngã). Chữ anicca gồm có đầu tự “a”, nghĩa là “vô”’ và” nicca”, nghĩa là hằng có, thường có, luôn bền vững. Do đó,” anicca” là biến đổi luôn, không có gì bền vững, là “vô thường”. Luật của “vô thường” là: Sinh, Trụ, Dị, Diệt. Sinh là sinh ra, Trụ là thời gian để lớn lên, Dị là già yếu đi, Diệt là chết. Luật Vô Thường này áp dụng cho muôn vật muôn loài trong vũ trụ. Tại sao đau khổ, dukkha? Vì người đời mê muội, lầm tưởng rằng vũ trụ, và đời người là “ thường hằng bất biến”, là vững bền, nên tham lam tìm kiếm, hưởng thụ mọi khoái lạc. cho thỏa lòng dục vọng. Nhưng khi gặp rủi ro, bệnh tật, già yếu,và chết đến, bắt buộc phải để lại hết: gia đình, thân thuộc, của cải, danh vọng quyền thế.., thì đâm ra đau khổ. Trong chương này, ta sẽ đặc biệt bàn luận về chữ thứ ba, anatta, “Vô Ngã”. Chữ này cũng rất quan trọng như hai chữ trên, vì là căn bản giáo thuyết của Phật Thích Ca. Nhưng chữ “Vô Ngã” đã gây ra nhiều thắc mắc, hiều lầm đối với các phật tử, và cả với người ngoài. Do đó, cần tìm hiểu xem tại sao có những thắc mắc như vậy? Sau đó, thử nêu ra ý nghĩa mà Phật co thể đã muốn giảng dạy về chữ anatta, “Vô Ngã” như thế nào ?

A. Những Hiểu Lầm, Thắc Mắc Về Chữ “Vô Ngã”

_ Chữ “Vô Ngã”, dịch từ tiếng Pali là anatta, hay tiếng Sanscrit (phạn) anatman. Cả hai đều là tiếng kép gồm hai phần: phần đầu an và phần chính atta, hay atman. Do đó, ta thấy chữ anatta (anatman) gồm đầu tự “a”, hay “an” nghĩa là “vô”. Chữ atta (atman) có hai nghĩa : một là đại từ phản tỉnh, hay tĩnh từ, atta (atman) nghĩa là “của mình”, “tự mình”. Nên chữ anatta (anatman) là “không phải của mình”. Chữ Atta (Atman) còn dùng trong triết lý, siêu hình Ấn độ để chỉ “Thực Tại Siêu Việt” (Ultimate Reality), “Đại Ngã Siêu Việt” (Supreme Self). Chữ Atta (Atman) cũng ám chỉ phần Thần Linh (Divine element) ở trong con người, nhưng phần Thần Linh này biến dạng trở nên ý tuởng về một thực thể (entity) riêng biệt ở trong con người, tự chủ về suy nghĩ, hành động, và sau khi chết, tùy việc thiện, ác đã làm mà được thưởng hay chịu phạt. Do đó, chữ atta (atman), theo nghĩa sau này, để chỉ “Hồn” (Soul), “Ta” (Ego), “Ngã” (Self), “cá thể” (individuality), hay toàn bộ “Xác-Hồn” của một con người. Như vậy, theo tín ngưỡng thông thường của Ấn Giáo thì atta (atman), “Hồn”, “Ngã”, vẫn tồn tại, bền vững, chỉ có xác là biến đổi. Hồn vẫn có trước khi sinh, và sau khi chết, vẫn Hồn đó “luân hồi” từ xác này sang xác khác. Bởi vậy, khi Phật Thích Ca dùng chữ anatta (anatman) “Vô Hồn”, “Vô Ngã”, thì đã gây thắc mắc, ngạc nhiên đối với một số người, vì có vẻ đi ngược lại truyền thống Ấn độ giáo thờì đó.

_ Do đó, chữ “Vô Ngã” đã gây nên những cuộc bàn cãi, những hiểu lầm, cho tới ngày nay. Các môn phái Phật giáo, và tôn giáo khác, mỗi người giải thích khác nhau . Đó cũng là số phận chung của các vị sáng lập các tôn giáo. Vì nạn “tam sao thất bản”, vì nghĩa của từ ngữ thay đổi, nên sau một thời gian, các đồ đệ đã giải thích khác với chủ ý của nguyên bản. Danh từ cụ thể như cam, táo, bưởi, v.v., thì chữ nào, nghĩa đó, vật đó, không lẫn lộn. Tiếng bưởi là để chỉ trái bưởi. Nhưng đối với những danh từ trừu tượng như Thượng Đế, Trời, Thần, Quỉ, Ma, thiên giới, hỏa ngục, Hồn, v.v., thì nội dung ý nghĩa khác nhau, tùy theo môn phái tôn giáo, triết học, tùy thời đại thay đổi. Cũng cùng một chữ mà ý nghĩa, nội dung, cách giải thích khác nhau. Do đó, cần phải tìm hiểu xem ý nghĩa chính thực mà vị sáng lập đã muốn là ý nghĩa nào? Từ xưa tới nay đã có nhiều kiểu giải thích chữ “Vô Ngã” khác nhau. Đối với người duy vật, vì “vô hồn”, nghĩa là chết là hết, như “chó chết hết chuyện”, nên còn sống ngày nào là ăn chơi cho thỏa thích ngày đó. Môn phái (Theravada) cho rằng các bộ phận thân thể thì có thật, nhưng không có “hồn” tồn tại ở bên trong. Không có “hồn” của một người đổi từ xác này sang xác khác. Nhưng mỗi giây, phút, con người là một cá nhân khác. Hồn của con người không phải là một bản thể bền vững, không biến đổi, nhưng là một dòng những trạng thái liên tục nối tiếp nhau, trạng thái này làm nguyên nhân sinh ra trạng thái sau làm quả, theo luật Nhân-Quả. Ví như ngọn đèn đốt trong đêm tối: ta thấy cũng một ngọn đèn cháy, nhưng kỳ thực, mỗi phút mỗi có ngọn lửa khác nhau tùy từng điều kiện, và vì các ngọn lửa luôn tiếp nối nhau, nên ta có cảm giác như chỉ có một ngọn lửa mà thôi! Lại có người cho rằng Phật giáo là “vô thần”, vì không tin có “hồn thiêng bất tử”, không tin có Thượng Đế.(45)

_ Theo Kinh Điển, và những lời vấn đáp khi thuyết giảng, Phật Thích Ca không muốn đề cập, hay trả lời những câu hỏi về siêu hình như có Thượng Đế hay không? hoặc sau khi chết, số phận các vị Bồ tát thế nào? Nhưng không phải vì “im lặng”, không nói mà cho rằng Phật từ chối sự hiện hữu của vị “Đại Ngã Siêu Việt”, hay cho rằng “chết là hết!” Theo các nhà Phật học nghiên cứu thì Phật Thích Ca luôn tôn trọng tín ngưỡng chân chính của Ấn Giáo. Do đó, có thể nói rằng Phật đã không đả động đến atta (atman), “Hồn thiêng”, niềm tin của dân Ấn, vì Ngài không muốn đề cập đến vấn đề siêu hình “bất tử” (immortal) hay “tử” (mortal). Khi dùng chữ anatta (anatman) “Vô Ngã”, có lẽ Phật cũng không muốn bàn luận về “hữu thể học” (ontology), như trong triết lý Hy lạp khi phân biệt “Xác và “Hồn” của một con người. Do đó, không thể nói rằng Phật đã từ chối “Hồn”, theo nghĩa của hữu thể học Hy lạp-Latinh. Một vấn nạn khác: khi dùng chữ “vô ngã”, có phải Phật đã từ chối “cá nhân”, “cá thể” không?_ Như mọi người khác, Phật vẫn phân biệt người này khác người kia, mỗi cá nhân chịu trách nhiệm riêng cho đời sống của mình”.(46)

B. Ý Nghĩa Chính Thực Về Anatta (Anatman) Vô Ngã

_ Muốn giải tỏa các thắc mắc và hiểu lầm trên, và muốn tìm hiểu ý nghĩa chính thực của anatta (anatman) “Vô Ngã”, ta cần đặt chữ đó vào văn mạch của nó, nghĩa là phải giải nghĩa cùng với hai chữ khác là anicca, “vô thường”, và dukkha, “đau khổ”, vì bộ ba chữ này là căn bản giáo thuyết riêng biệt của Phật Thích Ca về Giải Thoát. Đối với dân chúng Ấn Độ thời bấy giờ, thế giới chưa được Giải Thoát gọi là Samsara, Luân Hồi, và thế giới được Giải Thoát là Nibbana (Nirvana), Niết-Bàn. Phật Thích Ca đã dùng vỏn vẹn ba chữ để diễn tả Samsara: anicca, dukkha, anatta. Nên nhớ rằng đây không phải thế giới Nibbana, hoặc đời sống nào khác, nhưng là một lối sống hèn hạ, đê tiện, hẩm hiu của con người gọi là Samsara, Luân Hồi, trong đó nhân loại lặn ngụp trong nước mắt! Tại sao vậy? Vì vạn sự vạn vật đều biến hóa không ngừng, “vô thường” (anicca), nhưng con người, vì mê lầm ảo tưởng rằng đời là “thường hằng bất biến”, nên mới sinh ra “ đau khổ” (dukkha). Tại sao con người trong trạng thái Samsara, gọi là “vô ngã” (anatta)? Vì nó cũng phát sinh đau khổ!

_Cái gọi là “ngã”, là “ta” trong trạng thái Samsara, Luân Hồi, là cái “ngã”, cái “ta” sai lầm, giả dối, giả tưởng, gây đau khổ, nên cần phải giải thoát nó! Phật Thích Ca đã dùng quan niệm “Danh-Sắc” (nama rupa) của Ấn Độ thời đó để phân tích cái “ta” giả dối, dòn mỏng, không bền vững này. Cái “ta” đó được kết hợp bởi năm yếu tố gọi là “Ngũ Uẩn”, hay “Ngũ Trọc”, như sau đây: (47)

1. Sắc uẩn (rupa): hình thể người ta.

2. Thụ uẩn(vedana): sự cảm giác.

3. Tưởng uẩn(sanna): sự tưởng tượng.

4. Hành uẩn(samkhara): hành vi.

5. Thức uẩn(vinnana): ý thức.

Hợp chất một là Thân (rupa). Bốn hợp chất kia gọi là Tâm (nama). Đó là Nhân-Duyên(4) “Danh sắc” trong Thập Nhị Nhân Duyên. Như vậy, cái “ta” đó gồm hai phần: Thân và Tâm.

_ Thân, tức là thân xác, phần sinh lý của con người, là hợp chất của tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong. Địa (patavi), là gồm chất đặc như xương, thịt, thủy (apo), là gồm chất lỏng như máu, mồ hôi, nước mắt, hỏa (tejo), là gồm chất nóng như nhiệt độ, phong(vayo), là gồm chất động như hơi thở, hô hấp. Ta thấy bốn chất này thuộc vật chất, tan biến không ngừng, trong đó vạn sự vạn vật trao đổi, ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ, khí trời ta hút vô là” của ta”, nhưng khi thở ra, cây cỏ hút lấy thì là “của cây cỏ”! Do đó, khó có thể phân biệt cái gì thực sự là “của ta” và cái gì thuộc ngoại cảnh được! Nếu bốn chất đó lìa nhau, thì mỗi chất trở về mỗi loại của nó. Đó là cái “sắc uẩn”, cái “ta” giả tưởng mà thôi.

_ Tâm, hay Tâm linh “của ta”, trong thế giới Samsara, Luân Hồi là gì? Phật Thích Ca đã dùng triết lý Ấn Độ để giải thích như sau: Cái “Tâm” của con người là hỗn hợp của bốn yếu tố tâm lý: thụ, tưởng, hành, thức.

a) Thụ là cảm giác do ngũ quan cảm thấy khi tiếp xúc với những vật bên ngoài.

b) Tưởng là khi có cảm giác về một vật gì thì liền suy tưởng mà nhận ra vật đó là vật gì. Như bông hoa là bông hoa, bọ cạp là bọ cạp.

c) Hành là tình cảm phản động, phản ứng lại. Tâm hồn con người không giống cái máy chụp ảnh, nó chỉ thu hình ảnh bên ngoài một cách khách quan mà thôi. Nhưng lại còn có những phản ứng tình cảm nữa. Như nhìn thấy hoa đẹp thì yêu, bọ cạp xấu xa thì ghét. Đó là căn cớ sinh ra Karma, Nghiệp-Báo, Luân Hồi.

d) Thức là hiểu biết, là lò tích trữ, chứa chấp “thất tình”, như hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Do đó, sự hiểu biết, hay kinh nghiệm kiến thức của một người chỉ là một mớ ký ức về thất tình mà thôi! Theo môn phái Theravada, những kinh nghiệm về thất tình này, người ta sẽ mang theo từ kiếp này sang kiếp khác, và sẽ định đoạt số phận cao, thấp khi “tái sinh”,

C. Cần Giải Thoát “Giả Ngã”, Cái Ngã Giả Tưởng

_ Như vừa phân tích ở trên, cái “ngã”, cái “ta”, nơi chứa chấp những phản động tình cảm, là cái “ta” biến đổi không ngừng, lúc yêu, lúc ghét, lúc giận hờn…, tuỳ theo cảnh ngộ, sở thích, thiên kiến. Nó cũng chịu luật “vô thường” chi phối, và chịu đau khổ! Đó là cái “ta” thuộc thế giới Samsara, Luân Hồi, cần được giải thoát sang cảnh giới Nirvana, Niết bàn, an lạc. Trong phép tu luyện Phật giáo, việc phá sự chấp chứa cái “ngã” tình cảm giả dối đó, gọi là phá “ngã chấp”. Tại sao lại gọi cái”ngã” tình cảm là “giả”? là cái “giả ngã”? Chữ “giả”, nghĩa là không phải không có, nhưng có mà không thật! Như khi ta nói: đồ vật “giả”, giấy bạc”giả”, thì không có ý nói đồ vật ấy không có, nhưng có mà là không thật. Về vấn đề chân (thật), giả, kinh điển Phật giáo thích dùng câu chuyện “nhìn giây thừng ra con rắn” (thị thằng nhi dĩ xà) làm ví dụ để phân biệt thế nào là chân/giả. Trong tối tăm (Vô Minh), ta thấy một đoạn giây thừng. Vì nhìn không rõ, nên tưởng tượng ra con rắn, và cho là rắn thật, nên giật mình, sợ hãi! Nhưng khi thắp đèn lên, thấy rõ đoạn giây thừng, thì cái ảo tưởng về con rắn liền tan biến. Nhìn giây thừng ra con rắn là mê lầm, ảo tưởng. Thấy giây thừng mà nhận ra đó là giây thừng, thì cái nhận định này cũng đã là sáng suốt, nhưng chưa đủ, còn cần có “Chính Kiến”, là “thấy thật” nữa. Khi ta nhìn thấy một vật dài, biết rõ là cái giây thừng, lại còn biết thêm giây thừng đó thắt bằng chỉ gai, thì cái nhận thức đó mới là hoàn toàn, “viên thành thực”. Bởi vậy, thấy giây thừng mà bảo là con rắn là sai, nhưng bảo là không có gì hết, thì cũng sai luôn: “Có" là sai, mà “Không” cũng sai, tức là cái nghĩa câu: “Có mà Không, Không mà Có”, như câu: “phi Hữu, phi Không”, là không Có, nhưng cũng không Không. Cái mà ta gọi là “ngã”, là “ta”, là không Có (Thật), nhưng mà Có (Giả). Mê, (Vô Minh) thì là “Giả Ngã”, nhưng khi Tỉnh Ngộ, thì lại là “Chân Ngã”, Chân Tính, Chân Thể.

_ Những phân tích trên đây về cái “giả ngã”, không có gì là khó hiểu, nếu mỗi người trầm tĩnh ít giây phút để nhìn vào đáy lòng mình! Ta đau khổ phần lớn là do cái “ta” bị thất tình chi phối, thống trị mà ra. Thật vậy, cái “ta” của ta là gì? Là cái “ta” tự cao tự đại, cho mình hơn hết mọi người, không chịu nhận cái hay cái tốt của người khác. Cái “ta” ích kỷ, chỉ biết mình, sở thích mình, tư lợi, dầu hại cho kẻ khác như câu nói: “ích kỷ hại nhân”. Cái “ta” ghen tương, phen bì, khi thấy ai được điều tốt, thì nổi máu ghen, tìm cách hạ giá người ta. Cái “ta” khoe khoang, giả hình nhân nghĩa để được tiếng khen. Cái “ta” thiên vị, thiên kiến, chỉ yêu thích những người thân thuộc, bà con, bạn bè, nhưng ghét bỏ, thù hằn những người thẳng thắn, nhưng bất đồng ý kiến. Tất cả những cái “ta” do thất tình chi phối, điều khiển, là những tư cách của cái “ta” đê tiện, hèn hạ, ấu trĩ trong con người, chính là cái “giả ngã”, cần được thanh luyện để trở nên cái “ta” thật, cái “Chân Ngã”, thảnh thơi, trưởng thành, vô vị lợi, an hòa.(48)

D. Tìm Về Chân Ngã

Ta vừa tìm hiểu ý nghĩa của cái “ta” giả dối, cái “giả ngã”, tức cái “vô ngã”, thuộc thế giới Samsara, “vô thường”, đau khổ. Ta cũng nhận định rằng cái “vô ngã” này là căn nguyên của đau khổ, vì nó bị thất tình chi phối, không “tự chủ” được. Đó là một hình thức, một tình trạng thấp kém của kiếp sống con người. Do đó, cần giải thoát, siêu thoát con người để tìm về “Chân Tính”, “Chân Ngã” của nó, trong cõi Nirvana. Đấy cũng là chủ đích của Phật Thích Ca, khi giảng thuyết về bộ ba chữ: Vô Thường, Đau Khổ, Vô Ngã.

_ Khi dùng chữ anatta (anatman), Vô Ngã, Phật Thích Ca chỉ có ý phân giải cái “ta thật”, và cái “ta không thật” là gì. Như kinh sử cho biết, Phật thường từ chối không trả lời những câu hỏi về siêu hình như sự hiện hữu của Vị Chúa Tể, hoặc về bản thể học như sự bất tử của atman (Hồn). Chủ trương của Phật là thực tế, nhằm chữa trị bệnh tinh thần của con người đang đau khổ, ở kiếp này, ngay bây giờ. Để minh chứng cho lập trường cố hữu của Phật Thích ca, Kinh Điển Phật Giáo thường nhắc lại câu chuyện: “người săn bắn bị thương”. Vấn đề cấp bách lúc này là cứu người ta khỏi đau khổ. Suy luận về siêu hình như linh hồn bất tử, vũ trụ bởi đâu mà có, thì cũng giống như người thay vì tìm cách rút ra liền mũi tên độc đang cắm vô cạnh sườn người săn bắn, lại đặt ra những câu hỏi không khẩn thiết như: ai làm ra, ai bắn mũi tên, và mũi tên làm bằng chất độc gì? v.v.

_ Nhưng cũng vì “im lặng” không trực tiếp trả lời, nên sau này các môn phái Phật Giáo tự tiện cắt nghĩa giáo thuyết của Phật theo thiên kiến riêng của mình. Vì thế, có người cho rằng Phật Giáo “phủ nhận sự trường cửu của Linh hồn”, hoặc “thuyết Thượng đế, cũng như thuyết Linh hồn bất tử do Bản Ngã tạo ra để tự phỉnh…”. Suy diễn như vậy có thể là vô bằng cứ, vì giữ thái độ im lặng, không có nghĩa là Phật từ chối niềm tin chân chính của dân chúng Ấn Độ. Cắt nghĩa theo thiên kiến là lạc mất chủ ý của Phật. Khi Phật dùng một chữ gì, câu nào, thì phải đặt nó trong văn mạch, và trong hoàn cảnh đặc biệt như dành riêng cho một lớp thính giả nào, thì mới có thể hiểu được ý nghĩa chân thực của danh từ đó.(49)

_Vậy “Chân Ngã” (True Self) là gì? Nếu “giả ngã” thuộc thế giới Samsara, thì “Chân Ngã” thuộc cảnh giới Nirvana, đã được Tỉnh Ngộ. Trong cõi Luân Hồi, Nghiệp-Báo, cái “giả ngã” bị chi phối bởi thất tình, dục vọng, thì trong cảnh giới Niết Bàn thanh tịnh, con người trưởng thành suy tư và hành động theo lý trí, theo sự khôn ngoan tuyệt vời, gọi là Trí Tuệ Bát Nhã (Prajna Paramita). Cái Chân Ngã thuộc thế giới Siêu Thoát, nên cần phải chống lại các dục tình, dục vọng đê hèn của Samsara, nhất là phải tiêu diệt cái “tôi” ích kỷ. Do đó, trong phép tu luyện, cần noi theo “Bát Chính Đạo”, để trở nên người đức hạnh. Người tìm được Chân Ngã là đạt tới cái Tâm Chân Như, Phật Tính, thực hành đức Từ Bi, yêu thương hết mọi loài, mọi người. Cái Tâm thuộc cấp Samsara, là cái “giả ngã”, vì luôn bị thất tình, va tình cảm “vị kỷ” chi phối, nên chỉ yêu người mình thích, mà ghét người mình không ưa!

_ Bởi vậy, chủ đích của Phật Thích Ca là giúp con người Giải Thoát khỏi sự kiềm kẹp của cái Giả Ngã bị dục vọng điều khiển, để tiến tới Niết Bàn, nghĩa là tìm về cái Chân Ngã siêu thoát thanh tịnh. Muốn được thế, phải cố công tu luyện, phải tiêu diệt cái Ngã giả dối, tức “vô ngã”, phải Tỉnh Ngộ. Hành động quyết liệt để tiến tới Giác Ngộ hoàn toàn, gọi là “Đại Tử,” theo nghĩa chết đi để sống đời sống mới.(50)

Toát Yếu Những Đặc Điểm

Sau khi tìm hiểu quan niệm về “Vô Ngã”, ta có thể tóm lược một vài đặc điểm như sau:

1. Vấn đề “Vô Ngã”, Phật Thích Ca không chỉ trích công khai niềm tin cổ truyền của dân chúng Ấn Độ về Atman, tức Linh Hồn bất tử. Ngài thường giữ thái độ “im lặng”, cũng như đối với các vấn đề siêu hình khác. Nhưng “im lặng”, thì không có nghĩa là từ chối hay chống đối.

2. Quan niệm “vô ngã” là thuộc bộ ba: vô thường, đau khổ, vô ngã, là một lối sống đê hèn, đau khổ của Luân hồi, Nghiệp-Báo, nên cần được Giải Thoát.

3. Chân Ngã là cái Ngã đã Tỉnh Ngộ, thuộc cảnh giới Niết Bàn, không còn bị dục vọng quấy phá, nhưng sống trong an lạc, thanh thoát do cái Tâm-Bình-Đẳng, cái Tâm Đại-Từ-Bi hướng dẫn.

4. Muốn đạt tới cái Chân Ngã, cần khổ công tu luyện, theo “Bát Chính Đạo”, và một đời sống luân lý tốt.

ĐOẠN III . Nhân Tính Trong Thiên Chúa Giáo

Trong vũ trụ vạn vật thuộc loài thụ tạo, chỉ có con người là đặc biệt, vì có thể “tự-ý-thức” về chính mình, nghĩa là vừa làm chủ thể (subject) đứng ra học hỏi, vừa là đối tượng (object) của việc tìm hiểu về mình, vì chính ta lại tự đặt ra những thắc mắc về ta, vì chỉ có nguời mới học hỏi về đời sống con người. Khi nghiên cứu các khoa học khác, thì phân biệt giữa ta là người hiểu biết và sự vật là đối tượng để ta tìm hiểu một cách khách quan. Nhưng khi suy nghĩ về chính mình thì khác, vì ta không thể tách khỏi mình, rồi tìm một “vị trí” đứng từ đàng xa, để nhìn lại rõ ràng chính mình, như một đối tượng khách quan. Do đó, những giải đáp luôn thiếu sót, không tương xứng. Những vấn nạn mới về con người luôn được đặt ra, và cần những giải đáp mới.

Theo lịch sử, đã có nhiều lý thuyết, triết học nghiên cứu về con người, như đã trình bày ở đoạn trên, nhưng gần đây, nhờ các khoa học vật lý, nhân văn, xã hội, nên khoa Nhân Loại Học (Anthropology) đã phát triển thành hệ thống. Như tựa vào khoa học tự nhiên, C. Darwin cho rằng đời sống con người, về sinh lý, cũng giống như mọi sinh vật khác do luật tiến hóa và thích ứng vào môi sinh, chi phối. S. Freud tựa vào khoa tâm lý, cho rằng con người không phải chỉ biết (intellect), rồi quyết định làm điều mình muốn (Will), nhưng chính lực lượng “Tiềm Thức” (Unconscious drives) ảnh hưởng, điều khiển. K. Marx tựa vào khoa xã hội, chủ trương xã hội, đời sống tập thể đào tạo nên đời sống con người. Ngoài ra, khoa học nhân văn, văn chương và triết thuyết như Hiện Sinh, Hiện Tượng Luận… đều có chung điểm tương đồng: nhấn mạnh đến con người là một chủ thể có tự do, chịu trách nhiệm về đời sống riêng, cá biệt, luôn thay đổi, biến chuyển, thực tiễn, chống lại cái gì bất biến, trừu tượng, phổ quát, khách quan.

Trong bối cảnh lịch sử đó, Thiên Chúa Giáo đã xây dựng khoa Thần Học về Nhân Loại Học (theological anthropology), để tìm cách giải đáp những câu hỏi căn bản về đời sống con người như: Con Người là Ai? Tại sao Sống? Tại sao biết mình phải Chết? Chết là hết, hay còn gì nữa? Tại sao có sự Ác, Đau Khổ? Đời sống con người có Giá Trị gì không? Nếu ta công nhận: “Đời Đáng Sống”, thì tất nhiên, ta cũng phải thừa nhận, xác tín về những vấn đề căn bản làm nền tảng cho đời sống như: Hiện Hữu của Thiên Chúa, vì ngay khi ta ý thức về ta, ta đã cảm nghiệm rằng: mọi sự ta có như ý thức, trí khôn, thân xác, đều do Thiên Chúa đã ban cho, đã phú bẩm cho ta. Do đó, vấn đề “ta” và “Chúa” tuy khác biệt, nhưng liên quan với nhau như hai mặt của một đồng tiền. Chính Thiên Chúa là Nguyên Lý cho đời sống con người. Nguyên Lý Nền Tảng đó đã hiển hiện một cách cụ thể, lịch sử, nơi Nhân Vị của Đấng Thiên Sai, Chúa Cứu Thế, để cứu nhân độ thế, giải phóng nhân loại khỏi vòng cương tỏa của tội ác, chỉ giáo cho con người những nguyên tắc về Luân Lý để sống thánh thiện, đạt được Hạnh Phúc và Trường Sinh Bất Tử.

Sau đây, ta sẽ lần lượt suy nghĩ:

A. Ý nghĩa của Nhân Sinh (đời sống con người) và Nhân vị (địa vị của người đứng trong vũ tru).

B. Nhân Tính, hay Bản Tính tự nhiên.

C. Thiên Ân, con người hướng về Siêu Nhiên.

D. Liên hệ giữa Bản Tính và Thiên Ân.

E. Sau cùng là vấn đề Tội Ác, tình Tư Dục.

A. Nhân Sinh, Nhân Vị, Địa Vị Con Người

Quan điểm về Nhân Sinh, tức ý nghĩa của Đời Sống con người, và Nhân Vị (human Person), tức con người có một Bản Vị, một Bản Thể riêng biệt, một Địa vị, tức “chỗ đứng” đặc biệt trong vạn vật, theo Thần Học Công Giáo, có thể toát lược vào mấy điểm cốt yếu như sau:

1. Vũ Trụ Càn Khôn, và Nhân Sinh có Giá Trị gì?

Niềm Tin và Lý Trí của nhân loại minh chứng rõ cho ta biết: Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, đã sáng tạo vũ trụ càn khôn, muôn vật muôn loài, tinh thần và vật chất. Thiên Chúa vẫn Hiện Diện, để Quan Phòng và bảo toàn vạn sự vạn vật. Do đó, hết mọi loài thụ tạo, vật chất, cỏ cây, sông núi… đều Tốt, đều có Giá trị, vì tất cả do bàn tay sáng tạo của Chúa. Nhưng trong các loài thụ tạo, thì con người là cao quí hơn.

2. Tại Sao Nhân Vị, Địa Vị Con Người là Cao Quí?

Con Người là một Nhân Vị (Human Person), chiếm một Địa Vị cao quí trong vũ trụ, vì con người được dựng nên giống “Hình Ảnh Chúa”, nghĩa là có thể hướng về Siêu Việt (Transcendental), tức là biết Chúa và yêu mến, sống thân tình với Chúa. Ngoài ra, con người cũng được Chúa cho trí khôn, tài năng để cộng tác vào việc quản trị, khai thác, phát triển vũ trụ, để làm hiển danh Thiên Chúa.

Trong loài thụ tạo, chỉ có con người là có ý thức, tự do, và trách nhiệm về những hành động của mình, như một chủ thể, một Nhân vị (person), vì có thế đối diện, đối thoại với Đấng Toàn Năng. Chỉ có con người mới biết tự-phản-tỉnh, nghĩa là: biết được rằng mình biết. Chỉ có người mới có Lương Tâm, biết phân biệt điều Phải/Trái: nơi thâm cung, bất khả xâm phạm đó, con người có thể lắng nghe tiếng của Thiên Chúa.

3. Câu nói: “Không ai là một hòn đảo” có nghĩa gì?

Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ, có “âm-dương”. Do đó, đời sống con người là đời sống có tính cách hướng về tha nhân, về chung sống (co-existence), về “lứa-đôi” (sexual relationship).(51) Con người có thân xác, nên luôn tiếp xúc với người và vật chung quanh như ăn các thứ thực phẩm rau, cá, thịt… uống nước mưa, nuớc suối… Khí trời ta thở ra thì người khác hít vào… Nhưng trên hết, con người qui hướng về Thiên Chúa, lệ thuộc vào Chúa để hiện hữu, đồng thời cũng liện hệ, trách nhiệm mọi hành vi cử chỉ đối với tha nhân. Do đó, theo Kinh Thánh, các giới răn đều gồm tóm trong mệnh lệnh duy nhất: “Mến Chúa, Yêu Người”.(52) Đối với Chúa Cứu Thế, đời sống con người là “chung sống để phục vụ” (co-existence of service), đặc biệt giúp đỡ những người nghèo khó, đau khổ. Tình Bác Ái vô vị lợi đó, chẳng những đối với người thân thích, bằng hữu, nhưng còn đối với người thù nghịch nữa!(53)

4. Ý Nghĩa Câu: “Nhân Vô Thập Toàn”

Theo kinh nghiệm hằng ngày ta nhận thấy: tuy đời sống con người có giá trị, có phẩm tính cao quí, nhưng vì con người có ý chí tự do, và trách nhiệm, vì sự bất toàn, yếu đuối, nên con người có thể sa ngã và phạm rất nhiều Tội Ác.(54) Con người biết mình đã “li gián, li cách” (alienation) khỏi chính mình, vì không làm điều Tốt mà Lương Tâm bảo làm, nhưng đã làm điều Xấu mà Luật của Chúa cấm. Bởi vậy, con người đã li gián với Chúa và với tha nhân! Do đó, con người cảm thấy sự căng thẳng, xâu xé,và nỗi lo âu, xao xuyến về số phận, định mệnh dày vò tâm trí luôn mãi! Hơn nữa, theo Kinh Thánh, và theo kinh nghiệm bản thân, đời sống con người luôn bị đe dọa bởi nhiều bất trắc rủi ro, ngoài ý muốn, như bênh tật, già yếu, tai nạn, và chết. Sách GiảngViên (Ecclesiast), Sách ThánhVịnh (Psalms), và Phúc Âm luôn cảnh giác, nhắc nhở về đời sống quá vắn vỏi, và kiếp sống con người đầy lầm than, khổ sở.

Mặc dầu Tội Ác, và Đau Khổ tràn ngập thế giới này, nhưng con người sống trong hy vọng sẽ được Ơn Cứu Độ, vì Tin vào lòng Từ Bi của Chúa sẽ thể hiện nơi Đấng Cứu Thế. Nhờ Ân Huệ của Chúa ban, và sự quyết tâm cải tà qui chính, đời sống con người sẽ được hoàn toàn đổi mới, và hy vọng “Thân Xác được Phục Sinh,” để hưởng Hạnh Phúc Bất Diệt. (55)

B. Bản Tính Tự Nhiên Của Con Người

Để giải thích một cách sâu xa về Nhân Sinh, và NhânVị, như đã nhận định ở trên, Khoa Thần Học Công Giáo đã dùng hai ý niệm: Bản Tính Tự Nhiên (Nature), và Thiên Ân (Grace, còn dịch là : Thánh Sủng, Ân Sủng, Ân Huệ, Ân Điển, Sủng Ái, Hồng Ân, Nhân Từ, Từ Bi). Đây là hai ý niệm thuộc khoa Thần Học, khác với các ý niệm Triết lý, Vật lý, hay Xã hội học về bản tính của con người. Hai ý niệm này liên hệ đến nhau, dầu khác biệt. Ta sẽ lần lượt phân tách ý niệm về Bản Tính Tự Nhiên, sau đó sẽ đề cập đến ý niệm về Thiên Ân, và sau cùng, sự tương quan giữa hai ý niệm đó. Để tìm hiểu Bản tính Tự Nhiên là gì, các nhà thần học đặt ra hai câu hỏi: 1) Theo giả thiết, có thể có một bản tính thuần túy tự nhiên ( pure nature ) không? nghĩa là một bản tính tự nhiên của nhân loại mà không có Thiên Ân? 2) Nhưng theo lịch sử, và trong thực tế, bản tính tự nhiên của nhân loại “đã” lãnh nhận Thiên Ân rồi (graced nature).

1. Theo Giả Thiết, Có Thể Có Bản Tính Thuần Túy Tự Nhiên không?

Theo giả thiết, bản tính thuần tuý tự nhiên (pure nature) có cùng đích tự nhiên riêng của nó, nghĩa là nó không có Thiên Ân, không được Chúa ưu đãi đặc cách ban nhưng không, cũng không có việc Nhập Thể Cứu Độ của Đấng Cứu Thế. Tại sao đặt ra giả thiết này? Theo cách giải thích của một số nhà thần học, thì mỗi loài thụ tạo, thụ sinh đều có “cùng đích tự nhiên” (natural end) của nó: nếu hột lúa có điều kiện thuận lợi thì thành cây lúa, đâm bông, kết hột. Con người cũng là loài thụ sinh, tương đối, tuy “cao quí hơn vạn vật”, nhưng không có quyền đòi hỏi những quyền lợi siêu việt như được “Hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa” (Beatific Vision), được ơn làm “nghĩa tử” của Chúa, vì đó là những Ân Huệ vượt quá sức tự nhiên của loài tương đối. Cùng lắm, khi chết rồi, con người có thể sống trong cảnh “hoan lạc tự nhiên”, tựa như “Lâm bô” (Limbo), hay “Bồng Lai Tiên Cảnh” nào đó!

Nhưng trên đây chỉ là một giả dụ, nói theo lý thuyết mà thôi, vì trong thực tế, và theo lịch sử, đã không xẩy ra. Sở dĩ các nhà thần học đặt ra giả thiết này, vì chủ ý nhấn mạnh: Thiên Ân là Ân Sủng do Thiên Chúa hoàn toàn tự do, tự ý ban nhưng không (gratuitous), bản tính tự nhiên của nhân loại là loài tương đối, không có quyền đòi hỏi, (như sẽ bàn ở đoạn sau).

2. Theo Lịch Sử, có Bản Tính Thuần Tuý Tự Nhiên không?

Theo Lịch sử, và thực tế, bản tính thuần tuý tự nhiên (pure nature) đã không có thật, vì Thiên Ân đã thấm nhuần, đã xâm nhập, và đã biến đổi bản tính tự nhiên của nhân loại, nhờ Công Nghiệp của Đấng Cứu Thế, để nhân loại được Chúa ban Thánh Sủng là được kết nghĩa, hiệp thông với Thiên Chúa. Vì lý do đó, các Giáo Phụ như Irenaeus, Augustine dùng tiếng nhân loại được “Thần Hóa”. Sau đây, ta thử tìm cách định nghĩa Bản Tính Tự Nhiên của con người.

3. Bản Tính Tự Nhiên Hướng về Siêu Việt.

Theo Kinh Thánh, Cựu Ước, Sách Sáng Thế Ký 2:7, Thiên Chúa dựng nên “người” (đàn ông, đàn bà); “người”, chữ Do thái là “adam”’ và chữ đất sét là “adamah”. Xét theo nguyên tự này, Kinh Thánh coi mỗi cá nhân là một toàn thể duy nhất gồm vừa xác vừa hồn, tức một “thân xác có linh hồn” (an animated body). Kinh Thánh không chia con người ra hai phần biệt lập như triết lý Hy Lạp (linh hồn có trước, riêng biệt, rồi mới “đầu thai”, kết hợp với thân xác). Do đó, chữ Linh Hồn trong Kinh Thánh chỉ Nguyên Lý Tinh Thần, linh thiêng, cao quí nhất của toàn thể con người. Linh Hồn trực tiếp do Chúa tạo nên, không do “huyết nhục” của cha mẹ; Linh Hồn bất tử, nghĩa là không bị tiêu tan sau khi chết, nhưng sẽ được kết hợp lại với thân xác (“mới”), ngày toàn thể nhân loại phục sinh (ngày tận thế).(56)

Khi suy nghĩ về Địa vị con người trong vũ trụ, ta nhận thấy con người không phải chỉ là một trong vạn sự vạn vật khác, theo thuyết duy vật, duy tâm hay “vạn vật nhất thể”. Các loài khác như cầm thú, cỏ cây… kém xa con người, vì bản tính của chúng bị hạn chế vào hoàn cảnh nhất định: con cá nó sống vì nước! Chúng không có ý thức về chính mình, và chỉ biết, hay tìm một số đối tượng hạn định để sinh sống, lớn lên: chim biết làm tổ, sư tử cái săn mồi nuôi con. Nhưng theo Thần học Thiên Chúa Giáo, con người là một tạo vật rất đặc biệt được Thiên Chúa ưu đãi, vì con nguời “tự ý thức” vmình, nghĩa là vừa là chủ thể hiểu biết vừa là đối tuợng của các hành vi mình làm. Do đó, con người chiếm một Địa vị, một “chỗ đứng” riêng biệt như một Nhân Vị, tự do, làm chủ vận mệnh mình, và làm chủ vạn vật, do quyền năng Chúa ban cho. Con người là chủ thể, chẳng những biết bàn luận, thẩm định giá trị, và cân nhắc lựa chọn, mà còn thực hành những quyết định, để mở mang thế giới.

Để giải thích tính chất “Siêu Việt” của Bản Tính con người, nhà thần học công giáo Karl Rahner đã đề xướng thuyết “Nhân Loại Học Siêu Việt (transcendental Anthro-pology). Danh từ “Siêu Việt” có nghĩa là vượt lên trên cái hữu hình, cảm giác. Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, vì vượt lên trên hết vạn sự vạn vật, vì mọi loài mọi vật đều qui hướng về như Đỉnh Cao Tuyệt Đối. Do đó, khoa Nhân loại Học Siêu Việt chủ trương con người không phải chỉ là một mớ hỗn hợp những yếu tố sinh lý, tâm lý, nhưng là một chủ thể mà ý nghĩa, và ước vọng của đời sống vượt lên trên những thỏa mãn về nhu cầu thể xác, tâm lý, kinh tế, chính trị. Con người là Siêu Việt vì có khả năng vượt được chính mình, để vươn tới Thiên Chúa là Nguồn Mạch, là yếu tố cấu thành bản tính con người. Thiên Chúa là Tác giả, là Đấng Độ Trì, và là Định Mệnh của đời sống con người. Do đó, bàn luận về con người, thì đồng thời cũng suy nghĩ về Chúa. Học thuyết thần học này cũng đồng quan điểm với Thánh Tôma, nên cũng gọi là “Học Thuyết Tôma Siêu Việt” (Transcendental Thomism).

Theo suy luận thần học của học thuyết trên, thì Bản Tính Nhân Loại luôn “khai phóng”, nghĩa là “cởi mở” (open), qui hướng về Siêu Việt, Siêu Nhiên, vì Thiên Chúa đã phú ban cho bản tính nhân loại “Tiềm Năng Phục Tùng” (Potentia Obedientialis, obediential potency) để lãnh nhận Thiên Ân, nghĩa là được Ân Huệ tham dự vào sự Sống của Thiên Chúa, đã thực hiện nơi Đấng Cứu Thế. Gọi là “Tiềm năng”, vì con người không có quyền đòi hỏi Chúa thông truyền Thiên Ân, nhưng “Phục Tùng”, nghĩa là vâng theo ý Chúa muốn như vậy.

Theo sự suy luận ở trên, ta biết được Bản Tính Tự Nhiên của con người “đã” được Ân Sủng, như tiềm lực có sẵn để qui hướng về Chúa. Một câu hỏi: vậy sự qui hướng, sự tri thức về Chúa đó, là điều kiện “tiên nghiệm” (a priori) hay “hậu nghiệm” (a posteriori)? “Tiên nghiệm” là một sự hiểu biết tự nhiên phát sinh, trái lại, “Hậu nghiệm” là sự nhận thức sau khi đã học hỏi, điều tra như các kiến thức về Khoa học vật lý, hoá học… Sự nhận biết Chúa của con người là một tri thức “Tiên nghiệm”, vì con người không phải dò dẫm từng giai đoạn, điều tra, lý luận, minh chứng về Chúa. Nhưng ngay khi con người “tự-ý-thức” về mình, thì cũng nhận ra lập tức đã có Chúa hiện diện trong con người như Nguyên Lý, như Động Lực Siêu Việt giúp ta có thể vượt được chính mình để vươn lên tới Chúa. Thánh Tôma gọi sự tri thức đó là “Đồng chủng” (connaturality), vì tự nhiên, và lập tức nhận ra Chúa ngự trong mình, vì con người đã được “tắm gội” trong Ân Sủng Chúa trước rồi, tựa như câu nói: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Chẳng những ta nhận ra Chúa ngự trong ta, mà những lời giảng dạy trong Kinh Thánh, ta cũng nhận biết ngay, “hưởng ứng” liền, vì đó là tiếng Chúa mời gọi ta, đó là những chân lý do Chúa phán truyền. Sau đây, ta sẽ tìm hiểu về ý niệm “Thiên Ân”.

C. Thiên Ân

Quan niệm về Thiên Ân đã được Kinh Thánh, Cựu Ước, và Tân Ước bày tỏ đầy đủ các ý nghĩa. Ở đây, không chủ ý trình bày mọi khía cạnh, ý nghĩa của ý niệm Thiên Ân trong Sách Thánh, và các học thuyết thần học liên quan tới ý niệm này, vì quá phong phú, và quá bề bộn. Nhưng chỉ xin đề cập đến những nét đặc thù, chính yếu mà thôi. Chẳng hạn, Kinh Thánh bày tỏ ý niệm Thiên Ân như thế nào? Giáo huấn chính thức của Giáo Hội, và Thần học bàn luận về Thiên Ân làm sao?

1. Ý Niệm Thiên Ân Trong Kinh Thánh

Danh từ Việt ngữ thông dụng, Thiên Ân, Ân Sủng, Ân Huệ, hay Ơn Chúa, hay được Nghĩa cùng Chúa, Đẹp Lòng Chúa… được dịch ra từ Do thái “hen”, Hylạp “charis”, Latinh “gratia”, (grace). Xét chung, trong Cựu Ước các danh từ đó chỉ sự “được ân nghĩa trước mặt Chúa”, nên Chúa cho"đa tử, đa tôn, đa phú quí” (Sáng Thế 33:5;33:11). Trong Tân Ước, Thánh Phao lô hay dùng chữ “charis” (grace), đi đôi với chữ “Bình an” (Romans 1:7). Ân Sủng khiến ta trở nên người công chính, đẹp lòng Chúa (Romans 3:24). Ân Sủng là “quà tặng” (gift), không được đòi hỏi (Romans 4:4). Ân Sủng là Ơn Chúa ban để phù hộ, nâng đỡ, thêm nghị lực thiêng liêng như: Thánh Têphanô, vị Tử Đạo tiên khởi đã được đầy Ơn Chúa và sức mạnh (Công Vụ Tông Đồ 6:8). Chính Phúc Âm cũng được gọi là “Tin Mừng về Ân Sủng Chúa ban cho nhân loại” (Công Vụ Tông Đồ 20:24).

2. Ý Niệm về Thiên Ân Qua Các Thời Đại

Qua các thời đại, vì nhu cầu mục vụ, hoặc để chống lại các Lạc giáo, các lý thuyết sai lầm đối với ý niệm Ân Sủng, nên các Giáo Phụ như Irenaeus, Augustine, Thomas… đã khai triển giáo thuyết thành khoa thần thần học về Ân Sủng để phản đối các thuyết như Gnosticism (Tri Thức phái), chủ trương Ơn Chúa Cứu Độ không phổ cập cho hết mọi người, nhưng chỉ dành cho một số người có “tri thức” (gnosis) đặc biệt; hoặc chống lại thuyết Pelagianism (thế kỷ 5) cho rằng nhân loại có thể vươn tới sự cứu độ siêu việt mà không cần Ân Sủng Chúa ban; hoặc chống lại Protestantism (Thệ Phản) vì quá nhấn mạnh đến ưu thế của Ân Sủng đến nỗi làm mất sự tự do, sự hợp tác của nhân loại. Nói tóm lại, lý thuyết về Thiên Ân, Thánh Sủng luôn phát triển, nhưng tựu chung, theo truyền thống của Hội Thánh Công Giáo, được tóm tắt trong câu, trích từ “Hiến chế về Giáo Hội” của Công Đồng Vaticanô II (1964): (Thiên Ân) là “Thần Linh Thiên Chúa ngự trong Hội Thánh và trong Linh Hồn các tín hữu như đền thờ…” (số 4). Do đó, ta có thể định nghĩa Thiên Ân (Ơn Chúa, Ơn Trời) là: Sự hiện diện của Chúa nơi bản tính nhân loại, hay Chúa Thông Ban Ngài (Self-Communication) cho nhân loại, và các hậu quả, ơn ích của việc Thông Ban đó là thánh hóa, kiện toàn bản tính đó bằng cách nâng lên hàng “nghĩa tử”, và cho “hưởng Mặt Chúa”, hưởng Phúc Trường Sinh. Cần nhấn mạnh rằng: tất cả những Ân Huệ đó Chúa tự ý ban nhưng không, vì công nghiệp của Đấng Cứu Thế. Tự bản tính nhân loại thuộc bậc tự nhiên. tương đối không có quyền đòi hỏi các Ơn Siêu Nhiên đó.

D. Tương Quan Giữa Thiên An Và Bản Tính Tự Nhiên

Như đã trình bày ở trên, Thiên Ân là Hồng Ân do lòng Từ Bi vô biên Chúa tự ý ban cho nhân loại được thông phần sự Sống Thần Linh của Chúa, và do đó, được hưởng các hậu quả như trở nên “nghĩa tử”, được gọi Chúa là Cha (Abba) “Lạy Cha chúng con ở trên Trời…” Bởi vậy, Thiên Ân luôn luôn là Ân Huệ Chúa ban nhưng không, nhân loại không có quyền đòi buộc, vì theo lý thuyết, nhân loại vẫn tồn tại mà không có Thiên Ân, nhưng trong thực tế, lịch sử, nhân loại “đã” được Chúa tự ý ưu đãi ban cho bản tính tự nhiên của con người “Tiềm Năng Phục Tùng”, nghĩa là tâm hồn “cởi mở” để đón nhận Thiên Ân Chúa ban. Trước khi bàn đến mối tương quan giữa Thiên Ân và Bản Tính, cần phải loại bỏ mọi hình thức về “Nhị Nguyên luận”, cho rằng: có sự phân chia rõ rệt ở nơi một nhân vị thành hai ý hướng: một đàng, qui hướng về Chúa, đàng khác, hướng về việc hoàn thiện con người mà không cần tới Chúa. Cũng nên tránh sự lầm tưởng cho rằng Thiên Ân là cái gì phụ thêm vào Bản Tính. Thật ra, Nhân Sinh “đã” là cuộc sống thấm nhuần Ơn Thánh rồi: từ trong Bản tính, trong Căn nguyên, nhân loại đã qui hướng về Chúa. Sau đây, ta sẽ bàn về mối tương quan giữa Thiên Ân và Bản Tính, và sở dĩ nhân loại được Chúa tự ý ban Thiên Ân là vì công trạng của Vị Thiên Tử, tức Đấng Cứu Thế đã giáng sinh làm Người để cứu nhân độ thế.

1. Tương Quan Giữa Thiên Ân và Bản Tính Tự Nhiên

Câu vấn nạn được đặt ra: Thiên Ân có thật sự biến đổi Bản Tính Tự Nhiên không? Nếu có, con người còn duy trì được sự tự do lựa chọn không? Làm thế nào con người có thể lãnh nhận một cách tự do sự Thông Truyền của Chúa cho ta?

Theo lịch sử Thần học Thiên Chúa Giáo, đã có ba lập trường khác biệt về vấn đề tương quan giữa Thiên Ân và Tự do của con người. Vào đầu thế kỷ 5, một tu sĩ tên Pelagius, và các đồ đệ lập ra thuyết Pelagianism, phái cực tả, cho rằng con người do Chúa tạo dựng, nhưng tự bản tính tự nhiên, có thể tự do đạt tới sự cứu độ siêu việt mà không cần Thiên Ân. Ngoài ra, thuyết này cũng phủ nhận “Tội Nguyên Tổ”, và quên mất những hậu quả của Nguyên Tội như tình tư dục, sự đau khổ và sự chết. Phái cực hữu, do Luther và các đồ đệ khởi xướng vào năm 1529 (Second Imperial Diet of Speyer), gọi là Protes-tantism (do chữ Protestation, Phản đối). Riêng về vấn đề tương quan, giáo phái này chủ trương chỉ cần Thiên Ân mà thôi (sola gratia), nghĩa là sự tự do cộng tác của bản tính con người không đáng kể. Con người vừa được ân nghĩa với Chúa (được công chính hóa) vừa là tội nhân (Simul justus et peccator), nghĩa là bản tính con người vẫn còn là tội lỗi, dầu đã chịu phép Thánh Tẩy, cũng không được cải hóa từ trong nội tâm.

Lập trường chính thức của Giáo Hội Công giáo đã phi bác hai chủ trương cực đoan trên, trong văn kiện của Công Đồng Orange (529), và Trent (1547). Sau đây, sẽ trình bày lập trường chiết trung, ôn hòa của thần học công giáo, đặc biệt theo sự giải thích của “Học Thuyết Tôma Siêu Việt”.

a. Thiên Ân và Bản Tính Tự Nhiên Liên Hệ với nhau:

Thiên Ân và Bản Tính hưởng ứng với nhau, nghĩa là nếu Thiên Ân được Chúa tự ý ban xuống, thì Bản Tính cũng “đã” được Chúa ban “Tiềm Năng Phục Tùng”, để có thể lãnh nhận được Thiên Ân ấy. “Tiềm năng Phục Tùng” đó cũng được gọi là “TồnTại SiêuViệt” (supernatural existential), vì nó luôn cải biến từ nội tâm, từ bản thể con người để có thể qui hướng về Thiên Chúa của Thiên Ân và Vinh quang. Các nhà thần học còn phân biệt một cách tỉ mỉ: “Tiềm Năng Phục Tùng”, hay “Tồn Tại Siêu Việt” nơi con người, mới chỉ là sự” mời gọi” của Chúa cung cấp (offer) để con người có khả năng lãnh nhận Thiên Ân, nhưng chưa phải là chính Thiên Ân đã được cảm nghiệm! Bởi vì, dầu hết mọi người đều được Chúa ban nhưng không Tiềm Năng đó, nhưng con người có thể tự do hoặc chấp nhận, hoặc từ chối. Trong nhân loại, thật sự, đã có nhiều người đã lãnh nhận Ơn Chúa ban! Đó cũng là ý nghĩa của câu nói: Thiên Ân giả thiết có Bản Tính của Nhân Loại (Grace supposes the nature of the human person): Thiên Ân được ban ra vì giả thiết rằng Bản Tính con người có tiềm năng tiếp nhận được. Nhưng nếu Thiên Ân giả thiết có Bản Tính, thì ngược lại, cũng có thể nói: Bản tính giả dụ có Thiên Ân (nature suppose grace), vì theo truyền thống Thần học Công giáo, từ Thánh Augustine, Thánh Tôma cho đến ngày nay, nơi thâm tâm con người đã có ước vọng tự nhiên qui hướng về Chúa,vì không một loài thụ sinh nào có thể làm cho con người được mãn nguyện! Chỉ khi nào con người gặp được Chúa, thì tâm hồn mới được thỏa chí và bình an, hết âu lo xao xuyến.(57)

Tội là gì? Tội có phá huỷ Thiên Ân đã ban cho Bản Tính nhân loại không? Tội không có thực thể, nhưng phát sinh do việc sử dụng sai lầm sự tự do để chống lại mối tương quan giữa Thiên Ân và Bản Tính, nghĩa là từ chối lời mời gọi của Chúa. Do đó, tội làm cho Bản Tính ra hư hỏng, nhưng không tiêu diệt được Thiên Ân. Nơi nguời tội lỗi, từ trong căn bản, vẫn còn “tiềm năng” của Thiên Ân, để có thể trở lại cùng Chúa, và xin Ơn tha thứ. Lời kêu gọi sám hối sẽ vô ý nghĩa, nếu tự nơi bản thể tội nhân không có khả năng đáp ứng lại, hoặc lãnh nhận Hồng Ân vô lượng vô biên tha thứ của Chúa.

Nói tóm lại, theo cuốn “Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo”, số 33, viết: “Nhân Vị của con người: Cởi mở tìm kiếm Chân, Mỹ và sự Thiện Hảo về luân lý, Tự do theo tiếng Lương Tâm, ước vọng Hạnh Phúc, và Vô Biên; vì thế con người tự thắc mắc, tự vấn về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Do đó, con người nhận ra được những dấu chỉ về Linh Hồn thiêng liêng của mình. “Linh Hồn là ‘hột nhân’ (mầm mống) về sự Vĩnh Cửu tiềm tàng ở trong người, không thể giản lược vào một vật thuần vật chất mà thôi” (Gaudium et Spes, 18,1), nhưng Linh Hồn chỉ có thể có nguồn gốc nơi Thiên Chúa”. Trình bày như trên, ta nhận thấy, quan điểm Thần Học của Công Giáo khác với phái Pelagianism, vì chủ trương Bản Tính con người cần có Thiên Ân mới được cứu độ; nhưng cũng khác với phái Thệ Phản, vì cho rằng: tội nhân vẫn có Thiên Ân để giúp cải tà qui chính: con người không “hoàn toàn hư hỏng”; vả lại, muốn được cứu độ, con người cũng cần tự do hợp tác và đáp lại lời mời gọi của Chúa nữa! Do đó, lập trường trung hòa là: vừa cần Thiên Ân, vừa cần sự tự do cộng tác của con người.

b. Bản Tính Qui Hướng về Chúa Cứu Thế

Tại sao nhân loại được Chúa ban nhưng không Thiên Ân? Theo giả thiết, nhân loại là loài thụ sinh, tương đối, hữu hạn, không có quyền đòi hỏi, nhưng xét theo lịch sử, thật tế, thì nhân loại đã được Chúa ban Thiên Ân, vì Tình Thương vô biên, vô điều kiện, nhất là vì Hồng Ân của Đấng Cứu Thế, tức Đấng Thiên Sai, Thiên Tử giáng trần để cứu nhân độ thế. Do đó, theo các nhà thần học công giáo, thì Lịch sử của vũ trụ, của nhân loại cũng là lịch sử cứu độ, vì tất cả mọi sự hiện hữu đều do Đấng Cứu Thế mà có. Không có Đấng Cứu Thế, thì không có vũ trụ, không có lịch sử, không có nhân loại, nhân sinh. Không có Đấng Cứu Thế làm Trung Gian, thì cũng không có sự Giao Ước, Giao Hảo giữa Thiên Chúa và nhân loại. Do đó, tất cả vũ trụ đều qui hướng về Chúa Cứu Thế (Christocentric); mọi Thiên Ân đều đuợc ban ra qua “viễn tượng” Đấng Cứu Thế, và nhờ Đấng Cứu Thế nâng đỡ, phù trì, mặc khải, giảng dạy, thì nhân loại mới thật sự nhận biết Chúa một cách chắc chắn và rõ ràng hơn là tự mình dò dẫm, tìm tòi lấy. Chính nơi Chúa Cứu Thế Nhập Thể đã hợp nhất lại Thiên Ân và Bản Tính Tự Nhiên, vì đã loại bỏ mọi hình thức “Nhị Nguyên”, phân cách đứt đoạn giữa Thiên Ân và Bản Tính.(58)

Theo Thần Học Thiên Chúa Giáo, đặc biệt Công Giáo, thì Lịch sử của Thế giới cũng là Lịch sử của Cứu Độ, tất cả vũ trụ này, tinh thần, vật chất đều tiến về một cứu cánh là xây dựng “Vương Quốc Thiên Chúa”, nghĩa là một triều đại của Tình Thương, Công Bằng, Tự Do, Tôn Trọng Nhân Quyền… Do đó, sự tự do của Bản Tính con người cần được Thiên Ân cải hóa, cải thiện luôn. Mặt khác, Thiên Ân luôn hoạt động để siêu việt hóa Bản Tính Tự Nhiên của con người. Một đàng, Thiên Ân nâng đỡ phù trì; đàng khác, Bản Tính Tự Do của con người đáp ứng, cả hai cùng thăng tiến về việc xây dựng “Nước Chúa”. Do đó, các tín hữu có bổn phận chiến đấu cho công bằng, tự do, hoà bình, và nhân quyền để làm đẹp vũ trụ này, trên trái đất này. (59)

E. Tội Ac, Tình Tư Dục Và Bản Tính Tự Nhiên

Như đã trình bày ở trên, tuy Bản Tính nhân loại có Tiềm Năng hướng về Siêu Việt để lãnh nhận Thiên Ân, nhưng con người vẫn được tự do để từ chối Thiên Ân, nghĩa là phá vỡ mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Nhân Loại, tức giữa Thiên Ân và Bản Tính. Sau đây, sẽ giải thích, theo quan điểm thần học: Tội là gì? Thế nào là “Tội Nguyên Tổ” (Original Sin)? Và Tình Tư Dục (concupiscence) là gì? Tội Nguyên Tổ và Đấng Cứu Thế ra đời để “Chuộc tội”, liên hệ làm sao?

1. Tội Ác là gì?

Theo quan niệm của thần học luân lý công giáo, sự Ác ở đây không phải là những thiên tai như bão lụt, động đất, bịnh tật, già nua, và chết. Nhưng sự Ác phải hiểu là Tội Lỗi phát xuất tự ý chí tự do của con người quyết tâm làm điều Ác, trái với Lương Tâm. Khi đã phân biệt điều Thiện phải làm, điều Ác phải bỏ, nếu ta tự do, tự ý lựa chọn điều Ác để làm, thì ta phạm Tội. Ngoài ra, ý nghĩa chữ Tội Ác chống lại Lương Tâm, cũng khác nghĩa với chữ “tội ác” (crime) đối với pháp luật (đời, quốc gia). Theo nghĩa luân lý, cho được thành tội, thì cần hai điều kiện: một là, Lương Tâm hiểu biết điều đó là điều Ác, không được làm; hai là, ý chí tự do quyết định chọn làm điều Ác. Có thể định nghĩa: Tội Ác là khi con người tự ý, tự do chống lại Chúa và các giới răn của Chúa, đồng thời cũng phản nghịch lại Lương Tâm của mình. Tội Ác biểu lộ sự giằng co, xâu xé trong thâm tâm con người: một đàng, hướng thượng, phục thiện, nhưng đàng khác, lại bị lôi cuốn để làm điều Ác. Vì thế, Thánh Phao lô viết: “Tôi không làm điều Tốt mà tôi muốn làm, nhưng điều Xấu mà tôi không muốn làm, thì tôi lại làm” (Romans 7:19,20).

2. Tội Nguyên Tổ là gì?

Tình trạng căng thẳng, đối chọi giữa sự lựa chọn Thiện hoặc Ác, phục tùng Chúa hay chống lại Mệnh Lệnh Chúa, đã được diễn tả một cách bóng bảy qua câu truyện Sa Ngã của hai vị Nguyên Tổ loài người là Ông Adong, Bà Evà (coi Sách Sáng Thế Ký, Genesis 2:8-3:24; 4-11; 6:12). Theo cốt truyện trong Kinh Thánh, từ đầu Chúa dựng nên con người theo “hình ảnh Chúa”, nghĩa là con người đuợc Ân Sủng của sự Thánh Thiện Nguyên Thuỷ (grace of original holiness), và rất nhiều Ân Huệ khác nữa. Do đó, đúng lý ra, con người luôn phải biết cảm tạ Chúa, lệ thuộc Chúa như một loài thụ sinh hữu hạn, tương đối, hoàn toàn nhờ Chúa mà có sự sống, lại phải biết dùng lý trí, tự do để tuân phục Mệnh Lệnh, Giới Răn Chúa truyền dạy. Nhưng vì con người có tự do, nên có thể làm điều Tốt hay điều Xấu được. Và thật sự, Ông Bà Nguyên Tổ đã lạm dụng sự tự do, và đã quyết định chống lại Giới Cấm của Chúa. Ông Bà Nguyên Tổ đã bị Ma Quỉ cám dỗ để phản nghịch lại Chúa, coi trọng cá nhân mình hơn Chúa. Bởi vậy, chính Ông Bà Nguyên Tổ, và cả dòng dõi loài người đều liên lụy, gánh chịu những ác quả sau đây:

3. Những Ác Quả do Tội Nguyên Tổ

Vì tự ý chống lại Chúa, nên ác quả đầu tiên là lập tức mất Ân Nghĩa, Tình Nghĩa với Chúa, nghĩa là mất Ân Sủng của sự Thánh Thiện Nguyên Thuỷ. Theo Thần Học Công Giáo, Bản Tính Tự Nhiên của con người không hoàn toàn hư hỏng, nhưng Bản tính đó đã bị thương tích, bị suy nhược trầm trọng. Trong vũ trụ này, không còn được hòa hợp, êm đềm nữa! Linh Hồn không còn điều khiển Xác Thịt tuân theo những giá trị tinh thần, luân lý. Giữa nam và nữ có sự bất bình, tranh chấp. Ngay cả thiên nhiên, đất đai, cỏ cây, súc vật.. cũng trở thành thù nghịch, cằn cỗi đối với con người. Đời sống con người trên trái đất là cuộc chém giết, bạo động, chiến tranh liên miên. Do kinh nghiệm bản thân và qua truyền thông báo chí, ta chứng kiến mỗi ngày, không kể những thiên tai, những tội ác khủng khiếp xẩy ra chung quanh như phá thai, bắn giết…, vì tội ác đã tràn ngập khắp nơi, đặc biệt tại các nước được coi là văn minh tiến bộ về vật chất. Và ác quả lớn lao nhất mà mọi ngưòi đều phải gánh chịu, là “bản án tử hình”, cái Chết đang chờ đợi, rình rập từng giây, từng phút, để kết liễu cuộc đời đau khổ!

Gọi là “Tội Nguyên Tổ” cũng gọi là “Tội Tổ Tông Truyền”, vì mọi người đều thuộc dòng dõi của Ông Bà Nguyên Tổ, vì đều thuộc một cộng đồng nhân loại với nhau. Do đó, tuy rằng ta không “phạm tội” (committed), nhưng vì tội của Nguyên Tổ đã làm hư hỏng, trụy lạc tất cả Bản Tính Nhân Loại, lại vì ta sinh ra trong tình cảnh thất sủng đó, nên tội của Nguyên Tổ đã truyền lại cho ta phải hứng chịu sự mất mát Ân Sủng của sự Thánh Thiện Nguyên Thủy. Ta không “phạm” (làm), nhưng “nhiễm phải” (contracted) cái tội đó, vì ơ trong trạng huống đó (situational).

4. Tình Tư Dục (Concupiscentia) là gì?

Ngoài những ác quả kể trên, các nhà thần học, triết học, luân lý đạo đức còn bàn luận về một sự giằng co, xâu xé, hỗn loạn, bất ổn trong đời sống tinh thần con người. Theo Thần Học Công Giáo, Tội Nguyên Tổ không biến đổi Bản Tính Nhân Loại ra hoàn toàn hư hỏng, trụy lạc, khác với chủ trương của phái Thệ Phản cho Tội Nguyên Tổ đã huỷ hoại, từ trong căn bản, Bản Tính và Tự Do của con người. Cũng theo các nhà Thần Học Công Giáo như Thánh Augustine, và Thánh Tôma, thì ác quả của Tội Nguyên Tổ là khiến con người thích “hướng chiều” về Tội Ác, nghĩa là dễ làm điều Ác hơn là làm điều Thiện. Cái khuynh hướng về điều Ác đó, gọi là “Concupiscentia”, dịch là “Tình Tư Dục”. Tình Tư Dục làm cho Bản Tính Nguyên Tuyền của Nhân Loại bị suy nhược, thương tích, vì “nhiễm” phải Tội Nguyên Tổ, nhưng không được đồng hóa Tình Tư Dục với Tội Nguyên Tổ là một.

Tình Tư Dục tự nó chưa phải là điều Ác theo nghĩa luân lý, vì chưa có quyết định của ý chí tự do, nhưng nó là một mâu thuẫn, giằng co giữa Thiện và Ác, trong nội tâm con người. Do đó, Tình Tư Dục không thuộc về “Bản Tính của thời Nguyên Tuyền Thánh Thiện (original Holiness), mà thuộc “Bản Tính đã Sa Ngã”. Trong đời sống kinh nghiệm hàng ngày, mỗi nguời đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của Tội Nguyên Tổ, vì Tình Tư Dục đã làm suy yếu Bản Tính hướng Thiện của thời Nguyên Sơ. Do đó, việc chiến đấu chống lại khuynh huớng xấu của Tình Tư Dục, là cuộc chiến liên miên, trường kỳ, cũng như công cuộc chống lại Tội Ác, các bất công xã hội, chiến tranh, những ác quả của Tội Nguyên Tổ, là công việc lâu dài, không bao giờ chấm dứt! Sau khi chịu phép Thánh Tẩy, nhờ Hồng Ân của Chúa Cứu Thế, thì Tội Nguyên Tổ được rửa sạch để con người kết nghĩa lại với Chúa, nhưng ác quả của Tội Nguyên Tổ như sự Chết và Tình Tư Dục vẫn còn tồn tại.(60)

5. Phúc Quả của Tội Nguyên Tổ

Theo Giáo Huấn và Truyền Thống của Hội Thánh Công Giáo, chân lý về Tội Nguyên Tổ không khiến ta tuyệt vọng, và cuộc sống đầy tràn tội ác là một điều phi lý (Absurdity) như chủ trương của thuyết Hiện Sinh vô thần. Trái lại, nhân loại có nhiều lý do để phấn khởi, hân hoan và hy vọng. Tại sao Thánh Augustine gọi Tội Nguyên Tổ là “Tội sinh Phúc” (happy fault, Felix culpa)? Vì nhờ Tội Nguyên Tổ mà Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương vô cùng đã sai Đấng Cứu Thế nhập thể để cứu nhân độ thế. Chính Ngài làm Giá Chuộc Tội cho nhân loại. Thiên Ân là gì? Thiên Ân là chính Tình Thương vô biên của Chúa tự Truyền Thông cho nhân loại vậy.

Như trên đã trình bày, sở dĩ Thiên Chúa khấng ban Thiên Ân cho Bản Tính nhân loại, chỉ vì công nghiệp, vì hướng về Đấng Cứu Thế mà thôi! Thánh Phao lô đã diễn giảng điều đó, khi đối chiếu, so sánh “Adong cũ” và “Adong mới”. Đấng Cứu Thế là “Adong mới” “đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá”, nên đã đền bù tội bất phục tùng của “Adong cũ” (1 Cor15:21,23). Ngoài ra, nhiều Thánh Giáo Phụ chú giải về cuộc chiến giữa nguời Phụ Nữ và con rắn, và cuộc toàn thắng của miêu duệ Bà, để ám chỉ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, là “Evà mới”, vì Bà là người duy nhất và trước nhất được hưởng Thiên Ân Cứu Độ của Đấng Cứu Thế, nghĩa là không mắc Tội Tổ Tông, “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, và khỏi mọi tội cá nhân trong suốt cuộc đời.

Toát Lược Mấy Đặc Điểm

1. Theo lịch sử và thật tế, nhân loại theo Bản Tính Tự Nhiên không có quyền đòi hỏi, nhưng vì Tình Thương vô hạn của Thiên Chúa, qua Ngôi Lời Nhập Thể, tức Đấng Cứu Thế, nên Thiên Chúa đã Tự Ý Truyền Thông Bản Tính Thần Linh, tức Thiên Ân cho con người. Do đó, quan niệm về Nhân Sinh của Thiên Chúa Giáo luôn đặt con người vào “viễn tượng” qui hướng về Chúa (Theocentric) và về Đấng Cứu Thế (Christocentric).

2. Cũng theo lịch sử và thật tế, Bản Tính Tự Nhiên của con người đã dược Chúa ban cho “Tiềm Năng Phục Tùng” để có thể lãnh nhận Thiên Ân. Nhưng vì con người có tự do, nên vẫn có thể chấp nhận hay từ chối Thiên Ân.

3. Theo Kinh Thánh, Tội Nguyên Tổ có thật, và tất cả dòng dõi nhân loại đều liên luy, đều mắc tội ấy (Trừ một mình Đức Trinh Nữ Maria). Nhưng tội đó không hoàn toàn hủy hoại “mầm mống” Thiên Ân đã có nơi Bản Tính con nguời để giúp con người lãnh nhận Ơn tha tội, và trở lại cùng Chúa.

4. Khi chịu phép Thánh Tẩy thì Tội Nguyên Tổ được rửa sạch, nhưng các hậu quả của tội vẫn còn tồn tại như sự Chết và Tình Tư Dục. Do đó, mỗi người phải chiến đấu với tội ác nơi chính bản thân, và trên thế giới này, luôn mãi cho đến tận thế.

5. Thần Học Công Giáo chủ trương: muốn được cứu độ, Bản Tính Tự Nhiên của nhân loại cần Thiên Ân của Chúa tự ý ban nhưng không, nhưng cũng cần sự hợp tác tự do của con người. Đó là lập truờng dung hòa, chống lại thuyết cực tả Pelagianism, cho rằng Bản Tính Tự Nhiên của con người tự nó có thể tiến tới Cứu Độ, mà không cần Thiên Ân, cũng chống lại phái Protestantism cho rằng Bản Tính con người đã bị huỷ hoại hoàn toàn, và tự do đã mất. Do đó, muốn được cứu độ, con người phải hoàn toàn nhờ Thiên Ân mà thôi.

Đàm Đạo, Chia Sẻ, Trao Đổi

Sau đây ta thử tìm xem trong công cuộc khám phá về bí mật của con người, triết lý Á Đông và thần học Thiên Chúa Giáo có những điểm tương đồng, gặp gỡ, thông cảm với nhau, đồng thời cũng nhận định những khác biệt về quan điểm, hoặc về phương pháp nghiên cứu để bổ túc cho nhau.

1. “Thần Trung Tâm” (Theocentric) là gì?

Về vấn đề Bản Tính Nhân Loại, Thiên Chúa Giáo luôn đặt nền tảng và qui hướng con người về Thiên Chúa, và qua Đấng Cứu Thế, Vị “Thiên Tử” giáng trần. Nếu nhân loại được nâng lên địa vị cao quí hơn mọi loài, vì nhân loại được Chúa “thần thánh hóa” để trở nên “nghĩa tử” của Thiên Chúa. Do đó, hết mọi người đều bình đẳng với nhau vì mọi người, không phân biệt tôn giáo, mầu da, chủng tộc, địa vị xã hội, đều là “con cái” của Chúa:” Lạy Cha chúng con ở trên Trời…” Nhân Loại được nâng cao phẩm giá, vì Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng con người giống “hình ảnh Ngài”, nghĩa là phú bẩm cho Thiên Ân, cho tham dự vào Bản Tính Thần Linh, cho Lương Tâm biết phân biệt Tốt/ Xấu, cho trí khôn thông hiểu, và óc sáng tạo. Thiên Chúa là Chủ Tể, mọi nguời phải qui phục, lệ thuộc Chúa mới tồn tại được. Thiên Chúa ban bố các giới răn và khắc ghi các lề luật luân lý tự nhiên vào Lương Tâm con người, cũng như đã công bố trong Kinh Thánh. Sau hết, Thiên Chúa là Vị Thẩm Phán Tối Cao, sẽ phán xét đời sống con người về Công/Tội để thưởng hay phạt. Do đó, các thần học gia công giáo gọi khuynh hướng nghiên cứu đó là “Thần trung tâm” (Theocentric), nghĩa là lấy Chúa làm tâm điểm mà con người phải qui tụ, và lệ thuộc. Cũng gọi là “Chúa Cứu Thế làm Trung tâm” (Christocentric), vì nhờ có Ngôi Lời Nhập Thể, và Cứu Độ, thì cả con người và vũ trụ mới được Thiên Chúa ban Thiên Ân.

Phương Pháp nghiên cứu của Á Đông thì đặt trọng tâm và đi thẳng đến “con người” làm đối tượng để quan sát và suy luận. Theo các Đạo học gia như Mạnh Tử, Chu Hi, và Vương Dương Minh, thì Lương Tri (Lương Năng, Lương Tâm) được coi như một ân huệ đi liền với sự sống. Khi sinh ra, tự nhiên ta được bẩm thụ một Lương Tâm nguyên tuyền trong trắng biết phân biệt Thiện/Ác. Ta có thể gọi đó là luật luân lý tự nhiên vì mỗi nguời bẩm sinh đều có. Do đó, các triết gia không trực tiếp nhắc đến Vị Thượng Đế, hoặc là qui hướng mọi sự về Vị Chủ Tể vũ trụ càn khôn. Ngoài ra, Đạo lý Á Đông không nhấn mạnh đến vai trò “Thẩm Phán Tối Cao” của Đấng Tạo Hóa, có quyền xét xử Lương Tâm con người, để thưởng hoặc phạt. Các Đạo học gia chỉ suy tư về ý nghĩa, và về bản tính của Lương Tâm con người, rồi đề nghị những phương thức tu dưỡng giúp phát huy nhân phẩm đến bậc thiện toàn như hiền nhân quân tử.

2. Đạo Lý Á Đông có Chủ Trương Một Nhân Bản Vô Thần Không?

Trên thế giới ngày nay, đã hình thành nhiều hình thức nhân bản vô thần, bắt nguồn từ phong trào chống Giáo Hội, vào thế kỉ 18, mệnh danh là “Khai Minh Thời Đại” (Enlightenment). Nhân Bản vô thần (Atheist Humanism) chia hai hướng chính: một là, Nhân bản tự do, nghĩa là đặt tự do cá nhân lên trên hết, bất chấp lề luật luân lý tự nhiên, coi thường giới răn Chúa, và không công nhận có Chân lý khách quan tuyệt đối. Mỗi cá nhân làm chủ chính mình. Nhân bản tự do vô thần này chủ trương “tục hóa” xã hội, phá bỏ truyền thống tín ngưỡng cổ truyền. Chủ nghĩa này bành trướng mạnh tại các nước xưa kia chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo. Vì lấy tự do cá nhân làm nền tảng, và tiêu chuẩn cho các hành vi luân lý, chủ thuyết này chống lại luân lý cổ truyền, và chống lại thẩm quyền của các Giáo Hội trong lãnh vực liên quan đến luân lý, như vấn đề phá thai. Trào lưu thứ hai thuộc thuyết nhân bản vật chất vô thần, nghĩa là tìm giải thích bản tính, nguồn gốc của con người do vật chất “tự biến hóa”, mà ra, hoặc con người là sản phẩm của xã hội, kinh tế, tạo thành. Chủ thuyết nhân bản vô thần này, chẳng những chối bỏ sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, dựng nên con người và vũ trụ, mà còn chiến đấu để tiêu diệt mọi tôn giáo, mọi lề luật luân lý tự nhiên, cổ truyền, và đàn áp mọi ý thức hướng về Siêu Việt nơi con nguời.

Sau khi nhận diện được trào lưu “nhân bản vô thần” là thế nào, thì ta có thể quả quyết rằng: quan niệm của các nhà Đạo học, Phật Học về Nhân Sinh, Nhân Tính, không phải là một “nhân bản vô thần”. Tuy không nhấn mạnh, hoặc qui hướng trực tiếp về Vị Thượng Đế làm Tâm Điểm của vũ trụ như Nhân Bản Thiên Chúa Giáo, nhưng không phải các nhà Đạo học chối bỏ Nguyên Lý Tối Cao (Thái Cực) của vũ trụ, hoặc thiếu Ý Thức Siêu Việt (Transcendent )nơi con người. Bởi vậy, nếu có sự dị biệt giữa Thiên Chúa Giáo và các Đạo Lý, đó là phương pháp nghiên cứu khác nhau. Theo phương pháp của các Đạo gia, khởi đầu đi thẳng đến con người để tìm hiểu yếu tính, tài năng, đức tính, sau đó mới “thăng hóa” con người vươn lên cõi Siêu Việt, Siêu Thoát. Trong đoạn sau đây, ta sẽ thấy, ngày nay, Thần Học Thiên Chúa Giáo cũng ngả theo phương pháp nghiên cứu này.

3. Đường Hướng Tìm Hiểu “Con Người” theo Thần Học Thiên Chúa Giáo, ngày nay, như thế nào?

Khoa Thần Học cổ điển của Thiên Chúa Giáo thường đặt Thiên Chúa, Kinh Thánh, và những tín điều đã mặc khải làm làm đối tượng và khởi điểm để suy luận. Các sách giáo khoa thần học như bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) của Thánh Tôma, thời Trung cổ, các sách Giáo lý phổ thông như “Catechismus catholicus” của Hồng Y Gasparri, 1833… cho đến ngày nay, đều bố cục theo thứ tự như: Khởi đầu là bàn về Bản Tính, và các Phẩm tính của Thiên Chúa như câu hỏi: “Đức Chúa Trời là Đấng nào? Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?… Kế tiếp là đoạn bàn về việc “Ngôi Hai xuống thế làm người”, để cứu chuộc nhân loại; sau đó, mới bàn đến việc tạo dựng con người, Tội Tổ Tông Truyền, các Giới Răn (Luân Lý) và các phép Bí Tích; sau cùng là “tứ chung”, nghĩa là bốn sự sau hết: chết, phán xét, thiên đàng hay luyện ngục, và hỏa ngục.

Ngày nay, nhất là sau Công Đồng Vatican II, Thần Học Thiên Chúa Giáo, như thần học gia công giáo Karl Rahner, thần học gia thệ phản SM. Olden, Paul Tillich, Dietrich Bonhoffer… có chiều hướng chú trọng trước tiên vào Bản Tính, và các kinh nghiệm cá nhân của con người.(61)

Ngày 11, tháng mười năm 1992, Đức Gioan Phaolô II, đã công bố Tông Hiến “Fidei depositum” về việc trước tác và xuất bản cuốn “Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo”. Từ sau Công Đồng Trent (1545-1563) đến nay, nghĩa là hơn 400 năm, mới có cuốn Giáo Lý đầy đủ và thích ứng với thời đại. Xét chung trong cách bố cục, ta thấy trong phần Mở Đầu (Prologue), và phần một “Tuyên Xưng Đức Tin” (The Creed), nhan đề của Chương Một là “Tiềm Năng của con người hướng về Chúa” (Man’s Capacity For God), rồi Chương Hai: “Chúa Đến Gặp Gỡ con người” (God Comes to Meet Man)… Cách thức bố cục như trên, ngày nay gọi là “xu hướng thần học về nhân loại” (anthropologically theological Orientation). Theo khuynh hướng này, Bản Tính hay Lương Tâm con người chính là “nơi chốn” (locus) của sự hiểu biết, kinh nghiệm,và gặp gỡ với Chúa. Con người phải tìm hiểu mình trước đã, nghĩa là suy tư về đời sống hiện hữu, cách thế ở đời, và những khát vọng thầm kín của tâm hồn. Không phải từ chối hoặc lãng quên Chúa, hay đặt con người lên trên Chúa, theo thuyết duy tâm, duy vật coi Chúa chỉ là sản phẩm do trí khôn bày vẽ ra, nhưng nhấn mạnh đến sự kiện đặc biệt này: sự Hiện Diện của Chúa, của Thiên Ân “đã” ở trong ta, trước tiên, phải do mỗi người cảm nghiệm được. Vì không phải Chúa chỉ Mặc Khải trong thiên nhiên vũ trụ, hay trong lịch sử cứu độ, nhưng cũng được tìm thấy nơi tận đáy tâm tư mỗi người. Do đó, hiểu được Bản Tính và ước vọng sâu xa của con người, cũng là hiểu biết Chúa. Nhân Đạo và Thiên Đạo không rời khỏi nhau, nhưng luôn tác động hỗ tương cho nhau. Người tín hữu, không phải chỉ thuộc về trần gian này mà thôi, nhưng cũng phải hướng về Chúa. Niềm tin vào Chúa thôi thúc, bắt buộc người tín hữu phải lăn xả vào đời để hoạt động cứu nhân độ thế. Bởi vậy, tìm hiểu Bản Tính con người để vươn lên Đấng Siêu Việt. Vì thế, niềm tin vào Chúa không còn là chuyện mơ hồ, huyền hoặc, nhưng liên hệ mật thiết gắn liền với vận mệnh của con người. Do đó, Thần Học Thiên Chúa Giáo ngày nay nhấn mạnh đến yếu tố nhân bản (Humanum) được coi như tiêu chuẩn nền tảng để phán đoán về giá trị của các tôn giáo. Tôn giáo nào là tốt, là thật, chính là Đạo đề cao phẩm giá nhân loại một cách hoàn hảo, toàn vẹn, nghĩa là một Nhân Bản đầy đủ, hoàn toàn phải bao hàm mọi khía cạnh của con người vừa trần thế vừa siêu việt.(62)

4. Nguồn Gốc của Tội Ác, bởi đâu mà có?

Như trên đã trình bày, theo Thần Học Thiên Chúa Giáo, tuy Bản Tính nhân loại có tiềm năng hướng về Siêu Việt để lãnh nhận Thiên Ân, nhưng con người vẫn có tự do để từ chối Thiên Ân, nghĩa là phá vỡ mối liện hệ với Thiên Chúa. Do đó, Tội chính là chống lại Chúa, “bất phục tùng” Chúa, không tuân giữ các giới răn, mệnh lệnh Chúa dạy. Đồng thời, Tội cũng khiến con người phản lại chính Lương Tâm mình. Tội biểu lộ sự căng thẳng, chiến đấu trong nội tâm: một bên, phục thiện, hướng thượng, nhưng bên kia, lại bị lôi cuốn để làm điều Ác.(63)

Các đạo học gia đã giải thích về ý niệm, và nguồn gốc của Tội Ác, một cách khác. Đạo học gia Chu hi gán cho yếu tố “Khí”, tức “vật tặng thể chất” (physical endowment) là căn cớ sinh ra tội ác, nhưng “Lý”, tức Bản Tính thì luôn là thiện, là tốt. Do đó, người bẩm thụ “Khí” trong lành thì trở thành Thánh Nhân, nghĩa là “Tính” (Lý) của họ ví như viên “Trân Châu” nằm trong nước trong; còn kẻ bẩm thụ “Khí” dơ bẩn thì hóa ra bần tiện, ngu dốt, vì “Tính” (Lý) của họ như viên “Ngọc” dìm trong nước đục!(64)

Theo Trình Di và Chu hi, câu “Nhân chi sơ Tính bản thiện” của Mạnh Tử chưa đầy đủ ý nghĩa, vì chỉ nói đến “Tính” là Tốt, tức là mới nói đến phần “Lý”, luôn luôn Tốt mà thôi! Nhưng Chu hi còn thêm ý niệm về “Khí Chất” nữa! Do đó, khi “Lý” nhập thể vào “Khí”, thì tạo nên con người cụ thể, hiện sinh, nghĩa là con người hiện đang sống bây giờ, có “tính thể chất” (physical nature). Con người “hiện sinh”, có thật này, tuy luôn hướng về “Lý Tưởng” (Siêu Việt), nhưng vẫn ở dưới Lý Tưởng, vì con người đó đã được trộn lẫn với vật chất rồi! Phải công nhận rằng: khi phân biệt Bản Tính và Hiện Hữu, Lý Tưởng và Thực Tại, các Đạo học gia đã tiến một bước khá dài trong vấn đề tìm cách giải thích về Tội Ác nơi nhân loại. Tuy nhiên, ý niệm về “Khí” cũng cần biện minh rõ ràng hơn. Lại nữa, các Đạo học gia còn chủ trương: mỗi người bẩm thụ “vật tặng thể chất”, tức các “Khí” khác nhau, người thì hấp thụ được Khí trong lành, kẻ khác mắc phải Khí xấu, nhưng không giải thích tại sao lại có sự phân phối bất đồng đều như vậy? Và nguồn gốc của “Khí”, là cái sinh ra Tội ác, Xấu xa, bởi đâu mà có?

5. Quan niệm về Tội Ác của Phật Giáo như thế nào?

Trong Chương Bốn, bàn về “CỨU ĐỘ”, sẽ diễn giảng rõ ràng hơn lý thuyết về nguồn gốc sự Đau khổ, Tội Ác của Phật Giáo. Có thể nói tư tưởng cốt yếu về vấn đề này đã rút ra từ những giáo thuyết của “Tứ Diệu Đế” và “Thập Nhị Nhân Duyên”. Theo Phật Thích Ca, có bốn chân lý nền tảng giải thích sự Khổ: Khổ Đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo Đế. Hai chân lý đầu, nhận định về sự hiện hữu, và nguồn gốc của đau khổ, tội ác ở trên đời này, còn hai chân lý sau đề nghị con đường giải thoát. Do đó, Tập Đế tức là chân lý nói về nguồn gốc đau khổ, tội ác bởi đâu mà có. Theo các nhà Phật Học, thì lòng ham muốn, dục vọng, hay tình tư dục (tanha), chính là cội rễ sinh ra đau khổ, tội ác. Trong mười hai nhân duyên ràng buộc nhau để gây “nghiệp báo” cho nhau, và cuối cùng sinh ra Lão, Tử, thủ phạm chính cũng là lòng tự ái, ham muốn chiếm hữu mọi sự mọi vật cho bản thân ích kỉ của mình (nhân duyên: Ái, Thủ, Hữu).(65)

Theo Thần học Thiên Chúa Giáo, như đã giảng nghĩa ở trên, thì Tội Ác là do con người dùng ý chí tự do chống lại Mệnh Lệnh và Giới Răn của Chúa, đồng thời cũng chống lại Lương Tâm của mình. Tội Ác biểu lộ sự căng thẳng, xâu xé trong thâm tâm con người giữa sự phục thiện, vâng lời Chúa dạy, và sự hướng chiều về làm điều xấu, trái Lương Tâm. Sự sa ngã theo điều Ác sinh ra đau khổ. Nhưng nguyên nhân sâu xa tạo nên tình trạng mâu thuẫn và hướng về điều xấu do đâu mà có? Theo Thiên Chúa Giáo, khuynh hướng xấu, tình tư dục, các thứ dục vọng, và các sự đau khổ như sinh, bịnh, lão, tử… đều là hậu quả, chứ không phải nguyên nhân. Nguồn gốc chính của đau khổ, tội ác, dục vọng là do “Tội Nguyên Tổ” đã làm hư hỏng Bản Tính Nguyên Tuyền của nhân loại. Khi chịu phép Thánh Tẩy, nghĩa là tin vào Đấng Cứu Thế chuộc tội cho nhân loại, thì Tội Nguyên Tổ được hết, nhưng hậu quả như tình tư dục, sự chết… vẫn còn tồn tại. Vì thế, công việc chống lại tội ác nơi bản thân, và trên đời này, không bao giờ chấm dứt, nhưng phải cố gắng chiến đấu cho đến ngày tận thế! Bao lâu con người còn sống ở trên đời này, thì không thể “Diệt Dục” được, nghĩa là tẩy sạch hoàn toàn tình tư dục gây nên sự căng thẳng, mâu thuẫn giữa phục thiện và chiều theo điều xấu. Vả lại, Tình tư dục và sự chết không phải là những gì trái ngược với Bản Tính Tự Nhiên của con người, vì trong lịch sử nhân loại, từ nguyên thuỷ vẫn có tình tư dục và sự chết. Tình tư dục gắn liền với Bản Tính con người khi sinh ra đời. Tình tư dục tự nó chưa phải là điều xấu, theo nghĩa luân lý, vì chưa có sự quyết định của ý chí tự do. Chỉ thành “Tội”, khi nào biết là điều xấu mà cứ nhất quyết chiều theo. Do đó, “Diệt Dục”, chỉ giúp giảm bớt lòng tham, sân, si, giảm bớt sự căng thẳng, sự lôi cuốn, cám dỗ làm điều tội, chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn dục vọng nơi con người được!

6. Thiên Chúa Giáo và các Đạo Giáo Gần Nhau ở những Điểm nào?

Nhận xét chung, ta thấy quan niệm về Nhân Sinh, Nhân Tính của Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo đều mang tính chất lạc quan. Tuy khởi đầu có vẻ bi quan như Thiên Chúa Giáo mặc khải cho thấy sự thật về “Tội Nguyên Tổ”, làm hư hỏng Bản Tính nhân loại, nhưng lại hy vọng vào Thiên Ân phù trợ để được Đấng Cứu Thế cứu độ. Phật giáo, bắt đầu nhận định về Khổ Đế, Tập Đế, tức những sự đau khổ đầy tràn thế giới này, nhưng lại dẫn chúng sinh đến con đường Giác Ngộ, Giải Thoát, tức là ý nghĩa của Diệt Đế và Đạo Đế. Các Đạo gia hy vọng dùng văn hóa, giáo dục, tu dưỡng tính tình, có thể cải hóa kẻ tiểu nhân thành các bậc hiền nhân quân tử. Sau đây, ta thử nêu lên một vài điểm tương đồng như ý niệm về “Luật Luân Lý Tự Nhiên”, hoặc về “mầm mống”, “cội rễ” của sự hướng Thiện, tức Thiện Căn nơi con người.

a. Luật Luân Lý Tự Nhiên và Lương Năng Lương Tâm

Theo các đạo học gia, đặc biệt là Vương Dương Minh, Trí Lương Tri là khả năng thiên phú, tiềm ẩn trong Bản Tính con người, nền tảng của Luân Lý, vì biết phân biệt điều Tốt phải làm, điều Xấu phải tránh. Ý niệm trên rất gần với tư tưởng về Luật Luân Lý Tự Nhiên theo Lương Tâm của Thần Học Thiên Chúa Giáo, vì Luật đó đã được khắc ghi vào Tâm Hồn, vào Bản Tính của nhân loại. Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa cũng đã công bố và ghi tạc Mười Giới Răn trên Bia Đá. Do đó, ta thấy nơi dân tộc Á Đông, tình hiếu thảo, yêu mến cha mẹ đã được nâng lên hàng tôn giáo, tức Đạo Hiếu, tương đương với Giới Răn Thứ Bốn dạy phải thảo kính cha mẹ.

b. “Thiện-Căn”, “Tiềm Năng Phục Tùng”, “Chân Ngã” là gì?

Khi Mạnh Tử viết: “Nhân chi sơ, Tính bản Thiện”, là Ông có ý nhấn mạnh đến Bản Tính Tự Nhiên tốt lành của con người, vì khi sinh ra, Trời đã phú bẩm cho có Thiện-Căn. Nhưng khi Tuân Tử nói: con người là Tính Ác, thì chẳng qua Ông muốn nhấn mạnh về việc tu dưỡng, giáo dục, giáo hóa, để giúp con người trở nên hoàn hảo. Thực ra cả hai Ông không có ý bàn về Hữu Thể Học (Ontology) hay Thần Học (Theology) về con người, nhưng chỉ chú trọng về văn hóa, giáo dục nhiều hơn. Đến Đổng Trọng Thư thì lập trường giáo dục càng thêm rõ rệt. Ông phân biệt một cách tài tình, tinh vi: Thiện-Căn và chính sự Thiện Toàn là hai cái khác nhau. Do đó, Ông không đồng ý với Mạnh Tử nhận luôn tự Bản Tính con người đã Tốt rồi, nhưng nơi con người, mới chỉ có Thiện-Căn, tức “mầm mống” sẽ sinh ra Thiện mà thôi, chứ “chưa” có Thiện thật, như hột lúa bởi cây lúa sinh ra, nhưng cây lúa và bông lúa, hột lúa là hai trạng thái khác nhau. Muốn cho cây lúa lớn lên, đâm chồi nẩy hột, còn cần công phu vun trồng, phân bón. Bởi vậy, Bản Tính nhân Loại “chưa” thật sự Tốt, còn cần văn hóa, giáo dục, tồn tâm dưỡng tính, thì con người mới trở thành Thiện Hảo thật. Vào thời Trung Cổ, nhà thần học trứ danh của Giáo Hội Công Giáo cũng chủ trương, nơi Bản Tính Tự Nhiên con người có “Tiềm Năng Phục Tùng” (Potentia Obedientialis), nghĩa là có Thiên Ân như lời “mời gọi” Chúa tự ý mời để con người có thể tự do đáp lại hay từ chối. Nếu con người tuân phục lãnh nhận Thiên Ân, thì Chúa sẽ “Thần Hóa” con người để trở nên nghĩa tử của Chúa, và được hạnh phúc trường cửu. Ngày nay, Học Thuyết Tôma Siêu Việt đang thịnh hành trong giới thần học, và ảnh hưởng đến giáo thuyết của Công Đồng Vatican II.

Nói tóm lại, khi phân biệt hai khía cạnh của Bản Tính Nhân Loại như: Lý và Khí, nghĩa là bản thể nguyên tuyền trong sáng và cuộc sống hiện hữu, thực tế đầu thai trong xác phàm vừa tốt, vừa xấu, hoặc Vô Ngã (Giả Ngã) và Chân Ngã, nghĩa là trong bản thể con người, có phần giả dối, mê lầm, nhưng cũng có phần Trí Huệ, trong sáng, chân thật, các Đạo học gia, và các nhà Phật học đã tiến lại gần với Thần Học Thiên Chúa Giáo, vì cũng phân biệt giữa Thiên Ân và Tự do, Bản Tính và Hiện Hữu, Tiềm Năng và Thực Tế, nghĩa là mặc dầu con người không xứng đáng, nhưng Chúa đã tự ý ban Tình Thương, Thiên Ân cho con người; trong cuộc sống hiện tại, vì có tự do, con người vẫn có thể chấp nhận hay từ chối lời mời gọi của Chúa. Bởi vậy, con người không thể sống hoàn toàn biệt lập khỏi Thiên Chúa được, vì Thiên Ân “đã” tiềm ẩn trong Bản Tính con người và luôn cải hóa nó. Nhưng Thiên Ân chỉ thực sự hoạt động một cách hiệu quả khi có sự cộng tác tự do của con người. Có thể tạm kết luận: các tôn giáo trên đã có phần lạc quan tin tưởng vào Bản Tính nhân loại, dầu tội lỗi, khuyết điểm, Bản Tính đó không hoàn toàn hư hỏng, nhưng hy vọng với Ơn Trên giúp đỡ, và sự tự do cộng tác của con người, mọi người sẽ được Cứu Độ, như sẽ bàn ở Chương sau.

Chương Bốn

Cứu Độ

Cứu Độ là Nguyện Vọng, là Niềm Hy Vọng lớn lao sâu xa nhất của nhân loại. Hình như có cái gì bất ổn, trục trặc, lo âu, dày vò tâm trí con người. Sánh với vũ trụ bao la, con người chỉ là hạt cát nhỏ bé; tuy là cây sậy yếu ớt, nhưng lại là “cây sậy biết suy nghĩ”. Suy nghĩ về nguồn gốc, dĩ vãng, về thế giới hiện tại đang sinh sống, và về tương lai vô định. Thế giới này, nhân loại đây, cho dầu xinh tươi tốt đẹp, nhưng vẫn còn đầy khuyết điểm, bất toàn cần sửa đổi, sửa chữa. Nhất là tội ác vẫn còn tràn lan, hoành hành dữ dội. Do đó, muốn sống an vui, con người cảm thấy cần phải được cứu thoát khỏi cảnh lầm than, khổ cực này. Vì khó có thể cứu lấy mình, nên con người đã chạy đến tìm nương ẩn nơi các tôn giáo, để được hướng dẫn trên con đường giải thoát, cứu độ. Trong ĐOẠN I, ta đặt câu hỏi: Tại sao cần cứu độ ? Và các tôn giáo đã đưa ra những giải pháp cứu độ như thế nào ?

ĐOẠN I . Tại Sao Cần Cứu Độ?

Mọi người chúng ta cần được cứu độ, vì sống thiếu hạnh phước về tinh thần và thể xác. Các vị được mệnh danh là “Cứu nhân Độ thế”, các vị Tiên tri, các nhà đạo đức mô tả tình trạng hẩm hiu, bất hạnh của kiếp người như sau: Con người ngụp lặn trong Đau khổ. Có bệnh mới cần chữa trị. Do đó, Đau Khổ và Cứu Độ đi đôi với nhau. Căn bịnh tinh thần sinh ra đau khổ, chính là: Tội lỗi! Cho nên muốn được giải thoát khỏi đau khổ thì phải Tỉnh ngộ. Với một niềm Tin mãnh liệt, ta hy vọng sẽ có thể biến đổi cuộc đời và kiếp người thành tốt đẹp hơn.

A. Đời Là Bể Khổ

Đau Khổ là sự thật khách quan do thiên nhiên tạo ra, hoặc do chính con người gây ra. Bệnh tật, già nua, chết,… bão lụt, cuồng phong, động đất, cháy, v.v. là những thiên tai, khó có thể chế ngự, hay tránh được. Nhưng vẫn không nhiều và ghê gớm cho bằng những tai nạn và đau khổ do con người làm cho chính mình và cho tha nhân như: chiến tranh, loạn lạc, tù đầy, vi phạm nhân quyền, ly dị, phá thai, bóc lột, trộm cướp, chết đói, v.v. Đôi khi ta đã nông cạn và bất công qui tội cho “ÔngTrời”, cho số kiếp đã gây ra những đau khổ trên. Cuộc chết đói rùng rợn do hạn hán một phần nhỏ, nhưng do nội loạn, cướp bóc của băng đảng một phần lớn. Chiến tranh, thánh chiến giữa các giáo phái, phá thai, li dị v.v phần lớn do tính ích kỉ kiêu ngạo của con người gây ra. Ngay cả đau khổ do thiên tai cũng có thể xoa dịu, giảm bớt đi một phần nào, nhờ lòng bác ái trợ giúp, an ủi của những vị hảo tâm, khắp thế giới.

Đau Khổ đi liền với Cứu Độ. Trong cảnh nô lệ, tù đày, dân chúng mong mỏi một vị cứu tinh xuất hiện để giải phóng quốc gia, dành lại nền độc lập tự do. Hàng ngàn hàng vạn người lớn trẻ em, “xương bọc da”, ruồi bâu đầy mặt mũi, nằm co quặp chờ chết đói, chết khát…, khát vọng mong đợi lòng thương xót của nhân loại ra tay cấp cứu.

Kinh nghiệm về Đau Khổ, nhất là những đau khổ tinh thần, không làm ta bi quan, thất vọng. Trái lại, nó khiến ta phải nhìn nhận sự thật phũ phàng về sự bất toàn của thế giới này, và về sự hư hỏng, đồi bại của kiếp làm người cần được sửa chữa, cứu nguy. Muốn bớt khổ, ta phải hoàn thiện bản thân và thay đổi nếp sống. Chính Đau Khổ kêu gào giải phóng nhân lọai khỏi kiếp lầm than. Đau Khổ tạo niềm Tin: vì tin tưởng mãnh liệt rằng: “Sau cơn mưa, trời lại nắng”. Kinh nghiệm Đau Khổ không làm ta nhụt nhuệ khí, nhưng thôi thúc ta, nếu muốn sinh tồn, thì phải vươn lên. Ta không tự cứu được, thì nhờ người khác giúp. Nếu là công việc vượt quá khả năng nhân loại, ta cần cầu xin Ơn Trên phù hộ. Bởi đó, ý nghĩa chân thật của Đau Khổ không làm con người nản lòng, chìm đắm, nhưng giúp ta vươn tới niềm Tin Siêu Việt. (66)

B. Ý Thức về Tội Lỗi

Có biết Khổ, mới cần Cứu Khổ. Có biết bịnh, mới cần chữa trị. Thường Đau Khổ là ác quả, ác nghiệp bởi tội lỗi sinh ra. Cho nên, muốn đem lại an vui, hạnh phúc thì phải giải thoát con người khỏi vòng nô lệ, xiềng xích của tội lỗi. Thiếu ý thức về tội ác thì không thể cứu độ được. Ngày nay một số người, nhất là giới trẻ, đã mất ý thức về tội lỗi, không còn biết phân biệt điều phải điều trái, cho nên tội ác tràn lan gây đau khổ, tang tóc khắp nơi.

Có tội ác mới cần cứu độ. Tội Ác là một thực tại hiện hữu trong con người và ở chung quanh ta. Ta phải chứng kiến mỗi ngày, từng giây từng phút trong đời sống. Chỉ cần theo dõi tin tức trên báo chí, trên đài truyền thanh, truyền hình, cũng đủ thấy biết bao thảm cảnh do tội ác gây ra. Tin vui thì ít, nhưng “tin buồn” như li dị, phá thai, chửa hoang, du đãng, nghiện hút, đánh nhau, thù hận, kì thị… thì “rất dồi dào”! Tội ác là một huyền nhiệm khó hiểu, khó giải thích. Các tôn giáo, các triết lý đã đưa ra nhiều cách thức cắt nghĩa về bản tính hư hỏng của nhân loại như: Tội nguyên tổ (Thiên Chúa giáo), Mê lầm, Dục vọng (Phật giáo ), v.v. Trong mỗi người chúng ta như có sự giằng co, căng thẳng liên miên giữa tốt và xấu, thiện và ác. Ta làm điều thiện thì thấy khó khăn cần cố gắng, nhưng thích hướng chiều làm điều ác hơn. Kinh nghiệm cho thấy: “ăn vụng”, cảm thấy “khoái khẩu” hơn! (miễn là không bị bắt quả tang). Nhiều khi ta biết đó là điều xấu, vì lương tâm ngăn cản, ta không làm, nhưng rồi ta lại cứ làm; khi khác, ta biết việc đó là tốt, ta muốn làm, nhưng sau đó ta không làm nữa!

Nói đến tội ác là phải đề cập vấn đề cá nhân Tự Do quyết định và hiểu biết như khi biết là điều xấu, nhưng cứ làm. Tội ác còn được phân loại: tội nhẹ và tội nặng, tội riêng cá nhân phạm và tội của tập thể đồng phạm như tội của cả gia đình, tội của cả nước, tội chung của cả nhân loại. Vì tội ác là một thực tại gắn liền với bản tính nhân loại, nên các tôn giáo cứu độ đều giảng dạy về Hỏa ngục, Âm phủ, nơi giam cầm các tội nhân cùng với Quỉ Vương Satan, chuyên Lừa đảo và Cám dỗ nhân loại vào con đường tội lỗi diệt vong. Các tôn giáo cứu độ cũng đặt ra lễ nghi Sám hối, Đền tội để giúp cá nhân hay tập thể hối hận về những lỗi lầm đã phạm và đền bù những thiệt hại đã gây ra; cũng lập ra nghi thức Xưng tội và Tha tội để tội nhân khiêm nhượng và thành tâm nhìn nhận lỗi lầm của mình và xin ơn Tha thứ. Một vài phong trào đạo đức, đôi khi vì quá bi quan về bản tính đồi trụy hư đốn của nhân loại, nên đã phác họa những bức tranh ghê gớm rùng rợn về tội lỗi và hình phạt khiến ta phải sợ mà đừng phạm tội nữa. Nhưng thiết nghĩ đối với sự yếu đuối, dễ sa ngã của con người, ta nên tỏ thái độ thương xót, khoan dung, tha thứ và cứu vớt hơn là chê ghét, kết án, hất hủi. Nên tránh hai thái độ cực đoan: một là, lương tâm bối rối, sợ tội quá đáng, khiến tâm thần bấn loạn, tuyệt vọng; hai là, mất ý thức về tội, sống hoàn toàn buông thả theo dục vọng, thú tính. Bởi vậy, muốn được cứu độ, giải phóng khỏi xiềng xích của tội ác, ta phải có lương tâm ngay lành, biết phân biệt điều phải, điều trái và cố gắng làm điều thiện, tránh điều ác. (67)

C. Tỉnh Ngộ, Hối Cải, Canh Tân

Không nhận lỗi hoặc biết có tội nhưng ngoan cố không chịu sửa đổi, thì không thể có tha thứ, cứu độ được. Đấng Tạo Hóa không cần “hỏi ý kiến” khi dựng nên ta. Nhưng nếu muốn cứu độ ta thì cần sự tự do đáp ứng của ta. Do đó, hối cải là điều kiện cần thiết để lĩnh ơn Cứu Độ. Đây là giai đoạn gây cấn nhất trong đời sống, đòi buộc ta phải “lột xác”, từ bỏ con “người cũ” hư hỏng để trở thành con người mới. Theo gương các nhà đạo đức, các vị thánh nhân, ta như phải “chết” cho “cái Tôi” ích kỉ, cho cái “Giả Ngã” đắm chìm trong dục vọng, để như sống lại với con người đổi mới hoàn toàn, với cái “Chân Ngã” tinh tuyền. Trong phương pháp tu đức, nhờ chuyên chú vào việc suy niệm, tĩnh tọa, tĩnh tâm… ta có thể tiến tới trạng thái xúc cảm mãnh liệt có sức mạnh thiêng liêng hoán cải hoàn toàn (Metanoia ) tâm hồn, giúp ta nhìn thấy rõ Chân Lý của cuộc đời .

Con người đã được đổi mới, dã được giác ngộ, từ nay sống đời sống mới. Tuy bề ngoài, cách sinh hoạt vẫn giống như mọi người khác, nhưng ý nghĩa đối với cuộc đời, hoàn toàn khác xưa. Tình tư dục lăng loàn, cái tôi tham lam ích kỉ đã bị tiêu diệt, nhường chỗ cho mối thiện tâm tự do phát triển. Từ nay, con người đã được tỉnh ngộ, hoàn toàn sống cho lý tưởng mới. Do đó, nếu không thật sự đổi mới, thì không thể lĩnh ơn Cứu Độ được. Nếu hột lúa gieo xuống đất không mục nát đi thì nó không thể sống lại, nẩy nở thành cây lúa mới, trổ thêm nhiều hột lúa mới. Đời sống con người cũng vậy, cần phải “chết” đi cho dĩ vãng đen tối, để “sống lại”, hiên ngang, tự do trong đời sống mới, đạo đức, thánh thiện.

D. Niềm Tin Siêu Thoát

Kinh nghiệm “Đời là bể khổ”, và “bản thể hư hỏng” của con người, không phải là quan niệm bi quan, chán đời, tuyệt vọng. Trái lại, vì đau khổ nên con người mới vùng lên để được giải thoát khỏi kiếp lầm than. Tự thâm tâm, con người ý thức được số phận của mình, nên tin tưởng mãnh liệt rằng sự Cứu Độ có thể thực hiện được. Bởi vì, mọi sự vật trên vũ trụ này, cuối cùng, đều có một chủ đích và được nâng đỡ để lĩnh ơn Cứu Độ. Có Khổ mới cần cứu giúp cho hết khổ. Đau Khổ chỉ là phương tiện, Cứu Độ mới thực sự là cùng đích của cuộc đời. Con người phải vượt trên mọi phương tiện, trên Đau Khổ để tiến tới Giải Thoát, Cứu Độ Con người đau khổ, tự đáy tâm hồn, luôn ước vọng siêu thoát vào nơi cực lạc như Toà Sen, Niết bàn, Thiên đàng… Con người luôn vượt “cái Tôi” hạn hẹp nhỏ bé, để siêu thoát và đặt niềm tin vào một Quyền Lực Siêu Việt ra tay phù giúp, cứu độ. Bởi đó, chính sự Đau Khổ và lòng ước vọng giải thoát đã tạo nên niềm tin vào một Đấng Siêu Việt, cứu nhân độ thế, thi ân giáng phúc. Lòng mong đợi một Đấng Cứu Thế, một Vương Quốc Thái Bình thịnh trị, một miền Tây Cực Lạc, một Thiên Đàng Vĩnh Phúc, vẫn là những giấc mơ, những ước vọng lớn lao của nhân loại xưa nay.(68)

ĐOẠN II . Cứu Độ Trong Phật Giáo

Phật Thích Ca đã căn cứ vào kinh nghiệm hiện hữu để tìm ra con đường Cứu nhân Độ thế. Ngài vốn là con vua Tịnh Phạn thuộc dòng họ Thích ca (Sakya), nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), miền trung Ấn Độ. Ngài sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, cưới vợ đẹp, chung quanh toàn là những bậc quý tộc giầu sang. Nhưng một hôm, ra ngoài hoàng thành dạo chơi miền thôn dã, Ngài đã phải kinh ngạc vì nhìn thấy tận mắt những cảnh tượng rùng rợn phơi bầy ra khắp lề đường: nào người chết, già nua, bệnh tật, kẻ hành khất đói khát. Thực tại phũ phàng đó khiến Ngài rất cảm động, buồn sầu, và suy tư. Mặc dầu bị vua cha ngăn cản, Ngài quyết từ bỏ cảnh giầu sang giả dối nơi cung điện để tìm con đường cứu giúp người đau khổ. Lang thang khắp mọi nơi, tìm kiếm các vị tu khổ hạnh để thụ giáo, nhưng Ngài vẫn chưa tìm ra ánh sáng Chân lý! Một hôm đến bờ sông Ni Liên Thuyền (Nackayaur), được nàng mục nữ đem sữa dâng cúng. Ngài dùng xong, thấy thân thể khỏe mạnh, xuống sông tắm, rồi lên ngồi dưới gốc cây đại thụ Bồ đề (Bodhi) để nhập định. Một đêm, bỗng hốt nhiên tỉnh ngộ, thành Phật (Buddha). Do đó, chữ “Phật” không phải là “tên riêng”của một người, nhưng là danh từ chung chỉ người được giác ngộ. Bất cứ ai cũng có thể “thành Phật” được, nếu được giác ngộ! Vì thế, danh từ Phật có nghĩa là Tỉnh Ngộ. Sau khi hoàn toàn giác ngộ, thành Phật, thành Đạo, đắc Đạo nghĩa là đã tìm ra cái chân tướng của cuộc đời, Ngài đi chu du khắp miền sông Hằng (Gange) để thuyết pháp.(69)

Cái Chân lý sâu thẳm Ngài tìm thấy khi tỉnh ngộ, thành Phật, chính là: đời là Khổ. Đó là một kinh nghiệm thực tại không thể chối cãi được! Nhưng không chịu bó tay! Chính vì đời là Khổ, nên phải ra tay Cứu khổ, Diệt khổ, và phải cố gắng tìm ra nguyên nhân phát sinh ra Khổ. Hy vọng sẽ được giải thoát khỏi Khổ, nếu theo con đường tu luyện dẫn đến Niết bàn.

Trong Đoạn II này, ta sẽ đề cập đến giáo lý căn bản nhất của Phật Thích Ca về Cứu Độ là: “Tứ Diệu Đế”, tức là bốn Chân lý nền tảng của Phật Giáo. Trong mỗi đoạn, ta sẽ giải thích từng Chân lý như: Khổ Đế là gì? Tập Đế đã dùng những lý thuyết về Nghiệp Báo, Luân Hồi, Thập Nhị Nhân Duyên, để giải nghĩa như thế nào? Diệt Đế hay Niết Bàn là gì? Sau cùng, Đạo Đế, tức Bát Chính Đạo là con đường dẫn tới Giải Thoát.

Chữ “Đế” có nghĩa là Chân lý. “Tứ Diệu Đế” là bốn chân lý huyền diệu mà Phật Thích Ca cảm nghiệm được khi tỉnh ngộ. Đây là những chân lý nền tảng, là tinh hoa và đặc điểm của Phật giáo. Tứ Diệu Đế là một lý luận đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, và thực tế về một chương trình tu luyện trung dung, để giúp giải phóng con người thoát khỏi cảnh lầm than đau khổ, nhất là chữa bệnh tinh thần cho nhân loại. Kế hoạch Cứu độ này gọi là “Trung Đạo”, vì tránh hai thái cực: một là thái độ ăn chơi phóng đãng trụy lạc của người đời, hai là đời sống tu trì quá khắc khổ, hành hạ thân xác của giới đạo sĩ thời bấy giơ. (70)

A. Khổ Đế

Có thể nói: Khổ là cái gì hiển nhiên, quá thông thường nên hầu như người ta chẳng thèm để ý tới nữa. Nhưng nếu suy nghĩ một chút, ta sẽ thấy con người đau khổ về nhiều phương diện. Như Phật Thích Ca nhận định: sinh, bệnh, lão, tử là Khổ. Có những đau khổ do thiên tai gây nên như bão, lụt, hỏa hoạn, v.v., nhưng phần lớn những đau khổ là do chính con người gây ra như: chiến tranh, trộm cướp, giết người, v.v., những đau đớn về vật chất, thể xác như: đói khát, bịnh tật, v.v. Nhưng sự đau khổ về tinh thần mới thật lớn lao như: cái ta ưa thích thì không được, điều ta ghét bỏ thì phải hứng chịu. Ta đau khổ trong tâm hồn, vì cuộc đời bấp bênh, trôi nổi, lúc tan lúc hợp, biến chuyển không ngừng, không có gì là bền vững trên thế giới này như văn chương Việt nam có câu:

“Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương!” (Cung oán)

Nói tóm lại, Khổ mà Phật Thích Ca nói đây là cái Khổ tâm lý, là những xúc động, cảm động tâm lý khiến tạo những tình cảm như yêu thích, ghét bỏ, lo lắng, ưu phiền, sợ hãi. Phật không thể “giải thoát” ta khỏi: sinh, bịnh, lão, tử, theo nghĩa vật chất, thể lý được vì chính Phật cũng phải chịu những cảnh đó. Nhưng Phật chỉ đề ra những phương thế giúp ta thoát khỏi những phiền não, ưu tư trong tâm lý mà thôi. Nhân loại đau khổ do tình cảm Yêu/Ghét gây ra nhiều hơn là đau đớn về bịnh tật, chiến tranh, đói khát. Thương yêu một người mà không lấy được người ấy, ghét cay ghét đắng mà phải chung sống suốt đời! Thật là khổ sở! Đời người “già” đi là chuyện thường tình. Nhưng sao lại quá lo lắng để “dấu tuổi”? Thân xác béo tốt phương phi, nhưng tâm hồn thì khô héo, lo âu vì tội lỗi! Giầu, nghèo, ai cũng mang những nỗi khổ riêng trong tâm hồn. Vì cái Khổ tâm lý do tình cảm Yêu/ Ghét gây ra đã gắn liền với bản tính nhân loại, cho nên ta phải kết luận rằng: loài người đau khổ vì bản tính đã ra hư hỏng, cần có thuốc chữa trị!(71)

B. Tập Đế

Muốn chữa bịnh cho thân thể, y sĩ cần tìm ra nguyên nhân đã gây ra căn bịnh như các con vi trùng, vi khuẩn, v.v. Chữa bịnh về tâm lý, tâm thần cũng vậy. Phật Thích Ca cho rằng những sự Khổ não trong tâm hồn con người đều do một căn nguyên mà phát sinh ra, đó là Dục Vọng, tức là lòng ham muốn của nhân loại. Ba thứ ham muốn làm ta phải đau khổ: một là, ham muốn về giác quan, nhục dục như ăn uống và tính dục (sex). Hai là, ham sống. Chữ “sống” ở đây không có nghĩa đời sống thường, nhưng là đời sống tình cảm, là những cảm xúc do tình cảm yêu, ghét tạo ra trong tâm hồn, làm ta mất sự bình an. Ba là, ham muốn tích trữ của cải giầu sang. Phật Thích Ca đã dùng những quan niệm như: Karma (Nghiệp), Samsara (Luân hồi), luật Nhân-Quả, Thập Nhị Nhân Duyên, để giải nghĩa thêm quan niệm: Dục Tình, Dục Vọng hay lòng Ham Muốn là nguyên nhân sinh ra Khổ.

1. Nghiệp (Karma)

Ta nên biết rằng những lý thuyết như Karma, Samsara, luật Nhân-Quả là những quan niệm đã có lâu đời trong tư tưởng triết lý và tôn giáo của Ấn Độ, trước khi Phật ra đời. Do dó, Phật không sáng tác, nhưng đã mượn những lý thuyết của người đương thời để biện minh cho học thuyết của mình.

Theo triết lý Ấn Độ, Karma, dịch là Nghiệp, có nghĩa gì? Karma ít nhất có ba ý nghĩa thông dụng:

a. Karma, Nghiệp là gì?

Theo nguyên tự, KARMA, nghĩa là một hành động, hành vi thông thường như: ăn, ngủ, đi lại, v.v. Nhưng trong tôn giáo luân lý, chữ Karma chỉ một hành vi có giá trị luân lý tốt hay xấu. Ví dụ: hành vi xấu thuộc ngũ giới như: Sát sinh, đạo tặc, tà dâm, vọng ngữ, tửu, đều có Karma. Những hành động tốt như làm phúc bố thí gây nên thiện nghiệp. Không chỉ hành vi sinh ra Nghiệp, mà cả ý nghĩ (ý nghiệp), và lời nói (ngữ nghiệp) cũng tạo ra Karma.(72)

b. Luật Nghiệp-Báo

Theo nghĩa luân lý, Karma, Nghiệp, trở thành một Luật: đó là Luật Nghiệp-Báo, nghĩa là bất cứ hành vi luân lý nào, tốt hay xấu đều có báo ứng, có thưởng hay phạt. Theo triết lý Ấn Độ, Luật Nghiệp-Báo là Luật phổ biến, bất di bất dịch của vũ trụ như Luật Trọng lực (gravity). Vì bị Luật Nghiệp-Báo chi phối, nên hiện giờ ta phải trả giá cho những việc đã làm trong quá khứ và ta sẽ phải trả giá trong tương lai cho những việc ta đang làm bây giờ. Những việc xấu gọi là “ác nghiệp”, việc tốt là “thiện nghiệp”, việc đã làm là “túc nghiệp”, việc đang làm là “hiện nghiệp”. Nghiệp còn chia: “tự nghiệp” nghĩa là tự mình tạo ra nghiệp cho mình, và ảnh hưởng đến người khác, “cộng nghiệp” là nghiệp chung của cả xã hội cộng lại, và ảnh hưởng trên cá nhân như câu ca dao: “Anh hùng tạo thời thế”, hoặc “thời thế tạo anh hùng”. Nghiệp không bị thời gian hay không gian hạn chế, không phải chỉ riêng cho mỗi cá nhân, nhưng có Nghiệp của cả gia đình, và Nghiệp chung cho cả nước nữa. Tóm lại, Luật Nghiệp-Báo là Luật luân lý phổ biến chi phối mỗi cá vật và toàn thể vũ trụ nữa. Tất cả sáu môn phái triết lý Ấn Độ, kể cả môn phái của Phật Thích Ca và Jainas, cũng đều công nhận Luật Nghiệp-Báo. Luật Nghiệp-Báo là tự động, tự trị hay do Đâng Tối Cao (Tạo Hóa) chỉ huy, kiểm soát? Những môn phái triết lý như: Jaina, Sankhya, Mimamsa, và Phật Thích Ca cho rằng Luật này có tích cách tự trị. (73)

c. Ai bị Luật Nghiệp-Báo chi phối?

Theo triết lý Ấn Độ, những người chưa được Giải thoát khỏi Dục vọng, lòng Ham muốn thì vẫn bị Luật Nghiệp-Báo điều khiển, vì họ vẫn còn nghĩ, làm, nói chiều theo những xúc động tình cảm yêu/ghét gây ra. Họ có thể làm điều tốt như bố thí, nhưng do lòng vị kỷ, óc tư lợi, tình yêu thích mà ra. Họ đã tạo nên “thiện nghiệp” để khi “tái sinh” thì được thưởng công, được làm “thần thánh”, nhưng ngay cả bậc “thần thánh”, theo niềm tin bình dân, cũng chưa hoàn toàn được giải thoát khỏi Dục vọng. Do đó, chỉ có một hạng người được thoát khỏi Luật Nghiệp-Báo chi phối là những ai đã được Tỉnh ngộ, đã hoàn toàn Diệt Dục, nghĩa là công việc họ làm hoàn toàn vô tư, không hy vọng thưởng hay phạt, có công hay không có. Nếu có chăng, đó là sự bình an trong tâm hồn, vì đã làm điều nghĩa! Những hành vi vô vị lợi, nghĩa là đã vượt trên Dục Tình ích kỷ Yêu/Ghét, giống như cái hột đã khô héo, không còn đủ sức sinh ra hoa quả mới nữa!

2. Luân Hồi (Samsara)

Theo triết lý Ân Độ, chữ Samsara có nghĩa là trôi nổi, linh đinh, vô định như “cánh bèo trên dòng nước”, như “hoa trôi man mác biết là về đâu” (Kiều). Con người xiêu bạt vô định không phải do tự động, nhưng vì bị lôi cuốn, bị hấp dẫn bởi những đối tượng của giác quan, bởi Dục vọng tham lam những khoái lạc do sự vật bên ngoài gây nên. Sự trôi nổi liên miên từ đời nọ sang đời kia, gọi là “Luân Hồi”, Samsara. Do đó, có chữ “Tái sinh” (rebirth), vì chết không phải là hết, là chấm dứt đời người! Nhưng đời sống hiện tại (hiện nghiệp) vừa là kết quả của đời sống quá khứ (túc nghiệp), vừa là nguyên nhân cho kiếp sau. Đời sau này, vừa là kết quả của đời hiện tại, vừa là nguyên nhân cho đời kế tiếp, cứ như vậy chạy quanh không ngừng. Bánh xe Luân Hồi, sinh, tử, tái sinh vận chuyển luôn mãi! Đó cũng gọi là chuỗi Nhân-Quả dài vô tận! (74)

Tái sinh là gì? Tại sao có lý thuyết Tái sinh? Trong triết lý Ấn Độ, con người có nhiều kiếp sống khác nhau, ở quá khứ xa xăm, ở hiện tại, và còn rất nhiều trong tương lai. Đó là quan niệm “đầu thai, lộn kiếp” (reincarnation). Ngoài đời sống hiện tại, một người có thể đầu thai trở thành nhiều kiếp sống khác như làm thần thánh, người khác, quỉ, làm súc vật như câu: “làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai” (Kiều) (nghĩa là, vì nợ tình đối với người yêu, nếu đời này chưa đền được thì nguyện kiếp sau chịu phạt làm súc vật để trả nghĩa lại). Lý thuyết tái sinh giúp giải đáp ba thắc mắc của người bình dân Ấn như: Tại sao có sự chênh lệch, không công bằng trên đời này, như kẻ giầu, người nghèo, kẻ đau khổ, bịnh tật hơn nguời khác? Thưa, kiếp hiện tại là kết qủa của kiếp trước. Nếu kiếp này khổ là vì kiếp trước đã có ác nghiệt, nên báo ứng ở kiếp này. Tại sao phải lánh dữ, làm lành ở đời này? Có luân lý hay không? Tại sao người làm ác thì giầu sang, kẻ hiền đức thì đói khổ? Thưa, kiếp sau sẽ biết: kẻ lành được thưởng, người dữ bị phạt! Có thể trở thành thánh nhân, hoàn toàn thánh thiện ở đời này không? Thưa, khi chết, không ai dám tự phụ coi mình đã vẹn toàn, nhưng còn cần lập nhiều công phúc ở những kiếp khác nữa!

Ngoài ý nghĩa trên, Tái sinh ở nhiều kiếp sống khác nhau, Tái sinh còn nghĩa tâm lý nữa! Theo triết lý Ấn Độ, thì các hiện tuợng trong vũ trụ, đặc biệt của con người, đều là những biểu hiện của cái TÂM mà ra. Cái Tâm đầy Dục vọng nên phát hiện ra bên ngoài những ý nghĩ, lời nói, việc làm xấu. Trái lại, cái Tâm tốt, sẽ biểu lộ ra bằng ý nghĩ, lời nói, việc lám tốt. Có thể nói: cái Tâm là nơi chất chứa các ký ức tốt xấu, ác nghiệp, thiện nghiệp mà danh từ triết lý gọi là Tâm Thức, Tiềm Thức, Tạng Thức, Bát Thức, Nghiệp Thức hay A-lai-da Thức (Alaya-Vijnana). Thức này Tập họp tất cả các Nghiệp của vạn vật (vạn pháp) và của ta. Đó là nơi kết Tập lại các Nghiệp quá khứ, hiên tại, tương lai. Do đó, muốn sửa đổi, muốn thanh luyện cái Tâm, thì không cần phải “tái sinh, lộn kiếp”, nhưng có thể thực hiên ngay ở kiếp hiện tại. Chữ “Tái sinh”này có nghĩa tâm lý, vì là thay đổi tâm trạng con người thoát khỏi vương vấn, trói buộc của Dục tình .

Phật Thích Ca, khi mượn triết thuyết Ân Độ để áp dụng cho triết lý riêng, Ngài đã theo ý nghĩa tâm lý đối với chữ Karma và Tái sinh, vì chỉ có nghĩa tâm lý này mới thích hợp với ý nghĩa của “Tứ Diệu Đế” mà thôi. Ngài không muốn bàn luận gì về đời trước hay đời sau, nhưng chỉ chú trọng vào việc giải thoát con người ở đời này, và bây giờ. Không cần đầu thai kiếp sau làm con heo! “Con heo” ở đây theo nghĩa bóng là “lợn lòng” (không phải “lòng lợn”, “lòng heo"), là một Tâm trạng, đó là lòng ham mê nhục dục, cần phải thanh tẩy khỏi Tâm Trí ngay bây giờ, nếu muốn được an vui trong Tâm thần, khỏi dâm dục ám ảnh, quấy nhiễu.(75)

Nhưng tại sao trong Kinh Điển đã ghi chép những lời Phật Thích Ca giảng dạy, và Ngài đã kể những truyện cho dân chúng nghe về việc Tái sinh từ đời này sang đời kia? Tại sao Phật giáo bình dân vẫn tin ở viêc luân hồi lộn kiếp, và còn cho rằng Phật đã có 550 tiền kiếp? Tại sao Ngài không cấm đoán? Có phải Phật giáo bình dân khác với Phật giáo chính thống không? Để giải đáp thắc mắc đó, các nhà nghiên cứu Phật học cho rằng Phật đã dùng phương pháp Upaya, nghĩa là tuỳ cơ ứng biến, tuỳ bịnh cho thuốc, “tuỳ căn cơ mà thuyết pháp”. Mục đích là giải thoát con người khỏi Dục vọng. Là một nhà giáo dục, Ngài hiểu biết tâm lý của đám bình dân, và muốn dùng những giá trị cổ truyền để trình bày một học thuyết mới. Ngài chỉ giảng dạy giáo thuyết chính thống cho những ai sẵn sàng lĩnh hội được mà thôi! Đối với người bình dân, trình độ hiểu biết còn thấp thì Ngài dùng lối cắt nghĩa thông thường, miễn là giúp họ đạt được cứu cánh là sự giải thoát khỏi vòng Luân hồi, Nghiệp-Báo!(76)

3. Luật Nhân-Quả. Thập Nhị Nhân Duyên

Trong đoạn này, ta sẽ bàn luận về mối quan hệ giữa các Karma, Nghiệp với nhau như thế nào, để làm nên Chuỗi Nhân-Quả. Tại sao Vô minh là nguyên nhân đầu tiên sinh ra đau khổ?

a. Danh từ: Nhân, Quả, Duyên

Nhân là hột giống có năng lực sinh ra Quả. Ở đây, chữ Nhân, Quả theo nghĩa bóng chỉ những sự vật làm nguyên Nhân để tạo điều kiện sinh ra một sự vật khác như kết Quả. Duyên là gì? Duyên là sự vật hỗ trợ giúp cho Nhân sinh ra Quả. Như hột lúa là Nhân sinh ra cây lúa là Quả, thì đất, nước, phân bón… trợ giúp cho hột lúa thành cây lúa, gọi là Duyên. Chỉ có Nhân mà không có Duyên, thì không sinh ra Quả được. Cho nên khi nói đến Nhân, phải hiểu ngầm có cả Duyên đi kèm.(77)

b. Thập Nhị Nhân Duyên

Thập Nhị Nhân Duyên là một Chuỗi 12 vòng xích Nhân-Quả, liên quan lệ thuộc lẫn nhau, cái này là Nhân của cái kia là Quả, đồng thời cái Quả lại là Nhân của cái kế tiếp là Quả của nó. Chuỗi Nhân-Quả luân chuyển không ngừng giống như bánh xe quay! Đó là Thuyết Nguyên Do Tương Thuộc (Theory of Dependent Origination). Tại sao có thuyết này? Nguyên Nhân đầu là gì?

Vạn sự vạn vật trong vũ trụ, kể cả con người, không vật nào có bản tính riêng biệt, nhưng bất cứ vật nào cũng phải lệ thuộc vào vật khác như điều kiện để phát sinh ra nó. Bất cứ hiện tượng nào xẩy ra cũng phải có nguyên lai gây nên. Các nhà Phật học đã áp dụng thuyết đó để tìm duyên do của sự đau khổ như sau: Kinh nghiệm thực tại cho thấy, già nua, bịnh tật, lo lắng, cô đơn, thất vọng, thất tình, chết là Khổ (Jara-marana). Vậy Khổ bởi đâu mà ra, phải có duyên do, nguyên Nhân. Có Khổ (12), là vì có Sinh (11). Khổ là Quả, mà Sinh là Nhân. Nếu ta đã không sinh ra, thì làm sao còn thấy Khổ được! Sinh (jati) lại dựa vào điều kiện phát sinh ra nó. Có Sinh, vì có Hữu (bhava) (10), là khuynh hướng muốn trở nên một cái gì. Sinh lại là Quả của Hữu là Nhân. Có Hữu, vì có Thủ (upadana)(9), là bám bíu vào các sự vật ở đời này, khiến ta ham muốn sống. Có Thủ, vì có Ái (trsna)(8), là khát vọng hưởng thụ các sự vật,tai nghe, mắt thấy. Có Ái, vì có Thụ (vedana)(7), là những cảm giác khoái lạc do ngũ quan gây nên, làm ta khao khát. Có Thụ, vì có Xúc (sparsa)(6), là sự tiếp xúc với các đồ vật. Có Xúc, vì có Lục nhập (sada-yatana)(5), là năm ngũ quan và manas (ý thức) hay là nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, va chạm với cảnh vật. Có Lục nhập, vì có Danh Sắc (nama-rupa)(4), là Tâm thức (nama) và thân thể, giác quan (rupa) giúp con người nhân thức được sự vật. Có Danh sắc, vì có Thức (vijnana)(3), là ý thức. Thức ở đây là Alai-a Thức, là Tâm Thức, Tiềm Thức, nơi tập họp, chứa chấp các “Nhân”, các hột chủng tử để sinh ra ta và vạn vật. Nhưng Thức đầu thai trong lòng mẹ chỉ là Quả của Hành (samskara)(2), là tình trạng sau cùng của đời dĩ vãng, tập họp tất cả các Quả của quá khứ để tạo điều kiện cho đời hiện tại sắp sửa xuất hiện. Có Hành, vì Vô Minh (avidya)(1), là ngu dốt không biết được chân lý về bản thân ta và về vũ trụ. Chính Vô Minh, sự Mê Lầm đã la nguyên Nhân, là động cơ đầu tiên tạo nên Tái sinh, Luân hồi.(78)

c. Vô Minh Là Gì?

Theo triết lý Ấn Độ, ý niệm Avidya, được dịch nghĩa là Vô Minh. Vô Minh là không biết rõ ràng, thông suốt, là Mê Lầm về bản thể của ta và của vũ trụ. Vô Minh là chưa Tỉnh Ngộ. Hết Lầm lạc, được hoàn toàn Tỉnh Ngộ thì gọi là Bodhi, Bồ đề. (Vì thế, Gautama Tỉnh Ngộ thành Phật ở dưới gốc cây, nên mới gọi cây ấy là cây Bồ đề). Vì Mê Lầm mà sinh ra Tái sinh, Luân hồi, Nghiệp Báo, đau Khổ. Tỉnh Ngộ, Giác Ngộ, hay Giải thoát (Mukti, Moksa), là chặn lại Bánh xe Luân hồi. Giải thoát là trạng thái hoàn hảo, hạnh phúc, hết mọi lo lắng ưu phiền. Đối với một số nhà tư tưởng Ấn Độ như Jainas, Sankhyas, Advaita Vedantins và Phật Thích Ca, thì Giác Ngộ, Giải Thoát có thể thực hiện được, ngay bây giờ và ở đời này (hic et nunc).

Khi mượn ý niệm Avidya, Vô Minh của triết lý Ấn Độ để áp dụng vào việc giải thích nguyên nhân sự đau khổ, Phật đã tiến xa hơn chân lý trong Tứ Diệu Đế. Thật thế, đời là Khổ. Nhưng tại sao Khổ? Vì Dục Tình, Dục vọng, Ham muốn! Tại sao Ham muốn? Vì Vô Minh, Mê Lầm không hiểu rõ về bản thể chân thật của ta và của vũ trụ. Do đó, nguyên nhân sâu thẳm của đau khổ, chính là Vô Minh. Thế nào là Mê Lầm về bản thể thật của ta và của vũ trụ? Mọi sự trong vũ trụ là tan hợp hợp tan thay đổi liên miên, là Vô Thường, nghĩa là không có gì là”thường hằng bất biến”. Cả con người cũng vậy! Chẳng có Bản Ngã, chẳng có cái “Tôi”, nhưng là “Vô Ngã”. Ta Khổ, vì Ngộ nhận Lầm lạc! Đáng lẽ ra phải coi đời là Vô Thường, thì lại cho đời là Thường Trụ (không thay đổi); đáng lý phải nhìn nhận tâm thân ta là sự tập họp của Nhân-Quả, nên biến chuyển luôn luôn, Vô Ngã, thì ta lại bám bíu vào cái “Tôi” bất biến, Chấp Ngã! Vì Chấp Ngã, nên phân biệt Tôi khác với Tha Nhân, Bạn-Thù, Yêu-Ghét, Đó là cái “Tâm-sai-biệt”. Óc kỳ thị (discriminatory), Thức Nhị Nguyên (dualist conscience).(79)

d. Bản Tóm Lược 12 Nhân Duyên

Các nhà nghiên cứu về Phật học cho rằng: thứ tự và số 12 Nhân Duyên thay đổi trong các bài giảng của Phật. Có thể là vì “tam sao thất bản” chăng? Giả thiết là các Nhân Duyên phải tương thuộc lẫn nhau, nhưng sự liên hệ từ vòng này sang vòng kia không rõ ràng nhất thiết phải xẩy ra như vậy. Khi giảng thuyết, Phật Thích Ca thường trình bày học thuyết một cách đơn sơ dễ hiểu cho người bình dân. Do đó, người ta nghi ngờ không biết Phật Thích Ca có thật sự dùng hình thức rắc rối khó hiểu của Thập Nhị Nhân Duyên để truyền đạt tư tưởng không? Lại nữa, căn cứ vào cách nối kết giữa các vòng Nhân-Quả, người ta có thể chia 12 Nhân Duyên ra: đời quá khứ, vòng 1, 2; đời hiên tại, vòng 3 tới 10; đời tương lai, vòng 11, 12. Nhưng như đã nhận định ở trên, Phật Thích Ca không ám chỉ sự Tái sinh ở các đời trước hay sau khi chết, nhưng 12 Nhân Duyên là những Tâm trạng, Tâm Tình khác nhau trong một đời người ở thế giới này, có thể xẩy ra ngay bây giờ.

(1) Vô Minh (Avidya)

(2) Hành (samskara): Đời Quá Khứ

(3) Thức (vijnana)

(4) Danh-Sắc (nama-rupa)

(5) Lục-Nhập (sadayatana)

(6) Xúc (sparsa)

(7) Thụ (vedana)

(8) Ái (trsna)

(9) Hữu (Upadana)

(10) Thủ (bhava): Đời Hiện Tại

(11) Sinh (jati)

(12) Lão, Tử (jara-marana): Đời Vị Lai

C. Diệt Đế: Niết Bàn

Đây là điểm quan trọng nhất trong Tứ Diệu Đế, vì cả ba chân lý, Khổ Đế, Tập Đế, Đạo Đế, đều có một mục đích là dẫn đến sự Giải Thoát, Tỉnh Ngộ tức là diệt được đau khổ, diệt hết Nhân-Quả, Nghiệp-Báo, để nhập Niết Bàn. Ta sẽ bàn rộng ý nghĩa siêu hình của Niết bàn ở đoạn sau. Bây giờ ta thử định nghĩa Niết Bàn là gì? Niết Bàn theo phái Tiểu thừa và phái Đại thừa khác nhau thế nào?(80)

Niết Bàn, âm ra bởi tiếng Phạn (sanscrit) là Nirvana,hay tiếng Pali, là Nibbana. Niết Bàn là danh từ phổ thông chỉ sự Giải thoát khỏi đau khổ. Theo nguyên tự, Nirvana có nghĩa là tiêu diệt, vắng lặng, bình an, “nguội đi”. Ở đây, hiểu nghĩa là các Dục vọng, Dục tình nóng hổi, thiêu đốt tâm can, phải nguội đi để tâm hồn được phẳng lặng bình an không bị khuấy động.

Niết Bàn không nên hiểu theo nghĩa thụ động, tiêu cực, bi quan. Nhập Niết Bàn không phải là vào cõi hoàn toàn hư vô, là tiêu diệt sự sống! Chỉ diệt đời sống Dục Vọng nung nấu thôi, còn con người đã được Tỉnh ngộ vẫn tồn tại.

Trong Phật học, ta lại gặp thấy ý niệm về Nirvana gồm hai nghĩa như khi tìm hiểu chữ Samsara, Luân-hồi, Tái sinh. Theo phái Tiểu Thừa và người Phật tử bình dân, thì Niết Bàn là một cõi sống hoan lạc sau khi chết. Do đó, mới có quan niệm “xuất thế”, xa lánh cuộc đời phồn hoa quyến rũ, để vào nơi tịch mịch thanh vắng mà tu hành, tu Định (Thiền Định). Khi tu Định, nghĩa là dập tắt được lửa Dục vọng, thì nhập Niết Bàn “tương đối, tạm thời” ở đời này. Chỉ sau khi chết, khi ngũ căn, lục thức bị tận diệt, thì mới vào được Niết Bàn vĩnh viễn, tuyệt đối. (tục lệ tự thiêu hay thiêu thân là để trừ diệt căn thân, nguồn gốc của mê vọng, không cho hóa kiếp nữa!

Vì Phật Thích Ca luôn giữ thái độ “im lặng” không bàn đến những gì sẽ xẩy ra ngoài đời sống hiện tại, nên phái Đại Thừa cho rằng Niết Bàn có thể thực hiện ngay ở đời này, không “xuất thế”, nhưng cần “nhập thế”. Niết Bàn chỉ là Tâm trạng thanh lọc hết những Dục Vọng vương vấn để Tâm Hồn hoàn toàn tự do, an bình, phẳng lặng. Đó là Tâm trạng viên mãn, trưởng thành của các vị đã được Tỉnh Ngộ, thành La hán (Arhat). Từ Tình trạng Samsara, Luân Hồi đổi sang Niết bàn, xẩy ra ngay ở đời hiện tại trong Tâm Trí mỗi cá nhân. Đấy là sự biến đổi về trình độ Ý thức Giác Ngộ, từ hiện tượng Mê Lầm hoàn toàn bị Dục Vọng quấy phá, đột ngột biến sang Tỉnh Ngộ do Trí Tuệ Bát Nhã (Prajna) thông hiểu chân lý của cuộc đời.

Nhưng cũng có nhà Phật Học giải thích rằng: Phật không đề cập đến số kiếp sau khi chết, thì không có nghĩa Phật cho rằng “chết là hết”, là hoàn toàn hư vô, trống rỗng, không còn gì nữa! Nhưng, khi chết rồi, các vị đã được Tỉnh Ngộ vẫn còn tồn tại cách nào đó mà ta không biết được rõ ràng, vì kinh nghiệm Niết Bàn là kinh nghiệm riêng, không thể truyền đạt, diễn tả dược, nhưng chỉ ai đã kinh nghiệm mới cảm thấy mà thôi.

Cũng có nhà nguyên cứu Phật học cho rằng: trong thâm tâm, có thể Phật không tin linh hồn sẽ tồn tại sau khi chết. Nhưng vì chúng sinh rất sợ sự hư vô trống rỗng, nên Phật đã tránh, không trả lời thẳng câu hỏi của đồ đệ về số phận các vị La hán (đã được Tỉnh Ngộ), sau khi chết. Nếu nói thẳng ra sự hiểu biết của mình, sợ rằng chúng sinh sẽ thất vọng mà không muốn thực hành Đạo của Ngài nữa. Và như thế, là “ giết chết” người ta.(81)

Giả thiết Phật Thích Ca không muốn bàn luận về số kiếp tương lai của những ai đã được Tỉnh Ngộ sau khi chết, thử hỏi việc nhập Niết Bàn ở đời này có ích lợi gì không? Nếu bao đau khổ trên đời này là do Dục vọng và Mê lầm về bản tính con người và vũ trụ gây nên, thì việc Diệt Dục, phá Tái sinh, Luân hồi để nhập Niết bàn sẽ đem lại Tâm trạng thư thái, bình an, vui tươi thản nhiên cho tâm hồn, sẽ tạo cho kẻ được Tỉnh ngộ một nhân cách thanh cao, hoàn toàn vô vị lợi, trưởng thành. Nếu có kiếp sau, thì kiếp này vẫn phải tu tỉnh, tiêu diệt các Dục vọng xấu xa, mới mong được Hạnh Phúc viên mãn ở đời sau. Do đó mới có câu: “Tu là cội Phúc, Tình là giây Oan” (Kiều). (Chữ “tu”, nghĩa là”sửa” như “tu thân”, sửa mình; nếu theo Tiểu Thừa, thì Tu là “xuất gia tu hành” (xuất thế); còn theo Đại Thừa, Tu chỉ là sửa đổi lại Tâm cho trong sạch, không để cho Tình tư dục quấy phá, ở bất cứ chỗ nào, ngay bây giờ (nhập thế).(82)

D. Đạo Đế: Bát Chính Đạo

Nếu Giải thoát con người khỏi đau khổ là chủ đích, thì Bát Chính Đạo là tám phương thế, tám “Đường” (Đạo) dẫn đến Tỉnh Ngộ. Theo truyền thống Ấn Độ, các triết gia đều cho rằng triết lý xuông hay chỉ có lý thuyết không đủ, nhưng còn cần phải thực hành nữa! Do đó, từ cõi Samsara tiến vào Nirvana là một con đường gian khổ, công phu tu luyện. Không phải một sớm một chiều mà Đắc Đạo được! Cũng theo truyền thống Ấn Độ, các phái triết lý đều chú trọng đặc biệt đến việc suy niệm liên lỉ, gọi là tu Định (sammasamadhi) làm phương tiện tiến đến Giải thoát. Việc quan trọng thứ hai là luôn luôn kiểm soát Tình tư dục không cho nó lăng loàn và bắt nó phải theo lý trí điều khiển. Sau đây là tám con đường chân chính, gọi là Trung Đạo, giúp dẫn đến Giải thoát. Ai muốn nhập Niết Bàn thì tự mình theo con đường ấy. Phải tự cứu lấy mình, không ai có thể cứu giúp được! Sau đây là tóm lược thứ tự “Bát Chính Đạo”.(83)

1. Chính Kiến: thành thực tu Đạo

2. Chính Tư Duy: thành thực suy xét

3. Chính Ngữ: thành thực nói năng

4. Chính Nghiệp: thành thực mà làm việc

5. Chính Mệnh: thành thực mà mưu sinh

6. Chính Tinh Tiến: thành thực mà mong tới

7. Chính Niệm: thành thực mà tưởng nhớ

8. Chính Định: thành thực mà ngẫm nghĩ

Toát Lược Các Đặc Điểm

Trên đây là cố gắng trình bày một cách trung thực tư tưởng của Phật Giáo về Cứu Độ. Nhưng, vì Phật Thích Ca đã từ chối không muốn bàn luận về các vấn đề siêu hình như Đấng Tạo Hóa, số phận con người sau khi chết…, nên sau ngày Phật nhập diệt, Giáo lý Nhà Phật liền chia ra nhiều tông phái như Tiểu Thừa, Đại thừa…, với nhiều ý kiến khác nhau, nhiều cách giải thích đối chọi nhau. Vả lại, Phật Thích Ca đã coi việc thuyết pháp là “phương tiện” (Upaya), nghĩa là phải tùy trình độ trí thức mà giảng dạy, “tuỳ bệnh mà cho thuốc”, “tuỳ căn cơ mà thuyết pháp”, miễn sao tín đồ đạt được mục đích là an tâm học đạo.(84)

Cho nên hiểu biết được một cách chính xác thế nào là tư tuởng chính thực do Phật Thích Ca muốn, không phải là điều dễ dàng! Hơn nữa, trong lịch sử Phật Giáo, các nhà nghiên cứu thường thấy xẩy ra sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành. Trong thực tế, cũng tương tự như tín đồ của các tôn giáo khác, người ta thấy các Phật tử bình dân tin tưởng như: có kiếp sau, linh hồn bất tử (“chết là thể phách, còn là Tinh Anh”), có thưởng (Tòa Sen ), có phạt (Âm phủ ), coi Phật Thích Ca như một Vị Thần có thể ban ơn giáng phúc, v.v. Nhưng trên bình diện lý thuyết của Phật Học, ta lại thấy những môn phái chủ trương Phật giáo là vô thần, Phật không thể cứu ai được, mọi người phải “tự giác”, “tự độ”. Niết bàn chỉ có bây giờ và đời này, “vô ngã”, tức không có linh hồn bất tử, chết là hết, v.v.(85)

Sau đây thử toát lược một số Đặc Điểm mà đa số các Môn Phái, và tín đồ phật tử có thể công nhận:

1. Chú trọng vào nội Tâm, vì cho rằng vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều phát xuất tự Tâm: “Tâm sinh Vật”. Do đó, về phương diện thực hành, phải lo dùng Lý Trí Hiểu Biết để kiểm soát và thanh luyện Tâm Hồn khỏi Tình Tư Dục quấy phá, vì mọi sự đau khổ đều do Tâm Trí sai lầm mà ra. Cũng vì một lý do đó, Phật giáo đặt nặng việc suy niệm (meditation), để tìm hiểu căn do những khổ não ở đời. Nhờ sự hiểu biết sự thật về bản tính con người và về vũ trụ mà được Giải thoát. Đó là phương pháp Cứu Độ nhờ Giác Ngộ (Hiểu Biết), “Tự Giác”, để đánh tan Mê Lầm, “Vô Minh”.(86)

2. Do đó, không đặt ra vấn đề “Lịch Sử Cứu Độ”, cũng không coi Phật Thích Ca là một biến cố Lịch Sử độc nhất. Nhưng chủ chương “Tự Giác”, “Tự Độ” (self-salvation): mỗi người phải tự cứu lấy mình. Phật Thích Ca hay bất cứ vị Thánh nào (Bồ Tát), chỉ làm “gương sáng” cho ta bắt chước để noi theo, chứ không hề thi ân giáng phúc cho ai. Vả lại, khi còn sống, Phật Thích Ca không tự xưng là đã lĩnh sứ mệnh bởi một Quyền Lực Linh Thiêng Tối Thượng nào. Theo lịch sử Phật giáo, mãi sau này, vì lòng mộ mến, các đệ tử đã “thần thánh hóa” Ngài.(87)

3. Cần Giải thoát ở đời này, ngay bây giờ. Chỗ nào, lúc nào có đau khổ là tìm cách chữa trị liền. Không đặt vấn đề số phận tương lai của các vị đã được Tỉnh ngộ, sau khi chết. Phật Thích Ca giữ thái độ “im lặng”, không bàn luận, không trả
lời những câu hỏi như: Người đã đạt được chân lý (Tathagata)
có còn sống nữa, sau khi chết không? Thế giới này vĩnh
cửu hay không vĩnh cửu? Hồn và Xác như nhau hay khác nhau? v.v. (88)

4. Do đó, “Tứ Diệu Đế” là một thang thuốc cấp cứu chữa bệnh tinh thần cho nhân loại, nhằm phát triển nhân cách từ ấu trĩ dốt nát ngu muội tiến đến trưởng thành, khôn ngoan. Muốn được vậy, cần “Tu Tâm Luyện Tính”, “Cải Tà Qui Chính”. Đặc biệt chú trọng đến “Thiền” (Dhyana, Zen), như Tọa Thiền. Nhập Niết Bàn có nghĩa là vẫn sống cuộc đời
trần gian này, nhưng Tâm Tính và Ý Nghĩa cuộc đời thì đổi mới.(89)

5. Những quan niệm như:” Karma” Nghiệp, Nghiệp-Báo, “Samsara” Luân Hồi, Nirvana Niết Bàn… là những tư tưởng đã có sẵn trong Triết Lý của Ấn Độ. Các Môn Phái Triết Học khác như Yoga, Sankhya, Vedanta, Carvaka… đều dùng chung những ý niệm trên. Phật Thích Ca cũng dùng những lý thuyết đương thời, nhưng diễn giải cho thích hợp với chủ thuyết riêng.(90)

6. Tuy là giới hạn vào cuộc đời hiện tại, và chỉ trông cậy vào sức của con người, nhưng các nhà nghiên cứu về Phật Giáo đã nhận thấy rằng: con đường Giải thoát của Phật Giáo là một cố gắng vĩ đại của sức lực con người để tìm cách tự cứu lấy mình. Do đó, mặc dầu Phật Thích Ca “im lặng”, tránh không trực tiếp bàn luận những vấn đề thuộc siêu hình, nhưng những tư tưởng trong Giáo Thuyết của Phật Giáo đã có những hệ luận về siêu hình, vì tự chúng đã hướng về một cái gì Cao Cả, và Siêu Việt, Siêu Thoát (Transcendance), vượt trên thế giới vật chất này.(91) (Coi: Ý thức Siêu Thoát trong Phật Giáo, trang 318, ở dưới).

ĐOẠN III . Cứu Độ Trong Thiên Chúa Giáo

Nếu ta đặt câu hỏi với dân chúng : Tôn giáo là gì ? Đạo là gì? Ta sẽ được những câu trả lời khác nhau. Chẳng hạn, Đạo dạy tôn thờ “Ông Trời”, Thượng Đế, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, hay các vị Thần Thánh. Người khác cho rằng Đạo là những lễ nghi cúng tế, tụng kinh, rước kiệu, hoặc Đạo là một giáo hội gồm các chức sắc như Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, tu sĩ nam nữ hay Thượng tọa, Đại đức, Nicô, hoặc một uy quyền do dân chúng uỷ thác để bảo vệ những giá trị luân lý cho xã hội, hoặc Đạo là một thế lực bán-chính trị để củng cố sự thống nhất của cộng đồng hay quốc gia, v.v.

Trên đây là thẩm định giá trị về một số đặc tính của Đạo. Nhưng có một định nghĩa quan trọng, đụng chạm tới yếu tính của tôn giáo, đó là: Đạo giúp giải phóng con người khỏi kiếp lầm than khổ hải, phần hồn, phần xác, đời này và đời sau. Khía cạnh này cũng quan trọng ngang bằng hoặc đi đôi với nhận định: Đạo là mối liên hệ, là niềm tin nơi Vị Chủ Tể vũ trụ càn khôn. Đạo chính là ĐƯỜNG Cứu độ và Giải thoát nhân loại khỏi cảnh u mê tối tăm, tội lỗi và dẫn dắt con người tiến tới kết hiệp với Đấng Siêu Việt, trong tự do, hạnh phúc, vinh hiển. Do đó, tôn giáo có nhiệm vụ cải hóa, giáo dục và thức tỉnh con người mê man trong tội ác. Đạo cũng lo chữa trị bệnh tâm thần, để giúp phát triển nhân phẩm cao quý của con người lên bậc thiện toàn, “nhân linh ư vạn vật”.(92)

Trong Đoạn III này, sẽ tìm hiểu xem Thiên Chúa Giáo quan niệm thế nào về Cứu Độ như: Ý niệm về Cứu Độ là gì? Tại sao đặt trọng tâm vào vấn đề “Lịch Sử Cứu Độ”, hơn các tôn giáo khác? Vì lý do nào Chúa Cứu Thế, tự bản tính là Thần Linh, đã tự nguyện xuống thế làm Người, để chịu chết chuộc tội cho nhân loại? Nếu muốn lãnh nhận Thiên Ân Cứu Độ của Chúa Cứu Thế, thì cần những điều kiện gì?

A. Ý Niệm về Cứu Độ

Suốt dòng lịch sử Thiên Chúa Giáo, trong Thánh Kinh Cựu Ứơc, Tân Ước, trong lễ nghi phụng vụ, đặc biệt trong Mùa Giáng Thế (Advent), tức thời gian chuẩn bị cho ngày Chúa Cứu Thế Giáng Sinh, ta thường được nghe những bài “Sấm Ký” của các vị Tiên Tri thời Cựu Ước tiên đoán về ngày Chúa Cứu Thế sẽ ra đời. Cảnh trang hoàng từ trong Thánh Đường ra các đường phố, trung tâm thương mại, những bài thánh ca quen thuộc, những hang đá với đèn sao, những cây thông lấp lánh… tất cả đều bộc lộ niềm khát vọng, chờ đón Thiên Ân Cứu Độ cho toàn thể nhân loại!

Vì trọng tâm của Đạo Thiên Chúa nhằm mặc khải, biểu lộ Tình Thương vô hạn của Đấng Tạo Hóa, đã tạo dựng và muốn cứu độ con người tội lỗi, đau khổ, nên Kinh Thánh và khoa thần học đã dùng nhiều danh từ để diễn tả ý niệm về Cứu Độ .

a) Chữ CỨU ĐỘ, dịch nghĩa của chữ “Salvation”, tiếng Hy lạp là “Soter” chỉ người chữa bịnh, người cứu giúp. Cứu Độ bao hàm ý nghĩa một tình trạng suy đồi, nay được sửa lại nguyên vẹn như xưa, nhờ sự giúp đỡ, cứu vớt của một vị Cứu Tinh, ra tay “cứu nhân độ thế”. Theo quan niệm Cứu Độ trên, thì con người không thể tự cứu lấy mình được, cần phải nhờ một Đấng Cứu Thế giúp đỡ. Chữ “Đấng Cứu Thế”, dịch nghĩa bởi chữ “Salvator” (Latinh) và chữ này dịch ý từ chữ Do thái là “Yehoshua, Joshua”, hay “Josue”, Chữ Yehoshua có nghĩa là: “Thiên Chúa (Yahweh) là Cứu Độ”. Do chữ Yehoshua mà phiên âm ra là “Jesus”, hay GIÊSU (tiếng Việt). Do đó, chữ “Giêsu” có nghĩa là: “Thiên Chúa là sự Cứu Độ”, hay “Giêsu” chính là Chúa Cứu Thế. Dùng chữ “Giêsu”, hay chữ “Chúa Cứu Thế”, cũng cùng một nghĩa. Có hai cách phiên dịch các bản văn ngoại quốc sang Việt Ngữ: một là cách phiên âm, như trường hợp ở đây, từ Yehoshua, Jesus, âm sang Việt ngữ là “Giêsu”; cách thứ hai là dịch theo ý nghĩa của nguyên tự, như “Yehoshua” (Do thái) có nghĩa là “Cứu Độ”, nên chuyển ý nghĩa đó sang Việt Ngữ là “Chúa Cứu Thế”. Cách thứ hai này, xưa gọi là “cách nghĩa”, vì dùng ý nghĩa, ý niệm của từ ngữ Việt để diễn đạt ý tuởng của danh từ ngoại quốc.( Nên tránh kiểu phiên âm các “tên riêng” từ chữ Hán sang tiếng Việt, vì kiểu này vừa khác xa âm của tiếng ngoại quốc, lại mặt chữ có vẻ “kỳ cục”, vô nghĩa, chẳng hạn, chữ “Jêsus”, âm từ chữ Hán sang tiếng Việt đọc là “Gia tô”!).

Ta quen gọi “Chúa Cứu Thế” là “CHÚA GIÊSU KITÔ”. Vậy chữ “KITÔ” bởi đâu mà ra? Chữ “Kitô” được phiên âm từ tiếng Latinh, “Christus” và Hilạp, “Christos”. Chữ này dịch ý từ chữ Do thái “Mashiah”, có nghĩa là “kẻ được xức dầu”. Theo tập tục thời Cựu Ước, các vị vua được xức dầu, khi phong vương và các vị thượng tế, khi phong chức. Dân Do Thái vẫn mong đợi một vị anh quân đã được Thiên Chúa hứa ban, nhất là trong thời kỳ bị người Lamã đô hộ. Họ hy vọng vị đó sẽ được Xức dầu phong vương để giải phóng dân khỏi ách nô lệ và thiết lập một vương quốc độc lập tự do (coi Lc 24:21, Acts 1:6) Sau này, thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu ưa thích dùng danh hiệu “GIÊSU KITÔ” (Acts 2:33-36). Các danh hiệu khác cũng được dùng như: “Con vua David” (Mt1:1, Lk1:32,69) hay “vị tiên tri” (Acts 3:22, 7:37). Dĩ nhiên, ý nghĩa của chữ Mashiah (Messiah) đã được thanh lọc để mặc một nội dung thiêng liêng, không theo nghĩa trần tục. Chính Chúa Giêsu tự nhận Ngài là Mashiah (Messiah) (Mark 14:60…) mà thiên hạ mong đợi. Ngài là Vị Cứu Thế giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, là Hoàng Tử hòa bình, đem lại an vui hạnh phúc và thiết lập một Vương Quốc trường tồn vĩnh cửu: đó là “Nước của Thiên Chúa” (basileia tou theou); những người công chính, đã được giác ngộ, cải tà qui chính, sẽ ở trong Nước do lề luật Chúa cai trị. Theo Thánh sử Luca thuật lại, (Lc 1:30-34), việc đặt tên là Yehoshua, Joshua, Josue (Yahweh là Cứu Độ) đã được loan báo trước: “Thiên thần thưa với Trinh nữ Maria : Maria cứ an tâm, vì Maria đẹp lòng Thiên Chúa. Maria sẽ thụ thai và sinh một con trai, và sẽ đặt tên cho trẻ ấy là Yehoshua . Hài nhi đó sẽ nên cao trọng, sẽ được gọi là Con của Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho ngôi báu Đavít, tổ phụ, sẽ trị vì nhà Giacóp mãi mãi, và Nước của Ngài sẽ tồn tại muôn đời”. Thánh Luca viết tiếp, (Lc 2:21): “Đến ngày thứ tám, người ta làm phép cắt bì cho con trẻ và đặt tên là Yehoshua (Giêsu), tên đã được Thiên thần chỉ bảo trước khi thụ thai”.

Danh xưng “Chúa Cứu Thế”, hay “Chúa Giêsu Kitô” cũng cùng chỉ một Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm Người để chuộc tội cho nhân loại. Chữ “CHÚA”, bởi đâu mà ra, và có ý nghĩa gì? Chữ “CHÚA”, trong danh xưng “Chúa Giêsu Kitô”, có nghĩa là THIÊN CHÚA, chỉ Thần Tính của “Chúa Cứu Thế”. Chữ “Chúa”, dịch nghĩa từ Latinh “Dominus”, và từ Hilạp “KYRIOS”, có nghĩa là “Thiên Chúa” (Lord, Ruler). Trong thời kỳ Cựu Ước, các dịch giả Kinh Thánh dùng chữ “Kyrios”, để dịch ý và thay cho chữ Do thái “Yahweh” (danh xưng của Thiên Chúa, nhưng cấm không được đọc tên đó, vì lòng tôn kính). Trong thời Tân Ước, Giáo Hội sơ khai dùng danh xưng “KYRIOS” để tôn vinh, ca tụng “GIÊSU KITÔ”, có ý tuyên xưng “Chúa Cứu Thế” là Thiên Chúa. Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẩn, thì ta mới biết mà tin tưởng như vậy(1 Cor 12:3, 1 Cor 16:22). Bởi vậy, khoa thần học và Thánh Truyền mới dùng danh hiệu “CHÚA GIÊSU KITÔ”, để nhấn mạnh Thần Tính của Ngài, mặc dầu một số người trong Giáo Hội, trong Hội Đường (Synagogue), và hoàng đế phản đối.

Cũng nên nhận định thêm về cách xưng hô trong Việt ngữ như danh xưng: “Đức Chúa Giêsu Kitô”, “Đức Chúa Trời”,... Chữ “Đức” ý nghĩa là gì, và có ý nghĩa tôn giáo không? Theo cuốn “Việt Nam Tự Điển”( Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, 1931), chữ “Đức” được định nghĩa như sau: “Tiếng gọi tôn các bậc vua chúa thần thánh: Đức vua, đức Thánh, đức Phật, đức ông, đức bà”, (trang 197). Do đó, chữ “Đức”, không có ý nghĩa đặc biệt về tôn giáo, thần học, vì áp dụng cho mọi người đáng được tôn kính, cả trong đạo và ngoài đời. Chữ “Đức” không ám chỉ hay biểu lộ tính chất thần linh. Bởi vậy, theo ý nghĩa thần học của Công Giáo, thiết tưởng ta chỉ được phép dùng danh xưng như: “Đức Chúa Giêsu Kitô”, hay “Chúa Giêsu Kitô”, hoặc “Chúa Kitô”, “Chúa Giêsu”, nghĩa là luôn phải kèm theo chữ “CHÚA”. Những kiểu xưng hô đã được “rút ngắn”, như: “Đức Giêsu Kitô”, “Đức Kitô”,.. có thể vô tình đã bỏ quên yếu tố “Thiên Tính” (CHÚA) như Đức Tin và Thần Học dạy, và có thể đặt “CHÚA GIÊSU” vào hàng các bậc vĩ nhân, anh hùng, nhưng cũng chỉ thuộc loài thụ tạo chăng?(93)

b) Thần học Thiên Chúa Giáo còn dùng danh từ CỨU CHUỘC, ( Redemption). Chữ Cứu Chuộc bao hàm ý nghĩa lỗi lầm (tội nguyên tổ và tội cá nhân phạm). Nhưng vì loài người không thể tự chuộc lại tội lỗi lớn lao, đã cả dám từ chối lòng yêu thương vô hạn của Chúa, nên cần Chúa tự ý ra tay cứu chuộc, nhờ Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô. Lòng thương xót vô hạn của Chúa luôn muốn cứu độ nhân loại, đã được thể hiện trong lịch sử nhờ biến cố Giáng thế làm người và chịu nạn chịu chết của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô.(94)

c) Danh từ GIẢI THOÁT, hay Giải Phóng, (Liberation, dịch bởi chữ Latinh liberare, liber, nghĩa là làm cho tự do). Theo nguyên tự, chữ này chỉ việc cứu vớt những người nô lệ và tù nhân khỏi cảnh giam cầm để hưởng tự do. Theo nghĩa rộng, nghĩa bóng, Giải phóng, Giải thoát, là từ một tình trạng bị áp bức đè nén, con người được vùng lên, bẻ gẫy mọi xiềng xích trói buộc, cản trở để tiến tới tự do phát triển. Trong xã hội hiện đại, chữ Giải phóng áp dụng vào việc mở mang kinh tế, xây dựng nền độc lập quốc gia, chống bệnh tật nghèo đói, v.v. Theo nghĩa tôn giáo, Giải thoát, Giải phóng, chính là cứu vớt nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, ma quỷ, hỏa ngục… để giúp tâm trí con người tìm ra ánh sáng Chân Lý, và phát triển nhân phẩm đến bậc thiện toàn.(95)

B. Sự Quan Trọng Của “Lịch Sử Cứu Độ

Đối với Thiên Chúa Giáo, tính chất “lịch sử” rất quan trọng, vì Kế Hoạch Cứu Độ nhân loại được tuần tự diễn ra trong thời gian, từ nguyên nhân khởi thuỷ, qua các biến cố, các nhân vật lịch sử và cuối cùng được kết thúc nơi biến cố duy nhất là việc Con Thiên Chúa giáng thế làm Người để cứu chuộc thiên hạ.

1. Ý Niệm về Lịch Sử :

Thiên Chúa giáo tin vào Vị Chúa Tể vũ trụ càn khôn xếp đặt và điều khiển mọi vật mọi loài theo một trật tự và một hướng đi để tiến đến cùng đích của chúng. Từ bình diện thiên nhiên như tinh tú, địa cầu, thời tiết, cỏ cây, cầm thú, nhân loại, vươn lên bình diện siêu nhiên: tất cả mọi loài thụ tạo đều do một Bàn Tay Chúa Quan Phòng an bài. Các diễn biến lịch sử đều nhằm vào một cùng đích (telos): Vị Chúa Tể vũ trụ vừa là Nguyên thủy (ALPHA) và Cứu Cánh (OMEGA) của mọi loài. Ngài đã an bài xếp đặt mọi biến cố của Lịch Sử Cứu Độ, trong tôn giáo cũng như ngoài thế tục, để được kết thúc nơi Con Người-Chúa Cứu Thế, khi thời gian đã được viên mãn. Chúa Cứu Thế là biến cố lịch sử duy nhất của vũ trụ, và của nhân loại. Bởi vậy, theo Thiên Chúa Giáo, Lịch Sử Cứu Độ cũng giống như tấn tuồng mà Thiên Chúa là Tác Giả: nguyên nhân mở màn, các biến cố, các diễn viên, và cuối cùng kết thúc nơi Chúa Cứu Thế.

Hơn nữa, ý niệm về Lịch sử liên quan với ý niệm về Bản vị, Ngôi vị, Nhân vị. Hai quan niệm này đi liền với nhau. Thần học Thiên Chúa giáo nhấn mạnh ý niệm Ngôi Vị của Thiên Chúa, nên cũng diễn giảng sâu rộng về việc Thiên Chúa can dự vào các biến cố của dòng lịch sử nhân loại. Vũ trụ càn khôn, kể cả nhân loại, không phải do một thế lực hay một luật lệ khắc nghiệt, vô-bản vị điều động một cách tiền định, nhưng do một Thiên Chúa, như một người Cha đầy tình thương dẫn dắt nhân loại tiến đến một cùng đích là được lĩnh Ơn Cứu Độ, và Giải Thoát khỏi cảnh hư nát, diệt vong.

Theo Kinh Thánh và Thần học Thiên Chúa Giáo thì Thiên Chúa, vì Tình Thương vô hạn, vô vị lợi, đã hoàn toàn tự ý muốn cứu độ hết mọi người, không trừ một ai (coi 1 Tim 2:1-6 và Mt 26:28, Mk 10:45, Rom 11:31, Mat 23:27, Lk 19:41). Kinh Tin Kính có câu : “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người (Chúa Giêsu Kitô ) đã từ trời xuống thế…”. Do đó, chẳng những Chúa Kitô chịu chết để chuộc tội cho các tín hữu, cho những ai đã được Ân Huệ nhận biết Chúa, nhưng cho hết mọi người ngoại giáo, lạc giáo, vô thần, tất cả những ai đứng ngoài Hội Thánh cũng được Thiên Ân đủ để lĩnh Ơn Cứu Độ.(96)

Tại sao ý niệm “lịch sử” được nhấn mạnh trong chương trình Cứu Độ ? Vì Chúa muốn cứu độ mọi người và Ân Huệ Cứu Độ của Chúa phải được thực hiện một cách cụ thể trong Lịch Sử của nhân loại. Lịch sử Cứu Độ, theo nghĩa tổng quát, bao gồm tất cả những kinh nghiệm về Cứu Độ, Giải Thoát của nhân loại từ xưa tới nay, từ thời trước Chúa Cứu Thế ra đời, và những kinh nghiệm của các tôn giáo ngoài Thiên Chúa Giáo. Những kinh nghiệm tôn giáo đó như chuẩn bị cho một biến cố độc nhất, vĩ đại nhất là sự xuất hiện của Chúa Cứu Thế trong lịch sử nhân loại. Do đó, loài người hi vọng đón nhận Hồng Ân Cứu Độ trong lịch sử, và Ân Huệ Cứu Độ đó mang tính chất lịch sử vì được ban xuống khi thời gian đã viên mãn. Có thể nói một cách tổng quát, toàn thể lịch sử, tôn giáo cũng như thế tục của nhân loại đều được sửa soạn để đón nhận Thiên Ân Cứu Độ. Bởi đó, Lịch Sử là Thiên Ân, Thiên Ân là Lịch Sử! Thật vậy, ta nhận thấy biết bao Ân Huệ mà Đấng Tạo Hóa ban cho thế giới này. Chẳng hạn, sự duy nhất của giống người, dầu khác mầu da chủng tộc. Theo triết gia và nhà cổ sinh vật học Teilhard de Chardin, mỗi người có “cái khiếu về hiện hữu” (le gout de l’être, the taste for being). Năng khiếu này là một Ân Huệ Chúa ban để giúp ta cảm nghiệm được sự hiện hữu, hiện diện của Chúa trong các sự vật. Thần Linh không ở ngoài lãnh vực nhân sinh, nhân sự, nhưng ở khắp mọi nơi. Nhờ năng khiếu biết cảm nghiệm sự Linh Thiêng, con người có thể nhìn thấy ánh sáng Thần Linh chiếu qua các vật hiện hữu. Bởi đó, nhiều sử gia đã nhận thấy sự trùng hợp kỳ diệu của các nền triết học, tôn giáo đông -tây xuất hiện đồng thời vào thế kỉ thứ 6 thứ 5 trước khi Chúa Cứu Thế mở đầu một kỉ nguyên mới. Bên tây phương, ở Hilạp, có Héraclite (535-475), Pythagore (570-496), Plato (428-348), Socrates (470-399), Aristotle (384-322); bên đông phương, vào thời Xuân thu (772-481) có Khổng Tử (khoảng 552 và 479) và Lão Tử (khoảng 570 và 490); bên Ấn độ, có Siddhartha Gautama tức Phật Thích Ca (khoảng thế kỉ 6). Các nền văn minh cổ thuộc miền Cận đông, Tiểu Á, Ai cập, các đế quốc Hi lạp, La mã kế tiếp nhau… tất cả như để chuẩn bị cho ngày quang lâm, giáng thế của Chúa Cứu Thế. Ngài đến để hiệp nhất các nền văn hóa, văn minh, và triệu tập toàn thể nhân loại vào một mối (coi Chú thích: Bản lược đồ: Lịch sử đạo đời đồng qui về Chúa Cứu Thế).

2. Lịch Sử của Dân Tộc được Tuyển Chọn

Như vừa trình bày ở trên, đó là Lịch Sử Cứu Độ theo nghĩa tổng quát. Dưới đây, ta sẽ tìm hiểu Lịch Sử Cứu Độ chính thức hay đặc biệt. Để thực hiện việc Cứu Độ nhân loại, Thiên Chúa đã đặc biệt tuyển chọn một dân tộc, là dân Do thái, để chuẩn bị kĩ càng hơn cho biến cố độc nhất vô nhị: Chúa Cứu Thế là Con Thiên Chúa giáng trần. Lịch Sử Cứu Độ đặc biệt này bắt đầu khi Thiên Chúa ký kết một Giao Ước (Covenant) với Tiên tri Maisen (Moses), vị Lãnh đạo dân Do thái. Thiên Chúa đã muốn dùng Giao Ước lịch sử, đặc biệt ký kết với dân tộc nhỏ bé, làm phương thế để đạt tới cùng đích phổ quát là kết nạp tất cả mọi người về cùng Chúa, nhờ Con Thiên Chúa giáng thế làm Người. Do dó, có thể nói, “LỊCH SỬ CỨU ĐỘ” đặc biệt này là một giai đoạn lịch sử đặc biệt xuất phát tự dòng Lịch Sử Cứu Độ phổ quát, vì trong Cựu Ước (Old Covenant, Old testament) cũng đề cập đến Nguyên nhân Cứu Độ và lòng mong đợi một Vị Cứu Tinh, chẳng những cho dân tộc được tuyển chọn để chuẩn bị là dân Do thái, mà còn cho toàn thể nhân loại nữa!

a. Giao Ước là gì ? Tại sao gọi là Cựu Ước, Tân Ước?

Chữ “Giao Ước” dùng trong Kinh Thánh dựa theo kiểu mẫu khế ước mà các dân tộc cổ thường kí kết giữa vị quân vương và các chư hầu. Do đó, danh từ Giao Ước( Covenant) bao hàm ý nghĩa hai bên trao đổi lẫn nhau. (Danh từ “Testament”, nghĩa là “tờ chúc thư” (last will and testament), không diễn tả yếu tính của sự Giao Ước là trao đổi giữa đôi bên). Khi Giao Ước tại núi Sinai được kí kết, thì một bên là “Yahweh” hứa sẽ yêu thương và bên kia, dân Do thái cũng phải đáp lại, bằng sự phục tùng và trung thành. Khi làm lễ ký Giao Ước, thì giết thú vật, lấy máu để tế. Đó là Giao Ước thời xưa, gọi là thời Cựu Ước ( Old Covenant, Old Testament). Từ khi Con Thiên Chúa giáng thế làm Người, thì Hồng Ân Cứu độ của Chúa cũng được gọi là một Giao Ứớc, Giao Ước Mới, Tân Ước (New Covenant, New Testament ), vì một bên là Chúa ban Hồng Ân Cứu độ, bên kia là nhân loại được cứu rỗi nhờ lòng tin vào Chúa Cứu Thế (coi Heb 7-10). Trong thời Tân Ước, không dùng máu súc vật khi giao kết, nhưng nhờ Máu Chúa Giêsu Kitô đã đổ ra trên Thập Giá để cứu chuộc (Mk 14:24, Lk 22:20, 1 Cor 11:25).

b. Hợp Nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước

Toàn bộ Kinh Thánh được chia ra Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước gồm nhiều tập sách nhỏ mà nội dung là những sự kiện và những lời tiên tri, tiên đoán về sự xuất hiện của một Mashiah sẽ đến để thiết lập Vương Quốc Thiên Chúa. Các vị Tiên tri, là những Phát ngôn viên ( Prophets) được Thiên Chúa soi sáng, chỉ dẫn để rao giảng, dạy đỗ, cảnh cáo dân chúng biết trung thành tuân giữ lời Giao ước, vì Nước Thiên Chúa đang tiến lại. Tân Ước là những tập sách ghi lại những Lời rao giảng của chính Chúa Cứu Thế. Ngài là Lời Giao Ước đã dược thực hiện. Ngài chính là Lời (Verbum, Word) Thiên Chúa hóa thành Huyết Nhục, thành Người, và cư ngụ giữa chúng ta (Jn 1:14 ), vì Nước Thiên Chúa, tức là Hồng Ân Cứu độ đã kề bên. Hãy tỉnh ngộ, hối cải và tin vào Tin Mừng Cứu độ (Mk 1:15). Do đó, Cựu Ước và Tân Ước không phải không liên quan với nhau. Có thể nói, Cựu Ước và Tân Ước là một, vì Cựu Ước dọn đường, tiên đoán những điều sẽ thực hiện trong Tân Ước, khi thời gian viên mãn đến .

c. Cựu Ước Tiên Báo về Tân Ước

Vì tính chất duy nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước, như vừa trình bày ở trên, và vì có bàn tay Thiên Chúa Quan Phòng điều khiển, hướng dẫn lịch sử, nên một số nhân vật và biến cố xuất hiện trong Cựu Ước, được Chúa dùng làm điềm tiên báo, làm hình bóng tượng trưng, tiên trưng (type) cho biến cố và nhân vật sẽ đến trong thời Tân Ước. Chẳng hạn, Tiên tri Maisen là “tiên trưng” cho Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu đã dùng sự tích “con rắn đồng” trong Cựu Ước để làm hình bóng, tiên trưng cho sự kiện lịch sử trong Tân Ước, là chính “cây thập giá” của Chúa Giêsu Kitô. (coi Numbers 21:4-9, Wisdom 16:5 và Jn 3:14-15).

_ Ông Adong và Bà Evà, nguyên tổ của nhân loại, vì phạm tội bất phục tùng chống lại Thiên Chúa, gọi là Tội Nguyên Tổ, nên hết thảy dòng dõi con cháu đều mất ân nghĩa với Thiên Chúa. Do đó, nhân loại cần Hồng Ân Cứu độ để chuộc lại lỗi xưa (coi Genesis 3). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu Kitô được gọi là “Adong mới”, vì Ngài đã Chuộc tội cho nhân loại và nhờ Ngài mà nhân loại được “sinh lại” trong tình nghĩa với Thiên Chúa (coi Rm 5:12-20, Jn 8:37-59).

_ Sau khi Adong_Evà phạm tội, bản tính nhân loại ra hư hỏng đồi bại, các thứ tội ác tràn ngập mặt đất, nên Thiên Chúa đã khiến Lụt Hồng Thuỷ tiêu diệt những kẻ gian ác, trừ gia đình ông Noe được cứu sống vì ở trong một chiếc tàu. Sau này, “chiếc tàu Noe” được coi là tiên trưng cho Hội Thánh do Chúa Cứu Thế lập ra để cứu vớt những ai đang chìm đắm trong tội lỗi.

_ Thiên Chúa đã kêu gọi Abraham đi đến một miền Đất Hứa mới lạ. Ông đã vâng phục và tin tưởng vào Chúa. Yahweh cũng đã hứa sẽ cho dòng dõi con cháu ông thành một dân lớn. Qua bao thử thách, đau khổ, ông vẫn luôn tin tưởng vào Chúa. Vì thế, Abraham được làm Tổ phụ của dân Do thái (coi Genesis 12). Thời Tân Ước, ông được tước hiệu là “Cha của những kẻ tin”, vì các tín hữu tin Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đã giáng thế như lời Chúa hứa (coi Hebrew 11:8-20). Do đó, ai có đức tin là thuộc dòng dõi, không phải huyết nhục nhưng tinh thần của Ông .

_ Khi dân Do Thái làm nô lệ ở Ai cập thì Yahweh sai Ông Maisen (Moses) làm vị lãnh đạo cuộc giải phóng. Ông đã đưa dân vượt qua Biển Đỏ, thoát ách nô lệ, tiến sang bờ tự do (coi Exodus 14:15-30). Sau dó, trong thời gian bốn mươi năm hành hương của dân Do thái tiến về Đất Hứa, Nhà Lãnh đạo Maisen đã long trọng ký kết Giao Ước với Yahweh (coi Exodus 19:3-25 )và Chúa đã ban Thập giới ( Exodus 20:1-21). Do đó, Ông Maisen, lãnh đạo dân Do thái trong công cuộc giải phóng, được coi là hình bóng tượng trưng khá rõ ràng ám chỉ Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, Thiên Chúa đã sai Con một Ngài xuống thế gian để giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi và rao giảng luật yêu thương .Nhờ máu đổ ra trên Thánh Gía, Ngài đã ký một Giao Ước mới, một Tân Ước với Thiên Chúa. Ai tin Ngài là Chúa Cứu Thế và chịu Phép Rửa tội (tiên trưng là hành động vượt qua Biển Đỏ) thì trở thành người tự do, thoát ách nô lệ tội lỗi và được làm con Thiên Chúa (coi Jn 1:17). Qua phép Bí Tích Rửa Tội, chất liệu “nước” ám chỉ “Ân Sủng” thiêng liêng Chúa ban để thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi tội khiên nhờ lòng Tin vào sự Cứu Độ của Chúa Cứu Thế.

_ Vua Đavít sống vào khoảng một ngàn năm trước Chúa Cứu Thế. Ông đã được xức dầu phong vương (coi Samue l1 16:11-13). Lịch sử đã ghi lại nhiều chiến công oanh liệt và một vương quốc rộng lớn. Trong Tân Ưóc, Chúa Cứu Thế được gọi là “Con vua Đavít “. Theo gia phả thì Chúa Cứu Thế sẽ sinh ra bởi dòng họ vua Đavít (coi Mt 1:1, Lk 1:32, 69 và Mt 22:41-46 ).

_ Còn khá nhiều những hình bóng tuợng trưng khác mà thời Cựu Ước dùng làm “tiên trưng” ám chỉ thời Tân Ước, hoặc chính Chúa Giêsu cắt nghĩa, hoặc do các Thánh Giáo Phụ giảng giải, để minh chứng sự duy nhất của Cựu Ước và Tân Ước. Trong Thánh Lễ Misa, phần Phụng vụ Lời Chúa, các bài đọc trích ra trong Cựu Ước thường có nội dung tương xứng với ý nghĩa của bài đọc Phúc Âm trong Tân Ước, theo nguyên tắc Cựu Ứớc dọn đường hay tiên báo cho những sự kiện xẩy ra trong thời Tân Ước. Do đó, trong những mùa Phụng Vụ quan trọng như mùa Giáng Sinh, mùa Chay, ta được nghe những bài “Sấm ký” của các vị Đại Tiên Tri thời Cựu Ước như Isaia, Ezechiel, Jeremia,… loan báo trước về sự giáng thế làm Người, về việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, về cuộc tử nạn bị đóng đinh trên thập gía và sự sống lại vinh hiển của Chúa Cứu Thế, Mashiah. Bởi vì, như lời Chúa Giêsu Kitô xác nhận, Ngài đến để thực hiện, hoàn thành những lời tiên tri đã loan báo (coi Jn 19:30): “Mọi sự đã hoàn tất”. Trong khi giảng thuyết, suy niệm và đọc Kinh Thánh, người ta vẫn có thể khám phá ra một cách lý thú, sự tương xứng lạ lùng giữa những hình bóng trong Cựu Ước, làmtiên trưng” và những sự kiện xẩy ra sau này trong Tân Ưóc. Nhưng khi so sánh, ta phải dựa theo nguyên tắc cắt nghĩa Kinh Thánh của Giáo Hội, và phải có thái độ thận trọng, chừng mực!

3. Lịch Sử Đạo và Đời đều Qui Hướng về Chúa Cứu Thế

Đọc Kinh Thánh, ta thấy “Lịch Sử Cứu Độ” bao gồm nhiều biến cố, nhiều thánh nhân, nhiều tiên tri để dạy dỗ, truyền lệnh hay cảnh cáo dân Chúa chọn (dân Do thái). Đến thời gian viên mãn, đã ấn định, Thiên Chúa đã tự mặc khải, “tự-thông-truyền” (Self-Communication) chính Ngài nơi Chúa Cứu Thế. Đây là một biến cố lịch sử độc nhất trong lịch sử cứu độ, và lịch sử của nhân loại. Tất cả vạn sự vạn vật đều vận chuyển theo một chiều hướng là qui tụ lại nơi Chúa Cứu Thế như Tâm Điểm và Tuyệt Đỉnh của vũ trụ.

Kinh Thánh đã ghi nhận những lời tiên tri loan báo về sứ mệnh, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Cứu Thế (coi Isaia 7:14, 35:4-7, 53:2-7, 61:1-2). Trên thập giá, sau khi đã hoàn tất sứ mệnh cứu độ nhân loại mà các tiên tri đã loan báo, Chúa Cứu Thế đã phán lời sau cùng: “Mọi sự đã hoàn tất”, nghĩa là tất cả dòng lịch sử cứu độ, lịch sử nhân loại đã tuôn chảy về một cội nguồn Cứu Độ (coi Gioan 19:30). Dòng Lịch Sử không tuôn chảy một cách “vô định”, “vô bờ bến”, nhưng phải qui hướng và hiện thực nơi Chúa Cứu Thế. Đó là ý nghĩa của ngày “Chung Thẩm” (eschatology) đã đến, thời của Cựu Ước đã hoàn thành sứ mệnh chuẩn bị và loan báo. Từ nay, Chúa Cứu Thế Phục Sinh vinh hiển khai nguyên một Giao Ước Mới, tức thời Tân Ước.

C. Thiên Chúa Nhập Thể để Chuộc Tội cho
Nhân Loại

Sau khi ngược dòng Lịch Sử Cứu Độ để tìm ra chiều hướng và mục đích của con Đường Cứu Độ là dẫn ta đến Chúa Cứu Thế, ta sẽ đi sâu vào chính mầu nhiệm Cứu Độ, đó là sự kiện lịch sử: “Vị Thiên Tử” đầu thai giáng thế làm Người, hy sinh mạng sống, chịu chết, để Chuộc Tội thay cho nhân loại. Do đó, những câu hỏi cần giải đáp như: muốn được hạnh phúc trường sinh, nhân loại có cần đền tội đã phạm không? Tại sao nhân loại không thể “tự cứu” lấy mình được? Ai sẽ thay thế để đền bù tội lỗi cho nhân loại? Muốn hưởng Hồng Ân Cứu Độ, mỗi người chúng ta có cần phải “cộng tác” với Thánh Sủng, từ bỏ tội lỗi và canh tân đời sống không?

1. Sự Cần Thiết của Công Cuộc Chuộc Tội

Như đã nhận định ở trên, đời là “bể khổ”, con người sống trong khắc khoải lo âu, nên cần được cứu thoát. Nguyên nhân cúa sự đau khổ là tội lỗi! Tội Nguyên Tổ của Adong- Evà truyền lại cho con cháu, và các tội cá nhân phạm. Nếu không sạch tội thì không thể sống bình an hạnh phúc được. Nhưng TỘI là gì,”ghê gớm”thế nào, đến nỗi làm ta mất Phúc Trường Sinh?

a. Thập Giá Chúa Kitô

Theo Thần học Thiên Chúa Gíáo, Tội (Tội Nguyên Tổ và tội cá nhân) là một hành vi, một quyết định tự do chống lại lề luật của Chúa, từ chối không chấp nhận Thiên Ân do Tình Thương của Chúa, hoàn toàn tự do ban cho. Đây là một trọng tội vì là một hành động quyết liệt đối nghịch với Thánh Ý Chúa. Chữ Thiên Ân (Hồng Ân, Ân Sủng, Ân Huệ…) dịch nghĩa chữ “Gratia” (Latinh) hay “Charis” (Hylạp). Theo định nghĩa, Thiên Ân là Ân Sủng siêu nhiên, cho phép nhân loại tham dự vào Thần Tính của Thiên Chúa, trở nên đồng-thừa-tự với Chúa Cứu Thế là Con Thiên Chúa, được hưởng Tôn Nhan Chúa, diện đối diện, trong cõi Phúc Trường Sinh. Gọi là Siêu Nhiên vì bản tính tự nhiên của loài thụ tạo không có quyền đòi hỏi, nhưng do Thánh Ý Chúa hoàn toàn tự do ban cho. Hồng Ân này được Chúa ban cho nhân loại ngay cả trước khi phạm tội. Thời kỳ ấy gọi là thời “Công chính nguyên thuỷ” (Original justice). Sau khi con người phạm tội, Chúa vẫn tự ý ban Hồng Ân Siêu Nhiên để siêu hóa và tha thứ cho nhân loại, hoàn toàn cậy nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa luôn luôn muốn ban Hồng Ân cho mọi người, mọi nơi, mọi lúc, nhưng Ân Sủng đó phải lệ thuộc vào “biến cố lịch sử” là Chúa Giêsu Kitô Nhập Thể và vào Hội Thánh như “Nhiệm Thể Chúa Kitô” (Church as mystical Body of Christ). Do đó, chỉ nhờ đời sống, sự chết của Chúa Giêsu Kitô mà nhân loại được tha tội, được chuộc tội, và hy vọng đưọc hưởng Phúc Trường Sinh. Do đó, “Thập Giá Chúa Kitô” trước sau luôn là căn nguyên của việc Chuộc Tội cho thiên hạ, vì Thiên Chúa hằng muốn ban Hồng Ân Cứu Chuộc, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô.

b. Con Người Cần Hợp Tác với Thiên Ân Cứu Độ

Như đã bàn luận ở trên, Hồng Ân Cứu Độ có tính chất Siêu Nhiên, nên theo bản tính tự nhiên của loài người, chúng ta không có quyền đòi hỏi, nhưng hoàn toàn do Thiên Chúa tự ý ban cho. Ta cũng nhận thấy Tội của nhân loại nặng vô cùng, vì cả dám chống lại Thánh Ý Chúa, và khước từ Ân Huệ Siêu Nhiên ấy. Do đó, nhân loại không thể tự cứu lấy mình được (“Tự độ”), vì bản tính nhân loại hữu hạn, vì tính chất và sự cần thiết của việc Cứu Độ cao sâu vô cùng. Thật vậy, Cứu Độ, Chuộc Tội là Hồng Ân Siêu Nhiên hoàn toàn do Chúa ban, vượt hẳn khả năng hữu hạn của loài thụ tạo. Vả lại, Tội là chối bỏ Tình Thương vô biên của Chúa thì làm sao loài người hèn hạ có thể yêu mến đền đáp cho cân xứng được? Có gì bảo đảm chắc chắn là ta sẽ không bao giờ phản bội lại Chúa nữa? Dĩ nhiên, muốn được lĩnh Hồng Ân Cứu Chuộc, ta phải cố gắng hợp tác với Ân Huệ của Chúa để thực hiện. Những nỗ lực để đạt tới Giải Thoát là những biểu lộ, thái độ cần thiết, nhưng không phải là yếu tính của việc Chuộc Tội, tức là làm sao có thể đền Tội cho cân xứng để được Chúa tha Tội, và cho hưởng Phúc Trường Sinh. Không hết Tội thì con người vẫn triền miên trong Đau Khổ .

2. Chúa Nhập Thể để Chuộc Tội

Ta đã nhận định việc tha Tội để nhân loại có thể hưởng Tôn Nhan Chúa trên cõi Phúc Trường Sinh, và cách thức để lĩnh nhận Hồng Ân Cứu Chuộc, hoàn toàn do sáng kiến của Chúa mà thôi (coi Eph 1:3-23), lại phải cậy nhờ công nghiệp của Con Thiên Chúa giáng thế làm Người, chính là Chúa Giêsu Kitô lịch sử (coi Heb 10:5-9, Phil 2:5-11).

Nhưng Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô lịch sử có phải là “kẻ xa lạ”, không liên hệ gì tới vận mệnh của nhân loại sao? Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu tạo thành vũ trụ càn khôn, nên mọi loài mọi vật đều lệ thuộc vào Ngài mà có. Thiên Chúa không “xa lạ”, nhưng rất gần với ta vì Ngài là căn nguyên của hiện hữu. Vì Tình Thương vô biên, Ngài đã dựng nên ta, lại cứu độ ta. Nhân loại phạm tội. Cũng do Tình Thương vô cùng ấy, Thiên Chúa đã sai Con Ngài giáng thế làm Người, mặc lấy xác phàm để đại diện cho nhân loại, dâng lễ hy sinh đền tội. Đó là giáo thuyết về Thiên Chúa Nhập Thể (Incarnation) để Chuộc Tội cho nhân loại (Rom 5:12-21, 1 Cor 15:45).

a. Nhiệm Hợp là gì? (Hypostatic Union)

Nhân loại phạm trọng tội đáng luận phạt đời đời, lại vì bất lực, nên cần đến một vị làm Trung gian Hòa Giải giữa Thiên Chúa và loài người. Nếu vị Trung gian đó không phải là Thiên Chúa thì không thể yêu mến Thiên Chúa một cách tương xứng được; nếu vị Trung gian đó không phải là Người thật thì không thể làm đại diện cho nhân loại được. Do đó, ở trong Ngôi Vị ( Person) của Chúa Cứu Thế làm Trung Gian (Mediator) phải vừa có Thiên tính (divinity) vừa có Nhân tính (Humanity) nữa. Sự phối hợp giữa Thiên Tính và Nhân Tính đó, gọi là Nhiệm Hợp (Hypostatic Union) (coi 1 Tim 2:5).

b. Thiên Tính của Chúa Giêsu KiTô

Thiên Tính của Chúa Giêsu đã được Kinh Thánh minh chứng. Thánh Sử Marcô thuật lại những phép lạ Chúa làm để tỏ ra Ngài có quyền năng như Thiên Chúa, Ngài được Thiên Chúa sai đến (coi Mk 2:1-12, 3:7-12, 12:35-37). Phúc Âm do Thánh Marcô tuờng thuật được viết trước các sách Phúc Âm khác, (năm 65-70 A.D.). Thánh sử Matthêu chép Phúc Âm để độc giả gốc đạo Do Thái nhìn nhận Chúa Giêsu mà họ đã đóng đanh trên cây thập giá, là Mashiah các Tiên tri đã loan báo. Ngài giáng sinh làm Người, thụ thai một cách lạ lùng trong lòng Trinh Nữ Maria (Mt 1:18-21). Ngài gọi Thiên Chúa là Cha và xưng mình là Con (Mt 11:25-27). Thánh sử Luca viết Phúc Âm để giới thiệu Chúa Cứu Thế cho các dân tộc khác. Ngài được mô tả như một vị Cứu Tinh nhân loại, đầy lòng nhân ái (Lk 15:11-32). Ngài là KYRIOS, là CHÚA của Vua Đavit (Lk 20:41-44). Thánh Sử Gioan viết Phúc Âm thứ bốn, đặc biệt chú trọng đến Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan gọi Ngài là “LỜI của Thiên Chúa đã trở thành huyết nhục và đã sống giữa chúng ta, và chúng ta đã thấy sự vinh quang của Người, vinh quang Người nhận bởi Chúa Cha như Con độc nhất, đầy Ân sủng và Chân lý” (Jn 1:14 ). Ngài bởi Thiên Chúa mà ra, Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài hằng có từ trước vô cùng. Nhờ Ngài mà vạn vật được hiện hữu (Jn 1:1-18). Ngài đồng bản tính với Thiên Chúa. “Ta và Cha Ta là Một (Jn 10:30). “Ai thấy Ta thì thấy Cha Ta” (Jn 14:9). Thánh Phaolô đã giải nghĩa về sự kiện lịch sử Con Thiên Chúa Nhập Thể như sau: “Dầu bản thể thuộc Thần Linh, Chúa Giêsu nghĩ chẳng cần bám lấy quyền bình đẳng với Thiên Chúa. Nhưng Ngài đã tự hóa ra hư vô và chuốc lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống như mọi người. Cư xử hành động như một con người, Ngài còn hạ mình hơn nữa, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá! Bởi đó, Thiên Chúa đã vinh thăng Ngài và ban cho Danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe Danh thánh Chúa Giêsu, vạn vật trên trời, dưới đất, trong hỏa ngục, đều quì lậy, mọi ngôn ngữ đều tuyên xưng “Chúa Giêsu Kitô là CHÚA (Kyrios), vinh hiển của Thiên Chúa Cha” (Phil 2:6-11). Lạc giáo của Nestorius đã chối bỏ Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô, nên đã bị Đại Công Đồng họp tại Ephesus luận phạt năm 431.

c. Nhân Tính của Chúa Giêsu Kitô

Chúng ta đã biết, Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, Tuyệt Đối, Siêu Việt, vô hình vô tượng, ta không thấy, không hiểu biết được. Chỉ khi nào Thiên Chúa mặc khải, bộc lộ bản tính Ngài ra thì ta mới biết mà thôi. Vì thế, Thánh sử Gioan đã dùng danh từ “LỜI” (LOGOS) để chỉ Chúa Giêsu Kitô khi Nhập Thể, vì Ngài chính là “Lời của Thiên Chúa” nói ra cho nhân loại được nghe biết Tình Thương vô biên và Ý định Cứu Độ của Chúa (Jn 1:18 ). Vì có Thiên Tính, Ngôi Lời Thiên Chúa hằng có từ trước vô cùng (pre-existence), nhưng khi Nhập Thể, đã kết hợp với Nhân Tính của một con người giống như chúng ta, trừ tội lỗi. Do đó, ở nơi Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, có hai bản tính: Thiên tính và Nhân tính (coi Công Đồng Chalcedon năm 451). Không phải Ngài chỉ có bóng dáng người như “bóng ma”, nhưng là “người thật”, nghĩa là có xác hồn, ý chí và hành động tự do, ý thức về thân phận của loài thụ tạo phải tôn thờ và vâng phục Thiên Chúa. Nếu Đấng Cứu Thế không phải là “người thật”, làm sao Ngài có thể “đại diện” cho nhân loại để chuộc tội được. Ngài là “người thật” để làm gương cho ta noi theo bắt chuớc, và để thông cảm với mọi nỗi khó khăn của kiếp người (Heb 4:12-16). Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để, nhờ Thiên Tính, phá hủy tội cho nhân loại và chỉnh đốn lại con người nên giống hình ảnh Chúa .Vì thế, Thánh ÂucơTinh viết: “Con Một Thiên Chúa trở thành con người để cho con người trở nên con Chúa” (Sermon 194:3-4). Qua Lịch sử Cứu Độ, lòng khoan dung đại lượng tha thứ của Chúa đã đạt tới cực điểm nơi Chúa Giêsu Kitô và do đó, quyết định không thay đổi nữa: Thiên Chúa đã chấp thuận cứu chuộc cả vũ trụ và nhân loại như một toàn thể, mặc dầu tội lỗi bất toàn. (Heb 2:11, Rom 8:29). Vũ trụ này nhờ Ngôi Lời mà có, thì cũng nhờ Ngôi Lời Nhập Thể mà được chuộc tội. Nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Hồng Ân Hòa giải với Chúa được ban cho mọi người không trừ ai (2 Cor 5:18, Col 1:21, Jn 3:16). Lạc giáo Arius, năm 315, và lạc giáo Apollinarius, năm 360, vì không công nhận Chúa Giêsu Kitô có đầy đủ nhân tính, nên đã bị Công Đồng luận phi (coi Công Đồng Nicaea năm 325).

d. Ý Nghĩa cái Chết của Chúa Giêsu

Để đền tội nhân loại, sự Công Bằng vô cùng của Chúa muốn đời sống theo bản tính nhân loại của Con Chúa phải hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Chúa, dầu phải chấp nhận cái chết (Jn 10:17, Mk 10:45, Heb); nhờ vậy, Chúa nhìn nhận đó là một lễ hy sinh đền tội thay cho cả nhân loại cùng liên đới với nhân tính của Chúa Giêsu (Thánh Phaolô, Phil 2:5-11). Khi xưa, Thủy Tổ của nhân loại là Ông Adong và Bà Evà, đã cả dám chống lại Mệnh Lệnh của Chúa, thì muốn đền bù một cách cân xứng, chính Chúa Cứu Thế, vừa có Thần Tính, vừa có nhân tính để “đại diện” cho loài người, đã hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Chúa, dầu phải hy sinh mạng sống.

Tới đây, ta trở lại vấn đề then chốt: Thiên Chúa có thể dùng nhiều thể cách để cứu chuộc nhân loại, nhưng Ngài đã chọn một biến cố lịch sử độc nhất làm nguyên nhân phát sinh Hồng Ân Cứu Độ. Lịch sử nhân loại là tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận thời điểm viên mãn đó để hoàn tất việc Cứu chuộc. Nên giây phút lịch sử trọng đại độc nhất đó vừa là nguyên nhân vừa là hiệu quả của Hồng Ân Cứu Độ .

Câu hỏi quan trọng khác: tại sao chính cái Chết và cuộc Khổ hình của Chúa Giêsu đã đền tội và chuộc tội cho thiên hạ? Ý nghĩa cái Chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá là gì? Ý nghĩa cái chết của mỗi người chúng ta là gì? Ta biết Thiên Chúa vì Tình Thương vô hạn đã tự ý muốn cứu độ ta, đó là biến cố lịch sử Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cũng cần mỗi người đáp ứng thì Hồng Ân Cứu Độ mới hoàn thành như lời Thánh ÂuCơTinh nói: Khi tạo dựng nên ta, Chúa không cần ta (ý kiến ta), nhưng khi cứu chuộc ta thì cần ta (đáp ứng). Do đó, chỉ lúc chết mới biết một cách quyết liệt và dứt khoát, ta có tin, và chấp nhận Hồng Ân Cứu Độ hay là từ chối. Chết ở đây hiểu nghĩa là một hành vi do cá nhân tự do quyết định chấp thuận. Chẳng hạn, dầu bị khổ hình tra tấn, tù tội…, cuối cùng bị chém chết, các vị Tử đạo vẫn cương quyết tuyên xưng Đức Tin. Cái Chết anh hùng đó là một hành vi tự do của sự Trung Tín! Phần Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ngài đã tự ý chấp nhận bị bắt, chịu khổ hình, và CHẾT trên thập giá để tỏ ra hoàn toàn vâng phục, yêu mến và thực thi Ý Chúa. Cho nên, nhờ cái Chết đó là một hành vi Hy Sinh cao cả, là một Lễ Vật giá trị vô cùng mà Thiên Chúa đã tha tội và Hòa Giải lại với toàn thể nhân loại và vũ trụ. Chính hành vi tự khiêm, hạ mình cùng tột như Hư Vô, Kinh thánh gọi là Kenosis (Diệt tính), để vâng phục Thánh Ý Chúa mà nhân loại được chuộc tội và được cứu độ (Phil 2:6-11).

D. Lĩnh Nhận Thiên Ân Cứu Độ

Hồng Ân Cứu Độ gồm hai phương diện, khách quan và chủ quan. Khách quan là biến cố lịch sử Con Thiên Chúa giáng thế làm Người, chịu chết chuộc tội cho thiên hạ. Chủ quan là việc mỗi người chúng ta có tự do chấp nhận Hồng Ân đó hay từ chối. Hồng Ân Cứu Độ vẫn có sẵn, ngay cả trước khi ta nhận lĩnh. Do đó, không có vấn đề Tiền Định (Predestinationism), vì Chúa hằng muốn ban Hồng Ân ấy cho hết mọi người (coi 1 Tim 2:4, D 397, 723). Hết mọi người, nếu Tin, sẽ được cứu rỗi. Hồng Ân Cứu Độ là Ân Huệ siêu nhiên vượt khả năng của loài người. Ta không có quyền đòi hỏi. Nhưng cần ta tự do cộng tác thì Chúa mới nâng đỡ ta. Trước sau, lúc nào ta cũng cần Chúa giúp sức, vì không có Chúa, ta không thể làm gì được. Trên con đường đi tìm Chúa, dầu đã gặp được Ngài, ta vẫn còn cần Ơn Chúa phù trợ. Nếu ta thực tâm sửa đổi đời sống, tránh xa tội ác, cố gắng đi tìm Chúa thì Chúa sẽ giúp ta gặp được Ngài: “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân”. Nói rằng: cần ta “cộng tác”, nhưng không có nghĩa là Chúa làm một nửa, ta làm một nửa, như thuyết Synergism (đồng lực) chủ trương. Thực ra, năng lực của con người cộng tác để được cứu độ và việc thúc đẩy năng lực đó thực hiện, tất cả đều là Ân Huệ Chúa ban mà thôi. Lúc nào cũng cần Chúa phù trì nâng đỡ ta, vì không có Chúa, ta không thể làm gì được. Do đó, cần Ân Huệ Chúa giúp, ta mới được Cứu Độ, nhưng ngay cả lúc ta cộng tác, đáp lại Thiên Ân Chúa ban, ta vẫn còn cần Ân Huệ của Chúa nữa!

Sau đây là một số điều kiện cần thiết, để chuẩn bị tâm hồn đón nhận Thiên Ân Cứu Độ:

1. Tin Vào Chúa Và Hãy Tự Tín

Muốn Chúa ban Ân Sủng, ta cần phải có Thiện Tâm, nghĩa là ta phải Tin tưởng vào Chúa. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa đã dựng nên ta cho có, chắc hẳn Ngài vẫn hằng chăm sóc bảo trợ và dẫn dắt ta trên con đường đi tìm Hạnh Phúc Trường Sinh. Nhìn ngắm vũ trụ xinh đẹp, điều hòa: bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, tuyết phủ, mưa rơi, hoa trái sum suê… như tục ngữ ca dao có câu:

“Lạy Trời mưa xuống,

lấy nước tôi uống,

lấy ruộng tôi cày,

lấy bát cơm đầy,

lấy khúc cá to”.

“Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, “Trăm sự nhờ Trời”. Những câu ca dao ngạn ngữ đó nói lên lòng tín ngưỡng của dân chúng vào sự An bài, Quan Phòng của Thiên Chúa. Bông hoa sớm nở, tối tàn mà còn được săn sóc như thế, huống chi con người cao quí hơn vạn vật vì có hồn thiêng bất tử. “Nhân linh ư vạn vật”. Nhờ niềm Tin nơi Đấng Thượng Đế mà nhân loại thêm tự tín, tin tưởng vào chính giá trị và địa vị của mình trong trời đất. Dầu lầm than khổ sở, con người vẫn cố gắng vươn lên vì tin tuởng vào sự trợ giúp của Chúa. Do dó, tinh thần tự tín của ta bắt nguồn tự niềm Tin vào vị Chủ Tể vũ trụ luôn ân cần chăm sóc ta.

Vì Tin vào Chúa An Bài hằng muốn thi ân giáng phúc cho ta và vì hy vọng vào lượng từ bi vô biên của Chúa tha thứ, nên ta thành tâm thống hối tội lỗi để được ơn Cứu Độ. Đồng thời, ta phải can đảm, tự tín vào Ơn Chúa đã có sẵn trong ta, nên ta không tuyệt vọng nhưng khiêm nhượng nhìn nhận thân phận yếu đuối tội lỗi, để xin Chúa nâng đỡ (coi Lk 15:1-31). Bởi vậy, muốn lĩnh nhận Hồng Ân Cứu Độ, ta phải Tin vào Chúa và tự tín, luôn cậy trông vào Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng hằng muốn tha thứ, cứu vớt, chuộc tội cho ta .

2. Cải Tà Qui Chánh

Hồng Ân Cứu Độ của Chúa Cứu Thế vẫn có sẵn đó, chỉ mong chờ ta đón nhận. Bởi vậy, ta phải sửa soạn tâm hồn để Ân Sủng Chúa đổ tràn xuống. Ngoài việc Tin vào Chúa và tự tín, ta phải từ bỏ các tội lỗi, vì tội lỗi luôn đối nghịch với Thiên Chúa, chống lại Thánh Ý Chúa và Tình Thương vô biên của Chúa. Ta phải bỏ con đường tội lỗi để trở về với Chúa là Nguồn Mạch Sự Sống và Hạnh Phúc. Thời Cựu Ước, các Vị Tiên tri và Thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng để dân chúng thống hối tội lỗi, hầu tránh cơn thịnh nộ Chúa, và chuẩn bị tâm hồn lĩnh nhận Hồng Ân Cứu Độ vì Nước Thiên Chúa đã gần đến (Mt 3:7, Lk 3:7, Mk 1:4).

Việc canh tân đời sống “vì Nước Chúa đã gần đến” trong Kinh Thánh gọi là “METANOIA”, nghĩa là phải sửa đổi lại hoàn toàn tâm trí, và cách ăn ở cho ngay thẳng; phải ăn chay đền tội, xưng tội, và “chịu phép rửa thống hối” (Mk 1:4). Chúa Giêsu Kitô cũng dùng quan niệm “Metanoia”, nhưng nhấn mạnh vào lòng Tin nơi Thiên Chúa hơn là đe dọa luận phạt (Mk 1:15). “Metanoia” là một sự cải hóa biến đổi đời sống tôn giáo và luân lý của một người, để hoàn toàn theo Chúa hướng dẫn. Sự thay đổi quyết liệt đó thường được gọi là sự “Trở Lại” (conversion). Chẳng hạn, Thánh Phaolô Tông Đồ đã được “Ơn Trở Lại”, vì trước kia, theo Đạo Do Thái, Ông đã bắt bớ người theo Chúa Kitô, nhưng trên đường đi Damas, nhờ phép lạ, Ông đã hoàn toàn biến đổi, để trở lại với Chúa và trở nên vị Tông đồ nhiệt thành (coi Act 1:1-19). Danh từ “Trở lại” áp dụng cho các tân tòng mới gia nhập Đạo Chúa, cũng dùng để chỉ người bỏ Đạo hoặc bê trễ nguội lạnh bỏ xưng tội rước lễ…, nay “ăn năn trở lại” sốt sáng sống Đạo.

3. “Chết Cho Tội” nghĩa là gì?

Thánh Phaolô Tông Đồ, trong Thơ gửi tín hữu Rôma (6:1-14), đã giảng giải khá rõ rệt quan niệm về sự cải hóa thay đổi đời sống một cách quyết liễt từ căn bản. Ngài dùng những câu rất mạnh mẽ như: “Ta là những người đã chết cho tội…”, “Ta đã được thanh tẩy trong Chúa Giêsu Kitô, chính trong sự chết của Ngài mà ta được thanh tẩy. Nhờ thanh tẩy (Phép Rửa Tội), ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, để như Chúa Giêsu Kitô, nhờ bởi vinh quang Chúa Cha, đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng sống trong đời sống mới. Con người cũ của ta đã cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu, để thân xác tội lỗi bị hủy diệt, hầu ta hết làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Vì kẻ đã chết, thì hết tội. Nhưng, nếu ta chết với Chúa Kitô, thì ta tin rằng: ta sẽ cùng sống với Ngài, bởi biết rằng: Chúa Kitô một khi đã sống lại từ cõi chết, thì không còn chết nữa, sự chết không còn quyền hành gì trên Ngài nữa. Cái chết của Ngài là cái chết cho tội, chỉ một lần mà thôi, nhưng Ngài sống là sống cho Thiên Chúa. Tất cả anh chị em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội và đang sống cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Ước gì tội lỗi không còn ngự trị trong thân xác hư nát, khiến anh chị em chiều theo những ham muốn dục vọng của nó”. Qua bản văn trên, ta thấy chữ “chết” và “sống” đều có hai nghĩa. Theo nghĩa đen, chết là gì? Chết là không còn sống đời sống thể xác, giác quan nữa. Chết là kết liễu cuộc đời trên thế gian này, nghĩa là mất đi một cái gì quí giá nhất trên đời, đó là sự sống. Trong một tại nạn khủng khiếp như bị hải tặc cướp của, hành hạ cha mẹ, vợ con…, nhưng nếu còn mạng sống thì vẫn còn chút an ủi. Chết là bỏ lại hết mọi sự: thân bằng quyến thuộc, của cải, danh vọng, chức quyền. Theo nghĩa bóng, nghĩa thiêng liêng, “chết” là từ bỏ, tiêu diệt đời sống (luân lý) cũ tội lỗi, đoạn tuyệt với dĩ vãng xấu xa, và các dục vọng đê hèn. Dầu vẫn sống về thể xác, nhưng “chết” đối với tội lỗi, nghĩa là quyết chí chừa cải, và cam kết tin theo Chúa như gương Thánh Phao lô “trở lại”. Theo nghĩa đen, sống là gì? Sống là cuộc đời ở thế giới này, nhưng đầy tội lỗi, luôn bị dục vọng bất chính lôi cuốn. Theo nghĩa bóng, “sống thật” là kết hợp mật thiết với Chúa, ngay khi còn sống ở thế gian này. “Sống thật” là đời sống trong sạch, thánh thiện. Bởi vậy, cuộc đời tội lỗi thì dầu còn “sống” về phần xác, nhưng như “chết” về phần linh hồn. “Sống thật” là, dầu bề ngoài vẫn làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi, cư xử… như mọi người, nhưng lý tưởng và ý nghĩa đời sống thì khác hẳn. Do dó, “sống thật”, theo Thánh Phaolô, là sống theo tinh thần của Chúa Giêsu Kitô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, chính Chúa Kitô Sống trong tôi” (Gal 2:20).

Nói tóm lại, quan niệm sống, chết theo Thiên Chúa Giáo khác với ý tưởng của người đời. Sống là sống cho Chúa ngay khi còn sống ở đời này, nhất là được sống hạnh phúc vô cùng với Chúa trên Thiên Đàng. Chết là chết cho tội lỗi, là từ bỏ hoàn toàn tội lỗi, qua việc lĩnh nhận Phép Rửa tội và Tin vào Chúa Giêsu Kitô. Do đó, muốn sống thật, muốn được Cứu Độ, ta phải sống đồng hóa, hiệp nhất với Chúa Giêsu như Thánh Gioan viết: “Hãy ở lại với Thầy, như Thầy ở lại với các con” (Jn 15:4). Tình nghĩa keo sơn gắn bó đó là nguồn mạch sinh Thiên Ân Cứu Độ .

4. “Nước Trời”, “Nước Thiên Đàng”, “Nước Thiên Chúa” nghĩa là gì?

Trong Kinh Thánh, ba thành ngữ: Nước Trời hay Nước Thiên Đàng (Kingdom of heaven, reign of the heavens) và Nước Chúa (Reign of God), đều cùng một ý nghĩa. Chữ “Nước” chỉ quyền thống trị và các luật lệ do Chúa xếp đặt. Thời Cựu Ước, vì sợ “húy danh”, nên người ta không dám kêu xưng chính Danh Chúa là “ Yahweh” (God), nhưng dùng kiểu nói: “Nước Trời hay Nước Thiên Đàng” để thay thế. Trong Tân Ước, các bản văn Kinh Thánh viết bằng tiếng Hylạp, dùng chữ “Basileia”, có nghĩa là “Vương Quốc”, Vương Quyền”, là “Nước” của Thiên Chúa.

Sau đây ta sẽ tìm hiểu thế nào là “Nước Chúa” trong Nhiệm Cục Cứu Độ (Economy of Salvation)? “Nước Chúa Trị Đến” nghĩa là làm sao ?

a) “Nước Chúa” là uy quyền thống trị và ý định muốn Cứu Độ hết mọi loài thụ tạo, đặc biệt là các thiên thần và nhân loại, vì Chúa là Đấng Tạo Hóa, cai quản và ban Ân Sủng Siêu Nhiên. Hết mọi tạo vật phải lệ thuộc và phục tùng Chúa.

b) “Nước Chúa” chỉ thành lập sau ngày Tận Thế, khi Chúa phán xét vũ trụ thế giới này. Đó là “Nước Chúa” ngày Chung Thẩm (an eschatological reign of God), hoặc Nước đó đã bí mật hiện hữu như một thời đại mới (aeon). Nhưng ngày nào và lúc nào xẩy đến, ai được vào Nước đó thì không ai biết được, trừ ra một mình Chúa Cha biết mà thôi (Mk 13:32).

c) “Nước Chúa nơi trần gian” có nghĩa gì? (an earthly kingdom of God). Đó là Nước Chúa do Chúa Cứu Thế khải hoàn thành lập ở trần gian này. Nước đó là chủ đề của các bài rao giảng Tin Mừng nhằm Cứu Độ nhân loại, đặc biệt những người bất hạnh, nghèo khó, tội lỗi. Nước đó đang tới tầm tay mọi người tự do đón nhận (Mk 1:15). Việc khai sáng Nước đó thật là một Tin Mừng cho nhân loại.

Nước Chúa” do Đấng Cứu Thế khởi xướng, đang đến, đang hình thành, để thực hiện ý định cứu chuộc nhân loại. Vì thế cần sự cộng tác của những ai Tin vào Chúa Giêsu Kitô, để khuyếch trương Nước đó ngày càng thêm lan rộng. Các tín hữu phải hợp tác với Ơn Chúa giúp đỡ, để thực hiện lời hứa của Chúa Cứu Thế là xây dựng một Vương Quốc Hòa Bình, Công Bằng, Tự Do, Hòa Giải, đúng như lời cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha: “Nước Cha Trị Đến…” (Mt 6:10). Nước Chúa phải ngày thêm lớn mạnh như Dụ ngôn về hột cải: Bắt đầu từ một hột nhỏ bé, dần dà nó đã lớn lên, đâm lá cành sum suê. Nên biết rằng: hết mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước đó, được Chúa cho thừa hưởng Nước đó (Lk 12:32, 22:29). Nhưng ta phải cầu xin để Chúa ban cho, phải cộng tác với Ơn Chúa giúp đỡ, vì không có Chúa phù trợ, ta không thể làm gì được.

d) “Nước Chúa” không đồng hóa với một quốc gia nào, (Mt 8:11, 21:43), vì các nước đó chỉ tồn tại một thời gian. “Nước Chúa” cũng không đồng hóa với “Hội Thánh ở thế này”, vì Hội Thánh là hội của những kẻ tin vào “Nước Chúa sẽ đến”, sẽ chấm dứt lịch sử của thế giới. Nhưng Hội Thánh là “dấu chỉ”trước của Nước Chúa sẽ đến. Hội Thánh kêu gọi lòng Tin và sự thống hối canh tân (Metanoia) để chuẩn bị tâm hồn đón nhận Tin Mừng Cứu Độ. Hội Thánh dẫn đưa nhân loại vào Nước Chúa, vì chìa khóa “Nước Trời” được trao cho Phêrô (Mt 16:19). Hội Thánh dâng Thánh Lễ Misa như nhiệm tích tiên báo bữa tiệc “Đại Yến” trên Nước Thiên Đàng
(K. Rahner, Dictionary of Theology, các chữ: “Kingdom of God”, “Basileia”, Church).

5. Tích Cực Tham Gia Các Hoạt Động Xã Hội, Khoa Học

a) “Ở ĐỜI NÀY VÀ LÚC NÀY” “Nước của Chúa Cứu Thế” đang lớn mạnh, đang trên đà phát triển, nên ngay “ở đời này, và lúc này” (here and now, hic et nunc), các tín hữu phải cộng tác với Ân Sủng của Chúa Giêsu Hiện Hữu (tempus presens) để thay đổi hẳn đời sống của mỗi cá nhân và của xã hội nữa. Dĩ nhiên, muốn lĩnh Hồng Ân Cứu Độ, mỗi người phải canh tân đời sống riêng của mình. Nhưng vì cá nhân sống lệ thuộc vào tha nhân, vào hoàn cảnh môi sinh, kinh tế, chính trị của xã hội. Do đó, các tín hữu có bổn phận phải “Thực Hành”, (practice), sống Đạo bằng cách tham gia vào các hoạt động xã hội, kinh tế, chính trị để thay đổi các cơ cấu của quốc gia và quốc tế. Nếu guồng máy, cơ chế xã hội đầy bất công, áp bức, bóc lột thì rất khó thi hành công cuộc Cứu Độ, Giải Phóng nhân loại. Đó là những quan niệm và tôn chỉ hành động của khuynh hướng “Thần Học chính trị (Political Theology).

b) HỌC THUYẾ’T XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH “Mến Chúa, yêu người” trên lý thuyết không đủ, nhưng cần thực thi bằng những hành động cụ thể. Do đó, theo truyền thống của Hội Thánh do Chúa Cứu Thế thành lập và các Thánh Tông Đồ kế vị, công cuộc Bác Ái (Charities) như cứu trợ người nghèo đói, mở trường dạy học, mở bệnh viện, phòng phát thuốc… luôn được đặc biệt lưu tâm trong các Giáo Phận, Dòng tu, Hội đoàn. Chỉ xin đan cử một vài cơ quan Bác ái nổi tiếng quốc tế trong thời đại này như: Caritas, Viện trợ Công giáo, Dòng Chị Em các người nghèo của Mẹ Têrêsa ở Calcuta… Vì niềm Tin vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa dựng nên vũ trụ và cho con người làm chủ để khai thác mở mang, nên công cuộc thám hiểm, nghiên cứu khoa học, phát minh kỹ thuật… được tăng tiến mạnh mẽ tại các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn minh Thiên Chúa Giáo..., vì các tín hữu tin rằng: để được Cứu Độ, được thưởng trên Thiên Đàng thì phải lập công nghiệp bằng cách làm phúc bố thí. Do đó, cần phát triển khoa học, mở mang kinh tế, kiếm được nhiều tiền để làm việc Bác Ái Từ Thiện. Ngoài công cuộc khai thác trái đất, phát minh khoa học về các ngành để làm cho nước giầu dân mạnh, ngay từ buổi sơ khai, các tín đồ đã tranh đấu cho Nhân quyền, bải bỏ chế độ nô lệ. Hội Thánh phá đổ tục lệ đa thê, để xây dựng gia đình trên nền tảng “nhất phu nhất phụ”. Ngày nay, hiến pháp, luật pháp của các quốc gia trên thế giới đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Tinh Thần Phúc Âm (coi Hiến chế Mục Vụ của Hội Thánh trong thế giới ngày nay: Vui Mừng và Hy Vọng, Gaudium et Spes).(97)

Toát Lược Những Đặc Điểm

1. Thiên Chúa Giáo, là Đạo Mặc Khải, tin rằng: nhân loại tội lỗi, cần phải được Cứu Độ, mới có thể sống an vui ở đời này, và nhất là sau khi chết, được Hiệp Thông với Thiên Chúa trong Hạnh Phúc Trường Sinh Bất Tử.

2. Nhưng con người là loài thụ sinh, tương đối, hữu hạn, và vì tội lỗi lớn lao, xúc phạm đến Chúa, nên không thể tự cứu lấy mình được. Nhờ Tình Thương vô cùng của Thiên Chúa đã hoàn toàn tự ý muốn Cứu Độ nhân loại, nên đã sai Chúa Cứu Thế Nhập Thể, giáng thế để Chuộc Tội cho loài người.

3. Bởi vậy, Thiên Ân Cứu Độ là Ân Huệ hoàn toàn do Chúa ban nhưng không, nhân loại không có quyền đòi hỏi. Nhưng nếu muốn được Cứu Độ, mỗi người cần tự do đáp lại, hợp tác với Ơn Chúa ban. Tuy nhiên, vì không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được, nên trước sau và ngay trong lúc cộng tác với Thánh Sủng, luôn luôn ta cần Chúa nâng đỡ phù trì.

4. “Lịch Sử Cứu Độ” là một sự kiện tối hệ trọng trong Thiên Chúa Giáo. Quả thật, từ nguyên thuỷ, Thiên Chúa đã có một “Kế Hoạch Cứu Độ”, tức là khi đến thời gian đã ấn định, Thiên Chúa sẽ sai “Thánh Tử” Nhập Thể giáng thế, làm Người, để Chuộc tội cho nhân loại. Chính Chúa Giêsu KiTô, là Chúa Cứu Thế, là Ngôi Hai Thiên Chúa, cũng gọi là Ngôi Lời Nhập Thể.

5. Các nền văn minh, văn hoá, và lịch sử của toàn thể thế giới từ nguyên thuỷ của vũ trụ đều qui hướng, chuẩn bị cho biến cố lịch sử độc nhất vô nhị là cuộc Giáng Lâm của Vị Thiên Sai Thánh Tử, Chúa Giêsu KiTô. Dân tộc Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn để chuẩn bị một cách đặc biệt: các biến cố lịch sử, các nhà lãnh đạo, các vị tiên tri, tức là các vị Phát ngôn viên của Chúa… đều nhằm vào việc loan báo sự xuất hiện của một “Messiah”, để cứu dân độ thế. Do đó, có thể nói Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước.

6. Chúa Giêsu KiTô, Chúa Cứu Thế, chẳng những cho dân tộc Do thái, mà còn cho cả nhân loại nữa! Theo Đức tin dạy: trong Con Người Chúa Giêsu KiTô có Thiên Tính và Nhân Tính. Có Thiên Tính, nghĩa là Chúa Giêsu KiTô là Thiên Chúa thật, thì việc Chuộc Tội, đền tội mới cân xứng được, vì Tội đã phạm đến Thiên Chúa Siêu Việt, Tuyệt Hảo! Vừa có Nhân Tính, nghĩa là “làm Người thật”, để đại diện “thật” cho loài người.

7. Biến cố lịch sử về”Thập Giá Chúa KiTô”, tức là cái Chết của Chúa Giêsu KiTô trên Thánh Giá để Chuộc Tội, đã được các vị Tiên Tri loan báo. Ý nghĩa cái Chết của Chúa KiTô là để chứng tỏ lòng tuân phục hoàn toàn Thánh Ý Chúa đã định, để nên Lễ Vật Hy Sinh đền tội cho nhân loại bất phục tùng Thiên Chúa.

8. Thánh Ý Chúa muốn cho mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, địa vị xã hội… đều có thể lĩnh nhận Thiên Ân Cứu Độ do Chúa Cứu Thế lập công nghiệp. Ai muốn được Cứu Độ, thì cần phải tỏ Thiện Tâm, Thiện Chí như: Tin vào Tình Thương vô hạn của Thiên Chúa hằng muốn Cứu Độ mọi người. Tin vào công nghiệp của Chúa Cứu Thế. “Cải Tà Qui Chính”, nghĩa là từ bỏ tội lỗi, và sống theo tôn chỉ của Phúc Âm.

9. Các Tín Hữu, nghĩa là những người đã được Chúa giúp để chấp nhận Thiên Ân Cứu Độ, có bổn phận tham gia vào việc truyền bá Phúc Âm để mở mang “Nước Chúa”, ngay ở trần gian này, để mọi nguời cũng được hưởng Hồng Ân Cứu Độ.

10. Chẳng những Chúa Giêsu KiTô Cứu Độ cho nhân loại, mà còn cho cả vũ trụ này nữa! Do đó, người tín hữu có nhiệm vụ tích cực tham gia các hoạt động trần thế như: tham gia chính trị để bảo vệ nhân quyền, sửa đổi luật pháp theo luật công bằng, bác ái của Phúc Âm, phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học, để chống nghèo đói, bệnh tật, và bảo vệ môi sinh, v.v. Mọi hoạt động trần thế, “làm đẹp” vũ trụ, để giúp vào việc thăng tiến con người, phát huy nhân phẩm, đều là cộng tác vào Công Cuộc Cứu Độ của Chúa Cứu Thế vậy.

Đàm Đạo, Chia Sẻ, Thông Cảm

Sau đây, thử chia sẻ về ý hướng, nguyện vọng chung của nhân loại, đặc biệt của Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Nho Giáo, Lão giáo, trong vấn đề Cứu Độ. Tuy cùng chung một khát vọng, nhưng ý niệm và phương thế, tức con đường dẫn tới Cứu Độ thì mỗi tôn giáo đề nghị những giải pháp khác nhau. Do đó, muốn tìm hiểu ý niệm Cứu Độ một cách sâu xa, cần đào sâu ý nghĩa, ý niệm về “Lịch Sử Cứu Độ”, hay “Kế Hoạch Cứu Độ” cho toàn thể nhân loại. Ta thử đặt câu hỏi như: Có một “Lịch Sử Cứu Độ không? Các tôn giáo quan niệm thế nào về “Lịch Sử Cứu Độ? Nhưng trước tiên, nên tìm hiểu nguyện vọng chung của nhân loại khao khát được Hồng Ân Cứu Độ như thế nào. Hình như có một cái gì trục trặc, bất an, âu lo, xao xuyến trong đời sống con người cần phải ổn định lại. Đó là niềm thao thức lớn lao của các tôn giáo.

1. Ý Hướng Chung của Nhân Loại về Cứu Độ như thế nào?

Các nhà tôn giáo học, (coi:“Das Heilige” của Rudolf Otto) đã chia tôn giáo ra làm hai loại:” tôn giáo tiên tri” (prophetic religions), là tôn giáo do một Vị Chúa Tể, Thần Linh truyền đạt cho, qua các vị tiên tri làm “phát ngôn nhân”, và những lời Mặc Khải được ghi trong Sách Thánh như Ấn Độ Giáo có sách Veda, Hồi Giáo có Tiên Tri Muhammad và Sách Thánh Qur’an, Thiên Chúa Giáo có Chúa Cứu Thế, và Sách Phúc Âm…; “các tôn giáo không-tiên tri” (non-prophetic religions), nghĩa là những tôn giáo mà vị sáng lập không do một vị Thần minh nào sai đi làm sứ giả, hay “phát ngôn nhân”, như Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão giáo. Phật Thích Ca đã tự mình tìm ra con đường(Đạo) để tự giác, rồi còn truyền bá giải pháp đó để cứu độ chúng sinh (tự giác nhi giác tha). Trong các tôn giáo thuộc loại thứ hai này, thì Phật Giáo là một cố gắng vĩ đại của nhân loại để tìm cách tự cứu lấy mình. Nếu xét về ý nguyện chung của hai loại tôn giáo, ta nhận thấy có những đặc điểm khá tương hợp như:

a. Đời là Phù Vân Giả Trá!

Thật thế, nhân loại, và vạn sự vạn vật luôn biến đổi không ngừng! Do đó, hạnh phúc chân thật, bền vững không thể tìm thấy ở trên thế giới “vô thường” này. Sức khoẻ, tiền bạc, quyền cao chức trọng có ngày phải tiêu tan. Đây là nhận định căn bản của các tôn giáo, vì thiếu ý thức này, thì tâm tình tôn giáo cũng rất hời hợt, nông cạn. Do đó, ta thường đọc thấy những tư tưởng về sự “Biến Dịch”, lẽ Tuần Hoàn, trong Nho giáo, Đạo Giáo, sự Hư Vô, Vô Thường trong Phật Giáo, và sự Phù vân Giả Trá (vanitas vanitatum) trong Thiên Chúa Giáo.

b. Con Người Gian Dối (homo fallax)

Các tôn giáo cũng đều nhìn nhận là: nhân vô thập toàn. Người Phật tử có ý thức rất mạnh về Nghiệp Báo, nhất là Ác Nghiệp của con người chồng chất từ kiếp này qua kiếp khác, không làm sao thoát khỏi vòng Luân Hồi. Do đó, sự đau khổ tràn ngập thế giới! Người tín hữu xác tín rằng Tội Nguyên Tổ đã làm suy đồi bản tính nhân loại, mọi người thích hướng chiều về làm điều Ác hơn là làm điều Thiện. Tội Nguyên Tổ, và tội do cá nhân trách nhiệm vì tự do lựa chọn điều Ác, là nguồn gốc sinh ra các đau khổ tinh thần và vật chất. Ngoài ra, các vị hiền nhân quân tử trong Nho Giáo đều chú trọng về việc giáo hóa con người, như sách “Minh Tâm Bửu Giám” dạy:” Một ngày không nghĩ điều Tốt, thì các điều Xấu (trong con người) tự nổi dậy( nhất nhật bất niệm Thiện, chư Ác giai tự khởi).

c. Cải Tà Qui Chánh (metanoia)

Trong Phật Giáo, vấn đề Giác Ngộ, Tự Giác rất quan trọng, để tìm ra căn nguyên của đau khổ là Tham, Sân, Si và nếu muốn Diệt Khổ, thì cũng phải Diệt Dục, nghĩa là tiêu diệt những ham muốn bất chánh trong tâm thức con người. Do dó, muốn cho tâm hồn được thanh thỏa, siêu thoát, thì cần sửa đổi đời sống, và hoàn toàn “qui y Phật Pháp”. Nho giáo cũng chú trọng đến “Tâm”, tức ý thức của con người cần được cải hóa để luôn hướng về điều Thiện như câu thơ: “Thiện Căn ở tại lòng ta, Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Do đó, cần “Chính Tâm, Thành Ý”, và tu dưỡng để cho “viên Ngọc”, tức Thiện-Căn trong ta, sáng ra. Thiên Chúa Giáo chú trọng vào việc “hối cải”, gọi là Metanoia. Phép Thánh Tẩy được coi là cuộc “tái sinh” trong cuộc sống mới, vì đã gột rửa, đã “chết” cho con người cũ, tội lỗi, để sống cuộc đời mới, thánh thiện, và bác ái. Xét chung, Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo đều lạc quan tin tưởng vào Ơn Trên phù trợ, và thiện chí của con người có thể biến đổi số phận nhân loại trở nên hoàn hảo hơn.

2. Quan Niệm về “Lịch Sử Cứu Độ” của các Tôn Giáo như thế nào?

a. Nho Giáo và “Lịch Sử Cứu Độ”

Bàn về vấn đề Cứu Độ, ta không thể bỏ qua không suy nghĩ về “Lịch Sử Cứu Độ”, tức là cả một kế hoạch, chương trình đại qui mô, gồm công cuộc chuẩn bị, các lời “sấm ký”, tiên tri loan báo, các diễn biến theo dòng lịch sử, và các nhân vật lịch sử xuất hiện để hoàn thành sứ mệnh do Trời trao phó. Theo định nghĩa trên, thử đặt câu hỏi: Nho Giáo quan niệm như thế nào về “Lịch Sử Cứu Độ”? Từ ngàn năm, các dân tộc Á châu vẫn tin tưởng vào quyền năng vô biên của một Vị Hoá Công, cũng gọi là “Ông Trời”, hay Thượng Đế, tác thành vũ trụ, vạn vật và các kỳ quan, hiện tượng lạ lùng trong trời đất. Dân chúng cũng tin tưởng vào “Thiên Mệnh”, an bài mọi việc trên đời, qua trung gian của vị quân vương được gọi là “Thiên Tử (Con Trời). Theo truyền thuyết, đã xuất hiện năm vị vua chúa, tức Ngũ Đế vào thời thượng cổ là các vua Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn. Đôi khi cũng có các vị Thánh Hiền như Khổng Tử, Mạnh Tử..giảng dạy và truyền đạt đạo lý để giáo hóa dân chúng. Tục truyền, Trời đã ban “Hồng Phạm Cửu Trù” cho vua Đại Võ (2205-1197 B.C.). Đó là một chương trình đại qui mô gồm chín điểm, ghi chép những nguyên tắc, tôn chỉ phải tuân hành trong việc trị quốc. Ý tưởng chính yếu trong Hồng Phạm Cửu Trù là dạy người ta phải giữ Trung Đạo, Trung Hòa, để Nhân Đạo (nhân tâm) được hòa hợp với Thiên Đạo, vì Trời và Người có quan hệ với nhau, như câu: “Thiên Nhân tương dữ”.(98)

Giá trị lịch sử của những lời sấm trong Hồng Phạm Cửu Trù đã được ghi trong “Thư Kinh Bị Chỉ” như thế nào? Có bằng chứng gì cho ta thấy những mệnh lệnh là do Trời “mặc khải”, biểu lộ cho vua Đại Võ không? Chính nhà Lý Học Chu Hi đã hoài nghi về tính chất lịch sử của thiên Hồng Phạm Cửu Trù là do Trời ban xuống. Ngoài ra, Chu Hi cho việc “mặc khải” chỉ là phụ thuộc, vì ý nghĩa của các mệnh lệnh đó mới là quan trọng.(99)

Trong các vị Thánh Hiền, kể cả Đức Khổng Phu Tử, không có vị nào tự xưng được Trời sai xuống trần gian, hoặc tự đảm nhận sứ mệnh thần thiêng, siêu việt là ban cho nhân loại hạnh phúc vĩnh cửu, và trường sinh bất tử. Do đó, có thể nói dân tộc Á Đông không chú trọng về “Lịch Sử Cứu Độ”, như đã định nghĩa ở trên, nhưng có ý thức khá mạnh về lịch sử quốc gia dân tộc. Nho Giáo chủ tâm về cách tổ chức gia đình, quốc gia xã hội, theo nguyên tắc luân lý của Tam Cương, Ngũ Thường, để dân nước bình an, trật tự, hơn là chú ý về việc tôn giáo, tâm linh, như trong Đạo Giáo (Lão Giáo), hay trong Phật Giáo. Đôi khi, trong lịch sử quốc gia, thấy xuất hiện những vị anh hùng, được dân chúng coi là “trời sai xuống” để cứu dân cứu nước chống ngoại xâm như truyện phù Đổng Thiên Vương, hay như câu truyện “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, hoặc để thức tỉnh tinh thần ái quốc chống quân Nguyên, Lý Thường Kiệt đã thảo bài thơ: “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư, Tiệt nhiên định phân tự Thiên Thư…”(100) Những dẫn chứng trên đây chỉ liên quan đến “Lịch sử thế tục”, mà dân chúng tin tưởng Trời sẽ can thiệp để cứu vớt dân nước khi bị ngoại xâm, nhưng ngoài ra, không đề cập đến “Lịch Sử Cứu Độ”.

b. Phật Giáo và “Lịch Sử Cứu Độ”

Trong lịch sử Phật Học, đặc biệt trong phái Tịnh Độ theo giáo thuyết A-Di-Đà (Amitabha), và Bồ tát Quan Âm (Bodhisattva Avalokitesvara), ta thấy sứ mệnh cứu nhân độ thế được đề cập tới nhiều hơn trong Nho học, Lão học. Dĩ nhiên, “cứu nhân độ thế”, hiểu theo nghĩa tôn giáo, tức là Cứu Độ nhân loại khỏi trầm luân trong khổ hải, và đem lại siêu thoát, giác ngộ nơi Cực Lạc (Nirvana,Niết Bàn).

Phật Thích Ca là một vị đại tu hành. Sau khi rời cung điện, từ bỏ vợ con, giầu sang, Ngài đã chu du khắp nơi, thí nghiệm nhiều phương pháp tu hành khổ hạnh để tìm ra chân lý, nhưng Ngài đã thất vọng. Vì thế, chính Ngài đã phải tự tìm lấy chân lý, và đã “Tự Giác”, (Tự Giác Ngộ), thành “Phật” (Buddha=budh=tỉnh thức, giác ngộ), dưới Cây Bồ Đề (Bodhi-Tree). Ngài đã tự mình tìm ra con đường giải thoát khỏi vòng luân hồi nghiệp báo. Sau khi “Tự Độ”, Ngài đã đi thuyết pháp cho các đệ tử. Do đó, theo sử liệu, và những bài thuyết pháp, Phật Thích Ca đã không tự xưng được Thần Linh mặc khải, hoặc đã lãnh sứ mệnh cứu độ từ một quyền lực linh thiêng nào ban cho. Ngài đã tự giác để được giải thoát. Ai muốn được giác ngộ, thì theo giáo thuyết, tôn chỉ mà Ngài đã đề ra, nhưng chính Ngài thì không thể cứu được ai hết. Mỗi người phải tự cứu lấy chính mình! Sau này, phái Tiểu Thừa (Hinayana) chủ truơng “Tự Độ, Tự Giác”, nghĩa là chỉ lo cứu lấy mình mà thôi. Nhưng phái Đại Thừa (Mahayana) lại theo tôn chỉ: “Tự Giác nhi Giác Tha”, nghĩa là khi đã tự độ, đã cứu mình ra khỏi vòng luân hồi, nghiệp báo, thì còn lo “phổ độ chúng sinh” (giác tha), tức là giúp đỡ mọi người được giác ngộ nữa! Bởi vậy, mới có câu truyện đại nguyện của một vị Bồ Tát (Bodhisattva), mà có người cho là Quan Thế Âm Bồ Tát: “Hễ nhất thiết chúng sinh mà còn một giọt nước mắt (đau khổ), thì ta nhất định không nhập Niết Bàn, không thành Phật vội”.(101)

Cũng theo sử liệu và những bài thuyết pháp, Phật Thích Ca luôn giữ thái độ im lặng, từ chối không đề cập đến những vấn đề siêu hình như sự hiện hữu của một vị Thượng Đế, cuộc sống sau khi chết.., vì Ngài chỉ chú trọng vào sự việc thực tế là chữa bệnh “đau khổ”, ngay bây giờ, tại chỗ. Do đó, lịch sử Phật Học ít chú trọng đến ý niệm, chiều hướng, các biến cố và các nhân vật diễn viên trong dòng “Lịch Sử Cứu Độ”. Phật Học cũng không nói đến ngày Chung Thẩm (eschatology), tức ngày kết liễu cuộc đời, ngày phán xét, ngày tận thế. Phật Thích Ca không phải là biến cố lịch sử độc nhất, là tâm điểm của kế hoạch, vì Phật học chú ý đến tính chất phổ quát, đại đồng, trừu tượng của việc Giác Ngộ thành “Phật”, hơn là nhấn mạnh đến chính “Đấng Cứu Thế”, hay những nhân vị được cứu độ. Như kiểu nói: Bất cứ ai cũng có thể thành “Phật”được, nghĩa là bất cứ ai cũng có “Phật Tính” (cũng có thể Giác Ngộ được). Danh từ “Phật” (Buddha, giác ngộ, tỉnh thức) là một danh từ chung chỉ tước hiệu chứ không phải danh từ riêng của một ai. Nếu người ta dùng danh hiệu đó (chữ hoa) để chỉ Phật Thích Ca, vì Ngài là người thứ nhất được thành “phật”, trong muôn vàn chúng sinh khác. Cũng có truyền thuyết cho rằng “Phật” còn đầu thai nhiều lần, ở nhiều kiếp khác nhau. Theo phái thiền Không Tông, thì ngay kinh điển cũng không cần thiết để đạt tới giác ngộ. Cho nên Nghĩa Huyền thiền sư (chết năm 866), người sáng lập nhóm thiền gia Lâm Tế nói: “Muốn hiểu sự thật thì không để nguời khác lừa. Gặp là giết, trong cũng như ngoài. Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ… Mới mong được giải thoát” (Cổ tôn tú ngữ lục, quyển 4).(102) Vì ít quan tâm về nhân vị, ngôi vị (personal), nên Phật học không đề cập đến ý niệm về lịch sử, vì ý niệm lịch sử thường đi đôi với ý niệm nhân vị. Lịch sử chính là sân khấu của cuộc đời, các diễn viên là những con người cụ thể, “bằng xương bằng thịt”, đang hành động, trình diễn. Do đó, “Thời thế tạo anh hùng”, nhưng “Anh hùng (Nhân vị) cũng có thể tạo Thời Thế” (Lịch Sử). Thay vì tin tưởng vào một Đấng Tạo Hóa (Ngôi vị), dẫn dắt nhân loại qua dòng Lịch Sử Cứu Độ, để tiến về một cùng đích, Phật Học đã mượn thuyết Luân Hồi Nghiệp Báo (Karma) của Ấn độ giáo để cắt nghĩa Luật Nhân Duyên, Nhân Quả của mọi sự việc xẩy ra trên đời này. Luật Nhân-Quả, Nghiệp-Báo (Karma), và Pháp (Dharmas) là luật phổ biến, vô bản vị (non-personal), luật tự nhiên, giống như luật Hấp Dẫn (Gravity).(103)

c. Thiên Chúa Giáo và Lịch Sử Cứu Độ

Thiên Chúa Giáo rất chú trọng vào Lịch Sử Cứu Độ (Đạo), và cả Lịch Sử Thế Giới (Đời) nữa. Thật vậy, toàn thể vũ trụ phải có một hướng đi, và một cùng đích. Do đó, từ bình diện nhân loại, thế tục vươn lên bình diện siêu việt, người tín hữu tin rằng Thiên Chúa Ngôi Vị, Đấng Tạo Hóa dựng nên vũ trụ càn khôn, là Nguyên Thuỷ(Alpha) và Cứu Cánh (Omega) của Lịch sử, của vạn sự vạn vật. Chính Vị Chúa Tể đó đã an bài mọi diễn tiến của Lịch Sử Đời và Đạo để dẫn đến một biến cố duy nhất kết thúc nơi “Nhân Vị của Đấng Cứu Thế”, nhập thể giáng thế, để làm Vị Trung Gian, Cứu Độ, và Hòa Giải giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Vì quan niệm Đấng Cứu Thế là Tâm Điểm của mọi diễn biến Lịch Sử Đời và Đạo, nên cuốn Sách Kinh Thánh chính là cuốn Sách nói về Lịch Sử Cứu Độ. Tuy chia làm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước, nhưng cũng chỉ là một cuốn Sách. Dân Do thái được Chúa đặc biệt lựa chọn để chuẩn bị cho cuộc giáng lâm của Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa đã ký Giao Ước với dân Do Thái là sẽ cho Vị Thiên Tử, Thiên Sai ra đời tự dòng tộc Đa vít để cứu nhân độ thế. Sách Cựu Ước cũng được gọi là Sách “Sấm Truyền”, vì các lời Giao Ước, các nhân vật, các biến cố lịch sử đều nhằm vào việc tiên báo, tức nói “tiên tri”, nói hình bóng ám chỉ về Đấng Cứu Thế sẽ ra đời chuộc tội cho nhân loại. Vì thế, các nhận vật của Cựu Ước là nguyên hình, điển hình, mô phạm (prototypes) của Tân Ước. Chẳng hạn, A Dong “cũ”, là ông tổ của nhân loại tội lỗi, làm điển hình cho A Dong “mới”, là Chúa Cứu Thế, Thủ Lãnh của những người đã đuợc cứu chuộc; Tiên tri MaiSen, nhà lãnh đạo, giải phóng dân Do thái khỏi kiếp nô lệ trở thành nước tự do, là điển hình cho Chúa Cứu Thế đã cứu thoát nhân loại khỏi làm nô lệ tội lỗi để trở nên con cái tự do của Chúa, qua việc chịu Phép Thánh Tẩy (như ngày xưa MaiSen dẫn dân vượt qua Biển Đỏ). Các vị Tiên Tri, hay “Phát Ngôn Viên” (prophet), được Chúa sai đến để giảng dạy dân chúng chuẩn bị cho ngày giáng lâm của Đấng Messiah (Cứu Thế): các diễn tiến lịch sử như ngày Giáng sinh, việc rao giảng Tin Mừng, cuộc Tử nạn, Phục sinh vinh hiển… nhất nhất đều được loan báo trước.(104)

Theo niên lịch và chu kỳ phụng vụ, các tín hữu vẫn diễn lại một cách sống động các biến cố lịch sử xưa, như: Mùa Giáng Thế (Advent), kỷ niệm việc chuẩn bị Con Thiên Chúa giáng trần; Mùa Giáng Sinh, mừng ngày Thánh Đản, Sinh Nhật, Mùa Chay, Mùa Tử Nạn, kỷ niệm ngày chuộc tội cho thiên hạ, Mùa Phục Sinh, Thăng Thiên, mừng Chúa Sống lại, vinh hiển, Mùa Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Pentecost), kỷ niệm biến cố Chúa thành lập Hội Thánh. Do đó, Cựu Ước và Tân Ước chỉ là Một Sách, viết về Một Biến Cố độc nhất là việc Con Thiên Chúa giáng trần, cứu nhân độ thế. Có thể nói: lịch sử của các nền văn minh, văn hóa của nhân loại cũng chuẩn bị cho biến cố duy nhất này!

Ngoài ra, vì nhấn mạnh đến tính chất lịch sử của Kế Hoạch Cứu Độ (Economy of Salvation), nên Thần Học Công Giáo chủ trương: mọi công cuộc Cứu Độ phải do công nghiệp của Đấng Cứu Thế mới thực hiện được, nghĩa là Thiên Ân Cứu Độ phải do Chúa ban, qua Đấng Cứu Thế. Dĩ nhiên, nhân loại phải cộng tác, và tự do chấp nhận Thiên Ân thì mới được cứu rỗi. Nhưng nhân loại không thể “Tự Độ”, nghĩa là không thể tự mình cứu lấy mình được. Sau khi được Chúa cứu độ, người tín hữu cũng có nhiệm vụ, và sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân, để mọi người biết và tự do hoan hỷ đón nhận Thiên Ân Cứu Độ do Tình Thương vô hạn mà Chúa ban nhưng không cho những người thiện chí. “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân”.

Vinh Danh Thiên Chúa trên các Tầng Trời
Bình An dưới thế cho Người Thiện Tâm.

Chương Năm

Tình Ái

Tình Ái là điều quan trọng bậc nhất, nơi Thiên Chúa, Nguyên Lý Tuyệt Đối, cũng như trong trong vũ trụ càn khôn, và trong cõi nhân sinh, triết lý, văn học, văn minh, nghệ thuật, v.v. Thật vậy, Thánh Gioan đã định nghĩa bản thể của Thiên Chúa là: “Thiên Chúa là Yêu Thương” (Thư I Gioan 4:8). Ta thử tưởng tượng… hết mọi trái tim con người đều ra “chai đá”, hoặc thử xóa bỏ mọi lời nói, mọi chữ “Yêu Thương” trong đời sống xã hội, trong văn chương, nghệ thuật…, ta sẽ cảm thấy vũ trụ này trở thành “băng giá”, lạnh lùng, không thể sống nổi! Nhưng khi suy nghĩ về yếu tính của Yêu Thương, ta liền nhận thấy: ngôn ngữ của nhân loại, của các nước trên thế giới này thiếu danh từ để có thể diễn tả mọi cấp bậc, mọi sắc thái, mọi khía cạnh của Tình Ái. Ta dùng cũng một chữ Yêu, Thương, để nói: Thiên Chúa Yêu Thương loài người; cha mẹ Yêu Thương con cái; cặp tình nhân Yêu nhau; hai con chó Thương nhau! v.v. Nhưng Tình Ái giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa, Tình Ái của Thiên Chúa đối với nhân loại, thì vô cùng khác biệt với Lòng Yêu Thương của cha mẹ đối với con cái. Vả lại, Tình phụ-mẫu cũng khác tình yêu giữa trai-gái, giữa vợ-chồng. Hơn thế nữa, ý nghĩa của chữ Tình Ái của nhân loại khác xa với ý nghĩa của sự yêu thương giữa loài cầm thú.

Vì ngôn ngữ nhân loại quá nghèo nàn khi cần phân biệt các sắc thái của Yêu Thương, nên danh từ này trở nên hàm hồ, hiểu lầm, lường gạt, lẫn lộn, đã gây đau khổ cho nhiều người. Chẳng hạn, khi một “chàng Sở Khanh” nhỏ nhẹ nói với một “nàng Kiều ngây thơ": Anh yêu em! Có thể nàng rất hí hửng, và tin như vậy! Nhưng khi em gặp “tai nạn”, thì chàng đã cao bay xa chạy rồi, để mặc em một mình mang bầu “tâm sự”, đau khổ! Như vậy, thử hỏi: Anh yêu em, hay Anh yêu anh? Nếu “Anh yêu em” thật, thì phải lo tìm hạnh phúc cho em như chia sẻ, an ủi, khi em gặp khó khăn. Nhưng,“Anh yêu anh”, vì anh đã đánh lừa được em: khi anh đã tìm thỏa mãn nhục dục rồi, thì vứt bỏ em đi như đồ phế thải! Vì ý nghĩa mập mờ, lường gạt của chữ Yêu Thương, nên các triết gia đã phân biệt ra làm hai loại Tình Ái: một là “Tình Ái vị kỉ” (Eros, Erotic là dâm dục=ham muốn vô độ), hai là “Tình Ái vị tha” (Agape). Tình Ái vị kỉ là chỉ nhằm thỏa mãn khoái lạc, dục vọng của mình, coi người khác là một đồ vật để lợi dụng. Trái lại, Tình Ái vị tha là tìm hạnh phúc của người mình yêu! Có khi hy sinh mạng sống, sức khoẻ, thời giờ, tiền bạc, miễn là người mình yêu mến được an vui, như trường hợp cha mẹ ân cần, lo lắng, một cách vô vị lợi cho con cái!

Trong Chương Năm này, ta sẽ lần lượt bàn luận về quan niệm Nhân Ái trong Nho Giáo (Khổng-Lão), và ý nghĩa của Từ Bi trong Phật Giáo. Sau đó, sẽ đề cập đến quan niệm Bác Ái trong Thiên Chúa Giáo. Để bổ túc cho nhau, ta sẽ tìm hiểu những đặc điểm của mỗi lý thuyết, rồi so sánh các quan điểm, cố gắng nêu lên những mối tương đồng, cũng như những khác biệt, cần san bằng để xích lại gần nhau.

ĐOẠN I . Nhân Ái Trong Nho Giáo

Trong Nho Giáo (Khổng-Lão), lý tưởng cao siêu của các vị hiền nhân quân tử, các vị thánh nhân là: Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ (đọc tắt: Tu, Tề, Trị, Bình). Đây là một trật tự, một tiến trình về Tu Đức, cần phải tuần tự bước đi từng bước một. Giai đoạn trước tiên phải làm là Tu Thân, tức sửa mình, tập luyện các tính tốt, và sửa chữa các tính xấu. Nếu tự bản thân có đức hạnh, thì mói có thể đem lại an vui hạnh phúc cho gia đình, tức Tề Gia. Mình không có, thì lấy gì mà ban phát cho kẻ khác được! Chính bản thân bê bối, say sưa, đàng điếm, hút sách, thì làm sao có thể dạy dỗ, nêu gương sáng cho con cái trong gia đình được? Khi gia đình được êm ấm, thuận hòa, thì dành thời giờ, tài năng góp phần xây dựng quốc gia, mở mang đất nước, tức Trị Quốc. Sau đó, hợp tác với các quốc gia trên thế giới xây dựng Hòa Bình cho nhân loại. Nhưng trước hết và trên hết vẫn là phải Tu Thân đã. Vì tầm quan trọng lớn lao, và cốt yếu của việc Tu Thân Tích Đức, nên người xưa có câu: “Từ vua tới dân, mọi người phải lấy việc Tu Thân (sửa mình) làm gốc (Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ Tu Thân vi bản, (coi Sách Đại Học, tiết 6).

Hơn nữa, việc Tu Thân cần dầy công tập luyện mỗi ngày. Bởi vậy, phép Tu Thân đề ra năm Đức Hạnh thuờng xuyên phải thực hành hằng ngày, gọi là “Ngũ Thường”. Đó là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. NHÂN là lòng yêu người. NGHĨA là lòng ngay thẳng làm điều tốt, và tránh điều xấu. LỄ là theo đúng khuôn phép, kỷ luật. TRÍ là sự mở mang trí tuệ, là thông minh, khôn ngoan. TÍN là thật thà, tin cậy, tín nhiệm nhau.

Đối với Nho Giáo, trong năm Đức Hạnh, thì NHÂN đứng đầu và là căn nguyên của các Đức Hạnh khác. Sau đây, ta sẽ bàn luận về: Đạo Nhân là gì? Đạo Nhân theo phái Tâm Học; Đạo Nhân liên hệ đến Ngũ Thường như thế nào? Mạnh Tử và Mặc Tử đối với Đạo Nhân’ và Đạo Lão đối với Đạo Nhân như thế nào?

A. Đạo Nhân là gì?

Theo nghĩa thông dụng, nhân là người. Ở đây, chữ NHÂN trong “Đạo Nhân của Nho giáo”, đồng âm nhưng dị nghĩa. Theo cách viết chữ nho “NHÂN”( ) gồm chữ nhân ( ) là người, và chữ nhị ( ), là hai. Do đó, Yêu Thương được định nghĩa là mối tình trao đổi giữa hai người, hai nhân vị. Tình Ái thật, không thể đơn phương, cô độc. Do đó, NHÂN, chính là mối tương quan giữa người với người. NHÂN làm nên bản tính của con người, vì con người là con vật có xã hội tính, có liên hệ với người khác. Một người cư xử một cách “bất nhân”, là một kẻ cô độc, không còn mối giao hảo tốt đối với người chung quanh. Ăn ở “bất nhân”, biểu lộ sự tàn ác, phản bội, chối bỏ bản tính cố hữu của nhân loại. Vì thế, không còn là người nữa, vì đã mất tính người!(105)

Do đó, “NHÂN” được định nghĩa là lòng Nhân Ái (Yêu Nguời), là lòng khoan dung, độ lượng, tha thứ. “NHÂN”, chính là “ĐỨC” của Trời-Đất tràn lan khắp vũ trụ. Vạn vật được sinh sôi nẩy nở, cỏ cây hoa lá sum sê, là do Tình Thương vô biên của Vị Chúa Tể càn khôn ban cho. Cũng chính Đấng Thượng Đế đã phú bẩm “Đức Nhân Ái” vào bản tính của mỗi người chúng ta.(106)

Muốn thực thi lòng Nhân Ái, thì cần phải Trung thực, Trung thành với bản tâm, tức Lương Tâm của mình: Đó là ý nghĩa của chữ “Trung” . Lại phải biết tôn trọng quyền lợi và sự công bằng đối với kẻ khác: chữ “Thứ”.(107)

Đức Khổng Phu Tử đã dạy người đời: hãy lấy lòng mình làm mẩu mực kích thước để đo lòng người. Do đó, Ngài đã đặt ra một khuôn vàng thước ngọc trong việc xử thế như sau: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn, thì cũng đừng làm (điều đó) cho kẻ khác). Hoặc nói một cách tích cực: Điều gì mình muốn, thì cũng hãy làm cho người ta. Nếu mình không muốn người ta bỏ vạ, cáo gian cho mình, thì đừng bao giờ nói xấu, bội nhọ người khác.(108)

ĐẠO NHÂN gắn liền với bản tính con người, nên bất cứ ai cũng có thể luyện tập và thực hành lòng Nhân Ái được. Đạo Nhân thuộc về nhân bản, nên càng làm sáng tỏ Đạo Nhân tiềm tàng trong con người, thì nhân tính của mình càng phát huy tốt đẹp. Đạo Nhân không phải là một ưu quyền dành cho một số người quí phái, giàu sang ra tay thi ân cho hạng tiểu nhân, nghèo khổ. Trái lại, đã là người, thì bất cứ sang hèn, giầu nghèo, ai cũng có thể trở nên bậc Thánh Hiền được, nếu quyết tâm tu luyện Đạo Nhân.

Hơn nữa, Người có lòng Nhân Ái, là người biết yêu thương đồng loại, và giúp đỡ tha nhân phát huy Đạo Nhân ở nơi họ. Vừa vun trồng Đạo Nhân ở nơi mình, vừa hỗ trợ người khác tu luyện Đạo Nhân nơi họ, chính là cộng tác với Trời-Đất để hoàn thiện vũ trụ này càng thêm tốt đẹp! Do đó, nhờ thi hành Đạo Nhân, mà con người có thể hợp tác, phối kết với Trời: Đó là ý nghĩa của câu:” Thiên Nhân hợp nhất”, hoặc “Tam Tài” (Thiên Địa Nhân) Tuy “Trời”, hiểu theo nghĩa Hình Nhi Thượng, là một Nguyên Lý Tuyệt Đối, là Thiên Chúa Siêu Việt, còn nhân loại là loài thụ tạo hữu hạn, nhưng có thể nói: lòng Nhân Ái, hay Tình Yêu Thương vị tha của con người, chính là nơi gặp gỡ, là điểm “hội tụ”(locus)giữa Đấng Vô Biên và loài tương đối, hữu hạn. (109)

Đạo Nhân đứng đầu các Đức tính khác trong Ngũ Thuờng: Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đều phát sinh từ Nhân. Bởi vì, NGHĨA là Nghĩa Vụ phải làm, vì hợp với lẽ phải, hợp với Lương Tâm. Phải làm, vì là điều chính đáng, chứ không phải vì lợi lộc gì. Do đó, “Nghĩa” và “Lợi” là hai điều đối nghịch nhau. Nghĩa vụ mà mọi người phải làm một cách vô tư, vô vị lợi là gì? Chính là thực thi lòng Yêu nguời một cách cụ thể. Mỗi người theo đúng nghĩa vụ riêng của mình mà thực hành không thiên lệch, không thiếu sót, chính là thi hành Đạo Nhân. Như cha mẹ thi hành đúng nghĩa vụ của bậc cha mẹ: đó là yêu thương và nuôi dưỡng con cái. Con cái thi hành đúng bổn phận làm con: đó là yêu mến, thảo hiếu đối với cha mẹ. “LỄ” là gì? Chữ “Lễ”, nghĩa là là Lễ Phép, là cách thức tiếp nhân xử thế cho đúng với thuần phong mỹ tục. “Lễ” liên quan mật thiết với lễ nghi tôn giáo, tế tự Thần Thánh (Lễ Giáo). Nhờ chấp hành nghiêm chỉnh và một cách kính cẩn các lễ nghi phụng tự, và chân thành tuân giữ các lễ phép trong cách xã giao, mà nhân cách con người đuợc thanh cao, nhã nhặn, do đó, lòng Nhân Ái có cơ hội phát huy, tốt đẹp.

B. Đạo Nhân Theo Phái Tâm Học và Phái Lý Học

Theo Lịch Sử Triết Học Trung Hoa, Đạo Nhân Ái của Đức Khổng Phu Tử được khai triển theo chiều hướng siêu hình và thần bí hơn, do trào lưu triết lý của phái Tâm Học của Lục Cửu Uyên (1139-1193) và Vương Thủ Nhân, tức Vương Dương Minh (1472-1528). Lý tưởng cao siêu của một vị hiền nhân quân tử luôn vẫn là: “Thiên Nhân Hợp Nhất”. Nhưng làm thế nào để phối kết với Trời? Vương Dương Minh đã căn cứ vào câu trong sách Đại Học để tìm ra điểm “hội tụ” (locus) giữa hữu hạn (người) và Đấng Vô Biên: “Đại Học chi Đạo, tại minh Minh Đức, tại Thân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện” (Sách Đại Học, tiết 1). Vương Dương Minh quảng diễn câu trên như sau: Đường lối của Sách Đại Học dạy ta phải làm “ba cương lĩnh” là: phải làm sáng Đức Sáng (minh Minh Đức), phải yêu người (Thân Dân), và dừng lại nơi tốt nhất (Chí Thiện).

a) Tại minh Minh Đức. “Đức Sáng” (Minh Đức), chính là Lương Năng, Lương Tri, Lương Tâm trong sáng, nguyên tuyền của bản thể nhân loại. Đức Sáng này khiến ta phân biệt được Thiện-Ác. Thiện thì theo, Ác thì tránh xa. Do đó, Minh Đức có thể sánh ví như một “viên ngọc”, nhưng đã bị mờ ám vì bùn đất bám vào. “Bùn đất” đây là các mối tình vị kỷ, tư dục đã che khuất trí Lương Năng. Vậy công phu tu luyện là khử trừ các tình tư dục, tham lam, vị kỷ…, để cho Lương Tâm sáng chói như thuở ban sơ.

b) Tại Thân Dân. Tình tư dục, tính vị kỷ đã ngăn cách, che khuất, khiến người ta không thể hợp nhất với người khác được. Vậy chỉ có một cách để đạt tới sự phối kết với Trời là “Thân Dân” (Yêu tha nhân). “Minh Đức” được sáng chói cũng là nhờ Đức Nhân Ái (yêu người).

c) Tại chỉ ư Chí Thiện. Sự Thiện Tuyệt Hảo là gì? Chính là “Minh Đức” được sáng chói, là lòng “Nhân Ái” bao la, thương yêu mọi người. Đó là mẫu mực cao thượng nhất mà mọi người, mọi vật phải tuân theo để trở nên bậc Thiện Toàn. Nếu còn một chút vẩn đục nào của tình tư dục, của óc bon chen hẹp hòi pha trộn vào, thì sẽ khiến sự Thiện Tuyệt Hảo đó lu mờ đi.(110)

Các nhà Nho thích dùng câu truyện “đứa trẻ nhỏ sắp sửa rơi xuống giếng”, để làm tỷ dụ minh chứng Đức Nhân Ái vẫn tiềm tàng trong Lương Tâm, Lương Tri mỗi người. Bởi vì, bất cứ ai, bất chợt nhìn thấy một đứa bé đang lăm le chạy tới bờ giếng sâu, liền hoảng hốt lập tức chạy tới kéo nó lại! Đó là phản ứng tự nhiên bộc phát của trí Lương Năng biết phân biệt: điều “Phải”, phải làm, điều “Trái”, phải tránh. Đó cũng là do lòng Nhân Ái, tình liên đới bao quát mọi loài trong trời đất. Giết hại một bào thai, hay hành hạ một con vật, một cách dã man, vô cớ, cũng đều làm ta thương xót! Nhưng điều quan trọng là ta phải hành động cấp kỳ, không do dự, tính toán, trì hoãn. Phải hành động ngay, một cách tự nhiên, vô vị lợi, theo tiếng Lương Tâm thúc bách. Nếu ta ngập ngừng suy tính thiệt hơn, thì sẽ bị tình tư dục, vị kỷ sai khiến và làm sai lạc trí Luơng Năng. Chẳng hạn, nếu ta dừng lại, suy nghĩ xem đứa bé đó là con nhà ai, nó có phải là cháu ta, hay nó là con nhà hàng xóm, thù ghét ta, rồi lúc đó ta mới chạy lại cứu nó hay là không cứu nó. Những hành vi do óc tính toán đều là vị lợi, vị kỷ mà thôi! Cứu nó để được khen thưởng, vì chỗ thân tình, hay không cứu nó để trả thù, vì là con hàng xóm ghét ta, cả hai thái độ đó đều không thích hợp với Đạo Nhân Ái!

Theo nhà Lý Học Chu Hi (1130-1200), Ngũ Thường, tức là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, thuộc về phần “LÝ”, thuộc bản tính nhân loại. Như đã phân tích ở đoạn trên về bản tính nhân loại, Chu Hi cho rằng: phần “LÝ” bao giờ cũng Tốt, tức là lòng thương người’ nếu có điều gì Xấu trong con người, là do “KHÍ” mà ra. Như vậy, Chu Hi đã giải thích rõ ràng hơn Mạnh Tử về bản tính nhân loại. Khi Mạnh Tử nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, là mới nói về phần “LÝ” của bản tính đó, nhưng chưa đả động đến phần “KHÍ”, tức là phần bản tính đó bị “ô nhiễm” bởi tính hư tật xấu. Chu Hi đã nhận định về bản tính con người đầy đủ hơn Mạnh Tử.

Nói tóm lại, theo các nhà Tâm Học và Lý Học, Đạo Nhân giữ một địa vị nồng cốt trong Nho Giáo, vì bao gồm mọi lãnh vực của thực tại như luân lý, siêu hình, và vũ trụ quan. Chẳng hạn, Đạo Nhân đề cập đến mối tình vị tha giữa người với người. Đạo Nhân dạy về mối liên hệ giữa nguời và vũ trụ (môi sinh). Ngoài ra, Đạo Nhân đề cập đến sự Sống của Vũ Trụ, của Thực Tại làm nên Vũ Trụ như ta thấy. Do đó,”NHÂN” là “LÝ”, là “THÁI CỰC”, là “TÂM” của Vũ Trụ, và là CHÂN NGÃ (True Self). “NHÂN” luôn là định nghĩa của yếu tính của con người chính thật (true man).

C. Mạnh Tử và Mặc Tử Đối Với Đạo Nhân

Theo Mạnh Tử (372-289, trước Chúa Cứu Thế), con người sinh ra được phú bẩm bốn điều thiện hảo sơ thủy: biết thuơng xót, biết hổ thẹn, biết khiêm nhường, biết điều phải/trái. Lòng thương xót là đầu mối của đức Nhân; lòng hổ thẹn là đầu mối của đức Nghĩa; lòng khiêm nhượng là đầu mối của đức Lễ; lòng phải/trái là đầu mối của đức Trí (Mạnh Tử IIa, 6). Trong bản tính nguyên thủy của con người, đã tiềm tàng “bốn đầu mối” (tứ đoan), và nếu khéo phát triển, vun trồng, thì sẽ nẩy nở thành “tứ Đức” là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Do đó, Mạnh Tử đã quả quyết: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Nhờ những đức tính thiên bẩm, căn bản đó mà con người được cao quí hơn loài cầm thú. Mạnh Tử cũng nói: Người có đức Nhân thì yêu thương người khác (Mạnh Tử IVb, 28).

Mạnh Tử gán cho mình trách vụ phải chống lại học thuyết của Dương Chu (Lão Giáo), và học thuyết” KIÊM ÁI”của Mặc Tử (479-381, truớc Chúa Cứu Thế). Theo Mặc Tử, Nhân Nghĩa phải hiểu là: Yêu thương hết mọi người như nhau và bằng nhau, không phân biệt người gần, người xa (thân/sơ). Đức Nhân phát xuất do lòng hào hiệp vị tha phải bao bọc, “kiêm nhiệm” mọi người thân sơ. Vì theo Mặc Tử, “KIÊM ÁI” là yêu bạn cũng như yêu mình, yêu cha mẹ bạn cũng như cha mẹ mình, không có phân biệt. Nếu mỗi người coi tha nhân như chính mình, nếu mỗi nhà, mỗi nước coi nhà khác, nuớc khác như nhà mình, nước mình thì làm gì còn tranh giành, thù hận? Mặc Tử cho quan niệm “Kiêm Ái” của Ông là do Thiên Ý muốn, và đã được các vị hiền nhân quân tử thực hành. Nếu đem áp dụng một cách triệt để, chủ trương Kiêm Ái sẽ tạo an vui, hạnh phúc cho dân nước.(111)

Mạnh Tử đã công kích học thuyết của Dương Chu (Lão giáo), và lý thuyết Kiêm Ái của Mặc Tử. Mạnh Tử nói: Họ Dương vị ngã, ấy là không vua. Họ Mặc Kiêm Ái, ấy là không cha. Không cha, không vua, ấy là cầm thú. Đó là tà thuyết lừa dối dân, làm bế tắc Nhân Nghĩa (Mạnh Tử IIIb, 9).

Sự khác biệt giữa Nho gia và Mặc gia hệ tại chỗ nào? Nho gia chủ trương thuơng người có “thứ bậc”, thân sơ, còn Mặc gia thì không phân chia thứ bậc hay gần xa. Theo Mạnh Tử, yêu thương người thân thiết trong gia đình, họ hàng bà con “trước” người ngoài: đó là tình tự nhiên, không có gì đáng trách cả! Nên lấy cách cách đối đãi yêu thương trong gia đình làm mẫu mực cho tình yêu thương đối với người ngoài, xa lạ. Nên nới rộng lòng thương người thân trong gia đình cho nó bao trùm cả người ngoài nữa: đó là thi hành lòng “Trung” và “Thứ” mà Đức Khổng Tử vẫn chủ trương, tức cũng như thi hành Đạo Nhân. Săn sóc người già của ta cho tới người già của người khác. Thương yêu trẻ con của ta cho tới trẻ con hàng xóm (Mạnh Tử Ia, 7).(112)

Một điểm khác biệt nữa giữa Nho gia và Mặc gia, là câu hỏi: Tại sao ta nên thực hành Đạo Nhân Nghĩa? Mặc gia đã trả lời như sau: Ta phải thực hành Nhân Nghĩa, vì đó là do Thiên Ý, và vì ích lợi chính trị cho xã hội (utilitarianism). Ai không thương hết mọi người như nhau, và bằng nhau sẽ bị “Trời”, và nhà cầm quyền trừng phạt! Trái lại, Nho gia chủ trương: ta phải thi hành đạo Nhân Nghĩa, vì là điều do bản tính tự nhiên của con người đòi hỏi như vậy!

D. Đạo Học (Lão Giáo) Đối Với Đạo Nhân

Trong khi Nho giáo chủ trương “nhập thế”, thì Lão giáo lại chủ trương “xuất thế”. Do đó, Lão tử, Dương Chu, Trang tử, và các mộn đệ (đạo gia) công kích đạo Nhân, và Ngũ Luân, Ngũ Thường của Nho gia. Theo trào lưu triết học Trung Hoa, thì các đạo gia chủ trì một lối sống huyền bí noi theo sự vận hành của Nguyên Lý Siêu Việt của vũ trụ, mà họ “tạm” gọi là ĐẠO. Bởi vậy, lý tưởng thần bí của một đạo gia là cố gắng sống hòa hợp, hợp nhất với “Đạo”! Vì Đạo là Nguyên Uỷ phát sinh vạn vật, nên hợp nhất với Đạo là kết hợp với mọi người, mọi vật trong trời đất.(113)

1. “Xuất Thế”: Nếp Sống Phóng Khoáng Tự Do

Các đạo gia suy tư và chiêm niệm về Đạo của Trời Đất, và thấy Đạo lúc nào cũng giữ một mực TRUNG- HÒA, nghĩa là không thái quá, không bất cập. Đạo luôn vận hành một cách cân đối và quân bình. Vì muốn “hợp nhất với Đạo”, và thụ hưởng tự do cá nhân, và phóng khoáng, không bị ràng buộc vào bất cứ một thể chế luật lệ nào do xã hội đặt ra, nên các đạo gia đã tự tạo cho mình một nếp sống ẩn dật, xa lánh nơi phồn hoa đô thị náo nhiệt.

Về phương diện thể xác, các đạo gia đã tìm cách bảo vệ sức khoẻ, dinh dưỡng theo thiên nhiên để được khoẻ mạnh sống lâu. Việc tìm kiếm các vị thuốc bổ, các thảo mộc, luyện các loại kim, là những phát minh đầu tiên của nền khoa học vật lý và y khoa của Trung Quốc. Về phương diên Tu Thân, các đạo gia cố gắng rập theo khuôn mẫu của sự vận hành của Nguyên Lý Đạo, lúc nào cũng Quân Bình, Trung Hòa. Những đức tính như: vô vi, hồn nhiên, giản dị, đơn sơ, chất phác, khiêm nhu, thanh bần, tiết dục, quả dục…, rất được các đạo gia công phu tu luyện.

VÔ VI, không có nghĩa là làm biếng, không làm gì hết, nhưng là làm vừa phải, đúng mức, vì làm quá, sẽ có hại! VÔ VI, cũng có nghĩa là làm một cách tự nhiên, vui vẻ, không bị ép buộc, miễn cưỡng. Các đạo gia ca tụng đời sống của con trẻ, vì chúng đơn sơ, hồn nhiên, chất phác, không kiểu cách giả tạo.

KHIÊM NHU, là đức tính cao quí nhất vì hợp với đường lối Trung Hòa, quân bình của Đạo. Do đó, KIÊU NGẠO là tội ác lớn nhất, vì là thái độ cực đoan, thiếu quân bình, thiếu điều hòa.

THANH BẦN, là tâm hồn trống rỗng, thảnh thơi, không bị dục vọng quấy động. Vì không ham tiền bạc, danh vọng, chức quyền, nên các đạo gia hành động một cách vô vị lợi. Lão Tử chủ trương: người ta phải biết kiềm chế dục vọng, vì tìm cách thỏa mãn lòng ham muốn, khiến con người càng bận tâm lo âu. Ham hiểu biết nhiều, thì ra công tìm kiếm, không bao giờ cảm thấy thỏa trí được. Do đó, càng đặt ra các luật lệ, thì càng làm cho con người mất tự do, cuộc đời thiếu tự nhiên, và thêm phiền toái.

Để tâm trí hoàn toàn trống rỗng, thanh thản, các đạo gia đề xướng ra phép tu thân, gọi là “Tọa Vong”, và “Tâm Trai”, Tọa vong là ngồi suy niệm để tâm tâm trí quên hết mọi sự mọi vật mọi người ở trên đời và ngay ở trong tâm trí mình. “Tâm trai” (chay lòng) là để lòng “chay tịnh”, không còn vương vấn gì cả. Do đó, tâm thần hoàn toàn trống không, thanh tịnh, không còn phân biệt cái “tôi” và cái “không-phải-tôi”, nghĩa là vượt lên mọi tốt-xấu, đẹp-không đẹp… Đấy chỉ là những cặp tương đối, không phải là sự thật Tuyệt Đối. Sự Thật Siêu Việt, chính là sự hợp nhất với Đạo, vì mọi vật, mọi loài, dầu khác nhau, nhưng đều bởi Đạo mà sinh ra, và đều hợp nhất với nhau.

2. Công Kích Ngũ Thường, Đạo Nhân Của Nho Giáo

Vì chủ trương một đường lối Tu Thân đặc biệt, là hoàn toàn tự do, và “xuất thế”, nên các đạo gia đã chống lại cách tu thân của nho gia, đặt nền tảng trên Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.(114)

Người có cuộc sống cao siêu, hợp nhất với “ĐẠO” và “ĐỨC” của Trời Đất thì vượt ra ngoài vòng Tương Đối như phân biệt: Thiện-Ác, Đẹp -Xấu, v.v. Lão Tử viết: “Nếu thiên hạ đều biết là đẹp, ấy là có xấu. Thiên hạ biết thiện là thiện, ấy là có bất thiện (ch. 2). Vì vậy, Lão Tử khinh bỉ Ngũ Thường của nho gia, và Đạo Nhân. Theo Lão Tử, những đức tính ấy chỉ là suy đồi của “Đạo”và “Đức”. Lão Tử viết: Mất Đạo mới có Đức. Mất Đức mới có Nhân. Mất Nhân mới có Nghĩa. Mất Nghĩa mới có Lễ. Lễ là suy đồi của Trung Tín, bước đầu của rối loạn (Ch.38).(115)

Đôi khi các đạo gia đã cắt nghĩa những lời giảng dạy của Khổng Tử theo quan điểm thần bí của họ. Chẳng hạn, Trang Tử đã tưởng tượng ra một cuộc “đối thoại giả tưởng” giữa Đức Khổng và đệ tử thân tín của Ngài là Nhan Hồi. Một hôm, Nhan Hồi thưa với Đức Khổng rằng: “ Hồi đã tiến” (về mặt tu thân). Đức Khổng hỏi lại: “Thế nghĩa là gì?” Hồi trả lời: “Hồi quên Nhân Nghĩa”. Đức Khổng nói tiếp: “Khá đấy, nhưng còn chưa đủ”. Ngày khác, Nhan Hồi lại đến gặp Đức Khổng và thưa: “Hồi đã tiến”. Đức Khổng hỏi lại: “Thế nghĩa là gì? Hồi thưa: “Hồi quên Lễ Nhạc”. Đức Khổng nói: “Khá đấy, nhưng còn chưa đủ”. Một ngày khác nữa, Nhan Hồi lại đến gặp Đức Khổng và thưa: “Hồi đã tiến”. Đức Khổng hỏi: “Thế nghĩa là gì? Hồi thưa: “Hồi ngồi quên”. Đức Khổng biến sắc mặt, hỏi: “Thế nào là ngồi quên?” Nhan Hồi thưa: “Chi thể bất động, tâm trí lu mờ, buông thân thể, cất thông minh. Trở nên hợp nhất với Vô Biên. Đó là “ngồi quên”“. Đức Khổng nói: “Trở nên một với Vô Biên (Thái Cực, Đạo), nên không còn thích hay không-thích. Trở thành một với “Đại Thông” (Biến Hóa), nên chỉ thuận theo sự biến dịch, vận chuyển của vũ trụ. Nếu đã thực hiện được những điều đó, Khâu (tên tục Đức Khổng) đây, cũng xin theo gót”.(116)

Toát Lược Mấy Đặc Điểm

1. Đối với Nho Giáo, việc Tu Thân rất quan trọng. Trong việc Tu Đức, cần tuân giữ Ngũ Thường, là năm đức hạnh luân lý tự nhiên: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

2. Trong Ngũ Thường, thì “NHÂN”, tức Đạo Nhân là đứng đầu, và là nguồn gốc sinh ra các đức tính khác.

3. “NHÂN”, là Nhân Ái, là Yêu Người. Đức Nhân làm nên bản tính của con người. Do đó, ăn ở “bất nhân”, là độc ác, là trái với bản tính tự nhiên của loài người. Đức Nhân làm nên mối liên hệ, tương quan giữa người với người. Do đó, lấy “lòng mình” mà đo “lòng người”: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.(117)

4. Theo nghĩa triết lý, siêu hình của phái Tâm Học và Lý Học, thì “Nhân” là “Đức” của Trời Đất tràn lan khắp vũ trụ. “Nhân” là sự Sống, là Tình Thương, là “Lý”, là “Thái Cực” của vũ trụ. Nhờ “Nhân” mà con người có thể phối kết với Trời: “Thiên Nhân Hợp Nhất”. Theo Vương Dương Minh, nhờ “Thân Dân”, tức lòng Nhân Ái, mà làm cho “Minh Đức”, tức Luơng Tâm được sáng chói, không bị tình tư dục làm mờ ám đi.(118)

5. Mặc Tử chủ trương “KIÊM ÁI”, nghĩa là yêu thương hết mọi người như nhau và hoàn toàn bằng nhau, không phân biệt gần xa, thân sơ, người trong gia đình, họ hàng hay người ngoài. Trái lại, theo Nho gia, đặc biệt theo Mạnh Tử, thì tình yêu thương có thứ bậc, nghĩa là yêu nguời trong nhà trước yêu người ngoài. Đó là sự tự nhiên, theo bản tính con người, nên không có gì sai quấy, đáng trách cả.

6. Lão Giáo hay Đạo Giáo chủ trương “xuất thế”, cá nhân hoàn toàn tự do không bị ràng buộc bởi bất cứ lề luật luân lý hay luật lệ. Do đó, các đạo gia chống lại Lễ Giáo, Ngũ Thường của Nho giáo, mà họ cho là “nhân tạo”, không do thiên nhiên. Lão giáo thích trở về đời sống tự nhiên và thoát tục để chiêm niệm Nguyên Lý của vũ trụ, gọi là “Đạo”. Các đạo gia thích tu luyện những đức tính như: Trung Hòa, Quân Bình, Khiêm Nhu, Thanh Bần, Đơn Sơ, Vô Vi, Tiết Dục, v.v.(119)

ĐOẠN II . Từ Bi Trong Phật Giáo

Chủ đích của Đức Thích Ca Mâu Ni là tìm một con đường giải thoát cho nhân loại đang trầm luân trong bể khổ, ở đời sống hiện tại. Vì thế, khi còn sinh thời, Ngài thường sánh ví mình như một lương y, tìm cách cấp cứu một bệnh nhân đang đau đớn, quần quại rên la. Ngài không muốn suy luận xa xôi, nhưng tìm ngay phương thế thực tiễn, tìm thuốc hiệu nghiệm, để cứu bệnh nhân trong cuộc sống hiện tại. Do đó, nền tu đức của Phật giáo xây trên kinh nghiệm sống hiện tại, mang tính chất thực tiễn, không suy luận trừu tượng. Điều mà mọi người thấy trước mắt là: Đời là Khổ. Cho nên, vấn đề cấp bách là làm sao diệt được Khổ! Đức Phật thích dùng ví dụ sau đây để giải nghĩa lập trường: Khi ta thấy một người bị trúng mũi tên độc vào cạnh suờn, thì phải tìm cách thức rút mũi tên ấy ra liền, không mất thời giờ suy luận dài dòng, hoặc tìm giải đáp những câu hỏi xa xôi như: ai làm ra mũi tên độc? ai đã bắn mũi tên ấy? mũi tên từ đâu tới?(120)

Sau đây, ta thử tìm hiểu một cách trung thực về mấy quan điểm như: Nền Luân Lý, và phuơng pháp Tu Hành của Phật Giáo là gì? Nhân đức Từ Bi là gì? Ai là Hiện Thân của đức Từ Bi? Thế nào là Tâm-Bình-Đẳng (Upekkha), “Bố Thí Ba-la-mật” là gì?

A. Luân Lý và Tu Đức của Phật Giáo

Luân Lý Phật Giáo dựa trên kinh nghiệm sống hiện tại, nên mang tính chất thực tiễn, và gần với luật luân lý tự nhiên của con người. Đã là người có Lương Tâm, Luơng Tri, ai lại chẳng động lòng thương xót trước những cảnh khổ đau, ai lại chẳng gớm ghét cảnh giết chóc, thù hận. Vì thế, “Ngũ Giới” trong Luân Lý Phật Giáo dễ được chấp nhận. Ngũ Giới được diễn giảng dưới hình thức tiêu cực, ngăn cấm như:

1. Cấm sát sinh: cấm giết hại người và vật cách vô cớ

2. Cấm đạo tặc: tham lam bất chính

3. Cấm tà dâm: chiếm đoạt tình yêu của kẻ khác

4. Cấm vọng ngữ: xuyên tạc, vu khống, dối tra

5. Cấm tửu: những thứ kích thích loạn tâm, loạn trí.(121)

Cũng phải tránh “tam độc”, là ba thứ thuốc độc làm ung thối bản tính tốt của con người. Ba thứ độc đó là: THAM, là lòng tham lam vô độ. SÂN, là sự thù ghét. SI, là ngu si dốt nát, đần độn. Trong thập nhị nhân duyên, tức mười hai duyên cớ nối nhau để phát sinh đau khổ, thì “SI”, tức ngu si, ngu muội, cũng gọi là “ngộ” (sai lầm), là Vô Minh, đứng đầu phát sinh mọi cơ duyên khác. Do đó, căn bản trong phương pháp tu hành của Phật giáo là “phá ngu”, hay “giác ngộ” (ngộ= hiểu biết), nghĩa là nhờ sự suy niệm lâu giờ, lâu ngày mà hiểu biết được cái chân tính, cái bản ngã thật (Chân Ngã) của con người.(122)

Muốn được giác ngộ để tìm ra chân tính của mình, người phật tử cần cố công tự mình tu luyện, để tự cứu lấy mình, vì không ai ban ơn giáng phúc, hay cứu vớt thay mình được. Bởi đó, tôn chỉ trong việc tu thân, tu đức được các bậc thánh nhân La Hán (Arhat), thuộc phái Tiểu Thừa (Hina-yana) tuân theo là Tự Độ, Tự Giác: tự mình cứu độ lấy mình, tự mình hiểu biết chân tính để đem lại lợi ích cho mình! Ngày nay, trong các tu viện của phái Theravada (Tiểu Thừa), vẫn còn tập luyện theo cách tu “Tự Giác”. Các tu sĩ tuân theo kỷ luật rất khắc khe, khắc khổ, chuyên chú niệm kinh để diệt dục, mong tự thoát khỏi vòng luân hồi nghiệp báo.

Trong cách tu hành tu đức của Phật Giáo, còn có phái Đại Thừa (Maha-yana) chủ trương: “Tự Giác nhi Giác Tha”: tự mình cứu độ lấy mình nhưng cũng phải cứu độ, giác ngộ người khác nữa! Làm ích cho mình chưa đủ, còn phải ra tay giúp đỡ kẻ khác. Bởi vậy, các thánh nhân trong giáo phái này gọi là Bồ Tát (Bodhisattva), sau khi đã được giác ngộ rồi, nhưng chưa nhập Niết Bàn, mà còn ở lại để “phổ độ chúng sinh”. Các vị Bồ Tát không muốn hưởng lợi ích riêng cho mình, nhưng còn muốn giúp ích cho đời nữa! Do đó, lý tưởng của các Bồ Tát là đạt tới sự thánh thiện toàn hảo bằng cách thực hành đức TỪ BI (Thí Xả)

Nên nhớ rằng: hai giáo phái Tiểu Thừa và Đại Thừa vẫn đồng một quan điểm với nhau về quan niệm Cứu Độ, nghĩa là: Tự Độ (Self-Salvation), tự mình cứu lấy mình, kể cả Đức Phật cũng không thể ban ơn gì cho mình được! Đức Phật và các vị LaHán, Bồ Tát chỉ có thể khuyên bảo, làm gương sáng cho mình bắt chước mà thôi! Nhưng phân biệt Tiểu Thừa, vì phái này chỉ chuyên lo về việc tu thân cho chính mình trong các tu viện, còn phái Đại Thừa, chẳng những “tự giác” cho mình, còn lo “giác tha”, tức giảng đạo cho người khác nữa!

B. Đức Từ Bi là gì?

Danh từ TỪ BI diễn tả hai ý niệm: một là Maitri, Maitrey (sanscrit) hay Metta (pali), nghĩa là lòng tốt, tử tế trong cách đối đãi với tha nhân; ý niệm thứ hai là Karuna, nghĩa là lòng thương xót, thương hại vì nhìn thấy sự đau khổ của nhân loại. Quan niệm Từ Bi còn bao hàm một nghĩa thứ ba nữa là Dana, nghĩa là bố thí, “thí xả”, giúp đỡ người đau khổ. Làm phước, Bố thí là kết quả của lòng Từ Bi mà ra.(123)

Đức Từ Bi là một đức đứng đầu các đức tính khác, là nền tảng, và tinh hoa của Phật Giáo, dầu theo phái Tiểu Thừa hay Đại Thừa. Do đó, muốn trình bày cho thấu triệt ý niệm của Phật Giáo về “Đại Từ Bi, Năng Hỉ Xả”, thì cần có mối Hảo Tâm (metta=maitri), tức tình yêu thương đối với muôn loài muôn vật, nhân loại cũng như loài cầm thú. Lại cần có lòng thương xót, Trắc Ẩn (karuna) đối với những cảnh ngộ đau thương do luật Nhân-Quả gây ra, rồi lòng độ luợng ra tay giúp đỡ, bố thí (dana) thật sự. Ngoài ra, người phật tử còn phải thực hành đức thiện cảm, biết chia vui sẻ buồn với tha nhân (mudita), không giả hình, không ganh ty. Đức Từ Bi là một phương cách dẫn tới cứu độ, cho nên, theo tương truyền, trước khi nhập Niết Bàn, chính Đức Phật đã căn dặn, và truyền lệnh cho các đệ tử tuân giữ và thi hành.(124)

C. Các Vị Thần Hiện Thân Của Đức Từ Bi

Như đã nhận định ở trên, trong Chuơng nói về Cứu Độ, theo lịch sử Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca, không tự nhận mình là vị thần thánh có quyền phép thi ơn giáng phúc, nhưng là vị “lương y” về tâm thần, đã tìm ra thần dược để chữa bịnh “Đau Khổ” cho nhân loại! Nhưng vì Ngài giầu lòng quảng đại từ bi, suốt đời muốn ra tay cứu độ chúng sinh, nên sau khi nhập diệt, các phật tử, đặc biệt trong giới bình dân, vì lòng ái mộ, đã tôn kính Ngài như một vị Thần, có quyền thế.

a. Phật ADIĐA (AMITABHA)

Phái “Tịnh Độ Tông” đã đáp ứng lại nguyện vọng của giới phật tử bình dân. Theo giáo phái này, cần niệm: “Nam Mô A-Di-Đà Phật” hoặc lẩm bẩm bằng môi, hoặc “lần tràng hạt” là có thể được Đức Phật, hiện thân của Đức Từ Bi, ban ơn giáng phúc cho. Những phật tử mộ đạo cũng thường chào nhau bằng câu vắn tắt như: “Mô Phật”, để tỏ lòng hợp nhất với nhau trong sự hộ phù của Phật A-Di-ĐÀ.(125)

b. Quan Thế Âm Bồ Tát

Trên bàn thờ Phật tại các chùa ở Việt Nam, ta thấy tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng một bên, Đại Thế Chế Bồ Tát bên kia, và Đức Phật A-Di-Đà đứng ở giữa. Quan Thế Âm Bồ Tát được biểu tượng bằng chân dung của một phụ nữ, gọi tắt là “Phật Bà Quan Âm”. Vị Bồ Tát này, hiện thân cho Đức Từ Bi, đặc biệt ra tay cứu giúp các bà hiếm muộn. Phật Bà Quan Âm được mô tả đang chèo thuyền để đưa chúng sinh qua “bờ bên kia” (dịch chữ “đáo bỉ ngạn” = Ba-La-Mật = Paramita), mong được giải thoát và được hạnh phúc.(126)

D. Bố Thí Ba-La-Mật là gì?

Như ta đã thấy trước đây, giáo lý của Phật Thích Ca chỉ nhằm vào mục tiêu duy nhất là “Diệt Khổ”, đem lại sự yên lặng, hạnh phúc cho tâm hồn được giải thoát. Ngoài ra, Ngài đều cho là phù phiếm, vô ích cả, ngay những tranh luận siêu hình về Chân Lý mà các nhà trí thức đương thời ưa thích nhất”.(127)

a. Tâm-Bình-Đẳng là gì?

Theo lịch sử của Phật Giáo, sau khi Phật đã nhập diệt rồi, giáo thuyết của Đức Phật được giải thích khác nhau, và chia thành rất nhiều tông phái. Vả lại, các tông phái được tự do diễn giảng, làm sao cho hợp với hoàn cảnh, với trình độ trí thức và sự hiểu biết của các tín đồ, không cần noi theo một tín điều nào. Ngoài sự phân chia ra Tiểu Thừa và Đại Thừa, ta còn thấy trong Đại Thừa cũng có hai phái chính là “Quyền Đại Thừa” chủ trương vạn sự vạn vật đều do Tâm mà có, ngoài Tâm ra, không có gì cả. Phái này cũng gọi là Tâm Tông, hay Bắc Tông do thiền sư Đạo Sinh, và Thần Tú sáng lập (chết 706) “Thực Đại Thừa”, cũng gọi là Không Tông, hay Nam Tông do Tăng Triệu và Huệ Năng chủ truơng: “Phi Hữu Phi Không, Diệc Hữu Diệc Không” (chẳng “có”, chẳng “không”, mà cũng “có”, cũng “không”). Do dó, Tiểu Thừa chủ trương “Chấp Hữu”, nghĩa là cho vạn sự vạn vật là “thật có”. “Quyền Đại Thừa” (Bắc Tông), chủ trương “Chấp Không”, nghĩa là ngoài “Tâm” ra, vạn vật “không có” gì cả; nhưng “Thực Đại Thừa”, thì lại cho rằng: vừa “có”, lại vừa “không”, nghĩa là không phân biệt “Có-Không”, Thiện-Ác: coi vạn sự vạn vật đều hoàn toàn Bình Đẳng như nhau: đó gọi là thực hiện được “Tâm-Bình-Đẳng” (Upekkha), cũng gọi là “Tâm-Vô-Sai-Biệt”. Trái lại, nếu phân chia có Ta có Người, có Thiện, có Ác, có Sống, có Chết, có Phiền não, có Bồ Đề, có Luân Hồi, có Niết Bàn…, là có Tâm-Sai-Biệt.

“…Tiểu Thừa tuy nhận vạn tượng là Sai Biệt mà chưa biết đến chỗ Bình Đẳng của Bản Thể. Quyền Đại Thừa thì tuy phá được chỗ sai biệt của vạn tượng và biết đến chỗ Bình Đẳng của Bản Thể, nhưng chưa rõ đến chỗ Trung Đạo của Thực Đại Thừa: Bản Thể=Hiện Tượng; Hiện Tượng=Bản Thể; Sinh tử=Niết bàn; Niết Bàn=Sinh Tử…, Phiền Não tức Bồ Đề”.(128)

Theo đại chúng phật tử, muốn thực hành đức Từ Bi, thì cần tuân giữ ba đức hạnh như đã kể trên là: Metta, Karuna, và Mudita. Nhưng theo phái thiền sư Không Tông (Nam Tông), thì bậc cao siêu nhất của Tình Thuơng là “Tâm-Bình-Đẳng. Theo họ, các vị Bồ Tát, các bậc Đại Giác đều giữ thái độ thản nhiên, vô tư, không phân biệt Thiện/Ác, khen/chê, thương/ ghét, lợi/hại, sống/chết, hoặc là Ta/Người (khác), không phân biệt chúng sinh và “Phật” (nói chung về người đã được giác ngộ), không có “Mê” và “Ngộ”, không có phiền não và Bồ đề (tượng trưng cho sự im lặng, an vui).

“Bởi Vô Minh, nên nhận lầm có “Nhân” có “Ngã”, mới có Thiện, có Ác,có lợi, có hại. Trái lại, nếu nhận rõ tất cả là Một, Ta là Người, thì vấn đề Lợi/Hại, Thiện/Ác sẽ không còn nữa, vì cái hại của kẻ này là cái lợi của kẻ kia, cái lợi của người kia là cái hại của người nọ..không có cái gì thêm cho ai, bớt cho ai, lợi cho ai, hại cho ai cả, vì tất cả là Một, vì tất cả là Ta”.(129)

b. Bố Thí Ba-La-Mật là gì?

Trước hết nên tìm hiểu ý nghĩa của các danh từ chuyên môn dùng trong Thiền Tông như: Bát Nhã, Trí Huệ Bát Nhã, Ba-La-Mật…

BÁT NHÃ, dịch âm bởi chữ PRAJNA (Sanskrit), PANNA (Pali). Bát Nhã là gì? Đó là một Trí Huệ, một sự hiểu biết khác với sự hiểu biết thông thường, do đó, gọi là “TRÍ HUỆ BÁT NHÔ. Thế nào là sự hiểu biết khác thường? Đây là sự hiểu biết “sâu xa”,”vượt” không gian và thời gian,”vượt” thế giới “Nhị Nguyên”, tức phân biệt Thiện/Ác, Ta/Người, Lợi/ Hại, nghĩa là” vượt” trên mọi cặp mâu thuẫn, mọi sự biện luận khẳng định (có), phủ định (không có): vì cả hai là Một. Đó cũng gọi là Bình đẳng Luận, hay Nhất Nguyên Luận, Nhất như Luận. Do đó, mới có những thành ngữ như: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, hay “Hữu tức Vô, Vô tức Hữu”. Pháp môn Không Tông này chống lại các hình thức lý luận biện biệt, phân chia ra Phải/Trái, Có/Không… mà họ gọi là Nhị Nguyên Luận. Vì “Trí Huệ Bát Nhã” là sự hiểu biết khác thường, “vượt khỏi bên kia bờ” của những nhận thức và suy luận Nhị Nguyên, phân chia, phân tích cái này khác cái kia…, nên mang tên đặc biệt là “Trí Huệ Bát Nhã Ba-La-Mật” (sẽ giải thích ở duới đây).

BA-LA-MẬT là gì? Ba-La-Mật là dịch âm của tiếng “PARAMITA” (sanskrit), Tàu dịch nghĩa là “đáo bỉ ngạn”, nghĩa là “đến bờ bên kia”. Theo thiền sư phái Không Tông, từ trong bể khổ, nhờ tu theo “Trí Huệ Bát Nhã Ba-La-Mật”, nghĩa là “vượt” hẳn lối Lý Luận theo LÝ Trí biện biệt, phân chia Nhị Nguyên, chúng sinh có thể sang bên kia bờ Giải Thoát của chư Phật.” Danh từ “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia, Ba-La-mật=Paramita) cũng chỉ là một nghĩa bóng mà thôi, chứ thực ra thì “cái bờ” ấy “không ở đâu cả, nhưng ở đâu cũng có”, tức là chỗ mà Trang Tử, ở Thiên Tiêu Diêu Du gọi là “vô hà hữu chi hương” mà nhà Phật gọi là “ưng vô sở trụ” (Tâm không vướng mắc (Trụ) vào đâu cả)”.

Phương pháp tu hành của phật Giáo có sáu điều phải thực hiện, gọi là “LỤC ĐỘ” như: Bố Thí (Dana, Charity), Trì Giới (Sila, Morality), Nhẫn Nhục (Kshanti, Patience), Tinh Tấn (Virya,Vigour), Thiền Định (Dhyana, Meditation), và Trí Huệ (Prajna, Wisdom). Đó là cách tu theo Bồ Tát Thừa, theo lối thường, vì còn phân biệt Nội/Ngoại, Thị/Phi, Thiện/Ác, Vinh/ Nhục, nghĩa là vẫn còn những cặp mâu thuẫn. Theo phái Không Tông, thì “dù có tu “Lục Độ”, cũng phải “vượt” lên khỏi “Lục độ”, vì đối với Bát Nhã Ba-La-Mật, thì “lục độ” cũng vẫn có “chấp trước”, nên hoàn toàn vô nghĩa và không hiệu lực gì đối với vấn đề Giải Thoát cả. Bởi vậy, tu “lục độ” mà muốn đừng mắc trong lục độ, bị luân hồi sinh tử, thì phải tu “Lục Độ Ba-La-Mật”,.. tức là “BỐ THÍ BA-LA-MẬT”, “Trì Giới Ba-La-Mật”, “Nhẫn Nhục Ba-La-Mật”, “Tinh Tấn Ba-La-Mật”, “Thiền Định Ba-La-Mật”, “Trí Huệ Ba-La-Mật”.

Do đó, “BỐ THÍ BA-LA-MẬT” là không vị lợi, vị danh, nhưng là một hành động tự nhiên, không tính toán lợi hại. Bố thí mà “chẳng thấy có mình là người bố thí, cũng chẳng thấy có người được mình bố thí” (thọ thí). Bố thí “như hành động tự nhiên và vô niệm (niệm vô niệm=không còn ý niệm phân hai=Chánh niệm=Bát Nhã) của Mặt-Trời chiếu sáng vạn vật mà không hay rằng mình chiếu sáng, và cũng không chiếu sáng cho riêng ai, cho kẻ thân hay người thiện… mà là chung cho tất cả mọi người và mọi vật”.(130)

Nói tóm lại, nền luân lý, đức Từ Bi của Phật Giáo có tính chất thực tiễn đem lại lợi ích cho mình (tự giác) và giúp tha nhân, giúp đời bớt đau khổ (giác tha). Niệm Phật, kinh kệ, cúng bái để đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống hiện tại như mong được lành bệnh, sinh con, được mùa, v.v. “Tụng Niệm” để tìm ra chân lý, tìm thấy chân tính, hay Phật Tính, giúp tâm thần được sảng khoái, phong phú hơn trong kiếp sống hiện tại. Nền luân lý và đức Từ Bi, được dân chúng cố gắng tuân theo, giúp cho mối tương quan giữa người với người thêm tươi thắm, đậm đà, thương mến hơn!(131)

Toát Lược Mấy Đặc Điểm

1. Nền Luân Lý, đức Từ Bi, theo ý định của vị sáng lập là Đức Phật Thích Ca, mang tính chất thực tiễn, hiện thực, hiện thế, cấp cứu, để cứu vớt nhân loại bớt đau khổ.

2. Sau khi Đức Phật đã nhập diệt rồi, thì giáo lý của Ngài được chia ra rất nhiều môn phái khác nhau. Mỗi môn phái được tự do giải thích, không bị ràng buộc bởi một tín điều nào. Theo lịch sử Phật Giáo, thường chia ra phái Tiểu Thừa, chủ trương “Tự Giác”, chỉ chuyên lo việc tự độ cho bản thân mình. Phái Đại Thừa chủ xướng “Tự Giác nhi Giác Tha”, cứu mình và giúp đỡ người khác nữa.

3. Giáo thuyết của hai phái Tiểu Thừa và Đại Thừa có nhiều quan điểm khác biệt, nhưng cả hai đều chủ trương “TỰ ĐỘ”, nghĩa là tự mình cứu lấy mình, không ai có thể thay thế, hay ban ơn giáng phúc cho mình được. Đức Phật chỉ làm gương cho mình bắt chuớc, chứ không ban ơn gì cho mình.

4. Bởi đó, muốn được cứu độ, thì phải tự mình noi gương Đức Phật và các vị Bồ Tát, La Hán…, thực hành những phương pháp tu hành như: Ngũ Giới, Tam Độc, và “Lục Độ”…, mục đích là giúp phật tử tự tìm ra chân tính của mình, để được “Giác Ngộ”.

5. Trong Lục Độ, thì đức Từ Bi đứng đầu và quan trọng hơn cả. Vì thế, các thiện nam tín nữ đã tôn phong Đức Phật Thích Ca như Vị Thần, hiện thân của đức Từ Bi, có quyền phép ra tay cứu vớt, và ban ơn phúc cho chúng sinh. Một Vị Bồ Tát khác cũng được tôn kính làm “Phật Bà Quan Âm”, hiện thân cho đức Từ Bi, hay cứu vớt trẻ con, và người hiếm muộn.

6. Theo cách thực hành chung của đại đa số tín đồ Phật tử, thì việc thi hành đức Từ Bi là cứu giúp tha nhân, từ trong gia đình ra ngoài xã hội để cầu phúc báo. Nhưng phái Phật học theo Nhất Nguyên Luận chủ trương “Vô Ngã”, “Vô”, vũ trụ là Một, nên chống lại cách dùng Lý Trí để biện biệt, phân chia, phân tích mà họ gọi là “Nhị Nguyên Luận”. Đặc biệt phái Đại Thừa Nam Tông (Không Tông), vì trung thành với Nhất Nguyên Luận, nên cho rằng phải đạt được “Tâm-Bình-Đẳng” khi thực hành đức Từ Bi, nghĩa là không phân biệt Ta/Người, Thiện/Ác, Phiền Não/Niết Bàn, Lợi/Hại… Cách thực hành đức Từ Bi như thế, gọi là “Bố Thí Ba-La-Mật”.

ĐOẠN III . Đức Bác Ái Của Thiên Chúa Giáo

Thiên Chúa Giáo là ĐẠO chỉ thờ Một THIÊN CHÚA duy nhất, mọi vật mọi loài đều bởi Thiên Chúa mà có và phải qui hướng về Chúa như là Căn Nguyên. Vạn sự vạn vật tồn tại, tồn hữu là nhờ Tình Yêu Thương Vô Hạn, và Vô Điều Kiện (uncondional Love) của Thiên Chúa ban phát ra, vì bản thể của Thiên Chúa được định nghĩa là: “Thiên Chúa là Yêu Thương” (I Gioan 4:39). Do đó, trong Thiên Chúa Giáo, Thần Học, Triết Học, tín điều, phụng tự, luật pháp, v.v. đều lấy Tình Yêu Thương Vô Hạn của Thiên Chúa làm nền tảng, lý do để giải thích. Chẳng hạn, vì Yêu Thuơng mà Chúa dựng nên trời đất, vũ trụ; cũng vì Yêu Thương vô điều kiện mà Chúa tạo dựng con người, và đã sai Thánh Tử giáng thế làm Người để thay cho nhân loại, làm lễ vật Hy Sinh, đền tội, chuộc tội cho nhân loại được Hồng Ân Cứu Độ.

Sau đây, ta sẽ lần lượt diễn giảng:

A. Nền tảng, của đức Bác Ái phát xuất từ Tình Ái Vô Biên của Chúa, và từ Chúa KyTô là Gương Mẫu.

B. Mối liên hệ “tương tự” giữa Tình Ái của Chúa và tình yêu của loài người, như thế nào? Tình Yêu của Chúa “giống”, và “khác” tình yêu của ta làm sao?

C. Tình Yêu là sự “đối đáp”, là mối tương giao giữa các “Nhân vị”, với nhau, nghĩa là giữa “Người” với “Người”.

D. Do đó, muốn có tình yêu thương thật sự, thì cần mấy đặc tính như: vì chung một lý tuởng, nên cùng nhau chia sẻ những khó khăn; tôn trọng sự tự do, bình đẳng, quyền lợi của nhau; thực thi đức Bác Ái bằng việc làm cụ thể như ân cần chăm sóc, tha thứ khuyết điểm và giữ lòng chung thuỷ, trung thành với nhau…

A. Thiên Chúa là Căn Nguyên của Đức Bác Ai

Vạn sự vạn vật đều qui hướng về Thiên Chúa như Nguyên Uỷ và Cứu Cánh. Trong lãnh vực Tình Ái cũng vậy. Đức Bác Ái, động lực nội tại phát sinh các nhân đức khác, phải đặt nền tảng lý do tồn tại (raison d’être) nơi Tình Thương Vô Hạn của Thiên Chúa. Tình Ái Tuyệt Đối này, chính là Bản Tính của Thiên Chúa, đã được biểu lộ, mặc khải nơi Đấng Cứu Thế, là Chúa Giêsu Kytô.(132)

1. Tình Ái của Thiên Chúa là Gương Mẫu

Tình Thương vô biên, bao la của Chúa đối với nhân loại, đã là mẫu mực và là động lực khiến mỗi người phải yêu thương tha nhân đồng loại. Vì Chúa đã tạo dựng nên ta và yêu thương ta, nên ta phải yêu mến Chúa. Đó là giới răn thứ nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất, tức là “Yêu người như mình ta vậy”, vì mọi người đều là con cái của Chúa sinh ra. Do đó, giá trị cao quí của con người đặt nền tảng tại sự liên hệ với Chúa, tại tình nghĩa tử mà Chúa đã tự ý ban “nhưng không”. Nhân loại “có”, là vì Chúa “Có”. Kinh Thánh viết: “Con người trở thành giống như Chúa (eritis sicut Deus: Gen. 3:5), vì con người mang trong mình “hình ảnh”, tức sự “tương tự”của Chúa (Gen 1:27,5:1, I Gioan 3:1-3)(133)

Trong Thiên Chúa Giáo, Mầu Nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, tức là Chúa Giêsu KyTô giáng thế làm Người: đó là Tột Đỉnh của Tình Ái Thiên Chúa đối với nhân loại và đối với cả vũ trụ càn khôn. Vì Yêu Thương loài người vô bờ bến, vô hạn, mà Thiên Chúa đã sai Thánh Tử giáng trần để mặc khải Mầu Nhiệm Tình Ái của Chúa cho nhân loại. Do đó, chính Đấng Cứu Thế là “Hiện Thân” của Tình Ái Thiên Chúa. Các Lời Ngài giảng dạy, các phép lạ, các cử chỉ, hành động đối với người nghèo, bệnh nhân, trẻ em, phụ nữ, bà góa… nhất nhất đều biểu lộ Tình Ái của Thiên Chúa đối với nhân loại! Bởi vậy, Chúa Giêsu KyTô là Gương Mẫu, là Thủ Lãnh của Dân Chúa, tức Hội Thánh gồm những tín hữu hoan hỉ đón nhận Tin Mừng do Chúa Cứu Thế tuyên bố. Suốt trong lịch sử đã có hằng triệu triệu tín đồ, tu sĩ nam nữ, chỉ lấy Chúa Giêsu KyTô làm Mẫu Mực cho đời sống tận hiến để phục vụ tha nhân. Tình Bác Ái của Chúa Cứu Thế cũng là “Khuôn Vàng Thước Ngọc” để đo mức độ về đời sống trọn lành, thánh thiện. Ai càng nên giống Chúa hơn, thì càng tới gần sự thiện hảo hơn. Do đó, ta thấy các Thánh Anh Hùng Tử Đạo, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đức Tin, bắt chước Chúa chịu chết trên Thánh Giá để đền tội cho nhân loại. Cũng có những tu sĩ nam nữ sống đời tận hiến, trinh khiết để cầu nguyện, hoặc giúp đỡ người đau khổ, nghèo khó. Khi rửa chân cho các môn đệ, để dạy họ sống hoàn toàn theo gương mẫu của Chúa, Ngài phán: “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới, là chúng con phải thương yêu nhau. Thầy đã yêu chúng con thế nào, chúng con phải yêu nhau như vậy” (Gioan 13:34).

Mỗi người phải yêu thương tha nhân vì muốn bắt chước noi gương tình Chúa yêu thương ta. Bởi vậy, nếu ta không biết yêu tha nhân, thì ta cũng không thể yêu mến Chúa được. Yêu mến tha nhân đồng loại là hàng ngang! Trước hết, tự nhiên ta cảm thấy yêu mến cha mẹ, anh chị em ruột thịt, sau đó, tình yêu mới tỏa rộng ra bên ngoài tới bà con thân thuộc, họ hàng, xóm làng, bạn hữu, đồng hương, và xa hơn nữa là tình liên đới quốc tế. Tình ái lan rộng từ một tiểu vũ trụ đến một đại vũ trụ, từ một trái tim nhỏ bé, “nở” ra một bầu nhiệt huyết bao trùm vũ trụ. Từ trong thâm tâm ta cho đến bên ngoài vũ trụ, đâu đâu cũng thấy tiềm tàng, nung nấu một tình thương dạt dào. Và từ thế giới con người ta vươn ra ngoài vũ trụ càn khôn, rồi từ vũ trụ càn khôn, ta vượt lên thế giới vô hình, lên Đấng Tuyệt Đối. Đó là chiều dọc siêu việt của Tình Yêu! Nhưng bất cứ ở kích thước nào, ta vẫn thấy tình thương tiềm ẩn. Do đó, nơi trái tim nhỏ bé của con người, chính là” nơi chốn” (locus) gặp gỡ của Hữu Hạn và Vô Biên: Từ Hữu Hạn vượt lên Vô Biên, hoặc từ Vô Biên trở về Hữu Hạn.(134)

2. Tình Ái Vĩnh Cửu

Thiên Chúa là Vĩnh Cửu và Thiên Chúa là Yêu Thương, nên Tình Ái của Chúa là Vĩnh Cửu, từ trước vô cùng vẫn có và còn tồn tại đời đời kiếp kiếp về sau. Do đó, tình yêu tha nhân đồng loại cũng phải bền vững luôn mãi muôn đời. Tại sao? Vì giới răn thứ hai, “Yêu người”, cũng giống giới răn thứ nhất “Mến Chúa”’ vì con người giống “hình ảnh” Chúa, nghĩa là có Chúa ngự tại nội tâm của con người, nên con người được chia phần, được tham dự vào sự Vĩnh Cửu của Chúa. Do đó, đời sống vĩnh cửu (trên thiên đàng) vẫn phải có tình yêu mến tha nhân, vì (trên thiên đàng) con người luôn luôn yêu mến Chúa. Đức Tin, Đức Cậy thì qua đi, khi ta nhìn thấy Chúa “nhãn tiền”, nhưng Đức Mến “chẳng hề qua đi” (I Cor 13:13). Bởi vậy, Đức Mến là nền tảng của các nhân đức khác, vì nhờ Đức Mến mà con người hữu hạn có thể kết hợp, giao hòa với Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối, Vô Biên.

3. Tình Thương Tràn Lan Khắp Vũ Trụ

Thiên Chúa là nền tảng, là lý do tồn tại của vạn sự vạn vật. Tình Yêu Thương Vô Biên của Chúa cũng chính là sự Sống, là Năng Lực tiềm ẩn được biểu lộ ra bên ngoài vũ trụ hữu hình. Đâu đâu ta cũng thấy tràn đầy sự Sống và Năng Lực, làm cho nhân loại và các sinh vật, thực vật, khoáng vật biến hóa, sinh động không ngừng. Từ nơi vũ trụ hữu hình này, ta có thể nâng tâm trí con người lên cõi vô hình, và cảm nghiệm được chính Nguồn Sinh Lực Tuyệt Đối, cũng là Tình Thương Vô Biên hằng tràn lan trên muôn vật muôn loài. Do đó, tình yêu thuơng của nhân loại không thu hẹp vào thế giới tương đối, hữu hình mà thôi, nhưng có thể “vượt” lên đến điểm Hội Tụ Tuyệt Đối là Thiên Chúa, đã được biểu lộ, mặc khải nơi Chúa Cứu Thế.

Một hình ảnh tượng trưng cho Tình Ái Tuyệt Đối vượt trên các tổ chức, đoàn thể hữu hình, đó là “Hội Thánh Chúa”, hay “Nước Thiên Chúa”. Hội Thánh Chúa, không phải chỉ xét về phương diện bên ngoài, có sự hợp nhất về lãnh đạo, về phẩm trật, về giáo luật, nhưng Hội Thánh Chúa, trong căn bản, chính thật là một Sinh Lực của Tình Ái Tuyệt Hảo, liên kết các phần tử là con của Chúa lại thành một “Thân Thể Mầu Nhiệm” (Mystical Body) mà Chúa Cứu Thế làm Đầu, làm Thủ Lãnh.

B. Tương Quan Giữa Tình Ai Thiên Chúa và Nhân Loại

Xét về nội dung ý nghĩa của chữ Yêu Thương, người ta phân biệt ra ba ý nghĩa hay ba loại Tình Ái khác nhau, không hoàn toàn “đoạn tuyệt” với nhau, không chống đối nhau, nhưng vẫn có thể liên quan đến nhau.

1. Ba Loại Tình Ái

Theo nội dung ý nghĩa, tình ái có thể xếp đặt làm ba cấp, tính từ dưới lên trên :

a. Tình Tư Dục (Eros). Đây là tình yêu vị kỉ tìm thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, về dục tính (sex), về tình cảm, về gia đình.

b. Tình Bằng Hữu.(Philia) Thứ tình cảm này hướng về tha nhân, và lan rộng tới những người ngoài khuôn khổ nhỏ hẹp của gia đình, như bạn bè, làng xóm, quốc gia. Vì tình nghĩa đồng bào, đồng hương, hay họ hàng mà đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

c. Tình Bác Ái.(Agape) Đây là tình ái vị tha, vô điều kiện (uncondional love), vì Tình Bác Ái bao la, vô hạn mà Thiên Chúa đã tạo thành vũ trụ, và hằng thi ân giáng phúc cho muôn vật muôn loài. Vì Tình Bác Ái vô hạn đó mà Chúa Giêsu Kytô, vốn là Thiên Chúa, đã tự hạ, tự hiến làm lễ hy sinh để cứu độ nhân loại (coi Thư gửi Philiphê 2:6-11, Kenosis).

2. Ba Loại Tình Ái Liên Quan Với Nhau

Tuy Tình Chúa bao la và là nguồn gốc của mọi tình yêu thương vị tha, còn tình người rất hạn hẹp, nhưng ta vẫn thấy có mối liên hệ, liên tục giữa hai mối tình ấy. Tình Chúa giầu lòng vị tha, đổ tràn trên vạn sự vạn vật. Tình người dựa trên cảm giác, trên vật dục, nhưng cũng phải vươn lên tới Chúa là Tình Ái Tuyệt Đối. Do đó, ngay trong tình yêu vật dục thấp kém, ta cũng nhận thấy một hình ảnh hoặc một chút hương vị của Tình Yêu Thương Tuyệt Đối. Chính Tình Ái Siêu Việt khiến tình yêu thấp kém được thêm phần thanh cao. Bởi vậy, không có sự đối nghịch, hoặc “đứt đoạn” giữa Tình Bác Ái vô biên của Chúa và tình yêu vị kỉ của nhân loại, nhưng vẫn có sự hỗ tương giao hòa. Đã thật tình “Mến Chúa”, tất nhiên cũng phải “yêu người”, vì cả hai giới răn liên hệ mật thiết với nhau. Nếu yêu mến Chúa một cách chân thành, thì cũng phải noi gương bắt chước Tình Bác Ái bao la của Chúa để tỏa rộng tình yêu của mình đến cho mọi người chung quanh. Ngược lại, yêu người thật tình cũng sẽ giúp ta vươn tới thứ tình yêu vị tha, hy sinh, tức tình bác ái. Có thể sánh ví một cách “tương tự” như sự hỗ tương ảnh hưởng giữa linh hồn và thể xác, do đó, Tình Bác Ái vô biên của Chúa và tình yêu hữu hạn của nhân loại đều có tuơng quan liên hệ với nhau.(135)

3. Hình Anh “Tương Tự” giữa Tình Chúa và Tình Người

Trong Kinh Thánh hay lễ nghi phụng tự, hoặc trong Thần Học, tu đức… ta thấy dùng những hình ảnh tình tứ, thơ mộng, phỏng theo tình ái giữa vợ-chồng, cha-mẹ với con cái… để diễn tả Tình Ái Siêu Việt của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đây chỉ là những hình ảnh “tương tự” (analogy), chứ không phải đúng hệt như vậy.

a. Tình Yêu Vợ-Chồng. Trong Kinh Thánh, tình yêu của vợ-chồng được ca tụng như một kỳ công của Đấng Tạo Hóa. Tiệc cưới được sánh ví như sự hoan lạc trên Thiên Đàng. Do đó, tính dục (sexuality) không phải là điều xấu, là tội lỗi. Thánh Phao lô Tông Đồ đã dùng hình ảnh tình ái vợ-chồng trong hôn nhân để ám chỉ tình ái giữa Chúa Cứu Thế và Hội Thánh, tức là các tín hữu. Bởi vậy, tình nhục dục vẫn có thể “thăng hoa” thành tình yêu gia đình, rồi lan rộng ra ngoài xã hội, để vươn lên tới tình yêu cao vời, thần bí hiệp thông với Chúa.

b. Tình Phụ-Mẫu với Con Cái. Ngoài tình nghĩa vợ-chồng, không có một tương quan tình ái nhân loại nào cao quí bằng tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Bởi vậy, trong Phúc Âm, Chúa Cứu Thế đã dùng danh từ “Abba”, nghĩa là “Cha” để gọi Thiên Chúa, và để ám chỉ mối tương quan tình nghĩa giữa Thiên Chúa là Cha, và những người được Chúa yêu là con cái Chúa, như trong kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời...” (Mat 6:9-13).

Nói tóm lại, “Thiên Chúa là Bác Ái”. Bản Tính của Chúa và mối Tương Quan Siêu Phàm giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa (Mầu Nhiệm Tam Vị Nhất Thể Thiên Chúa), là tương quan Tình Ái Siêu Việt mà trí tuệ loài người không thể hiểu thấu, không thể diễn tả cho cân xứng được. Dầu vậy, Thần Học Thiên Chúa Giáo vẫn cho phép dùng ngôn ngữ, hình ảnh phàm tục để ám chỉ (một phần nào) sự “tương tự” và liên quan giữa Thiên Chúa Siêu Việt và nhân loại thuộc giới thụ tạo tương đối. Nhưng nên nhớ: thế giới hữu hình chỉ có thể phản ảnh, một cách lờ mờ “tương tự”, những Thực Tại Siêu Việt mà thôi!

C. Đức Bác Ái và Quan Niệm Nhân Vị

Tình Bác Ái phải qui hướng về Chúa như nền tảng, căn nguyên, vì Thiên Chúa là Một Ngôi Vị, nên Tình Ái cũng mang đặc tính “ngôi vị”, nghĩa là tình thương là tình liên đới giữa các nhân vị (hay ngôi vị ) với nhau, giữa người với người (interpersonal). Trong kinh nghiệm giao tiếp, tình ái bao giờ cũng là một mối cảm tình đặc biệt dành cho một “người” (một nhân vị) riêng biệt, khác với mọi nguời khác.(136)

Vấn đề đặt ra ở đây là: ta có thể dùng kinh nghiệm tình ái giữa người với người, (loài tương đối, hữu hạn) để ứng dụng vào kinh nghiệm tôn giáo thần bí giữa Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, được không? Tình Bác Ái Vô Biên của Chúa có tính cách “Ngôi Vị” (personal) không? Một thiểu số chống lại việc dùng danh từ nhân vị, hay ngôi vị áp dụng vào Thiên Chúa là Nguyên Lý Siêu Việt, vì sợ sẽ hạ thấp giá trị siêu đẳng của Chúa xuống hàng phàm tục. Theo họ, Nguyên Lý đó phải là vô- nhân-vị (non-personal), vì họ chống lại mọi hình thức của thuyết “thần-nhân-đồng-hình” (anthropomor-phism), nghĩa là dùng hình ảnh của con người để ám chỉ, áp dụng vào Chúa.

Theo Thần Học Thiên Chúa Giáo, như Thánh Thomas, thì ý niệm về tình ái là “thần-nhân-đồng-hình”, vì được rút ra từ kinh nghiệm giao tiếp giữa người với người, giữa các nhân vị. Dĩ nhiên, ta phải biết hạn chế, thanh lọc, chọn lựa các danh từ khi ứng dụng vào mối tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, nhưng vẫn được coi là hợp lý khi dùng những danh từ, hình ảnh tượng trưng để “ám tỷ” (sánh ví) giữa các thực tại hữu hình và vô hình. Thiên Chúa là Đấng Vô Danh, Vô Hình, Vô Tượng, Siêu Việt trên hết mọi loài, nhưng Kinh Thánh vẫn thường dùng phương pháp “tương tự” để “sánh ví” Thiên Chúa như: Vua, Mục Tử, Cha… và để diễn tả, dầu một cách bất tương xứng, mối tình thắm thiết giữa Thiên Chúa và dân của Chúa.(137)

Thiên Chúa là một “Ngôi Vị” (“ Nhân Vị”) rất đặc biệt, không thể hiểu như một “nhân vị”, của một “người” thường được! Do đó, nếu ta gọi Chúa là “CHA”, thì phải hiểu ý nghĩa của chữ đó “vượt” hơn ý nghĩa thông thường. Chữ “Cha”, hay “Mẹ”, theo nghĩa bóng, ám chỉ công ơn sinh thành, dưỡng nuôi, dạy dỗ… Do đó, trong các mối tình cảm của loài người thì tình Cha-Mẹ đối với con cái là cao quí hơn cả, đến nỗi dân tộc như Việt Nam, Trung Hoa… đã nâng lên hàng tôn giáo, tức Đạo Hiếu. Bởi vậy, ta gọi Chúa là “CHA”, vì Chúa còn hơn cha mẹ chúng ta bội phần: Chúa đã dựng nên và hằng gìn giữ che chở ta luôn mãi. Khi dùng phương pháp “tương tự” (analogia entis) để sánh ví một thực tại tương đối, hữu hình, với một Chân Lý Siêu Việt Tuyệt Đối vô hình, vô tượng, như khi nói: “Chúa là Mục Tử nhân lành yêu thương đoàn chiên”, thì phải hiểu các danh từ “yêu thương”,” Mục Tử nhân lành”. theo nghĩa bóng, nghĩa là “vượt” trên bình diện của loài thụ sinh.

Trong đời sống thiêng liêng, thần bí (mysticism), trong kinh nguyện, các tín hữu luôn đối thoại với Chúa bằng một tình yêu thắm thiết như tình nghĩa “vợ-chồng”, cha mẹ-con cái, hoặc tình bằng hữu đậm đà. Các linh hồn không đối thoại với “hư vô”, “hư không”, nhưng trao đổi, cảm thông với một Đấng “KHÁC”, có Ngôi Vị, có Bản Vị. Ngay trong giây phút thần thông kết hiệp, “xuất thần” (ecstasy), thì linh hồn của thần bí gia vẫn giữ một nhân vị khác biệt với Ngôi Vị Tuyệt Đối của Đấng Toàn Năng.

Bởi vậy, theo Thiên Chúa Giáo, nếu xóa bỏ quan niệm về nhân vị, ngôi vị, bản vị, thì không còn tôn giáo, không còn đời sống thiêng liêng, không còn lễ nghi phụng tự, không còn cầu nguyện nữa! Vả lại, Thiên Chúa Giáo, hay KiTô Giáo là Đạo lấy Thiên Chúa Ngôi Vị (Personal God) và Chúa Giêsu KiTô làm tâm điểm của Đức Tin. Chúa Giêsu KiTô, chính là Thiên Chúa giáng thế làm Người. Do đó, nơi Ngôi Vị của Chúa Cứu Thế vừa có thiên tính và nhân tính: Ngài vừa là Thiên Chúa thật, vừa là Người thật! Cho nên, tất cả vũ trụ càn khôn, hết mọi người mọi vật đều qui hướng về Chúa Giêsu KiTô là Cứu Cánh như Một Nhân Vị Tuyệt Đỉnh.

D. Tình Tương Giao Giữa Các Nhân Vị

Tình Bác Ái bao giờ cũng là mối tương giao, trao đổi, đối đáp, thù tạc giữa hai người (nhân vị), như tục ngữ có câu: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Người ta cũng nói: Khuyển mã chi tình”, trong các con vật thì loài chó và loài ngựa “biết” quí mến chủ của nó hơn các con vật khác. Nhưng giữa loài động vật và loài người, không thể có sự cảm thông hoàn toàn được! Càng không thể có tình yêu thật giữa loài người với vật vô tri vô giác! Kẻ trao tặng và người nhận lãnh như chiếc nhẫn cuới, hay sính lễ trầu cau… chứng tỏ sự ưng thuận kết duyên của hai người. Việc cho đi cho lại là cử chỉ biểu lộ tình giao hảo, nên cần sự linh động và uyển chuyển. Do đó, tặng phẩm biếu lại không cần giống hệt với quà đã cho như là để trả món nợ cho xong, nhưng cốt làm sao có thể tỏ lòng biết ơn, và mối thịnh tình. Sư trao đổi, thù tạc nếu quá máy móc hoặc quá hững hờ cũng làm giảm bớt tình tương thân tương ái. Sau đây ta thử tìm hiểu xem những đặc tính nào sẽ giúp cho tình tương giao giữa hai người, giữa hai vợ-chồng, thêm bền vững, mặn mà.

1. Tìm Hạnh Phúc của Người Mình Yêu

Điều tối kị trong mối tương giao giữa hai người là tính ích kỉ. Nếu chỉ “vơ vét” cho mình mà thôi, thì tình yêu sẽ tan vỡ. Do đó, tình yêu thương thật phải là tình Bác ái Vị Tha, nghĩa là luôn coi việc “tìm hạnh phúc cho người mình yêu”, là cốt yếu, dầu phải hy sinh sở thích riêng. Nếu hai người cùng có lòng vị tha, nghĩa là người này lo tìm làm đẹp lòng người kia, thì tình yêu mới bền vững và triển nở tốt đẹp. Chính Chúa Cứu Thế đã nêu gương sáng về tình yêu thương hoàn toàn vị tha này, vì Ngài đã hy sinh mạng sống, đã chết vì người yêu, khi Ngài phán: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Gioan 15:13).

a. Chia Vui Sẻ Buồn. Hai người thật sự yêu nhau, chẳng hạn cha mẹ yêu thương con cái, thì luôn chăm nom săn sóc hạnh phúc của người mình yêu, khi vui, buồn, lúc đau yếu, hoạn nạn. Tình yêu thật chỉ nẩy nở khi có sự hy sinh hạnh phúc riêng như sức khoẻ, thì giờ, tiền bạc… miễn là người mình yêu được sung sướng. Trái lại, nếu chỉ có thứ tình yêu vị kỉ, nghĩa là mỗi người chỉ lo tìm thỏa mãn sở thích riêng, không đếm xỉa gì đến hạnh phúc của người khác, thì dầu là hai vợ chồng cùng sống chung dưới một mái nhà, cũng có ngày phải tan rã. Nếu hai người cùng tìm hạnh phúc cho nhau, cùng lo lắng, chăm nom, săn sóc lẫn nhau, thì tình tương thân tuơng ái mới có cơ hội phát triển tốt đẹp và bền lâu.

b. Cùng Hướng Về Một Mục Đích. Có văn sĩ nói: “Yêu nhau không phải ngồi nhìn nhau, nhưng là cả hai cùng nhìn về một hướng”. Bởi vì, nếu chỉ “nhìn nhau”, để soi mói, bắt bẻ, bắt lỗi, ganh tị nhau, thì sẽ sinh ra xích mích, cãi cọ. Trái lại, kinh nghiệm cho thấy, nếu hai người cùng một chí hướng, cùng đồng lao cộng khổ với nhau, cùng chia sẻ những nỗi vui buồn với nhau, như đôi vợ chồng trẻ cùng nhau chăn nuôi con cái cho nên thân nên người, thì tình yêu vị tha, hy sinh đó, càng ngày càng khắng khít, bền lâu. Vì cùng theo đuổi một mục đích, hay một công việc khó khăn, một cá nhân không thể làm một mình được, nên cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác. Do đó, nhờ sự chia sẻ ý kiến, sức lực để nâng đỡ nhau hoàn thành chương trình dự định, mà lòng quí mến, biết ơn nhau càng thêm đậm đà. Trong khi chân thành hợp tác để thực hiện một kế hoạch lớn lao, khó khăn, hai người thường dễ tha thứ cho nhau những khuyết điểm nhỏ nhặt, chịu đựng lẫn nhau, miễn sao công cuộc đại sự đi đến thành công. Do đó, tình tương thân tương ái ngày thêm bền vững, và “chung thủy”, nghĩa là trước sau như một, không thay lòng đổi dạ, không “dang dở”. Tình Yêu dễ nẩy nở khi có sự thông cảm giữa những người cùng đồng tâm nhất trí với nhau, và có cùng một lý tưởng. Kinh nghiệm cho thấy: khi quốc gia hữu sự, mọi tầng lớp dân chúng, không phân biệt lương-giáo, trẻ già trai gái… đoàn kết để cùng nhau chống ngoại xâm. Nhưng trong thời bình, vì thiếu lý tưởng rõ rệt, các đảng phái, bè nhóm bắt đầu nổi lên xâu xé lẫn nhau. Đối với các hội đoàn đạo đức cũng vậy. Vì các đoàn viên thiếu lý tưởng, hoặc quên mất mục đích khi gia nhập đoàn thể là “làm sáng danh Chúa”, nên đâm ra ganh tị, chia rẽ, bôi xấu nhau.

2. Yêu Thương trong Tự Do, và Tôn Trọng nhau

Kinh nghiệm cho thấy: Tình nghĩa vợ-chồng, tình bằng hữu không nẩy sinh trong sự gò ép, gượng gạo hay bằng bạo lực, vì con người chỉ có thể yêu thương thật sự trong Tự Do, Bình Đẳng và Tôn Trọng các nguyện vọng chính đáng của mỗi bên.

a. Yêu Thương Trong Tự Do, Bình Đẳng. Bình Đẳng và Tự Do thoải mái là những điều kiện giúp tình yêu thương phát huy tốt đẹp. Thử hỏi: Có tình yêu thương chân thật giữa những người cậy vào chức quyền hay tài năng, của cải giầu sang để đàn áp những kẻ cô thân, yếu thế không? Làm sao có sự thông cảm và tương giao tự do, khi một bên dùng mọi hình thức của bạo lực để chèn ép bên kia phải theo mình? Do đó, muốn thực hành đức Bác Ái chân thật, muốn cho tình yêu nẩy nở, cần có tình thần bình đẳng, khiêm tốn trong mối tương giao. Nếu người này có tài năng, tiền bạc hơn nguời khác, thì không phải để chia thành giai cấp, nhưng là để phục vụ, trợ giúp người khác với một tấm lòng quảng đại, hồn nhiên vui vẻ. Bởi vậy, tính hống hách kiêu căng, cậy tài cậy của, áp bức kẻ khác, thì không thể tạo dựng một tình yêu bền vững được. Vả lại, tình yêu thương chân thật, như đã định nghĩa ở trên, là mối tương giao, tương trợ, nghĩa là trao đổi lẫn nhau, người này giúp người kia, vì cả hai cùng cần nhau. Do đó, trong tình Bác Ái chân thành, không nên có thái độ của kẻ bề trên “chiếu cố”, hay “bố thí” cho kẻ bề dưới, hay kẻ thiếu thốn!

Một câu hỏi khác: Loài người hèn hạ, vì là loài thụ sinh, làm sao dám “kết nghĩa” cùng Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối Siêu Việt được? Theo Thần Học giải thích, thì Hồng Ân khiến nhân loại được làm “nghĩa tử” của Thiên Chúa là do Tình Yêu Thương Vô Biên mà Chúa tự ý ban nhưng không, vì công nghiệp của Chúa Giêsu KyTô. Nhờ mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế làm “Người”, nghĩa là nhờ “Nhân Tính” của Chúa KyTô làm “Trung Gian” (Mediator) mà nhân loại có thể kết giao với Thiên Chúa.(138)

b. Tôn Trọng Quyền Lợi, Đặc Tính. Thần Học và Triết Lý nhấn mạnh về nhân phẩm và nhân quyền, vì mỗi cá nhân tự bản tính đã có giá trị cao quý, vì là “nghĩa tử” của Chúa. Vả lại, theo quan niệm về “NhânVị”, thì mỗi người có những đặc tính, đời sống riêng, khác với mọi cá nhân khác. Do đó, những sự khác biệt giữa đàn ông với đàn bà, về thể xác và tâm lý, là sự tự nhiên, cần được tôn trọng. Những nguyện vọng, sở thích giữa hai thế hệ, trẻ với già, cha mẹ với con cái… nếu là điều chính đáng, tiến bộ, cũng cần được tôn trọng. Yêu Thương chân thật không phải là bắt người khác làm theo ý mình, và phải “giống hệt” như mình! Trái lại, cha mẹ yêu thương con cái, hay vợ chồng quí trọng nhau thật sự, khi một bên giúp bên kia phát triển những đức tính, tài năng, chí hướng, nguyện vọng chính đáng, nẩy nở tới chỗ hoàn hảo.

3. Đức Bác Ái và Hành Động

Theo Phúc Âm, tình thưong chân thật phải đi đôi với việc làm cụ thể. Chúa Cứu Thế đã nhấn mạnh vào việc thực hành đức Bác Ái, bằng những dụ ngôn như: “Người Samaritanô nhân ái” (Luca, 10:25-37, 18:18-30). Đối với Chúa, không thể chỉ có đức Bác Ái “xuông”, nghĩa là chỉ nói mà không làm gì cả. “Ai yêu mến Thầy thì phải giữ lời Thầy” (Gioan 14:23-24). Khi rửa chân cho các môn đệ, tức là Chúa muốn dạy một bài học cụ thể về đức Bác Ái, Chúa phán: “Nếu các con biết các điều này và đem thực hành, thì phúc cho các con” (Gioan 13:17). Do đó, đức Bác Ái chân thật không phải chỉ là tình cảm, xúc động mau qua mau hết! Nhưng là tấm lòng vị tha, quyết chí ra tay giúp đỡ. Khi nhìn thấy cảnh thương tâm như đói khát, bão lụt, chiến tranh tàn phá… người ta có thể động lòng thương xót, sụt sùi “rơi lệ”, nhưng khi cần bỏ tiền ra để cứu trợ thì lại lẩn trốn: Đó là tình thương “giả dối, giả hình” mà thôi!

Cũng vì muốn thực hành giáo huấn của Phúc Âm, mà trong Hội Thánh đã thành lập biết bao cơ quan Từ Thiện để cứu trợ nhân loại trong những cơn thiên tai hoạn nạn, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc. Theo lịch sử thế giới, chính quan niệm về tình Bác Ái Phúc Âm đã khiến nổi lên công cuộc giải phóng nô lệ, tôn trọng bình quyền của phụ nữ, và tôn trọng nhân quyền chống mọi hình thức độc tài áp bức con người. Đức Bác Ái Thiên Chúa Giáo cũng còn là động lực thúc đẩy công cuộc cách mạng về luật pháp, chính trị, xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế, khoa học, canh nông, y tế để chống bệnh tật, nghèo đói. Những hoạt động kể trên là cách thế thiết thực để thi hành đức Bác Ái, như Chúa đã dạy.

Toát Yếu Các Đặc Điểm

Sau đây, ta thử toát lược mấy dặc điểm của Đức Bác Ái, một nhân đức cao trọng nhất trong Đạo Thiên Chúa:

1. Bản Thể của Thiên Chúa là Tình Bác Ái Vị Tha (agape). Do đó, chính tình Yêu Thương Vô Biên của Chúa là Căn nguyên, mẫu mực, lý do tồn tại và nền tảng của các tình ái vị tha khác của nhân loại. Chúa Giêsu KyTô, là chính Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể để mặc khải Tình Yêu Chúa cho nhân loại. Vì thế, đời sống, Lời giảng dạy, hành động của Chúa Cứu Thế là Gương Mẫu cho ta bắt chước để thực thi Bác Ái.

2. Trong Thiên Chúa Giáo, giới răn “Mến Chúa, Yêu người”, tuy phân biệt, nhưng luôn đi liền nhau. Ta phải yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn, hết sức lực vì Chúa đã yêu thương ta trước, và đã dựng nên, dưỡng nuôi ta. Đồng thời, ta phải yêu thương tha nhân, vì hết mọi người đếu là con cái do Chúa sinh ra.

3. Theo Thần Học, và Kinh Thánh, mọi sự trên đời này sẽ qua đi: Đức Tin, Đức Cậy có ngày sẽ hết, nhưng Đức Mến vẫn tồn tại mãi, vì Tình Yêu Thương của Chúa bền vững muôn đời, và linh hồn những người”công chính” được kết hiệp với Chúa đời đời, trên nơi Vĩnh Phúc.

4. Ta nghiệm thấy: Tình Bác Ái của Chúa tràn ngập vũ trụ, vì trời đất này có, là do Tình Ái Vị Tha của Chúa muốn “san sẻ”, phân phát sự Tuyệt Hảo của Chúa cho loài thụ sinh. Cũng vì Yêu Thương mà Chúa đã sai Thánh Tử là Chúa Giêsu KyTô giáng thế “làm Người”, để làm vị Trung Gian cứu độ nhân loại và vũ trụ. Bởi vậy, Chúa Cứu Thế là Thủ Lãnh của vũ trụ, của Hội Thánh, của nhân loại.

5. Xét về đặc tính của tình yêu thương, ta có thể chia làm ba loại, ba cấp, tính từ dưới lên trên: a) tình tư dục, b) tình bằng hữu, c) tình bác ái vị tha. Ba cấp bậc tình ái đó không “đứt đoạn”, hay chống đối nhau, nhưng vẫn liên hệ, liên tục với nhau, nghĩa là con người cần cố gắng vươn lên, từ tình vật dục bất toàn tới tình yêu hoàn toàn vị tha.

6. Bởi vậy, trong Kinh Thánh, vẫn thường dùng những tình yêu thương cao quí của nhân loại như: tình nghĩa Vợ-chồng, tình cha mẹ yêu thương con cái… như là hình bóng “tuơng tự” ám chỉ, một phần nào, Tình Bác Ái Vô Biên của Thiên Chúa đối với nhân loại hèn mọn.

7. Vì Thiên Chúa là “Ngôi Vị”, Ngôi Vị Tuyệt Đối vượt trên hết mọi cá nhân, cá thể, mọi nhân vị, nên Tình Yêu Thương của Chúa vẫn giữ tính chất “Ngôi Vị”, nghĩa là trong tình yêu thần bí, khi linh hồn người công chính kết hiệp với Chúa, thì Ngôi Vị của Đấng Toàn Năng vẫn “KHÁC” với các nhân vị khác. Tuy là loài thụ tạo, nhưng nhân loại được kết nghĩa với Thiên Chúa, là nhờ Trung Gian Nhân Tính của Chúa Cứu Thế giáng thế làm Người để cứu độ nhân loại.

8. Tình Bác Ái vị tha là tình tương giao, tương thân tương ái giữa các nhân vị khác nhau, vì thế cần mấy điều kiện để kết hợp với nhau:

a) Tìm hạnh phúc của người mình yêu, nghĩa là vị tha hơn là vị kỉ. Vả lại, yêu thương thật là cùng nhau hướng về một lý tưởng, một mục tiêu cần thực hiện, để chia sẻ những khó khăn, để tha thứ những khuyết điểm, để cùng nhau “chung thủy”, trung thành hoàn thành điều đã cam kết.

b) Tình yêu chỉ có thể phát huy trong Tự Do, Binh Đẳng. Do đó, cần Tôn Trọng những quyền lợi, sở thích chính đáng của nhau, để giúp nhau phát triển nhân phẩm của một con người đến chỗ vẹn toàn.

c) Đức Bác Ái chân thành đòi buộc phải có hành động cụ thể. Nếu thực tâm yêu Chúa thì phải giữ lề luật của Chúa. Nếu thật lòng thương người thì phải bỏ tiền bạc, thì giờ, sức khoẻ… để giúp đỡ những người đang cơn túng cực, cần thiết.

Đàm Đạo Trao Đổi

Điều đáng vui mừng cho nhân loại là: Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo đều đồng ý với nhau về một điểm quan trọng: nhân loại phải yêu thương nhau! Vì thế, xét về mặt thực hành, người ta hay nói: Đạo nào cũng tốt, vì Đạo nào cũng đều dạy phải thương người cả! Thật vậy, trong đời sống hằng ngày, trong cách giao tiếp với tha nhân, người Phật tử chân chính bộc lộ một lòng Từ Bi đáng ca ngợi, khâm phục, vì chẳng những phải yêu thương nhân loại, mà còn phải mở rộng tình ái, bao bọc các loài sinh vật khác nữa! Trong đời sống xã hội, người Việt nam thường quí trọng những người có nhân nghĩa, và khinh chê hạng giàu có, thế lực, danh vọng, nhưng ăn ở “bất nhân”, “bất nghĩa”, trái với lễ giáo, với Đạo Nhân của Thánh Hiền.

Tuy nhiên, trên đây mới là quan sát các tôn giáo về bình diện bề ngoài, cách thực hành, ta nhận thấy các tín đồ của các tôn giáo tại Việt nam, dầu là Phật tử, hay Công giáo, hoặc Đạo Hiếu (Thờ Ông Bà), đều tin vào “Ông Trời”, “Ông Thiên”, là Đấng cầm quyền sinh tử, vận mệnh của mỗi người. Về tình yêu thương thì ai cũng nhớ thuộc lòng câu ca dao tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”. Đó là sinh hoạt tôn giáo bình thường, tự nhiên, theo truyền thống văn hóa Việt nam. Về phương diện này, các tôn giáo xem ra không khác nhau là mấy.

Nhưng khi đứng trên bình diện lý thuyết, quan niệm, triết lý hay thần học, thì các nhà nghiên cứu về khoa “Tôn Giáo Đối Chiếu” (comparative religions) nhận thấy có nhiều sắc thái khác nhau, nhiều cách hiểu biết và giải thích khác biệt về ý niệm của một danh từ, một giới luật..giữa các tôn giáo với nhau, hoặc có khi xẩy ra trong cùng một tôn giáo, chẳng hạn như trường hợp Phật Giáo: đôi khi cách thực hành Đạo của các thiện nam tín nữ, trong đời sống hằng ngày, lại “khác” với những lý thuyết Triết Học, Phật học của các môn phái như Tiểu Thừa, khác Đại Thừa, Thiền tông Nam Tông (Không Tông) khác với Bắc Tông (Tâm Tông).(139)

Bởi vậy, ta thử đàm luận để hiểu rõ hơn những quan niệm, những sắc thái khác biệt về Tình Ái như: Ai yêu? Yêu Ai? Yêu là một phương tiện hay cứu cánh? Tại sao yêu? Yêu thế nào? Nhưng trước hết, ta thử so sánh quan niệm Nhân Ái giữa Khổng Giáo và Lão Giáo giống nhau và khác nhau ở điểm nào?

1. Khổng Học và Lão Học Khác Nhau Ở Điểm Nào?

Lão Học chủ trương trở lại đời sống giản dị, hòa hợp với Thiên Nhiên, nên đã chống lại Khổng Học muốn duy trì giá trị truyền thống và uy quyền của dĩ vãng. Lão Học tìm kiếm hạnh phúc cá nhân trong sự thoát tục, thanh bần, thần bí và hòa hợp với vũ trụ. Trái lại, Khổng Học chủ trương thiết lập một trật tự xã hội dựa vào tôn chỉ của đạo Nhân-Nghĩa, của lễ giáo, của thể chế và của luật Trung Hòa, Trung Dung. Lão Học thuộc về Âm, biểu tượng khía cạnh cá nhân, âm thầm, Vô Vi. Còn Khổng Học thuộc về Dương, nghiêng về xã hội, rực rỡ và Hữu Vi. Lão Học chủ xướng một nền luân lý cá nhân để điều khiển bản thân. Trái lại, Khổng Học giảng thuyết một nền luân lý xã hội để điều hành quốc gia.

Khổng Học hay Lão Học đều công nhận ĐẠO hay THÁI CỰC là nơi hội tụ của Âm-Dương, nhưng để đạt tới Thái Nhất đó, thì Khổng Học và Lão Học đề xướng hai triết học, hai phương pháp khác nhau.(140)

Đức Khổng Phu Tử nhận thấy rằng: vũ trụ này do một Vị Thượng Đế mà người xưa gọi là THIÊN (TRỜI), tạo dựng nên: đó là nền tảng của các tín ngưỡng cổ truyền. Theo suy tư triết lý, Đức Khổng cũng nhận thấy trong vũ trụ càn khôn, phải có một Nguyên Lý duy nhất, tạm đặt tên là ĐẠO, là nguồn gốc bao trùm tất cả các nguyên lý khác. Từ Nguyên Lý duy nhất, tức ĐẠO, phát sinh ra muôn vật muôn loài. Ngoài ra, Đức Khổng cũng san định một nền Luân Lý dựa trên Nhân Bản, tức Nhân-Đạo, cũng gọi là “Đạo làm Người”, gồm có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Năm nhân đức này cần thiết để phát huy nhân bản, để trở nên các vị thánh hiền, gọi là bậc quân tử.

Trang Tử chống lại đường lối tu thân của Khổng Tử, vì cho rằng năm điều Ngũ Thường là giả tạo, đi ngược lại nếp sống tự nhiên của con người, và vì phân chia ra giai cấp quân tử và tiểu nhân. Do đó, Trang Tử viết: Hết thảy vạn vật đều do ĐẠO mà ra, và mỗi vật đều có cái ĐỨC của nó, nghĩa là hết thảy vạn vật, mỗi vật đều có cái tính tự nhiên của nó. Nếu biết thuận theo tính tự nhiên mà sống, thì hạnh phúc có ngay trong lúc đó, không phải cầu cạnh đâu khác ở ngoài. Thường thì sở dĩ bản tính con người không được tự do phát triển là do sự ràng buộc, uốn nắn của chế độ, giáo dục, luân lý giả tạo của xã hội bên ngoài. Bởi vậy, Trang Học cũng như Lão Học hết sức phản đối nhân tạo mà đề cao cái sống gần với thiên nhiên. Bò ngựa bốn chân, đó là do Trời làm, còn khớp đầu ngựa, xỏ mũi bò, đó là do người làm ra. Giữ cẩn thận đừng làm mất Thiên Chân, đó là trở về cái “Chân” của mình (trở về bản tính tự nhiên của mình).(141)

2. Ai Yêu? Yêu Ai?

Tình yêu chân thật là vị tha, nghĩa là coi tha nhân (người Khác) như một đối tượng tự lập, tự tại có giá trị, có nhân phẩm cao quí, đáng yêu mến, kính trọng, vì là con cái của Một Chúa và đã được Chúa Cứu Thế cứu độ: “Nhân linh ư vạn vật”! Dầu cá nhân đó phạm lỗi, thù nghịch với ta, ta vẫn phải yêu thương, kính trọng, vì người đó vẫn còn “nhân tính”.

Trong Phúc Âm, Chúa Cứu Thế dạy các môn đệ: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét minh, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia, ai lột áo ngoài của con, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin thì con hãy cho và ai lấy gì của con, đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn công phúc gì nữa? Kẻ tội lỗi cũng yêu kẻ yêu mình. Nếu các con làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì có công phúc gì? Vì kẻ tội lỗi cũng làm như vậy. Nếu các con cho vay mượn và mong được trả lại, thì các con được công phúc gì? Vì kẻ tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để thu lại đủ số. Phần các con, hãy thương yêu thù nghịch mình, hãy làm ơn, hãy cho vay mượn mà không trông đòi lại. Như thế, phần thưởng của các con sẽ rất lớn và các con sẽ là con của Đấng Cao Cả, vì Ngài nhân từ đối với kẻ vô ơn và gian ác. Hãy nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán’ đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con’ người ta sẽ lấy đấu lớn, lắc chặt và đầy tràn, vì các con đong đấu nào thì sẽ đong lại bằng đấu ấy”. (Luca 6:27).

Một đoạn khác trong Phúc Âm viết: “Anh em đã biết có luật rằng: Con hãy yêu anh em mình và ghét thù địch. Nhưng Thầy bảo: Anh em hãy yêu thù địch, hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và bỏ vạ cho anh em. Như thế, anh em được nên con cái Cha ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên cho kẻ lành và kẻ dữ, và làm mưa xuống trên kẻ công chính và kẻ gian ác. Nếu anh em yêu kẻ yêu mình thì anh em có công phúc gì? Những người thu thuế chẳng làm như vậy sao? Và nếu anh em chào hỏi bà con mình thôi, thì nào có gì hơn người khác? Kẻ ngoại giáo chẳng làm như vậy sao? Vậy anh em hãy nên toàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Toàn Thiện”. (Mathêu 5:43-48).

Qua hai đoạn Phúc Âm trích dẫn ở trên liên quan đến vấn đề Tình Ái, ta nhận thấy những đặc điểm nhu sau: Mỗi người, dầu là bạn hữu, thù địch, kẻ lành, người dữ, kẻ ân nhân, người làm hại… bất cứ ai cũng có một “nhân vị”, một nhân phẩm đáng yêu thương. Ngoài ra, Thiên Chúa được xưng hô là “CHA”, tức là một Đấng, một Ngôi Vị Cao Cả trên hết, đầy tràn Tình Yêu Vô Hạn đối với loài thụ sinh, đặc biệt nhân loại được nhận làm “con cái” của Chúa. Do đó, trong tình Bác Ái, Chúa Yêu và người được Chúa yêu là hai Ngôi vị, nhân vị riêng biệt, khác nhau. Đức Bác Ái Vô Cùng của Chúa khiến ta được kết nghĩa với Chúa, nhưng không trộn lẫn, không xóa bỏ Ngôi Vị Tuyệt Đối, Cao Cả của Chúa. Chúa là Đấng Siêu Việt, vượt trên mọi cá nhân, và có quyền xét đoán, thưởng phạt, theo sự Công Bằng. Chúa là Gương mẫu cho nhân loại noi theo để yêu thương, tha thứ cho tha nhân. Chúa yêu thuơng kẻ gian ác, tội lỗi, vì chủ ý là muốn cứu độ và ban hạnh phúc thật cho chính họ, và vì Chúa biết rõ họ không hoàn toàn hư hỏng như người chung quanh nghĩ tưởng. Đối với con mắt thiển cận, vị kỉ của người đời, nhiều khi ta tìm cách “bôi nhọ” kẻ khác, chỉ bới móc những cái xấu nhỏ mọn của họ, nhưng không nhìn thấy những gì tốt đẹp, đáng yêu, đáng kính nơi người mà ta đã vội coi là kẻ thù.

Vì chúng ta muốn nên toàn thiện, theo gương Chúa dạy, nên ta cũng phải “vượt” lên trên những xét đoán thiên lệch, thiển cận, vị kỉ của ta. Chỉ một mình Chúa mới thấu suốt tâm trí mỗi người! Nhiều khi ta kết án tha nhân là tội lỗi, gian ác, nên ta ghét bỏ vì là thù địch của ta. Nhưng ta rất dễ lầm lạc! Biết đâu nơi những tù nhân bị kết án tử hình theo luật pháp, nhưng trước mặt Chúa, họ là vô tội, hoặc ít ra, họ vẫn còn nhân phẩm, còn có thể cải tà qui chính để được cứu độ. Do đó, đức Bác Ái, theo gương mẫu của Chúa, luôn đòi hỏi ta vượt tính ích kỉ, ti tiện, hà tiện, để tỏ lòng quảng đại, vị tha, tha thứ, với mục đích đem lại hạnh phúc thật cho tha nhân. Tha nhân là đối tượng của tình yêu thương, là kích thước đo lường tình Bác ái của ta, như Lời Chúa: “Anh em muốn người ta làm cho mình thế nào, thì hãy làm cho người ta như vậy” (Luca 6:31). Nhà Nho cũng có câu: “Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn, thì chớ làm cho kẻ khác). Yêu thương chân thật, không phải là xóa bỏ nhân cách, nhân phẩm của kẻ khác, hoặc bắt kẻ khác phải hoàn toàn giống mình, theo ý mình muốn, nhưng luôn tôn trọng “nhân vị”, và những nguyện vọng chính đáng của “người khác”, Tình yêu thương giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, dầu mật thiết, hợp nhất đến đâu, cũng vẫn là những nhân vị khác biệt, có một bản lãnh riêng.

Quan niệm về Tình Bác Ái vừa trình bày ở trên, khác với quan niệm triết lý về Tình Ái, về Bố Thí, như sẽ bàn luận sau đây:

Trong “Phật Học Tinh Hoa”, trang 160-161, viết: “Có lẽ từ trước đến giờ chưa có một tôn giáo nào lại phủ nhận sự trường tồn của linh hồn như Phật Giáo… Theo Phật Giáo, quan niệm về một cái TA (NGÃ) trường cửu là một quan niệm sai lầm và hoàn toàn giả tưởng.”…. “Bởi nhận thấy có một cái TA đáng yêu đáng quý nên con người mới làm đủ thế thần đặng bảo vệ Nó và gìn giữ Nó được mãi mãi, trường tồn. Để được bảo vệ, Nó mới tạo ra một đấng Thượng Đế để được che chở, bênh vực… cũng như một đứa con cần được Mẹ Cha bao bọc. Để được giữ gìn mãi mãi, Nó mới bày ra cái thuyết Hữu-Ngã, nghĩa là có Linh hồn bất tử (Atman). Hay nói một cách khác, thuyết Thượng Đế cũng như thuyết Linh hồn bất tử đều là những lý thuyết do Bản-Ngã tạo ra để tự phỉnh, để tìm cách tự an ủi và thỏa mãn khát vọng được mãi mãi tồn tại, mong thoát khỏi cái luật vô thường. Sở dĩ người ta mê say tôn giáo… là để tìm những thỏa mãn nói trên, nghĩa là để thỏa mãn cái lòng lo sợ bị tiêu diệt của Bản-Ngã. Nhất định họ rất sợ nghe nói đến những gì nghịch lại với lòng ao ước của họ”.

Cũng trong cuốn “Phật Học Tinh Hoa”, khi bàn đến “Bố Thí Ba-La-Mật”, trang 227, viết: “Huống chi bậc tu Đại Thừa như Bồ Tát Thừa thì hạnh đầu tiên là Bố Thí Ba-La-Mật, tức là pháp “bố thí bất trụ tướng”, chứ đâu phải công việc “bố thí trụ tướng” như phần đông đã làm. Sao gọi là “bất trụ tướng bố thí”? “Bố Thí” mà “không trụ tướng” là bố thí mà “chẳng thấy có mình là người bố thí, cũng chẳng thấy có người được mình bố thí” (thọ thí). Như vậy hành động bố thí của Bồ Tát là một hành động của người đã được Giải thoát hoàn toàn, như hành động tự nhiên và vô niệm của Mặt-Trời chiếu sáng vạn vật mà không hay rằng mình chiếu sáng, và cũng không chiếu sáng cho riêng ai, cho kẻ thân hay người thiện… mà là chung cho tất cả mọi người và mọi vật. Bố thí là vì phải bố thí, không thể không bố thí cho được. Bố thí mà vẫn “vô tâm”, “vô niệm”… đó mới thật là hành vi bố thí của các vị Bồ Tát. “Bố thí bất trụ tướng” là cái đức tự nhiên của Bồ Tát. Chúng sanh “bố thí” là để được danh hay được lợi, nếu không thuộc về vật chất cũng thuộc về tinh thần: bố thí để được phúc báo, hoặc được người người mang ân và kính phục, để tỏ ra người ban ân là kẻ đứng trên người thọ ân”.

Qua hai bản văn trích dẫn ở trên, ta nhận thấy chủ trương của môn phái đó là: không công nhận có Đấng Thượng Đế, là Đấng Tuyệt Đối, là Thiên Chúa, là Ngôi Vị Siêu Việt, “vượt trên vạn sự vạn vật, và trên hết các “nhân vị” khác. Ngoài ra, môn phái này cũng chối bỏ “Linh hồn bất tử”, tức là không có Ta, (NGÃ), tức “Vô Ngã”, không có “nhân vị” tự tại, không có Bản Ngã. Do đó, áp dụng trong việc bố thí là: không có “ai” bố thí, cũng không có “ai” nhận của bố thí cả.

Ta thấy triết lý của môn phái này đi ngược lại cách thực hành đức Từ Bi của chúng sinh là để cứu vớt một con người cụ thể, một nạn nhân “bão lụt” đang cần ta giúp đỡ. Chúng sinh cũng cầu mong phúc báo, khi làm phúc bố thí. Như ta đã bàn luận ở trên, Tình yêu vị tha, đức Bác Ái chân thật là coi tha nhân như một đối tượng tự tại có giá trị, có nhân phẩm cao quí, nên tự nó đáng yêu, đáng kính, bất kể sang hèn, giầu nghèo, mạnh yếu..Mỗi nhân vị có giá trị nội tại của nó. Mỗi nhân vị, mỗi nguời là một cứu cánh của tình ái, không phải là phưong tiện. Yêu mến Thiên Chúa là kết nghĩa, kết hiệp với một Ngôi Vị Tuyệt Đối, “KHÁC” với hết thảy các nhân vị thuộc loài tương đối. Tuy yêu thương vị tha, vô điều kiện (unconditional love), nhưng vẫn phân biệt “người yêu” và “người được yêu”.

Bởi vậy, nếu phủ nhận sự tồn hữu của một Đấng Thượng Đế Siêu Việt là Chủ Tể vũ trụ càn khôn, nếu không công nhận có “người” (tha), có “ta” (ngã), nếu tất cả là “vô ngã”, “vô hồn”, thì làm gì còn có yêu thương nữa! Làm gì còn những người, những tâm hồn để trao đổi tình ái cho nhau nữa! Vả lại, nếu thiếu ý niệm về nhân vị, (ngôi vi, bản vị), thì đức Từ Bi, Bác Ái chỉ còn là mối tình thương xót, thương hại mà thôi! Bởi vì “thương hại” không nhằm vào một nhân vị, một cá nhân riêng biệt đang đau khổ, nhưng chỉ chú trọng đến “sự đau khổ” một cách chung chung, tổng quát, như câu nói: đời là bể khổ! Sự đau khổ, sự bất hạnh nói chung, cần phải tiêu diệt, vì chính nó là sự bất hạnh, không cần phân biệt là của ai cả, vì không có “chủ thể”, không có “ai” đó mà đau đớn. Người chịu đau khổ vì bị đâm chém và kẻ gây nên tội ác đều là “vô ngã”, là hư vô! Cho nên, khi khổ thì cam tâm chịu vậy, không phàn nàn trách móc “ai”, không cần tha thứ cho “ai”, vì có”ai” đâu để mà than thân, trách phận, để mà tha thứ ?

3. Yêu Thương là Cứu Cánh hay Phương Tiện?

Nếu không đề cập đến Tình Yêu Sáng Tạo của Một Ngôi Vị Tuyệt Đối, lại cũng chủ trương “vô ngã”, không có bản vị, nhân vị, thì ý niệm về Từ Bi thuộc về ngoại vi (exoteric), không thuộc về bản thể tự tại của một ngôi vị. Người ta sẽ khó trả lời những câu hỏi như: vì lý do gì mà yêu? Yêu dựa trên căn bản nào? Yêu là cứu cánh (mục đích) hay phương tiện? Vì không công nhận mỗi nhân vị có một giá trị nội tại, cũng không cho mỗi nhân vị là một mục đích, cứu cánh của tình yêu thương, nên đức Từ Bi, hay việc Bố thí chỉ còn là một phương thế, một phương tiện để đạt một mục tiêu khác, chẳng hạn để diệt dục, diệt tính ích kỉ. Do đó, đức Từ Bi việc Bố thí, được dùng như một “kỹ thuật” để vượt cái “tôi” ích kỉ (ego), để giải thoát cái “tôi” eo hẹp. Làm phúc bố thí là một phương thế để chứng tỏ, hoặc để tiêu diệt lòng ham muốn của mình mà thôi! Yêu thương không còn là tìm hạnh phúc cho người mình yêu như một mục đích cần phải nhằm tới!(142)

Trong “Phật Giáo Tinh Hoa”, trang 218-219, viết:” Bởi vậy, tu “lục độ” mà muốn đừng mắc trong lục độ, bị luân hồi sinh tử, thì phải tu “lục độ ba-la-mật”. Lục độ là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. “Lục độ ba-la-mật” tức là “bố thí ba-la-mật”, “trì giới ba-la-mật”, “nhẫn nhục ba-la-mật”, “tinh tấn ba-la-mật”, “thiền định ba-la-mật”, “trí huệ ba-la-mật”.(143)

Ở đây, ta cần chú ý đến thứ tự xếp đặt các lục độ thường và lục độ ba-la-mật. Ta nhận thấy: “Bố thí” là bước đầu trên đường tu đức, là phương thế để dần dần tiến lên các đức tính cao hơn, và đến trí huệ ba-la-mật (bát nhã) là tuyệt đỉnh của việc tu luyện. Do đó, Từ Bi và bố thí chỉ là phương thế để trút bỏ được lòng tham lam ích kỉ, vì diệt dục để tiến đến “vô”, “vô ngã”, mới là mục đích của việc tu luyện.

Triết lý trên đây khác với quan niệm coi đức Bác Ái, tức lòng “Mến Chúa Yêu người”, làm cứu cánh. Để thi hành đức Bác Ái, nên xây cất bệnh viện, phòng phát thuốc, hay viện trợ thực phẩm… mục đích là giúp đỡ người anh em đang thiếu thốn khổ cực. Công cuộc cứu trợ là vì hạnh phúc của người anh em, chứ không phải vì tư lợi. Nếu người anh em được ấm no, lành mạnh, nhân phẩm được nâng cao, đó là điều đáng mừng! Cũng vì hạnh phúc của con cái mà cha mẹ phải hy sinh đời sống, sức khoẻ, tiền bạc, thời giờ… miễn sao con cái được nên thân nên người! Đó là tình Yêu vị tha, cao đẹp! Dầu đứa con bệnh hoạn tật nguyền, xấu xí… cha mẹ vẫn yêu thương săn sóc đùm bọc. Đối với một tu sĩ “xuất gia tu hành”, nghĩa là từ giã gia đình để vô các tu viện, ta cũng cần phân biệt hai ý hướng khác nhau. Một hạng tu sĩ từ bỏ của cải, ruộng đất, nhà cửa, cha mẹ, anh chị em, vợ con… vì coi những thứ đó tự chúng không giá trị gì, chỉ là những “của nợ”, làm vương vấn ràng buộc khiến tâm hồn không đựợc thảnh thơi, ung dung thư thới. Bởi vậy, người tu sĩ hoan hỉ thoát tục để sống an nhàn, vui thú trong tu viện, mặc kệ cho đời lầm than khổ sở, miễn là mình an thân an phận. Ý hướng tu hành như trên là ích kỉ, không phải do đức Bác Ái vị tha. Trái lại, quan niệm chân chính về việc tu trì là lấy tình “Mến Chúa Yêu người” làm nền tảng và làm chủ đích. Chỉ vì muốn bắt chước tình Yêu vị tha vô hạn của Chúa, chỉ vì muốn nên toàn thiện, chỉ vì muốn cho mọi người nhìn nhận Chúa là Cha, nên người tu sĩ sẵn sàng hiến thân, hy sinh đời sống để hoàn toàn phụng sự Chúa, và dấn thân, đem hết tài năng nghị lực để phục vụ tha nhân, đặc biệt những người kém may mắn, số phận hẩm hiu, bệnh tật, nghèo đói, cần sự giúp đỡ hơn những người khác.(144)

4. Tại Sao Yêu?

Ý nghĩa của đức Bác Ái Thiên Chúa Giáo đặt căn bản trên đoạn sách Kinh Thánh, I Gioan 4:7-12: “Thưa quí vị, chúng ta hãy thương yêu nhau, vì tình thương phát sinh bởi Thiên Chúa. Vì ai yêu thương thì kẻ ấy sinh ra bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không nhận biết Thiên Chúa, Vì THIÊN CHÚA LÀ YÊU THƯƠNG. Thiên Chúa đã tỏ lòng yêu thương chúng ta, bởi đã sai Con Một mình xuống thế gian để chúng ta nhờ Con Một ấy mà được sống. Tình Yêu Thương ấy thật rõ ràng ở chỗ: không phải chúng ta yêu mến Chúa trước mà là Chúa đã yêu thương chúng ta trước và đã sai Con mình giáng thế hy sinh đền tội chúng ta. Thưa anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, thì chúng ta có bổn phận thương yêu nhau. Chưa ai được xem thấy Thiên Chúa. Nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta và lòng Chúa thương ta mới trọn vẹn. Chúng ta nhận biết chúng ta ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng ta, bởi lẽ Chúa đã ban Thánh Thần mình cho chúng ta”.

Qua đoạn Kinh Thánh trên, ta nhận thấy một chân lý tuyệt diệu nơi bản thể của Thiên Chúa: Bản Thể Thiên Chúa Là Yêu Thương! Chính vì Chúa yêu thương nên đã sáng tạo ra vũ trụ, đã dựng nên nhân loại và cũng vì yêu thương mà Chúa đã cứu độ nhân loại bằng cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đấng Cứu Thế. Tình Ái của Chúa vẫn còn tiếp tục hiện diện và thấm nhuần đời sống của nhân loại. Lửa Yêu Thương này chính là Chúa Thánh Thần, là Thần Khí của Thiên Chúa. Do đó, nếu Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại, thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Ta yêu thương tha nhân vì Chúa và qua Chúa. Mến Chúa và yêu người phải đi đôi với nhau, vì không thể yêu Chúa mà lại ghét tha nhân là tác phẩm của Chúa được. Khi nào giảm bớt lòng mến Chúa thì cũng suy kém về lòng yêu người. Chính mức độ của tình yêu thương khiến ta trở nên giống Chúa hơn, vì bản tính Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiếu lòng Bác Ái đối với tha nhân, thì không thể coi là đã yêu mến Chúa một cách chân thực được. Do đó, lý do ta yêu mến tha nhân, vì là tác phẩm, là “dưỡng tử”, là “hình ảnh” của Chúa. Mỗi người không phân biệt chủng tộc, giai cấp xã hội… đều có giá trị trước mặt Chúa.(145)

Trong cuốn sách “Thế Giới Quan Phật Giáo”, trang 41, viết: “Sau khi Phật niết bàn, muốn kỷ niệm công đức dạy bảo lớn lao, ở các giảng đường, tịnh xá của chư tăng, các đệ tử tạc tượng Ngài để chiêm ngưỡng. Trong khi ấy có một số ít tín đồ tăng lữ, trình độ thấp kém, sau khi Đấng đức hạnh hoàn toàn đã qua đời, cảm thấy mất hẳn một nương tựa lớn, thành thử họ cứ đến trước hình tượng ấy để lễ bái chiêm ngưỡng, gọi là sự tử như sự sinh, xem đức Phật như lúc sống còn vậy. Nhân thế về sau thành ra hình thức cúng bái, nhất là về sau khi Phật giáo truyền qua Tàu với một dân tộc mà cả lịch sử lẫn lễ nghi phong tục tín ngưỡng đều rất phiền phức. Phật giáo nghiễm nhiên thành một tôn giáo hẳn. Có lẽ bản ý của Ngài truyền giáo xưa, vốn nghĩ để tuỳ theo căn cơ trình độ của các tín đồ cho họ có thể vin theo, đặng để an tâm trên đường học đạo, nhưng về sau cứ sai lạc dần dần, khiến Phật giáo mang hẳn lấy sắc thái tôn giáo, ấy là điều sai lạc bởi hoàn cảnh, thời đại, chứ đâu bởi từ Phật giáo, mà dù nguyên thủy Phật giáo mang một ít hình thức tôn giáo (như lối tổ chức) cùng các giới luật nghiêm khắc của toàn thể tăng già, chỉ là phương tiện thực hành, để đi đến triết lý cao xa, nhưng lại cũng chỉ mượn môn triết lý để đi đến chỗ… chân như thực tướng, bản thể rộng lớn vô biên. Nên tuy rằng Phật giáo không phải tôn giáo, triết học mà cũng có thể là tôn giáo triết học vậy”.

Như ta đã nhận định nhiều lần, biết rõ được ý tưởng của Phật Thích Ca là điều khó khăn. Vì sinh thời, Ngài thường tránh không trả lời về nhhững câu hỏi liên quan đến siêu hình như sự tồn hữu của một Vị Thượng Đế, hoặc về số phận của các vị Bồ Tát sau khi chết. Do đó, sau khi Ngài đã nhập Niết Bàn, thì có rất nhiều môn phái nổi lên, diễn giảng nhiều giáo thuyết khác nhau. Vì vậy, mới xẩy ra tình trạng: cách thực hành khác với lý thuyết và dùng phương pháp “Upaya”, nghĩa là “tuỳ căn cơ mà thuyết pháp”, tuỳ trình độ, hoàn cảnh mà diễn giảng. Theo bản văn trên và lịch sử cho biết: Phật Thích Ca không tự nhận là một vị Thần Thánh có quyền thi ân giáng phúc gì, nhưng chỉ vì lòng mộ mến mà mà một số người đã lập ra “hình thức cúng bái”.

Nhưng nếu chủ trương: hoàn toàn không tin tưởng vào Một Đấng Tuyệt Đối, làm Chủ Tể vạn sự vạn vật, nếu hiểu “Vô Ngã” là cái “Ngã”, cái “tôi” tự nó không có giá trị gì, vì là một hợp chất, hỗn độn do những điều ngu muội, sai lầm tạo nên cái kiếp của một con người,vì ham sống, vì dục vọng mà con người luẩn quẩn trong vòng sinh tử, luân hồi nghiệp chướng, kiếp này là quả báo của kiếp trước, kiếp này làm người, kiếp sau làm súc vật… Do đó, cái cá nhân, cái “ngã” đầy tham vọng ích kỉ đó là vô giá trị cần phải tiêu diệt… Hiểu như vậy, thử hỏi: Nếu tất cả đều là “Vô”, “Vô Ngã”, thì động lực của lòng Từ Bi đối với tha nhân phát sinh từ đâu và dựa trên nền tảng nào?

Thực ra, cần phải phân biệt trong con người có tiềm ẩn một năng lực tinh thần phi thường có thể vượt trên cái “ngã”, cái “tôi” vị kỉ, cái “Giả Ngã”, tức cái “Ngã” không đích thực, để tiến đến cái “Ngã”, cái “Tôi” chính thực, tức là cái “Chân Ngã” cao siêu. Vì chính mối thiện tâm cốt tuỷ của con người đã bị tính vị kỉ, xấu xa, tham vọng làm hoen ố. Cho nên, giá trị đích thực của con người nằm ở cái “Chân Ngã”, tức cái nhân vị, bản ngã cao quí đã được Thiên Chúa nâng lên hàng “nghĩa tử”, và đã được Chúa Cứu Thế giải thoát. Chính cái “Chân Ngã”, phát xuất từ Đức Bác Ái, tức lòng “Mến Chúa yêu người”, là động lực tạo nên sức mạnh tinh thần, khiến ta hy sinh xả thân vì hạnh phúc của tha nhân. Do dó, những công việc từ thiện, do Đức Bác Ái là động lực thúc đẩy, có tác động cảm hóa lòng người để trở nên tốt lành, và đem lại hạnh phúc thật cho tha nhân.

5. Yêu Thế Nào?

Theo lý thuyết và thực hành, ta có thể diễn tả cách thức biểu lộ Tình Ái trong Thiên Chúa Giáo như sau:

Vì Thiên Chúa Giáo đặt căn bản của Tình Ái trên Tình Yêu Thương Vô Biên cũa Thiên Chúa đối với mỗi “nhân vị”, và đối với chính bản thân mình, nên không lý do gì ta lại không yêu tha nhân như Chúa đã yêu ta trước. Bởi vậy, đặc tính của tình ái là sự tương thân tương ái giữa người với người, giữa các nhân vị có giá trị tự tại. Do đó, tình ái phải tự nhiên bộc phát, uyển chuyển đáp ứng với hoàn cảnh và nhu cầu của từng cá nhân.

Đức Bác Ái chân thật đòi hỏi phải phá bỏ mọi bức tường ngăn cách, kỳ thị, chia rẽ phân biệt giai cấp, đấu tranh gây hận thù. Đức Bác Ái, đặt nền tảng trên Tình Yêu Vô Hạn, Bao La của Chúa đối với mọi người bình đẳng, cần được thể hiện trong thực tế bằng cách canh tân vũ trụ này nên tốt đẹp hơn để mọi người được hưởng dùng. Do đó, Đức Bác Ái khích lệ, thúc bách tham gia vào công cuộc cải cách xã hội, khai thác tài nguyên và phát triển khoa học kỹ thuật, vì vũ trụ này là công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa và Ngài đã trao quyền quản trị cho loài người trông coi. Bởi vậy, các tín hữu cần hăng hái tham gia các công cuộc từ thiện, cứu trợ để xây dựng “Nước Thiên Chúa” nơi trần thế. Vì lý do đó, ta chứng kiến nhiều tổ chức cứu tế xã hội có tầm mức quốc tế đã phát xuất từ các đoàn thể Thiên Chúa Giáo như Hội Hồng Thập Tự, Hội Caritas… Đức Bác Ái chân thật phải đi đôi với việc làm cụ thể là ‘làm phúc bố thí”.

Một hình thức khác để biểu lộ đức Bác Ái là thành lập những Cộng Đồng Tín Hữu. Tình thân ái công đồng đã giúp liên kết các phần tử trong Hội Thánh. Ngoài các giờ phụng tự, tập họp chung để cầu nguyện như các Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, các tín hữu được khuyến khích gia nhập các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành để hoạt động tông đồ theo từng lứa tuổi, từng chức nghiệp. Theo giáo luật, mọi tín hữu phải ghi danh vào một giáo xứ, và nhiều giáo xứ liên kết thành địa phận. Những cơ cấu tổ chức có hệ thống chặt chẽ, là cách thế củng cố tình tương thân tương trợ, giúp nhau thực thi đức Bác Ái từ thời Giáo hội sơ khai, noi gương các Thánh Tông Đồ, cho đến ngày nay và mãi về sau.(146)

Nếu không tin vào sự tồn hữu của Một Vị Thượng Đế là Đấng Tạo Hóa cầm quyền sinh tử, và thưởng công những ai làm điều thiện và phạt kẻ gian ác, nếu không tin có Thiên Chúa Ngôi Vị, thì vũ trụ này là vô-bản-vị, nghĩa là được kết tụ lại bởi luật Karma, Nghiệp-Báo mà thôi! Vì cho mỗi người không có bản ngã, là “vô ngã”, nghĩa là mỗi cá nhân tự tạo cho mình cái nghiệp (karma), nên mỗi cá nhân chỉ là một dòng nghiệp-báo chất chứa kết tụ lại, nhưng luôn biến đổi. Việc tốt hay xấu là tự mình gây cho mình. Mỗi người có một “nghiệp” riêng ngăn cách với tha nhân. Dầu muốn cứu tha nhân, cũng không làm gì được, vì mỗi người phải tự cứu lấy mình. Cùng lắm, ta có thể giúp tha nhân một cách gián tiếp như làm gương sáng cho họ về lòng từ bi hoặc là tránh đừng khơi dậy tính ích kỉ tham lam nơi họ.

Vì quan niệm về Nghiệp-Báo như trên, nên không cần tổ chức những cộng đồng đông đảo, để cùng tham dự lễ nghi chung, cùng cầu nguyện chung. Mỗi tín đồ lẻ tẻ đến chùa chiền cúng bái tụng niệm. Mỗi tu sĩ tự đi tìm lấy cách thức tu luyện để nhập Niết Bàn, vì con đường giải thoát là riêng tư của mỗi người. Tuy cùng sống trong tu viện, được kỷ luật và sự giáo huấn của các thiền sư hướng dẫn, nhưng căn bản trong đời sống tu trì vẫn là việc tụng niệm, “tọa thiền”, một mình ở một nơi vắng vẻ hiu quạnh. Do đó, công việc từ thiện không có giá trị bằng “tọa thiền”, để tạo cho tâm hồn hoàn toàn bình thản vô tư. “Bố thí Ba-La-Mật”, tức “Bố thí bất trụ tướng” mới có giá trị. “Bố thí bất trụ tướng” là bố thí mà chẳng thấy có mình là người bố thí, cũng chẳng thấy có người được mình bố thí (thọ thí).(147)

Nếu chủ trương “Vô Ngã”, tức cá nhân không phải là một bản vị có giá trị nội tại, là mục tiêu của việc từ thiện, nhưng là một dòng “nghiệp-báo-cần-phải-được-tiêu-diệt”, thì công cuộc làm phúc bố thí giúp người không phải là chủ đích chính yếu. Điều đáng quan tâm hơn hết, chính là Nghiệp-Báo. Nghiệp thì có thiện nghiệp và ác nghiệp. Đối với bất cứ công việc từ thiện nào, cũng phải thẩm định xem nó gây ra thiện nghiệp hay ác nghiệp cho người làm ra (bất kể việc đó có ích lợi cho kẻ khác). Nếu việc đó gây thêm nghiệp báo cho chính mình thì đừng làm. Vả lại, theo lý thuyết về nghiệp báo thì mỗi cá nhân vừa là tác giả vừa là quản thủ cái nghiệp của mình. Hơn nữa, chính cái nghiệp của mỗi cá nhân nó trói buộc cá nhân đó không sao thoát được. Do đó, người nào tạo nghiệp cho người ấy, kẻ khác chẳng làm gì được, chẳng giúp đỡ gì được để giải gỡ cho họ. Bởi vậy, tại sao ta lo lắng về số phận của tha nhân làm gì?

Vả lại, ý niệm cho rằng : dục vọng“ham sống” là một sai lầm, vì nó tạo nên nghiệp này qua nghiệp khác, kiếp này qua kiếp nọ không ngừng…, cộng thêm lý thuyết “vô ngã”, và không tin tưởng vào Một Đấng Thượng Đế…, khiến ta tự hỏi: Nhân loại lấy nguồn thần lực, động lực ở đâu để có thể khởi xướng một cuộc cách mệnh, một triết lý về cải cách xã hội, chính trị một cách quyết liệt, và mạnh mẽ?(148)

Chương Sáu

Quan Niệm
Về Một Nguyên Lý Siêu Việt

Như đã trình bày trong phần Dẫn Nhập, cuộc hành trình tinh thần đi tìm Đấng Siêu Việt bắt đầu dò dẫm quan sát và suy tư từ nhân sinh, nhân tính của một con người có một địa vị, một chỗ đứng trong trời đất, rồi qua những ước vọng lớn lao của con người muốn được hưởng Thiên Ân Cứu Độ, nhờ căn nguyên và động lực của Tình Ái Vô Biên thúc đẩy, và vì trái tim xao xuyến của con người không bao giờ được an tâm, mãn nguyện cho đến khi gặp được Nguồn Suối Nước đầy tràn hạnh phúc, hoan lạc của chính” Đấng”, mà Bản Tính là Tình Ái. Như vậy, cuộc hành trình ấy đã đi từ cụ thể, hữu hình tới siêu việt, vô hình.

Do đó, trong Chương Sáu này, ta sẽ bàn giải những ý niệm về Một Nguyên Lý Siêu Việt, là Nguyên Lý Tuyệt Đối của vũ trụ càn khôn. Về bên Tam giáo Đông Phương, sẽ lần lượt suy tư về những quan niệm siêu hình (ngày xưa gọi là “Hình Nhi Thượng Học”, tức là cái học thuộc về những lẽ vô hình, rất uyên áo cao viễn: coi Nho Giáo, q.I, trang 67), như: “ĐẠO” là gì, một ý niệm trừu tượng rất hay dùng trong Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo, nhưng mỗi tông phái, triết học lại diễn giảng với những sắc thái khác biệt. Do đó, trong Đoạn I, ta tìm hiểu ý nghĩa “ĐẠO” của Nho Giáo. Đoạn II, “ĐẠO” của Lão-Trang. Đoạn III “ĐẠO”, “Thái Cực”, theo các môn phái Lý Học, Tâm Học, tức Đạo Học. Đoạn IV, sẽ bàn về Ý Thức Siêu Thoát trong Phật Giáo. Ngoài danh xưng “ĐẠO”, các triết gia còn dùng nhiều danh từ khác nữa để chỉ Nguyên Lý Tuyệt Đối, chẳng hạn như: Thái Cực, Vô Cực, Vô, Vô Danh, Chân Như… Trong ba Đoạn trên, ta nhận thấy quan niệm về “ĐẠO”, về Một Nguyên Lý Tuyệt Đối, theo “Nhất Nguyên Luận”, nghĩa là “Vạn Vật Nhất Thể”, coi vũ trụ càn khôn là một khối duy nhất. Trong Chương Bảy, ta sẽ bàn về Nguyên Lý Tuyệt Đối đó được mô tả, suy luận, theo triết lý về Ngôi Vị, Nhân Vị, hay Bản Vị, nghĩa là về Một Đấng Tối Cao, Siêu Việt, làm Chủ Tể, là Đấng Tạo Hóa, cai trị, xét xử, điều khiển muôn vật muôn loài. Đó là quan niệm về Một Đấng Thượng Đế, Chủ Tể vũ trụ, là Thiên, Thiên Chủ, Trời, Ông Trời… như ta thấy trong lịch sử tôn giáo ở Việt Nam, Trung Hoa. Cũng nên nhận định trước: Theo văn hóa, và triết lý Đông phương, vì ảnh hưởng của triết lý “Nhất Nguyên Luận”, “Nhất Quán”, tức là coi vũ trụ vạn vật là Một Toàn Thể, Một khối, nên mới có thuyết “Vạn Vật Nhất Thể”. Còn Thiên Chúa Giáo, chú trọng đến quan niệm Ngôi vị, Bản vị, hay Nhân vị, nên phân biệt Ngôi Vị Tuyệt Đối của Đấng Tạo Hóa, “KHÁC” với các “nhân vị” của loài thụ tạo, tuy rằng hết mọi vật mọi loài đều bởi Thiên Chúa mà ra. Đó là sự khác biệt căn bản giữa hai luồng tư tưởng, mặc dầu cả hai đều cố gắng tìm kiếm và suy tư để hiểu biết về Một Nguồn Gốc của vạn sự vạn vật.

ĐOẠN I . Quan Niệm “Đạo” Trong Nho Giáo

Trong Đoạn I này, ta sẽ lần lượt trình bày những ýniệm về Đạo như:

A. Định nghĩa chung, Đạo là gì?

B. Nho Giáo phân biệt “ĐẠO” và “đạo”, khác nhau như
thế nào?

C. Đạo : nguồn gốc, bản thể và sinh hóa của Vũ Trụ.

D. Ngũ Hành, cơ cấu của vũ trụ.

E. Đạo : nguồn gốc sự biến hóa của Vũ Trụ

Trước khi bàn đến các ý niệm trừu tượng, siêu hình của Nho Giáo về “ĐẠO”, ta nên giải nghĩa theo nguyên tự, theo nghĩa đen, nghĩa siêu hình, nghĩa bóng. Tại sao lại phân biệt “Đạo” và “đạo”?

A. Định Nghĩa Chung: Đạo là gì?

Danh từ “ĐẠO” (chữ hoa) hay “đạo” rất thông dụng trong ngôn ngữ Việt nam, nên cần truy tầm ý nghĩa căn do của chữ đó bởi đâu mà ra! Ta thường được nghe thấy chữ đó ghép với các danh từ khác như: Đạo Thiên Chúa, Đạo Công Giáo, Đạo Phật… hoặc Thiên Đạo, Địa Đạo, Nhân Đạo..; (viết theo lối chữ thường) như: đạo vợ chồng, đạo làm con, đạo làm người, đạo xử thế…, lãnh đạo, hướng đạo.., việc đạo, việc đời, việc đạo đức… Gần đây, trong Sách Lễ, phần Kinh Tạ Ơn, bản dịch mới (1991?), có câu: “Chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, nhờ Chúa Giê-Su KiTô, Con yêu quí của Cha, thật là chính đáng, “phải đạo”, và sinh ơn cứu độ cho chúng con”. Vậy, “phải đạo”, nghĩa là làm sao?

1. Định Nghĩa về Chữ “ĐẠO” và “đạo”

Theo nghĩa đen, chữ Hán-Việt “đạo”, có nghĩa là đường đi, hay đường lối cách thức, luật lệ, như: độc đạo (đường một chiều), hướng đạo, quĩ đạo… (Chú ý: chữ đạo, “đồng âm dị nghĩa”, vừa có nghĩa là “đường đi”, vừa có nghĩa là “nói” như danh từ “đàm đạo”; ngoài ra, còn một nghĩa nữa là “trộm cướp” như “đạo tặc”, v.v.: trong Hán tự, mỗi ý nghĩa có một chữ viết khác, không giống tiếng Việt, vừa viết, vừa đọc âm là một chữ).

Theo nghĩa bóng, nghĩa trừu tượng, siêu hình, nhưng chưa thật là huyền bí, thì chữ “đạochỉ đường hướng, chính sách, bổn phận, phận vụ, hay đặc tính, đặc điểm, đã ấn định riêng cho từng sự vật, từng con người trong vũ trụ. Chẳng hạn, theo Nho giáo, trong câu nói: “đạo làm con phải thảo kính cha mẹ” (chữ “đạo”, viết lối chữ thường, để phân biệt với chữ “ĐẠO”, chỉ Nguyên Lý Siêu Việt), thì chữ “đạo” là đường lối cư xử, là bổn phận phải làm, lý tưởng phải theo, lề luật phải giữ cho hợp với phận sự làm con đối với cha mẹ.

Do đó, từ thế giới hữu hình, tương đối, gọi là"Hình Nhi Hạ Học”, người ta “vượt” lên “Hình Nhi Thượng Học”, tức cõi huyền bí, rồi lý luận rằng: trên mọi vật, mọi loài, trên hết các “đạo” tương đối, phải có một “ĐẠO” (luôn viết chữ hoa) Phổ Biến, Tuyệt Đỉnh, bao trùm tất cả các “đạo” (viết chữ thường), và làm Mẫu Mực cho muôn loài. ĐẠO ấy rất huyền bí, vô hình, vô tượng, là Nguyên lý, Nguồn Gốc của vũ trụ, là Cơ Cấu, Là Đường Hướng Vận Chuyển, Biến Hóa, Điều Hòa của muôn vật muôn loài. Ta sẽ bàn luận thêm ở dưới.(149)

2. Lai lịch về Ý Niệm “ĐẠO”

Quan niệm “ĐẠO” phổ biến, tuyệt đối này được tất cả các tôn giáo, triết lý thời cổ cùng dùng, tuy mỗi môn phái giải thích khác nhau. Bởi vậy, Đức Khổng Phu Tử nói: “Sáng nghe Đạo, tối chết cũng đáng “ (triêu văn Đạo, tịch tử khả hỉ, Luận Ngữ 4:8). Phật giáo cũng dùng chữ ĐẠO để chỉ lúc được giác ngộ, đốn ngộ (sudden Enlightenment) là lúc được “kiến Đạo”.(151)

Theo Lịch sử triết học Trung Hoa, ta thấy môn phái của Dương Chu, Lão Tử, Trang Tử được gọi là “đạo gia” (taoist). Nhưng các vị danh nho như Chu Hi, Vương Dương Minh (Nho giáo) cũng gọi là “đạo gia”, vì phong trào phục hưng Khổng học của họ mang tên “Đạo Học”.

Các đạo gia của Nho Giáo như Hàn Dũ (768-824) và Lí Ngao (chết 844?) cho rằng việc truyền Chân Lý hay Đạo bắt đầu từ các Thánh Vương Nghiêu-Thuấn cho đến Khổng Tử, Mạnh Tử là chấm dứt. Sau đó, không ai hiểu đúng về Đạo, về Chân Lý Tuyệt Đối nữa! “Cái ta gọi là Đạo, không phải là cái Đạo của Lão Tử và Phật. Vua Nghiêu lấy Đạo truyền cho Vua Thuấn. Vua Thuấn truyền cho Vua Vũ (sáng lập nhà Hạ). Vua Vũ truyền cho Vua Văn, Vũ, Chu Công (ba người sáng lập nhà Chu). Văn, Vũ, Chu Công truyền cho Khổng Tử. Khổng Tử truyền cho Mạnh Tử”… Các đạo gia như Chu Hi lập ra phái Lý Học và Vương Dương Minh lập ra phái Tâm Học, cũng là tiếp tục ngành lý tưởng của Khổng Học, nhất là khuynh hướng thần bí của Mạnh Tử.(152)

Trái lại, các đạo gia của môn phái Lão-Trang lại muốn dành phần ưu thắng cho học thuyết của mình. Vì thế, Trang Tử cho rằng nho gia (Khổng Học) chỉ biết “lề lối chế độ” cụ thể, chứ không biết gì tới nguyên lý tiềm ẩn, còn đạo gia (Lão-Trang) thì biết"nguyên lý" chứ không biết lề lối chế độ. Nói cách khác, nho gia chỉ biết “ngành” của Đạo, chứ không biết phần “cội rễ” của Đạo; còn đạo gia thì biết căn bản chứ không biết ngành.

Nói tóm lại, ý niệm về “Đạo”, là một cố gắng của các nho gia, đạo gia, thiền gia, đi tìm Một Chân lý độc nhất làm căn nguyên cho sự hiện hữu của vũ trụ mà họ tạm gọi là Đạo. Nhưng mỗi môn phái, triết thuyết chỉ bàn về một khía cạnh nào đó của Đạo mà thôi. Vì thế, nếu muốn hiểu biết ý niệm về Đạo một cách đầy đủ hơn, cần phải phối hợp các khái niệm lại để chúng bổ túc cho nhau. Mối ưu tư chung của các triết gia Đông Phương là tìm về một nguồn độc nhất của vạn sự vạn vật. Tư tưởng, triết lý chỉ đạo là “lẽ nhất quán” của vũ trụ, tức là Nhất Nguyên Luận (Monism). Do đó, có thể nói, triết lý Đông phương là những cố gắng suy tư để giải thích những quan niệm thống nhất như: “vạn vật nhất thể”, “thần nhân tương dữ”, “tam tài”… Muôn vật muôn loài chung qui chỉ có một mối mà thôi như lời phát biểu của Khổng Tử: “Thiên hạ lo gì nghĩ gì? Thiên hạ tuy có nhiều đường khác nhau, nhưng cũng về một mối, trăm điều lo nghĩ mà vẫn quay về một mối. Thiên hạ lo gì nghĩ gì? (Thiên hạ hà tư hà lự? Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự. Thiên hạ hà tư hà lự? Hệ từ hạ).(153)

B. Phân Biệt “ĐẠO” và “đạo”

Tất cả các triết gia thời cổ đều cố công đi tìm “ĐẠO”, tức Chân Lý Tuyệt Đối, như một cứu cánh cần vươn tới. Nhưng cách suy tư, diễn tả Chân lý đó rất khó khăn, và phức tạp, vì Thực Tại đó là Siêu Việt, thuộc “Hình Nhi Thượng”, vô hình, còn trí khôn loài thụ tạo, và ngôn từ thuộc loài tương đối. Do đó, cần phải nghiên cứu riêng từng môn phái đối với ý niệm Đạo, để giúp ta có một cái nhìn tổng quát và đầy đủ hơn về Chân Lý Tuyệt Đối đó.

1. Phân Biệt hai Ý Niệm về “ĐẠO” và “đạo”

Các nho gia phân biệt hai ý niệm: một là “ĐẠO(viết chữ hoa, trong Việt ngữ), để chỉ chính Nguyên Lý Thuần Nhất, từ đó phát sinh và biến hóa vạn sự vạn vật trong vũ trụ; hai là, “đạo” (viết chữ thường), trong “Dịch Truyện” để chỉ những cái “lý” rất phức tạp, chi phối từng loại, từng sự vật khác nhau trong vũ trụ. Mỗi loài có cái “lý”, hay cái “đạo” riêng của nó. Chẳng hạn, “đạo làm người”, nghĩa là gì? Hễ ai là người thì cũng có “đạo” ấy, tức là cái làm cho giống người, khác hẳn với các giống khác. Cho nên, “đạo làm người”, tức là các đặc tính, đặc điểm, bổn phận, nghĩa vụ, phận sự… tạo thành cấu kết nên một con người, một cá nhân cụ thể. Vậy, ý nghĩa của câu nói: “đạo làm người”, là nhắn nhủ ta hãy cư xử, hành động, tư tưởng cho thích hợp với địa vị, và bản tính của con người “linh ư vạn vật”, phải sống làm sao “cho ra cái giống người”! (Tú Xương).

Ý niệm về “đạo” này đã được Đức Khổng Tử áp dụng vào luân lý, đạo đức, tức “Chính Danh Định Phận”. Theo học thuyết này, mỗi người phải ăn ở, cư xử cho thích hợp với danh xưng của chính mình. Chẳng hạn, câu nói: “đạo làm con”, phải phụng dưỡng cha mẹ. Vậy “đạo làm con” không được làm gì? Nếu là nguời con mà ngỗ nghịch, bất hiếu với cha mẹ, thì không còn xứng đáng gọi mình là “con” nữa, vì danh xưng “con”, phải kèm theo những bổn phận, nghĩa vụ của nó, danh nào, bổn phận nấy. Cũng thế, “đạo vợ-chồng”: nếu muốn xứng với danh hiệu đó, thì vợ chồng phải chung thuỷ với nhau, yêu thương, tôn trọng nhau… Trái lại, vợ hay chồng bất trung với nhau, lỗi bổn phận, thì không còn xứng đáng mang danh là vợ, là chồng nữa!(154)

Ta có thể so sánh ý niệm “đạo” với ý niệm “cộng tướng” (universal) trong triết học Tây phương hay “biến hạng” (variables) trong công thức toán học hay Luận lý học tượng trưng (symbolic logic). Một biến hạng a, b, c,… thay thế cho một “loại” hay nhiều “loại” vật cụ thể, cùng có những đặc điểm, đặc tính như nhau. Cần nói thêm: ý niệm “đạo” theo Khổng Tử nghiêng về bổn phận luân lý, còn ý nghĩa chữ “đạo” trong “Dịch Truyện” mang tính chất trừu tượng, siêu hình hơn, như sẽ bàn ở dưới đây.

2. Ý Niệm “đạo” Dùng Trong Dịch Kinh

Theo Lịch sử Triết Học Trung Hoa, Dịch Kinh vốn là sách dùng để bói toán. Sau này, các nho gia đã thêm vào một phần gọi là “Dịch Truyện”(Appendices) gồm những bài chú giải về nguồn gốc vũ trụ, siêu hình, và luân lý. Theo truyền thuyết, Dịch Kinh do Phục Hy hoặc Văn Vương lập ra.

Ở đây, không cần biết về bói toán như cát, hanh, lợi…, nhưng chỉ xét xem những “công thức” trong Dịch Kinh tượng trưng cho ý nghĩa gì. Chu Hi phân biệt hai loại: “Quẻ Đơn”, và “Quẻ Kép”. Quẻ đơn gồm có tám quẻ đơn, gọi là “bát quái”

Quẻ Đơn” có ba gạch, mỗi gạch gọi là hào:

KIỀN ĐOÀI LY CHẤN TỐN KHẢM CẤN KHÔN

Quẻ Kép” gồm có sáu hào do sự phối hợp đắp đổi chồng nhau của hai Quẻ đơn mà thành ra (8×8) là 64 “quẻ sáu vạch”, tức là 384 hào.

KIỀN KHÔN

Mỗi “quẻ đơn”, mỗi “quẻ kép”, mỗi “hào” được coi là những “công thức”’ và mỗi “công thức” biểu tượng cho một “đạo” hoặc nhiều “đạo”. Người ta cũng giả thiết rằng: những lời bàn, lời giải của các triết gia về 64 quẻ kép và 384 hào là biểu thị cho tất cả các “đạo” ở trong vũ trụ. Chẳng hạn, quẻ KIỀN và các hào của nó biểu thị cái “đạo” của các loài, các vật “mạnh”, trong vũ trụ. Do đó, vật nào, loài nào có đủ điều kiện về “mạnh”, thì được xếp loại vào trong “công thức” tượng trưng cho “Kiền”. Trái lại, quẻ kép và hào của “KHÔN” đều biểu thị cho “đạo” của các loài, các vật có điều kiện “thuận”. Bởi vậy, người xưa cho rằng, nếu muốn biết “đạo” của người chồng phải thế nào, thì coi xem quẻ Kiền trong Dịch Kinh nói gì; trái lại, nều muốn biết “đạo” của người vợ thì coi quẻ Khôn.(155) ( Chú ý: ý niệm “đạo” đã được Trình Di và Chu Hi suy diễn để làm thành ý niệm “lý” trong thuyết “LÝ HỌC”, như sẽ bàn sau).

C. Đạo: Nguồn Gốc, Bản Thể, Sinh Hóa của Vũ Trụ

Nếu trong vũ trụ này, loài nào, vật nào cũng đều có cái “đạo” của nó, thì xét về mặt toàn thể thống nhất của, vũ trụ, ta nhận thấy cái “đạo” bao trùm của tất cả các “đạo”, chính là “ĐẠO” Đơn Nhất, Thuần Nhất, Tuyệt Đối, phát sinh và biến hóa mọi vật mọi loài. ĐẠO này làm Mẫu Mực Tối Thượng cho sự vận hành, cho “đường hướng” của toàn thể vũ trụ.

1. Đạo và Âm-Dương: Sinh Hóa Của Vũ Trụ

Trong Hệ từ (Dịch truyện III) có câu: “Một DƯƠNG một ÂM: gọi là ĐẠO” (Nhất Dương nhất Âm vị chi Đạo). Câu này có ý nghĩa triết lý, siêu hình như thế nào? ĐẠO là Nguyên Lý linh diệu, huyền bí vô cùng, ta không thể hiểu được rõ chân tính, chân tướng, hay bản thể của ĐẠO ấy. Nhưng ta có thể quan sát sự biến hóa, sinh thành của vạn vật mà biết được cách thức hành động của Đạo ấy biểu lộ ra trong thiên nhiên như thế nào. Muốn sản xuất một vật gì thì cần phải có “động tác”, tức năng lực phát sinh ra nó, đồng thời lại phải có “chất liệu” để tạo ra nó. Một bên là hành động, là “động”, bên kia là thụ động, là “tĩnh”. Động-Tĩnh đi liền nhau, khác nhau nhưng đối đáp, tương đối, điều hòa với nhau, hợp tác với nhau. Yếu tố chủ động và mạnh đó là DƯƠNG, yếu tố thụ động và thuận đó là ÂM. Trên bình diện siêu hình, Âm-Dương tức là Luật Tương Đối, Điều Hòa, TrungHòa của ĐẠO. Cho nên, Đạo của vũ trụ khởi đầu bởi sự biến hóa của hai cái Tương Đối đó. Nên chú ý: chữ Âm và Dương không có ý nghĩa tự tại, tuyệt đối, tức là một vật không nhất định luôn luôn là Âm, hay là Dương, nhưng nó thay đổi tùy sự tuơng đối, tương quan với các vật khác. Chẳng hạn, bà hoàng hậu là “Âm” tương đối với vua là “Dương”; nhưng bà lại là “Dương” khi so sánh bà là mẹ sinh ra hoàng tử; vì thế, biểu hiệu của bà là con chim đậu phía Nam, mùa của Dương, hạ chí. Hoàng đế là “Dương “đối với dân, nhưng là “Âm” đối với “Thái Cực” (Thái Nhất). Nếu nhìn vào hình của Thái Cực (ở chính giữa), ta thấy một hình tròn chia làm hai phần bằng nhau, phần trắng chỉ Dương, phần đen chỉ Âm, nhưng trong phía Âm có một “chấm trắng”, và trong phần Dương có một “chấm đen”. Chấm trắng đó có nghĩa là: trong Âm đã chứa đựng “mầm mống” của Dương và chấm đen đó nghĩa là: trong Dương đã chứa sẵn “mầm mống” của Âm (coi hình Thái Cực và bát quái).

Nói tóm lại, những danh từ Âm, Dương, khởi đầu theo nghĩa đen để chỉ sáng-tối, nam-nữ, trống-mái, đực-cái…, nhưng về sau dùng trong “Hình nhi thượng học” (siêu hình học) những chữ đó đã đổi sang ý nghĩa trừu tượng ám chỉ các lực lượng tương phản, tương đối nhau. Trong Dịch Kinh, biểu tượng cho Dương là một gạch liền (___), và Âm là gạch đứt
(_ _). Cặp Âm-Dương đó (_ _ và ___) đã phối hợp mà làm ra “bát quái”, tức tám” quẻ ba đơn”, (mỗi quẻ ba gạch), và 64 “quẻ sáu kép”, (mỗi quẻ sáu gạch), cả thảy là 384 hào (gạch), tức là những “đạo”, những thế lực vô hình chi phối sự vận chuyển trong vũ trụ .(156)

2. LÝ THÁI CỰC Là Gì?

Trong Hệ từ (Dịch Kinh) cũng có câu: “Đạo Dịch có Thái Cực, Thái Cực sinh ra hai nghi, hai nghi sinh ra bốn tượng, bốn tượng sinh ra tám quẻ (Dịch hữu Thái Cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái). Tất cả các danh từ trong câu trên đây đều có ý nghĩa siêu hình biểu thị Luật Điều Hòa, Tương Đối mà ta suy diễn được trong cách thức biến hóa, sinh thành của vũ trụ. Đối chiếu với câu trên thì ĐẠO là (LÝ) THÁI CỰC, và Âm-DươngLưỡng Nghi…

Bởi vậy, ĐẠO hay (LÝ) Thái Cực vô cùng huyền bí, tâm trí con người không thể hiểu được bản thể linh diệu vô biên đó, nhưng có thể quan sát cái động thể của ĐẠO (Lý Thái Cực) để biết các sự vật sinh thành, biến hóa làm sao. Nho gia chỉ chú trọng nghiên cứu cái động thể mà thôi! Ta thấy vạn vật luôn sinh hóa, biến đổi không ngừng: đó là ý nghĩa của chữ DỊCH (Dịch là biến đổi) và biến hóa theo Luật Tương Đối, tức Luật Âm-Dương. Âm-Dương theo lẽ Điều Hòa mà sinh ra Ngũ Hành là Thuỷ, Hỏa, Kim, Mộc, Thổ. Những danh từ này cũng phải hiểu theo nghĩa siêu hình, ám chỉ “đạo”, lực lượng vô hình đối đáp nhau để phát sinh vạn vật và lôi kéo vạn vật biến chuyển một cách điều hòa, trung hòa. Nói tóm lại, theo nho gia, mọi sự mọi loài hiện hữu đều do ĐẠO mà ra và đều có cùng một nguồn gốc là ĐẠO. Đó cũng là ý nghĩa của thuyết: “Vạn Vật Nhất Thể”.

D. Ngũ Hành: Cấu Trúc Của Vũ Trụ

Như ta đã thấy ở trên, các nho gia đã dùng triết lý Âm-Dương điều hòa theo Luật Tương Đối để chứng minh cho thuyết “Vạn Vật Nhất Thể”, vạn sự vạn vật đều bởi một nguồn gốc là “ĐẠO” mà ra. Các nho gia còn tìm phương thức để giải nghĩa cái cấu trúc của vũ trụ được xếp đặt và vận chuyển như thế nào. Đó là thuyết về “NGŨ HÀNH”’ sau đó, mới cắt nghĩa sự liên đới giữa thiên đạo, nhân đạo, và địa đạo để chứng minh cho thuyết “Thần-Nhân Tương Dữ”, “Tam Tài”, “Hồng Phạm”, “Cửu Trù”, “Mục đích luận”, “Duy cơ luận”,…

1. Thuyết “Ngũ Hành” là gì?

Quan niệm về “Ngũ Hành”, là thiên thứ nhất trong “Cửu Trù”. Ngũ Hành gồm có: thứ nhất là Thuỷ, nhì là Hỏa, ba là Mộc, bốn là Kim, năm là Thổ. (Tính chất của) Thuỷ là ướt và xuống. Hỏa là cháy và lên. Mộc là cong và thẳng. Kim là nhường và đổi. Thổ là gieo giống, gặt hái.

Như trên đã trình bày về thuyết Âm-Dương, các triết gia đi từ những quan sát các vật cụ thể, các hiện tượng thiên nhiên như: sáng-tối, ngày-đêm, nóng-lạnh, giống đực-giống cái, nam-nữ,… để rút ra những ý niệm trừu tượng, siêu hình, tức là nói theo kiểu ngày xưa, từ “Hình nhi hạ học” vượt lên “Hình nhi thượng học”. Quan niệm về Ngũ Hành cũng vậy. Khởi đầu, Ngũ Hành chỉ những chất như nước, lửa, gỗ, kim loại, đất… cấu kết nên thế giới, vũ trụ này. Nhưng theo lý luận siêu hình học, Ngũ Hành ám chỉ những thế lực điều khiển sự vận chuyển, biến hóa của lịch sử nhân loại, và là nền tảng của các triết thuyết như: “Vạn vật nhất thể”, “Thần-Nhân tương dữ”, v.v.

Chữ “Hành” nghĩa là “làm”, hoạt động, nên ngũ hành, theo nghĩa đen là năm hoạt động hay năm tác nhân (agents). Người ta cũng gọi là “Ngũ Đức”, năm thế lực. Về phương diện nguyên liệu, chất liệu, Ngũ Hành là năm yếu tố cấu thành vũ trụ. Do đó, chữ “hành” lại có nghĩa là “yếu tố” (element), trong đó Hành Thổ ở giữa (Trung Cung) là căn cơ và cũng là cùng đích của muôn vật. Ngũ Hành là năm yếu tố cộng thêm yếu tố cốc (lúa) là sáu yếu tố cần thiết cho sự sống. Vì thế, vị quân vương và mọi người phải chăm lo khai thác, mở mang kinh tế, nông nghiệp và kỹ nghệ, thì dân mới no, mới giầu, nước mới mạnh được. Về phương diện không gian, Ngũ Hành chiếm năm vị trí chính yếu là: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung. Về thời gian, Ngũ Hành biểu thị năm thời đại khác nhau, năm mùa khác nhau, bốn mùa “biến thiên” bên ngoài và một mùa “hằng cửu” bên trong vừa là mùa hoàng kim khởi thuỷ, vừa là mùa Hạnh Phúc lý tưởng lúc chung cuộc.

Về phương diện siêu hình, Ngũ Hành gồm một Trung Điểm bên trong và “tứ tượng” bên ngoài, tức là gồm cả huyền cơ về bản thể, về nguyên lý hằng cửu, tức lý Thái Cực ở bên trong, và bốn hiện tượng, tức dịch lý biến thiên ở bên ngoài. Tứ tượng là bốn hiện tượng, trạng thái biến đổi của một bản thể bất biến. Do đó, theo nghĩa siêu hình huyền bí, chữ “Hành” phải hiểu là “đạo”, là” diễn biến” (processus) của một nặng lực trung tâm phát ra tứ phía đồng thời thay hình đổi dạng khác nhau tùy chỗ. Cách thức biến đổi đó khi thì có tính chất chảy, uyển chuyển, lúc thì cứng rắn, nóng nảy. Hành “Thổ” ở giữa, vì tính chất mầu mỡ của đất để sinh sản hoa mầu, nên tượng trưng cho năng lực sáng tạo của Thiên, của Nguyên Lý Tuyệt Đối. Do đó, vạn sự vạn vật, mọi biến thiên trong vũ trụ, chung cuộc đều bởi một “ĐẠO” mà ra, để chứng minh cho thuyết “Vạn vật nhất thể”.(157)

Theo lý luận siêu hình, “ĐẠO” đó đã biến ra “Ngũ Cung”, trong âm nhạc cổ truyền. Thiên (ĐẠO) xướng dấu nhạc, và Địa đáp lại bằng tiếng “cồng”’ và tiếng cồng đó vang dội ra bốn phương, thành ra bốn cung, rồi tiếng cồng và bốn cung hợp nên Ngũ Cung, tất cả đều phát xuất từ một “Đạo” mà ra.(158)

Chú ý: Trung Hoa lấy tứ Linh (bốn con vật thiêng) là: Long, Li, Qui, Phượng, để tượng trưng cho tứ tượng.

2. Liên Đới giữa Thiên-Đạo, Nhân-Đạo, Địa-Đạo

Từ cách thức cấu trúc của vũ trụ, tức cách xếp đặt và vận chuyển của Ngũ Hành, các triết gia suy diễn ra sự liên đới giữa Thiên-Đạo, Nhân-Đạo, và Địa-Đạo, để lập ra các thuyết sau đây:

a) Thần-Nhân tương dữ (Trời và người có quan hệ với nhau). Theo thuyết này thì đời sống con người mật thiết lên hệ với thiên nhiên và nhất là Thiên Lý, Thiên Mệnh, tức Đấng Tạo Hóa. Thuyết này cũng được hai thuyết khác hỗ trợ là Mục đích luận (teleology), và Duy cơ luận (mechanistic).

b) Mục Đích Luận. Thuyết này chủ trương vạn sự vạn vật, và mọi biến cố, hiện tượng trong vũ trụ đều đã được xếp đặt theo một mục đích, một ý hướng nào đó, do bàn tay sáng tạo và chỉ vẽ của một Đấng Thượng Trí siêu phàm nên vũ trụ mới có trật tự, hòa hợp. Vả lại, vũ trụ này được tạo dựng với mục đích là phục vụ con người. Do đó, nếu con người–đặc biệt vị quân vương được coi là đại diện cho dân nước–không tuân giữ Thiên Mệnh, tức Mệnh Lệnh của Trời, hay xử sự trái với Thiên Lý, Thiên Đạo, thì sẽ gây nên các tai họa trong thiên nhiên như lụt lội, bão táp, mất mùa. Đấy là những lời cảnh giác nhà vua phải sửa sang lại việc cai trị cho hợp với Thiên Mệnh.

c) Duy Cơ Luận. Thuyết này coi vũ trụ là một guồng máy, trong đó mỗi vật, mỗi loài là một bộ phận. Vì vũ trụ là một toàn thể, một khối, nên mỗi bộ phận đều liên quan đến nhau. Khi một bộ phận hư hỏng thì cũng liên lụy, cũng gây tai hại cho các bộ phận khác nữa.

d) Hồng Phạm Cửu Trù, Nguyệt Lệnh. Trong tinh thần hòa hợp Thiên Đạo, địa đạo, và nhân đạo, người xưa đã đặt ra những qui tắc về luân lý đạo đức, về cách cai trị dân nước cho các bậc quân vương được gọi là “thiên tử”, hầu đem lại hạnh phúc, an hòa cho toàn dân. Những qui tắc đạo đức đó được giải thích trong chương HỒNG PHẠM rút ra từ Thư Kinh (Sử ký, phần V, quyển IV). Hồng Phạm nghĩa là “khuôn lớn”, là mẫu mực cao cả mà các vị quân vương phải noi theo trong việc cai trị dân nước. Đó là Hiến Chương nền tảng dạy các vị quân vương cách thức thay Thiên (Trời) để trị dân. Theo truyền thuyết, Võ Vương vì muốn biết rõ phương pháp trị dân cho hợp với Thiên Mệnh, nên đến hỏi ý kiến Cơ Tử. Cơ Tử tâu vua: vì vua biết cách trị thuỷ, nên Trời ban cho vua Hồng Phạm Cửu Trù. Và Cơ Tử lần lượt giảng giải chín thiên Hồng Phạm cho vua Võ, sáng lập ra nhà Hạ (khoảng 2205, trước Chúa Cứu Thế giáng trần). Hồng Phạm Cửu Trù được xếp theo Lạc Thư, như sẽ trình bày ở dưới.

Hồng Phạm chia ra “CỬU TRÙ” (Nine Categories), tức là chín phạm trù ghi chép những đức tính và những việc vị quân vương phải theo để hòa hợp với thiên nhiên diễn ra trong không gian và thời gian. Trong chín thiên, thì thiên 5 là quan trọng nhất vì giảng giải về đức độ của vị quân vương; 4 thiên truớc bàn về cách thế để đạt tới đức độ toàn thiện; 4 thiên sau bàn về phương pháp giữ gìn đức độ ấy. Ta nên biết: ý niệm về Ngũ Hành được trình bày trong thiên một của Hồng Phạm Cửu Trù xếp theo Lạc Thư .(159)

Ngoài Hồng Phạm, tập tài liệu ngắn, nhưng được coi là cổ nhất của triết lý Trung Hoa, còn có “NGUYỆT LỆNH” tìm thấy trong tác phẩm “Lã Thị Xuân Thu” vào cuối thế kỉ thứ ba trước Chúa Cứu Thế giáng trần. Về sau được đưa vào sách Lễ Kí. Đặt tên là Nguyệt Lệnh, vì là cuốn lịch ghi những bổn phận mà vua và dân phải làm hàng tháng để giữ mối giao hảo, hoà hợp với thiên nhiên, theo thời gian và không gian.

e) HÀ ĐỒ, LẠC THƯ, TÒA MINH ĐƯỜNG là gì? Như ta đã thấy các triết gia dùng những vật cụ thể như các hiện tượng thiên nhiên đối đáp thay thế nhau để suy tư và rút ra những lý thuyết về siêu hình, về nguồn gốc, về cơ cấu của vũ trụ. Các triết gia thời xưa cũng thích dùng những con Số và gán cho chúng những ý nghĩa siêu hình, ma thuật (magic), kết thành những hình đồ dùng để cắt nghĩa về sự vận chuyển của vũ trụ như ta sẽ thấy trong Hà Đồ, Lạc Thư, nhà Minh Đường. Có thể nói: đó là hình ảnh, bản đồ về Thế Giới, làm biểu tượng cho vũ trụ quan của người thời xưa.

Ta không chú ý đến những truyền thuyết hoang đường, hay những con vật thiêng như con rùa, con rồng, hoặc các con Số ma thuật, v.v. Nhưng chỉ chú trọng vào ý nghĩa tượng trưng tiềm tàng ở bên trong các hình ảnh đó, để hiểu biết xem người xưa quan niệm thế nào về vũ trụ, và nhất là về Một Đấng Hóa Công tạo dựng và an bài vạn sự vạn vật.

HÀ ĐỒ, LẠC THƯ, là gì?

Hà là sông, Đồ là họa đồ, bản đồ; do đó, Hà Đồ là “Họa Đồ của con Sông”. Sông nào? Đó là sông Lạc, một sông nhánh của sông Hoàng Hà, nơi phát xuất nền văn minh cổ của Trung Quốc, có thủ đô cổ tên là Lạc Dương, đời nhà Chu (1122 B.C). Chữ Thư, nghĩa là sách, bản văn, bản chép (ngày nay, “đồ thư” nghĩa là thư viện). Cho nên Lạc Thư là bản văn của sông Lạc. Có truyền thuyết cho rằng: vua Phục Hi đi chơi dọc sông, thấy có con “long-mã"(mình ngựa đầu rồng) nổi lên, trên lưng có bức đồ. Phục Hi theo đó mà vẽ ra “Hà đồ"; còn Vua Vũ có công trị thuỷ, nên được Trời sai một con rùa nổi lên mặt sông Lạc, mu rùa có hình vẽ về vũ trụ. Vũ vương theo đó làm ra “Lạc Thư”.

Theo các nhà khảo cổ thì Hà Đồ, Lạc Thư, cùng với Cửu Đỉnh của vua Vũ mai một đi, không còn ai để ý tới nữa, sau khi triều đại nhà vua đã mất. Mãi tới đời nhà Tống, thế kỉ 12, thì lại thấy Hà Đồ Lạc Thư tái xuất. Nhưng các triết gia Trung Hoa cũng không ngưỡng mộ gì Hà Đồ Lạc Thư của nhà Tống. Dầu sao, đối với các học giả và dân chúng, họ chỉ quan tâm đến ý nghĩa về những con số dùng để biểu tượng, hình dung về cách xếp đặt, và cách xoay vần của vũ tru.

Bởi vậy, ta tìm thấy ý nghĩa gì về vũ trụ qua cách xếp đặt những con số trong HÀ ĐỒ của nhà Tống? (coi:trang 475), ta thấy các chấm tròn trắng chỉ Dương, số lẻ, các chấm tròn đen chỉ Âm, số chẵn. Mười số đầu xếp hình Thập Tự, số 5 và 10 ở chính giữa. Đó là cách xếp đặt của Nguyệt Lệnh và thiên một của Hồng Phạm, tức Ngũ Hành, những con số là biểu tượng ám chỉ Ngũ Hành, Phương hướng và các Mùa. Số 1, 2, 3, 4, 5 (vòng trong); và 6, 7, 8, 9, 10, (vòng ngoài). Nếu hai số của mỗi cánh trừ cho nhau như: 6-1=5; 9-4=5; 7-2=5; 8-3=5, ta đều có số 5. Cách xếp đặt, xoay vần đó chứng tỏ sư điều hòa, cân đối của hiện tượng thiên nhiên trong trời đất! Chú ý: Hà Đồ gần với “ Tiên Thiên Bát Quái” của Phục Hi, lập ra Bát Quái (quẻ ba đơn). Hình này xếp đặt các quẻ đơn rất cân đối về Âm-Dương. Còn Lạc Thư lại giống cách xếp đặt của “Hậu Thiên Bát Quái” của Văn vương, sáng lập nhà Chu(1185-1135 B.C). Văn vương cũng chế ra “quẻ sáu gạch”, và lập “Nhà Minh Đường”, như sẽ bàn ở dưới đây.

LẠC THƯ (trang 478), ta thấy 9 con số đầu xếp hình vuông ma thuật (ở giữa là số 5). (Tây phương gọi là hình vuông Saturn (Thần Nông), tức Chronos ăn thịt các con). Hình này chỉ diễn biến trong thời gian. Có thể lấy các số lẻ xếp thành Thập Tự hi- lạp, kết với các số chẵn xếp thành Thập Tự Thánh Andreas (Thập Tự chéo). Nếu trừ con số 5 ở giữa là con số khởi sự cho việc xoay vần, thì mỗi đường xuyên tâm đều là số 10 (8+2; 3+7; 4+6; 9+1). Con số 10 là số hoàn toàn, là tổng số của thật tại. Trời ban cho Lạc Thư (nhờ con rùa)một hình bản đồ Thế giới chia Trái Đất (hình vuông) thành chín Miền (chín ô vuông). Theo truyền thuyết, vua Vũ đã đi chu du khắp Thế Giới để phân chia và cai trị. Nhưng sau này, các vị quân vương không cần đi xa, nhưng chỉ cần đi quanh quẩn, vòng quanh nhà MINH ĐƯỜNG cũng có thể điều hòa không gian, thời gian, và xếp đặt thời tiết, phương hướng. Tòa nhà Minh Đường có mái tròn lợp rơm, nền hình vuông: đó là hình ảnh về Thế Giới. Nhà Minh Đường có loại 5 gian, và loại 9 gian. Bởi vậy, hằng năm, các vị thiên tử diễn lại “tấn tuồng vũ trụ” như: Mùa Xuân, ngự cung Thanh Dương, phía Đông, áo mão, cờ xí xanh. Mùa Hạ, ngự cung Minh Đường, phía Nam, áo mão, cờ xí đỏ. Sau hạ chí, ngự trung cung, Thái Miếu, Thái Thất, áo mão, cờ xí vàng. Mùa Thu, ngự cung Tổng chương, phía Tây, áo mão, cờ xí trắng. Mùa Đông, ngự cung Huyền Đường, phía Bắc, áo mão, cờ xí đen(coi:trang 480)

g) Ý Nghĩa Những Con SỐ. Người thời xưa hay dùng những con số và gán cho chúng những ý nghĩa tượng trưng như: Số chẵn là Âm; số lẻ là Dương. Số 2: biểu hiệu của trái Đất và hình vuông. Số 3: biểu hiệu Trời và hình tròn. Số 10: chỉ sự hoàn toàn. Số 5: chỉ sự phối hợp Âm-Dương, vì là tổng số của 2 (Đất)+3 (Trời). Do đó số 5 chỉ nhiều đức tính như: Ngũ vị, Ngũ phúc, Ngũ tạng, Ngũ Hành, Ngũ Đế… Đặc biệt số 5 chỉ con người, vì là nơi (locus) phối hợp của Trời 3, và Đất 2. Nho giáo có Ngũ đế, Phật giáo có Lục Tổ, Lão giáo có Bát tiên. Số 9: con số huyền bí như 9×9 chỉ Dương và Trời; ngày 9 tháng 9 âm lịch là ngày lành nhất; 9 gian nhà Minh Đường; 9 Đỉnh, Cửu Đỉnh; Cửu Trù. Số 100: nghĩa là “nhiều thứ” như: Bách tử (trăm con) hoặc số 1000, chỉ nhiều lắm như: Thiên Thu (đời đời kiếp kiếp).

Nói tóm lại, những con Số, những biểu tượng, những hình đồ như Âm-Dương, Ngũ Hành, nhà Minh Đường, Hà Đồ, Lạc Thư… đều mang một ý nghĩa tiềm ẩn, trừu tượng, siêu hình biểu lộ sự cố công của con người muốn đi tìm Nguyên Lý Tuyệt Đối, tức Thiên Mệnh, theo câu của Dịch Kinh: “THỂ duy nhất, DỤNG vạn thù”, tức là chỉ có một Bản Thể làm Nguyên Lý, nhưng được biểu lộ ra bên ngoài, trong vũ trụ, bằng nhiều công dụng, nhiều cách thức.(160)

E. Nguồn Gốc Sự Biến Hóa Của Vũ Trụ

Như trên đã trình bày, Lý Thái Cực là huyền bí, thuần nhất, tuyệt đối, ta không thể biết cái “chân thể”, chân tướng được. Nhưng ta có thể thấy cái “động thể”của “Đạo” (Thái Cực) đó, khi Đạo biểu lộ ra bằng hành động theo Luật Tương Đối, Điều Hòa “Âm-Dương”, để phát sinh vạn sự vạn vật. Chính Đạo đó, thì “bất biến”, mà lại là nguồn gốc cho mọi sự sinh động, biến hóa trong vũ trụ này!

1. Ý Nghĩa chữ “DỊCH”

Vì chủ truơng sự Biến Hóa, nên các nho gia chú ý đến khía cạnh “động thể” của Đạo, tức khía cạnh dịch lý biến thiên. Trên phương diện này, cuốn DỊCH KINH là nền tảng triết lý giải thích tất cả những hiện tượng luôn luôn xuất hiện và biến dịch trong vũ trụ này.

Những “hào”, tức những nét “gạch” trong Dịch Kinh đều có ý nghĩa tượng trưng ám chỉ sự biến hóa thành muôn hình vạn trạng, không ngừng trong vũ trụ. Khởi đầu là sự giao động của cặp tương đối: ÂM (gạch đứt _ _ ) và DƯƠNG (gạch liền __), rồi cứ thế đắp đổi nhau phối hợp điều hòa mà làm ra 8 “quẻ ba đơn”, 64 “quẻ sáu kép”, tức 384 “hào”.

Cách thức xếp đặt các quẻ (quái từ) cũng giúp ta thấy ý nghĩa của sự biến hóa của cặp Âm-Dương. Nên nhớ: Âm hay Dương, không có đặc tính nhất định, tự tại, tuyệt đối, nhưng ý nghĩa biến đổi tuỳ theo công dụng, tùy sự đối đáp tương đối với các vật khác. Do đó, không có sự vật nào là hoàn toàn Âm, hay hoàn toàn Dương. Bởi vậy, hễ Thái-Dương, thì bắt đầu giảm xuống Thiểu-Dương để trở về Thái-Âm, chẳng hạn, mặt trời (ngày) lúc chính ngọ là cực điểm, thì sau đó bắt đầu trở về chiều tối, về đêm. Khi tới nửa đêm, tức Thái -Âm thì lại quay về ban sáng, Thiểu-Âm, rồi ban trưa, tức Thái-Dương. Cứ xoay vần, vận chuyển mãi mãi như thế theo vòng tròn. Do đó, theo triết lý của Dịch Kinh, thì vũ trụ này tiến hóa không ngừng. Chỉ có một luật của Đạo không hề thay đổi, đó là Luật Phản Phục (Reversal), nghĩa là Luật đó luôn luôn giữ sự Điều Hòa, Trung Hòa:”không thái quá, cũng chớ bất cập”. Đó cũng là Đạo “thường hằng bất biến”. Bởi vậy, nếu muốn sống hạnh phúc, và xã hội an vui, thì con người cũng phải noi theo Luật Trung Hòa của “Đạo”, trong việc tu thân và tiếp nhân xử thế.

2. Tiên Thiên Bát Quái và Hậu Thiên Bát Quái là gì?

Hai hình này cũng minh chứng cho tư tưởng “DỊCH”. Nhìn cách xếp đặt, phân chia ra hai phần Âm-Dương, và các quẻ Âm-Dương đối đáp nhau, ta sẽ thấy ý niệm về “dịch lý biến thiên” nổi bật lên. Theo truyền thuyết, hình Tiên Thiên Bát Quái, do Phục Hi, vị sáng chế ra Bát Quái (quẻ ba gạch), xếp đặt một cách cân đối lạ lùng. Hình này gần với cách xếp đặt của Hà Đồ. Còn Lạc Thư lại tương quan với Hậu Thiên Bát Quái. Cách xếp đặt của Hậu Thiên Bát Quái khác với Tiên Thiên Bát Quái. Theo truyền thuyết, Văn Vuơng nhà Chu sáng chế ra Hậu Thiên Bát Quái. Văn vương cũng lập ra “Quẻ sáu gạch”, và xây “Tòa nhà Minh Đường”. Nhìn vào Hình của Hậu Thiên Bát Quái, ta thấy đường vận chuyển, tức “Hành” (như Ngũ Hành) của Thái Nhất hay Thái cực ở Trung Cung (Số 5), theo lộ trình này: mỗi lần Thái Nhất đặt xong vị trí cho 4 “quẻ ba đơn”, thì lại về ngự ở Trung Cung: (1) Khảm, (2) Khôn, (3) Chấn, (4) Tốn, về qua Trung Cung (5), rồi tiến sang (6) Kiền, (7) Đoài, (8) Cấn, (9) Li, rồi trở về Trung Cung (10,5). Do đó, ta cách xếp đặt thứ tự các Quẻ như trên, đã tạo nên “hình vuông ma thuật”.(161)

Nói tóm lại, hai Tiên Thiên Bát Quái và Hậu Thiên Bát Quái, với cách xếp đặt tương đối của cặp Âm-Dương và các Quẻ, cốt yếu minh chứng sự Biến Hóa của vạn sự vạn vật thuộc loài tương đối. Vì thế, truyền thuyết cho rằng: Hà Đồ biểu thị cái “Chân Thể” của Âm-Dương trong Hậu Thiên Bát Quái (Hà Đồ vi Hậu Thiên Âm-Dương chi THỂ), còn Lạc Thư biểu lộ cái “Công Dụng” của Âm-Dương trong Tiên Thiên Bát Quái (Lạc Thư vi Tiên Thiên Âm-Dương chi DỤNG).

Toát Lược Mấy Đặc Điểm

1. Chữ Đạo hay đạo thông dụng trong ngôn ngữ Việt-Hoa, theo nghĩa nguyên tự, nghĩa đen, tức là đường đi.

2. Theo nghĩa bóng, nghĩa siêu hình, Nho Gia phân biệt: ĐẠO (chữ hoa) chỉ Nguyên Lý Tuyệt Đối, vô hình vô tượng, siêu việt, nguồn gốc của vũ trụ càn khôn; ĐẠO cũng chỉ “đường hướng” của Nguyên Lý đó, bao trùm và làm mẫu mực cho vạn sự vạn vật. Còn “đạo” (chữ thường), chỉ bổn phận, nghĩa vụ luân lý, hay đặc tính của mỗi vật mỗi loài như: “đạo” làm con, phải thảo kính cha mẹ. Ngoài ra, trong Dịch Truyện, mỗi hào, mỗi quẻ được kể là một “đạo”, một “công thức”, tượng trưng cho một vật nào đó.

3. Nguyên Lý Tuyệt Đối ĐẠO, xét về “Thể” (Chân Thể, Bản Thể) tức là “Tĩnh Thể”, thì vượt trên hết mọi loài tương đối, nên không thể suy tư, diễn tả bằng ngôn từ được. Nhưng trí khôn có thể biết được “động thể” của Đạo, khi biểu lộ ra bên ngoài bằng hành động tương đối, điều hòa, gọi là Âm-Dương.

4. Theo nghĩa siêu hình, Âm hay Dương không phải chỉ một sự vật nhất định là Âm hoặc là Dương, nhưng để chỉ Luật Tương đối, Điều hòa trong vũ trụ luôn biến đổi: khi một vật ở vị thế “Thái-Dương”, thì bắt đầu chuyển sang “ Thái-Âm “ hoặc khi tới “Thái-Âm “, thì lại trở về “Thái-Dương “, cứ xoay vần như thế mãi. Trong Âm đã có “mầm mống” Dương, và trong Dương đã có “mầm mống” Âm. Nhờ Luật điều hòa Âm-Dương mà vạn sự vạn vật được nẩy nở sinh sản.

5. Nho gia chủ trương thuyết “Vạn Vật Nhất Thể”, cũng là “Nhất Nguyên Luận”, vì cho rằng vạn sự vạn vật đều do một nguồn gốc là Đạo mà sinh ra, theo Luật Tương Đối, Điều Hòa của Âm-Dương. Đạo cũng gọi là Thái Nhất hay Thái Cực.

6. Các triết gia thích dùng những hình ảnh, họa đồ, con số.. như: Hà Đồ, Lạc Thư, Ngũ Hành, Hồng Phạm Cửu Trù, Nguyệt Lệnh, nhà Minh Đường… để diễn tả cái cấu trúc, cách bố trí Điều Hòa, Hòa Hợp của vũ trụ, theo Luật Trung Hòa, “đừng thái quá, chớ bất cập”.

7. Do đó, nếu muốn sống hạnh phúc, an cư lạc nghiệp, thì con người phải bắt chước, noi theo Luật Trung Hòa. Hòa Hợp của ĐẠO. Vì thế mới có thuyết “Thần Nhân tương dữ”, và các thuyết như: Mục đích luận, Duy cơ luận, …

8. Ngũ Hành, theo nghĩa siêu hình, để chỉ những “đạo”, những thế lực vô hình điều khiển sự vận chuyển xoay vần của vũ trụ, một cách điều hòa. Nguyên Lý Tuyệt Đối, chính là ĐẠO (Thái Cực)phát sinh ra các hiện tượng, các mùa trong trời đất.

9. Hồng Phạm Cửu Trù, Nguyệt Lệnh là những luật lệ. mệnh lệnh của Trời ban cho các bậc đế vương phải tuân giữ, để thay Trời cai trị và đem lại an cư lạc nghiệp cho dân chúng. Nếu làm trái Thiên Mệnh, thì các tai họa sẽ xẩy tới.

10. Nho giáo chủ trương triết lý “Dịch”, nghĩa là vũ trụ vạn vật luôn biến hóa. ĐẠO (THÁI CỰC) thì “thường hằng bất biến”, mà lại là nguồn gốc của mọi “biến hóa”, sinh động trong vũ trụ. Bởi vì, khi “động thể” của Đạo biểu lộ ra bên ngoài bằng hành động, theo luật Âm-Dương điều hòa, thì muôn vật muôn loài được sinh hóa.

11. Nho gia chú trọng về mặt “động thể”, tức biến hóa của Đạo (Thái Nhất, Thái Cực), nên dùng những hình đồ hay biểu tượng như Tiên Thiên Bát Quái, Hậu Thiên Bát Quái, Ngũ Hành…, để diễn tả tư tuởng về biến hóa: “dịch lý biến thiên”.

ĐOẠN II . Quan Niệm “Đạo” Của Lão-Trang

Như đã trình bày ở trên, các bậc danh nho từ Khổng Tử, Mạnh Tử… đến Chu Hi, Vương Dương Minh…, đều dùng chữ “Đạo” để chỉ “Thái Cực” (Thái Nhất). Lão Tử, Trang Tử… thuộc Lão Giáo cũng dùng danh từ “Đạo” để chỉ Nguyên Lý thuần nhất của vũ trụ, nhưng hai ý niệm về “Đạo” có phần khác nhau.

Các đạo gia (Lão Giáo) cho rằng nho gia chỉ biết “lề lối chế độ” cụ thể, chứ không biết gì tới Nguyên Lý tiềm ẩn. Vả lại, các nho gia chú trọng về phương diện “động thể” của Đạo biểu lộ ra ngoài vũ trụ, còn phần “chân thể”, bản thể, thì không đề cập tới vì cho rằng quá cao siêu, mầu nhiệm, không thể hiểu được!

Trong Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, môn phái gọi là “Danh gia” (School of Names) phân biệt: một là “Hình nhi hạ học”, tức là nghiên cứu, học hỏi về những sự vật “dưới hình tượng”, nghĩa là những vật cụ thể mà giác quan có thể cảm giác, có thể tưởng tượng được, như vũ trụ hiện ta đang thấy bây giờ. Đó là thế giới tương đối ta có thể quan sát, diễn tả, suy nghĩ và “đặt tên” cho mỗi vật như: mặt trời, cái bàn, cái ghế… Đó là thế giới “Hữu Danh”. Cũng thuộc về thế giới này, kể cả những ý niệm trừu tượng như cộng tướng (Universals), và các tư tưởng mà trí khôn loài người có thể suy luận ra được. Tuy các ý niệm không có hình tượng, nhưng vẫn thuộc thế giới “Hữu Danh”, vì ta vẫn có thể đặt tên cho mỗi ý niệm đó, chẳng hạn: lòng từ bi, đức bác ái, sự tàn ác… Trái lại, đối với chân lý thuộc “Hình nhi thượng học”, nghĩa là “ở trên hình tượng”, tức là thuộc thế giới tuyệt đối, vượt lên trên khả năng của lý trí nhân loại, thì ta không thể suy tư, không thể dùng danh từ, hay ý tưởng gì mà diển tả được. Không thể lấy những danh từ, tư tưởng do kinh nghiệm về thế giới hữu danh, hữu hình, “tương đối”, mà áp dụng cho thế giới tuyệt đối được. Đó là quan niệm “Đạo”, siêu việt, huyền bí của Lão Tử. Sau đây, ta sẽ bàn về những điểm như: Đạo là “Vô Danh”, là “Vô”, là “ Một”, là” Thường”, Đạo và Đức là gì?

A. Đạo Là Vô Danh

ĐẠO của Lão-Trang là “VÔ DANH”. Đối với Lão Tử, ĐẠO là một Nguyên Lý thuần nhất, “huyền bí trên mọi huyền bí”, nên không thể dùng một ý tưởng hay một danh từ nào mượn ở thế giới tương đối, hữu hình này, để diễn tả cái Tuyệt Đối, vì thuộc thế giới khác, siêu việt. Ngay việc dùng chữ “ĐẠO” để tạm gọi Nguyên Lý đó, thì cũng là điều gượng gạo, “bất đắc dĩ” mà thôi. Đó chỉ là kiểu “nói xuông”, không giống như khi ta dùng danh từ cái “bàn” để chỉ một đồ vật là cái bàn. Bởi vậy, mới có kiểu nói: ĐẠO là “Vô danh”, vì nếu Đạo có tên gọi như mọi vật khác, thì Đạo không còn là Đạo nữa! Tại sao? Vì Đạo thuộc “Tuyệt Đối”, vô cùng KHÁC với vạn sự vạn vật trong thế giới tương đối, hữu hình này. Tuy là “Vô Danh”, nhưng Đạo là nguồn gốc phát sinh mọi vật mọi loài “hữu danh”. Đạo luôn hằng cửu, không bao giờ mất. Dưới đây là nguyên bản lời phát biểu về Đạo của Lão Tử, trong những dòng chữ đầu của sách “Đạo Đức Kinh”:

1. Đạo khả đạo, phi thường Đạo

2. Danh khả danh, phi thường Danh

3. Vô Danh, thiên hạ chi thủy

4. Hữu danh, vạn vật chi mẫu

Giải Nghĩa

1. Đạo khả đạo, phi thường Đạo: “Đạo” mà có thể dùng “lời nói” để “nói “ ra được, thì không còn là Đạo Tuyệt Đối, “thường hằng bất biến”, không hề thay đổi nữa! ( chú ý: ở đây, Lão Tử “chơi chữ”: chữ Đạo thứ nhất ám chỉ Nguyên Lý Tuyệt Đối, chữ “đạo” thứ hai có nghĩa là lời nói (như đàm đạo, huấn đạo…chữ “Đạo”, đồng âm dị nghĩa). Tại sao? Vì Đạo là Tuyệt Đối, nên vượt lên trên hết mọi loài thụ tạo, tức là loài tương đối. Do đó, ta không thể dùng những tên gọi thông thường của những loài thụ tạo, tương đối, để gọi Tuyệt Đối được, vì làm như vậy là hạ giá Tuyệt Đối xuống hàng tương đối. Mặt khác, ta cũng không thể nói được “chân thể” của Đạo là gì. Bởi vì, nếu nói Đạo là “sống”, thì sống tất nhiên có “chết”, theo lẽ tương đối đi theo nhau. Như vậy, Đạo cũng “chết” nữa hay sao? Nếu nói Đạo là lớn lao, thì lớn tất nhiên có nhỏ, tương đối đi theo. Vậy Đạo lớn bao nhiêu, nhỏ bao nhiêu, rất khó mà biết được! Cho nên, Đạo Tuyệt Đối thì không thể dùng lời nói ra được, và trí khôn hạn hẹp của loài người cũng không thể suy tưởng được!(162)

2. Danh khả danh, phi thường Danh: Tất cả những vật, những loài trong thế giới tương đối này đều có một tên gọi để chỉ vật ấy như: ngọn núi, cái bàn, cái ghế… Những danh từ đó không thể dùng để chỉ Nguyên Lý Thường Hằng Bất Biến, vì Tuyệt Đối, vượt trên mọi loài tương đối. Như vậy, tại sao còn dùng danh từ “Đạo” để gọi Nguyên Lý Tuyệt Đối ? Đúng lý ra, ngay cả chữ “Đạo” cũng không được dùng. Nhưng nếu bất đắc dĩ phải dùng, thì nên hiểu rằng: đó là việc bất xứng, và bị “cưỡng ép” mà thôi!

3. Vô Danh, thiên hạ chi thủy: vì mọi vật, mọi loài thuộc thế giới tương đối, nên đều có tên gọi. Đạo không phải là một sự vật thuộc loài tương đối, nên Đạo là “Vô Danh”. Từ buổi nguyên sơ, khi vũ trụ còn là một khối hỗn mang, mờ mịt, mông lung, thì Đạo đã có rồi. Đạo vốn hằng có trước sự xuất hiện của loài tương đối, trước mọi hình thể, mọi danh xưng và mọi tiếng nói. Tuy Đạo Tuyệt Đối là “Vô Danh”, nhưng lại là nguyên thuỷ sinh ra mọi loài tương đối, “hữu danh”.

4. Hữu danh, vạn vật chi mẫu: Bởi vậy, tuy Đạo Tuyệt Đối là “Vô Danh”, “Vô Hình, Vô Tượng”, nhưng lại là “đầu”, là căn nguyên sinh ra các loài “hữu danh”, “hữu hình”. Khi những loài thụ tạo xuất hiện, thì mỗi loài mỗi vật đều có hình, có tên gọi, theo luật tương đối, nghĩa là: nếu nói được một, tất có hai, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vận vật, hình hình sắc sắc, thiên hình vạn trạng… Đạo chính là “Mẹ” của muôn loài tương đối, hữu danh vậy!(163)

B. Đạo Là “Vô”

Các đạo gia Đông phương thích dùng phương pháp suy luận “phủ định” (via negativa) như: Vô, Vô-Vô, Không-Không… để biểu lộ tính chất siêu việt, tuyệt đối, huyền bí của Nguyên Lý Tuyệt Đối, tức Thái Cực, hay Đạo.

1. Cõi Tuyệt Đối và Thế giới Tương Đối

Trước hết, có một cõi siêu việt, vô thinh, vô hình, vô sắc…, theo “Hình nhi thuợng học”. Đó là một thế giới tuyệt đối, không thể dùng một danh từ nào để diễn tả, vì vượt trên mọi ý niệm, tưởng tượng, suy tư của loài thụ tạo, thuộc thế giới tương đối, theo “Hình nhi hạ học”, vì có hình sắc, có đối đãi nhau như: sáng-tối, nóng-lạnh,… có-không, tốt-xấu, thiện-ác…, trong-ngoài, trên-dưới, tĩnh-động… Thế giới tương đối này cũng gọi là Nhị Nguyên Luận (dualism) vì hai yếu tố đối đáp, tương quan với nhau, hễ có nóng thì đối lại là lạnh.

Tuyệt Đối phải vượt lên trên tất cả các cặp tương đối nhị nguyên đó, tức là phải vượt ra ngoài mọi hiện tượng, mọi cảm giác ở ngoại giới, lại cũng cần loại bỏ mọi ý thức, suy tưởng, vì những giao động ước muốn đó cũng là những hiện tượng của tinh thần trong nội giới. Không thể dùng lý trí mà so sánh hay tìm hiểu Tuyệt Đối được, nhưng chỉ có thể biết bằng cảm nghiệm riêng, bằng cách hiện thật nơi bản thân. Đó gọi là kinh nghiệm thần bí (mystic).

ĐẠO vốn Vĩnh Cửu, vì vượt không-thời gian, lại Tuyệt Đối Siêu Việt, không thể diễn tả được, nhưng là Nguyên Thuỷ sinh ra vạn sự vạn vật, vạn hữu. Vì thế, Lão Tử “tạm gọi” Tuyệt Đối là ĐẠO, hay “VÔ” như trong chương 40, sách Đạo-Đức-Kinh:

“ Muôn vật trong trời đất sinh ra từ cái Có, cái có sinh ra từ Không” (Thiên hạ vạn vật sinh ư Hữu, hữu sinh ư VÔ)”, “hữu sinh ư VÔ” hay “hữu sinh ư ĐẠO”, cũng giống nhau.

2. “VÔ” là “ĐẠO”

“ĐẠO là VÔ”, chữ VÔ ở đây, không có nghĩa là: hoàn toàn trống rỗng, là “không có gì hết”, là “vô thần” hay “chết là hết”… Nếu “Vô”là “không có gì hết” (Nothing) thì làm sao sinh ra vạn sự vạn vật được? Bởi vậy, phải hiểu ý nghĩa chữ “VÔ” ở đây cũng giống như ý nghĩa chữ “VÔ DANH”. Vì ĐẠO là huyền bí vô cùng, siêu việt tuyệt đối, nên lý trí không thể hiểu biết hay dùng chữ nào thuộc tương đối mà đặt tên được! Do đó, để bảo toàn tính chất tuyệt đối của ĐẠO, nên các đạo gia “tạm gọi” là “VÔ”. Nói là “tạm gọi”, vì đúng lý ra, ngay những chữ như “Đạo” và “Vô” cũng không được dùng nữa, vì tất cả đều thuộc thế giới tương đối. Nếu nói “vô” (không) thì lại đối đáp với “hữu” (có). Thực ra, ĐẠO vượt lên trên cả “có” lẫn “không” (thuộc loài tương đối). Như ý nghĩa câu nói: “ĐẠO ẩn mà chưa lộ hình, đó gọi là VÔ vậy” (Đạo ẩn nhi vị hình, cố vị chi Vô). Tóm lại, nếu các triết gia thích dùng cách phủ định để chỉ Chân Lý Tuyệt Đối là “VÔ”, thì muốn nói trong thế giới thụ tạo, tuơng đối này chẳng có (vô) vật nào, chữ nào, ý tưởng nào xứng đáng để diễn tả về ĐẠO, dầu cố gắng tới đâu, cũng “không” hiểu biết được ĐẠO. Do đó, chữ “VÔ” ở đây phải hiểu là “không có vật tương đối” nào có thể sánh ví, chứ không phải là “không có Nguyên Lý Tuyệt Đối”, là “vô Thần”, như một số người lầm tưởng.(164)

3. THỂ (TĨNH) và DỤNG (ĐỘNG) là gì?

Khi nói đến ĐẠO, các đạo gia, nhất là Lão Tử luôn ám chỉ hai ý nghĩa hay hai phương diện của Đạo ấy: một mặt là phần “Thể” hay “Tĩnh”, và mặt khác là phần “Dụng” hay “Động”. Phần “Thể” hay “Tĩnh” thuộc Hình Nhi Thượng, ta không thể biết được bản thể huyền bí của Đạo như thế nào. Do đó, tạm dùng chữ “Vô”, theo nghĩa câu “Vô Danh thiên địa chi thuỷ”: từ đầu hết (vô thuỷ) đến lúc trời đất xuất hiện, tạm gọi là “Vô”, vì trong thời kỳ mông lung đó, không có ý niệm, hình ảnh, hay danh từ nào mà diễn tả. Nhưng khi phần “Dụng” hay “Động” của Đạo chợt phát hiện, thì vạn sự vạn vật bắt đầu “có” mặt trong thế giới hữu hình, và sinh sôi nẩy nở, chia ra các thứ loại, theo nghĩa câu: “Hữu danh vạn vật chi mẫu”.

Bởi vậy, “có” với “không”, “vô” với “hữu”, để chỉ hai phương diện của Một Thực Thể Thuần Nhất, Tuyệt Đối là Đạo mà thôi! “Thiên hạ muôn vật trong trời đất sinh ra tự cái “có”, cái “có” sinh ra tự cái “Không”, “có” và “không” đều xuất phát tự cái lớn lao “Vô Cực”, cái “sâu kín khôn lường”, cái mà ta gọi là mầu nhiệm (Huyền) trên hết mọi mầu nhiệm, đó là ĐẠO. Trong Đạo Đức Kinh, chương 1 có câu: “Hai cái ấy (có-không) đều do một nơi sinh ra mà tên khác nhau, đều bảo là sâu kín mờ mịt. Sâu kín lại càng sâu kín thêm, ấy là cửa phát ra mọi biến hóa khôn lường của sự vật” (Thử lưỡng giả, đồng xuất nhi dị danh, đồng vị chi Huyền, Huyền chi hựu Huyền, chúng diệu chi môn).

“Tuy chia ra “có” và “không”, “Thể” và “Dụng” để làm đối tượng cho hai môn học: Triết lý Siêu hình và Khoa học Thực nghiệm, nhưng hai cái cùng do một nguồn gốc “ĐẠO” mà phát sinh ra. Ta biết: Lão Tử nhấn mạnh đến phần “Thể” của Đạo, tức “VÔ”, tức “Tĩnh”, siêu hình, huyền bí; còn Khổng Tử thì chú trọng đến phần “Dụng”, tức “Động” của Đạo. Nhưng Tĩnh là gốc của Động, vì thế Lão Tử chăm lo phần gốc mà coi nhẹ cái ngọn”.(165)

4. “VÔ VI” là gì?

Để giải nghĩa sự quan trọng của Vô, Lão Tử dùng nhiều cách sánh ví để minh chứng sự lợi ích của cái “không”. Trong chuơng XI, đại ý viết: Bánh xe, nhờ chỗ “trống không” ở giữa, mới xuyên qua được cái trục, nhờ thế mà xe lăn được. Chén bát “có rỗng” ở giữa mới chứa đựng được. Nhà “có trống” mới dùng làm chỗ để ở được. Do ba ví dụ trên mà suy diễn ra, mọi đồ vật như báng xe lăn, chén bát, nhà, có thể dùng được đều nhờ ở chỗ “trống không”. ĐẠO là VÔ, vô hình vô tượng, thế mà trời đất vạn vật đều bởi ĐẠO mà ra: “Hữu sinh ư Vô”. Cái “không” của ĐẠO có một cái “Dụng” rất lớn lao.

Đối với Lão Tử, ĐẠO là VÔ, nghĩa là Thanh Tịnh “VÔ VI”, như “không làm” gì cả, nhưng kỳ thực không có gì mà không do cái làm của nó mà ra (Vô Vi nhi vô bất vi). ĐẠO chí Tĩnh mà cũng chí Động. Đạo “Vô Vi”, “bất tranh”, không làm, không tranh giành, vậy mà không có gì tranh được nó hay thắng được nó (bất tranh nhi thiện thắng). Một hình ảnh làm ví dụ: Cái quả lắc của đồng hồ chạy đều đặn từ phải qua trái rồi lại từ trái qua phải, không thái quá, không bất cập, không ở luôn một bên, là nhờ có trục “vô hình” ở giữa giữ quân bình. Đường vô hình này tượng trưng cho “ĐẠO”, tức “Trung Đạo”, tuy không thấy chuyển động gì cả (chí Tĩnh), không làm gì (Vô Vi), nhưng kỳ thực nó là động cơ của tất cả mọi biến động, vì nó giữ sự quân bình, TRUNG HÒA cho hai lực lượng đối chọi nhau Âm-Dương được điều hòa qua đi, trở lại. Vì thế gọi: “ĐẠO” “không làm gì”, nhưng thực ra không cái gì là “Nó" không làm (chương 37, Đạo Đức Kinh:"Đạo thường vô vi nhi vô bất vi"). ĐẠO sáng tạo ra vạn vật và phú bẩm cho mỗi vật các đức tính tự nhiên. Do đó, tuy ĐẠO không làm, nhưng để cho mỗi vật làm theo khả năng bẩm sinh, cách hồn nhiên,(như trẻ con), không gượng ép, giả tạo, giả hình, nhân tạo.(166)

C. Đạo là Một

Tư tưởng Lão Trang là một triết thuyết biến hoá, vì thế đã dùng các con số để cho ta thấy rõ sự tiến triển của vũ trụ. Như các nho gia, Lão Tử, Trang Tử đều chủ trương vũ trụ vạn vật được sinh ra bởi Một Nguồn Gốc, tức là ĐẠO. Chính cái “động thể” của ĐẠO đã phát sinh ra vũ trụ.

Trong Đạo Đức Kinh, chương 42, viết: “Đạo sinh Một, Một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Trong vạn vật, không vật nào mà không cõng Âm và bồng Dương. Nhân chỗ xung nhau mà hòa với nhau” (Đạo sinh Nhất, Nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương. Xung khí dĩ vi hòa). Câu: “Đạo sinh Nhất”, cũng giống như câu: “Hữu sinh ư Vô”. Đạo là VÔ, và từ “VÔ” phát hiện ra Hữu, tức là cái Thể Thuần Nhất của Đạo. Rồi từ Thể Thuần Nhất của Đạo phát sinh ra nhị, tức là hai khí Âm-Dương. Cũng có thể Lão Tử đã mượn ý tưởng biến hóa trong Dịch Kinh: “Thái Cực sinh lưỡng nghi”, để diễn tả ý nghĩa câu: “Nhất sinh nhị”. Hai cái mâu thuẫn, nhưng bổ túc cho nhau, luôn tiềm ẩn ở trong mỗi vật. Xung đột, nhưng không tiêu diệt lẫn nhau được là nhờ “Nguyên Lý Thứ Ba” (vô hình) điều hòa hai nguyên lý kia. Nhờ số ba đó mà vạn vật mới thành hình, vì thế nói: “Tam sinh vạn vật”. (Chú ý: số 3, chỉ Trời, theo triết học Đông Phương, thuyết Tam Nguyên do Nhất Nguyên mà ra, vì số Ba (3) đây chỉ sự “trở về” số Một, tức trở lại cái Nguyên Lý Đầu Tiên của vũ trụ, theo Luật Phản-Phục, sẽ bàn ở đoạn sau).

D. Đạo là Thường

Chữ “Thường”, có nghĩa là “thường hằng bất biến”, không thay đổi, vẫn thường xẩy ra như vậy. Muôn vật muôn loài sinh sinh hóa hóa, luôn biến đổi, nhưng chính ĐẠO thì không hề thay đổi. Trái nghĩa với “thường” là biến đổi. Do đó, “Thường” tức là vĩnh cửu. Trong các luật vĩnh cửu của Đạo thường xẩy ra, không bao giờ thay đổi, thì có Luật Phản-Phục (reversal) là lớn lao hơn cả.

1. Luật Phản-Phục

Phản Phục là trở về, trở lại, như trong chương 40: “Trở về, là cái động của Đạo” (Phản giả Đạo chi động) và chương 16: “Tất cả đều phải trở về gốc của nó” (các phục quy kỳ căn). Luật Phản-Phục, trở lại, nghĩa là Đạo thường luôn giữ mực Trung Hòa, Trung Đạo, Quân Bình, không thiên vị, không thiên lệch bên nào. Hễ Dương biến đổi đến chỗ cực thịnh (Duơng Cực), thì phải trở về Âm. Hễ Âm biến hóa đến chỗ cực thịnh (Âm Cực), thì phải trở lại Dương, và cứ thế mãi, tương tự như hình quả lắc con thoi của chiếc đồng hồ.

Vì Đạo luôn luôn (Thường) giữ mực Trung Hòa, Quân Bình cho muôn vật, nên có những thành ngữ như:” Bĩ cực, Thái lai"; “Không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời"; “Vật cùng tắc phản, Vật cực tắc biến”…

Nói tóm lại, theo Lão Tử, vạn vật đều chuyển động theo hai chiều ngược nhau: Ra đi, Trở về. Do đó, vạn vật bởi Đạo mà sinh ra, rồi lại trở về với Đạo. Chương 16, Lão Tử viết: “ Vạn vật cùng đều sinh ra (Đạo sinh Nhất, Nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật), ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi! Mọi vật trùng trùng đều trở về cội rễ của nó (Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân, các phục quy kỳ căn).(167)

2. ĐẠO như Mẹ

Để diễn tả ý tưởng Đạo là nguồn gốc sinh ra vạn vật, Lão tử dùng hình ảnh “Mẹ”. Chương 25, ông viết: “Có thể lấy làm “Mẹ thiên hạ”, ta không biết tên là gì, đặt tên chữ là Đạo, gượng ép gọi tên là Lớn Lao (Khả dĩ vi thiên hạ Mẫu, ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết Đạo, cưỡng vị chi danh viết Đại)”. Chương 52: “Trời đất có một nguồn gốc, đó là Mẹ của trời đất (Thiên hạ hữu thuỷ, dĩ vi thiên hạ Mẫu)”. Chương 20: “Riêng ta khác với người mà quý Mẹ sữa (Ngã độc dị ư nhân nhi quý tự Mẫu)”.

Chương 52, Ông viết: “Thiên hạ có nguồn gốc dùng làm Mẹ của thiên hạ. Hễ giữ được Mẹ thì biết được con. Đã biết được con trở về với Mẹ: thân đến chết không nguy. (Thiên hạ hữu thuỷ, dĩ vi thiên hạ Mẫu. Ký đắc kỳ Mẫu, dĩ tri kỳ tử. Ký tri kỳ tử, phục thủ kỳ Mẫu: một thân bất đãi)”. Lão Tử sánh ví Đạo như Mẹ. Đạo là Mẹ của vạn vật, nghĩa là vạn vật bởi Đạo mà ra. “Đã biết được con, trở về với Mẹ”. “Con” ở đây ám chỉ vạn vật. Do đó, sau khi nghiên cứu học hỏi về khoa học, vật lý, hóa học, v.v. một cách cùng tận rồi, thì con người lại “trở về” với Mẹ, tức Đạo (phục thủ kỳ Mẫu).

“Cũng như văn minh vật chất mà đến mức cùng tột rồi, bèn sẽ xoay về tinh thần. Bởi vậy, mới có người bảo rằng cái học nguyên tử ngày nay của Tây Phương “trở lại” gặp gỡ với Huyền Học (Đạo Học) của Đông Phương. Vấn đề đồng nhất của Tâm và Vật, Vật chất và Tinh thần… trước những phát minh về nguyên tử lực, không còn phải là một vấn đề siêu hình nan giải nữa! Cái kiếp số con người, cũng như của vạn vật là sớm muộn phải “trở về với Đạo” (các phục quy kỳ Căn)”.(168)

Tóm lại, Lão Tử coi Nguyên Lý Âm là tượng trưng cho Đạo, nguồn gốc tiềm ẩn của vũ trụ. Do đó, Đạo được gọi là Mẹ Nhiệm Mầu (Huyền Tẫn).

E. Đạo và Đức

Lão Tử phân biệt ý nghĩa của chữ Đức: Theo nghĩa thông thường, “đức” là nhân đức như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong luân lý Khổng-Mạnh. Trong triết lý của Lão-Trang, “Đức” mang một ý nghĩa siêu hình để chỉ năng lực, quyền lực vô biên của Đạo. “Đức” là cái mà mỗi loài mỗi vật nhận được của Đạo ban cho.

Trang Tử trong thiên Thiên Địa đã giải thích rõ chữ “Đức” của Lão Tử: “Thuở thái sơ của Trời Đất thì đã có cái Vô. Cái Vô ấy không có tên và là nơi phát sinh ra cái Một, nhưng cái Một ấy cũng chưa có hình. Khi vạn vật “được cái Một ấy”, cái đó gọi là Đức” (Thái sơ hữu Vô, Vô hữu Vô Danh. Nhất chi sơ khởi, hữu Nhất nhi vị hình. Vật đắc (Nhất) dĩ sinh, vị chi Đức). Câu “Nhất chi sở khởi” của Trang Tử cũng giống như câu “Đạo sinh Nhất” của Lão Tử, nghĩa là Đạo (Vô) là chỗ phát sinh ra cái Một. Đức là chỗ mà (“vật đắc dĩ sinh”) vật nhận được, tự đắc, tự mình đã nhận được của Đạo, của Đấng Tạo Hóa. Do đó, “Đức” chính là những năng khiếu tự nhiên mà Đạo, hay Hóa Công phú bẩm cho con người hay cho mỗi vật. Đạo và Đức cũng là Một, tuy danh từ khác nhau. Đức là cái Đạo biểu lộ nơi mỗi người mỗi vật.

Chương 51, Lão Tử viết: “Đạo sinh ra vạn vật, Đức nuôi dưỡng vạn vật, chủng loại tạo hình, hoàn cảnh liễu kết nên vạn vật” (Đạo sinh chi, Đức súc chi, vật hình chi, thể thành chi). Nếu giải nghĩa theo như trên, thì Đức ám chỉ cái Động hữu hình của Đạo, và Đức bắt nguồn nơi Đạo, vì Đức là Năng Lực Vô Biên của Đạo, Nguồn Gốc của vạn vật. Chính cái Đức (cái Năng Lực)của Đạo sinh ra muôn loài. Cái Đức của “Vô Vi”, của “bất ngôn chi giáo”, của “bất tranh nhi thiện thắng”, tức là cái Đức theo Đạo Trời.

Nói tóm lại, vạn vật nhờ Đạo mà có (sinh ra), và cái mà mỗi vật đang có, là cái Đức do Đạo thông ban cho. Đạo là Vô, nghĩa là “Tĩnh”, nhưng cái Đức của Đạo, tức “Động Thể” của Đạo là nguồn sống tiềm ẩn ban cho vạn vật được sinh ra lớn lên. Đạo và Đức luôn theo nhau. Lão Tử còn viết: “Đạo sinh vạn vật, Đức nuôi vạn vật, cấp dưỡng, nuôi nấng, đùm bọc, bồi sức, dưỡng nuôi, che chở vạn vật (Đạo sinh chi, Đức súc chi, trường chi, dục chi, đình chi, độc chi, dưỡng chi, phúc chi)”. (169)

Toát Lược Mấy Đặc Điểm

1. Nho gia chú trọng về phần “Động Thể” của Đạo, còn Đạo gia( Lão giáo) nhấn mạnh phần “Tĩnh Thể”, tức Chân thể, vô hình của Đạo.

2. Do đó, đạo gia phân biệt: Tuyệt Đối và tương đối. Đạo thuộc Tuyệt Đối, Siêu Việt, nghĩa là vượt lên trên hết mọi loài thụ tạo, tương đối, nên lý trí không thể dùng tưởng tượng, hình ảnh hay danh từ nào để diễn tả được. Vả lại, các triết gia Đông Phương thích dùng đường lối phủ định (via negativa) như “vô”, “vô danh”, “vô cực”, “hư vô"… để làm nổi bật tính chất Tuyệt Đối lên, nghĩa là “không có” nơi loài tương đối.

3. Bởi vậy, ý nghĩa thật của chữ “Vô Danh”, “Vô”, không phải là “không có gì hết”, “vô thần”, “chết là hết”, không có Nguyên Lý Tuyệt Đối…, nhưng là: không có sự vật tương đối nào trên đời này có thể diễn tả Nguyên Lý đó một cách thấu triệt được!

4. Các triết gia Đông Phương chia ra: “Hình Nhi Hạ Học”, là nghiên cứu về loài thụ tạo, tương đối, hữu hình, “hữu danh” còn Nguyên Lý Tuyệt Đối, hay Thái Nhất, Thái Cực, vì thuộc “Hình Nhi Thượng Học”, nghĩa là vượt trên các loài tương đối, nên “tạm gọi” là “Vô”, “Vô Danh”, “Vô Cực”… Nói là “tạm gọi”, vì đúng lý ra, cả việc dùng những chữ “Vô”, “Vô Danh”… cũng không xứng đáng nữa!

5. Cũng phân biệt hai phương diện: Thể (Tĩnh) và Dụng (Động) của Nguyên Lý Tuyệt Đối, tức Đạo. Thể (Tĩnh) là Bản Thể, là “Chân Thể” huyền bí, siêu việt vô cùng, không thể hiểu biết được. Nhưng khi Đạo biểu lộ ra bằng “Động Thể”, thì muôn vật được tạo thành, xuất hiện trong vũ trụ. Lão Tử chú trọng đặc biệt về “Tĩnh”, còn Khổng Tử nhấn mạnh về “Động”.

6. Do đó, các đạo gia, như Lão Tử, Trang Tử suy nghĩ về những phẩm tính siêu việt, siêu hình của Đạo như: “Vô Danh”, “Vô Vi”, “Một (Thuần Nhất), “Thường (Thường Hằng Bất Biến), “Mẹ” (thiên hạ)…

7. VÔ VI, không có nghĩa là “không làm gì”, nhưng là làm một cách điều hòa, không thái quá không bất cập, theo Luật Trung Hòa, một cách hồn nhiên, đơn sơ, bộc phát, không giả tạo.

8. Đạo là Thuần Nhất, là “Một”, nhưng khi biểu lộ ra bên ngoài vũ trụ, thì theo Luật Trung Hòa, Quân Bình có Âm-Dương hòa hợp (không tiêu diệt nhau) để phát sinh vạn sự vạn vật trong vũ trụ: hết mọi loài, mọi vật đều bởi “Một” (Đạo) mà ra.

9. Mọi loài mọi vật luôn thay đổi, nhưng Đạo là “Thường Hằng Bất Biến”, nghĩa là theo Luật Trung Hòa, Quân Bình, không thái quá, chớ bất cập, bĩ cực, thái lai… và theo Luật Phản-Phục, tức “ra đi, trở về”, cứ thế mãi, không thay đổi.

10. Đạo được sánh ví như “Mẹ”, vì là nguồn gốc sinh ra vạn sự vạn vật, nuôi dưỡng, che chở… Mẹ sinh ra con, rồi con trở về cùng Một Mẹ.

11. Theo Lão Tử, “ĐỨC” chỉ Quyền Lực, Năng Lực vô biên của ĐẠO. “ĐỨC” là cách ĐẠO biểu lộ Quyền Năng cho vạn sự vạn vật. Do đó, ĐỨC là năng khiếu tự nhiên mà Trời (Đạo) phú bẩm cho con người. Nói cách khác, cái mà loài thụ tạo đang có, tức là cái được lãnh nhận do Trời ban cho: cái đó gọi là Đức.

ĐOẠN III . Ý Thức Siêu Việt Theo Phái Lý Học và Tâm Học

Phong trào gọi là “Đạo Học” được thịnh hành bắt đầu từ thời Trung Cổ, vào đời nhà Tống (960-1127). Các triết gia là những nho gia muốn phục hưng Khổng Giáo, nhưng họ cũng là những người rất thông thạo, và sùng mộ học thuyết của Lão-Trang và Thiền Học. Do đó, trong Lịch Sử Triết Học Trung Quốc mới có tên là Đạo Học, và đạo học gia. Nhà cự phách trong phong trào là triết gia Chu Hi (1130-1200). Ông đã chú giải toàn bộ Tứ Thư Ngũ Kinh, dùng làm sách giáo khoa cho các kỳ thi tuyển nhân tài cho quốc gia tại các nước như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn trong thời gian gần 600 năm. Bởi vậy, có thể nói: quan niệm, tư tưởng về Nguyên Lý Tuyệt Đối, về vũ trụ quan, về luân lý đạo đức của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến cách suy nghĩ của các sĩ phu, trí thức của Đông Phương. Chu Hi lãnh đạo môn phái gọi là Lý Học.

Một đạo học gia danh tiếng khác là Vương Dương Minh (1472-1529) đời nhà Minh. Đương thời, ông là một nho gia, văn võ kiêm toàn, và một nhà chính trị khôn khéo. Ông chủ trương phái Tâm Học.

Đặc điểm chung cho môn phái Lý Học (Chu Hi) và Tâm Học (Vương Dương Minh) là cả hai đều chịu ảnh hưởng của Thiền Học và Lão-Trang Trước khi lập thuyết mới, cả hai đã nghiên cứu về Phật Học. Tuy nhiên các ông đã chủ trương những quan niệm về triết lý, về nhân sinh, về xã hội khác với một số môn phái của Phật Học, chẳng hạn, Chu Hi viết:"Họ Thích(Phật gia) nói “không"(vô), chẳng phải là chẳng đúng, nhưng ở trong “không” phải có “Lý”. Nếu chỉ nói ta là “không”, mà không biết có “Lý” thật, thì (học thuyết đó) còn dùng vào việc gì? Ví như hồ nước trong veo, lạnh lẽo, suốt tới đáy. Xem qua thì như không có nước; có người sẽ bảo hồ này là “không”. Không đưa tay mà dò để biết lạnh hay ấm thì không biết có nước ở trong hồ. Cái nhìn của nhà Phật chính là như vậy"(Ngữ loại, quyển 126).…Theo Chu Hi, khi Phật gia cho thế giới hữu hình là “không”, thì không phải họ hoàn toàn sai, vì mọi vật trong vũ trụ hữu hình đều biến chuyển và “Vô Thường”. Nhưng cũng có “Lý"nữa, “Lý” là thường tại, vĩnh cửu, bất biến.Theo nghĩa đó, thì vũ trụ không phải là “không”. Phật gia không biết “Lý” là có thật, vì họ có cái nhìn trừu tượng, giống như người không nhìn thấy nước trong hồ, vì nước không có mầu sắc.

Một đặc tính khác chung cho phong trào Đạo Học là: quan niệm về “THIÊN”, về “THƯỢNG ĐẾ, dần dà mất tính cách “Ngôi Vị”, như thời xưa trong Kinh Thi, trong các lời giảng dạy của Đức Khổng Tử, hay các thánh hiền. Trong Lý Học và Tâm Học, “Nguyên Lý Tuyệt Đối” trở thành trừu tượng, huyền bí. Siêu việt tính (transcendence) của Nguyên Lý đó lu mờ, tức không nhấn mạnh đến sự Tuyệt Đối, “vượt” lên trên hết mọi loài thụ tạo tương đối: Tuyệt Đối KHÁC tương đối. Trong khi đó, các triết gia đề cao Nội Tại tính (Immanence) của Nguyên Lý đó tiềm ẩn trong thiên nhiên, xã hội và con người. Do đó, Nguyên Lý Tuyệt Đối không còn là cái gì siêu phàm, vượt quá sức tưởng tượng của con người, nhưng rất gần, và phối kết với người, với vạn vật thành một khối duy nhất. Vì thế mới có những thành ngữ, và quan niệm thuộc Nhất Nguyên Luận như: “Tam Tài” (Thiên-Địa-Nhân), “Vạn vật Nhất Thể”, “kiến Tính thành Phật”.

A. Lý Học Của Chu Hi

Vào thời Trung cổ, đời nhà Tống, các đạo học gia đã suy nghĩ và giải nghĩa các Kinh, Truyện… để lập thành những học thuyết về đạo lý, tâm tính của con người, và nguồn gốc của vũ trụ, sự tương quan giữa vũ trụ và con người. Khởi xướng phong trào có Chu Đôn Di (1017-1073) đồng thời với Trương Tái (1020-1076). Hai môn đệ của Chu Đôn Di là Trình Hạo (1032-1085) và Trình Di (1033-1107). Chu Hi chịu ảnh hưởng của Trình Di, và lập ra phái Lý Học. Sau này, đời nhà Minh, Vương Thủ Nhân, tức Vương Dương Minh (1472-1528), theo học thuyết của Lục Cửu Uyên (1139-1192), tức môn phái của Trình Hạo, để lập ra học thuyết khác là Tâm Học. Duới đây, sẽ bàn về Lý Học của Chu Hi, gồm những điểm như: Lý, Khí, Thái Cực, Vô Cực, Nguồn gốc của vũ trụ.

1. “LÝ” là gì?

Danh từ Hán-Việt “lý” (lẽ) rất thông dụng trong ngôn ngữ hằng ngày như: lý lẽ, lý trí, phi lý, vô lý, v.v. Các triết gia cũng thường lấy những chữ thông dụng, nhưng mặc cho chúng những ý nghĩa đặc biệt, trừu tượng, tùy theo quan niệm riêng của học thuyết. Do đó, khi nghiên cứu các triết thuyết, ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa đặc biệt mà triết gia gán cho danh từ đó.

Vậy “” là gì? Đối với Chu Hi, mỗi loài, mỗi vật, tự nhiên hay nhân tạo trong vũ trụ đều có cái “” của nó. Chẳng hạn, người có cái “lý” của người, cây có cái “lý” của cây, bàn có cái “lý” của bàn, ghế có cái “lý” của ghế… Bởi vậy, “lý” chính là cái làm cho vật này là vật này và khác với vật khác. Cho nên, “lý” chính là bản thể của vật đó. Cái “lý” của con người là cái làm cho con người có một bản tính riêng biệt khác với các loài, các vật khác. Do đó, “lý” là quan niệm trừu tượng, siêu hình mà triết học thời xưa gọi là “Hình Nhi Thượng Học”, vì nó vượt trên các hình ảnh, vì nó là phần vô hình của vật hữu hình. Cái “lý” chính là cái “cực”, cái rất mực, cái cực điểm cao sâu nhất của một sự vật (Theo nguyên tự, “cực”, chỉ ngọn cao nhất của nóc nhà).(170)

2. “THÁI CỰC” là gì? “VÔ CỰC” là gì?

Nếu mỗi sự mỗi vật đều có cái “lý” của nó, thì vũ trụ gồm các hữu thể vô hình và hữu hình, xét về mặt toàn thể, toàn khối duy nhất, cũng phải có cái “lý” của nó. Bởi vậy, cái “ lý”, vĩ đại, rộng lớn bao trùm và tổng hợp hết thảy các “lý” khác, được gọi là “THÁI CỰC”. Do đó, Thái Cực chính là “Thiên Lý” hay Lý của Trời, là Đạo Nhân Ái, tức là lòng thương người biến thành một Nguyên Lý Sinh Lực của vũ trụ.

Theo Chu Đôn Di và Chu Hi “VÔ CỰC” cũng là “THÁI CỰC” (Thái cực đồ thuyết:Vô Cực nhi Thái Cực). Câu nói này đã gây khó khăn trong việc giải thích, và tranh luận sôi nổi giữa Lục Cửu Uyên và Chu Hi. Theo cách giải thích của Chu Hi, thì “Vô Cực” nghĩa là không có phương sở, không có hình trạng, không động, không tĩnh…, vô thanh, vô khứu, ở ngoài tất cả những cái mà ta có thể tưởng tượng ra được. Do đó, Vô Cực cũng là Thái Cực, nghĩa là Vô Cực không phải là hư vô hoàn toàn, nhưng là Thái Cực, tức là chính cái “Tự Tại, Vô Thuỷ, Vô Chung, Bất Sinh, Bất Diệt”. Vô Cực và Thái Cực là một Thể.

THÁI CỰC không có hình trạng, vô phương sở, vô thanh khứu, vậy mà là Căn Nguyên của vạn vật, là Nguyên Lý của mọi biến đổi trong vũ trụ. Thái Cực là Nguyên Lý Tuyệt Đối, nhưng không tách biệt khỏi thế giới tương đối, tức là Tuyệt Đối là nguồn gốc của tương đối, của loài thụ tạo. Do đó, theo Chu Hi thì muôn sự muôn loài, các hiện tượng trong vũ trụ đều do một Nguyên Lý toàn diện bao trùm vạn sự vạn vật. Chữ “THÁI CỰC” chỉ khía cạnh Siêu Việt (Transcendence) của Nguyên Lý Tuyệt Đối, còn”VÔ CỰC” là nói đến phương diện Nội Tại (Immanence) của Nguyên Lý Tuyệt Đối. Vì thế, Nguyên Lý Tuyệt Đối, một trật “vượt” trên sự biến hóa của loài thụ tạo, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn “nội tại” ở trong sự biến hóa của vạn sự vạn vật. Do đó, “Vô” với “Hữu” không phải là hai thể khác nhau, nhưng chỉ về một chân thể của Lý Thái Cực mà thôi!

Một vấn nạn được đặt ra: Làm thế nào một Nguyên Lý Tuyệt Đối, tức Thái Cực lại có thể vừa “vượt” trên vạn vật, vừa hoàn toàn “ở trong” mỗi vật? Nguyên Lý Tuyệt Đối có bị chia ra nhiều phần không? Chu Hi trả lời: Thái Cực không bị phân chia, nhưng vẫn giữ được sự toàn vẹn, duy nhất như trong Ngữ Lục chương 94 viết: “Mỗi cá thể tiếp nhận lấy Thái Cực một cách toàn vẹn, không bị phân cắt, giống như mặt trăng sáng ở trên trời, dầu phản chiếu xuống muôn vàn sông hồ, đâu đâu cũng nhìn thấy, nhưng không vì thế mà nói rằng mặt trăng bị chia cắt”.(171)

3. “KHÍ” là gì?

Theo Chu Hi, “Lý” thuộc về Hình Nhi Thượng, tức là vô hình, trừu tượng; mỗi sự vật thiên nhiên hay nhân tạo, mỗi người đều có cái “lý” của nó. Vả lại, “Lý” thuộc thế giới mông lung vô hình vô tượng. Cho nên, nếu muốn có hình tượng, muốn hiện thực, hiện hữu trên thế giới này thì “lý” cần đầu thai vào “Khí”, mới phát sinh ra con người hay sự vật cụ thể được. “Khí” thuộc thế giới vật thể của Hình Nhi Hạ. Trong thực tế, lý và khí phải đi đôi với nhau thì sự vật hay con người mới hiện hữu được. Lý là cái gốc, cái bản thể của sự vật, còn khí là vật dụng, là khí cụ, dụng cụ để làm nên sự vật.(172)

Về phần nhân loại, theo cách giải nghĩa của Chu Hi, thì đã là người, bất cứ ai cũng có cái “lý” của con người. Nhưng cái “khí” bẩm sinh thì mỗi người lại khác nhau, vì chia ra nhiều thứ như: thanh, trọc, hậu, bạc (trong, đục, dày, mỏng). Cũng vì “khí” khác nhau, nên thành ra mới có người tốt, người xấu, kẻ thông minh, đứa ngu đần… Bởi vậy, cái “” trong con người lúc nào cũng tốt, nhưng nếu có gì xấu là thuộc phần “khí”, tức phần vật thể.

Trong vấn đề tu thân luyện tánh, tính tốt, xấu trong khí chất là do bẩm sinh mà có, vì khi sinh ra đời, mỗi người thụ bẩm tài năng, tính tình khác nhau, nhưng có thể dùng “nhân lực”, ý chí mà tu dưỡng, sửa đổi để xấu trở nên tốt được. Muốn được thế, cần có lòng “Chuyên Chú, Kính Cẩn” đối với Thiện Căn trong cái “lý” của con người, rồi cố gắng học tập, tu sửa, bồi đắp, gọi là “cách vật trí tri”, để tiến tới chỗ Thiện Toàn.(173)

4. Nguồn Gốc của Vũ Trụ

Chu Hi dựa theo thuyết của Chu Đôn Di trong cuốn “Thái Cực đồ thuyết”, để suy luận một cách siêu hình về Nguồn Gốc của vũ trụ. Trước hết, nên biết rằng: Nguyên Lý Tuyệt Đối của vũ trụ là Thái Cực, hay nói theo phương pháp phủ định là Vô Cực, (vì không thể dùng chữ gì mà gọi Nguyên Lý đó được). Nguyên Lý đó là tối thượng, vô cùng, vô hạn, làm nguồn gốc phát sinh vạn sự vạn vật.

Trong cuốn “Toàn Thư, quyển 49, Ông giải nghĩa: Lý Thái Cực hay Vô Cực thuộc Hình Nhi Thượng, tức là vượt không gian và thời gian, vô hình tượng, vượt trên sự động-tĩnh. Trong Lý Thái Cực Tuyệt Đối đó, bao hàm cái “lý” về sự động và cái “lý” về sự tĩnh, vì Lý Thái Cực là tổng hợp toàn thể các “lý” trong vũ trụ. Nhưng chỉ một mình cái “lý” của sự động, thì cũng không tự nó mà động được, một mình cái “lý” của sự tĩnh thì cũng không tĩnh được. Cho nên, cái “lý” động và cái “lý” tĩnh cần phải “nhập thể” (physical endowment) vào với “khí”, thì “lý” động, mới động, “lý” tĩnh, mới tĩnh được. Khí động đó gọi là Dương, còn khí tĩnh đó gọi là Âm.

Bởi vậy, theo Chu Hi, có hai yếu tố căn bản trong vũ trụ học của Trung Hoa. Ông viết: “Dương động, Âm tĩnh. Thái Cực thì không động, không tĩnh, nhưng Lý Thái Cực bao gồm cái “lý” của động và cái “lý” của tĩnh. Hai “lý” động, tĩnh cũng vô hình, nhưng trở thành rõ ràng biểu lộ ra khi thấy Dương động và Âm tĩnh. Cái “lý” tựa trên Âm, Dương, cũng giống như người ngồi trên lưng ngựa”.

Hỗ tương ảnh hưởng của Âm-Dương sinh ra Ngũ Hành, và từ Ngũ Hành (được hiểu là những “đạo”, tức tác động của biến dịch) phối hợp với Âm-Dương điều hòa, nên sinh ra quẻ Kiền (Dương, nam) và quẻ Khôn (Âm, nữ), rồi từ sự phối kết Kiền-Khôn (nam-nữ), mà sinh ra vạn vật hữu hình: “Dương động là sự dụng tác của Thái Cực, Âm tĩnh là tập thể của Thái Cực. Dương động thì biến hóa ra; Âm tĩnh thì đông hợp lại. Bởi sự biến, sự hợp ấy mà sinh ra Ngũ Hành: thủy, hỏa, mộc, kim, thổ… Ngũ hành hợp lại làm một là Âm Dương. Âm Dương hợp lại làm một là Thái Cực. Thái Cực vốn là Vô Cực”.(174)

B. Tâm Học Của Vương Dương Minh

Phong trào Tâm Học được đề xướng do Lục Cửu Uyên (1139-1193), người đồng thời với Chu Hi. Ba thế kỉ sau, Tâm Học lại được Vương Dương Minh (1472-1529) khai triển, quảng diễn và truyền bá. Sau đây sẽ lần lượt trình bày những điểm như:

1. Khác biệt giữa Lý Học và Tâm Học như thế nào?

2. “Tâm” ở đâu?

3. Tâm là gì?

4. Trí Lương Tri là gì?

5. Tuyệt Đối và Đạo Nhân.

6. Vạn vật Nhất Thể là gì?

1. Khác Biệt giữa Lý Học và Tâm Học

Lý Học và Tâm Học khác nhau từ chỗ khởi điểm của suy luận triết lý. Khởi điểm suy luận của Lý Học là vũ trụ chung quanh ta và ở ngoài ta. Còn Tâm Học thì khởi sự tự trong ta, trong tâm trí, trong tâm hồn ta. Theo Lý Học của Chu Hi, nhờ nghiên cứu, quan sát vũ trụ, và thế giới bên ngoài, nên ta khám phá ra Nguyên Lý Tuyệt Đối, Đạo của trời đất và những định luật về Âm-Dương Điều Hòa, Trung Hòa. Càng học biết nhiều, càng mở mang trí tuệ thì càng nhận thấy sự Tuyệt Đối, Siêu Việt của Chân Lý. Đó là ý nghĩa của câu trong sách Trung Dung đã được Chu Hi giải thích: “Cách vật, trí tri”, tức là học hỏi tường tận về các vật trong vũ trụ để cho sự hiểu biết được sâu rộng, và tìm ra căn do của vạn vật, cũng là tìm về Nguyên Lý Tuyệt Đối, tìm về Lý Thái Cực.

Trái lại, Lục Cửu Uyên và Vương Dương Minh cho việc tu luyện của Chu Hi căn cứ vào sự nghiên cứu các sự vật ở ngoài vũ trụ, và việc mở mang kiến thức là công việc dành riêng cho người thức giả mà thôi, còn người kém học thức, kém suy luận thì khó trở nên bậc thánh hiền. Do đó, Vương Duơng Minh đã đề nghị một phương pháp tu dưỡng tính tình căn cứ vào việc tìm hiểu cái “Lương Tri”, hay Lương Năng, Lương Tâm, biết phân biệt lành-dữ, tốt-xấu, ở ngay trong tâm trí của con người. Chính cái “Lương Tri” ở trong tâm trí con người cần được sửa sang, bồi bổ để ta tiến lên chỗ Toàn Thiện Toàn Mỹ. Bởi vậy, muốn đạt tới Chân Lý Tuyệt Đối, ta không cần nghiên cứu, tìm kiếm ở bên ngoài vũ trụ, nhưng chỉ lo chỉnh đốn lại “Lương Tri”, Lương Tâm” cho ngay thẳng là đủ rồi! Vì lý luận như thế, nên Vương Dương Minh đã giải nghĩa một cách khác câu “Cách vật trí tri”. Theo ông, chữ “cách vật” không có nghĩa là “nghiên cứu tuờng tận các sự vật ở ngoài vũ trụ”, nhưng là sửa sang lại sự vật cho ngay chính, tức là khi Lương Tâm biết phân biệt: điều “phải”, điều “tốt”, thì làm, điều “trái”, điều “xấu”, thì tránh. Nhờ vậy, có thể “trí tri”, tức là mở mang sự hiểu biết của “Lương Tri” ngày càng lớn rộng. Cho nên, việc phát triển “Trí Lương Tri” để trở nên thánh hiền, thì ai ai cũng có thể làm được, miễn là có thành tâm, thiện ý.(175)

Tuy cùng tôn sùng Khổng Tử và Mạnh Tử, nhưng Chu Hi và Vương Dương Minh, và các môn đệ của hai ông đã có những điểm dị biệt khá lớn, khiến cho cuộc tranh luận kéo dài mãi cho tới ngày nay. Theo Chu Hi, thì có hai thế giới: một thế giới siêu hình, trừu tượng gồm những “lý”, vẫn có từ thủa đời đời, và một thế giới hữu hình, cụ thể. Trái lại, Vương Dương Minh không chấp nhận thế giới “lý” riêng biệt, trừu tượng của Chu Hi.

2. “TÂM” ở đâu?

Vương Dương Minh, một thời, cũng đã tôn sùng Lý Học của Chu Hi. Theo tương truyền, ông đã chăm chú tập trung tư tưởng để nghiên cứu tường tận cái “lý” của cây tre, nhưng suốt bảy ngày bảy đêm, ông không tìm ra được chân lý gì cả! Bởi vậy, ông đã thất vọng và từ bỏ môn phái Lý Học để đi tìm một con đường mới.

Khi ông đang sống cơ cực trong lúc bị đầy ải ở trạm Long Trường, một hôm, nửa đêm, ông chợt “tỉnh ngộ” và tìm ra được ý nghĩa của câu “cách vật trí tri”. Ông linh cảm rằng: Chân Lý Tuyệt Đối, hay Lý Thái Cực, không cần tìm ở vũ trụ bên ngoài, nhưng chính là ở trong bản ngã con người, ngay trong tâm tính, tâm linh con người.

Do đó, theo họ Vương, “vũ trụ này là một toàn thể tâm linh và trong đó chỉ có một thế giới mà thôi! Đó là thế giới hiện hữu, cụ thể mà chúng ta tự kinh nghiệm được”. Như vậy, Vương Dương Minh chỉ công nhận có một thế giới là thế giới Tâm Linh mà thôi! Ngoài Tâm Linh ra, không có sự vật gì khác nữa, không công nhận thế giới “lý” riêng biệt của Chu Hi.(176)

3. “TÂM” là gì?

Trước hết, nên tìm hiểu ý nghĩa chữ TÂM trong môn phái Tâm Học. Theo nguyên tự, chữ tâm ( ) vừa vẽ ra hình trái tim, vừa giống hình ngọn lửa đang bốc cháy. Trong sách Ngữ Lục III, họ Vương đã định nghĩa rõ chữ Tâm: “Tâm không phải là một khối huyết nhục. Chính chỗ tri giác là Tâm. Như tai mắt biết nghe, biết trông, tay chân biết đau biết mỏi, cái tri giác ấy là Tâm vậy”. Do đó, ở đây Tâm không có nghĩa là quả tim bằng thịt, nhưng mang một ý nghĩa về tâm lý, tâm hồn, tâm linh, siêu hình. Tâm là tri giác, là sự cảm biết, hay Ý thức, Tâm thức (Consciousness), hay Tâm linh (Spirituality). Tâm của con người là phần thiêng liêng, sáng suốt, vạn lý vạn sự đều căn bản ở đó cả. Phần linh thiêng, ý thức đó, chính là Thiên Lý, là Lương Tâm.

Lục Cửu Uyên đã cho Tâm đồng nghĩa với “Lý” của Chu Hi: Tâm là Lý (Thái Cực). Vương Dương Minh viết: “Tâm tức là Đạo, Đạo là Trời, biết Tâm thì biết Đạo và biết Trời (Tâm tức Đạo, Đạo tức Thiên, tri Tâm tắc tri Đạo, tri Thiên). Học giả cần biết thực rõ Đạo ấy, rồi cứ theo cái Tâm của mình mà thể nhận lấy, không phải mượn sự tìm ở ngoài mới được” (Ngữ lục I).

Thiên Lý là bản thể của Tâm, nghĩa là cái của Trời phú cho. Tính với Tâm là một, vì Tính là bản tính tự nhiên, hồn nhiên của ta do Trời ban cho. Tính ( ) là bản tính nhân loại và bản tính mọi loài. “Thiên Mệnh vị chi tính” (Tính gọi là Thiên Mệnh, vì do Trời phú cho).

Theo cách định nghĩa và giải thích của Vương Dương Minh và phái Tâm Học, thì ta có thể hiểu chữ Tâm đồng nghĩa với nhiều ý niệm siêu hình, triết lý khác. Chẳng hạn, Tâm là Lương Tâm, là Thiên Lý, là Tâm Linh, là tâm tính, tức là phần linh thiêng sáng suốt nhất, “chiêu minh linh giác”, trong bản tính con người.(177)

Hơn nữa, Tâm được đồng hóa với Đạo, với Thiên, vì biết được Tâm, thì cũng biết được Đạo, biết được Thiên, thì biết được Lý Thái Cực. Cho nên, khi họ Vương đồng hóa Tâm với Đạo, với Thiên Lý, tức là ông đã tiến một bước xa hơn vào Bản Thể sâu thẳm của vũ trụ, chính là Tuyệt Đối, là Chân Ngã. Do đó, Bản Thể của Tâm, tức là Thiên Lý, là Chân Ngã.

4. Trí Lương Tri là gì?

Vương Dương Minh coi Bản Thể của Tâm, chính là Thiên Lý, là Thiên, là Thiên Mệnh. Đó cũng là Chân Ngã làm chủ cho thân xác mọi người. Còn Chân Ngã thì ta sống, mất Chân Ngã thì chết. Trong đời sống tâm linh, tu đức, nếu muốn sống hạnh phúc cả hồn xác, thì phải bồi dưỡng cho Chân Ngã luôn luôn giữ được sự tinh tuyền, sáng láng “chiêu minh linh giác” của Bản thể. Phải giữ cho Chân Ngã, tức “Trí Lương Tri” luôn trong sáng như gương để phân biệt điều tốt, điều xấu rõ ràng: tốt thì làm, xấu thì tránh.

Trong Phụ Lục III, ông viết: “Cái Bản Thể của Tâm là Thiên Lý, cái “chiêu minh linh giác” của Thiên Lý gọi là Lương Tri” (Tâm chi Bản Thể tức Thiên Lý giả, Thiên Lý chi chiêu minh linh giác sở vị Lương Tri giả). Do đó, Lương Tri, Lương Tâm là Thiên Lý, tức là cái của Trời phú cho, nên nó là thiện, là tốt, sánh ví như ánh sáng mặt trời trong không gian. Ban đêm hay ngồi vào bóng tối, ta tưởng ánh sáng mặt trời không chiếu nữa, nhưng sự thực khí nóng và ánh sáng vẫn tỏa sáng không ngừng. Dầu có che lấp thế nào cũng không dập tắt được ánh sáng và sức nóng của mặt trời.

Một vấn nạn gay go nhất trong triết lý được nêu lên: Nếu Tâm là Thiên Lý, là Thiên, thì tại sao lại có sự ác? Theo họ Vương giải thích, sự ác không thể từ Thiên Lý, từ Lương Tri phát ra, nhưng do nhân dục, tức tình tư dục sinh ra như lòng hiếu tài ham sắc, hiếu danh lợi, ghen ghét, giận hờn, v.v. Những tình vị kỷ, tư dục đó như mây mù che lấp hoặc làm vẩn đục Lương Tri, Lương Tâm, nhưng không thể tiêu diệt cái Thiên Lý ở trong ta được.

Bởi vậy, phép tu dưỡng của thánh hiền dạy ta phải cố gắng phá bỏ cái “giả ngã” ngăn cản, hoặc che lấp cái Tâm trong sáng, cũng cần tẩy rửa tâm trí khỏi tình tư dục khấy động để cho cái “Chân Ngã”, tức phần Thiên Lý, Tuyệt Đối trong ta được phát hiện rực rỡ. Các đạo học gia thích sánh ví Trí Lương Tri, Lương Tâm như “Viên Ngọc” bị vẩn đục vì bùn đất bám vào, nên cần phải được rửa sạch để vẻ sáng láng của nó tỏ hiện.(178)

5. Tâm và Đạo Nhân Ái

Đức Nhân Ái là căn bản nhất trong Nho Giáo, vì là đức tính đứng đầu các đức hạnh khác, đến nỗi nếu thiếu lòng Nhân Ái thì không còn phải là con người nữa! Do đó, chữ “bất nhân” vừa có nghĩa là cư xử một cách tàn ác, vừa có ý chỉ kẻ ăn ở “bất nhân” thì không còn phải là giống người nữa!

Các đạo học gia, chịu ảnh hưởng của họ Vương và họ Chu đã nâng đức Nhân Ái lên bậc siêu hình, tức là đồng hóa Đạo Nhân với Bản Thể, với Bản Tâm là Thực Thể Tuyệt Đối. Đạo Nhân chính là Nguồn Gốc phát sinh con người và vạn sự vạn vật. Bởi vậy, chẳng những Đạo Nhân ngự trị trong Tâm Trí của con người, nhưng cũng tiềm tàng trong vũ trụ nữa.

Theo chiều ngang, lòng Nhân Ái là đức tính cần thiết trong việc giao tế xã hội giữa người với người. Nó là căn bản và tiêu chuẩn để đặt định những giới răn về luân lý, đạo đức. Theo chiều dọc, Đạo Nhân giúp con người liên lạc và nối kết với vũ trụ bao la: từ tiểu vũ trụ (microcosm), tức tiểu ngã, vươn ra đại vũ trụ (macrocosm), tức Đại Ngã.

Hơn nữa, các đạo học gia cũng tìm thấy một sức sống mãnh liệt, một sự sáng tạo phong phú tiềm tàng trong vũ trụ. Nguồn sinh lực và sáng tạo vô tận đó, chính là Đạo Nhân, tương tự như lòng nhân ái nơi con người là đầu mối của mọi hoạt động và mọi sáng kiến. Do đó, theo các đạo học gia, khi suy nghĩ về Tâm của con người và về Đạo Nhân, thì ta khám phá ra Tình Yêu Tuyệt Đối. Đạo Nhân cũng là “Lý”, là” Thái Cực”, là “Chân Ngã”. Đạo Nhân là “lý do tồn tại” (raison d’être) cắt nghĩa sự hợp nhất giữa Trời và người: “Thần nhân tương dữ”, hay “Thiên nhân hợp nhất”.

Tóm lại, Đạo Nhân chứng tỏ phẩm giá cao quí của con người “linh ư vạn vật”. Do đó, Đạo Nhân ở trong con người, nhưng lớn hơn con người, ở trong vũ trụ, nhưng lớn hơn vũ trụ này. Đạo Nhân là Tuyệt Đối.(179)

6. “Vạn Vật Nhất Thể” hay “Lẽ Nhất Quán” là gì?

Vương Dương Minh đồng hóa Tâm Trí con người với Thiên Lý, với Đạo, với Lý Thái Cực, cho nên coi Tâm Trí con người là “nơi gặp gỡ” (locus) của Trời và vạn sự vận vật: Tuyệt Đối và con người hợp nhất nơi Tâm con người. Do đó, trong Ngữ Lục I, ông viết: “Ngoài Tâm ra, không có Lý, ngoài Tâm không có sự” (Tâm ngoại vô Lý, Tâm ngoại vô sự). “Vạn sự vạn vật đều bởi Thiên Lý mà ra, nó quán thông tất cả làm một, không có trong ngoài khác nhau. Cái Lý ấy gọi là Đạo, là Trời, là Tính, là Tâm, cái danh khác nhau, nhưng cái thực là một. Bởi vậy, Vương Dương Minh đem tất cả cái học thuật vào cái Tâm”.

Đối với họ Vương, biết được hiểu được Tâm, tức là biết được hiểu được Thiên Lý, được Đạo, được vũ trụ. Do đó, học thuyết của ông chú trọng vào thuyết “Vạn Vật Nhất Thể” và “Lẽ Nhất Quán” (Nhất dĩ quán chi) là căn bản. Bởi vậy, Vũ trụ quan và Nhân sinh quan là một chứ không phải hai ngành khác nhau. Bởi vì, thông hiểu những điều bí nhiệm trong bản thân, tâm hồn ta, thì cũng hiểu được lẽ nhiệm mầu của trời đất. “Người ta là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ là Trời Đất và cả hai là Một”.

Vương Dương Minh cũng giải thích cái Lẽ Nhất Quán trong Tâm Học của ông khác với quan niệm về “Tâm” của Thiền Học. Thiền Học cũng gọi Thực Tại Tuyệt Đối là Vô Tâm (theo kiểu phủ định) hay Bản Tâm. Nhưng họ Vương phân biệt Tâm Học của Nho Giáo và Thiền Học của Phật Giáo, trong sách Văn Lục IV, như sau: “Cái học của thánh nhân (nho gia) không có người không có ta, không có trong, không có ngoài, cho trời đất vạn vật làm một, để làm Tâm; cái học của Thiền Tông thì khởi ở sự tự tư tự lợi mà chưa khỏi phân ra trong-ngoài: đó là chỗ khác nhau vậy. Nay những người học về Tâm Tính mà ra ngoài cái nhân luân và bỏ các sự vật, thì thật là Thiền Học; nếu chưa ra ngoài nhân luân, không bỏ các sự vật, mà chuyên lấy tồn tâm dưỡng tính làm cốt, thì chính là cái học tinh nhất của thánh môn (nho giáo)”.(180)

Toát Lược Mấy Đặc Điểm

1. Phong trào “Đạo Học” khởi sự từ thời Trung cổ, muốn phục hưng và giải thích lại Nho Học. Các nho gia nổi tiếng như Chu Hi chủ trương phái Lý Học, và Vương Dương Minh phái Tâm Học. Tuy theo Nho Học, nhưng các vị đó cũng tinh thông Lão Học và Phật Học.

2. Đặc điểm chung cho phong trào Đạo Học là: quan niệm về “Thiên”, về “Thượng Đế”, dần dần mất tính cách “Ngôi Vị” như thời xưa. Nguyên Lý Tuyệt Đối trở thành trừu tượng, huyền bí. Các triết gia chú trọng vào sự “nội tại” của Nguyên Lý đó tiềm ẩn trong vũ trụ, trong mọi người, mọi vật, vì ảnh hưởng của thuyết “Nhất Nguyên Luận”. Do đó, phát sinh những thành ngữ, những thuyết như: “Tam Tài “, “Vạn Vật Nhất Thể “…

3. Một đặc điểm khác là: vì nghiên cứu và tinh thông về Phật Học, nên các đạo gia như Chu Hi, Vương Dương Minh giải thích và bình phẩm về Phật giáo một cách sâu xa hơn nhiều tông phái khác.

4. Chu Hi và môn phái Lý Học phân biệt hai thế giới: một thế giới trừu tượng, vô hình, siêu việt gọi là “lý”. Bất kỳ sự gì vật gì, người nào cũng có cái “lý” của nó: “lý” là cái làm cho vật này là chính nó và khác mọi vật khác. Nếu mỗi vật đều có cái “lý” của nó, thì trên hết mọi “lý” phải có cái “LÝ” rộng lớn vô biên, bao trùm tất cả: cái đó gọi là Lý Thái Cực, hay Vô Cực.

5. Nhưng thế giới “lý” là vô hình, vô tượng, trừu tượng, nếu muốn có vật cụ thể, hay con người cụ thể, thì “lý” đó phải “đầu thai” vào “khí”, tức là vật thể, khí chất, dụng cụ để làm nên vật cụ thể.

6. Do đó, đối với con người, phần “lý”, thuộc bản thể, thì tốt, nhưng phần “khí”, thuộc vật thể, khí chất thì có khí tốt và khí xấu. Bởi vậy, nếu có gì xấu trong con người là thuộc về “khí”, như tình tư dục. Trong phép tu dưỡng, ta có thể dùng ý chí để sửa chữa cho xấu trở nên tốt được.

7. Áp dụng thuyết Lý Học để giải thích về Nguồn Gốc của vũ trụ, Chu Hi chủ trương: chính Lý Thái Cực, hay Vô Cực là Nguyên Lý Tuyệt Đối thì không Động, không Tĩnh, nhưng là Nguồn Gốc phát sinh sự biến hóa của vạn sự vạn vật. Lý Thái Cực bao gồm tất cả các “lý”, kể cả cái “lý” của Động và cái “lý” của Tĩnh. Những “lý” này cũng vô hình, trừu tượng, cho nên “lý” của sự Động mà không động, “lý” Tĩnh mà không tĩnh! Nó chỉ xuất hiện là Động khi “dựa” trên Dương, và Tĩnh khi “dựa” vào Âm. Rồi từ khí Âm-Dương hòa hợp sinh ra Ngũ hành, và vạn sự vạn vật.

8. Phái Tâm Học của Vương Dương Minh không công nhận sự phân chia thành hai thế giới riêng biệt: thế giới “lý” vô hình và thế giới cụ thể, nhưng chủ trương chỉ có một thế giới ở trong tâm trí, trong tâm hồn, trong lương tâm mỗi người. Do đó, muốn tìm hiểu chân lý, không cần nghiên cứu những sự vật bên ngoài, nhưng cần tu sửa tâm trí cho ngay thẳng, biết theo điều phải và tránh điều xấu.

9. Chữ “Tâm”, không có nghĩa là khối huyết nhục, nhưng là tâm hồn, tâm trí, ý thức, tâm thức hay tâm linh. Chữ Tâm đồng nghĩa với nhiều quan niệm về siêu hình như: Tâm là lương tâm, là tâm linh, tức là phần linh thiêng sáng suốt nhất trong bản tính con người. Tâm cũng được đồng hóa với Thiên, với Đạo, với Thiên Lý, với Chân Ngã.

10. Vương Dương Minh coi Bản thể của Tâm là Thiên Lý; cái vẻ sáng láng, tốt lành của Thiên Lý gọi là Lương Tri, hay Lương Tâm. Do đó, trong việc tu dưỡng, cần bồi bổ, giữ gìn cho Trí Lương Tri được sáng láng, tinh tuyền, biết phân biệt Phải-Trái, Tốt-Xấu. Tốt thì theo, Xấu thì tránh. Cũng cần tu sửa, kiềm chế tình tư dục làm mờ ám Lương tri trong sáng.

11. Ngoài ra, khi suy nghĩ về ý nghĩa chữ Tâm, về Trí Lương tri, thì các đạo học gia đã đồng hoá đạo Nhân Ái của Nho Giáo với Bản Thể, Bản Tâm, tức là Thực Tại Tuyệt Đối. Đạo Nhân Ái chính là Tình Yêu Tuyệt Đối. Đạo Nhân Ái là nguồn gốc phát sinh và biến hóa mọi loài. Đạo Nhân Ái tiềm ẩn trong vũ trụ và ngự trị trong Tâm Trí của con người, nâng cao phẩm giá, giúp con người kết hợp với Trời: “Thần nhân tương dữ”.

12. Vì chỉ công nhận có một thế giới, nên Vương Dương Minh đồng hóa Tâm Trí con người với Thiên Lý, với Đạo, với Lý Thái Cực và coi Tâm Trí, Lương Tâm con người là “nơi gặp gỡ “ của Trời và vạn sự vạn vật. Đối với họ Vương, biết được Tâm, tức là hiểu được Thiên Lý, được Đạo, được vũ trụ. Ông chú trọng vào thuyết “Vạn vật nhất thể”, và “lẽ Nhất quán”. Do đó, vũ trụ quan và nhân sinh quan là một, chứ không phải hai ngành khác nhau.

ĐOẠN IV . Ý Thức Siêu Thoát Trong Phật Giáo

Những khó khăn và những ngộ nhận

Các nhà nghiên cứu về Phật Học, Phật Giáo đều nhận thấy sự khó khăn khi sưu tầm tài liệu để học hỏi, hay tu luyện, vì nhiều lý do, như đã trình bày trong các đoạn ở trên:

1. Đức Phật Tổ giữ thái độ “im lặng” không đề cập đến giáo thuyết về sự “có” hay “không có” một Đấng Thượng Đế, như dân chúng Ân Độ thời bấy giờ vẫn tin tưởng, hoặc Ngài không trả lời những câu hỏi của môn đệ về số phận của họ sau khi chết, do đó, sau này các đệ tử của Đức Phật được tự do tranh cãi về các vấn đề siêu hình, triết lý, thần linh… tùy theo môn phái của mình, ai cũng cho cách giải thích của mình là gần với chủ thuyết của Đức Phật.Theo “Lịch sử Triết Học Ấn Độ” Phật Học được xếp vào môn phái chống lại “uy quyền của Vệ đà (Vedas) như Nastika, Carvaka, Bauddha, Jaina.(181)

2. Kinh Điển nhà Phật quá bao la, rộng lớn, lại được hoàn toàn tự do giải thích những lời Phật dạy, theo trình độ sự hiểu biết của mình; vả lại, từ ngàn xưa tới nay, không có một cơ quan chính thống nào được dành quyền chú giải, nên ngay khi Đức Phật vừa nhập diệt không bao lâu, thì các đệ tử đã chia ra nhiều môn phái khác nhau. Trong lịch sử Phật Học, hai Môn Phái chính là: Tiểu Thừa và Đại Thừa, (như đã trình bày ở đoạn trên).

3. Vì sự sai biệt giữa giáo thuyết và thực hành, nên các nhà nghiên cứu đã phân biệt Phật Giáo và Phật Học, nghĩa là theo lời giảng dạy của Phật Tổ thì chính Ngài không nhận mình có quyền ban ơn giáng phước hay độ trì ai cả, Ngài chỉ đưa ra những tôn chỉ để ai muốn được giải thoát khỏi phiền não, đau khổ thì “noi gương, bắt chước” mà “Tự Độ” lấy cho mình. Nhưng trong thực tế, thực hành, như “Phật Giáo ở Việt Nam”, hay ở Trung Hoa, Nhật Bản,… người ta thờ Phật như một vị thần thánh, khấn bái để xin ân… giống như bất cứ tôn giáo nào khác.Vả lại, Đức Phật và các vị Thiền Sư dùng phương pháp “Upaya”, nghĩa là “tùy thời cơ, tùy hoàn cảnh, tùy trình độ hiểu biết của dân chúng mà diễn giảng, bằng nhiều cách khác nhau. Do đó, cùng một Chân lý mà giải nghĩa khác nhau.”

4. Khi Đạo Phật truyền bá sang Trung Hoa, Việt Nam thì đã hòa đồng với Đạo Khổng, nhất là Đạo Lão để làm ra “tam giáo đồng nguyên”, nghĩa là các tín đồ, đặc biệt các văn nhân, nho sĩ, đạo sĩ đều dùng chung các danh từ như: Đạo, Vô, Phật Tính, Tam Tài, Vạn Vật Nhất Thể… Một khi du nhập vào các nước Trung Hoa, Việt Nam thì cũng biến hóa theo phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân gian các nước ấy, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam, Phật Học nguyên thủy từ Ân độ qua, đã phối hợp với Đạo thờ Trời, và Đạo Hiếu của dân Việt. Do đó, Phật Giáo ở Việt Nam mang một sắc thái riêng biệt, không giống Phật Giáo các nước Tích Lan, Thái Lan, hay Miến Điện.

Ngoài ra, một số ngộ nhận, hiểu lầm đã gây khó khăn trong việc đàm luận, thông cảm giữa Phật Giáo và các tôn giáo khác, chẳng hạn khi các thiền sư dùng các danh từ theo phương pháp phủ định như: Vô, Phật Tính, Vô ngã, Vô tâm…, thì một số người lại hiểu theo nghĩa tích cực, “Vô”, nghĩa là không có gì hết. Kỳ thực, theo đương lối suy luận “phủ định (via negativa), “Vô” đây là “Vô Tuyệt Đối”, nghĩa là không có sự vật nào trong loài tương đối có thể sánh ví được, vì ngôn ngữ loài người không thể diễn tả đầy đủ được; do đó, nếu cho rằng có thể diễn tả một cách tương xứng được, thì Tuyệt Đối không còn là Tuyệt Đối nữa!

Bởi vậy, ý thức được những khó khăn, những tế nhị nhậy cảm, dễ gây xúc động, bất bình, nên trong đoạn này, chỉ xin giới hạn việc tìm hiểu về Ý Thức Siêu Thoát, trong môn phái Phật Học Đại Thừa, đặc biệt là các môn phái Thiền Tông.

A. Kinh Nghiệm Tôn Giáo Kinh Nghiệm Tôn Giáo

Trong đời sống tâm linh, tu đức của Phật giáo, dầu người ta không thấy nhắc đến tên “Thiên, Thiên Chủ, Thượng Đế”…, nhưng không phải vì thế mà ta không tìm thấy những dấu tích về những yếu tố Siêu Việt, Siêu Thoát ẩn tàng trong Kinh điển và trong đời sống của giới tu hành và đạo hữu. Có thể nói, Đạo Phật là một cố gắng vĩ đại của con người đi tìm Siêu Thoát cho chính bản thân mình. Thật vậy, Phật Thích Ca và các thiện nam tín nữ đã khởi sự đi tìm con đường Siêu Thoát, từ kinh nghiệm tôn giáo của bản thân và đời sống để cố gắng vươn lên cõi Siêu Thoát. Từ kinh nghiệm đau khổ của đời người, của thế giới “Vô Thường”. Đức Phật đã dạy chúng sinh phải chống lại cái “tạm thời, vô thường” để vươn lên một trạng thái nào “Khác”, “thường hằng bất biến”, có thể đem lại sự thỏa mãn bình an cho tâm hồn: chính là Niết Bàn. Bởi vậy, có thể nói, Phật Giáo là một nỗ lực của nhân loại đi tìm sự Giải Thoát cho cuộc sống hiện tại trầm luân tạm thời, đau khổ này. Nếu cho rằng: “Niết Bàn ở đây và bây giờ”, thì nó cũng phải “khác” cái hiện thời đầy nước mắt này! Do đó, có thể nói: những kinh nghiệm tôn giáo này đi từ “thực nghiệm” (empirical) để tìm ra những nguyên nhân sinh ra đau khổ của cái “giả ngã”, (cái ngã giả dối), để tiến lên cái “Chân Ngã Siêu Thoát”. Nói tóm lại, Đạo Phật khởi sự đi tìm Chân Lý từ kinh nghiệm sống, nhất là từ cuộc đời đau khổ, để vươn lên “Ý thức hệ” (conceptualisation); từ hình ảnh vượt lên ý tưởng trừu tượng; từ thực hành sống vị tha, từ bi để tới ý niệm Giải Thoát, Chân Như, Phật Tính, Đại Ngã.(182)

B. Những Danh Từ Và Y Niệm Có Y Nghĩa Siêu Thoát

Trong Kinh Điển nhà Phật, có rất nhiều danh từ ám chỉ đến sự Siêu Thoát, giúp ta vươn lên khỏi cuộc đời “vô thường”, đau khổ:

1. Danh từ có ý nghĩa Siêu Thoát

Danh từ “”, dịch bởi chữ “Sunyata”, diễn tả triết lý căn bản trong Phật Giáo Đại Thừa, rút ra từ Kinh Bát Nhã Balamật (Prajnaparamita Sutra). Ý nghĩa của chữ “Vô” này là phủ nhận việc coi vạn sự vạn vật là “tuyệt đối”, vì mọi sự trên thế giới này chỉ là “tương đối” và chúng không phải là sự Hiện Hữu Tối Hậu (Ultimate Existence). Không coi thế giới tương đối này là hoàn toàn hư vô, trống rỗng, nhưng từ chối thế giới “vô thường” này, nơi con người sống và chết, là Thực Tại Chung Cục.

Vì “Vô”, nghĩa là vượt lên trên mọi sự mọi loài “tương đối”, nên mới có thành ngữ “Chân Không Diệu Hữu”, nghĩa là cái “Không” chân thật, lại là cái “” tuyệt diệu. Do đó, chữ “Vô” dùng để chỉ “Bát Nhã” (Prajna), hoặc “Niết Bàn” (Nirvana). Và nhập “Niết Bàn”, không có nghĩa là tiêu diệt hoàn toàn linh hồn, nhưng là nhìn thấy rõ bản thể thật của con người và của vạn sự vạn vật: “Kiến tính, thành Phật”. Khi dùng kiểu diễn tả “phủ định” (via negativa) thì gọi là “Vô”, nhưng nếu nói theo cách “khẳng định” (via positiva) thì dùng danh từ “Chân Như”, hay “Như Như” (Tathata, Suchness), tức là sự Hiện Hữu Tối Hậu, “thường hằng bất biến” (lúc nào cũng như thế), vĩnh cửu, tuyệt đối, bao quát vạn sự vạn vật. “ Trung-Đạo-Luận hay Bình-Đẳng-Luận là phương pháp để vượt thế giới hiện tượng sai biệt mà đi vào Bản Thể Tuyệt Đối và Giải Thoát”.(183)

2. Kinh nghiệm thần thánh hóa

Theo Kinh Điển, thì Phật Thích Ca không tự nhận là một vị thần có quyền ban ân giáng phước, nhưng sau này, vì cảm phục mộ mến những giáo thuyết cao siêu của Ngài, nên người ta đã dần dần tôn phong Ngài là bậc thần thánh (deification). Một số thiện nam tín nữ cầu khẩn, tế tự, dâng lễ vật… để xin ơn, phù hộ, chữa bệnh… Hiện tượng thần thánh hóa này, ngày nay, vẫn có môn phái phản đối, vì theo họ, không đúng như ý của Phật Tổ. Nhưng sự kiện “thần thánh hóa” Đức Phật, chính là một nỗ lực đi tìm sự Siêu Việt trong đời sống tâm linh của Phật tử, vì cảm nghiệm thấy Đức Thích Ca Mâu Ni là một Siêu Nhân, “khác” với hết thảy chúng sinh còn đang chìm đắm trong đau khổ; hơn nữa, Ngài đã thành “Phật”. Ngài đã tìm ra con đường Giải Thoát, nên Ngài phải “Khác” với các vị Bồ Tát, khác với các thiên thể như devas hay apsaras. Vả lại, Ngài có “tha lực” (other power, tariki), nghĩa là có quyền lực cứu giúp người họan nạn, như các vị thần thánh .Khuynh hướng “thần thánh hóa” Đức Phật còn được biểu lộ trong cách xây đắp các bức tượng thật vĩ đại như ở Vũng Tàu, Việt nam; tại đền Bayon Angkor Thom, Campuchia có tạc những đầu Phật thật lớn lao và Bodhisattva Avalokiteshvara được coi là Đức Phật cao cả nhất, là Chúa của vũ trụ. Đó là những biểu tượng nói lên lòng khát vọng hướng về Siêu Việt, muốn Phật “khác” với chúng sinh còn trong vòng Luân hồi, Nghiệp báo.

Bồ Tát Quan Âm (Bodhisattva Avalokiteshvara, Kuan Yin, Kannon) được người Trung hoa, Việt Nam sùng kính như một vị Nữ Thần giầu lòng từ bi. Phật Adiđà (Buddha Amitabha) là một vị Thần có “Tha Lực”, có quyền cứu nhân độ thế, hoàn toàn “Khác” hẳn với các vị thần thánh, Bồ Tát khác. Chính ý niệm về sự “Khác”, về “tha lực”, khiến các nhà nghiên cứu Phật học giải thích theo ý nghĩa về kinh nghiệm siêu việt trong Phật Giáo.

Nói tóm lại, ta nhận thấy các thiện nam tín nữ đã cảm nghiệm được “quyền lực khác biệt trổi vượt” của Đức Phật AdiĐà, đặc biệt trong các môn phái thuộc Đại Thừa, tại Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Đó là dấu hiệu tốt để có thể đàm luận, đối thoại với các tôn giáo khác, về ý niệm Siêu Việt, hữu ngã, hữu vị. Ta cũng đã tìm hiểu cách diễn tả về kinh nghiệm siêu thoát bằng phương pháp phủ định, để tránh những ngộ nhận, hiểu lầm đã tạo ra những mâu thuẫn, đối kháng như: lạc quan/bi quan, vô thần/hữu thần. Nhờ có sự nhận định đúng đắn về những điểm tương đồng cũng như dị biệt, ta mới có thể trao đổi, học hỏi, tương kính, để xích lại gần nhau hơn.(184)

Đàm Đạo

Vạn Vật Nhất Thể

Tư tưởng Đông Phuơng dựa trên nguyên lý “Nhất Nguyên Lưỡng Cực Động” (Polarisable Dynamic Monism). “Nhất Nguyên”, vì vũ trụ này đều phát sinh bởi một nguồn gốc, gọi là Thái Nhất hay Thái Cực. Xét về động thể, khi phát hiện ra bên ngoài thì thành Âm-Dương, luỡng cực, nhưng cũng bởi một Nguyên lý mà ra. Âm-Dương không hoàn toàn cách biệt thành “Nhị-Nguyên” (dualism), nhưng luôn luôn biến động từ cực này sang cực kia, theo luật quân bình phục hồi. Vì thế, Âm-Dương tuy mâu thuẫn với nhau nhưng không tiêu diệt được nhau mà lại hòa hợp với nhau để tồn tại: “Hai mà Một, Một mà Hai”.

Do đó, tư tưởng Đông Phương thiên về lẽ “Nhất Quán”, tức là sự đồng nhất, tổng hợp của vũ trụ thành một khối duy nhất. Âm-Dương giằng co nhau vì như có một nguyên lý “thứ ba” ở bên trên để giữ sự quân bình; vì thế, nguyên lý thứ ba này gọi là “Tam Nguyên”: Tam Nguyên cũng chính là Nhất Nguyên vậy! Vì tư tưởng Nhất Nguyên này mà ta thường thấy phát biểu những thành ngữ như: “thiên địa vạn vật nhất thể”, “thần nhân tương dữ”, “thiên nhân hợp nhất”, “tam tài” (thiên-địa-nhân), “thiên tính tại nhân tâm”.

Những thành ngữ trên diễn tả sự liên đới của Tuyệt Đối với Tương Đối, của Siêu Việt Tính (Transcendence) với Nội Tại Tính (Immanence). Như ta đã thấy, chính Tâm Trí con người là nơi gặp gỡ của Tuyệt Đối. Nếu Tuyệt Đối là Chân-Thiện-Mỹ Tuyệt Đối thì Tâm Trí con người cũng được tham dự một phần nào vào sự Tuyệt Đối cao cả đó. Chu Đôn Di và Chu Hi còn dùng hình ảnh “mặt trăng” ở trên trời và muôn nghìn “mặt trăng” khác trong sông hồ, để cắt nghĩa sự Tuyệt Đối ngự trị trọn vẹn trong vạn vật.

Quan niệm Tuyệt Đối gặp gỡ Tương Đối cũng thường được phát biểu trong kinh nghiệm thần bí kết hiệp (mystical union). Các nhà thần bí trong Thiên Chúa Giáo như Teilhard de Chardin, trong cuốn “Cảnh vực Thần Linh” (Le Milieu divin) có đoạn viết như sau: “Thiên Chúa hiển hiện (tự mặc khải) ở mọi nơi… như là “cảnh vật phổ quát bao la bát ngát”, chỉ vì Thiên Chúa là “Cực Điểm” mà mọi tạo vật phải qui tụ về đó… Nhưng cảnh vực thần linh có bao la bát ngát tới đâu, thì thật sự vẫn phải có một “Tâm Điểm”. Đấng Tạo Hóa, đặc biệt là Chúa Cứu Thế đã thấm nhập vào mọi sự. Thánh Bảo Lộc (Phaolô), một vị Tông đồ cũng là một nhà thần bí đã viết: “Nếu tôi sống, thì không phải là tôi, mà là chính Chúa Cứu Thế sống trong tôi” (Thư gửi Galatia, II,20). Trong các sách tu đức, Thiên Chúa Giáo thường dùng những kiểu nói như: “kết hiệp với Chúa”, “con người là hình ảnh Chúa” (Sáng thế kí: 1:27).

Những Khác Biệt

Khi so sánh quan niệm về sự kết hiệp, gặp gỡ giữa Tuyệt Đối và Tương Đối, nghĩa là giữa Thượng Đế và nhân loại, ta vẫn thấy những điểm khác biệt giữa Thiên Chúa Giáo và các đạo giáo Đông phương:

Thiên Chúa Giáo luôn đề cao sự Siêu Việt của Thiên Chúa trên mọi loài tương đối, tức vạn sự vạn vật. Thần học Thiên Chúa Giáo rất chú trọng đến đặc tính “Ngôi Vị” (personal) của Đấng Tối Cao, luôn luôn “KHÁC” với mọi loài mọi vật. Nếu mất đặc tính “Ngôi Vị” này thì niềm tin đã rơi vào một hình thức “phiếm thần” (pantheism), nghĩa là coi mọi người, mọi vật, cây cỏ, sông núi, v.v. đều là thần cả. Dầu công nhận có Chúa hiện diện nơi Tâm Hồn của các vị thánh nhân, hay hiện hữu để bảo toàn vạn vật, nhưng Chúa vẫn là Đấng Siêu Việt, “Khác Biệt”, không thể hòa đồng, lẫn lộn với loài thụ sinh được! Teilhard de Chardin đã cảnh cáo khuynh hướng phiếm thần này, vì đề cao quá mức những giá trị nhân bản, đặt con người ngang hàng với Đấng Tạo Hóa. Nhà khoa học kiêm triết gia Teilhard de Chardin, đã đề cập đến bốn ý niệm hướng đạo tư tưởng về vũ trụ quan, như sau:

“Tôi tin vũ trụ này đang biến hóa.”

“Tôi tin sự biến hóa tiến về Thần Linh.”

“Tôi tin Thần Linh kết liễu, hoàn tất nơi Thiên Chúa Ngôi Vị.”

“Tôi tin Ngôi Vị Tối Cao, chính là Đấng Cứu Thế phổ quát. (Cảnh vực Thần Linh)”.(185)

Trong lịch sử triết học Đông phương, ta thấy từ đời tiền-Khổng giáo, quan niệm về một Đấng Thượng Đế, hay Thiên, nhấn mạnh đặc tính “ngôi vị”, và “siêu việt” (transcendent) hơn là đặc tính “nội tại” (immanent) hiện diện nơi tạo vật. Ca dao có câu: “Ông Trời có mắt”, nghĩa là “Ông Trời”, tuy gần gũi với con người, nhưng vẫn “Khác” với con người và còn có quyền xét xử con người.

Từ đời Hán, thuyết Tam Tài (Thiên-Địa-Nhân) xuất hiện, các nho gia đã nhấn mạnh đến đặc tính “nội tại” (immanent) hơn là đặc tính “siêu việt” (transcendent). Thượng Đế hay Thiên nay cũng được gọi là Thiên-Địa (Trời-Đất). Đáng lẽ nhân loại phải đội ơn Trời đã ban cho những tài năng, trí tuệ thông minh để hợp tác với Trời mà khai thác, mở mang vũ trụ, thì nay con người lại tự coi mình như ngang hàng với Trời. Do đó, đặc tính ngôi vị siêu việt của Trời dần dần lu mờ đi, trong khi ý niệm về “Đất” được đề cao hơn.(186)

Theo cách giải thích về ý niệm “tự hóa” (tự biến hóa) của Trang Tử trong Nam Hoa Kinh, thì ý tưởng về một “Ông Trời” siêu việt biến mất, chỉ còn những cái thuộc về “Đất” mà thôi. Với hai chữ “tự hóa”, Trang tử không thừa nhận có một “Đấng Tạo Hóa”, đứng ngoài và là Chủ tể vạn vật càn khôn, nhưng lại cho rằng: ở mỗi vật, từ vật cực nhỏ đến vật cực lớn đều có sức “tự sinh, tự hóa” ở bên trong, vì thế, mỗi vật đều có “Đạo” ở bên trong cả. Nói một cách khác, con người, với sức “tự sinh, tự hóa”, có thể được xem như một đấng “tiểu tạo hóa”, hay “tiểu hóa công”. Do đó, trong thiên “Tề vật luận” mới nói rằng: “Trời-Đất cùng ta đồng sinh, vạn vật cùng ta đồng nhất (Thiên Địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã đồng nhất). Vạn vật đồng nhất thể (pantheism) đó là danh từ tổng quát để chỉ vũ trụ quan của Trang tử.

Các nhà đạo học như Chu Hy, Dương Minh chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật Giáo qua trung gian của Lão giáo. Tuy không theo Phật giáo, nhưng các đạo gia đã nghiên cứu và mượn tư tưởng Phật học của phái Thiên Thai, để biện minh cho những quan niệm về nhân sinh quan và vũ trụ quan của họ.

Nói tóm lại, mặc dầu đề cao nhân bản với những khả năng, tiềm lực phong phú của con người trong lãnh vực tư tưởng triết lý, và khoa học như ngày nay, nhưng nhân loại vẫn cần hướng thượng, nghĩa là duy trì khía cạnh “Siêu Việt” trong con người. Thiếu chiều cao siêu việt, theo triết gia Karl Jaspers, con người sẽ đâm ra hoài nghi hoặc rơi vào những dị đoan mê tín, hoặc những ảo vọng hão huyền, ma thuật.(187)

Chương Bảy

Niềm Tin
Vào Một Ngôi Vị Thiên Chúa,
Thượng Đế, Ông Trời

Về tín ngưỡng vào một Ngôi Vị Chúa Tể Càn khôn, cần nghiên cứu riêng để nhận định vấn đề cho rõ ràng. Trong chương sáu, ta đã đề cập đến Ý Thức Siêu Việt về một Nguyên Lý làm nền tảng cho sự hiện hữu của vũ trụ. Đấy là ý niệm siêu hình của các nhà Đạo học, Phật học, các triết gia như Chu Hi, Vương Dương Minh, và các nhà thần bí (mystics) chiêm niệm theo đường lối phủ định (via negativa).

Sau đây, ta sẽ bàn về niềm Tin theo đường lối khẳng định (via positiva) trong Thiên Chúa Giáo, trong thời kỳ đầu của học thuyết Khổng giáo như Tứ thư, Ngũ kinh, và trong Ca dao, tục ngữ của Việt Nam. Truyền thống cố hữu, phổ quát này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Đặc điểm của tín ngưỡng này là lòng Tin vào Một Đấng Tiêng Liêng, một “Đấng Tạo Hóa” toàn năng tạo thành vũ trụ và muôn loài muôn vật. “Đấng đó” có một “Bản Vị” hay “Ngôi Vị”, tương tự như loài người chúng ta, mỗi cá nhân có một “nhân vị” (person, personality) riêng biệt. Vả lại, ta có thể cầu khẩn, cúng bái, và “Ngài” đáp ứng, nhận lời nguyện xin. Trong Chương hai, “Phương Pháp Suy Luận Đông Tây”, đã trình bày về Ý Niệm Bản Vị như:”Hiện Hữu Như Một Nhân Vị”. Ở đây, sẽ quảng diễn và áp dụng quan niệm đó để tìm hiểu Thiên Chúa Ngôi Vị (Personal God).

Riêng đối với Thiên Chúa Giáo, cũng xin lưu ý, sẽ không diễn giảng hết các đề mục, tín điều như trong sách Thần học Giáo lý, chẳng hạn: Mầu nhiệm Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi, các Phẩm Tính của Thiên Chúa, hoặc năm đường lối chứng minh có Thiên Chúa theo Thánh Tôma, v.v. Nhưng trong Chương Bảy này, chỉ xin trình bày, hạn định vào một số đề tài để có thể so sánh, và đối thoại với các tôn giáo khác. Do đó, sẽ gồm những đoạn sau:

Đoạn I. Thiên Chúa là Ngôi Vị

Đoạn II. Thiên Chúa Siêu Việt và Nội Tại

Đoạn III. Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Chủ Tể vũ trụ càn khôn

Đoạn IV. Trình bày ý niệm Ngôi Vị, Bản Vị của Thượng Đế trong Khổng Giáo Nguyên Thủy

Đoạn V. Tìm hiểu về “Ông Trời” trong văn chương bình dân, và văn chương bác học Việt Nam

ĐOẠN I . Thiên Chúa Ngôi Vị (Personal God)

Quan niệm Thiên Chúa Ngôi Vị là một đặc thù của Thiên Chúa Giáo bắt nguồn từ Do thái giáo. Có thể nói ý niệm Ngôi Vị không xa lạ đối với tín ngưỡng dân gian của Trung Hoa và Việt Nam. Nhưng, những môn phái triết học chủ trương: Vạn vật nhất thể, Thiên-Nhân hợp nhất, Tam Tài (Thiên-Địa-Nhân) theo khuynh hướng Nhất Nguyên luận…, vì thiên về lý luận trừu tượng siêu hình, hoặc vì cho rằng ý niệm về “Ngôi Vị” hạn chế tính chất siêu việt của Nguyên Lý Tuyệt Đối… Bởi vậy, để giúp các tôn giáo Đông-Tây thông cảm và xích lại gần nhau hơn, nên cần diễn giải thêm những đề tài sau đây:

1. Kinh nghiệm về Ngôi Vị trong đời sống

2. Định nghĩa danh từ và ý niệm về Ngôi Vị

3. Thần học hay đường lối Phủ Định (Theologia negativa) và Diễn tả Ngôi Vị bằng phương pháp Tương Tự (Analogy)

4. Ý niệm Ngôi Vị bắt nguồn từ Thánh Kinh Cựu Ứớc

1. Kinh Nghiệm về Ngôi Vị Trong Đời Sống

Một trong những kinh nghiệm cao quí mà cũng là một huyền nhiệm là câu hỏi: Con Người là gì? Ta là ai? Cái gì khiến ta chịu trách nhiệm về đời ta? Cái gì làm ta “KHÁC” kẻ “KHÁC”?

“Mình với Ta, dẫu Hai mà Một

Ta với Mình, dẫu Một mà Hai” (Tản Đà)

Đi từ kinh nghiệm về huyền nhiệm của bản thân ta “Khác” với bản thân “Kẻ Khác”, con người siêu thoát vươn lên bình diện vô biên siêu việt để nhận biết “Đấng Tối Cao” là Một Vị Siêu đẳng “KHÁC” với mọi sự mọi loài. Dĩ nhiên, Đấng Tối Cao phải vượt trên mọi cá nhân thường, vì “Ngài” là Đấng Tuyệt Đối, còn mỗi người, mỗi vật chỉ là loài thụ tạo, tương đối. Khi dùng kinh nghiệm bản thân để vượt lên cõi siêu nhiên, theo cách suy luận “Tương Tự” (Analogy), không có nghĩa là ta hạ giá Đấng Tối Cao xuống hạng phàm tục, ngang hàng với vạn sự vạn vật.

Trên bình diện kinh nghiệm Thần bí (mystical), Đông cũng như Tây, Phật giáo cũng như Thiên Chúa giáo đều linh cảm sự hiện hữu của Một Đấng Vô Hình, làm Nguyên Lý Siêu Việt, là Nguyên Thủy qui tụ và phát sinh muôn vật muôn loài trong vũ trụ. Vì trí khôn nhân loại có giới hạn, nên cách thức phát biểu và diễn tả Nguyên Lý Tối Thượng đó luôn luôn là bất tương xứng, bất tương đồng. Làm sao ta có thể dùng những hình ảnh, những danh xưng thuộc thế giới tương đối, hữu hạn để biểu lộ những bí nhiệm của Thực Tại Siêu Việt được? Do đó, các nhà thần bí, các đạo sĩ Đông phương ưa thích dùng kiểu nói có vẻ “tiêu cực”, gọi là Phương thức Phủ định (via negativa) để mô tả Nguyên Lý đó bằng những danh từ như: Vô, Vô Cực, Chân Như, Chân Không Diệu Hữu, v.v., cốt ý bảo toàn tính chất siêu việt, vượt không gian thời gian của Nguyên Lý Tối Thượng đó. Các nhà thần học trong Do thái giáo, Thiên Chúa giáo, tuy cũng dùng Phương thức Phủ định, gọi là ‘Thần học Phủ định” (Negative Theology), nhưng thường chuộng cách diễn tả tích cực hơn, gọi là “Thần học Khẳng định” (Positive Theology) dựa theo phương pháp “Tương Tự”, chẳng hạn như kinh nghiệm về “nhân vị” (person) của loài người, được vượt lên bình diện siêu nhiên để gán cho Thiên Chúa là Một “Ngôi Vị Tuyệt Đối”, trên hết mọi nhân vị. Bởi vậy, có thể nói, sự khác biệt về cách giải thích và diễn tả giữa Đông và Tây, phát sinh từ những quan niệm về văn hóa, và vũ trụ quan khác nhau: Đông Phương chú trọng tinh thần cộng đồng, óc tổng hợp, còn Tây Phương đề cao cá nhân, nhân vị và óc phân loại.

2. Quan Niệm Về Nhân Vị, Ngôi Vị, Bản Vị

Sau đây, sẽ bàn về: danh từ và ý niệm về Nhân vị, hay Ngôi vị; tương quan giữa “Hiện Hữu” và “Ngôi Vị”. Ý niệm này có phân chia, hạn chế và hạ giá Nguyên Lý Tuyệt Đối không?

a. Ý Nghĩa của danh từ Nhân vị hay Ngôi vị

Nguyên tự Latinh “Persona” (Person, Personality, Personal) dịch ra Việt ngữ là “Nhân Vị” hay Ngôi Vị. Chữ “Nhân Vị”, xét về nghĩa đen, có thể gây ngộ nhận khi dùng danh xưng đó áp dụng vào Thiên Chúa. (Theo cách chiết tự trong chữ Nho: Nhân ( )=người, Vị ( ) gồm có chữ nhân ( ) và chữ Lập ( ), nghĩa là vị thế, địa vị, “chỗ đứng” của con người trong vũ trụ. Vì Thiên Chúa không phải là người, nên không thể xếp loại cùng ngang hàng với loài người được. Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, nên phải có “chỗ đứng” biệt lập, “KHÁC” và trên hết vạn sự vạn vật, dầu luôn luôn vẫn bao trùm mọi vật mọi loài. Vậy để tránh ngộ nhận và để bảo vệ tính chất siêu việt của Thiên Chúa, thiết tưởng nên dùng danh từ “Nhân Vị” cho loài người, còn danh xưng “Ngôi Vị” dành riêng cho Thực Tại Tuyệt Đối, cho Thiên Chúa, danh từ “Bản Vị” đôi khi dùng chung cho cả hai. Nên nhớ rằng: việc dùng tất cả những ý niệm, những danh từ của loài người, của thế giới tương đối, hữu hạn này để ám chỉ Nguyên Lý Tuyệt Đối, đều là “bất đắc dĩ”, vì bất tương xứng. Do đó, nếu ta gột rửa được tính cách thần-nhân-đồng-hình (anthropomorphism) bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.

b. Ý Niệm về Nhân Vị, Ngôi Vị

Các triết gia Tây phương định nghĩa Nhân Vị, Ngôi Vị (Persona, Person) là: một bản thể cá biệt thuộc loại có trí khôn” (naturae rationalis individua substantia (Boethius)). Loài có trí khôn nghĩa là biết đau khổ, biết hạnh phước và nhất là biết tuân giữ các lề luật (Locke và Kant). Nhân vị là một cá nhân biết suy tư và biết truyền đạt tư tưởng bằng lời nói. Nhân vị là một cá nhân chịu trách nhiệm đối với các hành vi luân lý, tham gia chính trị, cải cách xã hội và là “anh hùng tạo thời thế”. Bởi vậy, ý tưởng “Nhân Vị”, “Ngôi Vị” thường đi đôi với quan niệm về LỊCH SỬ và về Ý CHÍ TỰ DO.

c. Tồn Hữu và Nhân Vị

Theo triết lý, quan niệm về Tồn-Hữu-học (ontology), về Tồn-Hữu (Being), trong căn bản phải đi đôi với ý niệm Nhân vị, Ngôi vị, Bản vị (Personal). Bởi vì “có” thì phải có “cái gì” hoặc “cái gì” “có”, không thể “có” vu vơ, trống không, trống rỗng được! Do đó, Tồn-Hữu phải là Ngôi Vị, và nền tảng sâu xa của Tồn-Hữu chính là Ngôi Vị. Theo ý nghĩa này, chỉ có loài người mới thực sự có “Nhân vị” hoàn hảo, vì có “Hữu-Thể” đầy đủ, nghĩa là có ý chí, tự do, còn các loài khác như động vật, thực vật… chỉ được tham dự vào sự Tồn-Hữu ở các cấp bậc kém hơn. Vì thế mới có câu: “Nhân linh ư vạn vật”, con người cao trọng hơn các loài cầm thú, cỏ cây, sông núi… vì có trí khôn. Còn loài động vật cao hơn loài thực vật, vì được “tham dự” vào sự Tồn Hữu ở một cấp bậc cao hơn, nghĩa là có xúc giác, biết đau đớn… Dầu chiếm được một địa vị cao quí trong vũ trụ, con người vẫn cảm thấy mình là hữu hạn, nhỏ bé đối với trời đất bao la. Do đó, từ cảm nghiệm Bản Thân, tâm trí con người đã vươn lên cõi Siêu Nhiên, đến Một Ngôi Vị Tuyệt Đối, cũng là Tồn-Hữu Tuyệt Đối, làm nguồn gốc cho hết mọi Tồn-Hữu trong vũ trụ càn khôn, kể cả loài người. Tuy là một Nhân vị hữu hạn, tương đối, thuộc loài thụ sinh, nhưng con người luôn cảm tạ Đấng Tối Cao đã ban cho hồng ân, vinh dự được tham gia vào sự Tôn-Hữu Tuyệt Đối, nghĩa là có lý trí và ý chí tự do.(188)

Tuy cũng là một “ngôi vị”, nhưng “Ngôi Vị” của Thiên Chúa hoàn toàn “KHÁC” với nhân vị của loài người. Thần Học Thiên Chúa Giáo vừa chủ trương Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt trên hết mọi sự mọi loài, vừa “ngự trị”, hiện hữu nơi con người và vạn vật, nhưng “PHÂN BIỆT” (distinction), và nhấn mạnh sự “KHÁC BIỆT” giữa Thiên Chúa Siêu Việt và loài thụ sinh. Tuy Thiên Chúa hiện hữu, tồn tại nơi nhân loại, vạn vật, tuy Siêu Việt và Nội Tại luôn đi liền với nhau, nhưng Ngài vẫn là Ngôi Vị “KHÁC” tất cả các ngôi vị khác.

d. Ý Niệm Nhân Vị, Ngôi Vị có Hạn Chế hay Phân Ly NGUYÊN LÝ TUYỆT ĐỐI không?

Theo các thần học gia hay triết gia Thiên Chúa Giáo, ý niệm về Nhân vị, Ngôi vị không phân ly, hạn chế Tồn Hữu (Being) của Thiên Chúa, khác hẳn với thuyết Nhị Nguyên (dualism), phân chia ra hai khởi nguyên căn bản đối lập nhau: một bên là Thiện, bên kia là Ác.

Tín Lý quan trọng nhất và cũng là Mầu Nhiệm cao siêu nhất trong Thiên Chúa giáo, tín điều “Một Thiên Chúa Ba Ngôi” (Trinity, Tam Vị Nhất Thể Thiên Chúa) đã khẳng định rõ ràng về Bản Thể Duy Nhất bất-khả-phân-ly của Hữu Thể Tuyệt Đối, tức Một Thiên Chúa, đồng thời vẫn giữ được sự toàn vẹn của Ba Ngôi Vị: Thiên Chúa Ngôi Cha, Thiên Chúa Ngôi Con, Thiên Chúa Ngôi Thánh Thần. Do đó, đại mầu nhiệm này phi bác tất cả mọi hình thức nhị nguyên được gán cho Thiên Chúa.

3. Phương Thức Phủ Định và Phương Thức Tương Tự

Các nhà thần học và triết học đã dùng hai phương thức suy luận cốt ý để bảo toàn tính cách Siêu Việt Tuyệt Đối của Thiên Chúa: Phương thức Phủ Định và Phương thức Tương Tự. Ở đây chỉ xin tóm lược hai phương thức này đã được giải thích sâu rộng trong Chương Hai.

a. Phương Thức Phủ Định

Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối, Siêu Việt, khác hẳn loài thụ tạo, tương đối thì làm sao ta có thể dùng những sự vật, hình ảnh, danh từ thuộc kinh nghiệm trong thế giới tương đối hữu hình để miêu tả “Đấng Tiêng Liêng,Vô Hình Dung”, một cách tương xứng được? Do đó, để bảo vệ tính cách siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa, các nhà thần học, triết học, thần bí trong Thiên Chúa giáo đã dùng một đường lối “Phủ Định” (via negativa), không phải muốn chối bỏ chính Thực Tại Tuyệt Đối, nhưng chỉ có ý biểu lộ sự bất tương xứng của những danh từ, danh hiệu rút ra từ thế giới tương đối để phác họa những phẩm tính siêu đẳng của Thiên Chúa. Thánh Tôma, nhà thần học trứ danh, cũng cho rằng trí khôn nhân loại không thể nào hiểu biết được bản thể của Thiên Chúa Tuyệt Đối là gì cả. Chúng ta không thể biết được Thiên Chúa là gì, có gì một cách khẳng định, tích cực, nhưng ta có thể nói được Thiên Chúa “không phải là”, “không phải thế”, một cách phủ định, tiêu cực (via negativa), tức là Thần học phủ định (Theologia negativa). Ví dụ: Thiên Chúa là Bất-khả-ngôn (ineffability of God).(189)

b. Phương Thức Tương Tự

Tuy biết là bất-tương-xứng, nhưng các thần học gia, triết gia, thi sĩ, văn sĩ và dân chúng bình dân ưa thích dùng phương thức khẳng định, tích cực (via positiva) để biểu lộ sự cao cả vô biên của Đấng Tối Cao bằng những cách thế, ngôn ngữ của loài thụ sinh. Thánh Tôma và các nhà thần học gọi cách diễn tả này là “Phương Pháp Tương Tự” (analogia entis). Theo cách thức này, ta có thể dùng kinh nghiệm của nhân loại “nói” về Thiên Chúa, nhưng chỉ được hiểu là một cách “tương tự”mà thôi, chứ không phải hoàn toàn “giống y như vậy”. Bởi vì Thiên Chúa, Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối, “KHÁC” với hết mọi loài thụ tạo thuộc thế giới tương đối này, nên tất cả các ý tưởng, hình ảnh, ngôn ngữ…. dùng để mô tả vạn sự vạn vật thì không thể xứng hợp để bàn luận về Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối được! Dầu nhìn nhận là bất xứng và thiếu sót, nhưng các nhà thần học, triết học vẫn cho phương pháp Tương Tự là chính đáng vì hợp với trình độ kiến thức của trí khôn loài người và giúp ta hiểu biết một phần nào (một cách bất toàn) về Bản Tính Siêu Việt của Thiên Chúa. Khi dùng phương pháp Tương Tự để bàn luận về Thiên Chúa, Thánh Tôma khuyên ta luôn thêm vào thành ngư : “et magis”, nghĩa là: “còn hơn thế nữa”. Chẳng hạn, nói rằng: “Đức Chúa Trời là Đấng phép tắc vô cùng” thì chưa đủ mà phải hiểu thêm là “et magis”, “còn hơn thế nữa”, vì lời phát biểu này chẳng qua là cách thức trí khôn hạn hẹp của nhân loại suy luận về Một Đấng Siêu Việt, và ta không còn cách thức nào, danh từ nào khác để diễn tả sự quyền phép cao siêu vô biên là như thế nào. Kỳ thực, Bản Tính Siêu Việt đó vượt trên mọi sự hiểu biết, diễn tả của nhân loại.

4. Nguồn Gốc Quan Niệm Ngôi Vị trong Kinh Thánh

Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước đã mượn những danh từ thuộc loại thần-nhân-đồng-hình (anthropomorphism) nghĩa là dùng những ý nghĩ, tình cảm, hành vi của loài người để ám chỉ theo nghĩa “tương tự” những hoạt động của Thiên Chúa, chẳng hạn như: Thiên Chúa nổi giận và trừng phạt, Ngài tha thứ và ân thưởng, Ngài là Cha, là Vua, là Mục tử… Thiên Chúa cũng mặc khải “Tên” Ngài ra tự xưng là “YaHWeH”, “Ta là Đấng Tự Hữu”. Các vị Thánh ký đã mượn những hình ảnh thuộc nhân loại để diễn tả những phẩm tính của Thiên Chúa để chứng tỏ Ngài không phải là Nguyên Lý trừu tượng, vô tri vô giác của các triết gia suy luận ra, nhưng Ngài là Thiên Chúa Ngôi Vị đã phán bảo cùng Tổ phụ Abraham, Giacob, Maisen,… và các tiên tri (prophet). Đọc Kinh Thánh Cựu Ước, qua dòng lịch sử của dân tộc Do thái, ta nhận thấy “bàn tay” (theo nghĩa ám tỉ) nhân hậu của Thiên Chúa đã an bài và dẫn dắt dân Chúa đến một mục đích là chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai (Messiah) Đấng Cứu Thế sẽ hoàn thành ơn Cứu Độ trong thời Tân Ước.

Trong Kinh Thánh Tân Ước, danh từ hy lạp “Theos” dùng để chỉ Thiên Chúa. Chính danh từ đó đã được các triết gia Hy lạp Plato và Aristotle thanh lọc khỏi nội dung đa thần để trở thành một ý niệm siêu hình, trừu tượng về một Nguyên Lý Tối Thượng của vũ trụ. Khi dùng danh xưng này, Kinh Thánh đã thay vào một nội dung mới để chỉ Một Thiên Chúa Ngôi Vị, Đấng Sáng tạo vũ trụ, Chúa của thời gian, và của lịch sử. Ngài đặt ra luật pháp và luôn luôn giao tiếp, đối thoại với nhân loại qua những lời cầu kinh. Tột điểm của việc mặc khải Thiên Chúa Ngôi Vị chính là việc Thiên Chúa giáng trần, đầu thai nhập thể nơi “Con Người Đấng Cứu Thế “ như lịch sử ghi chép. Sự kiện Nhập Thể giáng thế này chính là để biểu lộ Tình-Yêu-Thương-Vô-Cùng của Một Thiên Chúa Ngôi Vị Siêu Việt (I Jn 4:16).

Thiên Chúa giáo là một tôn giáo độc thần, chỉ tôn thờ Một Vị Thiên Chúa. Bất cứ loài thụ sinh nào, kể cả các bậc thần thánh, mà ta đặt ngang hàng với Ngài, đều coi là thờ ngẫu tượng (idolatry). Tính chất độc thần độc tôn dành riêng cho Thiên Chúa Ngôi Vị được qui định rõ rệt trong việc phụng vụ, tế tự. Do đó, danh xưng “thờ phượng” (adoration,worship) chỉ dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi. Còn các chư Thánh khác, kể cả Đức Bà Maria, thì dùng chữ “tôn kính” (veneration), vì các ngài là loài thụ tạo, tự mình không có quyền năng ban ơn giáng phúc, nhưng các ngài có nhiều công nghiệp và sống đẹp lòng Chúa, nên có thể bầu cử một cách thần thế, đắc lực cho ta.(190)

Nói tóm lại, tuy cũng trong một ý niệm Ngôi Vị, nhân vị, nhưng Ngội Vị Thiên Chúa hoàn toàn “KHÁC” các nhân vị của loài người. Thiên Chúa Giáo nhấn mạnh đến tính cách Siêu Việt (Transcendence) của Thiên Chúa hơn là tính chất Nội Tại (Immanence) của Ngài hiện hữu nơi vạn sự vạn vật, như sẽ bàn luận ở đoạn sau, tuy rằng Siêu Việt và Nội Tại luôn luôn đi liền nhau.

ĐOẠN II . Thiên Chúa Siêu Việt Và Nội Tại

Như trên đã trình bày về những hiểu lầm giữa Tam giáo và Thiên Chúa Giáo khi Đông phương và Tây phương gặp gỡ nhau. Vì thiếu nghiên cứu cẩn thận, thoạt tiên phía Tây phương đã vội phê phán Tam giáo là theo “Nội-Tại đa thần” (pantheistic immanentism), nghĩa là thờ quá nhiều thần phát xuất từ thiên nhiên như cỏ cây, cầm thú và con người, v.v., thiếu ý thức về một Thực Tại Siêu Việt, thiếu niềm tin vào một Vị Chủ Tể càn khôn. Có khi còn bình phẩm là theo thuyết “bất khả tri” (agnosticism), nghĩa là không thể biết chắc được những gì là siêu nhiên, nhưng chỉ có thể biết thực sự những hiện tượng vật chất. Ngược lại, các đạo gia, khi mới tiếp xúc với Thiên Chúa giáo, phê bình Đấng Tạo Hóa trong Kinh Thánh thiếu tính cách siêu việt, vì hành động, tâm tình như một con người biết giận hờn, thịnh nộ, ghen ghét, v.v., theo thuyết “thần-nhân-đồng-hình” (anthropomorphism). Cho đến ngày nay, một số các học giả vẫn “ngại” chấp nhận việc gán cho Thực-Tại Siêu-Việt bất cứ một danh xưng nào như Thượng Đế, Thiên Chúa, v.v., vì sợ làm hạ giá “Nguyên Lý Tuyệt Đối” xuống hạng phàm tục.

Đó là những hiểu lầm của cả hai bên cần phải đánh tan. Kỳ thực, cả hai đều hướng thượng, đều cố gắng vươn lên cõi Siêu Việt, cùng nhìn nhận một Thực-Tại Tuyệt-Đối (Tran-scendent), đồng thời Nguyên-Lý Siêu-Việt đó cũng “ngự trị”, tồn hữu “Nội Tại” (Immanent) nơi vạn sự vạn vật. Sau đây ta sễ tìm hiểu quan niệm thần học của Thiên Chúa Giáo, đặc biệt theo Thánh Tôma, về “Thiên Chúa Siêu Việt” trên hết mọi loài, mọi vật, đồng thời Ngài cũng hiện hữu “Nội Tại” trong mọi vật mọi loài.

A. Thiên Chúa Siêu Việt (Transcendent)

Trước khi bàn luận về đề tài này, cần phân trần cho rõ ràng để tránh ngộ nhận. Trong các sách Giáo lý phổ thông để giảng dạy quần chúng, các tác giả thường dùng ngôn ngữ bình dân, kiểu nói thông thường, mà các nhà thần học như Thánh Tôma… gọi là Phương pháp Khẳng định (via positiva) và Tương Tự (analogia). Kiểu nói này chính đáng, vì ta có thể dùng lý trí tự nhiên để minh chứng Thiên Chúa tồn hữu, hiện hữu và tìm hiểu các phẩm tính của Thiên Chúa như trong sách Giáo lý dạy: “Hỏi: Đức Chúa Trời là Đấng nào? – Thưa: Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất, phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi…” Đây là ngôn ngữ của loài người, trên bình diện tự nhiên, hữu hạn, tương đối. Nhưng khi đề cập đến chính “Yếu Tính Tự Tại” (Essence in Itself), Bản Thể Siêu Tuyệt (Supra-Substan-tiality), hoặc Thần Tính Trác Tuyệt (Eminence of the Deity), trên cấp bậc siêu nhiên, siêu phàm thì ta khó có thể diễn tả một cách tích cực, khẳng định được, nghĩa là ta không thể biết thật sự “Bản Tính” Thiên Chúa “LÀ” gì, nhưng tốt hơn dùng phương pháp phủ định (via negativa) để nói Chúa “KHÔNG LÀ”. Sau đây, sẽ trình bày cách diễn tả theo đường lối phủ định của Thánh Tôma, của Dionysius the Areopagite, và các nhà thần bí (mystics), cốt để bảo vệ tính cách Siêu Việt Tuyệt đối của Thiên Chúa. Do đó, cần phải tìm hiểu ý nghĩa thực sự của những thành ngữ có vẻ nghịch lý, “nghịch nhĩ” như: Thiên Chúa Bất-Khả-Ngôn, Bất-Khả-Tri, Bất-Khả-Đạo, Vô-Hữu, Vô-Danh, Ẩn-Tính…

Thiên Chúa Bất-Khả-Ngôn

Kinh Thánh Cựu Ước xưng tụng Chúa là Vô hình, Bất khả đạo (unknown) và Ẩn tàng. Yahweh phán với Mai Sen: Nhà ngươi không thể thấy Nhan Ta được: vì đừng thấy Ta thì mới sống (Sách Xuất hành 33:20), vì Thiên Chúa là Tuyệt đối thánh thiện vô cùng, còn nhân loại là thuộc thế giới tương đối tội lỗi hèn hạ vô cùng, thì làm sao con người sống nổi khi nhìn thấy Nhan Thánh Chúa mà không chết! Tiên tri Iasia nói: Quả thật Chúa là Thần ẩn danh ẩn tính (a hidden God), Thiên Chúa của Israel, Đấng Cứu Độ (Is 45:15). Trong Tân Ước, Thánh Gioan viết: Thiên Chúa, không ai thấy bao giờ (Gioan 1:18). Thánh Phao lô viết: “Như đã viết: Những điều mắt chẳng hề thấy, tai không hề nghe, và đã không hề nhập tâm nơi một người phàm, những điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Chúa” (1 Cor 2:9).

Theo Thánh Tôma, trí khôn nhân loại không biết Chúa là làm sao, lại cũng không thể biết Chúa được. Chúa là Bất-Khả-Đạo. Ngài viết: “Vậy, vì ta không thể biết Chúa là gì, nhưng chỉ biết Chúa “Không phải” là, bởi đó, ta không có cách nào suy luận xem Chúa như thế nào, nhưng ít ra biết được Chúa “không phải” như vậy” (coi Summa Theologica I, q.3, prologus, I,q,a.7,ad. 1). Tại sao Thánh Tôma lại chủ trương như trên? Ngài phân biệt có hai trình độ về tri thức của con người. Trên cấp bậc tự nhiên, ta có thể dùng trí khôn, lý trí để nhận biết “Có” Đức Chúa Trời và các phẩm tính của Chúa. Nhưng trên cấp bậc siêu nhiên, trí khôn của loài thụ tạo không thể hiểu biết được “Yếu Tính Tự Tại” ở nơi Chúa được. Dầu ta được nâng lên bậc siêu nhiên nhờ Ân Sủng Chúa ban, thì Chúa vẫn là “Bất-Khả-Tri” (unknown), vẫn là Ẩn náu. Vì ta không thể hiểu biết được Bản Tính Siêu Việt của Chúa là gì, không biết xếp Chúa vào “loại” (genus) nào, “hạng” (category) nào, nên không thể định nghĩa Chúa là làm sao. Muốn định nghĩa bất cứ một sự vật gì, ta phải biết xếp loại vật đó và các đặc điểm riêng, ví dụ: thế nào là một mẫu sư (sư tử cái)? Mẫu sư thuộc loại “mèo”, rất dũng mạnh, là động vật bộ nhũ (có vú), không có tóc râu rậm rạp như sư tử (đực), một mình săn mồi làm thịt nuôi sư tử con (sư tử đực không nuôi con)… Do đó, việc định nghĩa Thiên Chúa là điều không thể làm được, vì Chúa không thuộc bất cứ loại nào trong trời đất, trong vũ trụ này, lại không có danh từ, danh xưng nào dùng để đặt tên cho các loài tương đối lại có thể biểu lộ một cách tương xứng với Yếu Tính Siêu Việt của Thiên Chúa. Vì thế, Thánh Tôma và Dionysius mới gọi Chúa là “Bất-Khả-Ngôn”, “Vô Danh” (unnominable). Thánh Tôma cũng giải thích thêm: con người có trí khôn suy nghĩ đi từ thiên nhiên, tạo vật để nhận biết Chúa nhờ phương pháp tích cực, khẳng định gọi là “Phương pháp trác việt” (way of eminence), nghĩa là lấy những cái hiện hữu, những danh từ thông dụng để thăng cao, lý tưởng hóa vươn lên cõi siêu việt vô biên để gán cho Thiên Chúa, chẳng hạn, người ta có thể đặt tên “Chúa” là Chúa, là Thiên Chúa, Thượng Đế, Ông Trời, v.v. Nhưng nên nhớ rằng những tên đó không diễn tả đượcYếu Tính Thần Linh” của Thiên Chúa.

Đại Công Đồng Latêranô phán quyết: “Chúng ta tin vững vàng và tuyên xưng không do dự rằng: chỉ có một Đức Chúa Trời chân thật, vĩnh cửu, vô biên, toàn năng, bất-biến, bất-khả-tri và bất-khả-ngôn” (ineffabilis, coi Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 1994, số 202, 206).

Thiên Chúa là Siêu-Thực Thể

Khi suy luận về Thực Thể, Bản Thể, về Hữu Thể Siêu Việt của Thiên Chúa vượt trên hết mọi loài thụ tạo, tương đối, Dionysius gọi Chúa là “vô-hữu” (non-existent). Và Thánh Tôma cũng chấp nhận kiểu nói đó. Dĩ nhiên, từ ngữ dùng theo kiểu phủ định “vô-hữu”, hay “vô danh”, không có nghĩa là không có gì hết, hoàn toàn hư vô trống rỗng, nhưng chỉ có ý thăng hóa tính cách siêu việt vô hạn của ChúaToàn Năng mà “KHÔNG” một sự vật nào trong vũ trụ tương đối này có thể diễn tả hay so sánh được Xét về yếu tính của sự tồn hữu, hữu thể (esse, being), thì Hữu Thể của Thiên Chúa phải vượt trên hết mọi tồn hữu khác, vì Bản Thể (substance) của Thiên Chúa vượt trên hết mọi bản thể khác. Thiên Chúa là Đấng “Tự-Hữu, Tự-Hữu Tồn Tại, Tự-Lập Tồn Hữu” (subsistent being, suum esse) còn vạn sự vạn vật đều nhờ Chúa mà “có”, đều bởi Chúa mà ra. Sự tồn hữu của loài tương đối thì biến đổi, nay còn mai mất. Con người có giấy khai sinh, khai tử, lúc trẻ lúc già… Còn Thiên Chúa là Siêu-Tồn Hữu (Superesse), vì “Chúa hằng có từ trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.” (Kinh Sáng Danh), nghĩa là Tồn-Hữu của Chúa “đơn thường” (simple), “đơn thuần” (pur), bất biến, vô thủy vô chung, trọn tốt trọn lành vô cùng.

Nói tóm lại, nếu Thánh Tôma gọi Chúa là “Vô-Hữu”, thì không phải là không “Có” Chúa, nhưng cốt ý bày tỏ tính cách siêu việt tuyệt đối của Chúa trên mọi “cái có” của vạn sự vạn vật. Thánh Tôma đã khéo lý luận đi từ phương pháp phủ định (via negativa) chuyển sang phương thức trác việt (via eminentiae) để minh chứng vạn sự vạn vật đều nhờ Chúa mà “có”, nhưng chính Chúa lại “không có” giống như mọi loài, mà là “CÓ” một cách tuyệt hảo.

Các triết gia và các thần học gia như Thánh Tôma đã dùng lý trí, lý luận, đặc biệt đi từ Phương pháp suy luận Phủ định để tiến lên Phương pháp Trác việt, để khẳng định sự HỮU tuyệt vời của Chúa. Khi suy luận để tìm Chân Lý, trí khôn nhân loại cần phải phân biệt, phân tích các sự kiện, các lý lẽ và dùng các kỹ thuật, phương pháp, để thí nghiệm, nghiên cứu. Nhưng kỳ thực, theo nhà thần học Dionysius, sự Trác Việt của Thiên Chúa vượt trên hết mọi phân loại, mọi thứ hạng (categories). Bản Thể đơn thuần của Thần Tính Thiên Chúa “CÓ TRƯỚC” (prior) mọi sự hiện hữu, (being), mọi loài, mọi vật, mọi phân chia ra một/ra nhiều, mọi phân biệt phủ định/khẳng định, mọi hữu hạn/vô hạn, mọi hữu định/vô định. Nói cho cùng lý, Thần Tính Thiên Chúa phải “Có Trước” cả con số “MỘT”, vì đã có một thì phải có hai, đã có hai thì có ba, và như thế thành ra đa tạp. Do đó, Thiên Chúa là Siêu-Duy-Nhất (Super-Unity). Tại sao nhà thần bí Dionysius lại chủ trương như vậy? Tới đây ta mới lĩnh hội được ý nghĩa sâu xa của suy luận này, vì nó giúp ta nhìn nhận “CÓ” một trật tự siêu nhiên về các Chân Lý Siêu Nhiên mà trí khôn nhân loại không thể suy luận khám phá ra được. Bởi vậy, cần phải chính Thiên Chúa “Mặc Khải” (Revelation) những Chân Lý Siêu Nhiên đó cho loài người.

Sự ĐỒNG NHẤT Tuyệt đối nơi Thần Tính Trác Việt của Thiên Chúa

Thánh Tôma coi mọi hình thức của Nhị-Nguyên (duality), nghĩa là phân chia ra chủ-thể (subject) và đối-tượng hay khách-thể (object) là khuyết điểm, bất hoàn toàn, là thuộc tiềm năng (potentiality). Tại sao vậy? Vì trí khôn nhân loại hạn hẹp không thể tức khắc thấu triệt một vấn đề được, nên cần phân biệt chủ thể là người suy tư với các quan niệm, ý kiến, và đối tượng là những sự vật để nghiên cứu, chẳng hạn các nhà bác học quan sát, phân loại các sự vật trong thiên nhiên, đặt ra các giả thiết, rồi thí nghiệm sửa đổi nhiều lần thành các định lý khoa học. Khi muốn tự kiểm thảo, tự vấn lương tâm hay tự xét mình, con người như tự tách biệt nội tâm của ta ra: một bên ta là “chủ thể” chủ nhiệm, và như đẩy xa ra bên kia đời sống của ta để có thể nhìn rõ các tư tưởng, lời nói, hành vi cử chỉ về dĩ vãng, hiện tại và các dự phóng về tương lai, xét về nhiều phương diện khác nhau như học hỏi, hành nghề, tài chánh, v.v. Ta cần xem xét về nhiều khía cạnh như vậy, may ra mới có thể thấu triệt vấn đề.

Thiên Chúa là Động-Lực Thuần-Nhiên (Actus Purus, Pure Act), nghĩa là vô cùng hoàn hảo, vĩnh cửu, tuyệt đối, là loại trừ tiềm-lực chưa được hiển hiện ra, không cần phát triển thêm gì nữa. Đó là định nghĩa của Thánh Tôma về Bản Tính Thiên Chúa. Trái lại, các tồn hữu khác như nhân loại, cầm thú, cỏ cây chỉ là Tiềm-Năng (potentiality, potentia), nghĩa là bất toàn, mới có tiềm lực mà thôi nên cần phát triển các tài năng thêm lên mãi, thay đổi từ trạng thái này sang tình huống khác.

Theo quan điểm của các thần học gia theo học thuyết Thánh Tôma, thì có hai ý kiến về Bản Tính Thiên Chúa: Chúa là Tồn-Hữu Tự-Lập (self-subsistent being, Ipsum esse subsistens), nghĩa là Chúa tự mình mà có, vì Chúa là nguyên nhân của mọi sự hiện hữu, và mọi sự tồn tại trong Chúa. Chúa là Trí-Lực Tự-Lập (self-subsistent Intellection, Ipsum intelligere subsistens), nghĩa là Chúa tự hiểu biết chính mình, vì nơi Chúa không phân chia chủ thể và đối tượng, không có gì là tiềm năng, nhưng là Động-Lực Thuần Nhiên, nên Trí-Lực của Chúa và đối tượng cũng là một. Chúa hiểu biết Mình qua chính Mình. Chúa biết Mình qua Bản-Tính (essence) Mình, và Bản-Tính Chúa là Tồn-Hữu (existence) Chúa. Do đó, Trí-Lực (intellect) Chúa là Động-Lực Thuần-Tuý (pur Act) về hiểu biết, nghĩa là Chúa hiểu biết chính Mình một cách minh nhiên, vì mọi sự “hiển hiện” rõ ràng lập tức, vượt không gian thời gian, không phân biệt dĩ vãng, hiện tại, tương lai. Trong Chúa không có gì là phức tạp, nhưng Đơn-Thuần, vì trong Chúa, không có phân biệt: Trí-Lực Chúa, sự hiểu biết và muôn loài có thể hiểu biết được, vì hết thảy những điều đó chẳng qua là chính Bản-Tính Chúa (His essence) mà thôi. Bởi vậy, theo Thánh Tôma, Bản-Tính-đối tượng và Trí-Lực-chủ thể hoàn toàn đồng-nhất làm một ở nơi Chúa. Nơi Chúa Ý Chí hay Ý Muốn (will), và Tình Thương (Love) của Chúa cũng là Thượng Trí, Khôn Ngoan của Chúa và cũng là Bản Tính của Chúa: tất cả đều tuyệt đối đồng nhất, không phân biệt Ý Chí tách khỏi Trí-Lực và Bản-Tính. Do đó, sự Khôn-Ngoan (tức Trí-Lực) của Chúa, đồng thời cũng là Bác-Ái (Ý Chí) của Chúa.

Thánh Gioan, người môn đệ Chúa yêu, đã được gục đầu bên Trái Tim Chúa và cũng là nhà thần bí đã cảm nghiệm được mầu nhiệm của Tình Yêu, nên đã viết: “Thiên Chúa là Tình Thương” (I Gioan 4:8). Tại sao vậy? Việt nam có câu “vô tri bất mộ” (không biết thì không mến). Nơi tâm lý con người, chỉ khi nào ta biết được giá trị, và sự tốt đẹp của một vật, chẳng hạn, một bông hoa, thì mới phát sinh lòng yêu thích muốn hái lấy để thưởng thức. Nơi bản tính nhân loại có sự phân biệt bông hoa (khách thể) và người ngắm hoa (chủ thể). Nhưng nơi Bản Thể Tuyệt Hảo Đơn Thuần của Thiên Chúa thì khác. Nơi Chúa không phân chia chủ thể/đối tượng. Nơi Chúa, Ý Muốn không phân biệt với Thượng Trí, không khác với Bản Tính. Sự Khôn Ngoan Thượng Trí vô hạn của Chúa Hiểu Biết chính Bản Tính vô cùng hoàn hảo của chính Mình, thì đồng thời cũng phát sinh Tình Bác Ái vô biên. Do đó, Chúa không thể không Yêu Mến được, vì Bản Tính Chúa là Yêu Thương, là Thiện Hảo vô cùng! Tương tự như chén nước đầy tràn, sự Thiện Hảo tự nó lan tràn ra chung quanh (Bonum sui diffusivum), nghĩa là vì Chúa Yêu Mến vô cùng, nên Tình Bác Ái đó tràn lan xuống cho nhân loại và vạn sự vạn vật trong vũ trụ này để mọi tạo vật được hưởng nhờ vào sự Thiện Hảo của Chúa.(191)

B. Thiên Chúa Nội Tại (Immanent)

Thần học Công Giáo chủ trương Thiên Chúa vừa Siêu-Việt vừa Nội Tại, vì Nội Tại của Chúa là hậu quả đi liền với Siêu-Việt của Chúa. Tại sao? Bởi vì, nếu Chúa không hiện diện nơi vạn sự vạn vật (Nội Tại), thì sự Siêu-Việt của Chúa bị hạn chế và hậu quả là Chúa không còn là quyền năng Tuyệt-Đối nữa mà chỉ là tương đối. Chúa là Siêu-Việt, nên hậu quả là Chúa bất-khả-tri, và bất-khả-ngôn, nhưng đồng thời Chúa cũng hiện hữu thâm sâu “Nội Tại” trong mọi loài thụ tạo, đặc biệt trong các Linh-Hồn. Do đó, có thể gặp được Chúa trong nơi thâm cung của Linh Hồn.

Theo Thánh Tôma, ta sẽ bàn luận về Thiên Chúa Nội Tại, vì hai lý do:

1. Thiên Chúa Toàn Tại, hay Chúa ở khắp mọi nơi

2. Cách thế đặc biệt Chúa hiện hữu nơi tạo vật có trí khôn

1. Thiên Chúa Toàn Tại, Ở Khắp Mọi Nơi

Thánh Kinh gọi Chúa là “Đấng Ẩn Náu” (Hidden God), nên các Thánh Giáo Phụ như Thánh Âucơtinh, Grêgôriô, Hilariô,… chủ trương rằng: công cuộc “khám phá” đi tìm gặp Chúa là trở về với nội tâm của từng người. Thánh Tôma cũng viết: “Chúa ở trong vạn sự vạn vật và ở nơi sâu thẳm của mỗi loài”. Tại sao? Vì vạn vật được tham dự vào Bản Thể của Chúa, và sự vật nào tham gia càng nhiều vào Bản Thể Chúa thì Chúa ngự trị càng mật thiết hơn.

Thánh Bônaventura, Thầy dạy của Thánh Tôma, đưa ra hai lý do để biện minh tại sao Chúa hiện diện nơi vạn vật: “một phần, vì Chúa Hoàn Hảo vô cùng, phần khác, vì vạn sự vạn vật nghèo nàn. Chúa bao la bát ngát vô biên, quyền thế vô cùng, và trên hết vì lý do: Chúa Đơn Thuần vô cùng, không bị giới hạn, hạn chế: vì mênh mông bát ngát, nên gặp thấy nơi mọi sự mọi loài. Vì Đơn Thuần tuyệt đối nên cũng quyền năng vô hạn và Chúa có quyền năng trên muôn loài: và quyền năng Chúa và bản thể Chúa cũng là một: do đó, Chúa phải ngự trị nơi vạn sự vạn vật”.

Thiên Chúa phải hiện diện nơi loài thụ tạo, vì chúng không phải là “động lực thuần nhiên”, nhưng là “ngẫu nhiên” (contingent), lúc có lúc không, nên cần Chúa nâng đỡ, phù trì luôn thì mới tồn tại được. Do đó, Chúa hiện diện nơi vạn vật như là nguyên nhân chủ động (efficient cause) của vạn vật.

Thánh Bonaventura dùng hình ảnh “quả cầu tròn” để cắt nghĩa ý nghĩa Chúa “Toàn Tại” vì Chúa Đơn Thuần vô cùng: “Vì Chúa Đơn Thuần và rộng lớn vô cùng, nên cái toàn thể ở trong mọi sự và cái toàn thể ở ngoài mọi sự, và vì thế, có thể tưởng tượng như quả cầu tròn, mà tâm điểm ở khắp nơi và chu vi thì không biết ở đâu. Vì Chúa là Động Lực hiển hiện và bất biến tuyệt đối, luôn bền vững không lay chuyển nhưng làm cho vũ trụ vận hành. Vì Chúa là hoàn hảo và bao la vô cùng, nên Chúa ở trong mọi vật mà không bị bao gồm trong đó; Chúa ở ngoài mọi vật mà không phải bị loại ra ngoài; Chúa cao trên hơn mọi vật mà không xa vời; Chúa ở dưới mọi vật mà không phải nằm liệt. Vì Chúa là Duy Nhất Tuyệt Trác và gồm đủ mọi dạng thức, nên Chúa là mọi sự trong mọi sự: vạn vật thì đa tạp nhưng Chúa chỉ là Một: đúng vậy, vì Chúa là Duy Nhất Đơn Thuần vô cùng, là Chân Lý trong sáng vô biên, và là Thiện Hảo chân thành vô tận, nên mọi thông truyền, giao kết đều ở trong Chúa, vì lý do đó “mà vạn sự vạn vật có là “nhờ Chúa, bởi Chúa và trong Chúa” (Rom II:36).

Thánh Tôma cũng biết biểu tượng “quả cầu tròn”, nhưng Ngài giải thích về sự Nội tại của Chúa nơi thụ tạo như sau: Chúa hiện hữu mật thiết nơi vạn sự vạn vật, không phải là thành phần của bản thể của những vật đó, hay là phụ thể, ngẫu nhiên (accident), nhưng là Vị Chủ động (agent) hiện hữu nơi vạn hữu để tác động trên chúng. Chúa Siêu Việt nhưng đồng thời cũng Nội Tại trong muôn loài vì Chúa là Nguyên Nhân ban sự hiện hữu cho chúng, vì chúng “” là nhờ Chúa:” Chúa vượt trên mọi sự vì Bản Thể Trác Tuyệt, nhưng Chúa ngự trị trong muôn loài vì Chúa là Cội Nguồn của tồn hữu vạn vật”. Chúa ngự trị nơi các vật thụ tạo vì chúng không tự mình mà “có” được và cũng không thể tiếp tục tồn hữu nếu không có Chúa hoạt động và hỗ trợ để chúng tồn tại. Chúa luôn bao bọc che chở chúng, và vì vậy, có thể nói mọi sự mọi vật tồn hữu trong Chúa. Thánh Tôma cũng dùng biểu tượng “nét mặt và gương soi”, để sánh ví giúp ta tìm hiểu sự hiện diện của Chúa trong vạn vật: một khuôn mặt mà chiếu ra nhiều “hình “ trên những tấm gương khác nhau, nhưng cũng bởi một khuôn mặt mà thôi. Cũng vậy, người ta thì “bá nhân bá tính”, mỗi người tin một khác, nhưng đã là “người” thì ai cũng đồng ý về những nguyên lý căn bản siêu hình hay thực hành như: nhân loại có lý trí, hiểu biết, tình yêu..Đó là những “hình ảnh “ của Chân Lý Tuyệt Đối phản chiếu một cách phổ quát nơi tâm trí nhân loại. Do đó, Kinh Thánh mặc khải cho biết :con người toàn vẹn gồm xác và hồn là “hình ảnh của Thiên Chúa” (Sáng Thế. 1:26..), vì Chúa cho con người cộng tác và cai quản vũ trụ: “Nhân linh ư vạn vật”. Thánh Tôma giải nghĩa thêm: Hình ảnh chỉ là sự bắt chước một vật nào đó, bản chất của hình ảnh không ngang hàng với chính con người, hay vật đó. Bởi vậy, con người chỉ là hình ảnh, là “tương tự” (similitudo, likeness)bất toàn về sự hoàn hảo vô cùng của Chúa. Con người không phải là Chúa, không ngang hàng bằng Chúa, nhưng chỉ là”hình ảnh Chúa”mà thôi! Cũng có thể dùng một kiểu sánh ví khác, giúp ta hiểu về mối tương quan giữa Chúa và nhân loại, ví dụ: trăng sáng chiếu xuống trăm nghìn mặt nước như biển, sông, hồ…tạo thành muôn nghìn hình “mặt trăng “ giống nhau, nhưng cũng chỉ có một trăng rầm mà thôi!

2. Mọi loài Thụ Tạo Tham Dự vào Bản Thể Thiên Chúa bằng nhiều cách thức khác nhau.

Việc Chúa hiện diện nơi vạn sự vạn vật, hay mọi loài thụ tạo “tham dự” (participation) vào Bản Thể Chúa, theo Thánh Tôma, thì có nhiều cách thức khác nhau, trên bình diện tự nhiên. Thực ra, chỉ có loài có trí khôn, mới đáng được gọi là “hình ảnh” của Chúa; nhưng loài không có trí khôn, cũng có thể là “hình ảnh” của Chúa, vì chúng cũng “tham dự” vào sự “giống” Chúa, một phần nào, tùy theo cấp bậc của chúng. Xét về lý do tồn hữu (sub ratione entis), thì Chúa là Tồn Hữu Tuyệt Đối, Hoàn Hảo, còn sự tồn hữu của mọi loài thụ tạo chỉ là bất toàn, nhưng chúng cũng có một mối “tương tự” với Chúa, nghĩa là Chúa “CÓ”, và vạn vật cũng “có”, nên hết thảy đều được tham gia một phần nào, với một cấp độ nào, vào hình ảnh của Chúa. Xét về lý do sự sống (sub ratione vitae), tất cả các sinh vật đều được tham dự vào sự “tương tự”, là hình ảnh Chúa, vì chúng cũng có sự sống. Xét về lý do sự khôn ngoan (sub ratione sapientiae), loài có trí khôn đều được tham gia vào sự tương tự với Chúa, vì chúng có lý trí. Thực ra, chỉ có loài người có trí khôn mới đáng gọi là “hình ảnh của Chúa”.

3. Loài có Trí Khôn Tham Dự vào Bản Thể Thiên Chúa bằng những cách thức nào?

Theo Thánh Tôma, loài người có trí khôn được tham dự vào sự tương tự với Chúa, là hình ảnh Chúa bằng ba cách thế: một là, theo khuynh hướng tự nhiên, con người có thể hiểu biết và yêu mến Chúa được, đó là yếu tính của lý trí con người: đã là người thì ai cũng có khả năng ấy; hai là, dầu một cách bất toàn, con người hiện tại, thường vẫn hiểu biết và yêu mến Chúa; do đó, con người là hình ảnh Chúa vì con người cố gắng thuận theo Ân Sủng Chúa ban; ba là, con người biết và yêu mến Chúa một cách hoàn hảo: đó là con người được tham dự vào hình ảnh vinh quang của Chúa

Ta nên chú ý đến quan niệm thần học của Thánh Tôma về sự Cứu Độ, đã ảnh hưởng đến các giáo thuyết hiện đại về “tự do tôn giáo và giá trị của các tôn giáo ngoài-Thiên Chúa Giáo. Đó là “Học Thuyết Thánh Tôma về Siêu Việt” (Transcendental Thomism). Theo học thuyết này, Chúa hành động trong vũ trụ này qua các “đệ nhị nguyên nhân” (secondary causes), tức là các loài thụ tạo. Chúa là Đệ Nhất Nguyên Nhân (First Cause, Prima Causa), là Đệ Nhất Tác Nhân (First Agent, Primum Agens), nhưng Chúa không trực tiếp”can thiệp” vào thế giới này, theo nghĩa Chúa làm ngưng trệ hay sửa đổi sự vận chuyển, vận hành bình thường của các biến cố trong vũ trụ. Là “Nguyên -Động-Lực, Chúa “can dự” vào loài thụ tạo, theo nghĩa Chúa “hiện diện” ngay từ lúc khởi thủy nơi vũ trụ, và vũ trụ luôn qui hướng về Chúa rồi. Do đó, mọi hành động của con người được hoàn toàn tự do, nhưng đồng thời tự căn bản chúng đã bắt nguồn nơi Ân Sủng, hay sự hiện diện của Chúa. Theo học thuyết này, trên bình diện tự nhiên, (không có Ân Sủng siêu nhiên mà Chúa tự ý ban), con người “đã cókhả năng để nhận biết và yêu mến Chúa rồi, vì đấy là khuynh hướng tự nhiên,nơi bản tính con người. Thánh Tôma gọi khả năng đó là “Tiềm Năng Phục Tùng” (potentia obedientialis, obediential potency), nghĩa là từ trong căn bản, con người cởi mở, hướng về và có thể tiếp nhận Ân Sủng siêu nhiên. Tại sao gọi là “phục tùng” vâng lời ? Vì con người không có quyền khiếu nại, đòi buộc Chúa, nhưng phải tùng phục tùy Chúa ban thì mới tiếp nhận được. Cái “tiềm năng căn bản” đó, nhà thần học nổi tiếng thế kỷ 20, Karl Rahner (1904-1984) đặt tên là”tồn tại siêu việt” (supernatural existential), nghĩa là sự biến đổi thường xuyên nơi đời sống con người (existential) nơi thâm tâm con người, nhờ đó, con người được cải hóa từ nội tâm để qui hướng về Thiên Chúa (supernatural). Đây không phải là chính Ân Sủng, nhưng mới chỉ là “lời mời”để cung cấp Ân Sủng mà thôi, vì con người có thể tự do tiếp nhận hay từ chối Ân Sủng. Danh từ Ân Sủng (gratia, grace) các nhà thần học dùng để chỉ Thiên Chúa”Tự-Thông -Truyền chính Mình” (Self-Communication), như một Ân Huệ để nhân loại được nên thánh thiện, công chính, và được hạnh phúc trường sinh bất diệt. Ân Sủng hay sự Tự-Thông-Truyền này là một hành vi tuyệt đối tự do của Chúa ban cho loài thụ tạo hữu hạn, vì Chúa là Tình Yêu Thương vô biên (1 Gioan 4:8) tràn ra. Tự “bản tính tự nhiên” (nature), con người không có quyền đòi hỏi Ân Sủng siêu nhiên đó

Nói tóm lại, các thần học gia theo Học thuyết Thánh Tôma về Siêu Việt muốn nhấn mạnh về hai điểm: một là, Ân Sủng là một Hồng Ân Chúa hoàn toàn tự ý ban cho, vì Tình Yêu vô biên và vì Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa giáng thế làm Người, tự bản tính tự nhiên, nhân loại không có quyền đòi hỏi; hai là, Thiên Chúa cũng tạo dựng bản tính con người, tự trong căn tính đã có sẵn tiềm năng hướng về sự hiểu biết và yêu mến Chúa. Do đó, mỗi người đều có “tiềm năng căn bản “ đó, và rất nhiều người, có thể hầu hết đã “hiện thực” (actualized) tiềm năng ấy, bằng cách tiếp nhận Ân Sủng. Cũng vì lý do đó, có ý kiến cho rằng: mọi người, dầu ở ngoài Đạo Mặc Khải (Thiên Chúa Giáo), cũng có thể nhận biết và yêu mến Chúa vì “Chúa đã hiện hữu trong tâm trí họ rồi” (graced nature)

4. Thiên Chúa Hiện Diện cách Đặc Biệt nơi Loài có Trí Khôn

Như trên đã trình bày quan niệm thần học của Học thuyết Thánh Tôma về Siêu việt, thành ngữ “Tồn tại Siêu việt (supernatural existential) cũng có nghĩa là Thiên Chúa vừa Siêu Việt trên vạn vật, đồng thời Tồn Hữu nơi mọi loài

Theo Thánh Tôma, có ba cách thức Chúa kết hiệp(mode of union): một là, trên bình diện tự nhiên, đối với hết mọi loài, Chúa ở trong chúng bằng bản tính tự nhiên(nature), nghĩa là bằng uy quyền, hiện hữu và yếu tính; hai là, đối với các vị thánh nhân, Chúa kết hiệp bằng Ân Điển; ba là, Chúa kết hiệp nơi Chúa Cứu Thế bằng cách thế độc nhất, các thần học gia đặt tên là “Nhiệm-Hiệp” (hypostatic union)

Xét theo phương diện “tương tự” (secundum similitudi-nem), vì Chúa là Thiện Hảo vô cùng, bởi vậy, hễ vật nào là tốt lành, thiện hảo, thì “giống như “ được chung phần vào sự Thiện Hảo của Chúa: Chúa ở trong những vật ấy bằng yếu tính, hiện hữu và uy quyền. Đây là cách thế chung cho mọi loài, trên bình diện tự nhiên. Chúa hiện diện nơi vạn vật bằng yếu tính(essence), vì uy quyền của Chúa đồng nhất với Yếu Tính của Chúa; Chúa hiện diện nơi vạn vật bằng hiện hữu (presence), vì Chúa đang hoạt động nơi vạn vật như Tác nhân, và bằng một cách nào đó, tác nhân phải hiện diện nơi công trình của họ; Chúa hiện diện nơi vạn vật bằng uy quyền(po wer), vì uy quyền Chúa bảo toàn cho muôn loài tiếp tục hoạt động.

Xét về phương diện Thực Thể (secundum substantiam), đây mới là cách thế đặc biệt Chúa hiện hữu nơi linh hồn các thánh nhân bằng Ân Sủng, trên bình diện siêu nhiên (supernatural order). Đối với linh hồn các thánh nhân, Chúa hiện diện, chẳng những vì “tương tự” mà thôi, nghĩa là bằng tác động; nhưng bằng đức tin và bác ái nữa.

Xét về phương diện Tồn Hữu (secundum esse, being). Không những Chúa chỉ tác động, nhưng kết hiệp bằng “Tồn Hữu”. Trong cách thức này, Chúa ở trong Chúa Cứu Thế, gọi là “Nhiệm Hiệp” (hypostatic union). Đây cũng là cách thế chung cục về sự hiện diện của Chúa

Nhà thần học Cajetan (1469-1534) đã viết một sách chú giải về bộ Summa Theologica của Thánh Tôma, cũng chủ trương: Chúa hiện diện nơi mọi tạo vật một cách tổng quát, vì Chúa là nguyên nhân chủ động, thành sự, hữu hiệu (effective) trên mọi loài mọi vật; còn nơi các thánh nhân thì Chúa là đối tượng (objective) của sự nhận biết và yêu mến, nhờ Ân Sủng Chúa ban cho. Do đó, lý do chính của cách thức đặc biệt Chúa ngự trị trong linh hồn các thánh nhân là nhờ Ân Sủng Thánh Hóa (Sanctifying Grace), các ngài đã chiếm hữu, hưởng thụ, và cảm nghiệm được Chúa.Trong cách thế đặc biệt này, linh hồn như chứng nghiệm (experimental) thấy Chúa là đối tượng đáng hiểu biết, đáng hưởng thụ (ut objectum experimentaliter cognoscibile et fruibile) .Bởi vậy, Chúa hiện diện một cách chân thực trong linh hồn người công chính, tuy sự cảm nghiệm này có thật, như thể linh hồn được “chạm” tới Chúa( quodam experimentali tactu) nhưng cảm nghiệm này vẫn còn tối mờ, chẳng khác nào như khi ta biết được có linh hồn, nhưng chưa nhìn thấy linh hồn.

Sự nhận thức do chứng nghiệm được Chúa ngự trong linh hồn là sự nhận thức bởi đức Tin, nhưng cũng bởi ân huệ khôn ngoan Chúa ban, như là một thứ “vị giác”, (tasting), và là cảm nghiệm thấy Chúa trong nội tâm; sự khôn ngoan này phát xuất từ sự kết hiệp và sự đồng-bản-tính (connaturality) với Chúa( ex quadam intima experientia divinorum). Đây là cảm nghiệm về chính Chúa, và linh hồn được kết hợp với Chúa, nhờ sự đồng-bản- tính nào đó(a certain connaturarity) với Chúa là nguyên lý ban sinh lực cho đời sống, bây giờ và từ trước, vẫn là sự sống của sự sống chúng ta, linh hồn của linh hồn chúng ta (tamquam vivificante nos, sicut si esset vita vitae nostrae et anima animae nostrae). Chính cách thức đặc biệt Chúa ngự trị trong linh hồn người công chính, gọi là “Đền ThờChúa Thánh Thần (indwelling of the Holy Spirit).(192)

ĐOẠN III . Thiên Chúa Tạo Hóa

Gọi là Thiên Chúa Giáo, vì Đạo này tin vào một Vị Chúa Tể tạo dựng vũ trụ càn khôn, và cũng xác nhận: vũ trụ này có một khởi thủy và một cứu cánh

Giáo thuyết sáng tạo được diễn tả trong Kinh Thánh Cựu Ước, bộ Ngũ Kinh (pentateuque) gồm năm quyển; quyển đầu là Sách Sáng Thế (Genesis). Ở đây, không chủ ý chú giải Sách Sáng Thế theo phương pháp khoa học Kinh Thánh, hay theo thuyết biến hóa (evolutionism), nhưng chỉ đứng về phương diện triết học, thần học, rút ra những nguyên lý làm nền tảng cho niềm Tin vào một Đấng Tạo Thành vũ trụ càn khôn. Ta sẽ lần lượt trình bày:

1. Sáng tạo từ Hư vô, sáng tạo bằng “Lời”.

2. Thuyết Sáng tạo đặt căn bản trên quan niệm Bản vị, nhân vị.

3. Cứu cánh của vũ trụ được tạo dựng là qui hướng về Chúa Cứu Thế.

1. Thiên Chúa sáng tạo từ Hư vô, sáng tạo bằng “Lời”. Tính chất thiêng liêng siêu việt của công cuộc tạo thành được biểu lộ trong quan niệm “Sáng Tạo từ Hư Vô” (creatio ex nihilo). Thành ngữ này xuất hiện trong Kinh Thánh Cựu Ước, sách II. Macabê, 7:28: “Hỡi con, mẹ xin con hãy ngước nhìn trời đất mà xem tất cả mọi sự vật trong đó, và hãy biết rằng Thiên Chúa đã làm ra chúng, không phải do vật gì đã có trước và về loài người thì cũng như thế”. Quan niệm “Tạo dựng từ Hư Vô” biểu lộ uy quyền tuyệt đối, siêu việt của “Lời” Thiên Chúa.

Theo Kinh Thánh và chú giải của thần học thì việc tạo dựng vũ trụ do “LỜI” (Verbum, Logos, Word) uy quyền vô biên của Đấng Tạo Hóa: “Thiên Chúa Phán một Lời: “Hãy có ánh sáng, và ánh sáng có… (Sáng thế ký, Genesis 1:3). Dĩ nhiên, “Lời” của Chúa chỉ quyền năng, sức mạnh vô biên của Đấng Tạo Hóa, khác với lời nói của nhân loại. Lời của Chúa phát ra bởi một Ngôi Vị Siêu Việt, khác với lời nói của người phàm. Hơn nữa, quan niệm sáng tạo vũ trụ bằng Lời biểu thị sự linh thiêng cao cả của Thiên Chúa, nghĩa là Ngài không cần phải “nhúng tay vào bùn đất” để nhào nặn nên những hình thù của loài thụ tạo. Sức mạnh và uy quyền của “Lời” khiến muôn vật tồn hữu, hiện hữu mà Ngài vẫn là Chúa Siêu Việt trên hết mọi loài. Không có “LỜI” thì không có vạn sự vạn vật ( Gioan 1:3) .

2. Thuyết Sáng tạo đặt căn bản trên quan niệm Bản vị, nhân vị. Mặt khác, quan niệm về “Lời” Thiên Chúa dẫn đến ý niệm Thiên Chúa là Ngôi Vị, vì bản thể của Lời là một Ngôi Vị. Dĩ nhiên, Lời của Chúa có quyền năng vô cùng, nên “khi Chúa phán một Lời thì liền có trời đất”, nghĩa là lúc đó vạn sự vạn vật phát xuất bởi “Lời”, và đều qui hướng về Nguyên Thủy là Thiên Chúa Ngôi Vị. Do đó, Ngôi Vị Thiên Chúa được phản ánh trên tất cả các loài thụ tạo. Vì lý thuyết về sáng tạo đặt căn bản trên quan niệm ngôi vị, nên Sáng tạo và Ngôi vị đi liền nhau cũng như tồn hữu đi đôi với ngôi vị. Cũng như đồ vật “có” là bởi có “ai” đó” làm ra, nó không thể “tự nhiên”, bỗng nhiên mà “có” được. Đi từ vật nhỏ mọn, tầm thường trước mắt, rồi suy rộng ra vũ trụ càn khôn thì cũng “tương tự” như vậy. Bởi vậy, vũ trụ này “có” là do bởi một Ngôi Vị Tuyệt Đối đã tạo thành nên nó.

Dĩ nhiên, Thiên Chúa là bất-khả-ngôn, vì Ngài là Thực Tại Tuyệt Đối, ta không thể hiểu, không tài nào diễn tả được Bản Tính của Chúa. Ta cũng không thể hiểu được công việc sáng tạo vũ trụ của Ngài nữa! Vũ trụ này vẫn là một huyền bí, không thể thấu triệt được. Do đó, khi đọc Kinh Thánh, ta thấy Thiên Chúa được sánh ví như “ông thợ gốm”, như “bác thợ mộc”,… thì phải hiểu một cách “tương tự” với những hành động của nhân loại. Thật sự, sự tồn hữu và hành động của Đấng Tạo Hóa là độc nhất vô nhị, khác với sự tồn hữu và hành động của loài người. Tất cả những lý luận triết học, thần học, những ý tưởng, hình ảnh hay ngôn từ để diễn tả về Thiên Chúa đều phải hiểu một cách tương tự mà thôi! Nếu nói Thiên Chúa là Nguyên Thủy, là Nguyên Do đệ nhất (prima causa) của vũ trụ càn khôn, thì cũng phải hiểu theo nghĩa tương tự.

Theo quan điểm triết lý của nhà sinh-vật-học Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955), vì vũ trụ là phản ảnh của một Ngôi Vị Siêu Việt, nên vũ trụ cũng mặc lấy ít nhiều nét ngôi vị của Ngôi Vị Tuyệt Đối ấy. Tính chất ngôi vị thấm nhuần vào trong tạo vật do Đấng Tạo Hóa tác thành. Tuy cũng là tạo vật, nhưng chỉ nhân loại mới có tính chất nhân vị đầy đủ hơn các loài thụ tạo khác: “Nhân linh ư vạn vật”. Trong hai cuốn sách “Le Phenomène humain” (1938-40) và Le Milieu divin (1957), Teilhard de Chardin đã có thể dung hòa hai quan niệm về tâm linh: một la, quan niệm Đạo lý Đông Phương chủ trương “Vạn vật đồng nhất”, nghĩa là cái “tôi” đã mất để đồng nhất với vũ trụ thành một thực thể vô-bản-vị (impersonal); hai là, quan điểm Ngôi Vị Tây Phương, đặc biệt của Thiên Chúa Giáo nhấn mạnh: vũ trụ vạn vật phải qui hướng về Thiên Chúa, về Chúa Cứu Thế (Christocentrism) là Ngôi Vị Thiên Chúa và là Tâm Điểm, Tột Điểm của đời sống.

Đối với Teilhard de Chardin, vũ trụ này là một vũ trụ có “bản vị” và là vũ trụ đang trở thành bản vị (a personal Universe and a personalizing Universe). Bởi lẽ “vũ trụ rất mênh mông bát ngát, chúng ta sẽ bị lạc mất nếu vũ trụ không qui tụ về một Bản Vị, Ngôi Vị”. Tất cả vũ trụ này đồng qui về một mối, nhưng cái mối đồng nhất đó không phải là “bến bờ vô hạn”, không phải là mông lung mờ mịt, nhưng mối đó là một Ngôi Vị Tuyệt Đỉnh. “Thiên Chúa đã tự mặc khải ở mọi nơi như là “cảnh vực bao la bát ngát” chỉ vì Chúa là “Cực Điểm” (Ultimate Point) mà mọi tạo vật phải qui tụ về”. Cảnh vực thần linh (le Milieu divin) bao la bát ngát tới đâu, thật sự, vẫn cần phải có một Tâm Điểm. Và theo Teilhard de Chardin, Tâm Điểm của vũ trụ chính là Chúa Cứu Thế, “Ngôi Lời của Thiên Chúa (Verbum Dei). (193)

3. Vũ trụ Đồng Qui về một mối là Chúa Cứu Thế. Đối với Teilhard de Chardin, quan niệm “vạn vật đồng nhất” của Đông Phương và quan niệm “vũ trụ bản vị, ngôi vị” không mâu thuẫn nhau. Tính chất bản vị của vũ trụ đặt nền tảng nơi Đấng Tạo Hóa, là Ngôi Vị Tuyệt Đối. Chính Thực Thể Tuyệt Đối đó đã ban cho mỗi loài được có một bản vị, còn Thiên Chúa là Một Siêu-Đẳng-Ngôi-Vị. Qua tác phẩm của nhà cổ-sinh-vật-học (paleontologist) đã thực hiện những công trình khảo cổ tại Trung Hoa, ta nhận thấy tư tưởng này: Vũ trụ đang biến hóa theo chiều hướng bản-vị-hóa. Nhân loại và vũ trụ được bản-vị- hóa đang đồng qui về “một mối đồng nhất” là Ngôi Vị Tối Cao, chính là Chúa Cứu Thế.

Tại sao sự sáng tạo nên vũ trụ lại liên quan mật thiết, nội tại với Chúa Cứu Thế, và với sự Cứu Độ?

Theo cách suy luận thần học của nhà thần học Karl Rahner và Karl Barth thì Cựu Ước tức là Giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và dân Chúa tuyển chọn (dân Dothái) đã được thực hiện thi hành ở Tân Ước nơi chính Con Người của Đấng Cứu Thế, vì là “LỜI” của Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn tả chân lý đó trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, đoạn I,
câu 1-3, 14: Sau đây là bản dịch ra cổ văn Trung Hoa do học giả nổi tiếng thời cận đại là Ngô Kinh Hùng thực hiện, trong đó ông dùng nhiều thành ngữ, danh từ, điển tích cổ văn để “chuyên chở” một nội dung mới của Thiên Chúa Giáo, chẳng hạn chữ “ĐẠO”. Danh từ này bao hàm nhiều ý nghĩa: “đạo” là đường; “đạo” là bổn phận tùy theo địa vị, cấp bậc như: đạo vợ chồng, đạo làm con…; “đạo” là lời nói, như đàm đạo. “Đạo” là nguyên lý siêu việt trong triết lý như “Đạo” (Đạo Đức Kinh) của Lão Giáo… Khi dịch đoạn sách Phúc Âm của Thánh Gioan, Ngô Kinh Hùng đã dùng chữ “ĐẠO” (Logos, Verbum, Word of God), để ám chỉ Đấng Cứu Thế là “LỜI” của Thiên Chúa phán ra, vì chính Ngài cũng là Thiên Chúa giáng trần để mặc khải, biểu lộ những mầu nhiệm cao siêu cho nhân loại. Cũng có thể hiểu chữ “ĐẠO” theo ý nghĩa siêu hình, vì Chúa Cứu Thế là Nguyên Lý Tuyệt Đối, là Nguyên Thủy và là Cứu cánh (Alpha and Omega) của vũ trụ và nhờ Ngài mà vũ trụ được tạo thành:

Thái sơ hữu ĐẠO, dữ Thiên Chủ giai, ĐẠO tức Thiên Chủ, tự thủy dữ giai. Vi ĐẠO vô vật, vật nhân ĐẠO sinh, thiên địa vạn hữu tư ĐẠO dĩ thành. Tư ĐẠO chi nội, uẩn hữu Sinh Mệnh, Sinh Mệnh tức Quang, sinh linh sở bẩm. Quang chiếu minh minh, minh minh bất lĩnh…Duy Bỉ Chân Quang, phổ chiếu sinh linh, phàm sinh ư thế, tư chi dĩ minh… ĐẠO thành nhân thân, cư ngã sài trung, ngô sài thân đổ, khổng đức chi dung, duy nhất Thánh Tử, vô thượng Quang Vinh, diệu sủng chân đế, sung dật quyết cung”. (Gioan, I:1-5,9,14). Bản dịch Việt ngữ: “Lúc khởi nguyên đã có (NGÔI) LỜI, và (NGÔI) LỜI ở nơi Thiên Chúa, và NGÔI LỜI là Thiên Chúa, Ngài đã ở cùng Thiên Chúa từ nguyên thủy. Không có NGÔI LỜI thì không có vạn vật, vạn vật nhờ NGÔI LỜI mà sinh ra, trời đất muôn loài tồn hữu nhờ NGÔI LỜI mà thành sự. Trong NGÔI LỜI có tiềm tàng SỰ SỐNG, SỰ SỐNG là SỰ SÁNG cho nhân loại. Sự Sáng chiếu trong u tối, mà u tối không thấu triệt được để lãnh nhận sự Sáng… Chỉ có Ngài là sự Sáng đích thật, chiếu cho mọi người, sinh nơi trần thế, nhờ vậy mà được sáng… Và NGÔI LỜI thành xác người phàm, cư ngụ ở giữa chúng ta, chúng ta đươc thấy Vinh Quang cao cả của Ngài, Vinh quang mà Chúa Cha ban cho Thánh Tử duy nhất, tự nơi mình tràn đầy Ân Điển và Chân Lý.(194)

Suốt dòng lịch sử của vũ trụ và của nhân loại, Thiên Chúa biểu lộ, mặc khải quyền năng qua những kỳ công mà khoa học mỗi ngày vẫn khám phá ra những bí mật và qua các vị “Phát ngôn” (prophet) của Chúa, thường gọi là tiên tri, ngôn sứ. Nhưng đến thời gian đã định, Thiên Chúa đã sai Thánh Tử cũng chính là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể để mặc khải, phát biểu, phán dạy những chân lý là sự Sáng dẫn đưa nhân lọai đến sự Sống vĩnh cửu. Bởi vậy, theo ý nghĩa của đoạn Phúc Âm trên: muôn tạo vật được tạo dựng bởi Lời Thiên Chúa, và vũ trụ này được cứu độ cũng là nhờ NGÔI LỜI NHẬP THỂ. Vì lý do đó, tất cả vũ trụ đều qui hướng về Chúa Cứu Thế như Tâm điểm Tuyệt đỉnh. Hơn nữa, việc sáng tạo vũ trụ và nhân loại do Ngôi Lời mà có, cũng chính là điều kiện để Ngôi Lời có thể Nhập Thể, nghĩa là mặc lấy xác phàm để cứu độ sinh linh và vũ trụ.

Vì lý do sâu xa và bí nhiệm nào mà Thiên Chúa đã thực hiện chương trình sáng tạo và cứu độ qua sự Nhập Thể của Ngôi Lời?

Thưa, chính là Tình Thương vô hạn của Thiên Chúa là động lực của công trình sáng tạo và cứu độ. Bản Thể của Thiên Chúa là Tình Thương vô vị lợi (Agape) .Tình Thương vị tha, vô hạn không phải là một động lực ở ngoài Thiên Chúa, nhưng chính tự Bản Thể. Thiên Chúa hoàn toàn tự mãn, và viên mãn, chỉ vì Tình Thương vị tha vô bờ bến mà tạo dựng nên vũ trụ và nhân loại, khác biệt với Ngôi Vị Thiên Chúa. Cũng vì Tình Thương vị tha vô hạn đó mà Thiên Chúa đã sai Ngôi Lời nhập thể giáng thế để cứu độ chúng sinh. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc khải Tình Thương vị tha vô biên khi Nhập Thể, chịu Tử Nạn trên Thập giá, và Phục Sinh vinh hiển.

Chỉ vì Tình Thương vị tha vô biên mà Ngôi Lời, tức Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự hạ mình xưống, “tự-hư-vô-hóa” (kenosis, emptying of Christ) làm phận tôi tớ hèn hạ. Thư của Thánh Phaolô gửi Philiphê II:6-8, đã diễn tả quan niệm tự khiêm tự hạ, tự hư vô vì Tình Thương như sau:

Ngôi Lời đồng bản tính với Thiên Chúa, nhưng chẳng nghĩ mình ngang hàng với Thiên Chúa. Mà hạ mình (Kenosis, Self-Emptying, Self renunciation) nhận làm hạng tôi đòi, phàm nhân. Và khi đã mặc lấy hình thể phàm nhân rồi, Ngôi Lời Thiên Chúa còn tự hạ hơn nữa, là đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá.

Nói tóm lại, chỉ vì Tình Thương vị tha vô hạn tự trong Bản Thể Thiên Chúa (Thiên Chúa = Tình Thương) mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự hạ mình Nhập Thể để cứu độ nhân loại tội lỗi. Cũng chính bởi Tình Thương vị tha vô biên đó mà Thiên Chúa, qua trung gian của Ngôi Lời Nhập Thể, đã sáng tạo nên nhân loại và vũ trụ càn khôn. Do đó, quan niệm cứu độ và sáng tạo liên hệ với nhau vì đều phát xuất từ một Tình Thương vị tha vô hạn, và đều qua Trung gian của Chúa Cứu Thế là Ngôi Lời Thiên Chúa.

ĐOẠN IV . Niềm Tin Vào Một Vị Thượng Đế

Trong Chương Sáu, đã đề cập đến quan niệm triết lý, siêu hình của các triết gia, các nhà Đạo Học, Phật Học về Một Nguyên Lý Tuyệt Đối trừu tượng, làm nền tảng cho sự hiện hữu của vạn sự vạn vật. Trong Chương Bảy và trong đoạn này, sẽ bàn luận về niềm Tin vào Một Vị Chúa Tể càn khôn, tạo thành vũ trụ càn khôn, mà theo Truyền Thống dân gian Trung Hoa gọi là THƯỢNG ĐẾ, THIÊN đã được Đức Khổng Phu Tử san định trong Tứ Thư Ngũ Kinh, và theo Truyền Thống dân gian Việt nam, đặc biệt trong Ca dao, Tục Ngữ…, mà mọi người dân Việt, bất kể thuộc tôn giáo nào, thường gọi là “ÔNG TRỜI”. Truyền Thống cố hữu này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, mà đặc điểm là niềm Tin vào Một Đấng Toàn Năng tạo thành vũ trụ và muôn vật muôn loài.

Theo các học giả am tường về tôn giáo và các nhà nghiên cứu về văn minh Trung Hoa như L. Wieger, L. Legge, Trần Trọng Kim, Julia Ching, ngay từ khi lập quốc, nghĩa là từ đời Nghiêu (2356 B.C.), Thuấn (2255 B.C.) vẫn có hai dòng tư tưởng giải nghĩa về nguồn gốc của vũ trụ và của con người. Tuy ai cũng đều tin vào Hóa Công như là Nguyên Nhân Đệ Nhất sinh thành ra vũ trụ càn khôn, nhưng theo niềm tin tự nhiên của đại đa số dân chúng, thì vẫn thường gán cho Cỗi Nguồn cao cả đó như “Một Đấng”, rất đáng kính, đáng sợ, đáng tôn thờ, vượt trên hết mọi loài mọi sự; đồng thời, đi song hành lại có luồng tư tưởng nghiêng về lý luận trừu tượng, siêu hình (ngày xưa gọi là “Hình-nhi-Thượng-học”), quan niệm “Đấng ấy” là một Nguyên Lý Siêu Việt. Khuynh hướng này khai triển mạnh vào thời nhà Tống, chịu ảnh hưởng của Lão giáo và Phật giáo, do các môn phái Lý Học, Đạo Học của Chu Hy và Tâm Học của Vương Dương Minh.

Tuy phân biệt hai truyền thống Trung Hoa và Việt Nam, nhưng thật sự, hai truyền thống này cũng là một, vì cùng đặt niềm Tin vào Một Vị Chủ Tể mà người ta có thể lễ bái, đối thoại, cầu khẩn để xin thi ân giáng phước. Cách thế để biểu lộ lòng tôn sùng, kính sợ “Đấng ấy” thường mượn những ngôn từ, hình ảnh theo phương pháp “loại suy hay “tương tự”, (analogy, giống như con người, gọi là “thần nhân đồng hình”), nhưng phải hiểu là “Đấng ấy” ở bậc cao siêu vô cùng. Chẳng hạn, “Vị Thiên” hay “Ông Trời” có thể nghe, xem, nổi giận, thưởng phạt… Vì hai truyền thống rất gần nhau, nên những đặc tính, phẩm tính gì của Vị Thượng Đế hay Thiên trong truyền thống Trung Hoa, thì cũng đúng với niềm Tin của người Việt nam, vì các danh từ Thượng Đế hay “Ông Thiên”, “Ông Trời”, vẫn thường dùng trong ngôn ngữ của dân chúng Việt nam. Vả lại, giới sĩ phu Việt Nam, suốt mấy ngàn năm, vẫn nghiền ngẫm Tứ Thư Ngũ Kinh: “Sớm nghiền kinh sử, tối bàn văn chương (Phan-Trần), nên đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của văn hóa và tư tưởng Trung Hoa.

Trong Đoạn này, ta sẽ lần lượt xem xét những điểm như

1. Danh xưng chỉ Đấng Tối Cao.

2. Thượng Đế trong Tứ Thư Ngũ Kinh, trong Nho Giáo thời nguyên thủy.

3. Nhà truyền giáo, cũng như học giả tây phương, đặc biệt Linh Mục Mateo Ricci đã phê phán thế nào về niềm tin vào Vị Thượng Đế, về danh hiệu “THIÊN” trong cuốn sách thời danh"Thiên Chủ thực nghĩa”?

1. Danh Xưng Chỉ Đấng Tối Cao

Những danh xưng danh hiệu chỉ về Một Ngôi Vị Tối Cao, Một Đấng Thiêng Liêng, tuy thuộc ngôn ngữ thông thường, bất xứng, nhưng đã được siêu việt hóa về ý nghĩa và nội dung, để ám chỉ và biểu lộ một cách “tương tự”, lòng Tin tưởng sâu xa về Một Vị Chủ Tể càn khôn, tạo thành vũ trụ

Trong Tứ Thư Ngũ Kinh do Đức Khổng Tử san định, Ngài chỉ tường thuật những điều đã truyền tụng từ lâu đời trong dân gian, chứ Ngài không sáng tác ra, “thuật nhi bất tác”, và trong các sách cổ điển dùng làm sách giáo khoa để thi tuyển học sinh ở Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản, ta nhận thấy những danh xưng như: Đế, Thượng Đế, Thiên, Thiên Chủ, Hoàng Thiên, Thượng Thiên, Hoàng-Thượng Đế, Thiên-Hoàng Thượng Đế… Đặc biệt, thử tìm hiểu nguyên tự, nghĩa thường và nghĩa tôn giáo của các chữ: ĐẾ, THƯỢNG ĐẾ, THIÊN, (ÔNG TRỜI.).

a. Đế, Thượng Đế

Theo nguyên tự, chữ ĐẾ là hình vẽ của một người mặc áo thụng:

(Nét ( ) chỉ chữ thượng ( ) là bề trên; sau này người ta thêm hai tay hình ; và Lý Tư đổi phần dưới ra chữ thích( ), rồi rút gọn lại thành chữ ngày nay). Chữ Đế chỉ vua, nhưng còn có ý nghĩa về tế tự vì các nét chữ giống như lần nứt trên xương, coi như lời “Sấm ký” (oracle bones).

ĐẾ, nghĩa là vị Hoàng Đế cai trị một đế quốc. ĐẾ trước hết là Vị Thần của triều đại thời cổ, đời nhà THƯƠNG vào khoảng 1766 (B.C., trước Chúa Cứu Thế), hoặc theo khoa khảo cổ mới khám phá các di tích thì vào khoảng 1300 B.C. ĐẾ chính là Vị Thần của gia tộc nhà Thương theo tôn giáo thờ cúng Tổ Tiên. Vị Thần ĐẾ được thay thế bằng THIÊN khi nhà CHU lên thay quyền nhà Thương.

b. Thiên

Vào thế kỷ 1, người ta phân tích chữ THIÊN ( )làm hai phần: nét ( ) nhất=một, nét ( ) đại=lớn, ngụ ý chỉ Thiên là Một Đấng Vĩ Đại. Chữ này cũng thuộc loại “xương sấm ký” .

Nhưng theo cách giải thích của Linh Mục Wieger, ngày nay được nhiều nhà khảo cổ công nhận, thì chữ THIÊN ( ), theo nguyên tự, nét ( ) chỉ không trung bao la và hình ( ) chỉ hình người giang hai tay, hai chân: hội ý có ý chỉ THIÊN là Một Vị Duy Nhất ở trên hết mọi người, Vị THIÊN ở trên cai quản mọi người ở dưới.

Vị Thần THIÊN thuộc dòng họ nhà CHU (1111-249 B.C). Cũng trong đời nhà Chu, hai truyền thống Đế và Thiên phối hợp với nhau vì dân chúng nhà Thương và nhà Chu cùng chung một văn hóa và chủng tộc. Do đó, mọi người đều nhìn nhận Vị Thần Thượng Đế hay Thiên là cao trọng hơn hết mọi thần khác, kể cả các thần tổ tiên. Vị Thần tối cao đó, người ta có thể cầu khẩn, cúng bái. Thượng Đế hay Thiên là Đấng phán quyết, phân biệt điều thiện, điều ác trong đời sống luân lý. Ngài là Vị Thần tối thượng mà các tổ tiên cũng phải qui phục. Trong việc cầu nguyện hay phụng tự, có thể dùng chung danh hiệu Thượng Đế hay Thiên đều được cả vì cùng chỉ Một Vị Thần Tối Cao.

Danh từ “Địa” (Đất) như trong danh từ kép “Thiên-Địa” (Trời-Đất), cần được giải thích như thế nào? Trong Kinh Thi và Kinh Thư, danh xưng THIÊN thường xưất hiện riêng biệt, độc lập, nhưng danh từ “Địa” (Đất) khi dùng thì lại ghép với chữ ‘Thiên”. Theo các nhà khảo cổ, ngay từ thời nhà Chu (1122-255 B.C.), việc tế tự, cầu kinh luôn dâng lên Vị Thiên hay Thượng Đế như trong lễ nghi “Tế Thiên (Trời)”, vì Thiên là Đấng Tạo Hóa dựng nên vữ trụ, nhân loại, và các tổ tiên. Sau này, vì ảnh hưởng của môn phái triết lý Âm-Dương, nên chữ Địa (Đất) mới thấy ghép vào danh từ Thiên, đặc biệt trong khái niệm về việc sáng tạo vũ trụ. Trong phần “Dịch Truyện” của kinh Dịch, thuyết Âm-Dương đã xâm nhập vào Khổng Học nguyên thủy. Theo thuyết Âm-Dương, quẻ “kiền” chỉ thiên hay cha, giống đực, quẻ “khôn” chỉ đất hay mẹ, giống cái. Vũ trụ này được dựng nên là do sự phối hợp của âm-dương hay kiền-khôn (càn-khôn). Thuyết Âm-Dương còn nhấn mạnh đến vai trò của Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, tạo nên mối liên quan giữa thiên giới và hạ giới (con người). Do đó, phát sinh ra nhiều điều mê tín hoang đường, chẳng hạn như: vũ trụ này được tạo thành, ít ra một cách tượng trưng, do sự phối hợp của âm-dương, của quẻ “kiền-khôn”. Nhiều điều hoang mang đặt ra như: vũ trụ này do Một Vị Hóa Công sáng tạo hay do Hai thế lực đối nghịch nhau lập nên? Vũ trụ này do Đấng Tạo Hóa an bài hay là nó tự đột phát, tự biến hóa? Theo lịch sử triết học Trung Hoa, ảnh hưởng của phái Âm-Dương không bền bỉ và mạnh mẽ đối với các triết gia thuộc phái Lý Học của Chu Hy hay Tâm Học của Vương Dương Minh, nhưng vì những điều mê tín, pha trộn với quan niệm đa thần, phiếm thần… sai lạc khỏi niềm tin nguyên thủy vào Một Vị Thượng Đế, Chủ Tể vũ trụ, nhân loại và Tổ Tiên…, đã là lý do phát hiện luồng tư tưởng “phủ nhận” Thượng Đế trong triết học sử Trung quốc, chẳng hạn như Tuân Tử (238 B.C?)

Nói tóm lại, qua ý nghĩa của các danh hiệu Thượng Đế hay Thiên, ta nhận thấy ý niệm về “Ngôi Vị”, “Hữu Ngã” (personal character of God) do những lời cầu kinh, lễ bái dâng lên Thượng Đế hay Thiên. Đấng Thượng Đế là Vị Hóa Công tạo dựng vũ trụ và nhân loại, là Chủ Tể của lịch sử, Căn nguyên của các mệnh lệnh luân lý, Đấng phán xét, thưởng người lành, phạt kẻ dữ…như các lời dẫn chứng của Tứ Thư Ngũ Kinh.(195)

Vấn đề ý nghĩa của các danh xưng để chỉ Đấng Tối Cao đã gây nên nhiều cuộc tranh luận và hiểu lầm, khó khăn, nhất là khi so sánh, trao đổi, phiên dịch các danh từ giữa Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo. Sẽ bàn luận sau về các cuộc bàn cãi của các nhà truyền giáo tây phương, đặc biệt của Linh Mục Mateo Ricci về việc dùng danh từ Thiên, Thiên Chủ, Thượng Đế. Dưới đây, sẽ tìm hiểu những đặc tính hay phẩm tính mà Đức Khổng Phu Tử, và truyền thống dân gian gán cho Vị Thiên hay Thượng Đế

2. Những Đặc Tính Của Niềm Tin Vào Vị Thiên Hay Thượng Đế

a. Tín Ngưỡng Tự Nhiên

Đây là tín ngưỡng chung của nhân loại, trước những kỳ công lạ lùng của vũ trụ, nhưng rất huyền bí như các các biến cố về đời sống: sinh ra, sự chết và sự biến hóa đều hòa của trời đất. Do đó, dân tộc nào cũng tin vào Thế Lực Siêu Phàm, điều hành vũ trụ này. Theo thói quen và theo lẽ phải, muốn bày tỏ niềm tin và sự kính phục, con người bắt buộc phải dùng ngôn ngữ phàm tục để biểu lộ và diễn tả cho mọi người có thể hiểu biết và thông cảm với nhau được. Do đó, dầu không hiểu rõ bản tính của “Đấng ấy” như thế nào, nhưng một cách tự nhiên, người ta vẫn gán cho Vị Thượng Đế những danh hiệu, phẩm tính theo cách “thần-nhân-đồng hình” và theo phương pháp “tương tự”, nhưng dĩ nhiên, các danh từ, phẩm tính cần phải hiểu theo nghĩa cao siêu hơn bội phần.

Học giả Trần Trọng Kim, trong bộ sách giá trị “Nho Giáo”, quyển thượng, trang 38-39, ông đã toát lược những quan niệm của người xưa về niềm Tin vào Ông TRỜI (THIÊN) hay THƯỢNG ĐẾ như sau:

Đã có người, lại có quỉ, có thần, thì tất là có một cái thế lực nào nữa rất to hơn, chủ trương cả toàn thể trong vũ trụ. Cứ lý tự nhiên mà suy ra: nhà có cha, nước có vua, thiên hạ có đế, thì vũ trụ phải có một Đấng nào làm chủ.Nhưng vũ trụ mênh mông mà chỗ nào cũng thấy tầng trời xanh bao bọc khắp cả mọi nơi, người ta mới nghĩ ra Ông Trời.Chắc lúc đầu người Tàu cũng cho ông Trời như là một ông Nguyên hậu ở dưới trần gian này, vậy nên mới gọi ông Trời là Đế, hay là Thượng Đế. Thượng Đế ở trên trời cai quản cả bách thần và vạn vật ở trong vũ trụ, và lại là một đấng chí nhân hay thương dân. Kinh Thi nói rằng: “Hoàng hỹ Thượng Đế, lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương, cầu dân chi mạc” (Đức Thượng Đế rất lớn, soi xuống dưới rất rõ ràng, xem xét bốn phương để tìm sự khốn khổ của dân mà cứu giúp”. Vậy nên người bao giờ cũng phải kính và sợ Trời. Kính Trời và sợ Trời là cơ bản đạo đức của người Tàu”.

Sau khi tường thuật những khái niệm của dân chúng về niềm Tin vào Một Vị Thượng Đế cai trị hoàn vũ, học giả Trần Trọng Kim cũng cho biết thêm về quan niệm triết lý siêu hình của Khổng Tử về Vị Chủ Tể càn khôn. Đây không phải là một Đấng Thiêng Liêng nào khác với niềm tin vào “Ông Trời” Chủ Tể vũ trụ càn khôn. Vì là một bậc thánh triết lỗi lạc, Đức Khổng phu Tử đã khai triển niềm Tin của dân chúng về Trời hay Đế và diễn tả bằng những lý luận siêu hình (Hình-Nhi-Thượng-Học), cốt để bảo vệ tính cách Cao Siêu Tuyệt Đối của Vị Chủ Tể đó. Bởi vậy, trong truyền thống Tín Ngưỡng Trung hoa và Việt Nam, có thể xác nhận: có một niềm Tin, nhưng có hai khuynh hướng giải nghĩa: một là, theo “phương pháp khẳng định”, tức dùng những danh từ, những hình ảnh rút ra từ thế giới hữu hình, tương đối và mặc cho chúng những ý nghĩa cao siêu; hai là, theo “phương pháp phủ định”, dùng suy luận siêu hình, (như ta cũng thấy nơi các nhà thần bí trong Thiên Chúa Giáo, trong Phật Giáo, Đạo Giáo), đặc biệt trong Lịch sử Triết học Trung Hoa vào thời kỳ Lý Học, và Tâm Học đời nhà Tống. Học giả Trần Trọng Kim đã diễn giảng một cách xác đáng, sự phát triển của dòng tư tưởng đó như sau:

“Nhưng đó vẫn là quan niệm thuộc về phần hình thức, chưa phải là lý tưởng của những bậc hiền triết. Dần dần về sau những người trí thức nghĩ ngợi sâu xa, mới hiểu rằng không lẽ ông Trời lại nhỏ hẹp như người ta và cũng có hình dáng như ta được, tất là một cái lý chí linh, chí diệu, làm chủ tể cả muôn vật. Muôn vật sở dĩ sinh ra hay là hóa đi đều do ở cái lý ấy chủ trương.Vậy nên mới nói rằng: Trời là bản nguyên của muôn vật… cái lý quang minh, linh diệu vô cùng,tức là Thái cực. (Nho Giáo q. thượng, trang:38-39)

b. Thượng Đế: Đấng Tạo Hóa, Chủ Tể Lịch Sử

Tứ Thư Ngũ Kinh ít khi dùng những hình ảnh nhân loại để mô tả Thượng Đế, vì Khổng giáo cho rằng Thiên là: “không tiếng, không hơi” (Thượng Thiên chi tải vô thanh vô xú…) (Kinh Thi). Tuy nhiên, trong kinh Thi, Thư cũng ghi chép những lời Thượng Đế phán truyền cho Văn Vương, vị sáng lập ra nhà Chu.

_ Kinh Thi: “Đức Thượng Đế rất lớn, soi xuống dưới rất rõ ràng, xem xét bốn phương, tìm sự khốn khó của dân mà cứu giúp” (Hoàng hỹ Thượng Đế, lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương, cầu dân chi mạc).

_ Kinh Thư: “Trời nhìn xuống dân chúng” (Thiên giám hạ dân).

_ Kinh Thư: “Trời không thân ai, chỉ thân kẻ biết kính sợ Ngài” (Duy Thiên vô thân, khắc kính duy thân).

_ Thượng Thư: “Trời rất thông minh, nên các thánh quân phải bắt chước Trời, quần thần sẽ khâm phục, dân chúng sẽ an vui” (Duy Thiên thông minh, duy thánh thời hiến, duy thần khâm nhược, duy dân tòng nghệ).

_ Kinh Thư: “Trời đôi khi cũng phẫn nộ” (Đế nãi chấn nộ, Hoàng Thiên chấn nộ).

_ Kinh Thư: “Điều gì dân chúng ước ao thì Trời cũng chiều theo” (Dân chi sở dục, Thiên tất tòng chi)

Dân chúng coi Trời như CHA, mọi người là “con của Trời”’ vua được mệnh danh là “Nguyên Tử nghĩa là con đầu của Trời:

_ Kinh Thư: “Đã làm người, ai cũng đều là con của Trời’, Thiên tử (vua) được gọi là con đầu của Trời” (Phàm nhân giai vân Thiên chi tử, Thiên tử vi chi thủ nhĩ)

TRỜI đã tạo dựng nhân loại, ban cho đất đai, ruộng vườn, ngũ cốc, gia súc… và mưa thuận gió hòa để làm ăn sinh sống. Trời cũng can thiệp, tham dự vào lịch sử vào cuộc sống của nhân loại để chọn lựa các bậc Thánh nhân, Hiền Triết thay Trời để cai trị dân. Có thể nói: đó là quan niệm về Thiên trị (Theocracy). Theo ý niệm này, dân chúng Trung hoa tin rằng chính Trời cai quản dân, vua chúa đã lĩnh Mệnh Trời để thi hành. Trước nhất, Trời chọn các vị Thánh nhân đạo đức và đặc biệt các Triết nhân, nghĩa là “tài đức kiêm toàn”. (Quan niệm này cũng giống dân Hy lạp thời cổ, Plato, Socrates).

_ Kinh Thư: “Than ôi! Trời sinh ra dân có dục vọng, không có chủ thì loạn. Nên Trời sinh ra những bậc thông minh để cai trị dân” (Ô hô! duy Thiên sinh dân hữu dục, vô chủ nãi loạn. Duy Thiên sinh thông minh thời nghệ).

_ Kinh Thư: “Chỉ có Trời đất là cha mẹ muôn vật. Chỉ có người là linh thiêng hơn vạn vật. Ai thật thông minh thì làm vua đứng đầu. Vua đứng đầu là cha mẹ dân” (Duy Thiên địa vạn vật phụ mẫu. Duy nhân vạn vật chi linh. Đản thông minh tác nguyên hậu. Nguyên hậu tác dân phụ mẫu).

Kinh Thư chép rằng: Sau khi vua Đại Võ đã trị thuỷ thành công, thì Trời thưởng công mà ban cho “Hồng Phạm Cửu Trù”, tức là các bí quyết trị dân hợp với Ý Trời.

Tuy Trời ban quyền cho các bậc Thánh Vương, Thánh Triết cai quản dân, nhưng Trời với dân bao giờ cũng tương quan mật thiết, dân là cao quí hơn vua, “ý dân là Ý Trời”, nên Mạnh tử đã viết:” Dân làm quí (nhất), nước (xã tắc) là thứ nhì, vua làm khinh (rẻ)” (Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh).

c. Thiên Mệnh,Thiên Nhân Tương Dữ

Khi bàn về mối tương quan giữa Thượng Đế và nhân loại đã được truyền tụng trong Tứ Thư Ngũ Kinh, các môn đệ danh tiếng của Đức Khổng Tử như Mạnh Tử và các môn phái Lý học, Tâm học đã giải thích những khái niệm căn bản và đã giúp ta hiểu biết ý nghĩa những thành ngữ thông dụng như: Thiên mệnh, Thiên lý, Thiên đạo, Thiên luân, nhân đạo, nhân luân, nhân sự, và đặc biệt quan niệm về”thần-nhân tương dữ” là gì?

Thiên Mệnh là gì?

Chữ “Thiên Mệnh” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thi, Thư, Xuân Thu. “Thiên Mệnh” có ý chỉ cái Ý Chí rất linh diệu, rất cường kiện của một Vị Chủ Tể, Thượng Trí điều hành, an bài mọi sự biến hóa trong vũ trụ. Cái Ý Chí mạnh mẽ đó là Thiên Mệnh hay Đế Mệnh. Thiên Mệnh khác với “số mệnh”, (Fate, Fatalism) hay định mệnh (determinism) hay luật nhân-quả, vì đó là thế lực mù quáng, vô hồn, vô tâm, ác nghiệt gây tai ương cho con người. Nhưng theo Đức Khổng Tử, thì Thiên Mệnh chính là Ý Chí của Đấng Tạo Hóa, vô cùng thương dân, chỉ muốn đem lại an hòa, hạnh phước cho nhân loại mà thôi. Do đó, việc tối quan trọng trong cuộc sống là làm thế nào biết được Ý Trời muốn cho ta làm gì để tuân theo như câu :

_”Thuận theo Ý Trời thì sống, chống lại Ý Trời thì chết” (Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong)

Tri Mệnh là điều cần thiết, nhưng Trời vẫn tôn trọng sự tự do phán đoán, lựa chọn điều tốt, loại bỏ điều xấu của mỗi cá nhân. Ngoài ra, Trời sẽ phù trì những ai bền tâm, thiện chí, tự lực tự cường, không nhu nhược, chịu bó tay đợi số mệnh, hoặc vì biếng nhác không chịu hoạt động; những kẻ”há miệng chờ ho”, thì Trời sẽ tuyệt diệt đi, theo cái lẽ “Ưu thắng, liệt bại”:

_ “Trời không phụ kẻ có lòng tốt” (Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân)

_Kinh Dịch:” Việc hành động của Trời rất mạnh, người quân tử phải theo mà tự cường không nghỉ” (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức)

_Trung Dung:” Trời sinh ra muôn vật, tất nhiên vì cái tài lực của từng vật mà đôn đốc thêm vào, cho nên vật nào có thể vun đắp được thì vun trồng cho tốt lên, vật nào nghiêng ngả thì dập nát đi” (Thiên chi sinh vật, tất nhân kỳ tài nhi đốc yên, cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi)

Tri Mệnh là cố gắng làm điều lành điều tốt, vì Thượng Đế là Đấng toàn thiện. Sách “Minh tâm bảo giám” (tấm gương báu soi sáng cõi lòng), dùng làm sách luân lý giáo khoa thư, sưu tập các câu cách ngôn của Đức Khổng Tử và các bậc thánh hiền để dạy người ta sửa tâm rèn tính, có những câu:

_ Đức Khổng Tử viết:” Ai làm lành, thì Trời báo phúc cho, ai làm điều chẳng lành, Trời lấy vạ mà báo cho” (TỬ viết: Vi thiện giả, Thiên báo chi dĩ phúc, vi bất thiện giả, Thiên báo chi dĩ họa).

_ Sách Thượng Thư chép:” Ai làm điều tốt, Trời xuống cho trăm điều lành, ai làm điều chẳng tốt, Trời xuống cho trăm điều vạ” (Thượng Thư vân: Tác thiện giáng chi bách tường, tác bất thiện, giáng chi bách ương).

_Luận ngữ:” Không biết Mệnh Trời thì không phải là người quân tử” (Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử giã)

_Trung Dung:” Trên không oán Trời, dưới không trách người, cứ bình dị mà đợi mệnh” (Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh)

Nhưng biết được Mệnh Trời,”Tri Mệnh” là điều khó. Cho nên Đức Khổng Tử nói rằng:

_ Luận Ngữ:” Phải đến năm mươi tuổi mới biết được “Mệnh Trời” (Ngũ thập nhi tri Thiên Mệnh).(196)

Thiên-Nhân Tương Dữ là gì?

Qua những lời trích dẫn trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, ta nhận thấy, từ thời thượng cổ cho đến nay, dân chúng vẫn một lòng Tin vào Một Vị Chủ Tể hay Thượng Đế, vì Tình Thương vô cùng bao la và với một Ý Định mãnh liệt, đã tạo dựng nên vũ trụ và nhân loại. Do đó, muốn sống an vui, hạnh phúc, con người”linh ư vạn vật” cần phải phụng thờ, kính sợ và thuận theo Mệnh Lệnh của Trời

Ngoài ra, ta cũng thấy các bậc thánh nhân, hiền triết như Đức Khổng Tử, Mạnh Tử…đã dùng lý trí để suy luận về bản tính, bản thể siêu việt của Vị Chủ Tể toàn tri, toàn năng, toàn thiện mỹ, vượt trên những cách thế diễn tả thông thường của dân chúng. Cái Nguyên Lý tột đỉnh, tuyệt đối làm căn nguyên nguồn gốc của mọi sự tồn hữu của vạn vật, các triết gia gọi là, Thiên Lý, tức Lý Thái Cực, mà Bản Thể, Bản Tính của Lý đó là rộng lớn mênh mông vô hạn, chí linh, chí diệu, bao trùm vạn vật, chính là Vị Chủ Tể càn khôn. Học giả Trần Trọng Kim đã giải thích tư tưởng đó như sau:

“Tự đời thượng cổ, người Tàu đã có tư tưởng cho người ta sinh ra ai cũng bẩm thụ cái tính của Trời. Cái tính ấy tức là một phần Thiên Lý. Vậy Trời với người quan hệ nhau rất mật thiết lắm.Bởi thế mới lấy pháp tắc tự nhiên của Trời làm mô phạm của người và cho Thiên luân là nhân luân, Thiên đạo là nhân đạo. Kinh Thi nói rằng:” Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc, dân chi bỉnh di, hiếu thị ý đức” (Trời sinh ra dân, có hình phép, dân giữ tính thường, muốn có đức tốt).Trời sinh ra người, cho người có lòng muốn đức tốt, thì người phải lấy Trời làm gốc, phải kính Trời, sợ Trời, phải theo cái bản tính của Trời đã phú cho mà ăn ở cho hợp với đạo Trời (Nho Giáo, quyển I, trang 39-40).

Khi suy nghĩ về bản tính của nhân loại, các bậc hiền nhân quân tử, đặc biệt Mạnh Tử đã nhận thấy nhiều điều thiện hảo nơi tâm tính của con người:”Nhân chi sơ tính bản thiện”; vì thế, mới cho rằng chính Trời đã phú ban cho bản tính con người mối thiện tâm đó từ khi sinh ra, không phải tự mình mà có được. Do đó, mới có thuyết “Thiên -Nhân Tương dữ”, Trời và Người quan hệ với nhau, hay “Thiên Nhân hợp nhất”, vì chủ trương con người được Trời cho tham dự vào phần Thiên Lý. Để đối lại, con người cũng phải cư xử, hành động thế nào cho hợp với lẽ Trời.

Cùng một ý niệm như trên, vì chủ trương “nhân sự” phải thuận theo “Thiên Lý", nên Đức Khổng Tử và các thánh triết còn nói câu:” Thiên địa vạn vật nhất thể”. Ba thành ngữ hay cụm từ này có thể gây ra ngộ nhận, hiểu lầm vì cách thức giải thích và cách hiểu biết khác nhau. Thực ra, theo văn mạch và những lời giảng dạy, ghi chép trong Tứ Thư Ngũ Kinh, Đức Khổng Tử hay các vị Thánh Hiền như Mạnh Tử không bao giờ đặt nhân loại hay vạn sự vạn vật ngang hàng với Thiên, (Thiên Tính, Thiên Lý), vì Thiên hay Thượng Đế là Nguyên Lý Tuyệt Đối Siêu Việt trên hết mọi sự mọi loài. Vả lại, nếu tâm hồn con người được phần cao quý và thiện hảo thì chỉ do ân huệ của Trời phú bẩm cho mà thôi. Hơn nữa, Thiên là Tuyệt Đối, hằng hữu, trường tồn, còn nhân loại là loài thụ sinh, bẩm sinh, tương đối, nay còn mai mất thì làm sao có thể so sánh bình đẳng hay đồng đẳng được! Do đó, các thành ngữ đó chỉ là cách diễn tả, biểu lộ theo khuynh hướng tu đức thần bí (Mystic) mà ta vẫn gặp thấy nơi các nhà thần bí trong các tôn giáo. Bởi vậy, thiết tưởng đối với truyền thống chân chính của Khổng giáo, không nên hiểu hay giải nghĩa ý niệm trên theo nghĩa đa thần hay phiếm thần (pantheism ), cho rằng “Thiên-địa-nhân-cỏ-cây-động-vật…đều chung một bản thể hoàn toàn như nhau và quyền phép bằng nhau. Tuy nhiên, trong lịch các đạo giáo ở Trung Hoa hay ở Việt Nam, cũng có triết lý duy vật, duy lý, vô thần hay mê tín dị đoan, đồng hóa Vị Thượng Đế Chủ Tể với vạn sự vạn vật trong vũ trụ vào một khối duy nhất, nhưng đây không phải là niềm tin tưởng chính đáng chung của nhân dân, của các vị thánh vương và các thánh triết như Đức Khổng Tử và Mạnh Tử

Sách Trung Dung đã dùng chữ “Thiên Đạo” (Way of Heaven)để chỉ một cách bóng bảy Ý Chí của Trời hay Thiên Mệnh như một “Đạo” (Đường) vận hành không ngừng từ thuở đời đời, tạo nên sự quân bình hòa hợp trong vũ trụ thiên nhiên và ở nơi con người. Bởi vậy, muốn sống hạnh phúc an hòa trong cuộc đời, thì “nhân đạo” cũng phải phối hợp với “Thiên Đạo”. Trời sinh ra con người, đã khắc ghi vào Lương Tâm, Lương Tri của con người những qui tắc, giới răn có giá trị hằng cửu. Do đó, các nhà tu đức chỉ cần nhìn vào bản tâm, bản tính nguyên sơ, tinh tuyền của lòng mình, gạt bỏ mọi dục vọng làm lu mờ Lương Tâm trong sáng thuở ban sơ, gọi là “sơ tâm”, đơn sơ, tinh khiết như tâm hồn của một trẻ thơ, thì có thể dễ nhận ra Thiên lý và Thiên Đạo để noi theo.

Mạnh Tử viết:” Bậc đại nhân mà không mất cái tâm đơn sơ như trẻ nhỏ (con đỏ)” (Đại nhân giã, bất thất kỳ xích tử chi tâm)

– Mạnh Tử viết:” Trong lòng mỗi người đã sẵn có lòng Trời rồi” (nhất nhân chi tâm, tức Thiên địa chi tâm)

Trung Dung viết: “ Biết được lòng người, thì không thể không biết được Trời” (tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri Thiên)

Vì Thiên Đạo và nhân đạo quan hệ với nhau, vì con người được Trời cho một phần Thiên tính, Thiên lý, nên nhờ tồn tâm dưỡng tính, và tu thân tích đức, con người có thể vươn lên cỗi Siêu Việt để nhận biết Trời:

Mạnh Tử viết:” Thấu hiểu lòng mình, sẽ biết được bản tính của mình; biết được tính, thì cũng biết được Trời” (Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã, Tri kỳ tính, tắc tri Thiên hỹ).

d. Thờ Trời

Từ đời các Thánh Vương như vua Nghiêu, vua Thuấn, tín ngưỡng của nhân dân đặt trọng tâm vào lòng kính sợ Trời, luôn theo Mệnh Trời để được sống an hòa hạnh phúc, nên đã coi việc tôn thờ Trời,”Tế Trời” là điều thiết yếu. Do đó, mới lập ra các lễ nghi rất oai linh, chỉ định các vị chủ tế, sắm sửa các lễ vật quí giá và lễ phục trang nghiêm. Sách Lễ ký, (gồm cả Nhạc) đã qui định các luật lệ về tế tự, đặc biệt trong Lễ Tế Thiên. Chỉ nhà vua mới được tế Trời vì vua mệnh danh là ‘Thiên tử”, đại diện toàn dân và trực tiếp lĩnh Thiên Mệnh để cai quản quốc gia. Ngoài ra, còn nhiều lễ nghi để tế các vị thần khác, nhưng lòng tín ngưỡng quan trọng thứ hai là thờ kính Tổ Tiên. Bởi vậy, về tôn giáo ở Trung Hoa và Việt nam, chỉ có đạo Thờ Trời và đạo Hiếu, là quan trọng hơn cả.

_Sách Lễ ký nói:” Muôn vật gốc ở Trời, con người gốc ở tổ tiên” (Vạn vật bản hồ Thiên, nhân bản hồ Tổ)

_ Luận ngữ:” Người quân tử sợ Mệnh Trời” (quân tử uý Thiên Mệnh)

_Luận ngữ:” Đức Khổng Tử cầu nguyện từ lâu rồi (suốt đời)” (Khâu chi đảo cửu hỹ).

Qua câu tuyên bố ở trên, ta biết được ý kiến của Vị Thánh Sư về việc cầu nguyện lễ bái. Tại sao Đức Khổng Tử lại nói: Ngài đã cầu nguyện từ lâu rồi hay vẫn cầu nguyện suốt đời? Theo Ngài, việc tế tự hay cầu đảo không phải chỉ diễn ra khi ta cần cầu xin một ân huệ gì với Trời như xin ơn lành bệnh, nhưng cầu nguyện suốt đời không lúc nào ngưng có nghĩa là chung thân ta phải cố gắng thuận theo Ý Trời, Thiên Mệnh và thực hành những điều Nhân ,Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Bởi vì, nếu ta ăn ở bất nhân thất đức thì việc cầu đảo cũng là vô ích. Ngài nói:

Luận ngữ:” Phạm tội với Trời, thì còn cầu nguyện vào đâu được” (Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo giã)

Người xưa tin :”Sống gửi chết về” (sinh ký giã, tử qui giã), vì lẽ rằng: con người “linh ư vạn vật”, đã bẩm thụ một phần Thiên lý, Thần Linh chiêu minh sáng láng rực rỡ của Trời ban cho, nên sau một thời gian vắn vỏi sống tạm trên thế gian này, khi chết, hài cốt, thể phách chôn xuống đất dần dần tan nát đi, nhưng hồn thiêng, tức phần tinh anh của con người sẽ trở về với Trời, đặc biệt những bậc thánh nhân hiền đức sẽ được trở về với Trời nơi ánh sáng huy hoàng:

_ Sách Lễ ký:”Chết rồi, hài cốt chôn xuống đất dần dần tan đi, còn cái khí tinh anh thì lên khoảng không gian sáng rõ rực rỡ” (Tử tất qui thổ, cốt nhục tệ ư hạ, âm vi dã thổ, kỳ khí phát dương ư thượng vi chiêu minh)

Niềm tín ngưỡng ở một Vị Thượng Đế rất sâu xa, nên bất cứ công việc gì cũng phải làm theo Thiên Mệnh, Thiên Đạo và giữ tròn Đạo Hiếu đối với Tổ Tiên. Do đó, mới đặt ra chức quan gọi là Quan Chúc, chuyên lo về thiên sự, nghĩa là coi việc cầu nguyện, tế lễ, phúng điếu, soạn lịch. Quan Sử coi việc nhân sự, tức là ghi chép các công trình sự nghiệp của các đế vương đã thực hiện để lưu truyền cho hậu thế noi theo. Việc san định Tứ Thư Ngũ Kinh do các Quan Sử phụ trách. Đức Không Tử, tị tổ của Nho Giáo cũng thuộc giới Quan Sử.

Trong xã hội cổ Trung Hoa và Việt Nam cũng còn hai giới chức có ảnh hưởng liên quan đến đời sống tôn giáo và xã hội của dân chúng, đó là giới Nho sĩ và giới Vu- Hích( làm nghề thầy cúng, thầy pháp, đồng bóng, đồng cốt). Học giả Trần Trọng Kim đã đã giải thích địa vị và hoạt động của hai giới này, đại ý như sau (Coi Nho Giáo q. I, trang 45-48).

Như đã bàn luận ở trên, nhân dân và các vua quan kính và sợ Trời, luôn tìm hiểu Thiên Mệnh để tuân theo. Nhưng làm thế nào biết được Mệnh Trời để thi hành, đó là một điều rất khó! Các vị Thánh Vương, các nhà hiền triết, nhờ tu thân tích đức, tồn tâm dưỡng tính, trí tri cách vật, thông hiểu thiên văn địa lý, nhân tâm thế sự…thì mới hy vọng hiểu được phần nào Thiên Đạo để ứng dụng vào nhân đạo, thế sự. Còn đám bình dân vô học thức thì làm sao có thể hiểu được việc nhân sự ra sao để xử trí cho hợp với Ý Trời?

Do đó, trong xã hội, một giai cấp được trọng dụng là các Nho gia. Nho cũng đọc là Nhu, có nghĩa là “nhu- cầu,” là giới học thức uyên bác, rất được các vua quan, chư hầu và các nhà quyền quí trọng dụng, và cần thiết để hỏi ý kiến, nhất là trong những công việc hệ trọng về thiên sự và nhân sự. Giới Nho gia đã có từ lâu đời trước Đức Khổng Tử. Do đó, Ngài không phải là vị sáng lập ra Nho Giáo; ngài cũng là một nho gia và đã có công san định lại, rồi giải nghĩa những lời giáo huấn của các thánh hiền trong bộ Tứ Thư Ngũ Kinh.

Đối với đám dân chúng đông đảo, vì thiếu học thức, ít suy nghĩ, nên dễ tin theo các thầy cúng, thầy pháp. đồng bóng đồng cốt…, gọi là Vu-Hích. Học giả Trần Trọng Kim đã phê phán về giới này như sau:

Phàm người đời đã bị cực khổ mà lại học hành không có, việc hay dở không biết thế nào, tất là phải chìm đắm vào những điều mê hoặc, và tin những điều quái lạ. Vu là người con gái, hích là ngưồi con trai làm nghề đồng bóng, tức bọn đồng cốt, thầy cúng ,thầy pháp v.v lấy điều cát hung họa phúc, dùng những phương thuật huyền hoặc mà đánh lừa những người ngu dại, đem chuyện thần thánh ma quỉ mà dọa nạt người thường để làm nghề kiếm ăn” (Nho Giáo, q. I. trang 45).

Thế lực của bọn Vu Hích rất mạnh vì được dân chúng mê tín nghe theo. Bởi vậy, các đế vương đời trước đã đặt ra chức quan Tư vu để cai quản, sai khiến và ngăn chặn bọn vu hích không cho mê hoặc dân chúng, làm sai lạc niềm tín ngưỡng chân chính, chính đạo của toàn dân.

Nói tóm lại, từ thượng cổ cho đến ngày nay, trong khắp miền Đông Nam Á như Việt Nam, Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản,…. người ta vẫn nhận thấy hai luồng Tín Ngưỡng lớn mạnh nhất, bao trùm đời sống tâm linh tôn giáo và guồng máy cơ cấu tổ chức xã hội, gia đình, đó là đạo THỜ TRỜI và đạo HIẾU. Thật thế, tuy ngày nay không còn công khai “Tế Trời” như xưa, vì trong các nước không còn vị “Thiên tử” để đại diện toàn dân, nhưng trong thâm tâm của mỗi người, dầu thuộc bất cứ tôn giáo, khuynh hướng xã hội hay chính trị nào, theo truyền thống vẫn tiềm tàng, ấp ủ một niềm Tin bất diệt vào một Vị Chủ Tể lân ái, an bài mọi biến cố trong vũ trụ, quốc gia, trong lẽ điều hòa. Niềm Tin ở Trời và lòng yêu mến, tôn kính Tổ tiên đã in sâu vào tâm khảm mỗi người, nên khi vui mừng, nhất là khi gặp tai ương, hoạn nạn bất ngờ, không còn biết trông cậy vào ai, chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà thốt lên câu cầu cứu:” Trời ơi! “"Chúa ơi!”

3. Tác Phẩm “Thiên Chủ Thực Nghĩa” của Linh Mục Matteo Ricci (1552-1610)

Theo lịch sử, Thiên Chúa Giáo đã du nhập các nước Đông Nam Á như Ấn Độ, Trung Hoa,..rất sớm từ 578. Năm 635, vị tu sĩ thuộc giáo phái Nestorius( chết năm 451), tên là Alopen đã đến Tràng An( ngày nay là Tây an), thủ đô của Phật Giáo Trung Hoa đời nhà Đường. Nhà thám hiểm thời danh Marco Polo( nước Ý) đã đến giúp nhà Nguyên vào cuối thế kỉ 13, thuật lại những di tích lịch sử của Thiên Chúa giáo tại Trung Hoa mà ông đã tìm thấy như cây “Thánh Giá Khải Hoàn”, cây “Thánh Giá cắm vào Bông Sen"( tượng trưng của Phật Giáo) và nhiều ngôi mộ.

Năm 1514, những chiếc tàu buôn của Bồ đào nha bắt đầu xuất hiện trên bờ biển Đông Nam Á, mang theo một số Linh Mục làm tuyên uý cho các thủy thủ để giúp đỡ về tôn giáo như ban các bí tích. Năm 1532, Thánh Phanxicô Xavie đặt chân lên đất Phù Tang. Ngài đã tạ thế trên một hòn đảo thuộc hải phận Trung Quốc, ngày 3 tháng mười hai năm 1552, hưởng thọ 46 tuổi. Trước khi nhắm mắt từ giã cuộc đời, Ngài đã rất luyến tiếc chưa được dịp đặt chân lên đất Trung Hoa, nhưng tha thiết cầu xin cho việc truyền giáo tại đây trong tương lai sẽ gặt hái được nhiều kết quả

Năm Thánh Phanxicô Xavie qua đời, thì cũng là năm sinh của một nhà truyền giáo thời danh khác là Linh Mục Matteo Ricci. Ngài sinh tại Macerata, nước Ý. Trong thời niên thiếu, ngài được thụ giáo với nhà toán học lỗi lạc Christopher Clavius, bạn thân của các nhà bác học Kepler và nhà thiên văn học Galileo. Nhờ những kiến thức về khoa học như toán học, thiên văn, họa bản đồ, chế tạo đồng hồ…, nhà truyền giáo tài ba lỗi lạc này đã được các nhà cầm quyền Trung Hoa thời bấy giờ tiếp đón nồng hậu, ưu đãi. Sau 13 năm nghiên cứu và học chữ Hán, cha Ricci đã có thể dịch bộ Tứ Thư (Luận-ngữ, Mạnh tử, Đại học, Trung dung) sang tiếng Latinh. Nhờ thông thạo Hán văn, và thông hiểu tư tuởng của thánh hiền, cha Ricci đã trực tiếp trích dẫn những lời văn của Tứ Thư, Ngũ Kinh để trình bày và diễn giảng những giáo lý của Thiên Chúa Giáo, trong cuốn sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa" mà cha đã biên sọan và xuất bản lần đầu, 200 cuốn tại Bắc Kinh, năm 1603.

Toàn bộ cuốn sách được chia ra làm hai Phần, gồm tám chương (chapters). Trong Phần I, tác giả đưa ra những chứng cớ về sự tồn hữu của Thiên Chúa và các phẩm tính của Đấng Tạo Thành vũ trụ càn khôn.(chương I); tiếp đến, tác giả dùng các bản văn trong Tứ Thư Ngũ Kinh của Nho Giáo cổ truyền trước đời nhà Tần (Tần Thuỷ Hoàng, 221-206 B.C.), để phê bình các quan niệm về “Vô” của Lão Trang, và “Không" của Phật học. Tác giả cũng dùng các phạm trù của triết lý Kinh viện như “Tự-lập-giả" (substantia) và “ỷ-lại-giả" (accidens), để phê phán quan niệm “Thái Cực"và “Lý” của Đạo-học-gia (Neo-Confucianism). Cha Ricci cũng đưa ra những lý lẽ tại sao chấp nhận dùng các danh xưng “Thiên” và “Thượng Đế” trong truyền thống tín ngưỡng Trung Hoa; và đặc biệt, để nhấn mạnh về tính chất “hữu ngã”, ngôi vị, ngài đã đặt ra danh xưng “THIÊN CHỦ" (Chương II). Trong Chương III và IV, tác giả đề cập đến quan niệm “Linh-Hồn"’ Hồn thiêng của con người khác với “hồn” của động vật (giác hồn) và của thảo mộc (sinh hồn). Tác giả cũng phi bác ý niệm về “vạn vật nhất thể”, hay “tam tài" (thiên-địa-nhân), cho rằng mọi loài trong vũ trụ, (kể cả Lý Thái Cực) đều chung một bản thể. Phần HAI, tác giả phê bình quan niệm của Phật Giáo về luân hồi, và về cấm sát-sinh (Chương V). Cha Ricci dùng bản văn trong Thư Kinh để minh chứng Linh hồn bất tử, sau khi chết, và công việc phước thiện sẽ được thưởng trên Thiên đàng; ý muốn, hành vi xấu sẽ bị luận phạt trong địa ngục (Chương VI). Tác giả cũng bàn đến bản tính của nhân loại, gồm điều tốt điều xấu, và bổn phận phải TU THÂN (Chương VII). Sau hết, Cha Ricci đề cập đến cách thức tu thân tu đức của giới tu sĩ Thiên Chúa Giáo và đời sống độc thân. Trong ít trang cuối sách, cha Ricci tóm lược “Lịch Sử Cứu Độ” trong Thiên Chúa Giáo do Thiên Chúa mặc khải cho những ai muốn xin lĩnh nhận Phép Rửa Tội. Dĩ nhiên, nếu ai tự ý muốn xin chịu Phép Rửa Tội thì còn cần học hỏi thêm nhiều điều giáo lý khác nữa.

Sau đây, chỉ xin chú trọng trình bày quan điểm và các nhận xét của cha Ricci về tín ngưỡng truyền thống của dân chúng Trung Hoa đối với “ĐẤNG THƯỢNG ĐẾ, hay “VỊ THIÊN”, đã được ghi chép như thế nào trong Thư-Kinh (tức là phần I, Chương I, II).

Do đó, sẽ bàn luận về ba điểm: a) Chủ đích và phương pháp của cha Ricci khi khởi thảo cuốn sách"Thiên Chúa Thực Nghĩa". b) Danh xưng: THIÊN CHỦ. c) Ảnh hưởng và những Thách Đố đối với tác phẩm thời danh đó. Xin lưu ý: (Các chú thích ở đây như số chương (chapter), số đoạn (paragraph divisions: 1-596), số trang…, ghi theo bản dịch ra Anh văn, tựa đề: "The True Meaning of The Lord of Heaven” do Douglas Lancashire and Peter Hu kuo-chen, S.J. The Institute of Jesuit Sources, St. Louis, 1985).

a. Chủ Đích Của Tác Phẩm

Năm 1583 Cha Matteo Ricci và Cha Michele Ruggieri đặt chân lên đất Trung hoa. Cha Ricci đã dùng chính sách “Hội Nhập Văn Hóa” để đối thoại với giới trí thức, tức là các nho gia. Ngài mặc phẩm phục của nho sĩ và coi mình như một “nho sĩ Tây Phương”. Vì cha Ricci muốn Thiên Chúa Gíao mặc bộ áo Trung Hoa, nên cha đã đàm đạo trực tiếp với giới lãnh đạo tinh thần, chính trị và văn hóa trong nước, hy vọng có thể cảm hóa họ để họ tìm hiểu giáo lý của Thiên Chúa Giáo và nhờ họ sẽ gây ảnh hưởng đến đại quần chúng. Cũng nên nhận xét ở đây: vì khi mới tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, cha Ricci đã học hỏi và phiên dịch Tứ Thư Ngũ Kinh, nên Cha hâm mộ “Nho Học Nguyên Thủy” đời Đức Khổng Tử, Mạnh Tử… hơn là Tân-Nho Học (Neo-Confucianism) theo Lý Học của Chu Đôn Di hay Tâm Học của Vương Dương Minh.

Thực vậy, khi nghiên cứu và phiên dịch các sách của thánh hiền, cha Ricci đã tìm thấy những điểm tương đồng, hòa hợp giữa tư tưởng của các Thánh Hiền và dân chúng Trung Hoa với niềm Tin Công Giáo, chẳng hạn như : Một Vị Thiên Chúa độc nhất trong vũ trụ, linh hồn bất tử, người lành được thưởng, kẻ dữ bị phạt, nhân chi sơ tính bản thiện…Đặc biệt, cha Ricci chú trọng đến quan niệm Tu Thân trong Nho Giáo, vì ngài cho rằng một người lương thiện suốt đời lo tu thân tích đức, cố gắng ăn ngay ở lành, thì thể nào cũng sẽ gặp được Thiên Chúa Chân Thật!

Cuốn sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa” không phải là cuốn sách “giáo lý”, trình bày hết mọi đề tài trong Đạo Thiên Chúa, nhưng chỉ đề cập đến những vấn đề mà “Lương Tri” và Lý Trí tự nhiên của con người có thể tìm hiểu được. Do đó, các nhà bình phẩm gọi tác phẩm của cha Ricci là” Sách đối thoại Tiền-Phúc Âm"( pre-evangelical dialogue). Chủ đích của cha là để “ĐỐI THOẠI” vối các văn nhân, quân tử trong nền văn hóa Trung Quốc. Đây cũng là bước đầu của công trình “Hội nhập Văn hóa” giữa Thiên Chúa Giáo và các tôn giáo hoàn cầu. Bởi vậy, cha Ricci chỉ nêu ra những vấn đề mà các văn sĩ có thể dùng Lý Trí, Lý Lẽ để hiểu biết được, chẳng hạn như : tìm hiểu ý nghĩa của đời sống, tại sao sinh ra, sống làm gì, chết rồi đi đâu? hoặc vũ trụ này “tự nhiên” mà có, hay do Một Vị Hóa Công tạo thành? Trong mấy trang cuối cùng của cuốn sách, cha có đề cập đến một vài “mầu nhiệm” mà Thiên Chúa đã mặc khải cho loài người như: Chúa Cứu Thế là Con Thiên Chúa, Ngài giáng trần để cứu độ nhân lọai, Ngài Thăng Thiên để làm đấng trung gian môi giới giữa Thiên Chúa và nhân lọai. Sau đây, tôi xin trích và dịch từ nguyên bản Hán văn về việc dùng Lý Trí để tìm chân lý:

"Kim tử dục văn Thiên Chủ Giáo nguyên, tắc ngô trực trần thử LÝ dĩ đối, đả trượng Lý phẫu tích. Hoặc hữu dị luận, đương tất tích biện, vật dĩ đản ngã. Thử luận Thiên Chủ chính đạo công sự dã, bất khả dĩ tư tốn phế chi”. Dịch: Bây giờ, Quí vị nho gia muốn học biết các nguyên lý của giáo huấn về Thiên Chúa, thì tôi (Ricci) xin phân trần thẳng thắn các Lý lẽ để đối đáp, tôi chỉ dùng để phân tích mà thôi. Nếu quí vị nhận thấy điều gì khác lạ không chấp thuận thì xin cứ biện luận, nhưng xin đừng xuyên tạc. Vì chúng ta đang bàn luận về những nguyên lý có tính chất phổ quát về Thiên Chúa, nên tôi không thể vì sự khiêm tốn của cá nhân mình mà chối bỏ sự thật được. (Coi Thiên Chủ Thực Nghĩa, chương I, đoạn 19-27, trang 68-69).

b. Danh Xưng: Thiên Chủ

PHẦN MỘT, chương một, Cha Ricci bàn luận về Đấng Thượng Đế. Ngài dùng các lời của thánh hiền trong Nho Giáo trước đời nhà Tần (Tần Thủy Hoàng, 221-206 B.C), để dẫn chứng về sự hiện hữu của Một Đấng Tạo Thành vũ trụ càn khôn; Ngài cũng đề cập đến các phẩm tính của Đấng Tạo Hóa như: tạo dựng vũ trụ, tự hữu, vĩnh cửu, duy nhất… Ngài cũng tìm cách để phiên dịch các từ ngữ thần học của Thiên Chúa Giáo sang ngôn ngữ Trung Hoa. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất của một nhà truyền giáo là: làm thế nào để “Hội Nhập Phúc-Âm vào các nền văn hóa”, nhất là đối với một nền văn minh cựu trào như các dân tộc Á châu? Dùng danh xưng từ ngữ nào trong tiếng địa phương tương xứng, tương đương có khả năng chuyên chở được nội dung ý nghĩa thần học của Giáo lý? Mặt khác, danh xưng mới chế tạo ra, không quá ngây ngô, xa lạ, “lai căng” đối với dân bản xứ? Do đó, điều kiện quan trọng đòi hỏi nơi nhà truyền giáo và các nhà thần học là phải am hiểu, thông thạo cả Giáo Lý lẫn nền văn học, ngôn ngữ của nơi mình giảng đạo. Khó khăn này, ngày nay, vẫn luôn luôn đặt ra cho chúng ta.

Trong phần đầu của Đoạn IV này, đã giải thích ý nghĩa các danh xưng như: Đế, Thượng Đế, Thiên..vẫn được truyền tụng trong dân gian và trong Tứ Thư, Ngũ Kinh. Các nhà truyền giáo và cha Ricci đã phải học hỏi, suy nghĩ rất thận trọng trong việc lựa chọn một danh xưng thích hợp để phiên dịch từ ngữ Latinh DEUS(GOD) ra tiếng Hoa ngữ. Điều khó khăn này cũng đã gặp thấy ở Nhật Bản và Việt Nam. Có giải pháp dùng từ ngữ Latinh, rồi “âm” sang tiếng bản quốc, chẳng hạn: Deus, âm sang tiếng Nhật là:"Deusu”, sang Việt ngữ là “Dêu"(Chúa Dêu); Gratia(ân phúc), âm sang Nhật ngữ và Việt ngữ là"garasa"’ Kinh Kính Mừng cổ bằng tiếng Việt là: “Ave Maria, đầy garasa Chúa Dêu ở cùng Bà”… Giải pháp này có cái lợi là không sợ “danh xưng mới chế tạo" làm thay đổi nội dung, ý nghĩa trong thần học giáo lý. Nhưng có nguy cơ làm cho Thiên Chúa Giáo trở thành đạo ngoại lai, “đạo tây”, xa lạ với văn hóa ngôn ngữ dân tộc; ngoài ra, các tiếng “deusu”, hay “dêu" có nghĩa xấu, bất xứng trong ngôn ngữ bình dân! Hơn nữa, theo nhận định của một số thừa sai, sợ rằng dân chúng bản xứ có thể hiểu lầm, coi vị thần mang tên mới này (Chúa Dêu) là một vị thần mới của tây phương đem đến và khác với Vị Thiên hay Thượng Đế, hay Ông Trời mà họ vẫn tôn kính là Đấng Tạo Hóa. Một giải pháp khác, đã được các tu sĩ Phật Giáo (thế kỷ ba, bốn) dùng, khi khởi sự truyền đạo Phật từ Ấn Độ qua Trung Hoa. Đó là phương pháp gọi là “cách-nghĩa" (ko yi, ge yi; “A Short History of Chinese Philosophy”, by Fung Yu Lan, trang 242). Theo cách thức này, người ta dùng các danh từ và tư tưởng của Lão-Trang như “Vô”, “Vô Vi”, “Hữu”, Hữu Vi”,… để chuyển ý, hay giải thích bằng loại suy (interpretation by analogy), tức là một cách “tương tự”, những quan niệm của Phật Giáo Ấn Độ, vì người ta cho rằng: tư tưởng của Trang Tử gần giống lý thuyết của Phật học. Môn phái Thiền tông, Thiền học ở Trung Hoa được xây dựng theo phương pháp này. Do đó, Phật học đã đồng hóa, pha trộn với tư tưởng, văn hóa và đã phát triển tương quan với truyền thống Trung quốc. Phương pháp này có nguy cơ là làm sai lạc, xuyên tạc nội dung ý nghĩa của giáo lý của đạo” gốc”. Vả lại, muốn dùng phương thức này, cần phải thông thạo, và nghiên cứu tường tận triết học Trung Hoa thì mới có thể so sánh được. Nhưng đây cũng là một thách đố đối các nhà truyền giáo ngoại quốc, nếu thực sự muốn đem Đạo vào Đời, hay đem Phúc Âm Hội Nhập vào các nền văn hóa, văn minh của các dân tộc, theo gương Thánh Phao lô Tông đồ và Thánh Tôma Aquinô đã dùng ngôn ngữ và triết học Hy-lạp để giải thích Phúc Âm, khởi thủy đã mặc bộ áo của văn hóa Do thái giáo.

Sau khi phiên dịch Tứ Thư, Ngũ Kinh, cha Ricci và các linh mục Dòng Tên đã nhận thấy vết tích “hữu thần” trong tín ngưỡng của dân chúng Trung Hoa. Hai từ ngữ có thể dùng để phiên dịch danh từ “Deus"trong tiếng Latinh là “Thượng Đế”, và “Thiên”. Chữ Thượng Đế mang tính cách"hữu ngã”, bản vị, nhưng có nguy cơ là như muốn hoàn toàn đồng hóa về ý nghĩa giáo lý giữa Thiên Chúa Giáo và Khổng Giáo; vả lại, Lão Giáo bình dân cũng thờ vị thần tên là Thượng Đế. Nếu dùng chữ “Thiên” thì sợ ý nghĩa chữ này hàm hồ( có khi chỉ trời xanh) thiếu tính chất “hữu ngã”. Do đó, cha Ricci đã sáng chế ra chữ mới: ghép chữ Thiên với chữ Chủ thành ra: “THIÊN CHỦ”, (The Lord of Heaven) có ý chỉ Một Vị Chủ Tể “Hữu Ngã" (personal) cai trị muôn vật trên trời dưới đất trong vũ trụ. Danh xưng này vẫn còn truyền tụng và phổ thông cho đến ngày nay tại Trung Hoa và Việt nam. Ngoài ra, danh từ “Thượng Đế” cũng được dùng để chỉ Thiên Chúa. Cũng vì thế, Trung Hoa gọi Đạo của các thừa sai, đặc biệt của cha Ricci rao giảng là Thiên Chủ Giáo(Lưu ý: chữ Catholicism, catholic trong tự điển, cũng dịch là Thiên Chủ Giáo.)

Có thể vì chủ trương đem Đạo vào đời, vào Văn Hóa, vì muốn Phúc Âm “mặc bộ áo Trung Hoa”, nên cha Ricci và một số đồng nghiệp đã lựa chọn các danh từ phổ thông trong dân chúng, rồi “thanh tẩy” và ban cho chúng một nội dung thần học mới. Do đó, người ta không lấy làm lạ khi thấy cha Ricci dùng các danh từ đã phổ biến trong giới Phật tử để dịch những danh từ thần học trong sách Giáo Lý, chẳng hạn, như: Thiên đàng, Địa ngục, ma quỉ(mara) Thiên thần(deva), Linh Hồn. Danh từ “Thánh"cũng rất phổ thông trong Khổng Giáo để chỉ các bậc hiền nhân quân tử, như thánh hiền, thánh vương, là những người khôn ngoan thông thái, đạo đức(sage) Chữ “thánh” trong văn hóa Trung Hoa không chỉ sự thiêng liêng, cao cả của các bậc thần linh( deity). Trong thần học giáo lý công giáo, chữ “thánh”, có nghĩa là linh thiêng, thánh thiện( holy, saint, sacred), phản nghĩa với “thánh” là “tội nhân”, là “phàm tục" (profane). Cha Ricci đã ghép hai chữ"thánh” và “thần" (divinity) thành ra: "thánh thần”, một tĩnh tự để chỉ vị thánh hiền (sage). Sau này, Giáo lý Công Giáo dùng danh từ “Thánh Thần” để chỉ Ngôi Ba Thiên Chúa là Đức Chúa Thánh Thần, (Holy Spirit), trong khi giáo phái Tin Lành (Protestants) dịch là “Thánh Linh”. Từ thế kỷ 18, người thánh thiện được gọi là bậc"thánh nhân”, hay bậc “thần thánh”. Cha Ricci đã dùng chữ “thánh thần”, trong nguyên tác Hán văn như sau:

"Thế nhân tuy ‘thánh thần’, bất đắc dĩ Vô vật vi Hữu”, dịch nghĩa: Dầu là bậc thánh hiền nhất trong thế giới này, cũng không thể lấy “hư vô”, (không có gì hết) mà làm ra có cái gì được (sách dẫn chứng, đoạn số 72, trang 102).

Ngoài ra, cha Ricci đã phải sáng tác ra những danh từ mới để phiên dịch các danh từ và ý niệm của triết học và thần học Kinh Viện, chẳng hạn: cha dùng chữ kép "tự-lập-giả" để dịch chữ "substantia”, và chữ “ỷ lại giả” để dịch chữ “accidens”. Ngày nay, các học giả dùng danh từ “tự-lập-thể” và “ỷ-phụ-thể" (coi, như trên, đoạn số 83, trang 108).

c. Ảnh Hưởng của Tác Phẩm và Những Thách Đố Đối với Giáo Hội Ngày Nay

Khi Cha Ricci cho phát hành sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa”, thì ngài cũng đã nổi tiếng là một nhà khoa học và toán học trong giới nho sĩ Trung Hoa. Do đó, tác phẩm của ngài được các giới trí thức hoan nghinh hưởng ứng, đặc biệt vì ngài đã dùng các lời vàng ngọc của Thánh Hiền để dẫn chứng cho các lý lẽ trong tác phẩm. Sau đây, sẽ bàn về: 1) Tầm ảnh hưởng rộng lớn của tác phẩm; 2) Cần bổ khuyết và tiếp tục công trình của cha Ricci như thế nào?

1. Ảnh Hưởng Rộng Lớn Của Tác Phẩm

Tinh thần và mục đích của sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa” là để “Hội Nhập” Phúc Âm, hay Thiên Chúa Giáo vào văn học và ngôn ngữ Trung Hoa. Đó là phương pháp truyền đạo của một học giả Tây Phương, Cha Matteo Ricci, đã dùng chính cách suy luận và tư tưởng của Trung Hoa để trình bày, và giới thiệu Thiên Chúa Giáo với giới Nho gia. Ngày nay, phương pháp này đã được Công Đồng VativanII (1962-1965) khai triển để đem Phúc Âm hội nhập vào các nền văn hóa các dân tộc. Do đó, tầm ảnh hưởng của sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa” thật lớn lao từ thời đại cha Ricci cho đến ngày nay.

Thật vậy, nhờ dùng Lý Trí Tự Nhiên và Triết lý để suy luận, các Nho gia đã có thể tìm hiểu được một phần nào hệ thống triết lý- thần học của Thiên Chúa Giáo, và họ đã nhận ra những điểm tương đồng, những “giao điểm” giữa hai luồng tư tưởng, khiến họ nỗ lực nghiên cứu, so sánh Thiên Chúa Giáo với những giá trị cổ truyền. Nỗ lực “Đối Thoại” giữa các tôn giáo cũng đã lan tràn sang các cánh đồng truyền giáo ở Nhật Bản, Đại Hàn, và đặc biệt ở Việt Nam với cha Đắc Lộ. Khai thác và khai triển kho tàng đạo đức của nền văn minh kỳ cựu bậc nhất của nhân loại, Đạo TU THÂN _ như cha Ricci đã nhận xét_ sẽ giúp con người"Nhân chi sơ tính bản thiện”, tìm gặp được Thiên Chúa chân thật. Việc dùng các lời dẫn chứng rút ra từ Tứ Thư, Ngũ Kinh, một cách chính xác và thích hợp, đã gây được sự cảm phục và thích thú cho độc giả. Đặc biệt, dùng chính ngôn ngữ Trung Hoa như danh xưng “THIÊN CHỦ”, Thượng Đế… và các danh từ triết lý thần học, luân lý… để chuyển ý, phiên dịch, và mặc cho chúng một nội dung, một ý nghĩa mới, hoàn hảo hơn: đó là thành quả và công trình lớn lao nhất của cha Ricci đã thực hiện và đi tiên phong. Các vị thừa sai Dòng Tên đến giảng đạo sau cha Ricci, vào cuối thời nhà Minh như cha Giulio Aleni, và cha Francois Noel, cha Alexandre de la Charme trong thời nhà Thanh..cũng đã theo đường lối và phương pháp của cha Ricci.

Lịch sử kể lại, một số đông các nho sĩ và các vị thượng quan trong triều đình như Feng Ying-ching, Hsu Kuang-ch’i.. đã đọc tác phẩm và xin tòng giáo. Vua Khang Hy(1662-1723) nhà Thanh(1644-1911), đã nghiên cứu sách “Thiên Chúa Thực Nghĩa” trong sáu tháng, sau đó, đã ra chiếu chỉ bãi bỏ lệnh cấm giảng đạo, vào tháng ba, năm 1692.

Nói tóm lại, nhờ phương pháp “hội nhập văn hóa”, người ngoài đạo Công giáo cảm thấy gần gũi, thân thiện, vì có cơ hội thuận tiện, dễ dàng tìm hiểu thêm về giáo lý của Đạo mới; đồng thời các vị thừa sai và các tín hữu cũng học hỏi được nhiều điều quí hóa trong Khổng Giáo, Nho giáo để củng cố Đức Tin vững mạnh hơn. Lịch sử còn minh chứng, nhờ cuộc tranh luận về những đề tài trong cuốn sách của cha Ricci, đã gây nên một phong trào tìm hiểu tư tưởng và triết lý Á Đông, khởi nguồn cho thời kỳ Khai Minh(Enlightenment) vào thế kỉ 17,18 tại Âu Châu.

2. Cần Bổ Khuyết Và Tiếp Tục Công Trình Của Cha Ricci Như Thế Nào?

Trước khi thẩm định giá trị hay phê bình sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa”, ta nên đối xử một cách “công bằng” đối với cha Ricci, nghĩa là không phải chỉ phê phán, nhận định theo quan điểm của chúng ta ngày nay, nhưng nên “đặt mình” vào hoàn cảnh xã hội, tôn giáo vào thời kì cha Ricci sinh sống, cách đây hơn 400 năm và tìm hiểu nền giáo dục tu đức của Dòng Tên, và khuynh hướng thần học thời bấy giờ. Lại nữa, dầu có thiện chí nhiệt tình theo đuổi và thực hiện một chính sách thích đáng cho việc truyền giáo là đem Phúc Âm của Chúa Cứu Thế hội nhập vào văn hóa Trung Hoa, nhưng vì khả năng của một cá nhân bị hạn chế, không thể nghiên cứu tường tận, trong một thời gian ngắn, cả một kho tàng văn chương triết lý phong phú của Trung quốc ! Vả lại, vì khoa thần học về các tôn giáo(theology of religions) chưa được phát triển như ngày nay, thời Công ĐồngVaticanII, nên đa số các thần học gia thời cha Ricci còn giải thích một cách hạn hẹp ý nghĩa câu” Ngoài Hội Thánh(Công Giáo), không có sự cứu độ”, tức là chỉ có một Đạo thật là Thiên Chúa Giáo có thể dạy người ta đến với Chúa được mà thôi, còn các đạo khác đều lầm lạc do tội tổ tông di truyền, cho nên không có giá trị gì dẫn đưa đến Cứu Độ.

Về quan điểm thần học, cha Ricci và Dòng Tên, theo cách giải thích của Thánh Âucơtinh(353-430), quả quyết rằng: nhờ lòng nhân từ của Chúa thương ban và muốn cho hết mọi người được cứu độ, nên nhìn nhận có thể có những giá trị luân lý rất cao siêu, những điều thiện hảo trong các tôn giáo ngoài Thiên Chúa Giáo. Vì quan điểm thần học và chính sách “Hội Nhập Văn Hóa"khác biệt giữa Dòng Tên và các Dòng Phanxicô, Đaminh, lại pha trộn thêm những yếu tố không phải tôn giáo như sự tranh giành ảnh hưởng, quyền lợi chính trị, hãnh diện chủng tộc giữa người Bồ, Tây(Tây Ban Nha)..,.tất cả những sự xáo trộn đó đã gây nên cuộc tranh chấp lịch sử, gọi là:” Cuộc tranh chấp về Lễ nghi( Rites Controversies, coi Julia Ching, sách đã dẫn, trang 19-24) .

Sau 15 năm học ngôn ngữ và nghiên cứu sách Thánh Hiền, cha Ricci đã bắt đầu soạn bản thảo sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa”. Theo một số nho sĩ đồng thời với cha Ricci và các học giả Trung Hoa thời nay cho rằng cha Ricci đã không có đủ thời giờ để tìm hiểu sự biến chuyển của dòng tư tưởng Khổng Học từ thời Đức Khổng Phu Tử cho đến trào lưu Lý học của Chu Hy và Tâm học của Vương dương Minh. Vì thế, cha Ricci đã chỉ chấp nhận Khổng Giáo thời nguyên thủy và phi bác phái Lý học, Tâm học.. Cha Ricci cũng không chấp nhận Lão giáo và Phật giáo, vì cho rằng: Khổng học luôn chống lại Phật học! Nhưng theo lịch sử triết học Trung Hoa, các nho sĩ, đặc biệt vào thời nhà Tống, nhà Minh, đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của các triết thuyết của Phật học( Thiền Học), và Lão học, tạo nên một hòa đồng tôn giáo-triết lý. Hơn nữa, Phật giáo đã phải nương nhờ vào Nho giáo để tồn tại.

Vì những khuyết điểm như trên, một số học giả ngày nay cho rằng cha Ricci đã không hiểu đúng ý nghĩa của các danh xưng để chỉ Nguyên Lý Siêu Việt như: “Vô” của Lão Giáo, “Không” của Phật Học, “Thái Cực”, “Khí”, “Lý” của Chu Hi (1130-1200). Những danh từ đó, chẳng qua là cách diễn tả Chân Lý Siêu Việt bằng “phương thức phủ định"(via negativa): “Vô” hay"Không”, không có nghĩa là “Không có gì hết".

Để tạm kết: đây cũng là một thách đố lớn lao đối với công cuộc “Hội Nhập Phúc Âm” vào các dân tộc Á châu. Đường hướng mục vụ, nguyên tắc chỉ đạo đã được cha Ricci đặt ra, và được Hội Thánh khuyến khích áp dụng như lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên dương công trạng của cha Matteo Ricci, nhân dịp 400 năm ngày sinh nhật của cha: “Xưa kia các Giáo Phụ của Hội Thánh đã hòa hợp Thiên Chúa Giáo với văn hóa Hy lạp, thì cha Matteo Ricci cũng đã xác tín một cách đúng đắn là niềm Tin vào Chúa Cứu Thế sẽ không làm thương tổn cho nền văn hóa Trung Hoa, trái lại, còn làm phong phú và kiện toàn hơn nữa"(diễn văn ngày 25 tháng Mười năm 1982) .

ĐOẠN V . “Ông Trời” Việt Nam

Theo truyền thống cố hữu của dân tộc Việt nam thì niềm Tin vào Một Đấng “Bề Trên” đã được biểu lộ trong lễ nghi tế tự, ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, văn thơ..đặc biệt trong lời kêu cứu cầu xin chân thành đặt hết ước vọng của cuộc đời vào sự quan phòng của Một “Ông Trời”, tuy cao sang vô cùng, nhưng cũng rất gần gũi, thân thiết, luôn lắng nghe loài người cầu khẩn, than van:

“Lạy Trời mưa xuống…”

“Ông Trời có mắt!”, “Trời ơi!”

Đấng Cao Cả đó không phải là một nguyên lý hay một ý tưởng mông lung mơ hồ, huyền hoặc, trừu tượng, nhưng “giống như” (tương tự) như một con người có thể cảm thông những nỗi vui mầng, sầu khổ của đời sống. Đấng ấy không phải là vòm trời xanh, không phải là biển khơi, sông núi hùng vĩ..không phải là một vị thần thánh tầm thường, nhưng Siêu phàm, vượt trên muôn sự muôn loài và đáng tôn kính bằng danh xưng “ÔNG TRỜI”. Danh từ “ÔNG” biểu thị một ngôi vị, hữu ngã, một bản vị biệt lập, siêu việt hơn trời xanh, và làm CHỦ (CHÚA) của vũ trụ càn khôn

Từ khi còn sinh sống như một bộ lạc cho đến lúc thành lập được một qui chế quốc gia, trải qua bao thăng trầm của lịch sử khai quốc, dựng nước, người dân Việt luôn biểu lộ lòng khao khát TÂM LINH, hướng về Đấng Tối Cao mà họ gọi là “ÔNG TRỜI”. Do đó, cho đến ngày nay, mọi người Việt Nam, dầu sinh sống ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, dầu theo bất cứ tôn giáo nào, hay chịu ảnh hưởng của học thuyết ngoại lai nào, cũng đều công nhận một chân lý, một sự thực hiển nhiên này là: Đạo Thờ Trời, và Đạo Hiếu là niềm Tin cố hữu của mọi người Việt Nam. Một câu hỏi thường đặt ra, đặc biệt đối với người ngoại quốc muốn tìm hiểu tình hình tôn giáo ở Việt Nam: “Người Việt nam theo Đạo nào”? Có thể trả lời mà không sợ sai lầm rằng: Hầu hết dân chúng Việt Nam đều tin có Ông Trời, và thờ kính Tổ Tiên.” Nguyên tắc và tỉ lệ này vẫn đúng, ngay khi áp dụng vào tình hình “Phật giáo ở Việt nam”. Theo truyền thống của Phật học từ Ấn Độ truyền bá qua Việt nam, trực tiếp hay qua ngả Trung Hoa, rất khó mà quả quyết được Đức Phật có dạy các tín đồ phải tin vào Vị Chủ Tể vũ trụ hay không? Như lịch sử, kinh sách cho biết, về vấn đề này, Ngài thường giữ thái độ im lặng, không trả lời. Nhưng khi Phật giáo được truyền vào nước ta thì dân chúng Việt nam đã có sẵn câu trả lời rõ ràng về vấn đề có hay không có “ÔNG TRỜI”. Tuy mến chuộng Đạo Từ Bi của Phật Tổ, nhưng là người Việt nam, họ không thể chối bỏ niềm Tin cố hữu vào Ông Trời được, cũng như không thể không cúng giỗ Tổ Tiên, Ông Bà khi đã qua đời, vì tin rằng: “chết là thể phách, còn là tinh anh”; dầu chết về phần xác, nhưng hồn thiêng của Ông Bà vẫn còn ở với con cháu, “sự tử như sự sinh”. Họ không thể hoàn toàn chấp nhận lý thuyết Luân Hồi (samsara) Nhân-Quả (karma) theo triết lý Ấn Độ, vì Luật Nhân-Quả là một Luật “lạnh lùng, vô hồn”, nhưng dân Việt luôn tin tưởng vào một Ông Trời đầy lòng thương xót. Họ cũng không thể tin rằng: sau khi chết, hồn thiêng của Ông Bà lại phải “luân hồi” đầu thai làm nhiều kiếp khác nhau, có khi “làm thân trâu ngựa”. Ông Bà đã ra người thiên cổ thì cũng vẫn tồn hữu để phù hộ con cháu. Theo luật Nhân-Quả, công việc của mỗi cá nhân làm, sẽ tạo cho chính mình một cái nghiệp (karma), và chỉ có chính mình mới có thể đổi cái nghiệp của mình mà thôi, không thể nhờ ai giúp được, kể cả việc cầu xin Đức Phật cứu vớt cũng là vô ích. Nhưng dân chúng Việt nam đã sửa đổi lại quan niệm Nhân-Quả, bằng Đạo Hiếu, tức là tình liên đới bền vững giữa ông bà cha mẹ và con cháu, ở đời này, cũng như ở bên kia thế giới. Do đó, mới có câu: “Phúc Đức tại mẫu”, hay câu:” Đời cha ăn mặn, đời con khát nước! hay “Quít làm cam chịu"! Bởi thế, dầu có vẻ trái ngược với giáo thuyết của Phật giáo, trong thực tế đại đa số Phật tử Việt nam vẫn Thờ Trời, vẫn theo Đạo Ông Bà. Số người Việt nam hoàn toàn chỉ theo triết lý của Phật học mà thôi, không tin có “Trời”, “không tin hồn thiêng bất tử”, thì chỉ là thiểu số. Số người thường xuyên đi lễ Chùa, thực hành Quy Y Tam Bảo, Ngũ giới, Bát Quan Trai Giới, không phải đa số. Nhưng trong gia đình, đại đa số tín đồ vẫn giữ Đạo Hiếu như cúng giỗ Ông Bà. Cần phân tách tường tận như trên để tránh ngộ nhận, hiểu lầm. Vì nếu cho rằng: “người phật tử Việt nam” là “vô thần”, thì không đúng sự thật, vì họ cũng tin có “Ông Trời” như mọi người khác. Nhưng nếu cho rằng: “Đa số người Việt Nam theo Đạo Phật”, thì cũng nên nói cho rõ hơn: đó là “Phật giáo du nhập từ Ấn Độ”, hay là Phật giáo đã được hội nhập với tín ngưỡng Đạo Thờ Trời, và đạo Hiếu ở Việt nam? Như đã phân tích ở trên, trên phương diện thực hành của “Phật giáo Việt Nam”thì “yếu tố” niềm tin vào Ông Trời và Đạo Hiếu đã rất mạnh và trổi vượt hơn lý thuyết về luân hồi, nghiệp báo của Phật học từ Ấn độ đem vào văn hóa Việt nam. Nói cách khác, Phật giáo Việt nam cũng tin ở “Ông Trời” và thờ cúng Ông Bà theo truyền thống dân Việt như tín đồ của Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài Giáo. Bàn thờ “Thông Thiên”, hay “Thiên Nhãn”, biểu tượng của Niềm Tin vào “Đấng Linh Thiêng”. Theo Lão Giáo và theo Khổng giáo như các vị nho sĩ, giới cầm quyền, quan lại, vua chúa.., cũng tin tin tưởng ở Vị Thiên, ở Thiên Mệnh, ở Thượng Đế. Người theo Thiên Chúa Giáo hoàn toàn tin vào “Đức Chúa Trời” là Đấng Tạo Hóa. Do đó, đã rõ ràng, hầu hết dân chúng Việt Nam đều đặt niềm Tin vào Ông Trời: đó mới thật là Đạo chung cho cả dân tộc Việt nam. Chính niềm Tin chung này là mối giây liên kết của mọi phần tử trong cộng đồng dân tộc. Cần phải nhận định một cách sáng suốt như trên, với một mục đích duy nhất cốt để các tôn giáo hiểu biết và tôn trọng giá trị của nhau, tạo nên sự yêu thương, tương thân tương ái, và đem lại an vui cho dân tộc. Nếu ai cũng hiểu biết sự thật về hiện trạng tôn giáo ở Việt Nam là: hầu hết đồng bào Việt nam, dầu theo tôn giáo nào, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, hay Thiên Chúa giáo, đều thờ Trời và giữ đạo Hiếu, vì đó là niềm tín ngưỡng căn bản và quan trọng nhất, thì không còn có vấn đề “quốc giáo” hay đặt ưu thế của một tôn giáo nào trên các tôn giáo khác, vì quyền lợi riêng, hoặc vì mưu đồ chính trị. Dân tộc Việt Nam lúc nào cũng cần sự đoàn kết của mọi giới đồng bào đồng hương cùng chia sẻ một niềm tin chung, “khoan dung, độ lượng"(tolerance) để tạo nên sức mạnh tinh thần hòa hợp xây dựng đất nước. Lịch sử thế giới, và Việt Nam cho thấy: các cuộc “thánh chiến” bao giờ cũng gây nên những cuộc tàn sát thảm khốc, ngay cả đối với những người ruột thịt cùng chung huyết thống, cùng một chủng tộc.

Sau đây, ta có thể minh chứng “Đạo chung của dân tộc Việt nam” bằng những đề mục như:

1. Ông Trời trong văn chương bình dân, tức Ca Dao, Tục Ngữ.(197)

2. Ông Trời trong truyện cổ tích.

3. Ông Trời trong văn chương bác học, trong thi phú.

4. Lễ Tế Nam Giao.

5. Các nhà truyền giáo nhận xét về niềm Tin chung của dân tộc Việt nam: đặc biệt Linh mục Đắc Lộ.

1. Ông Trời Trong Ca Dao Tục Ngữ

Theo các nhà nghiên cứu về tôn giáo, thì niềm Tin vào một Đấng Tạo Hóa là một niềm tin tự nhiên của con người có trí khôn, biết suy luận. Đứng trước vũ trụ bao la, bát ngát, đầy những huyền bí, mầu nhiệm, con người tự cảm thấy mình vô cùng bé nhỏ, hèn hạ, Hư Vô! Bởi vì mỗi người chúng ta có làm gì được đâu ? Đầu, mình, tứ chi, lục phủ ngũ tạng không phải chính chúng ta hay cha mẹ chúng ta tạo ra mà có! Nhìn lên trời xanh: các vì sao, các hành tinh…mà khoa thiên văn ngày nay khám phá ra những sự lạ lùng, ngoài trí tưởng tượng. Chung quanh ta: nào sông núi, biển khơi, nào cầm thú, thảo mộc…Tất cả đều ở ngoài ta, và ta không có một quyền lực gì trên chúng cả. Ta còn hay mất thì chúng vẫn tồn tại như thường. Một giây phút nào đó, ta muốn cho trái tim ta tiếp tục đập, nhưng nếu nó ngừng lại, thì ta cũng phải chịu vậy! Ngoài ra, trên trần gian này, con người phải chịu biết bao đau khổ, tai uơng bất trắc. Có những đau khổ do tâm lý, do dục vọng lăng loàn của con người gây nghiệp báo cho mình, nhưng cũng có nhiều thiên tai như động đất, bão lụt, hạn hán..mà con người không gây ra nhưng cũng phải hứng chịu, vì nó nằm ở ngoài quyền năng của ta. Đứng trước những huyền bí của vũ trụ bao la đó, con người biết suy nghĩ đã đưa Tâm Linh hướng về một Đấng Tạo Hóa có quyền năng giải đáp mọi thắc mắc ưu tư của đời sống. Nguyên Lý Siêu Việt đó, là cội nguồn của vũ trụ và của con người, và đã được dân chúng Việt Nam tuyên xưng là: “ÔNG TRỜI"!

a. Danh Xưng

Ngoài danh xưng phổ thông”Ông Trời”, dân chúng Việt Nam còn quen dùng nhiều danh xưng khác như: Tạo Hóa, hay Con Tạo để chỉ Ông Trời tạo dựng vũ tru; Hóa Công, Thợ Trời để sánh ví Ông Trời như một tay thợ tài giỏi vô cùng, một kỹ sư sáng tạo nên trời đất; và danh từ Hóa Nhi hay Trẻ Tạo. Ngoài ra, dân chúng cũng quen thuộc với các danh xưng như: Ngọc Hoàng, Hoàng Thiên, Thượng Đế, Thiên Chúa, Chúa Trời…

b. Những Phẩm Tính Của Ông Trời

_ Qua cách xưng hô “Ông Trời”, ta nhận thấy: người bình dân nhìn lên vòm “trời” bao la, tô điểm bằng những vì sao, mặt trời, mặt trăng..do đó, “trời” là biểu tượng, hình ảnh của cái gì cao sang, tốt đẹp hơn hết mọi vật mọi loài trên mặt đất này. Đó chỉ là trời xanh, hay không trung xa tít mù mịt mà thôi! Vì là loài có trí khôn, tự nhiên con người đặt ra những câu hỏi như : Ai làm nên trời xanh lạ lùng như thế? Chắc hẳn, phải có một Vị làm Chủ đã tạo dựng nên nó. Do đó, con người hướng Tâm Linh lên một Quyền Lực Thiêng Liêng, làm Chủ Tể muôn loài. Vì thế, người bình dân đã xưng “Đấng ấy” là“ÔNG” nghĩa là một Đấng Hữu Ngã, Hữu Vị, Thượng Trí, Uy Quyền, đầy Tình Thương Xót, có thể lắng nghe những lời cầu kinh, và có thể ban ân giáng phước cho nhân loại:

Lạy TRỜI mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy bát cơm đầy

Lấy khúc cá to

-Lạy Trời! mưa thuận gió đều

Cho đồng lúa tốt, cho chiều lòng em!

_ “Ông Trời thật là Đấng Tạo hóa, là Vị Hóa Công tài tình tạo dựng muôn vật muôn loài. Ngài là Đấng Quan Phòng, điều khiển, bảo vệ và dưỡng nuôi cho nhân loại được tồn tại và vũ trụ vận chuyển điều hòa. Sự sống sự chết đều ở trong quyền phép của Trời; hôn nhân cũng do kế hoặch của Trời để cho nhân loại được tồn tại như câu: “có âm dương, có vợ chồng”; ngày/đêm, sáng/tối, loài cầm thú, thảo mộc có giống đực, giống cái, loài người có nam có nữ … tất cả đều do Ông Trời dựng nên:

– Trời sinh, Trời dưỡng.

-Trời sinh voi, Trời sinh cỏ.

-Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.

-Sinh hữu kỳ, tử vô hạn.

-Bĩ cực, thái lai.

-Trời sinh con mắt là gương,

Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài.

-Trông trăng mà thẹn với Trời,

Soi gương mà thẹn với người trong gương.

-Trên rừng có cây bông kiểng,

Dưới biển có cá hóa long,

Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,

Anh đi Lục tỉnh giáp vòng,

Tới đây Trời khiến cho lòng thương em!

-Chữ nhân-duyên, thiên tải nhất thì,

Giàu ăn, khó nhịn, chứ có lo gì mà lo!

_ Ông Trời rất công bằng, công minh chẳng thiên vị ai, thưởng kẻ lành phạt kẻ gian ác. Nhưng ý định và phán quyết của Trời rất cao siêu, loài người nhiều khi không hiểu thấu được. Người đời thường phán xét theo bề ngoài, nhưng Ông Trời “dò xét tâm can”. Vì thế, kẻ thiển cận, nông cạn, hay thiếu nghị lực, thiếu kiên nhẫn, đâm ra kêu trách, than vãn.

– Trời có mắt.

– Không có Trời ai ở với ai!

– Trời quả báo, ăn cháo gẫy răng,

Ăn cơm gẫy đũa, xỉa răng gẫy hàm.

– Trời làm một trận lăng nhăng,

ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông.

– Phí của Trời, mười đời chẳng có.

– Biết sự Trời, mười đời chẳng khó.

– Chê của nào, Trời trao của ấy.

– Trời sao Trời ở chẳng cân,

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra!

– Trời nào có phụ ai đâu?

Hay làm thì giầu, có chí thì nên.

_Ông Trờilà Đấng thương xót vô cùng, vì Yêu Thương là bản tính của Ngài, nên Ngài đã dựng nên vũ trụ cho nhân loại hưởng dùng; Ngài hay tha thứ các lỗi lầm của con người yếu đuối. Đặc biệt, Ngài phù giúp những người thiện tâm, thiện chí và can đảm chiến đấu với những nghịch cảnh để xây dựng sự nghiệp, giúp nhà, giúp nước:

– Trời đánh còn tránh miếng ăn.

– Làm trai quyết chí tu thân,

Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo!

Khi nên, Trời giúp công cho,

Làm trai năm liệu, bảy lo mới hào.

Trời sinh, Trời chẳng phụ nào,

Phong vân gặp hội, anh hào ra tay.

Trí khôn rắp để dạ này,

Có công mài sắt, có ngày nên kim..

2. “Ông Trời” Trong Truyện Cổ Tích

Niềm Tin Tự Nhiên vào Một Đấng Hóa Công, hay “Ông Trời” còn được ẩn tàng dưới hình thức câu truyện cổ tích, hay ngụ ngôn. Những câu truyện có vẻ ly kỳ, hoang đường.., nhưng thật ra chứa đựng những tư tưởng về lòng ái quốc, về nguồn gốc, triết lý nhân sinh, và tin ngưỡng của dân gian. Có những truyện cổ tích được truyền khẩu, từ xa xưa tới ngày nay, cốt để dạy một bài học về luân lý đạo đức, “ác giả ác báo” như truyện Tấm cám, hoặc về hôn nhân, tình nghĩa vợ chồng như truyện Trầu cau, v.v. Sau đây là truyện DƯA HẤU, xuất hiện từ đời Hùng Vương, đã nói lên lòng tín ngưỡng của dân tộc đối với Đấng Tạo Thành ra mỗi người, và luôn hộ phù nuôi dưỡng chúng ta, đúng như câu tục ngữ: “Trời sinh, Trời dưỡng

Vào đời vua Hùng Vương thứ 18, một cậu con trai 7 tuổi tên là Mai Yển, khôi ngô dĩnh ngộ, được nhà vua nhận làm con nuôi, và đổi tên là An Tiêm. Vì An Tiêm là một tài trai, có ý chí, cần cù làm việc, nên vua còn ban cho một tỳ thiếp để làm vợ, và sinh được một bé trai. Hai vợ chồng gây nên sự nghiệp lớn, được mọi người kính nể. Nhưng An Tiêm thường nói cho bạn bè biết:” Sự thành công của anh là nhờ Trời ban và công lao khó nhọc, tần tiện của vợ chồng anh, chứ anh chẳng cậy nhờ ai, không nhờ vả ơn vua ban lợi lộc”. Có kẻ nịnh thần tâu cho vua Hùng biết An Tiêm đã nói như thế, nên nhà vua nổi giận, bắt vợ chồng và đứa con trai đầy ra đảo Nga Sơn (Thanh Hóa), chỉ tiếp tế lương thực trong 4 tháng, rồi để mặc kệ cho chết đói!

Nhưng dầu ở ngoài đảo hiu quạnh, An Tiêm vẫn an ủi vợ con, hãy can đảm lên và tin tưởng vào “Ông Trời”: “Trời sinh, Trời dưỡng”, “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”. Sống chết do Trời và cũng tại ta.

Một hôm đi dạo trên đảo, An Tiêm thấy con bạch hạc nhả hột xuống đất, và một loại cây giây leo mọc lên, tàu lá xanh tươi, xum xuê lạ thường, lại có trái thơm ngon, lắm nước ngọt ngào và rất sai trái. An Tiêm bảo vợ con:” Không trồng mà được ăn, đó là Trời cho ta đấy”.

Ít lâu sau, các thương gia người Tàu ghé qua đảo để đổi chác hàng hóa, thấy trái “tây qua” thơm ngon, rất nhiều nước ngọt để giải khát, nên vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon: “hẩu lớ!, hẩu lớ! (hảo = tốt lắm! tốt lắm!), nên về sau người ta gọi là trái DƯA “HẤU”. Tiếng đồn khắp nơi về trái dưa hấu thơm ngon ngọt đó, nên nhiều thương gia ghé lại mua, Vì thế, chẳng bao lâu, vợ chồng An Tiêm trở nên giầu có. Một hôm, nhà vua sai người đến đảo xem, vợ chồng và đứa con còn sống hay đã chết đói rồi, thì được bá cáo là An Tiêm làm ăn rất giầu có. Vua Hùng vương mới hiểu ra Ý Trời đã giúp An Tiêm, nên triệu về triều đình trả lại chức tước cho anh. Vua lại truyền cho trồng dưa hấu khắp nơi, và đổi hòn An Tiêm thành “An Tiêm Sa Châu”. Ngày nay, “Trời” cho ta thưởng thức trái dưa hấu thơm ngọt vào dịp Tết Đoan ngọ (tháng năm, ở miền Bắc) và vào dịp Tết Nguyên Đán ở miền Nam (đặc biệt dưa hấu cầu Đúc, bán tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ’ và dưa hấu ruột vàng, ở Chắc cà Nả, Sóc Trang).(198)

Qua câu truyện Quả Dưa Hấu, đã rõ ràng người xưa muốn dạy con cháu đời đời phải đội ơn Trời đã sinh ra và dưỡng nuôi ta. “Có Trời mà cũng có ta”. Mọi sự bởi Trời mà có: Trời ban cho ta hột giống, và mưa nắng..nhưng Trời cũng buộc ta phải làm việc như cầy cấy thì mới có của mà ăn: “tay làm, hàm nhai”.

3. “Ông Trời” Trong Văn Chương Bác Học

Chữ “Văn chương Bác học” chỉ những bài thi phú, truyện..do giới sĩ phu sáng tác. Dĩ nhiên, các văn thi sĩ trí thức này cũng đã thấm nhuần truyền thống tín ngưỡng dân tộc, lại thêm kiến thức uyên bác về Khổng học, Lão học và Phật học, tức “Tam Giáo”, cũng gọi là “Tam Giáo đồng lưu”, hay “Tam Giáo đồng nguyên”. Về phương diện tín ngưỡng, qua các tác phẩm sáng tác, ngâm vịnh, ta có thể quả quyết: niềm Tin cổ truyền vào “Ông Trời” rất sâu xa và mãnh liệt, vì các sĩ phu đã hấp thụ được các quan niệm triết lý về Thiên Mệnh của Khổng giáo. Cũng như giới bình dân Việt nam, các văn thi sĩ không cho rằng vũ trụ nhân sinh được điều khiển bằng”Luật Nhân-Quả, Luân hồi”, nhưng do một Vị Chủ Tể càn khôn mà họ gọi là THIÊN, THIÊN MỆNH, THƯỢNG ĐẾ, hay NG ỌC HOÀNG…Ngoài ra, các vị hiền triết Việt nam cũng chủ trì Đạo Hiếu, vì là truyền thống của nòi giống Lạc Hồng, và cũng thích hợp với Tam Cương, Ngũ Thường.

Thương khóc non sông với quốc dân,

Tài hèn không vớt được trầm luân.

Lòng này chưa hả thân đã chết,

Thẹn xuống Hoàng Tuyền gặp cố nhân

(Bài thơ tuyệt mệnh của Sào Nam Phan Bội Châu (1867-1940).

Sau đây, sẽ trình bày một ít thơ văn tiêu biểu cho niềm Tin cổ truyền vào “Ông Trời”, cũng là Vị Hóa Công tạo thành vũ trụ.

a. Lý thường Kiệt (1036-1105)

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Dịch nghĩa: Núi sông nước Nam thì vua nước Nam ở. Rõ ràng phận đã định ở trong cuốn sổ của Trời. Làm sao bọn giặc lại lấn cướp (đất của ta)? Chúng mày rồi xem sẽ bị thua bại hết.

Bài thơ bất hủ này được danh tướng triều Lý (1009-1225) là Lý Thường Kiệt làm, để nêu lên chính nghĩa của dân tộc chống lại ngoại xâm quân nhà Tống (1075-1078). Nên lưu ý: Phật giáo rất thịnh hành trong triều đại nhà Lý. Vậy mà, qua bài thơ trên, ta biết được tướng công Lý Thường Kiệt chịu ảnh hưởng sâu đậm triết lý Thiên Mệnh của Khổng giáo, tức là niềm Tin cố hữu của dân tộc vào “Ông Trời”. Chính niềm Tin vào Ông Trời đã định đoạt số mệnh cho dân tộc Việt nam, đó mới là sức mạnh quật khởi để chiến thắng ngoại xâm là những kẻ “nghịch “lại Ý Trời”: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”

b. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)

Trời sinh, Trời ắt đã dành phần

Tu hãy cho bền, dạ có nhân.

Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ,

Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần.

Bạo hung chỉn đã gươm mài đá,

Phúc Đức rành hay cỏ đượm xuân

Chớ có hại nhân mà ích kỉ,

Giấu người, khôn dấu được Linh-Thần

(Có Phúc có Phần: Thi ca cổ điển, tập I, Bảo Vân, trang 34).

Bài thi trên rút ra từ quyển Bạch vân thi tập, ta nhận thấy Trạng Trình là bậc hiền nhân quân tử. Ông thấu suốt lẽ huyền bí của vũ trụ và nhân sinh. Ông tin rằng “Trời” là một Đấng Tạo Hóa, là một Vị Linh-Thần cầm quyền sinh tử, và dạy con người phải Tu thân tích đức, phải giữ đạo Nhân, giàu lòng thương xót, không nên thù oán làm hại ai. Ông Trời là quan án, thấu suốt tâm can, thông biết mọi sự bí ẩn, sẽ xét xử công minh và ban phần Phúc Đức, miễn là con người phải phấn đấu, bền tâm thiện chí, không than thân trách phận khi gặp nguy khó. Đây là một áng thơ đượm tính chất triết lý tôn giáo về nhân sinh, về đạo lý làm người, về mối liên hệ giữa Trời và phận sự con người sống trên đời này, và phần phúc về đời sau.

c. Nguyễn Khuyến (1835-1909)

“ÔNG TRỜI”

Cao cao muôn trượng ấy là Tao

Dẫu pháo thăng thiên chẳng tới nào.

Nhắn bảo dưới trần cho chúng biết:

Tháng ba, tháng tám, Tớ mưa rào.

Nguyễn Khuyến cũng gọi là”Cụ Tam Nguyên Yên Đổ”, tinh thông Hán văn, vì đã ba lần đậu giải nguyên, nhưng đặc biệt cũng rất lỗi lạc và sở trường về văn nôm. Ông sáng tác đủ mọi thể văn: ca, từ, thi, phú..Lời văn nhẹ nhàng, đơn giản, trôi chảy, nhưng ý tứ rất dồi dào, kín đáo, đượm tính chất khôi hài giễu cợt mà thâm thuý, rất gần với lối văn của ca dao tục ngữ. Đó cũng là phản ảnh tính tình đơn sơ chất phác, nhưng vui vẻ, hay nói “đùa giỡn” của người dân Việt. Ông hay làm thơ tự vịnh, tự trào (tự cười mình), hoặc chế nhạo bạn hữu một cách thân tình, hay châm biếm thói đời một cách nhẹ nhàng, độ lượng, khoan dung. Qua bài Vịnh “Ông Trời” ở trên, ta thấy lời văn có vẻ bình dân, vui cười, thân mật, nhưng ý tưởng thật sâu xa, nghiêm chỉnh: Ông Trời là Đấng cao siêu vô cùng, tuy không một ai có thể thấy, hay hiểu thấu được, nhưng “Đấng ấy” vẫn điều khiển mọi hiện tượng trong vũ trụ này!

d. Nguyễn Công Trứ (1778-1858)

Chí Nam Nhi

Thông minh nhất nam tử,

Yếu vi thiên hạ kỳ.

Chót sinh ra thì phải chi chi,

Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.

Đố ky sá chi Con Tạo,

Nợ tang bồng quyết trả cho xong.

Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung,

Làm cho rõ tu mi nam tử.

Trong vũ trụ đã đành phận sự,

Phải có danh mà đối với núi sông.

Đi không, chẳng lẽ về không.

Đây là bài hát nói, tiêu biểu nhất cho quan niệm sống của Nguyễn Công Trứ và của các vị nho sĩ Việt nam. Lấy ngay cuộc đời của ông ra làm bằng chứng, ta thấy ông là một người tài trai có chí hướng rất cao, theo truyền thống giáo dục của nho gia. Ông đã tự đặt cho mình một “gánh nợ”, một bổn phận phải chu toàn trong đời sống, vì đó là một ân huệ, như “lưng vốn” mà Trời đã ban cho, không được ăn chơi, tiêu xài, phung phí, vô ích, làm uổng công Trời đã tạo dựng nên. Đó là món nợ phải trả cho chính mình, cho gia đình và cho tổ quốc. Dầu gặp nhiều nghịch cảnh, nhiều chông gai khó khăn, cũng phải ra công chiến đấu, không lùi bước. Trong cuộc đời Nguyễn Công Trứ, ông đã trải qua bao nỗi gian nan: nghèo đói, lận đận về khoa cử; khi xuất thân ra làm quan, từ chức đại thần, thượng thư giáng xuống làm lính thú…nhưng lúc nào ông cũng kiên trì theo đuổi lý tưởng, không giận thân, không trách Trời. Chỉ khi nào đã làm tròn phận sự mà Trời đã trao phú, lúc đó, ông mới được thảnh thơi, ngao du sơn thủy, vui hưởng cảnh an nhàn!

Cũng như các vị nho sĩ Việt nam, Nguyễn Công Trứ tin vào Thiên Mệnh tạo dựng và điều hành vũ trụ vạn vật. Ông ít dùng danh xưng như Thiên, Đế, Thượng Đế, Hoàng Thiên, nhưng thường dùng các danh từ lấy trong ca dao tục ngữ như: Tạo Hóa, Con Tạo, Hóa Công, Thợ Trời, Ông Trời, Ông Xanh. Khi thấy cảnh đời biến đổi khôn lường, hoặc những nghịch cảnh trớ trêu, khó giải nghĩa như: đôi khi kẻ gian ác được khoẻ mạnh, giầu có, còn người hiền đức lại bệnt tật, nghèo túng…Dầu vậy, các văn thi sĩ không mượn thuyết Nhân-Quả để biện minh, chẳng hạn như: “kiếp trước” đã làm điều gian ác, nên mới “báo ứng”, phải chịu lận đận đau khổ, mặc dầu ở kiếp này vẫn ăn ngay ở lành! Nhưng qua văn thơ, ta thấy họ giữ một thái độ quân tử, điềm tĩnh, ung dung, an phận, “chờ thời thế đổi thay”, “con Tạo xoay vần”theo lẽ “Tuần Hoàn” như câu:” không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời”; do đó, các vị “quân tử” không giận hờn oán trách ai, nhưng lại có thái độ tự tín, ung dung thư thái.

Ta đọc thấy trong văn thơ, đôi khi họ dùng danh từ như: Hóa Nhi, Trẻ Tạo, do thành ngữ chữ nho “Tạo Hóa tiểu nhi” (Theo tích truyện đời nhà Đường, Đỗ Thẩm Ngôn đau nặng, có bạn là Tống Chi Vấn đến thăm. Thẩm Ngôn nói bỡn cợt với bạn rằng: ngao ngán thay trẻ tạo hóa làm ta khổ sở!). “Hóa Nhi đa hí lộng!” (Trẻ Tạo Hóa thích vui chơi lắm!). Sánh ví Tạo Hóa như trẻ nhỏ trẻ thơ, không phải về phương diện ý thức, tài năng, vì Đấng Tạo Hóa thì thông biết mọi sự, còn trẻ thơ thì không biết gì, nhưng họ muốn mượn hình ảnh về thái độ, tánh tình của trẻ thơ hay biến báo, thay đổi nhưng ngây thơ, vui đùa, vô tư, không ác ý, không muốn làm hại ai, để so sánh sự biến hóa bất ngờ, vô thường trong cuộc đời như trò chơi của trẻ con. Cuộc đời biến hóa thiên hình vạn trạng như:"bức tranh vân cẩu, vẽ người tang thương” hay “cuộc đời bể dâu” (tang điền biến vi thương hải, thương hải biến vi tang điền) .

Mặc dầu không thể hiểu được lẽ huyền bí của vũ trụ, nhưng đứng trước những nghịch cảnh, những mâu thuẫn của cuộc đời, các nhà hiền nhân quân tử, không oán trách số phận, hay nghiệp báo, nhưng vẫn tin tưởng vào Ông Trời chí công, vô tư, và thương xót vô cùng. Do đó, một mặt, họ phú thác mạng sống cho Trời lo liệu, đồng thời họ giữ thái độ tự tại, lạc quan, đùa cợt giống “như trẻ nhỏ”, hoàn toàn tin tưởng vào cha mẹ, để tâm hồn được an vui, khuây khỏa, chờ thời, “Bĩ cực thái lai”. Thái độ “vui đùa”, coi cuộc đời là một “hí trường”, cũng là một nét đặc thù trong văn hóa, và tánh tình vui vẻ của nguời dân Việt .

Hóa Nhi thăm thẳm ngàn trùng” (Nhị độ Mai)’

Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán,

Chết đuối người trên cạn mà chơi” (Cung oán)

– Ngồi buồn mà trách Ông Xanh,

Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười (N.C. Trứ)

– Tạo Hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (Bà Thanh Quan)

e. Nguyễn Du và Truyện Kiều (1765-1820)

Mở đầu (câu thơ 1-6)

Trăm năm trong cõi người ta,

chữ “Tài” chữ “Mệnh” khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Lạ gì bỉ sắc tư phong?

Trời Xanh quen thói má hồng đánh ghen.

————————————————————————-

Đoạn kết (câu 3241-3252)

Ngẫm hay muôn sự tại Trời

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần, phải phong trần,

cho thanh cao, mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào,

chữ “Tài” chữ “Mệnh” dồi dào cả hai.

Có tài mà cậy chi tài,

chữ tài liền với chữ tai một vần.

Đã mang lấy “Nghiệp” vào thân,

cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

chữ “Tâm” kia mới bằng ba chữ tài!

Lời mở đầu và đoạn kết ở trên đã tóm lược được chủ đề của Truyện Kiều, giúp ta tìm hiểu tâm sự, và triết lý về nhân sinh của nhà đại văn hào Nguyễn Du. Theo cách giải thích thông thường, từ xưa tới nay, thì Nguyễn Du viết Truyện Kiều để gửi gấm tâm sự của mình vào nhân vật chính trong truyện là Thúy Kiều: Nàng đã yêu và thề hứa lấy Kim Trọng, nhưng đã lỗi lời thề khi “bán mình chuộc cha”. Nguyễn Du xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, dòng họ lâu đời đã chịu ơn “mưa móc” của nhà Lê, nên lấy sự trung thành với vua Lê làm trọng, vì”trung thần bất sự nhị quân”. Nhưng vì thời cuộc đổi thay mà ông phải miễn cưỡng ra giúp nhà Nguyễn, chẳng khác nào Thúy Kiều đã phụ tình với chàng Kim; do đó, một cách kín đáo, ông đã gửi tâm sự của đời mình vào nhân vật Thúy Kiều.

Nếu nghiên cứu Truyện Kiều cẩn thận hơn, ta sẽ thấy, ngoài việc gửi gấm tâm sự riêng, Nguyễn Du còn muốn giải nghĩa một chủ đề triết lý rộng lớn hơn nữa, liên quan đến vận mệnh của mỗi cá nhân và đặc biệt của cả dân tộc Việt nam: đó là Triết lý” Tài- Mệnh tương đố”.Đây mới thực sự là chủ đề chính yếu của Truyện Kiều.

Sở dĩ Truyện Kiều được mọi tầng lớp dân chúng yêu chuộng, từ vua quan đến giới bình dân, vì Nguyễn Du là một thiên tài đã cảm thông và đã “thi vị hóa” được nỗi niềm tâm trạng uẩn khúc, khắc khoải, lo âu về vận mạng của mỗi cá nhân và của cả dân tộc Việt nam. Theo dòng lịch sử, về mặt đối ngoại, dân tộc ta luôn phải đương đầu, chiến đấu triền miên với phương bắc để giành quyền tự chủ, và về phía nam, để mở mang bờ cõi. Không kể những thiên tai, bão lụt, hạn hán thường xẩy ra…, các triều đại vua chúa, sứ quân tranh giành ngôi báu, trong một xã hội phong kiến đầy bất công bạo lực, “cá lớn nuốt cá bé”. Chính bản thân Nguyễn Du cũng là nạn nhân của thời cuộc loạn lạc, tranh quyền, nhiễu nhương đời Nam-Bắc phân tranh, vua Lê, Chúa Trịnh, nhà Tây Sơn khởi nghĩa, rồi nhà Nguyễn thống nhất. Đọc bài “Chiêu hồn thập loại chúng sinh”, của Nguyễn Du, ta biết thêm: là một bậc thiên tài, văn nhân thi sĩ, Nguyễn Du đã cùng cảm thông với những nỗi đau khổ triền miên của mỗi cá nhân và của quê hương xứ sở, và cùng thắc mắc về ý nghĩa của cuộc nhân sinh: tại sao một người dân đất Việt hiền hòa, cần cù, nhẫn nại làm ăn sinh sống, mà lại phải gánh nhiều nỗi”truân chiên”khổ sở như thế? Thiết tưởng đây mới chính là chủ đề trọng yếu của Truyện Kiều mà thi hào Nguyễn Du đã muốn mượn triết thuyết của “Tam giáo đồng lưu” tức Khổng, Lão, Phật, nhất là niềm tin dân gian vào “Ông Trời”, và Đạo Hiếu của dân tộc Việt nam, để biện minh cho thuyết “Tài-Mệnh tương đố”, như sẽ trình bày sau đây.

Một số người cho rằng: Nguyễn Du đã dùng thuyết Luân Hồi (samsara) và luật Nhân-Quả (karma), để cắt nghĩa tại sao Thúy Kiều đã không làm gì nên tội, lại còn hy sinh hạnh phúc cá nhân để làm tròn đạo Hiếu đối với cha, thế mà suốt mười lăm năm chịu biết bao tủi nhục, long đong khổ sở? Và họ mượn thuyết nhân-quả, để giải nghĩa rằng: vì “kiếp trước” Kiều đã làm điều gian ác, nên phải lãnh lấy “ác quả” ở kiếp này. Sau mười lăm năm lưu lạc, vì Kiều đã làm điều phước đức, nên được rút tên ra khỏi sổ “đoạn trường” (khỏi vòng luân hồi), để được đoàn tụ với người tình cũ là Kim Trọng. Giải thích như thế là chưa đầy đủ, vì trong suốt câu truyện, nhà nho Nguyễn Du đã giảng giải, và biện minh cho nhiều triết thuyết khác nữa, nhất là niềm tin tự nhiên của dân chúng Việt Nam vào “Ông Trời” và đạo Hiếu. Vả lại, Nguyễn Du đã không theo đúng “luật nhân-quả” (ngũ giới), khi “cho phép” Thúy Kiều mượn bàn tay uy quyền của Từ Hải để hành hạ, và trả thù những người đã làm hại mình, một điều chẳng những trái với đạo từ bi, hỉ xả, mà còn gây thêm nên nghiệp chướng cho mình nữa! Ngoài ra, Nguyễn Du cũng đã lồng vào những màn” đồng bóng, gọi hồn” như Đạm tiên báo mộng, nói tiên tri… đó là những dị đoạn mê tín, “biến thể” của Lão giáo, thịnh hành trong giới bình dân

Bởi vậy, Triết lý trổi vượt nhất làm chủ đề cho toàn truyện, đó là niềm tín ngưỡng chung của dân chúng Việt Nam vào một Vị Hóa Công mà ta gọi là:”ÔNG TRỜI”. Trong tác phẩm, thi hào Nguyễn Du đã kêu đến danh “Ông Trời” hơn 33 lần! (tại Trời, nhờ Trời, thấu tới Trời, đạo Trời, cơ
Trời,
…). Triết lý quan trọng thứ hai và cũng là “duyên cớ” đã giải thoát Thúy Kiều khỏi vòng tục lụy, chính là vì nàng đã giữ trọn Đạo Hiếu, nên được Trời cứu vướt khỏi cảnh lưu lạc để đoàn tụ với người yêu và gia đình. Do đó, câu thơ nhiệm mầu như chiếc đũa thần đã biến cuộc đời “đoạn trường” thành hoan lạc, và kết thúc tấn tuồng ảo hóa, đó là: “Hiếu-Tâm đã động đến Trời”.

Gần đây, có một số người phê bình Nguyễn Du và Truyện Kiều theo thuyết” số mệnh” tiêu cực, nghĩa là Thúy Kiều đã cam phận, thụ động, không làm gì hết, mặc cho bánh xe cuộc đời lôi cuốn, chẳng hạn như, vì buông theo tình cảm bồng bột, thiếu đắn đo suy xét kĩ càng, Thúy Kiều đã liều mạng, nhẹ dạ nghe lời chàng Sở Khanh dụ dỗ mà chạy trốn khỏi lầu xanh, rồi bị Tú bà bắt lại:

“Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Thử xem con Tạo xoay vần đến đâu!

Nhưng nếu ta theo dõi mọi tình tiết diễn biến trong vai Thúy Kiều, ta sẽ nhận thấy nàng luôn cố gắng làm hết cách để giữ thế chủ động, để định đoạt đời sống của mình, vì nàng tin rằng: một người thành tâm thiện chí muốn xây dựng cuộc đời, dầu gặp cảnh ngộ éo le, thì Trời cũng sẽ trợ giúp cho thoát nạn: “Bĩ cực, thái lai”. Đây cũng là một triết lý mà các nho gia gọi là “luật Tuần Hoàn”, nghĩa là Hóa Công tạo dựng vũ trụ càn khôn, luôn thay đổi, xuân, hạ, thu, đông, ngày đêm, âm-dương điều hòa. Trong đời sống con người thì có lúc thịnh, lúc suy, lúc vui, lúc buồn. Do đó, điều quan hệ không phải là thành công hay thất bại, nhưng là quyết chí, bền tâm làm điều tốt, dầu gặp khó khăn, thì chung cuộc, Trời cũng sẽ phù trợ cho. Ta thấy Nguyễn Du đã dùng chính miệng hai nhà sư Tam Hợp và Giác Duyên để giải thích ý nghĩa biến cố Thúy Kiều được cứu vớt khỏi chết chìm trong sông Tiền Đường, và bắt đầu cuộc sống mới an vui như sau:

“Sư rằng:”Phúc họa đạo Trời,

Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.

Có Trời mà cũng có ta,

Tu là cõi phúc, tình là giây oan.”

Sau đây ta sẽ tìm hiểu: 1) thuyết “Tài -Mệnh tương đố” đã ứng nghiệm trong đời sống của thi hào Nguyễn Du và nhân vật Thúy Kiều như thế nào? 2) Niềm tin ở Ông Trời và Đạo Hiếu đã giải gỡ những khúc mắc của đời người ra sao?

1. Thuyết Tài-Mệnh tương đố đã ứng nghiệm trong đời sống Nguyễn Du và nhân vật Thúy Kiều. Nhìn ngắm thiên nhiên và quan sát vũ trụ, thì thấymuôn vật muôn người đều khác biệt, không giống nhau, không bằng nhau: thật là “trăm hoa đua nở, muôn hồng nghìn tía”. Về nhân loại, vì “nhân linh ư vạn vật”, nên Trời ban cho thân hình đẹp đẽ, lại có trí khôn thông minh để học hỏi, suy luận, và tài năng sáng chế các dụng cụ .Hóa Công đã sáng tạo ra con người một cách tài tình: không ai giống ai (ngay cả người sinh đôi, sinh ba, sinh bốn..cũng vẫn thấy sự khác biệt). Do đó, chữ “TÀI”, theo nghĩa rộng, bao gồm hết mọi tài năng mà Trời phú bẩm cho mỗi người khi sinh ra trên mặt đất này như: ý chí tự do, trí tuệ, tình cảm, thân xác, sắc đẹp, sức khoẻ và các năng khiếu tự nhiên về mỹ thuật. Đấy chẳng qua là “vốn liếng” tùy ý Trời ban cho mỗi người, không đồng đều. Nhưng mỗi người phải phát triển tài năng thiên phú của mình, và tùy khả năng, hợp tác với Trời để tô điểm cho bộ mặt trái đất ngày càng xinh đẹp, và sinh nhiều lợi ích cho nhân loại hưởng dùng.

Chữ “MỆNH”, hiểu theo truyền thống Nho giáo, tức Thiên Mệnh, Thiên Ý, tức là “Ý Trời” đã xếp đặt, điều khiển, an bài, quan phòng mọi sự xẩy ra trong vũ trụ; do đó, “Mệnh" đây chính là số phận, số mệnh hoặc hoàn cảnh, thời thế, cảnh ngộ, tai nạn .., bao gồm cả những hiên tượng thiên nhiên như bão lụt, động đất, hạn hán, hay già nua bệnh tật, chết… Vì những cảnh ngộ đó, có khi thuận lợi nhưng thường là những nghịch cảnh, xẩy đến ngoài khả năng ước đoán, định đoạt, lựa chọn, ngoài ý muốn của ta, nên một số người bi quan, yếm thế, thiếu ý chí, thiếu nghị lực để chiến đấu với những khó khăn ấy, nên đâm ra buồn nản thất vọng, buông xuôi, hoặc than thân trách phận và “trách Trời”, cho rằng: Ông Trời ghen ghét, đầy đọa con người! Họ đã hiểu sai thuyết “Tài-Mệnh tương đố”, cho rằng: con người tài hoa và số mệnh luôn ghen ghét, đố kị, nghịch nhau, tiêu diệt nhau

“Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau”

“Hồng nhan bạc Mệnh”

Trời Xanh quen thói má hồng đánh ghen”

Trái lại, người có ý chí tự do mạnh mẽ, thành tâm thiện chí, thì lại coi những nghịch cảnh chẳng qua là những “cơ hội”, những “thử thách” mà Ông Trời muốn dùng để tôi luyện ý chí và lòng dũng cảm của các vị anh hùng, của những tấm lòng trung kiên, cao thượng, vì lẽ nếu “trận đánh càng khốc liệt thì chiến thắng càng vinh quang”. Mặt khác, kinh nghiệm cho ta thấy: những bậc thiên tài, tạo nên sự nghiệp lớn lao cũng là những vị gặp nhiều gian lao thử thách hơn người phàm. Giả như có ai may rủi được “ngồi mát, ăn bát vàng”, thì người đời cũng khinh thường, vì người ấy chẳng có công trạng gì.

Cũng có người giải thích bằng luật “luật bù trừ”, hay “luật quân bình”, nghĩa là Ông Trời chí công vô tư, chẳng thiên vị ai, chẳng ghen ghét ai, nhưng hễ Trời ban cho ai nhiều “lưng vốn”, tài năng, thì cũng đòi hỏi người đó phải khó nhọc, vất vả hơn để sinh nhiều lợi tức. Đó cũng là lẽ “công bằng".

Trời cho Thúy Kiều vừa nhan sắc, lại thông minh, đa tài cầm ca, thi họa, thêm tình cảm dạt dào, tình tứ, bản tính tự nhiên của nàng là người có đức hiếu thảo đối với cha mẹ, nên khi gia đình gặp hoạn nạn nguy biến, thì lập tức, không do dự đắn đo, một mình nàng dám hy sinh hạnh phúc riêng tư để cứu vớt gia đình, nàng lại có tình chung thủy với người yêu, thương dân yêu nước, trọng lễ giáo… chỉ vì Trời đã phú bẩm cho Thúy Kiều nhiều tài năng và nhiều đức tính tốt, trổi vượt hơn người, nên cũng đòi hỏi nàng phải chiến đấu với nhiều nghịch cảnh hơn. Cô em là Thúy Vân, một mẫu người “trung bình” về mọi mặt, nên cuộc đời được phẳng lặng, êm ru như một mệnh phụ tầm thường, nên không có gì đáng làm gương cho ai cả. Thúy Kiều có hoàn toàn buông xuôi đầu hàng cho số mệnh, hay nghịch cảnh không? Theo các diễn biến, tình tiết trong truyện, ta thấy Thúy Kiều luôn cố gắng vươn lên khỏi cảnh bùn lầy nhơ nhớp, lầm than. Nàng đã quyết tâm chốn thoát chốn thanh lâu mấy lần, nhưng đã bị bọn Sở khanh lừa dối. Tuy là con người đa tình, nhưng nàng đã biết tự chủ, sáng suốt để khuyên người yêu Kim Trọng kiềm chế dục vọng, và tôn trọng lễ giáo. Cũng vì thương dân nước sống trong cảnh giết chóc mà nàng đã khuyên Từ Hải ra hàng, để rồi mắc họa vào thân. Những sự kiện đó chứng tỏ nàng không chịu đầu hàng cho số mệnh, nhưng với thành tâm thiện chí, nàng cố gắng làm chủ đời mình; ngay khi có hoàn cảnh có thể tái hợp lại với người yêu cũ, nhưng vì một lý tưởng cao hơn, nàng đã tự ý quyết định đổi tình yêu vợ chồng ra tình bạn hữu.

Đời sống và sự nghiệp của thi hào Nguyễn Du đã phản ánh trong nhân vật Thúy Kiều. Thật thế, Nguyễn Du xuất thân là một nho sĩ, theo đạo “tam cương ngũ thường”, với tài “kinh bang tế thế “, đã ra làm quan, và sung làm chánh sứ sang cống bên Tàu. Ông rất uyên thâm về thuyết “Thiên Mệnh”của Khổng Tử, đặc biệt thuyết “tính thiện”của Mạnh Tử: “nhân chi sơ tính bản thiện”. Theo lịch sử Triết Học Trung Hoa, triết thuyết này đã được các nho sĩ như Vương Dương Minh (1472-1528) giải nghĩa thêm và lập ra phái Tâm Học. Như đã trình bày về phái Tâm Học, ở đoạn trên, chữ “TÂM”, hiểu nghĩa là “Lương Tri, Lương Tâm”, tức là “nơi” gặp gỡ giữa con người và Thượng Đế. Chính tại“nơi”thâm cung, thâm Tâm, con người được Đấng Hóa Công cho khả năng biết phân biệt điều Tốt phải làm, và điều Xấu phải tránh. Do đó, Nguyễn Du đã đánh giá chữ “Tâm”, tức Thiện Chí của con người cao quí hơn, gấp ba lần chữ “tài"! Người có Thiện Tâm, quyết chí thực hành điều tốt, điều phải, thì Trời sẽ giúp cho thắng vượt mọi gian nan thử thách.

Gặp thời nhiễu nhương, loạn lạc, ông đành sống ẩn dật, để giữ khí tiết của bậc trung thần, chờ thời cơ thuận tiện sẽ lại xuất chính. Nhưng ông không phải là người yếm thế, tiêu cực, hoàn toàn đầu hàng cho số phận, số kiếp, mà không làm gì cả! Trái lại, là một nho sĩ cương nghị, thành tâm thiện chí, ông đã từ giã cảnh nhàn du sơn thủy, để trở về giúp dân cứu nước, mặc dầu biết trước sẽ gặp bao khó khăn, bực bội với tân trào. Là một kẻ sĩ tài ba, Nguyễn Du luôn thi thố tài năng, bằng những hoạt động ngoại giao như đi sứ sang Trung Quốc, hay sáng tác thơ văn. Có người cho rằng: nhân vật Từ Hải mà ông đã mô tả trong truyện Kiều, nói lên ý chí hào hùng bất khuất của ông chống lại các bất công của thời phong kiến. Vì ông tin tưởng rằng: với thành tâm thiện chí, thì Trời sẽ giúp cho thành công:”Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân

Thân phận nàng Kiều, số phận Tố Như (Nguyễn Du) cũng tương tự như vận mệnh của cả dân tộc Việt Nam. Thật vậy, suốt dòng lịch sử từ khi lập quốc cho tới ngày nay và có thể trong tương lai, dân tộc Việt nam luôn phải đương đầu với mọi nghịch cảnh. Nhưng nhờ niềm tin mạnh mẽ vào “Ông Trời”, và vào đạo Hiếu đối với Ông Bà, nên người Việt Nam chúng ta, dầu gian nan khổ sở, vẫn vui vẻ chịu đựng phấn đấu để phát huy văn hóa và trường tồn!

Trong tiểu sử của thi hào Nguyễn Du, không thấy nói đến có lúc nào ông đã “xuất gia tu hành”! Do đó, qua câu thơ:” Tu là cõi phúc, Tình là giây oan”, thì ta phải hiểu chữ “Tu” có nhiều nghĩa. Theo nghĩa hẹp, “tu” là bỏ gia đình để vô ở trong tu viện. Nhưng đối một nho sĩ “kinh bang tế thế” như Nguyễn Du, chữ “tu”, ở đây nên hiểu theo ý nghĩa của Nho giáo, tức “Ngũ thường": tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; đây là một lý tưởng cao, một kế hoạch lớn. Điều quan trọng là phải theo một thứ tự ưu tiên. Trước hết phải “tu thân”, phải rèn luyện tính khí cho kiên cường, không để cho tình tư dục lấn áp. Chữ “ Tình”ở đây không hiểu theo nghĩa hẹp là “ái tình"( tình ái giữa trai-gái, vợ-chồng), nhưng là gồm tất cả “thất tình” của con người là: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục (vui, giận, xót thương, sợ, yêu, ghét, ham muốn). Do đó, ý nghĩa của câu thơ của Nguyễn Du là: muốn sống hạnh phúc, an vui, quân bình thì phải “Tu Thân"nghĩa là biết “sửa mình”, sống“tự chủ”, đức độ, ý chí, biết điều khiển và kiểm soát được “thất tình”, là những tình cảm bồng bột, lăng loàn. Một người sống hoàn toàn buông thả theo tình cảm đưa đẩy, thiếu lý trí sáng suốt để phân biệt Phải/trái, sẽ phạm nhiều điều sai lỗi, và gây ra tội ác, đau khổ cho mình và cho người khác: “no mất ngon, giận mất khôn”. Bởi vậy, chắc hẳn cụ Nguyễn Du không khuyên người đời: muốn được hạnh phúc thì chỉ có cách là “đi tu”, trốn tránh cuộc đời, và khinh chê đời sống vợ-chồng! Nhưng trong mọi hành động, cư xử, nên đặt lý trí sáng suốt trên tình cảm bồng bột mù quáng.

2. Niềm Tin vào Ông Trời và Đạo Hiếu đã giải gỡ những khúc mắc của đời sống. Niềm tin cổ truyền của dân tộc Việt Nam vào Đấng Thiêng Liêng Cao Cả và vào Đạo Hiếu là chìa khóa giải gỡ mọi tình tiết éo le, khúc mắc của cuộc đời thi hào Nguyễn Du, và của Truyện Kiều: “Hiếu-Tâm đã động đến TRỜI”. Nguyễn Du đã diễn tả Ông Trời bằng những phẩm tính như là Vị Hóa công tạo dựng vũ trụ, mọi việc xẩy ra trên đời do Trời an bài, định đoạt. Ông Trời là vị thẩm phán tối cao, rất công bằng, thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ. Ông Trời không ghen ghét ai, không thiên vị ai, nhưng Trời được hoàn toàn tự do ban phát ân huệ, tài năng cho mỗi người tùy Thiên Ý, Thiên Mệnh, một cách nhưng không, nghĩa là con người không có quyền đòi hỏi, hay phân bì. Nhưng nếu Trời ban cho ai nhiều tài năng, thì cũng đòi hỏi người đó nhiều trách nhiệm. Bởi vậy, khi Nguyễn Du viết:” chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau”, hay “Tài-Mệnh tương đố”, thì nên hiểu là: Ông Trời “thách đố” những bậc tài hoa phải thi thố tài năng hơn người bình thường.

Nói tóm lại, theo triết lý nhân sinh của nhà đại văn hào Nguyễn Du, thì số phận của một cá nhân, hay vận mệnh của một dân tộc sinh sống trên cõi đời này, không ai là không phải chiến đấu với mọi nghịch cảnh, để lập thân cho mình và giúp ích cho nhân quần xã hội. Đời người là một hí trường, đầy gian lao “thử thách” không ngừng. Do đó, phát sinh hai thái độ trái ngược nhau: một là thái độ bi quan tiêu cực, đầu hàng, buông xuôi theo “số mệnh”, “há miệng chờ ho”, không làm gì cả; hai là, thái độ “tự cao tự đại”, không cần ai cả, không tín ngưỡng, tự mình xây dựng cuộc đời, mặc dầu cảm thấy đời sống đầy chông gai, bi đát, vượt quá khả năng của con người. Qua Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã muốn chứng minh một đạo sống “trung hòa”, quân bình của dân chúng Việt Nam “Có Trời mà cũng có ta”. Triết lý nhân sinh này đã giúp cho dân tộc ta vừa quyết tâm chiến đấu với mọi gian nguy, khổ sở, vừa nhẫn nại, chịu đựng, bền tâm, tin tưởng vào một tương lai sáng lạng: Ca dao có câu:”Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Thiết tưởng đó mới thật sự là tâm sự mà thi hào Nguyễn Du đã muốn gửi một bài học vào trong Truyện Kiều cho hậu thế. Tâm sự đó Nguyễn Du ước mong đồng bào nhận biết và thông cảm, qua hai câu thơ:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(không biết hơn ba trăm năm sau này, thiên hạ còn ai khóc Tố Như (Nguyễn Du) không?)

g. Hàn Mặc Tử Nguyễn Trọng Trí (1913-1940)

Trong cuốn “Việt Nam Văn Học Sử Yếu”, khi viết đề mục “ Mấy nhà thi sĩ hiện đại”, Dương Quảng Hàm đã liệt kê hai nhà thơ nổi tiếng trong phái làm “thơ mới”, để phân biệt với thời các vị thi sĩ làm thơ theo”đường luật”. Hai nhà thi sĩ đó đều là những người theo Thiên Chúa giáo: thi sĩ Hàn Mặc Tử Nguyễn Trọng Trí, và Thế Lữ Nguyễn Thứ Lễ (1907-?). Cả hai đều đem lại cho thi giới Việt Nam một nguồn thi hứng mới lạ, thanh thoát, lên cõi huyền bí, trên cảnh tiên giới. Nguồn cảm hứng của thi nhân không chỉ giới hạn vào cõi đời tục lụy này, nhưng còn bắt nguồn từ một niềm Tin của một Đạo Giáo cao siêu, vào Tình Thương vô bờ bến của Thượng Đế. Thi sĩ Thế Lữ chỉ biểu lộ tâm tư hùng mạnh, giầu tình yêu, giầu mộng tưởng lên cõi cực lạc, qua tập “Mấy vần thơ”, như bài thơ “Nhớ rừng”, hoặc “Tiếng sao Thiên thai”, v.v. Riêng thi sĩ Hàn Mặc Tử đã đưa vào thi giới Việt Nam những đề tài huyền bí, mầu nhiệm thấm nhuần một Đức Tin Siêu Việt, và một niềm Hy Vọng cứu thoát trong cơn đau khổ dằn vật, vì bệnh phong. Cho đến lúc từ giã cuộc đời, tâm hồn thi nhân vẫn được tràn ngập Tình Yêu của Chúa. Những đề tài trong thơ Hàn Mặc Tử có thể xa lạ đối với những người ở ngoài đức Tin Thiên Chúa Giáo, như: mầu nhiệm về Bản Thể Siêu Việt của Đấng Thượng Đế là :"Một Chúa Ba Ngôi” : Ngôi Cha, Ngôi Con, tức là Chúa Cứu Thế giáng trần để cứu độ, và Chúa Thánh Thần. Thi sĩ Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1978) đã sáng tác một bài thơ bằng hán văn để tán tụng Mầu Nhiệm Cao Cả đó như sau:( Bài thơ này đã được Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu khen ngợi, tán thưởng và họa lại)

“Duy nhất Thiên Chủ hữu Tam Vị

Thánh Phụ, Thánh Tử, Thánh Thần thị.

Tạo thành vạn vật, Tể càn khôn,

Toàn tri, toàn năng, toàn thiện mỹ”

Dương Quảng Hàm đã bình luận về Thi sĩ Hàn Mặc Tử:” Ông ưa tả cảnh đêm tối, cảnh trăng sao, cảnh sương mù (Đà lạt trong mơ) là những cảnh hợp với tâm hồn thê lương, ảm đạm của ông…

Cái ý nghĩ về sự chết chiếm cả tâm hồn ông, nhiều khi khiến ông như điên như dại, nhưng cũng khiến ông nâng thần trí lên chỗ cao xa, sáng láng (Xuân như ý), ước ao một cuộc đời lý tưởng tốt đẹp, và ca tụng, cầu nguyện Đức Chúa Trời (Say thơ).” Lời nhân định trên của nhà phê bình văn học thời tiền chiến thật xác đáng. Nhờ Đức Tin Thiên Chúa Giáo, thi sĩ đã đi sâu vào mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi”, là căn bản giáo lý của Thiên Chúa Giáo. Bản Tính Thiên Chúa được định nghĩa là Tình Yêu Thương Vô Biên. Dầu Ba Ngôi Vị phân biệt nhau, nhưng chỉ có Một Chúa mà thôi, vì Ba Ngôi Vị thương mến nhau vô cùng, không hề có một chút gì bất đồng, hoặc hơn kém, cho nên “dẫu Ba mà Một”. Với một tâm tư nặng tình cảm dân tộc, lại thấm nhuần giáo lý cao siêu về Tình Thương vô cùng của Chúa, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã cảm hứng, và sáng tác ra những vần thơ ca tụng “Chúa Trời”, với mầu sắc, âm thanh, hình ảnh rất lạ lùng, chưa hề thấy trong văn đàn Việt Nam từ cổ chí kim. Bởi vậy, dầu thi sĩ là người đau khổ nhất vì mắc bịnh phong, nhưng cũng là một tâm hồn tràn trề hy vọng, phú thác, bình an, nhờ niềm Tin vào Tình Thương vô cùng của “Ba Ngôi Thiên Chúa”, đặc biệt “Ngôi Hai xuống thế làm người “để chia sẻ thân phận hẩm hiu của nhân loại tội lỗi, cần được cứu độ.

“Sáng vô cùng và sáng láng cả mọi miền,

Không u ám như cõi lòng ma quỷ.

Vì có “Đấng” hằng sống hằng ngự trị,

Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp hư linh.”

Đêm Xuân cầu nguyện”

Ta chắp hai tay lại quỳ hoan hảo,

Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian.

Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân,

Nở một lượt giầu sang lên Thượng Đế……

Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giêsu,

Ban Ơn xuống cho mùa xuân hôn phối,

Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi

Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng:

Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng….

Bài “Ra Đời”, diện tả tâm tư ngày lễ Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế:

“Ôi, cao sang khôn ví trọng ai bì!

Trên nước cả có vô vàn châu báu,

Trí rất ngớp bởi chưng xuân hồn hậu,

Đã ra đời, theo lệnh của “Ngôi Hai”.

Ôi thánh tai, thánh tai, và thánh tai!

Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc,

Rất trọng vọng rất thơm tho man mác,

Rất phương phi trên hết cả anh hoa…….

Về mặt văn học, tuy theo tân học, nhưng Hàn Mặc Tử làm thơ Đường luật cũng rất hay, đã được nhà văn lão thành Sào Nam Phan Bội Châu tán thưởng. Trong các bài thơ, thi sĩ thường dùng những danh từ mượn ở các đạo giáo Việt Nam như: “trượng phu lời”, “quân tử ý”, “giầu muôn hậu Từ Bi”,.., nhưng ông đã đem vào một nội dung ý tưởng mới rút ra từ Thánh Kinh, hay giáo lý của Thiên Chúa Giáo.

Trong văn hóa, và văn chương thi phú Việt Nam, do ảnh hưởng của đạo Hiếu, địa vị của người Mẹ, biểu tượng của tình thương, của gia đình, luôn được các văn nhân thi sĩ ca tụng. Riêng đối với đồng bào Thiên Chúa Giáo, Đức Trinh Nữ Maria giữ một địa vị rất quan trọng trong đời sống đức tin, bởi vì Bà là Mẹ Chúa Cứu Thế, và cũng là Mẹ phù trợ các môn đệ theo Chúa. Hơn nữa, Mẹ Maria còn là biểu hiệu của lòng thương xót đối với đoàn con cái còn lưu lạc nơi trần thế, đầy đau khổ. Nhớ lại những năm khói lửa kinh hoàng, tại các xóm Đạo ở ngoại ô như Chí hòa, Trung Chánh, Xóm mới, Gò vấp… (nơi tập trung dân di cư công giáo), mỗi chiều tối, từ trong các gia đình văng vẳng lời cầu kinh Mân Côi, để xin Đức Mẹ phù hộ cho chồng con, cho gia đình được bình an. Theo truyền thống, hằng năm hành hương nơi linh địa “Đức Mẹ LaVang"; trong tháng năm tổ chức rước kiệu và ca vãn dâng hoa. Sinh sống ở Hoa Kỳ, mỗi năm hàng chục ngàn đồng hương Việt Nam lũ lượt kéo nhau về dự Đại Hội Thánh Mẫu tại miền Carthage, Missouri.

Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã diễn tả một cách thâm thúy, đầy tâm tình trìu mến, cậy trông vào sự che chở của người Mẹ hiền đối với đoàn con đau khổ. Lời thơ của thi nhân rất thành thật, tao nhã, linh hoạt và cảm động, nhất là khi nghe bài phổ nhạc hòa âm của Hải Linh: âm điệu, âm thanh rất nhẹ nhàng, bay bổng, lung linh, diễm lệ: “AVE MARIA”, Mẹ Sầu Bi! Đây là bản hòa âm tuyệt tác, xứng đáng góp phần vào kho tàng phụng vụ, và nghệ thuật của Giáo Hội hoàn vũ để ca tụng Mẹ Chúa Cứu Thế và cũng là Mẹ các tín hữu:

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thanh vẹn,

Giầu nhân đức, giầu muôn hậu từ bi.

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy,

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.

Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ:

Dòng thao thao bất tuyệt của dòng thơ.

Bút tôi reo như châu ngọc đền vua,

Trí tôi hít bao nhiêu là khí vị…

Và trong miệng ngâm câu ca huyền bí,

Và trong tay nắm một nạm hào quang…

Đây rồi! đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh,

Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý,

Trượng phu lời và tông đồ triết lý,

Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ- đồng- trinh.

Là Nguồn Đau châu lụy Nữ-đồng-trinh.

Thơ Hàn Mặc Tử đã đem vào thi giới Việt Nam một dòng thi tứ mới, rất lạ lùng. Đức Tin vào Một Thiên Chúa yêu thương vô cùng, vào Chúa Cứu Thế tự nguyện chịu khổ hình Thập Giá để đền tội thay cho nhân loại, cùng với Mẹ Sầu Bi…Tất cả nguồn đạo lý cao siêu, “ ân sủng”huyền bí, thật sự đã thấm nhập và cải hóa con người đau khổ nhất đời của thi nhân, thành một con chiên ngoan đạo, vừa nhận biết giá trị hoan lạc, vinh quang của đau khổ, vừa cảm mến những tâm hồn quảng đại hy sinh vì bác ái mà ông gọi là những “Thiên Thần”, chính là các Nữ Tu đang tận tụy săn sóc bịnh nhân. Bởi vậy, trong đau khổ ngút ngàn, ông không tuyệt vọng, nhưng ca tụng “những kỳ công huyền diệu của Đấng Tối Cao”.

“Hỡi những Thiên Thần trên trời,

Những Thiên Thần của Thiên Chúa,

Những Thiên Thần Hòa Bình và Hoan Lạc!

Xin hãy ban xuống cho tôi một vòng hoa.

Tôi muốn tắm trong biển cả hào quang,

Trong tình thương cao cả,

Vì cõi trần gian nhiều phép lạ,

Khiến người người đều im lặng cung chiêm

Những kỳ công huyền diệu của Đấng Tối Cao.

Hỡi những Thiên Thần trên trời

Những Thiên Thần của Thiên Chúa,

Những Thiên Thần Hòa Bình và Hoan lạc!

Hãy tung lên những cánh hoa Hồng,

Những bông hoa Sen với khúc nhạc du dương,

Những điệu nhạc tỏa hương thơm ngát.

Hãy đổ đầy nhân đức, chí can trường,

Niềm hạnh phúc vô biên

Vào tâm hồn các nữ tì của Thiên Chúa.”

4. “Ông Trời” Trong Lễ Tế Nam Giao

Dân chúng Việt nam thờ nhiều thần, cùng với tín đồ của các tôn giáo như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Thiên chúa giáo, đạo thờ Tổ Tiên…tất cả đều tin tưởng vào Một Đấng Linh Thiêng vượt trên hết các thần thánh, mà họ gọi là Ông Trời. Tục lệ “tế Nam Giao” đã biểu dương lòng tín ngưỡng đó, bằng những lễ nghi đầy ý nghĩa linh thiêng, và uy nghiêm kính cẩn. Mục đích của lễ tế Nam Giao là để tôn thờ Vị Chủ Tể càn khôn, có quyền ban ân giáng phước và xua đuổi tà ma khỏi gây ác họa cho dân nước. Ông Trời làm Chủ vũ trụ bao la, nên không đặt bàn thờ để tế Ngài ở trong đền miếu nhỏ bé, nhưng ở ngoài lộ thiên, tượng trưng cho sự quyền năng vô biên bao trùm vạn vật. “Nam” có ý chỉ phía nam, theo địa lý cổ truyền, phía nam là hướng ánh sáng, và phía bắc là hướng tối tăm. “Giao”là tương giao, giao hòa gặp gỡ. Bởi đó, Nam Giao là nơi giao hòa gặp gỡ giữa Trời và dân con Trời, ở phía nam, hướng tốt lành của dân tộc Việt Nam, đầy ánh sáng, thảo mộc xanh tuơi, phong thuận gió hòa (ca dao:” Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam).

Linh mục Đắc Lộ, vào năm 1628, đã được dịp chứng kiến cuộc lễ Tế Nam Giao do vua Lê Thần Tông đóng vai Thiên Tử để làm chủ tế, ngày Tết Nguyên Đán. Ngày 30 tháng chạp, Chúa Trịnh Tráng cùng với đoàn vệ binh đi xuống sông tắm rửa sạch sẽ, một cử chỉ có ý nghĩa “tống cựu nghinh tân”. Nửa đêm đến giờ giao thừa, thì nổ súng thần công, báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới bắt đầu. Sáng ngày mồng một Tết, chúa Trịnh cùng với các quan, bốn ngàn lính, ba ngàn ngựa, ba trăm voi tiến vào đền vua Lê Thần Tông, để rước vua ra làm chủ sự lễ Tế Nam Giao. Khi lễ tế đã hoàn tất, thì bắn ba phát súng thần công để báo hiệu cho dân chúng biết. Tiếp theo, chúa Trịnh và đoàn tùy tùng hộ tống nhà vua trở lại đền vua để chúc mừng năm mới.

Linh mục Đắc Lộ đã giải thích ý nghĩa về mặt tôn giáo, tín ngưỡng của lễ Tế Nam Giao như sau: Trong ngày Tết Nguyên Đán là ngày trọng nhất trong năm, người Việt Nam đã tôn kính ba cấp bậc về “Phụ Tính” (fatherhood). Ở cấp bậc dưới, là tôn kính Tổ Tiên đã qua đời, và chúc tuổi cho ông bà cha mẹ còn sống; ở cấp hai, là chúc thọ nhà vua như vị thiên tử, thay Trời để cai trị dân nước, cũng được gọi là” dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân); ở cấp cao hơn hết, là Tế Trời trong lễ Tế Nam Giao: Trời là Vị “Thượng Phụ” đã tạo dựng nên nhân loại và vũ trụ càn khôn (Catechismus, ngày thứ nhất).(199)

Linh mục Léopold Cadière, một nhà truyền giáo, rất am tường về văn hóa và đạo giáo ở Việt Nam, đã mô tả và giải thích về lễ Tế Nam Giao như sau:

Đền Nam Giao đời nhà Nguyễn được dựng về phía nam Kinh Đô Huế, trên một gò đất cao gồm bốn cấp bậc chồng lên nhau. Bậc cao nhất có hình tròn (hình bánh dày) tượng trưng cho Trời, đo được 42 mét đường kính. Hai cấp thấp hơn có hình vuông (hình bánh chưng), tượng trưng cho Đất (bốn cạnh chỉ bốn phương trời), một nền dài 85 mét, một nền dài 165 mét. Nền thấp nhất ngang bằng với nền đất trồng thông, có hình chữ nhật, dài 390 mét và rộng 265 mét.

Chỉ một mình nhà vua được gọi là Thiên Tử (con Trời) đại diện cho thần dân làm chủ tế, như vị giáo chủ. Trước khi đến tế lễ, nhà vua phải được thanh tẩy tại Trai cung. Khi việc tế tự đã hoàn tất, nhà vua phải trở lại Trai cung để báo cáo về các lễ nghi đã được thực hiện đầy đủ, trang nghiêm kính cẩn.

Tế Nam Giao là một biểu dương sâu xa nhất của dân tộc Việt nam đối với Đấng Tối Cao, đối với Vị Thiên Chủ. Dân chúng tham dự một cách sốt sáng nhiệt tình, lễ nghi diễn ra trang trọng đầy ý nghĩa tượng trưng.

Linh mục Cadière viết lại cảm tưởng như sau: lễ Tế Nam Giao đã mặc một vẻ trang trọng uy nghi tương xứng với sự cao cả của “Đấng” mà dân chúng tôn thờ, tương xứng với sự tin tưởng tinh tuyền đối với Vị Chủ Tể, tương xứng với tâm tình sâu xa nẩy nở trong lòng người Việt Nam.Tin tưởng vào quyền lực vô biên của một Ông Trời, đó là một niềm tin cao quý và tinh tuyền nhất trong các tín ngưỡng Việt Nam. Cũng vậy, Tế Nam Giao chính là biểu lộ long trọng của niềm tin ấy, Tế Nam Giao là một lễ nghi cao cả nhất trong việc phụng tự của người Việt Nam”.(200)

5. Cha Đắc Lộ và Niềm Tin vào “Ông Trời” của Dân Việt

Giá trị cao quí nhất của “bốn ngàn năm văn hiến” của dân tộc Việt Nam là gì?_ Thưa chính là niềm Tin ở Ông Trời và Đạo Hiếu, tức là chết không phải là hết, nhưng Hồn Thiêng của Ông Bà vẫn còn tồn tại với con cháu. Do đó, để “khai quật” kho tàng quí giá còn chôn giấu trong tâm tưởng dân chúng Việt Nam từ bao nhiêu đời, Cha Đắc Lộ đã xếp đặt những bài suy luận về niềm tin tự nhiên vào Ông Trời, và ước vọng trường sinh bất tử của con người “linh ư vạn vật”, là những bài học đầu tiên trong sách Giáo lý. Đây là phương pháp sư phạm để dạy Giáo lý, theo một trật tự “hợp lý”, nghĩa là khởi đầu từ Văn Hóa, Tự nhiên để vươn lên Mặc Khải, Siêu nhiên. Vì lòng ngưỡng mộ nền văn hóa tốt đẹp của dân Việt, và vì lòng nhiệt thành muốn chia sẻ Tin Mừng của Chúa Cứu Thế cho đồng bào, cha Đắc Lộ đã tận tụy nghiên cứu ngôn ngữ và tìm hiểu phong tục tập quán để có thể “dĩ văn tải Đạo”, dùng văn từ thích hợp để truyền bá những chân lý của Đức Tin Thiên Chúa Giáo.

Danh xưng ĐỨC CHÚA TRỜI

Bên Trung quốc, cha Matteo Ricci xuất bản cuốn”Thiên Chủ Thực Nghĩa”. Sách này đã làm chấn động dư luận Trung quốc thời bấy giờ (và cho đến ngày nay). Vua Khang Hy nhà Thanh, các bậc nho gia, quan lại đều đã tìm đọc. Cha Đắc Lộ đã kể một câu truyện hi hữu như sau: Khi cha đang giảng giáo lý cho tân tòng thì có một vị sư đưa cho ngài coi một cuốn sách viết bằng chữ nho. Nhà sư cho biết: cách đây gần 30 năm, cụ thân sinh của nhà sư đã theo phái đoàn Việt nam đi triều cống vua Trung quốc và đã được tặng cuốn sách ấy đem về nước. Khi cụ thân sinh chết thì trối lại cho con cháu, nhưng trong nhà không ai hiểu được các lý lẽ viết trong cuốn sách ấy. Vừa rồi khi nghe cha Đắc Lộ giảng giáo lý thì thấy các lý lẽ mà cha vừa nói, giống như các tư tưởng có trong cuốn sách kia.(201)

Có thể cha Đắc Lộ đã đọc sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa” của Cha Ricci, nhưng khi áp dụng vào hoàn cảnh đặc biệt của địa phương, Cha Đắc Lộ đã biến chế, thích nghi, để “hội nhập” vào văn hóa Việt Nam một cách rất tài tình. Trong vấn đề hội nhập văn hóa, ngài đã nghiên cứu tường tận tâm lý, tâm tình, trình độ văn hóa của mọi giới trong xã hội thời bấy giờ để trình bày giáo lý mới một cách thích hợp.

Muốn giảng Tin Mừng cho đại chúng, công việc cấp bách phải làm là tìm những danh từ thích hợp có âm hưởng thuần tuý của Việt ngữ, lại có khả năng chuyên chở được nội dung ý nghĩa thần học của Thiên Chúa Giáo. Do đó, câu hỏi quan trọng là: trong ngôn ngữ Việt nam, danh xưng nào xứng đáng để “đặt tên” cho Đấng Tạo Thành vũ trũ càn khôn? Có vị thừa sai đề nghị dùng chữ “Chúa Dêu”. Chữ “Dêu”phiên âm bởi chữ Latinh “Deus”, có nghĩa là Chúa. Nhưng cha Đắc Lộ và cha Francesco Buzomi đã bác bỏ, vì chữ “dêu”không có nghĩa tốt đẹp trong các tiếng Việt thông dụng. Vả lại, sợ rằng người Việt Nam nghĩ tưởng đó là một vị thần mới từ đâu đem đến chăng? Cha Đắc Lộ biết bên Trung Hoa, thời bấy giờ, đã dùng danh từ Thượng Đế của người Trung Hoa, và danh từ “Thiên Chủ” do cha Ricci ghép hai chữ “Thiên” và “Chủ”. Đối với cha Đắc Lộ, ngài không thích dùng hai từ ngữ này, vì là chữ Nho, không thông dụng, không thuần túy Việt ngữ. Ngài chỉ tạm dùng danh từ “Thiên Chúa” (Thiên Chủ) do cha Ricci sáng tác ra, trong khi đi tìm một chữ vừa có âm điệu Việt ngữ, vừa biểu lộ được niềm tin “sẵn có” của dân tộc Việt Nam: đó là tiếng mà mọi người thường kêu xin:”ÔNG TRỜI”. Danh xưng này dễ hiểu, và quen thuộc với mọi giới đồng bào. Dĩ nhiên, khi dân chúng kêu “Ông Trời”, “Trời ơi!”, thì không có ý chỉ trời xanh mênh mông, nhưng chính là một Vị, một Đấng, một Ông, cao sang làm CHỦ(CHÚA) cả vòm trời xanh. Cha cũng tránh không dùng các danh từ trừu tượng, vô-bản-vị như: Lý, Thái Cực, Đạo, Khí, Vô, Không. Theo Lịch sử Triết học Trung Hoa, những ý niệm kia đã bắt nguồn từ quan niệm “Vạn vật nhất thể”, hoặc của phái Lý-Học (Chu Hi:1130-1200) và Tâm-Học (Vương dương Minh:1472-1528). Để củng cố cho ý niệm “bản vị”, “ngôi vị”, “hữu ngã”, cha Đắc Lộ đã hợp tác với các Thày Giảng thông thái người Việt Nam,( các vị nho sĩ, cựu tu sĩ Phật Giáo) để sáng tác ra danh từ “ĐỨC CHÚA TRỜI”, đầy ý nghĩa tôn giáo và âm hưởng Việt Nam. Tại sao dùng chữ “Trời “? Vì lấy ý nghĩa và thành ngữ ở Kinh Thánh:”Chúa của trời đất (coi:sách Tông đồ Công Vụ 17:24 và Luca 10:21). Tại sao dùng chữ Chúa? Chữ Chúa bởi chữ nho “Chủ”, dùng để chỉ vị nguyên thủ quốc gia như Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn. Còn chữ “Đức”dùng để chỉ tước vị cao trọng. Lúc đầu, cha Đắc Lộ dùng chữ: “Đức Chúa Trời-Đất, theo ý nghĩa câu thành ngữ: “Trời che, Đất chở”. Về sau rút gọn lại thành:ĐỨC CHÚA TRỜI. Đây cũng là một quyết định khôn ngoan, hiểu biết tâm tình mộ đạo của người bình dân Việt nam, thờ kính nhiều thần thánh như thần sông, núi, thiên lôi, hà bá….Cha Đắc Lộ muốn giúp họ chỉ thờ phượng, kính mến Một Chúa Siêu Việt là Đức Chúa Trời mà thôi. Còn toàn thể các loài thụ sinh như các vị thành lập các đạo giáo, các thánh nhân, các bậc hiền nhân quân tử, hồn thiêng của Ông Bà tổ tiên, … (kể cả chín phẩm thiên thần, và ma quỉ (tiếng Phạn là mara).. đều do Đức Chúa Trời tạo dựng nên, vì thế, ta không thể đặt các vị đó ngang hàng bằng Đức Chúa Trời được! Cha Đắc Lộ cũng đã đề cao niềm tin tuyệt đối của dân tộc Việt Nam vào “Ông Trời”, trong lễ Tế Nam Giao. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán,, một lễ tế đặc biệt của dân Việt do nhà vua, đại diện cho quốc gia làm chủ tế.

Theo giáo lý mặc khải của Thiên Chúa Giáo, các tín hữu phải tin: “Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi”. Đây là một mầu nhiệm cao sâu nhất trong đạo, vượt quá sự hiểu biết của trí khôn nhân loại. Nhờ Chúa mặc khải thì ta mới biết có chân lý tuyệt đối đó, nhưng vẫn không thể hiểu rõ yếu tính của mầu nhiệm đó:” Ba Ngôi Vị phân biệt nhau, lại hợp nhất hoàn toàn nên “Một Thiên Chúa” mà thôi!”

Bên Trung Hoa, cha Matteo Ricci trong sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa”, và cha Michele Ruggieri trong sách “Thiên Chủ Chân Lục”, đã không đề cập, cũng không diễn giảng về Mầu Nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi”cho các độc giả người Trung Hoa, lấy lý do là họ khó hiểu, và công việc trình bày giảng dạy đòi hỏi nhiều công phu nghiên cứu.Ý kiến và lập trường của cha Đắc Lộ thì khác. Theo Ngài, Mầu Nhiệm”Một Chúa Ba Ngôi”, vừa là tâm điểm của Đạo Thiên Chúa, vừa là nòng cốt liên quan mật thiết đến ơn Cứu Độ. Trước khi chịu phép Rửa tội, người tân tòng cần phải được dạy dỗ về mầu nhiệm này, bởi vì ý nghĩa của nhiệm tích này là dâng hiến, thánh hiến người được rửa tội cho “Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi”, để họ được sạch mọi tội, trở thành con Chúa và được sống đời đời. Công thức đọc khi rửa tội là: “Tôi rửa bạn (ông bà, anh chị…) Nhân Danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Ego te baptizo in Nomine Patris et Filii et Spiritus Sancti).(202)

Về cách dùng Việt ngữ để diễn tả những quan niệm mới về Thần học, cha Đắc Lộ đã mượn một số danh từ bằng chữ nho do cha Ricci đặt ra trước, chẳng hạn chữ “Tính” (natura, essentia) để chỉ “Bản Tính” của Đức Chúa Trời là phép tắc vô cùng, trọn tốt trọn lành vô cùng, ở khắp mọi nơi…Đặc biệt và tài tình hơn cả là việc cha Đắc Lộ dã dùng chữ nôm “NGÔI” dịch ra từ chữ nho “VỊ” để diễn tả ý niệm “bản vị, nhân vị” (Person) trong thần học Thiên Chúa Giáo. Chữ “Ngôi” rất phổ thông trong ngôn ngữ Việt Nam như: ngôi vua, ngôi báu, ngôi thứ trong làng…. Sách giáo lý dậy rằng: “Hỏi: có mấy Đức Chúa Trời? Thưa: có Một Đức Chúa Trời mà thôi. Hỏi: Đức Chúa Trời có mấy Ngôi? Thưa: Đức Chúa Trời có Ba Ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần.”.

Theo thần học Thiên Chúa Giáo dạy: chỉ có Một Đức Chúa Trời mà thôi (không thể có ba Chúa Trời được). Chúa Con, tuy bình đẳng hoàn toàn bằng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhưng có “Ngôi Vị” phân biệt với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha, hoàn toàn bình đẳng với Chúa Thánh Thần và Chúa Con, nhưng có “Ngôi Vị” riêng biệt với hai “Ngôi” kia. Chúa Thánh Thần cũng hoàn toàn bằng hai “Ngôi” kia, nhưng có “Ngôi Vị” khác với Chúa Cha và Chúa Con. Bởi vậy, tuy” Ba Ngôi” phân biệt nhau, nhưng chỉ có” Một Đức Chúa Trời” mà thôi! Bản Tính của Đức Chúa Trời là Tình Thương Yêu vô cùng. Do đó, chính bởi Ba Ngôi Thương Mến nhau vô cùng, nghĩa là không khi nào có sự chia rẽ bất hòa, hoàn toàn bình đẳng, đồng thuận, đồng ý về mọi phương diện…, cho nên dẫu “Ba Ngôi”, nhưng “Một Chúa” mà thôi!

Mầu nhiệm” Một Chúa Ba Ngôi” là mầu nhiệm cao cả nhất, vì vượt quá quá sự hiểu biết của lý trí và kinh nghiệm của nhân loại. Khi dạy giáo lý cho tân tòng, cha Đắc Lộ có cảm tưởng là: dân chúng Việt Nam không khó chấp nhận Mầu Nhiệm”Một Chúa Ba Ngôi” bằng tin Con Thiên Chúa là Đấng phép tắc vô cùng, tốt lành vô cùng, thế mà lại hạ mình xuống mặc lấy xác phàm, làm người yếu hèn như mọi người chúng ta. Chính Mầu Nhiệm”Ngôi Hai xuống thế làm người” mới thật sự lạ lùng, khó tưởng tượng được! Đây là một nhận xét rất tinh tế về tâm tình mộ đạo của người dân Việt, vì họ thường biểu lộ tình cảm sợ hãi, tôn kính đối với những hiện tượng, cảnh vật lạ lùng, kỳ dị hay “linh thiêng”, mà trí khôn nông cạn của loài người không thể hiểu, không thể cắt nghĩa được. Do đó, mặc dầu không thể hiểu được mầu nhiệm thuộc về bản tính cao siêu của Chúa, là mầu nhiệm”Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi”, nhưng các tân tòng sẵn sàng tin theo, vì lời Chúa và lời Hội Thánh truyền dạy. Mặt khác, cha Đắc Lộ đã thực hiện một kế hoặch mục vụ tân tiến là :áp dụng giáo lý vào phụng vụ, nghĩa là đem những tín điều đã học được trong giáo thuyết, áp dụng thực hành trong phụng vụ. Đây là một cách “sống đạo” rất linh động. Chẳng hạn, cha Đắc Lộ đã thánh hóa, dâng hiến ba ngày Tết Nguyên Đán để tôn kính mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi”

Đàm Đạo

Đấng Tạo Hóa, hay “Ông Trời” có Ngôi Vị không?

Trong Tứ Thư Ngũ Kinh và trong tín ngưỡng dân gian, ta nhận thấy rõ ý niệm về một “Đấng” Tạo Hóa hay “Ông Trời” Siêu Việt, “KHÁC BIỆT”, nhưng cũng gần gũi với tạo vật. “Đấng “đó có một bản vị, ngôi vị khác với các nhân vị khác. Đấng đó cai quản muôn vật muôn loài, và đường lối, tức “Đạo” của Đấng Thượng Đế hay Thiên, gọi là Thiên Mệnh. Muốn được hạnh phúc, con người phải bắt nhân đạo thuận theo thiên đạo. Người bình dân Việt Nam hay Trung Quốc vẫn ôm ấp một niềm tin sâu xa vào Đấng Bề Trên: người Việt gọi là “Ông Trời”, và người Hoa gọi là “Thiên-Lão-Tổ”

Lễ Tế Nam Giao vào dịp đầu Xuân, hay việc dựng bàn thờ “Ông Thiên” ở trước nhà, chứng minh cho niềm tín ngưỡng ấy. Gần đây, những cuộc bách hại tôn giáo ở Trung quốc do phong trào “Cách mạng văn hóa”, cũng không thể dập tắt được truyền thống hữu thần trong Khổng-Mạnh.

Quan niệm “Thiên trị” ngày xưa coi Trời là Đấng cầm quyền sinh tử và thưởng phạt, đã đặt ra “Hồng Phạm Cửu Trù” và “Nguyệt Lệnh” để vua chúa ( Thiên tử, con Trời) phải tuân theo trong việc thay Trời mà cai trị nước. Nếu vị quân vương làm trái Thiên Mệnh, thì sẽ gây ra tai họa cho toàn dân. Đó là quan niệm Trời và Người có tương quan đến nhau:”Thần- Nhân tương dữ”!

Quan niệm “ Trời và người liên hệ với nhau”, trong sách Kinh Thánh Cựu Ước kể truyện vua Đavít phạm tội và Thiên Chúa đã phạt toàn dân phải chết vì dịch tễ (2 Sam 24:10-15)

Khi Thiên Chúa Giáo được truyền sang Trung Hoa và Việt Nam, các vị thừa sai ngoại quốc đã gặp khó khăn trong việc chuyển ý, chuyển ngữ, phiên dịch, tạo những từ ngữ mới trong tiếng bản quốc để có thể diễn tả một cánh xứng hợp với nội dung thần học trong sách giáo lý của Hội thánh. Vì không đủ thời giờ, vì thiếu tài liệu nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ và các tư tưởng triết lý siêu hình của Trung Hoa và Việt Nam, nên một số các vị giáo sĩ Tây phương đã ngần ngại hoặc lo sợ “rối đạo, lạc đạo”khi dùng các danh từ thuần tuý địa phương, “bản quốc”, để diễn tả các ý niệm trong sách Giáo lý của Thiên Chúa Giáo. Những do dự và ngộ nhận, hiểu lầm trong quá khứ đã gây bất mãn đối với các dân tộc đã có một nền văn hiến kỳ cựu, khả kính. Ngày nay, nhờ “khoa thần học về các tôn giáo” (theology of Religions) phát triển, nhờ sự nghiên cứu tường tận về các nền văn hóa, nên vấn đề “tranh luận về lễ nghi, phong tục”, hay việc phiên dịch các từ ngữ được dễ dàng hơn. Những danh xưng thông dụng nhất để chỉ Đấng Tạo Hóa, là những danh từ như: Thiên Chúa (Chủ), Thượng Đế, hay Đức Chúa Trời, được dùng trong các sách giáo lý và phụng vụ

Những điểm dị biệt

Nếu so sánh quan niệm về Một Đấng tạo thành vũ trụ càn khôn, giữa Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, ta còn thấy một số điểm dị biệt :

1. Theo các sách cổ điển và niềm tín ngưỡng dân gian như Cadao, Tục ngữ…danh từ “Thượng Đế”, “Thiên”, hay “Ông Trời”… thường mang một ý nghĩa cao siêu về một Đấng có bản vị, hữu ngã, “Khác” với mọi loài mọi vật trong trời đất. Chữ “Đế”, khởi thủy là Vị Thần thuộc dòng họ nhà Thương (chừng 1300 B.C). Có thể là một vị tổ tiên đã được thần thánh hóa, và ta nhận thấy “tính chất hữu ngã, nhân vị” của vị thần ấy “khác” với các vị thần khác. Do đó, chữ “Thượng Đế” được dùng để chỉ một vị Chủ Tể tối cao hơn hết mọi vị thần.

Danh từ “Thiên” hay “Trời”, không có ý chỉ trời xanh mênh mông mịt mù, nhưng là ám chỉ một “ÔNG TRỜI”. Đấng Linh Thiêng ẩn náu làm chủ, tạo dựng nên không trung bao la huy hoàng kia. Có thể chữ “Thiên” xuất hiện vào thời nhà Chu (khoảng 1111-249 B.C). Tuy nhiên, nếu so sánh về nguyên tự, ta thấy chữ”Thượng Đế” biểu lộ đặc tính hữu ngã, bản vị, ngôi vị hơn chữ Thiên (Trời). Nhưng chữ “Thiên” đã biến hóa, hoặc là nghiêng về ý nghĩa “Nội Tại” (Immanence) hơn là “Siêu Việt (Transcendence), hoặc mang một ý nghĩa “huyền bí” (mystical) hay “phiếm thần” (pantheism), rồi trở thành một quyền uy về luân lý trong vũ trụ, một Vị Thượng Trí, một Ý Chí định đoạt số phận của nhân loại. Sau này, muốn nhấn mạnh đến tính chất Siêu Việt, Hữu Ngã của “Thiên”, nên thêm chữ “Chủ”, thành ra chữ “Thiên Chủ (Thiên Chúa) như đang thông dụng cho đến ngày nay. Nói tóm lại, hai danh xưng Thượng Đế và Thiên đã được dùng chung thay thế cho nhau, từ thời nhà Chu, để chỉ Đấng Tối Cao,Vị Chủ Tể vũ trụ càn khôn.(203)

2. Quan niệm về “Thiên Mệnh”, “Thiên Tử” trong Nho Giáo cũng khác tín điều về “Ngôi Hai Thiên Chúa” là “Con Thiên Chúa” giáng trần để cứu độ nhân loại. Theo văn hóa cổ truyền, các thánh vương đời xưa được coi là “Thiên Tử” (con Trời) vì lãnh Mệnh Trời để cai trị dân. Vị quân vương là vị trung gian giữa Trời và dân ( ). Nhưng đây chỉ là dã sử, hay truyền tụng, chứ không phải một biến cố lịch sử, nghĩa là không có một vị thánh vương nào dám quả quyết đã được Trời sai đến hoặc được uỷ thác một sứ mệnh đặc biệt, trong một hoàn cảnh lịch sử rõ ràng để cứu nhân độ thế, kể cả vua Nghiêu, vua Thuấn, Đức Khổng Tử, Thày Mạnh Tử, hay Đức Phật Thích Ca.

Theo lịch sử dân tộc Do thái, Thiên Chúa độc nhất “YAHWEH”đã có một Giao Ước với các lãnh tụ của dân như: Abraham, Moses, Davit…Đó là thời Cựu Ước. Đến thời gian đã ấn định, Thiên Chúa đã thiết lập một Giao Ước mới, gọi là Tân Ước. Theo giao ước mới này, Thiên Chúa đã sai chính “Thánh Tử”, tức Ngôi Hai Thiên Chúa “xuống thế làm Người”, “mặc lấy xác phàm” như mọi người chúng ta, trừ tội lỗi.. Ngài đã” Nhập Thể” trong một ngôi vị là Chúa Cứu Thế lịch sử. Vì thế, Ngài mới là Vị “Thiên Tử” chính thực đã giáng trần để cứu độ sinh linh.

3. Nho Giáo chú trọng đến “động thể” của Nguyên Lý Siêu Việt, nghĩa là suy xét về các hành động của Nguyên Lý ấy biểu lộ trong vũ trụ, thiên nhiên. Do đó, các triết gia ít suy luận về bản thể “Tĩnh”, “bất biến”, “hằng hữu”, và các “phẩm tính”của Đấng Tự Hữu. Vì xét theo động thể, nên các nhà hiền triết đã đặt ra nhiều danh xưng để gọi Nguyên Lý Siêu Việt, tùy từng khía cạnh biến hóa như: “Lý Thái Cực, Vô cực, Đạo, Tâm, Chân Như….Ngoài ra, các triết gia cũng không dùng luận lý để chứng minh sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa như các nhà triết học Hy lạp hay Thánh Tôma đã làm.

4. Theo Thần Học và Triết Học, Đấng Tạo Hóa vừa có tính chất Siêu Việt (Transcendent) vừa có tính chất Nội Tại (Immanent). Theo tôn chỉ trên, ta thấy Đông phương nhấn mạnh vào đặc tính Nột Tại hơn là Siêu Việt. Do đó, sự khác biệt giữa Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo được nổi bật trong cách kiến trúc các thánh đường. Thiên Chúa Giáo chú trọng đến khía cạnh Siêu Việt của Thiên Chúa, nên xây tháp cao”chọc trời”. Còn Đông phương thì nhấn mạnh vào đặc tính Nội tại, tiềm ẩn của Vị Hóa Công trong vũ trụ, nên xây nền Tế Trời trên một khoảng đất trống rộng giữa thiên nhiên (đền Nam giao về phía nam kinh đô Huế), hoặc xây cất chùa, miếu..lẩn lút dưới vòm cây để hòa hợp với cảnh thiên nhiên như thể giữa thế giới thiêng liêng và nhân thế có sự giao hòa mật thiết với nhau. Cũng vì lẽ đó, triết lý Đông phương thiên về những quan niệm như: Vạn vật nhất thể, Thiên-Nhân hợp nhất, Thần-Nhân tương dữ, Tam tài (Thiên-Địa-Nhân)

5. Về phương diện tế tự, Đông phương không cấm cá nhân cầu nguyện, nhưng thiếu những lễ nghi phụng tự linh đình, trọng thể, sầm uất, và tập họp dân chúng đông đảo, hoặc tổ chức thường xuyên những lễ kỷ niệm. Trong Do thái giáo, toàn dân dành ngày Sabbat để thờ phượng Yahweh. Thiên Chúa Giáo dâng ngày Chúa Nhật (ngày của Chúa) để tham dự Thánh Lễ và làm các việc đạo đức, từ thiện. Sự sùng kính, cúng giỗ của tín đồ các đạo giáo có tính cách cá nhân, ít khi tổ chức những cuộc rước sách, hay lễ nghi có đông đảo quần chúng tham dự. Việc cúng giỗ, lễ chùa là việc của cá nhân hay gia đình. Lễ Tế Nam Giao được tổ chức mỗi năm một lần, dưới sự chủ tế của vị quân vương, đại diện toàn dân, còn đại đa số dân chúng thì dựng bàn thờ”Kính Thiên” ở trước nhà.

6/ Thiên Chúa Giáo hay KyTô Giáo bắt nguồn từ Kinh Thánh Cựu Ước của Do Thái Giáo. Khác với các dân tộc lân bang thờ nhiều thần, dân Do Thái chỉ thờ một Vị Thần độc nhất vô nhị. Vị Thần này vô hình vô tượng, vô cùng cao siêu trên mọi thần thánh khác. Theo Kinh Thánh, dân Do Thái miễn cưỡng gọi Vị Thần Tối Cao đó bằng danh xưng “Yahweh” và “Elohim”. Khi hiện ra với Maisen, Thiên Chúa độc nhất vô nhị đã mặc khải danh hiệu Ngài là Y H W H=YaHWeH, nghĩa là “ehjeh aser ehjeh” được phiên dịch là “Ta là Đấng Tự Hữu”, hay “Ta là Đấng Có” (Ego eimi hoon), hay “Ta có sao Ta có vậy”.(204)

Cũng nên giải thích thêm, các nhà ngữ học cho rằng tiếng Trung Hoa và Việt Nam không có động từ cùng loại với động từ “to be” (Anh ngữ), être (Pháp), sein (Đức), esse (Latinh)…”To be” không phải chỉ có nghĩa “Là” thế này, thế kia, nhưng đặc biệt trong triết học, siêu hình học, còn có nghĩa là “tự lập”, “tự tại”, “tự tồn tại” (self-subsistence). Khi triết gia Descartes viết:” Cogito, ergo sum” (I think, therefore I am), tạm dịch sang tiếng Việt là: “Tôi suy tưởng, nên Tôi hiện hữu”. Mỗi khi phải phiên dịch động từ “to be” theo nghĩa triết học thì mượn động từ “hữu” hay “có”.

Do đó, “Yaheh” được hiểu là “Ta là Đấng Tự Hữu (Tự chủ, Tự Tồn tại), vì bản tính của Thiên Chúa là một bản thể tự lập tuyệt đối, là chính sự Hiện Hữu. Dịch như trên là chú trọng vào phần bản thể “Tịnh” của Thiên Chúa. Ngày nay, nhiều học giả về Kinh Thánh chú ý đến khía cạnh “Động Thể”, nghĩa là Thiên Chúa luôn can thiệp vào lịch sử cứu độ, biểu lộ thánh ý qua các lời tiên tri để giải phóng, phù giúp dân Chúa (coi Sách Xuất Hành 6:6..). Có thể nói danh từ “Yahweh” hàm ẩn ba ý nghĩa: Thiên Chúa can thiệp vào các biến cố lịch sử của nhân loại, nhưng Chúa vẫn là Đấng Siêu Việt, là Chúa Quan Phòng mọi sự, mọi loài; Ngài hiện hữu trong mọi biến cố của Lịch Sử Cứu Độ; Ngài là Chúa của vũ trụ càn khôn. Do đó, thay vì phiên dịch”Ta là Đấng Tự Hữu”, có thể dịch là: “Ta sẽ có sao Ta sẽ có vậy” (I shall be what I shall be). Câu: “Ta là Đấng Tự Hữu” diễn tả sự “Tự lập” Tự thể, tức bản thể “Tịnh” (static ontological) của Chúa, câu: “Ta sẽ có sao Ta sẽ có vậy” diễn tả khía cạnh “Động “ của Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử.

Ngoài danh xưng Yaweh, Kinh Thánh Cựu Ước còn dùng tiếng “Elohim” để chỉ Thiên Chúa độc nhất vô nhị. Theo nguyên tự, tiếng Elohim chỉ các thần (số nhiều). Nhưng được dùng trong Kinh Thánh Cựu Ước để chỉ một Thiên Chúa chính thực và duy nhất. Hai danh xưng này phối hợp trong câu: “Ngươi hãy nhìn nhận Thượng Đế (Yahweh) là Thiên Chúa (Elohim) ngươi, không có Chúa nào khác nữa.” (Dt 4,35). Ở đây ta thấy cả hai Thánh Danh đều chỉ một Thiên Chúa có Ngôi Vị Siêu Việt, khác với mọi loài, mọi vật.

7. Trong Kinh Thánh Tân Ước, chữ hy-lạp “Theos” được dùng để chỉ Thiên Chúa. Theo nguyên tự tối cổ, chữ “Theos” ám chỉ tín ngưỡng đa thần của Hy lạp, trong đó vị thần tối cao là Zeus, cha của các thần khác. Nhờ sự suy luận triết học và siêu hình học của các triết gia Plato và Aristotle, ý niệm và nội dung của chữ “Theos” đã được thanh lọc và biến đổi để xưng hô Một Vị Thần độc nhất trên các thần khác.

Các vị Thánh Ký ghi chép sách Kinh Thánh Tân Ước đã dùng danh xưng “Theos”để chỉ Thiên Chúa trong các tác phẩm. Tuy mượn danh từ trong triết lý Hy Lạp, nhưng các vị thánh ký chỉ chú trọng đến sự kiện lịch sử Chúa đã mặc khải cho Mai sen, và đặc biệt nơi nhân vật lịch sử mới xuất hiện là chính Đấng Cứu Thế. Đối với các tín hữu thời Tân Ước, Đấng Cứu Thế lịch sử chính là hiện thân của Thiên Chúa. Họ không lưu ý đến ý niệm siêu hình, trừu tượng về “Theos” của các triết gia Hy Lạp. Các thánh ký đều viết: “Vị Thiên Chúa mà Đấng Cứu Thế mặc khải cũng chính là Vị Thiên Chúa của dân Do thái và các tổ phụ, Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Jacob “ (coi Matt.15:31,22:32, Marc 12:26; Lk 1:68, 20:37;Acts 13: 17, 22:14; 2 Cor.6:16; Heb 11:16). Vị Thiên Chúa đó là “Cha” của Đấng Cứu Thế (coi Rom 15:6; 2 Cor 1:3, 11:31; Eph.1:3). Vị Thiên Chúa đó có phẩm tính siêu việt như một bản vị biệt lập, khác các loài thụ tạo. Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Chúa Tể thời gian và can thiệp vào dòng lịch sử của nhân loại. Ngài đối thoại với loài người, lắng nghe lời cầu khẩn và ban truyền các lề luật các giới răn. Bản thể của Thiên Chúa là Tình Thương vô biên đã được tỏ hiện trong thời Cựu Ước, đặc biệt được mặc khải nơi Nhân Vị của Đấng Cứu Thế trong thời Tân Ước.

Nói tóm lại, trong truyền thống thần học và triết học, Thiên Chúa Giáo luôn đề cao sự Siêu Việt Tuyệt Đối của Ngôi Vị Thiên Chúa, khác với mọi loài thụ tạo. Quan niệm về sự sáng tạo từ “Hư Vô” (ex nihilo) chứng minh cho tính chất Siêu Việt Tuyệt Đối đó. Chỉ một mình Đấng Tạo Hóa là “Tự Hữu”, “Vô Thủy vô Chung”. Ngài sáng tạo muôn vật từ “hư không”, nghĩa là vạn vật đã có một khởi thủy rồi sau mới có biến hóa. Đạo giáo Đông Phương cũng nhìn nhận sự Siêu Việt của Vị Chủ Tể càn khôn, nhưng không đề cập đến lý thuyết về sự “tạo dựng từ hư vô” (creatio ex nihilo); vì theo cách suy luận “nhất nguyên luận”, nên không thích “phân biệt” (distinction). Do đó, Đông Phương thường nhấn mạnh tính chất “Nội Tại” của Vị Chủ Tể nơi vạn sự vạn vật, còn Thiên Chúa Giáo và triết lý Tây Phương thì ưa thích luận lý “biện biệt” và đề cao bản tính Siêu Việt Tuyệt Đối của Vị Chủ Tể trên hết mọi sự mọi loài trong vũ trụ.

Chú Thích
và Sách Tham Khảo

Dưới đây là những chú thích rút ra từ một số sách căn bản, dễ đọc và dễ tìm để tham khảo và đọc thêm.

Lời Mở Đầu

(1) Đọc thêm: Tuyên Ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo, số 2; bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Thánh Công Đồng Chung Vaticano II, trang 470; và Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo; sách dẫn chứng trên, trang 577.

(2) Đọc thêm: Tông Huấn của Đức Giáo Hoàng ban bố tại Ấn Độ: Giáo Hội Tại A Châu; bản tóm lược những điểm chính trong “Dân Chúa Âu Châu”, số 206, tháng 12, năm 1999, trang 22-23.

Chương Một: Linh Mục Đắc Lộ

(3) "Thiên Chủ Thực Nghĩa” của Matteo Ricci S.J. Dịch ra Anh Ngữ “The True Meaning of The Lord of Heaven” (T’ien-chu Shih-i) do Douglas Lancashire and Peter Hu Kuo-chen, S.J. The Institute of Jesuit Sources, St Louis, 1985. Cuốn sách dịch này có phần nguyên văn chữ Hán của cha Ricci. Sách trình bày quan điểm của cha Ricci về “Hội Nhập Thiên Chúa Giáo vào Văn Hóa Trung Hoa”, việc sáng chế ra các danh từ mới để diễn giảng các tư tưởng về Thần Học của Thiên Chúa Giáo như danh từ “Thiên Chủ”, và những dư luận phản ứng, phê bình về cuốn sách từ khi xuất bản cho đến ngày nay. Ngoài ra, sách này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến các vị Truyền giáo thời bấy giờ, nhất là đối với Cha Đắc Lộ về quan niệm “Hội Nhập Văn Hóa”, và cách sáng tác các danh từ mới như Đức Chúa Trời”.

(4) P.C. Phan. Mission And Catechesis: Alexandre de Rhodes and Inculturation in Seventeenth-Century Việt Nam. Orbis Books, Maryknoll, NY. Sách này xuất bản năm 1998, viết bằng Anh ngữ, là cuốn sách nghiên cứu khá đầy đủ về sách “Catechismus” của Cha Đắc Lộ. Sách gồm hai phần:

1. Tình hình chính trị, xã hội, tôn giáo ở Việt nam vào thế kỷ 17; công cuộc Truyền Giáo của Cha Đắc Lộ và Chính sách “Hội Nhập Thiên Chúa Giáo vào Văn Hóa Việt Nam” của Cha Đắc Lộ; phân tích cách bố cục của cuốn “Catechismus" và phương pháp trình bày Đạo Thiên Chúa cho người tân tòng; thẩm định giá trị “Phương Pháp Hội Nhập” của Cha Đắc Lộ.

2. Bản dịch cuốn sách “Catechismus” từ tiếng LaTinh sang Anh ngữ. Đặc điểm của sách này là có nhiều Chú Thích và một Thư Mục khá phong phú về sự nghiệp của Cha Đắc lộ. Tuy nhiên, tác giả chưa nêu ra những vấn đề, và những thách đố mà Giáo Hội Việt Nam, ngày nay cần phải làm để nối tiếp công cuộc Truyền giáo của Cha Đắc Lộ. Một cuốn sách công phu, giá trị bàn về việc Cha Đắc Lộ sáng tác ra chữ Quốc Ngữ mà đặc thù của thứ chữ mới là năm dấu, thì nhà in đã bỏ hết các dấu: sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã, khi viết các danh từ tiếng Việt!

Gần đây, một số sách của Cha Đắc Lộ đã được phiên dịch ra Việt ngữ như: Từ Điển Annam-Lusitan-Latinh; Phép Giảng Tám Ngày; Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài; Hành Trình và Truyền Giáo…

Ngoài ra, được biết: Linh Mục Michel Barnouin, thuộc Hội Xuân Bích (Société de Saint Sulpice), đã làm Giáo Sư ở Chủng Viện Huế và Vĩnh Long hơn 30 năm, là tác giả cuốn sách về Cửu Đỉnh, được dịch ra Anh Văn: The Bas-Reliefs of the Dynastic Urns of Hue; hiện nay làm việc tại miền Avignon, quê hương của cha Alexandre de Rhodes, nơi ngài sinh ra, chịu Phép Rửa tội và nguồn gốc tổ tiên. Linh Mục Barnouin đã tìm được những tài liệu mới, đặc biệt đã cải chính những bài viết sai lầm về cha Đắc Lộ. Đọc thêm: Etudes Vauclusiennes de la Faculté des Lettres d’Avignon (rue Violette, F-84000, Avignon, France) .

(5) Cao Thế Dung. Công Giáo Việt Nam Trong Dòng Sinh Mệnh Dân Tộc. Dân Chúa. New Orleans, 1988.

Cao Thế Dung. Việt Nam Huyết Lệ Sử. Đồng Hương, 1996.

Petrus Vũ Đình Trác. Công Giáo Việt Nam Trong Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc. Orange County, CA, 1996.

(6) P.C. Phan, như trên, trang 102.

Chương Hai: Phương Pháp Suy Luận

(7) Ở đây, dùng danh từ “Nhất Quán” để chỉ Triết Lý Đông Phương. Một số học giả, như Nguyễn Duy Cần, trong Nhập Môn Triết Học Đông Phương, Chương 2, và 3, dùng danh từ “Nhất Nguyên”, hay “Tam Nguyên” để chỉ Triết Lý Đông Phương; còn chữ “Nhị Nguyên”, để chỉ Triết Lý Tây Phương. Nhưng Thần Học và Triết Học Tây Phương định nghĩa chữ “Monism” (Nhất Nguyên Luận) và chữ “Dualism” (Nhị Nguyên Luận), một cách khác. Theo Karl Rahner, trong Dictionary of Theology,Monism” là thuyết phiếm thần (pantheism) vô thần, vì không phân biệt Đấng Tạo Hóa Siêu Việt, và thế giới thụ tạo tương đối. Thuyết phiếm thần cho rằng: Nguyên Lý Tuyệt Đối, và thế giới, kể cả con người, là một khối duy nhất. Tinh thần, vật chất, sự sống là một thực thể. Vũ trụ này có giá trị tuyệt đối, và tự biến hóa. Còn chữ “Dualism” cho rằng: từ nguyên thuỷ đã có hai hữu thể tuyệt đối, đối nghịch nhau, hoặc thế giới này chia ra làm hai nguyên lý tương khắc như Ông Thiện/Ông Ác… Thiên Chúa Giáo bác bỏ cả lý thuyết của Nhất Nguyên và Nhị Nguyên.

Chữ “Nhất Quán”, theo nghĩa “Quán Xuyến”, “Thông suốt về mọi mặt”, bao quát mọi khía cạnh, toàn diện (globlal), không loại trừ một trường hợp, một hiện tượng nào, kể cả những cái trái ngược, mâu thuẫn. Một ví dụ điển hình: đây chính là óc quán xuyến của người đàn bà Việt Nam, đảm đang, trong nền văn hóa nông nghiệp:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.” (TX)

Ca dao chứng minh:

“Người ta đi cấy lấy công

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

Trông trời, trông nước, trông mây

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm

Trông cho chân cứng, đá mềm

Trời êm, biển lặng, mới yên tấm lòng…"

Hoặc là bức tranh, miêu tả sự hợp tác của người và súc vật:

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa"

Đây là bộ óc TỔNG HỢP biết lợi dụng các hiện tượng thiên nhiên, kể cả các nghịch cảnh, chấp nhận những cặp Am-Dương như: ngày/đêm, sáng/tối, mưa/
nắng…, chúng không loại trừ nhau, tiêu diệt nhau, nhưng bù đắp cho nhau, để giúp mùa màng gặt hái được nhiều hoa lợi. Đây cũng là những Kinh Nghiệm tích lũy từ ngàn năm truyền lại.

Trái ngược với óc Nhất Quán, Tổng Hợp, là óc Biện Biệt, Phân Loại, Tính Toán, Phân Chia ra từng đơn vị riêng rẽ để đánh giá trị từng phần tử, lựa lọc cái này và loại bỏ cái kia. Đó là đầu óc của thương gia, trong nền văn hoá du mục, chăn nuôi luôn di động, và thương nghiệp, công nghiệp của Tây Phương.

Fung Yu-Lan (Phùng Hữu Lan). A Short History of Chinese Philosophy. The Free Press, 1966, trang 25-26. Ông nhận xét rằng: Óc Phân Loại, Biện Biệt, Lý Luận Hình Thức phát xuất từ những dân ở đảo như Hy Lạp hay Anh Quốc, thích mạo hiểm, di động để trao đổi hàng hóa; còn dân nông nghiệp Đông Phương, lập cư ở một nơi cố định, có đời sống trầm tĩnh, gần thiên nhiên, nên ưa thích lối suy luận bao biện, bao quát “Nhất Quán, Tổng Hợp”.

(8) Gerald Runkle. Good Thinking: An Introduction to Logic. Holt, 1981, trang 112, 127.

Hình Vuông những cặp Mâu Thuẫn

A mâu thuẫn với D; nếu A=đúng, thì D=sai, hay ngược lại, B mâu thuẫn với C; nếu B=sai, thì C=đúng, hay ngược lại.

(9) Runkle, như trên, trang 145.

(10) Runkle, như trên, trang 266-273.

(11) Anthony Flew. A Dictionary of Philosophy. Dialectic, trang 88, 129 (Hegel).

(12) Coi hình vẽ về “Phân Tích để Hợp Nhất”, thành một “Biểu Nhất Lãm”.

(13) Heinrich Dumoulin. Christianity Meets Buddhism, trang 79, 160, 167; Augustin Hideshi Kishi, Spiritual Consciousness in Zen, trang 70; Thánh Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I, q.1, a. 7, ad 1; Contra Gentiles, I. 1, c. 14; In Boetii De Trinitate, prooem., q.1, a. 2, và ad 2; 1. 2, q. 2, a. 3. Dionysius, Divine Names, c. 1, I.1; 1, n. 7; c. 1, I. 3; 5, n.21; c.7,I.1; 1, n.300; c.13, I.1; 3, n. 452. Vì Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối, nên Thánh Thomas cho rằng ta không thể biết đuợc bản thể của Chúa ra thế nào. Dionysius gọi Chúa là Đấng vô hình, vô danh, bất khả ngôn, bất khả tri (incomprehensible), vì ta không thể dùng trí khôn hạn hẹp, hay ngôn từ của loài hữu hạn mà diễn tả được sự Cao Siêu, Nhiệm Mầu vô hạn của Chúa. Theo V. White, O.P. trong God The Unknown (Harvill Press, London, 1955, trang 16-25, thì có sự đồng ý giữa Đông-Tây, trong cách dùng “via negativa”. Coi A.D. Sertillanges, O.P. “Dieu”, t. II., (Desclée, Paris, 1926, trang 379-386.

(14) Karl Rahner, chữ Analogia, trong Sacramentum Fidei, trang 22, và Dictionary of Theology, trang 7-8; Brugge Baker-Walter, trang 10.

(15) Dumoulin, như trên, trang 169-173; Julia Ching, Confucianism and Christinism (Kodansha Inter-national, Tokyo), trang 114.

(16) Trần Ngọc Thêm. Tìm về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, 1997. Trang 42-58:2.3: Những đặc trưng của hai loại hình văn Hóa. Một số học giả phân chia ra hai loại văn hóa: Văn Hóa gốc Nông Nghiệp (như Việt Nam) trọng TĨNH, và Văn Hóa gốc du mục (như miền Bắc Trung quốc, và Tây Phương) trọng ĐỘNG. Mỗi loại văn hóa có những đặc tính khác nhau về cách “Ứng xử với môi trường tự nhiên”: một bên, sống Hòa Hợp với Thiên Nhiên; bên kia, chế ngự Thiên Nhiên. Về mặt nhận thức, tư duy: một bên, thiên về Tổng hợp, Chủ quan và Kinh Nghiệm; bên kia, thiên về Phân Tích, Khách quan, và Thực nghiệm. Về tổ chức Cộng Đồng: một bên, trọng Tình, trọng Đức, trọng Văn, trọng Phụ Nữ, trọng Tập thể, Dân chủ, và Linh hoạt; bên kia, trọng Lý luận, trọng Võ, trọng Nam, Quân chủ, trọng Cá nhân, và Nguyên tắc. Về ứng xử với môi trường xã hội: một bên, Dung hợp, Dân chủ, mềm dẻo, hiếu hòa; bên kia, chiếm đoạt, độc tài, độc tôn, hiếu thắng.

(17) Fung, như trên, trang 19. Xin lưu ý: Các Hình Vẽ dưới đây như vòng tròn, hình màu trắng, hình màu đen, hoặc các con số chẵn, lẻ, số một, hai. ba, bốn,… hoặc những gạch liền (__) chỉ DƯƠNG hay gạch đứt (_ _) chỉ ÂM… tất cả chỉ là những Biểu Tượng (symbols) dùng để diễn tả những tư tưởng siêu hình như: Nguyên Lý Tuyệt Đối, Bản Thể của Vũ Trụ, sự Điều Hòa, Quân Bình, Trung Hòa của trời đất, vạn vật.

Hình A

(18) Nguyễn Duy Cần. Nhập Môn Triết Học Đông Phương, trang 58-83.

Hình B

(19) N.D. Cần, như trên, trang 41, 104-110.

(20) Fung, như trên, trang 12, 212, 258-259; N.D. Cần, như trên, trang 121, 126-127.

(21) N.D. Cần. Phật Học Tinh Hoa, trang 60-61;
Chatterjee, Satischandra, An Introduction to Indian Philosophy, University of Calcutta, 1968, trang 4.

(22) Fung, như trên, trang 242.

(23) Dumoulin, như trên, trang 114-117, 120.

(24) N.D. Cần, như trên, trang 111-115.

(25) Fung, như trên, trang 341-342.

(26) Thomas Merton. Mystics and Zen Masters, 1986. William Johnston, The Still Point, reflections on Zen and Christian Mysticism, 1986.

Chương Ba: Nhân Tính

(27) Julia Ching. Confucianism and Christianity (Kodansha International, Tokyo, New York and San Francisco), trang 71-72. Tác giả đã so sánh, đối chiếu học thuyết của Khổng giáo và Thiên Chúa Giáo, khá chính xác, nhờ sự hiểu biết uyên bác về Triết học Trung Hoa và về những cách giải thích mới trong khoa thần học Thiên Chúa Giáo, sau Công Đồng Vatican II; ví dụ: Vấn đề Nhân Loại (Chương Ba), Thượng Đế (Chương Bốn), Siêu Việt (Chương Năm).

(28) Fung Yu-Lan. A Short History of Chinese Philosophy, (Free Press, MacMillan Publishing Co., NY), trang 70. Sách này tác giả viết bằng Anh ngữ để giúp các sinh viên ngoại quốc muốn tìm hiểu Triết lý và Văn hóa Trung Hoa; (đã được dịch ra Việt ngữ, Pháp ngữ…). Có thể dùng làm sách giáo khoa để giảng dạy, vì cách bố cục có hệ thống, giảng nghĩa rõ ràng, phân minh, ngắn gọn nhưng đầy đủ về các môn phái triết học; lời văn chính xác, dễ hiểu.

(29) Mạnh Tử, Chu Hi Tạp Chú (Trung Tâm Học Hiệu), Tập Hạ, quyển thứ sáu, thiên XI, chương 6, trang 199.

(30) Trần Trọng Kim. Nho Giáo (quyển thượng, thiên IX, Tuân Tử, Nhạc, trang 319).

(31) T. T. Kim, như trên, quyển hạ, trang 38-39.

(32) Giáo, theo nguyên tự chữ Hán ( ) gồm hai bộ: tay phải cầm roi ( ) quất lên đứa nhỏ ( ): Hội Ý có nghĩa là ảnh hưởng trên đứa nhỏ.

(33) Fung Yu-Lan, như trên, trang 196.

(34) T.T. Kim, như trên, quyển hạ, trang 158.

(35) T.T. Kim, như trên, quyển hạ, trang 157.

(36) Fung Yu-Lan, như trên, trang 298.

(37) T.T. Kim, như trên, quyển hạ, trang 158.

(38) Fung Yu-Lan, như trên, trang 306.

(39) T.T. Kim. Nho Giáo. quyển thượng và quyển hạ, nhà xuất bản Tân Việt, in lần thứ tư, quyển hạ, trang 169. Một bộ sách viết công phu để phác họa lại các môn phái triết học như Khổng Học, Lão Học… làm nền tảng về Triết lý và Đạo Đức, cách tổ chức xã hội, chính trị cho giới sĩ phu Việt Nam. Nhưng tác giả đã không ghi lại những lời giải thích, bình luận của các danh nho Việt Nam như Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, v.v… về các triết thuyết trên, khi được ứng dụng, “hội nhập” vào văn hóa Việt Nam. Lại nữa, các nho gia, sĩ phu Việt Nam đã đóng góp vào nền cổ học như thế nào?

(40) Julia Ching, như trên, trang 77-78.

(41) T.T. Kim, như trên, trang 248.

(42) Fung Yu-Lan, như trên, trang 309.

(43) T.T. Kim, như trên, trang 247.

(44) T.T. Kim, như trên, trang 274.

(45) Satischandra, Chatterjee. An Introduction to Indian Philosophy. University of Calcutta, 1968, trang 137.

(46) S. Chatterjee, như trên, trang 118. Theo tác giả, thì có 10 câu hỏi “không trả lời được”, hoặc “không có lợi ích gì":

1) Thế giới này vĩnh cửu, hay 2) không vĩnh cửu, 3) hữu hạn, hay 4) vô hạn? 5) hồn giống như xác, hay 6) hồn, xác khác nhau? 7) người đã tìm được chân lý (Tathagata) còn sống sau khi chết, hay 8) không còn sống sau khi chết? 9) có phải người đó vừa còn sống, vừa không-còn sống sau khi chết? 10) hay người đó cũng chẳng sống cũng chẳng không-sống sau khi chết?

(47) Dương Quảng Hàm. Việt Nam Văn Học Sử Yếu, trang 65.

(48) N.D. Cần. Phật Học Tinh Hoa, trang 102-105.

(49) Antony Fernando, “Buddhism Made Plain”, (Orbis Books, Maryknool, New York) trang 66-69; N.D. Cần, như trên, trang 161.

(50) Heinrich Dumoulin, S.J. “Christianity Meets Buddhism"(Open Court Publishing Co. 1974), trang 83.

(51) Sách Sáng Thế ký (Genesis), 1:27; 2:18-24.

(52) Sách Kinh Thánh, Leviticus, 19:18; Mathêu 22:37-40.

(53) Phúc Âm theo Thánh Marcô, 10:45; Mathêu 5:43, 25:31-46.

(54) Genesis, 2:16, 3-11, 8:21; Thánh Vịnh (Psalms 51 và 143); Thư gửi cho Giáo Đoàn Rôma 8:6-8, 10:3, 2 Cor. 10:5.

(55) Thư của Thánh Gioan, 1 Gioan 1:2-3; 4:9, 14.

(56) Catechism of the Catholic Church, 1994, số 362-366.

(57) Richard P. McBrien. Catholicism, (vol I, trang 158-161) và Catechism of the Catholic Church, số 32-35.

(58) 1 Corinto 8:6; 15:24-28, 44-49; Roma 8:19-23, 29-30; Epheso 1:9-10, 19-23; 3:11; Colossio 1:15-20; 3:4; Philippio 3:21; Hebrêu 1:2-3; Joan 1:3; 12:32; và Roma 1:18-28; Công Vụ Tông Đồ (Acts) 17:24-27.

(59) Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 39.

(60) Karl Rahner, Theological Investigations. The Theo-logical concept of Concupiscence, Baltimore 1960, trang 369.

(61) Julia Ching, như trên, trang 69-70.

(62) Hans Kung and Julia Ching. Christianity and Chinese Religions, Doubleday, New York, 1989, trang 114.

(63) Hans Kung and Julia Ching, như trên, trang 117.

(64) Fung Yu-Lan, như trên, (Ngữ loại, quyển 4), trang 301.

(65) N.D. Cần, như trên, trang 46 và 154-158.

Chương Bốn: Cứu Độ

(66) H. Dumoulin. Christianity Meets Buddhism, trang 80-83.

(67) A. Fernando. Buddhism Made Plain, trang 99-100.

(68) H. Dumoulin, như trên, trang 87, 95.

(69) Thích Mật Thể. Thế Giới Quan Phật Giáo, trang 57, 80.

(70) N.D. Cần. Phật Học Tinh Hoa, trang 45.

(71) Fernando, như trên, trang 23, 27; N.D. Cần, như trên, trang 46.

(72) T.M. Thể, như trên, trang 60; A. Fernando, như trên, trang 37,38.

(73) Satischandra, Chatterjee. An Introduction to Indian Philosophy, trang 15-17; Dumoulin, như trên, trang 152, 153; N.D. Cần, như trên, trang 145; 151-153.

(74) Fernando, như trên, trang 38; Fung, như trên, 243; Julia Ching and Hans Kung, “ Christianity and Chinese Religions”, trang 212, 217.

(75) Fernando, như trên, trang 42-45.

(76) Fernando, như trên, trang 43, 44, 45; N.D. Cần, như trên, trang 78, 111-112.

(77) N.D. Cần, như trên, trang 125-126, 135-136.

(78) Fernando, như trên, trang 33-36.

(79) N.D. Cần, như trên, trang 158-160.

(80) Nguyễn Huy Lai, La Tradition religieuse, spirituelle, sociale au Việt Nam, Beauchesne, 1981, trang 307; Fung, trang 244; Dumoulin, trang 38, 134-135; Chatterjee, trang 123-127; N.D. Cần, trang 221-225.

(81) Phạm Quỳnh. Phật Giáo Lược Khảo, (trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, trang 66-67, Nát Bàn là gì?)

(82) A. Fernando, như trên, trang 54-55.

(83) A. Fernando, như trên, trang 56.

(84) Hans Kung and Julia Ching. Upaya, trang 210; N.D. Cần, trang 111-112 ; Thích Mật Thể, trang 41.

(85) N.D. Cần, như trên, trang 160-162, 225.

(86) Dumoulin, như trên, trang 114-118.

(87) Chatterjee, như trên, trang 158-159; Thích Mật Thể, như trên, trang 41.

(88) Chatterjee, như trên, trang 118.

(89) Fung, như trên, trang 264.

(90) Chatterjee, như trên, trang 13-22.

(91) Dumoulin, như trên, trang 38; Chatterjee, như trên, trang 133-139; Vatican II, “Tuyên Ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo Ngoài Kitôgiáo” (Nostra Aetate) số 2, trang 470.

(92) A. Fernando, như trên, trang 101.

(93) Karl Rahner. Dictionary of Theology, trang 250, 266, 306, 458, 465. Việt Nam Tự Điển, Khai Trí, trang 197.

(94) K. Rahner, như trên, trang 432.

(95) A. Fernando, trang 116.

(96) "Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội” (Lumen Gentium, bản dịch của G.H.H.V. Pio X): “Giáo Hội và những người không thuộc Kitôgiáo”, số 16, trang 172-173.

(97) "Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay” (Gaudium et Spes). Chương III, Đời sống Kinh Tế, Xã hội, trang 825; Chương IV, Đời Sống Cộng Đoàn Chính Trị, trang 840; Chương V, Cổ võ Hòa Bình và xây dựng Cộng đoàn các dân tộc, trang 849.

(98) Nguyễn Văn Thọ. Khổng Học Tinh Hoa, trang 152; Fung, như trên, trang 131-135; Marcel Granet, La Pensée Chinoise, trang 140-152.

(99) Julia Ching, như trên, trang 145.

(100) Julia Ching, như trên, trang 146; Dumoulin, như trên, trang 117, 119.

(101) N.D. Cần, như trên, trang 226.

(102) Fung, như trên, trang 258.

(103) Dumoulin, như trên, trang 147, 153.

(104) Đối chiếu Cựu Ứơc, Tân Ứơc và Lịch sử thế giới:

Chương Năm: Tình Ai

(105) Luận Ngữ, 12:22.

(106) Julia Ching, như trên, trang 95 ; Nho Giáo, quyển I, trang 132-133.

(107) J. Ching . Luận Ngữ, 4:15, trang 94.

(108) J. Ching, như trên, Ngữ, 15:23; 12:2′ Fung, như trên, trang 43.

(109) J. Ching, như trên, trang 96, 138-139, 165; Fung, như trên, trang 177.

(110) Fung, như trên, trang 310-311.

(111) Fung, như trên, trang 50-59; 122-125.

(112) Fung, như trên, trang 72.

(113) Fung, như trên, trang 113.

(114) Fung, như trên, trang 101.

(115) Fung, như trên, trang 102-103.

(116) Fung, như trên, trang 116.

(117) Nho Giáo, q.I, trang 80.

(118) Nho Giáo, q.II, trang 142; 260-274.

(119) Henri Maspero. Taoism and Chinese Religion, (University of Massachusettes Press, Amherst, 1981), trang 25-37.

(120) Chatterjee, như trên, trang 118.

(121) N.D. Cần, như trên, trang 242.

(122) Dumoulin, như trên, trang 118.

(123) Nguyễn Huy Lai, như trên, trang 487-488.

(124) Winston King. Buddhism and Christianity, trang 77-82.

(125) N.H. Lai, như trên, trang 331.

(126) N.H. Lai, như trên, trang 333.

(127) N.D. Cần, như trên, trang 74, 79.

(128) N.D. Cần, như trên, trang 108-110; Fung, như trên, trang 255-256.

(129) N.D. Cần, như trên, trang 266-268.

(130) N.D. Cần, như trên, trang 198, 218, 227.

(131) Đồ Biểu ở cuối chương Chú Thích.

(132) Richard P. McBrien. Catholicism, volume I, trang 476-477.

(133) J. Ching, như trên, trang 71.

(134) J. Ching, như trên, trang 139-140.

(135) Winston King, như trên, trang 65-68; Đồ Biểu ở cuối chương Chú Thích.

(136) W. King, như trên, trang 69-70.

(137) Dumoulin, như trên, trang 166-169.

(138) W. King, như trên, trang 71.

(139) Dumoulin, như trên, trang 120; N.D. Cần, như trên, trang.20, 111-112; Thích Mật Thể, Thế Giới Quan Phật Giáo, Phật Học Viện Quốc Tế, 1983, trang 33-42.

(140) N.H. Lai, như trên, trang 247.

(141) Trang Tử. Nam Hoa Kinh, Khai Trí, trang 68-69.

(142) Henri de Lubac. Aspects du Bouddhisme, Paris, Ed. du Seuil, 1951, trang 37, 38, 40; Dumoulin, như trên, trang 119-120.

(143) N.D. Cần, như trên, trang 218-219.

(144) Henri de Lubac, như trên, trang 42-43, 52.

(145) W. King, như trên, trang 85-88.

(146) W. King, như trên, trang 90-91.

(147) N.D. Cần, như trên, trang 227.

(148) W. King, như trên, trang 96-97.

Đồ Biểu so sánh Quan Niệm Từ Bi của Phật Giáo, và Quan Niệm Bác Ai của Thiên Chúa Giáo:

Phật Giáo Thiên Chúa Giáo

Chương Sáu: Nguyên Lý Siêu Việt

(149) L. Wieger. Chinese Characters, trang 326, 791; Fung, trang 167.

(150) James Legge. Confucius, trang 168.

(151) Fung, trang 342.

(152) Fung, trang 267.

(153) T.T. Kim, trang 39, 73.

(154) Fung, trang 167-168.

(155) Fung, trang 138-142; Ngô Tất Tố, Kinh Dịch, toàn bộ, Khai Trí, trang 11-14. Quan niệm và triết lý về Am-Dương phối hợp, điều hòa là nòng cốt của tư tưởng Đông Phương. Trước khi có chữ viết, người ta đã dùng những nét vẽ, những hình, rất đơn giản làm Biểu Tượng (symbol) để diễn tả những ý niệm siêu hình về tín ngưỡng, nhân sinh quan, vũ trụ quan... Đi từ quan sát các hiện tượng thiên nhiên, hữu hình để vượt lên cõi siêu nhiên, vô hình. Qua kinh nghiệm hàng ngày, người ta nhận thấy sự khác biệt về thân xác và tính tình giữa người đàn ông/đàn bà, nhưng cả hai lại phối hợp, điều hòa, và bổ túc cho nhau (tuy mộthai, tuy haimột). Bằng một nét vẽ đơn sơ nhất ( _ ) để tượng hình cho “Nam”, tức “Dương"; và bằng nét đứt làm hai (_ _ ) biểu thị cho “Nữ”, tức “Âm”. Tại sao, vẽ một nét (_) chỉ giống đực, hai gạch (_ _) chỉ giống cái? Có thể, vì giống cái mới có khả năng “mang thai”, (mẹ và con), còn giống đực thì không có khả năng đó. Cũng vì thế, số chẵn (2, 4, 6, 8) chỉ Âm; số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) chỉ Dương. (Trời=3=Dương; Đất=2=Âm). Do đó, ý niệm về Am-Dương, để biểu diễn sự tương đối, điều hòa, không tiêu diệt nhau, nhưng bổ túc cho nhau, không rời nhau. Vì trong Am đã có mầm mống Dương; không vật nào, người nào nhất định là Âm hay là Dương, nhưng biến đổi tùy địa vị tương đối với người khác, như : Mẹ là Âm đối với Cha, nhưng lại là Dương đối với con; có Âm là vì có Dương, cũng như có ngày là vì có đêm, có trắng là vì có đen.

Cặp Am-Dương biến dịch không ngừng, phối hợp, điều hòa, giữ quân bình, đã tạo ra những ý nghĩa biểu tượng, những quan niệm về Ngũ Hành, Phương Hướng (cơ cấu của vũ trũ), về Lưỡng Nhi, Tứ Tượng, Bát Quái (quẻ đơn, quẻ kép), về số lẻ (3, 5, 7, 9), số chẵn (2, 4, 6, 8); về cách xếp đặt vị trí các con số trong Hà Đồ, Lạc Thư, Hồng Phạm Cửu Trù, Nguyệt Lệnh, kiến trúc nhà Minh Đường, xếp đặt Tiên Thiên Bát Quái, Hậu Thiên Bát Quái. Nói tóm lại, tư tưởng biểu tượng của triết lý Am-Dương, giúp ta hiểu được tinh thần văn hóa của Đông Phương là: tôn trọng sự Hòa Hợp, Quân Bình, “Không Thái Quá, Chớ Bất Cập; đặc biệt tâm tình của dân Việt, thuộc Phương Nam, Văn Hóa Nông Nghiệp, trọng Tĩnh, Âm tính, tôn trọng phụ nữ; nhưng tinh thần cũng rất linh hoạt,Dương tính”, nên thích suy nghĩ theo cách thức Tổng Hợp, Bao Quát, “Nhất Quán”.

(156) Fung: trang 169-170; T.T. Kim: trang 68-70. Lưu ý: coi Hình Vẽ 1, ở trang 474 về Thái Cực, Âm-Dương, Bát Quái của Phục Hy .

(157) Fung: trang 132-133 về Ngũ Hành.

(158) N.V. Thọ. Khổng Học Tinh Hoa, trang 158, 163-165 về Ngũ Hành. Lưu ý: coi hình vẽ 2, ở trang 475.

(159) N.V. Thọ: trang 152-158; Nhà Minh Đường: trang167; Fung: trang 131-133 về Nguyệt Lệnh; Marcel Granet, La Pensée Chinoise, trang 139-145 159.

(160) M. Granet, trang 148-152 về Hà Đồ, Lạc Thư, Nhà Minh Đường. Lưu ý: coi hình vẽ 3, ở trang 478.

(161) M. Granet, trang 155-156 về Tiên Thiên Bát Quái, Hậu Thiên Bát Quái, Nhà Minh Đường. Lưu ý: coi hình vẽ 4, ở trang 480.

(162) N.H. Lai: trang 214-218; Fung: trang 94-96.

(163) Nghiêm Toản. Đạo Đức Kinh, Khai Trí, trang 2-9.

(164) N.D. Cần. Lão Tử Tinh Hoa, trang 41-47;78-97.

(165) N. Toản, trang 6, 9.

(166) N.Toản, trang 64; N.D. Cần, Tinh Hoa Đạo Học Đông Phương, trang 16, 18; Fung, trang 100-102.

(167) N.D. Cần. Lão Tử Tinh Hoa, trang 48-49.

(168) N.D. Cần, trang 53; N. Toản, trang 116, 157.

(169) N.D. Cần. Nam Hoa Kinh, trang 56-57; Lão Tử Tinh Hoa, trang 47, 77, 86; Fung, trang 100-105.

(170) J. Ching, trang 127,129; Fung, trang 296-298, 316-318; T.T.Kim, q. hạ, trang 117, 157-158,

(171) T.T.Kim, q.hạ:trang 118; 192-193 ; J. Ching, trang 130-131; Fung, trang 269 ("Vô Cực").

(172) Fung, trang 298-299.

(173) T.T. Kim, quyển hạ, trang 159; Fung, trang 301;
H. Kunsand, J. Ching, Christianity and Chinese Religions, Doubleday, trang 79- 80,

(174) T. T. Kim, q. ha,:trang 117, 118, 120.

(175) Fung, trang 306, 314.

(176) T.T.Kim, q. hạ: trang 243, 246-253, 261-265; Fung, trang 308-309.

(177) J.Ching: trang 135-136; Fung: trang 309.

(178) T.T.Kim: q.hạ: trang 260-262; J, Ching: trang 136.

(179) J Ching: trang 133, 138,140; N.V. Thọ: trang 56-60, 63.

(180) T.T. Kim. quyển Hạ, trang 247, 248, 253; J. Ching, trang 135, 137; N.D. Cần, Phật Học Tinh Hoa, trang 102-107.

(181) Satischandra Chatterjee. An Introduction To Indian Philosophy, University of Calcutta, trang 7.

(182) Heinrich Dumoulin. Christianity Meets Buddhism, trang 75, 77, 95.

(183) Augustin Hideshi Kishi. Spiritual Consciousness in Zen from a Thomistic Theological Point of View, trang 20, 21, 22; N D. Cần, Phật Học Tinh Hoa, trang 177-195.

(184) H.Dumoulin: trang 100-104.

(185) Teilhard de Chardin. The Divine Milieu, trang 121-128.

(186) N.D. Cần, Trang Tử Nam Hoa Kinh, trang 65-66.

(187) H. Dumoulin, trang 95-104.

Ý Nghĩa Biểu Tượng của Hình Vẽ

Dưới đây chỉ xin bàn luận về ý nghĩa biểu tượng của một số Hình Ve, đặc biệt nêu lên ý nghĩa siêu hình về sự vận chuyển ĐIỀU HÒA của vũ trụ. Cũng xin miễn bàn về những giả thuyết còn đang tranh luận về ai là tác giả đã sáng chế ra những hình vẽ đó, ví dụ: có giả thiết cho là do “Việt Nho”, Phương Nam; người khác cho là do “Hán Nho”, Phương Bắc; cũng không bàn về cách dùng những hình ảnh đó trong việc bói toán, hoặc nguồn gốc thần thoại… Điều đáng cho hậu thế ngưỡng mộ là: từ những hình ảnh, nét vẽ đơn sơ, cổ nhân đã có thể biểu thị được những tư tưởng trừu tượng siêu hình rất tinh vi về Một Nguyên Lý Tuyệt Đối, Chủ Tể vạn sự vạn vật, và cách thức Nguyên Lý đó biểu lộ ra bên ngoài, tức “THIÊN ĐẠO”, để làm nên cơ cấu và sự xoay vần nhịp nhàng, quân bình, của vũ trụ càn khôn, và do dó, con người, tức “NHÂN ĐẠO” muốn được an vui, an hòa trong cuộc sống thì cũng phải tuân theo mẫu mực lớn ấy, tức “HỒNG PHẠM”.

Hình Vẽ 1. Thái Cực Và Am Dương, Và Bát Quái.

· Vòng tròn ngoài, chỉ THÁI CỰC, tròn đầy, Viên Mãn. “Hoàn Toàn"; vô danh, vô hình vô tượng, vô thanh, vô sú. Ở đây, tạm biểu thị bằng một vòng tròn.

· THÁI CỰC, biểu lộ ra (tức Động Thể) bằng một cặp ÂM- DƯƠNG: hình tròn chia đều làm hai phần bằng nhau: đen là ÂM, trắng là DƯƠNG, ở trong ÂM có một chấm trắng, tức có DƯƠNG; trong DƯƠNG có chấm đen, tức có ÂM. Có ý nói: ÂM-DƯƠNG luôn biến dịch, đối đáp nhau, thay chồ cho nhau, không có vật nào hoàn toàn Âm, hay hoàn toàn Dương.

· BÁT QUÁI (do Phục Hi, gọi là “Tiên Thiên Bát Quái), vây quanh hình THÁI CỰC, cũng được vẽ bằng những gạch Âm-Dương thay đổi nhau để diễn tả sự vận chuyển nhịp nhàng, hòa hợp, cân đối của Thiên Nhiên, của vũ trụ càn khôn. Theo tương truyền, hình Bát Quái này “có trước" (Tiên Thiên) hình “Hậu Thiên Bát Quái”, theo tương truyền, do Chu Văn Vương đặt ra (1185-1135 B.C).

Hình Vẽ 2. Hà Đồ, Đổi Ra Các Con Số, và Ngũ Hành Tương Sinh, Vòng Trong, Vòng Ngoài.

· Hình (a). Trong HÀ ĐỒ: các chấm đen chỉ ÂM, các chấm trắng chỉ DƯƠNG; các số chẵn chỉ ÂM (chấm đen), các số lẻ chỉ DƯƠNG (chấm trắng).

· Hình (b). Đổi ra những con số. Theo hình (b), ở mỗi cánh của hình chữ thập, nếu ta lấy số lớn trừ cho số nhỏ, thì số thành luôn là con số 5 (8-3=5; 7-2=5; 6-1=5; 9-4=5). Con số này, biểu tượng cho sự Quân Bình, Điều Hòa của vũ trụ.

· Coi hình (c), NGŨ HÀNH TƯƠNG SINH. Ta nhận thấy những tư tưởng về cơ cấu không gian của vũ trụ như: Phương Hướng: NAM (phía trên) BẮC (phía dưới), ĐÔNG (bên trái), TÂY (bên mặt). Hướng NAM chỉ Mùa HẠ, màu ĐỎ, và HỎA (Ngũ Hành); Hướng BẮC chỉ Mùa ĐÔNG, màu Đen, và THỦY (Ngũ Hành); Hướng ĐÔNG, chỉ Mùa XUÂN, màu XANH, và MỘC (Ngũ Hành); Hướng TÂY, chỉ Mùa THU, màu TRẮNG, và KIM (Ngũ Hành) – Ở TRUNG TÂM, số 5 và (10) là hành THỔ: coi hình (c).

· Coi hình (c), gọi là “Ngũ Hành Tương Sinh": vì Hành này trợ giúp cho Hành kia phát triển, theo chiều thuận lợi cho nhau: THỦY>MỘC (nước giúp cây mọc lên); MỘC>HỎA: (Gỗ làm cho lửa cháy); HỎA>THỔ: (tro bụi do lửa đốt cháy, dùng làm phân bón cho đất); THỔ>KIM: (lòng đất là hầm mỏ sinh ra kim loại; KIM>THỦY: (kim loại nung nóng trở về thể lỏng). Mối quan hệ tương sinh này theo chiều thuận (chiều kim đồng hồ).

· Coi hình (d): Theo Triết lý ÂM-DƯƠNG, còn chia ra vòng trong, gồm các con số nho (từ 1-5) gọi là số Sinh, chỉ cuộc đời con người khi còn nhỏ, ở với cha mẹ trong nhà, hoặc là chỉ đời sống Tâm Linh, Tu Thân, Tiềm Thức, “Nội Thánh”, chỉ “VÔ"; vòng ngoài, gồm những con số lớn (từ 6-10) gọi là số thành, chỉ cõi hiện tượng, tức sự vật đã thành hình tượng, chỉ con người trưởng thành ra hoạt động ngoài xã hội, đi vào thế sự, đi vào hiện thực,"NGOẠI VƯƠNG” nhưng vẫn lấy TÂM LINH làm gốc.

· Cách xếp đặt vị trí các con số trong HÀ ĐỒ cho ta thấy địa vị trọng yếu của con người đối với vũ trụ, vì hành THỔ, biểu tượng bằng số 5 (10), nằm ở chính giữa, trung tâm. Do đó, con số 5, gọi là số “Tham thiên lưỡng địa" (trời=dương=3; đất=âm=2). Trong văn hóa nông nghiệp, thì “Đất” giữ một địa vị trọng yếu.

· Trong văn hóa Việt Nam, người ta ưa thích các con số lẻ như : 1,3,5,7,9, đặt biệt số 5 như các thành ngữ: Ngũ Phúc, Ngũ cung, Ngũ vị…, hoặc các câu nói như: 5 liệu 7 lo; tụm 5 tụm 3; 5 bè 7 mối; 5 lần 7 lượt; 5 cha 3 mẹ; 1 lời nói dối sám hối 7 ngày; 1 câu nhịn 9 câu lành…

Hình Vẽ 3 . Lạc Thư, Đặt Ra Con Số, Hình Vuông, Tròn, Hình Thập Tự, Ngũ Hành Tương Khắc

· Coi hình (a): Cách xếp đặt của LẠC THƯ, biểu thị nhiều điều bí ẩn, sẽ được trình bày như sau:

· Coi hình (b): Các chấm đen (chỉ Âm), trắng (chỉ Dương) đã được đổi thành những con số (1-9): khởi đầu bằng số (1) phương BẮC và kết thúc là số (9) phương NAM. Cách xếp các con số như thế, khác với HÀ ĐỒ, bao giờ cũng kết thúc ở số (5, 10) ở giữa.

· Hình (b): Bên Âu châu gọi là “Hình Vuông ma thuật" (carré magique, hay carré de Saturne), vì vào thế kỷ 17, mới được khám phá ra. Nếu ta cộng chéo, hay cộng ngang, dọc các con số, ta vẫn được số thành là 15: (4, 5, 6=15); (2, 5, 8=15); (3, 5, 7=15); (1, 5, 9=15).

· Coi hình (c): Nếu ta rút ra con số 5 ở giữa, là số “Khởi Thủy Vận Chuyển” (Motus Initium), thì ta được hình “Thập Tự Hi Lạp” (gồm các con số lẻ, 1+9=10, và 3+7=10); và hình “Thập Tự chéo Thánh ANRÊ(gồm các con số chẵn, 4+6=10 và 2+8=10). Số 10 là số chỉ sự toàn thể của thực tại, viên mãn, đầy đủ, hoàn toàn. (Tại sao gọi là “Thập Tự chéo Thánh An Rê (croix de Saint André)? Vì Chúa GIÊSU chịu chết trên Thập Tự, dựng thẳng; vì lòng tôn kính Thầy mình, Thánh ANRÊ, đã yêu cầu lý hình đóng đinh Ngài trên thập tự nằm chéo).

· Coi hình (d): Các số le (1, 3, 5, 7, 9) có thể kết thành vòng tròn, có số 5 ở giữa; các số chẵn(2, 4, 6, 8) hợp lại thành hình vuông. Có người cho rằng: trong Lạc thư, các số chẵn, tức ÂM bao vây các số lẻ, tức DƯƠNG.

· Coi hình (e) NGŨ HÀNH TƯƠNG KHẮC. Ta thấy các hành chạy ngược lại kim đồng hồ, hành này gây trở ngại cho hành kia: THỦY<HỎA (nước dập tắt lửa); HỎA< KIM (lửa nung chảy kim loại); KIM<MỘC (dao chặt cây); MỘC<THỔ (cây hút chất mầu của đất): THỔ<THỦY (đất đắp đê ngăn chặn nước lụt). Ngũ Hành Tương Sinh, chạy thuận theo kim đồng hồ (coi hình (c), ở trang 461).

· Coi hình (g): Ngũ Hành được diễn tả vừa Tương sinh vừa Tương khắc. Nếu ta kéo hành Thổ ra ngoài làm thành một hình chu vi, ta có Ngũ Hành Tương Sinh, chiều thuận; kéo các đường bên trong thành hình Ngôi Sao, ta được hình Ngũ Hành Tương Khắc.

Hình Vẽ 4. Tiên Thiên Bát Quái, Hậu Thiên Bát Quái, Hồng Phạm Cửu Trù, Nhà Minh Đường

· Theo hình (a), khi so sánh, ta thấy trong Tiên Thiên Bát Quái, cách xếp đặt 8 Quái, khác với Hậu Thiên Bát Quái.

· Coi hình (b) Đồ Biểu (graphic), thì ta thấy rõ sự khác biệt về vị trí của các"Quái”. Hình “Tiên Thiên Bát Quái” có vẻ cân đối về “ÂM-DƯƠNG” xoay vần.

Nhưng cổ nhân đã dùng câu thành ngữ sau đây để chỉ sự tương quan liên hệ giũa “THỂ” và “DỤNG”:

HÀ ĐỒ…vi Hậu Thiên Âm Dương chi THỂ

LẠC THƯ…vi Tiên Thiên Âm Dương chi DỤNG"

Nghĩa là: cái THỂ của ÂM/DƯƠNG trong HẬU THIÊN được đặt vào trong HÀ ĐỒ; cái DỤNG của ÂM/DƯƠNG trong TIÊN THIÊN được đặt vào trong LẠC THƯ.

· Theo hình (c), HẬU THIÊN BÁT QUÁI đã được đặt thành 9 “Cung”, (từ 1-9), biểu thị (9) “công việc lớn lao” phải làm trong cuộc sống, chín việc đó gọi là CỬU TRÙ. Vì đó là mẫu mực lớn lao, tức “HỒNG PHẠM” mà vị quân vương phải noi theo, để “ TRỜI” ban phước lộc cho nhà vua và cho toàn dân.

· Cũng trong hình (c), 9 con số được thay thế bằng 9 “TRÙ": như trù số (1) là NGŨ HÀNH, nghĩa là vị quân vương phải am tường về vật lý, phương hướng, thời tiết… để biết cách hướng dẫn dân trong việc nông nghiệp…

· Coi hình (d): NHÀ VŨ TRỤ hay NHÀ MINH ĐƯỜNG. Triết lý, siêu hình của Lạc Thư chứng minh: con người muốn sống an hòa hạnh phúc, thì phải theo “Thiên Đạo”, phải “Thuận Thiên”. Do đó, theo tương truyền, đời Hán, thì Thái Nhất, (Unité Suprême) đặt mỗi “QUÁI” (trong 8 Quái) ở một “Cung”, ví dụ: Khảm (cung số 1); Khôn (cung số 2); Chấn (cung số 3)… Coi các mũi tên chỉ đường hướng Thái Nhất di chuyển; mỗi khi đi hết 4 cung (1, 2, 3, 4) thì về nghỉ ở cung số 5, tức Trung Tâm; rồi lại tiếp tục ra đi từ số 6, 7, 8, 9, rồi trở về số 10=5, ở Trung Tâm. Chính cách vận hành này tạo ra cách xếp đặt những con số trong “Hình Vuông Ma Thuật” và cũng theo tương truyền, Chu Văn Vương đã căn cứ vào cách xếp đặt của Lạc Thư, để chia trái đất (hình vuông) ra 9 Miền (hình vuông). Chu Văn Vương đã rảo qua khắp Thế giới để tổ chức mọi công việc cai trị cho hợp với “THIÊN ĐẠO”. Vì trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, thì vị Quân Vương phải bắt “nhân đạo” rập theo khuôn mẫu phép tắc của” Thiên Đạo”. Cũng theo tương truyền, Văn Vương đã sáng chế ra “Nhà Minh Đường”, như “hình ảnh của Thế giới" (Image du Monde) để các Vua không cần đi đâu xa, chỉ cần đi trong “Nhà Minh Đường”, gọi là để “diễn lại tấn tuồng vũ trụ” mà thôi!

· Khi diễn lại tấn tuồng ấy, thì luôn phải ‘Thuận Thiên”, nghĩa là tùy mùa thay đổi mầu sắc, phương hướng cho thích hợp với thiên nhiên như mùa Xuân: phương Đông, số 3, phẩm phục, cờ xí xanh, ngự cung Thanh dương; mùa Hạ:phẩm phục cờ xí đỏ, ngự cung Minh Đường, phía Nam.

· Nói tóm lại, hình dáng, hành động, phương vị của vị Thiên Tử có thể thay đổi cho thích hợp với thời gian và không gian, tùy hoàn cảnh, nhưng lúc nào cũng phải thuận theo Thiên Đạo, như ý nghĩa của Kinh Dịch: “THỂ duy nhất, DỤNG vạn thù”.

Chương Bảy : Thiên Chúa, Thượng Đế, Ông Trời

(188) H. Dumoulin: trang 172-173.

(189) Catechism of the Catholic Church, Chương Một, “Tôi tin Một Thiên Chúa là Cha”, số 202.

(190) Catechism, số 2096, 2097, 2132.

(191) A. Kishi: trang 70-83; Karl Rahner, Dictionary of Theology, coi các chữ: act, actus purus.

(192) A. Kishi: trang 86-95. Nguyên văn bằng tiếng Latinh của Thánh Bonaventura về “Quả cầu tròn”, (soạn giả sách này đã dịch ở trên): “Itinerarium Mentis in Deum, c.5, Oper Omnia, t. XII, p.18: Quia simplicissimum et maximum, ideo totum intra omnia, et totum extra omnia, ac per hoc est sphaera intelligibilis, cujus centrum est ubique, et circumferentia nusquam. Quia actualissimum et immutabilissimum, ideo, stabile manens, moveri dat universa. Quia perfectissimum et immensum, ideo est intra omnia non ex inclusum; extra omnia, non exclusum, supra omnia, non elatum; infra omnia, non prostratum. Quia vero est summe unum et omnimodum, ideo est omnia in omnibus: quamvis omnia sint multa, et ipsum non sit nisi unum: et hoc quia per simplicissimam unitatem, serenissimam veritatem, et sincerissimam bonitatem, est in eo omnis communicabilitas, ac per hoc” ex ipso, et per ipsum, et in ipso sunt omnia" (Rom.11:36); Richard McBrien, Catholicism, volume I, trang 128-133; 158-161;
K. Rarl Rahner, coi chữ Potentia.

(193) H. Dumoulin, trang 174-183; 148, 150, 178,181.

(194) Ngô Kinh Hùng, Nguyên Bản Hán Văn Phúc Âm, Tông Đồ Đại Sự Ký, Công Giáo Chân Lý Học Hội xuất bản, ĐGH PIÔ XII đề tựa, 12/28/1948.

(195) J. Ching, trang 116-118; Nguyễn Văn Thọ, trang 19;
L. Wieger, trang 281 (chữ Đế) và trang 26 (chữ Thiên); T.T. Kim, trang 37-46.

(196) T.T. Kim. Nho Giáo, quyển I, trang 85-87.

(197) Nguyễn Văn Ngọc. Tục Ngữ Phong Dao. Bảo Vân. Tục Ngữ Ca Dao và Dân Ca, Quê Hương.

(198) Lĩnh Nam Chích Quái, Trần Thế Pháp, Lê Hữu Mục dịch, Khai Trí, trang 60.

(199) P. C. Phan. Mission and Catechesis, trang 215-223.

(200) N.H. Lai. La Tradition Religieuse Spirituelle Sociale au Viet Nam”, Beauchesne, trang 116-119.

(201) P.C. Phan, trang 116-117.

(202) P.C. Phan, trang 177-178.

(203) J. Ching. Confucianism & Christianity, trang 143-144.

(204) J. Ching, trang 113-115; 143-147.

Phụ Trương

Đạo Đức Trong Gia Đình Việt Nam
hay Dung Hòa Hai Nền Văn Hóa Đông-Tây

(Tóm lược bài giảng thuyết và hội thảo tại Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Charlotte, N. Carolina, tuần Lễ Phục Sinh o4/ 16/2000. Cộng Đồng đã tậu mãi được 12 mẫu đất và một nhà nguyện nhỏ, đang gây qũy để mổ rộng Nhà Thờ, xây Hội Trường mới, và các lớp dạy Giáo lý, Việt ngữ. Trong Tuần Thánh, vì có Nhà Thờ riêng, nên đã cử hành theo truyền thống Việt Nam, một vài nghi thức như: Ngắm đứng, Dâng Hạt, Đọc đoạn, và đoàn thanh niên, thanh nữ diễn hoạt cảnh khi toàn thể dân chúng đi Chặng Đàng Thánh Giá chung quanh khuôn viên Nhà Thờ.)

Chủ Đề: Noi gương Chúa Cứu Thế đã tự ý hiến thân chịu chết để chuộc tội cho nhân loại; nhưng sau ba ngày, Chúa đã sống lại, vinh hiển. Các Thánh Tử Đạo cũng đã hy sinh mạng sống, giữ vững Đức Tin, nên được hưởng hạnh phước vĩnh cửu cùng Chúa trên Thiên đàng.

Ưu tư lớn lao nhất hiện nay của các bậc phụ huynh, là làm thế nào giúp giới trẻ giữ vững Đức Tin, và những Tinh Hoa của Truyền Thống Dân Tộc?

Trong bài này chỉ xin bàn luận về nền Đạo Lý thông thường, mà một con người, một gia đình hay một dân tộc văn minh, văn hiến, cần xây đắp như nền tảng tự nhiên để vươn lên cõi Siêu Việt, Thần Linh . Kim chỉ nam cho nền giáo dục cổ truyền có câu: “Tiên học Lễ, hậu học văn”, hoặc “Tài-Đức kiêm toàn”. Đó là khuôn vàng thước ngọc để rèn luyện đứa trẻ trở thành con người hữu dụng cho gia đình, xã hội. Ngày nay, vì vận nước đổi thay, tại quốc nội cũng như quốc ngoại, người dân Việt còn thiết tha với truyền thống ngàn năm của giống nòi Lạc Hồng, phải đau lòng chứng kiến cảnh đổ vỡ tan hoang của lâu đài giá trị về Luân thường Đạo lý ngàn xưa.

Ngày nay, các người lãnh đạo quốc gia, không cần phải là người đức độ nữa! Một người ra tranh cử chức vụ nguyên thủ quốc gia, dầu có quá khứ là bất liêm chính, ngoại tình, phóng đãng, nhưng có tài ăn nói, giỏi về kinh tế, thì vẫn có thể đắc cử. Thần tượng của giới trẻ là các minh tinh màn bạc, các thể thao gia, mặc dầu đời sống luân lý của họ rất bê bối.

Ngày xưa tại quê nhà, khi học sinh cắp sách đến trường, từ lớp mẫu giáo đã được học sách “Luân Lý Giáo Khoa Thư”. Khi lên bậc Trung Học, các sách giáo khoa trong Văn Học Sử Việt Nam, đều tích trữ những triết lý, đạo lý của các bậc hiền nhân quân tử. Do đó, khi bình luận về văn chương, đồng thời học sinh cũng được thấm nhuần đạo đức của các vị Thánh Hiền. Trái lại, ngày nay tại các trường công lập, người ta triệt để giữ thái độ “tục hóa”, nghĩa là hoàn toàn “trung lập” đối với các giá trị đạo đức, luân lý, tôn giáo như cấm đọc kinh, treo ảnh Chúa.. Khi đề cập đến vấn đề “tính dục” (sex), người ta chỉ giảng giải theo khoa học để các học sinh biết đề phòng tránh bịnh tật hoặc để ngừa thai, nhưng tuyệt dối không đả động gì đến giá trị của tính dục đối với hôn nhân và gia đình.

Vì sự xáo trộn, khủng hoảng về luân lý, đạo đức hiện nay, nên qua nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi trong các buổi hội họp, đã phát sinh hai khuynh hướng cực đoan đối với vấn đề rèn luyện nhân cách, luân lý đạo đức cho giới trẻ. Lập trường thứ nhất cho rằng: cần “Bài Ngoại”, vì văn minh Âu-Mỹ hiện nay, nhất là nền tảng đạo đức của gia đình, đang thời kỳ thoái hoá trụy lạc. Trái ngược lại, khuynh hướng thứ hai, vì thất vọng, cơ cực đối với hiện tình đất nước, nên có thái độ hoàn toàn “Đoạn Tuyệt” với quá khứ dĩ vãng.

Sau đây, ta thử phân tách những ưu điểm và những khuyết điểm của hai lập trường trên, rồi tìm cách dung hòa, kết nạp những điều tốt, những tinh hoa, để giúp giới trẻ phát triển đầy đủ về mọi phương diện, nhất là về Luân Lý, Đạo Đức.

Lập Trường Bài Ngoại

Theo khuynh hướng này, văn minh và văn hóa Âu-Mỹ là vật chất, ham lợi, đồi bại, thực dân, đế quốc, vì những sự xấu xa phô bày chung quanh người ty nạn Việt nam, lần đầu tiên đặt chân lên đất ngoại quốc, khiến họ bất mãn, như:

1. Chối Bỏ Chân Lý Khách Quan Tuyệt Đối về Luân Lý.

Đối với người dân lương thiện, xưa nay vẫn tuân giữ “Mười Giới Răn” (Thiên Chúa Giáo), hoặc tu theo “Ngũ Giới” (Phật Giáo), họ cảm thấy niềm tin bị xúc phạm khi chủ nghĩa tự do cá nhân vô độ tung hoành khắp nơi. Tội hay không tội đều do cá nhân quyết định, chứ không do lề luật Chúa, hay luật tự nhiên, hay lương tri, lương tâm hướng dẫn. Không công nhận có Chân lý Khách quan, vượt không-thời gian, nhưng các huấn lệnh luân lý đều thay đổi tuỳ nơi và tuỳ thời gian. Chẳng hạn, tại Hội Nghị quốc tế về dân số ở Cairo, những nuớc chủ trương cho việc phá thai “hợp pháp”, vì hành vi luân lý này tuỳ thuộc vào sự định đoạt, hay yêu cầu (request) của mỗi cá nhân, bất cứ vì lý do gì. Chính phủ của những nước như Pháp, Ý, Hoa kỳ đã đi ngược lại lập trường của Tòa Thánh Roma. Trái lại, những quốc gia ở Phi châu như Congo, Ethiopia, các nước theo Hồi giáo như Bangladesh, Indonesia, các nước theo Phật giáo như Cambodia, Laos, Thailand, v, v, chỉ cho phép phá thai khi tính mạng, hoặc sức khoẻ của người mẹ bị lâm nguy. Chính trào lưu “tục hóa"(secularism) đã xui khiến một số quốc gia, theo Thiên Chúa Giáo, lìa xa Hội Thánh và Thánh Truyền. Chủ thuyết tự do cá nhân độc tôn, đã làm cho gia đình và xã hội bất ổn vì thiếu Chân lý khách quan để mọi người cùng công nhận. Theo chủ thuyết tự do cá nhân, mỗi người, mạnh ai nấy làm, không cần phân biệt Phải/Trái, bất chấp tôn trọng quyền lợi của kẻ khác. Giới răn thứ năm dạy :” Chớ giết người”, nên chính hành vi phá thai, tự nó (per se) là trái luân lý. Do đó, người ta không thể hạn chế dân số bằng cách phá thai, vì phá thai là giết người, là xâm phạm sự sống của một hài nhi, cũng là một nhân vị độc lập, biệt lập, khác với người mẹ.

2. Văn Minh Tiêu Thụ

Tiền bạc, hưởng thụ những khoái lạc, và tiện nghi vật chất là chủ đích duy nhất của đời người và của mọi việc kinh doanh. Vì coi tiền bạc là cứu cánh, nên người ta tìm hết mọi phương thế để làm ra tiền, mặc dầu những phương tiện đó, theo luân lý, là tội lỗi, như bóc lột những nước nghèo, buôn bán bạch phiến, cổ động phá thai, ngừa thai nhân tạo để bán thuốc. Văn minh tiêu thụ dùng quảng cáo rầm rộ để kích động và triệt để khai thác thị hiếu, dục vọng của con người. Vì cần tiền để ăn chơi thỏa thích, nên phát sinh nhiều tội ác như cướp của giết người. Vì thế, Hoa kỳ phải tốn mỗi năm hàng tỷ đôla để chống tội ác! Xu hướng hưởng thụ khiến con người ham mê cờ bạc, nghiện rượu, ma tuý, và buông thả vô độ theo tình dục.

3. Gia Đình Sa Đọa

Tại Hoa kỳ, giá trị truyền thống về gia đình đã xuống dốc một cách thê thảm, khiến các nhà lãnh đạo quốc gia, bảo thủ hay cấp tiến (liberal) đều phải lên tiếng báo động. Theo lịch sử xã hội loài người, gia đình vẫn được coi là đơn vị căn bản của xã hội. Gia đình xáo trộn thì xã hội loạn lạc, mất an vui. Một số đông các nhà xã hội học cho rằng thủ phạm chính đã gây nên khủng hoảng trong các gia đình Âu-Mỹ hiện nay là chủ thuyết tự do cá nhân vô độ, và những yêu sách quá đáng của phong trào phụ nữ đòi bình quyền. Thêm vào hai nguyên nhân đó, còn phải kể đến việc chính phủ chèn ép trường tư, và hỗ trợ trường công để nhồi sọ giới trẻ những tư tưởng phóng túng, tự do, vô thần, vô luân lý, khiến đứa trẻ càng lớn lên càng xa cách cha mẹ, và tổ ấm gia đình. Người ta “tục hóa” nhà trường bằng cách cấm cầu nguyện, cấm hát những khúc ca mùa Giáng sinh, cấm sách giáo khoa trình bày quan điểm Kinh Thánh về việc Sáng Tạo thế giới, nhưng cổ động lý thuyết tiến hóa vô thần,"người bởi khỉ”. Trong gia đình, vợ chồng cần hỗ trợ, và chia sẻ nhiệm vụ để hợp tác với nhau trong việc giáo dục con cái. Vợ hay chồng đều cần sự giúp đỡ lẫn nhau, đều tôn trọng quyền lợi riêng của nhau. Nếu vai trò và khả năng của nguời đàn ông chuyên về tính toán, suy nghĩ để làm ăn, thì được bổ túc bởi vai trò của người phụ nữ nặng về tâm linh, tình cảm, yêu thương, an ủi, và dạy dỗ con cái.

Từ thập niên 1960, “cuộc cách mạng tính dục"(sex revo lution), tại Hoa kỳ đã phá hoại giá trị truyền thống đạo đức về gia đình tới mức cần báo động! Thật vậy, những con số thống kê cho thấy: cứ 5 đứa trẻ sinh ra thì một đứa là con hoang; trong các đôi hôn nhân, gần một nửa đi đến ly dị; năm 1990, có 683.000 vụ hiếp dâm. Những cha hay mẹ độc thân (single parent), làm thiệt hại công quỹ hàng tỷ đôla về tiền trợ cấp!

Lập Trường: Đoạn Tuyệt Với Dĩ Vãng

Hoàn toàn trái ngược với lập trường “Bài Ngoại”, là lập trường của một số người muốn con cái “Đoạn tuyệt với quá khứ”. Vì suốt cuộc đời sống trong chiến tranh, bom đạn, tù đày, vì cơ cực, đói khát, chạy ăn từng bữa, vì làm nô lệ hết chế độ này tới chế độ kia, nên khi được cơ hội hưởng tự do, họ đã muốn trút bỏ và quên hẳn dĩ vãng đen tối. Do đó, gia tài của tổ tiên để lại, đối với họ, không còn gì đáng quyến luyến. Họ cấm con cái nói tiếng Việt, đi lễ Mỹ, xa lánh Cộng đồng Việt Nam. Qua các buổi bàn cãi, có thể tóm lược một vài ý kiến như sau:

1. Óc Địa Phương, Chia Rẽ

Từ hơn một thế kỷ, tinh thần quốc gia thống nhất của dân Việt đã bị chính sách “chia để trị” phân hóa. Tuy sống trong một nước đã dành lại quyền độc lập, nhưng óc bộ lạc, óc địa phương, chia rẽ Bắc-Trung-Nam, vẫn còn dày đặc, không sao gột rửa được. Các đảng phái chính trị tiêu diệt lẫn nhau. Ngay trong các tôn giáo cũng có sự tranh chấp. Trong các cộng đồng, các đoàn thể hay phân bì, ganh ty nhau, tuy cùng hoạt động để mở mang nước Chúa! Có người cho rằng: vì óc chia rẽ, ganh ty, nên người Việt nam khó thành công trong những công cuộc đại sự, cần sự hợp lực lớn lao như việc phục quốc, hoặc tạo lập một hợp đồng kinh doanh lớn đủ sức canh tranh với người nước khác. Có thể một số người Việt thành công trong những dịch vụ có tính cách gia đình như hợp tác với bà con họ hàng để mở quán cơm,v,v. Nhưng thường thất bại trong những công ty lớn, vì óc chia rẽ, ganh ty. Kết quả mà mọi người đều nhìn nhận là: Những siêu thị lớn, những nhà hàng lớn để đãi tiệc đám cưới ba bốn trăm thực khách, chi phí hàng chục ngàn đô la, đều vào túi người ngoại quốc hết! Óc kỳ thị đối với đồng bào cùng một chủng tộc, cùng một ngôn ngữ, (chỉ khác giọng nói), óc địa phương, phân bì, khiến đời sống xã hội căng thẳng và bất ổn. Óc bè phái thường gây cảnh bất công, thiếu Bác Ái, vì đối bà con thân thuộc, hay với người cùng địa phương… thì điều trái cũng cho là phải, còn đối với người khác thì dầu phải cũng cho là sai quấy.

2. Ít Tôn Trọng Luật Pháp, thiếu tinh thần Dân Chủ

Quốc gia là một thể chế chính trị được thành lập do nhiều bộ lạc, nhiều chủng tộc cùng đồng ý với nhau chấp nhận một Hiến pháp, một bộ luật, chẳng hạn như Hiệp Chúng Quốc. Do đó, mọi công dân đều phải tôn trọng luật pháp quốc gia. Câu tục ngữ: “Phép vua, thua lệ làng”, được giải thích theo óc phong kiến, nghĩa là, mặc dầu vua đại diện cho luật pháp quốc gia, nhưng vẫn có dân làng không theo, vì tập tục riêng của họ Do đó, người dân thiếu tinh thần tôn trọng luật pháp, hoặc theo “luật rừng”, hay luật lệ thay đổi tuỳ địa phương. Không tôn trọng Luật Pháp là nguyên do phát sinh nạn hối lộ, hối mại quyền thế, cản trở pháp luật, và luồn cúi nịnh bợ. “ Dân chủ” hiểu theo nghĩa là: bất cứ ai trong cộng đồng hay trong đoàn thể cũng được phát biểu ý kiến, cũng có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Theo phương pháp dân chủ, khi bỏ phiếu thì đa số thắng thiểu số. Do đó, người thiếu đầu óc dân chủ là người kiêu căng, độc tài, bướng bỉnh, ương ngạnh, tự cho mình là tốt nhất, không lắng nghe và tôn trọng ý kiến của đa số. Nhiều cộng đồng đã tan vỡ vì thiếu tinh thần dân chủ, vì một thiểu số tham quyền cố vị, “không ăn thì đạp đổ”. Dầu thất cử, hoặc hết nhiệm kỳ, họ cũng không từ chức, nhưng kéo bè, kéo cánh để đả phá. Theo dân chủ cũng là chấp nhận có đối lập, và chịu bàn luận để đi đến một kết luận dung hòa các quan điểm khác biệt.

3. Ít Tôn Trọng Tự Do và Trách Nhiệm Cá Nhân

Ngày nay, đối với giới trẻ, nếp sống tôn ti trật tự, trên kính dưới nhường, gọi dạ bảo vâng,v,v, là hạn chế tự do cá nhân. Trong gia đình cổ, uy quyền của người chồng quá lớn, lấn át người vợ. Trong việc hôn nhân, mọi việc “gả bán"đều do “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, nhất là đối với con gái. Do đó, đã gây nhiều thảm cảnh éo le, đầy tủi buồn! Trong việc giáo dục, cha mẹ thường rất nghiêm ngặt, ít khi con cái được góp ý kiến. Khi con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng, nhưng vẫn còn lệ thuộc vào cha mẹ. Chế độ Đại gia đình, gia tộc, đôi khi cũng tạo ra những ràng buộc phiền phức, rắc rối.

Trên đây là những lý lẽ chính của hai lập trường cực đoan. Dĩ nhiên, “nhân vô thập toàn”, xã hội nào, đoàn thể nào cũng có những khuyết điểm cần sửa chữa. Nhưng thiết tưởng cũng nên suy nghĩ cẩn thận để tìm ra những ưu điểm để duy trì. Sau đây, sẽ thử nêu lên một số những điểm son trong hai nền văn hóa Đông-Tây.

Những Ưu Điểm Cần Duy Trì

Xã hội, hay văn hóa nào cũng có những cái hay và những cái dở. Do đó, cần phải có óc quan sát và nhận định, phê phán để chọn lọc cái tốt mà theo, cái xấu thì loại bỏ. Nhiều bậc thức giả phàn nàn rằng: phần lớn giói trẻ mù quáng chỉ bắt chước một cách nhanh chóng những cái đồi tệ của xứ người, còn những cái hay, cái tốt thì không học được. Sau đây xin kê khai một vài phương diện tích cực trong xã hội Hoa Kỳ, nơi định cư của hơn hai triệu người Việt:

4. Những Điểm Tốt Đẹp Cần Bắt Chước

_ Tôn Trọng Luật Pháp, và Dân Chủ Tự Do. Hiện nay, Hoa kỳ là cường quốc độc nhất lãnh đạo thế giới về nền dân chủ tự do. Hoa kỳ đã dẫn đầu thế giới chiến thắng các chế độ độc tài, quân phiệt, phát xít. Người dân Mỹ được hoàn toàn hưởng tự do về mọi mặt, để an cư lạc nghiệp, nhất là được Hiến Pháp bảo vệ những quyền tự do căn bản như: tự do tôn giáo, tự do ngôn luận..Trước Pháp Luật, mọi công dân được đối xử một cách Công bằng. Ta thường thấy, vị Tổng Thống thất cử, cũng là người thứ nhất chúc mừng vị tân Tổng Thống, và hứa sẽ hợp tác để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Nhưng nếu vị Tổng thống nào phạm pháp, sẽ bị Quốc hội điều tra, truy tố và truất phế.

_ Cơ Hội Tiến Thân, Tinh Thần Cầu Tiến. Người dân Mỹ được hưởng các tiện nghi, và kỹ thuật tân tiến nhất thế giới, nhờ tinh thần cầu tiến. Các trường học rất nhiều, cưỡng bách giáo dục cho hết bậc trung học. Đặc biệt, các truờng chuyên nghiệp cấp Đại Học được xây cất khắp nơi, vừa công lập, vừa tư thục, đủ các ngành khoa học, để giúp cơ hội tiến thân cho những người hiếu học. Những sinh viên nghèo, thì có học bổng, hoặc được mượn tiền với lãi xuất thấp. Do đó, từ năm 75, một số học sinh Việt nam đã thành công trong lãnh vực học vấn, và nghề nghiệp, chẳng hạn, ba bốn anh chị em đều đậu đạt, người kỹ sư, người bác sĩ. Nhưng tiếc thay! ngoài sự dự đoán của nhiều người, một số đông học sinh, vì a dua theo đòi bắt chước những tệ đoan của xã hội Mỹ, nên đã rơi vào các băng đảng, bỏ mất cơ hội tiến thân, xây dựng sự nghiệp, và giúp đỡ bà con bên nhà. Ngoài ra, Hoa kỳ là nước tiến bộ về mọi ngành khoa học kỹ thuật, nhiều phát minh mới lạ, nhiều chương trình nghiên cứu, để nâng cao đời sống về thực phẩm, canh nông, y tế, và kỹ nghệ cho tất cả thế giới. Hằng năm, Hoa kỳ là nuớc chiếm giải Nobel nhiều nhất trong các nước tiền tiến.

_ Giáo Dục Nhấn Mạnh Sự Trưởng Thành, Tự lập. Mặc dầu có những lạm dụng, nhưng xét chung, nền giáo dục trong gia đình, hay ngoài học đường, các vị hữu trách đều nhấn mạnh đế sự trưởng thành của con em học sinh, để tạo cho chúng biết sống tự lực, tự cường. Do đó, các phụ huynh thường lắng nghe ý kiến của con cái, tập cho chúng tự làm lấy những việc chúng có thể làm được. Đặc biệt, các bậc cha mẹ có cử chỉ thân tình, chia sẻ, thông cảm những khó khăn của tuổi trẻ, giúp chúng tự trách nhiệm lấy đời mình.

_ Nghĩa Cử Hào Hiệp, Tinh Thần Bác Ai Vị Tha. Người ta có thể chỉ trích Hoa kỳ về một số sai lầm về chính trị, nhưng thế giới đều khen ngợi tinh thần hào hiệp của nhân dân Mỹ đối với công cuộc viện trợ các nước nghèo, khi gặp nạn đói, lụt… Chẳng những chính phủ có các chương trình viện trợ mà còn rất nhiều đoàn thể tư nhân như các hội từ thiện, như Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo Hoa Kỳ, giúp định cư người ty nạn tại Mỹ, không phân biệt tôn giáo. Đồng bào Việt Nam ty nạn, nhờ lòng quảng đại của nhân dân, và chính phủ Hoa Kỳ mà được bảo đảm về y tế, và trợ cấp hàng tháng. Thật ra, ít thấy những nước trên thế giới có một nghĩa cử cao quí như vậy!

_ Tín Ngưỡng Mạnh. Tự Do Tôn Giáo. Hiến Pháp Hiệp Chúng Quốc tôn trọng và bảo vệ quyền Tự Do Tín Ngưỡng của người dân. Chính Quyền và Tôn Giáo phân biệt: Chính Quyền không can thiệp vào nội bộ của các Tôn Giáo. Hơn nữa, các Vị Sáng lập ra quốc gia này đã chủ tâm đặt nền tảng Hiến Pháp trên Tinh Thần của Thiên Chúa Giáo. Do đó, ngày Lễ Tạ Ơn (Thiên Chúa), là Đại Lễ của toàn dân. Khi một vị Tân Tổng Thống lên nhậm chức, thì đặt tay trên Sách Kinh Thánh mà thề. Trên đồng tiền cũng in câu: “In God we trust” (ta tin cậy vào Chúa). Các Thánh Đường xây cất khắp đường phố, và theo thống kê, hơn 90% dân Mỹ tin có Chúa là Vị Chủ Tể của vũ trụ.

Trên đây là một vài nhận xét tích cực mà bất cứ ai muốn tìm hiểu cũng có thể nhận thấy được. Tiếc thay! một số người đã vì thành kiến, thiển cận hay thiếu người hướng dẫn, nên không nhìn thấy những điều tốt để học hỏi. và bắt chước. Sau đây, ta cũng tìm hiểu những nét vàng son trong lâu đài văn hóa của dân tộc Việt Nam.

5. Tinh Hoa của Dân Tộc Việt Nam

Chủ trương “Đoạn Tuyệt với Quá Khứ”, là điều tại hại và khó có thể thực hiện được. Kinh nghiệm hơn hai trăm năm lập quốc của Hoa Kỳ cho thấy: chính sách “melting pot” ( trộn lẫn các sắc tộc) của thế kỷ trước, có thể đã thành công đối với các chủng tộc “da trắng” (caucasians), từ các nước Âu châu tới như Anh, Đức, Ái Nhĩ Lan….vì cùng chung một văn minh Thiên Chúa Giáo. Nhưng các nhà xã hội học cho biết, công việc “hội nhập” đối với các chủng tộc “da vàng” như Trung Hoa, Nhật Bản,v,v, hoặc “da đen”, thì rất chậm và khó khăn. Mặc dầu đã định cư gần hai trăm năm trên đất này, dân Mỹ vẫn phân biệt và thường gọi người gốc “Tàu” là Chinese, hoặc Chinese-American, không chỉ gọi một tiếng “American” như đối với người gốc Thuy điển, NaUy….. Gần đây, vì nạn kỳ thị chủng tộc đã gây nên những cuộc xáo trộn trong nước (Los Angeles, Miami), nên nguời ta có khuynh hướng “Hòa Hợp”, nhưng tôn trọng sắc thái văn hóa của mỗi chủng tộc, được sánh ví như “Rainbow” (cầu vồng năm sắc) hay “Tapestry” (bức thảm). Do đó, ta nên tìm hiểu, và duy trì những tinh hoa của dân tộc để truyền lại cho con cháu. Như thế, ta cũng góp phần tô điểm cho văn hoá Hiệp Chúng Quốc thêm phong phú.

_ Đề Cao Nhân-Nghĩa. Không phải chỉ riêng các Nho Sĩ, nhưng hầu hết các tầng lớp nhân dân, trong mọi cơ cấu của xã hội, đã thấm nhuần những nguyên lý Đạo Đức của Thánh Hiền. Theo nguyên tắc giáo huấn “Dĩ Văn Tải Đạo”, (nghĩa là dùng văn chuơng, sách truyện, ca dao tục ngữ để giảng giải Đạo lý), giúp người bình dân biết phân biệt Phải/Trái, Ác/Thiện, Chân/Giả, v.v. Người ta dùng “Ngũ Thường” (năm điều thường xẩy ra hằng ngày, không thay đổi) là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, để phán đoán về tư cách của một người. Từ mấy ngàn năm lịch sử, nhờ “Ngũ Thường” và đặc biệt đối với phụ nữ có “Tứ Đức” Công, Dung, Ngôn, Hạnh, dân tộc Việt Nam đã đào tạo được nhiều vị anh hùng liệt nữ. Bởi vậy, người tài giỏi, giầu có, quyền thế, nhưng thiếu Đức Hạnh, đều bị người đời chê cười, khinh bỉ. Do đó, lý tưởng của một người là: “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ”, nghĩa là trước tiên cần tu thân tích đức đã, rồi mới có thể thu xếp công việc nhà cho ổn thỏa, sau đó, dùng tài năng để giúp nước và đem an vui cho trăm họ.

_ Thờ Kính Tổ Tiên, hay Đạo Hiếu. Xã hội cổ Việt Nam xây dựng trên ba mối tương quan, liên hệ căn bản gọi là “Tam Cương” như: Quân/Thần, Phu/Phụ, Phụ/Tử. Đối với tương quan Quân/Thần, có thể hiểu là mối liên hệ giữa Nước và Dân (vì trong chế độ quân chủ, vua đại diện cho Nước). Còn hai tương quan Phu/Phụ(chồng/vợ), Phụ/Tử (cha mẹ/con cái) là những liên hệ thuộc gia đình. Có thể nói, tương quan Quân/Thần cũng thuộc luân lý gia đình nữa, vì coi nước là một Đại Gia Đình, trong đó vua, quan được gọi là “dân chi phụ mẫu” (cha/mẹ của dân). Do đó, ta nhận thấy dân tộc Việt Nam rất tôn trọng gia đình, đến nỗi đặt lên hàng tôn giáo, tức là Đạo Hiếu. Cũng vì lòng Hiếu Thảo đối với Tổ Tiên mà người dân Việt yêu mến làng xóm, quê hương, nơi chôn cất phần mộ của ông bà, cha mẹ. Đức Hiếu Thảo còn bao trùm ra họ hàng, cô bác, anh chị em, bên nội, bên ngoại, gọi là Đại Gia Đình.

_ Tiếng Việt Còn, Nước Ta Còn. Ngôn ngữ Việt nam cũng là một kho tàng quí giá, phong phú, vì có thể diễn đạt một cách sâu xa, súc tích những tư tưởng trừu tượng, cao siêu của triết lý, thần học, siêu hình, cũng như đủ khả năng để giảng giải các bộ môn của khoa học như y khoa, vật lý, vạn vật học, toán học,v,v, Nhưng đặc biệt trong văn chương, tiếng Việt rất tinh vi để diễn tả những tâm tư, tình cảm tế nhị. Hơn nữa, tiếng Việt còn là phương thế cần thiết để duy trì, và lưu truyền văn hóa cho thế hệ trẻ nơi hải ngoại. Con cháu không biết tiếng Việt sẽ gây chia rẽ, phân hóa trong gia đình, vì ông bà không còn dạy bảo con cháu được nữa, mẹ không còn chỉ bảo cho con gái khi lớn lên. Không biết tiếng Việt, đứa trẻ Việt Nam sẽ bơ vơ lạc lõng, vì bị cắt đứt khỏi nguồn gốc, trong khi nó chưa được đón nhận hoàn toàn vào các cộng đồng của các chủng tộc khác.

_ Lòng Sùng Đạo. Đây cũng là cao điểm của tâm tình Đạo Đức của người Việt Nam đã được các dân tộc bạn ngưỡng mộ. Mặc dầu sống trong nước giầu có, vật chất sa hoa, nhưng nơi các Cộng đồng Công giáo tại hải ngoại, sinh hoạt tôn giáo rất sầm uất, các Hội Đoàn được thành lập, các Nhà Thờ Giáo Xứ Việt Nam xây cất khắp nơi trong những điều kiện khó khăn. Đây là đời sống Đức Tin để noi gương các Vị Tiền Bối Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam. Hơn nữa, một số đáng kể những thanh niên thiếu nữ đã tự hiến thân để phục vụ Giáo Hội, trong đời sống tu trì, trong các Dòng Tu và các Chủng Viện địa phương.

Đôi Lời Tạm Kết

Trong tình thế hiện nay, tại quê nhà cũng như ở nước ngoài, mối quan tâm của các bậc phụ huynh là làm sao giúp giới trẻ hấp thụ, và duy trì được nền Đạo Đức quí giá của Tổ Tiên để lại. Đó là công cuộc lớn lao, cần sự góp sức, góp ý kiến của nhiều người. Do đó, để tạm kết những dòng này, xin chân thành đề nghị một vài điều kiện nên thực hiện như:

· Giúp giới trẻ bồng bột, thiếu kinh nghiệm, biết phân biệt, biết CHỌN những cái TỐT, và BỎ những cái XẤU của mọi nền văn hóa. Nên có tinh thần Dung Hòa, và Khai Phóng.

· Muốn thực hiện điều trên, đặc biệt tại hải ngoại, người Việt chúng ta nên ngồi lại với nhau để trao đổi ý kiến, và giúp đỡ lẫn nhau. Nhất là tổ chức những buổi HỘI THẢO để hướng dẫn giới trẻ. Nhưng muốn hội họp, chúng ta cần có HỘI TRƯỜNG, hay TRUNG TÂM riêng, tượng trưng cho ĐÌNH LÀNG của Việt Nam, nơi đó, ta có thể chia sẻ tin tức, giải trí, huấn luyện, sinh hoạt của các Đoàn thể, và đặc biệt để tổ chức các ngày Tết…, để tiếp đón các giới đồng hương, không phân biệt tôn giáo.

· Sau hết, chúng ta nên khuyến khích con cháu chúng ta luôn nói tiếng Việt trong gia đình. Bởi vì, “Tiếng Việt còn, Nước ta còn, Tiếng Việt mất, Nước ta mất!”

Tìm Nguồn Hạnh Phước Chân Thật
hay Có Phải “Đời Là Bể Khổ” Không?

(Tóm lược bài giảng thuyết, nhân dịp Tết Nguyên Đán do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Hawaii tổ chức mỗi năm, trên bờ biển Sand Island, Honolulu, để hướng về Quê Hương. Đoàn THIẾU NHI DŨNG LẠC dựng cổng trại, dựng lều, thi đua các trò chơi, thi đua dựng Bàn Thờ Tổ Tiên, các đoàn thể tham gia giờ trình diễn văn nghệ, ca vũ dân tộc, đặc biệt các chị trong Phong Trào Cursillo. Các giới đồng hương được mời tham dự Thánh Lễ Đầu Xuân và dùng các món ăn thuần tuý quê hương. Trên Bàn Thờ dựng ở dưới hàng thông reo, có trưng bày lư hương, Hài Cốt các Thánh Tử Đạo, và mâm bánh trái, các bô lão dâng huơng, bái lậy theo nhịp chiêng trống. Nhân dịp này, tôi có sáng tác hai câu đối, viết chữ nho vàng, trên nền vải điều đỏ, treo hai bên BÀN THỜ:

Thái bình tiên cảnh duy hạ đảo

Nam á bồng lai chỉ việt hà)

Tìm Hạnh Phước là nguyện vọng sâu xa nhất của con người. Từ buổi sơ khai, các tôn giáo, các triết lý, văn chương nghệ thuật, hội họa, điêu khắc, khiêu vũ đều nhằm biểu lộ khát vọng thầm kín đó. Các văn gia, nghệ sĩ đã cố gắng đem lại an vui Hạnh Phước cho cuộc đời đầy đau khổ và lo âu này! “Thiên thai”, “Bồng lai Tiên cảnh”, “Thiên đàng địa giới". (Vào thế kỷ trước, một số nhà thám hiểm mơ ước đi tìm ở Hải Đảo Hawaii!)… cũng chỉ là những giấc mơ Hạnh Phước không bao giờ thành tựu được. Nhân dịp đầu Xuân, ngày Tết, người ta quen vẽ ba chữ Phước- Lộc- Thọ để dán trên cửa nhà. Trong lễ hôn nhân, cô dâu chú rể được tặng câu:Trăm năm Hạnh Phước. Chữ Phước còn được chạm trổ trên vàng, ngọc thạch làm đồ nữ trang để đeo trên ngực, như bùa hộ mệnh ước mong người mình yêu được tràn trề Hạnh Phước.

Nhưng thử hỏi: nhân loại đã tìm thấy Hạnh Phước thật chưa? Các tôn giáo, triết lý, nghệ thuật có đem lại giải đáp nào không ? Nếu có, tại sao con người vẫn còn đầy bất hạnh, xao xuyến ? Vậy ý nghĩa chân thật của Hạnh Phước là gì ? Làm sao để đạt được ? Đấng Cứu Thế, khi xuống trần, có đem lại giải đáp nào không ? Thực ra, khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, Ngài đã long trọng công bố bản Tuyên Ngôn Nước Trời, ta quen gọi là “Tám mối Phước Thật” .Vậy ý nghĩa Hạnh Phước theo Đấng Cứu Thế là làm sao ? Chúng ta sẽ tìm hiểu.

Nhưng trước khi so sánh sự khác biệt giữa hai ý niệm của Đấng Cứu Thế và của thế gian về vấn đề Hạnh Phước, thiết tưởng ta nên tìm hiểu bản tính nhân loại là gì, thân phận con người hiện sinh, hiện hữu bị chi phối bởi những yếu tố nào. Bởi vì chỉ quan niệm chân chính về Hạnh Phước mới đáp ứng đúng với nguyện vọng sâu xa của kiếp người; trái lại, Hạnh Phước giả hiệu chỉ làm ta lặn lội triền miên trong bể khổ.

A. Thân Phận Con Người

Khi phản tỉnh và suy tư về thân phận làm người, mỗi người chúng ta thấy mình bị chi phối và lệ thuộc vào nhiều yếu tố như sau:

_ Lệ thuộc vào không gian và thời gian: không ai biết trước, không được hỏi ý kiến trước, mỗi người chúng ta ra chào đời bằng tiếng khóc oe oe! Ta có giấy khai sinh hẳn hòi, có ngày, tháng, năm sinh rõ rệt!. Thế rồi, sau một thời gian dài ngắn không ai biết trước được, nhưng chắc chắn ta phải chết! Mỗi người lại có giấy khai tử đàng hoàng! Do đó, có người nói rằng: mọi chuyện xẩy ra cho tương lai, ta không thể dự đoán trúng hoàn toàn được, trừ ra một điều ta biết chắc chắn phải xẩy ra 100%: đó là ta phải chết! Bị giới hạn vào một không gian nhất định- nếu ở nơi này thì không ở chỗ khác- cũng là căn cớ gây nên đau khổ vì xa cách, biệt ly, nhớ thương những người thân yêu, đặc biệt trong ngày Tết!

_ Lệ thuộc vào luật tuần hoàn vận chuyển của vũ trụ : trời đất thay đổi liên miên không ngừng"bốn mùa xuân, hạ, thu, đông’ “Tre già, măng mọc”. Thời giờ qua đi rất mau lẹ như “ngựa bay qua cửa sổ”, như “thoi đưa”, nhanh hơn “hỏa tiễn bay"! Thường vẫn nghe than thở: mới hồi nào còn là một cô bé, thế mà nay đã con bồng con bế ! Dòng thời gian qua đi rất mau lẹ, nhưng không bao giờ trở lại như xưa.

“Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,

Bôn lưu đáo hải bất phục hồi"

( Bạn không thấy sao, nước sông Hoàng từ trên cao đổ xuống; nước chảy ra biển và không bao giờ trở lai!)

Do đó, tương lai sự nghiệp sẽ tiêu tan, nếu bỏ bê học hành và lãng phí tuổi trẻ vào những cuộc ăn chơi trụy lạc.

_ Lệ thuộc vào thiên nhiên : con người sống được là nhờ thiên nhiên cung cấp cho những nhu cầu căn bản như khí thở, nước, mặt trời, đất sản xuất thực phẩm . Chính bản thân ta cũng không phải do ta làm ra: đầu, mình, chân tay AI cho ta dùng? tại sao sinh ra có đàn ông, đàn bà ? Do đó, sự hiện hữu của ta trên cõi đời này hoàn toàn lệ thuộc vào một ĐẤNG BỀ TRÊN đã ban cho ta. Vì kiếp người lệ thuộc vào không-thời gian, luật tuần hoàn, nên đời sống con người rất mỏng manh, chóng tàn như” bông hoa sớm nở tối tàn”.

_ Không phải chủ nhân ông, nhưng là viên quản lý: Vì những lý do kể trên, nên con người không làm chủ vũ trụ, nhưng là viên quản lý của đời sống . Khi mỗi người chúng ta nằm xuống, từ giã cuộc đời này, ta phải bỏ lại hết : thân nhân, vợ chồng, con cái, của cải, danh vọng, quyền thế…Ta ra đi, nhưng vũ trụ này vẫn tồn tại, cỏ cây vẫn xanh tươi như trước khi ta có mặt ỏ thế gian này! Sóng biển vẫn kêu dạt dào, ngày đêm, như không có sự gì xảy ra trên đời này! Con người sinh ra đời, tùy gia cảnh khác nhau: trong gia đình giầu hay nghèo; tùy tài năng khác nhau . Ta không có quyền lựa chọn. Nhưng điều quan trọng là ta có biết quản lý đời sống để lập công nghiệp, sinh ích lợi, tùy với khả năng ta đã lãnh nhận hay ta đã thất bại, vì đã hủy diệt cuộc sống. Sau khi đã phân tích và nhận định về những đặc điểm của bản tính nhân loại như trên, bây giờ ta có thể phán đoán được thế nào là quan niệm chân chính về Hạnh Phước, thế nào là quan niệm giả hiệu về Hạnh Phước .

B. Hạnh Phước Giả Hiệu

Chỉ xây dựng Hạnh Phước trên vật chất mà thôi, thì chẳng những không thỏa mãn được ước vọng của con người, mà còn gây ra nhiều ác quả tai hại nữa.

_ Hạnh Phước dựa trên tiền bạc. Người đời hay nói: “có tiền mua tiên cũng được”. Thực ra, tiền tài của cải giúp bảo đảm một đời sống vật chất sung túc, thỏa mãn những nhu yếu căn bản của con người như thức ăn, nhà ở, thuốc men.. Nghèo đói, bệnh tật, thiếu thuốc chữa bệnh, vô gia cư, thất nghiệp… không phải là điều lành. Nhưng quả quyết chỉ có tiền bạc mới tạo ra Hạnh Phước thì không đúng. Bởi vì ta thường thấy nhiều nhà tỷ phú, ông hoàng bà chúa giầu sang nhưng đời sống thiếu Hạnh Phước . Cho nên Hạnh Phước là một ước vọng sâu xa vượt trên những thỏa mãn vật chất . Mặt khác, nếu ta không biết dùng tiền bạc một cách chính đáng thì nó sẽ gây ra nhiều ác quả tai hại. “Tiền bạc là đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu”. Ông chủ tham lam, hà tiện coi tiền bạc hơn nhân phẩm sẽ gây cảnh bất công, bóc lột thợ thuyền. Phung phí tiền bạc, xa xỉ vô ích, không giúp đỡ những nước nghèo, những người chết đói, bệnh tật, đó là một trọng tội đối với nhân loại.

_ Hạnh Phước dựa trên khoái lạc . Những khoái lạc vật chất dễ quyến dũ người ta sa ngã vào con đường trụy lạc, hủy hoại thân xác và đời sống. Nhiều người đang lo lắng cho xã hội hiện nay sẽ bị diệt vong vì nạn dâm đãng, ma túy, nghiện rượu hoành hành dữ dội, nhất là trong giới thanh thiếu niên. Ăn biết ngon, nhìn bông hoa đẹp thấy thích, đó là những khoái cảm tự nhiên chính đáng. Đối với những nhu yếu căn bản của thể xác như đói thì ăn, khát thì uống, hoặc thỏa mãn sinh lý, đó cũng là những đòi hỏi tự nhiên của loài người cũng như loài cầm thú. Những nhu yếu căn bản này có tính cách giới hạn, vì khi được thỏa mãn rồi thì ngừng lại, như loài cầm thú, con trống con mái chỉ tìm nhau tùy mùa, sư tử chỉ đi tìm mồi khi đói.. Nhưng về vấn đề này, con người khác loài cầm thú, vì lòng tham vô đáy, “no bụng đói con mắt”. Bởi vậy, nếu không có ý chí mạnh mẽ để kiềm hãm dục vọng, con người sẽ gây ra những ác quả tai hại cho chính bản thân và cho tha nhân. Như ta thấy ngày nay, sự dâm đãng vô độ, hay đồng tính luyến ái, đã là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh nan y (AIDS), gia đình tan vỡ vì ly dị (gần 50% các đôi hôn nhân tại Hoa kỳ), thiếu niên chửa hoang (chừng một triệu mỗi năm tại Hoa kỳ), phụ nữ và trẻ vị thành niên bị hãm hiếp, hàng triệu vụ phá thai mỗi năm. Sức người có hạn, nếu ăn uống, nhậu nhẹt vô độ sẽ sinh bệnh tật cho cơ thể. Tại Hoa kỳ, người ta đã tốn mỗi năm hằng tỷ đôla làm cho “bớt mập”“ , trong khi thế giới từng giây phút không biết bao nhiêu người chết đói chết khát. Để được những khoái cảm trong giây lát, một số người đã đốt sự nghiệp trong khói thuốc cần sa ma tuý. Nói tóm lại, Hạnh Phước chân thật không thể dựa trên những khoái cảm nhất thời, chóng qua mau hết được. Ước vọng Hạnh Phước của con người lớn lao và sâu xa hơn thỏa mãn vật chất. Không thể uống rượi để “tiêu sầu” được, vì khi hết say thì “sầu lại sầu”. Vì buông thả theo thú tính trong ít giây phút mà phạm trọng tội hiếp dâm, giết người, mang án tử hình!

_ Hạnh Phước dựa trên danh vọng, quyền thế. Quyền hành là để phục vụ, đem lại Hạnh Phước cho con người, cho gia đình, cho quốc gia đân tộc. Do đó, những người ra gánh việc nước được gọi là"công bộc” (đầy tớ của mọi người). Địa vị, tài năng ta có cũng là để mưu ích cho nhân quần xã hội. Nhưng vì tham vọng cá nhân, vì tính kiêu căng, người ta đã lạm dụng quyền hành để củng cố thế lực riêng cho mình. Vì thế, danh vọng, quyền thế đã trở thành mục tiêu phải đạt được với bất cứ gía nào, dầu phải dùng đến những phương cách xấu xa, trái luân lý. Đối với những người hay chế độ độc tài đảng trị thì “mục tiêu biện minh cho phương tiện”, nghĩa là họ có thể đàn áp, giết chết những ai chống đối, miễn là họ nắm được chính quyền, củng cố được đảng phái của họ. Trong lịch sử nhân loại, những chế độ độc tài, phát xít, đã gây ra chiến tranh tang tóc, chà đạp nhân quyền ..cũng chỉ vì ham danh vọng quyền thế. Nhưng lịch sử cũng cho ta thấy, danh vọng quyền thế là cái gì mỏng manh dễ tan vỡ! Bao nhiêu bạo chúa, bạo vương, độc tài quân phiệt khét tiếng đã sụp đổ, nhục nhã, ê chề!

C. Hạnh Phước Chân Thật

Như trên ta vừa nhận định, Hạnh Phước không thể đặt nền tảng trên tiền bạc, khoái lạc, danh vọng được, vì những thứ đó có khi còn gây thêm nhiều đau khổ, lo âu cho ta nữa. Trái lại, Hạnh Phước chân thật, vì đáp lại đúng những nguyện vọng của con người, ít ra cũng đem lại một niềm an vui, Hạnh Phước tương đối cho ta và cho tha nhân. Nói rằng “tương đối”, vì không thể có Hạnh Phước hoàn toàn viên mãn ở trần gian này được. Ta hy vọng chỉ có Hạnh Phước hoàn toàn trên cõi trường sinh bất diệt.

Căn cứ vào kinh nghiệm và đời sống của các vị thánh nhân, hiền triết đông tây, kim cổ, ta tin rằng mỗi người có thể tạo cho mình một nếp sống an vui, lành mạnh, một Hạnh Phước tương đối cho mình và cho người khác, nếu ta can đảm chấp nhận những đặc điểm của Hạnh Phước chân thật như sau:

_ Đời là phù vân giả trá, biến đổi không ngừng. Đây không phải là một quan niệm chán đời, bi quan yếm thế. Nhưng trái lại, ta phải bình thản, giầu nghị lực tinh thần, can đảm dám nhìn thẳng vào thực tế và vào chính bản thân ta. Bao lâu ta chưa tỉnh ngộ,vẫn cố sức bám lấy cuộc đời này, vì cho tiền tài, nhan sắc, danh vọng là những thứ bền vững, bất di bất dịch, thì ta luôn luôn lo lắng để vơ vét tích trữ . Nhưng khi bắt buộc phải từ bỏ những thứ đó thì đâm ra tuyệt vọng hối tiếc. Do đó, các nhà đạo đức thường khuyên ta phải biết “tiết dục”, nghĩa là bớt lòng tham lam vô độ. Đối với những nhu yếu căn bản trong đời sống, ta chỉ cầu mong được “Hàng ngày dùng đủ (Kinh Lạy Cha). Nếu dư dật, ta sẽ phân phát giúp đỡ những người thiếu thốn. Muốn sống Hạnh Phước Thật, điều cần thiết là ta phải phá tan ảo tưởng về sự bền vững, bất biến của thế giới này. Ta hãy bình tĩnh nhìn vào bản thân và lắng nghe lời Kinh Thánh:

“Giảng viên đã nói: Phù vân trên mọi phù vân:
phù vân trên mọi phù vân, và mọi sự đều là phù vân.
Ích lợi gì cho con người làm lụng vất vả dưới mặt trời ?
Một thế hệ qua đi, một thế hệ khác lại đến:
nhưng địa cầu vẫn đứng vững muôn đời.”

(Sách Giảng viên, Qohelet, I, 1-5)

Trong Phúc Âm, Đấng Cứu thế đã nói về sự bấp bênh, trôi nổi, biến đổi của kiếp sống : “Hãy coi chừng, đừng tham lam vô độ, vì sự giầu sang phú quí của cải không bảo đảm mạng sống của con người…” Rồi Ngài dùng dụ ngôn sau đây để giảng nghĩa: “Một nhà phú hộ, ruộng đất đem lại nhiều lợi tức. Ông ta tự nhủ: Ta phải làm sao đây, vì thiếu chỗ chứa hoa màu. Phải rồi! Ta sẽ phá những cái cũ và xây cất những kho lẫm mới lớn hơn, ta sẽ chứa tất cả lúa thóc, của cải vào đó. Rồi ông ta thầm nghĩ: Hồn ta ơi! Ta đã tích trữ biết bao của cải trong nhiều năm: hãy nghỉ ngơi, ăn uống, tiệc tùng! Nhưng Chúa phán: tên ngu dốt, chính đêm nay, ta đòi hồn ngươi lại. Những của cải ngươi đã gom góp thì để cho ai ? Số kiếp kẻ tích trữ giầu sang cho mình như vậy đó, đáng lý ra nó phải làm giầu cho Chúa thì tốt hơn.” ( Lc.12:15-21)

_ Người Quản lý tốt lành : Quan niệm coi đời sống, nhan sắc, danh vọng, tiện nghi vật chất, của cải là di chuyển không ngừng, nay còn mai mất như “mây nổi” (phù vân), như gió thổi, như chiêm bao, không có nghĩa ta khinh chê cuộc đời này là vô giá trị. Trái lại, nó giúp ta nhận rõ chân tướng đời sống, biết dùng thì giờ chóng qua mau hết này để xây dựng Hạnh Phước Chân Thật Vĩnh Cửu, như những lời cầu chúc trong dịp Đầu Xuân. Mọi sự đều tan biến, nhưng Thiện Nghiệp, tức Công Việc Phước Thiện ta làm vẫn tồn tại mãi mãi. Đó là một huyền nhiệm, một điều lạ lùng ! Vật chất hư hoại, nếu biết dùng vào việc Phước Đức, sẽ có giá trị đời đời . Nếu ta biết dùng của cải hay hư nát như phương tiện, để làm việc từ thiện, bác ái ; nếu ta biết dùng tài năng, sức khỏe để mưu ích cho nhân quần xã hội, thì ta đã tạo dựng công nghiệp để dành đời sau vô cùng. Đó là ý nghĩa câu nói: Tiền bạc là đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu! Do đó, muốn tạo Hạnh Phước chân thật, thì ngay bây giờ ở đời này, ta phải biết dùng những ân huệ Chúa ban để sinh lợi lộc là làm các việc lành phước đức, để dành đời sau vô cùng!

Đấng Cứu Thế, trong Phúc Âm đã dạy cách dùng tiền bạc như sau: “Hãy dùng tiền bạc giả dối mà kiếm thêm bạn hữu, để khi thiếu thốn, chúng sẽ rước vào cõi trường sinh… Không có đầy tớ nào lại hầu hạ hai ông chủ được: hoặc nó ghét ông này mà thích ông kia, hoặc quyến luyến ông này mà khinh chê ông kia. Cũng vậy, bạn không thể vừa phụng sự Chúa và tiền bạc (như Chúa) được (Lc.16,9-13). Quan niệm về cách dùng cuộc đời để làm việc Phước Thiện được diễn tả rõ rệt trong dụ ngôn những nén bạc: “Ông Chủ trao cho các đầy tớ, người năm nén bạc, người hai nén, ngưòi một nén. Người lãnh năm nén, hai nén, đều sinh lợi gấp đôi, nên được ông chủ thưởng công, còn người lãnh một nén không sinh lợi gì, đã bị chủ phạt” (Lc. 19:11-28)

_ Chúa là nguyên thủy và cứu cánh của mọi loài. Tất cả mọi vật hiện hữu đều do Chúa tạo dựng. Mỗi người chúng ta bởi Chúa mà có. Do đó, muốn được Hạnh Phước thật, ta phải tìm về với Chúa là nguồn mọi Ơn Phước. Bao lâu con người còn xa Chúa, “con người vẫn còn xao xuyến lo âu khắc khoải cho đến khi tìm gặp được Chúa” như lời Thánh Augustine viết trong cuốn “Tự Thuật” (The Confessions). Sách Gương Phước cũng nhắc lại lời sách Giảng viên Qohelet 1:2, và thêm: “Mọi sự đều là phù vân, giả dối, trừ ra việc yêu mến và phụng sự Chúa!

Mỗi độ Xuân về, người dân Việt không quên cảm tả Vị Chúa Tể vũ trụ càn khôn, vì Ngài là nguồn gốc của sự sống muôn loài. Ngài là một Mùa Xuân Hạnh Phước Trường Cửu Bất Diệt. Ngài là “Đấng hằng hữu, hiện hữu, và sẽ đến (Khải Huyền 1, 4). Con người và vũ trụ đều lệ thuộc hoàn toàn vào Ngài để được ban mọi Phước Lộc: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, “Trăm sự nhờ Trời” !! Nhân dịp Đầu Xuân, chúng ta hãy cầu chúc cho mọi người được hưởng một Mùa Xuân Hạnh Phước chân thật, nhất là nguyện xin Ơn Trên phù hộ cho giới trẻ Việt nam, trên bước đường lưu vong, biết dùng đời sống, sức lực, tài năng, xây dựng sự nghiệp, để làm rạng rỡ, vẻ vang giống nòi, xứng đáng là con cháu các Vị Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam.

Cộng Đồng chúng ta được may mắn sinh sống gần Quê Hương Việt Nam nhất, chỉ cách bờ biển Việt Nam chừng năm ngàn dậm, (và cách bờ biển California ba ngàn dậm). Hải đảo Hawaii, nằm trên vĩ tuyến 20, tức ngang tỉnh Thanh Hóa; do đo, cỏ cây hoa quả giống hệt như bên quê nhà.

Mọi người chúng ta, hãy quay mặt nhìn về phái biển, hướng tây, để thả hồn bay về thẳng quê hương bên kia bờ Thái Bình Dương. Xin mượn câu thơ cổ, để tưởng nhớ đến bà con và những người thân yêu xa cách ngàn trùng:

Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vỹ
Tương Tư, bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy

(Chàng ở đầu Sông Tương (Nhớ), Thiếp ở cuối Sông Tương; Cùng Thương Nhớ nhau, mà chẳng đặng thấy mặt nhau, (Thôi đành!) Cùng nhau Uống nước Sông Tương).

Chiều nay, bà con chúng ta cùng tham dự Thánh Lễ Đầu Xuân để Tạ Ơn Trên và cầu nguyện cho Quê Hương. Dầu xa cách hai bờ Đại Dương, nhưng chúng ta cùng chung một Đức Tin, cùng ăn chung Một Bánh Thánh và cùng uống chung Một Chén Thánh. Âu cũng là cách thế tuyệt diệu để cảm thông và hiệp nhất với người thân yêu xa xôi, cách biệt, trong ngày Linh Thiêng nhất trong năm.

Ý Nghĩa Linh Thiêng Ngày Tết Nguyên Đán

(Bài giảng thuyết này đã đọc nhân dịp Tết Nguyên Đán, năm 1992, do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam San Jose, California, tổ chức tại rạp hát Center for Performing Arts. Đức Giám Mục Giáo Phận chủ tọa, Thánh Lễ do Cha Quản Nhiệm chủ tế với các Linh Mục đồng tế. Số giáo dân và quan khách tham dự hơn năm ngàn. Sau Thánh Lễ, Cha Quản Nhiệm đại diện Cộng Đồng chúc Tết Đức Cha. Tiếp theo là phần trình diễn văn nghệ. ĐOÀN VĂN NGHỆ DÂN TỘC do các Sư Huynh Dòng LaSan luyện tập, đã trình diễn những vũ điệu dân tộc.)

Đối với dân tộc Việt nam, Tết Nguyên Đán là một Đại Lễ, vì bao gồm tất cả các ý nghĩa và tâm tình của các lễ Giáng Sinh, lễ Tân Niên theo Dương lịch, lễ Tạ Ơn, lễ Chiến sĩ Trận Vong, ngày Giỗ, và tiệc mừng Sinh Nhật của mỗi người.

Mỗi khi Tết đến trên giang sơn Việt Nam, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu, hoa đào đỏ, hoa mai vàng, hoa mận trắng, thêu dệt nên một bức thảm thiên nhiên sặc sỡ muôn mầu sắc rực rỡ, khiến lòng người tưng bừng phấn khởi mở hội hè đình đám để thuởng Xuân.

Thật vậy, Tết đã mang một ý nghĩa thiêng liêng rất cao siêu, vì là ngày giao cảm giữa Trời-Đất, Thần Thánh và con người, ngày không phân biệt biên giới giữa kẻ sống và người chết. Do đó, mọi người dân Việt đều kính cẩn tham dự các nghi lễ như Trừ tịch, lễ Giao thừa, lễ tế Nam giao, v, v.

Từ khi Ánh Sáng của Chúa Cứu Thế chiếu tỏa trên quê hương Việt nam, đúng như lời Ngài dạy:” Ta đến đến để hoàn thiện chứ không phải để phá đổ"(Mat.5,17), Hội Thánh đã tìm cách “thánh hóa” những tập quán tốt, bằng cách thanh lọc các yếu tố dị đoan mê tín, rồi mặc cho chúng một ý nghĩa linh thiêng cao siêu. Ngày nay, Hội Thánh vẫn chủ trương đường lối thích nghi, và tôn trọng giá trị văn hóa, bản sắc các dân tộc :” Hội Thánh Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, HộiThánh xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Hội Thánh duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người.."(Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài-Kitô giáo).

Theo nguyên tắc trên, ta thử suy nghĩ về ý nghĩa linh thiêng, cao siêu của ngày Tết Nguyên Đán, qua các đoạn sau đây: Thiên Chúa là Mùa Xuân bất diệt; Trời mới Đất mới; Chim có tổ, Người có tông.

A. Chúa Là Mùa Xuân Bất Diệt

Mỗi độ Xuân về, người dân Việt không quên cảm tạ Vị Chúa Tể Càn Khôn, vì Ngài là căn nguyên của vũ trụ và là nguồn sống của muôn loài. Ngài là một Mùa Xuân trường cửu, bất diệt. Ngài là “Đấng hằng hữu, hiện hữu, và sẽ đến (Khải Huyền 1,4). Con người và vũ trụ đều phải lệ thuộc hoàn toàn vào Ngài để được ban ơn Phước-Lộc-Thọ.

1. Tết Là Ngày Lễ Tạ Ơn

Từ xa xưa, truyền thống dân tộc Lạc Hồng là luôn luôn nhớ ơn Đấng đã sinh thành, chở che, và nuôi dưỡng mình, qua câu ngạn ngữ “Trời sinh, Trời dưỡng”, “Trời che đất chở” hay: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ” (câu này có thể đã được truyền tụng từ thời Hai Bà Trưng, cưỡi voi đánh quân Tô Định, thời kỳ voi còn là một con vật rất gần gũi, và đông đảo trên giải đất Việt). Theo dã sử, từ đời vua Hùng Vương thứ ba, đã có tập tục dùng gạo nếp nấu thứ bánh, biểu tượng cho ngày Tết, là Bánh Dày và Bánh Chưng. Bánh Dày, hình tròn dày dặn, chỉ vòm trời. Cũng có nơi làm Bánh Tét (do chữ Tết?), hoặc Bánh Tày, Bánh Ống (miền Hà nam, Phủ Lý, có hình tròn và dài như giò lụa). Bánh Chưng, hình vuông, chỉ bốn phương trái đất:” Vuông như bánh chưng tám góc"( Việt Nam Tự Điển). Vuông-Tròn chỉ sự hoàn hảo, trọn vẹn như câu thành ngữ:” Mẹ tròn, con vuông”. Do đó, ý nghĩa cao siêu của bánh Dày, (bánh Tét), bánh Chưng, dùng trong việc cúng tế hay biếu tặng trong ngày Tết, là chỉ sự Hòa Hợp giữa Trời và Đất, giữa Con người và Vị Chúa Tể, như câu:” Thiên Nhân tương dữ"( Trời và Người có liên hệ tương quan với nhau). Trong ngày lễ Tạ Ơn, dân Hoa kỳ có thói quen dâng hoa, hoặc bắp ngô, trái bí đỏ, làm lễ vật để tỏ lòng tri ân đối với Thượng Đế đã ưu đãi họ. Từ xa xưa, người dân Việt đã biết dùng gạo nếp để nấu bánh Chưng, bánh Dày, làm lễ vật đặt trên Bàn Thờ để Tạ Ơn Trời đã cho mưa thuận gió hòa:

“Lạy Trời mưa xuống,

lấy nước tôi uống,

lấy ruộng tôi cầy,

lấy chén cơm đầy,

lấy khúc cá to"

“ Uống nước nhớ nguồn”, để tỏ lòng nhớ ơn ông bà cha mẹ đã đổ mồ hôi trên thửa ruộng, nương khoai, làm lụng vất vả để nuôi sống con cháu, như câu ca dao:

“chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa"

Trong Thánh Lễ cũng có lời nguyện lúc dâng bánh ruợu, như sau “Chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con bánh này là hoa quả từ ruộng đất và lao công của con người…”. (Xin phân biệt: “lao công” khác nghĩa với “công lao”. “Lao công" (labor) là vất vả khó nhọc làm việc mới có miếng ăn; còn “công lao” (merit) là phần thưởng, công nghiệp).

Bởi vậy, muốn được Trường Sinh Bất Tử, muốn được Phước-Lộc-Thọ, con người phải phụng sự Chúa, Nhân đạo phải phù hợp với Thiên đạo. Giữa Thiên Chúa và nhân loại phải có sự Giao Hòa mật thiết, như lời nguyện của Kinh Lạy Cha Ý Cha thể hiện dưới Đất cũng như trên Trời”.

2. Thánh Lễ Giao Thừa

Cũng vì thấu suốt ý nghĩa về nguồn gốc của vũ trụ, nhân sinh: chính lúc nửa đêm 30 tháng chạp, năm cũ hết, bước sang năm mới, mỗi người được thêm một tuổi, nên lễ Giao Thừa là giây phút rất cảm động và linh thiêng. Theo cổ tục, sau khi làm lễ Trừ Tịch để xua đuổi tà ma ác quỷ ra khỏi nhà thì khởi sự làm lễ Giao Thừa. Người ta tin rằng vào lúc năm cũ, năm mới giao nhau, vị Thần năm cũ ra đi để tiếp đón một vị Thần năm mới đến. Đối với tín đồ Công giáo, vị Thần đó chẳng phải vị nào khác, ngoài Thiên Chúa là Chúa Tể càn khôn. Vì Chúa đã phán:” Ta là Nguyên Thủy (Alpha), và Cứu Cánh(Omega) của mọi loài”. Để thánh hóa tập tục này, các Cộng Đồng Công Giáo thường cử hành Thánh Lễ Giao Thừa rất trọng thể, để mọi người con Chúa, con Hội Thánh, cùng tham dự vào một Tiệc Thánh, cùng được ăn và uống Mình và Máu Thánh Chúa. Mọi người cùng hòa hợp với nhau, với thiên nhiên, với dân tộc để dâng lời cảm tạ Chúa là Chúa Tể của Mùa Xuân Bất Diệt và Trường Cửu.

Ngoài Thánh Lễ Giao thừa cử hành đúng nửa đêm, các tín đồ còn tổ chức Thánh lễ Tất Niên, cũng gọi là Ngày Tạ Ơn, vào chiều ngày 30, để cảm đội ơn Chúa đã ban cho nhiều hồng ân trong năm qua. Theo tập tục vẫn có từ đời cha Đắc Lộ, để thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, Hội Thánh đã chỉ định Ngày mồng một Tết Nguyên Đán, là Ngày cầu Hòa Bình cho gia đình, dân nước và thế giới. Ngày mồng hai Tết, cầu nguyện cho Tiên Nhân, cho ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã qua đời, theo tinh thần của Đạo Hiếu. Ngày mồng ba Tết, Ngày Cầu Mùa, để xin Chúa chúc lành cho công việc làm ăn được phát đạt. Hoặc dâng ba ngày Tết để tôn thờ “Mầu Nhiệm “Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi”.

B. Trời Mới, Đất Mới

Ngoài ý nghĩa thần thiêng kể trên, Tết Nguyên Đán còn mang nặng một ý nghĩa nhân về sinh cao siêu nữa. Thật vậy, thân phận con người là lệ thuộc vào thời gian, chi phối bởi luật Tuần Hoàn của trời đất. Do đó, nhân ngày Tết, ngày đầu Xuân, ngày ca tụng sự Sống, con nguời tự nhiên xúc cảm, nên tìm về cội nguồn gốc rễ của mình. Đã làm người ai cũng đều có giấy “khai sinh “, và giấy” khai tử” rõ ràng. Nhìn lại năm cũ, ta thấy thời gian bay biến vùn vụt, như tên bay, ngựa phi, hỏa tiễn! Thời gian trôi đi như dòng nước chảy liên tiếp ra biển khơi không bao giờ trở lai, như câu thơ bất hủ: “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi?( Bạn không thấy nước sông Hoàng từ trên cao chảy xuống, nó chảy ra biển, mà không bao giờ trở lại?). Nhân sinh, vạn vật, khí hậu, nóng lạnh, luôn biến đổi, vận chuyển theo luật Tuần Hoàn của trời đất: bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông:"Tre già, măng mọc”,” Không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời”..

Tết chỉ là khởi điểm của một chu kỳ mới trong thời gian. Vì Nhân Tâm, Nhân Đạo phải thuận theo Thiên Lý, Thiên Đạo, cho nên, sau một mùa đông ảm đạm tiêu điều, khi vạn vật cỏ cây bắt đầu lột xác để sống lại xanh tươi, mới mẻ, thì con người cũng phải “tống cựu nghinh tân”, nghĩa là trút bỏ những cái cũ, để sửa soạn đón nhận những cái mới. Do đó, để đón Xuân mới, người ta dọn dẹp nhà cửa cho mới mẻ, trang hoàng bàn thờ, trưng bày bông hoa, đặc biệt hoa Đào, hay Mai vàng, hoặc chậu Thuỷ tiên, Phong lan..Thỉnh các “Thầy đồ”, văn hay, chữ tốt, viết dùm câu đối trang trí trên cột, trên tường để đọc và ngắm nghía! Thường các câu đối là những vần thơ tán tụng các đức hạnh cao quý, sự nghiệp hiển hách, hoặc ca ngợi cảnh sắc tuyệt vời của quê hương. Mua sắm các tranh Tết phác họa một cách dí dỏm, ngộ nghĩnh nếp sống mộc mạc nơi thôn dã với bầy gia súc: trâu, lợn, gà, mèo, chuột ..Đừng quên tắm rửa sạch sẽ, bận quần áo mới, đầu tóc chải chuốt! Bao nhiêu nợ nần năm cũ phải thanh toán cho hết( Ngày nay thời buổi văn minh, chỉ dám hứa với “Ông Bà chủ nhà Băng”, sẽ xin trả góp mỗi tháng!). Để chuẩn bị tâm hồn với nét mặt vui vẻ, tươi cười, mọi người phải tha thứ, xóa bỏ xích mích, và làm hòa với nhau trong năm mới:” Ăn cơm mới, chớ nói chuyện cũ"! Điều tối ky là nóng giận, chửa rủa, la hét, hay nói những lời cay đắng độc ác! Trong ba ngày Tết, chỉ nên nói toàn lời êm dịu dễ nghe, làm cho người ta mát ruột, mát gan để cầu may! Do đó, nên tìm những lời chúc Tết hay ho, đẹp đẽ nhất và chúc cho thích hợp vói địa vị, tuổi tác, chức nghiệp, và hoàn cảnh của người mình chúc. Ví dụ, đối với Ông Bà, hay những vị cao niên, thì chúc câu “thọ tỉ cao sơn"‘ đối với nhà buôn: “ phát tài sai lộc"; đối với công chức: “thăng quan tiến chức"’ dối với thư sinh: “công thành danh toại”, v, v. Ngày xưa, cách thức chúc Tết hay dùng nhất là chúc: Tam đa( đa thọ, đa nam(con trai!), đa phú quí), hoặc chúc: Ngũ Phúc ( Phú, Quí, Thọ, Khang, Ninh).

Tóm tắt, năm mới, tâm hồn và thể xác con người cũng đổi mới để hòa hợp cùng Thiên Nhiên, như người nghệ sĩ rung cảm trước vẻ nhiệm mầu của Chân-Thiện-Mỹ.

Tết đến giúp ta nhớ lại lời tiên tri của Thánh Gioan trong Sách Khải Huyền,Rev.21,1-3 :” Tôi thấy TRỜI MỚI, ĐẤT MỚI, trời, đất, biển xưa đã biến đi! Tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem mới từ Thiên Chúa xuống, trang điểm lộng lẫy như tân giai nhân đi đón đức lang quân”.

C. Chim Có Tổ, Người Có Tông

Bất cứ người dân Việt nào, dầu tha phương cầu thực ở đâu, hoặc làm ăn buôn bán xa nhà, dầu thành công hay thất bại, đến ngày Tết, mọi người đều tìm về quê cha đất tổ để đoàn tụ với gia đình, làng nước!

Trước hết, Tết là ngày tưởng niệm đến ông bà tổ tiên đã khuất bóng, nhưng hồn thiêng như vẫn còn lẩn khuất đâu đây, vì “chết không phải là hết”, nhưng “sự tử như sự sinh” ( chết cũng như hãy còn sống) để phù hộ cho con cháu trong năm mới được mạnh khoẻ và làm ăn tấn tới. Không có biên giới giữa người sống và kẻ chết! Nhờ lòng tín ngưỡng vào Hồn thiêng bất tử của Tổ Tiên mà gia đình Việt Nam được nối kết bền chặt qua nhiều thế hệ. Ngày Tết, đoàn con cháu đến chúc tuổi ông bà, cha mẹ, cô bác, bên nội cũng như bên ngoại. “Mồng một chúc Tết mẹ cha(bên nội), Mồng hai Tết vợ (bên ngoại), Mồng ba Tết thày”. Con cháu chúc tuổi ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị; con rể chúc Tết gia đình bên vợ (thường vào mồng hai), và học trò chúc Tết thày ( thường vào mồng ba). Do đó, ngày Tết cũng là ngày mừng Sinh Nhật của mọi người. Việc chúc Tết, chúc tuổi là một cách biểu lộ tình nghĩa, tình hữu nghị đối với các vị ân nhân, cũng như đối với bạn bè, tương tự như việc tặng quà dịp lễ Giáng Sinh. Trong việc chúc tuổi tặng quà thì bậc đàn em con cháu được chú ý hơn cả. Vì mong cho"Tre già, măng mọc”, nên các bậc phụ huynh thường cầu chúc cho con cháu được mau lớn, học giỏi, đậu đạt thành tài. Tiền"lì xì"( do chữ “lợi sự”, đọc theo giọng Quảng đông?) đặt trong bao đỏ, với đôi lời cầu chúc, nhắn nhủ lớp hậu sinh hăng say xây dựng sự nghiệp, làm vẻ vang cho gia đình, và dòng họ. Trong thực tế, đối với con cháu còn nhờ vả cha mẹ để ăn học, tiền “lì xì” mang lại nhiều lợi ích như để dành trong băng, trả tiền học phí, may sắm quần áo, đồ dùng, v, v, .Bởi vậy, ước mong quí vị bậc đàn anh đàn chị mở rộng “hầu bao”, túi tiền “lì xì”, để bọn em út được nhờ, “gọi là ngày Tết, ngày Nhất!”

Ngày Tết cũng là dịp để người dân Việt bộc lộ tình tự dân tộc. Suốt năm, đầu tắt mặt tối làm lụng vất vả, không có ngày nghỉ cuối tuần. Do đó, Tết là ngày hoàn toàn nghỉ ngơi, vui chơi, hội hè đình đám:"Tháng giêng là tháng ăn chơi” Trong nhà ngoài phố, nơi công sở, nhất là nơi đình làng: trẻ già, trai gái, đều dự các trò chơi ngoạn mục thích thú, để mọi người thưởng ngoạn cảnh vui thú, thân tình và bình an, trong những ngày đầu Xuân.

Tạm Kết

Dầu ở phương trời nào, trong giây phút linh thiêng của Thánh Lễ Giao Thừa, mỗi người con dân đất Việt hãy dâng lời cầu nguyện, cảm tạ lên Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ, đã ban muôn hồng ân cho gia đình và tổ quốc Việt Nam mến yêu. Dầu ở góc biển chân trời nào, ngày đầu Xuân, mỗi người hãy thề hứa sẽ giữ gìn những giá trị cao quí của gia đình Việt Nam, nơi nương tựa cho ta trong cảnh cô đơn, hiu quạnh nơi đất khách quê người. Tết Nguyên Đán cũng là dịp để ta bộc lộ hào khí của dân tộc đã thấm nhuần một nền đạo lý, kỷ cương cao siêu. Ta hãy ước nguyện sẽ bảo toàn truyền thống, tinh hoa của dân tộc, và lưu truyền cho thế hệ tương lai. Nhân ngày đầu Xuân, đặc biệt cầu chúc cho giới trẻ Việt Nam luôn thăng tiến về mọi mặt, để làm rạng rỡ cho giống nòi, xứng đáng là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Chết Đi Để Sống Lại

(Bài giảng thuyết và suy niệm về cái “Chết Oai Hùng” của các THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM và đặc biệt của một thanh niên 19 tuổi, Thầy Giảng ANRÊ PHÚ YÊN, Tử Đạo năm 26/7/1644, đã được phong Chân Phước, ngày 5/ 3/2000. Các Vị Thánh Anh Hùng đã hiểu ý nghĩa chính thực về “SỐNG” và “CHẾT” và đã noi gương Chúa Cứu Thế, chết trên Thập giá, nhưng ngày thứ ba Ngài đã sống lại vinh hiển đời đời).

Nếu ta Chết làm một với Chúa Kitô, thì ta tin rằng: ta sẽ cùng Sống với Ngài” (Rom 6:8).

SỐNG, CHẾT là thực tại hiển nhiên, vẫn thường xẩy ra mỗi giây phút chung quanh chúng ta. Do đó, người đời rất quen thuộc với những biến cố đó, dầu đôi khi cũng gây xúc động, nhất là đối với cái chết đột ngột của người thân yêu!

Nhưng khi bàn đến Ý NGHĨA của Sống, Chết, thì từ thời thượng cổ cho đến ngày nay, mỗi tín ngưỡng, tôn giáo, mỗi dân tộc, văn hóa, triết lý…đều có những cách giải thích khác nhau. Sau đây, xin trình bày Ý Nghĩa và Đức Tin của các tín hữu Thiên Chúa Giáo đối với Sống, Chết, đặc biệt của các Thánh Tử Đạo. Nhờ thấu hiểu Ý Nghĩa và nhờ Niềm Tin sắt đá, các Môn Đệ của Chúa Cứu Thế đã can đảm, hiên ngang, hy sinh mạng sống để làm chứng tá, noi gương Thầy Chí Thánh. Có thể nói, trong lịch sử các tôn giáo, qua mọi thời đại, không có tín đồ của một đạo giáo nào, mà một số đông đảo các Tu sĩ, nam hay nữ, (như Mẹ TÊRÊSA), các Vị Thánh Nhân, luôn sẵn sàng Sống, Chết cho Lý Tưởng cao cả của mình.

Vì cần phải giải nghĩa nhiều thành ngữ, tuy quen thuộc nhưng khó hiểu, nên sẽ trình bày những điểm như: 1) Ý Nghĩa chữ Sống, Chết theo Kinh Thánh, Giáo Lý; 2) Tại sao Chết? Chết là làm sao? 3) “Chết cho tội”, “Chết với Chúa KITÔ”, nghĩa là gì? 4) Các Vị Thánh Nhân, các Thánh Tử Đạo đã “Chết với Chúa KITÔ” như thế nào? 5) Sống Lại với Chúa KITÔ và Sống Kết Hợp với Chúa, ngay ở đời này.

A. Tìm Hiểu Y Nghĩa Của Chữ: Sống, Chết

Trước khi tìm hiểu ý nghĩa đoạn thơ của Thánh PhaoLô ở trên, thiết tưởng nên giải thích ý nghĩa của chữ “CHẾT”, và “SỐNG”, vì hai danh từ này có nhiều nghĩa khác nhau. Theo nghĩa thông thường, “sống” là khi thân xác còn hoạt động như tim còn đập, còn hơi thở..; “chết” là khi thân xác bất động, tim ngưng đập…và bác sĩ tuyên bố đã chết! Nhưng theo nghĩa Giáo Lý, Kinh Thánh thì có phần khác. Trong sách Giáo Lý, có những thành ngữ quen dùng như : “ chết phần linh hồn” phân biệt với"chết phần xác"; “chết cho tội lỗi"; “chết đời đời"; “chết đời đời trong hỏa ngục”, Hoặc là” sống phần linh hồn” khác với"sống phần xác"; “sống kết hợp với Chúa"; “sống kết hợp với Chúa ở đời này"; “sống đời đời cùng Chúa trên Thiên đàng”…

1. Theo Giáo lý và Kinh Thánh, mỗi người vừa có đời sống thể xác, như ăn uống, ngủ nghỉ.., vừa có đời sống “ phần linh hồn”, nghĩa là nhận biết, kết hợp và yêu mến Chúa.

Bởi vậy, một người nào, dầu vẫn còn đang “sống phần xác”, nhưng phạm tội trọng, chống lại giới răn Chúa dạy, không còn mến Chúa, kết hợp với Chúa nữa, thì phải kể người ấy là đã “chết phần linh hồn” rồi, vì đã mất Ơn nghĩa, Tình nghĩa với Chúa; và nếu người ấy, chẳng may phải “chết phần xác”, mà chưa từ bỏ tội lỗi, nghĩa là chưa"chết cho tội lỗi”, thì phải “chết đời đời trong hỏa ngục”, không được hưởng Tôn Nhan Chúa. Ví dụ: một ông chủ hay bà chủ, khoẻ mạnh, ăn mặc bảnh bao, ăn uống cao lương mỹ vị, quyền cao chức trọng, giầu có..nhưng “về phần hồn”, tức đời sống đạo đức, luân lý rất bê bối, phạm nhiều tội ác, thì phải kể người ấy đã"chết phần linh hồn “rồi! vì mất Ơn Nghĩa cùng Chúa.

2. Cũng theo quan niệm luân lý tu đức như trên, một người môn đệ của Chúa gồm có hai đời sống: “đời sống phần xác”, như : làm việc, ăn uống, có gia đình, chức tước, địa vị trong xã hội như mọi người khác. Nhưng trong nội tâm,( không ai thấy được), họ còn “đời sống thiêng liêng"nữa, nghĩa là họ làm mọi việc vì lòng mến yêu Chúa, theo ý nghĩa của câu Kinh Thánh: “Chúa sống trong tôi”. Họ “sống kết hợp với Chúa”, luôn tuân giữ lề luật Chúa dạy, nghĩa là từ bỏ tội lỗi, “chết cho tội lỗi"thì ngay ở đời này, họ còn “sống phần linh hồn” nữa, vì được kết nghĩa cùng Chúa; và giả như Chúa định cho họ phải “chết phần xác”, thì họ sẽ được “sống đời đời cùng Chúa trên Thiên Đàng”. Đây chính là trường hợp của các Thánh Tử Đạo. Dầu các Ngài bị giết chết về phần xác, nhưng các Thánh tin chắc chắn sẽ được cùng Chúa hưởng vinh quang bất diệt trên Nước Hằng Sống!

3. Ngoài ý nghĩa sống, chết như trên, còn có hai quan niệm, hay hai lý tưởng về mục đích của cuộc đời. Một quan niệm cho rằng: Chết là Hết!, như kiểu nói"Chó chết, hết truyện”. Người theo chủ trương này thì không tin có Chúa sẽ thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ. Do đó, trong đời sống này, họ tìm mọi cách để hưởng thụ, ăn chơi thỏa thích, dầu phạm rất nhiều tội ác, vì họ cho rằng:"chết là hết”. Nhưng đa số nhân loại, từ thượng cổ tới ngày nay, đặc biệt, Đạo Hiếu trong văn hóa Việt Nam, dạy rằng:"sự tử như sự sinh”, nghĩa là dầu đã chết, nhưng Hồn Thiêng của Ông Bà như vẫn còn tồn tại với con cháu. “ Sinh ký Tử qui” (Sống gởi, Thác về), nghĩa là con người chỉ sống tạm một thời gian ở đời này; và sau khi chết lại được về đoàn tụ cùng Chúa và Tổ Tiên.

4. Theo Giáo Lý và Kinh Thánh, Chết đi-Sống lại là hai nhịp của một động tác. Chết đi chỉ là bước đầu, nhịp đầu của nhịp thứ hai: Sống lại. Kinh nghiệm này ta vẫn nhận thấy qua hình ảnh của thiên nhiên và nhân sự. Thật vậy, theo luật tuần hoàn của trời đất, âm- dương điều hòa, hết ngày đến đêm, hết đêm tới ngày; vì thế, có câu:"bĩ cực thái lai”,"không ai giầu ba họ”,"không ai khó ba đời”,"hết cơn mưa trời lại nắng”. Bốn mùa vận chuyển: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Sau một mùa đông ảm đạm tiêu điều, tuyết phủ, khi mùa Xuân tới, cảnh vật như “Sống lại” tưng bừng, cỏ cây xanh tươi, hoa muôn mầu rực rỡ. Đó là hình ảnh “Phục Sinh”, “Phục Hoạt” của Thiên Nhiên. Một hột thóc, hột đậu gieo xuống đất, mục nát đi, nhưng rồi lại trổ sinh trăm hột khác. Người chiến sĩ vào sinh ra tử, chiến đấu cam go, thì cuộc chiến thắng càng vinh quang… Trong Kinh Thánh Cựu Ước, những sự tích như Lụt Đại Hồng Thủy tiêu diệt loài người tội lỗi, trừ gia đình của Noe biết kính sợ Chúa, nên được Chúa cứu vớt và cho “Cầu Vồng” xuất hiện báo trước niềm hy vọng “phục sinh” cho nhân loại. Nhà lãnh đạo Maisen đã vâng lệnh Chúa, đưa dân Dothái từ cảnh chết chóc nô lệ tù đầy, vượt qua Biển Đỏ tiến đến cuộc Sống Mới trong Tự do. Đêm Vọng lễ Phụch Sinh, thánh đường tắt hết đèn nến để diễn tả sự tối tăm, chết chóc của tội lỗi, nhưng khi ánh lửa của cây nến Phục sinh, tượng trưng cho Chúa Giêsu sống lại, bừng cháy thì mọi người đều hớn hở vui mừng như được sống lại với Chúa.

B. Tại sao chết? Chết là gì? Chết là mâu thuẫn ghê gớm nhất.

Con người là sự hợp nhất của thiên nhiên và nhân vị tự do, nghĩa là con người phải gồm cả ,"xác với hồn"; con người là” con vật có trí khôn"(Aristotle) hay là” cây sậy biết tư tuởng “ (Pascal). Con người “không có hồn” thì chỉ là con vật; “không có xác"thì là thiên thần. Thân xác thuộc thế giới vật chất, bị chi phối bởi luật của thiên nhiên. Hồn thiêng hay trí khôn là ý chí tự do có thể định đoạt lấy số phận của mình. Khoa sinh vật học chưa biết rõ tại sao các tế bào trong cơ thể lại chết! Nhưng Chết là một thực tại hiển nhiên, đêm ngày hằng ám ảnh ta, vì ta biết chắc mình sẽ chết, chỉ không biết giờ nào và lúc nào sẽ"tới số” mà thôi! Do dó, để giải tỏa thắc mắc luôn dày vò ám ảnh tâm trí nhân loại, người ta đã tìm đến sách Kinh Thánh để dạy cho biết lý do tại sao loài người phải chết :” Vì thế, cũng như chỉ vì một người(Adong) mà sự tội đã đột nhập thế gian; và vì tội, thì sự Chết nữa; như vậy, sự chết đã lan qua hết mọi người, một khi mọi người đều đã phạm tội...(Rom 5:12). Bởi vậy, đó là sự thực hiển nhiên: chỉ vì Tội mà mọi người phải Chết!!

C. Chết Là Làm Sao ?

Trong đoạn này, ta sẽ bàn về yếu tính của sự chết là gì? Có phải chết là hết, là hoàn toàn hư vô như câu nói:"chó chết hết chuyện"không? Chết là biến cố xẩy đến cho cả thân xác lẫn hồn thiêng; khi chết rồi, xác và hồn sẽ ra sao? Câu nói thông thường là: “Chết là linh hồn lìa khỏi xác.” Như ta đã nhận định ở trên, con người là một toàn thể đơn nhất (unity) cả xác lẫn hồn. Xác thuộc thế giới vật chất như xương thịt, máu nước, hơi thở v.v.. Xác là một thành phần của toàn thể khối vũ trụ vật chất. Cho nên, hồn kết hiệp với xác cũng là hiệp thông tự trong bản thể với toàn khối vũ trụ đó. Khối này, tự căn bản là một toàn thể đơn nhất (radical unity), trong đó các sự vật hiệp thông và ảnh hưởng lẫn nhau. Bởi vậy, khi hồn “lìa” xác, thì hồn không thể đứng chơi vơi,” vô thế giới"(soul acosmic), nhưng càng kết hợp mật thiết với cái toàn thể đơn nhất của vũ trụ hơn vì không còn bị thân xác hạn chế. Ngay trước khi hồn “lìa” xác, thì hồn cũng vẫn hiệp thông với vũ trụ này qua thân xác, nhưng sau khi lìa xác thì càng tự do hành động mạnh hơn vì không còn bị cản trở. Do đó, hồn thiêng là “Bất Tử"(immortal) vì luôn luôn hoạt động, không bao giờ ngừng. Cũng do nguyên lý đó mà người ta thường nói” sự tử như sự sinh"( chết cũng như còn sự sống) . Theo Giáo lý, người tín hữu tin rằng:"Các Thánh cùng thông công”, nghĩa là các Linh Hồn nơi Luyện Tội, các Thánh trên Thiên Đàng và các bổn đạo dưới đất đều thông hiệp với nhau bằng kinh nguyện.

D. Chết Là Mảu Thuẫn Ghê Gớm Nhất

Triết lý và Tôn giáo dạy ta:"chết không hết”, nhưng chết là “Cửa Ngõ” đi vào Cõi Đời Đời . Dầu vậy, đối với chúng ta, chết vẫn là một huyền nhiệm rất khó hiểu, tối tăm, và đầy mâu thuẫn. Luôn luôn ta nhận thấy sự đối nghịch lưỡng tính (duality) nơi sự chết. Thật vậy, một mặt, ta biết được cái chết đang đón chờ ta từng giây từng phút, nhưng không biết lúc nào bất chợt nó đến! Chết chứng tỏ con người vừa hữu hạn vừa bất lực. Nhưng mặt khác, vì biết trước sẽ phải chết, nên ta cần lợi dụng thời cơ thuận tiện để làm việc phước thiện, cần dọn mình chết lành. Nhờ vậy, ta có thể sống “vượt” cái chết. Ai cũng sợ chết, vì là biến cố ghê gớm kết liễu đời sống, bỏ lại công việc dang dở, nhưng cũng hy vọng được giải thoát khỏi làm nô lệ thân xác, của cải dễ hư nát, để được hưởng hạnh phước bất diệt (Jn 9:4; Lc: 16:26; 2Cor 5:10). Chết là chấm dứt đời sống thân thể, là thái độ thụ động cam chịu cái chết đến vì số phận, vì Chúa muốn như vậy, nhưng chết cũng là hoàn thành sự nghiệp, công lao của một người. Chết là cao độ của những cặp mâu thuẫn như: ý muốn hoàn tất công việc, nhưng bất lực hoàn toàn; tự gây dựng sự nghiệp, nhưng số kiếp dở dang; viên mãn nhưng trống rỗng. Cái lưỡng tính mâu thuẫn đó càng tối tăm, bi thảm vì ta không bao giờ có thể quả quyết chắc chắn: chết là đầy tràn công đức, là giải thoát con nguời, hoặc chết là hư vô, trống rỗng! Vì tính chất mập mờ tối tăm của sự mâu thuẫn đó, cho nên Chết là một hình phạt ghê gớm nhất do ác quả của Tội mà Tổ Tiên loài người là Adong đã phạm và truyền lại cho nhân loại: chính Tội đó khiến ta phải chết vì mất sự bất tử là một Ân Huệ Chúa ban “nhưng không” cho nhân loại.

E. Chết Cho Tội. Chết Với Chúa Kitô.

Để đối phó với tình trạng đau khổ dày vo, mâu thuẫn của chết, nguời ta có hai thái độ: một là, cậy vào sức mình có thể hiểu biết và làm chủ được cái” án tử” do tội Nguyên tổ gây nên. Nhưng sự thực, chết vượt tầm tay kiểm soát của con người. Do đó, cái chết của một người là một trọng tội, vì nó lập lại tội Nguyên Tổ và công nhận tình trạng bất trung bất nghĩa với Chúa. Hai là, tin tưởng, phú thác mình tùy theo Chúa định liệu, mặc dầu không hiểu biết, nhưng muốn thông phần vào cái “Chết vâng phục Thánh Ý Chúa” của Chúa Giêsu, để được Chúa ban cho sự Sống Thần Linh (Phil 2:8).

Thánh Phaolô Tông Đồ, trong thơ gửi tín hữu, (Rôma 6:2-6) viết: “Ta là những người đã Chết cho Tội…Ta đã được thanh tẩy trong Chúa Giêsu Kitô, chính trong sự Chết của Ngài mà ta được thanh tẩy. Nhờ thanh tẩy(Phép Rửa Tội), ta đã được mai táng với Ngài trong sự chết, để như Chúa Giêsu Kitô, nhờ bởi vinh quang Chúa Cha, đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng sống trong đời sống mới..con người cũ của ta đã cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu, để thân xác tội lỗi bị hủy diệt, hầu ta hết làm nô lệ cho tội lỗi nữa “. Qua bản văn trên, ta thấy hai chữ “chết”, “sống “ đều có hai nghĩa. Theo nghĩa đen, chết là gì? Chết là không còn đời sống thể lý, giác quan nữa. Chết là kết liểu cuộc đời trần gian, là đoạn tuyệt, là bỏ lại hết mọi sự: người thân yêu, của cải danh vọng chức quyền.. Do đó, “chết cho tội” nghĩa là từ bỏ hoàn toàn đời sống(luân lý) cũ tội lỗi, xấu xa và đoạn tuyệt với dĩ vãng đầy dục vọng đê hèn. Dầu vẫn sống về thể xác, nhưng đã"chết cho tội lỗi”, nghĩa là quyết chí dốc lòng chừa cải tội lỗi, và"trở lại” cùng Chúa. Việc “cải tà qui chính”, canh tân đời sống, Kinh thánh gọi là “Metanoia”, nghĩa là sửa đổi lại tâm trí, và cách ăn ở cho ngay thẳng, ăn chay, đền tội, xưng tội, và” chịu phép rửa thống hối” (Mk 1:4). Chúa Giêsu cũng dùng quan niệm Metanoia, nhưng nhấn mạnh vào niềm tin nơi Chúa hơn là đe dọa luận phạt (Mk 1:15). Sự thay đổi, từ bỏ quyết liệt đó cũng được gọi là sự “Trở lại"(conversion). Thánh Phaolô đã được “Ơn Trở lại”, vì trước kia theo Đạo Dothái, Ông đã bắt bớ người theo Chúa Kitô, nhưng trên đường đi Damascô, nhờ phép lạ, Ông đã hoàn toàn đổi mới, đã “trở lại” với Chúa và trở nên vị Tông Đồ nhiệt thành (Act 1:1-19). Danh từ “trở lại” cũng áp dụng cho các tân tòng mới gia nhập Đạo Chúa, cũng dùng để chỉ người tín hữu bỏ Đạo một thời gian, hoặc bê trễ, nguội lạnh, bỏ xưng tội, rước lễ lâu năm..nay “ăn năn trở lại”, sốt sáng giữ Đạo.

F. Chết Với Chúa Kitô

Trong đời sống của người tín hữu, nếu ta không “chết cho tội”, không thật sự “trở lại” với Chúa, biến đổi tâm hồn và nếp sống cho hợp với Phúc Âm Chúa, thì ta không thể hưởng Ơn Cứu Độ được. Chúa cần lòng thành thực sám hối, chứ không cần lễ nghi bề ngoài. Nhờ đời sống Đức Tin và Bí Tích, qua việc chịu Phép Rửa Tội, Phép Thánh Thể và Phép Giải Tội.., ta được tham dự vào cái “chết vâng phục “ của Chúa Giêsu: “Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở nên vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá!(Phil 2:8). Sách Khải Huyền của Thánh Gioan cũng viết: “Phúc cho những kẻ chết mà đã Chết trong Chúa, ngay từ bây giờ, họ sẽ được nghỉ ngơi khỏi các nỗi gian lao, vì các việc họ làm đi theo họ"(Rev 14:13). Công Đồng Vatican II, trong Gaudium et Spes(Vui Mừng và Hy vọng) cũng viết: …Nhờ sự chết với Chúa mà ta cảm nghiệm thấy “ sự chung kết, cuối hết trở nên bình minh của sung mãn"(Vat II:Vui Mừng và Hy vọng,18).. Nếu ta không từ bỏ tội lỗi, thì không thể sống đẹp lòng Chúa được, vì tội là tự ý từ bỏ Chúa Tốt Lành, Yêu Thương vô cùng. Con người không thể tự mình chuộc lại trọng tội ấy được. Do đó, cần phải có chính Con Thiên Chúa đền tội thay thì mới hết tội. Có nhiều cách thức để đền tội cho nhân loại, tại sao Chúa Giêsu lại chọn cái Chết để chuộc tội? Chết ở đây là một hành vi (act) tự do hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Chúa Cha đã định, dầu phải hy sinh mạng sống. Chính hành vi “tự ý hạ mình vâng lời cho đến chết” đã đền tội phản nghịch cho nhân loại. Bởi vậy, nếu ta không từ bỏ tội lỗi bằng cách tham dự vào “Cái Chết của Chúa Kitô”, nghĩa là luôn vâng phục Thánh Ý Chúa, dầu phải chết, thì ta không thể được Cứu Độ.

G. Các Thánh Tử Đạo Đã Hy Sinh Mạng Sống Vì Chúa, Đã Tham Dự Vào Cái Chết Của Chúa.

Theo lịch sử và các bản án tử hình của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và của Vị Tử Đạo Tiên Khởi là ANRÊ PHÚ YÊN, thì các Ngài đã hy sinh tính mệnh vì ĐỨC TIN, vì muốn TRUNG TÍN cùng Chúa! Các Vị Anh Hùng đó, thà “chết phần xác”, chẳng thà phạm tội bất TRUNG với Chúa. Các Ngài sẵn sàng chịu tra tấn, gông cùm, phân sáp, voi giày, đao phủ lăng trì.., nhưng không bao giờ phạm tội chối bỏ Chúa. Vì các Ngài tự ý muốn noi gương Thày Chí Thánh đã tự ý hiến thân, chịu chết trên Thập Giá, làm của Lễ Hy Sinh đền tội cho nhân loại để mọi người được hưởng Ơn Cứu Độ.

Theo lài liệu lịch sử, tức là cuốn sách do Cha Đắc Lộ đã viết và in năm 1653, Paris, nhan đề “La Glorieuse Mort”. Cha đã rửa tội cho một thiếu niên Việt Nam mới 15 tuổi, đặt tên thánh là “ANRÊ”, cùng với bà mẹ góa và các anh chị. Một năm sau, vì cậu rất thông minh, tiến triển vượt bậc trong việc học hỏi sách Giáo lý, Kinh Thánh và các sách về văn hóa Việt Nam, nên được tuyển chọn gia nhập “Hội Thầy Giảng, do Cha sáng lập.

Trước tòa án của viên quan đầu tỉnh Quảng Nam, Thầy ANRÊ đã tuyên xưng Đức Tin với một lòng dũng cảm phi thường: “Ước chi tôi có được ngàn mạng sống của tôi để hiến dâng cho Chúa hầu đền đáp ơn Ngài.” Thầy ANRÊ chết do nhiều nhát dao đâm, rồi bị chặt đầu, miệng không ngớt lời kêu danh thánh Chúa GIÊSU. Ngày ấy là 26 tháng 7 năm 1644. Cha Đắc Lộ vẫn đứng bên cạnh người con thiêng liêng của Ngài. Rất đông đồng bào ngoài Công Giáo, và các tín hữu Công Giáo Việt Nam cũng như ngoại quốc chứng kiến cái chết oai hùng của một thanh niên Việt Nam, quả cảm, hy sinh để bảo vệ niềm Tin vào Chúa Cứu Thế.

Niềm Tin sắt đá đó được hun đúc một phần nhờ nền văn hiến, văn hóa trọng Nhân, Nghĩa, Lễ. Trí, Tín, đặc biệt chữ “TRUNG":Trung thần bất sự nhị quân"(tôi trung không làm tôi hai chúa). Nhưng trước hết và trên hết, là nhờ Hồng Ân, và Sức Mạnh thiêng liêng của Chúa luôn nâng đỡ, phù hộ để Thầy ANRÊ được can đảm, tự do và hân hoan đón nhận cái “chết vì Chúa và theo chân Chúa”.

H. Sống Lại Với Chúa Kitô. Sống Kết Hợp Với Chúa

Chết chỉ là nhịp đầu của nhịp hai kế tiếp: SỐNG LẠI. Cũng như hình ảnh vạn vật thiên nhiên biểu tượng: hột lúa gieo xuống đất, có mục nát đi, thì mới trổ sinh trăm ngàn hột lúa mới! Vì con người “linh ư vạn vật “, nên không thể như “ chó chết hết chuyện” được! Thánh Phaolô dạy: “ Cũng như nơi Adong mọi người đều phải chết, thì mọi người sẽ được sống lại trong Chúa Kitô “ (I Cor 15:22). Sau đây, ta sẽ suy nghĩ về ý nghĩa: “Sống thật” là gì? Thế nào là “Sống lại với Chúa"?” Sống hiệp nhất với Chúa ngay ở đời này” là làm sao?

I. Sống Lại Với Chúa.

Trước tiên ta hãy tiếp tục lắng nghe Thánh Phaolô dạy ta về ý nghĩa chữ Chết, Sống với Chúa:” Nhưng nếu ta chết với Chúa Kitô, thì ta tin rằng: ta sẽ cùng Sống với Ngài, bởi biết rằng: Chúa Kitô một khi đã sống lại từ cõi chết, thì không còn chết nữa, sự chết không còn quyền hành gì trên Ngài nữa. Cái chết của Ngài là cái chết cho tội, chỉ một lần thôi, nhưng Ngài sống là sống cho Thiên Chúa. Tất cả anh chị em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội và đang sống cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Ước gì tội lỗi không còn ngự trị trong thân xác hư nát, khiến anh chị em chiều theo những ham muốn dục vọng của nó. Anh chị em đừng hiến thân thể mình làm khí giới bất chính cho tội, nhưng hãy hiến dâng cho Thiên Chúa chính mình anh chị em, như những kẻ đã thoát cõi chết mà được sống, và chi thể anh chị em làm khí giới công chính cho Thiên Chúa"(Rom 6:8-13).. Theo nghĩa thiêng liêng, câu:” Chúa Kitô một khi đã sống lại từ cõi chết, thì không còn chết nữa”. Chữ Sống ở câu trên ám chỉ sự Sống bất tử của Thân Thể Vinh Hiển của Chúa Giêsu sau khi đã sống lại. Ngày Tận thế, ngày Chung thẩm( Phán xét chung), thì thân xác của những người lành thánh cũng được Chúa cho sống lại đời đời vinh hiển như Chúa! Chữ Sống còn có thêm nghĩa là: “sống cuộc đời trần gian này”, nhưng phải sạch tội, thánh thiện thì mới kể là “sống thật"’ bởi vì, sống cuộc đời tội lỗi thì dầu có"sống về thể xác”, nhưng kỳ thực đã “chết về phần linh hồn” rồi, nên không kể là “sống thật “ nữa. Ta biết rằng:"chết không hết”. Nhưng khi chết mà mất nghĩa cùng Chúa, thì ta vẫn phải sống đời đời, không phải để được thưởng nhưng để chịu phạt! Nếu quả thật như vậy, thì không còn gọi là “sống thật” nữa! Vì sống xa cách Chúa đời đời, không còn hy vọng được “kết hiệp” với Chúa, và được “đoàn tụ” với ông bà tổ tiên trên Nước Hằng Sống, thì phải kể là “chết đời đời” mà thôi!!

J. Sống Hiệp Nhất Với Chúa Ngay Ơ Đời Này.

"Sống thật” ngay ở đời này là gì? Đó là ý nghĩa của câu:” nhưng hãy hiến dâng Chúa chính mình anh chị em, như những kẻ đã thoát cõi chết mà được Sống”.Sống thật” là kết hợp mật thiết với Chúa, ngay khi còn sống ở thế gian này. “Sống thật” là, dầu bên ngoài vẫn làm lụng, ăn uống, nghỉ ngơi, xử sự….như mọi người khác, nhưng ý nghĩa cuộc đời và lý tưởng đời sống thì khác hẳn. Vì trong nội tâm, còn đời sống thiêng liêng, tức đời sống kết hiệp với Chúa, và VÌ CHÚA. Bởi vậy, theo Thánh Phaolô Tông Đồ đã được"Ơn Trở lại”, thì “Sống thật” là sống hiệp nhất với Chúa Kitô, sống theo tinh thần Phúc Âm như câu:” Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, chính Chúa Kitô Sống Trong Tôi” (Gal 2:20). Hoặc câu:” Và tất cả những gì anh chị em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện anh chị em hãy làm vì Danh Chúa GiêSu KiTô, nhờ Ngài mà tạ ơn Thiên Chúa là Cha chúng ta(1Co l 3:12-17)

Thay Lời Kết.

Quan niệm Sống, Chết theo Kinh Thánh thì khác với ý nghĩ, và sự khôn ngoan của thế gian. Đối với đa số người đời, sống là vội vã vơ vét bạc tiền, hăm hở đắm chìm vào khoái lạc, cướp đoạt tranh giành quyền cao chức trọng, mặc dầu phạm rất nhiều tội ác! Thế rồi, “chết là hết” như họ nghĩ tưởng! Nhưng, nếu “Chết không hết” thì làm sao bây giờ ? Thật là một sự thiệt hại mất mát lớn lao cho cuộc đời, ăn chơi trụy lạc, tội lỗi của họ, không còn làm cách nào để có thể “gỡ” lại được! Đối với những ai Tin Chúa, thì sống là sống cho Chúa ngay khi còn sống ở đời tạm này, nhất là Hy vọng được sống Hạnh Phúc vô cùng với Chúa trên Thiên Đàng. Chết là chết cho tội lỗi, là hoàn toàn từ bỏ tội lỗi, qua việc lãnh nhận Phép Rửa Tội và Tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Bởi vậy, từ lâu đời, đã có lễ nghi Rửa Tội cho tân tòng trong Đêm Vọng Phục Sinh, để các tín hữu “ chết với Chúa và sống lại với Ngài”. Trong Mùa Chay, Mùa Thương Khó, ước mong mọi người chúng ta dọn mình Xưng tội để Hòa Giải cùng Chúa và cùng mọi người. Bởi vì, muốn “Sống thật”, muốn được Cứu Độ, ta phải sống đồng hóa, hiệp nhất với Chúa Giêsu như Thánh Gioan viết:” Hãy ở lại với Thầy, như Thầy ở lại với các con” (Jn 15:4). Tình nghĩa keo sơn gắn bó này là nguồn mạch phát sinh Hồng Ân Cứu Độ cho đời tạm này và đời sau vô cùng, và là động lực duy nhất khiến các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã dũng cảm Hy Sinh mạng sống để giữ vững lòng Trung Nghĩa với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng! Bởi vậy, theo truyền thống trong Hội Thánh, khi các bậc Thánh Nhân “chết”, thì gọi là lúc các Ngài “SINH THÌ".

Đây cũng là một huyền nhiệm: dầu những công việc hèn mọn như : làm việc, ăn, ngủ..nhưng nếu ta làm vì lòng mến Chúa, thì lại có giá trị Vĩnh Cửu. Và các bậc Thánh Nhân đã khởi sự sống đời Sống Thiên Đàng, ngay khi còn đang sống ở trần thế này!