LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT (36)

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN

Tác giả : Josef Holzer

Người dịch : Đinh Phan Cư

Phạm Hồng-Lam

70

Giáo-hội bung ra khắp thế-giới

Một năm trước khi khai-mạc công-đồng Trento, linh-mục Phan-sinh (Franzisco) Xa-vi-ê dòng Tên báo-cáo về trung-ương ở Rô-ma rằng tất cả những người thực-dân Bồ-đào-nha ở miền tây Ấn-độ đều đã được rửa tội nhưng họ "chẳng hiểu đạo chút gì cả, vẫn như là người ngoại". Hỏi giáo-lí, họ chỉ trả lời độc-nhất có một câu, họ là ki-tô hữu. Ông đành phải dạy lại từ đầu.

"Sau nhiều gặp-gỡ" với những thổ-dân có nhiều khả-năng, Xa-vi-ê đã thuộc lòng được các bài kinh quan-trọng nhất bằng tiếng địa-phương, "và tôi", Xa-vi-ê kể, "chạy khắp làng, tay cầm chuông, tụ-tập thật đông đàn ông và trẻ em trai quanh mình, ngày hai lần suốt cả tháng trời, dạy cho họ mấy bài kinh mà tôi đã thuộc".

Thuộc-địa Goa của Bồ-đào-nha ở miền tây Ấn là điểm đầu tiên trong hành-trình truyền giáo của Phan-sinh Xa-vi-ê ở Viễn-đông. Ông mất ngày 3.12.1552 tại một hòn đảo gần bờ biển Trung-Quốc và được coi là một trong những nhà truyền giáo lớn nhất trong lịch-sử Giáo-hội. Năm 1748 Xa-vi-ê được chọn làm bổn-mạng Ấn-độ và Viễn-đông. Giáo-chủ Pi-ô XI, năm 1927, tôn ông lên làm thánh quan-thầy của tất cả các nhà truyền giáo công giáo trên khắp thế-giới.

Phan-sinh Xa-vi-ê nên gương cho các nhà truyền giáo qua việc cố-gắng tìm hiểu cặn-kẽ vùng truyền giáo và nỗ-lực hội-nhập đức tin vào lối nghĩ và phong-tục bản-xứ, xây dựng trường học, chống lại việc người Âu bóc-lột dân địa-phương và qua cách làm việc có tổ-chức chặt-chẽ.

Phan-sinh Xa-vi-ê chào đời vào năm Kolumbus từ trần

Phan-sinh chào đời đúng năm Kolumbus (Kha-luân-bố) mất (1506), trong lâu-đài Xavier ở Navarra, Tây-ban-nha. 19 tuổi cậu tới Paris trọ học. Ở đây cậu gặp anh sĩ-quan phế-binh I-nhã đất Loyola. Ngày 15.08.1534 Phan-sinh có mặt ở Montmartre nghe I-nhã và bốn bạn sinh-viên Sorbonne của anh nói chuyện. Các anh ca-ngợi về tinh-thần khó nghèo, khiết-tịnh và công-việc mục-vụ ở Đất Thánh. Dù Phan-sinh lúc đó chỉ nghĩ tới danh-vọng, nhưng cậu dần bị thu hút bởi sự thân-mật và tính quan-tâm giúp-đỡ của I-nhã, người bạn lớn hơn cậu bảy tuổi. Lúc này Xa-vi-ê đã 28 tuổi. Cậu và I-nhã cùng nhận chức linh-mục ngày 24.06.1537 tại Venezia (Ý), khi đang vô vọng chờ chuyến tàu sang Đất Thánh. Ở Rô-ma, vì sức khoẻ quá kém bởi hậu-quả của những đợt ăn chay hãm mình, cậu làm thư-kí cho I-nhã, người lúc đó đã lập dòng Tên. Khi Vua Gio-an III nước Bồ xin giáo-chủ Phao-lô III gởi người sang giảng đạo cho thuộc-địa Ấn của mình và Giáo-chủ chuyển lời yêu-cầu đó cho dòng, thì Xa-vi-ê được chọn đi Ấn-độ. Nhưng anh chỉ là người đã được chọn thế chỗ cho một đồng nghiệp bị bệnh.

Tháng 4 năm 1541 đoàn thuyền sang Ấn rời cảng Lissabon và lênh-đênh trên biển 13 tháng trời. Mãi ngày 06.05.1542 Xa-vi-ê mới tới được Goa. Ông tới Ấn với tư-cách là một sứ-thần của giáo-chủ ở miền Viễn-đông.

Năm 1543/1544 ông đi thuyền quanh mũi cực nam của Ấn và ở lại Mũi Komorin với các dân biển chuyên mò ngọc-trai một thời-gian dài. Ông dạy giáo-lí cho họ và bảo-vệ họ trước những bóc-lột của thương-buôn Bồ. Trường-hợp này cũng xẩy ra với các ngư-dân vùng Travancare, những người mà ông gọi là "tình yêu đầu đời" của mình. Khi công-đồng Trento ở Âu châu khai-mạc, Phan-sinh rời Malapur tới Malakka rồi tới vùng Molukken. Năm 1547, khi ông trở lại Malakka thì người ta khám-phá ra Nhật-bản. Vùng đảo này được tình-cờ tìm thấy khi một chiếc thuyền bị bão, thay vì dạt vào Thái-Lan thì đã trôi vào đất Nhật. Xa-vi-ê biết có nước Nhật là nhờ ba người nhật cư-trú tại Malakka. Nhật giờ đây trở thành mục-tiêu mới của Phan-sinh. Ông đưa ba người này tới Goa, và đã cảm-hoá được họ vào đạo trên chuyến hành-trình. Bốn tháng sau, ông cùng với họ và hai linh-mục dòng Tên khác đặt chân lên đất Nhật.

Tại Nhật

Tục-truyền Xa-vi-ê có khiếu lạ-lùng về ngôn-ngữ. Dù vậy, thánh-nhân đã rất khổ-sở vì tiếng nhật xa-lạ. Trong một lá thư, ông cho hay đã phải cần 40 ngày mới học thuộc được mười điều răn bằng tiếng này.

Những nhà thông-thái nhật lễ-phép lắng nghe Xa-vi-ê, tranh luận với ông, nhưng chẳng ai quan-tâm gì tới Ki-tô giáo. Sau một năm không đạt được kết-quả đáng kể nào ở Kagoshima, Xa-vi-ê tính chuyện tới gặp hoàng-đế nước Nhật. Nhưng hoàng-đế chỉ là một vị biểu-kiến, không có thực quyền. Tất cả quyền-lực nằm trong tay các lãnh-chúa vùng. Nhật thời đó bao gồm khoảng 50 tiểu-quốc, gần như độc-lập với nhau. Biết được điều này, Xa-vi-ê liền kết bạn với lãnh-chúa ở Yamaguchi. Lần đầu tới thăm ông này, Saviê ăn bận trang-trọng theo kiểu-cách của một sứ-thần giáo-chủ, vì biết rằng người Nhật rất coi trọng bề ngoài. Nhưng cũng không thành-công.

Trong thời-gian ở Nhật, Phan-sinh học được một bài học quan-trọng hơn, đó là nếu muốn thành-công, người truyền giáo phải biết hội-nhập văn-hoá. Điều này cụ-thể có nghĩa là ông phải xuất-hiện trước dân-tộc có văn-hoá cao này khác hơn khi xuất-hiện với dân chài mù chữ ở Ấn. Vì thế ông đi tới với các sư sãi Phật giáo và học các ngôn-từ của họ để áp-dụng cho đạo mình. Phương-pháp hội-nhập này đã được các nhà truyền giáo dòng Tên sau này tiếp-tục áp-dụng và khai-triển.

Dù gặp nhiều khó-khăn lớn, năm 1570 Nhật đã có 30.000 tín hữu do 30 linh-mục dòng Tên hướng-dẫn. Mười năm sau, số tín hữu tăng lên 150.000 và cứ tăng đều cho tới cuộc tử-đạo của Nagasaki ngày 15.02.1597. Dù phải trải qua nhiều cuộc bách-hại, năm 1614 số ki-tô hữu ở Nhật đã lên tới gần 300.000 và năm 1601 người nhật đầu tiên nhận chức linh-mục. Khác với ngư dân thiếu may-mắn ở Ấn, người nhật vào đạo với tất cả ý-thức, chứ không phải vào vì lợi-lộc.

Phan-sinh còn học được một kinh-nghiệm khác ở Nhật, là cội nguồn văn-hoá của nước này bắt nguồn từ Trung-hoa. Vì thế năm 1551 ông trở lại Goa và lên đường sang Trung-hoa vào ngày 17 tháng 4, dù vẫn biết rằng người tây phương nào đặt chân lên đất-nước này sẽ bị tội chết. Xa-vi-ê liều-lĩnh đút-lót nhờ một thương-buôn Bồ đưa sang. Tháng tám ông lên được hòn đảo Sancian ngoài khơi Trung-hoa. Ở đó, bị anh thông-dịch người Hoa bỏ rơi, nên Xa-vi-ê loay-hoay mãi mà vẫn không vào được lục-địa. Và ông mất tại đó vì bệnh cúm khi mới 46 tuổi.

Sau nhiều cố-gắng thất-bại của nhiều giáo-sĩ dòng Tên khác, hai linh-mục Michele Ruggieri và Matteo Ricci cuối cùng đã vào được lục-địa năm 1583. Hai ông áp-dụng phương-pháp hội-nhập, học tiếng, nghiên-cứu đạo Khổng và giảng đạo trong bộ áo nhà sư. Năm năm dài mà chỉ được 40 tín hữu ! Truy nguyên lí-do thất-bại, các ông hiểu ra là vì tấm áo cà-sa, bởi dân trung-hoa thời đó không ưa các nhà sư. Bỏ cà-sa, hai ông khoác lên mình áo nhà nho, rảo khắp nước giảng đạo. Ricci tìm mọi cách bước vào được hoàng-cung. Cho tới năm 1598 ông ngụ tại Nam-Kinh. Ở đó, ông đã vẽ một bản-đồ nổi tiếng gọi là "Bản-đồ vạn quốc", trong đó nước Tàu nằm ở vị trí trung-tâm: Trung-quốc. Năm 1601, hoàng-đế tặng linh-mục Ricci một căn nhà ở Bắc-Kinh và cho phép ông xây ở đó một nhà nguyện. Nhờ khả-năng thiên-văn, toán-học và địa-lí, ông được hoàng-cung trọng-vọng. Ricci làm lịch, làm đồng-hồ, vẽ bản-đồ và làm rất nhiều dụng-cụ khác khiến vua quan càng thán-phục. Cuốn "Giáo-lí thật của Chúa" của Ricci trở thành một cuốn sách cổ-điển trong nền văn-học trung-hoa. Khi Ricci mất (năm 1601, lúc 58 tuổi), cả Trung-hoa đếm được 38.200 tín hữu.

Người thế chỗ Ricci là giáo-sĩ dòng Tên người đức Johann Adam Schall ở Bell (1630-1666). Nhờ tài thiên-văn và toán-học, ông được tặng tước: "Giám-đốc Viện toán-học và Phòng thiên-văn, Thầy của các bí-mật bầu trời và của Hội-đồng tôn-phủ và là Quan nhất phẩm với tước Hầu".

Ý Chúa

Châu Âu, sau cuộc cải-cách, chỉ còn lại ba nước Ý, Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha là thuần công giáo. Trong khi đó, nhờ khám-phá những miền đất mới, Giáo-hội bất ngờ được dịp bung ra khỏi Âu châu.

Thực-dân bồ và Tây-ban-nha đi tới đâu, các nhà truyền giáo theo tới đó. Những khám-phá và xâm chiếm đất-đai không chỉ vì quyền-lợi chính-trị, quân-sự và kinh-tế, mà còn cả tôn-giáo. Nhưng tiếc thay, công cuộc truyền giáo dưới cây dù thực-dân thường với những phương-cách tàn-bạo và nhơ-nhuốc đó đã tạo cho người ta cảm-tưởng rằng Giáo-hội đã cùng một bè một cánh với thực-dân cướp-bóc. Cảm-tưởng này cho đến ngày nay vẫn còn hằn sâu trong tâm-trí của một số dân-tộc.

Những nỗ-lực chống lại của một số nhà truyền giáo lẻ-loi cũng đã không làm đổi thay được nhiều tình-trạng đáng tiếc đó. Chẳng hạn như việc Xa-vi-ê chống lại sự tàn-bạo của thực-dân bồ. Giáo-sĩ Las Casas (1474-1566) dòng Đa-minh, cũng không thành-công trong việc đòi-hỏi đối-xử nhân-đạo với thổ-dân ở Mỹ châu. Petrus Claver (mất năm 1654) được coi là "Người cha của dân da đen và nô-lệ" cũng là một trong những người tiên-phong đòi tách chính-trị ra khỏi truyền giáo.

71

Các giáo-chủ giữa thời

phục-hưng và đổi mới

Hai năm sau khi chuyển Công-đồng Trento về Bologna, giáo-chủ Phao-lô III mất. Nhưng việc đổi mới của Giáo-hội mới chỉ bắt đầu. Ai là người sẽ tiếp-tục và đưa công cuộc này tới kết-thúc ?

Ju-li-ô III, một giáo-chủ thoả-hiệp

Phao-lô III mất, việc bầu vị mới gặp khó-khăn, là vì các hồng-y phe thân hoàng-đế và phe thân Pháp chống nhau kịch-liệt. Cuộc họp bầu kéo dài từ 29.11.1549 mãi tới 07.02.1550. Cuối cùng, hai bên tạm đồng ý một giải-pháp thoả-hiệp, đưa Giovanni Maria ở Monte lên với một nhiệm-kì 5 năm. Tân giáo-chủ lấy hiệu là Ju-li-ô III. Ju-li-ô III không được đạo-đức cho lắm. Vừa lên, ông gây khó chịu khi phong một cậu giúp việc 17 tuổi làm hồng-y. Dù vậy, đoàn hồng-y thời ngài vẫn có tinh-thần đổi mới. Ju-li-ô III là một giáo-chủ phục-hưng, thích ăn ngon, săn bắn, say-sưa nghệ-thuật. Nhưng cũng đã có công khuyến-khích cải-tổ và đưa Công-đồng vượt qua nhiều khó-khăn để tiếp-tục.

Công-đồng Trento tiếp-tục

Ngày 01.05.1551, nhờ nỗ-lực của giáo-chủ, công-đồng lại trở về họp lại ở Trento. Phe hồng-y thân hoàng-đế, trước đây không chịu dời công-đồng về Bologna và ở lì lại đó, nay được nước Đức tăng-cường thêm 13 giám-mục. Ý vì thế mất đa-số. Lần đầu tiên có sự hiện-diện của các đại-biểu tin lành từ Brandenburg, Wuertemberg, Kursachsen và Strassburg. Các đại-biểu này yêu-cầu huỷ bỏ tất cả những điểm đã thông qua trước đây để quyết-định lại, yêu-cầu khẳng-định thẩm-quyền công-đồng cao hơn giáo-chủ và yêu-cầu giải lời thề vâng-lời giáo-chủ cho các hồng-y để các vị này được tự-do quyết-định. Những yêu-cầu này đã không được chấp-nhận, nên phía Tin lành chẳng còn một vai-trò nào nữa trong Công-đồng.

Phiên nhóm thứ hai của công-đồng Trento thảo-luận và biểu-quyết các tài-liệu về thánh-thể, việc xưng tội, xức dầu kẻ liệt. Về thánh-thể, công-đồng xác-định có Chúa hiện-diện thật-sự trong bánh, có nghĩa là phản bác lại quan-điểm của phía cải-cách, cho rằng Chúa chỉ hiện-diện trong khi rước lễ.

Công-đồng tuyên-bố việc xưng tội là một bí-tích, gồm ba phần: ăn-năn, xưng tội và đền tội. Những nhà cải-cách thì cho đây chỉ là một hành-vi nhớ lại bí-tích rửa tội trong tâm-tình thống-hối.

Công-đồng cũng xác-nhận việc xức dầu kẻ liệt không phải chỉ là một nghi-thức với mục-đích an-ủi người bệnh, nhưng đây là một bí-tích do Chúa lập ra và được tông-đồ Giacôbê phổ-biến.

Việc kết-hợp ở Anh thất-bại

Ngày 19.07.1533, con gái hoàng-hậu Catarina đất Aragon (vợ thứ nhất của Vua Henry VIII) là Mary lên ngai nữ hoàng nước Anh. Bà là người trung-thành với Giáo-hội công giáo nên đã cho rút lại luật tôn-giáo do vua Edward VI đã ban ra và cho phép công giáo cử-hành thánh-lễ trở lại. Giáo-chủ Ju-li-ô III cử hồng-y người anh Reginald Pole, một trí-thức nổi tiếng đạo-đức, làm sứ-thần Toà-thánh. Trong lần bầu người kế vị Phao-lô III, hồng-y Pole chỉ thiếu có một phiếu nữa là trúng cử với đa-số hai phần ba. Vì thế hồng-y giáo-phận Augsburg là Truchseß lúc đó đã nói thẳng vào mặt vị trưởng mật-viện: "Chúng tôi muốn có một giáo-chủ tốt, thánh-thiện. Còn quí-vị thì lại cần một người để phục-vụ thân-xác chứ không phải phục-vụ tinh-thần. Chúng tôi không muốn lại có một người như bốn, năm vị trước đây, những kẻ chẳng màng gì đến chuyện Giáo-hội, chỉ lo làm giàu cho thân-nhân gia-đình mà thôi". Hồng-y Pole được hồng-y Truchseß hỗ-trợ, nhưng Giovanni Maria đã thắng cử.

Để xây-dựng lại giáo-hội công giáo ở Anh, ngày 30.11.1554 hồng-y Pole đã cử-hành lễ giải vạ ở quốc-hội, trước mặt các dân-biểu và nữ hoàng Mary. Ông tính triệu-tập một công-đồng quốc-gia để dựng nền cho cuộc tái công giáo-hoá nước này. Nhưng, mọi người đều sớm nhận ra rằng cuộc phân-li hai mươi năm đã để lại những vết thương quá sâu, không thể nào hàn gắn được nữa. Truyền-thống công giáo đã bị Vua Edward VI tẩy mạnh đến nỗi không ai còn biết làm gì để tái lập Công giáo. Giáo-hội công giáo đã mất hết ý-nghĩa đối với dân chúng.

Nỗ-lực tái kết-hợp Anh giáo và Công giáo đã phải chấm dứt nhanh chóng, sau khi hồng-y Pole mất và khi Elisabeth I lên làm nữ hoàng ngày 17.11.1558. Elisabeth là con của hoàng-hậu Anna Boleyn (vợ thứ hai của Henry VIII), vì bà này mà Henry VIII đã đưa Anh-quốc xa lìa Giáo-hội công giáo.

Henry VIII thiết-lập giáo-hội Anh giáo, nhưng đã cấm giáo-lí tin lành du-nhập. Chỉ dưới thời vua kế là Edward VI Tin lành mới được du-nhập từ lục-địa sang và đã làm biến đổi dần bộ mặt Anh giáo. Ảnh-hưởng của Calvin rất mạnh. Người ta bắt đầu cho dỡ ảnh tượng khỏi nhà thờ, cấm thánh-lễ riêng, bỏ luật độc-thân giáo-sĩ, đề ra nghi-lễ phụng-vụ mới và buộc theo các điều tuyên tín của Tin lành.

Giáo-chủ đổi mới đầu tiên mất sau 21 ngày tại chức

Giáo-chủ Ju-li-ô III mất ngày 01.05.1555. Các hồng-y đã bất chấp tình-hình chính-trị, quyết bầu lên một vị có tinh-thần đổi mới. Ba vị được đưa ra để chọn: Carafa, Cervini và Pole. Nhưng Pole thì ở Anh; Carafa lại dữ quá; vì thế Marcello Cervini, 54 tuổi, đã được chọn. Ngài lấy tên mình làm hiệu, vì muốn mình trước sau vẫn là một, một người trước đó và sau này vẫn quyết-tâm phục-hồi Giáo-hội.

Các sử-gia coi Mar-cel-lô II là vị giáo-chủ đổi mới đầu tiên. Để tránh tình-trạng con ông cháu cha (Nepotismus), ngài cấm người thân không được bén mảng tới Rô-ma. Ông đưa ra nhiều biện-pháp thắt lưng buộc bụng cho giáo-triều. Nhưng tiếc thay ngài mất chỉ sau 21 ngày nhận sứ-vụ. Cái chết đột-ngột đó đã khiến bề-trên cả dòng An-tịnh là Seripando viết: Thiên-chúa muốn qua cái chết đó cho thấy rằng sự cứu-độ của Giáo-hội không do con người mà có. Nhiều người đương thời khác đã dùng một từ của thi-sĩ Vergil ở Rô-ma để diễn-dịch cái chết khó hiểu đó rằng Chúa chỉ muốn "đưa" Mar-cel-lô cho Giáo-hội thấy, chứ không muốn "tặng" ngài cho Giáo-hội.

Xác Giáo-chủ được chôn cất trong một hòm cổ. Pierluigi ở Palestrina đã sáng-tác bộ lễ nổi tiếng "Missa Papae Marcelli" để lưu danh ngài.

Phao-lô IV là người quá-khích

Mười lăm ngày sau khi Mar-cel-lô mất, mật-nghị nhóm và ngày 23.05 bầu lên Carafa, người trước đây đã bị loại. Hồng-y Gian Pietro Carafa lấy hiệu là Phao-lô IV, lúc đó đã 79 tuổi. Dù vậy, theo lời một đại-biểu từ Venezia, ngài vẫn luôn "nóng-nảy và dữ-dằn". Đại-biểu đó viết tiếp: "Trong mọi hành-động ngài đều làm rất trang-trọng, ngài sinh ra là người cai-trị. Thân hình xương-xẩu và đầy uy-lực. Lửa toát ra từ ánh mắt và điệu-bộ của cụ già bát tuần. Ngài thông-minh hiếm có. Biết mọi khoa-học, nói tiếng ý, la-tinh, hi-lạp và cả Tây-ban-nha, xuôi chảy như một người sinh ra tại Hi-lạp hoặc Tây-ban-nha. Có trí nhớ lạ-lùng, có thể ghi nhận tất cả những gì đã đọc qua. Tôi chưa gặp ai có tài ăn nói như ngài. Chưa ai chê trách vào đâu được cuộc sống đạo-đức của ngài. Làm việc như vũ-bão và không bao giờ chấp nhận ý-kiến trái ngược. Ai dám trái ý thì sẽ biết tay ngay. Vì ngài – như ngài vẫn tự khẳng-định- là người bắt các vua và hoàng-đế – trừ chính mình – phải tuân phục, là người xuất thân từ hàng quí-tộc, có kiến-thức rộng và đạo-đức khỏi chê và rất tự-tin vào khả-năng mình, nên ngài coi thường các hồng-y và mọi người khác, chả bao giờ đếm-xỉa gì đến lời khuyên của ai. Cứ nhắm mắt vâng lời ngài đi là xong mọi chuyện."

Năm 1559 Phao-lô IV công-bố tài-liệu đầu tiên về thư-mục các sách cấm người Công giáo đọc. Thư-mục này bao gồm tất cả các sách của các nhà cải-cách tin lành, tất cả các sách của Erasmus ở Rotterdam, tất cả sách về các khoa-học bí-ẩn (xem tay, bói toán), tất cả các sách không đề tác-giả được in trong vòng 40 năm trở lại và tất cả các tài-liệu do 61 thợ in có trong danh-sách đính kèm. Cả một số lớn ấn-bản Sách Thánh và sách của các thánh-phụ cũng bị cấm. Nhiều trí-thức công giáo chống-đối, vì biện-pháp đó hạn-chế họ rất nhiều trong việc nghiên-cứu. Thời đó thánh Petrus Canisius cũng đã phải viết: "Cả những người công giáo tốt nhất cũng phản-đối biện-pháp cứng-rắn đó".

Giáo-chủ Phao-lô IV đặc-biệt say-mê việc làm của các toà thẩm-tra lạc-giáo. Ngài mở rộng thẩm-quyền các toà này, cho xử luôn các tội về lễ-giáo phong-tục. Toà-án lạc-giáo do đó cũng là cơ-quan kiểm-tra đạo-đức. Nhiều án tử đã được ban ra. Mọi người đều xanh mắt vì các toà này. Các giáo-sĩ thiếu đạo-đức và các tu-sĩ lang-thang đều bị Giáo-chủ cho tống ngục đợi ngày đưa ra làm phu chèo thuyền chiến.

Ngay khi Phao-lô IV mất ngày 18.08.1559, dân Rô-ma ùa vào giật tượng ngài từ Kapitol xuống, kéo lê chiếc đầu đi khắp thành-phố và cuối cùng liệng xuống sông Tiber. Một số dân chúng khác tràn vào toà-án thẩm-tra, giải-cứu các tù nhân rồi phóng lửa đốt nhà. Để tránh bị dân phá, người ta đã phải canh-gác mộ ngài ngày đêm.

Gian Pietro Carafa là một hồng-y xuất-sắc nhất trong đoàn hồng-y. Thế nhưng, trong vai-trò giáo-chủ, ngài đã làm thất-vọng mọi người vì sự khắc-nghiệt của mình.