CHA MAURICE VIDAL: “THẦN HỌC HIỆN NAY VỀ GIÁO HỘI VÀ NHỮNG HỆ QUẢ MỤC VỤ”

LM Maurice Vidal thuyết trình về “Thần học hiện tại về Giáo Hội và những hệ quả mục vụ” tại Trung Tâm Mục Vụ Huế

HUẾ – Chiều ngày 16 tháng 02 năm 2009, theo lời mời của Ban Thường Huấn Linh mục Giáo Phận Huế, các thành phần linh mục, đại chủng sinh Huế, vidal2tu sĩ nam nữ và một số giáo dân, đến tại Trung Tâm Mục Vụ Huế để tham dự buổi thuyết trình của linh mục Maurice Vidal, thuộc Hội Xuân Bích Pháp, về đề tài “Thần học hiện đại về Giáo Hội và những hệ quả mục vụ”.

Buổi thuyết trinh bắt đầu lúc 14 giờ 30.

Đức Tổng Giám Mục Huế, Đức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, và Đức Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Huế, Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, cũng đến tham dự.

Trước buổi thuyết, Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện Huế, linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán, vidal12giới thiệu cha Vidal với những lời lẽ như sau.

Kính thưa Đức Tổng Giám Mục, Đức Cha Phụ Tá

Quý Cha, quý Bề Trên và tu sĩ nam nữ,

Quý thính giả,

Hôm nay, chúng ta đến đây để nghe cha Maurice Vidal thuyết trình về đề tài “Thần học hiện tại về Giáo Hội và những hệ quả mục vụ”.

Thời giờ không nhiều. Dự kiến sau khi cha Vidal nói chuyện, chúng ta sẽ có 15 phút giải lao, sau đó là trao đổi cho đến 5giờ 15. Vì thế, con xin rất vắn tắt trong phần giới thiệu nầy. Vắn tắt, còn do ý muốn của chính cha Vidal, vì lòng khiêm tốn truyền thống của một linh mục Xuân Bích và của riêng ngài.

Cha Vidal sinh năm 1932, thụ phong linh mục năm 1954, khi mới 22 tuổi.

Cha gia nhập Hội Linh mục Xuân Bích tỉnh hội Pháp và sang học tại Rôma cho đến năm 1958 với bằng cử nhân Thánh Kinh và tiến sĩ thần học.

Cha về phục vụ tại Đại Chủng Viện Xuân Bích Issy-les-Moulineaux suốt 50 năm, cho đến khi được nghỉ hưu năm 2008.

Trong thời gian đó, cha còn giảng dạy tại Đại Học Công Giáo Paris 30 năm, từ năm 1968 đến năm 1998, và được đại học nầy tặng danh hiệu giáo sư danh dự.

Ngoài ra, cha còn giảng dạy tại École Cathédrale, một đại học công giáo do đức hồng y Lustiger sáng lập, và tại viện đào tạo các nhà đào tạo, thường gọi tắc là IFEC, do Hội Đồng Giám Mục Pháp thành lập với sự cộng tác tích cực của Tỉnh Hội Linh Mục Xuân Bích Pháp.

Cha còn phụ trách Ban Nghiên Cứu (Bureau d’ Études et de Recherches) của Tỉnh Hội Xuân Bích Pháp và là Đại Diện Giám mục của Tổng Giáo phận Paris chuyên trách việc cho phép xuất bản các sách báo công giáo, chúng ta quen nói là “cho imprimatur”.

Hiện nay, cha nghỉ hưu, nhưng chỉ nghỉ việc giảng dạy tại Issy-les-Moulineaux và Đại Học Công giáo Paris.

Đây là lần đầu tiên cha đến Việt Nam, nhưng cha đã có lòng quý mến đất nước nầy từ lâu, qua các cha Xuân Bích du học tại Pháp và các học trò của ngài, như cha Nguyễn Văn Chánh của chúng ta đây, người đã tham dự một khóa đào tạo tại IFEC, và người tổ chức buổi nói chuyện nầy theo ý của Đức Tổng Giám Mục.

Là nhà thần học chuyên về khoa Giáo Hội học, cha đã cho xuất bản nhiều đầu sách về Giáo Hội, mà hai cuốn mới nhất, là “À quoi sert l’Église?” năm 2008 và “La liberté d’un théologien”, “L’Église que je cherche à comprendre” đầu năm nay. Ngoài ra, cha còn đóng góp rất nhiều bài viết trong các sách do nhiều tác giả viết hay các tập san.

Cuốn “Từ điển các thần học gia và thần học Kitô giáo” (Dictionnaire des théologiens et de la théologie chrétienne) do nhà xuất bản Bayard phát hành năm 1975, đã viết về cha:

– “Cha Vidal muốn mình rất chú ý đến cội nguồn tân ước của Giáo Hội, với những giai đoạn lịch sử của Giáo Hội và những thắc mắc hiện đại về Giáo Hội. Với một lối suy tư vừa uyển chuyển, vừa đông đặc, cha đề ra những điểm tham chiếu nền tảng. Cuốn sách củac cha mang tựa đề “L’Église, peuple de Dieu dans l’ histoire des hommes” ( Giáo Hội, Dân của Thiên Chúa trong lịch sử loài người) xuất bản năm 1975 là một tác phẩm cần tham chiếu.”

– Nhà xuất bản Bayard giới thiệu cha trong cuốn sách “À quoi sert l’ Église?” (Giáo Hội dể làm gì?), xuất bản năm vừa qua:

– “Với tất cả những ai thắc mắc về tương lai và công dụng ngày nay của Giáo Hội, Maurice Vidal đề ra một quy trình lịch sử và thần học đưa dẫn tới tận những nền móng của lý do hiện hữu và sứ mạng của Giáo Hội. Cha đã không né tránh những vấn đề khó khăn trong những mối liên hệ giữa với Chúa Kitô, với dân Israel và với những giáo Hội Kitô khác. Tập khảo luận nầy là tập sách duy nhất cho ta thấy rõ ràng đến thế những chủ đề thần học, lịch sử và xã hội về vai trò và chức năng của Giáo Hội.”

Đa số thính giả hôm nay dễ hiểu cha Vidal hơn, cha đã cho một bản tóm lược được dịch ra tiếng Việt mà chúng ta có trong tay, và cha Giuse Hồ Thứ, người đang được cha Vidal hướng dẫn làm luận án tiến sĩ thần học, sẽ thông dịch.

Trong phần trao đổi, chúng ta có thể đặt ra mọi vấn đề liên quan đến Giáo Hội học, ngoài cả chủ đề thuyết trình hôm nay.

Sau phần giới thiệu của Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện Xuân Bích, thuyết trình viên, linh mục thần học gia Maurice Vidal trình bày đề tài: “Thần học hiện đại về Giáo Hội và những hệ quả mục vụ.”

Theo tài liệu được phân phát để theo dõi bài thuyết trình, thính giả biết được hai xác đinh trong phần nhập đề.

Theo xác định thứ nhất, thần học hiện đại về Giáo Hội vidal13là một sự “tiếp nhận” (réception) tích cực, suy tư và giải thích giáo huấn Công Đồng Vatican II, dựa trên nguồn mạch đức tin.

Xác định thứ hai liên quan đến các hệ quả mục vụ có tương quan với tác vụ của các mục tử Giáo Hội, tức các thừa tác viên thánh.

Thuyết trình viên trình bày hai phần chính về Giáo Hội. Phần chính thứ nhất, là đề tài “Giáo Hội là Dân Thiên Chúa”, và phần chính thứ hai, là đề tài “Giáo Hội là Bí tích của Ơn Cứu Độ”.

Trong phần chính thứ nhất, Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, thuyết trình viên đề cập đến Giáo Hội là một dân tộc, được Chúa tuyển chọn và giáo dục (x.1P 2,10), chứ không phải là sự tập họp của các cá nhân (x.Ánh Sáng Muôn Dân 9). Dân nầy được nối kết bằng những liên hệ cả trong lẫn ngoài (x.Ánh Sáng Muôn Dân 14), đồng thời kết thành một dân tộc riêng, dân kitô giáo, được gọi để làm chứng rằng Chúa muốn cho hết mọi người là dân con của Người (x.Ánh Sáng Muôn Dân 9 và 13).

Giáo Hội không phải là một dân như mọi dân tộc khác. Kitô hữu không phải là phần tử của dân nầy do việc sinh ra hay do việc tuân giữ các luật chung, nhưng nhờ sự tái sinh trong Phép Rửa và thông hiệp với Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Giáo Hội trở nên Thân Thể của Đức Kitô, trong sự hiệp thông với nhau và với các Giáo Hội.

Chúa muốn mọi người và cộng đoàn giáo hội hiệp thông như vậy.

Giáo Hội là chính Đức Giêsu và Thân Thể Người. Mỗi chi thể của Đức Kitô được kêu mời hãy để cho Chúa Thánh Thần mở lòng họ am hợp với các chiều kích của Lòng Đức Kitô vốn ôm gọn cả thế giới nầy theo gương Mẹ Maria.

Sau khi trình bày Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, cha Vidal rút ra hai hệ quả mục vụ.

Hệ quả thứ nhất là Công Đồng Vatican II minh định rằng các phần tử của Giáo Hội phẩm trật có nhiệm vụ phục vụ cho sự tập họp Dân Chúa.

Công Đồng Vatican II tái xác định Bí tích Truyền Chức là bí tích nhằm kế tục các tông đồ trong nhiệm vụ mục vụ của Giáo Hội (x. Ánh Sáng Muôn Dân 20), gồm việc hành sử các nhiệm vụ giáo huấn, thánh hoá và quản trị “nhân danh Đức Kitô”.

Vậy, mỗi mục tử đều mang trong mình chiều kích tông đồ và trách nhiệm đối với Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội (x. Ga 21). Dĩ nhiên, điều nầy tùy thuộc vào phẩm trật chức thánh và ơn gọi, đặc sủng, hoàn cảnh và sứ vụ được trao phó cho họ (Sắc Lệnh về Linh Mục 8).

Hệ quả thứ hai là Công Đồng qui hướng hoạt động của các mục tử về mục tiêu giúp cho các tín hữu “tham dự cách trọn vẹn, ý thức và linh động” vào sự sống và sứ mạng của Giáo Hội, bắt đầu từ phụng vụ (Hiến Chế về Phụng Vụ 14; x.Ánh Sáng Muôn Dân 30, trích dẫn Êp 4,1-6, và Ánh Sáng Muôn Dân 18). Đó là trục đầu tiên của công cuộc canh tân của Công Đồng.

Trong phần chính thứ hai, “Giáo Hội là bí tích của Ơn Cứu Độ”, tác giả chủ trương rằng Công Đồng Vatican II không tạo ra ý niệm “Giáo Hội là bí tích của Ơn Cứu Độ”, nhưng Công Đồng vận dụng nó để tóm lược sứ mạng của Giáo Hội trong tình hình tôn giáo hiện nay nơi nhân loại. Sứ mạng đó, xưa cũng như nay, không gì khác hơn là “vinh quang Thiên Chúa và cứu rỗi nhân loại.”

Nhưng Giáo Hội không còn được xem như là con tàu mà ở ngoài nó thì bị mất linh hồn đời đời. Đúng hơn, Giáo Hội là “bí tích phổ quát của Ơn Cứu Độ” nghĩa là “dấu chỉ và phương thế giúp kết hiệp mật thiết với Chúa và hiệp nhất với mọi người” (Ánh Sáng Muôn Dân 48 và 1)

Vậy, đối với ai ở ngoài Giáo Hội (x.1Thes 4,12; Col 4,5), Giáo Hội trở nên phương thế cứu độ nhờ các hoạt động riêng và nhờ sự tham gia của các tín hữu vào việc kiến tạo thành đô nhân loại (x. Vui Mừng và Hy Vọng, chương IV),

Giáo Hội là dấu chỉ Ơn Cứu Độ nhờ các cử hành phụng vụ – bằng lời và các cử chỉ – cho thấy Thiên Chúa “không ngừng tập họp Dân Người” (Kinh Nguyện Thánh Thể, số 3) và làm việc để con người được sống dồi dào (x. Ga 5,17).

Đó là nền tảng công cuộc đối thoại mà Giáo Hội thực hiện và yêu cầu đối với các tổ chức trần thế và các tôn giáo bạn.

Tác giả rút ra hai hệ quả mục vụ.

Hệ quả thứ nhất, là các mục tử được phong chức, không phải để đảm trách hết mọi nhiệm vụ thiên sai của Giáo Hội, mà để, qua đó, biểu thị sự hiện diện và hoạt động của Đấng Phục Sinh.

Các mục tử có thể và phải tạo điều kiện giúp các tín hữu nhờ bí tích mà đến với Giáo Hội (là) bí tích, khi minh chứng rằng ngày hôm nay, chính Đức Kitô dang dạy dỗ, đang làm cho chúng ta kết hiệp với Chúa Cha, đang dẫn dắt chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần.

Hệ quả thứ hai là các vị giáo hoàng đương thời, luôn khích lệ các tín hữu nổ lực hoạt động cho công cuộc “tái truyền giáo” và thực hiện việc ấy nhờ liên kết “loan báo và đối thoại”. Điều nầy giả thiết mỗi người phải có đức tin sâu sắc bằng cuộc sống kết hiệp với Đức Kitô.

Sứ mạng của các mục tử là giúp anh em mình đào sâu đức tin.

Trong phần kết luận, thuyết trình viên minh định rằng Bí tích Truyền Chức hiến thánh các thừa tác viên của Giáo Hội để các ngài có thể nói và làm “nhân danh Đức Kitô”.

Bí tích Truyền Chức trao quyền cho các thừa tác viên của Giáo Hội, khiến các tín hữu có thể tin tưởng trọn vẹn vào các ngài ( là “những người tín cẩn” nói “những lời tín cẩn”, theo 2Tm,2 và 11), đồng thời, trong mọi mức độ, các ngài không còn làm gì vì mình nữa, mà để cho Vị Mục Tử duy nhất nói và làm qua các ngài.

Chính Đức Kitô đã thiết lập Hội Thánh bằng việc hiến mình làm của lễ, và phó dâng cho Chúa Cha cuộc sống của mình, của các môn đệ và của Giáo Hội.

Vừa rồi là những gì linh mục thần học gia Maurice Vidal trình bày được ghi lại tóm tắt. Linh mục thuyết trình đã trình bày đề tài một cách xác tín. Nhiều tham dự viên đưa ra những câu hỏi liên quan đến Giáo Hội.

Buổi thuyết trình kết thúc lúc 17 giờ 15 phút, sau khi Đức Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Huế, thay mặt Đức Tổng Giám Mục Huế và toàn thể thính giả hôm nay, nói lời cám ơn Cha Vidal và trao tặng kỷ vật lưu niệm.

Tường thuật từ Trung Tâm Mục Vụ Huế, ngày 16.02.2009

LM Nguyễn Vinh Gioang

Nguồn: vietcatholic.org