DẪN VÀO THẦN HỌC: CHƯƠNG V :ĐỨC TIN KITÔ GIÁO: MỘT CÁI NHÌN HIỆN ĐẠI

Chương V

ĐỨC TIN KITÔ GIÁO: MỘT CÁI NHÌN HIỆN ĐẠI

John R. Connolly

Bất cứ cố gắng nào nhằm định nghĩa đức tin Kitô giáo trong bối cảnh Công Giáo hôm nay đều không thể bỏ qua sự kiện rằng có hai cách thông thường để định nghĩa thực tại đức tin Kitô giáo trong truyền thống Công Giáo. Một là mẫu thức có tính trí năng, theo đó đức tin được định nghĩa như một sự chấp nhận của trí năng đối với các chân lý mạc khải thần linh được chứa đựng trong giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Mẫu thức thứ hai có tính ngã vị, theo đó đức tin được mô tả là một sự dấn thân của toàn thể con người cho tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Giê-su Kitô. Dù người ta nhìn đức tin từ quan điểm trí năng hay ngã vị, thực tại đức tin cũng luôn luôn được định nghĩa theo hai yếu tố chính của nó, đó là nội dung (hay đối tượng) của đức tin và hành động của đức tin.

Điều phân biệt giữa mẫu thức trí năng và ngã vị chính là cách mà qua đó mỗi mẫu thức mô tả cả nội dung lẫn hành động của đức tin. Theo mẫu thức trí năng, nội dung của đức tin được mô tả như là sự biểu hiện của các chân lý mạc khải thần linh, và hành động của đức tin được mô tả là sự chấp nhận của trí năng đối với các chân lý ấy. Theo cách tiếp cận này thì mục đích của đức tin là đón nhận một dạng tri thức mới và cao hơn, một sự tham dự vào sự hiểu biết của Thiên Chúa. Đàng khác, mẫu thức ngã vị mô tả nội dung của đức tin là sự biểu lộ cách biệt vị của tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Kitô, và hành động của đức tin là một sự chấp nhận hoàn toàn riêng tư đối với tình yêu được Thiên Chúa ban tặng. Theo cách tiếp cận này, mục đích của đức tin là dẫn dắt người tín hữu tới chỗ kinh nghiệm về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, một kinh nghiệm có sức làm biến đổi bản thân mình.

Cả hai mẫu thức này đều có dự phần trong truyền thống sống động của Giáo Hội Công Giáo ngày nay. Tuy nhiên, trong thần học Công Giáo đã có một chuyển biến về sự nhấn mạnh giữa Công Đồng Vatican I (1870) và Công Đồng Vatican II (1962-1965). Vatican I đã định nghĩa đức tin theo mẫu thức trí năng, trong khi Vatican II chấp nhận một cách nhận hiểu về đức tin có tính ngã vị hơn. Thần học Công Giáo ngày nay đã nhận lấy sự thách đố của Vatican II và đã tạo được những bước tiến bộ đáng kể hướng về việc xác định sự nhận hiểu của Công Giáo đối với đức tin theo mẫu thức ngã vị. Để đáp lại sự thách đố của Vatican II và của thần học Công Giáo hiện đại, định nghĩa sau đây về đức tin Công Giáo sẽ được giới thiệu để bàn thảo trong chương này:

Đức tin Công Giáo là sự chấp nhận và dấn thân của toàn thể bản ngã con người – trong Giáo Hội xét như một cộng đoàn đức tin – đối với việc Thiên Chúa đích thân biểu hiện tình yêu như được mạc khải nơi con người Đức Giê-su Kitô.

Việc quảng diễn những yếu tố của định nghĩa nêu trên sẽ bắt đầu với một phân tích nội dung của đức tin và các thành tố chính của nó. Tiếp theo sau sẽ là một khảo sát về những yếu tố chính liên quan đến hành động của đức tin. Và ở cuối chương chúng ta sẽ có một kết luận vắn tắt. Chương này sẽ được triển khai theo bố cục sau đây.

Chúng ta sẽ bắt đầu với việc khảo sát nội dung của đức tin và các thành tố của nó; đặc biệt là về mạc khải, về Đức Giê-su Kitô, về Giáo Hội và về các biểu tượng của đức tin. Rồi chúng ta sẽ xem xét các yếu tố chính liên quan đến hành động của đức tin – có nghĩa là chúng ta sẽ xem xét về sự đáp trả của toàn thể bản ngã con người, về một sự đáp trả tự do xuyên qua ân sủng, về lòng trung thành, về sự biến đổi đầy sức sáng tạo, về đức tin và sự nghi ngờ, và về các chặng đường của đức tin.

Định nghĩa đức tin được giới thiệu ở đây trong nhãn quan Công Giáo là một dạng của đức tin Kitô giáo. Dĩ nhiên, đức tin Kitô giáo thì rộng lớn hơn nhiều bởi vì Kitô giáo bao gồm nhiều loại Kitôhữu khác nhau: bên cạnh các tín hữu Công Giáo còn có các tín hữu Báp tít, Giáo Hội của Đức Kitô, Tin Lành Luther, Methôdít, Trưởng lão, Anh giáo, vv… Tuy nhiên, có một số yếu tố của đức tin Kitô giáo mà mọi Kitôhữu, kể cả Công Giáo, đều cùng chia sẻ, và do đó khi nói về đức tin Công Giáo thì ta không nên quên sự kiện này.

NỘI DUNG CỦA ĐỨC TIN

Nói đến nội dung của đức tin có nghĩa là chúng ta đang nói về điều được tin trong hành động đức tin. Nó chỉ rõ thực tại đức tin xảy đến với con người từ bên ngoài và gợi ra thái độ đáp trả của đức tin. Phân tích của chúng ta về nội dung của đức tin theo mẫu thức ngã vị sẽ khảo sát bốn thành tố sau đây: mạc khải, Đức Giê-su Kitô, Giáo Hội, và các biểu tượng của đức tin.

Mạc Khải

Tiên vàn, đức tin là một sự đáp trả đối với mạc khải của Thiên Chúa. Đức tin không đến như là kết quả của sự can thiệp của con người và chắc chắn nó không phải là một kết luận luận lý của một tam đoạn luận. Sự đáp trả của đức tin không duy chỉ là công việc của con người, nhưng đó là kết quả của một cuộc gặp gỡ với hành động tự biểu lộ của Thiên Chúa. Như vậy, có một mối kết hợp nền tảng giữa mạc khải và đức tin. Quả vậy, bên này không thể thực sự tồn tại nếu không có bên kia. Không thể có mạc khải nếu không có sự đáp trả của đức tin là cái đón nhận mạc khải, và không thể có đức tin nếu không có ơn mạc khải của Thiên Chúa gợi lên sự đáp trả của đức tin nơi bản ngã con người. Như vậy, người ta không thể hiểu thực tại đức tin nếu trước hết không hiểu một cái gì đó về bản chất của mạc khải.  

Theo sự hướng dẫn của Công Đồng Vatican II và của thần học hiện đại, định nghĩa của đức tin Công Giáo được giới thiệu trong chương này sẽ nhìn hành động mạc khải cốt yếu là hành động tự biểu lộ của Thiên Chúa. Như vậy, mạc khải không phải chủ yếu là một sự biểu lộ của các chân lý thần linh, nhưng đúng hơn đó là việc Thiên Chúa tự vén mở chính tình yêu thần linh và sự săn sóc của Ngài đối với con người và thế giới. Mạc khải là sự biểu lộ của một tình yêu tuyệt đối và siêu việt, một tình yêu có tính phổ quát trong hướng ngắm của nó theo nghĩa rằng tình yêu ấy được trao ban cho mọi con người thuộc mọi thời đại, bất kể giới tính, chủng tộc, hay niềm xác tín tôn giáo. Hơn nữa, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu hoàn toàn nhưng không, Thiên Chúa không mắc nợ ai tình yêu ấy, không ai tranh thủ được hay xứng đáng với tình yêu ấy, nhưng đó là tình yêu tràn chảy tự do từ Thiên Chúa và bao trùm hết mọi người và thế giới.

Đối với người tín hữu, như nhà thần học Tin Lành Paul Tillich nhận định, kinh nghiệm về mạc khải của Thiên Chúa là kinh nghiệm về sự chấp nhận điều không thể chấp nhận được. Sự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cũng hoàn toàn vô điều kiện trong đó việc Thiên Chúa trao ban tình yêu không tùy thuộc vào sự chấp nhận của con người. Thiên Chúa vẫn không ngừng trao ban tình yêu và Ngài không bao giờ rút lại. Để kinh nghiệm tính nhưng không và tính vô điều kiện của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta chỉ cần đọc Sách Ngôn Sứ Hôsê trong Cựu Ước Kinh (Hs 1-14) hay dụ ngôn Người Con Hoang Đàng trong Tân Ước (Lc 15,11-32).

Vận dụng mẫu thức ngã vị trên đây, Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Tín Lý về Mạc khải Thánh (Dei Verbum) mô tả mạc khải là việc Thiên Chúa tự thông truyền cho con người. Có bốn chiều hướng chính liên quan đến định nghĩa của Dei Verbum về mạc khải. Mạc khải có tính Ba Ngôi, có tính ngã vị, có tính lịch sử và có tính qui Kitô. Xét theo tính Ba Ngôi, mạc khải chủ yếu là sự biểu lộ của mầu nhiệm Thiên Chúa Đấng vừa là một vừa là ba. Đích ngắm cuối cùng của mạc khải không phải là gì khác hơn là sự sống năng động và thâm sâu của tình yêu vốn tồn tại giữa Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Ngay câu đầu tiên của Dei Verbum tuyên bố rằng “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình … nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và trong Thánh Thần, mọi người có thể đến cùng Chúa Cha và được thông phần bản tính của Thiên Chúa” (DV 2).

Công Đồng muốn nói rằng chính Thiên Chúa và chỉ một mình Thiên Chúa là đối tượng tối hậu của đức tin. Đối tượng chính của đức tin không phải là Giáo Hội, Thánh Kinh, các bí tích, phụng vụ, cũng không phải là các giáo thuyết hay các tín điều. Dù những điều vừa kể trên có tầm quan trọng đối với kinh nghiệm đức tin đến mấy đi nữa, đối tượng cuối cùng của mạc khải vẫn là Thiên Chúa và chỉ là Thiên Chúa thôi. Đặc tính ngã vị của mạc khải được nhấn mạnh thêm nữa qua mô tả của Dei Verbum về tiến trình mạc khải:

Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với loài người như với bạn hữu và đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài” (DV 2).

Thiên Chúa khởi xướng tiến trình mạc khải với mục đích biểu hiện tình yêu và sự quan tâm của Ngài, không phải để biểu hiện một mớ chân lý. Mục đích chủ yếu của việc Thiên Chúa tự biểu hiện không phải là để bắt trí năng người ta phải chấp nhận hay phải tuân phục, nhưng là để làm cho con người có thể đi vào trong một mối tương quan liên vị với Thiên Chúa.

Theo Dei Verbum, mạc khải cũng có tính lịch sử. Thiên Chúa mạc khải không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng “…những công việc được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ...” (DV 1). Tiến trình tự biểu hiện của Thiên Chúa trong lịch sử bắt đầu với công cuộc sáng tạo, tiếp tục xuyên qua những mạc khải được thực hiện cho Abraham, Môsê và các ngôn sứ, và đạt đến sự hoàn thành đầy đủ với sự mạc khải nơi và qua Đức Giê-su Kitô. Đức Giêsu được mô tả là “sự hòan thành của toàn bộ mạc khải” (DV 2). Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa “đưa mạc khải đến hoàn thành bằng cách làm đầy đủ nó” (DV 4). Với những câu tuyên bố như thế, rõ ràng đối với Dei Verbum, mạc khải cũng có tính qui Kitô, nghĩa là mạc khải được tập trung về con người Đức Giê-su Kitô.

Đức Giê-su Kitô  

Theo nhận thức của Công Giáo về đức tin, việc Thiên Chúa tự biểu lộ tình yêu của Ngài tìm thấy sự diễn tả trọn vẹn nhất và dứt khoát nhất (dù không phải là độc nhất) trong sự mạc khải của Thiên Chúa nơi và qua con người Đức Giê-su Kitô. Do đó, để hiểu đức tin theo nhãn quan Công Giáo, cần phải hiểu một cái gì đó về Đức Giê-su Kitô và vai trò trung tâm của Người trong đức tin. Ngành thần học đặt ra và trả lời câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” được gọi là Kitô học. Mặc dù phạm vi của chương này không cho phép có một phân tích đầy đủ về Kitô học, song một mô tả ngắn gọn về một số nét chủ yếu của Kitô học hiện đại sẽ giúp chúng ta có thể vạch ra một số các nét đặc trưng cho thấy Đức Giê-su Kitô là đối tượng trọng tâm của đức tin.

Một trong những nét độc đáo của Kitô học hiện đại đó là nó luôn luôn thảo luận câu hỏi Kitô học, “Đức Giêsu là ai?”, trong liên quan với câu hỏi “Tại sao Đức Giêsu đã đến?” – tức câu hỏi về sự cứu độ, hay có tính cứu độ luận. Đức Giêsu không quan trọng duy chỉ vì Người nói cho chúng ta một điều gì đó về Thiên Chúa, về con người, và về thế giới, nhưng vì Người thật sự giúp giao hòa giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nơi Đức Giê-su Kitô con người cảm nghiệm được Thiên Chúa và gặp được phương thế để trở thành một con người nhất quán và lành mạnh. Do đó, Kitô học hiện đại quan tâm tới việc giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới hiện đại bằng một cách thế sao cho ơn cứu độ đến nơi Đức Giêsu có thể được nhận biết và cảm nghiệm một cách ngã vị và đầy bổ ích.

Để giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới hiện đại một cách thích đáng và hữu hiệu, Kitô học phải được cắm rễ trong truyền thống Kitô giáo. Ở đây chúng ta ghi nhận một đặc nét thứ hai của Kitô học hiện đại, đó là tính lịch sử. Kitô học hiện đại phải xuất phát từ những lời nói và việc làm của Đức Giêsu lịch sử, được tiếp cận xuyên qua việc nghiên cứu phê bình lịch sử các bản văn.

Tác phẩm của Dermot Lane, Thực Tại Đức Giêsu, là một điển hình về sự phân tích hiện đại của Công Giáo về Kitô học theo phương pháp lịch sử. Lane bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng đối tượng của đức tin không chỉ là Đức Giêsu trong tư cách một nhân vật phi lịch sử, nhưng còn là Đức Giêsu trong toàn bộ cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Người diễn ra trong lịch sử . Đối với Lane, chính biến cố Đức Kitô, tức cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu, là đối tượng cốt yếu của đức tin và do đó chính biến cố ấy có tầm quan trọng về mặt thần học. Vì thế, Lane bắt đầu nghiên cứu Kitô học với một phân tích về Đức Giêsu lịch sử và ý nghĩa của việc rao giảng Đức Giêsu lịch sử ấy đối với ơn cứu độ. Sau đó Lane thảo luận đến các tuyên bố về đức tin của Kitô học thuở ban đầu – những tuyên bố mà sau này được diễn tả trên giấy mực trong những tác phẩm khác nhau của Tân Ước. Từ “hạ” Kitô học thuở sơ khai đến “thượng” Kitô học của thời gian sau đó, Lane thảo luận về những tước hiệu khác nhau mà Tân Ước sử dụng để diễn tả đức tin vào Đức Giêsu và ý nghĩa của Người đối với ơn cứu độ. Đức Giêsu là Đấng Mêsia, là Chúa, là Người Tôi Tớ chịu đau khổ, là Con Người, là Ngôn Sứ, là Thượng Tế, là Con Thiên Chúa, là Lời tiền hữu của Thiên Chúa.

Cuối cùng, Lane thảo luận về khoa Kitô học có tính triết học, vốn khơi lên câu hỏi Đức Giêsu là ai theo những phạm trù triết học về yếu tính và bản tính trong cố gắng diễn tả Kitô học của Tân Ước bằng một ngôn ngữ mới cho những con người sống trong hoàn cảnh mới của lịch sử. Hai tiêu điểm của khoa Kitô học có tính triết học là các Công Đồng Nicaea (325) và Chalcedon (451). Để đáp lại sự tranh cãi của phái Ariô, Công Đồng Nicaea khẳng định thiên tính của Đức Giêsu. Công Đồng Chalcedon, nhằm trả lời cho một số lập luận nổi lên sau Công Đồng Nicaea, đã khẳng định hai bản tính của Đức Giêsu, đó là, Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là con người thật – hai bản tính (thiên tính và nhân tính) hợp nhất nơi một ngôi vị. (17)  

Các tuyên bố của Công Đồng Nicaea và Chalcedon đã trở thành những diễn tả cổ điển của Kitô học về đức tin vào Đức Giêsu. Tuy nhiên, các tuyên bố ấy đã không chấm dứt những bàn tán về Kitôâ học. Tiến trình lịch sử của Kitô học tiếp tục cho tới thời đại chúng ta. Bởi vì ngay cả dù tất cả các tuyên bố của Kitô học tương lai đều dựa trên Nicaea và Chalcedon, thì các nhà thần học ngày nay vẫn không chỉ cố bám vào việc lặp lại các tuyên bố của hai Công Đồng ấy (thực tế là không cố bám vào các tuyên bố ấy nhiều hơn so với các tuyên bố Kitô học của Tân Ước). Thật vậy, để cho đức tin có thể sống động, biến cố Đức Kitô phải được tiếp tục suy tư và diễn tả bằng những cách sao cho con người ngày nay có thể hiểu và cảm nghiệm được việc Thiên Chúa tự biểu lộ tình yêu của Ngài trong và qua biến cố ấy.

Thực tại nền tảng của biến cố Đức Kitô vẫn trường tồn và vẫn còn nguyên ý nghĩa của nó qua mọi thời đại, nhưng các tuyên bố cụ thể diễn tả đức tin vào Đức Giê-su Kitô có thể và thực sự thay đổi khi Tin Mừng được rao giảng cho các thế hệ tiếp theo sau. Theo một nghĩa nào đó, Đức Giê-su Kitô vẫn là một hôm qua, hôm nay và ngày mai, nhưng sự nhận hiểu của chúng ta về Đức Giêsu là ai và về ý nghĩa của Người đối với ơn cứu độ thì thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác và đôi khi – thật đúng đắn – thay đổi từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác.

Đặc nét cuối cùng của Kitô học hiện đại chính là khuynh hướng nhấn mạnh đến nhân tính của Đức Giêsu. Dermot Lane nhấn mạnh rằng chính nhân tính được Phục Sinh của Đức Giêsu là nguồn của ơn cứu độ. Để cảm nghiệm việc Thiên Chúa tự biểu lộ tình yêu của Ngài, người tín hữu phải gặp gỡ nhân tính Phục Sinh của Đức Giêsu. Một số nhà thần học hiện nay, chẳng hạn các nhà thần học giải phóng, đặc biệt nhấn mạnh đến con người Đức Giêsu và cuộc sống tại thế của Người. Các nhà thần học này nhìn Đức Giêsu lịch sử như một con người quan tâm đến người khác, một con người dành cả cuộc sống mình để bày tỏ sự quan tâm và tình yêu thương đối với những người nghèo và những kẻ bị lọai trừ trong xã hội của Người. Vì vậy, các Kitôhữu ngày nay phải trở thành, như Đức Giêsu, những con người biết quan tâm tới người khác, không chỉ là quan tâm đến ích lợi thiêng liêng của người ta mà còn là quan tâm đến những thiện ích thuộc  lãnh vực trần thế nữa. Như thần học giải phóng chỉ rõ, ơn cứu độ đến từ Đức Giêsu có tính “toàn diện” – nghĩa là, ơn cứu độ ấy liên quan tới sự biến đổi toàn bộ con người, cả tâm linh lẫn thể lý.

Ở đây có lẽ cần lưu ý một điều. Kitô học hiện đại – trong tiềm năng cao nhất của nó với sự nhấn mạnh đến nhân tính của Đức Giêsu – không hề nhằm để phủ nhận thiên tính của Người. Đối với các Kitôhữu, nhân tính của Đức Giêsu và đức tin vào thiên tính của Người luôn luôn tồn tại trong trạng thái căng thẳng với nhau. Mục tiêu gay go của chúng ta là giữ được thế quân bình giữa hai đàng.

Giáo Hội

Chính trong và xuyên qua Giáo Hội mà người ta tiến tới hiểu biết Đức Giê-su Kitô. Người Công Giáo tin rằng khả năng lớn nhất để hạnh ngộ với sự tự biểu lộ của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Kitô được tìm thấy bên trong các truyền thống của Giáo Hội Công Giáo xét như một cộng đoàn đức tin. Đức tin Công Giáo không phải là cuộc gặp gỡ giữa chỉ hai bên – Đức Giêsu và cá nhân người tín hữu; nhưng đó là cuộc gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh trong và xuyên qua cộng đoàn các tín hữu. Giáo Hội tìm thấy nguồn gốc của mình nơi các “buổi nhóm họp” hay các “cuộc qui tụ” thời sơ khai của những người đã lãnh Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu, họ qui tụ với nhau để cử hành việc bẻ bánh. Từ ngữ “Giáo Hội” có gốc ở từ Hi Lạp “ekklesia” (ex [đi ra] và kaleo [gọi]), do đó có nghĩa mặt chữ là “những người đã được gọi ra”, nhằm chỉ một cuộc tụ họp hay đại hội.

Theo tinh thần Vatican II, thần học hiện đại Công Giáo định nghĩa Giáo Hội chủ yếu bằng những cách diễn tả có tính ngã vị. Giáo Hội được mô tả là “Thân Mình Chúa Kitô” và là “Dân Thiên Chúa”, nhấn mạnh rằng Giáo Hội trước hết và trên hết là một cộng đoàn những người tin được hiệp nhất với nhau trong đức tin vào Đức Giê-su Kitô (LG 1-2). Vatican II tái khẳng định rằng giáo hoàng và các giám mục có thẩm quyền đặc biệt trong Giáo Hội. Tuy nhiên, không giống Vatican I, Vatican II nói đến các yếu tố cơ chế và quyền bính của Giáo Hội trong liên hệ với vai trò mà các yếu tố ấy đảm nhiệm để hoàn thành sứ mạng thiêng liêng của Giáo Hội. Một sự phát triển đáng lưu ý trong nhận thức về cơ cấu có tính cơ chế của Giáo Hội đã được thực hiện với việc đề ra nguyên tắc tập đoàn tính, nguyên tắc này khẳng định rằng chính giáo hoàng và các giám mục cùng nhau cai quản Giáo Hội hoàn vũ, chứ không phải một mình giáo hoàng (LG 22). Chương IV của Lumen Gentium nhấn mạnh vai trò năng động của người giáo dân trong Giáo Hội (LG IV).

Mặc dù Giáo Hội có một vai trò tất yếu trong kinh nghiệm đức tin, chúng ta cũng không được phép quên rằng vai trò của Giáo Hội là một vai trò trung gian. Giáo Hội – cùng với các bí tích, các tác vụ và các giáo huấn của Giáo Hội – là một phương tiện chuyển thông ơn cứu độ. Giáo Hội giúp cho các tín hữu có thể gặp gỡ Đức Giê-su Kitô và Thiên Chúa là Đấng được mạc khải nơi Đức Giê-su Kitô. Người Công Giáo không tin vào Giáo Hội hay vào giáo hoàng cũng một thể cách như họ tin vào Thiên Chúa hay vào Đức Giê-su Kitô. Niềm tin vào Giáo Hội không thể hoàn toàn đồng hóa với niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng được mạc khải nơi Đức Giê-su Kitô. Vì thế, câu nói “người Công Giáo tin vào Giáo Hội” là một phát biểu không hoàn toàn chuẩn xác và cần phải được hạn định cho rõ. Để chính xác hơn, nên nói rằng người Công Giáo tin rằng Đức Giê-su Kitô hiện diện trong Giáo Hội, nghĩa là, tin rằng Giáo Hội đang làm cho Đức Giê-su Kitô hiện diện với mọi con người đang sống trong thế giới ngày nay nhờ đó họ có thể cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa như được mạc khải nơi Đức Giê-su Kitô.

Các Biểu Tượng

 Của Đức Tin

Chính ở bình diện các biểu tượng của đức tin mà nội dung của đức tin mặc lấy một hình thức cụ thể hơn. Mặc dù nội dung chính yếu của đức tin là Thiên Chúa và mạc khải tình yêu của Thiên Chúa trong và qua Đức Giê-su Kitô, đối với người Công Giáo, việc Thiên Chúa tự biểu lộ tình yêu của Ngài được gặp gỡ và cảm nghiệm xuyên qua các biểu tượng (tức những diễn tả cụ thể) của truyền thống Công Giáo. Nói “các biểu tượng của đức tin”, chúng ta nhằm nói đến tất cả những diễn tả cụ thể của nội dung đức tin làm nên truyền thống Công Giáo từ thuở ban đầu của Kitô giáo cho đến hiện nay. Một số trong những biểu tượng này, chẳng hạn Thánh Kinh, có tính rất nền tảng; chúng mang tính chuẩn mực một cách đặc biệt bởi vì chúng chứa đựng kinh nghiệm của các Tông đồ về mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Kitô. Các biểu tượng khác, chẳng hạn các giáo thuyết của Giáo Hội, là những biểu tượng có tính dẫn xuất, theo nghĩa rằng chúng là những sự diễn tả về sau này nhằm chuyển đạt kinh nghiệm mạc khải của các tông đồ cho những người sống trong các bối cảnh văn hóa và lịch sử mới mẻ. Từ “biểu tượng” được dùng ở đây theo nghĩa rộng nhất của nó, bao hàm tất cả những thể cách đa dạng mà qua đó Giáo Hội làm cho sự mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Kitô được hiện diện cụ thể – những thể cách đó là: Thánh Kinh, các bí tích, phụng vụ, các giáo thuyết và các tín điều, các giáo huấn đạo đức và luân lý, việc cầu nguyện, chứng tá của các thánh và đời sống của các Kitôhữu tín trung, vv…

Việc sử dụng thành ngữ “các biểu tượng của đức tin” xem ra có thể gây bối rối cho một số bạn đọc. Nhiều người có thể tự hỏi tại sao không gọi đó là các giáo thuyết của đức tin. Nhưng làm thế có nghĩa là trở lại với mẫu thức trí năng vốn xem nội dung của đức tin chủ yếu là sự biểu hiện các chân lý. Nếu đức tin chuyển đạt tình yêu của chính Thiên Chúa – là điều mà mẫu thức ngã vị mô tả là nội dung chính của đức tin – thì ngôn ngữ biểu tượng sẽ là cách hữu hiệu hơn để mô tả những cách diễn đạt cụ thể của đức tin. Các giáo thuyết chủ yếu nại đến trí năng. Còn các biểu tượng nại đến toàn thể con người, gồm cả trí năng trong đó.

Ngày nay nhiều nhà thần học và nhiều triết gia hiện đại mô tả ngôn ngữ của đức tin là ngôn ngữ biểu tượng. Trong quyển Các Mẫu Thức Mạc Khải của mình,(18) Avery Dulles cho thấy rằng ý niệm về mạc khải như sự vén mở có tính biểu tượng đã trở thành rất phổ biến trong thế kỷ 20. Theo quan điểm này, việc Thiên Chúa tự biểu lộ nơi Đức Giê-su Kitô luôn luôn được trung chuyển trong và qua các biểu tượng. Dulles định nghĩa một biểu tượng là “…một dấu hiệu được cảm nhận bên ngoài tác động một cách mầu nhiệm trên ý thức người ta để nói lên nhiều hơn những gì mà dấu hiệu ấy có thể mô tả hay xác định cách rõ ràng.” (19)” 

Ngôn ngữ của đức tin là ngôn ngữ của biểu tượng – nói thế không hề có nghĩa rằng các diễn tả của đức tin không có cơ sở nơi thực tại. Các biểu tượng của đức tin tham dự vào các thực tại mà chúng mạc khải. Đồng thời các biểu tượng của đức tin không thể bị đồng hóa với những thực tại kia bởi vì bản thân chúng được lấy từ ngôn ngữ của con người là cái có tính hữu hạn, bị điều kiện, và thuộc về lịch sử – trong khi đó thực tại của việc Thiên Chúa tự biểu hiện thì vô hạn, không điều kiện và tuyệt đỉnh. Vì thế, các biểu tượng của đức tin không thể diễn tả cách đầy đủ và trọn vẹn những thực tại của đức tin, những thực tại mà – nói cho cùng – là những mầu nhiệm. Theo bản chất thì các biểu tượng của đức tin là những sự diễn tả đúng thực, nhưng giới hạn, về sự tự biểu hiện của Thiên Chúa. Như vậy, các biểu tượng không phải là những cách nhận hiểu có tính chủ quan, lỏng lẻo, mập mờ về các thực tại của đức tin. Trái lại, chúng là những cách rất có năng lực và hữu hiệu bởi vì chúng đặt người tin tiếp xúc với các thực tại khách quan của việc Thiên Chúa tự biểu hiện và làm cho người tin có thể cảm nghiệm được những thực tại này một cách riêng tư.

Một hệ quả của việc nhìn ngôn ngữ của đức tin như có tính biểu tượng, đó là thần học có thể nói về nhiều biểu tượng khác nhau. Bởi vì không một biểu tượng đơn độc nào có thể diễn tả rốt ráo một mầu nhiệm đức tin, nên các biểu tượng khác cũng có thể được phát triển để diễn tả cùng một mầu nhiệm đó. Chúng ta đã nhận ra cách thức mà Tân Ước sử dụng nhiều tước hiệu khác nhau để diễn tả thực tại Đức Giêsu và cách mà các biểu tượng Kitô học đã phát triển sau giai đoạn Tân Ước và tiếp tục phát triển ngay cả đến thời đại của chúng ta.

Ngày nay một số nhà thần học chỉ ra rằng có một thứ bậc các biểu tượng đức tin, nghĩa là một số biểu tượng thì có tính thiết yếu đối với đức tin hơn những biểu tượng khác. Đối với người Công Giáo, các biểu tượng về Chúa Ba Ngôi, về mầu nhiệm Nhập Thể, và về Giáo Hội xét như là Dân Thiên Chúa thì quan trọng hơn rất nhiều so với các giáo thuyết khác ở cấp thấp hơn trong thứ bậc, chẳng hạn về quyền bất khả ngộ của giáo hoàng, về luyện ngục, về Đức Mẹ Vô Nhiễm Trinh Thai. Điều này không có nghĩa rằng người Công Giáo nên được cho phép chỉ chọn lọc lấy những gì mình muốn để tin. Nhưng cũng không nên kỳ vọng họ chấp nhận tất cả các biểu tượng của Giáo Hội Công Giáo cùng một cách hoàn toàn như nhau.

HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỨC TIN

Hành động của đức tin qui chiếu đến bản chất của sự đáp trả, trạng thái tâm lý của con người đang chấp nhận việc Thiên Chúa tự biểu hiện tình yêu thương của Ngài nơi Đức Giê-su Kitô. Việc thảo luận về hành động của đức tin sẽ liên quan đến một phân tích về những yếu tố tâm lý thiết định sự đáp trả của chủ thể (tức đương sự) là người liên can đến kinh nghiệm đức tin. Trong phần này, chúng ta sẽ khảo sát sáu yếu tố của hành động đức tin: sự đáp trả của toàn bộ con người, sự đáp trả tự do xuyên qua ân sủng, sự trung thành, sự chuyển hóa đầy sáng tạo, đức tin và sự nghi ngờ, và các chặng đường của đức tin. 

Sự Đáp Trả

Của Toàn Bộ Con Người

Nhìn từ nhãn quan của mẫu thức ngã vị, hành động của đức tin trước hết là một sự đáp trả của ngã vị con người. Đức tin không phải là một sự đáp trả của chỉ một phương diện nào đó của nhân cách chúng ta, nhưng là sự đáp trả của toàn bộ con người chúng ta. Nó là sự chu toàn điều răn đã được nêu ra trong Sách Đệ Nhị Luật: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em.” (6,5).

Hành động của đức tin đòi hỏi sự qui phục hoàn toàn và dấn thân trọn vẹn. Về phương diện này, hành động của đức tin rất giống với sự đáp trả của tình yêu, một sự đáp trả đòi hỏi trao đi tất cả bản ngã. Thật vậy, một đức tin sống động phải luôn luôn bao hàm tình yêu. Sự đáp trả của đức tin, xét như sự hiến trao trọn vẹn bản ngã, luôn luôn liên quan đến mọi yếu tố tâm thần của con người, cả ý thức lẫn vô thức – nghĩa là phải bao gồm những yếu tố như: tín nhiệm, vâng phục, yêu thương, thông cảm, chấp nhận, ràng buộc, cảm xúc, đam mê. Đức tin không phải chỉ là một sự đáp trả của trí năng hay ý chí hay tình cảm, nhưng là của cả ba yếu tố ấy cùng hòa quyện với nhau trong một hành động “trục” của nhân vị. Nhìn từ quan điểm này, ta thấy hành động của đức tin bao gồm sự chấp nhận của trí năng đối với các giáo thuyết hay tín điều, cũng như bao gồm tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân, một hình thức vâng phục nào đó đối với Giáo Hội của mình, cũng như bao gồm các cảm nghĩ và cảm xúc được khơi lên do kinh nghiệm về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa.

Đối với các nhà thần học như Paul Tillich, cách hiểu về hành động của đức tin như một hành động “trục” sẽ giúp chống lại một số cách hiểu méo mó nào đó về hành động của đức tin. Theo Tillich, nếu sự đáp trả của đức tin được đồng hóa với một trong những yếu tố làm nên con người – và loại trừ các yếu tố khác – thì ý nghĩa của sự đáp trả ấy đã bị méo mó. Nếu hành động của đức tin được hiểu chỉ như một sự đáp trả của trí năng, thì đức tin trở thành chỉ là sự chấp nhận của trí năng đối với một mớ chân lý nào đó. Nếu đức tin được xem là hành động của chỉ ý chí, thì nó sẽ trở thành không gì hơn ngoài một hành động mù quáng của ý chí, một quyết định độc đoán của ý chí chấp nhận những điều mà người ta không thể nhận hiểu bằng lý trí được. Nhìn đức tin chỉ như một sự đáp trả thuộc cảm tính thì có nghĩa là giảm trừ đức tin đến chỉ còn là một cảm xúc chủ quan, vô hại, không liên quan gì đến lý trí và ý chí, và không thể khẳng định bất cứ một chân lý nào cả. Để tránh những lệch lạc như vậy, luôn cần phải nhìn hành động của đức tin như một sự đáp trả của trọn vẹn bản ngã con người.

Sự Đáp Trả Tự Do

Xuyên Qua Ân Sủng

Trong tư cách là một hành động “trục” của nhân vị, đức tin là một sự đáp trả hoàn toàn tự do. Hành động của đức tin là một hành động tự do theo nghĩa rằng người tín hữu tự mình quyết định chấp nhận sự tự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa như được mạc khải nơi Đức Giê-su Kitô. Không thể có chuyện ép buộc một người thực hiện hành động của đức tin – và tất cả những cố gắng của quá khứ, hiện tại và tương lai nhằm ép buộc đức tin cần phải bị lên án triệt để.

Tuy nhiên, đồng thời với việc không ngừng khẳng định yếu tố tự do của hành động đức tin, Kitô giáo vẫn luôn chủ trương rằng hành động của đức tin chỉ có thể được thực hiện trong sự cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa. Một số bản văn quan trọng của Thánh Kinh hậu thuẫn cho điều này: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44); “Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19); “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Ep 2,8). Thánh Augustinô nói về “sự soi sáng của Thiên Chúa”. Thánh Tôma Aquinô nói về một “bản năng bên trong” thúc đẩy người ta tin. Các nhà thần học ngày nay nói về một “khát vọng tự nhiên đối với Thiên Chúa” (Henri de Lubac), về “hiện sinh thể thiêng liêng” (Karl Rahner), và về “khát vọng bất khả kháng” muốn hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa (Bernard Lonergan). Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, các nhà thần học đã tranh luận về cách nhận hiểu mối tương quan giữa tự do và ân sủng trong hành động của đức tin, khi thì nhấn mạnh đến tự do, khi thì nhấn mạnh đến ân sủng, nhưng họ đã không thành công, và có lẽ sẽ không bao giờ thành công trong việc giải quyết mối căng thẳng vẫn tồn tại giữa hai bên. Trong hành động của đức tin, ân sủng và tự do là hai đối cực luôn luôn tồn tại trong tình trạng căng thẳng với nhau.

Tuy nhiên, khía cạnh ân huệ của đức tin sẽ trở thành bớt khó hiểu hơn nếu ân sủng được hiểu theo mẫu thức ngã vị. Theo cách tiếp cận này, ân sủng không phải là một cái gì đó mà Thiên Chúa chỉ tặng cho một số người này chứ không phải cho những người khác. Đúng hơn, chính bản thân Thiên Chúa tình yêu – là Cha, Con và Thánh Thần – tự do trao ban tình yêu vô điều kiện cho tất cả mọi con người. Đức tin là một ân huệ của Thiên Chúa, nói vậy có nghĩa rằng Thiên Chúa đi bước trước trong việc trao ban tình yêu và Ngài tác động đến sự chấp nhận của người tín hữu đối với tình yêu này. Vì thế, nói rằng đức tin là một ân huệ có nghĩa rằng con người không thể tạo ra, khởi xướng hay hoàn toàn kiểm soát được việc trao ban tình yêu một cách vô điều kiện của Thiên Chúa, con người cũng không thể hoàn toàn kiểm soát được hiệu quả của tình yêu này nơi mình. Đức tin vẫn tự do, nhưng không theo nghĩa rằng hành động của đức tin có thể được thực hiện xuyên qua chỉ nỗ lực của con người mà thôi. Người ta có thể chấp nhận hay khước từ sự tự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa, nhưng người ta không thể xóa bỏ sự hiện hữu của nó hay hoàn toàn nắm quyền kiểm soát ảnh hưởng của nó.

Sự Trung Thành

Có lẽ yếu tố ấn tượng nhất nhưng cũng rất thường gây tranh cãi nhất của hành động đức tin là phẩm tính trung thành. Nhìn sự đáp trả theo nhãn giới tâm lý, thì trung thành có nghĩa rằng hành động của đức tin là hành động có tính thường xuyên. Sự ràng buộc của hành động đức tin phải bền bỉ, kéo dài, kiên định. Khi một người thực hiện hành động của đức tin, thì trong sự dấn thân ấy có bao hàm thái độ tiếp tục trung thành với sự dấn thân của mình. Không có một điều kiện nào về thời gian, sức khỏe, tuổi tác được đặt ra cho niềm tin ấy, và đồng thời đương sự loại bỏ những niềm tin có tính trái ngược lại hay không nhất quán với niềm tin này. Vì thế, xét về mặt tâm lý, khi một người thực hiện một hành động đức tin chấp nhận sự tự biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Kitô, người ấy làm thế với ý thức rằng mình đang cam kết lâu dài, một sự cam kết mà mình sẽ cố gắng trung thành suốt đời mình.

Khi một người thực hiện một hành động của đức tin, người ấy không nói: “Tôi chọn trở thành một người Công Giáo tạm thời vào lúc này, cho đến khi tình hình sáng sủa hơn.” Nếu đây đúng là tình trạng tâm lý của đương sự, thì đương sự đã không thực sự cam kết gì cả, mà thực ra đương sự vẫn còn đang tìm kiếm sự ràng buộc đúng đắn cho mình. Về mặt tâm lý, một người không thể cùng một trật là một người Công Giáo, một người Tin Lành, Anh giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, hay một người tôn thờ chủ nghĩa nhân bản thế tục được. Đàng khác, trung thành không có nghĩa là bất bao dung. Một người có thể là Công Giáo và đồng thời tôn trọng các quan điểm của các tôn giáo khác hay các quan điểm triết học khác – và sẵn sàng cởi mở đón nhận sự thật được tìm thấy nơi các quan điểm ấy.

Hơn nữa, sự trung thành không phải là một chướng ngại cho sự tự do của con người. Eugene Kennedy cho thấy rằng ngày nay nhiều người, nam cũng như nữ, chất vấn sự trung thành suốt đời như thể đó là giấc mơ vu vơ của một kẻ điên rồ nào đó hoàn toàn không nắm hiểu bản tính con người. Người ta nói rằng sự trung thành bóp nghẹt tính cách của chúng ta, tước mất sự tự do của chúng ta. Nếu tình hình không trôi chảy, chúng ta muốn một ngõ thoát dễ dãi. Chúng ta không nhận ra ý nghĩa gì nơi việc tiếp tục duy trì mối tương quan hay tiếp tục kiên vững với những niềm tin xem chừng như không còn đem lại sự thuận tiện cho mình.

Kennedy không xem sự trung thành như một chướng ngại đối với sự tự do của con người. Trái lại, Kennedy nghĩ rằng sự trung thành thực ra giúp phát triển tự do ấy. Chúng ta thực thi sự tự do của chúng ta bằng cách ràng buộc mình với những người hay những chính nghĩa nào đó và bằng cách sẵn lòng nhận trách nhiệm về những sự chọn lựa của mình. (20) Quả thật, chính những người sợ không dám cam kết lâu dài mới là những người không thực sự tự do.

Cuối cùng, trung thành không phải là một sự nhượng bộ mù quáng, hoàn toàn loại bỏ mọi sự cởi mở đón nhận thay đổi. Sự dấn thân của hành động đức tin không phải là một cái gì được làm một lần cho tất cả, nhưng nó phải không ngừng được canh tân. Vì thế, hành động của đức tin phải sẵn sàng cởi mở để đón nhận những thay đổi xảy ra nơi bản thân chúng ta, nơi người khác, nơi Giáo Hội và nơi thế giới. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được với sự nhạy cảm, sự trao đổi thông tin, và sự sẵn sàng hy sinh. Nhờ kinh nghiệm nhạy cảm thay đổi này, sự trung thành được giữ mới mẻ luôn và hành động của đức tin được không ngừng canh tân.

Sự Chuyển Hóa Đầy Sáng Tạo

Như chúng ta thấy trong phần thảo luận trên đây về sự trung thành, hành động của đức tin đặt người ta trong một tiến trình thay đổi. Sự đáp trả của hành động đức tin có một hiệu quả biến đổi trên đương sự; nó canh tân và tái tạo nhân cách của chúng ta. Vì thế, hành động của đức tin đầy sức sáng tạo. Khía cạnh sáng tạo của hành động đức tin bắt nguồn một cách lôgic từ sự nhìn nhận rằng đức tin là một hành động “trục” (hành động của toàn thể ngã vị con người). Trong tư cách là một hành động của toàn thể ngã vị con người, xuất phát từ trọng tâm của bản ngã, đức tin không chỉ đem lại cho người tin thêm sự hiểu biết mà thôi. Nó thấm đẫm vào toàn bộ hữu thể của người tin xét như một nhân vị và ảnh hưởng đến cách mà người ấy sống và hành động. Hành động của đức tin đầy sức sáng tạo như có thể thấy trong một số khía cạnh:

Trước hết, nó chuyển hóa chính cá nhân người tin. Chấp nhận sự tự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Kitô, điều này sẽ đem lại một cuộc chuyển hóa nơi chính bản ngã của người tin. Xuyên qua hành động của đức tin, người tín hữu tiến tới một nhận thức mới về chính mình và về mối tương quan của mình với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới. Thứ hai, đức tin chuyển hóa mối tương quan giữa người tín hữu với những người khác. Trong tư cách là môn đệ của Đức Giê-su Kitô, người tín hữu trở thành giống như Đức Giêsu, nghĩa là trở thành một người quan tâm tới người khác. Đời sống của đương sự trở thành một đời sống yêu thương và phục vụ người khác, trao hiến chính mình cho người khác, như Đức Giêsu, quan tâm tới những người nghèo và những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Thứ ba, đức tin có khả năng chuyển hóa chính thế giới qua việc chuyển hóa các cơ cấu của xã hội. Như thần học giải phóng đã cho thấy, Giáo Hội và các Kitôhữu phải nỗ lực để vượt qua những hình thức áp bức và bất công trong chính trị, xã hội và kinh tế vốn đang tồn tại trong thế giới hôm nay. Điều này có nghĩa rằng phải phấn đấu để thay đổi các cơ cấu xã hội vốn gây ra sự kỳ thị chủng tộc, kỳ thị phái tính, apácthai, độc tài, quân phiệt, và các hình thức tệ nạn xã hội khác.

Đức Tin Và Sự Nghi Ngờ

Ở gốc rễ của cuộc thảo luận về mối tương quan của đức tin và sự nghi ngờ là câu hỏi về vai trò của lý luận con người trong hành động đức tin. Một đàng, hành động của đức tin đem lại cho người tin một sự chắc chắn vượt quá sự chất vấn và nghi nan. Đức tin là sự chấp nhận hoàn toàn và dấn thân trọn vẹn cho sự tự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Kitô. Ở một bình diện, đức tin liên quan đến một sự dấn thân không thể bị chất vấn bởi lý trí con người.

Đàng khác, do bản chất của các thực tại được mạc khải trong đức tin, có những yếu tố bất quyết và mù mờ liên quan đến hành động của đức tin. Như Thư Do Thái ghi nhận: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy…” (11,1). Sự tự biểu lộ của Thiên Chúa mạc khải các mầu nhiệm mà người ta không thể nhận hiểu hoàn toàn bằng khả năng suy lý của con người. Người ta luôn luôn cứ còn muốn hiểu nhiều hơn, muốn thấy rõ hơn. Vì thế, sẽ là điều hoàn toàn tự nhiên và bình thường việc người tín hữu có những vấn nạn về đức tin và muốn tìm kiếm những nhận hiểu sâu xa và đầy đủ hơn về các thực tại được chấp nhận trong đức tin.

Một trí óc biết tìm kiếm và phê bình là một yếu tố thiết yếu trong hành động của đức tin. Vào thế kỷ 13 Tôma Aquinô đã định nghĩa hành động của đức tin là “suy nghĩ với sự chấp nhận”. Đối với Aquinô, điều này có nghĩa rằng không chỉ việc suy nghĩ và chất vấn tương hợp với sự chấp nhận của đức tin, mà đó còn là những yếu tố thiết cốt trong hành động của đức tin. Ngày nay, các nhà thần học như Paul Tillich, Eugene Kennedy, Avery Dulles, và Gregory Baum mô tả vai trò phê bình mà lý trí đảm nhận trong hành động của đức tin bằng cách khẳng định tính tương hợp giữa đức tin và sự nghi ngờ. Rất tiếc, không có sự nhất trí giữa những nhà thần học này về ý nghĩa của hạn từ “nghi ngờ”. Tuy nhiên, tất cả các vị đều nhận thấy một số hình thức của sự chất vấn là tương hợp với hành động của đức tin.

Tuy nhiên, không phải mọi hình thức nghi ngờ đều tương hợp với hành động của đức tin. Khi sự nghi ngờ liên can tới một sự tẩy chay đức tin, nó sẽ hủy diệt đức tin và do đó không còn tương hợp với đức tin nữa. Người ta không thể vừa là Kitôhữu vừa nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Người ta không thể vừa là người Công Giáo vừa nghi ngờ rằng có thể Giáo Hội Công Giáo không có vai trò nào trong tiến trình mạc khải. Thế nhưng, như các nhà thần học này chỉ ra, có nhiều trường hợp trong đó sự nghi ngờ tương hợp với đức tin. Chẳng hạn, khi một số biểu tượng của đức tin không còn giải thích được kinh nghiệm đức tin một cách thỏa đáng, người ta không thể không chất vấn chúng. Những sự chất vấn như thế trở thành một phần rất thiết yếu trong tiến trình tìm kiếm của người tín hữu hầu có được một sự nhận hiểu thích đáng hơn về các mầu nhiệm của đức tin, cũng như về chính mình và về ý nghĩa của cuộc sống mình. Loại nghi ngờ như vậy không những không phải là một chuớng ngại đối với hành động của đức tin, mà nó thực sự còn là điều thiết yếu giúp cho sự nhất quán lành mạnh và sự phát triển tâm lý của người ta.

Các Chặng Đường Của Đức Tin

Các nghiên cứu hiện đại đã cho thấy rằng sự đáp trả của đức tin nơi một người không hoàn toàn giống nhau ở các chặng đường phát triển khác nhau của người đó. Trong tư cách là những con người tiến tới trưởng thành, chúng ta đi qua các chặng đường khác nhau của tiến trình phát triển – thuở sơ sinh, tuổi thiếu thời, thanh niên, người lớn. Điều mà các nhà tâm lý ngày nay đã khám phá ra đó là bản chất của sự đáp trả của đức tin sẽ thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của người ta. James Fowler đã phác họa các chặng đường khác nhau của đức tin tương ứng với các giai đoạn phát triển của con người. Ý nghĩa của công trình nghiên cứu của các học giả như Fowler không chủ yếu nằm ở chỗ định vị và dán nhãn chính xác cho các giai đoạn. Công việc này có thể được thực hiện theo những kiểu mẫu và khuôn khổ khác nhau. Điều quan trọng ở đây là việc nhìn nhận rằng người ta trải qua những chặng đường khác nhau trong quá trình phát triển đức tin. Nghĩa là chúng ta phải chấm dứt việc trao cho đứa bé một sự nhận hiểu đức tin của người lớn và tránh kỳ vọng người lớn sống loại đức tin của lũ con nít.

KẾT LUẬN

Mẫu thức ngã vị đưa ra một định nghĩa về đức tin trong đó quan tâm tới việc trung thành bảo quản yếu tính của mạc khải Kitô giáo và đồng thời cũng quan tâm tới việc chuyển trao mạc khải này bằng một cách thế sao cho đáp ứng được kinh nghiệm của những con người nam nữ thời đại. Một đàng, đức tin Kitô giáo nhìn về quá khứ. Định nghĩa của mẫu thức ngã vị cắm rễ kinh nghiệm đức tin nơi truyền thống Công Giáo. Theo mẫu thức ngã vị, đức tin không duy chỉ được nhìn như một kinh nghiệm chủ quan do người tín hữu tạo ra. Mẫu thức này nhấn mạnh rằng đức tin đặt nền trên sự tự mạc khải của Thiên Chúa, nơi thực tại Đức Giêsu, nơi kinh nghiệm của các tông đồ, nơi truyền thống Giáo Hội, và nơi các biểu tượng của đức tin. Mẫu thức này khẳng định tầm quan trọng của thẩm quyền giáo hoàng và các giám mục cũng như nhu cầu cần phải có một hình thức Giáo Hội cơ chế nào đó. Nó chấp nhận tính bất khả ngộ của Giáo Hội và chấp nhận rằng cần phải có những giáo thuyết và những tín điều.

Đàng khác, các thực tại của đức tin Kitô giáo phải được diễn tả bằng một cách sao cho chúng đụng đến các nhu cầu của hiện tại và tương lai. Định nghĩa theo mẫu thức ngã vị làm điều này bằng cách chấp nhận sự thách đố của Vatican II để đối diện với “những dấu chỉ của thời đại”. Một trong những quan tâm chính yếu nhất của mẫu thức ngã vị là trình bày các thực tại của đức tin bằng một cách thế sao cho chúng đáp ứng được kinh nghiệm của con người ngày nay. Định nghĩa theo mẫu thức ngã vị cũng chỉ ra rằng Giáo Hội và các Kitôhữu có trách nhiệm trong việc chỉ cho người ta thấy rằng Tin Mừng đang trả lời cho những vấn đề và những khó khăn của thời hiện đại như : tình trạng nghèo đói, nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, sự đàn áp chính trị, chiến tranh và hòa bình, việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân, các nền kinh tế, phá thai, mối liên hệ giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác, môi trường sinh thái, vv… Định nghĩa này nhấn mạnh rằng mối tương quan giữa các biểu tượng đức tin theo truyền thống và kinh nghiệm của con người phải là một tiến rình không ngừng đi tới. Chỉ bằng cách này đức tin Kitô giáo mới có thể tiếp tục là một thực tại sống động, chứ không phải là một tàn tích của quá khứ.

Cuối cùng, mẫu thức ngã vị cho thấy rằng một đức tin Kitô giáo đích thực sẽ đóng một vai trò tích cực trong tiến trình phát triển và thăng tiến nhân vị. Một số tên tuổi vô thần như Feuerbach, Nietzsche, Marx, Freud, Sartre, và các nhà theo chủ nghĩa nhân bản thế tục đã tẩy chay đức tin Kitô giáo bởi vì , một cách nào đó, họ nhìn đức tin ấy như một vật cản không cho họ phát triển bản ngã của họ. Định nghĩa của mẫu thức ngã vị về đức tin đã cho thấy bằng cách nào ngã vị người ta được chuyển hóa, canh tân, và tái tạo xuyên qua hành động của đức tin. Trên bình diện nhân loại, một nhân vị triển nở nhờ kinh nghiệm yêu thương và tương giao với người khác trong tình yêu. Thế mà, như mẫu thức ngã vị cho thấy, bản chất của mạc khải nằm ở chỗ Thiên Chúa biểu hiện tình yêu vô điều kiện của Ngài, một tình yêu thách đố người tín hữu yêu thương tha nhân bằng cùng một thể cách tương tự. Nếu tình yêu nhân loại có thể giúp cho nhân vị triển nở, thì kinh nghiệm về tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện sẽ càng giúp nhân vị triển nở nhiều hơn biết bao.

CÂU HỎI GIÚP TÌM HIỂU

1.Nội dung của đức tin là gì? Mẫu thức ngã vị hiểu như thế nào về nội dung đức tin?

2.Hành động của đức tin là gì? Mẫu thức ngã vị hiểu như thế nào về hành động của đức tin?

3.Sự trung thành nghĩa là gì? Làm sao sự trung thành có thể hòa hợp với sự tự do của con người, sự cởi mở sẵn sàng thay đổi, và sự bao dung đối với các tôn giáo khác?

4.Sự nghi ngờ nên đóng vai trò nào trong đức tin? Đức tin và sự nghi ngờ có thể tương hợp với nhau không, hay sự nghi ngờ luôn luôn hủy diệt đức tin?

——————-

(17) Dermot A. Lane, Thực Tại Đức Giêsu (New York: Paulist Press, 1975) các chương 1-7.

(18) Avery Dulles, Models of Relevation (Garden City, NY: Doubleday & Co., 1983). Đã có bản dịch Việt ngữ của cùng người dịch.

(19) Ibid., tr. 131 trong nguyên bản tiếng Anh.

(20) Eugene C. Kennedy, Believing: The Nature of Belief and Its Role in Our Lives (Garden City, NY: Doubleday & Co., 1977) 87-91.