DẪN VÀO THẦN HỌC: DẪN NHẬP

DẪN VÀO THẦN HỌC

Lm. Lê Công Đức

dịch từ nguyên bản tiếng Anh

The College Student’s Introduction to Theology

do Thomas P. Rausch, S.J.  biên tập

The Liturgical Press / St.Pauls xuất bản, 1996

MỤC LỤC

Dẫn  Nhập …………………….. 

Chương I: Thần Học Và Các Phương Pháp Của Thần Học

                  Thomas P. Rausch, S.J. …………

Chương II: Trở Về Nguồn: Thánh Kinh Do Thái

                  Daniel L. Smith-Christopher……….     

Chuơng III: Dẫn Vào Tìm Hiểu Tân Ước

                   Jeffrey S. Siker………..  

Chương IV: Giáo Hội Trong Lịch Sử

                   Herbert J. Ryan, S.J. ……………

Chương V: Đức Tin Kitô Giáo: Một Cái Nhìn Hiện Đại

                   John R. Connolly ……………….  

Chương VI: Khoa Nhân Chủng Thần Học

                    Mary M. Garascia, C.Pp.S. ……………

Chương VII: Thần Học Luân Lý: Đức Tin Và Lối Sống Kitô Giáo

                      John R. Popiden …………………..

Chương VIII: Đời Sống Kitô Giáo: Các Bí Tích Và Phụng Vụ

                      Michael Downey ……………………

Chương IX: Linh Đạo Kitô Giáo

                     Mary Milligan, R.S.H.M. ……………   

Chương X: Các Vấn Đề Trong Giáo Hội Ngày Nay       

                    Marie Anne Mayeski …………….

Chương XI: Thần Học Và Các Tôn Giáo Thế Giới

                     Christopher Key Chapple …………… 

Bảng chú giải từ vựng ………………………

Bảng chữ viết tắt ……………………………

Các bản đồ …………………………………..                                             

DẪN NHẬP

Từ khoảng cuối thế kỷ 12, khi các sinh viên và các học giả bắt đầu tổ chức thành những tập thể hay các “đại học” tại các thành phố như Bologna, Paris và Oxford, thì thần học đã trở thành một môn học cơ hữu. Khi các đại học này bắt đầu thay chỗ cho các học viện nhà tu hay học viện nhà thờ chính tòa, chúng thường bao gồm một số khoa phân biệt nhau, trong đó có khoa thần học. Khoảng năm 1250, Đại Học Paris đã có các khoa văn, luật, y, thần học – và đó là những khoa đã làm nên tên tuổi cho trường đại học này.

Khi Inhaxiô Lôyôla phác họa một nhãn quan giáo dục cho các đại học của hội dòng mà ngài mới thành lập hồi thế kỷ 16, ngài đặt nhãn quan đó trên nền tảng là những gì mà chính ngài đã kinh nghiệm trong quá trình học vấn của ngài, nhất là trong giai đoạn ngài học ở Paris. Cách riêng Inhaxiô đề cao tầm quan trọng của thần học, ngài tuyên bố rằng “trong các đại học của hội dòng, phải đặc biệt nhấn mạnh thần học” (Hiến Pháp, 446). Đối với Inhaxiô, thần học phải là một môn học chặt chẽ, điều mà Michael Buckley mô tả là “một sự khôn ngoan có cấu trúc mạch lạc” (1).  Trong các học viện của hội dòng, việc giảng dạy chính thức về thần học (phân biệt với việc giảng dạy về tôn giáo) sẽ bắt đầu cho các sinh viên ở độ tuổi 17. Đành rằng việc học thần học thường chỉ dành cho những ai chuẩn bị lãnh chức linh mục, song chỗ đứng quan trọng của môn học này trong chương trình giảng dạy của Dòng Tên vẫn in một dấu ấn sâu xa nơi tất cả những ai từng theo học tại các đại học của dòng này.

Các đại học của dòng Tên đã thiết chế một trong những hệ thống giáo dục đầu tiên trong lịch sử (2).  Nhưng chúng vẫn đi theo một mô hình  đại học thời Trung cổ với một tí chút sửa đổi – mô hình này xét căn bản vẫn còn tồn tại ở Âu Châu cho tới ngày hôm nay. Thần học có mặt trong trường đại học với tư cách là một chuyên khoa; nó thường không được hội nhập vào chương trình đại cương.

Ở Hoa Kỳ, tình hình hoàn toàn khác. Các đại học Mỹ được chia thành cấp đại học và cấp trên đại học. Đa số các trường đại học quốc lập không có phân khoa thần học (hay thường được gọi là phân khoa nghiên cứu tôn giáo), song ngày nay tình hình này đang bắt đầu thay đổi. Các đại học tư hay các đại học liên kết với Giáo Hội thường cung cấp những khóa học về tôn giáo hay thần học – đây có thể là những khóa tùy chọn hay bắt buộc. 

Trong những năm trước Công Đồng Vatican II, việc học thần học Công Giáo ở Hoa Kỳ đã bắt đầu thay đổi một cách ngoạn mục. Trước Công Đồng, việc giảng dạy thần học chủ yếu diễn ra trong các chủng viện. Các sinh viên tại các đại học Công Giáo nói chung được dạy về tôn giáo; họ không học thần học: “Cho tới những năm 1950, phần đông các đại học Công Giáo đã không cung cấp những khóa thần học ngay cả xét như một môn thuần túy có tính học thuật. Đó là những học viện văn khoa với chương trình rộng thoáng, tập trung vào triết học chứ không phải thần học. Đa số các đại học ấy có cung ứng những khóa nghiên cứu tôn giáo, nhưng đây thường là những khóa thiên về minh giáo và trong nhiều trường hợp các khóa này không đòi tín chỉ. Rất thường, vị giảng viên phụ trách không thuộc hội đồng khoa và không cần phải được nhà trường trao ủy nhiệm thư giảng dạy. Mục đích của các chương trình này là truyền đạt một cách một chiều các yếu tố của đức tin Công Giáo”. (3)

Mọi sự đã thay đổi sau Công Đồng Vatican II. Khi ngày càng có nhiều nam nữ giáo dân bắt đầu đoạt những văn bằng tốt nghiệp về thần học, Hội Thần Học Công Giáo Mỹ – nguyên là một tổ chức của các giáo sư chủng viện – đã thay đổi các điều lệ của mình vào năm 1964 để đón nhận các giáo dân ấy vào làm thành viên. Các đại học Công Giáo bắt đầu phát triển những phân khoa thần học có tính chuyên môn cao. Thành viên của khoa bây giờ gồm cả nam nữ giáo dân bên cạnh các linh mục và tu sĩ , ngày càng tích cực trong công tác nghiên cứu và ngay cả tham gia vào các hội thần học chuyên nghiệp. Với tình hình như vậy, địa điểm của việc giảng dạy thần học cũng đã chuyển dời từ các chủng viện đến các trường đại học và trên-đại-học.

Nhưng đà chuyên môn hóa ngày càng tăng ấy của các đại học Công Giáo nói chung và của các phân khoa thần học nói riêng đã được thấy là một điều vừa may vừa không may. Rất thường, các học viện Công Giáo hoàn toàn bắt chước các tiêu chuẩn và các giá trị học thuật của nền giáo dục đại học thế tục của Mỹ. Nhiều học viện như thế đã phải cắt xén các định hướng tôn giáo cố hữu của mình. Trong nỗ lực tập trung vào tính mô tả hơn là tuyên tín, nhiều phân khoa thần học đã tự biến mình thành những phân khoa nghiên cứu tôn giáo. Các phân khoa này đã trở nên rất “đa nguyên” xét về các phương pháp tiếp cận và xét về tính năng của chúng.

Tính đa nguyên ấy đặc biệt bộc lộ rõ trong các yêu cầu đặt ra cho việc học thần học/ tôn giáo ở các đại học Hoa Kỳ ngày nay. Mức yêu cầu trung bình hiện nay là hai khóa (4),  trong đó khóa nhập môn đôi khi là khóa bắt buộc. Nhưng thường thì sinh viên có thể hoàn thành bất cứ hai khóa nào. Với chỉ hai hay ba khóa, thường chẳng có liên quan gì mấy với nhau, một sinh viên hoàn toàn có thể tốt nghiệp một đại học Công Giáo mà không cần phải đọc một quyển Phúc Âm nào, không cần phải tìm hiểu Kitô học hay Giáo Hội học, cũng chẳng cần dự một khóa nào về đạo đức học Kitô giáo hay về thần học luân lý. Vì không có mấy sự nhấn mạnh đến lịch sử Giáo Hội, các sinh viên thường lạ lẫm với truyền thống Kitô giáo; họ không đọc Augustinô, Tôma Aquinô, Luther hay Newman. Họ ít biết về các truyền thống và các tôn giáo khác ngoài tôn giáo của chính họ. Và vì không có một hệ thống có tính liên thông, họ ít được dẫn nhập một cách bài bản vào việc nghiên cứu thần học và ít có cơ hội để nắm được một cái nhìn toàn diện về tất cả những gì bao hàm trong thần học. 

Vì vậy, quyển sách này – được biên soạn để sử dụng như một giáo trình bổ sung – sẽ cố gắng giới thiệu việc nghiên cứu thần học và các phương pháp khảo cứu đa dạng của nó. Không giống như cách tiếp cận cố hữu của các giáo trình cũ (de Deo Uno, de Deo Trino, vv…), cách tiếp cận ở đây sẽ có tính phương pháp luận. Thần học ngày nay đã ngày càng được “qui hoạch” thành các “khu vực” khác nhau, bao gồm nhiều môn chuyên biệt khác nhau. Tuy nhiên, khi giới thiệu những lãnh vực đa dạng của công cuộc nghiên cứu thần học, chúng tôi sẽ đề cập đến nhiều chủ đề truyền thống để làm những ví dụ.

Quyển sách này gồm ba phần. Phần I giới thiệu các vấn đề nền tảng. Chương 1 khảo sát bản chất của thần học vừa xét như một khoa học – với công việc phê bình của nó và với những chuyên ngành của nó – vừa xét như một công việc của Giáo Hội. Chương này cũng đề cập đến những căng thẳng đôi khi bật lên giữa các nhà thần học và các giám mục do bởi bản tính hai mặt này của thần học. Chương 2, Daniel L. Smith-Christopher sẽ trình bày câu chuyện của Israel và các Sách thuộc bộ Thánh Kinh Do Thái. Jeffrey Siker, ở chương 3, sẽ phác họa quá trình phát triển của qui điển Tân Ước, đồng thời sẽ đề cập đến những phương pháp phê bình Thánh Kinh và những khía cạnh đặc biệt của các Sách Tân Ước. Herbert J. Ryan, trong chương 4, sẽ đưa ra một cái nhìn toàn cục về lịch sử Giáo Hội.

Phần II bao gồm một số vấn đề có tính hệ thống. Chương 5, John R. Connolly sẽ khảo sát đức tin Kitô giáo, sẽ đối chiếu giữa một mẫu thức đức tin có tính tri thức và một cách tiếp cận có tính ngã vị; trong khi thảo luận về đức tin vừa xét như hành động vừa xét như nội dung, tác giả sẽ giới thiệu những chủ đề như: mạc khải, Kitô học , Giáo Hội, và các biểu tượng của đức tin. Mary M. Garascia, trong chương 6, sẽ khám phá một số vấn đề thuộc khoa nhân chủng thần học, sẽ khám phá về nhân vị xét như là hình ảnh của Thiên Chúa, xét như là tội nhân và được cứu, xét như là một bản ngã trước mặt Thiên Chúa, và xét như là một hữu thể có tính xã hội. Chương 7, John R. Popiden sẽ tìm hiểu bản chất và các phương pháp của thần học luân lý. Chương 8, Michael Downey sẽ giới thiệu một nhãn quan có tính bí tích nhấn mạnh đến ý nghĩa của các bí tích trong đời sống Kitôhữu.

Phần III khảo sát một số vấn đề hiện nay trong đời sống Giáo Hội. Mary Miligan, trong chương 9, sẽ giới thiệu ý niệm về linh đạo, tìm hiểu nhiều linh đạo khác nhau và những cá nhân điển hình của các linh đạo ấy. Chương 10, Marie Anne Mayeski sẽ thảo luận về ảnh hưởng của Công Đồng Vatican II đối với thần học Công Giáo Rôma và sẽ tập chú đến hai vấn đề của thời hậu Công Đồng, đó là phong trào đại kết và phong trào nữ quyền. Cuối cùng, trong chương 11, xuất phát từ tiếng gọi của Vatican II gọi mời đối thoại và hợp tác với các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, Christopher Chapple sẽ trình bày vắn tắt về các tôn giáo lớn không thuộc Tây phương.

Quyển sách này được viết từ nhãn quan Công Giáo Rôma, song phương pháp tiếp cận của nó có tính đại kết – điều này nằm trong chủ ý của các tác giả. Nó cũng phản ảnh tính đa nguyên của thần học hiện đại qua những nhãn giới khác nhau của các tác giả. Cần phải tôn trọng tính đa dạng đó. Các tác giả cộng tác trong tập sách này đã cố gắng – dù không phải luôn luôn thành công – để làm cho ngôn ngữ của các văn liệu lịch sử có tính bao gồm  hơn. Những điều chỉnh, nếu có, sẽ được đặt trong dấu ngoặc. Các bản văn của Công Đồng Vatican II sẽ được ghi xuất xứ  bằng tiêu đề La ngữ của các văn kiện; và độc giả sẽ tìm thấy ở cuối sách một bảng liệt kê các chữ viết tắt.

Quyển sách này là công trình hợp tác của các thành viên thuộc phân khoa thần học ở Đại Học Loyola Marymount. Nó được sử dụng lần đầu tiên trong một lớp học tại trường Đại Học này vào mùa xuân 1991. Tất cả chúng tôi trong phân khoa – là những người thu nhận được nhiều ích lợi từ công trình này – rất chân thành tri ân các sinh viên đã tham dự lớp học nói trên và đã đóng góp nhiều nhận định và đề nghị. Giới thiệu loạt bài này trong hình thức một quyển sách, chúng tôi hy vọng nó sẽ hữu ích để giúp cho độc giả làm quen với lãnh vực nghiên cứu thần học, một lãnh vực rất phong phú nhưng cũng đầy phức tạp.

Thomas P. Rausch, S.J.

——————–

(1)  Xem Michael J. Buckley, “In Hunc Potissimum…: Nhận thức của Inhaxiô về đại học Dòng Tên, “ Reading in Ignatian Higher Education 1 (Spring 1989) 24.

(2) Cf. George E. Ganss, The Constitution of the Society of Jesus (St. Louis: Institute of Jesuit Sources, 1970) 174.

(3) Robert J. Wister, “The Teaching of Theology 1950-90: the American Catholic Experience,” America 162 (February 3, 1990) 92; xin xem thêm David J. O’Brien, “The Church and Catholic Higher Education,” Horizons 17 (1990) 14.

(4) Chẳng hạn, trong số 28 đại học Dòng Tên ở Hoa Kỳ vào năm 1990, có 2 đại học yêu cầu bốn khóa, 10 trường khác đòi ba khóa, 15 trường đòi hai khóa, và 1 trường yều cầu một khóa.