JEAN-JACQUES OLIER LÀ AI ?

 (thanhcavietnam.org)

LƯU Ý ĐỘC GIẢ

Chúng tôi đã chọn bắt đầu hành trình thiêng liêng này bằng những gì đánh động sâu xa đời sống thiêng liêng của cha Jean-Jacques Olier : mối tương quan của ngài với Chúa Ba Ngôi, với Giáo Hội, đời sống tông đồ của ngài, đơn giản bởi vì những chủ đề này đối với chúng tôi dường như cấu thành nền tảng của tất cả chủ đề khác. Chỉ tiếp theo đó mà chúng tôi sẽ đề cập những chủ đề chạm đến những giai đoạn lớn trong đời sống thiêng liêng của cha sở giáo xứ Saint-Sulpice, thử thách của ngài, cuộc chiến đấu thiêng liêng, kinh nghiệm chữa lành, trước khi kết thúc bằng những đường hướng lớn của đường lối sư phạm thiêng liêng của ngài mà chính ngài đã sống cách mãnh liệt.

Vì sự sắp xếp này, nên độc giả sẽ có hứng thú đọc cách chăm chú, trước khi bắt đầu con đường cầu nguyện của mình, bản tóm tắt tiểu sử của cha Olier nằm ngay sau phần giới thiệu này.

Các bản văn được lấy lại dùng cho việc suy niệm đôi khi phô bày những khó khăn hay, ít ra, tạo ra một sự lạ lẫm bỡ ngỡ. Ngôn ngữ và văn hóa của thế kỷ XVII không phải là ngôn ngữ và văn hóa của thời đại chúng ta. Mỗi khi có một từ không thể được hiểu ngay lập tức, chúng tôi liền ghi chú sau nó một từ đồng nghĩa nằm trong ngoặc đơn (*). Chúng tôi không muốn chuyển sang nghĩa chung chung của tiếng Pháp hiện đại, vì sợ phản bội các bản văn và tước đi khỏi chúng một phần hương vị của chúng. Nhưng theo thói quen, chúng tôi đã lấy lại những bản văn như chúng được viết ra, hoặc là trong những tác phẩm được xuất bản, hoặc là trong những đoạn trích in rônêô. Một số bản văn đã là đối tượng của những thích nghi mà chúng tôi đã trông chừng. Chúng không thay đổi ý nghĩa của các bản văn và chúng làm cho dễ tiếp cận với các bản văn hơn.

Dù sao đi nữa, những bản văn này chỉ để lộ sự phong phú bên trong của chúng với điều kiện có sự suy niệm kiên nhẫn nào đó. Chúng tôi hy vọng rằng các độc giả có được sự nỗ lực này sẽ được đền bù lại.

————————————

(*) Trong bản dịch Việt ngữ, chúng tôi đã dùng những từ ngữ trong ngoặc đơn.

 

JEAN-JACQUES OLIER LÀ AI ?

Cha Jean-Jacques Olier sinh ngày 20 tháng Chín năm 1608 tại Paris, trong phường Marais, nơi gia đình của ngài sở hữu một khách sạn riêng. Cha của ngài thuộc về tầng lớp quý tộc pháp đình và hành nghề quan tòa. Rất sớm, Jean-Jacques  đã được gia đình dự định cho sự nghiệp giáo sĩ. Mẹ ngài, người mà ngài đã có những khó khăn trong suốt cuộc đời của mình, mơ ước cho ngài trách vụ tuyên úy của Vua, điều sẽ mở ra cho ngài cánh cửa làm Giám mục.

Là đứa trẻ thông minh, thế nhưng ngài đã tỏ lộ một sự mỏng manh tâm lý nào đó, được thể hiện bằng một khuynh hướng ái kỷ thái quá, điều mà về sau ngài sẽ gọi là « tính kiêu căng » của mình ; ngài dễ dàng trở nên trung tâm của mọi sự.

Vào năm 1617, cha ngài được bổ nhiệm làm giám sát toà án của nhà Vua (1) ở Lyon. Trở lại Paris cùng với gia đình của ngài một vài năm sau, Jean-Jacques đã theo đuổi « chương trình văn chương cổ ngữ học » và bắt đầu việc nghiên cứu giáo sĩ của mình ở Sorbonne. Ngài đã được cấp bổng lộc của đan viện Pébrac ở Auvergne và từ những tu viện khác. Ngài là một học sinh sáng giá, nhưng cũng như nhiều tu viện trưởng non trẻ thời bấy giờ, ngài đã tỏ ra khá trần tục và không bận tâm tương xứng cách nội tâm với trách vụ mà ngài có tham vọng.

Ngài nhận biết sự hoán cải đầu tiên của ngài nhờ một phụ nữ, bà Marie Rousseau, một nhà thần bí mà tiếp đến đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của ngài, và là người, một ngày kia, đã chất vấn ngài đang khi ngài đang ở cùng với các bạn bè của ngài trong một quán rượu ở phường Saint-Germain (2). Lúc đó ngài đã bắt đầu phản tĩnh và tự vấn về phẩm chất của cuộc sống của mình, thế nhưng vẫn không thể tự quyết định thay đổi cuộc sống tận căn.

Chính ở Ý mà ngài hoán cải thực sự ; đi Rôma để học tiếng Hy bá và cũng có thể để thoát khỏi một vài ảnh hưởng, ngài đã bị mắc chứng bệnh  mất thị giác. Ngài đã đi hành hương ở Lorette. Ở đó, ngài đã được chữa lành, nhưng đặc biệt ngài đã bị xâm chiếm bởi lòng khao khát cầu nguyện và tinh thần truyền giáo mà ngài đã không biết.

Trở lại Paris khi cha ngài vừa qua đời, ngài bắt đầu sống một đời sống nội tâm nhiều hơn, điều làm cho mẹ ngài lo lắng. Ngài tự đặt mình dưới sự hướng dẫn của cha Vincent de Paul (3) và trở nên gần gũi với người nghèo. Chịu chức linh mục năm 1633, ngài tham dự vào công việc truyền giáo mà cha Vincent đã khởi sự tổ chức xuyên qua các làng quê ở Pháp.

Chính trong một trong những cuộc ra đi truyền giáo của mình mà ngài đã gặp Mẹ Agnès vào năm 1634, tu viện trưởng của các nữ tu Đa Minh của tu viện Langeac, người đã đặt ngài trên con đường khiêm tốn và đón nhận lòng thương xót.

Một biến cố quyết định đã xảy đến đối với ngài vào năm 1636 : ngài thay đổi cha linh hướng và đã xin cha Charles de Condren, vị kế nhiệm của Hồng Y Bérulle đứng đầu Hội Thuyết Giảng, đồng hành với ngài. Cha Condren đã giúp cha Olier kinh nghiệm hoạt động của Thánh Thần nơi ngài. Lúc ấy ngài bắt đầu cảm nghiệm những gì sẽ trở nên điệp ngữ thiêng liêng của ngài : buông mình cho Chúa Thánh Thần.

Nhưng, để có thể hiến mình cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội hoàn toàn, ngài còn phải giải phóng mình khỏi tính kiêu căng đang quấy rầy ngài, đang ngăn trở ngài đi thẳng đến Thiên Chúa, đang kìm giữ ngài lệ thuộc vào cái nhìn của người khác. Giữa tháng Mười năm 1639 và lễ Phục Sinh năm 1641, ngài đã trải qua một sự trầm uất thiêng liêng thực sự, thời gian mà ngài cảm thấy bị mọi người bỏ rơi và ngày cả Thiên Chúa, Đấng mà cho đến lúc đó đã đổ đầy lòng ngài những an ủi. Thời gian đêm tối rất khổ sở mà ngài đã suýt bị cám dỗ tuyệt vọng, đang khi mà những ảo ảnh kiêu căng quấy nhiễu ngài mãnh liệt hơn.

Tại Chartres, vào lễ Phục Sinh 1641, ngài đã được chữa lành ; lúc ấy, như ngài nói, ngài đã bắt đầu thở và cười. Ngài đã phó thác tính kiêu căng của mình trong đôi bàn tay của Thiên Chúa, ngài đã chấp nhận hiện diện trước nhan Người như kẻ nghèo hèn, với điểm yếu này nơi ngài và không còn là một chướng ngại cho việc đi đến với Thiên Chúa và mối tương quan với tha nhân nữa.

Từ đó, ngài tự do ; cùng với một vài người bạn, ngài đã bắt đầu chuẩn bị một vài linh mục tương lai cho thiên chức linh mục ở Vaugirard ; rồi một cơ hội xảy đến cho ngài : người ta đề nghị ngài làm cha sở của giáo xứ Saint-Sulpice ; ngài đã chấp nhận, điều đã gây ngạc nhiên nhiều cho những người thân cận của ngài, đặc biệt là mẹ của ngài, vì thật không thích hợp cho một người quý tộc lãnh nhận trách nhiệm một giáo xứ ngoại ô như thế, dù nó nằm trong vòng ảnh hưởng của tu viện danh tiếng Saint-Germain-des-Prés.

Hầu như ngay lúc ấy, bên cạnh giáo xứ, ngài đã thành lập chủng viện Xuân Bích, được phát triển rất nhanh và trở nên mô hình cho các chủng viện được thành lập về sau ở Pháp. Không bỏ bê việc huấn luyện trí thức đang diễn ta ở Đại học Sorbonne, mục tiêu của ngài là hướng dẫn các linh mục tương lai vào một đời sống nội tâm sâu xa và vào sự hiệp thông với Chúa Kitô Mục Tử để hoàn toàn phục vụ Giáo Hội.

Cùng với các linh mục tụ họp xung quanh ngài và cấu thành nên mầm mống đầu tiên của Hội Linh Mục Xuân Bích, ngài đã đề nghị với các Giám mục việc phục vụ của ngài. Như thế, suốt cuộc đời mình, ngài đã thành lập tám chủng viện khác nơi những địa phận khác nhau của Pháp.

Song song vào đó, ngài đã triển khai một hoạt động mạnh mẽ trong giáo xứ của mình mà ngài muốn canh tân lòng sốt sắng. Ngài đã vấp phải nhiều khó khăn, và thậm chí, một ngày nọ, ngài đã vấp phải sự nổi lên chống đối thực sự, được khơi dậy do những người từ chối những cải cách mà ngài đã thực hiện. Trong những thử thách của ngài, ngài đã được cha Vincent de Paul nâng đỡ rất nhiều. Hoàn cảnh này cuối cùng được khôi phục, sự bình an trở lại trong giáo xứ và cha Olier chiếm được sự tin tưởng của các giáo dân của mình. Ngài đã ra sức làm cho phụng vụ được trang nghiêm và sốt sắng ; ngài phát triển các sách giáo lý bằng cách phân phối chúng trong các khu vực khác nhau của giáo xứ ; ngài cũng thành lập lớp giáo lý cho người trưởng thành ; ngài tổ chức việc phục vụ người nghèo.

Đối với các linh mục đang thực thi thừa tác vụ của họ nơi địa bàn giáo xứ, ngài nhấn mạnh đến việc cầu nguyện và đời sống cộng đoàn, cũng như công việc mục vụ mà vị trí của mỗi người đã được xác định rõ ràng. Chính ngài cũng ủng hộ sự trao đổi giữa họ. Là người cầu nguyện, đọc Lời Chúa đều đặn, ngài cũng hướng dẫn nhiều người trong đời sống thiêng liêng và trao đổi thư từ rộng rãi.

Là thành viên của Hội Thánh Thể, là sáng lập viên của Hội Thương Khó cùng với Gaston de Rentry, để đấu tranh chống lại việc đấu kiếm tay đôi, ảnh hưởng kín đáo của ngài đã được mở rộng. Chẳng phải là ngài đã đạt được sự trở lại của vua nước Anh, Charles II, vào năm 1653 ? vả lại, sự trở lại mà vẫn còn chưa có hiệu lực. Cùng với Royer de la Dauversière và Jean de Bernière, nhà thần bí xứ Normandie, ngài đã mang lại tất cả sự hậu thuẫn của mình cho việc truyền giáo ở Canada. Chẳng phải là chính ngài đã mơ ước ra đi đến vùng Viễn Đông hay sao?

Bị chứng sung huyết não, ngài đã phải từ bỏ trách nhiệm cha sở giáo xứ Saint-Sulpice của mình vào năm 1652, dù vẫn còn là bề trên của chủng viện. Ngài qua đời ngày mồng 2 tháng Tư năm 1657. Một vài tháng sau (khi) những linh mục Xuân Bích đầu tiên cập bến bờ biển mà lúc đó người ta gọi là Tân Pháp Quốc.

 

——————————–

(1) Vua Louis XIII. Về sau vào năm 1624, thân phụ của ngài được bổ nhiệm làm cố vấn cho nhà Vua (conseiller d’Etat) (chú thích của người dịch).

(2) « Chao ôi ! thưa quý ngài, quý ngài làm cho tôi đau buồn lắm ! Tôi cầu nguyện cho quý ngài hoán cải lâu lắm rồi : tôi hy vọng một ngày nào đó Chúa sẽ nhậm lời tôi », trích trong Gilles Chaillot, Prier à Saint-Sulpice avec Jean-Jacques Olier, Desclée de Bouwer, 1995, tr. 21 (chú thích của người dịch).

(3) Thánh Vincent de Paul sau này (chú thích của người dịch).

 

Bernard Pitaud, pss.

Bernard PITAUD, Prier 15 jours avec Monsieur Olier : Qui était Jean-Jacques Olier ?, Nouvelle Cité, n° 111, 2007, p. 9-14.

 

 

Xem các ngày đã đăng :

Ngày thứ nhất : Kính tôn vinh Ba Ngôi rất thánh.

Ngày thứ hai : Sống cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu-Kitô.

Ngày thứ ba : Buông mình cho Chúa Thánh Thần.

Ngày thứ tư : Hoàn tất Thân Thể của Chúa Giêsu-Kitô.

Ngày thứ năm : Hãy cầu xin cho tôi tinh thần tông đồ.

Ngày thứ sáu : Lạy Chúa Giêsu sống trong Mẹ Maria.

Ngày thứ bảy : Tinh thần của tôi đã không thể đi thẳng đến Thiên Chúa.

Ngày thứ tám : Sự khốn khổ của tâm hồn con người.

Ngày thứ chín : Tôi đã bắt đầu thở và cười.

Ngày thứ mười : Thập giá : sức mạnh phổ quát của Giáo Hội.

Ngày thứ mười một : Thầy sai anh em đi rao giảng lời của Thầy.

Ngày thứ mười hai : Cùng một hy tế được tiếp tục.

Ngày thứ mười ba : Trong Thánh Thần này chúng ta tin tưởng cầu nguyện.

Ngày thứ mười bốn : Thánh Thần, vị hướng dẫn nội tâm đích thực của chúng ta.

Ngày thứ mười lăm : Phải bước vào đời sống dâng hiến bằng cánh cửa ơn gọi.

 
 
  

Một bình luận

  1. […] sáng lập của Hội là cha Jean-Jacques Olier (1608-1657). Ngài xác tín rằng không thể canh tân Giáo Hội và đẩy mạnh việc rao […]

Đã đóng bình luận.